10 điểm đáng chú ý về Luật An ninh Hồng Kông

Cac Bai Khac

No sub-categories

10 điểm đáng chú ý về Luật An ninh Hồng Kông
Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc hôm 30/6 đã ban hành Luật An ninh Quốc gia Hồng Kông. Toàn văn tiếng Trung của luật này đã được chế độ Trung Quốc công bố vào tối cùng ngày.
Trưởng Đặc khu Hồng Kông hàng năm phải báo cáo chính phủ Trung Quốc về tình hình an ninh quốc gia Hồng Kông.
Trưởng Đặc khu Hồng Kông hàng năm phải báo cáo chính phủ Trung Quốc về tình hình an ninh quốc gia Hồng Kông. (Ảnh: GovHK)

Dưới đây là 10 điểm đáng chú ý của luật gây tranh cãi này:

1. Phạm vi truy tố rộng

Luật An Ninh Quốc gia quy định 4 loại tội phạm bị truy tố gồm ly khai, lật đổ, khủng bố và thông đồng với các thế lực bên ngoài nhằm gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia. Mỗi loại tội này được định nghĩa rộng.

Tội ly khai được định nghĩa tại Điều 20 là hành vi “tham gia, lên kế hoạch hoặc thực hiện… những hành động ly hai dù có hay không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực”.

Những hành động ly khai đề cập tới việc ly khai Hồng Kông hoặc bất kỳ phần nào khác của Trung Quốc khỏi nhà nước Cộng hòa Nhân dân, thay đổi bất hợp pháp hiện trạng của Hồng Kông hoặc bất kỳ phần nào khác của Trung Quốc, hoặc chuyển giao Hồng Kông hay bất kỳ phần nào khác của Trung Quốc cho nước ngoài quản lý.

Tội lật đổ được định nghĩa trong Điều 22 là hành vi “tham gia, lên kế hoạch hoặc thực hiện… những hành động lật đổ nhà nước dù bằng vũ lực hoặc bằng các phương tiện phi pháp khác”.

Những hành động lật đổ đề cập tới việc lật đổ hay phá hoại “hệ thống nền tảng” của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa theo hiến pháp nước này hoặc các cơ quan nhà nước của Trung Quốc và Hồng Kông. Những hành động này cũng đề cập tới “can thiệp nghiêm trọng, cản trở hoặc phá hoại” việc thực thi quyền lực hợp pháp của các cơ quan nhà nước Trung Quốc hoặc Hồng Kông, hoặc tấn công hay phá hủy các địa điểm và các cơ sở mà các cơ quan Hồng Kông dùng vào việc thực hiện các chức năng nhà nước của họ.

Tội khủng bố được định nghĩa trong Điều 24 là hành vi “tham gia, lên kế hoạch, thực hiện hoặc tham gia thực hiện những hành động gây tổn hại xã hội nghiêm trọng hoặc có ý định gây tổn hại xã hội nghiêm trọng – với mục đích đe dọa chính phủ Trung Quốc hoặc Hồng Kông, cơ quan quốc tế hoặc công chúng”.

Những hành động khủng bố được đề cập đến bao gồm: bạo lực cá nhân nghiêm trọng; sử dụng chất gây nổ, đốt phá hoặc chất độc, các nguyên liệu phóng xạ hoặc bệnh dịch; phá hủy giao thông và các cơ sở quyền lực (cùng những thứ khác); can thiệp nghiêm trọng vào hoặc phá hủy cơ sở hạ tầng; hoặc gây tổn hại nghiêm trọng tới sức khỏe cộng đồng và việc sử dụng an toàn các phương tiện nguy hiểm khác.

Tội thông đồng với các thế lực nước ngoài được định nghĩa đầu tiên tại Điều 29 là hành vi “đánh cắp, gián điệp, đưa hối lộ hoặc cung cấp bất hợp pháp bí mật nhà nước hoặc thông tin tình báo liên quan tới an ninh quốc gia cho các thể chế, các cơ quan hoặc điệp viên nước ngoài”.

Định nghĩa thứ hai về tội thông đồng là hành vi yêu cầu các thể chế, cơ quan hoặc điệp viên nước ngoài thực hiện, âm mưu thực hiện hoặc ủng hộ các hành động sau: Đe dọa chiến tranh hoặc đe dọa vũ lực chống lại Trung Quốc; ban hành các luật và chính sách gây cản trở nghiêm trọng hoặc các hậu quả nghiêm trọng cho Hồng Kông hoặc Trung Quốc; thao túng và phá hoại các cuộc bầu cử; chế tài, phong tỏa hoặc các hành động thù địch khác; và sử dụng các biện pháp bất hợp pháp để khiến người dân Hồng Kông thù hận chính phủ Hồng Kông hoặc Trung Quốc.

2. Phạt tù từ ba năm tới chung thân

Đối với 4 tội danh nêu trên, những trường hợp “nghiêm trọng” thông thường sẽ bị phạt tù từ tối thiểu 10 năm đến chung thân. Những trường hợp nhẹ sẽ bị phạt tù từ tối thiểu 3 năm đến tối đa 10 năm.

Theo Điều 31 và 35, những nhà lập pháp, ủy viên hội đồng quận, công chức, thẩm phán hoặc các quan chức khác nếu bị kết tội liên quan đến an ninh quốc gia thì có thể bị tước chức vụ.  Các công ty hoặc tổ chức bị kết tội liên quan đến an ninh quốc gia cũng sẽ bị phạt tiền và tước giấy phép hoạt động.

Theo Điều 33, những tội phạm nếu tự nguyện dừng hoặc ngăn chặn hành vi phạm tội, đầu hàng cơ quan chức năng hoặc khai báo những hành vi phạm tội do những người khác thực hiện, thì sẽ được xem xét giảm án.

3. Đè lên luật Hồng Kông hiện tại

Điều 62 quy định rằng luật an ninh sẽ đè lên luật địa phương Hồng Kông, nếu có sự không tương thích giữa các luật này.

Điểm không tương thích lớn là Điều 42. Điều này quy định rằng các nghi phạm sẽ không được bảo lãnh tại ngoại “nếu thẩm phán không đưa ra các lý do thuyết phục để tin rằng ông hoặc bà này sẽ không tiếp tục hành động gây nguy hiểm tới an ninh quốc gia”. Pháp lệnh Tố tụng Hình sự của Hồng Kông hiện hành luật định ưu tiên bảo lãnh tại ngoại, là một phần trong luật chung về suy đoán vô tội.

Quyền giải thích luật an ninh quốc gia Hồng Kông thuộc về Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc, theo Điều 65.

Trái ngược với Điều 158 của Luật Cơ bản tuyên bố rằng hiến pháp này của Hồng Kông có thể được giải thích bởi các tòa án địa phương, thì luật an ninh quốc gia không có điều khoản nào trao quyền cho các tòa án địa phương giải thích luật này.

Luật an ninh mới không có điều khoản nào tuyên bố luật này sẽ hồi tố như nhiều người lo ngại. Điều 38 tuyên bố rằng các tội có thể bị truy tố và án phạt sẽ áp dụng với những hành động sau khi luật này có hiệu lực.

4. Xét xử kín, bí mật?

Nhìn chung, Điều 63 yêu cầu lực lượng thực thi pháp luật, thẩm phán và nhân viên khác, kể cả luật sư bào chữa phải không được tiết lộ “bí mật nhà nước”.

Các vụ xét xử có thể không công khai với công chúng vì các lý do như giữ bí mật nhà nước và đảm bảo trật tự công cộng, theo Điều 41.

Mặc dù các phiên xét xử được phép có bồi thẩm đoàn, nhưng Điều 46 trao quyền cho Bộ trưởng Tư pháp triệu tập một bồi thẩm đoàn gồm 3 thẩm phán cho phiên xử dựa trên những căn cứ liên quan tới bí mật nhà nước hoặc các yếu tố ngoại giao/bên ngoài. Tuy nhiên, theo Điều 47 quyền được quyết định một phiên xử có có liên quan tới bí mật nhà nước hay không thuộc về Trưởng Đặc khu, không thuộc về tòa án.

5. Các cơ quan và điệp viên Trung Quốc

Điều 48 quy định rằng chính phủ Trung Quốc sẽ thành lập Văn phòng An ninh Quốc gia (NSO) tại Hồng Kông, những nhiệm vụ nổi bật của văn phòng này bao gồm thu thập và phân tích thông tin tình báo an ninh quốc gia và “tiến trình” của các vụ án an ninh quốc gia.

Theo Điều 60 và Điều 61, các điệp viên của NSO không phải chịu tài phán của Hồng Kông trong khi họ thực hiện nhiệm vụ. Các ban ngành của chính quyền Hồng Kông được yêu cầu phải hợp tác với NSO và phải ngăn chặn bất kỳ hành vi cản trở nào đối với công việc của họ.

NSO được trao quyền để “thực hiện các biện pháp cần thiết” nhằm củng cố “sự quản lý của và cung cấp dịch vụ cho” các tổ chức phi chính phủ (NGO) và các hãng truyền thông, theo Điều 54.

6. Quyền tài phán, dẫn độ và đặc quyền ngoại giao

Trong Luật An ninh Quốc gia Hồng Kông không có bất cứ điều khoản nào đề cập tới việc dẫn độ về Trung Quốc. Hồng Kông được trao quyền truy tố các tội phạm thông qua tòa án địa phương, theo Điều 40.

Tuy nhiên, Điều 55 quy định ba ngoại lệ: Trong tình huống Hồng Kông gặp “những khó khăn thực sự” vì liên quan tới các lực lượng nước ngoài, trong tình huống Hồng Kông không có các biện pháp hiệu quả để thực thi luật an ninh này vì mức độ nghiêm trọng của vụ việc, và trong tình huống khi Trung Quốc đối mặt với các mối đe dọa thực sự nghiêm trọng.

Với ba ngoại lệ nêu trên, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Trung Quốc có thể chỉ định “viện kiểm sát tương ứng” để thực hiện truy tố, đồng thời Tòa án Nhân dân Tối cao Trung Quốc có thể chỉ định “tòa án tương ứng” để xét xử.

Tiến trình truy tố và xét xử các trường hợp ngoại lệ này sẽ diễn ra theo luật hình sự của Trung Quốc đại lục, theo Điều 56.

Một vấn đề về tài phán nổi bật khác là ở Điều 38, trong đó tuyên bố rằng những cư dân không phải người Hồng Kông có thể bị truy tố về những hành động của họ ở bên ngoài Hồng Kông.

7. Những quyền lực cảnh sát mới

Theo Điều 16, một Phòng An ninh Quốc gia mới sẽ được thành lập bên trong Lực lượng Cảnh sát Hồng Kông. Hoạt động của Phòng An ninh Quốc gia mới này phải được giữ bí mật.

Phòng An ninh Quốc gia mới ngoài những quyền lực cảnh sát hiện tại, thì Điều 43 còn trao các sĩ quan của phòng này một loạt các quyền rộng lớn khác, bao gồm: Các quyền về lục soát, hạn chế di trú nước ngoài, phong tỏa và tịch thu tài sản, yêu cầu cung cấp dịch vụ để xóa thông tin và cung cấp hỗ trợ, yêu cầu các tổ chức chính trị nước ngoài phải cung cấp thông tin, giám sát bí mật và chặn viễn thông, và yêu cầu người dân liên can tới các vụ án phải trả lời câu hỏi hoặc cung cấp thông tin.

Một số quyền lực này của Phòng An ninh Quốc gia mới có thể không phù hợp với quyền im lặng, nhưng luật an ninh quốc gia mới cao hơn tất cả các luật địa phương.

8. Lựa chọn thẩm phán

Điều 44 trao quyền cho Trưởng Đặc khu lựa chọn các thẩm phán và các quan tòa tại tất cả các cấp độ tòa án của Hồng Kông để xử lý các vụ án an ninh quốc gia. Quan điểm của Chánh án Tòa án Tối cao cũng có thể được xem xét.

Tuy nhiên, những thẩm phán mà đã từng “tuyên bố hoặc tham gia vào hành vi gây nguy hiểm tới an ninh quốc gia” có thể không được chọn.

Không có điều khoản nào cấm các thẩm phán nước ngoài tham gia vào các phiên xét xử một khi họ được đề nghị.

9. Các cơ quan mới khác

Theo Luật An ninh Quốc gia Hồng Kông, Đặc khu sẽ thành lập Ủy ban An ninh Quốc gia mới do Trưởng Đặc khu lãnh đạo trực tiếp và một cố vấn của Ủy ban này là người do chính phủ Trung Quốc chỉ định. Ngân sách của Ủy ban này sẽ không phải chịu sự giám sát của Hội đồng Lập pháp Hồng Kông.

Hơn nữa, theo Điều 14, tòa án không có quyền thách thức những quyết định của Ủy ban An ninh Quốc gia.

Bộ Tư pháp Hồng Kông cũng sẽ thành lập một bộ phận để giải quyết các vụ án an ninh quốc gia và hoạt động của bộ phận này phải giữ bí mật. Trưởng Đặc khu hàng năm sẽ phải báo cáo chính phủ Trung Quốc về vấn đề an ninh quốc gia.

10. Giáo dục về an ninh quốc gia

Theo Điều 9 và Điều 10, chính quyền Hồng Kông được yêu cầu phải phổ biến luật an ninh quốc gia tới các trường học, các nhóm xã hội, truyền thông và trên mạng internet.

Theo HKFP – 1/7/20