Tin Biển Đông – 12/07/2020

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Biển Đông – 12/07/2020

Ám chỉ TQ ‘nguy hại và cường quyền’, Mỹ-Nhật-Úc thể hiện lập trường cứng rắn về Biển Đông

Ba nước đồng minh Mỹ – Nhật – Úc đã chung tay bày tỏ một lập trường cứng rắn nhằm phản đối các hành vi “nguy hiểm và cường quyền” của Trung Quốc tại Biển Đông, theo chuyên trang đa ngôn ngữ về Đông Nam Á BenarNews.

Trang tin này đưa tin, ba quốc gia đã công bố một bản tuyên bố chung sau khi các bộ trưởng quốc phòng của họ họp mặt ở thủ đô Washington của Mỹ hôm 7/7.

BenarNews cho biết, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Mark Esper, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Kono Taro và Bộ trưởng Quốc phòng Australia Linda Reynold chủ yếu thảo luận về tình hình dịch virus Vũ Hán, nhưng cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và cởi mở.

Bản tuyên bố cho biết các bộ trưởng “bày tỏ mối quan ngại nghiêm trọng về các sự cố gần đây, trong đó có việc tiếp tục quân sự hóa các thực thể đang tranh chấp, sử dụng các tàu bảo vệ bờ biển và dân quân hàng hải một cách nguy hại và cưỡng chế, cũng như hành vi cản trở hoạt động khai thác tài nguyên của các quốc gia khác”.

Mặc dù không đề cập trực tiếp đến Trung Quốc, bản tuyên bố này là sự ám chỉ rõ ràng đến những hành vi gây hấn của Bắc Kinh thời gian gần đây, trong đó có việc Trung Quốc đưa tàu khảo sát vào vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam, làm gián đoạn hoạt động thác dầu của Việt Nam và đối tác quốc tế.

Tuyên bố chung cũng khẳng định: “Liên quan đến Biển Đông, các bộ trưởng đã củng cố lập trường phản đối mạnh mẽ việc sử dụng vũ lực hoặc cưỡng chế nhằm thay đổi hiện trạng, đồng thời tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì tự do hàng hải và hàng không”.

Trung Quốc nhanh chóng phản ứng lại tuyên bố chung của Mỹ – Nhật – Úc, cáo buộc rằng “một số nước bên ngoài khu vực” đang làm mất ổn định Biển Đông. ” Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên hôm 8/7 tuyên bố: “Một số quốc gia ngoài khu vực, xuất phát từ động cơ ích kỷ, thường xuyên thổi phồng các vấn đề liên quan đến Biển Hoa Đông và Biển Đông, thậm chí cử cả các tàu quân sự và máy bay tiên tiến với quy mô lớn vào các vùng biển có liên quan, nhằm thúc đẩy quân sự hóa và đe dọa nền hòa bình cũng như ổn định trong khu vực”.

Mỹ – Nhật – Úc không có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, nhưng gần đây đã bày tỏ lập trường vững chắc hơn đối với việc duy trì các tuyến đường biển tự do của thế giới trong khu vực, trong bối cảnh Trung Quốc tiếp tục gia tăng quân sự nhằm biến Biển Đông thành “ao nhà”.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo hôm 8/7 đã góp thêm tiếng nói chỉ trích Trung Quốc liên quan đến hàng loạt cuộc tranh chấp của nước này với các quốc gia khác. Ông Pompeo nói: “Từ các dãy núi của Himalaya đến Vùng biển đặc quyền của Việt Nam, Quần đảo Senkaku, và xa hơn nữa, Bắc Kinh có cả một danh sách dài về tranh chấp lãnh thổ. Thế giới không nên cho phép hành vi bắt nạt này diễn ra, cũng không nên cho phép nó tiếp diễn”.

Cùng ngày, hải quân Nhật Bản đã tập trận cùng với hai tàu sân bay Mỹ gồm USS Ronald Reagan và USS Nimitz, theo thông cáo báo chí của Lực lượng phòng vệ hàng hải Nhật Bản.

Đây là lần đầu tiên Hoa Kỳ triển khai hai tàu sân bay cùng một lúc ở Biển Đông trong ít nhất bốn năm qua và điều này được cho là một thông điệp mạnh mẽ nhằm phản đối yêu sách của Trung Quốc trong khu vực.

http://biendong.net/bi-n-nong/35750-am-chi-tq-nguy-hai-va-cuong-quyen-my-nhat-uc-the-hien-lap-truong-cung-ran-ve-bien-dong.html

 

Mỹ tăng hiện diện trên Biển Đông

và sự đáp trả của TQ làm tăng căng thẳng khu vực?

Việc triển khai ba tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân của Mỹ trên Biển Đông là một hành động thử thách mối quan hệ vốn đang căng thẳng giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ.

Các cuộc tập trận của hải quân Mỹ phô diễn sức mạnh quân sự khổng lồ, diễn ra đồng thời với những căng thẳng mà Trung Quốc khơi mào đối với các quốc gia trong khu vực.

Biển Đông đang dần trở thành một không gian tấp nập tàu quân sự.

Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2017, Mỹ triển khai ba nhóm tác chiến tàu sân bay vào Biển Đông. Trước đó mười năm, Mỹ cũng có màn phô diễn sức mạnh ở châu Á-Thái Bình Dương.

Năm 2017, Mỹ đã cử một lực lượng ba tàu sân bay vào khu vực để gây áp lực lên Triều Tiên, buộc nước này phải ngừng các vụ thử tên lửa khiêu khích và phát triển năng lực hạt nhân.

Hành động này cũng là để nhắc nhở Trung Quốc về vai trò của Mỹ trong khu vực Indo-Pacific (khu vực liên Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương).

Washington dường như đang muốn chuyển tải một thông điệp. Tuy nhiên, không rõ Trung Quốc có tâm trạng chú ý đến những thông điệp như vậy trong một bầu không khí tranh cãi leo thang hay không.

Đáp lại cuộc tập trận của hải quân Mỹ, tờ báo phát ngôn tiếng Anh chính thức của Bắc Kinh, Thời báo Toàn cầu, đã cáo buộc Washington của cố gắng thể hiện năng lực quân sự, đe dọa Trung Quốc và thực thi các chính sách bá quyền.

Tờ báo dẫn lời các nhà phân tích của Bắc Kinh cho biết biển Đông hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát của Quân đội Giải phóng Nhân dân, họ hoàn toàn thoải mái với bất kỳ cuộc tập trận nào của tàu sân bay của Hoa Kỳ.

Điều này là không đúng, tất nhiên. Nhưng truyền thông lúc nào cũng được chính phủ Trung Quốc xem là một vũ khí có sức ảnh hưởng.

Tờ Hoàn Cầu của Trung Quốc cho rằng tham vọng “bá quyền” là đặc tính của Mỹ và rằng Mỹ là quốc gia ngoài khu vực nhưng dối trá đến ngàn dặm.

Tờ Hoàn Cầu ngày càng mạnh miệng hơn khi nói về Mỹ, đây là một dấu hiệu không thể bỏ qua khi theo dõi quan hệ của hai nước này.

Trung Quốc đã tuyên bố lãnh thổ trên Biển Đông bất chấp sự phản đối của các nước trong khu vực và phán quyết của tòa án quốc tế. Sự ngang ngược này đang khiến tình hình trong khu vực trở nên căng thẳng hơn.

Điều này đặt ra câu hỏi liệu có xảy ra một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực. Thông báo riêng của Úc về việc tăng chi tiêu quốc phòng cho các mặt hàng như tên lửa chống hạm tầm xa chứng thực mối lo ngại về dã tâm ngày càng tăng của Trung Quốc.

Cam kết của Úc về việc nâng chi tiêu quốc phòng lên trên 2% GDP thể hiện phản ứng trực tiếp đối với mối đe dọa từ Trung Quốc.

Cập nhật về chiến lược quốc phòng năm 2020, thủ tướng ÚC Scott Morrison đã mô tả Ấn Độ-Thái Bình Dương là trung tâm của cuộc cạnh tranh chiến lược. Ông cho rằng mọi tính toán sai lầm sẽ khiến xung đột gia tăng.

Điều này là không thể chối cãi.

11 quốc gia thành viên của hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã tăng 33% chi tiêu quân sự từ năm 2009 đến 2018, theo Viện nghiên cứu và hòa bình quốc tế Stockholm có thẩm quyền (SIPRI).

Tăng trưởng chi tiêu quân sự tại khu vực này cao hơn đáng kể so với chi tiêu ở các khu vực khác. Nó có thể liên quan trực tiếp đến những lo ngại về một môi trường an ninh xấu đi.

Nhiều vũ khí với tầm bắn xa hơn dấy lên lo ngại về việc quân sự hóa căng thẳng trong khu vực.

Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm ước tính ngân sách quốc phòng của Trung Quốc năm 2020 là 261 tỷ USD trong khi ngân sách quốc phòng Mỹ năm 2019 là 717 tỷ USD.

Về tỷ lệ phần trăm, sự gia tăng trong chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc vượt xa các nước láng giềng Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Úc.

Chi tiêu cho quốc phòng tại khu vực này sẽ còn cao hơn nữa. Đến năm 2035, một nửa hạm đội tàu ngầm thế giới sẽ được triển khai ở Ấn Độ-Thái Bình Dương, theo Sách trắng Quốc phòng Úc 2016.

Đồng thời, Trung Quốc đang đẩy nhanh việc xây dựng tàu sân bay riêng của mình. Sẽ có 2 tàu sân bay một mua từ Ukraine; và chiếc còn lại được xây dựng ở Trung Quốc.

Ngoài ra, nên nhớ rằng Trung Quốc là một quốc gia hạt nhân.

Trong bối cảnh đó, cả thế giới lại đang tìm kiếm trách nhiệm của Trung Quốc trong đại dịch lần này, chưa kể các cáo buộc đối với Trung Quốc về gian lận thương mại, nhân quyền, vấn đề Hồng Kong, Đài Loan và giao tranh biên giới với Ấn Độ.

Có thể cho rằng, căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc bây giờ tồi tệ hơn so với năm 1989, khi xảy ra sự kiện Thiên An Môn. Sự khác biệt là Trung Quốc giờ đây đã có một nền kinh tế lớn hơn rất nhiều và là một siêu cường mới nổi với một quân đội xứng đáng với tham vọng của họ.

Điều đáng chú ý là, không giống như năm 1989, các lực lượng vũ trang của Trung Quốc không còn giới hạn trên đất liền. Lực lượng hải quân của Trung Quốc đã tiến bộ nhảy vọt, với khả năng tác chiến điện tử.

Trong môi trường an ninh căng thẳng, mối quan hệ giữa Bắc Kinh và phương Tây đang xấu đi trong khi vai trò lãnh đạo toàn cầu của Mỹ đang suy yếu.

Khi nước Mỹ sẽ diễn ra bầu cử tổng thống trong năm nay và vị tổng thống hiện tại đang phải đấu tranh cho tương lai chính trị của mình thì rủi ro xảy ra những tính toán sai lầm đang lớn dần.

Trong khi đó Trung Quốc sẵn sàng phản pháo những phát ngôn trái ý mình đến từ các quốc gia trong khu vực, trong đó có Úc. Trung Quốc đã không ngừng chỉ trích Úc khi thủ tướng Morrison truy cứu trách nhiệm của quốc gia xuất phát đại dịch.

Tờ Hoàn Cầu viết rằng: “Úc chỉ theo đuôi của Mỹ, khả năng của họ ở Biển Đông sẽ bị hạn chế.”

Cuộc đàn áp Thiên An Môn đã từng được coi là điểm thấp nhất trong mối quan hệ giữa Bắc Kinh và phương Tây. Thế nhưng, bối cảnh hiện nay có thể khiến cho mối quan hệ này tệ hơn khi đó.

Không có quốc gia nào ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương thể thoải mái với tham vọng ngày càng tăng của Trung Quốc

http://biendong.net/bien-dong/35743-my-tang-hien-dien-tren-bien-dong-va-su-dap-tra-cua-tq-lam-tang-cang-thang-khu-vuc.html

 

TQ nói có thể đánh chìm

tàu sân bay Mỹ ở biển Đông: Thật vậy không?

Một tờ báo “hiếu chiến” của Trung Quốc nói rằng các tàu sân bay Mỹ ở Biển Đông hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát của Giải phóng quân Nhân dân Trung Quốc, với nhiều lựa chọn vũ khí chống hạm như các loại tên lửa DF-21D và DF- 26.

Tin tức này được loan ra khi Trung Quốc phản ứng với các hoạt động huấn luyện tàu sân bay kép của Mỹ trong khu vực, sử dụng cùng lúc hai tàu USS Ronald Reagan và USS Nimitz. Các cuộc tập trận của Mỹ tập trung vào khả năng tấn công tàu sân bay phối hợp, nhờ vào mạng lưới phức hợp, khả năng chỉ huy và kiểm soát và xung đột trên không. Chúng tạo ra lợi thế lớn khi mang lại các lựa chọn tấn công trên biển bằng cách, về cơ bản, tăng gấp đôi hỏa lực, khả năng giám sát và năng lực vũ khí.

Sử dụng hai tàu sân bay cùng lúc không chỉ giúp tăng khả năng tấn công các mục tiêu trên đất liền ở mức độ lớn hơn, kéo dài thời gian tìm kiếm mục tiêu và cho phép các cuộc tấn công đa nền tảng phối hợp, mà còn cải thiện đáng kể hiệu quả của các cuộc tấn công bằng tên lửa và tàu khu trục. Mỗi nhóm tàu sân bay tấn công bao gồm một tàu sân bay, tàu tuần dương và hai tàu khu trục, mang đến sự kết hợp lớn, tích hợp các vũ khí phóng từ biển, theo National Interest.

Ngoài ra, có lẽ quan trọng hơn, Trung Quốc tuyên bố rằng các tàu sân bay Mỹ cực kỳ dễ bị tổn thương là một câu hỏi còn phải tranh luận và có nhiều cách giải thích khác nhau.

Các tên lửa đạn đạo chống hạm Trung Quốc được nói là có tầm bắn xa tới 900 hải lý và là mối đe dọa đáng kể đối với các tàu sân bay Mỹ. Nhưng trong khi đó, các nhà lãnh đạo hải quân Mỹ đã nói rõ ràng rằng các tàu sân bay Mỹ có thể hoạt động ở những nơi cần thiết bất cứ lúc nào. Có một loạt các yếu tố cần xem xét với điều này.

Đầu tiên, tầm bắn được báo cáo của các loại tên lửa diệt tàu sân bay Trung Quốc này không phải là mối đe dọa nghiêm trọng đối với các tàu sân bay đang đi tới trừ khi chúng có hệ thống dẫn đường chính xác và khả năng tấn công các mục tiêu đang di chuyển. Ngoài ra, đương nhiên là vì lý do bí mật, trong khi phần lớn không được mang ra công khai thảo luận, Hải quân Mỹ tiếp tục thúc đẩy nhanh chóng các công nghệ mới cải thiện hệ thống phòng thủ tàu nhiều lớp.

Các tàu sân bay thường xuyên di chuyển theo nhóm tấn công, nghĩa là chúng được bảo vệ bởi các khu trục hạm, tàu tuần dương và các khí tài giám sát và tấn công trên không khác nhau. Thứ hai, Hải quân Mỹ tiếp tục nhanh chóng trang bị cho tàu chiến mặt nước vũ khí laser mới và các hệ thống cảnh báo sớm tiên tiến, có khả năng gây nhiễu tên lửa, ngăn chặn chúng, phá hủy quỹ đạo bay của chúng hoặc đơn giản là bắn hạ chúng.

Hơn nữa, hệ thống phòng thủ nhiều lớp của Hải quân Mỹ không chỉ bao gồm các cảm biến tầm xa trên không, trong không gian và trên tàu chiến, mà các máy bay đánh chặn trên hạm cũng vẫn tiếp tục được nâng cấp phần mềm để cải thiện độ chính xác.

Ví dụ, tên lửa SM-6 và Evolved Sparrow Missile Block II của Hải quân Mỹ hiện được thiết kế với các nâng cấp phần mềm và cảm biến cho phép chúng nhận thức rõ hơn và tiêu diệt các mục tiêu di động đang tiến tới. Ví dụ, các nâng cấp kỹ thuật của SM-6 có “chế độ tìm kiếm kép” để phân biệt tốt hơn các mục tiêu di chuyển và điều chỉnh trong hành trình bay để tiêu diệt chúng.

Ngoài ra, Evolved Sparrow Missile Block II còn có chế độ lướt trên biển cho phép nó đánh chặn tiêu diệt các tên lửa đối phương bay ở độ cao thấp.

Các cảm biến trên không mới, chẳng hạn như máy bay không người lái tiên tiến và máy bay chiến đấu tàng hình F-35C có khả năng trinh sát, do thám và tình báo giúp cảnh báo các chỉ huy trên tàu về tên lửa và, trong một số trường hợp, đánh chặn hoặc phá hủy tên lửa chống hạm đối phương đang bắn tới.

Trên thực tế, chính khả năng này đã được các tàu khu trục của Hải quân Mỹ triển khai, nó được gọi là điều khiển hỏa lực tích hợp hải quân đối không.

Đây là một hệ thống sử dụng máy bay do thám Hawkeye hoặc thậm chí F-35 để phát hiện các mối đe dọa tiếp cận từ bên ngoài đường chân trời, kết nối với chỉ huy và điều khiển trên tàu và cho phép tên lửa đánh chặn SM-6 được dẫn đường tốt hơn, có thể hạ gục tên lửa tầm xa đang bắn tới.

Tất cả những điều này có nghĩa là, mặc dù Trung Quốc tuyên bố rằng tên lửa diệt tàu sân bay của họ khiến tàu sân bay trở nên lỗi thời, nhưng có vẻ hợp lý khi các nhóm tác chiến tàu sân bay có thể phòng thủ thành công chống lại chúng. Điều này đặc biệt đúng khi các tàu sân bay được hộ tống bởi đội 51 khu trục hạm được vũ trang tốt của Mỹ.

Có lẽ những yếu tố này có thể là một phần lý do tại sao các nhà lãnh đạo Hải quân Mỹ tiếp tục nói rằng các tàu sân bay của họ có thể hoạt động thành công bất cứ nơi nào họ cần.

Cuối cùng, việc đánh chặn thành công tên lửa chống hạm tầm bắn 900 hải lý có thể ít áp lực hơn khi có sự xuất hiện của máy bay tiếp nhiên liệu MQ-25 Stingray do tàu sân bay phóng ra, ít nhất, giúp tăng gần gấp đôi phạm vi tấn công của các máy bay chiến đấu trên hạm như F-35C và F / A-18 Super Hornet.

http://biendong.net/bien-dong/35741-tq-noi-co-the-danh-chim-tau-san-bay-my-o-bien-dong-that-vay-khong.html

 

Thế cờ mới trên Biển Đông

“Hoa Kỳ đã có những động cơ ám muội khi cố tình đưa lực lượng hạng nặng vào biển Hoa Nam [Biển Đông] để tập trận quy mô lớn và giương oai, cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các nước trong khu vực, có thể thấy điều này rất rõ ràng”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Zhao Lijian (Triệu Lập Kiên) nhận xét hôm thứ hai 6-7. Điều gì đã và đang xảy ra? Các nước đã và đang phản ứng như thế nào?

Trước đó, hôm 30-6, tờ Global Times (Hoàn Cầu Thời Báo) đã đăng một bài đả kích “tàu chiến Mỹ tập trận làm gia tăng bất ổn trong khu vực”. Tờ báo này tố cáo: “Hai nhóm tàu sân bay tấn công Mỹ USS Nimitz và USS Ronald Reagan hôm chủ nhật đã thực hiện các cuộc tập trận quân sự ở biển Philippines… Hải quân Hoa Kỳ có vẻ đang ra sức gây sức ép quân sự ở khu vực Tây Thái Bình Dương. Vài ngày trước, Washington, lần đầu tiên kể từ năm 2017, đã đồng thời triển khai 3 trong số 11 tàu sân bay hạt nhân của mình trong khu vực”.

Cán cân nghiêng ngửa

Có thể thấy qua bài báo trên của Global Times sự bực dọc rõ ràng vì tin rằng “những hoạt động quân sự này chắc chắn nhằm vào Trung Quốc”. Tâm trạng đó hoàn toàn khác với sự tự đắc độc tôn cách đó chưa lâu, như hôm 10-5, thể hiện qua bài “Những khiêu khích của Mỹ ở Nam Hải (Biển Đông) chỉ là màn bịp bợm nhằm che đậy hạm đội đang đau yếu”.

Hoàn Cầu Thời Báo nêu chi tiết: “Hàng chục tàu hải quân Mỹ đã bị virus corona triệt phá, nhưng đến cuối tháng 4, các tàu chiến Mỹ vẫn thường xuyên thể hiện cơ bắp quân sự ở Nam Hải. Hôm thứ tư, hai máy bay ném bom hạng nặng siêu thanh B-1B đã bay đến phía đông bắc đảo Đài Loan…

Từ khi công bố Sách lược quốc phòng 2017…, Lầu Năm Góc đã tăng cường đáng kể các nỗ lực khiêu khích, răn đe và kiềm chế Trung Quốc. Tuy nhiên, đại dịch chết người COVID-19 đã làm đảo lộn các triển khai của Hoa Kỳ khi nước này trở thành tâm chấn toàn cầu với số ca nhiễm bệnh cao nhất”.

Cụ thể những đảo lộn đó là: “Bốn tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân của Mỹ, trong đó có chiếc USS Theodore Roosevelt, đã buộc quay lại cảng sau khi thủy thủ đoàn nhiễm virus corona dòng mới. Sự vắng mặt của các lực lượng cốt lõi này trong hoạt động toàn cầu của Hoa Kỳ đã tạo ra “khoảng trống” khổng lồ và tức thời ở Tây Thái Bình Dương”.

Quả thực là Tây Thái Bình Dương vào đầu tháng 5 vừa rồi gần như “vườn không nhà trống” sau khi tàu sân bay USS Theodore Roosevel “trúng” COVID-19, phải ráng “lết” về đảo Guam hôm 28-3. Sự cố “chưa từng thấy” này càng trở nên nghiêm trọng với việc hạm trưởng tàu sân bay này bức xúc tung cho báo chí bức thư xin cho thủy thủ lên bờ để trốn dịch. Tình hình càng bi đát khi trong thực tế, từ đầu tháng 5 chỉ còn mỗi tàu sân bay USS Ronald Reagan thực sự trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu và tuần tiễu ở Thái Bình Dương.

Chưa hết, rút kinh nghiệm vụ chiếc USS Theodore Roosevelt trúng dịch, tất cả tàu của hải quân Mỹ trước khi ra khơi đều cách ly trong 14 ngày. Việc thông tin công khai chi tiết cách ly 14 ngày trước khi ra khơi, theo Luật tự do thông tin FOI, hẳn nhiên là tin tốt với các đối thủ của Mỹ.

Họa vô đơn chí, tin chỉ còn mỗi tàu sân bay USS Ronald Reagan khả dụng vào đầu tháng 5 cũng trùng với tin lực lượng tàu sân bay Mỹ cắt giảm từ 11 còn 9 chiếc, giảm số tàu mặt nước cỡ lớn còn 80-90 chiếc, thay vào đó tăng số tàu nhỏ và tàu không sử dụng người thêm 55-70 chiếc.

Tình hình ở Trung Quốc ngược lại, khi đội tàu chiến đã tăng mạnh và liên tục những năm qua. Tuy nhiên, cũng phải nói thêm là những điều chỉnh của Mỹ không phải do vấn đề ngân sách, mà là bởi định hướng chiến lược hải quân mới của Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper.

Theo đó, Mỹ sẽ giảm lực lượng tàu sân bay và tàu chiến lớn, tăng lực lượng tàu không sử dụng người, vốn “dễ hi sinh hơn” trong xung đột và cũng “dễ hoàn thành nhiệm vụ hơn” (Defense News 20-4).

Đây không phải lần đầu nước Mỹ điều chỉnh chiến lược hải quân, và họ vẫn thường quyết định rất chính xác. Một ví dụ là việc đầu tư mạnh phát triển lực lượng tàu sân bay sau Thế chiến I, tạo cơ sở cho thắng lợi của hải quân Mỹ trên Thái Bình Dương trước hải quân Nhật, vốn cũng rất mạnh về tàu sân bay, song

bị đánh gục sớm từ tháng 6-1942 ở trận Widway. Tàu sân bay từ đó tới nay làm nên ưu thế tuyệt đối cho hải quân Mỹ. Nhưng tình hình nay đã thay đổi.

Cũng đồng thời được điều chỉnh là chiến thuật liên quan tới việc đóng các tàu tác chiến ven biển (LCS), nay đã không còn hợp thời do hỏa lực quá mỏng để xung trận! Tờ báo cơ khí rất đại chúng mà độc giả Việt Nam đã khá quen mặt ít ra là từ những năm 1950, Popular Mechanics, hôm 12-2-2020 loan tin: “Hải quân Hoa Kỳ đã tiết lộ kế hoạch cho nghỉ hưu bốn tàu LCS đầu tiên, mà chiếc mới nhất mới hoạt động sáu năm. Chương trình LCS đã gặp vấn đề trong hơn một thập niên, với các tàu trang bị nhẹ, song lại vượt ngân sách và có vấn đề kỹ thuật”.

Chính một đồng minh của Mỹ là Ấn Độ tháng 4 vừa rồi đã đánh giá rằng: (1) Quân đội Trung Quốc đối phó với dịch COVID-19 tốt hơn, tham gia chống dịch ở tuyến đầu tại Vũ Hán mà không hề hấn gì; (2) hải quân Trung Quốc gần bờ hơn Mỹ ở khu vực Tây Thái Bình Dương, việc hải quân Mỹ quá xa hậu phương là lý do quan trọng khiến họ rất khó thay quân để đối phó dịch bệnh; (3) hậu quả là “quân đội Trung Quốc đang… nhìn thấy cơ hội thúc đẩy mạnh mẽ các yêu sách hơn ở Biển Đông, và cả… nhắm vào Đài Loan” (Observer Research Foundation 14-4).

“Ba mặt một lời”

Đúng như dự báo vào tháng 4 đó của Observer Research Foundation, bốn ngày sau khi bài viết đăng tải, tức hôm 18-4, Quốc vụ viện Trung Quốc loan báo quyết định thành lập hai quận mới, Tây Sa (tức Hoàng Sa của Việt Nam) và Nam Sa (tức Trường Sa của Việt Nam), với các thủ phủ là đảo Phú Lâm (của Việt Nam) và đảo Chữ Thập (của Việt Nam).

Tổ chức Sáng kiến minh bạch hàng hải (AMTI) gọi “việc thành lập các quận Tây Sa và Nam Sa là bước đi mới nhất trong một dự án dài hạn nhằm mở rộng việc quản lý nhà nước của Trung Quốc ở Biển Đông”. Theo AMTI, việc thành lập [trái pháp luật] hai quận trên của Trung Quốc nhằm thôn tính Biển Đông thêm thuận tiện.

Từ đó, Trung Quốc giở chiêu dùng tàu thăm dò, hết chọc phá, nắn gân Malaysia suốt từ tháng 4 qua tới giữa tháng 5 với tàu Hải Dương Địa Chất 8, thách đố Việt Nam, dùng tàu khảo sát Hải Dương Địa Chất 4 sục sạo khu vực đá Chữ Thập, rồi di chuyển xuống phía tây nam, tiến gần hơn về bờ biển nước ta, có lúc cách đảo Phú Quý chỉ khoảng 214 hải lý, tiệm cận vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Trong khi đó, tàu Hải Dương 10 sau khi di chuyển đến vị trí phía bắc đảo Phú Lâm hơn 8 hải lý hiện đang thả trôi tại vị trí này.

Tất nhiên tàu thực thi pháp luật của Việt Nam kè sát các tàu này nhằm bảo vệ chủ quyền chính đáng của Việt Nam. Đặc biệt, có lúc có cả tàu chiến Mỹ cũng “canh chừng” tàu Trung Quốc. “Tàu tác chiến ven biển USS Gabrielle Giffords (LCS 10) thực hiện nhiệm vụ thông thường gần tàu Hải Dương Địa Chất 4 của Trung Quốc trên Biển Đông hôm 1-7.

Tàu USS Gabrielle Giffords đang làm nhiệm vụ thường xuyên trong khu vực do Hạm đội 7 phụ trách nhằm cải thiện khả năng phối hợp với các đối tác và đóng vai trò lực lượng sẵn sàng phản ứng”, hải quân Mỹ hôm 2-7 ra thông cáo cho biết.

Trước đó, chiếc USS Gabrielle Giffords và hai tàu huấn luyện JS Kashima, JS Shimayuki thuộc Lực lượng phòng vệ trên biển Nhật Bản (JMSDF) có cuộc diễn tập chung khi đi qua Biển Đông hôm 23-6. Cuộc diễn tập nhằm nhấn mạnh yêu cầu về khả năng liên lạc và điều phối trong lúc hoạt động gần nhau.

Chuẩn đô đốc Fred Kacher, chỉ huy Nhóm tấn công viễn chinh số 7 của hải quân Mỹ, nhận định các hoạt động diễn tập song phương đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì hiệu quả một khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Chính chiếc USS Gabrielle Giffords này từng xuất hiện gần tàu khoan dầu West Capella của Malaysia “nhằm thể hiện cam kết của Washington với khu vực”, theo hải quân Mỹ hôm 13-5.

Những diễn biến này là sự cụ thể hóa “Sáng kiến răn đe Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” (Indo-Pacific Deterrence Initiative – IPDI), tức “Sáng kiến Thornberry”, theo tên hạ nghị sĩ Mac Thornberry (Đảng Cộng hòa, bang Texas), với kinh phí 6,09 tỉ đôla cho tài khóa 2021.

“Nỗ lực này củng cố và hỗ trợ các chính sách, cơ sở hạ tầng và nền tảng cần thiết để trấn an các đồng minh và đối tác của chúng ta trong khi ngăn chặn Trung Quốc. Sáng kiến này cũng sẽ là chuẩn mực để chúng ta có thể đánh giá những nỗ lực của mình trong khu vực”, Defense News 16-4-2020.

Có thể thấy việc tàu chiến Mỹ xuất hiện trong khu vực giờ không chỉ mang tính đối phó tay đôi với Trung Quốc nữa, mà có sự lựa chọn rõ ràng, bên cạnh các bên có tranh chấp với Trung Quốc, như một hình thức “ba mặt một lời” trên Biển Đông.

Sáng kiến IPDI còn nhằm cho phép Hoa Kỳ “tăng cường tài trợ cho tình báo, khả năng giám sát và trinh sát ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương; hỗ trợ nỗ lực để tiến hành thông tin hoạt động; duy trì việc luân chuyển lực lượng ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương; và duy trì sự hiện diện luân phiên của máy bay ném bom ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương; đầu tư cải thiện năng lực tác chiến dưới biển và phát triển các hệ thống hỏa lực chính xác tầm xa để bảo vệ các hệ thống trên toàn khu vực”.

Điều chỉnh chiến thuật 
và chiến lược

Việc các pháo đài bay B-52 “bỗng dưng” rời đảo Guam vào trung tuần tháng 4, sau đó sang tháng 5 máy bay ném bom chiến lược B-1B Lancer được điều động tới đảo Guam, rồi đầu tháng 7 này pháo đài bay B-52H lại đến Guam hẳn đều thuộc hoặc có liên quan tới Sáng kiến IPDI.

Sự dịch chuyển chiến lược không chỉ thể hiện qua các bước đi mang tính chiến thuật: Bộ tư lệnh Ấn Độ – Thái Bình Dương của hải quân Mỹ cũng đã đề xuất tăng thêm 20,1 tỉ đôla ngân sách trong giai đoạn 2021 – 2026 để tăng cường hệ thống rađa cảnh báo, tên lửa đạn đạo, tập trận với đồng minh, triển khai thêm lực lượng bổ sung, các trung tâm chia sẻ thông tin tình báo…

Sáng kiến IPDI cũng nhấn mạnh “năng lực hợp tác đa phương tập trung vào chống khủng bố; tăng độ tin cậy thông qua Chương trình hợp tác vệ binh quốc gia với các nước trong khu vực”, bao gồm cả các nhiệm vụ nhân đạo và dân sự, chuẩn bị ứng phó và cứu trợ thảm họa. Các nước trong khu vực, tùy sách lược quốc phòng và nhu cầu của mình, có thể “tham gia” từng phần đơn lẻ hoặc không tham gia IPDI.

Chính điều này có lẽ là lý do khiến Hoàn Cầu Thời Báo vừa đưa ra cáo buộc vừa như một lời đe dọa: “Bị Mỹ kích động, một số quốc gia trong khu vực thậm chí có thể làm leo thang những khác biệt với Trung Quốc thành xung đột quân sự. Điều này sẽ làm giảm an ninh khu vực, hơn nữa, gây bất lợi cho sự phát triển của Trung Quốc và tất cả các nước trong khu vực”.

Ở đây đã có sự cố tình đánh đồng nguyên nhân và hậu quả, khi việc cố tình áp đặt của một nước lớn lại đi kèm với đòi hỏi không được leo thang căng thẳng hay không được hợp tác với Mỹ! Không phải vô cớ mà tháng 12-2019, Malaysia đã khởi động cuộc chiến công hàm, rồi tới Philippines, Việt Nam và cả Indonesia (vốn trước giờ vẫn nói họ không phải là một bên tranh chấp) cùng lên tiếng bác bỏ đường chín đoạn và cái gọi là “quyền lịch sử không thể tranh cãi”, hay việc các bãi đá chìm nổi bị bồi đắp trái phép, rồi cả sự áp đặt quyền quản lý hành chính lên đó, mà cơ sở của nó đã bị Tòa The Hague bác bỏ dứt khoát vào năm 2016.

Ở Biển Đông cũng không phải chỉ có mỗi Hoa Kỳ và Trung Quốc. Hơn 40 năm qua, Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản (Japan Coast Guard, JCG) đã tích cực hoạt động nhằm bảo vệ các tuyến hàng hải thương mại của Nhật qua các nhiệm vụ cơ bản liên quan đến an toàn hàng hải, bảo vệ môi trường biển và thực thi pháp luật hàng hải. Trên thực tế, nhằm tránh khơi lại quá khứ chiến tranh, Chính phủ Nhật Bản không sử dụng sách lược ngoại giao hải quân, mà là ngoại giao bảo vệ bờ biển (coast guard diplomacy), tập trung sử dụng viện trợ ODA vào việc hỗ trợ vật chất, huấn luyện cho các lực lượng phòng vệ bờ biển các nước Đông Nam Á.

http://biendong.net/bien-dong/35739-the-co-moi-tren-bien-dong.html