CSVN, Nhật, và giàn khoan 981

Cac Bai Khac

No sub-categories

CSVN, Nhật, và giàn khoan 981

Nguyễn Lương Hải Khôi – Theo Viet-Studies

Đây là bài phỏng vấn Nguyễn Lương Hải Khôi (Quỹ Nghiên cứu Biển Dông) do Đỗ Thiện của báo Pháp luật TP HCM thực hiện.

Tuy nhiên, cho đến ngày 2-7-2014 thì bài vẫn chưa được đăng và người được phỏng vấn vẫn chưa nhận được quyết định nào của tờ báo.

Do đó, Nguyễn Lương Hải Khôi nhờ viet-studies phổ biến đến bạn đọc.

Câu 1: Thưa ông, ông đánh giá thế nào về vai trò của Nhật đối với Việt Nam trong đấu tranh ngoại giao với Trung Quốc xung quanh vấn đề giàn khoan 981 trái phép trên quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, nhất là khi Nhật là một đồng minh của Mỹ?

Trả lời: Về vai trò của Nhật đối với Việt Nam trong đấu tranh ngoại giao với Trung Quốc, không khó để mỗi chúng ta có câu trả lời. Chúng ta chỉ cần tưởng tượng chuyện gì sẽ xảy ra ở Châu Á thế kỷ 21 này, nếu chỉ có một cường quốc duy nhất là Trung Quốc, không tồn tại một cường quốc có bề dày lịch sử là Nhật Bản hoặc Nhật Bản chỉ là một quốc gia đang phát triển như Việt Nam.

Sự tồn tại của Nhật Bản như hiện nay đã là một ích lợi lớn cho Việt Nam và các nước đang phát triển trong khu vực – một quốc gia với vai trò gìn giữ vai trò hòa bình, là đối trọng để kiềm chế các động thái hung hăng gây hấn của Trung Quốc, là động lực kinh tế, và là một nền dân chủ trưởng thành nhất trong cả khu vực.

Điều quan trọng không phải đánh giá vai trò của Nhật đối với Việt Nam trong một sự việc cụ thể là vấn đề giàn khoan Haiyang Shiyou 981 mà là nhận thức được vai trò của Nhật Bản đối với Việt Nam trong cuộc đấu trí tuệ có tính sinh tử trước chiến lược bành trướng tính bằng nhiều thế kỷ của Trung Quốc, không phải chỉ từ bây giờ.

Câu 2: Hiện nay, chính phủ Nhật đã và đang thể hiện quan điểm như thế nào về vấn đề 981? Ông đánh giá thế nào về các động thái đó của Nhật?

Trả lời: Chính phủ Nhật đã công khai ủng hộ Việt Nam, phê pháp mạnh mẽ hành động sai trái của Trung Quốc ở các diễn đàn quốc tế, ở Hội nghị thượng đỉnh an ninh Châu Á (Đối thoại Shangri – La), ở Hội nghị G7 – nơi Việt Nam không có điều kiện tham gia, cử tàu Kunisaki thăm Việt Nam. Việc giúp đỡ về khí tài vật chất đang được xem xét, tuy nhiên còn vướng mắc ở các vấn đề pháp lý của Hiến pháp Nhật Bản.

Tuy vậy, điều chúng ta cần nhận thức là: chúng ta cần Nhật Bản không chỉ cho sự vụ “nhỏ nhặt” là cái dàn khoan này. Nếu chúng ta nghĩ rằng chúng ta chỉ cần sự trợ giúp của Nhật để giải quyết cho “êm xuôi” cái vụ “lình xình ngắn hạn” này, chúng ta sẽ không nhận được gì cả, không chỉ từ Nhật mà còn từ các cường quốc khác. Chúng ta cần Nhật Bản cho một cuộc đấu về mặt trí tuệ trường kỳ và bài bản để trưởng thành và sinh tồn trong một thời đại mới.

Câu 3: Đâu là lĩnh vực mà Việt-Nhật nên tăng cường hợp tác để xây dựng sức mạnh trong thế đối trọng với Trung Quốc?

Trả lời: Không có Việt Nam, Nhật Bản vẫn dư sức để tự vệ. Không có Nhật Bản và thế giới các cường quốc dân chủ khác, Việt Nam không thể tồn tại được trước Trung Quốc. Hợp tác với các nước này để tự lực tự cường, trước hết, đó là nhu cầu nội tại của Việt Nam.

Chúng ta không cần thiết phải hỏi “lĩnh vực” cụ thể để ưu tiên. Nhật Bản là quốc gia duy nhất đã hỗ trợ Việt Nam toàn diện ở hầu hết các lĩnh vực quan trọng: viện trợ kinh tế, kỹ thuật, giáo dục, tư vấn chiến lược phát triển một cách trường kỳ và bài bản. Nhưng, các loại viện trợ này mang lại lợi ích cho Việt Nam hay không, mang lại lợi ích đến mức độ nào, thì hoàn toàn nằm ở phía người nhận. Nếu chỉ nhờ nhận viện trợ mà “hóa rồng” thì cả thế giới này đâu còn quá nhiều “giun dế” đến thế. Cái chúng ta cần băn khoăn, xin nhắc lại, không phải là “lĩnh vực” mà là “cách thức”. “Cách thức” của chúng ta hình thành từ một thể chế lành mạnh, trong sạch, muốn đi vào phát triển thực chứ không phải là nâng cao các con số.

Câu 4: VN nên có động thái gì nếu muốn “nhận 1 phiếu ủng hộ” từ Nhật một cách rõ rệt, mạnh mẽ?

Trả lời: Nếu nói về một “động thái” cần thiết, có lẽ đó nên là một động thái cho thế giới thấy chúng ta đang đi về phía thế giới văn minh, tự do, dân chủ.

Tuy vậy, cái chúng ta cần không chỉ là một động thái, một “chiến thuật” có tính mưu mẹo để “giải quyết” cho “êm xuôi” một tình huống khó khăn (là chuyện giàn khoan 981).

Nếu Trung Quốc ngay lập tức rút giàn khoan vào ngày mai? Rất có thể. Nhưng mối nguy đối với sự tồn vong của dân tộc chúng ta trước trước chiến lược bành trướng của Trung Quốc thì có giảm không? Không.

Trung Quốc sẽ rút giàn khoan thôi. Giống như đã đưa quân pháo vào chốt một vị trí trên bàn cờ để dễ bề bố trí đội hình ở phía khác, khi xong việc rồi thì quân pháo sẽ được rút về vị trí an toàn. Nhưng khi đó, một thế trận mới đã hình thành và thường thì kẻ chơi cờ yếu tay hoặc thiếu thông tin để xử lý sẽ chẳng thể thấy gì.

Giàn khoan này không có vẻ có mục đích kinh tế là khai thác dầu. Và, nếu để khai thác dầu, không ai làm những việc khiến cả thế giới phẫn nộ như thế. Tôi nghĩ đây là hành vi nhắm đến một mục đích chính trị. Mục đích gì? Không phải để gây hấn với Mỹ, làm cho Nhật Bản phải căng mình lên đề phòng. Trên bàn cờ, đây chỉ là mục tiêu phụ. Mục tiêu chính phải nằm ở đâu đó, mà vấn đề lãnh hải, chủ quyền, dầu khí chỉ là cái phông nền của màn kịch “Sơn Đông mãi võ”. Trung Quốc là xứ từ thời Xuân Thu Chiến Quốc đến nay, đời nào cũng để lại sách vở dạy dỗ về “quyền mưu” trong chính trị, kinh tế, đối nhân xử thế… Chúng ta cần hiểu điều này để không bị cuốn vào các màn diễn võ rổn rảng trên phố.

Câu 5: Theo ông, dự báo sắp tới quan hệ Việt – Nhật sẽ ra sao khi quan ngại giàn khoan 981 sẽ là tiền lệ xấu không chỉ cho VN, mà còn cho Nhật?

Trả lời: Câu chuyện giàn khoan kiểu này rất khó xảy ra trên lãnh hải Nhật. Trung Quốc cho công bố kế hoạch này từ tháng 3 năm 2014. Họ còn cần thời gian để kéo giàn khoan này tới đường biên lãnh hải Việt Nam, rồi từ đường biên lãnh hải ấy di chuyển tới vị trí hiện tại. Suốt thời gian đó, Việt Nam đã làm gì? Tôi không được biết thông tin nào về hành động của chúng ta trong giai đoạn này cả. Dường như chỉ đến khi dàn khoan dừng lại và Trung Quốc bố trí xong đội hình tàu chiến bảo vệ thì chúng ta mới lên tiếng.

Nếu là Nhật Bản, tôi nghĩ họ sẽ không làm thế. Nhật Bản sẽ phản đối, hoặc cảnh cáo, ngay khi Trung Quốc mới công bố kế hoạch, sẽ đón tiếp “khách quý” ngay từ đường biên chứ không để khách vào sâu cách đường cơ sở chỉ 120 hải lý như vậy. Cho nên chúng ta không cần phải quan ngại rằng chuyện giàn khoan này có thể lặp lại với Nhật.

Nhật và nhiều cường quốc khác dù không có chủ quyền nhưng có quyền lợi trên Biển Đông. Họ không thể để Trung Quốc nuốt trọn vùng biển này. Nhưng, Việt Nam không nên dựa vào thực tế đó để mong đợi rằng vấn đề Biển Đông “tự nó” sẽ “được giải quyết” bởi ai đó, còn Việt Nam thì chỉ cần “tọa sơn quan hổ đấu” và “được lòng tất cả các bên”.

Còn dự báo quan hệ Việt – Nhật thì rất khó. Những gì Nhật giúp Việt Nam thực ra đã vượt quá khả năng tiêu hóa của Việt Nam rồi. Một ví dụ: Nhật sẵn sàng giúp Việt Nam phát triển “công nghệ cao” nhưng đây không phải là cái mà Nhật “cho” thì Việt Nam “nhận” được. Đó không phải là khẩu súng kíp thời Cao Thắng để bắt chước. Quan hệ Việt Nhật chỉ thực sự giúp Việt Nam phát triển lên một đẳng cấp mới khi Việt Nam tái cấu trúc tiến trình ra quyết định ở cấp chiến lược, xây dựng xã hội dân sự lành mạnh, và một thể chế sạch sẽ khỏi tham nhũng.

*Tựa do viet-studies đặt.

Tác giả gửi cho viet-studies ngày 2-7-14