Tin Việt Nam – 17/07/2020

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 17/07/2020

Tử hình cựu thiếu tá công an cùng 4 đồng phạm buôn ma túy xuyên quốc gia

Tòa án Nhân dân tỉnh Nghệ An vào ngày 17/7 tuyên án tử hình đối với cựu thiếu tá công an thành phố Hồ Chí Minh cùng 4 đồng phạm tham gia đường dây buôn bán ma túy xuyên quốc gia với quy mô lớn.

Báo trong nước dẫn kết quả phiên tòa loan tin cùng ngày.

Tin cho biết, đường dây buôn ma túy vừa nêu bao gồm 15 người, bao gồm 2 người quốc tịch Lào, do Cao Xuân Thủy, 30 tuổi, cầm đầu. Ngoài ra còn có sự tham gia của ông Võ Văn Quý, 42 tuổi, cựu thiếu tá công an thuộc một đơn vị của Công an thành phố Hồ Chí Minh.

Hội đồng xét xử tuyên án tử hình về tội ‘Mua bán trái phép chất ma túy’ đối với các bị cáo Võ Văn Quý, Cao Xuân Thủy, Tống Kim Sơn,  Dương Thế Anh; Dương Hồng Nhật.

Hai bị cáo quốc tịch Lào là Và Nhia Lỳ, 28 tuổi và Cú Vư, 27 tuổi lãnh án chung thân, cộng với bản án tử hình của vụ án khác, nên mức hình phạt chung là tử hình.

6 người Việt khác lãnh án chung thân là Đào Duy Thương; Nguyễn Văn Thịnh; Phạm Như Hải; Huỳnh Lê Khanh; Nguyễn Chí Cường; Châu Thông Cường.

2 người có mức án nhẹ nhất trong đường dây này là Nguyễn Hằng Ni và Thái Vĩ Dân bị tuyên phạt 20 năm tù.

Báo trong nước dẫn kết luận điều tra cho hay từ năm 2017 đến tháng 4/2018, Cao Xuân Thủy, Tống Kim Sơn, Võ Văn Quý cùng 12 người khác đã thiết lập đường dây mua bán trái phép chất ma túy từ nước ngoài với thủ đoạn tinh vi vào Nghệ An rồi chuyển vào thành phố lớn nhất phía Nam tiêu thụ.

Cụ thể, tổng số ma túy mà những người này tham gia mua bán là hơn 1,4kg heroin và gần 22 kg ma túy đá.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/death-sentence-for-former-police-major-and-4-transnational-drug-trafficking-accomplice-07172020114124.html

 

Hệ thống camera nhận diện khuôn mặt

tại thành phố Hồ Chí Minh: nên hay không nên?

Trong buổi làm việc với Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh sáng ngày 16/7, ông Lê Quốc Cường – Phó Giám đốc Sở Thông tin – Truyền thông thành phố khi nói về tình hình triển khai thực hiện đề án ‘Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh thành đô thị thông minh’ cho hay hệ thống camera an ninh tại thành phố lớn nhất phía Nam có thể nhận diện được khuôn mặt, tự gửi thông báo khi thấy người dân lấn chiếm vỉa hè.

Dự án ‘Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh thành đô thị thông minh’ được Sở Thông tin và Truyền thông trình lãnh đạo thành phố trong tháng 8/2019. Theo Sở này, đến năm 2025, thành phố sẽ lắp đặt khoảng 10.000 camera giám sát trên toàn thành phố với kinh phí thực hiện khoảng hơn 1.600 tỉ đồng lấy từ ngân sách thành phố.

Dự án được chia làm 2 giai đoạn: giai đoạn 1 từ năm 2019-2021 và giai đoạn 2 từ năm 2021-2025. Trong đó, các camera giám sát được kết nối dữ liệu về trung tâm hình ảnh giám sát camera tập trung của thành phố.

Được biết, hệ thống camera này còn có khả năng phân tích hình ảnh, nhận diện và tìm kiếm đối tượng theo yêu cầu. Vì vậy, nó sẽ hỗ trợ tốt cho việc chỉ đạo, điều hành và xử lí các tình huống như chống bạo động và các hành vi gây rối trật tự công cộng.

Trao đổi với RFA tối 16/7, Nhà hoạt động Trần Bang từ Sài Gòn cho hay:

“Camera nhà tôi họ lắp khá lâu, nhòm vào nhà, họ lắp camera để theo dõi từ khi tôi biểu tình, các xóm khác không có mà xóm này có, được 4-5 năm nay. Bây giờ thành phố Hồ Chí Minh lắp camera nhận diện khuôn mặt thì rõ ràng theo hướng người Trung Quốc. Nền tư pháp Việt Nam không độc lập, cơ quan hành pháp tức cơ quan giám sát tự tung tự tác. Đảng cầm quyền nắm cả hành pháp, tư pháp, lập pháp nên cơ quan công an là cơ quan theo dõi khuôn mặt dễ dẫn đến chuyện họ vi phạm quyền riêng tư, tự do của mọi người.”

Còn chị Hồng Lệ tại quận Bình Thạnh lại cho rằng quan trọng ai là người quản lý vì nếu đội quản lý thuộc về cảnh sát, những người làm việc đàng hoàng, không sử dụng vào mục đích cá nhân riêng thì hoàn toàn tốt, là một dấu hiệu tích cực.

“Thật ra quyền riêng tư của mình nằm trong pháp luật cho phép, nằm trong quyền công dân của mình. Cho dù nhận diện khuôn mặt thì cũng không ai được quyền xâm phạm. Nhưng mình không vi phạm gì, không phạm luật, cũng chẳng làm gì sai trái nên không ai làm gì được mình. Chị cảm thấy hoàn toàn ủng hộ, nghĩ theo hướng tích cực vẫn là đảm bảo an ninh an toàn cho xã hội, người dân. Thành phố mình cướp bóc, cướp giật nhiều nên có hệ thống camera như vậy một phần giới hạn tụi cướp hay tụi có ý đồ xấu tự động biết sợ và hạn chế những hành động xấu.”

Nhà hoạt động Trần Bang bày tỏ quan điểm không đồng ý với việc lắp đặt nhiều camera giám sát vì ông cho rằng tư pháp Việt Nam không độc lập, bây giờ thêm sự hỗ trợ này sẽ càng làm mưa làm gió, muốn làm gì ai thì làm, đặc biệt đối với những người hoạt động dân chủ nhân quyền, những nhà giám sát, phản biện xã hội.

“Nếu như họ muốn cố tình gán ghép những người hoạt động vào tội gì thì họ rất dễ theo dõi, dễ bắt và dễ vu cáo người ta vi phạm các điều luật trong Bộ luật hình sự mà chúng tôi vẫn phản đối vì vi phạm tự do nhân quyền. Với luật an ninh mạng và những luật vi phạm nhân quyền, thậm chí vi hiến, cộng với hệ thống camera giám sát sẽ biến tất cả người dân Việt Nam thành tù nhân dự bị và có thể biến thành tội phạm bất cứ lúc nào mà công an muốn. Nên chắc chắn ảnh hưởng đến người hoạt động dân chủ nhân quyền, quyền tự do biểu đạt, quyền biểu tình, tự do ngôn luận hay quyền giám sát của người dân với công quyền, nhà nước.”

Từ Hà Nội, nhà hoạt động Lã Việt Dũng nhận định rằng nhiều tỉnh thành của Việt Nam đang học tập, thậm chí bê nguyên xi công nghệ của Trung Quốc về để tăng cường giám sát người dân qua các công cụ nhận diện khuôn mặt mà Trung Quốc gọi tên rất mỹ miều là ‘thành phố thông minh’.

“Tôi lo ngại họ dùng từ mỹ miều như để đảm bảo an ninh xã hội để làm 2 việc. Một là họ sẽ sử dụng nó như một công cụ để giám sát người dân, hạn chế hoạt động của những người nói ý kiến trái chiều với họ như dân oan hay những nhà hoạt động, theo dõi, giám sát người ta. Cái lo ngại thứ hai lớn hơn là thông tin công nghệ sử dụng sẽ ăn cắp những thông tin về khuôn mặt đó sẽ được đẩy qua Trung Quốc, như vậy gần như người dân Việt Nam không còn quyền riêng tư gì nữa cả.”

Trung Quốc đã triển khai hệ thống giám sát Skynet hay còn gọi là ‘Thiên võng’ từ năm 2015 tại nhiều thành phố. Đây là hệ thống giám sát bằng công nghệ cao với quy mô khổng lồ bằng cách kết hợp camera an ninh trên đường phố với trí tuệ nhân tạo (AI).

Tại Hội nghị Internet toàn cầu lần 6 diễn ra ở Chiết Giang, Trung Quốc, Bắc Kinh tuyên bố đến năm 2020, chính quyền sẽ hoàn thành lắp đặt 626 triệu camera theo dõi trên cả nước và gần như cứ 2 người dân thì có một camera.

Tại thành phố Hồ Chí Minh ở Việt Nam, tính đến hiện tại, có hơn 1.100 camera được tính hợp về Trung tâm điều hành thành phố. Trong đó có ít nhất 50 camera thông minh có khả năng nhận diện khuôn mặt, nhận dạng loại phương tiện, phát hiện đám đông, các sự cố về giao thông, an ninh trật tự…

Bày tỏ quan điểm của mình qua Facebook Messenger, chị Minh Ngọc cho rằng “thực tế hệ thống camera giám sát nếu được thực hiện tốt, sẽ giúp giảm những vi phạm trong xã hội, hỗ trợ phía công an truy tìm hung thủ, tội phạm.

Tuy nhiên, bên cạnh phục vụ cho những mục đích trên sẽ là những hạn chế nhất định khi xác định danh tính những người biểu tình ôn hòa rồi bắt họ như trong vụ việc biểu tình chống hai dự luật diễn ra trước đây.

Vì vậy, để cân bằng được 2 việc và khiến người dân tâm phục khẩu phục còn phụ thuộc vào trách nhiệm nhà cầm quyền.”

Nhà cầm quyền có trách nhiệm là kỳ vọng hiện nay của dân chúng tại Việt Nam.

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/face-detection-camera-system-in-hcmc-should-or-should-not-07162020150027.html

 

Hà Nội sẽ trở thành

trung tâm khoa học hàng đầu Đông Nam Á?

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ, đưa ra nhận định vừa nêu khi chủ trì buổi làm việc về sự phối hợp của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội và Bộ Khoa học và Công nghệ hôm 14 tháng 7 năm 2020.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Dũng, người có hơn 40 năm công tác trong lĩnh vực giáo dục đại học tại Việt Nam, khi trả lời Đài Á Châu Tự Do hôm 16 tháng 7 năm 2020, nhận định liên quan việc này:

“Tôi không biết ông Huệ nói ‘sẽ’ là bao lâu? Là 10 năm, 100 năm hay 1.000 năm… Chứ trong thời gian ngắn hạn trước mắt thì không có cơ sở nào để mà ngành khoa học nói chung của Hà Nội, có thể vượt ví dụ là Singapore… Chỉ một số ngành nào đó thì có thể, ví dụ như toán. Chứ còn nói chung thì không có hy vọng gì, ông Huệ là người lạc quan quá mức, hoặc là ông chỉ nói chuyện đùa vui.”

Trong thời gian ngắn hạn trước mắt thì không có cơ sở nào để mà ngành khoa học nói chung của Hà Nội, có thể vượt ví dụ là Singapore…

-PGS. TS. Hoàng Dũng

Còn Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, thuộc Viện ISEAS-Yusof Ishak – Singapore, nói với Đài Á Châu Tự Do hôm 16 tháng 7 năm 2020, rằng nhận định này là không có cơ sở, ông đưa ra so sánh với Singapore, dù theo ông quy mô quốc gia cũng như dân số của Singapore thấp hơn Việt Nam nhiều:

“Ông Bí thư này đang nói một cái việc không đúng, không có cơ sở gì cả. Singapore cũng có một số công ty mang tính khoa học… nhưng là khoa học ứng dụng. Còn Việt Nam thì chưa bao giờ là trung tâm khoa học cả, tất cả các thông số về công trình nghiên cứu, số lượng các nhà khoa học, chất lượng các nhà khoa học thì hai bên khác nhau xa…. trong khi Singapore là nước bé, tổng số người làm việc chỉ 5 triệu trong khi Việt Nam chính mươi mấy triệu. Tỷ lệ nhà khoa học trên dân số của Việt Nam hiện rất thấp, Hà Nội càng rất thấp… cho nên không thể nói như thế được, tôi rất ngạc nhiên về cái đấy.”

Tại buổi làm việc với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho rằng, cần có các nhiệm vụ tập trung xây dựng Hà Nội thành trung tâm khoa học với tiềm lực mạnh về nghiên cứu. Ông Huệ nêu lên những điểm cần thảo luận, trong đó tập trung vào cơ chế chính sách khoa học công nghệ mang tính đột phá phù hợp với đặc thù Thủ đô.

Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng, một nhà khoa học người Việt tại đại học Liège, Vương quốc Bỉ, từng có nhiều năm hợp tác trong lãnh vực đào tạo tại Việt Nam, cho Đài Á Châu Tự Do biết ý kiến của mình, hôm 16 tháng 7 năm 2020:

“Việt Nam mình thấy mấy nhà lãnh đạo hay nói vậy, trước đây thì nói rằng muốn Hà Nội thành cái Paris của Đông Nam Á… bây giờ lại thêm chuyện Hà Nội thành trung tâm khoa học của Đông Nam Á. Tôi thấy cái này nói cho vui thôi, chứ đâu có cơ gì mà nói như vậy. Đâu có một trung tâm nghiên cứu

nào ở Hà Nội mà nổi trội đâu? Chỉ có Viện Nghiên cứu Toán học ở Hà Nội là tương đối đắt giá, nhưng muốn thành trung tâm khoa học đâu chỉ toán học, mà còn có những ngành khoa học khác, phải có điều kiện sinh hoạt rộng mở, cởi mở, để đón nhận nhân tài. Tôi biết nhiều sinh viên đi du học, thì rất đông trong số đó không chịu đi về phục vụ tại Hà Nội, cũng như Việt Nam nói chung.

Lý do theo Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng, là vì điều kiện đón nhận nhân tài, để họ có thể phát huy khả năng của họ không có, môi trường chưa rộng mở và tinh thần khoa học chưa được thể hiện sáng tỏ. Ông nói tiếp:

“Khoa học chỉ có thể xây dựng trên môi trường trung thực, tôn trọng sự thật, riêng cái này Việt Nam nói chung và đặc biệt Hà Nội chưa có gì sáng tỏ. Cho nên nói thật, tôi nghe như vậy thì tôi cũng rất là mong mỏi, là ông Huệ có thể làm cái gì đó cụ thể hơn, để sớm trở thành hiện thực. Chứ bây giờ tôi thấy nó hoàn toàn tù mù, và không có cơ sở để tôi có thể tin tưởng nó trở thành hiện thực trong một ngày không xa.”

Theo cơ sở dữ liệu của Thomson-Reuters được Viện Thông tin quốc tế ISI trích dẫn, về năng suất nghiên cứu quốc gia, tức số lượng công bố quốc tế trên một triệu dân, thì năm qua Việt Nam thấp hơn Thái Lan 6,5 lần và Malaysia 9.5 lần. Singapore dẫn đầu khu vực về năng suất nghiên cứu quốc gia, cao hơn Việt Nam 170 lần và Indonesia 530 lần. Việt Nam chỉ cao hơn Indonesia và Philippines 3 lần.

Theo ISI, cho tới nay, tổng số công bố quốc tế của cả Việt Nam vẫn còn ít hơn một trường đại học Thái Lan như Chulalongkorn hay Mahidol. Ngoài ra, trong khi các tác giả trong nước của Thái Lan chiếm gần 80%, thì các công bố quốc tế của tác giả trong nước ở Việt nam chỉ là 38%. Trong đó, toán học và vật lý lý thuyết thường là hai lãnh vực có nhiều công bố quốc tế nhất của Việt Nam.

Nếu so sánh trên quy mô quốc gia, Việt Nam còn kém xa các nước trong khu vực, thì sao Hà Nội có thể thành Trung tâm khoa học của Đông Nam Á được?

Khoa học chỉ có thể xây dựng trên môi trường trung thực, tôn trọng sự thật, riêng cái này Việt Nam nói chung và đặc biệt Hà Nội chưa có gì sáng tỏ.

-GS. Nguyễn Đăng Hưng

Tuy nhiên Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho rằng, muốn phát triển tiềm lực khoa học công nghệ của Hà Nội, cần tập trung vào các giải pháp đồng bộ tài chính, đầu tư và huy động nguồn lực xã hội, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển khoa học công nghệ; các giải pháp thu hút đào tạo đội ngũ nhân lực và tri thức về khoa học công nghệ… Ông cho rằng, cần chú trọng đào tạo, để Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo của cả nước.

Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng nhận định thêm:

“Chất lượng đại học của Việt Nam tụt hậu là do Việt Nam đi lạc đường. Người ta không đào tạo con em người Việt theo hướng tự do, đa chiều để họ có thể có đầu óc phản biện và có được tinh thần độc lập. Phải như vậy họ mới có thể sáng tạo và phát minh. Cho nên phải cải tiến môi trường và tư duy giáo dục của nhà chức trách Việt Nam và ban Tuyên giáo Việt Nam. Anh phải làm thế nào để bỏ đi việc dùng trường học làm cơ sở để tuyên truyền chính trị.”

Lý giải nhận định của mình, ông Vương Đình Huệ cho rằng, nhìn vào tiềm lực, Hà Nội có 124 trường đại học, 113 viện nghiên cứu, 14 phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia với hàng nghìn doanh nghiệp khoa học và công nghệ tiềm năng. Dù ghi nhận những đóng góp của khoa học và công nghệ vào phát triển, nhưng ông Huệ cho rằng chưa tương xứng với tiềm lực vốn có. Vì vậy ông Huệ muốn Hà Nội trở thành hình mẫu hợp tác giữa địa phương với Bộ Khoa học và Công nghệ để thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng.

Tuy nhiên khi trả lời RFA Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho rằng, khoảng cách giữa thủ đô Hà Nội và các thành phố phát triển hiện nay đang còn rất xa. Vì vậy đòi hỏi phải cố gắng rất nhiều. Muốn đáp ứng mục tiêu như vậy, theo ông phải có những giải pháp đột phá cụ thể. Ông cho rằng, cần phải có nghiên cứu sâu hơn, để có những biện pháp cụ thể.

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/will-hanoi-become-the-leading-center-of-science-in-southeast-asia-07162020131305.html

 

TP Hà Nội dọn hết rác bị ứ đọng

do bãi rác bị dân phản đối

Chủ tịch UBND TP Hà Nội -ông Nguyễn Đức Chung hứa với cử tri thành phố đến hết ngày 17 tháng 7 đảm bảo dọn sạch rác ở các quận nội thành.

Ông Chung cam kết như trên trong buổi tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm sau kỳ họp thứ 15 của HĐND thành phố diễn ra vào ngày 17/7 và được truyền thông quốc nội loan tin.

Tại buổi tiếp xúc, cử tri đặc vấn đề TP có giải pháp gì để đưa rác ra khỏi nội thành hay không sau khi sự việc người dân tại các xã Hồng Kỳ và Nam Sơn của huyện Sóc Sơn căng lều bạt ngăn xe rác vào bãi rác Nam Sơn, khiến rác ùn ứ trong nội thành Hà Nội 3 ngày qua.

Để giải quyết vấn đề này, ông Chung cho biết đã chỉ đạo Sở Xây dựng tạm thời chuyển rác đến các bãi rác tại Cầu Diễn, Xuân Sơn Ba Vì và đảm bảo trong ngày 17/7, rác sẽ được dọn sạch ở các quận nội thành.

Đối với người dân tại Sóc Sơn đang chặn xe rác, Chủ tịch Hà Nội cho biết sẽ tìm cơ chế, chính sách tốt nhất cho người dân để đảm bảo hài hoà lợi ích của người dân. Trước mắt các lãnh đạo TP sẽ tiếp tục đối thoại với người dân để người dân đồng thuận.

Ông Chung cũng thừa nhận, ngoài chính sách đền bù chưa thoả đáng cho người dân huyện Sóc Sơn thì việc bãi rác rỉ nước bốc mùi hôi thối cũng khiến người dân bức xúc.

Theo ông Chung, bãi rác thải cũ từ 1997 đến nay tiến hành chôn lấp theo công nghệ cũ, cứ 1 m3 rác sẽ phát sinh 1,2 m3 nước rỉ rác. Ở khu vực bãi rác Nam Sơn có 3 hồ chứa nước rỉ rác, thành phố có kêu gọi một số nhà đầu tư nhà máy xử lý nước rỉ rác này.

Từ năm 2019 trở về trước, thành phố đều lên kế hoạch đặt hàng, nhưng hiện theo Nghị định 32 của Chính phủ, việc này phải đưa đấu thầu, khiến trình tự, thủ tục kéo dài. 150.000 m3 nước rỉ rác tồn đọng dâng lên, bốc mùi hôi thối dưới thời tiết nắng nóng khiến người dân càng bức xúc.

Tuy vậy, ông Chung cho biết, đến cuối năm nay, một nhà máy xử lý rác thải công suất 4.000 tấn/ngày đêm sẽ đi vào hoạt động và trong thời gian tới, khi các nhà máy khác cũng đi vào hoạt động, sẽ giải tỏa bớt áp lực rác thải với thủ đô.

Được biết, sau buổi đối thoại với Phó bí thư thành uỷ Hà Nội trong ngày 17/7 về phương án bồi thường hỗ trợ giải phóng mặt bằng dự án di dân vùng ảnh hưởng môi trương của Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn quanh bãi rác, người dân các xã Nam Sơn, Hồng Kỳ đã không còn chặn xe rác vào Khu liên hợp nữa.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/hanoi-clears-backlot-of-garbage-dueto-residents-protest-07172020081549.html

 

Người dân Hà Nội đang bị ‘đầu độc’

bởi 150.000 m3 nước rỉ rác thải

Tâm Tuệ

Hà Nội mấy ngày gần đây, vấn đề rác thải trở nên nóng bỏng, người dân quanh bãi rác Nam Sơn tiếp tục chặn xe rác do bức xúc với các chính sách đền bù, di dời của thành phố đặc biệt là cuộc sống của người dân nơi đây bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi phải sống chung mỗi ngày với hàng trăm m3 nước rỉ ra từ rác.

Ông Nguyễn Đức Chung – Chủ tịch Hà Nội trong buổi tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm sau kỳ họp HĐND thứ 15 vào sáng nay (17/7) thừa nhận rằng đây là vấn đề nhức nhối của thành phố và không quên nêu ra những vướng mắc khiến người dân chặn rác.

Thứ nhất là liên quan đến giá đất, nhà tái định cư; thứ 2 là kinh phí đền bù; thứ 3 là xác định nguồn gốc đất để đền bù và lý do nữa là việc chậm trễ xử lý nước rỉ rác.

Trước đó, theo một người dân thôn Đông Hạ (xã Nam Sơn), tối 13/7 người dân địa phương đã ngăn xe chở rác do bức xúc về việc thành phố chậm chi trả đền bù giải phóng mặt bằng với bán kính 500m ở quanh bãi rác.

Cho đến nay, người dân mới nhận tiền đền bù diện tích đất nông nghiệp, chưa được nhận tiền đất ở, đất ao vườn nên chưa thể di dời.

“Người dân chúng tôi kiến nghị sớm giải quyết các vướng mắc liên quan đến chế độ chính sách trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và đề nghị được sớm di chuyển người dân trong vùng ảnh hưởng môi trường…” người này nói với PV báo Tuổi trẻ.

Tuy nhiên, trong buổi tiếp xúc cử tri sáng nay, ông Trung nói việc liên quan đến giá đất, nhà tái định cư và kinh phí đền bù đã xử lý xong. Vấn đề vướng mắc còn lại chỉ là việc xác định nguồn gốc đất để đền bù và xử lý nước rỉ rác mà thôi.

Đề cập đến việc xử lý nước rỉ rác khiến người dân bức xúc kéo ra chặn xe chở rác được báo VnExpress nêu trong bản tin “Ba vướng mắc của người dân quanh bãi rác Nam Sơn” đăng tải hôm nay (17/7), chủ tịch TP cho hay hệ thống xử lý rác thải của Hà Nội chủ yếu đang sử dụng phương pháp chôn lấp. Theo đó, cứ 1 m3 rác thải thì sinh ra 1,3 m3 nước rỉ rác. Từ năm 2019 trở về trước thành phố đặt hàng công ty Phú Điền và một đơn vị khác xử lý nước rỉ rác. Nhưng theo quy định mới, việc xử lý trên phải qua đấu thầu, dẫn đến tồn khoảng 150.000 m3 nước rỉ rác, nắng nóng gây mùi hôi thối, ô nhiễm.

Về việc xử lý rác thải trong thời gian tới, ông Chung thông tin rằng, Hà Nội đang xây dựng và chuẩn bị đưa vào khai thác nhiều nhà máy xử lý rác thải công nghệ cao theo tiêu chuẩn châu Âu.

Dự kiến, Hà Nội khánh thành Nhà máy điện rác Nam Sơn với công suất 4.000 tấn/ngày đêm, lớn nhất Việt Nam hiện nay và có tổng mức đầu tư khoảng 7.000 tỷ đồng được UBND Hà Nội chấp thuận chủ trương từ cuối năm 2017 do Tổng thầu MCC (Trung Quốc) thực hiện.

Đó là câu chuyện của người dân khu bãi rác Nam Sơn, còn với người dân trong khu vực trung tâm thành phố Hà Nội, thì vấn đề rác thải của cũng được xem là nan giải khi người dân thành phố đang phải trực tiếp đối mặt hàng ngày với rác ngập trên các con đường, góc phố. Trong buổi chia sẻ tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm vào sáng nay, cử tri Đào Tuyết Thanh (phương Hàng Trống) bày tỏ lo ngại khi 4 quận nội thành, trong đó có Hoàn Kiếm rác thải chất đống chưa được thu gom, vận chuyển. Rác chất thành nhiều đống lớn, bốc mùi, gây ô nhiễm đô thị. Một loạt tuyến đường để xảy ra thực trạng trên như Tây Sơn, Nguyễn Lương Bằng, Đống Đa…Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ sáng 15/7, tại các tuyến đường trên địa bàn quận Đống Đa, Ba Đình, Hai Bà Trưng…, rác thải tràn ngập khắp phố, bốc mùi hôi thối nhưng chưa được ôtô thu gom rác chuyển đi.

Dọc đường Tây Sơn – Nguyễn Lương Bằng – Tôn Đức Thắng (Q.Đống Đa), rác được vun lại ở rải rác khắp các gốc cây, trụ điện, nhưng nhiều nhất là ở đầu các con ngõ vì đây là nơi tập trung phần lớn rác thải từ các khu dân cư.

https://www.dkn.tv/thoi-su/nguoi-dan-ha-noi-dang-bi-dau-doc-boi-150-000-m3-nuoc-ri-rac-thai.html

 

Bãi xỉ than Nhiệt điện Vĩnh Tân

vẫn chưa có phương án phòng chống sự cố

Công ty Nhiệt điện Vĩnh Tân đến cuối tháng 6 năm nay vẫn chưa hoàn thành phương án phòng chống bão lụt và phương án phòng chống sự cố tại bãi xỉ than.

Truyền thông trong nước dẫn báo cáo của Sở Tài nguyên – Môi trường tỉnh Bình Thuận, loan tin vừa nói hôm 17/7.

Cũng trong ngày 17/7, Ủy ban Nhân dân (UBND) tỉnh Bình Thuận vừa có văn bản yêu cầu các chủ đầu tư và nhà thầu thuộc Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân, tiếp tục phối hợp, thực hiện nghiêm túc các biện pháp bảo vệ môi trường của các nhà máy nhiệt điện.

Cụ thể, Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 chưa bố trí khu vực lưu chứa nước mưa thu gom trong lòng bãi thải tro, xỉ than; và Công ty Nhiệt điện Vĩnh Tân vẫn chưa hoàn thành phương án phòng chống bão lụt và phương án phòng chống sự cố tại bãi xỉ than…

Trong báo cáo, UBND tỉnh Bình Thuận yêu cầu các công ty này lắp đặt camera để giám sát được bụi trong và ngoài kho than, nhằm đảm bảo việc vận hành tưới nước giữ ẩm kho than; Lắp đặt bảng điện tử hiển thị thông số quan trắc tự động chất lượng môi trường tại nhà máy để công khai, minh bạch số liệu, cho người dân kiểm tra, giám sát…

Ngoài ra, Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 cần xây dựng thêm hồ chứa nước tại khu vực bãi chứa xỉ than trước mùa mưa, thi công đê bao tầng 2 và thực hiện phân chia ô bãi xỉ cho các tầng tiếp theo chưa chôn lấp. Đối với Công ty Điện lực Vĩnh Tân, UBND tỉnh Bình Thuận yêu cầu hoàn chỉnh phương án thoát nước, phòng chống bão lụt và sự cố tại bãi xỉ trước mùa mưa.

UBND tỉnh Bình Thuận cũng chỉ đạo các sở ban ngành, xem xét di dời các hộ dân bị ảnh hưởng bởi bụi, tiếng ồn của Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân.

Hồi trung tuần tháng tư năm 2015, nhiều người dân do quá bức xúc về tình trạng ô nhiễm do nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 gây ra; nên biểu tình chặn xe tại đoạn Quốc lộ 1 qua xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vinh-tan-thermal-power-has-not-completed-the-plan-to-prevent-incidents-at-coal-slag-07172020080740.html

 

Cảnh sát giao thông Việt Nam

kiểm tra các biển số xe hơi

Cảnh sát giao thông ở Việt Nam đang rà soát các biển số xe hơi có bản đồ thiếu quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, vận động người dân gỡ bỏ các bản đồ này.

VietnamNet hôm 16/7, trích lời một lãnh đạo của Cục Cảnh sát giao thông – Bộ Công an cho biết nếu người dân sau khi được tuyên truyền, nhắc nhở mà vẫn cố tình sử dụng hình ảnh bản đồ thiếu hai quần đảo này thì sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Việt Nam hiện đòi chủ quyền toàn bộ đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở Biển Đông. Tuy nhiên, Trung Quốc hiện đang kiểm soát toàn bộ quần đảo Hoàng Sa, trong khi Trường Sa là quần đảo đang tranh chấp giữa các nước bao gồm Việt Nam, Trung Quốc, Malaysia, Philippines, Brunei và Đài Loan.

Việc các xe hơi ở Việt Nam có gắn bản đồ trên khung biển số xe đã có từ lâu, nhưng theo ghi nhận của báo chí trong nước, nhiều người dân khi mua các tấm ốp biển số xe có bản đồ Việt Nam thường không để ý hai quần đảo này.

Mới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có văn bản gửi Bộ Công an, Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông Vận tải về việc xử lý hiện tượng lưu hành sản phảm bản đồ Việt Nam thể hiện sai lệch chủ quyền, biên giới quốc gia.

Văn bản của Bộ Thông tin và Truyền thông xác định: “Do các phương tiện giao thông có phạm vi đi lại rộng, tác động thị giác lớn đến người dân và du khách nước ngoài, có thể hình thành ý thức sai lệch về chủ quyền biển, đảo và về lâu dài, gây bất lợi trong công tác đấu tranh pháp lý về chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông”.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnam-traffic-police-to-check-all-licence-plate-for-maps-without-spratly-and-paracel-islands-07172020074856.html

 

Cắt giảm 70% kinh phí công tác và hội nghị

đến cuối năm 2020

Bộ Tài chính Việt Nam đề nghị chính quyền tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương cắt giảm 70% kinh phí hội nghị và công tác đến cuối năm 2020, nhằm thực hiện được mục tiêu kép “vừa đẩy lùi bệnh dịch, vừa phát triển kinh tế-xã hội”.

Truyền thông trong nước, vào ngày 17/7 cho biết Bộ Tài chính vừa gửi văn bản đến chính quyền các tỉnh/thành phố để đề nghị thực hiện các giải pháp được Chính phủ Việt Nam và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề ra trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn còn tiếp diễn.

Một trong những giải pháp là cắt giảm 70% kinh phí tổ chức hội nghị và đi công tác từ nay đến cuối năm 2020.

Bên cạnh đó, chính quyền các tỉnh/thành phố tập trung thực hiện tái cấu trúc, đẩy mạnh cổ phần hoá, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp; mở rộng các phương thức bán cổ phần, kể cả bán toàn bộ doanh nghiệp và đảm bảo số thu từ cổ phần, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo dự toán.

Chính quyền các tỉnh/thành phố còn được đề nghị chú trọng vào đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước; tháo gỡ khó khăn, rào cản trong quản lý đầu tư và xây dựng, nhất là vướng mắc về giải phóng mặt bằng, thủ tục cấp phép xây dựng, đấu thầu…để tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các chủ dự án. Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và công khai, minh bạch trong thu, chi ngân sách nhà nước, quản lý, sử dụng tài sản công cũng như xử lý sau thanh tra, kiểm tra, kiểm toán đối với các trường hợp vi phạm, gây lãng phí tiền, tài sản nhà nước, tài nguyên thiên nhiên.

Chính quyền các tỉnh/thành phố cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan Thuế, Hải quan để tăng cường quản lý thu, chống thất thu, chống chuyển giá; quản lý hoàn thuế, xử lý và thu hồi nợ đọng thuế.

Trong phiên họp tại trụ sở Chính phủ hôm 1/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết 6 tháng đầu năm 2020 GDP cả nước chỉ đạt 1,81%. Đây là mức thấp nhất 10 năm qua, tuy nhiên vẫn là mức cao của thế giới.

Và trong phiên họp vào sáng 9/7, ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng ý với Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia kịch bản tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2020 ở mức từ 3 – 4% và sẽ nghiên cứu để xây dựng kế hoạch tổng thể hỗ trợ kích thích kinh tế, trong đó có vấn đề tăng bội chi.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/the-cost-of-business-trips-n-conferences-cut-down-70percent-to-end2020-07172020082705.html

 

Sản xuất vải để hưởng lợi từ EVFTA và CPTPP:

bài toán nan giải cho Việt Nam!

Quốc hội Việt Nam vào đầu tháng 6 chính thức phê chuẩn Hiệp định Tự do Thương mại Việt Nam-Châu Âu (EVFTA) và từ ngày 1/8 tới đây hiệp định bắt đầu có hiệu lực.

Ngành dệt may của Việt Nam, trong năm 2019, là ngành xuất khẩu lớn thứ ba với kim ngạch gần 40 tỷ USD, chiếm 15% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Và, khi EVFTA được thực thi, hàng may mặc Việt Nam sẽ được giảm thuế từ 12% xuống còn 0%.

Trước đó, Việt Nam cũng đã ký kết tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), có hiệu lực từ ngày 14/1/2019.  Hiệp định này quy định toàn bộ sản phẩm dệt may xuất khẩu, ngay từ khâu sản xuất xơ sợi, nhuộm… đến vải, quần áo thành phẩm đều được sản xuất trong nội khối CPTPP thì được hưởng thuế xuất-nhập khẩu bằng 0%.

Nhiều doanh nghiệp dệt may Việt Nam cho rằng thông qua hai Hiệp định CPTPP, EVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu, mở rộng thị trường và hưởng ưu đãi thuế.

Mặc dù vậy, theo báo cáo của Chương trình nghiên cứu chiến lược Mekong-Trung Quốc (MCSS) thì doanh nghiệp dệt may Việt Nam không dễ dàng tận dụng được ưu đãi của hai Hiệp định EVFTA và CPTPP. Đơn cử, một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ tận dụng hiệp định thương mại (FTA) của Việt Nam rất thấp là không tự chủ được vấn đề xuất xứ hàng hóa.

Sản xuất vải là “nút thắt cổ chai”

Trong báo cáo “Dệt may Việt Nam: Tác động của COVID-19 và còn xa hơn nữa”, được công bố vào cuối tháng 6 vừa qua, nhóm nghiên cứu của MCSS ghi nhận yếu tố quan trọng nhất gây cản trở nằm ở khâu sản xuất vải, mà MCSS gọi là “nút thắt cổ chai” của ngành dệt may Việt Nam. Theo ghi nhận của MCSS, nhập khẩu vải và nguyên phụ liệu ngành dệt may hiện vào khoảng 40% giá trị kim ngạch xuất khẩu hàng may mặc; trong đó 70% vải nhập khẩu phục vụ cho mục đích may xuất khẩu. Chi phí cho nhập khẩu nguyên phụ liệu đang chiếm khoảng 30% tổng giá trị xuất khẩu của doanh nghiệp.

Tương tự, hồi tháng 6/2019, truyền thông trong nước dẫn lời của ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết 70% lượng vải để sản xuất đồ may mặc phải nhập khẩu từ Trung Quốc, còn nhập từ các nước như Nhật Bản, Malaysia (trong nội khối CPTPP) là rất ít.

Đối với dệt may mà muốn hưởng thuế suất bằng không, tức là hưởng thuế suất ưu đãi, thì một trong những điều kiện là vải phải sản xuất tại Việt Nam. Thực ra vấn đề vải thì Việt Nam hiện nay có thể đảm đương khoảng 40% dung lượng để xuất khẩu trên cả nước. Tuy nhiên Việt Nam vẫn phải nhập vải từ Trung Quốc và một số nước khác. Riêng đối với Hàn Quốc thì Liên Minh Châu Âu cho phép chúng ta được lấy vải Hàn Quốc cộng vào và xem đó như vải nội địa. Đó là lợi thế rất lớn, tuy nhiên không phải vải nào của Việt Nam cũng được nhập từ Hàn Quốc hết. Nếu anh không bảo đảm được tỷ lệ nội địa của EVFTA thì anh sẽ không được hưởng thuế ưu đãi. Không được hưởng thì thiệt thòi phải chịu là mức thuế cao. Đó là khuyến cáo không chỉ đối với ngành dệt may mà với tất cả các ngành
-Doanh nhân Diệp Thành Kiệt

Đồng thời, Chủ tịch Hiệp hội Bông sợi Việt Nam, ông Nguyễn Văn Tuấn cho biết 99% hàng phụ trợ của ngành may mặc chính là vải, nhưng hiện Việt Nam mới chỉ dừng ở khâu sản xuất sợi nên tỷ lệ lớn vải phải nhập khẩu về để may mặc.

Một chủ doanh nghiệp kinh doanh liên quan ngành dệt may ở Việt Nam, nói với RFA về nguyên nhân vì sao các doanh nghiệp Việt Nam chọn nhập khẩu vải từ Trung Quốc mà không sản xuất ở nội địa, hay mua vải từ các thị trường nước ngoài khác:

“Ở trong nước có sản xuất vải, nghĩa là nhập sợi và nguyên vật liệu từ Trung Quốc về để sản xuất ở Việt Nam nhưng giá thành tính ra vẫn cao hơn giá thành nhập vải trực tiếp từ Trung Quốc về. Tôi chưa nói đến khâu sản xuất nguyên vật liệu. Hiện nguyên vật liệu cũng chưa hề có và bây giờ mà đầu tư vào thì sẽ mất rất nhiều thời gian, tại vì trước giờ nhập về từ Trung Quốc rất rẻ và cũng phụ thuộc vào Trung Quốc nhiều quá. Ngay cả Indonesia cũng rất mạnh về gia công may mặc thì nguyên vật liệu, họ cũng nhập từ Trung Quốc. Ngay cả Thái Lan cũng có duy nhất một nhà máy sản xuất thuốc nhuộm. Và Ấn Độ cũng vậy, chủ yếu nhập từ Trung Quốc. Ấn Độ sản xuất được thuốc nhuộm cho sợi cotton nhưng cũng yếu lắm, cạnh tranh không lại. Cho nên, nếu doanh nghiệp ở Việt Nam đầu tư vào thì bao giờ mới cạnh tranh được, trong khi mọi thứ có sẵn ở Trung Quốc.”

Vị nữ doanh nhân, không muốn nêu tên, cho biết thêm các quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan phát triển rất mạnh về sản xuất vải. Tuy nhiên trong khoảng 1 thập niên qua, các nước này cũng đã dịch chuyển nhà máy đến Trung Quốc vì lĩnh vực dệt, nhuộm gây ô nhiễm rất nặng cũng như thị trường nhân công ở Trung Quốc rất đông và rất rẻ. Do đó, quanh quẩn thì doanh nghiệp dệt may Việt Nam cũng lại mua vải có xuất xứ từ Trung Quốc.

Một số các chuyên gia trong ngành dệt may Việt Nam nhìn nhận Hiệp định CPTPP với lãi suất 0% là rất có lợi cho doanh nghiệp sản xuất đồ may mặc trong nước, vì thị trường của 11 quốc gia tham gia là rất lớn và các nước này lại không có lợi thế về may mặc. Và, để được hưởng lợi từ CPTPP thì Việt Nam phải “nội địa hóa” toàn bộ các sản phẩm là nguyên phụ liệu cho ngành may mặc.

Doanh nhân Diệp Thành Kiệt, một chuyên gia ngành may mặc và da giày Việt Nam, giải thích rõ về vấn đề này theo CPTPP và EVFTA:

“Đối với dệt may mà muốn hưởng thuế suất bằng không, tức là hưởng thuế suất ưu đãi, thì một trong những điều kiện là vải phải sản xuất tại Việt Nam. Thực ra vấn đề vải thì Việt Nam hiện nay có thể đảm đương khoảng 40% dung lượng để xuất khẩu trên cả nước. Tuy nhiên Việt Nam vẫn phải nhập một số vải từ Trung Quốc và một số nước khác. Riêng đối với Hàn Quốc thì Liên Minh Châu Âu cho phép chúng ta được lấy vải Hàn Quốc cộng vào và xem đó như vải nội địa. Đó là lợi thế rất lớn, tuy nhiên không phải vải nào của Việt Nam cũng được nhập từ Hàn Quốc hết. Nếu anh không bảo đảm được tỷ lệ quy định nội địa của EVFTA thì anh sẽ không được hưởng thuế ưu đãi. Không được hưởng thì thiệt thòi phải chịu là mức thuế cao. Đó là khuyến cáo không chỉ đối với ngành dệt may mà với tất cả các ngành.”

Một bài toán vĩ mô nan giải!

Giới chuyên gia ngày manh mặc Việt Nam ghi nhận tốc độ phát triển của ngành dệt may hiện nay là 15% và dự kiến đến năm 2025, quy mô dệt may Việt Nam sẽ tăng gấp đôi, nhu cầu về vải sẽ lên tới 20 tỷ mét. Như thế, thách thức của ngành dệt may Việt Nam là làm cách nào để sau 5 năm nữa phải có đủ 20 tỷ mét vải mỗi năm?

Theo “Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp Dệt May Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, được Bộ Công thương phê duyệt và ban hành vào trung tuần tháng 4/2014, trong đó quy hoạch định hướng phát triển sản phẩm, lĩnh vực quan trọng bao gồm xây dựng chương trình sản xuất vải phục vụ xuất khẩu phát triển các sản phẩm dệt kỹ thuật, sản phẩm dệt phục vụ y tế; phát triển nguồn nguyên liệu xơ bông, các loại cây có xơ sợi, xơ sợi nhân tạo và phụ liệu; và tăng cường cho ngành may xuất khẩu để tận dụng cơ hội thị trường.

Tuy nhiên, trên thực tế thì lại là một bài toán khó mà không thể có đáp số, theo nhận định của những người có kinh nghiệm trong ngành dệt may.

Vị nữ doanh nhân ẩn danh ở Sài Gòn lên tiếng:

Nói như vậy thôi, nhưng làm không dễ đâu. Khi sản xuất vải thì thứ nhất là sợi, sợi polyester gây ô nhiễm môi trường vì sản xuất từ nhựa. Thuốc nhuộm thì siêu ảnh hưởng đến môi trường, ô nhiễm tất cả con sông. Việt Nam đánh đổi bài toán môi trường sẽ như thế nào? Hiện Việt Nam đang rất yếu trong vấn đề đó, đang bị ô nhiễm về nguồn nước, nguồn không khí, khí thải rất nặng nề. Vì thế, đó là một bài toán vĩ mô rất lớn và Chính phủ phải xem xét. Chính phủ đầu tư thì phải bắt tay từ cơ sở hạ tầng, từ các vấn đề xử lý môi trường và phải đầu tư vào máy móc công nghệ, dùng để sản xuất ra sợi, sản xuất hóa chất, dùng để dệt may. Hiện tại máy móc và nguyên vật liệu đều mua từ Trung Quốc. Việt Nam muốn sản xuất vải thì hãy đầu tư vào con người, vào trí tuệ vào sáng tạo để sáng chế ra được những máy móc hiện đại hơn để có thể đáp ứng được nhu cầu sản xuất

-Nữ doanh nhân ẩn danh

“Nói như vậy thôi, nhưng làm không dễ đâu. Khi sản xuất ra vải thì thứ nhất là sợi, sợi polyester gây ô nhiễm môi trường vì sản xuất từ nhựa. Thuốc nhuộm thì siêu ảnh hưởng đến môi trường, ô nhiễm tất cả con sông. Việt Nam đánh đổi bài toán môi trường sẽ như thế nào? Hiện Việt Nam đang rất yếu trong vấn đề đó, đang bị ô nhiễm về nguồn nước, nguồn không khí, khí thải rất nặng nề. Vì thế, đó là một bài toán vĩ mô rất lớn và Chính phủ phải xem xét. Chính phủ đầu tư thì phải bắt tay từ cơ sở hạ tầng, từ các vấn đề xử lý môi trường và phải đầu tư vào máy móc công nghệ, dùng để sản xuất ra sợi, sản xuất hóa chất, dùng để dệt may. Hiện tại máy móc và nguyên vật liệu đều mua từ Trung Quốc. Việt Nam muốn sản xuất vải thì hãy đầu tư vào con người, vào trí tuệ, vào sáng tạo để sáng chế ra được những máy móc hiện đại hơn, để có thể đáp ứng được nhu cầu sản xuất.”

Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh, hồi tháng 6 năm ngoái nói với báo giới quốc nội rằng khó khăn nhất của dệt may hiện nay là “đầu ra” cho vải. Báo Sài Gòn Giải Phóng Online trích nguyên văn lời của Thứ trưởng Trần Quốc Khánh rằng “Anh đầu tư vào vải, làm ra vải cho đất nước nhưng lại không bán được cho khâu may, bởi vì người ta không mua. Vì người ta phải mua theo chỉ định của khách hàng của người ta”.

Ông Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết thêm đầu tư vào một nhà máy dệt không chỉ vài triệu USD, mà phải lên tới vài trăm triệu USD. Chính vì vậy, theo ông Khánh, chỉ khi nào ngành dệt may Việt Nam đủ lớn thì mới có thể thu thu hút các nhà đầu tư vào ngành này.

Tuy vậy, Chủ tịch Hiệp hội Bông sợi Việt Nam, ông Nguyễn Văn Tuấn lại trưng dẫn một công ty của Hà Lan đang đầu tư ở Việt Nam muốn mang vào một loại máy nhuộm không dùng nước và xả thải, nhờ sử dụng khí CO2 để phun lên vải, sợi. Ông Nguyễn Văn Tuấn nhấn mạnh “Nhưng địa phương lại không cho phép, vì không sử dụng… nước, không cho ra nước thải nên không cấp”.

Đây chỉ là một ví dụ trong rất nhiều bất cập về khâu sản xuất vải tại Việt Nam. Và qua phản ảnh của các doanh nghiệp trong ngành dệt may cũng như thông tin từ Thứ trưởng Bộ Công thương thì những ích lợi từ các FTA, đặc biệt hai Hiệp định thế hệ mới EVFTA và CPTPP vẫn còn nằm ngoài tầm tay với của doanh nghiệp dệt may Việt Nam.

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vn-not-benefit-from-evfta-n-cptpp-cause-of-being-stuck-in-fabric-production-07162020152412.html

 

Rosneft Việt Nam hủy hợp đồng khoan với Noble:

 ‘Cũng vì sức ép Trung Quốc’

Mỹ Hằng

BBC có xác nhận rằng liên doanh Rosneft Việt Nam đã hủy một hợp đồng khoan với Noble Corporation, xuất phát từ sức ép của Trung Quốc.

Biển Đông: Bình luận về đối đầu Mỹ – Trung, và diễn tiến sau vụ Repsol

Áp lực của Trung Quốc ‘khiến Việt Nam mất một tỷ đô la’ ở Biển Đông

Repsol nhượng cổ phần ba lô dầu: TQ đe dọa thành công VN trên Biển Đông?

Noble Corporation và công ty điều hành dầu khí Rosneft Việt Nam hủy hợp đồng khoan đã ký giữa 2 bên.

Rosneft Việt Nam là liên doanh giữa tập đoàn Rosneft của Nga (35%), ONGC (45%) của Ấn Độ, và PetroVietnam – PVN (20%) của phía chủ nhà Việt Nam. Trong liên doanh này, Rosneft làm nhà điều hành và đây là công ty có 50% vốn của Chính phủ Nga.

“Việt Nam – Noble Clyde Boudre: Hợp đồng trước đó đã bị hủy.” Đó là dòng thông báo vỏn vẹn trên webiste riêng của Noble hôm 9/7. Không có thông tin về nguyên nhân cũng như số tiền Việt Nam phải đền bù.

Noble Clyde Boudreaux là giàn khoan treo cờ Liberia, thuộc sở hữu của công ty Noble Corporation, một công ty đăng ký ở Anh, hoạt động ở Cayman Islands.

Dàn khoan này tới Vũng Tàu vào tháng 4/2020. Đến tháng Năm, Chính phủ Việt Nam họp cân nhắc triển khai Noble Clyde Boudreaux tại Lô 06-01, nơi tập đoàn Rosneft của Nga đã hoạt động được vài năm.

Nhưng mới nhất, Tập đoàn Noble thông tin rằng hợp đồng giàn khoan Noble Clyde Boudreaux đã bị hủy bỏ.

Lô 06-01 nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam tại Bãi Tư Chính, tuy nhiên cũng nằm trong khu vực Đường Chín Đoạn do Trung Quốc tự vẽ ra.

‘Sức ép từ Trung Quốc’

Nguồn tin thân cận với các lãnh đạo ngành dầu khí Việt Nam, ông Nguyễn Lê Minh, thuộc Hội đồng Biên tập và Phản biện Tạp chí Năng lượng Việt Nam, tiết lộ với BBC rằng vụ hủy hợp đồng khoan của Tập đoàn Noble là ‘do sức ép từ Trung Quốc’.

Trả lời BBC News Tiếng Việt, ông Nguyễn Lê Minh, thuộc Hội đồng Biên tập và Phản biện Tạp chí Năng lượng Việt Nam, tiết lộ:

“Không phủ nhận việc Trung Quốc gây sức ép.”

“Đây là giếng khoan thẩm lượng (appraisal well) phía ngoài mỏ Phong Lan Dại, nên nếu để căng thẳng leo thang sẽ ảnh hưởng đến các hoạt động khai thác của mỏ này và các mỏ lân cận trong lô 06.1 như Lan Tây và Lan Đỏ.

“Chưa kể, còn ảnh hưởng đến tình hình khu vực bể Nam Côn Sơn, nơi có tàu cá và tàu bè quốc tế qua lại.

“Vì vậy, sau khi cân nhắc kỹ, Chính phủ thông qua PetroVietnam đã thông báo nhà điều hành Rosneft Việt Nam cho dừng chiến dịch khoan (của Noble Corporation), và dời sang năm sau.”

Đối đầu giữa tàu cảnh sát biển Việt Nam và tàu tuần duyên Trung Quốc trên Biển Đông năm 2014

Về chi phí bồi thường, ông Lê Minh nói ước tính chỉ khoảng ‘mấy triệu đô la’.

“Về mặt kinh tế, tôi muốn đề cập đến 2 ý. Thứ nhất, về chi phí thuê giàn khoan, đương nhiên, phía chủ nhà và Rosneft Việt Nam có ảnh hưởng song không nhiều vì chỉ phải trả cho Noble Corporation chi phí hủy hợp đồng mà thôi, ước tính khoảng mấy triệu USD.

“Thứ hai, về sản lượng khai thác như kế hoạch năm nay, việc dừng giếng khoan thẩm lượng này sẽ không ảnh hưởng gì đến sản lượng khí của lô 06.1 khi các mỏ hiện hữu như Lan Tây, Lan Đỏ đang khai thác ổn định. Cần biết, khí từ Lô 06.1 cung cấp 9% điện năng của Việt Nam và việc bảo đảm các hoạt động xuyên suốt là ưu tiên hàng đầu.

“Về dài hạn, quyền lợi của các đối tác trong liên doanh Rosneft Việt Nam sẽ không ảnh hưởng gì vì hàng năm, có tính đến trượt giá 2%, điều chỉnh tăng trong thời hạn hợp đồng dầu khí còn gần 10 năm nữa.”

Cũng theo ông Nguyễn Lê Minh, về mặt chính trị, ngoại giao và an ninh lãnh hải, Việt Nam “hoàn toàn chủ động”.

“Tôi muốn nhấn mạnh từ chủ động này là vì ngoài Viện hàn lâm khoa học xã hội chuyên tư vấn về chính sách, đường lối đối ngoại cho Chính phủ thì còn Ủy ban biên giới (Bộ ngoại giao), Tổng cục 2 (Bộ quốc phòng) và Cục tình báo Bộ công an, cập nhật tình hình, đánh giá rủi ro rất sát sao để tư vấn cho Chính phủ đưa ra các quyết sách phù hợp với tình hình. Vì vậy, các lực lượng cảnh sát biển, kiểm ngư, hải quân, chưa cần phải huy động khi tình hình đang trong tầm kiểm soát.

“Việc gây sức ép lên chiến dịch khoan ở Lô dầu khí 06.1, diễn ra trước thềm đại hội Trung ương Đảng XII, cũng đã được nhận diện và tính đến. Nghĩa là, họ muốn gây sức ép để làm một phép thử về bản lĩnh của các lãnh đạo Việt Nam. Theo đó, họ muốn kéo Việt Nam vào tranh chấp để đi đến đàm phán song phương về các quyền lợi trên biển, mà nếu sa vào, Việt Nam sẽ bất lợi và sa lầy về mặt chính trị.

“Cụ thể là nếu căng thẳng leo thang, hai bên sẽ có các cuộc gặp cấp cao và trước Đại hội Đảng, sẽ ảnh hưởng đến công tác cán bộ và đường lối đối ngoại.

“Trong khi, khu vực Nam Côn Sơn nói riêng và thềm lục địa Việt Nam nói chung, thông qua các hợp đồng dầu khí, không chỉ có quyền lợi của phía chủ nhà mà còn có quyền lợi của các đối tác quốc tế.

“Ngoài ra, ở Biển Đông, ngoài các hoạt động dầu khí, còn có các hoạt động đánh bắt thủy hải sản của các nước trong các vùng đặc quyền kinh tế kinh tế EEZ của mình. Nhìn rộng hơn, nơi đây có nhiều tuyến giao thương, lưu thông hàng hải quan trọng kết nối Châu Âu, Châu Á, Đông Nam Á và Ấn Độ Dương.”

Hậu quả nghiêm trọng?

Áp lực từ Trung Quốc đã khiến Việt Nam phải xuống nước ít nhất là ba lần, Bill Hayton, nhà báo của BBC News, đồng thời là nhà nghiên cứu Biển Đông, nói với BBC News Tiếng Việt.

Việt Nam đã phải bồi thường cho Repsol của Tây Ban Nha và Mubadala của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, số tiền 1 tỷ đô la, theo nguồn tin của Bill Hayton.

Và bây giờ cho tập đoàn Noble.

Bill Hayton nói với BBC News Tiếng Việt rằng sẽ chẳng có công ty dầu khí nào ngờ rằng Việt Nam sẽ lại không tiếp tục xuống nước như vậy trước Trung Quốc.

Ngoài mất tiền, hành động này còn gây ra các hậu quả nghiêm trọng khác về quyền lợi hợp pháp trên Biển Đông và niềm tin với các nhà đầu tư nước ngoài.

Việt Nam đã tạo ra “một tiền lệ tồi tệ” từ vụ Repsol. Và nay vụ hủy hợp đồng với Noble đã “đóng thêm một chiếc đinh lên cỗ quan tài trong nỗ lực phát triển nguồn trữ lượng khí ở khu vực Bãi Tư Chính của Việt Nam”, GS Carl Thayer, nhà nghiên cứu Đông Nam Á kỳ cựu nói với BBBC News Tiếng Việt từ Úc.

GS Carl Thayer lo ngại rằng ngành dầu khí Việt Nam không có đủ nguồn lực tài chính để tự mình phát triển tại vùng biển quanh Bãi Tư Chính, trong khi các nhà đầu tư tiềm năng không cảm thấy được khuyến khích bởi các hành động của Việt Nam. “Họ không được đảm bảo sẽ gặt hái được gì nếu đầu tư dài hạn ở Việt Nam”.

“Việt Nam cũng tổn thất vì để mất cơ hội tìm kiếm và phát triển các mỏ khí carbon,” GS Carl Thayer nói.

Nhà báo Bill Hayton thì cho rằng tập đoàn Noble là ‘đòn nghiêm trọng’ giáng vào không chỉ ngành dầu khí Việt Nam mà cả nền kinh tế và cả hệ thống chính phủ Việt Nam.

“Khí đốt từ các hợp đồng khai thác với Repsol và Rosneft sẽ được sử dụng để tạo ra điện cho đất nước. Doanh thu thuế từ các dự án này đóng góp vào ngân sách nhà nước. Nhưng giờ thì Việt Nam sẽ phải tìm nguồn năng lượng mới, phải trả tiền để mua chúng, và chính phủ sẽ mất nguồn thu ngân sách,” Bill Hayton nói.

“Với những diễn biến gần đây, rất khó để các công ty năng lượng khí sẵn sàng mạo hiểm đầu tư vào các khu vực ngoài khơi nơi Trung Quốc có thể phản đối.

Bóng dáng TQ trong mọi quyết định dầu khí của VN ở Biển Đông

GS Carl Thayer cung cấp cho BBC News Tiếng Việt lịch sử can thiệp của Trung Quốc vào các dự án dầu khí của Việt Nam như sau:

2012: Việt Nam ban hành Luật Biển. Đáp trả, Công ty Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNOOC) cho thăm dò dầu khí trong Vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam (EEZ), trong đó có vùng biển gần Bãi Tư Chính, và kêu gọi các công ty nước ngoài đấu thầu hợp đồng thăm dò.

2017: Việt Nam phải tạm ngưng hoạt động thăm dò khai tác dầu của Repsol (Tây Ban Nha) tại vùng biển gần Bãi Tư Chính sau khi Trung Quốc được cho là đe dọa.

2018: Việt Nam chính thức chấm dứt hợp đồng với Repsol.

2019: Trung Quốc đã đưa giàn khoan Hải Dương 8 tới khảo sát bên trong EEZ của Việt Nam, đồng thời quấy rối giàn khoan dầu Hakuryu-5 (Nhật Bản) và quấy rối các tàu đang tiến hành thăm dò Lô 06- 01 theo hợp đồng của Việt Nam với Rosneft (Nga).

2020: Tàu thăm dò Hải Dương 8 của Trung Quốc quay lại EEZ của Việt Nam vào tháng Sáu. Tiếp đó vào tháng Bảy, tàu 5402 của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Trung Quốc (CCG) đã vào khu vực mỏ khí Lan Đỏ thuộc Lô 06-01 để theo dõi hoạt động của nhà giàn tại mỏ khí Lan Tây. Bốn ngày sau, có thông báo rằng hợp đồng của Noble Clyde Boudreaux với Việt Nam đã bị hủy bỏ.

Những hành động này của Trung Quốc là nhằm củng cố quan điểm: Bắc Kinh luôn phản đối hoạt động của các công ty nước ngoài tại vùng biển tranh chấp ở Biển Đông, GS Carl Thayer cho hay.

Trong Văn bản Đàm phán Dự thảo Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông ASEAN-Trung Quốc tháng 8/2018, Trung Quốc nêu rõ, việc thăm dò và phát triển dầu khí tại vùng biển tranh chấp phải được thực hiện thông qua sự hợp tác giữa các quốc gia có quyền lợi trên Biển Đông, và sẽ không được chấp nhận nếu hợp tác với các công ty từ các quốc gia ngoài khu vực.

“Nguy cơ cao là Trung Quốc sẽ không buông tha cho Việt Nam và Việt Nam sẽ bị tước nguồn dự trữ năng lượng tiềm năng để thúc đẩy quá trình phục hồi sau COVID-19,” GS Carl Thayer nhận định.

Nhà báo Bill Hayton cũng cho rằng khu vực mà Việt Nam hợp đồng với Noble để khoan thăm dò là khu vực rất rộng lớn, nằm gần các đường ống dẫn khí đã khai thác từ lâu và là vị trí thuận lợi để kéo nguồn đầu tư thương mại. Việt Nam cần nguồn khí ở đây để cung cấp cho nhu cầu năng lượng ngày càng lớn của đất nước.

“Do đó, hẳn phải có lý do nào ghê gớm lắm chính phủ Việt Nam mới bỏ dự án ở đây. Trung Quốc hẳn đã gây ‘áp lực nghiêm trọng’ lên các lãnh đạo Việt Nam, theo Bill Hayton.

Lô 07/03 nằm cạnh Lô 136-03 mà VN phải ngưng khai thác hồi 7/2017

Giải pháp nào?

Mỹ mới đây lần đầu tiên chính thức bác bỏ gần như toàn bộ các yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông, và sát cánh cùng các quốc gia có quyền lợi ở khu vực này, như Việt Nam.

Nhưng liệu Mỹ có giúp gì được cụ thể cho Việt Nam không, ví dụ như giúp trong các vụ việc dầu khí với Noble hay Repsol, vẫn còn là câu hỏi lớn.

GS Carl Thayer nhận định rằng cả Mỹ và Việt Nam đều có cùng quan điểm rằng Việt Nam có quyền chủ quyền đối với tài nguyên biển, bao gồm các mỏ khí ở vùng biển gần Bãi Tư Chính thuộc EEZ của Việt Nam. Cả Việt Nam và Mỹ đều phản đối yêu sách của Trung Quốc ở Bãi Tư Chính.

Thế nhưng, “bài phát biểu ủng hộ Việt Nam của ông Pompeo lại đến quá muộn vì Việt Nam đã đưa ra quyết định của mình rồi,” GS từ Úc nói với BBC News Tiếng Việt.

Thay vì trông chờ Mỹ, GS Carl Thayer chỉ ra rằng Việt Nam cần bắt đầu các cuộc thảo luận ở hai cấp độ.

Thứ nhất, Việt Nam cần thảo luận với các quốc gia có quyền lợi ở Biển Đông về một quan điểm chung trước Trung Quốc. Liên minh này sẽ hỗ trợ quan điểm mới của Mỹ.

Việt Nam cũng cần lên tiếng xem Hoa Kỳ đã chuẩn bị đưa ra hành động cụ thể nào, đơn phương, hay hợp tác với Việt Nam, hay trong một liên minh các cường quốc hàng hải có cùng chí hướng.

Thứ hai, Việt Nam cần thảo luận với Nga để xác định xem Rosneft Việt Nam có sẵn sàng tiếp tục hoạt động ở Việt Nam hay không và nếu có thì Nga có gây áp lực ngoại giao lên Trung Quốc để ngăn chặn hành vi quấy rối của họ trong Lô 06-01 hay không?

Nhà giàn của Việt Nam ở Trường Sa

Nhưng nhà báo Bill Hayton thì nhận định rằng “Trung Quốc đã thắng và Việt Nam đã thua”. Ông nói:

“Bắc Kinh hiện có quyền phủ quyết đối với sự phát triển dầu khí bên trong Đường Chữ U (Đường Chín Đoạn). Nếu Việt Nam muốn sử dụng các nguồn tài nguyên ngoài khơi này, họ cần có khả năng ngăn chặn Bắc Kinh sử dụng lực lượng quân sự.”

“Nói cách khác, Việt Nam cần xây dựng khả năng quân sự và thuyết phục Trung Quốc rằng họ sẵn sàng chiến đấu và có thể giành chiến thắng nếu đối đầu trên biển. Nếu không, trò chơi này đã kết thúc rồi.”

Còn ông Nguyễn Lê Minh nêu quan điểm:

“Về lý thuyết là giống nhưng bản chất khác nhau. Điểm giống nhau là họ luôn gây sức ép bằng việc gửi công hàm ngoại giao đến các nhà điều hành là các tập đoàn, công ty mẹ trước (Repsol và Rosneft). Sau đó, mới leo thang, hạ đặt giàn khoan hoặc gây hấn ở Biển Đông để gây sức ép lên phía Việt Nam.

“Điểm khác nhau là, Repsol là công ty đại chúng và không có vốn của Chính phủ Tây Ban Nha, trong khi Rosneft (công ty có 35% vốn góp ở Rosneft Việt Nam), cũng đã lên sàn giao dịch chứng khoán nhưng có 50% vốn của Chính phủ Nga.

“Vì vậy, đối với lô dầu khí 07/03 (mỏ Cá Rồng Đỏ), sau khi nhận được công hàm phía Trung Quốc, Repsol đã có sự chuẩn bị và ngay khi họ nhận được đề nghị tạm dừng dự án của phía Việt Nam, họ chìa ra các yêu cầu quá khó (Bảo lãnh Chính phủ về bảo đảm khai thác, bảo toàn vốn đầu tư), và rủi ro về trữ lượng trong kế hoạch phát triển mỏ (FDP) đã phê duyệt, trong quá trình phát triển mỏ đã nhận diện nên dẫn đến các đàm phán kéo dài, và chuyển nhượng lại cho PVN.

“Còn đối với lô 06.1, như đã diễn giải ở trên, Rosneft là nhà điều hành và các hoạt động khai thác vẫn diễn ra bình thường. Lô 06.1 đóng vai trò quan trọng, cung cấp hàng năm khoảng 35% sản lượng khí cho Việt Nam. Rosneft Việt Nam đang là một trong những nhà điều hành dầu khí hiệu quả nhất ở Việt Nam, nên trong trường hợp Trung Quốc gây căng thẳng leo thang, Chính phủ Nga sẽ can thiệp vì họ có quyền lợi trực tiếp ở lô này.”

Về chiến lược của Việt Nam, ông Lê Minh phân tích:

“Đương nhiên, về phía chủ nhà, Việt Nam vẫn luôn chủ động và làm hết mình trên tinh thần hòa bình và ổn định để phát triển dầu khí và kinh tế biển. Có thể thấy, ngày 11/6/2020 trước khi chính thức dừng chiến dịch khoan lô 06.1, các lãnh đạo Việt Nam đã điện đàm với ExxonMobil và Nga. Tổng bí thư Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng điện đàm Tổng thống Nga và theo được hiểu, trong nghị trình chuyến thăm sắp tới của Tổng thống Nga đến Việt Nam, ngoài việc làm sâu sắc thêm quan hệ đối tác chiến lược về an ninh, quốc phòng, sẽ đi sâu về hợp tác dầu khí ở bể Nam Côn Sơn và khu vực lân cận.

“Cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã điện đàm với chủ tịch toàn cầu của ExxonMobil, để tái khẳng định “hợp tác với ExxonMobil là rất quan trọng, đóng góp vào hợp tác chung giữa Việt Nam và Hoa Kỳ”. Hiện ExxonMobil vẫn đang tiếp tục đàm phán với PetroVietnam để thúc đẩy dự án Cá Voi Xanh ngoài khơi tỉnh Quảng Nam đi vào triển khai vào năm sau. Ngoài dự án trên, ExxonMobil đang có kế hoạch đầu tư vào các dự án LNG, lọc hóa dầu và sản xuất điện từ LNG.

“Từ những diễn giải và trích dẫn trên đây, nói lên rằng, hợp tác dầu khí và hoạt động thăm dò khai thác ngoài khơi vẫn được Đảng và Chính phủ quan tâm kịp thời, đúng mức và tạo điều kiện để kiến tạo một môi trường đầu tư bền vững và hiệu quả.”

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-53426783

 

Việt Nam và Trung Quốc

họp trực tuyến về tình hình Biển Đông

Tại trụ sở Bộ Ngoại giao hôm 16 tháng 7, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung đã họp hội nghị trực tuyến với Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc La Chiếu Huy. Báo trong nước đưa tin cùng ngày.

Nội dung cuộc họp xoay quanh việc chuẩn bị cho phiên họp lần thứ 12 Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam – Trung Quốc; trao đổi một số nội dung về quan hệ hai nước, trong đó có công tác hợp tác phòng chống dịch COVID-19, tình hình quốc tế, khu vực và vấn đề Biển Đông.

Tình hình Biển Đông giữa hai quốc gia căng thẳng thời gian gần đây. Hôm 13 tháng 7, Bộ Ngoại giao Mỹ ra tuyên bố chính thức về lập trường của Mỹ đối với các yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông.

Hôm sau, Việt Nam lên tiếng về tuyên bố của Hoa Kỳ về lập trường của Washington đối với Biển Đông. Việt Nam hoan nghênh lập trường của các nước về vấn đề Biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế.

Cùng ngày, Bắc Kinh lên tiếng cáo buộc Hoa Kỳ gây chia rẽ giữa Trung Quốc và các nước trong khu vực xung quanh vấn đề Biển Đông, đồng thời khẳng định Trung Quốc không bao giờ muốn biến mình thành một “đế quốc trên biển”.

Ngoài ra, vào dịp Mỹ và Việt Nam kỷ niệm 25 năm bình thường hoá quan hệ, tờ Hoàn cầu Thời báo có bài viết chỉ trích Hoa Kỳ đang lợi dụng Việt Nam để ly gián Việt Nam với Trung Quốc và dung túng cho các hành động của Việt Nam chống Trung Quốc trên biển. Bắc Kinh đồng thời hăm dọa thể chế chính trị Việt Nam khó trường tồn lâu dài nếu chính trị Trung Quốc không ổn định.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnam-china-meet-online-about-the-scs-situation-07162020154702.html

 

Việt Nam ủng hộ Trung Quốc

100.000 USD chống thiên tai

Việt Nam vừa trợ giúp Trung Quốc 100.000 đô la giữa lúc quốc gia láng giềng đang hứng chịu những đợt mưa lớn, lũ lụt và động đất khiến hơn 100 người thiệt mạng và hàng triệu người phải di tản.

Trong thông cáo hôm 17/7, Bộ Ngoại giao Việt Nam nói: “Xuất phát từ tình hữu nghị truyền thống và tinh thần tương trợ lẫn nhau giữa hai nước, Chính phủ và nhân dân Việt Nam ủng hộ Chính phủ và nhân dân Trung Quốc 100.000 USD nhằm hỗ trợ khắc phục hậu quả lũ lụt, động đất”.

Những trận mưa lớn liên tục đổ xuống nhiều khu vực ở Trung Quốc kể từ tháng 6 đến nay đã làm thiệt mạng và mất tích ít nhất 141 người, gần 15 triệu người phải sơ tán chỉ trong tháng 7 này, gây thiệt hại kinh tế hàng tỷ đô la, theo thông tin từ chính phủ Trung Quốc.

Đầu tuần này, chính quyền cho biết có 33 con sông đã đạt mức nước cao kỷ lục, 98 con sông trên toàn quốc đang ở mức báo động trong khi mưa lớn vẫn tiếp tục đổ vào những khu vực dọc theo sông Dương Tử.

Hiện một số đập trên hồ nước ngọt lớn nhất Trung Quốc, hồ Bà Dương, đã vỡ và lượng nước trong hồ đã lên đến mức kỷ lục, theo dữ liệu từ Trung tâm Vệ tinh Khí tượng Quốc gia Trung Quốc.

Thông tin về khoản trợ giúp của Việt Nam được Bộ Ngoại giao loan báo giữa lúc xung đột trên Biển Đông vẫn đang gia tăng vì những hành động quyết đoán của Bắc Kinh nhằm khẳng định chủ quyền.

Một ngày trước, hôm 16/7, Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung đã có cuộc họp trực tuyến với Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc La Chiếu Huy về “một số nội dung về quan hệ hai nước”, trong đó có việc hợp tác chống đại dịch COVID-19 và vấn đề Biển Đông, Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết nhưng không tiết lộ nội dung chi tiết cuộc họp này.

Cuộc họp của hai quan chức ngoại giao diễn ra sau khi Hoa Kỳ công bố lập trường về Biển Đông, trong đó bác bỏ các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc và gọi yêu sách này là “phi pháp”.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam ngay sau đó đưa ra bình luận nói rằng “Việt Nam hoan nghênh lập trường của các nước về vấn đề Biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế”, đồng thời “mong rằng các nước sẽ nỗ lực đóng góp vào việc duy trì hoà bình, ổn định, hợp tác tại Biển Đông và giải quyết các tranh chấp thông qua đối thoại cùng các biện pháp hoà bình”.

Động thái ủng hộ Trung Quốc chống thiên tai của chính phủ Việt Nam cũng vấp phải một số ý kiến chỉ trích. Nữ doanh nhân Lê Hoài Anh viết trên trang Facebook cá nhân rằng bà phản đối việc ủng hộ Trung Quốc vì hành động gây hấn của Bắc Kinh ở Biển Đông đối với Việt Nam, ngăn cản ngư dân đánh bắt cá, ngăn cản Việt Nam khai thác dầu khí, xây đập, ngăn dòng chảy đến các con sông của Việt Nam, gây ra tình trạng mất mùa, thiếu lương thực, nghèo đói ở Việt Nam.

Ngoài ra, nữ doanh nhân có tầm ảnh hưởng này nói rằng thiên tai ở Trung Quốc là do chính người Trung Quốc gây ra khi “chính họ là tác nhân chính gây ra biến đổi khí hậu”.

Trong một diễn tiến khác, Reuters đưa tin Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) do Bắc Kinh hậu thuẫn hôm 17/7 cho biết họ sẽ cho Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam thịnh vượng (VPBank) vay 100 triệu đô la để giúp ngân hàng này có khả năng cho vay nhiều hơn đối với các công ty tư nhân bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.

Tuyên bố của ngân hàng Trung Quốc nói khoản vay, với sự góp vốn của Công ty Tài chính quốc tế (IFC), là một phần trong khoản tài trợ trị giá 10 tỷ USD của AIIB nhằm giúp các khu vực công và tư nhân chống đại dịch.

https://www.voatiengviet.com/a/vi%E1%BB%87t-nam-%E1%BB%A7ng-h%E1%BB%99-trung-qu%E1%BB%91c-100-000-usd-ch%E1%BB%91ng-thi%C3%AAn-tai/5506956.html

 

Quan hệ Việt – Mỹ: Tiến bộ, lạc quan

nhưng VN không nên quên nhân quyền?

Căng thẳng Mỹ Trung kéo dài trên nhiều mặt trận

Việt Nam và Hoa Kỳ đang đánh dấu 25 năm thiết lập bang giao giữa hai quốc gia cựu thù trong bối cảnh thế giới đang có nhiều biến động ở cấp độ toàn cầu như đại dịch Covid-19 hay căng thẳng, đối đầu chưa giảm ở Biển Đông và khu vực.

TQ chê cười tin Hoa Kỳ ‘cấm nhập cảnh 92 triệu đảng viên CS TQ’

Việt Nam có thể “thân Mỹ chống Trung” hay không?

Tuyên bố của Mỹ về Biển Đông: ‘Chưa từng có, nhưng cần thêm hành động cụ thể’

Nhân dịp này một số ý kiến của các nhà nghiên cứu, phân tích, bình luận thời sự và chính trị, cũng như quan sát bang giao Việt – Mỹ chia sẻ với BBC News Tiếng Việt cảm nhận và nhận xét của mình.

Trong đó có ý kiến cho rằng bang giao Việt – Mỹ đang đứng trước cơ hội có tính quyết định lịch sử, quan hệt có tiến bộ, lạc quan, hứa hẹn nhưng Việt Nam không nên quên đề cập và giải quyết vấn đề nhân quyền.

Trong khi lại có ý kiến khác cho rằng Mỹ đang cần Việt Nam do nhận thấy đối đầu với Trung Quốc cần phải có thêm bạn hữu và sự ủng hộ.

Chiều 12/11/2017, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump vẫy tay chào tạm biệt Việt Nam tại sân bay Nội Bài, kết thúc chuyến thăm 3 ngày để tham dự APEC ở Đà Nẵng và chuyến thăm cấp nhà nước tại Hà Nội

‘Cơ hội lịch sử’

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Jonathan London (Đại học Leiden, Hà Lan): Đã có những ý kiến nói về những hạn chế trong quan hệ Việt – Mỹ mà cả hai nước này chưa thể tiến tới hợp tác chiến lược, bởi vì quan hệ Việt – Mỹ còn có những vấn đề. Và tôi thấy là điểm này rất là quan trọng phải nhấn mạnh. Việt Nam tất nhiên phải làm tất cả những gì có thể để đẩy mạnh và bảo vệ quyền lợi của người dân Việt Nam, nhưng mà phải nói rõ Việt Nam cũng có một cơ hội và quyết định có tính lịch sử để lựa chọn.

Việt Nam cần cố gắng để điều chỉnh… tôi thấy trong thời điểm quan trọng này, với những diễn biến đã thấy, muốn Việt Nam và Mỹ phát triển quan hệ mạnh hơn nữa, thì chắc chắn Việt Nam có cơ hội để làm những gì từng bước để quan hệ của hai nước tiến bộ. Nhưng tôi nhấn mạnh một điều trên thế giới, nếu mà nói về Biển Đông thì không có hai nước nào mà có quyền lợi chia sẻ gần gũi hơn so với Mỹ và Việt Nam, như thế sau bao nhiêu năm chiến tranh, quyền lợi của Mỹ và Việt Nam nay rất gần gũi với nhau về an ninh. Còn đối với thương mại, rõ ràng hai nước cũng chia sẻ những quyền lợi lớn.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Hoàng Ngọc Giao (Viện trưởng Viện Chính sách, Pháp luật và Phát triển): Tôi không nghĩ rằng quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Hoa Kỳ là bất khả thi, nó chưa đến thôi, nó chưa đúng thời điểm thôi và bây giờ và ở giai đoạn này chính sách đối ngoại của Việt Nam, những dịch chuyển đang hướng đến điều đó và bản thân Trung Quốc cũng góp phần vào đây, họ càng hung hăng, thì họ càng đẩy Việt Nam, thì Việt Nam trong chính sách ba không, hay bốn không của quốc phòng của Việt Nam có một câu nói rất rõ là trong trường hợp nếu Việt Nam bị đe dọa về an ninh, chủ quyền quốc gia, thì Việt Nam vẫn có thể hợp tác, kết bạn với các nước khác, thì đấy là một thông điệp hết sức rõ ràng…

Chính phủ Việt Nam, chính quyền Việt Nam trong 25 năm qua, tôi đánh giá là có những nỗ lực rất là cao, mặc dù chưa đáp ứng được hết những mong muốn, nguyện vọng của người dân, mặc dù lúc này, lúc khác vẫn phải nỗ lực làm dịu đi cái gọi là vấn đề của ông bạn phương Bắc.

Nhà báo tự do Song Chi (cựu Đạo diễn truyền hình): Qua 25 năm, những người cộng sản có thể thấy thành quả trong mối quan hệ giữa hai bên là nhanh. Nhưng với những chuyển động của thế giới thì 25 năm mà chỉ đạt như thế vẫn là chậm. Điều này chủ yếu do sự nghi kỵ, thiếu tự tin từ phía VN.

Để đi vào chất lượng và thực chất hơn, Hà Nội cần phải chứng tỏ sự thành tâm hơn, ngừng đu dây giữa hai bên, đừng có một mặt thì ca ngợi quan hệ Việt-Mỹ, mặt khác vẫn tưng bừng nhắc nhớ quá khứ chiến thắng chống giặc Mỹ với những từ ngữ đầy hận thù, rồi tiếp tục coi Trung cộng là bạn tốt, đồng chí tốt, 16 chữ vàng v.v…

Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp (nhà nghiên cứu cao cấp khách mời, Viện Iseas, Singapore): Quan hệ Việt – Mỹ 25 năm qua là thực chất và đã đạt nhiều thành tựu mọi mặt – chính trị, đối ngoại, kinh tế, xã hội, giao lưu nhân dân, nhân quyền. Tới đây, chắc chắn quan hệ này vẫn đi theo mạch hiện nay đang đi, và chắc rằng hai nước sẽ đi nhanh hơn, cùng nhau làm nhiều hơn, để đưa quan hệ hai nước lên những tầm cao mới, tốt đẹp hơn, thực chất hơn.

Có bài học gì?

Trước câu hỏi, quan hệ bang giao Việt – Mỹ trong chặng đường tới đây liệu có cần học hỏi, phát huy bài học hay thành tựu gì không qua chính đúc rút từ trong chính quá trình thiết lập quan hệ này để có thể có sự tiếp nối và thúc đẩy phát triển trong bối cảnh mới, giai đoạn mới tầm trung và dài hạn, các ý kiến đáp:

Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp: Hai nước Việt, Mỹ bang giao trên nền vững chắc của việc cùng nhau trân trong và đảm bảo lợi ích quốc gia của từng bên, chủ động xử lý mọi thay đổi, biến động về địa chính trị, địa chiến lược, an ninh khu vực và quốc tế và phát triển quốc tế; đẩy mạnh tham vấn chính trị, đối thoại về nhân quyền, đối thoại quốc phòng nhằm làm sâu sắc quan hệ song phương.

Nhà báo Song Chi: Trong quá khứ đảng cộng sản Việt Nam luôn luôn có những chọn lựa sai lầm. Chọn lựa sai mô hình thể chế chính trị, chọn sai đường, sai đồng minh, bạn bè. Trong bao nhiêu năm qua đảng và nhà nước VN cũng bỏ lỡ nhiều cơ hội tự thay đổi khiến Việt Nam luôn luôn bị nhỡ tàu, Việt Nam bị tụt hậu so với các nước khác và ngày càng lệ thuộc nặng nề vào Trung Cộng. Một lần nữa, quả bóng lại nằm trong tay nhà cầm quyền Việt Nam mà quan hệ bang giao Việt – Mỹ đang phát triển nay là một cơ hội.

Không ai đòi hỏi đảng cộng sản Việt Nam phải ra mặt chống Trung Cộng. Nhưng những điều họ có thể làm là chuẩn bị về nội lực, giải phóng tất cả những gì còn kìm hãm sức dân, kìm hãm sự phát triển của đất nước, để Việt Nam trở thành giàu mạnh về kinh tế, đồng thời chuẩn bị về quân sự, thoát dần khỏi Trung Cộng. Tiếp đến họ phải chuyển đổi thành một quốc gia tự do dân chủ, vì rõ ràng mô hình tự do dân chủ cho đến nay vẫn là mô hình phát triển tốt đẹp nhất của loài người.

Về phía người dân, người dân phải tăng sức ép đối với nhà nước Việt Nam. Phải cho họ thấy nếu họ tiếp tục lựa chọn lệ thuộc vào Trung Cộng, họ sẽ mất lòng dân, mất tính chính danh. Và cuối cùng là mất nước.

Nâng tầm đối tác chiến lược?

Trước câu hỏi liệu quan hệ đối tác Việt – Mỹ hôm nay đã đủ chín muồi để được chính thức hóa và nâng cấp từ đối tác toàn diện lên đối tác chiến lược hay chưa, các nhà phân tích, bình luận nêu quan điểm với BBC:

PGS. TS. Hoàng Ngọc Giao: Một cách ngắn gọn, có thể nói lộ trình đi đến một đối tác chiến lược đã đang diễn ra từ cả hai phía. Từ phía Mỹ cũng rất là nhiệt tình và từ phía Việt Nam tôi tin rằng là đang có những bước đi thích hợp để tiến đến có thể thiết lập được một cách chính thức quan hệ đối tác chiến lược. Còn trên thực tế, hợp tác chính trị, quốc phòng, an ninh cũng như kể cả kinh tế đối với Việt Nam đang có những bước tiến bộ.

Cũng có những ý kiến nêu ra, đề xuất trong chính sách đối ngoại của Việt Nam rằng Việt Nam và Mỹ đã có hiệp định thương mại song phương, nhưng liệu bây giờ đã đến lúc Việt Nam và Hoa Kỳ đàm phán về một hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Hoa Kỳ mới hay không?

Điều này rất là tốt cho Việt Nam và cũng là thuận lợi để làm nền tảng cho quan hệ quốc phòng, an ninh như việc Việt Nam mở cửa cảng Cam Ranh, Đà Nẵng, hợp tác về mặt dịch vụ quốc phòng với Hoa Kỳ, đây là một bước đi cụ thể, để dọn được cho một bước tiếp theo chính thức hóa quan hệ hợp tác chiến lược và đây là hợp tác chiến lược mà nhiều người Việt Nam cũng ủng hộ và cũng không có mấy người nghĩ rằng nếu không có được hợp tác như vậy thì Việt Nam theo Mỹ.

Việt Nam không theo Mỹ, Việt Nam có sự độc lập của Việt Nam và tôi cũng chia sẻ phát biểu của Giáo sư Ngô Vĩnh Long rằng câu chuyện hợp tác ở Biển Đông không chỉ có Việt Nam được hưởng lợi, mà đây nằm trong chiến lược lớn về địa chiến lược, địa chính trị của Hoa Kỳ, cho nên đây là đồng lợi ích của hai nước, nó là một thời cơ rất là tốt để cho hai nước hợp tác trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng chủ quyền lẫn nhau và tôn trọng thể chế chính trị của nhau.

Tiếp viên hàng không Vietnam Airlines trên chiếc phi cơ Airbus A350-900 XWB trong lễ tiếp nhận chiếc chuyên cơ đầu tiên này tại Hà Nội hôm 2/7/2015.

Nhà báo Song Chi: Quan hệ đối tác Việt-Mỹ về mặt khách quan, tình hình thế giới thì đủ chín muồi để nâng cấp từ đối tác toàn diện lên đối tác chiến lược, nhưng về mặt chủ quan từ nhà nước Việt Nam thì vẫn chưa thể, vì sự khác biệt về thể chế chính trị, quan điểm chính sách đối ngoại “3 không” rồi “4 không” của Việt Nam khiến hai bên chưa và không thể là đối tác chiến lược hay đồng minh được.

Có thể hiểu được Hà Nội không muốn chọc giận Bắc Kinh, không muốn lựa phe, không muốn lại là con cờ trên bàn cờ địa chính trị thế giới, nhưng sự trung lập- chỉ có tác dụng khi ở cạnh một quốc gia biết điều, còn với một Trung Cộng hung hăng, tham lam vô độ thì chính sách 4 không đó rõ ràng là tự trói tay mình, cho Trung Cộng ăn thịt dần.

Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp: Về thực chất và thực tế, lúc này có thể đưa quan hệ hai nước thành quan hệ đối tác chiến lược, do hai nước đã có các mối quan hệ cụ thể về kinh tế, chính trị, chiến lược… thông qua các hoạt động hợp tác, đầu tư, tham vấn, đối thoại, đặc biệt là tham vấn chính trị và đối thoại quốc phòng, đối thoại nhân quyền.

Trên thế giới. đã từng có các mối quan hệ song phương và đa phương lúc đầu rất có thực chất, nhưng về sau giảm mức độ thực chất hoặc làm mất ý nghĩa, nhưng các bên cũng vẫn chưa cần phải cùng nhau tuyên bố thay đổi các quan hệ đó.

Kỳ vọng, mong muốn?

Khi được hỏi về mong muốn hay kỳ vọng chứng kiến điều gì trong quan hệ bang giao Việt – Mỹ ở chặng đường tới đây đối với cả hai quốc gia, các nhà bình luận và quan sát nêu quan điểm:

PGS. TS. Jonathan London: Tôi là một người trong số rất lạc quan về quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam trong những năm tới và tôi chỉ hy vọng những diễn biến chính trị ở Việt Nam có thể có tiến bộ thêm để giúp cho Việt Nam, lẫn giúp cho quan hệ giữa hai nước được phát triển mạnh hơn nữa, nhưng nói chung thì rất là hứa hẹn hiện nay, dù là còn những vấn đề về dân chủ, về nhân quyền thì Việt Nam chắc chắn phải đề cập trong những năm tới.

Nhà báo Song Chi: Tôi nghĩ, Đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam cũng cần phải thấy rõ rằng tham vọng bành trướng về lãnh thổ lãnh hải và tham vọng chia lại trật tự thế giới, vươn lên giành lấy vị trí lãnh đạo toàn cầu của Trung cộng là những tham vọng không bao giờ thay đổi, một khi Trung Quốc vẫn còn dưới chế độ độc tài do đảng Cộng sản lãnh đạo.

Tuy nhiên, Mỹ là quốc gia rất thực tế. Mỹ luôn đặt quyền lợi của nước mình, dân mình lên trên hết. Chính vì vậy, muốn là bạn sòng phẳng lâu dài với Mỹ, Việt Nam phải nỗ lực cải thiện để trở thành một quốc gia “tử tế, đáng tin cậy hơn” và quan trọng là phải có nội lực, phải biến mình trở thành một quốc gia mà các nước khác cảm thấy có như cầu cần phải làm bạn, lợi ich của hai bên trùng khớp với nhau chứ không phải chỉ muốn nước khác giúp mình, bảo vệ mình trong khi mình không làm gì cả, hoặc lại biến thành một con cờ, côn cụ trên bàn cờ địa chính trị của thế giới-điều mà Việt Nam đã cay đắng trải qua.

Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp: Quan hệ Việt – Mỹ đã dần đi vào thực chất và phát triển tích cực trong 25 năm qua. Khi mà hiểu biết về thực chất của Việt Nam và của Mỹ có phần chung lớn hơn, thì quan hệ song phương tiếp tục phát triển tốt đẹp hơn. Đòi hỏi chủ quyền của TQ ở biển Đông, và hành xử bấy lâu nay của Bắc Kinh, là rủi ro an ninh lớn nhất đối với Việt Nam. VN luôn hoan nghênh và mong muốn hợp tác tốt hơn với Mỹ và tất cả các nước nhằm cùng nhau duy trì hòa bình, xử lý mọi rủi ro an ninh, thúc đẩy phát triển ở khu vực Đông Nam Á.

Giáo sư Ngô Vĩnh Long: Tôi nghĩ rằng thực chất mới là quan trọng, tôi đã chứng kiến phát triển ngoại giao giữa hai nước không những trong 25 năm qua mà trong 56 năm vừa qua, bởi vì tôi đã ở nước Mỹ trong 56 năm rồi mà tôi thấy rằng quan hệ Việt – Mỹ trong 25 năm qua càng ngày càng tiến mạnh và bây giờ có thể nói rằng trong 10 năm qua là tiến vượt bực. Là bởi vì lợi ích của Mỹ và lợi ích của Việt Nam trong nhiều lĩnh vực đi đôi với nhau, cho nên tôi nghĩ là gọi gì thì gọi, nhưng tôi nghĩ rằng bây giờ quan hệ rất là tốt.

Và tôi xin nói thêm là một trong những lý do là trong 10 hay là 12 năm qua, lá bài của Trung Quốc đối với Mỹ rất là lớn, Mỹ cho Trung Quốc là con cá lớn, Việt Nam là con cá nhỏ, cho nên Mỹ đối đãi với Trung Quốc rất là tốt, đến khi bị Trung Quốc đe dọa thì Mỹ mới thấy là an ninh khu vực, an ninh của Mỹ, an ninh của thế giới là cần có hợp tác của Việt Nam và của các nước trong khu vực. Vì vậy, quan hệ của Việt Nam với Mỹ có thể nói là tiến vượt bậc trong mười năm qua.

Mời quý vị bấm vào đường dẫn sau đây để theo dõi một cuộc hội luận của BBC News Tiếng Việt vào trung tuần tháng 7/2020 có liên quan chủ đề trên.

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-53444665

 

Giáo sư Thayer nói CSVN và Hoa Kỳ

có thể nâng cấp quan hệ ngoại giao

lên đối tác chiến lược vào năm tới

Tin từ Hà Nội: Giáo sư Carl Thayer, một chuyên gia hàng đầu về Việt Nam, dự báo rằng cộng sản Việt Nam và Hoa Kỳ có thể nâng quan hệ song phương lên mức đối tác chiến lược trong năm tới.

Trong một báo cáo công bố vào cuối tuần trước, ông Thayer nói rằng ông trông chờ Hà Nội và Hoa Thịnh Đốn sẽ nối lại các cuộc thảo luận và cuối cùng đạt được thỏa thuận về quan hệ đối tác chiến lược vào năm 2021.

Theo ông, việc nâng cấp quan hệ ngoại giao Mỹ-Việt sẽ được thực hiện bởi ban lãnh đạo mới của cả hai quốc gia. Hoa Kỳ sẽ tổ chức bầu cử vào tháng 11 và tổng thống mới sẽ vào Tòa Bạch Ốc vào tháng 1 năm tới trong khi đảng cộng sản cầm quyền sẽ tổ chức đại hội vào đầu năm sau để bầu ra ban lãnh đạo mới cho 5 năm kế tiếp.  Tuy nhiên, theo giáo sư Thayer của Đại học New South Wales (Úc) thì hai bên phải giải quyết một số vấn đề còn tồn đọng như thuế của Hoa Kỳ đối với tôm, cá da trơn, nhôm và thép của Việt Nam.

Quan hệ ngoại giao Việt-Mỹ đã phát triển nhanh và gần đây, cả hai quốc gia kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Từ hai cựu thù, giờ đây cộng sản Việt Nam và Hoa Kỳ là đối tác vì an ninh khu vực và toàn cầu. Cả hai bên đã hợp tác để giải quyết các vấn đề di sản chiến tranh như tìm kiếm quân nhân Hoa Kỳ bị mất tích (MIAs) và giải quyêt hậu quả của chất độc da cam/Dioxin, đạt được thỏa thuận thương mại song phương, thỏa thuận quan hệ đối tác toàn diện, và chấm dứt cấm vận vũ khí của Hoa Kỳ.

Quốc Tuấn

https://www.sbtn.tv/giao-su-thayer-noi-csvn-va-hoa-ky-co-the-nang-cap-quan-he-ngoai-giao-len-doi-tac-chien-luoc-vao-nam-toi/

 

Mùa Covid-19 ở Mỹ:

du sinh Việt Nam học, nghỉ, về hay ở?

Bên cạnh nỗi bất an do quy định di trú mới mà chỉ mới được điều chỉnh lại, sinh viên từ Việt Nam ở Hoa Kỳ còn đang gặp vấn đề về sinh hoạt, và việc thiếu thông tin về học kỳ mới, cùng băn khoăn về Việt Nam hay cố trụ lại.

Theo thông tin từ trang web Đại Sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam thì tính tháng 11/2019, có 24.392 du học sinh Việt Nam đang học tại Mỹ.

Việt Nam nằm trong số sáu quốc gia có nhiều người du học nhất ở Hoa Kỳ nhưng thông báo hôm 06/07/2020 của Cục Di trú và Hải quan (ICE) nói sinh viên quốc tế đang theo theo học tại Mỹ nếu chỉ lấy các lớp học qua mạng vào mùa thu sẽ có nguy cơ bị trục xuất.

Cho đến giữa tháng 7 có tin chính phủ Mỹ rút lại lời đe dọa trục xuất, nhưng các vấn đề khác, như dịch bệnh Covid-19 vẫn lên cao ở Hoa Kỳ, việc ngăn trở hàng không về Việt Nam, và các khó khăn trong việc học qua mạng (online) vẫn đang thách thức nhiều sinh viên.

BBC News Tiếng Việt tìm hiểu câu chuyện của khá nhiều sinh viên từ Việt Nam du học Hoa Kỳ:

1- Chính sách di trú mới – ICE của chính phủ Trump:

Khuê Vũ, nữ sinh viên ngành Hóa, University of Central Oklahoma (UCO), bang Oklahoma:

Sinh viên quốc tế khi đi sang Mỹ được cấp cho visa dạng F-1. Với hộ chiếu Việt Nam, visa đó chỉ có hạn 1 năm, trong khi các quốc gia khác như Malaysia, Trung Quốc, Singapore thì được 5 năm. Khi đến nước Mỹ, sinh viên quốc tế ngoài visa trong passport, còn phải dựa vào I-20, là tờ giấy chứng minh trường cấp cho sinh viên quốc tế ở đây hợp pháp.

Visa của tôi sẽ hết hạn vào cuối tháng 7 này, tức là nếu tôi bị bắt về thì phải gia hạn visa ở Việt Nam nếu muốn quay lại học vào mùa xuân năm 2021, theo như luật trước giờ. Mà tình hình là Đại Sứ quán

Mỹ đều trì hoãn việc cấp visa F1 khi có bệnh dịch nên khả năng rất khó gia hạn visa khi đã phải về Việt Nam… Tôi cảm thấy bây giờ mọi thứ đều tùy thuộc vào tình hình dịch bệnh ở Mỹ mà thôi. Không ai chắc chắn được gì điều gì 100% ở giờ phút này.

Anh Trần, nữ sinh viên năm thứ ba Edmonds College, Lynnwood, tiểu bang Washington:

Hồi mới nghe thông báo của ICE tôi cũng hoang mang, nhưng khi tìm hiểu kỹ và gặp tư vấn của trường thì không còn lo lắng. Học kỳ mùa thu này tôi sẽ dự các lớp chủ yếu được học qua mạng, nhưng mỗi tuần vẫn có một buổi học tại trường. Do đó thông báo mới của ICE không đe dọa tôi phải rời khỏi nước Mỹ.

2 – Bao giờ trở lại trường và việc học online ra sao?

Nguyễn Tú Trâm, năm thứ ba, trường University of Nebraska Omaha

Tôi rất thương các giáo sư bỗng chốc phải chuyển toàn bộ giáo trình thành online để hỗ trợ học sinh hết mức có thể. Học online rất tiện vì tôi có thể mở laptop ngay tại nhà để truy cập vào chương trình học và nộp bài mọi lúc mọi nơi. Tôi không còn phải dậy sớm giữa trời rét để bắt bus đi học mỗi ngày nữa! Các giáo sư cũng tranh thủ thời gian trả lời email ngay cho các bạn có câu hỏi về việc học online.

Nhưng chất lượng của việc học online không thể thay thế cho việc học tại lớp được. Do ngành tôi học (medical lab science) có thực hành ở phòng thí nghiệm nên giáo sư chuyển sang dùng hình ảnh, mô hình để mô phỏng các qui trình và kết quả các loại thí nghiệm. Việc học này khiến tôi khó ghi nhớ nội dung một qui trình hơn là khi được tận tay áp dụng lí thuyết tại lớp học. Thầy cô khi giảng giải các chủ đề mang tính trừu tượng thường vô thức đi nhanh hơn trong lớp vì không nắm bắt được biểu cảm “bối rối” của sinh viên sau màn hình. Hơn hết, nhiều khi việc xem bài giảng online ngay tại nhà mình khiến tôi dễ… buồn ngủ. Còn khi làm bài tập nhóm thì thay vì chỉ cần chốt trong một buổi gặp mặt thì nay chúng tôi phải thay phiên gọi nhau hai, ba lượt mới xong.

Hồ Thái An, học kỳ ba ở Tacoma Community College, tiểu bang Washington:

Thiếu sự tương tác trực tiếp với giáo sư, bạn cùng lớp là hạn chế lớn nhất của việc học trực tuyến. Trả tiền học trên lớp mà phải học qua mạng đây là một sự thiệt thòi, theo tôi. Ngoài ra, mình là du học sinh tiếng Anh không thể như người bản xứ. Do đó không phải giáo sư nói cái gì mình cũng hiểu hết nên học qua mạng là bất lợi. Du học sinh muốn trình bày một vấn đề nào đó đôi khi phải dùng đến cả ‘ngôn ngữ cơ thể’ (body language), viết ra thì giáo sư, bạn cùng lớp mới hiểu được hết ý trong các cuộc thảo luận. Vì thế học qua mạng tôi thấy còn là sự thiệt thòi. Tuy nhiên, học qua mạng thì sự giúp đỡ của giáo sư ít hơn, nên áp lực cho người học cũng không lớn.

Đinh Thị Kim Sương, học ngành tâm lý ở Madonna University, Livonia, bang Michigan:

Tôi đã lấy ba lớp học học đến trường và một lớp qua mạng từ trước đó. Do đó, thông báo của ICE cũng không làm tôi quá lo lắng vì chắc trường sẽ tạo điều kiện thỏa mãn các yêu cầu thích hợp cho du học sinh trong lúc dịch bệnh này. Tôi tin là trường sẽ thay đổi cho phù hợp với quy định mới.

Khuê Vũ, nữ sinh viên ngành Hóa, University of Central Oklahoma (UCO), Oklahoma:

Đến giờ phút hiện tại thì trường tôi vẫn chưa hề thông báo confirm 100% là sẽ đổi qua online cho nguyên một học kỳ sắp tới. Các advisor ở bên International Office trường con có thông báo rằng các sinh viên quốc tế ở UCO sẽ ít bị ảnh hưởng bởi luật mới của ICE tại vì UCO sẽ vẫn tiếp tục chuẩn bị cho tháng 8 tới cho học viên đi học lại on campus. Tuy nhiên, trừ trường hợp xấu nhất khi mà bang Oklahoma bất ngờ bùng dịch hoặc declare state-emergency thì UCO sẽ cân nhắc điều chỉnh (they said an online semester are not out of the realm of possibilities).

3- Sinh viên tạm sống bằng gì, hoàn cảnh cá nhân, tâm lý ra sao?

Nguyễn Tường Linh, ngành tâm lý học, Niagara University, New York State

Trong năm học vừa qua, tôi nằm trong số sinh viên trong trường được ở ký túc xá. Chúng tôi được Đại học Niagara đã hỗ trợ về chỗ ở, thực phẩm, và khẩu trang y tế. Trong ba tháng đó, nhiều sinh viên phải xa gia đình, người thân, bạn bè trong một hoàn cảnh thiếu sự giúp đỡ tinh thần. Tôi cùng một số bạn quản lý ký túc xá cố gắng hỗ trợ các bạn trong khả năng của mình như tổ chức các bữa ăn tối nhỏ để chia sẻ những nỗi lo âu, và ngược lại các bạn ấy cũng làm cho tôi cảm thấy bớt cô đơn hơn.

Mặc dù đây là một hoàn cảnh không ưu ái, nhờ có sự giúp đỡ của đại học và của người thân, bạn bè, chúng tôi đã trưởng thành hơn về nhận thức khi học được những bài học để đời có lẽ hiếm khi xuất hiện trong một hoàn cảnh tốt hơn.

Qua một giai đoạn cách ly dài, tôi nhận thấy những điều mình từng cho là cần như đi du lịch, uống cafe, tập gym chỉ là những ham muốn. Có lẽ điều quan trọng nhất là tôi cảm thấy nhiều người nhận ra là tầm quan trọng của một hệ thống hỗ trợ tinh thần (emotional support system). Một việc đơn giản như hỏi thăm sức khỏe có thể khiến sợi dây liên kết với cộng đồng trở nên mạnh hơn và trao chúng ta đủ ý chí để đối mặt và giải quyết những vấn đề trong thời gian cách ly.

Nguyễn Tú Trâm, năm thứ ba, trường University of Nebraska Omaha

Từ kì nghỉ xuân (15/3) đến nay là lúc dịch bệnh bùng phát, bên tiểu bang tôi ở số ca tăng lên đột biến mỗi ngày. Nhận thấy tình trạng lo lắng của học sinh và phụ huynh, nhà trường đã lập tức chuyển mọi lớp học sang online hoàn toàn. Quyết định này của trường đưa ra chỉ trong vài ngày là có hiệu lực nên mọi thứ diễn biến rất nhanh. Từ một campus đông đúc, chẳng mấy chốc sân trường trở nên vắng lặng, lớp học đìu hiu không một bóng người. Thư viện, nhà ăn, kí túc xá đều đóng cửa (kí túc xá chỉ mở cho các bạn du học sinh không thuê chỗ ở ngoài khuôn viên trường). Lúc này tôi và mấy bạn đều còn hi vọng đây chỉ là tạm thời, rồi mọi chuyện sẽ ổn thỏa và sẽ sớm được quay lại lớp. Mỗi ngày chúng tôi đều nơm nớp dõi theo bản tin xem chính phủ sẽ đưa ra quyết định gì mới để ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Đôi khi thông tin đưa ra mang tính trái chiều khiến nhiều bạn không khỏi hoang mang.

Trong thời gian này, trường email liên lạc với sinh viên đều đặn để chúng tôi nắm bắt thông tin mới về Covid. Thời kì đầu tại Mỹ có tình trạng thiếu hụt nước rửa tay, khẩu trang, kit xét nghiệm trầm trọng nên gia đình tại Việt Nam cũng rất lo lắng cho sức khỏe của chúng tôi nhưng nay văn phòng du học sinh tại trường luôn trấn an tụi và mở dịch vụ hỗ trợ tâm lí hàng tuần cho những bạn cần người lắng nghe, tâm sự.

Khuê Vũ, University of Central Oklahoma (UCO), Oklahoma:

Khi đi học ở đây, mỗi trường đại học sẽ có các dạng bảo hiểm y tế. Ở UCO, tiền bảo hiểm (health insurance) của trường cho chỉ trang trải tới 80%, còn 20% phải tự trả. Mặc dù có trang trải của bảo hiểm rồi thì vẫn rất mắc so với hoàn cảnh của sinh viên quốc tế.

Việc làm trong trường chỉ trả có $7.25 một giờ cho lab assistant (trợ lý phòng thí nghiệm) mà cũng phải cạnh tranh rất nhiều, thường sinh viên quốc tế ít được tuyển mà thay vào đó là ưu tiên cho sinh viên Mỹ hơn rất nhiều. Một lần tôi bị tai nạn phải may 4 mũi ở ngón tay, tiền viện phí là gần $700 mà mình phải trả gần $400. Một bạn cũng là du học sinh một lần phải gọi xe cứu thương phải trả gần $1000.

Hiện tại đang bệnh dịch, nếu muốn đi xét nghiệm cũng tốn tiền, và nếu bị bệnh vô thì không biết tốn bao nhiêu tiền trả viện phí mà sinh viên quốc tế chỉ có thể dựa vào mỗi bảo hiểm y tế trường mình theo học cấp cho mà thôi.

Sinh viên quốc tế còn bị đuổi ra khỏi ký túc xá (housing) rất là nhiều tại vì trường đóng cửa và phải tìm chỗ ở mới. Bang Oklahoma đỡ hơn một xíu vì giá thuê nhà rẻ và bệnh dịch không đến nỗi quá nhiều như New York, Washington, hay Florida.

4-Về Việt Nam hay cố trụ lại?

Ngọc Diệp, Shoreline Community College, tiểu bang Washington:

Tôi về thăm nhà từ tháng 1, gặp dịch bệnh nên vẫn ở lại Việt Nam. Hiện tôi đã phải học hai kỳ qua mạng và sẽ học tiếp như thế vào kỳ mùa thu. Tôi có kế hoạch trở lại quay lại trường, nhưng chỉ chi nào nước Mỹ an toàn với Covid-19.

Hồ Thái An, học kỳ ba ở Tacoma Community College, bang Washington:

Việc trở lại Việt Nam cũng không thuận tiện trong lúc này do chưa có các chuyến bay thương mại. Ở Việt Nam lệch giờ cũng không thuận tiện. Chưa kể mạng ở Việt Nam hay chập chờn, nhiều lúc làm bài thi mà mạng mất là rớt. Đây là điều tôi thấ̃y các bạn tôi đã về gặp phải. Điều này làm tôi không mấy hứng thú với kế hoạch về nước để học qua mạng.

Huỳnh Bảo Thạch, tốt nghiệp cử nhân tâm lý học, Wabash College, Indiana:

Tôi không thuộc diện đối tượng của ICE và đã thay đổi quyết định muốn làm việc tại Mỹ và đã có định hướng về Việt Nam. Hiện tôi vẫn đang chờ những chuyến bay để về Việt Nam….Do đã tốt nghiệp, tôi không hoàn toàn thấy hoang mang như những bạn đang còn học khi nghe về quyết định mới của ICE. Em chỉ cảm thấy tiếc cho một nước Mỹ đã từng vĩ đại, nay lại có những hành động làm đánh mất vị thế của mình như là một đất nước luôn hào phóng với dân nhập cư, đặc biệt là với du học sinh.

Nguyễn Tường Linh, ngành tâm lý học, Niagara University, New York State

Hai lựa chọn này đều có những lợi thế và thử thách riêng. Tùy người và tùy hoàn cảnh, đây là một quyết định khó mà nhiều du học sinh đang phải suy nghĩ trong thời gian qua.

Để đưa ra một quyết định đúng đắn, tôi tin rằng mình phải lắng nghe những con số. Một con số sẽ không đi xuống là 3,5 triệu trường hợp bị nhiễm…Các nhà nghiên cứu hàng đầu đang có nhiều tiến triển cho vắc-xin cho Covid-19, nhưng chúng ta đành đặt niềm hy vọng vào họ và tiếp tục chờ.

Con đường trở về sẽ gian nan trong thời điểm này khi các chuyến bay về Việt Nam tạm thời ngưng cất cánh. Không những thế, nguy cơ bị dịch ở sân bay rất cao kể cả có những quy định mới từ các hãng hàng không. Mặc dù biết rằng thử thách sắp đến không hề đơn giản, tôi chọn ở lại Hòa Kỳ vì muốn tiếp tục giúp đỡ cộng đồng của mình trong một giai đoạn mà bất kỳ sự giúp đỡ nào cũng có thể tạo một sự khác biệt lớn.

BBC News Tiếng Việt cảm ơn các bạn sinh viên đã chia sẻ ý kiến và những người cộng tác với các bạn để đưa thông tin tới chúng tôi.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-53429827

 

Thép mạ hợp kim nhôm kẽm của Việt Nam

bị Úc khởi kiện

Tin Vietnam.- Báo Tuổi trẻ ngày 15 tháng 7 năm 2020 loan tin, sau Hoa Kỳ và một số quốc gia khởi kiện điều tra chống bán phá giá đối với mặt hàng thép mạ hợp kim nhôm kẽm của Việt Nam thì nay đến lượt Úc làm việc này.

Không chỉ khởi xướng kiện chống bán phá giá, mà Uỷ ban Chống bán phá giá của Úc còn điều tra chống trợ cấp đối với đối với một số sản phẩm thép mạ hợp kim nhôm kẽm có chiều rộng từ 600mm trở lên của Việt Nam. Ngoài Việt Nam thì phía Úc còn điều tra luôn cả Trung Cộng cũng với hành vi chống bán phá giá và chống trợ cấp ở cùng mặt hàng thép mạ hợp kim nhôm kẽm.

Thời gian điều tra thiệt hại đối với các mặt hàng này được phía Úc xác định là sẽ tính từ tháng 4 năm 2016 đến nay. Công ty trách nhiệm hữu hạn BluScope Australia là công ty giữ vai trò nguyên đơn đối với vụ kiện này với Việt Nam.

Trước hành động của phía Úc, phía bộ Công thương Cộng sản Việt Nam đã ra khuyên cáo các công ty sản xuất thép trong nước là đối tượng bị nghi tiếp tay cho Trung Cộng để gian lận xuất xứ nên hợp tác đầy đủ, toàn diện với phía Úc. Ngoài ra, các công ty có thể tìm kiếm luật sư, nhà cố vấn có chuyên môn về sự việc trên để bảo đảm hiệu quả hợp tác cao.

An Nhiên

https://www.sbtn.tv/thep-ma-hop-kim-nhom-kem-cua-viet-nam-bi-uc-khoi-kien/

 

Phản ứng các nước sau tuyên bố của Pompeo

Ba Đê

Thế giới thấy rõ ràng là từ nay Mỹ sẽ áp dụng luật chơi mới; phương Tây dĩ nhiên ủng hộ mạnh mẽ bước đột phá này. Một số nước ASEAN bày tỏ tự tin hơn; riêng Việt Nam vẫn kiên trì lập trường, không có dấu hiệu chuyển hoá và hầu như cũng không hề có bất cứ sự thay đổi nào trong quan điểm chính thống. Mỹ thay luật chơi bằng tuyên bố: “Chúng tôi đang làm rõ một điều: Các tuyên bố của Bắc Kinh đối với tài nguyên ngoài khơi trên hầu hết Biển Đông là hoàn toàn bất hợp pháp, cũng như chiến dịch bắt nạt của Trung Quốc nhằm kiểm soát chúng”. Lần đầu tiên, Washington mở đầu tuyên bố một cách trực diện, công khai quan điểm của mình đối với các yêu sách quá đáng của Bắc Kinh ở Biển Đông.

Phát biểu của Pompeo là cú hích lớn

Một số chuyên gia cho rằng tuyên bố rạng sáng 14/7 của Bộ Ngoại giao Mỹ chưa hẳn mang tới thay đổi trực tiếp, ngay lập tức nào. Nhưng về góc độ ngoại giao, tuyên bố ấy là cú hích lớn cho nhận thức chung và cam kết lâu dài. Chuyển sang triết lý mới trong lượng định và đánh giá việc Trung Quốc quân sự hoá trên Biển Đông bao lâu nay, chính quyền Trump dấy lên hy vọng, từ nay, Trung Quốc khó có thể hành xử trên vùng biển quốc tế này như cái ao, cái hồ của riêng nhà mình. Luật chơi mới trong tuyên bố của Pompeo có hai phần rõ rệt: hoàn toàn bác bỏ yêu sách của Trung Quốc và công khai thừa nhận quyền hàng hải của các nước khác có liên quan.

Về yêu sách của Trung Quốc, Mỹ nêu rõ lập trường bác bỏ hầu hết các yêu sách hàng hải của Bắc Kinh ở Biển Đông, bao gồm bãi Tư Chính ngoài khơi Việt Nam; Bắc Kinh đã không đưa ra cơ sở pháp lý nhất quán nào cho yêu sách “đường chín đoạn” ở Biển Đông kể từ khi chính thức ra tuyên bố đó vào năm 2009. Mỹ cũng tái khẳng định phán quyết đạt được sự thống nhất ngày 12/7/2016, tại Tòa trọng tài thành lập theo Công ước Luật biển của Liên Hiệp Quốc (UNCLOS-1982). Phán quyết này đã bác bỏ yêu sách hàng hải của Trung Quốc, nhấn mạnh yêu sách ấy không có cơ sở luật pháp quốc tế.

Về công nhận quyền hàng hải của các nước khác, đây là lần đầu tiên Washington khẳng định rõ ràng, Trung Quốc không có vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa bên ngoài phạm vi 12 hải lý tính từ các đảo. Với việc đề cập cụ thể tới bãi Tư Chính, bãi Cỏ Rong, đá Vành Khăn, cụm bãi cạn Luconia và vùng biển ngoài khơi đảo Natuna Besar, Hoa Kỳ gần như đã đưa ra một “làn ranh đỏ” (red line) và phát đi tín hiệu rằng nước này sẽ có thái độ mạnh mẽ hơn nếu Trung Quốc tiếp tục những hành động quấy rối như khu vực và giới đã chứng kiến trong mấy năm qua.

Ngày 14/7 tại một hội thảo về Biển Đông do Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) tổ chức, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Stilwell thẳng thừng chỉ trích Trung Quốc về việc yêu sách, bắt nạt và kiểm soát trên biển. Mô tả cách hành xử của Trung Quốc thời gian qua, ông Stilwell khẳng định: “Chúng tôi sẽ không còn cho rằng mình sẽ trung lập nữa và không loại trừ khả năng trừng phạt những quan chức Trung Quốc tham gia các hoạt động mà Mỹ đánh giá là phi pháp ở Biển Đông”. Thực tế, qua động thái gần đây, các chuyên gia cho rằng đã có sự thay đổi lớn trong cách tiếp cận của Mỹ về tình hình Biển Đông. Nhưng để khẳng định Mỹ “không còn trung lập nữa” như trước đây, thì còn cần kiểm chứng thêm trên thực tế.

Phương Tây ủng hộ, Trung Quốc phản đối

Không mấy ngạc nhiên, Nhật Bản và Úc đã nhanh chóng ủng hộ cách tiếp cận mới này của Mỹ. Trong buổi họp báo cùng ngày 14/7, Ngoại trưởng Nhật Bản Motegi Toshimitsu đã hoan nghênh và ủng hộ tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ về lập trường phản đối các yêu sách hàng hải của Trung Quốc ở Biển Đông. Ngoại trưởng Motegi nhấn mạnh, lập trường của Nhật Bản là các bên đương sự cần phải tuân thủ phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực (PCA) vào tháng 7/2016 phủ nhận quyền lịch sử và “đường chín đoạn” của Trung Quốc tại Biển Đông. Đồng thời, Nhật Bản sẽ tiếp tục hợp tác với cộng đồng quốc tế, trước hết là với Mỹ để bảo vệ tự do hàng hải.

Ngày 16/7, Thủ tướng Úc Scott Morrison tuyên bố Canberra sẽ tiếp tục ủng hộ tự do hàng hải ở Biển Đông. “Úc giữ vững lập trường nhất quán trước nay là ủng hộ rất mạnh mẽ cho tự do hàng hải trên Biển Đông”, Thủ tướng Morrison phát biểu trong buổi họp báo tại thủ đô Canberra. Ông Morrison cho biết thêm Úc đóng vai trò mang tính xây dựng ở Biển Đông và sẽ tiếp tục có hành động, tuyên bố cùng những sáng kiến riêng của mình.

Tuy Tổng thống Donald Trump cá tính thất thường, nhưng tuyên bố của Pompeo không phải ngẫu nhiên, mà đã được chuẩn bị khá kỹ lưỡng, phản ánh xu thế “bài Trung” hay “tách khỏi Trung Quốc” đang tăng lên không chỉ ở Mỹ mà còn ở các nước phương Tây khác (như Úc, Anh và Nhật Bản). Trong khi người Mỹ và phương Tây phân hóa mạnh và tranh cãi kịch liệt về nhiều vấn đề quốc tế, nhưng họ lại đồng thuận với nhau về lập trường “bài Trung”.

Theo Cựu phó Trợ lý bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Elbridge Colby, để ngăn chặn các hành động của Trung Quốc muốn tạo ra “chuyện đã rồi” (fait accompli) trên Biển Đông, Mỹ và đồng minh cần phải ngăn chặn Trung Quốc ngay từ đầu. Nay là lúc các nước ASEAN phải đoàn kết như một bó đũa và thông qua các cơ chế an ninh khu vực để tham gia tuần tra hàng hải chung, trong khuôn khổ ASEAN+3, ADMM+ hoặc là “Bộ tứ Mở rộng” – Quad Plus, tức là ngoài Mỹ, Nhật, Úc và Ấn cần có thể thêm ASEAN (?) – đang hình thành.

Trước tới giờ, hễ Mỹ nói A thì Trung Quốc nói B, đấy là điều hiển nhiên. Trong mọi chuyện, chứ không cứ gì về Biển Đông, Trung Quốc luôn tìm cách đối đầu với phần còn lại của thế giới, không riêng gì với Mỹ hay phương Tây. Nhưng lần này, ngoài việc phản ứng quyết liệt, lập luận Bắc Kinh phản đối tuyên bố của Washington chẳng thuyết phục được ai. Trung Quốc lập luận Mỹ không có tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông thì “đừng xía” vào đây. Nói vậy là không đọc kỹ UNCLOS, hoặc đọc mà không hiểu, hay hiểu nhưng cố nói bừa.

Phần mở đầu và các nguyên tắc chỉ đạo của UNCLOS viết: “Tính đến các lợi ích và nhu cầu của toàn thể loài người và đặc biệt là các lợi ích và nhu cầu riêng… dù có biển hay không có biển” và “khu vực đáy biển và đại dương, cũng như lòng đất dưới đáy các khu vực nằm ngoài thẩm quyền quốc gia đều là di sản chung của loài người và việc thăm dò, khai thác khu vực này sẽ được tiến hành vì lợi ích của toàn thể loài người, không phụ thuộc vào vị trí địa lý của các quốc gia…” Với tinh thần này, có thể thấy, ngoài quốc gia ven biển có những đặc quyền không thể chối cãi, bất kỳ quốc gia nào trên thế giới đều có quyền khai thác, sử dụng các vùng biển trên thế giới một cách hợp pháp và hợp lý.

ASEAN vững tin hơn

Trong bản tuyên bố chung khi kết thúc Thượng đỉnh ASEAN-36 cách đây hai tuần, lãnh đạo các quốc gia ASEAN dường như tự tin hơn khi đã dám nêu mối quan ngại về những diễn biến gần đây tại Biển Đông và nhấn mạnh tầm quan trọng của UNCLOS-1982. Đối với họ, Công ước là cơ sở để xác định các quyền lợi hàng hải, quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích hợp pháp đối với các vùng biển. Các lãnh đạo ASEAN một lần nữa khẳng định các bên phải “giải quyết hoà bình các tranh chấp phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS-1982”.

Như vậy là ASEAN có thêm đà từ Mỹ, còn Việt Nam có thêm hậu thuẫn từ ASEAN liên quan tuyên bố của Pompeo, nhất là từ Philippines, Malaysia và Indonesia, để đối trọng với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông. Nhưng liệu tình đoàn kết này có lâu bền hay không thì vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ, vì cho tới nay Trung Quốc đã “mua đứt” được một vài nước trong khối và ASEAN đã nhiều lần bị chia rẽ trên vấn đề này. Trước đây, ASEAN có nói là phải “phù hợp với luật pháp quốc tế”, nhưng cụm từ “luật pháp quốc tế” còn tương đối mơ hồ, chung chung. Năm nay, cụ thể hơn, Tuyên bố đã nhấn mạnh đến vai trò của Công ước 1982 và bất cứ chỗ nào có nhắc đến luật pháp quốc tế thì đều đi kèm với công ước này.

Trong cùng ngày 14/7, Bộ Quốc phòng Philippines đã ra ngay một tuyên bố ủng hộ lập trường của cộng đồng quốc tế về việc tuân thủ luật pháp, tôn trọng phán quyết của tòa thường trực trong vụ kiện “đường chín đoạn” của Trung Quốc ở Biển Đông. “Chúng tôi nhất trí mạnh mẽ với lập trường của cộng đồng quốc tế rằng nên có một trật tự dựa trên luật lệ ở Biển Đông. Chúng tôi kêu gọi Trung Quốc tuân thủ phán quyết của Tòa trọng tài thường trực (PCA) và tuân thủ Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) mà Trung Quốc vốn là bên đã ký kết”, thông cáo của Bộ Quốc phòng Philippines ký tên bộ trưởng Delfin Lorenzana nêu rõ như thế.

Còn Malaysia, trong một thông cáo báo chí về quan điểm đối với tuyên bố ngày 13/7 của Ngoại trưởng Mỹ, Ngoại trưởng Hishamuddin nhấn mạnh: “Malaysia sẽ tiếp tục đóng vai trò tích cực trong việc đảm bảo Biển Đông là vùng biển của hòa bình và thương mại. Các vấn đề liên quan đến Biển Đông phải được giải quyết hòa bình dựa trên các nguyên tắc được thừa nhận của luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS-1982”. Ngoại trưởng Hishamuddin cho biết những nỗ lực ngoại giao của Malaysia hồi tháng Năm vừa qua đã khiến tàu khảo sát Hải Dương Địa Chất 8 cùng đội tàu hộ tống của Trung Quốc phải rời khỏi khu vực giàn khoan West Capella.

Tại Jakarta, ngày 16/7, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi đã bày tỏ quan ngại về các diễn biến gần đây tại Biển Đông. Ngoại trưởng Retno nhấn mạnh hòa bình và ổn định ở Biển Đông là hi vọng của mọi quốc gia, nêu rõ việc tôn trọng luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS-1982, là mấu chốt để biến Biển Đông thành vùng biển hòa bình và ổn định. Ông Retno nhấn mạnh: “Quan điểm của Jakarta về Biển Đông rất rõ ràng và nhất quán. Việc tôn trọng luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS-1982, là vấn đề mấu chốt và cần được tất cả các bên duy trì”. Indonesia cũng từng khẳng định những tuyên bố về chủ quyền đơn phương của Trung Quốc về Biển Đông là không có cơ sở pháp lý, vi phạm UNCLOS-1982 và chưa bao giờ được luật pháp quốc tế công nhận.

Hà Nội tiến thoái lưỡng nan

Một số chuyên gia quốc tế cho rằng tuyên bố của Pompeo là một thời cơ, một điểm tựa rất lớn để chính phủ Việt Nam có thể đưa ra những phát ngôn và hành động mạnh mẽ hơn nữa trong việc bảo vệ chủ quyền, lẽ phải. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ là một tín hiệu đáng mừng, tuy còn phải chờ xem những diễn biến tiếp theo. Tuyên bố mới nhất này của chính phủ Mỹ có thể xem là một “điểm tựa” để Việt Nam có thể đưa ra những diễn ngôn cứng rắn hơn về chủ quyền ở Biển Đông. Đây cũng là thời điểm Việt nam nên có những quyết sách mạnh mẽ hơn để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của mình.

Phản hồi chính thức về tuyên bố của Mỹ, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã bày tỏ quan điểm trong một thông cáo báo chí phát đi ngay chiều 15/7. Theo đó, Việt Nam “hoan nghênh lập trường của các nước về vấn đề Biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế”. Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho hay là Việt Nam cũng “chia sẻ quan điểm, như đã nêu trong tuyên bố dịp Hội nghị cấp cao ASEAN-36, rằng Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 là khuôn khổ pháp lý điều chỉnh mọi hoạt động trên biển và đại dương”.

Vướng trong vòng xoắn ý thức hệ (Việt Nam và Trung Quốc cùng do hai đảng Cộng sản lãnh đạo), lại bị níu kéo bởi các phe nhóm chống đối nhau kịch liệt trước đại hội 13, Hà Nội không thể có một tuyên bố rõ ràng hơn, dù là đang đương kim chủ tịch của ASEAN. Bời lẽ phe nào trong đảng, dù thân Trung hay bài Trung, cũng đều sợ tuy “ớn” Bắc Kinh đến tận cổ, nhưng lại phải dựa vào Trung Quốc để lấn sân nhau. Nhưng người dân trong nước thì nghĩ khác. Một cuộc khảo sát từ Singapore trước đây cho biết có đến 80% số người Việt Nam được hỏi cho biết họ thích Việt Nam quan hệ tốt đẹp hơn với Mỹ. Tỷ lệ này cao nhất ASEAN! Việt Nam cũng là nước có số người không tin vào Trung quốc nhiều nhất. Vấn đề là lãnh đạo Việt Nam đang trong thế tiến thoái lưỡng nan, không thể đáp ứng nguyện vọng của nhân dân và xu thế của thời đại./.

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/reactions-to-pompeo-remark-about-scs-07172020091132.html

 

Điểm tin trong nước sáng 17/7:

Bộ Ngoại giao phản ứng về Tweet ‘sốc’ Biển Đông

của bà Hoa Xuân Oánh

Hiểu Minh

Mục điểm tin trong nước sáng 17/7 của Đại Kỷ Nguyên xin gửi đến quý độc giả những nội dung chính sau:

Bộ Ngoại giao phản ứng về Tweet Biển Đông của bà Hoa Xuân Oánh

Tại cuộc họp báo thường kỳ bộ Ngoại giao chiều 16/7, phản ứng về đoạn tweet mà người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đăng ngày 14/7 về Biển Đông, trong đó có nội dung rằng các quyền liên quan của Trung Quốc ở Biển Đông đã được thiết lập từ lịch sử, do hoạt động của Trung Quốc tại khu vực cách đây 2.000 năm.

Người phát ngôn bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết, Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền của mình với Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế.

“Chúng tôi cũng cho rằng tất cả các quốc gia đều phải có nghĩa vụ và lợi ích chung trong việc tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế” – bà Hằng nêu.

Trước đó ngày 14/7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đăng một loạt tweet về Biển Đông và phê phán Mỹ chỉ một ngày sau tuyên bố cứng rắn của Ngoại trưởng Mike Pompeo về Biển Đông.

Theo Zing, trong loạt tweet, bà Hoa Xuân Oánh bịa đặt rằng các quyền liên quan của Trung Quốc ở Biển Đông đã được thiết lập từ lịch sử, do hoạt động của Trung Quốc tại khu vực cách đây 2.000 năm.

Bà Hoa Xuân Oánh còn trắng trợn nói Trung Quốc “thu hồi Nam Sa và Tây Sa do bị Nhật chiếm đóng” – đây là các tên Trung Quốc gọi quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.

Thực tế cả hai quần đảo đều thuộc chủ quyền hợp pháp của Việt Nam từ lâu. Quần đảo Hoàng Sa bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép từ 1974 còn quần đảo Trường Sa cũng bị Bắc Kinh chiếm và xây dựng trái phép trên một số điểm đảo.

Khởi tố vụ án cán bộ gần cận Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung

Tuổi Trẻ đưa tin, sau hơn 3 ngày khám xét khẩn cấp chỗ ở, nơi làm việc, hôm 16/7 Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an vừa khởi tố vụ án “chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước” liên quan đến thành viên tổ thư ký, tài xế của chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung. Cũng theo nguồn tin, hiện tại, vụ án vẫn đang trong quá trình điều tra.

Trước đó, ngày 13/7 Bộ Công an đã “khám xét khẩn cấp” với 3 cán bộ làm việc gần cận với Chủ tịch UBND TP Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung.

Một người là cán bộ thuộc Phòng Thư ký biên tập và một người khác là lái xe riêng của Chủ tịch Chung.

Người thứ ba là cán bộ thuộc C03 (Cục cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu) thuộc Bộ Công an.

Thêm một huyện ở Gia Lai phát hiện ca bệnh bạch hầu

Ngày 16/7, ông Mai Xuân Hải – giám đốc Sở Y tế tỉnh Gia Lai, xác nhận vừa phát hiện thêm một trường hợp dương tính với vi khuẩn bạch hầu (Corynebacterium diphtheria) tại làng O, xã Ia O, huyện biên giới Ia Grai (tỉnh Gia Lai), theo Tuổi Trẻ.

Theo đó, bệnh nhân tên R. M N. (nữ, hơn 5 tuổi), hiện đang được cách ly điều trị tại Bệnh viện Nhi với tình trạng sức khỏe ổn định.

Như vậy, tính đến ngày 16/7, trên địa bàn tỉnh Gia Lai ghi nhận 4 ổ dịch bạch hầu với 24 ca dương tính tại 4 xã của 2 huyện Đak Đoa và Ia Grai (huyện Đak Đoa có 23 ca, huyện Ia Grai có 1 ca).

Người phụ nữ chạy xe máy vượt 3 chốt kiểm soát ở hầm Hải Vân

Lúc 4h30 ngày 16/7, Công ty CP quản lý và khai thác hầm đường bộ Hải Vân nhận tin báo có một phụ nữ điều khiển xe máy biển số Đà Nẵng chạy vào hầm, đơn vị cử bảo vệ chốt chặn nhưng người phụ nữ vẫn cố tình vượt qua.

10 phút sau, Đội cứu hộ SS3 (làm nhiệm vụ tại Km 4+260 trong hầm) ra tín hiệu dừng xe nhưng người này vẫn không chấp hành, tiếp tục điều khiển xe máy chạy ra phía Thừa Thiên – Huế.

“Chúng tôi đã bố trí 3 chốt chặn lại nhưng người này vẫn cố tình vượt vào hầm với tốc độ rất cao. Thấy cô gái chạy xe máy với tốc độ cao, chúng tôi không dám dùng biện pháp cứng để ngăn chặn xe vì sợ gây tai nạn cho người đi đường”, lãnh đạo Công ty CP quản lý và khai thác hầm đường bộ Hải Vân thông tin.

https://www.dkn.tv/thoi-su/diem-tin-trong-nuoc-sang-17-7-bo-ngoai-giao-phan-ung-ve-tweet-soc-bien-dong-cua-ba-hoa-xuan-oanh.html

 

Điểm tin trong nước tối 17/7: Dân dỡ lều bạt,

bãi rác Nam Sơn được thông xe; Trường mới xây xong

đã nứt toác, chủ tịch huyện nói bình thường!

Tâm Minh – Hiểu Minh

Mục điểm tin trong nước tối 17/7 của Đại Kỷ Nguyên xin gửi đến quý độc giả những nội dung chính sau:

Dân dỡ lều bạt, bãi rác Nam Sơn được thông xe

Tuổi Trẻ đưa tin, sau 4 ngày người dân hai xã Nam Sơn và Hồng Kỳ phong tỏa bãi rác Nam Sơn, sáng nay 17/7, Phó bí thư Thành ủy Hà Nội Đào Đức Toàn cùng lãnh đạo UBND TP. Hà Nội đã có buổi đối thoại với người dân để cùng giải quyết những khó khăn vướng mắc.

“Các ý kiến của nhân dân tập trung phản ánh chính sách đền bù giải tài sản trên đất, suất tái định cư và kiến nghị đẩy nhanh tiến độ kê khai, trả phí đền bù hỗ trợ cho dân khi di dời…

Theo ông Phương, cuộc đối thoại kéo dài đến 12h thì kết thúc, đến 13h người dân ra về thu dọn lều bạt bên ngoài tuyến đường ra vào bãi rác thải Nam Sơn. Các ôtô chở ra từ nội thành vào bãi rác Nam Sơn được thông trở lại bình thường.

Trường mới xây xong đã nứt toác, chủ tịch huyện nói bình thường!

Trường mầm non Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi có vốn đầu tư 9 tỉ đồng vừa đưa vào sử dụng đã nứt toác, nhiều phụ huynh và giáo viên đã bày tỏ bức xúc và lo ngại an toàn cho học sinh.

Tờ Dân Trí cho biết phóng viên của họ đã đến đăng ký làm việc với bà Lê Thị Kim Cúc, Hiệu trưởng trường mầm non Tịnh Hà. Tuy nhiên, bà Cúc từ chối làm việc và cho rằng, công trình chỉ mới đưa vào sử dụng chứ chưa bàn giao. Về những dấu hiệu xuống cấp, bà Cúc bảo công trình còn bảo hành 1 năm. Nếu bị hư hỏng sẽ có nhà thầu sửa chữa, báo chí đừng quan tâm.

“Tôi không nói gì hết, cái này còn trong thời gian bảo hành. Báo chí cũng đừng có quan tâm”, bà Cúc nói.

Báo Người lao động liên hệ với ông Tạ Công Dũng, Chủ tịch huyện Sơn Tịnh, thì ông Dũng nói rằng công trình trên do UBND xã Tịnh Hà làm chủ đầu tư vừa đưa vào sử dụng. “Sau khi dư luận phản ánh, tôi đã trực tiếp kiểm tra và nhận thấy công trình ổn định, bình thường. Các vết nứt ở tường sơ sơ do gạch, còn trụ chịu lực có vết nứt là hộp gen kỹ thuật nứt, nứt ở bề ngoài… Chỗ nào có nứt, tôi yêu cầu nhà thầu khắc phục, sửa chữa ngay”, ông Dũng nói.

Theo Người lao động, trái ngược với nhận định của ông Dũng, anh Nguyễn Minh, một kỹ sư xây dựng ở Quảng Ngãi phản bác rằng: “”Hình ảnh cho thấy, vết nứt ngang, vòng quanh cột chịu lực. Nhiều khả năng đây là do lỗi kết cấu công trình. Việc này hết sức nguy hiểm cho công trình, đặc biệt trong trường hợp có hoạt tải bất thường”, kỹ sư Minh nhận định.

Hàn Quốc hỗ trợ nghiên cứu khả thi tuyến metro số 5

Báo Zing đưa tin, ngày 16/7, Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR) cho biết, Cơ Quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA) đã đồng ý hỗ trợ nghiên cứu khả thi dự án tuyến metro số 5 giai đoạn 2 (ngã tư Bảy Hiền – bến xe Cần Giuộc mới) với nội dung Xây dựng chiến lược thực hiện mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD).

Tuyến metro số 5 là một phần của tuyến bán vành khuyên, chạy dọc theo hành lang đường Hoàng Văn Thụ, Phan Đăng Lưu, Bạch Đằng, Điện Biên Phủ, kết nối nhiều tuyến đường sắt đô thị của TP trong tương lai như metro số 1 tại cầu Sài Gòn, metro số 3b tại ngã tư Hàng Xanh, metro số 4 tại ngã tư Phú Nhuận, metro số 4b tại Công viên Hoàng Văn Thụ và metro số 2 tại ngã tư Bảy Hiền.

Dự án được chia thành 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 (ngã tư Bảy Hiền – cầu Sài Gòn), dài 8,89km. Trong đó có 7,46km ngầm và 1,43km trên cao; Giai đoạn 2 (ngã 4 Bảy Hiền – bến xe Cần Giuộc mới và depot Đa Phước, dài 14,5km, với 8,9km đi ngầm, 5,6km đi trên cao.

Tuyến metro số 5 dài hơn 23 km có tổng mức đầu tư hơn 38.600 tỷ đồng và dự kiến được đưa vào khai thác vào năm 2030.

Đi tắm thác, nữ sinh bị đỉa 3cm chui vào mũi

Sáng 17/7, Trung tâm y tế huyện Yên Lập (tỉnh Phú Thọ) cho biết, vừa lấy con đỉa dài 3cm ra khỏi mũi em N.T.P. (16 tuổi, ở xã Hưng Long, huyện Yên Lập).

Trước đó, ngày 15/7, Trung tâm y tế huyện Yên Lập tiếp nhận em P. đến khám tại Phòng khám tai – mũi – họng với các triệu chứng nhột trong lỗ mũi, nghẹt mũi, chảy máu mũi, mệt mỏi không rõ nguyên nhân trong khoảng 3 ngày trở lại đây.Qua nội soi, bác sĩ phát hiện một con đỉa dài khoảng 3cm còn sống trong mũi em P.

Theo Trung tâm y tế huyện Yên Lập, con đỉa đã sống ký sinh trong mũi em P. nhiều ngày, mềm, trơn, nấp vào các xoang mũi nên rất khó gắp ra. Sau khi áp dụng thủ thuật, các bác sĩ đã lấy được con đỉa ra khỏi mũi em P. Được biết trước đó 10 ngày, em P. có đi tắm thác tại xã Trung Sơn (huyện Yên Lập).

https://www.dkn.tv/thoi-su/diem-tin-trong-nuoc-toi-17-7-dan-do-leu-bat-bai-rac-nam-son-duoc-thong-xe-truong-moi-xay-xong-da-nut-toac-chu-tich-huyen-noi-binh-thuong.html