Tin Việt Nam – 03/07/2020
Cư dân mạng bị cáo buộc gây mất an ninh vì chia sẻ tín hiệu về chốt kiểm soát giao thông
Các cư dân mạng bị cáo buộc dùng “thủ đoạn tinh vi” để thông báo về những chốt cảnh sát giao thông (CSGT) trên mạng xã hộiở Hà Nội. Việc làm đó bị cho là gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự của thủ đô.
Truyền thông trong nước, vào ngày 2/7 dẫn nguồn từ Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an thành phố Hà Nội cho biết thông tin vừa nêu.
Cụ thể các facebooker bị cáo buộc đã sáng tác thơ, dùng ký tự đặc biệt, phương trình hóa học, trò chơi ‘đuổi hình băt chữ’, bài học tiếng Anh…để thông báo về các chốt chặn của CSGT và lực lượng 141.
Đơn cử một bài học về giới từ tiếng Anh được một facebooker chia sẻ có nêu tên đường Láng Hạ để minh họa. Và trường hợp này được cơ quan Công an thành phố Hà Nội diễn giải là có dụng ý thông báo về chốt chặn trên đường Láng Hạ, nơi CSGT và lực lượng 141 làm nhiệm vụ.
Công an Hà Nội cho rằng hành động thông báo như thế của các facebooker làm ảnh hưởng đến công tác của lực lượng chức năng, vì có thể gây cản trở công tác ngăn chặn buôn bán ma túy, đua xe, cướp giật…
Công an Hà Nội khẳng định những hành vi dùng thủ thuật của cư dân mạng để thông báo các chốt kiểm soát của CSGT sẽ có thể phải chịu trách nhiệm liên quan.
Công an Hà Nội cũng cho biết đã xử phạt hành chính 15 triệu đồng đối với thanh niên tên V.N.A, ở quận Hai Bà Trưng, do đã đăng tải nhiều bài viết và hình ảnh có nội dung chỉ điểm về vị trí chốt của CSGT và lực lượng 141 trong phạm vi thành phố.
Tuyên phạt án oan, TAND tỉnh Sóc Trăng
phải bồi thường cho 2 người ở Cần Thơ
Hiểu Minh
Sau 2 lần sơ thẩm, Cơ quan điều tra không chứng minh được hai công dân phạm tội, TAND tỉnh Sóc Trăng đã đồng ý bồi thường cho người bị oan gần 9 năm.
Ngày 2/7, nguồn tin của Pháp luật TP.HCM cho biết, TAND tỉnh Sóc Trăng vừa có quyết định cử người giải quyết bồi thường đối với bà Phạm Thị Mai và ông Võ Thanh Tùng (cùng ngụ quận Thốt Nốt, TP. Cần Thơ) – hai người bị kết án oan.
Trước đó, năm 2011, bà Mai và ông Tùng bị Công an tỉnh Sóc Trăng bị khởi tố, truy tố trong cùng một vụ án về tội cưỡng đoạt tài sản mà họ đã mua. Sau gần chín năm kiên trì kêu oan, trải qua bốn phiên tòa, vào cuối tháng 3 này, Cơ quan điều tra đã có quyết định đình chỉ bị can đối với bà Mai và ông Tùng do đã hết thời hạn điều tra vụ án mà cơ quan điều tra không chứng minh được bị can thực hiện hành vi phạm tội.
Sau đó, bà Mai và ông Tùng đã có văn bản yêu cầu TAND tỉnh Sóc Trăng tổ chức công khai xin lỗi và thực hiện bồi thường theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước do đã kết an oan cho họ.
Theo báo Giao thông, TAND tỉnh thụ lý hồ sơ đồng thời phân công ông Lê Thanh Vũ, Phó Chánh án TAND tỉnh Sóc Trăng là người giải quyết bồi thường cho hai công dân trên.
https://www.dkn.tv/thoi-su/tand-tinh-soc-trang-boi-thuong-cho-hai-cong-dan-bi-oan-gan-9-nam.html
Việt Nam: Dân lại định nhảy lầu tự tử
sau phán quyết của tòa
Phạm Toàn
Báo chí và dư luận tại Việt Nam trong vài hôm nay lại xôn xao vì một người phụ nữ có ý định nhảy lầu tự tử tại tòa, sau khi TAND TP.HCM tuyên án liên quan đến vụ tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Trong vụ án này, nguyên đơn là ông Phan Quý và vợ là bà Lê Thị Bích Thủy (cùng ngụ quận 12). Bị đơn là ông Lê Văn Dư, ông Lê Sỹ Thắng (cháu ông Dư) và ông Khâu Văn Sĩ (cùng ngụ quận Gò Vấp).
Báo Tuổi trẻ dẫn lại hồ sơ vụ việc cho biết, năm 1999, ông Huỳnh Hữu Lợi chuyển nhượng bằng hình thức viết giấy tay cho vợ chồng ông Phan Quý và bà Lê Thị Bích Thủy 3.500m² đất thuộc thửa 504, tờ bản đồ số 40, phường 15, quận Gò Vấp.
Ngày 3/2/2002, vợ chồng ông Quý bán lại cho ông Khâu Văn Sĩ diện tích 500m² đất bằng giấy tay.
Ngày 18/4/2009, vợ chồng ông Quý tiếp tục chuyển nhượng bằng giấy tay cho ông Lê Văn Dư và ông Lê Sỹ Thắng mỗi người 87m² đất với lời hứa sẽ thực hiện việc tách thửa và đăng bộ phần diện tích đã bán.
Sau khi mua đất, gia đình 3 ông Dư, Thắng, Sĩ đã chuyển về đây sinh sống ổn định, không tranh chấp với ai, tiến hành kê khai tạm trú tạm vắng và được chính quyền địa phương cấp số nhà để quản lý.
Thế nhưng đến tháng 6/2017, ông Phan Quý lại khởi kiện ông Dư, ông Thắng, ông Sĩ ra TAND quận Gò Vấp, yêu cầu tòa tuyên hợp đồng chuyển nhượng đất giữa ông Quý với các ông Dư, Thắng, Sĩ trước đây là vô hiệu.
Tại phiên sơ thẩm, tòa Gò Vấp đã tuyên chấp nhận một phần yêu cầu của ông Quý, tuyên hủy hợp đồng chuyển nhượng đất giữa ông Quý với ông Sĩ.
Tòa sơ thẩm cũng chấp nhận một phần yêu cầu phản tố của ông Dư, công nhận 2 hợp đồng chuyển nhượng đất giữa nguyên đơn với ông Dư.
Tại phiên phúc thẩm chiều hôm 1/7, tòa TP.HCM đã tuyên cả 3 hợp đồng chuyển nhượng đất giữa ông Quý và 3 ông Dư, Thắng, Sĩ là vô hiệu.
Quá bức xúc với tuyên án từ phía tòa, bà Trần Thị Mỹ Hiệp (vợ bị đơn Lê Văn Dư) nhảy lầu tự tử nhưng đã được nhiều người ngăn lại.
Tòa TP.HCM giải thích vụ việc
Báo Dân trí dẫn lời từ lãnh đạo TAND TP.HCM nói, trong các vụ án dân sự, hành chính…, việc đương sự tỏ ra bức xúc, không hài lòng và có thái độ tiêu cực không phải là hiếm!
“Vì vậy, toà án luôn có sự chuẩn bị đảm bảo an toàn cho mọi người tại đây. Sự việc chiều 1/7 đương sự chỉ nhất thời và sau khi được ông cùng luật sư khuyên can, bà này đã bình tĩnh lại. Sau đó, bà đã cùng luật sư rời khỏi phòng xử xuống sân toà rồi cùng người nhà ra về.
Vụ án trên tòa ra phán quyết nhưng đây cũng chỉ là một giai đoạn của tố tụng. Khi không đồng tình với bản án, đương sự còn có quyền đề nghị các giai đoạn khác đối với vụ án như giám đốc thẩm, tái thẩm…”.
Bị đơn nói chủ tọa phiên phúc thẩm và ông Quý là bạn thân, dân sao được công bằng
Trong một bài phỏng vấn từ báo Pháp luật TP.HCM, ông Lê Văn Dư cho biết chủ tọa phiên phúc thẩm và ông Phan Quý là bạn thân, nên gia đình muốn thay chủ tọa phiên phúc thẩm, nhưng yêu cầu này không được đáp ứng.
Ông Dư còn tiết lộ rằng bản thân ông Phan Quý là cựu cán bộ ngành kiểm sát, còn con ông Quý lại là kiểm sát viên thuộc VKSND TP.HCM, “nên làm sao người dân như tôi có thể được xét xử công bằng”.
“Việc tòa tuyên vô hiệu cả ba hợp đồng và trả lại tiền cho tôi tại thời điểm mua là rất vô lý đến mức không thể chấp nhận”, ông Dư nói.
Còn vợ ông Dư, bà Trần Thị Mỹ Hiệp thì nói: “Đất đó là nhà tôi vay tiền để mua, đã trả đầy đủ, có giấy tờ đàng hoàng nhưng sao lại nỡ cướp trắng trợn như vậy.
Gia đình tôi có làm cả đời cũng không thể trả hết nợ, tôi chỉ mong có một ngôi nhà cho chồng con tôi ở. Chồng tôi ngày xưa cũng đã đi ở đợ cho nhà ông Quý mà, sao lại đối xử như vậy. Tôi cám ơn cậu nhà báo đã ngăn tôi tự tử, nhưng giá mà tôi chết thì tốt hơn”.
Ông Phan Quý nói gì?
Báo Pháp luật TP.HCM cũng dẫn lời từ ông Phan Quý cho biết do tuổi già sức yếu nên ông có nhờ người đại diện thay mình tham gia quá trình tố tụng. Vụ án có nhiều vấn đề mà khi bị đơn đưa ra tại tòa, người đại diện của ông không thể am hiểu hết nên ông mới đến toà.
Trong quá trình tham gia tố tụng, gia đình ông cũng rất mệt mỏi với các yêu cầu về tố tụng của phía bị đơn đưa ra.
Ông Quý đưa ra dẫn chứng, tháng 3/2019, tòa TP.HCM từng có văn bản không chấp nhận việc bị đơn đề nghị rút vụ án lên TAND TP.HCM để giải quyết vì điều đó không cần thiết. Hay tháng 9/2019, luật sư của bị đơn cho rằng thẩm phán của TAND quận Gò Vấp được phân công giải quyết vụ án không khách quan. Tuy nhiên, tòa TP.HCM đã bác và không đồng ý lấy hồ sơ lên để giải quyết.
Dư luận lên tiếng
Trên trang Facebook cá nhân, nhà báo Hàn Ni viết:
“ĐỨNG SAU VỤ KIỆN KHIẾN DÂN ĐỊNH NHẢY LẦU TỰ VẪN LÀ AI?
Đó là ông Phan Quý, nguyên trưởng phòng của Viện Kiểm sát Nhân dân TP.HCM, có con gái là thẩm phán TAND Gò Vấp (nơi xét xử sơ thẩm vụ án), con trai là kiểm sát viên VKS TP.HCM.
Ông Quý chính là người bán 3 thửa đất của mình cho người khác vào năm 2002, 2009 (đã nhận tiền xong, đã giao đất, bên mua đã xây nhà, đăng ký cư trú trên đất), sau đó đất tăng giá nên năm 2017, chính ông đâm đơn kiện đòi hủy hợp đồng đòi lại đất.
Vấn đề gây bức xúc là thế lực nào khiến 2 cấp tòa tuyên xử ông Quý thắng kiện, khi còn quá nhiều vấn đề tranh cãi?!
1. Nói về cái sai đầu tiên của tòa án: Tòa thụ lý vụ án năm 6/2017 nhưng 7/2019 mới ra quyết định xét xử sơ thẩm (hơn 2 năm) – vi phạm thời hạn, cái mà ngành tòa án luôn có con số án đúng hạn rất “đẹp”!
2. Về tố tụng: Hợp đồng mua bán năm 2002 và 2009, nhưng đến 2017 mới khởi kiện là hết thời hiệu (vì thời hiệu tranh chấp hợp đồng là 2 năm).
3. Về nội dung bản án: Lý do tòa tuyên hợp đồng vô hiệu là do vi phạm về hình thức (không công chứng, chứng thực), đất nông nghiệp dưới hạn mức không được chuyển nhượng. Trong khi các vấn đề này luật quy định rõ:
– Hình thức hợp đồng được quy định tại Điều 129 Bộ Luật dân sự 2015 “Giao dịch được xác lập bằng văn bản nhưng vi phạm quy định bắt buộc về công chứng, chứng thực mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất 2/3 nghĩa vụ trong giao dịch thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó. Trong trường hợp này, các bên không phải thực hiện việc công chứng, chứng thực” (luật cũ thì cho các bên thời gian để xác lập lại đúng hình thức). Như vậy, ở giao dịch này, các nên đã hoàn thành 100% nghĩa vụ thanh toán, nhận đất xong. Có nghĩa là hợp đồng này phải được tòa công nhận.
– Còn việc sang nhượng dưới hạn mức đất nông nghiệp thì không vi phạm điều cấm của pháp luật, vì nếu dưới hạn mức tách thửa, các bên có thể đứng tên chung đồng sở hữu trong một sổ đỏ.
Đó là lý do khi tòa tuyên hủy hợp đồng, khiến dư luận phẫn nộ, đương sự bức xúc định nhảy lầu tự vẫn.
Do vậy, bản án này cần được xem xét giám đốc thẩm lại. Nếu sai, phải xử nghiêm người xét xử để trả lại công bằng cho các bên, xác lập lại niềm tin cho công chúng!”.
Phúc Nguyễn viết: “Mở mắt ra là thấy tai nạn, oan trái, ung thư, bênh dịch, lở đất, hạn hán, tai nạn, ngập lụt. Vì sao nên nỗi non nước ơi!”.
Kim Tran: “Cứ đọc là thấy cán bộ nhà nước có sai phạm. Sao vậy nhỉ? Trình độ, chạy chức chạy quyền. Hay từ trên xuống dưới bao che cho nhau”.
Trần Hiếu: “Bố lật kèo kiện đòi đất, con đứng vai chánh án xử cho Bố thắng kiện…..(!) Bởi vậy, đại biểu quốc hội nói đúng ‘Chưa bao giờ niềm tin của người dân vào nền tư pháp Việt Nam lại thấp như bây giờ’”.
Trước đó, việc ông Lương Hữu Phước nhảy lầu tự tử tại tòa Bình Phước cũng đã gây chấn động mạnh mẽ trong dư luận.
Phạm Toàn
Sabeco thoái vốn Nhà nước 36% còn lại
trước ngày 31/8/2020
Chính phủ Việt Nam sẽ thoái toàn bộ 36% vốn còn lại ở Tổng công ty Bia-Rượu-Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), thu về hơn 37 ngàn tỷ đồng, tương đương khoảng 1,6 tỷ USD.
Reuters, vào ngày 2/7 cho biết Thủ tướng Việt Nam vừa phê duyệt danh mục thoái vốn Nhà nước năm 2020 và Sabeco nằm trong danh sách được Bộ Công thương chuyển giao cho Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh Vốn Nhà nước (SCIC) thực hiện thoái toàn bộ 36% vốn Nhà nước còn lại trước ngày 31/8.
Đại diện của SCIC, vào ngày 2/7 được Reuters dẫn lời nói rằng SCIC vẫn chưa có kế hoạch cụ thể cho việc thoái vốn như vừa nêu. Đồng thời phát ngôn nhân của Sabeco chưa có phản hồi ngay tức khắc nào về thông tin này.
Chính phủ Việt Nam, hồi năm 2017, đã bán 53,59% cổ phần của Sabeco cho ThaiBev, tương đương 8,48 tỷ USD.
Báo mạng VNExpress.net, vào ngày 2/7, đăng tải thông tin Sabeco dự báo kế hoạch doanh thu thuần năm 2020 giảm 37%, là mức thấp nhất kể từ năm 2012, và lợi nhuận sau thuế dự kiến giảm 39%, khoảng hơn 3.250 tỷ đồng.
Sabeco cho biết kết quả kinh doanh sụt giảm bởi do tác động của Nghị định 100 và Nghị định 24 liên quan cấm lái xe khi uống rượu bia và có những quy định khắt khe về quảng cáo rượu, bia. Bên cạnh đó, cũng bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.
Trước thông tin Bloomberg loan tải về việc tỷ phú Thái Lan muốn sang nhượng cổ phần tại Sabeco, ThaiBev lên tiếng phủ nhận và tuyên bố rằng không có ý định bán lại hoạt động kinh doanh tại Việt Nam dưới bất kỳ hình thức nào.
Công ty PouYuen Việt Nam
cắt giảm thêm 6.000 công nhân
Công ty TNHH PouYuen Việt Nam sẽ cho khoảng 6.000 công nhân tạm ngưng việc kể từ ngày 1 tháng 7 đến hết ngày 31 tháng 7 năm 2020 do không còn việc làm.
Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, công ty thiếu đơn hàng sản xuất nên không thể giữ tất cả công nhân ở lại. Những công nhân tạm nghỉ việc sẽ được hưởng lương tối thiểu vùng là 4,42 triệu đồng/người/tháng.
Theo công ty PouYuen, đơn hàng của công ty giảm mạnh do ảnh hưởng của dịch COVID-19, từ tháng 4 đến nay công ty đã sắp xếp công nhân nghỉ luân phiên chờ việc nhưng tình hình vẫn chưa khả quan. Công ty dự kiến cắt giảm khoảng 6.000 người, từ tháng 6 đến tháng 8.
Hôm 20 tháng 6, công ty phải ra thông báo chấm dứt hợp đồng lao động với gần 2.800 công nhân kể từ ngày 5 tháng 8. Những người bị mất việc sẽ được công ty PouYuen trả thêm một tháng lương cho mỗi năm công nhân làm việc, kể cả thời gian đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp từ năm 2009 đến nay, ngoài những khoản trợ cấp thôi việc theo quy định.
Trước khi cắt giảm, công ty PouYuen Việt Nam có số lượng nhân sự hơn 60.000 người, chuyên gia công giày thể thao xuất khẩu.
Tính đến tháng 6 năm 2020, có đến 7,8 triệu lao động tại Việt Nam bị mất việc làm hoặc nghỉ việc luân phiên, giãn việc… vì đại dịch Covid-19. Chỉ trong quý 1 năm 2020 đã có 35.000 doanh nghiệp rút khỏi thị trường, 75% số doanh nghiệp đăng ký phải thu hẹp quy mô lao động.
Xuất cảng lao động ở Việt Nam giảm mạnh
Tin Vietnam.- Báo Người lao động ngày 2 tháng 7 năm 2020 loan tin, theo dữ diệu của cơ quan Cai quản lao động ngoài nước thì trong 6 tháng đầu năm 2020, nhà cầm quyền chỉ đưa được 33,500 lao động ra ngoại quốc làm thuê, giảm gần 40% so với cùng thời kỳ.
Cũng trong 6 tháng qua, đã có hơn 5,000 lao động bị ảnh hưởng do dịch coronavirus 19 mà phải về nước, đó là chưa kể đến những người vẫn bị mắc kẹt tại nước sở tại. Trước tình trạng này, ông Nguyễn Gia Liêm, Phó trưởng cơ quan Cai quản lao động ngoài nước vẫn khẳng định rằng, nhiều quốc gia như Đài Loan, Nam Hàn vẫn muốn tiếp tục nhận lao động Việt Nam. Ngoài ra, còn có quốc gia khác như Nhật Bản vẫn có nhu cầu nhận thêm lao động ngoại quốc vào làm việc.
Được biết, nhiều năm qua, nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam đã xem sức lao động của người dân như một loại hàng hoá để khai thác, xuất cảng đi các nước trên thế giới nhằm giải quyết tình trạng thất nghiệp trong nước, đồng thời thu về một lượng ngoại tệ lớn. Nếu một người lao động đi lao động ở các quốc gia như Nhật Bản, Nam Hàn, Đài Loan và các thị trường như châu Âu thì số lương mà người lao động tiết kiệm được hàng tháng có thể nuôi được cả gia đình đang sống ở Việt Nam.
Chính vì vậy, việc người dân đi bán sức lao động, làm thuê ở ngoại quốc rất có ý nghĩa với nhà cầm quyền Cộng sản. Nên những năm qua, việc đi xuất cảng lao động luôn được nhà cầm quyền xem là chiến lược phát triển kinh tế, thúc đẩy mạnh mẽ với mỗi năm có trên 100,000 người đi xuất cảng lao động.
An Nhiên
https://www.sbtn.tv/xuat-cang-lao-dong-o-viet-nam-giam-manh/
Tranh cãi việc nên đóng cửa hay tư thục hóa trường chuyên
Thanh Trúc
Nên hay không nên bỏ trường chuyên là nội dung bài viết của tiến sĩ Lê Hồng Sơn, nguyên cục trưởng Cục Kiểm Tra Văn Bản, Bộ Tư Pháp, sau khi tham khảo ý kiến trước đó của chuyên gia kinh tế Nguyễn Đức Thành đề nghị đóng của trường chuyên Amsterdam ở Hà Nội.
Đây là trường chuyên nổi tiếng mà nhiều người quen gọi cho gọn là AM, nằm trong số 19 trường tăng học phí/năm cao hơn 400.000 Đồng so với niên học 2019-2020.
Trao đổi với RFA hôm 29/6, tiến sĩ Nguyễn Đức Thành, nguyên viện trưởng Viện Nghiên Cứu Kinh Tế và Chính Sách Đại Học Quốc Gia Hà Nội, giải thích:
“Quả là tôi có nói đóng cửa, tôi viết trên facebook của tôi là nên dừng lại mô hình hiện nay để có thể chuyển sang hình thức hoạt động khác. Căn bản đấy là chuyển sang trường tư, tên vẫn như cũ, tất nhiên nằm trong khuôn khổ luật pháp Việt Nam. Hiện nay thì trường Hà Nội Amsterdam, cũng như nhiều trường chuyên khác, vẫn là trường công do Nhà Nước tài trợ về ngân sách, chi phí, cơ sở vật chất…. tức là mức ngân sách qui định”.
“Vấn đề tôi muốn trao đổi ở đây là trường chuyên, đại diện như trường Amsterdam này, được cấp ngân sách nhiều hơn với kỳ vọng một nền giáo dục tốt đẹp hơn cho những học sinh giỏi. Xem xét lại thì tôi thấy nó không đạt được kỳ vọng đó trong khi ngân sách vẫn trội hơn so với những trường công khác. Việc trường AM có chất lượng tốt vì được đầu tư nhiều cho nên mọi người phải cạnh tranh rất khốc liệt để được vào. Vào đó là những người ở những gia đình khá giả, có điều kiện và đơn giản phải có tài năng, có năng lực đặc biệt. Tất cả những điều đó khiến tôi thấy việc sử dụng ngân sách của những người không được hưởng những cái lợi của Amsterdam thì vô hình chung là chúng ta sử dụng ngân sách hay tiền thuế từ những người khó khăn hơn để chỉ phục vụ cho một nhóm ưu việt hơn”
Điều quan trọng cần nhìn ra, tiến sĩ Nguyễn Đức Thành nhấn mạnh, là chưa có bằng chứng cho thấy nhóm ưu việt này có thể phục vụ lại hoặc là mang lại lợi ích nào lớn hơn cho những người đã tài trợ cho hoạt động của trường chuyên như trường Amsterdam này:
“Quan điểm của tôi là nếu trường AM này, là trường có giáo dục tốt mà ngân sách cũng như các trường bình thường khác, thì không có gì để bàn cãi. Có một phương án tốt nhất là tư nhân hóa, tôi gọi là chuyển đổi sở hữu, tức là bán trường AM cho một cá nhân hay một tập thể đa dạng hơn, miễn sao tăng được tính quản trị tốt hơn thôi. Ý kiến của tôi có thể tóm gọn như vậy”.
Việt Nam, cũng như các nước trên thế giới, có những trường chuyên ngữ, chuyên sư phạm, chuyên toán, chuyên hóa, chuyên văn. Ngoài Hà Nội, các tỉnh phụ cận đều có một hai trường như trường chuyên Vĩnh Phúc, trường chuyên Lam Sơn Thanh Hóa, trường chuyên Huế. Trong Nam thì có trường chuyên Lê
Hồng Phong, trường Phổ Thông Năng Khiếu ở thành phố Hồ Chí Minh vân vân… Đây là những trường chuyên được ngân sách chính phủ tài trợ.
Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng, giám đốc công ty sách Thái Hà, bày tỏ niềm tự hào của người từ Thái Bình lên trường chuyên ở Hà Nội:
“Tôi vô cùng biết ơn giáo sư Tạ Quang Bửu, người đã lập ra trường chuyên. Không có trường chuyên thì không có Nguyễn Mạnh Hùng ngày hôm nay, bởi vì nếu tôi học Cấp 3 ở Thái Bình mà không lên trường chuyên ở Hà Nội thì khả năng hết 99% là tôi không đủ điểm để có học bổng đi du học mà cùng lắm là đỗ đại học thôi. Trường chuyên nói thật là rất bài bản. Tôi học chuyên ngữ, tức là chuyên Ngoại Ngữ thuộc Đại Học Sư Phạm Hà Nội, được cái chế độ rất tốt, thầy cô giáo rất là giỏi, rất yêu học trò. Hết Cấp 3 thì lớp tôi hình như không có ai trượt đại học, 30 người thì 10 người được học bổng đi nước ngoài, nhiều người cũng rất là thành đạt. Bây giờ trường chuyên ấy vẫn còn”.
Tuy nhiên dưới mắt tiến sĩ Lê Hồng Sơn, một cựu học sinh trường chuyên, biến tướng là hiện tượng đang xảy ra tại các trường chuyên ngày nay. Mô hình trường chuyên hiện giờ, ông nói, chỉ là một trong khá nhiều vấn đề cần phải xem xét lại trong ngành giáo dục – đào tạo của Việt Nam.
Ông cho rằng nhìn nhận một cách khách quan, toàn diện trong hệ thống giáo dục – đào tạo của Việt Nam hiện nay, thì dư luận đã đặt vấn đề, nêu lên khá nhiều những bất cập, thậm chí nhiều tiêu cực, hạn chế.
Ông Hoàng Dũng, nhà nghiên cứu Ngôn Ngữ Học, nhìn nhận trường chuyên là nơi thiết kế, tập hợp những con em có năng lực để mà đào tạo riêng, thế nhưng :
“Nhưng khó lòng mà chấp nhận cái đặc quyền đặc lợi của trường chuyên. Trong bối cảnh của Việt Nam hiện nay, trường chuyên bị biến tướng đi rất nhiều .Có một anh học trường chuyên nói với tôi rằng một tỷ lệ xuất sắc lọt được vào trường chuyên là có, nhưng bên cạnh đó cũng có một tỷ tỷ lệ đáng kể những người do quan hệ, do quyền thế, do tiền bạc vào những trường đấy”.
“Thành ra giống như mọi chuyện ở Việt Nam, trường chuyên cũng có những vấn đề về mặt nguyên tắc mà khi thực hiện thế nào cũng bị bóp méo đi. Những lời của những người từng học trường chuyên nói tôi tin là đúng chứ không phải không”.
Một phụ huynh ở Hà Nội, có con theo trường chuyên Ngoại Ngữ, Đại Học Sư Phạm, cho biết tiêu cực rõ nhất ở trường chuyên là tính cách thi tuyển không sòng phẳng do việc mua điểm hay chạy điểm. Thứ hai là áp lực đối với cha mẹ và cả con cái về giờ giấc, học hành, thi đua rồi thì những khoản phụ phí trôi nổi cũng là điều đáng chú ý.
Cô Ngọc, xuất thân từ một trường chuyên khá nổi tiếng ở Sài Gòn, cũng đồng ý rằng mua điểm là vấn đề của trường chuyên ngày nay:
“Ngày trước tôi cứ nghĩ phải học thật giỏi mới vào được nhưng thật sự vẫn còn một cánh cửa khác là mua điểm để vào những trường chuyên đó chứ không nhất thiết phải giỏi”.
Đây là trường hợp những trường chuyên của Nhà Nước, cô Ngọc cho biết tiếp, còn trường chuyên dân lập do tư nhân điều hành, thí dụ trường Nguyễn Khuyến, thì không phải vậy:
“Trường chuyên Nguyễn Khuyến theo tôi biết rất khó vào. Thứ nhất là phải có tiền vì học phí rất đắt, thứ hai là phải học giỏi. Học sinh ở Nguyễn Khuyến là hệ bán trú và nội trú luôn, nói chung lịch học rất căng. Đó là những điều mà tôi biết”.
Ngay từ đầu nhiều người còn nghĩ trường chuyên các cấp chỉ là nơi làm đẹp học bạ, tập cho học sinh căn bệnh thành tích, tính khí kiêu ngạo, phách lối không nên có.
Đó là một trong những vấn đề được coi như những căn bệnh mãn tính, khó khắc phục, là nhận định của tiến sĩ Lê Hồng Sơn trong bài viết nên hay không nên bỏ trường chuyên của ông.
Dù có thế nào thì trường chuyên vẫn là môi trường giáo dục tốt, kỷ luật cao, còn hành vi tự mãn hay phách lối nơi học sinh là vấn đề mà nhà trường và cha mẹ phải khắc phục, là khẳng định của ông Hiếu, đang chuẩn bị cho con vào Cấp 1 trường chuyên ở Hà Nội:
“Trường chuyên đấy vẫn có những xuất học bổng dành cho các cháu gọi là nghèo mà học tốt và có năng khiếu, miễn là cháu có thi vào được hay không. Thế còn chuyện con cái học ở đấy kiêu căng kiêu ngạo thì một phần là do chính người bố người mẹ nghĩ sai lệnh rằng con mình đẻ ra là thiên tài khác người, hoặc là con ông cháu cha nữa, thì tôi thấy chuyện đó sai”
Cũng không thể vì tiêu cực, hạn chế mà bỏ đi những trường chuyên nói chung và trường Amsterdam nói riêng, là góp ý của tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng:
“Tôi cũng từng đến trường chuyên Amsterdam ở Hà Nội nhiều lần, các em ở đó học hành rất tốt . Trường Amsterdam có nhiều em nhận được học bổng từ các trường danh tiếng trên thế giới. Đối với tôi trường chuyên là môi trường sàng lọc những học sinh xuất sắc để đào tạo, cá nhân tôi luôn ủng hộ và muốn duy trì trường chuyên”.
Đáng tiếc là hàng loạt vấn đề nêu trên dù được nói đến từ rất lâu rồi, nhưng biện pháp giải quyết chưa đạt kết quả mong muốn, tiến sĩ Lê Hồng Sơn trình bày tiếp trong bài viết.
Bộ mặt giáo dục của các trường chuyên tại các địa phương, ông nói, đang bị nhạt nhòa, mất giá trị thực tiễn ban đầu. Tiêu cực khiến học sinh có thực tài, có năng lực mà thiếu điều kiện thì không thể vào được, trong lúc học sinh bình thường, không có khả năng gì đặc biệt nhưng dư thừa điều kiện thì lọt vào trường chuyên là chuyện dễ dàng.
Chính vì thế, tiến sĩ Lê Hồng Son kết luận, hệ thống trường chuyên như vậy là một thực tế phù phiếm mà người quan tâm phải suy ngẫm để tìm cách giải quyết cho ổn thỏa.
Người dân Việt Nam lại lo sợ khi thủ tướng cộng sản
yêu cầu giảm giá mặt hàng thiết yếu
Tin Vietnam.- Báo Thanh niên ngày 2 tháng 7 năm 2020 loan tin, ông Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam lên tiếng yêu cầu Ban chỉ đạo điều hành giá xem xét, sớm giảm giá nhiều mặt hàng thiết yếu.
Các mặt hàng mà ông Phúc yêu cầu như thịt heo, nước sạch, logistics, sách giáo khoa, dịch vụ hàng không. Tuyên bố này của ông Phúc khiến nhiều người nghi ngờ, và lo lắng rằng kiểu gì giá các mặt hàng không những sẽ không giảm mà ngược lại sẽ tăng.
Vì thực tế trước đó, nhiều lần ông Phúc đã lên tiếng yêu cầu giảm giá thịt heo, phải giảm làm sao cho thịt heo về mốc 60,000 đồng/kg, tuy nhiên, cứ sau mỗi tuyên bố của ông Phúc thì giá thịt heo lại tăng cao, có thời điểm tăng đến 280,000 đồng/kg.
Và giờ đây, ông Phúc lại tuyên bố yêu cầu giảm giá các mặt hàng thiết yếu, khiến dư luận lại cho rằng đây là “kế sách” dọn đường cho việc tăng giá của nhà cầm quyền. Bởi vì, hai mặt hàng thiết yếu, chi phối, ảnh hưởng đến toàn bộ các mặt hàng khác là xăng và điện đã và đang được nhà cầm quyền tăng giá trong thời gian qua khiến người dân bất mãn.
Xăng và điện cũng là hai mặt hàng mà nhà cầm quyền độc quyền kinh doanh, mặc dù giá xăng dầu thế giới giảm nhưng những ngày qua nhà cầm quyền vẫn cho tăng giá. Việc tăng giá xăng, và điện của nhà cầm quyền khiến các chi phí sản xuất, vận chuyển hàng hoá sẽ tăng nhưng nhà cầm quyền lại yêu cầu người dân giảm giá hàng hoá là một hành động vô lý mà chỉ có thể xảy ra ở nền kinh tế xã hội chủ nghĩa. Bởi nếu đây không phải là cách triệu tiêu nền sản xuất thì sẽ là một hành động mang tính giả dối để lừa gạt người dân.
An Nhiên
Việt Nam, Mỹ nói về nâng cấp quan hệ,
phản đối Trung Quốc
Việt Nam và Mỹ cùng lúc đưa ra các thông điệp về tăng cường quan hệ ngoại giao, đồng thời bày tỏ quan ngại về hành động của Trung Quốc tại Biển Đông.
Việt Nam và Mỹ đang kỷ niệm 25 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao. Trong dịp này, hai bên cùng bày tỏ quyết tâm tăng cường hơn nữa mối quan hệ mà theo lời một quan chức ngoại giao Mỹ là “đang ở mức tốt đẹp nhất từ trước đến nay”.
‘Tốt nhất từ trước đến nay’
Tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao hôm 2/7, Người Phát ngôn Lê Thị Thu Hằng cho biết: “Việt Nam kiên trì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế, sẵn sàng làm bạn và đối tác tin cậy của tất cả các quốc gia trên thế giới”.
Về mối quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ, bà Hằng nói: “Sau 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, sáu năm thiết lập và triển khai quan hệ đối tác toàn diện, quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ chứng kiến những bước phát triển tích cực, thực chất trên tất cả các lĩnh vực và trên cả bình diện song phương và đa phương trên cơ sở nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của nhau.”
“Hai bên duy trì thường xuyên các cuộc tiếp xúc song phương và trao đổi đoàn các cấp, duy trì các cơ chế đối thoại, tăng cường thúc đẩy quan hệ trên các lĩnh vực kinh tế – thương mại, khắc phục hậu quả chiến tranh, an ninh – quốc phòng, khoa học – công nghệ, giáo dục – đào tạo, hợp tác trên các vấn đề khu vực và quốc tế”.
Trước câu hỏi được đặt ra liệu hai nước có nên nâng cấp quan hệ từ “đối tác toàn diện” lên “đối tác chiến lược” hay không, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nói: “Thời gian tới, hai bên sẽ tiếp tục hợp tác nhằm làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ, góp phần duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực và trên thế giới”.
Trong diễn biến khác, chiều cùng ngày, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink đã có cuộc gặp với báo chí Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 25 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam – Hoa Kỳ.
Tập trận Mỹ-ASEAN: ‘Mỹ sẽ không đứng yên nếu TQ tiếp tục ép VN’
VN đã sẵn sàng nâng tầm đối tác chiến lược với Mỹ?
Đại sứ Kritenbrink nói ông cũng không có thông tin cụ thể về việc bao giờ quan hệ ngoại giao giữa hai nước sẽ có một cái tên mới, nhưng nhấn mạnh quan hệ thực chất không phụ thuộc vào tên gọi.
Đồng thời, ông cũng khẳng định quan hệ hai nước chưa bao giờ tốt đẹp như hiện nay, với nhiều thành tựu trên tất cả các lĩnh vực. Hai nước cam kết sẽ tiếp tục duy trì mối quan hệ này và hợp tác trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, chia sẻ những giá trị chung về một trật tự thế giới dựa trên luật lệ, cởi mở, thịnh vượng, không cá lớn nuốt cá bé.
Báo Thanh Niên dẫn lời Đại sứ Kritenbrink nói: “Chúng tôi tin rằng quan hệ Việt – Mỹ đang ở mức tốt nhất và mạnh mẽ nhất từ trước đến nay. Sự hợp tác này sẽ ngày càng mạnh mẽ hơn nữa bất kể chúng ta gọi tên mối quan hệ đó là gì”.
Cảm ơn Việt Nam đã hỗ trợ Mỹ trong chống dịch Covid-19, Đại sứ Kritenbrink cũng dẫn một câu ngạn ngữ: “A friend in need is a friend indeed” (người bạn ở bên lúc khó khăn là người bạn đích thực) và nhấn mạnh, trong khó khăn, Mỹ đã thấy được bạn của mình là ai.
“Có lẽ, chúng tôi không có người bạn nào tốt hơn Việt Nam. Sự hỗ trợ của các bạn đã giúp cứu mạng người Mỹ”, Đại sứ Daniel Kritenbrink nói.
Phản đối Trung Quốc bành trướng trên Biển Đông
Cũng trong thời gian này, Mỹ và Việt Nam đều đưa ra thông điệp phản đối Trung Quốc tập trận tại Biển Đông.
Hôm 2/7, Bộ Quốc phòng Mỹ ra tuyên bố bày tỏ lo ngại về việc Trung Quốc tập trận ở khu vực quần đảo Hoàng Sa, chỉ trích hành động này sẽ làm gia tăng bất ổn trong khu vực. Trong tuyên bố, Bộ Quốc phòng Mỹ khẳng định quần đảo Hoàng Sa là lãnh thổ tranh chấp.
“Các cuộc tập trận là động thái mới nhất trong chuỗi hành động nhằm khẳng định các yêu sách hàng hải phi pháp, gây bất lợi cho các nước Đông Nam Á ở Biển Đông”, tuyên bố của Bộ Quốc phòng Mỹ nêu rõ.
Thông tin từ Cục Hải sự Trung Quốc và truyền thông quốc tế cho biết từ ngày 1 tới 5/7, Bắc Kinh thực hiện tập trận gần quần đảo Hoàng Sa.
Mỹ đưa ba tàu sân bay tới cửa ngõ Biển Đông, TQ lo ngại
Biển Đông: ‘TQ mượn gió bẻ măng’ nhưng ‘thời thế hiện không dễ cho họ’
Biển Đông: ‘TQ mượn gió bẻ măng’ nhưng ‘thời thế hiện không dễ cho họ’
Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Việt Nam chiều 2/7, Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng cũng đã lên tiếng phản đối: “Việc Trung Quốc tiến hành tập trận ở khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đã vi phạm chủ quyền của Việt Nam với quần đảo Hoàng Sa, đi ngược lại tinh thần tuyên bố DOC (Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông), làm phức tạp tình hình, không có lợi cho quy trình đàm phán COC (bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông) hiện nay giữa ASEAN và Trung Quốc, và việc duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông”.
Tại cuộc gặp với báo chí cũng vào hôm 2/7, Đại sứ Kritenbrink cho biết với ba tàu sân bay Mỹ đang hiện diện tại Thái Bình Dương, Washington muốn khẳng định lợi ích lâu dài của mình trong việc đảm bảo hòa bình, ổn định tại khu vực.
“Ở Biển Đông, các quốc gia lớn hay nhỏ đều phải hành xử theo luật pháp quốc tế, đưa ra các tuyên bố chủ quyền dựa trên luật pháp quốc tế. Các quốc gia lớn hơn không thể bắt nạt hay đe dọa các quốc gia nhỏ hơn. Chúng tôi tin tưởng vào các biện pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp trên Biển Đông, tin tưởng vào quyền tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông”, ông Kritenbrink khẳng định.
Cụ thể hơn, ông Kritenbrink cho biết Hoa Kỳ “phản đối các hành động của Trung Quốc trong việc can thiệp và cản trở các quốc gia khai thác dầu khí trên Biển Đông, trong đó có các hoạt động lâu năm của Việt Nam. Đặc biệt, chúng tôi phản đối Trung Quốc cố gắng cản trở các quốc gia ASEAN tiếp cận, khai thác nguồn tài nguyên trị giá 2.500 tỷ USD tại vùng biển này”.
Trang tin Indo-Pacific đưa hình ảnh hiếm hoi chụp được trên Biển Đông khi có tàu chiến ven bờ USS Gabrielle Giffords (LCS-40) của Mỹ, tàu khảo sát địa chất HYDZ 4 của Trung Quốc và tàu Kiếm ngư KN750 của Việt Nam. Trang này nhận xét đây là dấu hiệu tích cực cho thấy sự hỗ trợ của Mỹ trên Biển Đông.
Đại sứ Mỹ cũng “lấy làm tiếc” trước việc Trung Quốc đã ngăn cản các hoạt động tự do thương mại, kinh tế trên không chỉ Biển Đông mà còn trên vùng Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương. Theo ông, Trung Quốc tận dụng cuộc khủng hoảng do Covid-19 gây ra để tăng cường các hoạt động khiêu khích và hiếu chiến trên Biển Đông vì lợi ích của mình.
“Mỹ phản đối việc Trung Quốc, hay bất kỳ một nước nào, sử dụng các biện pháp cưỡng ép để gia tăng các tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông. Trung Quốc cần dừng các hoạt động mang tính khiêu khích làm ảnh hưởng đến sự ổn định trong khu vực”, Đại sứ Mỹ nói.
Đồng thời, ông cũng lên tiếng xác nhận: “Đó là lý do tại sao bạn thấy quân đội Mỹ và các tàu của Mỹ hoạt động thường xuyên trên Biển Đông thời gian vừa qua, và chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục các hoạt động này ở bất cứ nơi nào mà luật pháp quốc tế cho phép”.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-53217667
Bốn năm sau lời hứa
của Thủ Tướng Ấn Độ Narendra Modi,vẫn chưa
tiến hành đưa hỏa tiễn Brahmos đến Việt Nam
Các nhà phân tích quân sự cao cấp ở New Delhi cho biết, cuộc xung đột giữa Quân đội Ấn Độ và Quân đội Trung Cộng ở miền đông Ladakh có thễ dẫn đến việc Ấn Độ chuyển giao nhanh hệ thống hỏa tiễn BrahMos và Akash cho cộng sản Việt Nam.
Một cựu sĩ quan quân đội Ấn Độ giấu tên cho hay, cho đến nay, hầu như chưa có bất kỳ hành động nào được tiến hành trong việc cung cấp cả hai hệ thống hỏa tiễn trên cho Hà Nội mặc dù các cuộc đàm phán mở rộng đã diễn ra. Mặc dù có tranh chấp với Trung Cộng, chính phủ Ấn Độ dường như không muốn làm phật lòng Bắc Kinh bằng bất kỳ hành động nào có liên quan đến các quốc gia có biên giới với Trung Cộng.
Theo tờ The Wire đưa tin, năm 2014, chính phủ Ấn Độ đã thảo luận với cộng sản Việt Nam về việc cung cấp hỏa tiễn hành trình BrahMos, như một phần của quan hệ quân sự và chiến lược song phương với Hà Nội và để chống lại Trung Cộng. Vào tháng 6/2016, Bộ trưởng Quốc phòng Manohar Parrikar đã tổ chức các cuộc tham vấn với bộ trưởng quốc phòng cộng sản Việt Nam Ngô Xuân Lịch tại Hà Nội về việc chuyển giao hệ thống BrahMos cho Việt Nam.
Sau đó, Ấn Độ cũng đã tiến hành các cuộc đàm phán với Việt Nam vào cuối năm 2016 để bán cho Hà Nội hỏa tiễn Akash. Tuy nhiên, Ấn Độ đã rơi vào tình trạng bất lực do sự ngăn cản của Trung Cộng. Thủ tướng Narendra Modi đã hứa sẽ cung cấp cho Việt Nam hệ thống hỏa tiễn tốt hơn theo như chính sách “Act East” của ông, nhưng 6 năm sau, Việt Nam vẫn chưa nhận được bất kỳ hệ thống hỏa tiển nào. (BBT)
Điểm tin trong nước sáng 3/7:
Thêm 3 ca bạch hầu ở Đăk Nông;
3.000 người nước ngoài được cấp phép vào TP.HCM
Tâm Tuệ
Mục điểm tin trong nước sáng thứ Sáu (3/7) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi đến quý độc giả những nội dung chính sau:
Thêm 3 ca bạch hầu ở Đăk Nông
Báo VnExpress dẫn tin từ Sở Y tế Đăk Nông cho biết, tỉnh này vừa ghi nhận thêm 2 bệnh nhân bạch hầu ở huyện Krông Nô, 1 ở huyện Đăk G’long.
3 bệnh nhân mới là bé trai 8 tuổi và gái 5 tuổi, ở xã Quảng Phú, huyện Krông Nô; bé gái 8 tuổi, xã Quảng Hòa, huyện Đăk G’long, nhập viện với triệu chứng sốt, ho, đau họng, đại diện Sở Y tế cho biết chiều 2/7.
Như vậy, từ đầu tháng 6 đến nay, tỉnh Đăk Nông ghi nhận 15 ca bạch hầu. Trong đó một bé gái đã tử vong, một bé trai nguy kịch đang được điều trị tại Bệnh viện Nhiệt đới TP.HCM. Tỉnh Kon Tum ghi nhận 8 ca.
3.000 người nước ngoài được cấp phép vào TP.HCM
Báo Tuổi trẻ dẫn thông tin từ ông Nguyễn Văn Lâm – phó giám đốc Sở Lao động-thương binh và xã hội TP.HCM cho biết những người được cấp phép cho nhập cảnh là quản lý, chuyên gia người nước ngoài làm việc tại các doanh nghiệp trên địa bàn TP. Có 82 người là vợ, con của các lao động người nước ngoài cũng được TP đề xuất và được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận cấp phép vào Việt Nam.
Các lao động này khi vào Việt Nam sẽ được cách ly tập trung hoặc cách ly tại khách sạn theo yêu cầu.
Về phía doanh nghiệp, các doanh nghiệp cho biết, nhiều người nước ngoài là nhà đầu tư, chuyên gia kỹ thuật, lao động tay nghề cao, nhà quản lý chưa được nhập cảnh vào Việt Nam, làm ảnh hưởng đến công việc của các doanh nghiệp.
Tống tiền 200 triệu đồng, thanh tra viên Sở Nội Vụ Đắk Lắk bị bắt
Báo Vietnamnet thông tin, chiều qua (1/7), Công an TP. Buôn Ma Thuột đã ra thông cáo báo chí, bắt giữ ông Trần Văn Tuệ (sinh năm 1965, trú phường Thành Nhất, TP. Buôn Ma Thuột), là thanh tra viên thuộc Sở Nội vụ tỉnh Đắk Lắk về hành vi nhận hối lộ.
Ông Tuệ bị công an bắt quả tang khi đang tống tiền bà Bùi Thị Phương Thúy (sinh năm 1977, trú xã Ea Tân, huyện Krông Năng).
Việc tống tiền khởi phát khi ông Tuệ yêu cầu Trường THCS Trần Phú đưa hồ sơ cán bộ đến Phòng Nội vụ huyện Krông Năng để ông này kiểm tra. Khi kiểm tra ông Tuệ phát hiện bà Thuý là nhân viên thiết bị trường học sử dụng bằng tốt nghiệp THPT nghi làm giả.
Sau đó, ông Tuệ liên lạc với bà Thúy và yêu cầu đưa 200 triệu đồng để bỏ qua vụ việc.
Kiến nghị thu phí trở lại cao tốc TP.HCM – Trung Lương
Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) kiến nghị Chính phủ thông qua đề án thu phí đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương.
Bộ cũng trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc cho phép thu phí phương tiện lưu thông trên tuyến cao tốc này.
Bộ Giao thông Vận tải nói, việc dừng thu phí hiện nay được cho là đã làm giảm hiệu quả đầu tư xây dựng và khai thác tuyến cao tốc TP.HCM – Trung Lương. Sau khi dừng thu từ đầu 2019, lưu lượng phương tiện trên cao tốc này tăng đột biến, nhất là vào cuối tuần.
Điểm tin trong nước tối 3/7:
Tàu chiến Mỹ, tàu kiểm ngư Việt Nam,
tàu Hải Dương 4 chạm mặt nhau ở Biển Đông
Tâm Minh – Hiểu Minh
Mục điểm tin trong nước tối thứ Sáu (3/7) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi đến quý độc giả những nội dung chính sau:
Tàu chiến Mỹ, tàu kiểm ngư Việt Nam, tàu Hải Dương 4 chạm mặt nhau ở Biển Đông
Tuổi Trẻ đưa tin, các hình ảnh được công bố ngày 2/7 cho thấy không chỉ có USS Gabrielle Giffords xuất hiện gần tàu Trung Quốc ngày 1/7 tại một khu vực không xác định trên Biển Đông.
Một bức ảnh toàn cảnh được chụp từ trên cao khác cho thấy có 4 tàu trong vụ việc. Ngoài tàu chiến Mỹ còn có một tàu kiểm ngư của Việt Nam và hai tàu Trung Quốc, trong đó có một tàu hộ vệ tên lửa.
Các bức không ảnh do Mỹ công bố cho thấy một tàu kiểm ngư Việt Nam (không rõ số hiệu) thuộc lớp tàu tuần tra KN-750 đang ở hướng mũi tàu Trung Quốc.
Ít nhất hai hình ảnh được chụp từ trực thăng hoặc thiết bị bay không người lái của USS Gabrielle Giffords cho thấy có vẻ như tàu tuần tra của Việt Nam đã bám đuổi tàu Trung Quốc trước khi tàu Mỹ xuất hiện.
Một hình ảnh khác cho thấy tàu hộ vệ tên lửa của hải quân Trung Quốc đã di chuyển sau hành động của tàu Mỹ.
Dữ liệu hàng hải trên trang Marine Traffic cho thấy tàu khảo sát của Trung Quốc đã chuyển hướng khỏi khu vực và tăng tốc về phía bắc chỉ một ngày sau vụ việc.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc và Bộ Quốc phòng Trung Quốc chưa đưa ra bình luận.
Đây không phải là lần đầu tiên tàu khảo sát Trung Quốc tiến xuống Biển Đông. Giới học giả nhận định không chỉ khảo sát dầu khí, các tàu khảo sát Trung Quốc còn tranh thủ vẽ bản đồ đáy biển cho tàu ngầm hoạt động.
Một số thông tin trên báo quốc tế nói Hải Dương 4 đã xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
USS Gabrielle Giffords không hề xa lạ với Trung Quốc. Đây là tàu đã đối đầu với tàu Hải Dương 8 của Trung Quốc cùng đội tàu hộ tống của nó khi các tàu này được cho là quấy rối tàu khoan dầu khí của Malaysia trên Biển Đông hồi tháng 5.
Luật sư Trần Hồng Phong làm đơn khẳng định Hải ngoại phạm
Cũng theo Tuổi Trẻ đưa tin, theo đơn trình bày của luật sư, các bản án sơ thẩm và phúc thẩm, quyết định giám đốc thẩm đều thể hiện lúc 19h13 ngày 13/1/2008 Hải gọi điện thoại ở tiệm cầm đồ, sau đó Hải ghé quán cà phê, trả tiền nợ cho bạn, rồi chạy về bưu điện Cầu Voi và có mặt ở đây khoảng 19h30. Sau đó, Hải ra tay giết chết 2 nạn nhân.
Bản án thể hiện có nhiều nhân chứng nhìn thấy một nam thanh niên có mặt tại bưu điện vào khoảng thời gian này, và trong lời khai Hải cũng thừa nhận việc mình có mặt ở bưu điện và giết 2 nạn nhân.
Luật sư Trần Hồng Phong cho rằng thời gian gần đây, ông tiếp nhận được nhiều bút lục, mà ông tin tưởng rằng đây chính là các bút lục nằm trong hồ sơ nhưng đã được rút ra khỏi hồ sơ vụ án (có đóng dấu bút lục của VKS Long An). Trong số những bút lục này có lời khai của anh Hồ Văn Bình.
Theo đó, lời khai của anh Hồ Văn Bình được lấy sau khi vụ án mạng xảy ra ngày 20/1/2008 như sau:
“Chiều chủ nhật 13/1/2008, lúc 19h15 phút tôi có vào Bưu điện gửi xe gắn máy để đi bộ qua nhà anh Hai tôi. Khi vào tôi thấy ngoài sân bưu điện có một xe gắn máy, tôi không chú ý nên không xác định
được là loại xe gì. Tôi đậu xe phía bên dân phòng, đi lại cửa bưu điện nhưng không đi vào bên trong. Tôi nhìn vào thì thấy Vân ngồi ở quầy tính tiền, còn Hồng ngồi ở ghế salon với một thanh niên.
Lúc tôi kêu Vân tôi gửi xe thì người thanh niên này có nhìn ra phía tôi. Người này mặc áo sơmi trắng, không xác định ngắn hay dài tay, không để ý loại quần, thấy mặt hơi tròn, nhìn thấy người hơi ốm, nước da trắng. Tóc ngắn nhưng chải ngược lên, các đặc điểm khác không xác định được, độ tuổi khoảng 23-24″.
Sau đó điều tra viên Lê Thành Trung hỏi anh Bình vì sao anh xác định gửi xe lúc 19h15. Anh Bình trả lời rõ ràng:
“Tôi xác định là 19h15 phút vì hôm đó anh Hai đi lấy vàng chưa về. Tôi có nhìn đồng hồ ở nhà anh Hai, xác định là 19h15 phút, tôi nói anh Hai hôm nay về muộn. Khi tôi qua nhà anh Hai, anh Hai chưa về, tôi quay lại lấy xe thì Hồng và thanh niên đó vẫn ngồi bình thường, còn Vân đứng dựa vào quầy nhìn ra phía Hồng và thanh niên”.
Như vậy, căn cứ vào lời khai của anh Bình và tình hình thực tế thì lúc 19h13, Hồ Duy Hải vẫn còn ở tiệm cầm đồ, và chưa thể về đến bưu điện để ngồi cùng Vân trong bưu cục.
Về lời khai này của anh Hồ Văn Bình, ngay trong quyết định giám đốc thẩm của HĐTP TAND Tối cao cũng đã thể hiện. Tuy nhiên, trong quyết định này chỉ nêu vào lúc hơn 19h anh Bình tới bưu điện gửi xe thì thấy một thanh niên ngồi trong bưu cục với Hồng, sau đó quay lại lấy xe thì vẫn thấy người này ngồi cùng Hồng.
Phó Thủ tướng yêu cầu làm rõ nguyên nhân cháy kho hóa chất ở Hà Nội
Về vụ cháy kho chứa hóa chất của Công ty TNHH sản xuất và thương mại Cường Việt tại phường Thượng Thanh, quận Long Biên, TP. Hà Nội vào sáng ngày 30/6, Phó Thủ tướng yêu cầu UBND thành phố Hà Nội khắc phục hậu quả, điều tra nguyên nhân vụ cháy, đồng thời đánh giá tác động ô nhiễm môi trường từ vụ cháy kho hóa chất nêu trên; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 10/7/2020, theo Baochinhphu.
Việt Nam nói ‘Hong Kong là chuyện nội bộ’ của Trung Quốc
Trung Quốc hôm 30/6 đã thông qua Luật an ninh quốc gia Hong Kong, đi ngược lại với tuyên bố Trung – Anh mà nước này đã cam kết năm 1984, trong đó nêu rằng hệ thống xã hội chủ nghĩa của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa sẽ không được thực hiện ở Đặc khu Hồng Kông và hệ thống tư bản và lối sống trước đó của Hồng Kông sẽ không thay đổi trong khoảng thời gian 50 năm cho đến năm 2047. Mỹ và 27 quốc gia khác đã lên tiếng phản đối quyết định của Bắc Kinh.
Về phía Việt Nam, hôm 2/7, khi được phóng viên Tân Hoa Xã (hãng thông tấn của nhà nước Trung Quốc) hỏi Việt Nam đánh giá như thế nào về việc Trung Quốc thông qua luật an ninh quốc gia tại đặc khu hành chính Hong Kong. Người phát ngôn Bộ ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng trả lời rằng: “Việt Nam tôn trọng và ủng hộ chính sách “một quốc gia, hai chế độ” của Trung Quốc, luật cơ bản Hong Kong và các quy chế liên quan của Hong Kong. Các vấn đề liên quan đến Hong Kong là công việc nội bộ của Trung Quốc.” Bà Hằng cũng cho biết: “Việt Nam mong muốn tình hình Hồng Kông được ổn định và phát triển thịnh vượng.”Theo VOA, dựa vào tuyên bố của Bộ Ngoại giao Việt Nam, Trung Quốc đưa Việt Nam vào danh sách các nước ủng hộ Trung Quốc liên quan tới tình hình Hong Kong.
Mạng lưới truyền hình toàn cầu Trung Quốc (CGTN), đưa ra một danh sách các quốc gia ủng hộ Trung Quốc thông qua luật an ninh quốc gia ở Hong Kong, trong đó có Cuba, Việt Nam, Pakistan, Myanmar, Ai Cập, Cameroon, Venezuela, Belarus, vv…
Tân Hoa Xã thì tường trình rằng Cuba đã đại diện cho 52 nước đọc tuyên bố chung tại phiên họp thứ 44 của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, hoan nghênh việc Trung Quốc thông qua Đạo luật Bảo vệ An ninh quốc gia tại đặc khu hành chính Hong Kong.