Tin Biển Đông – 13/07/2020
Thông điệp rõ ràng từ động thái của Mỹ trên Biển Đông
“Cuộc tập trận của hai tàu sân bay Mỹ ở Biển Đông gửi thông điệp rõ ràng tới Trung Quốc: Mỹ có thể đột xuất tập trung lực lượng hải quân, không quân ở Biển Đông”.
Đó là chia sẻ của giáo sư Carl Thayer tại Đại học New South Wales, Học viện Quốc phòng Australia.
Vị chuyên gia cho biết cuộc tập trận của Lực lượng Tấn công Tàu sân bay Nimitz ở Biển Đông là hoạt động quy tụ hai tàu sân bay đầu tiên kể từ năm 2014.
Các cuộc tập trận này có sự tham gia của lực lượng phòng không và tấn công chính xác tầm xa trong môi trường toàn miền (trên biển, trên không và dưới mặt nước).
Chiến lược cố định nhưng bất ngờ về hành động
Lực lượng Tấn công Tàu sân bay Nimitz tới Biển Đông hôm 4/7 do tàu sân bay USS Nimitz cùng Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan (CVN-76) hình thành nên.
USS Nimitz đi cùng tàu tuần dương tên lửa dẫn đường USS Princeton (CG 59) và hai tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Sterett (DDG 104) cùng tàu USS Ralph Johnson (DDG 114).
Còn USS Ronald Reagan có sự hộ tống của tuần dương hạm tên lửa dẫn đường USS Antietam (CG 54) và tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Mustin (DDG 89). Mỗi Nhóm tác chiến tàu sân bay (CSG) còn kèm theo một tàu ngầm tấn công hạt nhân.
Sự triển khai này phản ánh rõ ràng Chiến lược Quốc phòng của Mỹ (2018), theo đó các lực lượng quân sự Mỹ được chỉ thị thống nhất về mặt chiến lược nhưng bất ngờ về hành động, giáo sư Thayer cho hay.
“Năm 2020, Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương đã thực hiện ba mũi nhọn riêng biệt theo chỉ thị này. Thứ nhất, tăng cường sự hiện diện và các cuộc tuần tra của Hải quân Mỹ ở Biển Đông và eo biển Đài Loan. Thứ hai, Hải quân Mỹ gia tăng số cuộc tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông. Thứ ba, Không quân Mỹ điều chỉnh các cuộc tuần tra hiện diện máy bay ném bom liên tục bằng cách rút các máy bay ném bom chiến lược B-52 từ Guam và thay thế chúng bằng các máy bay ném bom tàng hình B-1. Các máy bay ném bom Mỹ từ Guam, Diego Garcia ở Ấn Độ Dương và từ các sứ mệnh bay từ lục địa Mỹ tới Biển Đông. Các cuộc tuần tra hiện diện máy bay ném bom liên tục là một phần của chương trình toàn cầu”, chuyên gia Australia nói với Zing.
Trước cuộc tập trận ở Biển Đông được cho là gửi cả tín hiệu quân sự và địa chính trị tới Trung Quốc và khu vực nói trên, Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, bao gồm Hạm đội Thái Bình Dương, đã triển khai 3 tàu sân bay tới Tây Thái Bình Dương để chứng minh sự thông suốt về mặt chiến lược nhưng không thể đoán định về hành động.
Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Theodore Roosevelt đã tham gia cùng Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Nimitz trong các cuộc tập trận ngoài khơi bờ biển Philippines hôm 21/6.
“Để gia tăng khả năng hoạt động không thể đoán định, Không quân Mỹ đã điều máy bay ném bom chiến lược B-52 từ căn cứ không quân Barksdale ở Louisiana, miền Nam nước Mỹ, bay đến Biển Đông tham gia các hoạt động trên biển với Lực lượng Tấn công Tàu sân bay Nimitz”, ông Thayer đánh giá.
Tờ Wall Street Journal đánh gia động thái này cho thấy khả năng của Không quân Mỹ nhanh chóng di chuyển khí tài đến các điểm nóng trên thế giới.
Mỹ không thông báo cụ thể nơi hoạt động của Lực lượng Tấn công Tàu sân bay Nimitz. Do vô tình hay có kế hoạch từ trước, các hoạt động của Hải quân Mỹ đang diễn ra cùng lúc với cuộc tập trận của Trung Quốc ở vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa, quần đảo của Việt Nam nhưng đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép.
Đầu tuần trước, Lầu Năm Góc nói rằng họ đang giám sát các cuộc tập trận quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông. Tuyên bố đưa ra ngày 2/7 của Lầu Năm Góc cũng chỉ rõ những cuộc tập trận đó “gây phản tác dụng những nỗ lực xoa dịu căng thẳng và duy trì ổn định trong khu vực”.
Tuyên bố cho rằng các cuộc tập trận của Trung Quốc đã vi phạm thỏa thuận về ứng xử ở Biển Đông, “gây bất ổn hơn đối với tình hình”.
Động thái hiếm thấy
Theo NBC, ông Sébastien Roblin, chuyên gia bình luận về an ninh quốc tế và lịch sử quân sự, cho rằng các sự mệnh tuần tra mới nhất nói trên của tàu sân bay Mỹ ở Biển Đông là trường hợp hiếm hoi khi luật pháp quốc tế, sứ mệnh bảo vệ các nước yếu hơn và lợi ích quốc gia của Mỹ hội tụ.
“Các tàu sân bay củng cố cam kết của Mỹ trong bảo vệ lợi ích chung toàn cầu khi đảm bảo quyền tự do đi lại trên biển”, ông nhấn mạnh.
Vị chuyên gia chỉ rõ quyết định điều hai tàu sân bay cùng diễn tập và tuần tra trên Biển Đông là động thái kịp thời nhằm trấn an các đồng minh, đối tác về cam kết của Mỹ trong việc kiềm chế đối thủ mà không gây xung đột quân sự.
Ngoài câu chuyện Chiến lược Quốc phòng, còn có các yếu tố khác liên quan tới động thái mới nhất này của Mỹ ở Biển Đông.
Theo ông Thayer, tàu sân bay USS Theodore Roosevelt (CVN-71) đã hoàn toàn khôi phục hoạt động sau khi cập cảng để xử lý ổ dịch Covid-19 trên tàu hồi tháng trước, và Mỹ đang chứng tỏ rằng bất chấp virus corona, họ có thể triển khai lực lượng quân sự đáng kể ở Biển Đông.
Đài CNN hôm 8/7 dẫn lời hai đô đốc Hải quân Mỹ chịu trách nhiệm về cuộc tập trận trên Biển Đông khẳng định đang áp dụng các biện pháp “phi thường” để ngăn chặn dịch Covid-19 trên hai tàu sân bay với tổng cộng hơn 12.000 thủy thủ và phi công.
Theo đó, các biện pháp được Hải quân Mỹ áp dụng nhằm ngăn chặn lặp lại tình trạng của tàu sân bay USS Theodore Roosevelt.
“Chúng tôi đã thực hiện các biện pháp phi thường để bảo vệ các thủy thủ khỏi Covid-19, nhưng đây vẫn là mối đe dọa thực sự và đòi hỏi phải liên tục cảnh giác. Mọi người trên tàu đều đang chấp hành và được yêu cầu đeo khẩu trang”, Chuẩn đô đốc George Wikoff, chỉ huy của lực lượng tấn công Carrier Strike Group 5 do tàu USS Ronald Reagan dẫn đầu, cho biết hôm 8/7 từ Biển Đông.
Nhận định về mục đích trên hết của cuộc tập trận, ông Thayer nói với Zing: “Cuộc tập trận của Mỹ ở Biển Đông gửi thông điệp rõ ràng tới Trung Quốc rằng Mỹ có thể đột xuất tập trung lực lượng hải quân và không quân ở Biển Đông có năng lực tấn công tầm xa. Giới chức Mỹ cũng nói rằng các cuộc tập trận hải quân này ủng hộ một Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở”.
Đồng quan điểm, chuyên gia phân tích Carl Schuster, cựu giám đốc chiến dịch ở Trung tâm Tình báo Chung thuộc Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ, cho biết cuộc tập trận với sự tham gia của hai tàu sân bay thể hiện sức mạnh mà ít nhất trong thời điểm này, chỉ có Hải quân Mỹ có được.
Trung Quốc chỉ có một tàu sân bay hoạt động thường trực trong khi tàu sân bay thứ hai của nước này chưa đạt tới tình trạng đó.
Tuy nhiên, cả hai tàu sân bay của Trung Quốc đều không có độ lớn và năng lực mang theo lượng máy bay lớn như hai tàu sân bay của Hải quân Mỹ.
“Cuộc tập trận của Hải quân Mỹ chứng tỏ ai có sức mạnh tiềm tàng lớn hơn”, ông nói.
http://biendong.net/bien-dong/35745-thong-diep-ro-rang-tu-dong-thai-cua-my-tren-bien-dong.html
TQ đang thúc đẩy các mặt trận ở biển Đông,
Mỹ tuyên bố theo sát mọi động thái
Đối mặt với những nỗ lực mà theo mô tả của tạp chí Foreign Policy là “ngày càng trơ trẽn” của Trung Quốc trong việc kiểm soát toàn bộ biển Đông, quân đội Mỹ đang sử dụng nhiều tàu sân bay tại đây để các đồng minh thấy rằng Mỹ sẽ không quay lưng lại với khu vực đang nóng bỏng này.
Cuối tuần qua, tàu USS Ronald Reagan và USS Nimitz đã vào biển Đông, thách thức các yêu sách biển của Trung Quốc vốn đã bị các đồng minh của Mỹ thách thức.
Các cựu quan chức và quan chức quốc phòng Mỹ hiện tại lo ngại rằng Trung Quốc đã nhân có đại dịch coronavirus để tăng cường nỗ lực quân sự hóa cái gọi là đường chín đoạn, tuyên bố chủ quyền một cách phi lý đối với phần lớn biển Đông, một tuyến đường biển với số hàng hóa trị giá hàng nghìn tỷ đô la mỗi, có tiềm năng về hải sản, dầu và khí đốt tự nhiên.
Từ đầu năm nay, trong khi Mỹ và các quốc gia khác đang vật lộn với sự lan rộng của đại dịch, Trung Quốc đã tăng cường một cách có hệ thống các nỗ lực biến Biển Đông “thành một hồ nước của riêng Trung Quốc”, lắp đặt các hệ thống giám sát nổi và trên các đảo nhân tạo, đe dọa, quấy rối hoạt động thăm dò dầu khí của các nước láng giềng như Việt Nam và Malaysia, đối đầu, hăm dọa tàu chiến Philippines. Trung Quốc cũng đã tăng cường nỗ lực quản lý hành chính ở biển Đông, mà theo Foreign Policy, điều này có thể giúp Bắc Kinh tạo cớ biến đảo san hô và đảo nhỏ thành “đại lục mở rộng”.
Sự gây hấn của Trung Quốc trên biển Đông đã tăng lên khi nền kinh tế nước này vấp phải những khó khăn do từ đại dịch coronavirus. Bắc Kinh có nhiều động lực thúc đẩy chủ nghĩa dân tộc thông qua chính sách đối ngoại gây hấn.
“Có vẻ như chủ nghĩa phiêu lưu trong chính sách đối ngoại của họ đã không bị tác động kể từ khi xuất hiện dịch coronavirus”, Randall Schriver, cựu thứ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách các vấn đề an ninh khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương cho đến tháng 12/2019. “Đổ dầu vào ngọn lửa dân tộc chủ nghĩa có lợi khi họ đang phải vật lộn trong nước vì các khó khăn”, ông Schriver nói.
Ông Schriver, hiện là chủ tịch của Viện Dự án 2049, một nhóm chuyên gia cố vấn có trụ sở tại Washington, cho biết: “Tôi nghĩ rằng có một số câu hỏi sau khi tàu sân bay Roosevelt ngừng hoạt động (vì bùng phát dịch coronavirus-PV), rằng có phải năng lực của Mỹ đã suy giảm”.
Việc triển khai của Mỹ được thúc đẩy một phần bởi các yêu cầu của các đồng minh trong khu vực nhằm đẩy lùi các hành vi của Trung Quốc. Ông Schriver cho biết hải quân đồng minh đã báo cáo về sự đe dọa từ hải quân và hải cảnh Trung Quốc. Các tàu Trung Quốc thường xuyên theo dõi và đe dọa các tàu đi ngang qua biển Đông.
Philippines, một đồng minh của Mỹ, dưới thời Tổng thống Rodrigo Duterte ngày càng trở nên ấm áp với Trung Quốc, thậm chí bãi bỏ một thỏa thuận quân sự với Washington vào tháng 2 vừa qua. Nhưng mối đe dọa ngày càng tăng từ Trung Quốc đã khiến Manila phải suy nghĩ lại về việc chấm dứt Hiệp định Lực lượng thăm viếng trong khi họ muốn nhờ sức mạnh của Mỹ để chống lại Bắc Kinh.
“Trung Quốc đang thúc đẩy tất cả các mặt trận”, một cựu quan chức quốc phòng Mỹ giấu tên nói với Foreign Policy. “Tôi lo lắng một lúc nào đó con đập sẽ vỡ. Việc này sẽ vượt khỏi tầm kiểm soát”.
Biển Đông trước thực tế Trung Quốc
“ỷ mạnh hiếp yếu, nuốt lời”
Thu Hằng
Từ ngày 01-05/07/2020, Trung Quốc tiến hành tập trận ở ngoài khơi quần đảo Hoàng Sa, chiếm của Việt Nam vào năm 1974. Đây là một trong ba cuộc tập trận mà báo chí Trung Quốc gọi là « tam đại
chiến địa » ở ba vùng biển từ bắc xuống nam : Hoàng Hải, Hoa Đông và Nam Hải (Biển Đông) để phô trương sức mạnh.
Điều đáng chú ý là Trung Quốc quyết định tổ chức cuộc tập trận hàng năm này ngay sau khi lãnh đạo ASEAN ra thông cáo chung, cứng rắn hơn, vào ngày 26/06 sau cuộc họp thượng đỉnh do Việt Nam làm chủ tịch và khẳng định Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) là cơ sở giải quyết bất đồng ở Biển Đông. Vừa tập trận « răn đe » xong, Bắc Kinh lại kêu gọi các nước ASEAN tiếp tục đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Vậy Bắc Kinh tính toán gì ? Lập luận của Trung Quốc có đáng tin cậy không ? Liệu nguy cơ va chạm có xảy ra ở Biển Đông không, trong khi hải quân Mỹ tiếp tục tăng cường tuần tra, điều máy bay ném bom và huy động ba tầu sân bay lần lượt tham gia tập trận ?
RFI Tiếng Việt đặt câu hỏi với nhà nghiên cứu Mathieu Duchâtel, giám đốc Chương trình châu Á, Viện Montaigne (Institut Montaigne), Paris.
RFI : Thưa ông Duchâtel, xin ông cho biết về quy mô cuộc tập trận của Trung Quốc ngoài khơi quần đảo Hoàng Sa (01-05/07/2020) ! Trung Quốc muốn gửi đến Việt Nam và ASEAN thông điệp gì ?
Mathieu Duchâtel : Về mặt chiến dịch, có nghĩa là những kịch bản và thiết bị quân sự được huy động tham gia tập trận, tôi cho rằng có hai điểm cần lưu ý.
Thứ nhất, đó là cuộc diễn tập đổ bộ từ tầu đổ bộ. Bởi vậy mà tầu đổ bộ của hải quân Trung Quốc 071 đã được nhìn thấy ở đảo Phú Lâm (Woody Island) và tham gia vào cuộc tập trận. Kịch bản đổ bộ là tâm điểm của cuộc tập trận của hải quân Trung Quốc.
Thứ hai là lực lượng hải cảnh Trung Quốc cũng tham gia. Đây là điểm đáng chú ý : Cả hải quân và hải cảnh Trung Quốc cùng tập trận trong bối cảnh vừa có một đợt cải cách, theo đó lực lượng hải cảnh được xếp dưới thẩm quyền của Quân ủy Trung ương, có nghĩa là bộ chỉ huy cao nhất của quân đội Trung Quốc trong thời chiến. Có thể nhận thấy kịch bản trên phần nào đó mang tính tấn công. Đây là điểm thứ nhất !
Điểm thứ hai liên quan đến những tín hiệu chính trị được Bắc Kinh gửi đi, vào lúc có nhiều tin đồn từ phía Việt Nam về việc Hà Nội có khả năng đi theo hướng Philippines từng làm : viện đến luật pháp quốc tế để thách thức Trung Quốc về vấn đề chủ quyền ở Biển Đông. Chúng ta không biết là quyết định này có được đưa ra hay không, nhưng dù sao cuộc tập trận của Trung Quốc là một tín hiệu mạnh, đầy tính chính trị, từ phía Bắc Kinh gửi đến Hà Nội vì quần đảo Trường Sa cũng đang là một vấn đề giữa Trung Quốc và Việt Nam. Nhưng theo tôi nghĩ, quyết định của Trung Quốc hẳn phải có điều gì đó quan trọng : Phải làm gì nếu Việt Nam đưa vụ việc ra một tòa án quốc tế ?
Một điểm khác liên quan đến các cuộc đàm phán trong ASEAN. Tôi nghĩ rằng lập trường của Trung Quốc không thay đổi vì Bắc Kinh tìm kiếm một Bộ Quy tắc ứng xử cho phép hạn chế quyền của hải quân các nước không nằm trong khu vực, trước tiên là Hoa Kỳ, nhưng còn có Nhật Bản, các nước phương Tây, Úc và có thể là cả Ấn Độ. Có nghĩa là những nước đó không được vào Biển Đông mà không được phép trước. Đây là điểm đàm phán quan trọng của Trung Quốc trong hai năm gần đây. Và dĩ nhiên, để gây sức ép về điểm này thì việc phô trương sức mạnh mang lại lợi thế trong vùng.
Điểm cuối cùng về tín hiệu chính trị, hiện đây là giai đoạn căng thẳng giữa Trung Quốc với các nước láng giềng, cũng như giữa Trung Quốc với Hoa Kỳ. Phía Trung Quốc có thể có phần nào đó lo lắng trước thế đối đầu của Washington đối với Bắc Kinh, cũng như việc hai tầu sân bay của Mỹ hoạt động cùng lúc ở Biển Đông. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2014, hai cụm tầu sân bay diễn tập chung trong khu vực.
RFI : Vừa mới phô trương sức mạnh hăm dọa các nước ở Biển Đông, Trung Quốc đã lại kêu gọi tiếp tục đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử (COC). Bắc Kinh có dụng ý gì ?
Với việc đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử (COC), Trung Quốc trước hết tìm cách xây dựng một trật tự ở Biển Đông được tập trung chủ yếu vào ưu tiên chính : Đó là loại tất cả các lực lượng hải quân nước ngoài ra khỏi khu vực, đặc biệt là hải quân Mỹ.
Bắc Kinh tìm cách thuyết phục các nước ASEAN (dĩ nhiên trừ các nước như Việt Nam, Singapore, Philippines không hề tin) rằng đó là một Bộ Quy tắc buộc mọi quốc gia ngoài khu vực phải xin phép trước, mà thực ra, đó là một kiểu cấm các lực lượng hải quân nước ngoài thâm nhập. Trên thực tế, đối với Bắc Kinh, Bộ Quy tắc ứng xử là cách để hải quân Trung Quốc lập mạng lưới thống trị toàn bộ vùng biển này.
RFI : Trong trường hợp đàm phán COC, liệu có thể tin vào lời hứa của Trung Quốc, trong khi nước này thường «nói một đằng làm một nẻo », mà ví dụ gần đây nhất là Hồng Kông ?
Có hai câu hỏi trong câu hỏi này. Thứ nhất, tôi không nghĩ là Trung Quốc sẽ áp đặt được trong kiểu thỏa thuận như vậy, bởi vì trái ngược quá lớn với lợi ích của một số nước, trước hết là của Việt Nam, Philippines, thậm chí là cả Singapore dù nước này không có tranh chấp ở Biển Đông.
Thứ hai, cộng đồng quốc tế ngày càng nghi ngờ về độ tin cậy trong lời nói của Trung Quốc, đặc biệt là gần đây Bắc Kinh quyết định áp đặt luật an ninh quốc gia ở Hồng Kông bất chấp thỏa thuận với Anh Quốc khi trao trả Hồng Kông về Hoa lục, cũng như quy chế « một quốc gia, hai chế độ ». Ở điểm này, Trung Quốc đã đặt cược rủi ro rất lớn : chọn sức mạnh hơn là tạo dựng niềm tin. Và dĩ nhiên, Bắc Kinh hẳn sẽ phải trả giá nào đó về mặt quan hệ đối ngoại.
RFI : Người ta có cảm giác là cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Hoa Kỳ, càng gây áp lực với Bắc Kinh trong nhiều hồ sơ gần đây, thì Trung Quốc càng sử dụng sức mạnh để đạt được mục đích. Liệu Trung Quốc có nguy cơ làm tương tự để áp đặt chủ quyền ở Biển Đông ?
Có. Nếu dịch chuyển một chút về mặt địa lý, chúng ta thấy vụ ẩu đả chết người gần đây ở biên giới với Ấn Độ trên núi Himalaya. Ngoài ra, cũng cần nhắc đến sự hiện diện bất thường của Trung Quốc về tần suất và thời gian ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, điểm tranh chấp giữa Trung Quốc và Nhật Bản. Thêm vào đó là những cuộc thâm nhập, ngày càng nhiều và nghiêm trọng hơn, vào không phận của Đài Loan. Tiếp theo là cuộc tập trận quân sự ở ngoài khơi quần đảo Hoàng Sa.
Theo tôi, qua những sự kiện trên, Trung Quốc thực sự muốn có chiến lược phòng thủ, và đó cũng có thể là quan điểm của Bắc Kinh : Có nghĩa là không được cho thấy những điểm yếu, khả năng bị tổn thương trong giai đoạn hậu Covid-19. Trong cuộc khủng hoảng dịch tễ toàn cầu này, Trung Quốc bị tấn công rất nhiều về những phát ngôn bị cho là thiếu chính xác và danh tiếng của họ bị xấu đi nhiều trên mặt ngoại giao. Vì thế, Trung Quốc tìm cách thu lợi vào lúc mà nước này có thể sẽ bị suy yếu hoặc bị nhiều nước khác cho là yếu đi. Và dĩ nhiên, nhìn từ quan điểm của những nước khác, hành động của Trung Quốc đầy tính chất hiếu chiến.
RFI : Chưa bao giờ Hoa Kỳ lại chứng tỏ sức mạnh ở Biển Đông như năm 2020. Liệu Việt Nam, cũng như những nước khác có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc, có thể được hưởng lợi ?
Có một lịch trình phòng thủ và một lịch trình tấn công. Tôi cho rằng sự hiện diện của Mỹ trong khu vực, có quy mô quan trọng hơn, có thể là nhằm gây khó khăn cho các hành động đơn phương của Trung Quốc mà nước này dự trù nếu như không có sự hiện diện của Mỹ, ví dụ chiếm thêm các đảo hoặc hung hăng bắt nạt các nước cũng đòi hỏi chủ quyền trong khu vực.
Về phương diện « tấn công », ví dụ thúc đẩy những đòi hỏi chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa, tôi cho rằng khuôn khổ những gì Hoa Kỳ đang làm là nhằm mục đích ngăn chặn Trung Quốc đơn phương hành động, hơn là cho phép các nước khác đạt được những yêu sách chủ quyền của riêng họ. Chúng ta thấy chính sách của Mỹ là bảo vệ nguyên trạng.
RFI : Căn cứ vào tình hình hiện nay, liệu có nguy cơ xảy ra va chạm giữa lực lượng Trung Quốc và Hoa Kỳ ở Biển Đông không ?
Có, nguy cơ đó luôn hiện hữu. Thế nhưng không chỉ có nguy cơ va chạm giữa Mỹ và Trung Quốc, dù hiện có một Bộ Quy tắc về ứng xử những cuộc gặp gỡ bất ngờ trên biển mà các nước trong vùng đã ký năm 2014. Bộ Quy tắc này xác định chuẩn mực ứng xử trong các chiến dịch hàng hải trong vùng để tránh sự cố va chạm.
Thế nhưng, ngoài rủi ro xảy ra va chạm, còn có nguy cơ là một ngày nào đó, vì lý do chính trị, Trung Quốc cố tình chọn cách gây va chạm. Trong trường hợp này, tôi cho là có thể với một lực lượng khác, chứ không phải Hoa Kỳ vì cán cân sức mạnh bất lợi cho Trung Quốc.
Nhưng nếu muốn gửi một thông điệp mạnh mẽ và gây căng thẳng nghiêm trọng ở Biển Đông, thì Trung Quốc có thể gây hấn, ví dụ với hải quân Úc khi lực lượng này đi qua khu vực. Và nếu xảy ra, kịch bản khủng hoảng này cũng rất khó giải quyết cho cả phía Mỹ. Vì nếu một đồng minh của Mỹ, tôi chỉ nói đến « đồng minh » vì điểm này không áp dụng cho Việt Nam, như Úc chẳng hạn, một nước nằm ngoài Biển Đông và là một đồng minh của Mỹ, va chạm với hải quân Trung Quốc ngoài khơi quần đảo Trường Sa ở Biển Đông khi tiến hành tuần tra vì tự do hàng hải, thì Mỹ phải làm gì ? Úc phải làm thế nào ? Quan điểm của những nước khác ra sao ? Đúng, đây là một nguy cơ thực sự !
RFI Tiếng Việt xin chân thành cảm ơn tiến sĩ Mathieu Duchâtel, giám đốc Chương trình châu Á, Viện Montaigne (Institut Montaigne), Paris.