Tin Việt Nam – 12/07/2020

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 12/07/2020

Việt Nam: Phòng giam giữ hay lò lửa đày đọa con người? – LS Ngô Ngọc Trai – Gửi tới BBC từ Hà Nội

Mới đây tôi cùng hai luật sư đồng nghiệp đã có buổi làm việc với ông Trương Duy Nhất tại trại giam.

Từng làm việc trong một cơ quan báo chí nhà nước là Báo Lao động, sau đó nghỉ ra ngoài làm báo tự do, hiện ông Nhất đang bị giam giữ tại Trại tạm giam T16 nằm ở huyện Thanh Oai, ngoại thành Hà Nội trong một vụ án liên quan đến tài sản.

Khi làm việc chúng tôi thấy hai cánh tay bị can nổi các mẩn đỏ, hỏi thì được biết trên người cũng có và do thời tiết nắng nóng của buồng giam.

Bản thân tôi hai năm trước cũng được một bị can bị tạm giam tại Trại tạm giam Cầu Cao ở tỉnh Thanh Hóa phản ánh cho biết, phòng giam quá nóng, những người bị giam đã phải treo một chiếc chiếu trong phòng rồi buộc dây hai đầu co kéo đưa đi đưa lại tạo không khí thoáng mát cho phòng giam.

Những điều đó cho thấy nhu cầu bức thiết của những người bị giam giữ là cần được lắp quạt điện tạo mát.

Ông Trương Duy Nhất: Những ngày trên đất Thái Lan

Blogger Trương Duy Nhất bị tuyên phạt 10 năm tù

Thái Lan ‘điều tra tin Trương Duy Nhất mất tích ở Bangkok’

Thực tế hiện nay tại các phòng giam giữ trên cả nước đối với các bị can, bị cáo, người bị tạm giữ trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự đều không được lắp đặt quạt điện.

Trong khi mùa hè nóng bức kéo dài nhiều tháng có lúc lên tới 40 độ C thì đó thực sự là môi trường giam giữ đày đọa con người.

Quyền con người

Ở một diễn biến khác, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 đã quy định một nguyên tắc mới quan trọng tại Điều 8 về tôn trọng bảo vệ quyền con người, tức nhân quyền.

Đây là một bước tiến bộ lớn khi so với Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 quy định nguyên tắc chỉ bảo vệ các quyền cơ bản của công dân.

Và khi Bộ luật tố tụng hình sự đã quy định như vậy thì các hoạt động tố tụng liên quan cũng cần quán triệt tiếp thu. Liên quan đến hoạt động giam giữ thì cần yêu cầu nâng cao tiêu chuẩn, tôn trọng quyền con người.

Ví như ngày xưa chỉ bảo vệ các quyền cơ bản của công dân là ăn uống thì nay bảo vệ nhân quyền sẽ phải khắc phục tình trạng nắng nóng trong phòng giam.

Thực tế bất hợp lý hiện nay là đời sống của người bị giam giữ phục vụ điều tra giải quyết vụ án hình sự lại khổ cực hơn là phạm nhân đã thụ án thi hành hình phạt. Trong khi người bị giam giữ chưa bị coi là tội phạm và phải chịu hình phạt vì chưa có bản án kết tội họ có hiệu lực pháp luật.

Ví như phòng giam của người đã thi hành án phạt tù thì có ti vi và quạt điện, nhưng phòng giam giữ bị can bị cáo thì không có.

Luật mới đã có hiệu lực thi hành vài năm, song thực tế chưa thấy có động thái nào từ phía các cơ quan tư pháp về việc nâng cao ý thức tôn trọng nhân quyền.

Lý do lâu nay không cung cấp quạt điện có lẽ do điều kiện ngân sách kinh tế khó khăn, nhưng tới nay nền kinh tế đất nước đã có những bước phát triển khởi sắc.

Điều kiện ngân sách quốc gia chắc cũng không đến nỗi không đáp ứng được cho một khoản kinh phí lắp đặt quạt điện trong phòng giam. Trong khi nhiều khoản chi đầu tư khác lại bộc lộ sự không hợp lý lãng phí ngân sách nhà nước.

Lý do thứ hai có lẽ do lo ngại mất an toàn. Nhưng lo ngại này không thỏa đáng.

Nếu có trường hợp nào người bị giam giữ phá hoại hoặc tự vẫn thì đó chỉ là thiểu số rất nhỏ trong khi quyền lợi của hàng vạn người khác cần được đảm bảo.

Hiện nay trong các phòng giam bật điện chiếu sáng suốt ngày đêm nhưng lại không có quạt điện trong khi mùa hè nắng nóng.

Thực trạng này cần phải thay đổi, môi trường giam giữ cần phải được cải thiện. Những người bị giam giữ cần được đối xử tôn trọng với đầy đủ quyền con người. Họ cũng cần được hưởng thành tựu của sự phát triển kinh tế xã hội.

Luật sư kiến nghị

Thấy được vấn đề như vậy, từ thực tế hành nghề bảo vệ quyền lợi cho khách hàng, tôi đã soạn một đơn kiến nghị về việc đầu tư lắp đặt quạt điện cho các phòng giam.

Đơn được gửi tới Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

Để ý kiến nhận được sự quan tâm giải quyết, tôi đăng nội dung đơn lên mạng xã hội facebook và kêu gọi các luật sư đồng nghiệp cùng ghi danh tham gia ủng hộ.

Sau vài giờ đăng tải đã có hàng chục luật sư đồng nghiệp đồng tình với ý kiến.

Trong đơn đã khuyến nghị các cấp lãnh đạo nhà nước quan tâm đến vấn đề giam giữ, đề nghị chỉ đạo kiểm tra rà soát thực trạng, từ đó ra chính sách đầu tư cải thiện, cung cấp lắp đặt quạt điện tạo mát cho các phòng giam.

Đây là một hoạt động nhỏ nhưng mang ý nghĩa lớn, được kỳ vọng sẽ đem đến cải thiện đời sống cho hàng vạn người đang bị giam giữ.

Truyền tải giá trị

Nhiều người đánh giá nội dung kiến nghị rất có tính nhân văn và đây là việc làm truyền tải đi những giá trị tích cực.

Một nét son nhân bản bên cạnh nhiều thông tin tiêu cực về muôn mặt tệ trạng đời sống xã hội.

Thực tế trong đời sống hiện nay, nhiều người khi bị đối xử bất công, bức hại, thua thiệt thì kêu trời kêu đất, hỏi công lý ở đâu, công bằng ở đâu.

Trong khi cũng chính những người đó nhiều lúc lại đã làm những việc sai trái như chạy chọt, hối lộ, lót tay làm hủy hoại đi lẽ công bằng.

Từ đó tạo ra một vòng luẩn quẩn trong đời sống xã hội về nguyên nhân nguồn gốc của bất công, bất ổn xã hội.

Nhiều người không may là nạn nhân của tội phạm, giết người, đánh chém hoặc xâm phạm tài sản này khác. Họ không biết rằng người phạm tội kia là tái phạm.

Bởi vì người đó đã bị đối xử không như một con người, không đảm bảo nhân quyền trong thời gian bị giam giữ.

Cho nên để xã hội bớt tội phạm thì cần giữ gìn nhân phẩm cho người ta, bằng việc thúc đẩy cải thiện môi trường giam giữ.

Việc kiến nghị lắp đặt quạt điện tạo mát trong phòng giam sẽ gián tiếp giúp bảo vệ sinh mạng sức khỏe tài sản của đông đảo người dân ngoài xã hội. Giảm tránh nguy cơ tội phạm do tái phạm vì mất niềm tin vào trật tự đạo lý xã hội.

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của luật sư Ngô Ngọc Trai, VP Luật Công chính, Hà Nội.

https://www.bbc.com/vietnamese/forum-53361996

 

Kinh tế thời Covid-19: ‘VN đừng mong đón đại bàng’

Việt Nam thông báo chính thức là không có một ca tử vong nào vì Covid-19.

Thế nhưng nền kinh tế lại đang gánh chịu thiệt hại to lớn, thất nghiệp cao vì dịch virus corona. Từ Florida, Tiến sỹ Phạm Đỗ Chí, cựu chuyên gia cao cấp Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), chia sẻ với BBC News Tiếng Việt những đánh giá của ông về viễn cảnh kinh tế Việt Nam, và hướng đi mà ông cho là phù hợp với tình thế hiện thời.

Tiến sỹ Phạm Đỗ Chí: Với thông báo chính thức về việc cho đến nay không có ca tử vong nào do Covid-19, Việt Nam đã đạt được uy tín trên thế giới về thành tích đối phó với đại dịch Covid-19, nhưng nền kinh tế xã hội lại lâm vào khủng hoảng trầm trọng không dễ gỡ.

Thứ nhất là vấn đề tăng trưởng GDP năm nay khó được đặt ra như mọi năm vì các ẩn số kinh tế mà ngay Chính phủ cũng không kiểm soát nổi, và số lượng thống kê GDP của VN vốn đã bấp bênh lại càng không chắc chắn trong năm nay và năm 2021.

Chi bằng sẽ không cần đặt ra mục tiêu GDP nữa, mà giải pháp là bắt tay vào hai vấn đề cốt lõi dưới đây.

Hai vấn đề chính: Thất nghiệp và Xuất khẩu bế tắc

Theo tin chính thức từ báo chí, số lao động thất nghiệp, nghỉ luân phiên hay giãn việc tại VN lên tới con số 7,8 triệu người tính đến cuối tháng 6.

Thế nhưng tình trạng thực sự còn căng thẳng hơn. Theo ước tính của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, là “gần 31 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc, giảm thu nhập…” Số người bị giảm thu nhập ước tính lên tới 57%. Số lao động mất việc tập trung vào các ngành xuất khẩu, nhất là trong công nghệ chế biến, và trong các ngành dịch vụ du lịch, hay các dịch vụ khác như buôn bán lẻ, vận tải kho bãi, hiệu ăn…

Vì vấn đề du lịch quốc tế còn rất phức tạp và phải chờ ít nhất đến cuối năm các đường giao thông quốc tế, nhất là từ Hoa Kỳ, nên VN đã bắt đầu bằng việc khuyến khích du lịch trong nước.

Nhưng mãi lực còn chưa đủ, hình ảnh các sạp bán hàng ở chợ Bến Thành cũng như nhiều cửa hiệu ở khu vốn sấm uất Quận Nhất phải đóng cửa đang nói lên điều đó.

Các ngành dịch vụ kể trên (dùng tỷ lệ lao động lớn) lại cần thời gian dài để hồi phục.

Nhưng vấn đề quan trọng hơn là hoạt động xuất khẩu đã lao dốc từ tháng Ba có lẽ sẽ tiếp tục cho ít nhất đến cuối năm, nhất là sang thị trường quan trọng nhất là Mỹ.

Mới đây Hiệp hội Lương thực Tư nhân cũng lên tiếng báo động khẩn cấp về việc xuất khẩu gạo, khi mức xuất khẩu năm trước là 7 triệu tấn.

Đơn đặt hàng mới của Âu châu khoảng 80.000 tấn quá nhỏ nhoi! Đồng thời sự sụp đổ của giá dầu quốc tế cũng gây thêm khó khăn lớn cho kim ngạch xuất khẩu và ngân sách quốc gia.

Làm gì để cứu thị trường lao động theo kinh nghiệm quốc tế?

Dựa theo kinh nghiệm của một số lớn quốc gia trên thế giới như Mỹ, Âu châu và nhất là Á châu, các chuyên gia quốc tế chỉ ra ba cách thức chính:

a) Những biện pháp hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp, như giảm thuế, trợ cấp tài chính hay cho vay để giúp doanh nghiệp tiếp tục trả lương cho người lao động, thí dụ như chương trình cho vay của Hoa kỳ qua chương trình “Small Business Administration” cho các xí nghiệp nhỏ. Nếu khó khăn trong lâu dài, khoản vay để trả lương bổng có thể được miễn trả.

b) Hỗ trợ trực tiếp cho hộ gia đình để nâng cao chi tiêu khẩn cấp. Đây là biện pháp hữu hiệu cho các nước có khu vực phi chính thức (“informal economy”) đóng vai trò quan trọng như ở Việt Nam.

Ngay cả ở nước giàu như Hoa Kỳ, Chính phủ đã phát cho mỗi người 1200$ (và 500$ cho mỗi trẻ em) để chi tiêu trong đợt “cứu trợ’ đầu trong tháng 4-5 vừa qua. Từ nay đến tháng 10, có thể có đợt trợ giúp thứ hai trực tiếp cho các hộ gia đình.

c) Ở Hoa Kỳ, cũng như nhiều nước Á châu – theo tin tức của Asian Development Bank, có thêm gói kích thích tài chính quan trọng từ khu vực ngân hàng để duy trì việc làm.

Theo cách này, ngân hàng trung ương có thể cấp vốn không lãi suất cho các ngân hàng thương mại để các ngân hàng này mua trái phiếu của các doanh nghiệp lớn hay cho vay không lãi cho các xí nghiệp nhỏ.

Mạnh mẽ hơn, Fed của Mỹ còn chi khoản lớn sẵn sàng mua thẳng trái phiếu của các doanh nghiệp — việc làm chưa từng có. Tất nhiên, các biện pháp này sẽ làm gia tăng khối tiền tệ đáng kể và có thể gây áp lực lên lạm phát và tỷ giá. Nhưng đấy là cái giá phải trả chấp nhận được trong ngắn hạn (1-2 năm) để cứu nạn thất nghiệp trầm trọng và giúp hồi phục kinh tế nhanh hơn từ nạn dịch.

Một số đề nghị thực tế cho VN

Do hoàn cảnh khó khăn hiện tại của ngân sách quốc gia, VN khó áp dụng tích cực ba biện pháp chính thức nêu trên.

Thay vào đó, nên áp dụng khẩn cấp các cải cách thể chế và cơ cấu, nhấn mạnh vai trò của khu vực tư nhân qua đó khuyến khích các doanh nghiệp duy trì và thu hút thêm lao động, và thật sự bắt đầu các công trình đầu tư hạ tầng cơ sở.

1) Hiện nay mới áp dụng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chủ yếu là chính sách hoãn, giãn tiến độ các khoản phải nộp như thuế, bảo hiểm xã hội, phí công đoàn, tiền thuê đất, giãn nợ… Chính sách này chỉ có tác dụng nhất thời vì tối đa đến hết năm 2020 doanh nghiệp phải nộp các khoản này. Lúc đó các khoản nợ phải nộp cùng một thời điểm có thể làm doanh nghiệp không đủ sức.

Vì vậy, cần có thêm chính sách miễn giảm cho doanh nghiệp, cụ thể:

– Dừng đóng BHXH, dừng đóng phí, giảm mức đóng phí công đoàn 50% vì đây là những khoản doanh nghiệp phải nộp rất lớn

– Giảm 30-50% các loại phí, lệ phí vì doanh nghiệp đang phải chịu rất nhiều các loại phí, lệ phí

2) Chính sách giảm 15% tiền thuê đất nên áp dụng cho tất cả các doanh nghiệp vì hầu hết các doanh nghiệp đều bị ảnh hưởng, có thể đang hoạt động nhưng gặp rất nhiều khó khăn (hiện mới quy định cho các doanh nghiệp ngừng sản xuất hay kinh doanh do dịch bệnh- theo NQ 84).

3) Ổn định giá điện, nước đầu vào của doanh nghiệp. Tăng tốc việc thực hiện xóa bỏ độc quyền các thứ giá trong lĩnh vực này.

Về chính sách tín dụng:

4) Biện pháp ngân hàng:

– Trước mắt là giải pháp hỗ trợ thanh khoản, cơ cấu lại nợ, giãn nợ, giữ nguyên nhóm nợ.

– Lâu dài cần giảm lãi suất cho vay (mức hiện nay quá cao)

– Mở rộng các biện pháp bảo lãnh tín dụng để các danh nghiệp nhỏ và vừa, nhỏ, hay siêu nhỏ, hộ kinh doanh có thể vay được vốn (đây là các đối tượng bị thiệt hại nhiều nhất do dịch bệnh nhưng không thể tiếp cận vốn tín dụng do các điều kiện vay vốn ngặt nghèo).

5) Đầu tư cơ sở hạ tầng thay vì lại dồn nguồn lực vào bất động sản là sự lãng phí trầm trọng tài nguyên vật lực và nhân lực trong lúc này:

Do ngân sách quốc gia khó khăn và thiếu nguồn lực cho đầu tư công, Chính phủ nên bắt đầu với chương trình PPP (“Public-Private Partnership”) để các doanh nghiệp tư nhân có thể tham gia vào các chương trình xây dựng cơ sở hạ tầng, nguồn vốn công có thể là các “quỹ đất.”

BBC News Tiếng Việt: Hướng đi ra khỏi khủng hoảng chung của các nước trên thế giới thời hậu Covid-19, nhất là Hoa Kỳ, hiện ra sao? Việt Nam có trông cậy gì được vào các chuyển biến kinh tế thế giới, Mỹ, EU sau dịch Covid-19?

TS Phạm Đỗ Chí: Đây vẫn là vấn đề nghiêm trọng vì tuy Âu châu đang bắt đầu phục hồi từ cơn dịch, sự phục hồi kinh tế phải mất từ 12-18 tháng.

Riêng Hoa Kỳ còn thiếu chắc chắn hơn vì cơn dịch bệnh lại bộc phát mạnh mẽ từ hai tuần nay và có thể làm chậm lại sự mở cửa nền kinh tế, mặc dù cuộc tranh cử tổng thống vào tháng 11 có thể là động cơ khiến chính phủ của Tổng thống Trump phải tiếp tục mạnh mẽ chương trình hồi phục kinh tế.

Do đó, việc thiếu “đơn đặt hàng xuất khẩu” cho VN và các nước Á châu khác sẽ có thể phải tiếp tục trong thời gian dài hơn dự báo.

Vì vậy việc đặt một mục tiêu phát triển GDP như bình thường cho 2020-2021 là một việc rất khó khăn. Cần nhắm rõ hơn các mục tiêu giải quyết nạn thất nghiệp cho hai năm này.

Về xuất khẩu, nên tiếp tục sản xuất các dụng cụ phòng chống dịch COVID-19 cho các nước u Mỹ vì khủng hoảng này sẽ còn kéo dài.

BBC News Tiếng Việt: Các chuyên gia nói nhiều đến việc đồng vốn và doanh nghiệp quốc tế chuyển, rút một phần khỏi TQ sang VN, nhưng nay điều này còn khả thi không?

TS Phạm Đỗ Chí: Việt Nam đã nhộn nhịp sửa soạn các chương trình mệnh danh “Đón Đại Bàng”. Nhưng trong thực tế, việc này sẽ không hề dễ dàng vì căn bản là hạ tầng cơ sở chưa sẵn sàng. Các khu công nghệ còn khá yếu kém. Nhiều hãng Mỹ đã chọn lựa sang Ấn Độ và Indonesia, thay vì Việt Nam.

Khả năng thực tế là nên cố chào đón các hãng vừa tầm và nhỏ thích hợp với điều kiện và khả năng hỗ trợ của VN. Nhất là trong việc phát triển các công nghệ phụ trợ đã được nói đến từ lâu.

https://www.bbc.com/vietnamese/business-53335684

 

Nhật cám ơn Việt Nam

vụ máy bay tuần thám kẹt ở Tân Sơn Nhất

Nhật Bản mới bày tỏ “lòng tri ân sâu sắc” tới phía Việt Nam vì cho máy bay tuần thám của “xứ sở mặt trời mọc” quá cảnh khi gặp sự cố giữa đợt dịch COVID-19, cũng như đã hỗ trợ hai tháng qua.

Đại sứ quán Nhật Bản hôm 6/7 thay mặt chính phủ và Bộ Quốc phòng “gửi lời cảm ơn chân thành” tới phía Việt Nam, ít ngày sau khi chiếc P-3C bay về nước.

“Nghĩa cử đẹp của Việt Nam đã thể hiện tình cảm đối với Nhật Bản và tinh thần sẵn sàng hỗ trợ khi nước bạn gặp khó khăn”, cơ quan ngoại giao của Nhật viết, nói thêm rằng dù dịch bệnh COVID-19, Việt Nam “vẫn đồng ý cho máy bay P-3C quá cảnh ở sân bay Tân Sơn Nhất và hỗ trợ nhân đạo đối với tổ bay của máy bay sau khi sự cố phát sinh”.

Tin cho hay, chiếc P-3C được Bộ Quốc phòng Nhật Bản cử đến nước Cộng hòa Djibouti ở Châu Phi để thực hiện nhiệm vụ chống hải tặc tại Vịnh Aden ngoài khơi Somalia.

Ngoài ra, chiếc máy bay tuần thám này còn được giao thêm nhiệm vụ thu thập thông tin để đảm bảo an toàn cho các tàu thuyền đi qua khu vực Trung Đông.

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, P-3C quay trở về Nhật và trong hành trình từ Djibouti, chiếc máy bay này phải quá cảnh ở một số sân bay để tiếp nhiên liệu.

“Mặc dù dịch bệnh Covid-19 đang lây lan rộng rãi trên nhiều quốc gia nhưng Việt Nam vẫn đồng ý cho phép máy bay quá cảnh để nạp nhiên liệu tại sân bay Tân Sơn Nhất. Nhờ có sự đồng ý của Việt Nam mà máy bay P-3C có thể lên kế hoạch thực hiện chuyến bay từ Djibouti về nước”, đại sứ quán Nhật cho biết.

Tuy nhiên, do động cơ gặp trục trặc nên máy bay không thể cất cánh, và phía Việt Nam đã cho phép tổ bay gồm 19 thành viên nhập cảnh và tạm trú.

XEM THÊM:

Việt Nam ‘làm rõ nghi vấn’ công ty Nhật ‘hối lộ’

Sau khi kết luận rằng động cơ cần phải được thay thế, tin cho hay, Việt Nam “đã nhanh chóng cấp phép khi nhận được đề nghị của phía Nhật Bản xin phép cho máy bay vận tải C-2 được vận chuyển động cơ bằng đường không sang Việt Nam và xin phép cho đội ngũ nhân viên kỹ thuật được nhập cảnh vào Việt Nam”.

Trước khi sang Việt Nam, theo đại sứ quán Nhật, các nhân viên kỹ thuật đã được xét nghiệm COVID-19 và khi nhập cảnh vào Việt Nam, họ cũng đã được cách ly 14 ngày.

“Với sự hỗ trợ tích cực từ các đơn vị trong sân bay Tân Sơn Nhất, nhiệm vụ thay thế, sửa chữa động cơ đã hoàn thành đúng kế hoạch. Tròn 2 tháng kể từ khi sự cố động cơ phát sinh, máy bay P-3C đã bay về Nhật Bản an toàn”, cơ quan ngoại giao “xứ sở mặt trời mọc” cho biết.

Tin cho hay, chiếc P-3C quá cảnh ở sân bay Tân Sơn Nhất hôm 19/4 sau khi Việt Nam thông báo “dừng các chuyến bay quốc tế đến Việt Nam”, nhưng quyết định này “không áp dụng với khách nhập cảnh với mục đích ngoại giao, công vụ, khách nước ngoài tham dự hoạt động đối ngoại quan trọng; chuyên gia, nhà quản lý doanh nghiệp, lao động kỹ thuật cao và các trường hợp đặc biệt được sự đồng ý của Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống COVID-19”.

Liên quan tới quan hệ Hà Nội – Tokyo, trước khi xảy ra sự cố P-3C, Nhật Bản trao tặng Việt Nam lô hàng với tổng trị giá khoảng 20 triệu yên (gần 180 nghìn đôla) để giúp thực hiện các xét nghiệm phát hiện nhanh COVID-19 ở Việt Nam.

Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) cho VOA Việt Ngữ biết rằng nhiều loại sinh phẩm đã được phía Nhật chuyển cho phía Việt Nam, sau khi nhận được “đề nghị hỗ trợ khẩn cấp từ Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương”.

Cơ sở y tế này, nơi có lắp đặt phòng xét nghiệm an toàn sinh học nhờ nguồn vốn Hỗ trợ Phát triển Chính thức (ODA) của Nhật, đã được Bộ Y tế chỉ đạo thực hiện xét nghiệm mẫu bệnh phẩm các trường hợp nghi ngờ nhiễm COVID-19 tại khu vực miền Bắc.

JICA cho hay rằng phía Việt Nam đã đánh giá cao “hành động tức thời” của Nhật Bản nhằm giúp ngăn chặn COVID-19.

Theo JICA, sau khi Việt Nam phải đối phó với rất nhiều bệnh truyền nhiễm mà cơ quan này nói là nguy hiểm như đại dịch SARS năm 2003 và cúm gia cầm H5N1 năm 2004, từ năm 2006, chính phủ Nhật Bản đã hỗ trợ các dự án viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam để “thiết lập phòng an toàn sinh học cấp 3, dự án hỗ trợ kỹ thuật nhằm nâng cao năng lực cho hệ thống phòng xét nghiệm y tế về an toàn sinh học và xét nghiệm các tác nhân gây bệnh nguy hiểm”.

https://www.voatiengviet.com/a/nh%E1%BA%ADt-c%C3%A1m-%C6%A1n-vi%E1%BB%87t-nam-v%E1%BB%A5-m%C3%A1y-bay-tu%E1%BA%A7n-th%C3%A1m-k%E1%BA%B9t-%E1%BB%9F-t%C3%A2n-s%C6%A1n-nh%E1%BA%A5t/5499629.html

 

Ai mới là bạn của Việt Nam trên Biển Đông

Nguyễn Trọng Thiêm

Thêm một cơ hội bị bỏ lỡ

Những mong đợi về quyết tâm của Chính phủ Việt Nam tiếp tục thực hiện quyền thăm dò và khai thác dầu khí tại Lô 06.1 vừa qua đã tiêu tan khi ngày 9/7, thông tin chính thức trên trang web của tập đoàn Noble đã đưa tin hợp đồng của giàn khoan Noble Clyde Boudreaux ở Việt Nam đã bị huỷ bỏ. Tập đoàn Noble cũng cho biết là trong hợp đồng thuê giàn khoan này có bao gồm điều khoản phải bồi thường khi huỷ hợp đồng.

Trước đó, năm 2017 Việt Nam đã phải yêu cầu công ty Repsol huỷ bỏ việc thăm dò tại Lô 136.3. Năm 2018, Việt Nam tiếp tục yêu cầu Repsol huỷ bỏ dự án đang tiến hành tại Lô 07.3. Tất cả các sự huỷ bỏ này đều có nguyên do Việt Nam lo ngại sự đe doạ từ Trung Quốc.

Theo một số nguồn tin nội bộ thì Repsol đã yêu cầu bên ký hợp đồng là PetroVietnam phải bồi thường tổng số tiền khi yêu cầu dừng các dự án thăm dò và khai thác này với số tiền khoảng 2,6 tỉ USD.

Mới đây, báo chí cho biết, Repsol đã bán lại toàn bộ phần vốn của mình trong các dự án này cho Petro Vietnam.

Bị đe doạ và ngăn cản ngay trong nhà

Hợp đồng dầu khí lô 06.1 hiện nay gồm Rosneft – chiếm 35%, ONGC của Ấn Độ – 45% và PVN – 20%. Rosneft Vietnam B.V. là nhà điều hành việc khai thác khí và condensate tại các mỏ Lan Tây, Lan Đỏ và Phong Lan Dại trong suốt 15 năm qua, cung cấp hàng năm khoảng hơn 30% sản lượng khí cho Việt Nam. Sản lượng khai thác trung bình ngày hiện nay khoảng 8,8 triệu m3 khí/ngày và khoảng 1.500 thùng condensate/ngày. Các mỏ này thuộc Lô 06.1. Sản lượng khai thác cộng dồn của Lô 06.1 đến tháng 6/2017 là 53,5 tỷ m3 khí và 19,8 triệu thùng condensate.

Mặc dù Việt Nam vẫn đang tiến hành khai thác tại Lô 06.1 này, tuy nhiên, vẫn còn nhiều khu vực tiềm năng chưa khai thác. Vì vậy, cần phải tiếp tục thăm dò và khai thác các mỏ mới tại Lô này. Năm 2019, Công ty Rosneft đã thuê giàn khoan Hakuryu-5 thuộc Công ty khoan Nhật Bản (JDC) điều hành để tiến hành khoan thăm dò tại lô 06.1 từ ngày 15-5 đến 30-7-2019. Và đây cũng là lý do để Trung Quốc đã đưa tàu cảnh sát biển được trang bị vũ khí hạng nặng Haijing 35111 vào khiêu khích xung quanh giàn khoan Hakuryu-5 ở lô 06.01. Đồng thời, tàu Hải Dương Địa chất 8 của Trung Quốc cùng các tàu cá hộ tống tiến hành khảo sát địa chất trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam hơn 100 ngày liên tiếp. Chỉ khi giàn khoan Hakuryu-5 kết thúc việc khoan thăm dò thì tàu hải cảnh 35111 của Trung Quốc mới rút ra khỏi khu vực biển của Việt Nam. Mục đích chính của Trung Quốc khi triển khai các tàu xâm phạm vùng biển của Việt Nam nhằm đe doạ việc thăm dò và khai thác dầu khí tại Lô 06.1. Cho dù, Lô 06.1 nằm trên bể Nam Côn Sơn, sâu trong vùng thềm lục địa của Việt Nam, và theo quy định tại Điều 56 và Điều 77 của UNCLOS 1982, Việt Nam có đầy đủ các quyền để thăm dò và khai thác tại các Lô 06.1 này.

Dư luận đã tỏ ra phấn chấn trước thông tin Việt Nam sẽ tiến hành thăm dò mới tại Lô 06.1 bất chấp sự đe doạ từ Trung Quốc. Mặc dù phía Việt Nam không đưa ra thông tin chính thức nào nhưng nhiều báo chí đã xôn xao khi biết thông tin một công ty nặc danh đã hợp đồng thuê giàn khoan Noble Clyde Boudreaux để khoan ở vùng biển Việt Nam trong 2 tháng từ đầu tháng 6 đến cuối tháng 7 với giá thuê khoảng 165.000 USD/ngày.

Sau đó báo chí đã tìm ra công ty ký hợp đồng thuê giàn khoan Noble Clyde Boudreaux chính là Rosneft.

Hồi đầu tháng 6, Bộ Chính trị Việt Nam đã có cuộc họp để quyết định có quyết định thực hiện việc tiến hành khoan thăm dò mới tại Lô 06.1 không? Bởi vì việc tiến hành khoan thăm dò chắc chắn sẽ phải đối mặt với sự đe doạ từ Trung Quốc. Nhiều người mong đợi Bộ Chính trị Việt Nam sẽ quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước, thể hiện cụ thể qua việc tiến hành tiếp tục thăm dò khai thác tại Lô 06.1 bất chấp sự đe doạ từ Trung Quốc.

Thế nhưng, Bộ Chính trị Việt Nam đã không thể ra quyết định trong trường hợp này, và điều này cho thấy, Trung Quốc vẫn đang nắm phần thắng trong cuộc chơi ở biển Đông, và Việt Nam vẫn còn chưa thể thoát khỏi “nỗi sợ” từ Trung Quốc.

Nguy cơ cho ngành dầu khí

Việc không thể thăm dò tại Lô 06.1 lần này cho thấy nguy cơ đe doạ đến ngành dầu khí Việt Nam, vốn là một ngành kinh tế mang lại nhiều lợi ích quan trọng cũng như đóng một vai trò quan trọng cho chiến lược phát triển kinh tế biển của Việt Nam. Rất nhiều mỏ dầu khí của Việt Nam đã cạn kiệt hoặc không thể khai thác vì nhiều lý do. Trên trang cá nhân của ông Nguyễn Lê Minh – Thành viên Hội đồng biên tập tạp chí Năng lượng Việt Nam, ông ta có liệt kê một số mỏ dầu khí có nguy cơ dừng khai thác, bao gồm:

1/ Mỏ kình Ngư Trắng/Kình Ngư Trắng Nam (Lô dầu khí 09-2/09 bể Cửu Long): khoan phát sinh chưa được quyết toán chi phí lên đến 28,5 triệu USD do chưa cập nhật trong báo cáo đầu tư. Hiện Lô dầu khí này chưa đạt được thỏa thuận chuyển nhượng cho VSP và Zarubezhneft do quan điểm khác nhau về chi phí lịch sử, liên quan chi phí khoan này.

2/ Mỏ Thăng Long/Đông Đô (Lô dầu khí 01-02/97 bể Cửu Long): Phân cấp trữ lượng không chuẩn theo quy định 38, dẫn đến sản lượng sụt giảm nghiêm trọng, dưới 4000 thùng dầu/ngày (đang tiếp tục sụt giảm), thua lỗ và có nguy cơ dừng mỏ sau 8 năm hoạt động, trên tổng mức đầu tư khoảng 2,5 tỷ USD trong vòng đời 20 năm khai thác.

3/ Mỏ Gấu Chúa/Cá Chó (Lô dầu khí 10 – 11/1 bể Nam Côn Sơn), đánh giá trữ lượng không tuân thủ tài liệu gốc, dẫn đến sai số và phải khoan thẩm lượng lại, tốn thêm chi phí 110 triệu USD không cần thiết, dự án đắp chiếu.

4/ Mỏ Sông Đốc (Lô dầu khí 46/13 bể Malay – Thổ Chu): Sau 10 năm hoạt động, sản lượng hiện tại chỉ còn dưới 1000 thùng dầu/ngày, đang tiếp tục sụt giảm do mỏ ngập nước hơn 90%, dự kiến dừng mỏ.

5/ Mỏ Rồng Đôi/Rồng Đôi Tây (bể Nam Côn Sơn): sản lượng khí không đủ bù theo cam kết hợp đồng mua bán khí dù nhà điều hành đã có một số biện pháp nâng cao hệ số thu hồi dầu khí; hiện mỏ đang dừng khai thác do sự cố kỹ thuật đến hết năm nay và có nguy cơ dừng hẳn.

Trong khi đó, những mỏ có trữ lượng rất lớn như Cá Kiếm Nâu tại Lô 136.3 và mỏ Cá Rồng Đỏ tại Lô 07.3 lại không thể khai thác được vì sự đe doạ từ Trung Quốc.

Hoa Kỳ lên tiếng ủng hộ Việt Nam

Ngày 9/7, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink liên tiếp lên tiếng phản đối Trung Quốc can thiệp vào việc khai thác dầu khí ở Biển Đông.

Trong buổi giao lưu trực tuyến với độc giả trên VietnamNet ngày 7/7 , ông đã phát biểu rằng: “Chúng tôi phản đối những nỗ lực của một số nước trong khu vực nhằm tìm cách can thiệp vào hoạt động thăm dò năng lượng vốn đã có lâu đời ở Biển Đông, bao gồm cả Việt Nam, tại những lô đã được thiết lập lâu nay.

Chúng tôi nghĩ rằng điều quan trọng là các quốc gia không sử dụng vũ lực hoặc hành động cưỡng ép, hoặc bắt nạt để tìm cách thúc đẩy lợi ích của họ”.

Trước đó, tại một cuộc họp báo ngày 2/7 nhân dịp kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Mỹ-Việt, Đại sứ Kritenbrink cũng đã lên tiếng phản đối các hành động của Trung Quốc trong việc can thiệp và cản trở các quốc gia khai thác dầu khí trên Biển Đông. Ông nhấn mạnh: “Đặc biệt, chúng tôi phản đối Trung Quốc cố gắng cản trở các quốc gia ASEAN tiếp cận, khai thác nguồn tài nguyên trị giá 2.500 tỷ USD tại vùng biển này.

Chúng tôi cho rằng Trung Quốc đã lợi dụng cuộc khủng hoảng do COVID-19 gây ra để tăng cường khiêu khích và thể hiện sự hiếu chiến trên Biển Đông vì lợi ích của họ. Mỹ phản đối Trung Quốc, hay bất kỳ nước nào, sử dụng các biện pháp cưỡng ép để gia tăng các tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông. Trung Quốc cần dừng các hoạt động mang tính khiêu khích làm ảnh hưởng đến sự ổn định trong khu vực”.

Điều đáng lưu ý là cách đây vài ngày, nhân trả lời báo chí, Thượng tướng Võ Tiến Trung, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Giám đốc Học viện Quốc phòng cho rằng: “Hành động của Trung Quốc và Mỹ đã gây bất ổn và căng thẳng trên khu vực Biển Đông. Trung Quốc diễn tập quân sự trong vùng chủ quyền của Việt Nam là vi phạm chủ quyền, còn Mỹ cũng tiến hành tập trận gần khu vực Trung Quốc tập trận cũng là hành động gây căng thẳng.”

Với phát biểu này từ một tướng quân sự, đã từng là Giám đốc Học viện Quốc phòng thì chúng ta cũng có thể hiểu được thái độ của phần đông các giới chức quân sự Việt Nam vẫn có cách nhìn thiếu thiện cảm với Hoa Kỳ. Mặc dù vậy, các giới chức ngoại giao Việt – Mỹ vẫn nhận thức rất rõ những bước tiến vượt bậc trong quan hệ giữa hai bên. Tuy nhiên, với tư duy lạc hậu từ các giới chức quân sự Việt Nam, mặc dù họ có ảnh hưởng rất lớn trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Chúng ta có thể thấy chính những lực cản để vượt qua “nỗi sợ” từ “quốc gia láng giềng bốn tốt, mười sáu chữ vàng” đến từ đâu.

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/who-is-vn-ally-in-the-scs-07112020154356.html

 

Đánh đồng Mỹ với Trung Quốc là nối giáo cho giặc

Nhân Hoà

Việc cần làm ngay đối với thượng tướng Võ Tiến Trung chừng nào còn sống là phải sửa ngay cái triết lý khốn nạn – “Mỹ là đối tượng tác chiến của quân đội Việt Nam” – do ông và các đồng ngũ để lại, chứ không chỉ lo “chạy tội” cho Trung Quốc! Nếu không sửa, đấy sẽ là thảm hoạ cho quốc gia-dân tộc này, khi các ông vẫn chưa hết cơn say máu “đánh Mỹ đến người Việt cuối cùng” theo chủ trương từ Trung Nam Hải.

———————–

Lần đầu tiên, một tướng “Quảng Lạc” – tên rạp tuồng mà ở đó nhân vật được hoá trang lên múa may và hát bội – có tên là Võ Tiến Trung, đã tuyên bố ngược lại điều mà bất cứ đứa trẻ trâu nào ở Việt Nam đều biết, nếu không có Mỹ thì giờ này Trung Quốc còn lên nước – vừa hăm doạ vừa ra tay tàn độc với ngư dân Việt Nam – đến mức nào nữa! Sau 4 năm liên tục (từ 2017) đuổi Việt Nam khỏi các lô dầu đang khai thác trong EEZ của mình, Trung Quốc mới đây còn răn đe, Hà Nội phải suy nghĩ hai lần trước khi định kiện Bắc Kinh. Ấy vậy mà hôm 8/7/2020 tướng 3 sao này phát biểu với báo chí trong nước: “Mỹ và Trung Quốc gây bất ổn và căng thẳng ở Biển Đông”. Thượng tướng Võ Tiến Trung, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Giám đốc Học viện Quốc phòng, trong cuộc trả lời phỏng vấn ấy, một mặt buộc phải thừa nhận, những hành động của Trung Quốc trong vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam là vi phạm luật pháp quốc tế. Nhưng mặt khác, ông tướng về vườn này lại đánh đồng, việc Hoa Kỳ đưa tàu chiến đến vùng Biển Đông chẳng qua cũng để “diễu võ, dương oai” và ông kết luận cả Trung Quốc lẫn Mỹ đều gây ra sự bất ổn và căng thẳng trong vùng (?)

Một hy vọng nhỏ nhoi: phát ngôn của ông Trung trong bài trả lời phỏng vấn nói trên chẳng đại diện cho ai cả, chỉ là quan điểm cá nhân. Tuy nhiên, ở một xứ hơn 700 tờ báo và tạp chí mà chỉ có một tổng biên tập – ông trưởng ban Tuyên giáo – thì độc giả có quyền nghi ngờ có “nhóm lợi ích” nào đấy (to hơn cả trưởng ban Tuyên giáo) chống lưng cho tướng Trung “độc diễn”. Bởi lẽ chủ trương chiến lược đối với cả Mỹ và Trung Quốc ở Việt Nam lâu nay không phải là câu chuyện “đầu môi chót lưỡi”. Đó là vấn đề cốt tử, liên quan đến vận mệnh quốc gia, không thể là đề tài cho loại tướng về hưu non như Võ Tiến Trung “ngẫu hứng lý ngựa ô” được! Những ngày này, bộ đội biên phòng ta trên biên giới phía Bắc đã/đang hy sinh để bảo vệ bờ cõi. Tiếng súng bắt đầu vang trên bầu trời biên giới… Ấy vậy mà tướng Trung lại đánh đồng Trung Quốc – kẻ xâm lược – với Hoa Kỳ – người trợ giúp ngăn cản xâm lược – thì không đơn giản là hành động “chạy tội” cho Trung Quốc. Đó còn là thái độ “nối giáo cho giặc”! Vào lúc các làn sóng dịch bệnh phát đi từ Vũ Hán vẫn còn kịch tính, khi tất cả các nước đang gồng mình chống dịch thì Trung Quốc lợi dụng tình hình khó khăn trên thế giới và trong khu vực để “múa gậy vườn hoang” trên các vùng biên giới Việt – Trung và ở Biển Đông. Vì thế, Trung Quốc đang rất cần những tiếng nói a dua – tòng phạm để trốn tránh nhiệm gây hấn, đi ngược lại UNCLOS-1982 trên Biển Đông, như Tuyên bố của Cấp Cao ASEAN-36 mới đây từ Hà Nội.

Thử hỏi, tướng Trung có thông tin về những diễn tiến mới nhất ấy không? Tướng 3 sao Võ Tiến Trung có biết, trong bối cảnh bị Trung Quốc o ép như vậy, Mỹ đã cung cấp thêm cho Cảnh sát Biển Việt Nam 6 tàu tuần tiễu, nâng tổng số tàu viện trợ cho Hải quân Việt Nam lên con số 11 (Con số này có thể đã cũ, vì CSVN thường dấu nhẹm sự giúp đỡ của Mỹ). Tuy nhiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng từng nhiều lần tuyên bố, Việt Nam và Hoa Kỳ đã/đang tiếp tục thúc đẩy hoạt động hợp tác quốc phòng song phương, trong đó có nội dung nâng cao năng lực thực thi pháp luật trên biển… Ông Trung không đọc thông viết thạo hay sao mà không biết đến “Bản ghi nhớ về hợp tác quốc phòng năm 2011, Tuyên bố về tầm nhìn chung năm 2015 và bản kế hoạch hợp tác quốc phòng 2018-2020”? Cả Hoa Kỳ lẫn Việt Nam từng cam kết tiếp tục thúc đẩy hợp tác quốc phòng song phương, trong đó nhấn mạnh nội dung nâng cao năng lực thực thi pháp luật trên biển, góp phần duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển (!) Hay là cựu Giám đốc Học viện Quốc phòng lại muốn lặp lại “mẹo vặt” thời chiến tranh: Một mặt vẫn chửi Liên Xô là “quân xét lại”, “tay sai đế quốc”, mặt khác vẫn nhận vũ khí và các phương tiện chiến tranh hiện đại từ Mát-xcơ-va để “đánh Mỹ đến người Việt Nam cuối cùng” theo như ý đồ của Mao Trạch Đông? Các cặp vợ chồng trẻ Việt Nam thời @ sẽ không đẻ kịp người cho các ông bắt lính để lặp lại bài học ấy đâu!

Từng là Giám đốc Học Viện Quốc phòng, “việc cần làm ngay” (từ của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh) đối với tướng Trung chừng nào ông còn sống trong cõi này (để muôn đời sau cháu con và dòng tộc họ Võ khỏi mang tội) là phải sửa ngay cái tiết lý chết người – “Mỹ là đối tượng tác chiến của quân đội Việt Nam” – do ông và các đồng ngũ để lại, chứ không phải đi “chạy tội” cho Trung Quốc! Nếu không, đấy sẽ là một thảm hoạ cho quốc gia-dân tộc, khi các ông vẫn chưa hết cơn say máu “đánh Mỹ đến người Việt cuối cùng” theo chủ trương từ Trung Nam Hải. Nói lại một lần nữa cho rõ: Đánh đồng Mỹ với Trung Quốc trong tình hình Biển Đông đang như một “vạc dầu” do đích thân Tập Cận Bình nhóm lò và đun sôi lên lâu nay là “nối giáo cho giặc”, là công khai hoá ý đồ “rước voi về dày mả tổ”. Tập Cận Bình đâu có dấu chủ trương này của ông ta, y sang Việt Nam thuyết giáo trước 500 đại biểu Quốc hội rồi chỉ một ngày sau, từ Singapore, y tuyên bố, tất cả các đảo trên Biển Đông là của “các cụ Tàu” để lại từ ngàn xưa. Dạo ấy truyền thông trong nước nhận được chỉ thị phải “cấm khẩu” suốt cả mấy tuần!

Khác với dạo ấy, dịp này các chuyên gia trong nước, ngay lập tức đã đồng loạt lên tiếng phê phán lối tuyên bố ma lanh “mập mờ đánh lận con đen” của ông thượng tướng. Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Chu trên FB của mình đã trưng dẫn những bằng cứ không thể chối cãi chứng minh Trung Quốc từ lâu có những hành động vi phạm chủ quyền lãnh hải của Việt Nam. Các bằng chứng đó xuyên suốt từ cuộc đánh chiếm Hoàng Sa hồi tháng 1/1974 kéo dài cho đến mới nhất, đó là vào ngày 4/7 đã cho tàu Hải Cảnh 5402 tiến sát một cách khiêu khích đến giàn khai thác tại mỏ khí Lan Tây thuộc lô 06.1 mà Việt Nam đang khai thác. Sau đó hai ngày, vào ngày 6/7 tàu Hải Cảnh Trung Quốc 5402 còn di chuyển đến giếng dầu mỏ Phong Lan Dại ở khoảng cách 2,5 hải lý. Qua liệt kê một số vi phạm của Trung Quốc trong vùng EEZ của Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Chu gián tiếp nêu vấn đề rằng, Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng như các nước ASEAN đều chưa hề phản đối Hoa Kỳ tập trận trên Biển Đông trong bối cảnh Trung Quốc đang “cày nát” các vùng EEZ của Việt Nam.

Tiến sỹ Hà Huy Hợp thì cho rằng sở dĩ ông Trung phát biểu như vậy là vì: Thứ nhất, ông tướng đã không hiểu tình hình quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ bây giờ đã tiến triển ra sao; Thứ hai, là ông này cũng không nắm được chính sách của Mỹ ở Châu Á -Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương như thế nào. Thậm chí ông còn không hiểu được là Trung Quốc gây hấn trên biển không chỉ là để diễu võ – dương oai, mà cái chính, Trung Quốc có mục đích tối hậu là phải độc chiếm được Biển Đông! Thạc sỹ Hoàng Việt, chuyên gia cao cấp về Biển Đông, từ TP. Hồ Chí Minh suy đoán: “Ông là tướng nhưng chưa chắc ông nắm vững và nắm sâu được vấn đề, vì ở Việt Nam có nhiều tướng lắm, nhưng tướng trong lĩnh vực gì và phát biểu dưới góc độ nào?” Thạc sỹ Hoàng Việt không ngần ngại đánh giá: nhiều khi ông tướng này nói mà không hiểu vấn đề. Tuy nhiên, có lẽ vì trả lời công khai, lại phát biểu với truyền thông quốc tế nên các chuyên gia nói trên đều khá thận trọng. Các chuyên gia đã chưa chỉ ra một cách rốt ráo, nguyên nhân sâu xa nào, mà một vị tướng 3 sao của quân đội nhân dân Việt Nam lại phải đứng ra công khai “chạy tội” cho Trung Quốc như vậy?

Dư luận trong nước hiện cho rằng, sở dĩ ông Trung đánh đồng các hành động vô luân vô vô pháp của Trung Quốc trên Biển Đông với các hoạt động tự do di chuyển trên biển quốc tế của Hoa Kỳ dựa trên luật pháp FONOP), chủ yếu xuất phát từ thâm ý “đánh lộn sòng – vơ đũa cả nắm”. Tâm lý này nhằm để chiều lòng Trung Quốc, hay nói cách khác là vì sợ Trung Quốc. Từ năm 2014, bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh lúc bấy giờ đã từng than vắn thở dài sau khi ông đi khắp nơi trong nước và nhận ra, ở Việt Nam từ trẻ con cho đến người già đều có xu hướng ghét Trung Quốc, ai nói tích cực cho Trung Quốc là ái ngại. Thì lần này, sau khi bị ông Ngô Sỹ Tồn doạ, Việt Nam nên nghĩ hai lần trước khi định kiện Trung Quốc ra Toà trọng tài quốc tế, tướng Trung đã mất hết tinh thần để phân biệt hai hoạt động khác nhau về chất. Một bên là xâm phạm các vùng EEZ của một quốc gia có chủ quyền, một bên là đưa lực lượng ra đối trọng lại các hành động xâm lấn hàng hải ấy.

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Chu, cùng chia sẻ tia hy vọng mong manh của người viết bài này khi tự an ủi rằng, phát biểu của thượng tướng Võ Tiến Trung không đại diện cho trí tuệ và dũng khí của các tướng lĩnh và quân đội Việt Nam. Cũng là tự sướng thôi, Tiến sỹ Toán học ơi! Khi mỗi tướng lĩnh có vài khu resorts, dăm bảy cái nhà, mở tài khoản tại các ngân hàng quốc tế trên đất Mỹ, con cái cư ngụ trong “Xóm Việt Cộng” ở Washington thì chủ trương đánh Mỹ đến người Việt cuối cùng cũng chỉ là “diễn” để Trung Quốc yên lòng. Đấy là chưa kể vào thời điểm hiện nay, cả Hoa Kỳ lẫn Việt Nam đang hồ hởi nhưng lặng lẽ kỷ niệm một phần tư thế kỷ của mối quan hệ mà các chuyên gia trong khu vực từ Nhật Bản hay Hàn Quốc đều đánh giá đó là một quan hệ đồng minh (trên cả đối tác chiến lược). Cá nhân người thay mặt cho Tổng thống Trump ở Việt Nam, đại sứ Daniel Kritenbrink mới đây bày tỏ cam kết khi ông nhắc lại lời của một tổng thống Mỹ trước đây: “Chúng ta không được phép lãng quên lịch sử, nhưng cũng đừng để lịch sử kiểm soát chúng ta. Chúng ta không thể thay đổi những gì đã diễn ra trong quá khứ, nhưng chúng ta có thể cùng nhau dốc lòng, bằng mọi cách thúc đẩy tiến trình hòa giải, tình hữu nghị, quan hệ đối tác Hoa Kỳ và Việt Nam, người Mỹ và người Việt”.

Đó là tất cả những điều Việt – Mỹ đã/đang cam kết thực hiện. Thượng tướng Võ Tiến Trung không dám hé răng trước Trung Quốc xâm lược, cố tình “lôi” Hoa Kỳ vào để đổ vấy cho tính hình căng thẳng trên Biển Đông. Đánh đồng kẻ xâm lược với những lực lượng hỗ trợ ngăn cản xâm lược, phát biểu của Trung phản ánh một phần tâm địa muôn thuở của một nhánh trong CSVN, nghĩ một đằng nói một nẻo. Thái độ vô ơn, quay quắt ấy không phải Washington không biết. Chẳng thế có lúc Tổng thống Trump đã chửi đổng: “Việt Nam tệ hại hơn cả Trung Quốc trong việc lợi dụng Mỹ”…. Tuy nhiên, vì lợi ích chiến lược của Mỹ và cũng vì trọng trách trước “Trật tự thế giới” hậu COVID-19, tàu chiến Mỹ USS Gabrielle Giffords vẫn chia lửa với tàu chiến Việt trong màn tác chiến ngoạn mục cách đây mấy ngày mà báo “Tuổi Trẻ” hôm 2/7/2020 đã được phép đăng lại “Vải thưa không che được mắt Thánh”. Nhiều người biết, Võ Tiến Trung là “đệ” của Nguyễn Chí Vịnh, một tướng Việt Nam làm việc cho Trung Quốc từ thời “lính tẩy” Lê Khả Phiêu (May mà Phiêu “rụng” sớm, nếu không rất có khả năng Vịnh đã ngồi vào ghế Tổng Bí thư từ dạo ấy). Khôn ra, đảng CSVN không được để cho quan điểm nói trên của Võ Tiến Trung len lỏi vào Cương lĩnh hay Nghị quyết của Đại hội 13./.

Có thể tham khảo thêm tại các đường link dưới đây:

https://danviet.vn/tuong-vo-tien-trung-my-tap-tran-o-bien-dong-khong-phai-de-ung-ho-viet-nam-bao-ve-chu-quyen-20200708105019678.htm Tướng Võ Tiến Trung: Mỹ tập trận ở Biển Đông không phải để ủng hộ Việt Nam bảo vệ chủ quyền

https://m.facebook.com/tiengdanbao/posts/3047913578619997 Ông Võ Tiến Trung đừng nhầm lẫn kẻ xâm lược trên biển!

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/the-us-n-china-caused-instability-n-tensions-in-scs-general-says-07092020160720.html Tướng Việt Nam nói: “Mỹ và Trung Quốc gây bất ổn và căng thẳng ở Biển Đông”

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/mistaking-us-for-china-is-to-support-enemy-07112020152937.html

 

Điểm tin trong nước sáng 12/7:

CSGT được trang bị súng ngắn, súng trường, tiểu liên;

Cháy trạm cấp dầu ở Hòa Phát Dung Quất

Hiểu Minh

Mục điểm tin trong nước sáng chủ Nhật (12/7) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi đến quý độc giả những nội dung chính sau:

CSGT được trang bị súng ngắn, súng trường, tiểu liên

Dân Trí đưa tin, Bộ Công an vừa ban hành Thông tư số 65/2020 quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 5/8/2020, theo đó phương tiện của Cảnh sát giao thông là xe ô tô, mô tô tuần tra, kiểm soát, xe chuyên dùng, xe đạp. Vũ khí, công cụ hỗ trợ gồm: Súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên, súng bắn đạn cao su, súng bắn đạn hơi cay, súng bắn đạn đánh dấu sơn, bình xịt hơi cay, dùi cui điện, áp giáp, khoá số 8.

“Việc trang bị, lắp đặt, sử dụng phương tiện giao thông tuần tra, kiểm soát, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, vũ khí, công cụ hỗ trợ phải thực hiện theo quy định của pháp luật”- thông tư nêu rõ.

Cháy trạm cấp dầu ở Hòa Phát Dung Quất

Theo VnExpress, hỏa hoạn xảy ra sáng 11/7 ở Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát tại Khu kinh tế Dung Quất được người dân xã Bình Thuận ghi lại.

Công ty Cổ phần thép Hòa Phát Dung Quất, xác nhận, trong lúc sản phẩm gang ra lò, thì vị trí tiếp xúc giữa mắt gió và thành lò cao có hiện tượng bị hở dẫn đến gang lỏng tràn ra ngoài, gây cháy trạm cấp dầu thủy lực và các vách tole nhựa.

Đám cháy được dập sau 15 phút. Sau khi áp trong lò cao đã giảm xuống trong khoảng 30 phút, công ty tháo hết lượng gang còn lại trong lò để kiểm tra, khắc phục các vị trí bị hư hại.

Báo cáo với Sở Tài nguyên Môi trường Quảng Ngãi, Hòa Phát cho rằng sự cố xảy ra không thiệt hại về người, “phạm vi ảnh hưởng nhỏ, không ảnh hưởng đến khu dân cư xung quanh”. Công ty đang khắc phục sự cố.

TP.HCM sẽ thu phí ôtô vào trung tâm

Thành phố thu phí ôtô vào trung tâm trong giai đoạn 2021-2025, phân vùng hoạt động xe máy theo đề án tăng cường vận tải công cộng và hạn chế xe cá nhân, theo VnExpress.

Đây là một trong những nội dung trong Nghị quyết về thực hiện tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát sử dụng phương tiện giao thông cá nhân trên địa bàn được HĐND TP HCM thông qua chiều 11/7. Đề án được đánh giá quan trọng đối với sự phát triển kinh tế – xã hội cũng như cuộc sống người dân thành phố.

Theo quan điểm của HĐND thành phố, phát triển giao thông công cộng phải đi đôi với hạn chế xe cá nhân. Quá trình thực hiện cần toàn diện, có lộ trình và sự đồng thuận người dân. Thành phố cần đáp ứng điều kiện hạ tầng đô thị, mật độ mạng lưới xe buýt, bãi giữ xe máy, dịch vụ cung cấp xe máy điện, xe đạp điện… trước khi đưa ra biện pháp hạn chế.

Tiêu hủy 43 con lợn dương tính dịch tả châu Phi

Theo báo Zing, chiều hai ngày trước, ông Nguyễn Phúc Thiết, hộ chăn nuôi ở xã Bình Hòa Phước, đã tiêu hủy 4 con lợn trong đàn nuôi chết bất thường. Nhà chức trách đã đến lấy mẫu xét nghiệm cho kết quả dương tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi. Sau đó lực lượng chức năng đã tiêu hủy tổng số 39 con lợn có dấu hiệu nhiễm bệnh và thực hiện khử trùng khu vực chăn nuôi theo quy định.

Hộ nuôi này cho cho biết tổng đàn là 97 con, ngoài số lợn đã tiêu hủy, đàn nuôi còn lại đang tiếp tục theo dõi.

https://www.dkn.tv/thoi-su/diem-tin-trong-nuoc-sang-12-7-csgt-duoc-trang-bi-sung-ngan-sung-truong-tieu-lien-chay-tram-cap-dau-o-hoa-phat-dung-quat.html

 

Điểm tin trong nước tối 12/7: Thêm 2 ca

mắc bạch hầu; 2 người Bạc Liêu nhiễm Covid-19

Tâm Minh – Hiểu Minh

Mục điểm tin trong nước tối chủ Nhật  (12/7) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi đến quý độc giả những nội dung chính sau:

Đắk Lắk phát hiện thêm 2 ca nhiễm bạch hầu

Ngày 12/7, ông Nay Phi La, giám đốc Sở Y tế Đắk Lắk cho Zing biết, địa phương vừa phát hiện thêm 2 trường hợp nhiễm bạch hầu tại thôn 7, xã Cư Króa, huyện M’Đrắk.

Trường hợp thứ nhất là V.A.B. (26 tuổi, dân tộc H’Mông) ngày 10/7, B. đi khám tại Trung tâm Y tế huyện M’Đrắk. Kết quả cho thấy B. dương tính với vi khuẩn bạch hầu.

Trường hợp thứ 2 là G.S.C. (26 tuổi, dân tộc H’Mông) – người trực tiếp chăm sóc bệnh nhân B. tại Trung tâm Y tế huyện. Qua kiểm tra, C. cũng dương tính với bệnh này. Hiện 2 bệnh nhân được theo dõi, điều trị tại Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên.

Ngành Y tế Đắk Lắk đã lấy mẫu xét nghiệm bạch hầu đối với những người tiếp xúc gần bệnh nhân. Lực lượng chức năng cũng phun thuốc khử khuẩn tại nhà bệnh nhân và 25 hộ xung quanh.

Chính quyền huyện M’Đrắk cũng đã thành lập các chốt kiểm soát, cách ly 1.247 người tại thôn 7.

Thêm 2 nữ từ Nga về nhiễm Covid-19 khi đang cách ly tập trung tại Bạc Liêu

Trên báo Thanh Niên, chiều 12/7, ông Bùi Quốc Nam, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bạc Liêu xác nhận thông tin trên và cho biết, đây là 2 trong tổng số 210 công dân Việt Nam được đưa về từ Nga vào ngày 9/7, đã được cách ly tập trung Khu nhà ở sinh viên, thuộc P.1, TP. Bạc Liêu.

Ngoài ra, còn có 9 trường hợp F1 có tiếp xúc gần với 2 nữ bệnh nhân trên cũng được sàng lọc và đưa đi cách ly, theo dõi sức khỏe riêng.

Phi công người Anh rời Việt Nam, hồi hương trên máy bay mình đã từng cầm lái

Chiều 11/7, bệnh nhân 91 phi công người Anh đã rời Bệnh viện Chợ Rẫy để lên chuyến bay khởi hành ra Hà Nội lúc 19h và lên máy bay về Anh lúc 23h.

Trải qua 115 ngày điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM và Bệnh viện Chợ Rẫy, nam phi công người Anh đã đủ khỏe để hồi hương.

Chuyến bay đưa bệnh nhân 91 về nước xuất phát từ sân bay Nội Bài, quá cảnh tại sân bay Frankfurt (Đức), trước khi về Anh. Đây là loại máy bay hiện đại nhất, có kích thước lớn nhất được khai thác tại Việt Nam hiện nay và cũng chính là chiếc máy bay mà phi công người Anh này đã từng cầm lái chở khách.

Từ 5/8, cảnh sát giao thông phải cảm ơn người dân sau khi kiểm soát giấy tờ

Theo Lao động, từ ngày 5/8/2020, Cảnh sát giao thông (CSGT) thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát theo kế hoạch được dừng phương tiện giao thông để kiểm soát, trong đó có có quy định, sau khi dừng phương tiện để kiểm soát xong, cán bộ CSGT phải nói lời cảm ơn với người dân đã hợp tác.

Cũng trong Thông tư số 65/2020 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 5/8/2020, theo đó phương tiện của Cảnh sát giao thông là xe ô tô, mô tô tuần tra, kiểm soát, xe chuyên dùng, xe đạp. Vũ khí, công cụ hỗ trợ gồm: Súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên, súng bắn đạn cao su, súng bắn đạn hơi cay, súng bắn đạn đánh dấu sơn, bình xịt hơi cay, dùi cui điện, áp giáp, khoá số 8.

https://www.dkn.tv/thoi-su/diem-tin-trong-nuoc-toi-12-7-them-2-ca-mac-bach-hau-2-nguoi-bac-lieu-nhiem-covid-19.html