Đọc báo Pháp – 18/07/2020

Cac Bai Khac

No sub-categories

Đọc báo Pháp – 18/07/2020

Trung Quốc: Bên trong toàn trị, bên ngoài đế quốc – Anh Vũ

Chủ đề chính của các tuần báo Pháp ra tuần này khá đa dạng. Le Point quan tâm đến mối lo ngại Thổ Nhĩ Kỳ, đang lấn lướt các đồng minh phương Tây để nổi lên như là một cường quốc khu vực. Bên cạnh đó các báo tuần không bỏ qua những sự kiện nóng liên quan đến Trung Quốc. Bài xã luận của Le Point mang tiêu đề “Trung Quốc: Luật của kẻ mạnh”.

Mở đầu bài xã luận, Le Point ghi nhận là trận đại dịch Covid-19 đã làm phát lộ và đẩy nhanh tốc độ chuyển biến của thế kỷ 21, làm tan rã trật tự thế giới hình thành sau 1945 và góp phần xóa đi vai trò thủ lĩnh thế giới của Hoa Kỳ, đang tê liệt bởi trận «Trân Châu Cảng y tế», kinh tế suy thoái tồi tệ nhất kể từ 1930 cùng làn sóng thất nghiệp 48 triệu người.

Thế nhưng trong cơn hoạn nạn đó của thế giới, Trung Quốc lại nổi lên. Theo Le Point, «trận đại dịch mà trong đó Trung Quốc phải có trách nhiệm đã tạo cho ông Tập Cận Bình cơ hội kiểm soát hệ tư tưởng và giám sát người dân». Bên trong thì củng cố chế độ toàn trị, bên ngoài Bắc Kinh thực thi chiến lược ngoại giao «cực kỳ hung hăng» theo kiểu đế quốc.

Bài báo liệt kê ra một danh sách dài các hành động ỷ vào sức mạnh và vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc: Ban hành luật an ninh quốc gia ở Hồng Kông, kéo theo một loạt vụ bắt bớ trấn áp; đòi Google, Facebook, WhatsApp hay Twitter phải cung cấp cho an ninh Trung Quốc thông tin người sử dụng ; gia tăng áp lực chính trị và quân sự với Đài Loan ; gây đụng độ với Ấn Độ ở vùng biên giới đang có tranh chấp Ladakh ; trả đũa Úc bằng cấm vận thương mại vì nước này yêu cầu mở điều tra độc lập về nguồn gốc đại dịch virus corona ; đẩy mạnh nắm quyền kiểm soát các công ty chiến lược và hạ tầng cơ sở trọng yếu bằng cách gán nợ cho các nước, trong đó có cả châu Âu; tấn công mạng, thao túng dư luận ở các nền dân chủ giữa đại dịch….

Tham vọng toàn cầu của Tập Cận Bình

Le Point nhận định : Hành vi như vậy nằm trong chiến lược dài hạn nhằm chiếm lĩnh vai trò thủ lĩnh thế giới như Tập Cận Bình đề ra từ đại hội đảng thứ 19.

« Tham vọng của Bắc Kinh được cổ vũ thêm bởi sự tan rã vai trò thủ lĩnh của Hoa Kỳ, chính quyền Trump là một quà đẹp chưa từng thấy cho chế độ toàn trị Trung Quốc ». Tuy nhiên theo Le Point, chính sách của Tập Cận Bình đang vấp phải ngày càng nhiều sự phản kháng. Từ châu Âu cho đến châu Á, các quốc gia ý thức được mối đe dọa, đã hành động để ngăn chặn chủ nghĩa bành trướng Trung Quốc.

Le Point chỉ thẳng : « Trung Quốc giờ đây là mối đe dọa hàng đầu về tự do và hòa bình thế giới » với tham vọng toàn cầu của Tập Cận Bình là « một thế giới, một chế độ ».

Bài xã luận kêu gọi, « đã đến lúc các nền dân chủ phải chống lại Trung Quốc như đã từng làm với Liên Xô sau Thế Chiến Thứ 2. Tờ báo đưa ra chiến lược ngăn chặn Trung Quốc theo 5 trục chính :

« Hình thành một liên minh các nền dân chủ bao gồm các quốc gia tự do châu Á, trong đó châu Âu phải tham gia. Phá thế bao vây nhờ chính sách cùng phát triển với các quốc gia đang trỗi dậy và đầu tư mạnh trở lại cho các định chế đa phương. Tái lập lại cân bằng kinh tế bằng việc quy hồi các hoạt động sản xuất chiến lược. Cần có qua có lại trong trao đổi buôn bán. Khôi phục mạnh hơn cạnh tranh công nghệ. Đấu tranh tư tưởng bằng việc khẳng định lại các giá trị phổ quát về tự do chính trị và nhân quyền ».

Hồng Kông: Hậu quả thấy ngay của luật an ninh quốc gia

Liên quan đến chính sách dùng vũ lực của Trung Quốc, tuần san L’Express trở lại Hồng Kông những ngày từ khi có luật an ninh quốc gia với bài phóng sự « Nỗi sợ hãi trong thành phố ».

Bài báo ghi nhận những ngày đầu tháng 7 này, nhịp sống ở Hồng Kông đang trở lại như thường thấy. Thế nhưng « dưới bóng các tòa nhà chọc trời, lan tỏa một nỗi sợ hãi, bất an nặng nề » từ khi Bắc Kinh áp đặt bộ luật an ninh quốc gia tại vùng đất bán tự trị này.  Chỉ chưa đầy 24 giờ sau khi luật có hiệu lực, cảnh sát đã tiến hành hàng loạt vụ bắt bớ. Một người đàn ông 24 tuổi đã bị buộc tội « lật đổ » chính quyền vì đã trương lá cờ « Hồng Kông tự do » và đang chờ tháng 10 ra tòa lĩnh án.

Một phụ nữ Hồng Kông 39 tuổi nói với phóng viên của L’Express : « Chúng tôi tôi đã bước vào thời kỳ mới, dưới sự kiểm soát hoàn toàn của đảng Cộng sản Trung Quốc ». Bà cho biết không còn dám đăng gì trên facebook nữa vì sợ bị bắt. Bà đang mong bán được cửa hàng của mình để đi định cư ở Canada.

Bài phóng sự cho biết, các hoạt động kiểm duyệt sách báo, tư tưởng của người dân diễn ra từng ngày từ các hiệu sách đến trường học. Hơn một chục các tổ chức chính trị, công đoàn dân chủ đã phải tự giải thể vì ý thức được mối đe dọa của luật mới, một số nhà hoạt động đã chọn đường ra nước ngoài tị nạn. Họ biết mình sẽ là mục tiêu của luật an ninh quốc gia và sẽ có nhiều nguy cơ ngồi tù suốt đời. Các tiếng nói phản kháng biến dần.

Với bộ luật mới, cảnh sát Hồng Kông được trang bị quyền lực chưa từng có. Họ có thể khám xét không cần lệnh, lục lọi điện thoại, máy tính và cấm các nội dung trên internet. Nhiều công ty được chỉ thị phải yêu cầu các nhân viên chấm dứt bình luận chính trị trên mạng.  TikTok, một ứng ụng chia sẻ vidéo, do một công ty Trung Quốc nắm giữ đã thông báo rút khỏi Hồng Kông để tránh rủi ro phạm vào bộ luật của Bắc Kinh. Google, Facebook, Twitter không biết có thể ở lại Hồng Kông hay không khi không chấp nhận cung cấp thông tin người sử dụng theo yêu cầu của chính quyền.

Giám sát dân bằng công nghệ di truyền

Vẫn liên quan đến chuyện giám sát dân chúng nhưng ở Hoa Lục. Courrier International đăng lại phóng sự điều tra của nhật báo Mỹ New York Times: « Tại Trung Quốc, sắp tới 700 triệu người được lập phiếu ADN ».

Bài phóng sự cho biết, Bắc Kinh đang triển khai lập danh mục ADN của nam giới nước này nhằm mục đích có thể giúp tìm nhưng đối tượng tội phạm. Cảnh sát Trung Quốc hiện đã bắt đầu lấy mẫu máu của tất cả đàn ông trong cả nước, từ vị thanh niên cũng như trưởng thành, để lập hệ thống dữ liệu ADN. Chương trình được thực hiện với sự trợ giúp của phương tiện kỹ thuật mua của công ty Mỹ Thermo Fisher.

Theo Courrier Internationnal, « với dự án này, Trung Quốc đã vượt qua một bước lớn trong việc sử dụng dữ liệu di truyền để kiểm soát dân chúng ». Dù chính quyền nhấn mạnh việc chia sẻ dữ liệu ADN này dựa trên cơ sở tình nguyện. Nhưng một số quan chức tại Trung Quốc và hiệp hội bảo vệ nhân quyền ở nước ngoài đã cảnh báo việc làm trên quy mô toàn quốc như vậy là hành động xâm phạm đời tư và tạo điều kiện cho chính quyền trừng phạt người thân của những nhà ly khai hay hoạt động tranh đấu.

Đây là công cụ bổ sung thêm vào mạng lưới giám sát tinh vi đang ngày càng được công an triển khai rộng rãi trong cả nước, như hệ thống nhận diện và trí thông minh nhân tạo. Công an Trung Quốc khẳng

định cần có cơ sở dữ liệu đó để ngăn chặn các đối tượng phạm pháp.  Việc chỉ lập phiếu ADN của năm giới được giải thích rất đơn giản : Đàn ông có xu hướng phạm tội nhiều hơn phụ nữ, theo các thống kê.

Thổ Nhĩ Kỳ : Đế chế Ottoman trở lại

Trở lại Le Point với hồ sơ chính mối đe dọa bành trướng của Thổ Nhĩ Kỳ. Tuần báo chạy tựa lớn trang nhất : « Erdogan, chiến tranh đang ở cửa nhà chúng ta »

Gần đây báo chí đã tốn không ít giấy mực cho Thổ Nhĩ Kỳ của tổng thống Erdogan đầy tham vọng. Le Point dành nhiều bài viết trong số ra tuần này để cho thấy một nước Thổ Nhĩ Kỹ của tổng thống Tayipp Erdogan đang muốn nổi lên thành cường quốc trong khu vực, trở lại thời hoàng kim của đế chế Ottoman.

Hàng loạt các hành động của chính quyền Erdogan tại Syria, Libya, Síp, Địa Trung Hải hay thái độ ngang ngược với các đồng minh Nato, bắt bí các nước Châu Âu … cho thấy Thổ Nhĩ Kỳ đang ngày càng tỏ rõ tham vọng bành trướng từ quân sự, chính trị đến văn hóa lịch sử. Hành động gần đây nhất của Ankara là việc quyết định chuyển thành nhà thờ Hồi Giáo công trình thánh đường cổ của đạo Thiên Chúa Hagia Sophia (Sainte-Sophie), được xây dựng từ thế kỷ thứ IV, từ 1934 là bảo tàng quốc gia. Quyết định này của tổng thống Erdogan nhằm xóa đi những dấu vết lịch sử bất lợi cho việc khôi phục hình ảnh một Thổ Nhĩ Kỳ hùng mạnh của thời đế chế Ottoman.

Giờ đây Thổ Nhĩ Kỳ không sợ phải đối đầu với các nước lớn,dù là phương Tây hay Nga, để giành ảnh hưởng tại Libya, trên Địa Trung Hải, như vụ đòi quyền khai thác các mỏ khí đốt mới phát hiện ngoài khơi đảo Síp. Để làm được điều đó Ankara sẵn sàng triển khai sức mạnh quân sự.

Thổ Nhĩ Kỳ không ngần ngại đối đầu về chính trị cũng như quân sự với Pháp, một khi lợi ích của họ trong khu vực Trung Cận Đông bị cản trở, như sự cố trên Địa Trung Hải hồi tháng trước với tàu chiến Pháp Courbet, được tờ báo trích dẫn. Ankara cũng sẵn sàng lấy làn sóng người nhập cư để gây sức ép, bắt bí Liên Hiệp Châu Âu.

Ẩm thực : Trở lại vạch xuất phát

Về hồ sơ chính, « Ẩm thực, điểm xuất phát mới », Courrier International đề cập đến thực trạng lĩnh vực nhà hàng ăn uống tiêu điều vì khủng hoảng dịch Covid 19 nay đang cố gượng dậy.

Các nhà hàng ăn uống là một trong những nạn nhân đầu tiên của đại dịch virus corona. Ở Pháp cũng như các nơi khác, từ châu Mỹ sang châu Âu, hàng ngàn nhà hàng từ nổi tiếng cho đến bình dân trong các góc phố đã phải đóng cửa trong đợt phong tỏa giãn cách xã hội. Giờ đây khi đã được giải tỏa, rất đông các nhà hàng không thể mở cửa lại, số khác mở cửa trở lại nhưng phải thay đổi hoàn toàn cách thức kinh doanh. Mô hình quán ăn đang thay đổi căn bản, có thể nói là gần như trở lại từ đầu.

Hồ sơ của Courrier International về chủ đề ẩm thực phác họa những nét chính của bức tranh ngành ẩm thực trên toàn thế giới sau phong tỏa vì khủng hoảng dịch Covid-19 cùng những nỗ lực sáng tạo cứu ngành kinh tế có doanh thu tới 900 tỷ đô la mỗi năm và sử dụng 15 triệu nhân công này của thế giới.

https://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20200718-trung-qu%E1%BB%91c-b%C3%AAn-trong-to%C3%A0n-tr%E1%BB%8B-b%C3%AAn-ngo%C3%A0i-%C4%91%E1%BA%BF-qu%E1%BB%91c

 

Tin tổng hợp

(CNN) – Chân dung hai cựu tổng thống Clinton và Bush bị gỡ khỏi sảnh chính Nhà Trắng –

Hai bức chân dung chính thức của hai người tiền nhiệm của ông Donald Trump là Bill Clinton và George W. Bush bị chuyển vào phòng khác. Các trợ lý Nhà Trắng ngày 17/07/2020  tiết lộ rằng hai bức chân dung này đã bị gỡ xuống vào tuần trước và được thay thế bằng chân dung của hai tổng thống Cộng Hoà từng tại nhiệm hơn một thế kỷ trước đây là William McKinley, tổng thống Mỹ thứ 25 bị ám sát năm 1901, và Theodore Roosevelt.

(AFP) – Cựu thủ tướng Pháp Edouard Philippe trở thành người được dân Pháp yêu mến nhất. 

Theo cuộc thăm dò dư luận BVA – Orange – RTL công bố ngày 17/07/2020, cựu thủ tướng Philippe đã soán ngội vị số một của ông Nicolas Hulot. Người kế nhiệm ông Philippe là tân thủ tướng Jean Castex cũng được 56% ý kiến ​​tốt.

(AFP) – Nga tổ chức tập trận đột xuất để đánh giả năng lực quân đội. 

Theo bộ Quốc Phòng Nga ngày 17/07/2020, tổng thống Putin đã ra lệnh tập trận và kiểm tra đột xuất nhắm vào khoảng 150.000 quân để đánh giá khả năng quân đội đảm bảo an ninh ở miền tây nam nước Nga. Ba binh chủng lục quân, không quân và hải quân, đặc biệt là hai hạm đội Phương Bắc và Thái Bình Dương, đều đã tham gia vào 56 bài tập chiến thuật ở 35 căn cứ trên bộ và 17 căn cứ trên biển ở vùng Hắc Hải và Biển Caspi. Cuộc thao diễn còn nhằm chuẩn bị cho cuộc tập trận  Kafkaz–2020, dự kiến vào tháng 9.

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200718-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p

 

Điểm tin thế giới sáng 18/7:

Với phong cách ngoại giao ‘chiến lang’,

Trung Quốc tiếp tục xúc phạm Mỹ

Băng Thanh

Mục Điểm tin thế giới sáng thứ Bảy (18/7) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới quý đọc giả những tin sau:

Với phong cách ngoại giao ‘chiến lang’, Trung Quốc tiếp tục xúc phạm Mỹ

Theo AFP, vào hôm 17/7, bà Hoa Xuân Oánh, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, tại cuộc họp báo ở Bắc Kinh nói rằng, các quan chức Mỹ đã bị “mất trí và phát điên” trong cách hành xử với chính quyền Trung Quốc.

“Những người này, vì lợi ích cá nhân và lợi ích chính trị, đã không ngần ngại đánh lạc hướng dư luận trong nước, tới mức họ mất trí và phát điên”, bà Hoa nói trong cuộc họp báo tại Bắc Kinh.

“Một con chim sẻ không thể hiểu nổi tham vọng của con thiên nga. Đây là đánh giá sai lầm nghiêm trọng và hiểu sai về mục tiêu chiến lược của Trung Quốc”, bà Hoa khẳng định.

Tuyên bố của bà Hoa được cho là nhằm đáp trả Bộ trưởng Tư pháp Mỹ William Pelham Barr, khi ông Bộ trưởng một ngày trước đó nói rằng Bắc Kinh đang thực hiện “chiến tranh kinh tế chớp nhoáng” nhằm thay thế Washington thành cường quốc thế giới cũng như truyền bá tư tưởng chính trị khắp toàn cầu.

Trước đó, vào hôm 13/7, ông Hồ Tích Tiến, tổng biên tập tờ Thời báo Hoàn Cầu-cơ quan ngôn luận của chính phủ Trung Quốc đã hỏi trên Twitter rằng, Hoa Kỳ có đang bị “tâm thần” hay không khi ra bản thông cáo bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông.

Phong cách ngoại giao “chiến lang” được cho là phong cách mới mà các nhà ngoại giao Trung Quốc gần đây thường xuyên sử dụng. Những nhà ngoại giao nước này thường sẵn sàng đe dọa hay thậm chí là xúc phạm những quốc gia mà họ cho là có hành vi không tốt với Trung Quốc. Không chỉ các nhà ngoại giao, truyền thông Trung Quốc cũng từng đưa ra những phát biểu mạnh bạo, như tờ Hoàn Cầu từng ví nước Úc giống “bã kẹo cao su dính trên đế giày của Trung Quốc” và “phải chà vào đá mới gỡ được”, sau khi Thủ tướng Úc Scott Morrison kêu gọi một cuộc điều tra về nguồn gốc của dịch Covid-19.

Trinh sát cơ Mỹ lại quần thảo gần Trung Quốc

Theo SCMP, vào hôm 17/7, tổ chức Sáng kiến Tình hình Chiến lược Biển Đông (SCSPI) thuộc Viện Nghiên cứu Đại dương Đại học Bắc Kinh, Trung Quốc đăng trên Twitter cho biết trinh sát cơ E-8C Joint STARS của không quân Mỹ đã hoạt động tại khu vực phía nam đảo Đài Loan và tới vị trí cách bờ biển tỉnh Quảng Đông 72 hải lý (133 km).

SCSPI cho biết đây là lần thứ ba trong tuần máy bay Mỹ hoạt động gần bờ biển Trung Quốc. Cùng ngày, một máy bay cảnh báo sớm E-3 Sentry của không quân Mỹ cũng hoạt động trên khu vực Biển Đông.

Hoạt động của trinh sát cơ E-8C và máy bay cảnh báo sớm E-3C diễn ra trong bối cảnh căng thẳng quanh Đài Loan khi hòn đảo tổ chức cuộc diễn tập bắn đạn thật Hán Quang. Trung Quốc được cho là đã cử hai tàu trinh sát tới khu vực phía đông đảo Đài Loan để “rình mò” theo dõi cuộc diễn tập, buộc lực lượng phòng vệ của Đài Loan phải cử tàu tuần tra ra ứng phó.

Dân Ấn Độ đòi đổi tên đường gần Đại sứ quán Trung Quốc thành ‘Đường Đạt Lai Lạt Ma’

Theo tờ Taiwan News, người dân Ấn Độ đang khởi động một chiến dịch trực tuyến kêu gọi đổi tên đường gần đại sứ quán Trung Quốc thành đường “Đại Lai Lạt Ma”. Tính đến sáng ngày 17/7, 979 người đã ký vào đơn thỉnh nguyện trên trang Change.org.

Giải thích về lý do đề nghị đổi tên đường, ông Om Prakash Mishra, cựu bộ trưởng Nhà ở cho biết tên đường Panchsheel Marg gần Đại sứ quán Trung Quốc là một hiệp ước được ký giữa Ấn Độ và Trung Quốc vào năm 1954 để biểu thị sự tôn trọng lẫn nhau về toàn vẹn lãnh thổ giữa hai bên. Theo ông, hiệp ước được hình thành trên cơ sở cả hai nước sẽ không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau và sẽ cùng tồn tại hòa bình, nhưng những diễn biến gần đây đã khiến ông tin rằng Bắc Kinh không có ý định tôn trọng thỏa thuận song phương này.

Theo ông Mishra, việc đặt tên nhà lãnh tụ tinh thần Đạt Lai Lạt Ma cho con đường sẽ không chỉ tôn vinh người từng đoạt giải Nobel Hòa bình, mà còn gửi một thông điệp mạnh mẽ tới Bắc Kinh về chủ

nghĩa bành trướng xâm lược của họ. Vị quan chức Ấn Độ nói đùa rằng sẽ rất vui khi thấy đại sứ Trung Quốc đi dọc theo đường Đạt Lai Lạt Ma mỗi ngày để làm việc.

Công chúa Anh bí mật kết hôn

Theo CNN, công chúa Anh Beatrice, con gái hoàng tử Andrew, đã tổ chức hôn lễ bí mật ở lâu đài Windsor với sự chứng kiến của Nữ hoàng Elizabeth II.

Điện Buckingham hôm 17/7 xác nhận công chúa Beatrice và hôn phu Edoardo Mapelli Mozzi đã tổ chức hôn lễ cùng ngày. Hai người đính hôn từ tháng 9 năm ngoái, song đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tới lễ cưới của họ.

“Lễ cưới riêng của công chúa Beatrice và ngài Edoardo Mapelli Mozzi được cử hành lúc 11h ngày 17/7 tại nhà thờ hoàng gia All Saints ở Windsor”, Điện Buckingham ra tuyên bố.

Theo điện Buckingham, bữa tiệc nhỏ có sự tham gia của Nữ hoàng Anh, Hoàng thân Philip và gia đình. Hôn lễ cũng diễn ra theo các quy tắc liên quan của chính phủ Anh.

https://www.dkn.tv/the-gioi/diem-tin-the-gioi-sang-18-7-trung-quoc-tiep-tuc-xuc-pham-my.html

 

 Điểm tin thế giới tối 18/7:

COVID-19 có thể chuyển xấu

giống đại dịch cúm năm 1918

Quý Khải

Mục Điểm tin thế giới tối thứ Bảy (18/7) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới quý đọc giả những tin sau:

COVID-19 có thể chuyển xấu giống đại dịch cúm năm 1918

Tiến sĩ Anthony Fauci, giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Mỹ, gần đây đã đề xuất rằng dịch COVID-19 có khả năng tiếp cận đại dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918 về mức độ nghiêm trọng trong khi bày tỏ hy vọng sự can thiệp từ phía chính quyền sẽ ngăn chặn một kết quả như vậy, theo The Epoch Times.

TS Fauci đưa ra nhận xét này trong một hội thảo trực tuyến về Sáng kiến ​​Sức khỏe Toàn cầu tại Đại học Georgetown hôm thứ ba, trong thời gian đó, ông đã gọi dịch COVID-19 là “đại dịch có tầm vóc lịch sử”.

“Đây là một cái gì đó mà khi lịch sử nhìn lại, nó sẽ tương đương với những gì chúng ta từng thấy vào năm 1918”, ông nói thêm, đề cập đến đại dịch cúm mà Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) gọi là đại dịch nghiêm trọng nhất trong lịch sử cận đại”. Người ta ước tính rằng khoảng 500 triệu, hoặc khoảng một phần ba dân số thế giới tại thời điểm đó, đã bị lây nhiễm căn bệnh này, do vi-rút có nguồn gốc từ cúm gia cầm H1N1 gây ra.

Iran công bố số liệu chấn động: 25 triệu người nhiễm COVID-19

Tổng thống Iran Hassan Rouhani hôm nay vừa tuyên bố quốc gia 80 triệu dân này có khoảng 25 triệu người đã nhiễm virus Vũ Hán, và 35 triệu người khác có nguy cơ nhiễm căn bệnh chết người này.

Reuters trích tuyên bố của ông Rouhani được phát sóng trên truyền hình: “Theo ước tính của chúng tôi, hiện có 25 triệu người Iran đã nhiễm virus này và khoảng 14.000 người đã mất đi sinh mạng”.

Ông Rouhani nói tiếp: “Có khả năng 30-35 triệu người khác sẽ đối mặt với nguy cơ lây nhiễm”. Ông cũng nói đã có hơn 200.000 người đã nhập viện”. (chi tiết)

Bộ Ngoại giao Mỹ từng cảnh báo về phòng thí nghiệm Vũ Hán 2 năm trước đây

Hai đoạn điện báo của Bộ Ngoại giao Mỹ năm 2018 cảnh báo rằng một phòng thí nghiệm mới ở Vũ Hán không có đủ nhân viên được đào tạo để vận hành nó một cách an toàn trong quá trình nghiên cứu các chủng virus corona giống SARS được phân lập từ dơi, theo các đoạn điện báo được công bố hôm thứ Sáu nhờ Đạo luật Tự do Thông tin.

Một đoạn điện báo được gửi về từ Đại sứ quán Mỹ tại Bắc Kinh hôm 19/1/2018, đã thông báo cho Washington biết Trung Quốc đã mở Viện Virus học Vũ Hán, phòng thí nghiệm an toàn sinh học cấp 4 (BSL-4) đầu tiên và rằng lãnh đạo phòng thí nghiệm này cho rằng họ đã sẵn sàng nghiên cứu mầm bệnh cấp độ bốn (P4) – những virus có độc lực cao nhất có nguy cơ lây nhiễm từ người sang người, theo Breitbart.

Tuy nhiên, đoạn điện báo cảnh báo rằng “có một sự thiếu hụt nghiêm trọng các kỹ thuật viên và điều tra viên được đào tạo bài bản để vận hành an toàn phòng thí nghiệm này”. Nó cũng lưu ý “một sự thiếu minh bạch trong các chính sách và hướng dẫn của chính phủ Trung Quốc”, và rằng Ủy ban Kế hoạch hóa Gia đình và Sức khỏe Quốc gia Trung Quốc (NHFPC) chưa cấp phép phòng thí nghiệm triển khai nghiên cứu về mầm bệnh rất dễ lây lan.

Bất chấp có những hạn chế này, phòng thí nghiệm này vẫn tiến hành nghiên cứu về các chủng virus corona giống SARS, bức điện báo cho hay.

Máy bay do thám của Mỹ được phát hiện ngoài khơi bờ biển phía nam Trung Quốc

Một máy bay do thám của quân đội Mỹ đã được phát hiện ở gần bờ biển phía nam Trung Quốc tổng cộng 3 lần trong tuần này tính đến hôm thứ Sáu (17/6), tờ Bưu Điện Nam Hoa buổi sáng dẫn các nguồn tin Trung Quốc cho hay, trong bối cảnh Hải quân Mỹ báo cáo có hai nhóm tàu sân bay đang tiến hành các cuộc tập trận kép ở Biển Đông để tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu, theo sau việc Mỹ chính thức bác các yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông hồi đầu tuần.

Máy bay E-8C của Không lực Hoa Kỳ, được trang bị hệ thống radar chuyên dụng, thông tin liên lạc, vận hành và điều khiển chuyên nghiệp, đã được nhìn thấy 72 hải lý ngoài khơi bờ biển tỉnh Quảng Đông, theo tổ chức Sáng kiến Tình hình Chiến lược Biển Đông (South China Sea Strategic Situation Probing Initiative – SCSPI), một viện chính sách có trụ sở tại Đại học Bắc Kinh.

Đây là vụ chứng kiến thứ ba trong tuần, Viện này cho biết. Các nhà phân tích cho biết chiếc máy bay này có thể đang theo dõi việc triển khai và di chuyển của quân đội của Trung Quốc dọc bờ biển.

Máy bay ném bom tàng hình B-1B đến Guam sau khi Mỹ bác yêu sách của Trung Quốc về Biển Đông

Không quân Mỹ hôm thứ Sáu đã triển khai hai máy bay ném bom B-1B tới đảo Guam khi Hải quân nước này tiếp tục các hoạt động tập trận của tàu sân bay kép ở khu vực đang tranh chấp ở Biển Đông, theo Stars and Stripes.

Cả hai nhánh lực lượng quân đội đều mô tả các hoạt động là mang tính thường lệ, nhưng tuân theo một thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ hôm thứ Hai (13/7) chính thức chấp nhận phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài Thường trực tại Hague bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với một số rạn san hô và đảo nhỏ ở Biển Đông.

Họ sẽ huấn luyện với các đồng minh, các nước đối tác và các lực lượng quân đội khác của Hoa Kỳ. Việc triển khai cũng hỗ trợ “các nhiệm vụ răn đe chiến lược nhằm củng cố trật tự quốc tế dựa trên luật lệ trong khu vực”, Không quân Mỹ cho biết.

Trung Quốc đẩy mạnh việc đóng tàu sân bay

Trung Quốc dự kiến ​​sẽ ra mắt một con tàu sân bay thế hệ kế tiếp trong vòng một năm tới và việc chế tạo một con tàu chị em của con tàu thế hệ mới này hiện đang được đẩy nhanh, hai nguồn tin thân cận với các dự án cho biết.

Tàu sân bay Type 002 – tàu sân bay thứ ba của đất nước và thứ hai được phát triển trong nước – đã bắt đầu quá trình lắp ráp cuối cùng, hai nguồn tin độc lập nói với tờ South China Morning Post.

“Việc lắp ráp con tàu sân bay mới đã bắt đầu và dự kiến ​​sẽ hoàn thành trong nửa đầu năm tới, vì đại dịch Covid-19 đã làm chậm tiến độ”, theo nguồn đầu tiên, chia sẻ trong điều kiện giấu tên vì sự nhạy cảm của vấn đề.

“Các công nhân của công ty cũng đang bắt đầu công việc khởi công cho chiếc tàu sân bay chị em của con tàu mới. Cả hai tàu đều được đóng bởi Nhà máy đóng tàu Giang Nam gần Thượng Hải”.

https://www.dkn.tv/the-gioi/diem-tin-the-gioi-toi-18-7-covid-19-co-the-chuyen-xau-giong-dai-dich-cum-nam-1918.html