Tội
Vậy tội lớn của các nhà chống đối là gì khiến họ bị bắt? Tội của họ quá lớn khi hàng ngày kể cái ác, vạch cái tội, trưng cái hư và khui ra biết bao cái mặt trái xấu xa khác của CSVN hiện nay.
Cái tội lớn nhất của họ là làm rơi thêm lần nữa cái mặt nạ, mà CSVN vốn hàng ngày phải dùng để che đi các lằn ngang dọc trên khuôn mặt, vốn chẳng mấy đẹp đẽ của thể chế này. Mặt nạ đó là những nét đẹp được vẽ vời từ các bài báo, truyền hình, truyền thanh… ca tụng nhân cách, đạo đức lãnh tụ, rồi thì đề cao người dân với biết bao mỹ từ: dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra… của nhiều bút nô, vốn là loa phóng thanh của CSVN, nhưng thực tế toàn ngược lại. Mặt nạ đó cũng có thể là vũ lực của những dùi cui, bạo lực trấn áp các tiếng nói đối lập, không chịu nói theo ý đảng, không im miệng trước bất công bạo quyền, dẫn đến: bắt giam, tống tù!
Tội lớn thứ hai là các nhà chống đối đã làm lõa lồ bản chất vi hiến của CSVN: Bởi vì hầu như các điều nói trong chương II của Bản Hiến Pháp (3) đều bị CSVN vi phạm, nhất là những điều nói về quyền công dân, khi CSVN đạp cửa ra tay bắt bớ vô cớ những người dám lên tiếng nói đối nghịch.
Tội lớn thứ ba là các nhà chống đối bị tống giam càng làm rõ thêm tính chất tàn bạo, rừng rú và vô pháp, chà đạp trên luật của CSVN. Hành vi bắt giam người tùy tiện giúp cho thế giới hiểu rõ thêm rằng pháp luật tại VN chỉ là bình phong, dùng kềm kẹp người dân. Thể chế độc tài toàn trị chính là lao tù khổng lồ phủ bóng khắp VN, không cho người dân được hưởng các quyền căn bản của một con người. Dân nắm quyền lực (4), chỉ là những ngôn từ quảng cáo bóng bẩy, nói lòe với truyền thông thế giới cho qua chuyện, chứ thực quyền nằm trong tay chính quyền CS. Họ muốn bắt, muốn kết tội, muốn đàn áp ai cũng được. Vì đối với họ chỉ cần triệt tiêu vài con cừu cũng đủ khiến cả đàn cừu khiếp lặng.
Các nhà chống đối lần này, cũng lại lần nữa, như biết bao nhiêu lần khác, dóng lên hồi chuông cảnh tỉnh về hiện trạng nhân quyền tại Việt Nam. Và tái triệu hồi hình ảnh của biết bao người chịu áp bức, tù tội, mất mạng trước đó. Nhân quyền tại Việt Nam, tiếng thì có mà miếng thì không, là một thực trạng đáng buồn. Những việc giết người tùy tiện tại các nhà tạm giam thì vô số (anh Nguyễn Hữu Tấn) (5). Cụ Lê Đình Kình bị bắn chết tại nhà riêng, trong buồng ngủ, với hàng chục người con cháu họ hàng bị bắt giữ vô cớ (6). Và nay thêm những người tù nhân mới này, vốn chẳng giúp Việt Nam tăng hạng trên bảng chỉ số nhân quyền và dân chủ, mà bấy lâu nay, vị trí này CSVN không chịu nhường cho nước nào, ngoài các nước theo CS, về con số vi phạm nhân quyền ngày một lớn.(7)
Công
Kể những tội to lớn trên truyền thông nhà nước về các anh chị em vì bất đồng chính kiến, và lên tiếng nói cho bất công, có làm lu mờ công lao họ đã đóng góp cho người dân Việt nói chung, và các hoạt động nhân quyền nói riêng chăng? Thưa không. Trái lại nó càng làm nổi bật lên tinh thần tranh đấu bất khuất của con dân đất Việt, lớp này chịu tù tội thì có lớp khác lại hiên ngang đứng lên mạnh mẽ tấn công vào tập đoàn CSVN đầy dẫy tội ác.
Công to đầu tiên phải kể đến chính là tiếng nói oan khiên, gần như tắt lịm của những người dân cam chịu biết bao cảnh khổ, mất đất, mất tự do, mất đi tiếng nói và kể cả mạng sống, đã được những con người can đảm này nói thay, gào giúp, để người dân trong nước cũng như quốc tế hiểu và đồng cảm. Tại sao lại có tiếng nói đi ngược và khác biệt với báo chí tuyên truyền của CSVN? Họ điên dại gì khi nói những điều mà họ biết chắc sẽ bị an ninh đày đọa, ngược đãi?
Đó là công to thứ hai, khi họ biết hy sinh cho chính nghĩa và đại cuộc. Vốn dĩ đó không phải là việc của họ, nhưng đấu tranh chống cái ác, chống những bất công tà quyền lại là bổn phận mà mỗi công dân cần gánh vác. Không ai được phép im lặng trước bất công, vì im lặng trong hoàn cảnh đó cũng chính là đồng lõa hoặc khuyến khích cho sự ác tiếp diễn. Và nếu sự ác đó xảy đến cho bản thân các bạn, nếu không ai nói thay cho tiếng nói bé nhỏ, hụt hơi của bạn, bạn sẽ tự cảm nhận ra sao, sẽ ai oán đau thương đến mức nào. Tiếng nói của các nhà tranh đấu cho lẽ phải và sự thiện luôn cần được sự tôn trọng và đồng lòng của người dân.
Công to thứ ba chính là hình ảnh những ngày tháng tù tội của các nhà tranh đấu. Nó là họa ảnh của 90 triệu người dân Việt Nam, đang chịu giam hãm trong một thể chế độc tài toàn trị, chịu cách ly và tù hãm trong chính ngôi nhà, ngay chính trên quê hương đất nước của mình. CSVN đang gạt bỏ tất cả những giá trị cao đẹp của con người. Họ đang hạ thấp phẩm giá đáng được tôn trọng, cũng như những quyền được lên tiếng, tự do và cả quyền được sống của con người. Sự mất tự do của các nhà tranh đấu chính là thước đo cho nền tự do, dân chủ, quyền sống của người dân cả nước.
Vâng, tựa như trái chín đầu mùa luôn chịu thu hoạch sớm. Các nhà tranh đấu cho lẽ phải cũng giống như giếng ngọt thì cạn trước, cây ngay bị chặt hạ trước. Điều đáng nói ở đây là mỗi người dân nếu dửng dưng, bàng quan trước những gì ngang trái đang diễn ra, không dám làm cây ngay, không muốn thành giếng ngọt, thì xã hội Việt Nam đi về đâu trong vòng độc tài toàn trị của CSVN.
Một vài con số cho thấy bất công, đau thương của người dân ngày càng lớn: “diện tích đo thực tế của các dự án chênh lệch tăng hơn 114.000 m2, thành tiền tương đương hơn 22,6 tỷ đồng. Số tiền này UBND quận Hà Đông chuyển về UBND phường Dương Nội quản lý và sử dụng cũng chưa đúng pháp luật.” (8) Và vẫn còn đó Thủ Thiêm với 14.600 căn nhà với hơn 60.000 con người lưu lạc, ở nhà thuê suốt 20 năm qua. Sau 20 năm người dân có được công lý nào? Ông Trần Lưu Quang cho biết “thành phố đã lỡ sai một lần rồi nên cần phải làm lại cho thật đúng” (9).
Đây quả là thời điểm không chỉ kể công hay tội của các nhà tranh đấu, mà còn của mỗi người dân Việt, sẽ được các thế hệ đi sau đánh giá lại cho dẫu kéo dài cả ngàn năm. Trăm năm bia đá vẫn mòn, ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ là thế.
Hoàng Hoành Sơn