Đọc báo Pháp – 20/07/2020
Số phận của châu Âu qua đàm phán về kế hoạch chấn hưng kinh tế – Trọng Thành
Đàm phán căng thẳng tại Bruxelles từ hơn ba ngày nay tìm thỏa hiệp cho dự án chấn hưng Liên Âu, loạt trừng phạt chưa từng có của Mỹ nhắm vào nhiều quan chức Trung Quốc, Pháp nỗ lực đối mặt với nguy cơ đợt dịch Covid thứ hai, hỏa hoạn nhà thờ Nantes gây bàng hoàng. Trên đây là các chủ đề lớn trên các báo Pháp ra ngày thứ Hai 20/07/2020.
Les Echos và Libération dành nhiều trang cho cuộc đàm phán giữa lãnh đạo 27 thành viên Liên Âu tại Bruxelles. Trang nhất nhật báo kinh tế Les Echos chạy tựa «Tại Bruxelles, trong hậu trường cuộc cận chiến giằng co». Chủ đề trang nhất của Libération: «Châu Âu. Cuộc kháng cự của những nước keo kiệt», kèm theo nhận định: «các nước ‘‘khắc khổ’’ đứng đầu là Hà Lan đã chiến đấu suốt kỳ nghỉ cuối tuần qua chống lại kế hoạch chấn hưng, đặc biệt được Paris và Berlin hậu thuẫn. Vấn đề đoàn kết Liên Âu trở thành điểm chia rẽ mới trong nội bộ khối».
Bất đồng chính: Hàng trăm tỉ euro trợ giúp không hoàn lại
Hồ sơ đàm phán châu Âu của Les Echos có bài «Kế hoạch chấn hưng: các nước châu Âu phơi bày mâu thuẫn», cho biết cuộc đàm phán, khai mạc hôm thứ Sáu 17/07, dự kiến kết thúc ngày 18/07, đã phải kéo dài thêm một ngày Chủ Nhật 19/07, nhưng không đạt kết quả. Lãnh đạo các nước tiếp tục gặp nhau chiều nay. Khả năng thành công là «rất không chắc chắn», nguy cơ thất bại nhãn tiền. Theo Les Echos, «không khí bi quan ngự trị» ngay trong hai ngày thương thuyết đầu tiên, với thế đối đầu quyết liệt giữa một bên là cặp Đức-Pháp và các nước miền Nam châu Âu, và bên kia là nhóm 5 nước «khắc khổ» Bắc Âu, đứng đầu là Hà Lan.
Cặp Pháp – Đức chủ trương một kế hoạch chấn hưng với 750 tỉ euro, trong đó 500 tỉ là tiền hỗ trợ các nước nạn nhân đại dịch, chủ yếu ở miền Nam châu Âu. Một trong các bất đồng lớn xoay quanh số lượng tiền hỗ trợ không hoàn lại (bên cạnh vấn đề kiểm tra việc sử dụng tiền). Hà Lan kiên quyết không chấp nhận một khoản viện trợ lớn, mà thiên về giải pháp cấp tín dụng để các nước được vay bồi hoàn sau đó. Theo một nguồn tin châu Âu, một đề nghị mới được đưa ra để các đoàn tham khảo, theo đó số tiền này chỉ còn 390 tỉ euro, so với 500 tỉ trước đó (trước đó, cặp Đức – Pháp chấp nhận hạ mức tiền xuống còn 450 tỉ, nhưng không được phía các nước khắc khổ chấp nhận).
Merkel kiên quyết đến cùng, Macron « sẵn sàng hành lý »
Đầu giờ chiều ngày hôm qua, Chủ Nhật 19/07, thủ tướng Luxembourg Xavier Bettel cho biết, từ 7 năm gần đây, ông chưa bao giờ thấy giữa các thành viên châu Âu lại « đối kháng triệt để trong nhiều vấn đề đến như vậy ». Khai mạc ngày đàm phán thứ ba, hôm qua, thủ tướng Đức Angela Merkel phải cảnh báo thượng đỉnh « sẽ có thể không đi đến kết quả nào ». Về phần mình, tổng thống Pháp cũng nói trước là « sẽ không chấp nhận các thỏa hiệp nào gây tổn hại cho kỳ vọng xây dựng Liên Âu ».
Bài « Thượng đỉnh châu Âu: Merkel và Macron đoàn kết đối mặt với Rutte (thủ tướng Hà Lan) » cho biết rõ thủ tướng Đức và tổng thống Pháp đã luôn có mặt cùng nhau trong tất cả các cuộc đối thoại tay ba, tay tư, hay trong nhóm sáu người với thủ tướng Hà Lan, đại diện cho nhóm các nước khắc khổ. Tối thứ Bảy, đàm phán có vẻ đi vào ngõ cụt. Sau bữa ăn tối, trước khi các bên chuẩn bị gặp nhau lần nữa để thảo luận thêm, tổng thống Pháp nhắn với các cộng sự « chuẩn bị hành lý » ra về, trong trường hợp đàm phán hoàn toàn bế tắc.
Thủ tướng Hà Lan tự tin, bình thản
Bài phóng sự của Libération về diễn biến đàm phán, với tựa đề « Thượng đỉnh châu Âu: Đòn của kẻ hà tiện » tập trung mô tả thái độ rất tự tin, thản nhiên của thủ tướng Hà Lan Mark Rutte, bất chấp không khí căng thẳng, lo âu cao độ và gần như bế tắc. Nhiều nhân chứng có mặt trong các phái đoàn châu Âu nhận xét phải chăng thủ tướng Hà Lan thực sự không hề có ý định thương thuyết hay chỉ coi đây là dịp để khẳng định mình như một người hùng trong con mắt cử tri Hà Lan: vị thủ tướng đã đương đầu thành công với cặp Pháp – Đức.
Vì sao kế hoạch chấn hưng có ý nghĩa lớn ?
Trả lời Libération, kinh tế gia Xavier Timbeau – Đài quan sát các cơ hội kinh tế Pháp (OFCE) – nhấn mạnh là nếu đàm phán thất bại, hậu quả trước mắt là sẽ có « nhiều nước phải ra khỏi khu vực đồng euro ». Ngược lại, nếu thành công, dự án chấn hưng châu Âu, mà Đức và Pháp dồn mọi nỗ lực từ nhiều tháng nay để vận động, có một ý nghĩa tích cực to lớn đối với Liên Hiệp Châu Âu. Với dự án này, thẩm quyền của Ủy Ban Châu Âu sẽ tăng mạnh. Ủy Ban sẽ thực sự trở thành chính phủ của Liên Hiệp Châu Âu, với năng lực trực tiếp huy động vốn trên thị trường, cũng như tìm các nguồn thu mới (ví dụ như đánh thuế các-bon trên đường biên giới bên ngoài của Khối).
Đọc thêm : Châu Âu « hậu Covid-19 » : Áp lực chuyển sang kinh tế Xanh
Việc Ủy Ban Châu Âu có năng lực độc lập về tài chính như vậy là điều kiện để Ủy Ban có thể chủ trì, trong tương lai, việc thực hiện dự án chuyển sang nền Kinh tế Xanh, dự án được coi là có tính quyết định với tương lai của khối. Cuộc đàm phán về kế hoạch chấn hưng như vậy có những hệ quả rất lớn, không chỉ dừng ở khoản tiền 750 tỉ euro, nhằm hỗ trợ các nước thoát khỏi khủng hoảng do Covid-19.
Từ « Liên minh » đến « Liên bang »: Châu Âu buộc phải đoàn kết hơn
Ngược lại với tình hình bế tắc trong đàm phán đang diễn ra, Libération trong bài xã luận « Tâm kịch » đưa ra một cái nhìn khá lạc quan về triển vọng đoàn kết trong nội bộ khối. Theo Libération, Liên Âu không có cách nào khác là phải siết chặt đoàn kết. Kế hoạch chấn hưng 750 tỉ euro, trên thực tế, gắn liền với việc Liên Hiệp Châu Âu phải nhanh chóng trở thành một Liên Bang. Một quyết định lịch sử như vậy chắc chắn không thể diễn ra một cách dễ dàng. Đây cũng chính là lý do khiến đàm phán diễn ra dai dẳng. Cuộc họp thượng đỉnh « hết sức khác thường này » lại càng có lý do để diễn ra trong bối cảnh lo ngại gia tăng trước đại dịch Covid. Trong trường hợp dịch bệnh tái phát, theo Libération, Liên Âu ắt hẳn sẽ còn cần đoàn kết hơn nữa.
Trung – Mỹ: « Để mặc độc tài trở thành cường quốc số một thế giới ? »
« Căng thẳng Trung – Mỹ gia tăng » là hồ sơ chính trang quốc tế của Le Monde. Nhật báo Pháp mở đầu với nhận định của nhà nghiên cứu về Trung Quốc Jean-Pierre Cabestan (Đại học Báp-tít, Hồng Kông) : « Lần đầu tiên kể từ vụ thảm sát Thiên An Môn 1989, Trung Quốc chưa bao giờ phải hứng chịu các trừng phạt mang tính hệ thống như vậy ». Tuy nhiên, vấn đề giờ đây là hoàn toàn khác, theo Jean-Pierre Cabestan, « không còn là chuyện một vụ thảm sát, mà là liệu có thể để cho một chế độ độc tài chuyên chế trở thành cường quốc số một thế giới? ».
Đọc thêm : Hai cội nguồn của chế độ toàn trị Trung Quốc: Cơ hội nào cho dân chủ?
Từ Tân Cương, Hoa Vi… đến Hồng Kông mới đây, các quan chức tham gia đàn áp đã và sẽ bị trừng phạt. Riêng với Hồng Kông, hiện tại chưa rõ quan chức nào sẽ bị trừng phạt. Theo Bloomberg (hôm 15/07), rất có khả năng ủy viên thường vụ Bộ Chính Trị đảng Cộng Sản Trung Quốc Hàn Chính (Han Zheng) nằm trong danh sách. Đây là nhân vật đứng thứ bảy trong hệ thống quyền lực Trung Quốc. Nếu điều này là đúng, thì chưa bao giờ Washington lại trừng phạt một nhân vật cao cấp như vậy của chế độ Trung Quốc.
Hiện tại, theo New York Times, chính quyền Trump cũng đang xem xét khả năng cấm thị thực nhập cảnh đối với 92 triệu đảng viên đảng Cộng Sản Trung Quốc. Riêng về biện pháp này, Le Monde dẫn bình luận của nhà nghiên cứu về Trung Quốc người Mỹ Jude Blanchette, tỏ ra dè dặt, khi coi đây có thể là một biện pháp « chưa chín muồi », « thiếu suy nghĩ chiến lược », bởi một quyết định như vậy có thể khiến lãnh đạo Trung Quốc có cơ hội « thể hiện mình như là đang bị các thế lực thù địch phương Tây vây hãm ».
Điều tra Mỹ, Canada: Dân Trung Quốc khá tin vào Tận Cận Bình
Như để chỉ ra tính chất không đơn giản của vấn đề Trung Quốc, Le Monde giới thiệu hai kết quả điều tra về thái độ của người dân Trung Quốc với các lãnh đạo Trung Quốc, do một số đại học tại Mỹ và Canada tiến hành mới đây.
Nghiên cứu do giáo sư Cary Wu, khoa xã hội học, đại học York Canada chủ trì, gửi bảng câu hỏi đến gần 20.000 người dân Trung Quốc sống tại Trung Quốc. Việc gửi bảng câu hỏi do 613 sinh viên Trung Quốc, theo học tại 53 đại học, được thực hiện trong tháng 4. Điều tra thứ hai do nhóm ba giảng viên đại học Mỹ (Edward Cunningham, Tony Saich và Jessie Turiel) thuộc Ash Center for Democratic Governance and Innovation của đại học Harvard (Massachussetts), phỏng vấn 31.000 người Trung Quốc (cuộc điều tra diễn ra 8 đợt từ 2003 đến 2016, kết quả công bố tháng 7/2020).
Nhìn chung, theo tổng hợp của nhà báo Frédéric Lemaitre của Le Monde, người dân Trung Quốc đa số tỏ ra khá hài lòng với các lãnh đạo hiện nay. Kết quả điều tra năm 2016 của nhóm nghiên cứu đại học Harvard cho thấy, vào thời điểm đó 71% tin vào « các biện pháp chống tham nhũng » (so với 35% năm 2011). Cũng năm 2016, 75% cho rằng « biến đổi khí hậu là có thực và do con người gây ra », 43% cho rằng chất lượng không khí được cải thiện trong những năm gần đây. Nhà báo Le Monde dẫn nhận định của các nhà nghiên cứu Mỹ, vào thời điểm 2016, chính quyền của ông Tập Cận Bình được đông đảo người dân ủng hộ, điều chưa từng thấy đối với các chính quyền Trung Quốc trong vòng hai thập niên trước đó.
Covid: Pháp nỗ lực tránh đợt dịch thứ hai
Nước Pháp sẵn sàng đối phó với đại dịch Covid-19 lần nữa là chủ đề chính của nhật báo Les Échos. Tựa trang nhất: « Tăng cường biện pháp để tránh một đợt dịch thứ hai ». Theo Les Échos, « đã có một số dấu hiệu chớm cho thấy dịch bệnh có thể trở lại. Việc mang khẩu trang sẽ là bắt buộc tại các địa điểm công cộng trong không gian kín. Trong trường hợp dịch bùng lại, một kế hoạch tái phong tỏa cục bộ gần như đã sẵn sàng ».
Trong cuộc trả lời phỏng vấn hôm thứ Sáu, 18/07, thủ tướng Pháp cho biết tình hình tại Pháp chưa phải là nghiêm trọng, nhưng cần sẵn sàng cảnh giác. Chính phủ đã có bốn kịch bản đối phó. Theo Les Échos, lệnh tái phong toả cục bộ có thể được ban hành ngay từ cuối tháng 7 này, đối với một số lĩnh vực, khu phố hay trường học.
Trong lĩnh vực giáo dục, Le Monde cho hay hệ thống đại học tại Pháp đang đứng trước áp lực chưa từng có vào dịp khai giảng năm nay. Do tỉ lệ học sinh tốt nghiệp phổ thông ở mức cao chưa từng thấy (95,7%), các trường đại học phải sẵn sàng đối phó với việc số sinh viên đăng ký theo học rất cao, vượt quá khả năng đáp ứng hiện tại, đặc biệt trong bối cảnh khó tiên liệu viễn cảnh dịch bệnh trong những tháng tới.
Cũng liên quan đến dịch Covid-19, Le Monde có bài viết đáng chú ý về « Ấn Độ : Tái khởi động kinh tế với cái giá phải trả cho môi trường và xã hội rất lớn ».
Nhà thờ Lớn Nantes: Thêm một vụ cháy khiến bao con tim tan nát
Vụ cháy Nhà thờ Lớn ở Nantes là chủ đề chính của hầu hết các báo Pháp số ra đầu tuần. Le Figaro dành bốn trang đầu cho Nhà thờ Lớn Nantes, với hàng tựa trang nhất : « Sau Nhà thờ Đức Bà Paris, lại thêm một vụ nữa khiến bao con tim tan nát ». Nhật báo Công giáo La Croix chạy tựa lớn : « Những ngôi nhà thờ lớn : Vấn đề an toàn cần được đặt ra ». Tờ báo khẩn thiết kêu gọi « cần khẩn cấp rà soát lại các điều kiện an toàn hiện nay tại các nhà thờ lớn. Cần phải cố gắng hết sức để vụ cháy thứ hai này không mở đầu cho một chuỗi hoả hoạn không dứt». Về vụ hoả hoạn tại Nhà thờ Lớn Nantes, Libération có bài phỏng vấn một chuyên gia về di sản, cho biết vụ cháy này đã làm nước Pháp mất đi nhiều tác phẩm nghệ thuật « đáng được trưng bày trong các bảo tàng ».
Đài France Cuture giải oan cho Marx
Trong lĩnh vực văn hoá, báo chí Pháp giới thiệu chương trình phát thanh bốn kỳ trên kênh France Culture (Chương trình mang tên « Karl Marx, un inconnu » (Karl Marx, một con người chưa được biết đến) gồm 4 tập, mỗi tập 1 giờ 49 phút của chuyên gia về Đức Christine Lecerf nằm trong chuyên mục « Grandes Traversées »), bắt đầu từ hôm nay, về Karl Marx, nhà tư tưởng người Đức, mà nhiều người coi như ông tổ của chủ nghĩa độc tài toàn trị cộng sản. Bài « Kênh France Culture nói về ”tư tưởng bị cướp phá” của Karl Marx », trên Le Monde, nhấn mạnh: « cái gọi là ”chủ nghĩa Mác” do Lênin sáng tạo ra, đã làm biến chất hoàn toàn dự án thoạt tiên mang tính giải phóng, mà Karl Marx tìm cách xây dựng, thành một lý thuyết được sử dụng để nô dịch triệt để con người ».
Nhật báo Công giáo La Croix cũng có bài giới thiệu chương trình phát thanh về Marx trên France Culture, với tựa đề « Karl Marx, một con người chống giáo điều cần được khám phá lại ». La Croix dẫn lời triết gia Pháp Lucien Sève, phát biểu trong chương trình phát thanh nói trên của France Culture, « Thế kỉ XX là thế kỉ của chủ nghĩa Mác, nhưng không hề có Mác ». Chương trình « Karl Marx, một con người chưa được biết đến » mô tả việc tác phẩm của Marx đã bị những người thừa kế đầu tiên bóp méo, bị chế độ Stalin sử dụng, bị chế độ Đức Quốc xã thiêu hủy » trước khi đưa thính giả đến với cuộc đời và tư tưởng thực sự của Karl Marx.
Tin tổng hợp
(AFP) – Anh tố cáo Trung Quốc vi phạm trầm trọng quyền của người Duy Ngô Nhĩ.
Ngoại trưởng Anh Dominic Raab ngày 19/07/2020 tố cáo Trung Quốc có những « vi phạm trầm trọng về nhân quyền », qua việc tống giam một triệu người Duy Ngô Nhĩ trong các trại cải tạo ở Tân Cương với cớ chống khủng bố, cưỡng bức triệt sản. Đại sứ Trung Quốc Lưu Hiểu Minh (Liu Xiaoming) khi trả lời BBC đã bác bỏ những cáo buộc này. Tuy nhiên, khi được chiếu cho xem hình ảnh hàng trăm người tù Duy Ngô Nhĩ quỳ gối, tay bị trói sau lưng và bị cưỡng bức lên tàu, ông Lưu tìm cách chống chế, dù video này đã được nhiều nhà nghiên cứu và cơ quan tình báo phương Tây công nhận tính xác thực. Tại Anh, kiến nghị yêu cầu trừng phạt Trung Quốc về Tân Cương đã thu thập được trên 100.000 chữ ký, đủ để vấn đề được đưa ra Nghị Viện thảo luận.
(Yonhap) – Máy bay trinh sát Mỹ trên bầu trời bán đảo Triều Tiên.
Theo nhiều nguồn tin quân sự Mỹ và Hàn Quốc, phi vụ được thực hiện vào lúc 10 giờ sáng, giờ Seoul, ngày 20/07/20200. Mục tiêu nhằm cung cấp cho Hàn Quốc một số thông tin. Quyết định được đưa ra hai ngày sau khi lãnh đạo Bắc Triều Tiên chủ trì một cuộc họp của Quân Ủy Trung Ương bàn về những phương án nhằm « tăng cường khả năng răn đe chiến tranh »
(AFP) – Gần 200 người thiệt mạng vì thiên tai tại Bangladesh, Nepal và Ấn Độ.
Chính quyền các quốc gia này chiều ngày 19/07/2020 cho biết lũ lụt và nạn sạt lở đã gây nhiều thiệt hại về nhân mạng và hàng triệu người bị tác động. Một phần ba diện tích của Bangladesh bị ngập nước. Tại Nepal đã có 79 người chết và 46 người mất tích do đất lở. Bang Assam, miền đông bắc Ấn Độ, đang phải đối mặt với thiên tai.
(AFP) – Chi nhánh quốc phòng của tập đoàn Airbus giành được hợp đồng 550 triệu euro của Anh.
Ngày 19/07/2020, hãng chế tạo máy bay châu Âu thông báo sẽ cung cấp cho bộ Quốc Phòng Anh vệ tinh quân sự loại Skynet6A vào năm 2025. Đây là công cụ nhằm giúp Luân Đôn tăng cường khả năng phòng thủ chống tin tặc. Lĩnh vực quân sự chiếm 25 % doanh thu của tập đoàn châu Âu.
(RFI) – Walmart yêu cầu khách hàng phải mang khẩu trang.
Bốn tháng sau khi đại dịch bắt đầu, chuỗi siêu thị lớn nhất nước Mỹ Walmart áp đặt các quy định nghiêm ngặt để bảo vệ khách hàng và nhân viên. Các tấm biển lớn cảnh báo khách hàng của 5.000 siêu thị Walmart phải mang khẩu trang, chỉ có một lối vào và lối ra duy nhất, các nhân viên được huấn luyện để khéo léo khuyến cáo khách mua hàng tuân thủ.
(AFP) – Tàu thăm dò Hỏa Tinh đầu tiên của Ả Rập cất cánh từ Nhật.
Sau hai lần bị hoãn vì thời tiết xấu, tàu thăm dò Al Amal (Hy Vọng) của Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất ngày 20/07/2020 đã được phóng lên từ trung tâm không gian Tanegashima (tây nam Nhật Bản). Phi thuyền không người lái này có mục tiêu cung cấp hình ảnh hoàn chỉnh của Hỏa Tinh trong khí quyển, sẽ bay quanh quỹ đạo của Hành Tinh Đỏ từ nay cho đến tháng 2/2021, đánh dấu 50 năm sự kiện bảy vương quốc nhỏ họp lại thành Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất.
https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200720-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p
Điểm tin thế giới sáng 20/7:
Kể từ khi bị Bắc Kinh áp luật an ninh mới,
Hồng Kông bỗng dưng mất kiểm soát dịch Covid-19
Lục Du
Mục Điểm tin thế giới sáng thứ Hai (20/7) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới quý đọc giả những tin sau:
Kể từ khi bị Bắc Kinh áp luật an ninh mới, Hồng Kông bỗng dưng mất kiểm soát dịch Covid-19
Theo AFP, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga, trưởng đặc khu Hồng Kông hôm 19/7 cho biết, dịch Covid-19 tại Hồng Kông rất nghiêm trọng và đang vượt khỏi tầm kiểm soát.
“Tôi nghĩ tình hình hiện nay vô cùng nghiêm trọng và không có dấu hiệu nào cho thấy dịch bệnh đang được kiểm soát”, bà Lâm nói với các phóng viên.
Hồng Kông ngày 19/7 ghi nhận 108 ca nhiễm virus Vũ Hán mới, mức tăng kỷ lục kể từ khi dịch bùng phát tại đây, nâng tổng số ca nhiễm lên hơn 1.000 ca.
Hồng Kông ban đầu thành công trong việc kiểm soát dịch bệnh, tuy nhiên, tình hình bắt đầu trở nên nghiêm trọng từ cuối tháng 6, thời điểm mà Bắc Kinh bắt đầu áp luật an ninh cho đặc khu. Hai tuần qua, số ca nhiễm virus Vũ Hán liên tục tăng mạnh. Các bác sĩ đang lo ngại về nguy cơ không thể xác định nguồn lây lan virus, khiến nỗ lực kiểm soát dịch bệnh trở nên rất khó khăn.
Trước đó, vào ngày 8/7, chính quyền Trung Quốc đã chính thức mở cửa Văn phòng An ninh Quốc gia tại Hồng Kông và trưng dụng khách sạn Metropark ở vịnh Causeway làm văn phòng tạm thời. Cùng ngày, Hồng Kông có thêm 24 trường hợp được xác nhận nhiễm virus Vũ Hán và 19 trong số đó là người dân địa phương.
Tổng thống Trump nói ông Biden không đủ năng lực lãnh đạo
Tổng thống Donald Trump một lần nữa đề cập tới năng lực hạn chế của ông Joe Biden, ứng viên tổng thống thuộc đảng Dân chủ, đối thủ lớn nhất của ông Trump trong cuộc bầu cử vào tháng 11 tới, theo Bloomberg.
“Hãy để Biden trải qua một cuộc phỏng vấn như thế này, ông ấy sẽ khóc đòi mẹ”, ông Trump nói trong một cuộc phỏng vấn trên Fox News hôm Chủ nhật. “Ông ấy sẽ nói, mẹ, mẹ, cho con về nhà”.
Ông Trump nói thêm: “Ông ấy không thể đối diện với một cuộc phỏng vấn. [Vì] ông ấy bất tài”.
Ông Trump cho rằng ông Biden không thể đủ tiêu chuẩn để trở thành người đứng đầu nước Mỹ. “Để trở thành tổng thống, bạn phải sắc bén và cứng rắn cùng rất nhiều tố chất khác. Ông ấy thậm chí không [dám] ra khỏi tầng hầm của mình”.
Kim Jong-un họp bàn về răn đe chiến tranh
“Cuộc họp mở rộng thảo luận các vấn đề nhằm tăng cường sự dẫn dắt và chỉ đạo của đảng đối với các chỉ huy và quan chức trong quân đội, nhấn mạnh sự cần thiết phải trang bị đầy đủ cho những sĩ quan chỉ huy trẻ”, Yonhap dẫn tin từ hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA hôm 19/7 cho biết.
Một cuộc họp kín được tổ chức sau đó nhằm “xem xét nhiệm vụ chiến lược của các đơn vị quan trọng trong việc đối phó với tình hình quân sự xung quanh bán đảo Triều Tiên và những mối đe dọa quân sự tiềm tàng, đáng báo động, đồng thời thảo luận về việc củng cố khả năng răn đe chiến tranh của quốc gia”, KCNA cho biết thêm.
Lãnh đạo Kim Jong-un đã ký sắc lệnh triển khai thực hiện các nhiệm vụ đề ra trong phiên họp. KCNA gọi những biện pháp được đưa ra là một “quyết định lịch sử” giúp “đảm bảo tương lai của cuộc cách mạng Juche bằng sức mạnh quân sự đáng tin cậy”. “Juche” là khái niệm dùng để chỉ hệ tư tưởng tự lực của Triều Tiên.
Tuy nhiên, KCNA không nhắc đến những biện pháp cụ thể liên quan tới mục tiêu tăng cường sức răn đe chiến tranh của Triều Tiên. Cụm từ này vốn thường dùng để đề cập đến tên lửa và vũ khí hạt nhân.
Sợ sóng dịch Covid thứ hai, Pháp có biện pháp mạnh
Người dân ở Pháp sẽ có nguy cơ bị phạt 135 euro bắt đầu từ thứ Hai nếu không tuân thủ một quy định mới về đeo khẩu trang ở những tòa nhà tập trung đông người, hãng tin AFP dẫn lời chính phủ Pháp cho biết.
Khi giới chức Pháp ghi nhận các dấu hiệu virus Vũ Hán gia tăng lây lan, Thủ tướng Jean Castex, hôm thứ Năm, nói rằng sẽ yêu cầu người dân bắt buộc đeo khẩu trang ở những không gian kín bắt đầu từ thứ Hai, nhằm tránh bùng phát thêm một đợt dịch mới.
Bắt buộc đeo khẩu trang cũng được áp dụng trên các phương tiện giao thông công cộng, người vi phạm cũng bị phạt với mức phạt tương tự nêu trên.
Syria: Đánh bom xe, ít nhất 5 người thiệt mạng
Một vụ đánh bom xe xảy ra ở khu vực Azaz, thuộc vùng tây bắc Syria, đã giết chết 5 người và làm bị thương 85 người khác, một bệnh viện địa phương ở Syria và truyền thông nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ cho biết thông tin hôm Chủ nhật, theo Reuters.
Vụ việc xảy ra tại làng Siccu thuộc Azaz, giáp biên giới với tỉnh Kilis, miền nam Thổ Nhĩ Kỳ, hãng thông tấn Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ đưa tin.
Anadolu cho biết 15 người bị thương đã được đưa đến một bệnh viện giáp biên của Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó có một số người ở tình trạng nguy kịch.
Azaz nằm dưới sự kiểm soát của một nhóm phiến quân được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn kể từ khi Ankara đưa quân vào Syria năm 2016, trong chiến dịch nhằm đánh đuổi lực lượng Nhà nước Hồi giáo IS và dân quân YPG người Kurd ở nước láng giềng.
Bộ trưởng ngoại giao Nigeria nhiễm nCoV
Reuters đưa tin, Bộ trưởng Ngoại giao Nigeria Geoffrey Onyeama, hôm Chủ nhật, nói rằng ông bị nhiễm virus Vũ Hán và trước đó một ngày đã xuất hiện những dấu hiệu của bệnh Covid-19 ở cổ họng.
Hiện Nigeria là một vùng dịch lớn thứ 3 châu Phi, và thứ 48 trên thế giới. Theo cập nhật của Worldometers, tính tới sáng thứ Hai, Nigeria có hơn 36 ngàn người nhiễm Covid-19, trong đó có 778 trường hợp đã tử vong.
Điểm tin thế giới tối 20/7:
Huawei có thể ‘chết đói’ trước khi kịp bán tài sản
ở nước ngoài; Thỏa thuận Trung Quốc – Iran
Triệu Hằng
Mục Điểm tin thế giới tối thứ Hai (20/7) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới quý đọc giả những tin sau:
Huawei có thể ‘chết đói’ trước khi kịp bán tài sản ở nước ngoài
Hôm nay, hãng Reuters cho hay, Huawei có thể sẽ chết đói trước khi bán tài sản của mình ở nước ngoài. Nhà sản xuất thiết bị viễn thông Trung Quốc đang hứng chịu sự tấn công được nối lại sau đại dịch Covid-19, suốt từ Phố Downing (Anh) cho tới Washington (Mỹ). Người sáng lập công ty Nhậm Chính Phi đã suy tính đến việc thoái vốn, nhưng người mua nước ngoài là rất ít. Ông Nhậm đã cố gắng ‘né’ cuộc cãi vã giữa Mỹ với Bắc Kinh nhưng thất bại. Vả lại, Bắc Kinh sẽ không cho phép một vụ bán tháo giống như một kẻ bại trận.
Thỏa thuận Trung Quốc – Iran
Dường như bằng cách tiết lộ về một thỏa thuận với Bắc Kinh, Iran đang báo hiệu cho châu Âu và Mỹ rằng các chính sách đe dọa Tehran sẽ đẩy nước cộng hòa Hồi giáo ngả vào cánh tay của Trung Quốc.
Nhiều thỏa thuận đã được ký giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình với Tổng thống Iran Hassan Rouhani trong chuyến thăm của nhà lãnh đạo Trung Quốc tới Trung Đông vào năm 2016, nếu những thỏa thuận này được thực hiện, sẽ mở rộng quan hệ kinh tế giữa hai nước với cấp số nhân từ 10 tỷ đến 600 tỷ USD và tăng cường đáng kể hợp tác quân sự.
Các thỏa thuận cũng báo hiệu khả năng Trung Quốc xiêu lòng trước Iran. Nhưng những hy vọng đó đã vỡ tan khi Tổng thống Mỹ Donald Trump rút khỏi hiệp ước hạt nhân năm 2018 với Iran và đưa trở lại các biện pháp trừng phạt làm tê liệt nước này. Kể từ đó Trung Quốc đã phải tuân theo các hạn chế của Hoa Kỳ. Trong tháng này, dường như Iran đã làm ầm lên không còn che đậy gì nữa với việc cho rò rỉ bản dự thảo cuối cùng của một thỏa thuận hợp tác kéo dài 25 năm, dự kiến khoản đầu tư này của Trung Quốc lên tới 400 tỷ USD để phát triển lĩnh vực dầu mỏ, chất đốt và giao thông ở Iran, tờ Straits Times dẫn nguồn từ tờ Daily Star.
Canada xác nhận hộp đen trong vụ máy bay Ukraina bị Iran bắn hạ đã đến Paris
Ngoại trưởng Canada Francois-Philippe Champagne hôm 19/7 đã xác nhận trên Twitter rằng các hộp đen của chiếc máy bay Ukraina bị bắn hạ khiến 179 người trên boong thiệt mạng hồi tháng 1/2020, đã đến Paris, chấm dứt một bế tắc kéo dài hàng tháng, theo Reuters.
Dự kiến các hộp đen sẽ được mang đến cơ quan tai nạn hàng không BEA của Pháp vào thứ Hai (20/7) để phân tích giải mã, ông Champagne cho biết và nói thêm rằng các quan chức giao thông Canada sẽ có mặt ở đó.
Iran nói họ đã vô tình bắn rơi chuyến bay PS752 của hãng hàng không Ukraina vào ngày 8/1, do nhầm đó là một tên lửa vào thời điểm căng thẳng tăng cao giữa Iran và Mỹ. Nhiều nạn nhân thiệt mạng trong vụ tai nạn này là công dân Canada hoặc thường trú nhân hoặc Canada là điểm cuối trong hành trình của họ.
Kim Jong Un mắng và ra lệnh thay thế quan chức Triều Tiên chịu trách nhiệm xây dựng bệnh viện
Trong chuyến thăm “hướng dẫn thực địa” công trường xây dựng Bệnh viện Đa khoa ở Bình Nhưỡng, ông Kim Jong Un mắng Ủy ban điều phối xây dựng vì đã thiết lập ngân sách xây dựng một cách bất cẩn, đi ngược lại cuộc cải cách nghiêm túc từ chính sách của đảng Lao động cầm quyền, và ông ra lệnh điều tra, kỷ luật và thay thế tất cả các quan chức ủy ban chịu trách nhiệm xây dựng bệnh viện này, truyền thông Triều Tiên, hãng KCNA đưa tin hôm thứ Hai (20/7).
Tin tức dạng “hướng dẫn thực địa” của ông Kim được truyền thông Triều Tiên “nối lại” sau nhiều tháng họ thiếu vắng loại tin này.
Nhà vua Ả-Rập Saudi bất ngờ nhập viện
Vua Salman bin Abdulaziz, 84 tuổi, đã được đưa vào bệnh viện ở thủ đô Riyadh vì viêm túi mật, truyền thông Saudi Arabia, hãng tin SPA cho biết ngày 20/7.
Saudi Arabia là nhà xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới và một đồng minh của Mỹ tại Trung Đông. Vua Salman bin Abdulaziz chính thức trở thành người đứng đầu hoàng gia từ năm 2015.
Trung Quốc nói trong 22 ca nhiễm mới Covid-19, có 17 trường hợp ở Tân Cương
Trung Quốc ghi nhận 22 ca nhiễm Covid-19 ở đại lục vào ngày 19/7, đã tăng so với 16 trường hợp một ngày trước đó, Ủy ban Y tế Trung Quốc cho biết hôm 20/7. Trong số các ca nhiễm mới, 17 người ở phía tây Tân Cương, 5 trường hợp còn lại là nhập cảnh. Tính đến ngày 19/7, Trung Quốc đại lục có 83.682 ca nhiễm Covid-19. Số người chết vì dịch bệnh vẫn ở mức 4.634.