Tin Việt Nam – 09/07/2020
Học sinh 13 tuổi phải viết giấy cam kết trả nợ gần 200,000 đồng cho nhà trường
Tin Vietnam.- Ngày 8 tháng 7 năm 2020, Facebook mang tên Nguyễn Lai đã dẫn lại thông tin lừ tác giả Lạc Việt và loan truyền hình ảnh tờ “giấy báo nợ” của một học sinh lớp 7 gửi ban giám hiệu nhà trường. Tác giả của tờ giấy báo nợ tự viết tay này là em học sinh Hoàng Minh Ngọc, 13 tuổi, học lớp 7C, trường trung học cơ sở Hưng Tây, nằm trên địa bàn huyện Hưng Nguyên Tỉnh Nghệ An.
Trong tờ giấy báo nợ, em Ngọc đã ghi rõ họ tên cha, mẹ của mình cùng số điện thoại, địa chỉ nơi gia đình em ở thuộc xóm Khoa Đà 3, xã Hưng Tây, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Minh Ngọc viết, do cá nhân em đang nợ nhà trường số tiền 162,000 đồng tiền xe đạp điện của năm học 2018-2019, với nguyên nhân nợ là bố mẹ không cho em nạp khoản tiền này. Vì vậy, Ngọc đã viết “giấy báo nợ” để gửi lên Ban giám hiệu nhà trường và cam kết em và gia đình em sẽ lo đóng khoản tiền này.
Trước sự việc này, tác giả Lạc Việt đánh giá đây là hành động bất nhẫn của nhà trường khi phải bắt một em bé 13 tuổi chịu trách nhiệm cho việc làm của người lớn, cho dù đó là ba mẹ của mình. Tác giả nói thêm, việc em học sinh này sinh ra trong một gia đình nghèo đã là một sự thua thiệt, nhưng nay em lại bị nhà trường bắt viết tờ giấy nhận nợ như thế này có thể sẽ khiến em mất đi sự hồn nhiên khi phải tiếp tục đối diện với bạn bè, thầy cô.
Và người này đặt câu hỏi đến nhà cầm quyền là không biết đến khi nào nền giáo dục Việt Nam mới biết đặt trong tâm giáo dục vì con người lên hàng đầu chứ không phải vì đồng tiền như hiện nay?
An Nhiên
https://www.sbtn.tv/hoc-sinh-13-tuoi-phai-viet-giay-cam-ket-tra-no-gan-200000-dong-cho-nha-truong/
Blogger Lê Anh Hùng bị giam cầm hơn hai năm
chưa được xét xử
Blogger Lê Anh Hùng, một cộng tác viên thường xuyên của VOA Tiếng Việt, bị chính quyền Việt Nam giam cầm hơn hai năm vẫn chưa được xét xử. Gia đình của nhà báo tự do này cho biết trong thời bị giam giữ ông bị công an Hà Nội cưỡng bức điều trị bệnh tâm thần mặc dù sức khỏe của ông bình thường.
Hôm 8/7/2020, bà Trần Thị Niêm cho VOA biết bà đã thăm gặp con trai bà vào ngày trước đó và sức khỏe của ông vẫn bình thường. Bà nói thêm rằng đã nhiều lần yêu cầu chính quyền giải thích nguyên nhân vì sao họ chậm xét xử trường hợp của con bà nhưng chưa nhận được trả lời.
“Cho đến nay vẫn chưa có gì mới. Con tôi ở trong đó chịu đựng hơn hai năm qua mà chưa được xét xử. Họ không cho biết lý do vì sao con tôi chưa được xét xử. Tôi cũng đã gửi đơn, làm đủ cách.”
Ông Lê Anh Hùng bị công an Hà Nội bắt giam vào ngày 5/7/2018 theo Điều 331 Bộ Luật Hình Sự với tội danh “Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.”
Theo Luật Tố tụng hình sự Việt Nam 2003, thời hạn tạm giam tối đa để điều tra đối với “tội phạm đặc biệt nghiêm trọng” là 16 tháng, bao gồm cả 3 lần gia hạn tạm giam, mỗi lần không quá 4 tháng.
VOA đã liên lạc Công an và Viện Kiểm sát Nhân dân Thành phố Hà Nội để tìm hiểu lý do vì sao ông Lê Anh Hùng chưa được xét xử, nhưng chưa được phản hồi.
Bà Niêm cáo buộc rằng trong thời gian qua ông Lê Anh Hùng bị trại giam đưa vào Viện Pháp y Tâm thần Trung ương để “đầu độc” làm cho trí nhớ ông “suy tàn.”
“Họ bảo là Hùng bị hoang tưởng. Nhưng từ nhỏ đến nay nó vẫn làm báo, viết lách bình thường. Tại sao họ lại bảo là hoang tưởng chứ? Họ trói chân, trói tay bắt phải uống thuốc, rồi họ bắt tiêm thuốc.
“Họ đầu độc để cho Hùng khỏi viết lách hay nói lên sự thật, họ đầu độc cho suy tàn về trí tuệ để không còn nói lên được sự thật nữa.”
VOA đã liên lạc Viện Pháp y Tâm thần Trung ương I để tìm hiểu về cáo buộc của bà Niêm nhưng chưa được phản hồi.
Bà Niêm nói thêm:
“Lê Anh Hùng chả có tội gì hết! Nó chỉ nói lên sự thật thôi. Họ che giấu sự thật thì họ bắt thôi. Nó tố cáo ông Hoàng Trung Hải và ông này cũng đã bị đình chỉ công tác rồi. Nó chỉ nói lên sự thật chứ có làm gì trái đâu!”
Vào tháng 6 vừa qua, các cựu viên chức nhà nước và nhà hoạt động cho nhân quyền trong và ngoài nước đã gửi thư ngỏ cho Tổng Bí thư – Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, kêu gọi chính quyền ngưng lạm dụng điều trị tâm thần và trả tự do cho nhà báo tự do Lê Anh Hùng.
Bức thư có đoạn viết: “Sau một thời gian Lê Anh Hùng bị bắt, thay vì khởi tố vụ án Lê Anh Hùng tố cáo hoặc tiếp tục truy tố Hùng với tội danh khi bắt giam, Lê Anh Hùng đã bị đưa đi giám định tâm thần hai đợt (cuối tháng 10/2018 và tháng 4/2019), và bị cưỡng ép đưa vào Viện Pháp Y Tâm thần Trung ương, Thường Tín điều trị. Việc giám định và cưỡng ép chữa bệnh đối với Lê Anh Hùng đã không hề trao đổi, thông báo cho gia đình.”
Nhà báo độc lập Tôn Phi, một người ủng hộ cho các hoạt động vì tự do báo chí và đấu tranh cho lẽ phải của ông Lê Anh Hùng, nói với VOA:
“Tôi rất lấy làm tiếc khi chính phủ Việt Nam bắt bớ cầm tù những người cầm bút để lên tiếng đòi công bằng cho xã hội. Trong số những người đang bị bắt giữ, tôi bày tỏ lòng cảm thông sâu sắc nhất đối với ký giả Lê Anh Hùng, vì trong tất cả các blogger, nhà báo tự do bị bắt thì anh lại bị đối xử như một bệnh nhân tâm thần và bị tiêm thuốc tâm thần. Đây là trường hợp đáng thương nhất và đáng quan tâm nhất!”
Cơ quan Truyền thông Quốc tế Hoa Kỳ (USAGM), cơ quan giám sát đài VOA, liên tục lên tiếng kêu cầu chính quyền Việt Nam trả tự do cho ông Lê Anh Hùng, cùng các cộng tác viên khác đang bị giam cầm như Nguyễn Văn Hóa, Phạm Chí Dũng, Trương Duy Nhất, và Nguyễn Tường Thụy.
Hai cựu công an tội phạm ma túy
bị tù vì ép đưa hối lộ
Ngày 9/7, Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội tuyên ông Phạm Xuân Tiến (sinh năm 1978, cựu Trung tá, Điều tra viên trung cấp, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an huyện Thanh Trì, Hà Nội) 7 năm 6 tháng tù giam.
Ông Nguyễn Tiến Dũng (sinh năm 1991, cựu Trung úy, Cán bộ điều tra, Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an huyện Thanh Trì, Hà Nội) bị tuyên 7 năm tù giam. Cả hai bị buộc tội nhận 150 triệu đồng để thả tự do cho một nghi phạm vụ án ma túy.
Truyền thông trong nước loan tin cùng ngày trích cáo trạng cho biết vào ngày 27/4/2016, lực lượng cảnh sát kiểm tra xe taxi lưu thông trên đường thì phát hiện hành khách Tạ Duy Thanh tàng trữ ma túy.
Cơ quan chức năng đã thu giữ trên người ông Thanh hai gói ma túy methamphetamine trọng lượng 0,4g, dưới chỗ ngồi phát hiện 1 túi nilon đựng kentamine nặng 1,8g.
Tổ công tác bàn giao tài xế và ông Thanh cho Đồn Công an Cầu Bươu, huyện Thanh Trì, Hà Nội, nơi hai cựu công an Tiến và Dũng được phân công để làm rõ hành vi tàng trữ ma túy.
Hai cựu công an điều tra ma túy bị xác định đã yêu cầu người nhà của ông Tạ Duy Thanh là bà Đôn Thị Ly nộp số tiền 150 triệu đồng rồi thả ông Thanh về nhà.
Một ngày sau đó, vụ việc hối lộ bị Công an Hà Nội phát hiện. Gần một tháng sau, bà Đôn Thị Ly làm đơn tố cáo bị ép đưa hối lộ.
Tin nói trong quá trình điều tra, ông Phạm Xuân Tiến liên tục thay đổi lời khai và cho rằng bản thân không phạm tội ép và nhận hối lộ. Ông này cũng khai bị ép cung nhưng không đưa ra được bằng chứng.
Bị cáo Nguyễn Tiến Dũng cũng không thừa nhận hành vi nhận hối lộ và nói chỉ làm theo chỉ đạo cấp trên là đội phó Phạm Xuân Tiến.
Cơ quan tố tụng xác định bà Đôn Thị Ly bị ép phải đưa tiền và đã chủ động khai báo nên không có căn cứ xem xét xử lý hình sự.
Kiến nghị số 3 vụ án Hồ Duy Hải:
những lời khai quan trọng bị rút khỏi hồ sơ tố tụng!
Luật sư Trần Hồng Phong, người hỗ trợ pháp lý cho gia đình tử tù Hồ Duy Hải cùng nhiều luật sư khác vào ngày 6/7 vừa qua đã cùng ký tên vào bản kiến nghị số 3 gửi đến Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao.
Mục đích bản kiến nghị lần này được đưa ra nhằm đề nghị xem xét lại quyết định giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải và khởi tố vụ án “làm sai lệch hồ sơ vụ án” vì ít nhất 4 lời khai khách quan làm thay đổi “bản chất vụ án” đã bị bỏ ra ngoài hồ sơ tố tụng.
Trao đổi với RFA vào tối 8/7 từ Hà Nội, Luật sư Lê Văn Hòa, một trong những luật sư tham gia ký tên vào Kiến nghị 3 lần này bày tỏ hy vọng:
“So với 2 bản kiến nghị trước thì chúng tôi chưa được hồi âm. Nhưng kiến nghị 3 theo quan điểm cá nhân tôi cho rằng có dấu hiệu tin tưởng hơn bởi vì vụ án này đã được cấp cao nhất là Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét. Vấn đề thứ hai là Ban nội chính Trung ương đảng là cơ quan thường trực do Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng mà trực tiếp ông Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng làm trưởng ban. Ban nôi chính Trung ương được phân công đưa vào diện vụ án trọng điểm để theo dõi, nghiên cứu đề xuất này. Căn cứ vào hai điều đó thì tôi cũng có chút hy vọng là bản án giám đốc thẩm được xem xét một cách khách quan.”
Từ Sài Gòn, Luật sư Đặng Đình Mạnh, người đồng tham gia ký tên trong bản Kiến nghị 3 vụ án Hồ Duy Hải cũng cho rằng nếu cơ quan tiếp nhận đơn này có được sự khách quan cần thiết thì chắc chắn đơn này sẽ được chấp nhận và có tình tiết có lợi cho vụ án Hồ Duy Hải trong việc xem xét lại. Tuy nhiên ông cũng có những băn khoăn:
“Nhưng ta cũng biết sự đánh giá của các cơ quan đôi khi cũng không hoàn toàn khách quan và có thể có những thiên kiến hoặc do có sự chỉ đạo từ đâu đó hoặc áp lực từ chính trị chẳng hạn, sẽ làm thay đổi cách đánh giá. Vì vậy nếu nhìn thuần túy về phương diện pháp lý thì với những nội dung được nêu trong đơn số 3 này thì cơ quan pháp luật rất có khả năng xem xét lại vụ án Hồ Duy Hải.”
Trong nội dung bản kiến nghị, các luật sư đã nêu ra 5 mục chính về yêu cầu của mình.
Đầu tiên, có ít nhất 4 lời khai khách quan và quan trọng để xác định sự thật liên quan đến vụ án đã bị bỏ ra khỏi hồ sơ tố tụng vụ án bao gồm của chị Huỳnh Thị Kim Tuyền ngày 14/1/2008 (bút lục 113 theo dấu Viện Kiểm sát); của anh Đinh Văn Còi ngày 16/1/2008 (bút lục 139, 140 theo dấu Viện Kiểm sát); của anh Lê Thanh Trí cùng ngày 16/1/2008 (bút lục 141,142 theo dấu của Viện Kiểm sát) và anh Hồ Văn Bình ngày 20/1/2008 (bút lục 137, 138 theo dấu Viện Kiểm sát).
Giải thích rõ hơn vì sao 4 lời khai này được đánh giá quan trọng, Luật sư Đặng Đình Mạnh cho hay:
“Bốn bản cung đó về nội dung chứng minh Hồ Duy Hải có bằng chứng ngoại phạm. Có thể khi họ rút 4 tài liệu này ra ngoài khỏi hồ sơ thì mục đích của họ loại ra khỏi những nghi vấn và muốn khẳng định Hải phạm tội. Xét về mức độ bản án của vụ án này khi xét xử giám đốc thẩm là họ quyết định trên cơ sở một hồ sơ không hoàn chỉnh. Việc không hoàn chỉnh của hồ sơ có dấu hiệu của tội mà hiện nay các luật sư thông qua bản kiến nghị đang xem xét lại đó là tội làm sai lệch kết quả vụ án.”
Ngoài ra, bản kiến nghị còn đề cập đến một tài liệu khách quan để xác định một số tình tiết quan trọng của vụ án đã không được đề cập, xem xét tại kết luận điều tra, cáo trạng, trong các phiên toà sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm. Cụ thể là “Biên bản về việc xác định thời gian Nguyễn Thị Thu Vân đi mua trái cây trước khi bị sát hại”.
Theo bản kiến nghị, căn cứ các tài liệu trên (đặc biệt của các anh Còi, anh Trí và bút lục 262) xác định không thể có việc Hồ Duy Hải giết hai nạn nhân từ khoảng 20h30’ ngày 13/1/2008 như theo lời khai nhận tội của Hồ Duy Hải và kết luận của các cơ quan tố tụng các cấp, kể cả quyết định giám đốc thẩm.
Do đó, những vị luật sư ký tên trong Kiến nghị 3 cho rằng có đủ cơ sở nhận định việc rút 4 lời khai khách quan này ra khỏi hồ sơ tố tụng vụ án là cố ý làm sai lệch vụ án nhằm kết tội Hồ Duy Hải, để lọt tội phạm.
Từ đó khiến các thành viên hội đồng thẩm phán không biết được về việc rút 4 lời khai khách quan và quan trọng này có thể làm thay đổi “bản chất vụ án”.
Vì thế, các luật sư cũng đề nghị trong bản kiến nghị rằng cần khởi tố vụ án “làm sai lệch hồ sơ vụ án” đối với những cá nhân, tổ chức có hành vi rút hồ sơ lời khai quan trọng của 4 người.
Luật sư Đặng Đình Mạnh cho rằng việc điều tra này hoàn toàn đơn giản nếu thật sự phía chính quyền muốn giải quyết vụ án công tâm:
“Chắc chắn cơ quan nào rút hồ sơ thì cơ quan đó chịu trách nhiệm. Hoặc cá nhân nào làm thì sẽ chịu trách nhiệm. Việc này truy trách nhiệm cũng không khó. Cơ quan nào trình hồ sơ này lê tòa án, lên hội đồng thẩm phán thì cơ quan đó có trách nhiệm giải trình tại sao rút hồ sơ này? Cứ truy ngược như vậy chắc chắn sẽ ra thủ phạm việc rút ruột hồ sơ.”
Theo Luật sư Lê Văn Hòa, để xảy ra tình trạng rút hồ sơ của 4 lời khai có giá trị, gây ra những tình tiết bất lợi cho tử tù Hồ Duy Hải, trách nhiệm cao nhất là của cơ quan điều tra tỉnh Long An. Ông nói thêm:
“Tôi nghĩ phải có sự chịu trách nhiệm liên đới, đầu tiên là cơ quan cảnh sát điều tra tỉnh Long An là cơ quan khởi tố vụ án này. Các cấp kể cả phúc thẩm và giám đốc thẩm đều phải chịu trách nhiệm chứ không riêng mình cơ quan điều tra công an tỉnh Long An. Liên đới thì cả viện kiểm sát tối cao, tòa án tối cao phải chịu trách nhiệm hết chứ không phải là một.”
Vụ án mạng hai nữ nhân viên bưu điện Cầu Voi ở ấp 5, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, Long An bị sát hại dã man tại nơi làm việc hồi trung tuần tháng 1/2008 gây chấn động trong dư luận. Ngay sau đó, thanh niên Hồ Duy Hải, ở Long An bị bắt giữ và bị tuyên án tử hình dưới tội danh “giết người, cướp tài sản” tại cả hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm.
Tuy nhiên Hồ Duy Hải đã nói với mẹ anh rằng anh không hề giết người và gia đình anh đã liên tục kêu oan cho anh hơn hàng chục năm qua.
Vào ngày 8/5 vừa qua, Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao Việt Nam tuyên giữ nguyên bản án tử hình đối với anh Hồ Duy Hải tại phiên xử theo thủ tục giám đốc thẩm.
Các tổ chức quốc tế cùng dư luận trong nước liên tục lên tiếng về vấn đề này nhưng vụ việc đến nay vẫn chưa có tiến triển.
Theo Luật sư Đặng Đình Mạnh, bản kiến nghị 3 vụ án Hồ Duy Hải được gửi đi vào ngày 6/7 nếu cơ quan tiếp nhận bản kiến nghị có thái độ đánh giá khách quan, vô tư thì chắc chắn kết quả sẽ tốt, xác xuất giúp cho Hồ Duy Hải rất cao.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/petition-no-3-on-ho-duy-hai-case-07082020143852.html
12 thuyền viên Việt Nam ở Malaysia
cần được hồi hương khẩn cấp
12 thuyền viên, kể cả thuyền trưởng làm việc trên tàu MV Việt Tín 01 bị mắc kẹt trong vùng biển Malaysia từ hồi giữa tháng 3 cần được khẩn trương hồi hương. Hiện họ đang sống trong tình trạng không có lương và thực phẩm để ăn.
Tờ Malaysiakini, vào ngày 9/7 loan tin vừa nêu.
Tin cho biết 12 thuyền viên Việt Nam trên tàu MV Việt Tín 01 đã kêu cứu qua điện thoại rằng họ bị chủ bỏ rơi, đang phải sống trong hoàn cảnh không có nhiên liệu và hoàn toàn bị mất điện. Nhóm thủy thủ này không có thức ăn, không được nhận lương và không có tiền để thuê tàu chở lên bờ. Đồng thời, lệnh kiểm soát di chuyển (MCO) có hiệu lực, do đó họ cũng không thể rời tàu để lấy thức ăn hay nhận sự trợ giúp về y tế.
Thủy thủ đoàn gồm 12 người Việt Nam đã viết trên thân tàu MV Việt Tín 01 với dòng chữ “Cứu chúng tôi! Không Thức ăn! Không tiền lương!”.
Hiệp hội Người đi biển Quốc gia Malaysia (NUSPM) đã đến thăm và giúp cho gạo, thực phẩm khô vào ngày 23/6. Tổ chức NUSPM cũng đã xin cho tàu MV Việt Tín 01 được phép đậu tại cảng Johor dưới sự hỗ trợ của Cơ quan Thực thi Hàng hải Malaysia.
NUSPM đã gửi thư đến Cục Hàng hải Việt Nam và Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia yêu cầu khẩn trương cho hồi hương 12 thuyền viên này bởi vì họ đang sống trong điều kiện nghiệt ngã như vừa nêu.
NUSPM còn yêu cầu cho 12 thuyền viên được nhận lương ngay lập tức, bởi vì họ khó có thể tìm được việc làm trong đại dịch COVI-19.
NUSPM nhấn mạnh trong thư rằng họ mong muốn Chính phủ Việt Nam thực hiện trách nhiệm theo ký kết về Trách nhiệm Lao động Hàng hải (MLC), là phải cung cấp các tiêu chuẩn tối thiểu cho nhân viên làm việc trên tàu. Nếu như chủ tàu không thực hiện điều này thì chính phủ phải trích từ quỹ Bảo hiểm và Bồi thường do chủ tàu đóng góp để giúp cho các thuyền viên.
Hoa Kỳ lên tiếng quan ngại về việc
Việt Nam kết án Facebooker Nguyễn Quốc Đức Vượng
Hoa Kỳ vào ngày 8 tháng 7 lên tiếng bày tỏ quan ngại sau khi Việt Nam kết án tù thêm một Facebooker, người bày tỏ quan điểm ủng hộ dân chủ trên mạng xã hội. Washington kêu gọi Hà Nội hãy tôn trọng quyền tự do biểu đạt của người dân.
AFP loan tin dẫn phát biểu của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ rằng Washington hết sức quan ngại về tin nhà hoạt động Nguyễn Quốc Đức Vượng bị tuyên án 8 năm tù giam. Mức án dài năm đối với anh này nằm trong chuỗi những vụ bắt bớ và kết án đáng ngại đối với các nhà báo, người viết blog và nhà hoạt động nhằm bác bỏ quyền tự do ngôn luận tại Việt Nam.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ thúc giục chính phủ Hà Nội bảo đảm các hành động và luật pháp, trong đó có Bộ Luật Hình Sự, của Việt Nam phải nhất quán với các qui định trong Hiến Pháp và những nghĩa vụ, cam kết quốc tế mà Hà Nội ký kết.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Human Rights Watch cho biết anh Nguyễn Quốc Đức Vượng, 29 tuổi, từng lên tiếng ủng hộ dân chủ và chia sẻ tin tức về những cuộc biểu tình tại Hong Kong.Anh bị bắt vào tháng 9 năm ngoái và tại phiên xử diễn ra chóng vánh vào sáng ngày 7 tháng 7, Tòa án nhân dân tỉnh Lâm Đồng tuyên cho anh 8 năm tù giam và 3 năm quản chế.
Cáo buộc đối với anh này là “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” theo Điều 117 Bộ luật hình sự.
Trong những tháng gần đây, Việt Nam cho bắt giữ những nhà báo độc lập và những nhà hoạt động trước khi diễn ra đại hội đại biểu toàn quốc đảng cộng sản Việt Nam lần thứ 13, dự kiến được tổ chức vào tháng giêng sang năm.
Xe hơi Nhật Bản hỗ trợ cho trung tâm
phòng chống HIV bị “lột” bảng
để phục vụ cho lãnh đạo tỉnh uỷ Phú Yên
Tin Vietnam.- Sau thông tin ông Lương Minh Sơn, Phó bí thư Tỉnh uỷ Phú Yên đã dùng xe hơi bảng số xanh vào tận cửa phi cơ ở phi trường tỉnh Phú Yên để đón con dâu và cháu gây xôn xao dư luận, thì sau đó nguồn gốc của chiếc xe hơi đã được lộ ra.
Vào ngày 8 tháng 7 năm 2020, trên trang Facebook Trương Châu Hữu Danh cho biết, chiếc xe hơi hiệu Toyota LANDCRUISERPRADO mang bảng số 78A 011-14 mà ông Sơn làm “nóng” dư luận là chiếc xe do phía Nhật Bản tài trợ. Theo Facebooker này, do Việt Nam là nước nghèo nhưng tình trạng lây nhiễm HIV lại khá cao trong cộng đồng, vì vậy các tổ chức quốc tế đã giúp đỡ Việt Nam về y tế, thiết bị và xe cộ.
Trong đó, phía Nhật Bản đã giao chiếc xe Toyota cho Trung tâm phòng chống HIV/AIDS của tỉnh Phú Yên để mỗi lần các chuyên gia quốc tế về đây làm việc thì có xe đi. Chiếc xe này được gắn bảng số xanh mang số 78M-000,86. Tuy nhiên, không hiểu vì nguyên nhân gì mà chiếc xe này lại bị lột bảng số thay bằng bảng 78A 011-14 để phục vụ ông Sơn. Nên khi các chuyên gia y tế quốc tế về tỉnh Phú Yên làm việc thì bị “chưng hửng” không thấy chiếc xe đâu.
Trước đó, vào ngày 6 tháng 7, Facebook Trương Châu Hữu Danh đã loan tải thông tin, hình ảnh ông Sơn đã điều chiếc xe trên vào tận cầu thang của phi cơ để rước con và cháu mình từ Sài Gòn về. Do phải đi chung chuyến bay với con, và cháu ông Sơn nên những hành khách trên phi cơ đã phải dừng lại, nhường đường cho con, cháu của viên quan này.
Thông tin sau đó gây chú ý dư luận mạng xã hội nên vào ngày 7 tháng 7, ông Sơn đã đề nghị công an tỉnh Phú Yên vào cuộc điều tra, làm rõ ai là người đã phát tán thông tin, hình ảnh trên để trả thù. Về phía tỉnh Phú Yên thì khẳng định, ông Sơn đi chữa bệnh về có người thân đi kèm, và việc đưa đón trên là đúng quy định.
An Nhiên
Chính quyền sẽ hoàn tất bồi thường
cho 300 hộ dân Thủ Thiêm trong tháng 9
Trong tháng 9, chính quyền thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM) sẽ hoàn tất bồi thường bằng các hình thức: giao đất nền, căn hộ và đền tiền cho hơn 300 hộ dân thuộc khu 4,3 ha ngoài ranh quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Truyền thông trong nước dẫn lời Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân (UBND) TP HCM Lê Thanh Liêm khi báo cáo Hội đồng Nhân dân TP HCM thông tin vừa nêu, tại cuộc họp sáng ngày 9/7 về chính sách giải quyết bồi thường cho dân Thủ Thiêm nằm ngoài ranh dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm,. Số hộ dân này đã bị thu hồi nhà đất sai qui định.
Ông Liêm cho biết, thành phố đã duyệt điều chỉnh đồ án quy hoạch phân khu Thủ Thiêm, để bố trí tái định cư cho các hộ dân này. Ngoài ra, Ban Quản lý Đầu tư – Xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm cũng
đã điều chỉnh quy hoạch Khu chức năng số 7 trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm và hai lô đất thuộc khu vực kế cận Khu đô thị mới Thủ Thiêm, để bổ sung cho việc bồi thường.
Trước đó, trong tháng 5, UBND thành phố cũng đã phân loại chi tiết 300 hộ dân này để duyệt hệ số hoán đổi để tính đơn giá bồi thường đối với khu đất 4,3 ha.
Cũng theo ông Liêm cho biết, trong tháng 7, UBND quận 2 sẽ hoàn thành việc tiếp xúc từng hộ bị thu hồi nhà đất để hoàn tất hồ sơ để trong tháng 8 và tháng 9 sẽ giao đất nền, căn hộ chung cư và chi trả bổ sung bằng tiền cho các hộ này.
Theo cơ quan chức năng, nguyên tắc quy đổi là, nếu lấy đất bồi thường ở vị trí càng xa trung tâm quận 2, thì diện tích nhận được càng lớn. Ông Liêm cho rằng, nếu người dân đem bán diện tích đất đổi được, số tiền thu về tương đồng với diện tích đất bị thu hồi trong khu 4,3 ha ở thời điểm hiện tại.
Khu đô thị mới Thủ Thiêm là một dự án phát triển đô thị mới tại bán đảo Thủ Thiêm, thuộc Quận 2 đối diện Quận 1 qua sông Sài Gòn. Biện pháp của chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh giải tỏa Thủ Thiêm từ năm 2002 để phục vụ dự án này khiến khoảng 15.000 hộ dân phải di dời. Người dân Thủ Thiêm đã nhiều lần khiếu nại từ cấp thành phố đến trung ương, nhận nhiều lời hứa hẹn của các vị lãnh đạo. Đặc biệt là 300 hộ dân nằm ngoài khu 4,3 hecta.
“Điểm nóng” Đồng Tâm
phải trở thành xã nông thôn mới trong năm 2021
Xã Đồng Tâm, “điểm nóng” nghiêm trọng của huyện Mỹ Đức, Hà Nội phải trở thành xã nông thôn mới (NTM) vào năm 2021.
Đó là đề nghị của Bí thư thành phố Hà Nội Vương Đình Huệ tại đại hội đảng bộ huyện Mỹ Đức diễn ra vào ngày 9 tháng 7.
Theo phát biểu của Bí thư TP Hà Nội được truyền thông trong nước đăng tải thì hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghị quyết của các cấp uỷ Đảng chưa cao; còn không ít đảng viên vi phạm pháp luật nhà nước, bị lợi dụng chuyển hoá thành chống đối, cực đoạn khiến xã Đồng Tâm trở thành “điểm nóng” nghiêm trọng.
Do đó ông Huệ yêu cầu huyện Mỹ Đức tập trung hoàn thành xây dựng 4 xã NTM trong đó riêng xã Đồng Tâm phải trở thành xã NTM vào năm 2021.
Ông Huệ cũng nhấn mạnh lãnh đạo huyện Mỹ Đức phải đối thoại, tiếp công dân và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, giải quyết các vụ tồn đọng.
Ông cũng cho rằng việc chậm giải quyết khiếu nại đất đai và xử lý cán bộ vi phạm trong thời gian dài nên đã để một số đối tượng lợi dụng, chuyển hóa chống đối chính quyền, gây ra “điểm nóng” tại xã Đồng Tâm trong giai đoạn năm 2017, 2019; cũng như việc để lắp đặt, xây dựng, đòi đất trái phép tại nhà văn hóa thôn Hoành đã bộc lộ sự yếu kém của hệ thống chính trị địa phương.
Xã Đồng Tâm là nơi đã xảy ra vụ đụng độ giữa hàng trăm cảnh sát và người dân thôn Hoành vào rạng sáng ngày 9/1, khiến cụ Lê Đình Kình thiệt mạng; 29 người dân thôn Hoành bị bắt và đang đối diện với các mức án cao do bị cáo buộc “giết người” và “chống người thi hành công vụ”.
Vụ án này TAND Hà Nội dự kiến đưa ra xét xử trong tháng 8.
Số phận tòa nhà cổ Sở Hỏa xa Sài Gòn sẽ về đâu?
VNR phản hồi đề xuất của Chính quyền TP.HCM
Báo mạng VnEpress.net, vào ngày 7/7 loan tải thông tin liên quan Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) vừa gửi văn bản phản hồi đề xuất của Ủy ban Nhân dân (UBND) TP.HCM về tòa nhà trụ sở Hỏa xa Sài Gòn.
Sở Hỏa xa Sài Gòn từng được biết đến như là tòa nhà Bureau du Chemin de Fer của Công ty hỏa xa Đông Dương. Tòa nhà này tọa lạc đối diện với Chợ Bến Thành và cùng được khánh thành trong năm 1914.
Hiện tại, tòa nhà trụ sở Hỏa xa Sài Gòn, có địa chỉ ở 136 Hàm Nghi, thuộc trong số 23 công trình kiến trúc nghệ thuật thuộc quận 1 và được Chính quyền TP.HCM đưa vào danh mục di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh giai đoạn 2016 – 2020. Tòa nhà này vẫn mang đậm dấu ấn kiến trúc được xây dựng thời Pháp thuộc.
Trong văn bản gửi đến UBND TP.HCM, VNR xác định rõ toàn bộ tài sản trên đất ở 136 Hàm Nghi đang là tài sản thuộc sở hữu của VNR, theo phê duyệt của Bộ Tài chính.
Tất cả mọi thứ thuộc về di sản văn hóa mà bị mất đi thì luôn để lại trong lòng người Sài Gòn cảm xúc chua xót. Vấn đề ở đây là tòa nhà Hỏa xa này thuộc một trong những loại di sản văn hóa mang tầm thế giới nên ai sở hữu mảnh đất này thì người dân thành phố không quan tâm đâu. Nhưng điều đáng quan tâm là việc tòa nhà này được bảo tồn giống như Bưu điện Thành phố hay Nhà hát Thành phố hay không
-Ông Hồ Thành Giang
VNR cũng khẳng định rằng nếu tòa nhà Sở Hỏa xa Sài Gòn được giao cho Chính quyền TP.HCM thì VNR sẽ gặp khó khăn về trụ sở làm việc, ảnh hưởng đến công tác điều hành vận tải đường sắt.
VNR đã kiến nghị với Bộ Tài chính và Bộ Giao thông-Vận tải để được sử dụng tòa nhà này làm trụ sở của VNR.
Chính quyền TP.HCM đề xuất bảo tồn
Truyền thông quốc nội, hồi cuối tháng 8 năm 2019, dẫn nguồn từ UBND TP.HCM cho biết đã đề nghị với Bộ Giao thông-Vận tải, Bộ Tài chính và VNR về mong muốn tiếp nhận tòa nhà Sở Hỏa xa Sài Gòn để bảo tồn.
Kế hoạch bảo tồn được Chính quyền TP.HCM đưa ra bao gồm hai tầng tòa nhà làm ga trung tâm kết nối với không gian ngầm khu vực Bến Thành và là nơi trưng bày hiện vật lịch sử ngành đường sắt. Phần còn lại của trụ sở sẽ làm Trung tâm điều khiển tích hợp các tuyến đường sắt đô thị. Chính quyền thành phố sẽ tổ chức thi tuyển quốc tế cho thiết kế khu vực nhà ga trung tâm Bến Thành, nhằm mục tiêu chọn lựa ra phương án bảo tồn tối ưu.
Đài RFA ghi nhận qua phản hồi vừa nêu của VNR, không ít người bày tỏ sự lo ngại về số phận của tòa nhà lịch sử Sở Hỏa xa Sài Gòn sẽ về đâu?
Kiến trúc sư Duy Black, từ Sài Gòn lên tiếng về quan ngại không chỉ của riêng cá nhân mình:
“Tại vì thực chất không chỉ người dân mà cả những người có chuyên môn về lịch sử và văn hóa đều đã lên tiếng. Nhưng bây giờ VNR, đơn vị sở hữu gần như nói ngang như thế thì mọi người có thể hiểu là hiện tại tòa nhà đang nằm ở vị trí đắt địa, mang lại lợi nhuận cao nếu như ai sở hữu và đầu tư vào đó.”
Tiến sĩ Nguyễn Đức Hiệp, một chuyên gia có nhiều nghiên cứu về đô thị Sài Gòn, đang làm việc ở Australia, được VnExpress dẫn lời rằng nếu như VNR vì lợi nhuận mà phá bỏ đi tài sản mang giá trị lịch sử thì đó không chỉ là tính toán sai lầm của công ty về lâu dài, mà còn là sự mất mát lớn vì tòa nhà hỏa xa là biểu tượng, đặc trưng của Sài Gòn.
Đồng quan điểm với tiến sĩ Nguyễn Đức Hiệp, kiến trúc sư Duy Black tiếp lời:
“Về mặt chính quyền, kể cả UBND lên tiếng hay không thì tôi cho rằng bản thân họ đều nhận thức được những công trình đó có tầm quan trọng thế nào đối với sự phát triển về lịch sử và văn hóa của thành phố hiện tại. Mất hay không mất thì tùy thuộc vào ‘nội bộ’, chứ thật sự người dân như chúng tôi thì gần như là bất khả kháng. Nói chung, người dân không có một tác động bất kỳ nào vào quyết định của họ hết. Những người đã sống lâu năm và có kiến thức cơ bản thì họ rất tiếc về sự mất mát những công trình gắn liền với lịch sử phát triển của từng vùng đất đang dần mất đi.”
Trách nhiệm bảo tồn thuộc về cơ quan nào?
Ông Hồ Thành Giang, một người dân cư ngụ và làm việc gần 3 thập niên ở Sài Gòn, và cũng là một người quan tâm về văn hóa, vào tối hôm 8/7 chia sẻ với RFA về ghi nhận của ông liên quan tòa nhà lịch sử hơn trăm tuổi Sở Hỏa xa Sài Gòn.
“Thành phố Hồ Chí Minh, Sài Gòn là trung tâm văn hóa lớn không chỉ của phía Nam, Việt Nam mà còn là cửa ngỏ giao thương và giao lưu văn hóa giữa rất nhiều nước trên thế giới chứ không phải chỉ Việt Nam không thôi. Cho nên giá trị của những di tích, di sản văn hóa để lại từ lâu thì mang ý nghĩa không chỉ ở cái tầm trong nước Việt Nam mà vươn tầm giá trị ra quốc tế. Tất cả mọi thứ thuộc về di sản văn hóa mà bị mất đi thì luôn để lại trong lòng người Sài Gòn cảm xúc chua xót. Vấn đề ở đây là tòa nhà Hỏa xa này thuộc một trong những loại di sản văn hóa mang tầm thế giới nên ai sở hữu mảnh đất này thì người dân thành phố không quan tâm đâu. Nhưng điều đáng quan tâm là việc tòa nhà này được bảo tồn giống như Bưu điện Thành phố hay Nhà hát Thành phố hay không?”
Là một người sinh trưởng ở thành phố Đà Lạt, ông Giang nhắc lại một vụ việc cũng liên quan ngành đường sắt, mà ông nhấn mạnh đó là một bài học quý giá.
“Ở Đà Lạt đã xảy ra những việc rất đau xót. Trước đây tuyến đường sắt Phan Rang-Tháp Chàm đi lên Đà Lạt là một tuyến đường rất nổi tiếng. Nổi tiếng không phải vì tuyến đường ray quá dài hay quá ngắn mà vì đó là tuyến đường ray răng cưa để đi lên đèo. Lúc tuyến đường này không còn hoạt động nữa thì tất cả đường ray răng cưa đều bị tháo dỡ để phục vụ cho mục đích khác. Cái đầu máy hơi kéo xe lửa, do không sử dụng cho đường ray răng cưa nữa nên cũng bị rơi vào quên lãng. Và, khi người Thụy Sĩ mua lại cái đầu máy đó, đem về nước bảo tồn thì chúng ta hiểu rằng không phải vô lý mà họ lặn lội xa xôi đến Việt Nam để mua một đống sắt cũ mang về Thụy Sĩ. Khi thấy người ta bỏ tiền ra mua như vậy thì chúng ta mới ngỡ ngàng nhận ra đã đánh mất một tài sản văn hóa rất lớn mà chúng ta có thể không bao giờ hoặc dù có rất nhiều tiền cũng không thể mua lại được những di sản đó.”
Cư dân Sài Gòn, ông Hồ Thành Giang cho rằng nếu như VNR sở hữu và vẫn bảo tồn mà không thay thế Sở Hỏa xa Sài Gòn bằng một tòa nhà có kiến trúc hiện đại hơn thì cũng không phải là xấu. Tuy nhiên, ông Giang khẳng định điều mà người Sài Gòn quan tâm hơn hết là cần phải minh bạch và rõ ràng liên quan cơ quan nào sở hữu và mục đích sở hữu là gì.
Ý kiến của kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn được VnExpress đăng tải là Chính quyền TP HCM cần đưa công trình này vào danh sách cần được giữ gìn, để có hành lang pháp lý bảo tồn tòa nhà. Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn lập luận rằng một khi đã có cơ sở pháp lý thì dù UBND TP.HCM hay VNR quản lý đều phải tuân thủ quy định bảo tồn.
Kiến trúc sư Sơn Đặng, đang làm việc tại New York, Hoa Kỳ, qua ứng dụng messenger, nêu lên quan điểm của ông với RFA trong việc bảo tồn tòa nhà Sở Hỏa xa Sài Gòn:
Theo tôi, cần đưa toà nhà Hoả xa vào danh sách các di sản cấp quốc gia cần được bảo tồn. Đi kèm là một quy chế liên quan đến việc bảo tồn không chỉ bản thân trụ sở toà nhà mà còn là vùng bao cảnh xung quanh. Điều này sẽ khiến cho bất kỳ đơn vị quản lý tài sản công này không thể vượt quá thẩm quyền và tự ý đập phá hoặc tuỳ tiện cơi nới hoặc xây thêm cao ốc ở phần đất trống trong khuôn viên
-Kiến trúc sư Sơn Đặng
“Theo tôi, cần đưa toà nhà Hoả xa vào danh sách các di sản cấp quốc gia cần được bảo tồn. Đi kèm là một quy chế liên quan đến việc bảo tồn không chỉ bản thân trụ sở toà nhà mà còn là vùng bao cảnh xung quanh. Điều này sẽ khiến cho bất kỳ đơn vị quản lý tài sản công này không thể vượt quá thẩm quyền và tự ý đập phá hoặc tuỳ tiện cơi nới hoặc xây thêm cao ốc ở phần đất trống trong khuôn viên.”
Đài RFA đã gửi thư điện tử (email) tới Sở Văn hóa-Thể thao TP.HCM để hỏi thêm thông tin về sự phối hợp giữa VNR với Chính quyền thành phố trong việc tìm giải pháp bảo tồn tòa nhà Sở Hỏa xa. Tuy nhiên, đến cuối ngày 8/7, chúng tôi vẫn chưa nhận được hồi đáp nào từ cơ quan này.
Trong khi đó, rất nhiều độc giả chia sẻ trên trang fanpage của VnExpress rằng họ mong muốn tòa nhà Sở Hỏa xa Sài Gòn chắc chắn phải được bảo tồn với “vẻ đẹp và bền bỉ cùng thời gian như thế”. Hay, ông Hồ Thành Giang và kiến trúc sư Duy Black có niềm tin rằng các cấp lãnh đạo có thẩm quyền và các cơ quan hữu trách sẽ suy xét và quyết định thật thấu đáo, nhân văn đối với các di sản lịch sử văn hóa tại thành phố Sài Gòn. “Hy vọng là không có những thương xá Tax hoặc công trình biệt thự cổ đang dần bị phá hủy sẽ xảy ra với tòa nhà Hỏa xa Sài Gòn”.
Đại dịch COVID-19
có là cơ hội để chuyển đổi số cho Việt Nam?
“Việt Nam có lợi thế so sánh về chuyển đổi số, đồng thời có nhiều doanh nghiệp viễn thông và Công nghệ Thông tin (CNTT) mạnh. Đây là lúc phát huy để bứt phá vươn lên, thay đổi thứ hạng. Đại dịch COVID-19 vừa qua là cơ hội và ‘cú hích trăm năm’ để đẩy nhanh và toàn diện chuyển đổi số trên bình diện toàn quốc gia, cả kinh tế, xã hội, cả nhà nước, doanh nghiệp, cả cộng đồng và người dân.”
Đó là phát biểu của ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và phương hướng 6 tháng cuối năm của ngành TT&TT, được tổ chức ở Hà Nội sáng ngày 6 tháng 7 năm 2020.
Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 8 tháng 7 năm 2020, ông Nguyễn Tử Quảng, Chủ tịch Tập đoàn Công nghệ BKAV cho biết, thời gian vừa qua ngành công nghệ thông tin ở Việt Nam không bị ảnh hưởng nhiều bởi Covid-19, thậm chí nó còn tạo ra cơ hội mới cho lĩnh vực công nghệ thông tin ở Việt Nam. Trong mấy tháng cách ly xã hội, các công ty công nghệ như BKAV phải hoạt động gấp đôi ngày thường, để cung cấp ra các dịch vụ như họp trực tuyến, học tực tuyến, hay những công việc phục vụ chống dịch. Liên quan phát biểu của Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, ông nhận định:
“Tôi cũng nhất trí với ý kiến của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, bởi vì như đã biết, Việt Nam hiện không phải là nền kinh tế phát triển, do đó việc ứng dụng công nghệ thông tin cũng như sử dụng công nghệ để phát triển kinh tế thì chắc chắn như những nước phát triển. Thế thì vấn đề nằm ở đâu khi đội ngũ các bạn trẻ yêu thích công nghệ, yêu thích toán học rất nhiều, rất là có tiềm năng trong lĩnh vực này. Tuy nhiên nhận thức của nhà nước chưa tương xứng, nhưng qua đợt dịch này thì nó là một cú hích thật sự, nó thay đổi toàn bộ suy nghĩ của xã hội, kể cả người dùng Việt Nam về lĩnh vực công nghệ. Vừa rồi, tất cả học sinh học online, các phụ huynh cũng tham gia vào việc đó, họ cảm thấy nó rất tốt, trong khi lúc trước thì không thể nào vận động họ như vậy.”
Cơ hội sẽ đi kèm thử thách, cơ hội đến càng nhiều thì thử thách sẽ càng nhiều. Nhà nước muốn làm được thì phải đáp ứng được, cố gắng làm nhưng chưa chắc làm được, đâu thể khẳng địch 100% là như vậy được.
-Diệp Quang Văn
Cũng tại Hội nghị của ngành Thông tin và Truyền thông, ông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu cho rằng, các doanh nghiệp và đơn vị trong ngành cần tận dụng cơ hội này để chuyển đổi số, áp dụng mô hình quản trị mới, mô hình kinh doanh mới, mở rộng không gian, sáng tạo sản phẩm và dịch vụ mới dựa trên dữ liệu và công nghệ số…
Ông Diệp Quang Văn, giám đốc một công ty Công nghệ Thông tin ở Bình Dương, khi trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 8 tháng 7 năm 2020, nhận định:
“Về mảng công nghệ thông tin của mình thì không bị ảnh hưởng, vì làm việc tại chỗ, bản thân đã cách ly… khách hàng cũng có thể sử dụng, làm việc từ xa. Càng bị ảnh hưởng bởi Covid-19 thì người ta càng tìm cách lên mạng, mua bán trên mạng, nên nó hoạt động mạnh mẽ hơn những lúc bình thường. Bên mình thì hiện chưa có cú hích gì mới, nhưng có lẽ nhà nước thấy được cái hướng để đầu tư pháp triển.”
Ông Diệp Quang Văn cho rằng nhận định của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đi đúng hướng và cũng không phải là lố hay sai… Tuy nhiên ông nói tiếp:
“Cơ hội sẽ đi kèm thử thách, cơ hội đến càng nhiều thì thử thách sẽ càng nhiều. Nhà nước muốn làm được thì phải đáp ứng được, cố gắng làm nhưng chưa chắc làm được, đâu thể khẳng địch 100% là như vậy được. Chuyện muốn làm và kết quả khi thực hiện là hai câu trả lời hoàn toàn khác nhau.”
Đây không phải là lần đầu tiên Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đưa ra những phát biểu màu hồng, lạc quan. Trước đây ông và các vị lãnh đạo Việt Nam từng cho rằng Việt Nam sẽ thành cường quốc CNTT, hay cường quốc an ninh mạng… hay ca tụng về các cổng thông tin trực tuyến của các cơ quan bộ ngành đã đem đến sự tiện lợi cho người dân.
Thậm chí, ông Vũ Thanh Lưu Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh, khi phát biểu tại Hội nghị sơ kết kết quả thực hiện đánh giá hài lòng của người dân, doanh nghiệp, còn cho rằng, có đến hơn 98% người dân được khảo sát trong năm 2019 cảm thấy hài lòng và rất hài lòng về thủ tục hành chính công trực tuyến.
Một người dân ở Sài Gòn không muốn nêu tên, khi trả lời Đài Á Châu Tự Do, nhận định về việc chuyển đổi số của Việt Nam thời gian qua:
“Việc giải quyết giấy tờ qua mạng đúng ra phải phải quyết từ lâu rồi, thời buổi thông tin internet mà. Phát triển thì cũng giúp cho người dân một ít thời gian, đỡ mất công đi lại, cái đó thì có. Nhưng lại nảy sinh ra tiêu cực khác, chẳng hạn rồi cũng phải đích thân đi lấy, nhiều khi có khâu còn bị tiền cò… hay phải tốn thêm lệ phí để chuyển về nhà. Nhưng không phải ai cũng làm được, trừ một số người thành thạo vi tính… tin học thì người ta mới làm được.”
Tuy nhiên theo ông Nguyễn Tử Quảng, trong giai đoạn vừa qua, chính phủ Việt Nam đã thay đổi nhận thức. Tức là vì tình huống dịch Covid-19 nên chính phủ đã sử dụng công nghệ thông tin trong đợt dịch để họp hành, hay chống dịch… nó giúp thay đổi nhận thức của những người lãnh đạo cấp cao nhất, vì vậy họ sẽ để ý hơn đến lĩnh vực công nghệ thông tin. Chẳng hạn như vừa rồi, chính thức chính phủ ra chính sách về chuyển đổi số quốc gia, đó sẽ là cơ sở để phát triển lĩnh vực này. Tuy nhiên ông cũng nhìn nhận cũng còn hạn chế, còn một số doanh nghiệp công nghệ thông tin nhỏ gặp khó khăn, vì việc đầu tư bị gián đoạn, bị giảm sút, nên sẽ có một số doanh nghiệp bị ảnh hưởng.
Nhận thức của nhà nước chưa tương xứng, nhưng qua đợt dịch này thì nó là một cú hích thật sự, nó thay đổi toàn bộ suy nghĩ của xã hội, kể cả người dùng Việt Nam về lĩnh vực công nghệ.
-Nguyễn Tử Quảng
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho rằng, các đơn vị trong ngành Truyền thông, Thông tin phải có một sứ mệnh mới, 6 tháng đầu năm là tập dượt, 6 tháng cuối năm là bứt phá vươn lên, chuyển đổi số để giúp đất nước bứt phá vươn lên…
Thực tế Việt Nam có cơ sở để thực hiện ước mơ như Bộ trưởng Hùng mong muốn?
Chuyên gia công nghệ thông tin Hoàng Ngọc Diêu, từ Sydney, Úc khi trao đổi với RFA cho rằng, muốn chuyển đổi đòi hỏi rất nhiều yếu tố và thời gian, ông nói tiếp:
“Cái này nó có nhiều khía cạnh trong đó, nó không chỉ liên quan đến vấn đề cơ sở hạ tầng, mà nó còn liên quan đến pháp luật và tư duy của người Việt trong nước, chứ không phải muốn tuyên bố cái gì thì nó có cái đó. Không có một chính sách nhất quán, thì không thể nào nó có thể phát triển công nghệ thông tin như một công tắc ‘switch on switch off’ được. Rào cản tâm lý cho người trong nước là tự nhiên họ sẽ e dè, họ thấy cái luật an ninh mạng như cái thòng lòng treo lơ lửng trước mặt họ. Họ thấy chuyện gì họ cũng có thể dính vô luật an ninh mạng thì làm sao họ có thể có tự do để sáng tạo và phát triển được, thì làm sao mở cửa để phát triển được?”
Theo ông Hoàng Ngọc Diêu, phải thay đổi cơ chế, thậm chí phải thay đổi cả một chế độ thì mới có thể thực hiện như lời các vị lãnh đạo Việt Nam tuyên bố, nếu không thì sẽ vẫn tiếp tục như từ trước đến giờ. Theo ông Diêu, không biết bao nhiêu ông lãnh đạo cứ tuyên bố trong vòng 10 năm, 20 năm sẽ thế này thế kia… nhưng cho đến bây giờ những thứ đã tuyên bố đó vẫn chưa thấy thực hiện được.
Từ Na Uy hôm 8/7, Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ nhận định với RFA qua tin nhắn liên quan vấn đề này:
“Đúng là đại dịch Covid-19 cùng với việc giãn cách xã hội thúc đẩy các cơ quan và tổ chức dùng nhiều hơn các ứng dụng để làm việc cùng nhau qua Internet. Tuy vậy, sẽ là một sự lạc quan quá trớn nếu cho rằng đại dịch có thể cung cấp một cú hích trăm năm để đẩy nhanh và toàn diện chuyển đổi số.
Có vài khó khăn mang tính cấu trúc và hệ thống mà những nước đang phát triển thường đối diện khi thực hiện chuyển đổi số và do đó nó khiến cho việc chuyển đổi không thể nhanh, cũng không thể toàn diện mà việc chuyển đổi là một quá trình tiệm tiến, lan toả từ từ, từng bước một.
Thứ nhất là hạ tầng viễn thông và Internet. Ở các thành phố lớn, mạng Internet đã dần trở nên phổ biến, tuy vậy, ở các vùng xa hơn việc tiếp cận được Internet tốc độ ổn định vẫn còn là một điều thách thức.
Thứ hai đó là thói quen và điều kiện để tiếp cận được mạng Internet. Việt nam có một lợi thế là một nửa dân số là trẻ và thành thạo với việc sử dụng máy vi tính và mạng Internet. Tuy vậy đối với một nửa dân số lớn tuổi còn lại, việc sử dụng máy vi tính và các ứng dụng kỹ thuật số là một thách thức cực kỳ lớn đối với họ. Đó là chưa kể nhiều hộ gia đình không đủ điều kiện để có một cuộc sống cơ bản bình thường, và mạng Internet là một điều quá xa xỉ đối với họ.
Thứ ba đó là đội ngũ nhân lực để phát triển những hệ thống số ứng dụng cho quốc gia. Việc một vài tổ chức dùng các ứng dụng số để thực hiện các hoạt động thường nhật của mình như phối hợp làm việc, hay giảng dạy trực tuyến… chỉ là phần nổi của việc áp dụng các ứng dụng. Trong khi đó, việc lập trình và triển khai các ứng dụng kỹ thuật số trên bình diện quốc gia đòi hỏi một sự chuẩn bị công phu hơn gấp nhiều lần. Nó cần những công ty lập trình các ứng dụng, các công ty khác lưu trữ và xử lý dữ liệu…Và để có được một lực lượng nhân lực như vậy, chính phủ cần phải nuôi dưỡng và hỗ trợ trong rất nhiều năm.”
Theo Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ, rào cản cuối cùng đó là lực lượng công chức. Không phải tất cả các công chức đều có thể sử dụng thành thạo máy vi tính và các thành phần ứng dụng. Và việc đào tạo họ để làm quen với máy tính không phải là một việc dễ dàng. Đó là chưa kể có những trường hợp các công chức cố tình ngăn cản việc triển khai các hệ thống ứng dụng số vì lo ngại rằng một khi các ứng dụng như vậy đưa vào làm việc thì cơ hội để các nhân viên lợi dụng tham nhũng sẽ không còn nữa.
Cho nên Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ cho rằng, trong điều kiện của Việt Nam việc chuyển đổi chỉ có thể diễn ra một cách từ từ và từng khu vực.
Bộ Y tế hỗ trợ hơn 10 triệu vaccine
chống bạch hầu cho 4 tỉnh Tây Nguyên
Bộ Y tế Việt Nam vào chiều 9/7 đã mở chiến dịch chống dịch bạch hầu được cho là có quy mô lớn nhất từ trước đến nay với việc hỗ trợ hơn 10 triệu vaccine cho người dân 4 tỉnh Tây Nguyên.
Báo trong nước trích nội dung buổi làm việc của Bộ Y tế với các tỉnh Tây Nguyên, Quảng Nam, Quảng Ngãi loan tin trong cùng ngày.
Tin cho biết, chiến dịch này dự kiến sẽ tiêm chủng gần 120.500 liều vaccine 5 trong 1; hơn 279.000 liều vaccine DPT và hơn 10 triệu liều vaccine Td tại 4 tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum và Đắk Nông.
Dự tính có gần 4,7 triệu người tại 4 tỉnh vừa nêu sẽ được tiêm các mũi vaccine khác nhau để phòng chống dịch bạch hầu.
Cụ thể, trẻ từ 2-18 tháng tuổi tiêm 1 mũi vaccine 5 trong 1; trẻ từ 19-48 tháng tuổi tiêm 1 mũi vaccine DPT (vaccine chống bạch hầu, ho gà, uốn ván); người từ 48 tháng tuổi trở lên tiêm 12 mũi vaccine Td (mũi thứ hai cách mũi thứ nhất 1 tháng).
Phát biểu tại buổi làm việc 9/7, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế – GS.TS Nguyễn Thanh Long cho biết bạch hầu là bệnh truyền nhiễm, nhưng đã có vaccine điều trị và thuốc đặc dụng. Do đó, muốn ngăn chặn nhanh thì khi phát hiện phải điều trị ngay và dự phòng cho toàn khu vực, ngăn ngừa biến chứng, lây nhiễm.
Thống kê của Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế tính tới ngày 8/7 cho biết có 68 ca dương tính với bạch hầu tại khu vực Tây Nguyên với 3 trường hợp tử vong. Trong đó, Đắk Lắk là tỉnh mới nhất ghi nhận ca mắc đầu tiên, Đắk Nông có 27 ca, Gia Lai có 16 ca, Kon Tum có 24 ca.
Công an CSVN chuẩn bị
lập lực lượng mới để kìm kẹp dân
Tin từ Việt Nam: Bộ công an cộng sản Việt Nam có kế hoạch thành lập một lực lượng mới với quân số lên tới 750,000 nhằm thắt chặt hơn nữa kiểm soát xã hội nhằm đối phó với sự gia tăng bất ổn xã hội.
Lực lượng này có tên là “Lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự” được xây dựng từ 550,000 dân phòng, 73,000 bảo vệ dân phố, và 126,000 công an bán chuyên trách. Bộ công an công bố dự thảo kế hoạch trên website của bộ và thu thập ý kiến của công chúng về kế hoạch này.
Theo một số nhà hoạt động xã hội thì đây là một cố gắng tăng quyền lực của bộ công an, sẽ làm cho ảnh hưởng của bộ này tăng quá đáng so với các bộ khác và làm méo mó bản thân chính quyền. Chi phí cho lực lượng công an vốn đã quá cao sẽ còn tăng hơn nữa, tăng gánh nặng cho ngân sách của quốc gia.
Tiến sỹ Nguyễn Quang A, một nhà bất đồng chính kiến nói rằng nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam không cần lực lượng này vì mục đích chính của nó là đàn áp nhân quyền từ cấp cơ sở. Cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Hữu Vinh, người từng là thiếu tá công an cộng sản, nói rằng việc thành lập lực lượng công an mới này sẽ làm bộ máy công an phình to.
Đảng cộng sản cầm quyền luôn coi công an là thanh kiếm để bảo vệ chế độ. Lực lượng này nhận được nhiều ưu đãi và sẵn sàng nổ súng vào dân thường mà vụ thảm sát Đồng Tâm ngày 09/1/2020 là một ví dụ rõ nét.
Quốc Tuấn
https://www.sbtn.tv/cong-an-csvn-chuan-bi-lap-luc-luong-moi-de-kim-kep-dan/
Rò rỉ thông tin và đấu đá nội bộ trong đảng!
Diễm Thi, RFA
Thông tin rò rỉ từ đâu?
Quyết định thôi chức Bí thư Quảng Ngãi nhiệm kỳ 2015-2020 đối với ông Lê Viết Chữ được Bộ chính trị chính thức đưa ra hôm 8 tháng 7, nhưng văn bản được cho là Quyết định cho thôi chức này được lan truyền trên mạng xã hội trước khi tin chính thức được đưa ra.
Truyền thông trong nước dẫn lời một lãnh đạo Tỉnh ủy Quảng Ngãi rằng, đây là thông tin nội bộ trong đảng, văn bản trên chỉ lưu hành nội bộ, chưa được công bố. Hiện công an tỉnh Quảng Ngãi đang điều tra nguyên nhân văn bản trên bị rò rỉ, lan truyền trên mạng xã hội.
Giáo sư Nguyễn Đình Cống nhận định về việc này rằng, tin ông Chữ mất chức bị rò rỉ ra sớm chứng tỏ trong nội bộ có một số người rất muốn chuyện đó. Không việc gì phải mất công điều tra. Nếu có điều tra thì chính những kẻ chủ trương điều tra là muốn đấu đá nội bộ. Giáo sư Nguyễn Đình Cống phân tích thêm:
“Cái công văn thôi chức là chuyện rõ ràng. Dù đưa ra trước hay sau thì cũng là chuyện thôi chức. Đấu đá nội bộ là chuyện dìm người này xuống, đưa người kia lên. Họ lấy khuyết điểm, tội trạng của một anh nào đấy mà chưa ai ở ngoài biết tung lên để làm mất uy tín ai đó thì mới gọi là đấu đá nội bộ. Chứ công văn cho thôi chức bí thư tỉnh ủy thì tôi không cho đó là đấu đá nội bộ.”
Quy định số 47-QĐ/TW về những điều đảng viên không được làm nêu rõ, đảng viên không được cung cấp, để lộ, làm mất hoặc viết bài, đăng những thông tin, tài liệu bí mật của Đảng và Nhà nước, những việc chưa được phép công bố ra ngoài phạm vi (nội dung, đối tượng) cho phép.
Theo nhận định của một số nhà quan sát chính trị trong nước, đa số những thông tin bị rò rỉ là do chính những người trong đảng đưa ra chứ người ngoài khó thể có được.
Giáo sư Nguyễn Đình Cống nêu những khả năng thông tin nội bộ có thể rò rỉ ra ngoài:
“Công văn lưu hành nội bộ bị rò rỉ ra ngoài thì có ba khả năng: Một là người bên trong đưa ra vì một động cơ nào đấy. Hai là người bên ngoài có liên quan, có quan tâm người ta có thể tìm cách ăn cắp, tìm cách sao chụp (đánh cắp theo kiểu gián điệp). Một nguyên nhân thứ ba cũng có thể xảy ra, nhưng ít thôi, đó là do sơ suất nào đó mà tài liệu bị rơi trong quá trình di chuyển, một người nào đó đọc được và thông tin lan truyền ra ngoài. Như vậy không nhất thiết có người bên trong đưa ra thì thông tin mới bị rò rỉ, nhưng khả năng người bên trong đưa ra vẫn là lớn nhất.”
Tại hội nghị tuyên truyền Luật Phòng, chống tham nhũng, tập huấn công tác bảo vệ bí mật nhà nước diễn ra vào ngày 19 tháng 8 năm 2019, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân phát biểu, bí mật nhà nước là một trong những nội dung mà các thế lực thù địch thường xuyên thu thập nhằm chống phá, đả kích đảng và Nhà nước.
Lúc đó, Luật sư Lê Công Định khẳng định với RFA rằng, người dân hoàn toàn không có khả năng thu thập được những thông tin gọi là bí mật của nhà nước, trừ khi chính những quan chức trong bộ máy đó cố tình tung ra bên ngoài để tấn công những đối thủ chính trị ở trong đảng của họ.
Đấu đá nội bộ trong đảng
Có thể nhận thấy trước mỗi kỳ đại hội đảng, nhiều thông tin được coi là ‘mật’ được tung để bôi nhọ hoặc làm mất uy tín của các lãnh đạo qua các trang mạng xã hội. Ví dụ trang “Chân dung quyền lực” xuất hiện vào khoảng tháng 10 năm 2014, trước Hội nghị Trung ương 10 chuẩn bị nhân sự cho Ðại Hội đảng khóa 12 diễn ra vào đầu năm 2016. Trang này từng loan báo chính xác ngày giờ ông Nguyễn Bá Thanh được chở về Việt Nam, trong khi báo chí nhà nước không đưa một tin tức nào.
Theo nhận xét của nhiều người lúc bấy giờ, nếu không có người trong nội bộ đảng đưa ra thì không ai có thể biết, có thể lấy được những thông tin như thế.
Blogger Người Buôn Gió từng xác nhận với RFA, ông nhiều lần nhận được các thông tin, tài liệu mật về các cán bộ thuộc hàng cấp cao trong đảng và các tài liệu này đều do các cán bộ bên trong đảng đưa ra để đấu đá nhau do tranh chức tranh quyền, hạ bệ lẫn nhau.
Trung tá quân đội, bác sĩ Đinh Đức Long cho rằng, những chuyện này không có gì mới mà nó “xưa như trái đất”:
“Theo tôi, bản chất vấn đề như một câu nói nổi tiếng của ông Mao Trạch Đông là ‘trong đảng thì có phái mà ngoài đảng thì có đảng’. Phái này chơi phái kia. Khi có xung đột lợi ích thì sẽ có chia rẽ. Bản chất vấn đề là có chia rẽ trong nội bộ, mà chia rẽ trong nội bộ thì họ ‘chơi’ nhau bằng hình thức rò rỉ thông tin, vu khống nhau, hạ nhau hoặc thủ tiêu nhau. Những cái đó nó xưa như trái đất rồi!”
Ông Đinh Đức Long nói thêm rằng, ở Việt Nam mọi phát ngôn, tuyên bố… đều là độc quyền của đảng cộng sản Việt Nam, kể cả nói dối, lừa đảo…, ví dụ ông Hồ Chí Minh chết ngày 02 tháng 9 năm 1969, nhưng đảng lại nói là chết vào ngày 03 tháng 9 năm 1969 mà chả ai làm gì được đảng cả.
Trở lại trường hợp ông Lê Viết Chữ. Với cương vị là Ủy viên trung ương đảng, Bí thư Tỉnh ủy, ông Lê Viết Chữ trong thời gian tại chức đã điều động cán bộ của tỉnh đi công tác, học tập ở nước ngoài không đúng tiêu chuẩn; cho thuê đất và giao đất cho doanh nghiệp không qua đấu giá quyền sử dụng đất; ký văn bản và trực tiếp chỉ đạo giải quyết các kiến nghị của doanh nghiệp không đúng thẩm quyền …
Tại phiên họp diễn ra vào ngày 16 tháng 6 năm 2020, Bộ Chính trị đã quyết định thi hành kỷ luật ông Lê Viết Chữ bằng hình thức cảnh cáo, do ông Chữ đã nghiêm túc, nhận thức rõ trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm và tự nhận hình thức kỷ luật. Trước đó, Bộ Chính trị khẳng định vi phạm của ông Chữ là nghiêm trọng đến mức cần phải xử lý kỷ luật nghiêm minh theo quy định của Đảng. Sau đó, ông Lê Viết Chữ có đơn xin thôi không giữ các chức vụ.
Như vậy, việc ông Chữ nhận quyết định thôi chức Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi không có gì là bí mật. Vấn đề là thông tin bị lộ ra trước khi nó được công bố chính thức. Ông Đinh Đức Long cho rằng, sự việc không đơn giản như vậy. Ông giải thích:
“Nhìn chung có những trường hợp đã có quyết định cho thôi việc nhưng họ lại chạy lên cấp cao hơn nên quyết định có thể thay đổi. Nghĩa là quyết định chưa công khai, công bố thì vẫn có thể thay đổi được. Trong thực tế lịch sử đảng cộng sản Việt Nam đã có sự thay đổi rồi. Dự kiến như vậy nhưng phút chót thay đổi ngược lại.”
Theo thông tin từ Tuổi Trẻ Online, trang tin này nhiều lần liên hệ ông Chữ cũng như nhiều lần liên hệ Tỉnh ủy Quảng Ngãi để xác nhận thông tin ông Chữ được Bộ Chính trị chấp thuận cho thôi chức vụ. Tuy nhiên cả hai nơi đều không trả lời vấn đề này.
Ai mới là kẻ khiến Biển Đông trở nên nguy hiểm?
Ngô Vương Quyền
Trang China Military online của quân đội Trung Quốc ngày 7/7 đăng bài viết của ông Ngô Sĩ Tồn, Viện trưởng Viện nghiên cứu Biển Hoa Nam (Biển Đông) tại Hải Nam (Trung Quốc) nhận định rằng những thay đổi mới ở Biển Đông là đáng lo ngại.
Ông Ngô Sĩ Tồn cho rằng nguyên nhân dẫn đến những thay đổi đáng lo ngại ở biển Đông là do: i) Mỹ kích động “quân sự hóa Biển Đông”; ii) Các nước ASEAN bao gồm Malaysia, Philippines, Việt Nam và Indonesia đã “thông đồng” với Mỹ trong việc chống lại Trung Quốc. Tuy nhiên, sự thực có như ông Ngô Sĩ Tồn nói hay là ông Ngô Sĩ Tồn đã bẻ cong sự thật?
Ai mới là người kích động “quân sự hoá” ở biển Đông?
Mới đây, Trung Quốc đã tiến hành tập trận đồng loạt trên biển. Truyền thông Trung Quốc rầm rộ quảng cáo cuộc tập trận của hải quân Trung Quốc “được tiến hành đồng loạt” từ Bắc xuống Nam ở ba vùng biển: Hoàng Hải đối mặt với bán đảo Triều Tiên, Hoa Đông đối diện với Nhật Bản và Biển Hoa Nam (Biển Đông). Việc cùng lúc tổ chức 3 cuộc tập trận trên 3 vùng biển khác nhau là điều hiếm khi xảy ra, chứa đựng ý nghĩa thị uy sức mạnh và tầm ảnh hưởng của Trung Quốc trên các vùng biển này trong bối cảnh căng thẳng Mỹ-Trung leo thang.
Các cuộc tập trận này mà báo chí Trung Quốc gọi là “tam đại chiến địa” (ba vùng chiến trận lớn) có hai mục tiêu: Bên ngoài nhằm cảnh báo quốc tế, bên trong để đánh lạc hướng dư luận đang có nhiều căng thẳng.
Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) cho biết một tàu khu trục tên lửa và hai máy bay trực thăng đã thực hành “bắt giữ các tàu lạ” ở Biển Hoa Đông. Cuộc tập trận này được cho là được thiết kế để phù hợp với các vùng biển gần Đài Loan và Quần đảo Senkaku của Nhật Bản mà Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền và gọi là Điếu Ngư. Ở Hoàng Hải và Biển Đông, hải quân Trung Quốc sử dụng đạn thật. Tuy nhiên, tại Biển Đông, Trung Quốc cấm tàu cá lai vãng trong khu vực quần đảo Hoàng Sa, cùng với thời gian hải quân Trung Quốc tập trận, Mỹ đưa vào vùng này 2 tàu sân bay cùng 2 hải đội tấn công.
Một nguồn tin quân sự Trung Quốc tiết lộ các cuộc diễn tập diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Bắc Kinh với Mỹ và Ấn Độ đang leo thang, do đó có những sự lo ngại nhất định trong nội bộ Trung Quốc và buộc nước này phải đẩy căng thẳng ra bên ngoài.
Quả thật, việc thể hiện thái độ cứng rắn về đối ngoại cũng là một cách để chuyển hướng dư luận chỉ trích trong nước.
Hồi tháng 6/2020, Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì đã đi thăm Mỹ và tiến hành hội đàm với Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nhằm làm dịu căng thẳng giữa hai nước, song cuộc gặp này đã kết thúc mà dường như không có kết quả nào. Sau khi Bắc Kinh thông qua Luật an ninh quốc gia về Hong Kong, phản ứng của Mỹ, phương Tây và cả Nhật Bản với Trung Quốc ngày càng mạnh hơn. Hôm 2/7, Thượng viện Mỹ đã thông dự luật về Hong Kong, trong đó cho phép trừng phạt các tổ chức và cá nhân liên quan đến Luật an ninh quốc gia Hong Kong. Còn tại Nhật Bản, Ủy ban Đối ngoại thuộc đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền hôm 3/7 đã trình văn bản kiến nghị lên chính phủ Nhật Bản yêu cầu hủy bỏ chuyến thăm chính thức của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, vốn dự kiến diễn ra vào tháng 4 vừa qua, song đã bị hoãn lại do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Hiện tại, trong khi các siêu cường đã mệt mỏi do phải điều hành thế giới, hoặc bận rộn đối phó với dịch bệnh đang hoành hành trong nước, Trung Quốc đang tìm cách khẳng định quyền lực toàn cầu của mình. Trung Quốc đang cố “định hình” mọi thứ trong tầm “kiểm soát” của Bắc Kinh. Chính các hoạt động diễn tập của cường quốc đông dân nhất thế giới tại khu vực Biển Đông đang khiến khu vực trở nên không an toàn. Mỹ có thể không quan tâm tới việc điều hành thế giới, nhưng điều này không có nghĩa là Washington chấp nhận ngồi im để Trung Quốc làm mưa làm gió được.
Vì sao các quốc gia ASEAN phải đồng loạt lên tiếng?
Kể từ tháng 3/2020, khi dịch bệnh COVID-19 ngày càng lan mạnh tại Trung Quốc, nước này càng đẩy mạnh hoạt động trên biển. Mới đây nhất, 2 tàu hải cảnh Trung Quốc từ hôm 4/7 đã liên tục xâm phạm vùng lãnh hải của Nhật Bản trong suốt hơn 30 giờ (tính đến thời điểm thống kê), lập kỷ lục về số giờ dài nhất kể từ khi Nhật Bản quốc hữu hóa quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng liên tục có các tuyên bố cứng rắn và mang tính khiêu khích với Australia và Canada trong chiến dịch “ngoại giao Chiến Lang” của Bắc Kinh.
Những diễn biến gần đây cho thấy Trung Quốc đang thực hiện những bước đi mang tính quyết đoán hơn và có thể kéo dài, nhằm gạt sang một bên những tuyên bố chủ quyền của các nước khác ở vùng lãnh hải rộng lớn và có ý nghĩa chiến lược này. Mối quan ngại ngày càng gia tăng trước các kế hoạch của Bắc Kinh nhằm tuyên bố một vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa và Đông Sa. ADIZ là một khu vực không phận trên đất liền hoặc trên biển mà trong đó, việc nhận dạng, xác định vị trí và kiểm soát máy bay được tiến hành bởi một quốc gia vì lợi ích an ninh quốc gia của họ. Dĩ nhiên, đây không phải là một ý tưởng mới vì Trung Quốc hồi năm 2013 đã đơn phương tuyên bố một ADIZ trên vùng biển Hoa Đông.
Trong những tháng qua, Bắc Kinh đã tăng cường các hoạt động ở Biển Đông, khiến các nước láng giềng Đông Nam Á ngày càng quan ngại. Ví dụ, hồi đầu tháng 4/2020, một tàu cá Việt Nam đã bị tàu Trung Quốc đánh chìm ở gần quần đảo Hoàng Sa. Sự việc này xảy ra sau khi Việt Nam hồi cuối tháng 3 đệ trình công hàm lên Liên hợp quốc phản đối tuyên bố “đường 9 đoạn” của Trung Quốc. Sau sự việc này, đã có những đồn đoán cho rằng Việt Nam – vốn lâu nay là một trong số những quốc gia lớn tiếng và tích cực nhất trong nỗ lực phản đối Bắc Kinh ở Biển Đông – sẽ theo đuổi một vụ kiện pháp lý quốc tế như Philippines đã làm hồi năm 2016.
Trung Quốc cũng đơn phương tuyên bố hai khu vực hành chính mới ở Biển Đông, cho thấy mong muốn của nước này huy động thêm nhiều nguồn nhân lực và tài nguyên đến các đảo nhân tạo, xây dựng thêm cơ sở hạ tầng, tăng cường sự hiện diện quân sự ở khu vực và chính thức hóa một cách thường xuyên sự kiểm soát của họ đối với các vùng lãnh hải tranh chấp. Và mặc dù các vụ đụng độ hàng hải trở thành trọng tâm trong chương trình nghị sự của Hà Nội khi nước này đóng vai trò là chủ tịch luân phiên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong năm nay, động thái trên của Bắc Kinh phát đi tín hiệu rõ ràng rằng Trung Quốc không có ý định tiến tới một cơ chế quản lý tranh chấp có thể được thực thi thông qua các tiến trình của ASEAN.
Philippines cũng là “nạn nhân” của những hành động ngày càng hung bạo của Trung Quốc ở Biển Đông, khi một tàu chiến của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đã sẵn sàng nhắm bắn vào một tàu hải quân Philippines. Mặc dù Manila dường như đã thúc đẩy mối quan hệ gần gũi hơn với Bắc Kinh song vẫn có những chỉ dấu cho thấy quốc gia Đông Nam Á này đã sẵn sàng bảo vệ chủ quyền của mình. Bộ Ngoại giao Philippines đã ra thông cáo ủng hộ Việt Nam, bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về vụ tàu Trung Quốc đánh chìm tàu cá Việt Nam. Ngoài ra, việc Manila đảo ngược quyết định rút khỏi Thỏa thuận Các lực lượng thăm viếng (VFA) với Mỹ đồng thời quyết định tái khởi động hoạt động thăm dò dầu khí ở Biển Đông là những chỉ dấu đầy hứa hẹn hơn nữa về quyết tâm của quốc gia Đông Nam Á này.
Malaysia cũng vướng vào một cuộc đối đầu kéo dài nhiều tháng với Trung Quốc sau khi một tàu khảo sát Trung Quốc đi vào vùng đặc quyền kinh tế của nước này. Tuy nhiên, phản ứng của Malaysia tương đối im ắng, đi theo cách tiếp cận truyền thống tránh gây ồn ào đối với những vấn đề tranh chấp Biển Đông mà nước này có thiên hướng thực hiện. Vào thời điểm đó, Malaysia cũng bận tâm với những thay đổi bất ngờ trong nội bộ chính phủ.
Indonesia, vốn không phải là một nước tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông và thường kín tiếng về vấn đề này, gần đây đã đệ trình một công hàm lên Liên hợp quốc, phản đối quan điểm của Bắc Kinh về Biển Đông. Công hàm của Indonesia cho rằng những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc vi phạm Công ước Liên hợp quốc về luật biển (UNCLOS) đồng thời đề cập đến phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực ở La Haye, Hà Lan, trong đó bác bỏ tuyên bố của Trung Quốc về “quyền lịch sử” ở Biển Đông. Cách thức phản ứng này cho thấy quyết tâm của Indonesia đáp trả những hành động xâm phạm liên tiếp của Trung Quốc vào khu vực biển của Indonesia cũng như cho thấy sự nghiêm túc của Jakarta về việc bảo vệ các lợi ích biển của mình.
Ngay cả một khối ASEAN thường tỏ ra mềm mỏng cũng đã thể hiện mối quan ngại. Tại một hội nghị thượng đỉnh gần đây, lãnh đạo hiệp hội đã ra thông cáo chung nhấn mạnh tầm quan trọng của giải quyết các tranh chấp mà không dùng đến mối đe dọa vũ lực đồng thời tái khẳng định tầm quan trọng của UNCLOS.
Các hành động hung hăng của Trung Quốc sẽ phản tác dụng
Những nỗ lực tăng cường của Bắc Kinh nhằm khẳng định quyền kiểm soát Biển Đông có thể trở nên phản tác dụng đối với nước này. Việc chuyển sang các hoạt động mang tính tấn công một cách rõ ràng đã làm gia tăng căng thẳng giữa Trung Quốc với Mỹ đồng thời làm gia tăng rủi ro tính toán sai lầm và leo thang căng thẳng trong khu vực. Lần đầu tiên trong nhiều năm qua, Mỹ đã điều 3 tàu sân bay đến khu vực Thái Bình Dương. Thời điểm diễn ra hành động phô diễn sức mạnh này không phải là sự ngẫu nhiên, và cùng với sự gia tăng các hoạt động tự do hàng hải, những điều này cho thấy tình hình khu vực đã trở nên nguy hiểm như thế nào.
Mối quan hệ của Trung Quốc với các nước láng giềng Đông Nam Á cũng có nguy cơ bị hủy hoại. Cách hành xử mang tính gây hấn của Bắc Kinh đang đẩy một số nước xích lại gần Mỹ và các đồng minh dân chủ khác ở khu vực, và điều này có thể khiến các nước này công khai từ bỏ chiến lược phòng bị nước đôi giữa Mỹ và Trung Quốc mà họ đã theo đuổi lâu nay.
Thực ra, việc Trung Quốc tăng cường hoạt động ở Biển Đông và thái độ sẵn sàng của các nước trong khu vực nhằm đối phó với các hoạt động xâm phạm lãnh hải của Bắc Kinh sẽ thúc đẩy các quốc gia Đông Nam Á hành động một cách quyết đoán và đoàn kết.
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
Đại hội 13: Liệu có bỏ được ‘biên chế’ suốt đời?
TS. Phạm Quý Thọ
Luật Cán bộ công chức và Luật Viên chức sửa đổi năm 2019 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2020, trong đó có vấn đề ‘tồn đọng’ từ lâu, nhưng vẫn được dư luận quan tâm rộng rãi là liệu có bỏ được ‘biên chế’ suốt đời?
‘Biên chế’ là thuật ngữ chỉ trạng thái việc làm trong bộ máy nhà nước với các chế độ do pháp luật quy định, như hưởng lương ngân sách và sử dụng lâu dài. ‘Biên chế’ có nguồn gốc từ nền kinh tế tập trung, bao cấp, phản ánh bản chất của chế độ đảng cộng sản cai trị dựa vào bộ máy đặc quyền đặc lợi.
Trong quá trình cải cách chuyển đổi nền kinh tế sang thị trường, thực trạng ‘biên chế’ đang có thay đổi, một số giải pháp chính sách về ‘luật hoá’ nhân lực, cải cách tiền lương khu vực công đang phản ánh tính chất thích nghi thụ động với thực tế hơn là những chính sách chủ động, thể hiện đổi mới và có tầm nhìn. Bởi vậy, câu trả lời cho vấn đề liệu bỏ được ‘biên chế’ suốt đời là không thể nếu như không cải cách đột phá thể chế theo hướng dân chủ.
Cải cách ‘chậm chạp, chắp vá’
Những cải cách chậm chạp, chắp vá trong chính sách ‘biên chế’ khiến cho vấn đề ‘nghẽn nhân lực’ trở nên trầm kha, không những không thúc đẩy tinh giản biên chế, bất bình đẳng về việc làm, phân biệt đối xử, mà còn gây nên những hiệu ứng tiêu cực khác.
Trong thời kỳ bao cấp, nền kinh tế nghèo nàn và lạc hậu đã có lúc việc làm, lao động trong xã hội Việt Nam chia thành hai nửa: nhà nước và ngoài nhà nước, tương ứng với nó là ‘biên chế’ và ngoài biên chế. Ý thức hệ chủ nghĩa xã hội bao trùm nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung với quan niệm ‘loại bỏ bóc lột sức lao động’, ‘toàn dụng lao động’ và không có thất nghiệp… Trước nguy cơ sụp đổ chế độ vì kiệt quệ kinh tế cuối những năm cuối 80 và đầu 90 thế kỷ 20, Đảng cộng sản cầm quyền đã buộc phải thay đổi, như xoá bỏ chế độ bao cấp, phân phối hiện vật, theo tem phiếu hay bình bầu, xét hoàn cảnh khó khăn hay số con trong gia đình… Một số biện pháp cải cách về hành chính, cũng như kinh tế được ban hành, đặc biệt việc ‘tiền tệ hoá’ các đặc quyền đặc lợi của lãnh đạo, xoá bỏ ‘biên chế’ thương nghiệp, cải cách tiền lương 1993… được cho là đúng hướng.
Tuy nhiên, khi nền kinh tế phục hồi trở lại và tăng trưởng, thì xu hướng ‘tiến bộ’ này ‘chững lại’ nhường chỗ cho ‘ổn định’ thể chế và xã hội, và các cải cách trở nên chắp vá, chậm chạp mang tính đối phó với thực tế chuyển đổi sang thị trường. Pháp lệnh cán bộ, công chức 1998 đã khởi đầu thay đổi chính sách ‘biên chế’, được ‘sửa đổi’ hai lần, vào năm 2000 và 2003, nhưng sau 10 năm mới được ‘nâng cấp’ thành Luật Cán bộ, công chức năm 2008. Và hai năm sau, năm 2010 mới ban hành Luật Viên chức, tạm ‘tách’ viên chức thành đối tượng điều chỉnh riêng. Các Luật này quy định về bầu cử, tuyển dụng, sử dụng, quản lý cán bộ, công chức, về nghĩa vụ, quyền của cán bộ, công chức, viên chức và điều kiện bảo đảm thi hành công vụ.
Năm 2019 hai Luật trên cũng đã sửa đổi và có hiệu lực từ 1/7/2020. Các sửa đổi đang được ‘tuyên truyền’ trên truyền thông nhà nước, tuy nhiên các nhà nghiên cứu đã nêu tình trạng ‘biên chế’ suốt đời vẫn còn chỗ đứng, hiệu ứng tiêu cực ‘nhìn thấy được’ trong các khâu từ tuyển chọn, sử dụng, đánh giá… không thúc đẩy ‘tinh giản’ biên chế khi ‘sức ép’ cải cách không đủ lớn. Dường như, sửa đổi lần này của hai luật trên nhằm để ‘đồng bộ’ hoá với chuẩn bị cải cách tiền lương năm 2020 đang có ý kiến phản biện rằng không tạo ra thay đổi đột phá.
Thị trường hoá ‘đơn vị sự nghiệp’
Sự không tương thích nhân lực trong khu vực công, gồm đơn vị sự nghiệp và bộ máy hành chính, với thị trường lao động nói riêng và kinh tế thị trường nói chung đang gây ra điểm ‘nghẽn nhân lực’ – một trong ba điểm nghẽn của nền kinh tế Việt Nam hiện nay. Bởi vậy, trước hết ‘thị trường hoá’ bộ phận nhân lực ‘đơn vị sự nghiệp công lập’ cần được coi là chính sách ưu tiên để ‘giải nghẽn nhân lực’.
Việt Nam hiện có khoảng 6000 ‘đơn vị sự nghiệp công lập’ với hàng triệu lao động là đối tượng của ‘thị trường hoá’. Trong quá trình chuyển đổi cơ chế, một số tăng trưởng cả về quy mô và phẩm chất, trong khi một số tồn tại ‘lay lắt’, ‘sống dở, chết dở’. Cần một thước đo để xác định nguyên nhân thực sự của tình hình phân hoá liệu do các ưu thế về cơ sở hạ tầng, nhân lực, vị trí địa lý, chính trị hay do nội lực.
Trong bối cảnh hiện nay thị trường là chuẩn khả dĩ công bằng để lượng hoá kết quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Trì hoãn cải cách theo hướng này là một trong những nguyên nhân duy trì ‘bao cấp’, khiến bộ máy ‘phình to’, khiến cơ chế ‘xin – cho’ biến tướng nghiêm trọng, từ việc xin ‘biên chế’, xin ngân sách đến xin ‘ưu đãi’, làm giảm chất lượng và năng suất lao động. Ngoài ra, các đơn vị này nắm giữ khối lượng lớn tài sản nhà nước, và luôn tìm kiếm cơ hội ‘trục lợi’, gây lãng phí tài sản công.
Hơn thế, tình trạng ‘bất công’ trong xã hội hiện hữu khi hoạt động của các đơn vị sự nghiệp không chứng tỏ được có đóng góp hay thúc đẩy tăng trưởng kinh tế như thế nào mà lại ‘sống’ nhờ ngân sách từ tiền thuế, phí của mọi tầng lớp người lao động. Và ‘rủi ro đạo đức’ lớn hơn, nếu sự ‘tồn tại’ của các tổ chức này chỉ vì nhân danh ‘ý thức hệ giáo điều, lạc hậu’ hay phục vụ chế độ.
Từ nhiều năm trước, chính sách ‘tự chủ về tài chính, tự hạch toán’ đã được ban hành, nhưng các rào cản được dựng lên có chủ đích do tham nhũng chính sách và hiệu lực thực thi. Quá trình ‘thị trường hoá’ cần phải được đẩy nhanh. Một số điều sửa đổi lần này, trước thềm Đại hội 13 được bình luận là ‘mở’ hơn cho hướng này, nhưng chắc chắn chưa đủ sức nặng và chi tiết để cải cách. Nên chăng cần áp dụng bài học kinh nghiệm xoá bỏ ‘bao cấp’ đối với bộ phận ‘các đơn vị sự nghiệp công’ này.
Cải cách công vụ
Nếu đối với ‘đơn vị sự nghiệp công lập’ chính sách cải cách mang tính thị trường là ưu tiên, thì với bộ máy bộ máy hành chính thì cải cách công vụ được coi là trọng tâm. Theo Luật Cán bộ, công chức 2008 ‘Công vụ là hoạt động do cán bộ, công chức nhân danh nhà nước thực hiện theo quy định của pháp luật và được pháp luật bảo vệ nhằm phục vụ lợi ích của nhân dân và xã hội.’
Đã có những nỗ lực cải cách theo hướng này, thậm chí có đề xuất xây dựng ‘Luật hành chính công’, nhưng đặc thù mô hình đảng toàn trị tạo ra những cấu phần của hệ thống chính trị ‘song trùng’ phức tạp, ‘đảng lãnh đạo nhà nước quản lý’, đang cản trở cải cách công vụ. Trong mô hình thể chế dân chủ, pháp quyền khi đề cập đến công vụ, người ta thậm chí ít đề cập đến yếu tố quyền lực nhà nước, mà thường chỉ nói tới công chức nhân danh pháp luật.
Lỗ hổng đối với cải cách bộ máy hành chính là độ vênh giữa ‘đảng lệ’ và ‘pháp luật’. Ngoài ra, ‘chế độ đặc quyền, đặc lợi’ của bộ máy cầm quyền đã thay đổi. Chế độ phân phối trong thời ‘bao cấp’ đã bị xoá bỏ. Nay, việc lợi dụng chức quyền để trục lợi đã tràn lan. Nhiều lỗ hổng thể chế có thể là lý do ‘chính đáng’ để các lãnh đạo chính quyền địa phương, bộ ngành trục lợi từ các nguồn tài nguyên, tài sản công, đặc biệt là đất đai, nhân lực… mà họ được giao quyền quản lý. Quyền lực không được kiểm soát bởi cơ chế hiệu quả, sẽ dẫn tới tha hoá. Ngoài ra, các phẩm chất ‘trung thành’, ‘phục tùng’ đối với đảng, với lãnh tụ được đề cao hơn là nguyên tắc công khai, minh bạch và giải trình trước nhân dân. Hậu quả là tình hình tham nhũng nặng nề và tràn lan.
Tóm lại, muốn bỏ được ‘biên chế’ suốt đời cần cải cách thể chế chính trị mạnh mẽ theo hướng dân chủ hoá, có đối trọng và quyền lực được giám sát bởi người dân. Những sửa đổi trong hai Luật Cán bộ công chức và Luật Viên chức năm 2019, cũng như cải cách tiền lương năm 2020 mang tính đối phó nhiều hơn với hiện trạng bộ máy đang bất ổn. Ngoài ra, xây dựng chính sách công không nên chỉ chú ý đến đối tượng điều chỉnh, mà còn hướng tới người dân được phục vụ bởi đối tượng này.
Thiếu những nghiên cứu như trên, thay cho lời kết, xin nêu số liệu thăm dò ‘online’ có liên quan đến vấn đề này từ báo điện tử ‘VnExpress.net’ ngày 8/7/2020, trước câu hỏi Bỏ ‘biên chế suốt đời’, bạn muốn làm khu vực nhà nước không? Kết quả trả lời có: 62% chưa bao giờ muốn; 20% sẽ cân nhắc lại và 18% vẫn muốn làm trong tổng số 57.906 biểu quyết.
Đây là kết quả thăm dò liên quan đến chính sách ‘biên chế’ trước thềm Đại hội 13, và quý vị có thể có đối chứng, chia sẻ ý kiến hoặc đưa ra dự đoán cho những nhiệm kỳ đại hội đảng tiếp theo.
Phạm Quý Thọ gửi từ Hà Nội
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
Điểm tin trong nước sáng 9/7: Hai tàu
hải cảnh Trung Quốc tiến sát giàn khoan Việt Nam
Tâm Tuệ
Mục điểm tin trong nước sáng thứ Năm (9/7) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi đến quý độc giả những nội dung chính sau:
Hai tàu hải cảnh Trung Quốc tiến sát giàn khoan Việt Nam
Theo Dự án Đại Sự Ký Biển Đông hôm thứ Tư (8/7), hai tàu hải cảnh Trung Quốc từ vài ngày qua đang tiến gần các giàn khoan của Việt Nam ở mỏ Lan Tây tại lô 06.1. Đây là lần đầu tiên tàu Trung Quốc vào sát các công trình của Việt Nam, chỉ cách có 1-2 hải lý.
Tàu hải cảnh mang số hiệu 5402 từ Tam Á đến Đá Xu Bi, và sáng hôm 4/7 lao về phía giàn khoan khai thác mỏ khí đốt Lan Tây với tốc độ cao (15 hải lý/giờ). Có lúc tàu này chỉ cách giàn Lan Tây có 1,3 hải lý, đây là giàn khoan hoạt động ổn định từ nhiều năm qua của Việt Nam.
Đến hôm 6/7, tàu này tiến gần một giếng thuộc mỏ Phong Lan Dại, cách khoảng 2,5 hải lý. Đây là giếng mà Rosneff Việt Nam khoan thăm dò vào năm ngoái, trong bối cảnh bị Hải Dương Địa Chất 8 cùng với các tàu hải cảnh, và cả oanh tạc cơ của Trung Quốc đe dọa. Cũng theo nguồn tin trên, lẽ ra Rosneff khoan thẩm lượng vào tháng Sáu năm nay nhưng Bắc Kinh gây áp lực nên chưa thể tiến hành.
Tai nạn liên hoàn, 31 người kẹt trong ôtô lật ở Phú Quốc
Theo VnExpress, chiều 8/7, vụ tai nạn giao thông liên hoàn xảy ra gần cầu Cửa Cạn hướng từ xã Gành Dầu về thị trấn Dương Đông, Phú Quốc. Khi ôtô 7 chỗ biển số An Giang chạy phía sau, dừng lại cách khoảng 10 m, chờ hai phụ nữ mặc áo mưa. Lúc này, ôtô 39 chỗ biển số Vĩnh Long chở 30 du khách từ phía sau húc thẳng vào đuôi ôtô 7 chỗ, lật ngang.
Cú tông mạnh khiến xe An Giang lao về trước. Tài xế đánh lái xe sang bên trái tránh hai phụ nữ. Ở hướng ngược lại, ôtô 16 chỗ chở 12 du khách lách xe 7 chỗ, lao thẳng xuống phần đường đang thi công. Ôtô 39 lật nghiêng khiến tài xế và 30 hành khách mắc kẹt trong xe. May nắm đã được người dân khu vực giúp đỡ.
Đề xuất người điều khiển xe đạp điện phải thi bằng lái A1 từ 16 tuổi
Zing dẫn thông tin từ ông Lương Duyên Thống – Vụ trưởng Vụ Quản lý phương tiện và người lái (Tổng cục Đường bộ), cho biết bằng lái A1 vốn được quy định trong dự thảo dành cho người lái xe máy từ 50 đến 125 phân khối, nay sẽ được nghiên cứu để dùng chung cho cả người lái xe đạp điện và xe máy dưới 50 phân khối.
Ông Thống nói, người dân sẽ được thi bằng lái A1 từ năm 16 tuổi. Từ 16 đến dưới 18 tuổi, người dân sử dụng bằng A1 để điều khiển xe đạp điện và xe máy dưới 50 phân khối. Khi người lái đủ 18 tuổi mới được sử dụng hết chức năng của bằng A1.
Đắk Nông cách ly hơn 600 người ở ổ dịch bạch hầu thứ 8
Theo thông tin trên báo Zing, tỉnh Đắk Nông đã ghi nhận 28 ca dương tính vi khuẩn bạch hầu tại 8 ổ dịch, cách ly hơn 2.000 người và 1.000 trường hợp tiếp xúc gần.
Ổ dịch mới nhất là Bon Bu Ndoh (xã Đắk Wer, huyện Đắk R’lấp, Đắk Nông) với 3 ca dương tính. Theo đó, nhà chức trách đã cách ly gần 200 hộ với hơn 600 nhân khẩu tại Bon Bu Ndoh.
Điểm tin trong nước tối 9/7: Sau tin nhắn lạ,
Đà Nẵng dừng đấu giá khu đất vàng
Tâm Minh – Hiểu Minh
Mục điểm tin trong nước tối thứ Năm (9/7) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi đến quý độc giả những nội dung chính sau:
Sau tin nhắn lạ, Đà Nẵng dừng đấu giá khu đất vàng
Lao động đưa tin, chiều 9/7, ông Trần Văn Ân, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản TP. Đà Nẵng xác nhận sự việc vừa tạm dừng một cuộc đấu giá đất vì tin nhắn lạ.
Theo kế hoạch, chiều 5/6, trung tâm tổ chức cuộc đấu giá khu đất có diện tích 7.196m2 ký hiệu là A2-1 ở phường Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà).
Khu đất này nằm sát bờ đông sông Hàn, với 4 mặt tiền đường Lê Văn Duyệt, Nại Hưng 1, Bùi Dương Lịch và Hồ Hán Thương. Giá khởi điểm của khu đất hơn 302 tỷ đồng, có 4 đơn vị tham gia đấu giá.
Đến sáng cùng ngày, điện thoại ông Ân nhận được tin nhắn lạ với nội dung: “Khu đất đấu giá A2-1 Nại Hiên Đông theo phản ánh của các doanh nghiệp tham gia đấu giá có dấu hiệu thông thầu. Để tránh thất thoát tài sản của nhà nước, đề nghị hủy phiên đấu giá và xác minh làm rõ”.
“Thấy sự việc nghiêm trọng nên tôi báo cáo lãnh đạo xác minh, làm rõ. Vì tin nhắn lạ này, cuộc đấu giá phải tạm dừng. Qua xác minh, công an cho hay số điện thoại nhắn tin cho tôi là sim rác, không xác định được chủ thể nhắn tin” – ông Ân nói.
Ông Ân cho biết thêm, đến ngày 1/7, UBND TP. Đà Nẵng có văn bản yêu cầu tiếp tục tổ chức đấu giá lại khu đất trên theo quy định. Cuộc đấu giá sẽ diễn ra vào chiều mai (10/7).
Cử tri TP.HCM đề nghị tính chấm dứt hát karaoke bằng ‘loa kéo’
Bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP.HCM trong buổi họp sáng nay (9/7) được báo chí trong nước dẫn lời cho biết đã đề nghị UBND thành phố đưa nội dung cam kết không hát karaoke bằng loa kéo gây ồn ào vào quy ước của khu phố, ấp, nhắc nhở người dân tự giác thực hiện.
Theo bà Châu thì: “Hát karaoke di động không còn là loại hình giải trí đơn thuần mà đã và đang trở thành vấn nạn, gây bức xúc và ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân” .
Bà Châu cũng cho biết thời gian qua, cơ quan chức năng còn thiếu kiên quyết trong xử lý trường hợp hát karaoke với tiếng ồn quá lớn. Nhiều hộ dân liên tục bị “tra tấn” vì loa kéo, gây bất hòa, thậm chí đã xảy ra án mạng.
Bắt tạm giam 19 người dàn cảnh trộm tôm ở Cà Mau
Ngày 8/7, thượng tá Trần Thanh Xuân, Trưởng công an H. Đầm Dơi (Cà Mau), cho Thanh Niên biết liên quan vụ Thương lái gian lận dàn cảnh trộm tôm mà Thanh Niên ngày 31/5 phản ánh, đến nay Công an H. Đầm Dơi đã khởi tố, bắt tạm giam 19 người để phục vụ điều tra. Trong đó, 14 người bị điều tra về hành vi trộm cắp tài sản, 5 người có hành vi không tố giác tội phạm.
Trước đó ngày 7/5, anh Lê Duy Châu (ngụ xã Tạ An Khương, H.Đầm Dơi) thu hoạch tôm thẻ. Theo ước tính, sản lượng tôm trong 2 hồ của anh hơn 8 tấn, nhưng nhóm thương lái thu hoạch chỉ được hơn 2 tấn.
Theo hình ảnh camera mà anh Châu cung cấp cho công an, nhóm thương lái đã bố trí 2 thùng phuy dùng để rửa tôm đặt cạnh bờ hồ nhằm che chắn tầm nhìn; đồng thời theo dõi người nhà, chờ sơ hở để kéo trộm từng giỏ tôm, với trọng lượng từ 40 – 50kg/giỏ.
Vào cuộc điều tra, công an xác định Đỗ Huệ Tánh (38 tuổi, ngụ H. Đông Hải, Bạc Liêu; 1 trong 19 người bị bắt tạm giam) thông qua một công ty ở P.8 (TP. Cà Mau) để bán tôm trộm được cho một tập đoàn thủy sản lớn ở tỉnh Cà Mau. Tổng số tôm bán được gần 5,4 tấn với số tiền 530 triệu đồng.
Bệnh nhân 15 tuổi người Đài Loan bị bỏ rơi ở Cà Mau
Chiều ngày 8/7, thông tin từ Bệnh viện đa khoa Cà Mau cho biết, hiện bệnh bệnh nhân 15 tuổi người Đài Loan này có sức khỏe tốt, vẫn đang ở khoa Hô hấp của bệnh viện, chờ các thủ tục để đưa vào trung tâm bảo trợ xã hội.
Ngày 31/5, Bệnh viện đa khoa Cà Mau có tiếp nhận một bệnh nhân người nước ngoài ngất xỉu tại hành lang của bệnh viện, đưa vào điều trị cấp cứu.
Sau đó, bệnh viện xác định bệnh nhân tên Wang Yuan (15 tuổi, người Đài Loan). Trên tay của Wang Yuan có gắn catheter (dụng cụ tiêm vào tĩnh mạch để truyền nước, thuốc vào cơ thể người bệnh – PV) và bệnh nhân được chẩn đoán hen phế quản bội nhiễm.
Qua khai thác tiền sử, bệnh nhân Wang Yuan đã nhập cảnh vào Việt Nam hơn 1 năm. Wang Yuan trước đây có tiền sử bệnh hen phế quản, được mẹ dẫn từ TP.HCM đến Bệnh viện đa khoa Cà Mau và bỏ lại.
Công an tỉnh Cà Mau đã xác minh về thân nhân, lai lịch đối với bệnh nhân này, nhưng đến nay, chưa đủ thông tin để kết luận về nhân thân, lai lịch.
Chiều ngày 8/7, thông tin từ Bệnh viện đa khoa Cà Mau cho biết, hiện bệnh bệnh nhân đã có sức khỏe tốt, vẫn đang ở khoa Hô hấp của bệnh viện, chờ các thủ tục để đưa vào trung tâm bảo trợ xã hội.