Tin Việt Nam – 01/07/2020
Nhiều trạm thu phí trên cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình thất thủ – Hiểu Minh
Sáng 1/7, tuyến cao tốc Pháp Vân – Ninh Bình thực hiện thu phí không dừng chưa được bao lâu thì xảy ra ùn tắc kéo dài đến gần 1km khiến CSGT phải xả trạm.
Tình trạng ùn ứ bắt đầu xảy tại trạm BOT Vực Vòng (thuộc địa phận tỉnh Hà Nam). Đây là đoạn thuộc tuyến cao tốc do Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đang khai thác.
Theo tìm hiểu của phóng viên Kinh tế & Đô thị, sự cố ùn ứ trên là do chưa có sự phối hợp tốt giữa các đơn vị vận hành của toàn tuyến cao tốc Pháp Vân – Ninh Bình là Công ty CP Xây dựng công trình giao thông Phương Thành (vận hành tuyến Pháp Vân – Cầu Giẽ) – VEC (vận hành tuyến Cầu Giẽ – Ninh Bình) và Công ty TNHH thu phí tự động VETC (đơn vị vận hành hệ thống thu phí tự động).
Trên báo Vnexpress, ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó giám đốc Công ty Vận hành và Bảo trì đường cao tốc Việt Nam (VEC O&M) cho hay nhiều xe tải, xe khách chạy tuyến Hà Nội đến Nam Định, Hà Nam, Thanh Hóa đã mua vé tháng trong tài khoản không dừng, song vé tháng này chỉ sử dụng được tại đoạn đầu tuyến cao tốc là Pháp Vân – Cầu Giẽ.
Khi xe đến đoạn Cầu Giẽ – Ninh Bình, tài xế sẽ phải tiếp tục trả vé lượt cho đoạn này (vì không có vé tháng, vé quý) tại các trạm thu phí như Liên Tuyền, Vực Vòng hay Cao Bồ. Tuy nhiên, tài xế cũng không muốn trả tiền vé lượt, tài khoản giao thông của nhiều xe không có tiền nên không thể đi qua.
“Nhiều tài xế khẳng định đã mua vé tháng cho toàn tuyến cao tốc Pháp Vân – Ninh Bình nên họ không phải trả tiền vé lượt cho đoạn Cầu Giẽ – Ninh Bình. Chúng tôi đã giải thích là hai dự án khác nhau song lái xe vẫn không hiểu và không trả vé lượt”, ông Sơn nói.
Ông Phạm Văn Khôi, Tổng giám đốc Công ty BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ cũng cho biết, từ 1/7 các xe sử dụng vé tháng, vé quý trên tuyến Pháp Vân – Cầu Giẽ phải mua vé tháng qua tài khoản giao thông và đi vào làn không dừng (ETC). Tuy nhiên, đoạn cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình do VEC quản lý không áp dụng bán vé tháng, vé quý cho phương tiện thì các xe vẫn phải trả vé lượt khi vào làn không dừng hoặc làn hỗn hợp.
Cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ – Ninh Bình dài khoảng 80km, 6 làn xe, là tuyến huyết mạch phía nam thủ đô Hà Nội, lưu lượng ôtô trung bình 60.000 xe mỗi ngày đêm.
Đoạn cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ do Công ty CP BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ quản lý, đoạn còn lại Cầu Giẽ – Ninh Bình do Tổng công ty Đầu tư và phát triển cao tốc Việt Nam (VEC) quản lý. Hai doanh nghiệp đều đã triển khai thu phí không dừng.
Từ ngày 10/6 vừa qua, tuyến cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ – Ninh Bình bắt đầu triển khai các làn thu phí không dừng với vé lượt và nhân rộng với vé tháng, vé quý từ ngày 1/7.
https://www.dkn.tv/thoi-su/nhieu-tram-thu-phi-tren-cao-toc-cau-gie-ninh-binh-that-thu.html
Tổng giám đốc Công ty Phú An Thịnh Land
bị bắt giam 4 tháng để điều tra
Công an TP.HCM ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản tại Công ty Cổ phần Địa ốc Phú An Thịnh Land; đồng thời bắt tạm giam tổng giám đốc của công ty này 4 tháng để điều tra.
Truyền thông trong nước, loan tin vừa nêu vào ngày 1/7.
Tin cho biết Công an TP.HCM đã tiếp nhận khoảng 50 đơn tố cáo của người dân liên quan số tiền tương đương 30 tỷ đồng trong việc mua bán dự án với Công ty Phú An Thịnh Land.
Công ty Phú An Thịnh Lanh được nói là trong hai năm 2017 đến 2018, đã bán các nền đất cho khách hàng tại 3 dự án Eco Garden, Eco Garden 3 và Eco Garden 5, ở hai huyện Cần Đước và Bến Lức, tỉnh Long An. Mỗi nền đất có trị giá từ hơn 400 triệu đến gần 1 tỷ đồng.
Tuy nhiên, rất nhiều khách hàng phản ánh rằng họ đã thanh toán tiền xong, nhưng vẫn không được Công ty Phú An Thịnh Land làm thủ tục sang tên. Công ty này viện lý do là không có giấy vì không phù hợp với quy hoạch.
Chính quyền tỉnh Long An, trong năm 2019 xác nhận với báo giới rằng không tiếp nhận hồ sơ nào của Công ty Phú An Thịnh Land về hai dự án Eco Garden và Eco Garden 3. Riêng dự án Eco Garden 5 thì không chấp nhận cho Phú An Thịnh Land làm chủ đầu tư.
Công an TP.HCM ra quyết định khởi tố và bắt tạm giam 4 tháng đối với ông Ngô Minh Khâm, Tổng Giám đốc Công ty Phú An Thịnh Land để điều tra liên quan hành vi lừa đảo và chiếm đoạt tài sản của công ty trong thời gian qua.
Cũng trong lĩnh vực về đất đai, báo giới quốc nội trong cùng ngày 1/7 cho biết Thanh tra Chính phủ vừa có kết luận thanh tra việc quản lý, sử dụng đất đai và đầu tư xây dựng tại tỉnh Lâm Đồng.
Thanh tra Chính phủ kiến nghị chấm dứt hoạt động và thu hồi đất của 3 dự án bao gồm Dự án Vườn ươm (ở Đà Lạt), Dự án Xây dựng khu dịch vụ du lịch và nghỉ dưỡng cao cấp King Palace (ở Đà Lạt) và Dự án Xây dựng khu đô thị thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh (ở huyện Đức Trọng).
Thanh tra Chính phủ kết luận 3 dự án vừa nêu có vi phạm pháp luật về đất đai và đầu tư.
Thanh tra Chính phủ đề nghị kiểm điểm Chủ tịch tỉnh lâm Đồng về những sai phạm đã xảy ra tại 3 dự án này.
Tống tiền nữ cấp dưới,
thanh tra viên Sở Nội vụ Đắk Lắk bị bắt
Hiểu Minh
Chiều 1/7, một lãnh đạo Sở Nội vụ tỉnh Đắk Lắk xác nhận, ông Trần Văn T. – thanh tra viên thuộc Sở Nội vụ vừa bị cơ quan Công an TP. Buôn Ma Thuột bắt giữ nghi liên quan đến hành vi tống tiền.
Báo VnExpress đưa tin, theo điều tra, đầu tháng 5, Sở Nội vụ tỉnh Đăk Lăk ra quyết định thanh tra công tác Nội vụ tại UBND huyện Krông Năng. Đoàn thanh tra gồm 7 thành viên, trong đó ông Trần Văn T. được giao nhiệm vụ thanh tra theo kế hoạch chung về công tác cán bộ, công chức tại địa bàn này.
Quá trình kiểm tra, ông T. phát hiện hồ sơ nữ nhân viên thiết bị trường học sử dụng bằng tốt nghiệp THPT nghi làm giả. Ông T. liên lạc, gặp gỡ và yêu cầu cô này đưa 200 triệu đồng sẽ “bỏ qua”. Ngày 26/6, nữ nhân viên đưa cho T. 15 triệu đồng, số tiền còn lại hẹn sẽ đưa sau.
Mới đây, khi ông T. gặp nữ nhân viên để thỏa thuận nhận tổng cộng 150 triệu đồng thì bị cảnh sát bắt.
Trao đổi với Dân trí, một lãnh đạo Phòng GD&ĐT huyện Krông Năng cho biết: “Trước thông tin về vụ việc Phòng đã yêu cầu Hiệu trưởng nhà trường báo cáo vụ việc nhưng sau đó nghe lãnh đạo nhà trường báo lại phía công an đang trong quá điều tra nên có đề nghị nhà trường tạm thời chưa báo cáo lên các cấp”.
Còn theo lãnh đạo Công an TP. Buôn Ma Thuột, đơn vị đang chuẩn bị nội dung để thông tin đến báo chí về vụ việc này.
https://www.dkn.tv/thoi-su/tong-tien-nu-cap-duoi-thanh-tra-vien-so-noi-vu-dak-lak-bi-bat.html
Cần Thơ thừa nhận thu hồi đất
dự án khu đô thị mới Thới An “sai cả hệ thống”
Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ ngày 1/7 chính thức thừa nhận vị trí thu hồi đất thực hiện dự án khu đô thị mới huyện Thới Lai là “sai cả hệ thống” và đồng thời cam kết sẽ sửa sai, đảm bảo quyền lợi cho người dân.
Truyền thông trong nước loan tin dẫn thông báo của ông Dương Tấn Hiển phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ tại cuộc họp giao ban báo chí quý II/2020.
Ông Dương Tấn Hiển trình bày chủ đầu tư thuê đơn vị tư vấn, khảo sát để lập dự án đầu tư trình các cơ quan chức năng thẩm định, trình UBND TP ra chủ trương. Sau đó UBND huyện Thới Lai ra quyết định thu hồi đất của các hộ dân. Tuy nhiên, chủ đầu tư thuê đơn vị tư vấn sai ngay từ đầu dẫn đến sai luôn về sau.
Theo quy hoạch dự án khu đô thị Thới Lai vào tháng 7/2016 của UBND TP Cần Thơ thì vị trí dự án tại ấp Thới Thuận A. Tuy nhiên, vào tháng 12-2017 ông Nguyễn Thành Út – phó chủ tịch UBND huyện Thới Lai lại ký ban hành các quyết định thu hồi đất của người dân tại ấp Thới Thuận B để giao cho chủ đầu tư. Đến tháng 2-2018, UBND TP Cần Thơ mới có quyết định địa điểm thực hiện dự án từ ấp Thới Thuận A thành ấp Thới Thuận B, với diện tích đất sử dụng khoảng 9,8ha tăng 0,65ha so với quyết định ban đầu.
Người dân bị ảnh hưởng cho rằng UBND huyện Thới Lai ban hành quyết định thu hồi đất ở một vị trí mà không có trong quy hoạch được phê duyệt là hoàn toàn trái với quy định pháp luật và đồng thời đề nghị UBND huyện Thới Lai hủy bỏ quyết định thu hồi đất sai quy định này.
Cũng tại buổi họp báo quý II/2020, Công an thành phố Cần Thơ đang đợi ý kiến của các cơ quan Trung ương để bắt dầu tiến hành xem xét xử lý 2 vụ vi phạm về lĩnh vực đất đai tại quận Bình Thủy và huyện Vĩnh Thạnh.
Theo Cơ quan điều tra công an Cần Thơ, quận Bình Thủy đã không tuân thủ các quy định, thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý dẫn đến điều chỉnh loại đất, chuyển mục đích sử dụng đất, tách thửa sai quy định. Quận để xảy ra việc phân lô, bán nền, xây dựng nhà không phép, sai phép, san lấp kênh rạch, lấn chiếm đất công, hình thành nhiều khu dân cư tự phát.
Người nhà TNLT Nguyễn Trung Tôn
bị giam lỏng, sách nhiễu
Ngày 30 tháng 6 năm 2020, con trai của tù nhân lương tâm Nguyễn Trung Tôn là anh Nguyễn Trung Trọng Nghĩa cho biết mình bị lực lượng an ninh thường phục của xã Quảng Yên, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hoá tấn công bằng dùi cui ngay trước mặt công an và cảnh sát giao thông nhưng không ai can ngăn.
Bà Nguyễn Thị Lành, vợ TNLT Nguyễn Trung Tôn kể lại, từ ngày 26-6-2020, an ninh xã Quảng Yên đến nhà bà Lành, ra lệnh miệng yêu cầu tất cả mọi người không được ra khỏi nhà trong vài ngày tới.
Tối ngày 29-6, an ninh còn dùng dây khoá, khoá cổng nhà bà Lành để ngăn không ai trốn ra khỏi nhà trong đêm.
Sáng hôm sau, bà Lành phải dùng kiềm phá khoá để ra chợ bán hàng mưu sinh. Ở chợ, có một người lạ mặt mua hàng xong rồi quay trở lại mắng bà Lành cân thiếu, gian dối.
Bà Lành trả tiền lại nhưng người khách kia không chịu, nhất quyết đòi lên công an xã giải quyết. Một lúc sau thì công an cho xe đến đưa bà Lành về công an xã.
Đến 4 giờ chiều, con trai bà là Nguyễn Trung Trọng Nghĩa lo lắng chạy bộ từ nhà lên xã tìm mẹ. Khi ra khỏi nhà thì Nghĩa bị hai người bịt mặt, dùng dùi cui đánh liên tục. Bà Lành nói qua điện thoại với phóng viên Đài Á Châu Tự Do như sau:
“Nó đánh phủ đầu luôn. Nó mặc áo che mặt, đánh bằng dùi cui điện, đập vào đầu thằng con trai tôi. Cháu bị thương máu me.
Rồi có một ông công an an ninh đưa cháu về về trạm y tế để băng bó rồi về uỷ ban xã lập biên bản mời công an huyện Quảng Xương giải quyết. Con tôi đi bộ mà cũng bị đánh. Nó không có bất đồng với ai ở đồng quê này.
Sáng nay cháu đi khám, mặt bị sương tấy, chỉ uống sữa được, răng bị gãy, vai bị đánh bằng dùi cui.”
Tại đồn công an xã, Nghĩa được một cán bộ cho biết rằng sở dĩ gia đình anh bị “giam lỏng” mấy ngày vừa qua là vì ông Đại sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội Daniel J. Kritenbrink có chuyến thăm huyện Quảng Xương, Thanh Hoá vào sáng 30-6.
Buổi trưa, ông Đại sứ rời đi thì lúc 5 giờ chiều, lực lượng an ninh canh gác nhà bà Lành nhiều ngày qua cũng rút hết.
Phóng viên Đài Á châu Tự do gọi điện đến công an huyện Quảng Xương, Thanh Hóa để hỏi về vụ việc nhưng không có ai bắt máy.
Tù nhân lương tâm, Mục sư Nguyễn Trung Tôn là một thành viên của Hội Anh Em Dân Chủ. Ông và gia đình từng nhiều lần bị chính quyền sách nhiễu, tra tấn, đánh đập, bôi nhọ.
Ông bị bắt lần 2 vào tháng 7-2017 với cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” và bị kết án 12 năm tù giam và 3 năm quản chế trong phiên tòa diễn ra vào tháng 4 năm 2018.
Giáo viên lo ngại về mức lương
theo quy định mới của Bộ Giáo dục
Quy định mới về mức lương của giáo viên
Dự thảo Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương giáo viên Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông công lập được công bố trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Giáo dục-Đào tạo vào ngày 16/6/2020.
Báo mạng Giáo dục Việt Nam liên tục đăng tải các ý kiến của các giáo viên và giới viên chức trong ngành giáo dục, kể từ khi dự thảo Thông tư mới được công bố.
Đài RFA ghi nhận những điểm đáng chú ý trong dự thảo Thông tư mà những người làm việc trong ngành giáo dục phản ánh là mức lương của giáo viên được thay đổi, tính theo xếp hạng; tựu trung là dựa vào bằng cấp mà không theo vị trí việc làm.
Tuy nhiên, Bộ Giáo dục-Đào tạo nêu rõ là bậc lương mới theo quy định trong dự thảo Thông tư sẽ gắn với trình độ đào tạo theo hệ thống thang bậc lương chung dành cho viên chức nhưng có phụ cấp ưu đãi nghề, bỏ phụ cấp thâm niên, rút ngắn khỏang cách giữa người mới và người làm việc lâu năm trong ngành.
Đơn cử, tiêu chuẩn về trình độ của giáo viên được quy định nâng lên như giáo viên mầm non phải có bằng Cao đẳng Sư phạm và giáo viên từ tiểu học đến trung học phổ thông phải có bằng Đại học Sư phạm hoặc tương đương.
Theo Luật Giáo dục 2019, có hiệu lực từ ngày 1/7 kết hợp với việc xếp lương theo vị trí việc làm thì giáo viên sẽ nhận lương theo tiêu chuẩn được xếp cùng mức lương khởi điểm như nhau, cùng ngạch và bậc lương.
Bộ Giáo dục-Đào tạo cho rằng với cách thức tính lương mới sẽ tạo công bằng cho giáo viên được đào tạo đúng chuẩn và vị trí việc làm.
Thời gian gần đây có vụ thăng hạng và giữ hạng của giáo viên, công nhân viên chức. Người nào có bằng đại học rồi thì phải đi học để giữ hạng, không bị tuột hạng xuống hạng II, hạng III. Còn thăng hạng thì những người chưa có bằng đại học phải học thêm để thăng hạng và phải học lấy bằng đại học (chuyên ngành) đó thì mới được tiếp tục cho dạy nữa. Ví dụ như bằng tiếng Anh, những giáo viên môn khác thì phải có bằng A2, còn giáo viên môn Anh văn thì phải có bằng B2
-Cô Duẩn
Theo quy định trong dự thảo Thông tư giáo viên được xếp 4 hạng. Và các hệ số lương được nâng lên. Chẳng hạn trước đây hệ số lương của hạng I là 4,4 thì được tăng đến 6,78.
Cô Duẩn, một giáo viên dạy tiếng Anh ở Đồng Tháp cho biết cô cùng với một số giáo viên đồng nghiệp đã đọc qua dự thảo Thông tư quy định về tiền lương thay đổi. Mặc dù thật sư chưa hiểu rõ hết được nội dung trong dự thảo Thông tư, thế nhưng tại trường học nơi cô Duẩn làm việc đã áp dụng biện pháp buộc giáo viên đi học và tốt nghiệp một số chứng chỉ theo yêu cầu của Sở Giáo dục. Cô Duẩn chia sẻ với RFA:
“Thời gian gần đây có vụ thăng hạng và giữ hạng của giáo viên, công nhân viên chức. Người nào có bằng đại học rồi thì phải đi học để giữ hạng, không bị tuột hạng xuống hạng II, hạng III. Còn thăng hạng thì những người chưa có bằng đại học phải học thêm để thăng hạng và phải học lấy bằng đại học (chuyên ngành) đó thì mới được tiếp tục cho dạy nữa. Ví dụ như bằng tiếng Anh, những giáo viên môn khác thì phải có bằng A2, còn giáo viên môn Anh văn thì phải có bằng B2.”
Cô Duẩn xác nhận với RFA rằng việc đi học những kiến thức mới trong chuyên ngành tiếng Anh, mà theo cô được biết là theo tiêu chuẩn của Châu Âu, thì rõ ràng rất hữu ích trong công tác giảng dạy.
“Hồi xưa mấy bài đọc thì nói đến đi du lịch, đi chơi ở miền quê…Còn bây giờ mấy bài đọc nói về vũ trụ…Giáo viên không đi học thì không biết cách dạy học trò mấy bài đọc hiểu đó như thế nào. Còn bài viết thì bây giờ phải hướng dẫn cho học trò cách viết theo chuẩn để đi thi biết cách làm theo chuẩn quy định. Do đó, giáo viên phải đi học thì mới biết bài viết theo chuẩn như thế nào và bài đọc thì phải đọc như thế nào chứ không phải học xong rồi để chơi.”
Tiêu chuẩn cao và mức lương tăng…Nhưng!
Tuy nhiên, cô Duẩn cũng than phiền về bất cập trong việc nâng cao kiến thức trong chuyên ngành tiếng Anh bởi do không áp dụng vào thực tiễn cho học sinh ở vùng nông thôn, dẫn đến kết quả là các em học sinh đâm ra chán học vì nội dung cao, quá sức của các em.
Một số giáo viên góp ý trên Báo mạng Giáo dục Việt Nam và cả cô Duẩn cùng một vài giáo viên Đài RFA tiếp xúc đều bày tỏ mức lương tăng lên theo quy định về bằng cấp và xếp hạng thì thực chất giáo viên không dễ gì đạt được ở mức cao.
Sơ lược qua quy định ở cấp tiểu học, giáo viên được xếp hạng I, hưởng lương theo hệ số từ 4,4 đến 6,78 thì phải có bằng thạc sĩ trở lên, có trình độ ngoại ngữ bậc 3, có trình độ tin học đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản, có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng I. Bên cạnh đó, giáo viên còn phải đáp ứng những công việc khác bao gồm tham gia biên tập, biên soạn, phát triển chương trình, tài liệu bồi dưỡng giáo viên, học sinh tiểu học hoặc tham gia Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa khi được lựa chọn.
Thầy giáo Đỗ Việt Khoa, vào tối ngày 30/6 lên tiếng với RFA về tệ trạng bằng cấp ở Việt Nam trong nhiều năm qua:
“Tôi công nhận thật sự là cái vấn đề bằng cấp ở Việt Nam rất nặng nề và người ta có thể hợp pháp hóa những bằng cấp đó bằng việc mua bán bằng cấp giả rất phổ biến, rồi mua bán chứng chỉ để tăng hạng thì nhiều như cơm bữa. Chúng ta đã từng chứng kiến cả lãnh đạo cấp cao cũng chả có bằng cấp chính quy nào cả. Ngay ông Chủ tịch nước còn dùng bằng tại chức cơ mà. Thế thì theo tôi để trả lương cho giáo viên mà chỉ theo bằng cấp thôi là không phù hợp. Thứ hai, trước kia trả lương còn tính theo thâm niên, giáo viên cứ mỗi một năm thâm niên thì được tính thêm 1% theo hệ số lương đang có. Điều này cũng có cái hay cái dở. Những người càng già thì lương càng cao. Chưa biết giải pháp của Bộ sẽ thế nào, nhưng thu nhập của giáo viên sẽ giảm đến 1/3 nếu bỏ thâm niên.”
Tôi công nhận thật sự là cái vấn đề bằng cấp ở Việt Nam rất nặng nề và người ta có thể hợp pháp hóa những bằng cấp đó bằng việc mua bán bằng cấp giả rất phổ biến, rồi mua bán chứng chỉ để tăng hạng thì nhiều như cơm bữa. Chúng ta đã từng chứng kiến cả lãnh đạo cấp cao cũng chả có bằng cấp chính quy nào cả. Ngay ông Chủ tịch nước còn dùng bằng tại chức cơ mà. Thế thì theo tôi để trả lương cho giáo viên mà chỉ theo bằng cấp thôi tlà không phù hợp
-Thầy giáo Đỗ Việt Khoa
Theo Luật Giáo dục mới có hiệu lực từ ngày 1/7/2020 thì mức lương của giáo viên được tính cơ bản là 1,6 triệu VND x hệ số lương. Phụ cấp ưu đãi là 30% lương. Đóng bảo hiểm xã hội là 10,5% lương. Không còn phụ cấp thâm niên. Mức lương thực của giáo viên nhận được là:
Lương + phụ cấp ưu đãi- đóng bảo hiểm xã hội
Thầy giáo Đỗ Việt Khoa lên tiếng về cách thức tính lương giáo viên mà ông cho là hợp lý:
“Quan điểm của tôi thì lương trả theo hiệu quả của việc lợi và hại, nghĩa là nên chọn dựa vào hiệu quả của dạy học. Những người nào dạy có chất lượng, dạy tốt, thu hút được học sinh thì nên có chế độ nào đó để lương được khá hơn. Đồng thời cũng kết hợp với các biện pháp cũ và mới gộp lại. Tóm lại, theo tôi là nên áp dụng nhiều biện pháp, chứ không nên độc quyền một biện pháp nào cả.”
Chúng tôi cũng ghi nhận ý kiến của các giáo viên mà Đài RFA được dịp trao đổi cũng đồng tình cho rằng Bộ Giáo dục-Đào tạo cần cân nhắc việc trả lương theo năng lực của mỗi giáo viên, chứ không thể chỉ căn cứ theo như trong dự thảo Thông tư vì những tiêu chuẩn quy định đó thật sự xa rời thực tế.
Mặt Trận Tổ Quốc TP.HCM không báo cáo tham nhũng
với hàm ý ‘ đã sạch tham nhũng’?
Ủy ban Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam (MTTQVN) tại thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM) khóa XI, vào ngày 30 tháng 6 năm 2020, đã tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả hoạt động công tác 6 tháng đầu năm, chuẩn bị cho 6 tháng cuối năm 2020.
Tại Hội nghị, Ủy ban MTTQVN tại TPHCM đã công bố báo cáo dài 18 trang về công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ tại địa phương. Tuy nhiên, trong toàn bộ báo cáo không hề có phần giám sát tham nhũng.
Phát biểu tại Hội nghị, Kỹ sư Đồng Văn Khiêm, thành viên Hội đồng tư vấn phản biện của Ủy ban MTTQVN tại TP.HCM, đặt câu hỏi: ‘Phải chăng TP.HCM đã hết tham nhũng, nên báo cáo không có nội dung phòng chống tham nhũng?’
Làm sao mà hết tham nhũng được, có cơ chế gì mà chống tham nhũng, mà đã thực hiện được đâu, mà hết tham nhũng được. Còn tại sao họ không nêu lên thì tôi cũng không hiểu.
-Lê Văn Triết
Trả lời Đài Á Châu Tự Do hôm 30 tháng 6 năm 2020 từ TPHCM, liên quan vấn đề này. ông Lê Văn Triết, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, nói:
“Làm sao mà hết tham nhũng được, có cơ chế gì mà chống tham nhũng, mà đã thực hiện được đâu, mà hết tham nhũng được. Còn tại sao họ không nêu lên thì tôi cũng không hiểu. Chứ nhiều lắm, tràn lan, tham nhũng đàng hoàng trên đường phố, công an đón người ta kêu có tội rồi phạt, tiền đưa vào túi chứ có đưa vào ngân sách đâu? Còn chuyện tham nhũng bên trong thì đủ thứ tham nhũng, tham nhũng đất đai… Chưa có giải pháp, chưa có chế tài nào để trị tham nhũng đến nơi đến chốn. Chưa kể những chuyện tham nhũng từ xưa còn để lại ắp lẵm đó, rồi đập đập để đó… từ đất đai,nhà cửa, kể cả vấn đề của quận 2… tới giờ đã giải quyết được đâu, mà nói hết tham nhũng.”
Trong khi đó, theo báo cáo về công tác giám sát, phản biện xã hội của Ủy ban MTTQVN, về tình hình kinh tế – văn hóa – xã hội của địa phương 6 tháng đầu năm 2020, thì Thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ giám sát phát triển kinh tế – xã hội thành phố năm 2020…
Kỹ sư Trần Bang, hiện đang sống tại Sài Gòn, khi trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 30 tháng 6 năm 2020 cho rằng, với một chế độ độc đảng toàn trị nắm cả hệ thống chính trị, kinh tế, xã hội… trong hơn
nửa thế kỷ, thì đã là một loại tham nhũng quyền lực. Tham nhũng quyền lực sẽ sinh ra đủ loại tham nhũng về tài sản, tiền bạc, việc làm… trong xã hội. Ông nói tiếp:
“Nơi nào có hoạt động kinh tế là nơi đó có % rơi rụng vào những người có quyền quyết định đến các hoạt động đó như cấp phép, thông quan, thuế… Có đầu tư mua sắm công là có % rơi rụng, như mua máy xét nghiệm Covid-19 vừa qua, việc mua thuốc cho các bệnh viện bị thuốc giả, thuốc hết hạn sử dụng chỉ phần nổi tảng băng chìm… hay để trúng thầu cung cấp dịch vụ công, tại sao có người trúng người trượt không minh bạch… hay việc xây dựng các công trình hạ tầng… có chi ngân sách là có… Lĩnh vực đất đai thì nhiều người biết, TPHCM từ phó bí thư, phó chủ tịch thành phố vừa qua đều dính… Ví dụ Thủ Thiêm dân được đền vài triệu đến vài chục triệu/ m2 đất, nhưng mua lại vài trăm triệu/ m2 thì chênh lệch trăm triệu đồng/m2 đó vào túi ai, ngoài túi doanh nghiệp bất động sản?”
Theo ông Trần Bang, chỉ cần so sánh tài sản một quan chức cách đây 10 năm, với tiền, tài khoản, nhà đất, cổ phần, công ty… hay mức sống, chữa bệnh, du học, du lịch, mua sắm… ở trong và ngoài nước hiện nay của họ, thì sẽ thấy chênh lệch tài sản khủng khiếp. Chênh lệch tài sản đó có minh bạch không? Có phải do tích lũy bằng lương và thu nhập công chính không? Là biết quan chức còn tham nhũng không?
Theo báo cáo Chỉ số PAPI năm 2019, được công bố vào tháng 4 năm 2020, về việc công khai, minh bạch trong các vấn dề quyết định ở địa phương, việc trách nhiệm giải trình với người dân… Thì người dân tiếp tục cho rằng tham nhũng vẫn còn tồn tại trong nhiều hoạt động của lĩnh vực công. Cụ thể có đến 45% người dân đồng ý rằng phải có sự lót tay chạy chọt để có thể vào làm việc trong lĩnh vực nhà nước.
Nơi nào có hoạt động kinh tế là nơi đó có % rơi rụng vào những người có quyền quyết định đến các hoạt động đó như cấp phép, thông quan, thuế… Có đầu tư mua sắm công là có % rơi rụng.
-Trần Bang
Ngoài ra, có 31% người dân cho rằng, phải chi thêm tiền để được quan tâm khi đi khám, chữa bệnh; và 30% người dân cho rằng, phụ huynh phải chi thêm tiền để học sinh được thầy cô giáo quan tâm hơn. Tương tự, 31% những người được hỏi cho rằng, phải chi thêm tiền để làm xong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; 21% có cùng nhận định khi làm giấy phép xây dựng.
Theo Chỉ số báo cáo PAPI năm 2019, thì thành phố Hà Nội thuộc nhóm thấp nhất cả nước và thành phố Hồ Chí Minh dù có tiến bộ nhưng vẫn chỉ thuộc nhóm trung bình cao.
Anh Nguyễn Đình Đệ, một người dân ở quận 2, thành phố Hồ Chí Minh, cho Đài Á Châu Tự Do biết ý kiến của mình, hôm 30 tháng 6 năm 2020:
“Nói chung trên toàn cõi Việt Nam và nói riêng TPHCM thì tham nhũng mang tính hệ thống. Với thể chế độc đảng thì diệt tham nhũng khó lắm. Khi nào mình có một thể chế chính trị tam quyền phân lập: lập pháp, hành pháp và tư pháp, thì mới kiểm soát tham nhũng tốt hơn. Chứ hiện nay muốn bắt một cán bộ tham nhũng thì vướng chỉ thị 15 của đảng, quy định xin ý kiến chi bộ đảng mới bắt được người đó, hoặc phải khai trừ ra khỏi đảng mới bắt được. Phó giám đốc công an TPHCM là ông Minh, cũng than phiền chuyện này, ổng nói rằng chống tham nhũng rất khó, thấy đó mà không dám bắt, vướng chỉ thị 15… Chứ tham nhũng ở TPHCM không phải đơn lẻ nữa, có chân trong, chân ngoài, có phe nhóm lợi ích… Như vụ Thủ Thiêm chẳng hạn, đất của dân lấy rồi nhưng trả thì không trả được, vì đã chia cho các nhóm lợi ích rồi, đó là một hình thức tham nhũng.”
Theo kết quả từ phiên họp lần thứ 17, của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng diễn ra vào sáng ngày 15/1/2020, có đến 10 vụ án tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng, phải đưa ra xét xử trong năm 2020.
Trong đó, một nửa số vụ án tham nhũng nằm ở TP HCM như: Vụ án “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai” xảy ra tại Tổng Công ty Bia rượu nước giải khát (Sabeco), Quận 1, TP.HCM; Vụ án dự án đất vàng 8-12 Lê Duẩn, Quận 1; Vụ án liên quan đến đất số 7-9 Tôn Đức Thắng, Quận 1; Vụ án tham ô tài sản tại Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn và Vụ án vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng xảy ra tại Ngân hàng Phương Nam (Sacombank).
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/is-there-no-corruption-in-hcmc-06302020124439.html
Kiểm toán nhà nước được xử phạt hành chính:
‘vừa đá bóng vừa thổi còi’?
Theo nội dung mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước thì cơ quan Kiểm toán Nhà nước được quyền xử phạt hành chính bắt đầu từ ngày 1/7.
Cụ thể, tại Điều 11, Luật đã bổ sung thêm quyền hạn của Kiểm toán Nhà nước. Theo đó, Kiểm toán Nhà nước được xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán Nhà nước theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Nhận xét về điều luật mới của kiểm toán nhà nước sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7 này, Nhà báo độc lập Ngô Nhật Đăng cho rằng Việt Nam ngày càng có những quy định ra đời bất chấp mọi quy tắc tư pháp và luật pháp.
“Ví dụ như luật kiểm toán vừa đi kiểm tra vừa được quyết định xử phạt hành chính, đúng là họ trao quyền cho một người vừa được phép luận tội lại vừa được phép xử phạt. Do đó tính độc lập về mặt tư pháp hầu như sẽ bị chà đạp. Tôi thấy rằng nó sẽ tạo cơ hội cho chuyện tiêu cực để tham nhũng. Thứ hai nữa ta cũng thấy rằng chứng tỏ ngân sách nhà nước đã cạn kiệt và bây giờ họ tìm đủ mọi cách để thu về cho ngân sách để hệ thống có thể tồn tại và hoạt động.”
Từ Sài Gòn, nhà hoạt động dân sự, Blogger Nguyễn Ngọc Già cũng đồng tình cho rằng việc bổ sung điều luật vừa nêu là bất hợp lý. Ông giải thích:
“Cơ quan kiểm toán nhà nước trực thuộc quốc hội mà quốc hội là cơ quan lập pháp, không phải cơ quan hành pháp. Chức năng của kiểm toán được quy định rõ trong Luật Kiểm toán nhà nước đó là xác nhận, kết luận và kiến nghị đối với việc quản lý, sử dụng tài chính công và tài sản công. Bây giờ đưa thêm cho họ có quyền xử phạt trực tiếp sẽ lấn qua bên hành pháp là bên chính phủ. Thứ hai là không đúng với thông lệ quốc tế về nghề kiểm toán. Việc sinh ra như vậy sẽ giẫm đạp lên công việc của thanh tra chính phủ và rất dễ phát sinh ra tệ nạn tham nhũng thêm chứ không giải quyết được gì.”
Trao đổi với RFA vào tối 30/6, Luật sư Ngô Anh Tuấn cho rằng đây là sự đi ngược với tiến trình phát triển xã hội vì kiểm toán nhà nước đã kiêm nhiệm nhiệm vụ khác mà đúng về bản chất là họ không nên và không được thực hiện.
Tuy nhiên, ông cũng nhận định rằng trên thực tế, nhiều cơ quan tương tự đã thực hiện không phải kiểm toán là cơ quan đầu tiên có việc trùng lắp nhiệm vụ, ‘vừa đá bóng vừa thổi còi’ thế này.
“Xét về góc độ thì cơ quan kiểm toán bên mình gần như cơ quan hành chính, tổ chức bộ máy của nó chẳng khác gì cơ quan hành chính nhà nước Việt Nam, nên nó có quyền kiểm tra giám sát và xử phạt thì nó cũng không có gì lạ so với các quy định cơ quan hành chính khác của Việt Nam hiện thời.”
Vẫn theo Luật sư Ngô Anh Tuấn, thực trạng tại Việt Nam cho thấy cơ quan nào cũng muốn mình có quyền xử phạt. Ông nói rõ:
“Nghĩa là ngoài việc quản lý hành chính hay làm việc chuyên môn của mình thì thêm việc áp dụng các chế tài. Có nghĩa là có chế tài thì mới đe nẹt được doanh nghiệp và người dân, nói theo ngôn ngữ dân gian là ‘có màu’ hơn. Thế thì họ cứ thi nhau nại ra những quy định riêng biệt như thế.”
Nhà báo Ngô Nhật Đăng cho rằng sở dĩ có tình trạng như Luật sư Ngô Anh Tuấn vừa nói là do thể chế tại Việt Nam.
Ông Ngô Nhật Đăng đưa ra điển hình về việc công an sinh ra các luật để phạt phương tiện giao thông, tự thu tiền của dân mà ngay khi ông Thủ tướng chỉ đạo chấn chỉnh vẫn không có tác dụng.
“Đầu tiên mà chúng ta thấy câu tục ngữ của Việt Nam gọi là tình trạng ‘quân hồi vô phèng’ hoặc một số lãnh đạo của đảng đã nhiều lúc nói tình trạng ‘trên bảo dưới không nghe’, tình trạng sứ quân các thứ và tình trạng cơ quan riêng không nghe sự chỉ đạo của cơ quan trung ương bên trên nữa. Họ tự ý để quyền cho mình với mục đích cuối cùng chỉ là thu tiền.”
Nhà báo Ngô Nhật Đăng cho rằng tình trạng mà ông vừa nói đã có từ trước nhưng đến giai đoạn này lại phổ biến, không chỉ ở một vài cơ quan, tổ chức nữa mà hầu như xảy ra ở tất cả cơ quan, tổ chức, thậm chí các đơn vị hành chính như các tỉnh thành đều tự ý đề ra quyết định mà không theo sự chỉ huy thống nhất từ trung ương.
Trong Luật đã bổ sung thêm quyền hạn của Kiểm toán Nhà nước cũng có quy định Tổng Kiểm toán Nhà nước có trách nhiệm quyết định và tổ chức thực hiện các biện pháp cụ thể để phòng, chống tham nhũng trong cơ quan Kiểm toán Nhà nước theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng. Đồng thời rà soát, sửa đổi các quy định về chuyển đổi vị trí công tác, quy tắc ứng xử và các quy định khác được quy định trong Luật Phòng, chống tham nhũng.
Blogger Nguyễn Ngọc Già nhận định rằng những điều luật bổ sung thêm nhiệm vụ cho cơ quan Kiểm toán nhà nước hay cá nhân Tổng Kiểm toán nhà nước sẽ đều lâm vào tình trạng bế tắc vì không giải quyết được gì.
“Nói về riêng lĩnh vực kiểm toán cũng như nói chung về hoạt động kinh tế trong chế độ độc đảng toàn trị thì bây giờ nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam họ chỉ loay hoay sửa cái ngọn thôi, mà chặt ngọn nào thì sẽ đâm ra nhiều ngọn khác. Có nghĩa là tình trạng lề mề, hành chánh quan liêu và đặc biệt vấn đề tham nhũng là điều không thể nào cứu vãn được.”
Các nhà quan sát đưa ra nhận định cho rằng chính phủ Hà Nội luôn kêu gọi phải diệt trừ tham nhũng, nhưng trong thực tế, những quy định, dự luật được bàn thảo, ban hành gần đây lại cho thấy điều ngược lại; tức tạo điều kiện để cơ quan chức năng tham nhũng.
Nghiệp đoàn Độc lập Việt Nam ra mắt
Vào ngày 1 tháng 7, Ban Điều Hành Nghiệp Đoàn Độc lập Việt Nam phát đi thông cáo báo chí ra mắt tổ chức có tên Nghiệp Đoàn Độc Lập Việt Nam.
Thông cáo báo chí nêu rõ ‘Nghiệp đoàn Độc lập Việt Nam là một tổ chức gồm những người xuất thân từ nhiều ngành nghề khác nhau, với mục tiêu thành lập các Nghiệp đoàn tự do. Chúng tôi hy vọng sẽ đồng hành với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trong sứ mệnh bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động một cách hữu hiệu, nâng cao đời sống công nhân nhằm có được sự cạnh tranh công bằng giữa các doanh nghiệp đồng thời giúp cho người lao động Việt Nam được hưởng quyền lợi như ở các quốc gia khác trong Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương -CPTPP và Hiệp định Thương mại Tự do Liên minh Châu Âu- Việt Nam- EVFTA.’
Thông cáo báo chí kêu gọi công nhân trong các doanh nghiệp, người lao động tự do thuộc các ngành nghề lao động khác cũng như những lao động trí thức hãy gia nhập đội ngũ Nghiệp Đoàn Độc Lập Việt Nam. Nghiệp đoàn này sẽ hướng dẫn thành lập những nghiệp đoàn cho ngành nghề của người lao động tại các cơ sở để cùng bảo vệ quyền lợi cho người lao động.
Thông cáo báo chí ra mắt Nghiệp đoàn Độc lập Việt Nam nhắc lại cho đến nay Việt Nam đã ký 12 hiệp định thương mại tự do (FTA) với các nước khác trên thế giới; trong đó có hai FTA thế hệ mới là CPTPP và EVFTA. Một trong những điều khoản quan trọng trong cả hai hiệp định thương mại tự do này là Việt Nam phải tôn trọng quyền của người lao động, đặc biệt quyền được thành lập tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.
Tổ chức đại diện người lao động là tổ chức được thành lập trên cơ sở tự nguyện của người lao động tại một đơn vị sử dụng lao động nhằm mục đích bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động trong quan hệ lao động.
Thông cáo báo chí dẫn thực tế cho thấy chỉ những Nghiệp đoàn thật sự độc lập, không lệ thuộc bất cứ đảng phái nào, không bị doanh nghiệp nào chi phối mới dám đứng lên và tập trung vào việc đấu tranh bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động. Sự cạnh tranh giữa các tổ chức đại diện người lao động sẽ giúp người lao động và doanh nghiệp cùng được hưởng lợi ích kinh tế một cách công bằng.
Ban Điều hành Nghiệp Đoàn Độc lập Việt Nam có 5 thành viên gồm Chủ tịch Bùi Thiện Tri, Phó chủ tịch Trần Nghĩa Quân, Tổng thư ký Ben Đặng, người phụ trách tài chính Phùng Tuệ Tâm, và cố vấn Nguyễn Nguyên Bình.
Việt Nam không nằm trong danh sách 15 nước
được dỡ bỏ việc đi lại vào khu vực EU
Hội đồng Châu Âu ngày 30 tháng 6 ra thông báo mở cửa biên giới khu vực cho du khách từ 15 nước kể từ 1 tháng 7, tuy nhiên Việt Nam không được nêu tên trong danh sách này.
Truyền thông trong nước loan nội dung thông báo vào ngày 1 tháng 7.
Theo đó, Hội đồng châu Âu đã thông qua đề xuất dỡ bỏ các hạn chế tạm thời đối với việc đi lại vào khu vực EU đối với công dân từ 15 nước gồm: Algeria, Australia, Canada, Georgia, Nhật Bản, Montenegro, Morocco, New Zealand, Rwanda, Serbia, Hàn Quốc, Thái Lan, Tunisia, Uruguay.
Trung Quốc cũng nằm trong danh sách này nhưng kèm theo một số điều kiện nhất định, trong đó có việc mở cửa biên giới cho công dân EU.
Thông báo nêu rõ, cơ sở để EU xem xét việc dỡ bỏ lệnh cấm đi lại đối với các nước thứ 3 là số ca nhiễm mới/100 nghìn dân trong vòng 14 ngày qua, tương đương hoặc dưới mức trung bình (16 ca) ở EU tính từ ngày 15-6. Ngoài ra, còn tính đến tỷ lệ nhiễm mới không gia tăng đột biến hay khả năng ứng phó, kiểm soát hay thống kê chính xác tình hình dịch bệnh.
Tuy vậy, Việt Nam dù ghi nhận 76 ngày qua không có ca nhiễm trong cộng đồng và chưa có ca tử vong nào kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát nhưng lại không nằm trong danh sách trên.
Cùng ngày, Tổng cục Thống kê cho biết trong tháng 6 Việt Nam đón gần 9 ngàn khách quốc tế. Lượng khách này chủ yếu là các chuyên gia, lao động kỹ thuật nước ngoài đến làm việc tại các dự án ở Việt Nam.
Trước đó một ngày, Cục hàng không Việt Nam (HKVN) đề xuất chính phủ có thể nghiên cứu khôi phục các chuyến bay quốc tế thương mại thường lệ đưa khách vào Việt Nam vào cuối tháng 7 với điều kiện chặt chẽ đó là quốc gia đó không có ca lây nhiễm mới trong cộng đồng trong 30 ngày liên tục hoặc hành khách phải có mặt trong nước 3 ngày trước khi bay.
Cục HKVN cũng kiến nghị dứt khoát không chấp nhận khách quá cảnh. Đặc biệt, khách phải có giấy chứng nhận âm tính COVID-19 được cấp trong vòng ba ngày trước lúc bay.
Liệu có cứu được dòng Mekong?
Nguyễn Thị Yến Nhi
Tiểu vùng sông Mekong đã trở thành trọng tâm trong những tính toán chiến lược của Bắc Kinh khi Trung Quốc phải đối mặt với sự phản kháng ngày càng tăng từ Mỹ và các nước khác. Đại dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra (COVID-19) dường như đang củng cố một vài xu hướng trong quan hệ của Trung Quốc với các nước thuộc sông Mekong. Trong kịch bản đang nổi lên này, Trung Quốc có thể sẽ tiếp tục tập trung vào tiểu vùng sông Mekong trong giai đoạn hậu COVID-19.
Sông Mekong là con sông vô cùng quan trọng của khu vực Đông Nam Á lục địa. Sông Mekong với độ dài 4350 km, là con sông dài nhất ở Đông Nam Á, dài thứ 7 ở châu Á và dài thứ 12 trên thế giới. Con sông này góp phần tạo ra sinh kế cho khoảng 66 triệu người đang sinh sống dọc hai bên bờ sông. Vùng bồn trũng của con sông này có diện tích khoảng 795.000 km2, là nơi tạo ra các nguồn nông sản rất lớn, ví dụ khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long – là vựa lúa lớn nhất của Việt Nam.
Sông Mekong khởi nguồn từ các dòng sông băng ở Tây Tạng, chảy qua tỉnh Thanh Hải của Trung Quốc và chảy qua 5 quốc gia khác là Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam. Do đó, con sông hùng vĩ này còn được biết đến dưới nhiều cái tên như Sông Cửu Long trong tiếng Việt hay Tonle Than trong tiếng Khmer, và tất cả những cái tên này đều chứng tỏ sức mạnh to lớn của nó. Người Trung Quốc gọi tên nó là sông Lan Thương (Lancang).
Mekong đang hấp hối
Tuy nhiên, con sông này đang ở trong những ngày cuối của một “hệ sinh thái khỏe mạnh”. Hè năm 2019, mực nước sông Mekong đã hạ xuống mức thấp nhất trong vòng một thế kỷ qua. Mùa Xuân năm 2020, một số người Campuchia – quốc gia phụ thuộc vào sông Mekong hơn bất kỳ quốc gia nào khác – cho biết sản lượng đánh bắt cá của họ chỉ bằng 10-20% các năm trước. Tuy nhiên, tình trạng suy thoái của sông Mekong không phải là một tai nạn không thể tránh khỏi, việc xây dựng quá mức các con đập ở Trung Quốc, cộng với tác động của biến đổi khí hậu, đã “cướp đi sự giàu có của dòng sông”.
Các nhà nghiên cứu đang lo ngại rằng những con đập của Trung Quốc sẽ giữ lại nhiều nước trên sông Mekong trong năm nay, tương tự như tình trạng dòng chảy không ổn định sau mùa mưa năm ngoái làm trầm trọng thêm hạn hán ở vùng Đông Bắc Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam.
Theo một nhóm các nhà nghiên cứu ở Mỹ, các con đập của Trung Quốc gần đây đã làm trầm trọng thêm hạn hán ở Đông Bắc Thái Lan và những nước vùng hạ sông Mekong như Lào, Campuchia và Việt Nam.
Trung Quốc đang tích cực kiểm soát khu vực Mekong
Trong những năm qua, Trung Quốc đã tuyên bố sở hữu thực tế đối với dòng sông và kết quả là họ đang kiểm soát một phần đáng kể của nền kinh tế khu vực Đông Nam Á lục địa. Do mức độ kiểm soát của Trung Quốc, Mekong đang dần trở thành một Biển Đông kế tiếp – tuyến đường thủy chiến lược mà Bắc Kinh có các yêu sách bành trướng và ngày càng siết chặt quyền kiểm soát.
Đông Nam Á có vị trí đặc biệt trong tư duy chính sách của Trung Quốc xuất phát từ các mối quan hệ lịch sử và kinh tế. Hiện khoảng 30 triệu người Hoa đang sinh sống rải rác khắp nơi trong khu vực này. Kể từ đầu những năm 2010, Bắc Kinh đã theo đuổi các mối quan hệ gần gũi hơn với các quốc gia này thông qua sáng kiến “Cộng đồng chung vận mệnh”. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc, trong đó có Chủ tịch Tập Cận Bình, cho rằng đây là một sáng kiến phát triển toàn diện và hợp tác cùng có lợi, mang lại “cảm giác tiền định về tính chất tất yếu của định mệnh gắn bó” giữa Trung Quốc và ASEAN, qua đó tiếp tục thúc đẩy hội nhập sâu rộng hơn của Đông Nam Á vào một trật tự trong đó Trung Quốc giữ vai trò trung tâm nhằm cạnh tranh với “Đồng thuận Washington” do Mỹ dẫn dắt.
Khẩu hiệu tuyên truyền trên hấp dẫn đối với Đông Nam Á hơn là khái niệm “cai trị thiên hạ”, theo đó mọi thứ “dưới vòm trời” đều thuộc về nền văn minh Trung Hoa thượng đẳng từng giúp đế chế Trung Hoa chi phối mối quan hệ với các nước láng giềng trong nhiều thiên niên kỷ qua. Tuy nhiên, cũng giống như “cai trị thiên hạ”, “Cộng đồng chung vận mệnh” yêu cầu các nước láng giềng quy phục và cống nạp, dù bằng những lời lẽ dễ chịu hơn. Bắc Kinh đã tìm thấy những “chư hầu” tự nguyện tại Phnom Penh và Viêng Chăn – vốn bắt buộc phải dựa vào Trung Quốc để tìm kiếm sự ủng hộ chính trị và kinh tế, song các nhà lãnh đạo tại Bangkok và Hà Nội lại tỏ ra kín đáo hơn.
Âm mưu cai trị Mekong của Trung Quốc
Các thất bại thể chế của Đông Nam Á khiến khu vực này dễ bị tổn thương trước hành vi lợi dụng của Trung Quốc. Ủy ban sông Mekong (MRC) – bao gồm Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam – có sứ mệnh điều tiết dòng chảy ở hạ lưu và ngăn chặn hành vi gây hấn của Trung Quốc, song hoạt động của cơ quan này hiện chỉ mang tính chất tư vấn và phần lớn không hiệu quả. Dù được mời tham gia, Trung Quốc không phải là thành viên của MRC, đồng nghĩa với việc họ có thể bỏ qua các quy định của Ủy ban này, theo đó buộc các nước thành viên đệ trình các dự án xây dựng đập trên sông Mekong để thảo luận. Ủy hội sông Mê Kông (MRC) hiện bị lu mờ bởi Cơ chế Hợp tác Lan Thương-Mekong do Trung Quốc khởi xướng. Năm 2010, MRC đã kêu gọi một lệnh cấm xây dựng các đập thủy điện lớn trên dòng sông Mekong trong 10 năm, ghi nhớ những lợi ích lớn nhất của khu vực. Tuy nhiên, tổ chức này đã không thể thực thi khuyến nghị riêng của mình. Thay vì tham gia một cơ quan với những quy định hạn chế như vậy, Trung Quốc đã mời các thành viên MRC (và Myanmar) tham gia Diễn đàn Hợp tác Lan Thương-Mekong (LMC) trị giá 22 tỷ USD. LMC cho phép Trung Quốc chơi theo luật riêng của mình giống như ở Biển Đông, qua đó tạo ra “sự đã rồi” nhằm kiểm soát sông Mekong. Mới đây, cựu Bộ trưởng Năng lượng Campuchia Pou Sothirak cho biết MRC không có cơ chế thực thi để buộc các nhà hoạch định chính sách nhất trí về việc nên hay không nên xây đập trên dòng chính của sông Mekong. Ông nhấn mạnh: “LMC là một hình thức ngoại giao mới của Trung Quốc. Bạn sẽ phải chấp nhận hoặc phải đối mặt vì nó sẽ không bao giờ bị trì hoãn”.
Với LMC, Trung Quốc cam kết hợp tác với Đông Nam Á lục địa. Tuy vậy, Bắc Kinh thông qua diễn đàn này để áp đặt ý chí của mình lên các quốc gia nhỏ hơn trong khu vực, coi họ như những chư hầu lịch sử – thấp kém hơn và đáng bị cai trị – của đế chế Trung Hoa thượng đẳng.
Trung Quốc gia tăng hành động trong dịch bệnh
Đại dịch toàn cầu đã giúp Campuchia và Trung Quốc củng cố chặt hơn quan hệ đối tác hợp tác của mình. Chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng Hun Sen đầu tháng 2/2020, vào thời điểm “tâm lý bài Trung” đang tăng lên được giải thích là để thể hiện “tình đoàn kết” và quan hệ Trung Quốc-Campuchia được mô tả là “một hình mẫu” cho chính sách ngoại giao láng giềng. Tại một trong những cuộc gặp song phương cấp cao đầu tiên giữa Trung Quốc và các nước láng giềng kể từ khi bùng phát dịch COVID-19, Ngoại trưởng Vương Nghị đã đồng chủ trì một cuộc họp trực tuyến của ủy ban điều phối liên chính phủ Trung Quốc-Campuchia lần thứ 5 với Phó Thủ tướng Campuchia Hor Nam Hong hôm 16/6. Trong cuộc họp này, ông Vương Nghị nói rằng hai nước đã củng cố “quan hệ hữu nghị truyền thống” của mình thông qua việc ủng hộ và hỗ trợ lẫn nhau kể từ khi bùng phát dịch bệnh.
Việc thiết lập “ưu tiên” cho sự đi lại của người dân và một “hành lang xanh” cho dòng chảy hàng hóa giữa hai nước để đối phó với dịch COVID-19 và việc Campuchia bày tỏ ủng hộ đối với quyết định của Trung Quốc ban hành “luật an ninh quốc gia dành cho Đặc khu Hành chính Hong Kong” là những dấu hiệu cho thấy mối quan hệ chiến lược ngày càng gia tăng giữa hai nước.
Giống như Campuchia, quan hệ đối tác hợp tác của Trung Quốc với nước láng giềng Lào cũng đã được tăng cường trong thời kỳ dịch bệnh. Chính phủ Lào đã trở thành “công cụ” trong việc tổ chức hội nghị đặc biệt của các bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc-ASEAN về COVID-19 cùng với hội nghị bộ trưởng LMC hồi tháng 2/2020. Khi các trường hợp nhiễm COVID-19 được thông báo ở Lào, Trung Quốc đã gửi các nhóm y tế và vật tư y tế sang Lào và được mô tả như “sự báo đáp” của Trung Quốc. Ngày 3/4, trong một cuộc điện đàm với người đồng cấp Lào Bounnhang Vorachith, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cam kết tiếp tục “hỗ trợ và ủng hộ hết mình” cho quốc gia Đông Nam Á này trong cuộc chiến chống dịch bệnh.
Tương tự, ngày 20/5, Chủ tịch Tập Cận Bình trong cuộc điện đàm với Tổng thống Myanmar U Win Myint đã tái đảm bảo “sự hỗ trợ và ủng hộ vững chắc” cho Myanmar trong cuộc chiến chống đại dịch toàn cầu. Trong khi Myanmar tiếp nhận hỗ trợ vật tư y tế cũng như kỹ thuật từ Trung Quốc trong cuộc chiến chống khủng hoảng COVID-19, nhiều người đã bày tỏ lo ngại về sự hỗ trợ y tế của Trung Quốc.
Sự chống đối Trung Quốc đang hình thành
Việt Nam có lẽ sẽ là quốc gia khó thu phục nhất trong số các quốc gia khu vực Mekong này. Bởi vì thái độ cảnh giác của Hà Nội đối với Trung Quốc là rất lớn và có từ lâu, khởi nguồn từ sự xâm lăng của Trung Quốc đối với vùng đất của người Việt từ hàng ngàn năm trước, dẫn đến cuộc khởi nghĩa của người Việt chống lại ách áp bức Trung Quốc. Dưới thời “cai trị thiên hạ”, thái độ bất tuân đó có thể kéo theo hành động can thiệp quân sự của Trung Quốc. Thời nay, Trung Quốc cưỡng ép các chư hầu còn do dự tham gia vào hệ thống chư hầu hiện đại của mình. Mekong đóng vai trò quan trọng trong những nỗ lực này: Năm 2016, Việt Nam đã trải qua một đợt hạn hán tồi tệ nhất trong 90 năm qua một phần do các con đập của Trung Quốc trên sông Mekong. Hà Nội đã buộc phải đề nghị Bắc Kinh xả nước từ các con đập này. Trong tương lai, Trung Quốc có thể tiếp tục tạo ra các lợi ích chính trị từ hành động “vị tha” tương tự.
Trung Quốc đang điều tiết toàn bộ dòng chảy của sông Mekong. Và bằng cách hạn chế dòng chảy, các kỹ sư của Bắc Kinh đã trực tiếp gây ra tình trạng mực nước Mekong sụt giảm xuống mức thấp kỷ lục trong thời gian gần đây. Trong khi đó, trữ lượng nước của Trung Quốc lại gia tăng nhờ các con đập. Biến đổi khí hậu đang khiến các sông băng ở thượng nguồn sông Mekong nhanh chóng tan chảy. Do vậy, người Trung Quốc đang xây dựng các “hộp tiết kiệm an toàn bởi họ biết rằng tài khoản ngân hàng sẽ bị cạn kiệt”. Dòng sông Mekong hùng mạnh không còn nữa và đang nhanh chóng hướng tới “sự suy giảm dòng chảy không thể đảo ngược”.
Và mặc dù sự thù hận giữa các quốc gia Đông Nam Á và Trung Quốc xung quanh sông Mekong vẫn chưa bùng phát như ở Biển Đông, tuy nhiên phe chống đối đang được hình thành. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên, bởi vì Bắc Kinh đang chiếm giữ một nguồn tài nguyên thiên nhiên quan trọng vốn nuôi sống nhiều quốc gia trong nhiều thế kỷ thường được nhìn nhận một cách tồi tệ.
Khác với biển Đông, khi có sự xuất hiện của các cường quốc trên thế giới can dự, khiến Trung Quốc phải e dè. Trong vấn đề Mekong, chỉ 4 quốc gia ASEAN mà trong đó, ít nhất 2 quốc gia đã “tự nguyện” trở thành “chư hầu” của Bắc Kinh là Lào và Campuchia, đã khiến người dân của các quốc gia khu vực Mekong sống dựa vào tài nguyên từ con sông này đã thực sự khốn đốn.
Tuy nhiên, trong bối cảnh tâm lý chống Trung Quốc đang gia tăng tại Đông Nam Á do đại dịch viêm đường hô hấp cấp do virus Corona chủng mới gây ra (COVID-19) – một đại dịch bắt nguồn từ Trung Quốc – sự phản đối đối với các con đập của Trung Quốc cũng sẽ đồng loạt bùng phát.
Trường hợp cụ thể của Lào
Trong số các quốc gia Đông Nam Á, Lào – một quốc gia nhỏ bé và ít dân – là một trong những nước nhận viện trợ lớn của Bắc Kinh. Trong quá trình cấp các khoản vay và viện trợ cho Lào, Bắc Kinh có 3 yêu cầu cơ bản đối với Lào, đó là: ủng hộ chính sách của Trung Quốc đối với các vấn đề như Đài Loan và Tây Tạng; các công ty Trung Quốc có thể khai thác tài nguyên của Lào; và cho phép đường dây liên lạc của Trung Quốc chạy qua Lào đến Thái Lan. Lào không chỉ chấp nhận những yêu cầu này mà còn tạo điều kiện để Trung Quốc trở thành nhà đầu tư lớn nhất. Bắc Kinh đã đổ hàng tỷ USD vào các ngành như thủy điện, nông nghiệp, khai thác mỏ và xây dựng, tất cả để phục vụ chiến lược hình thành “Con đường tơ lụa mới” có quy mô lớn hơn của Trung Quốc. Việc xây dựng tuyến đường sắt Trung Quốc-Lào phục vụ BRI, bắt đầu vào tháng 12/2016, liên quan đến 6 nhà thầu Trung Quốc với kế hoạch hoàn thành dự án vào tháng 12/2021. Tuyến đường sắt dài 414 km, kéo dài từ huyện cực bắc Boten của Lào, giáp biên giới Trung Quốc, đến thủ đô Viêng Chăn. Tuyến đường này sẽ tiếp tục kết nối với Thái Lan, Malaysia và Singapore như một phần của tuyến đường sắt liên Á sẽ chạy theo hướng Bắc-Nam từ Côn Minh thuộc tỉnh Vân Nam đến Singapore.
Một dự án quan trọng khác mà Chính phủ Lào đã mạo hiểm tham gia là việc xây dựng con đập lớn thứ bảy trên sông Mekong. Đó là đập thủy điện Sanakham có khả năng sản xuất 684 MW điện, với thời gian hoàn thành dự án là năm 2028. Đề xuất xây đập Sanakham đã được Chính phủ Lào ngày 9/9/2019 đệ trình lên Ủy hội sông Mekong (MRC). Theo đề xuất, con đập này sẽ được xây dựng cách Viêng Chăn 155 km về phía Bắc thuộc huyện Sanakham. Tuy nhiên, đề xuất đối mặt với phản ứng dữ dội vì công trình này sẽ tiếp tục chặn dòng sông Mekong, một “động mạch” quan trọng ở Đông Nam Á, vốn đã bị tắc nghẽn. Các con đập hiện tại như Xayaburi và Don Sahong đã ảnh hưởng tiêu cực đến ngư nghiệp, nông nghiệp, sinh kế và khu vực bờ sông ở hạ lưu. Tuy nhiên, Bắc Kinh đã tiếp tục đẩy mạnh dự án. Do đó, một số nhà hoạt động bảo vệ môi trường đã kêu gọi Chính phủ Lào không tiến hành xây dựng một con đập “phá hoại môi trường” nữa trên dòng sông này. Pianporn Deetes, người phụ trách các chiến dịch tại Thái Lan và Myanmar của tổ chức chống xây đập trên các dòng sông quốc tế, cho rằng: “Đập Sanakham hoàn toàn không nên được xây dựng. Có một số cách ít tốn kém hơn, ít hủy hoại hơn và đáp ứng nhu cầu năng lượng của các nước có sông Mekong chảy qua nhanh hơn”. Mặc dù phải đối mặt với những vấn đề nhân quyền và môi trường, song Chính phủ Lào đã cam kết phục tùng trước ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực và trên thế giới.
Liệu các nước khu vực Mekong có thoát ra khỏi được cái bẫy của Trung Quốc?
Nếu các nhà lãnh đạo khu vực Mekong coi mối đe dọa của Trung Quốc đối với khu vực này một cách nghiêm túc và muốn chống lại hành vi bắt nạt của Bắc Kinh, thì các quốc gia này có thể tìm kiếm sự hỗ trợ ngoại giao từ nước Mỹ xa xôi. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo mới đây đã bày tỏ sự quan tâm đến việc ủng hộ “cách tiếp cận dựa trên các quy tắc và minh bạch đối với sông Mekong”. Thất bại trong việc thách thức hiện trạng này sẽ đẩy khu vực với 66 triệu người sống nhờ vào sông Mekong phải dựa dẫm một cách tuyệt vọng vào ân sủng của Trung Quốc, hoặc gặp hiểm nguy khi bị các nhà các nhà lãnh đạo của họ bỏ rơi. Một người Lào – người từng từ chối nhường đất xây đập dù các quan chức chính phủ và đại diện các công ty tư nhân Trung Quốc nhiều lần thuyết phục – đã nói: “Có một khoảng cách lớn giữa thứ họ đề xuất với tôi và thứ mà tôi cần để có một cuộc sống ngang với mức hiện tại. Nếu chúng ta không có lập trường, điều gì sẽ xảy ra với chúng ta và tương lai của chúng ta?”
Trong trường hợp của Lào, quốc gia này cần xem xét đa dạng hóa các dự án đầu tư của mình với các quốc gia khác như Thái Lan, Ấn Độ, Mỹ và Nhật Bản và không chỉ phụ thuộc vào một quốc gia duy nhất. Sự kết giao duy nhất với Trung Quốc có thể tạo điều kiện cho Bắc Kinh dễ dàng nắm giữ và biến Lào thành công cụ để đạt được các lợi ích chiến lược của riêng Bắc Kinh. Một số nhà phân tích cho rằng “làm ngay đỡ gay hơn sau này” bởi Lào là một trong những quốc gia hàng đầu có nguy cơ rơi vào “bẫy nợ” của Trung Quốc, khiến nước này dễ bị phụ thuộc về tài chính và không thể đa dạng hóa quan hệ đối ngoại. Trong khi tham gia các dự án với các quốc gia khác, Lào nên lưu ý rằng không nên làm phiền các quốc gia láng giềng như Thái Lan và nên tham vấn các tổ chức bảo vệ môi trường và người dân địa phương về các quyết định quan trọng này. Lào đã xúc tiến dự án xây đập Xayaburi với Trung Quốc, bất chấp sự phản đối của người dân Thái Lan. Trong nỗ lực trở thành “Bình ắc quy của Đông Nam Á”, Lào không thể và không nên hành động mà không tham khảo ý kiến của người dân địa phương.
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/can-we-save-mekong-river-06302020193240.html
Điểm tin trong nước sáng 1/7: Trung Quốc
lại ngang nhiên tập trận quy mô lớn ở Hoàng Sa
Tâm Tuệ
Mục điểm tin trong nước sáng thứ Tư (1/7) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi đến quý độc giả những nội dung chính sau:
Trung Quốc lại ngang nhiên tập trận quy mô lớn ở Hoàng Sa
Trung Quốc vừa neo đậu tàu chiến loại 071 tại Đảo Phú Lâm thuộc Quần đảo Hoàng Sa, theo thông tin từ BenarNews, một trang đa ngôn ngữ chuyên đưa tin về các nước Đông Nam Á.
Tờ báo này nhận định, con tàu này nhiều khả năng sẽ được sử dụng trong một cuộc tập trận hải quân quy mô lớn trong tuần này. Hôm thứ Bảy (27/6), Trung Quốc tuyên bố sẽ tổ chức một cuộc tập trận trên Biển Đông từ ngày 1 đến 5/7.
Tàu chiến loại 071 là một tàu đổ bộ có khả năng chuyên chở máy bay trực thăng, một tiểu đoàn thủy quân lục chiến, xe lội nước và các vật tư khác phục vụ chiến dịch đổ bộ. Tàu loại này thường xuất hiện trong các cuộc diễn tập của Hải quân Trung Quốc.
Trung Quốc biến đảo Phú Lâm thành tiền đồn và cơ sở quân sự lớn nhất mà nước này lập nên ở khu vực phía bắc Biển Đông. Gần đây Trung Quốc cũng tiến hành hàng loạt hoạt động quân sự khác ở khu vực. Chỉ riêng trong tháng 6, Không quân Trung Quốc đã đưa máy bay chiến đấu ra gần Đài Loan ít nhất 9 lần, trong đó có 2 máy bay ném bom hoạt động hôm 28/6.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng điều các máy bay tiêm kích J-10, J-11, Su-30 và máy bay do thám Y-8 ra khu vực. Trung Quốc đang tiến tới đưa những hoạt động như vậy trở thành định kỳ và để “chặn các lực lượng nước ngoài không cho vào khu vực”, chuyên gia quân sự Trung Quốc Song Zhongping được dẫn lời trong bài viết của tờ Hoàn cầu thời báo hôm 28/6.
Châu chấu tấn công trung tâm TP. Cao Lãnh
Thanh Niên đưa tin, khoảng 2 tuần nay, cả trăm ngàn con châu chấu ồ ạt đổ về trú ngụ tại bãi đất trống nằm dọc góc ngã tư đường Đặng Văn Bình – Ngô Thời Nhậm (TP. Cao Lãnh, Đồng Tháp) khiến cuộc sống của nhiều hộ dân ở khóm 4, P.1 (TP. Cao Lãnh) đảo lộn.
Một người dân khu vực này nói, châu chấu xuất hiện nhiều nhất là những ngày trời nắng và có thời điểm chúng đeo rất nhiều trên hàng rào, cửa nhà.
Ông Lê Văn Chấn – Phó chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đồng Tháp, cho biết, sở dĩ gần đây châu chấu xuất hiện nhiều là do điều kiện thời tiết thích hợp, châu chấu vào mùa sinh sản.
Hơn 2.000 vụ ghi sai chỉ số công-tơ mỗi tháng
Báo Tuổi trẻ thông tin, ngày 30/6, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tiếp tục làm việc tại các đơn vị của Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) để kiểm tra việc ghi chỉ số, lập hóa đơn và thực hiện công tác chăm sóc khách hàng.
Ông Đỗ Văn Năm – phó trưởng ban kinh doanh EVNNPC cho biết, trong tháng 5/2020, việc kiểm tra, phúc tra ghi chỉ số công-tơ đối với khách hàng có sản lượng tăng từ 1,3 lần trở lên với 1,4 triệu khách hàng, ông Năm cho hay đã thực hiện kiểm tra 1,3 triệu khách hàng thì phát hiện 2.056 trường hợp ghi nhầm chỉ số côngtơ, đã sửa sai, phát hành hóa đơn và thu tiền của khách hàng.
Tháng 6 (tính đến 20/6), số khách hàng sử dụng điện từ 1,3 lần trở lên là 4,4 triệu, phát hiện 2.175 khách hàng ghi nhầm chỉ số công-tơ, công-tơ cháy, kẹt…
Từ năm học tới, sẽ không tổ chức dạy học trước ngày khai giảng 5/9
Theo Tuổi Trẻ, ông Trần Quang Nam – chánh văn phòng, người phát ngôn Bộ GD-ĐT – tại cuộc họp báo định kỳ ngày 30/6 khẳng định, cả nước sẽ thống nhất tổ chức khai giảng năm học vào ngày 5/9 và các trường sẽ không dạy học trước ngày khai giảng năm học mới.
Hiện Bộ GD-ĐT đang dự kiến thời điểm học sinh tập trung đến trường có thể vào ngày 1/9. Nhưng trước ngày khai giảng năm học, các nhà trường không tổ chức dạy học mà chỉ tập trung học sinh để chuẩn bị các điều kiện, ổn định nề nếp.
Ông Nguyễn Xuân Thành – vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học cho rằng: “Điều chỉnh này không phải chỉ áp dụng cho năm học tới, do ảnh hưởng của dịch viêm phổi Trung Quốc, mà sẽ thực hiện lâu dài trong các năm học sau”.
Việt Nam bị loại khỏi danh sách ‘mở cửa trở lại sau dịch’ của EU
Hôm 29/6, sau khi tổ chức họp online nhiều lần để đưa ra danh sách các quốc gia, vùng lãnh thổ dự kiến sẽ mở đường bay và chấp nhận cho công dân của những nơi này nhập cảnh, được phép bay vào EU sau dịch viêm phổi Trung Quốc, Việt Nam cùng 38 nước khác đã không được nhắc đến.
Theo báo Vietnam Plus, EU chỉ đồng ý cho 15 nước được bay tới đây khi đường biên giới mở cửa trở lại vào 1 Tháng Bảy, thay vì 54 như công bố hôm 25/6.
Theo thông báo công bố ngày 30/6, 15 nước đó là Australia, Canada, Georgia, Algeria, Nhật Bản, Montenegro, Morocco, New Zealand, Rwanda, Serbia, Nam Hàn, Thái Lan, Tunisia và Uruguay. Riêng Trung Quốc, mở cửa nhưng kèm một số điều kiện.
Từ 1/7, làm hộ chiếu không còn phải về quê
Luật xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam, người dân có thể đăng ký ở bất kỳ tỉnh, TP trực thuộc trung ương nào (không bắt buộc phải là nơi cứ trú, tạm trú). Người từ 14 tuổi trở lên có quyền yêu cầu cấp hộ chiếu có gắn chíp điện tử.
Điểm tin chiều 1/7: Các Ngân hàng Việt Nam
thanh lý ôtô, giá từ 60 triệu đồng/chiếc
Mục Điểm tin kinh tế ngày 1/7 của Đại Kỷ Nguyên có những thông tin: Giáo sư Trung Quốc bị kết tội gián điệp kinh tế; Thương mại điện tử Việt Nam có thể vượt 15 tỷ USD trong năm 2020…
Giáo sư Trung Quốc bị kết tội gián điệp kinh tế
Trong một phiên xử trực tiếp tại Mỹ ngày 26/6, thẩm phán liên bang tại San Jose, California đã tuyên bố kết tội giáo sư Hao Zhang người Trung Quốc vì tội trộm cắp bí mật thương mại cũng như gián điệp kinh tế.
Cụ thể, theo báo Tổ Quốc đưa tin, ông Zhang đã bị buộc tội cùng đồng nghiệp từ Đại học Southern California đánh cắp và bán các bí mật của Mỹ cho Chính phủ và quân đội Trung Quốc thông qua một công ty vỏ bọc ở quần đảo Cayman Islands.
Ông Zhang làm cho Skywords sau khi lấy bằng tiến sỹ về kỹ thuật điện tại Đại học Southern California năm 2006. Tại đây, Zhang gặp Wei Pang đồng phạm chính, cả hai đều trở về Trung Quốc và giảng dạy tại trường Đại học Thiên Tân, một trong những trường kỹ thuật hàng đầu tại Trung Quốc.
Zhang đã bị bắt năm 2015 khi bay tới Los Angeles để dự một hội nghị, hiện tại chỉ có Zhang bị xét xử, đồng phạm của ông vẫn đang ở Trung Quốc. Theo phán quyết của Tòa án, Zhang bị kết án 15 năm tù cho tội gián điệp kinh tế và 10 năm tù cho tội trộm cắp bí mật thương mại. Những bí mật mà Zhang đánh cắp liên quan đến công nghệ lọc ra những tín hiệu không mong muốn trong điện thoại di động và các thiết bị khác.
Zhang bị kết tối trong bối cảnh Mỹ đang đẩy mạnh chống lại các hành vi trộm cắp tài sản sở hữu trí tuệ mà người Trung Quốc tiến hành từ thời cựu tổng thống Barack Obama và tiếp tục diễn ra dưới chính quyền Tổng thống Trump. Mỹ cũng đang áp dụng các biện pháp giám sát chặt chẽ đối với các nhà khoa học Trung Quốc đang nghiên cứu tại Mỹ. Bên cạnh đó, trong tuần này, Mỹ sẽ công bố danh sách 20 công ty Trung Quốc thuộc sở hữu hoặc nằm dưới sự kiểm soát của quân đội Trung Quốc, các công ty trong danh sách này có nguy cơ bị trừng phạt.
Thương mại điện tử Việt Nam có thể vượt 15 tỷ USD trong năm 2020
Theo báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử 2020 do Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) công bố cho biết, tốc độ tăng trưởng ngành thương mại điện tử đạt trên 32% trong năm 2019. Trong đó, thương mại điện tử bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng đạt khoảng 11,5 tỷ USD. Theo dự đoán của VECOM, tốc độ tăng trưởng năm 2020 sẽ tiếp tục duy trì trên 30% và quy mô thị trường sẽ vượt con số 15 tỷ USD.
Cụ thể, theo VnExpress, dù bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng người tiêu dùng Việt Nam vẫn giữ được sự lạc quan và nhanh chóng chuyển mạnh sang kênh mua sắm trực tuyến. Xu hướng Việt Nam đang nằm trong diễn biến chung của khu vực, theo nghiên cứu của Visa, tại Châu Á – Thái Bình Dương, 41% người tiêu dùng thực hiện hơn 5 giao dịch trên nền tảng thương mại điện tử trong vòng 3 tháng qua, từ đặt hàng các nhu yếu phẩm trực tuyến đến việc tìm kiếm các phương thức thanh toán bảo mật, không tiếp xúc tại quầy.
Theo khảo sát của VECOM, đến năm 2019, 39% doanh nghiệp cho biết có bán hàng trên các trang mạng xã hội (tăng 31%), 17% có kinh doanh qua các sàn thương mại điện tử, tăng 5% và là tỷ lệ cao nhất trong 5 năm gần đây. Trong đó, mạng xã hội được đánh giá là công cụ hiệu quả nhất để bán hàng, tiếp đó là website doanh nghiệp, ứng dụng di động và sàn thương mại điện tử.
Coca-Cola, Unilerver và các thương hiệu lớn tuyên bố ngừng quảng cáo trên mạng xã hội
Theo Bizlive đưa tin, Coca-Cola đã chính thức tuyên bố tạm ngừng quản cáo kỹ thuật số trên mọi nền tảng truyền thông xã hội trong ít nhất 30 ngày, kể từ 1/7 tới. Hành động này được cho là một phần trong chiến dịch tẩy chay Facebook và Instagram do Liên đoàn Chống phỉ báng (ADL), Hiệp hội quốc gia Vì sự tiến bộ của người da màu (NAACP) và các tổ chức khác khởi xướng.
Coca-Cola còn dự định cấm quảng cáo trên mọi nền tảng xã hội ở phạm vi toàn cầu, không chỉ trên Facebook và Instagram. Theo CEO của Coca-Cola, công ty sẽ dành thời gian để đánh giá lại các tiêu chuẩn và chính sách quảng cáo của mình và mong đợi các đối tác truyền thông loại bỏ các nội dung thù hận, bạo lực và không phù hợp.
Unilever và Verizon là hai thương hiệu lớn nhất trong chiến dịch này. CEO của Facebook là Mark Zuckerberg đã công bố một loại các thay đổi về chính sách nhưng chưa có phản ứng gì về việc bị tẩy
chay. Việc các thương hiệu lớn ngừng quảng cáo tổi thiểu 1 tháng cũng không gây ra ảnh hưởng đáng kể tới doanh thu của Facebook do phần lớn doanh thu đến từ những phản hồi trực tiếp quảng cáo của các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Hiện tại, cổ phiếu của Facebook và Twitter đã giảm 7%.
Một số hãng nổi tiếng khác tham gia chiến dịch như Honda America, Brichbox, Levi Strauss & Company, The North Face,…
Các Ngân hàng Việt Nam thanh lý ôtô, giá từ 60 triệu đồng/chiếc
Theo tờ Nhịp sống kinh tế đưa tin, nhiều ngân hàng tại Việt Nam đang ồ ạt thanh lý các phương tiện vận tải trong thời gian gần đây. Cụ thể như Ngân hàng TMCP Ngoại thương (Vietcombank) Thanh Hóa thông báo thanh lý 10 chiếc xe ô tô con 5 chỗ, nhãnh hiệu Kia với mô tả “tài sản nguyên vẹn, không có dấu hiệu xuống cấp”, với giá chỉ từ 60-70 triệu đồng/chiếc.
Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam – Chi nhánh Long Biên Hà Nội cũng thông báo đấu giá tài sản là 8 xe khách Thaco Mobihome lần 9, đây là các xe giường nằm có 38-41 chỗ với giá khởi điểm từ 563 triệu đồng – 1,3 tỷ đồng/chiếc. Thời gian dự kiến đấu giá từ 3/7.
Bên cạnh đó, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cũng thông báo đấu giá 17 phương tiện vận tải, từ ô tô con đến xe tải với giá từ 276 triệu đến 1,5 tỷ đồng. Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) cũng thông báo bán nhiều xe mới, thanh lý 71 phương tiện vận tải với giả khởi điểm từ 210-1,5 tỷ đồng.
Điểm tin trong nước tối 1/7: Hoa hậu Phương Nga
tố cáo Công an và VKSND TP.HCM
Tâm Minh – Hiểu Minh
Mục điểm tin trong nước tối thứ Tư (1/7) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi đến quý độc giả những nội dung chính sau:
Hoa hậu Phương Nga tố cáo Công an và VKSND TP.HCM
Ngày 1/7, hoa hậu Trương Hồ Phương Nga cho biết, đã gửi đơn đến 29 cá nhân, tổ chức nhằm tố giác các quyết định do Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM và VKSND TP.HCM ban hành, vì cho rằng trái pháp luật, theo Tổ quốc.
Đơn tố giác của hoa hậu Phương Nga thể hiện vào tháng 12/2018, sau khi hết thời hạn điều tra mà không chứng minh được hành vi phạm tội, Công an TP.HCM đã ra kết luận điều tra với nội dung:
“Đã hết thời hạn điều tra vụ án mà không chứng minh được hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản của bị can Trương Hồ Phương Nga và Nguyễn Đức Thùy Dung. Hành vi của các bị can có dấu hiệu của điều 267 Bộ luật Hình sự năm 1999 nhưng miễn trách nhiệm hình sự do Luật Hình sự năm 2015 đã bổ sung dấu hiệu định tội thực hiện hành vi trái pháp luật”.
Hoa hậu Phương Nga cho rằng Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM và VKSND TP.HCM đã ban hành 9 quyết định trái pháp luật, vi phạm điều 7, khoản 3, Bộ luật Hình sự 2015.
Ngoài ra, hoa hậu Phương Nga còn cho rằng: “Ngày 11/12//2018, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã xác định tôi và Nguyễn Đức Thùy Dung không phạm tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức theo Bộ luật hình sự 2015.
Nhưng sau đó khoảng 1 tháng vào ngày 21/1/2019, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM và VKSND TP.HCM lại quyết định khởi tố Nga và Dung tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức và miễn trách nhiệm hình sự theo Bộ luật Hình sự 1999.
Theo Phương Nga, tại khoản 3, điều 7, Bộ luật Hình sự nói rất rõ hiệu lực của Bộ Luật Hình sự quy định về thời gian, theo đó Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM và VKSND TP.HCM không được phép khởi tố Phương Nga và Thùy Dung dựa trên Bộ luật Hình sự năm 1999, mà phải chiếu theo Bộ luật Hình sự năm 2015. Từ đây, hoa hậu Phương Nga cho rằng CQĐT Công an TP.HCM và VKSND TP.HCM đã ra lệnh khởi tố trái phép, không tuân theo BLHS năm 2015 đang có hiệu lực.
Bên cạnh đó, hoa hậu Phương Nga còn có nội dung tố giác khởi tố và kết luận điều tra đi ngược lại quy trình tố tụng hình sự. Từ đó, Trương Hồ Phương Nga gửi đơn đến nhiều tổ chức, cá nhân tố giác Công an TP.HCM và VKNSD TP.HCM.
Hai người chết do ngạt khí dưới hang sâu ở Cao Bằng
VnExpress đưa tin sáng 1/7, bà Nông Thị Huyên, Phó chủ tịch xã Đoài Dương cho biết, lúc 8h ngày 30/6, ông Hứa Văn Háy, 44 tuổi, ở xã Đoài Dương dùng máy tuốt lúa để bơm nước từ hang Sa Đeng (cửa hang rộng 2m) lên bờ ruộng.
Đến 12h, thấy ông Háy xuống hang kiểm tra máy hơn 20 phút chưa lên, bà Nông Thị Thiên (vợ ông Háy) xuống tìm, sau 5 phút cũng không trở lại. Đang ở trên miệng hang, ông Hứa Văn Phùi xuống tìm, thấy bà Thiên có dấu hiệu khó thở.
Ông Phùi dìu bà Thiên lên đến cửa hang thì cả hai cùng ngất, được người dân đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa huyện Trùng Khánh. Sau đó, bốn người cùng xóm gồm Hứa Văn Thượng, Nông Văn Cán, Nông Văn Bình và Nông Văn Dụ cùng xuống hang cứu ông Háy.
Tuy nhiên, đi chừng được 30m thì anh Cán và Bình thấy khó thở nên quay lại. Hai người còn lại tiếp tục xuống đến vị trí của ông Háy thì một người ngất tại chỗ, một người quay ra đến cửa hang thì đổ gục.
Đến 16h30 cùng ngày, đội cứu hộ xã Đoài Dương tới hiện trường, do không đủ dụng cụ nên không thể xuống hang. Đến 20h, sau khi dùng bình dưỡng khí, họ xuống đến đáy hang, đưa thi thể anh Hứa Văn Háy và Nông Văn Dụ lên.
Theo Phó chủ tịch xã Đoài Dương, thời điểm xảy ra sự việc, trong hang nồng nặc mùi khí thải máy bơm, người gặp nạn đều do ngạt khí độc.
Hủy bản án sơ thẩm, phúc thẩm vụ ông Lương Hữu Phước
Sáng 1/7, bà Lê Thị Tư (51 tuổi, vợ ông Lương Hữu Phước ngụ Bình Phước) cho biết, đã nhận được quyết định giám đốc thẩm của Tòa án Nhân dân Cấp cao tại TP.HCM về vụ án tai nạn giao thông liên quan đến chồng bà là ông Lương Hữu Phước (55 tuổi).
Theo Lao động, Tòa án Nhân dân Cấp cao tại TP.HCM quyết định hủy bản án sơ thẩm, phúc thẩm để điều tra lại.
Theo nhận định của Tòa án Nhân dân Cấp cao tại TP.HCM, tòa sơ thẩm và phúc thẩm ở Bình Phước chưa xem xét đầy đủ các nguyên nhân dẫn tới tai nạn như toàn bộ hiện trường vụ tai nạn; tốc độ xe, điều kiện giấy phép lái xe của Lâm Tươi (người tông vào xe ông Phước); lời khai của người làm chứng; việc bật xi nhan xin sang đường của ông Phước và việc ông Quý ngồi sau xe ông Phước có choàng tay gây ảnh hưởng đến khả năng lái xe của ông Phước không?
Đại dịch khiến số người mất việc làm ở Việt Nam tăng cao
Tính đến tháng 6 năm 2020, có đến 7,8 triệu lao động tại Việt Nam bị mất việc làm hoặc nghỉ việc luân phiên, giãn việc… vì đại dịch viêm phổi Trung Quốc.
Thông tin vừa nêu được ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm, Bộ Lao động và Thương binh Xã hội cho biết hôm 29/6 trong Hội nghị “tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn về lao động, việc làm cho doanh nghiệp”.
Ông Bình cũng cho biết cả nước có gần 31 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch.
Người lao động mất việc do đã có 35.000 doanh nghiệp rút khỏi thị trường, và có đến 75% số doanh nghiệp đăng ký phải thu hẹp quy mô lao động, chỉ trong quý I năm 2020, theo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).
Doanh nghiệp cho nhiều lao động nghỉ nhất là Công ty PouYuen Việt Nam dự kiến từ nay đến hết tháng 8 năm 2020 sẽ chấm dứt hợp đồng lao động 2.786 người; Công ty Dệt may Huê Phong sẽ cắt giảm hơn 2.000 lao động; Công ty gỗ Woodworth Wooden dự kiến cắt giảm hơn 2.000 lao động…
Tại Hội nghị, đại diện các Doanh nghiệp nói rằng họ đang tìm cách giữ chân lao động. Tuy nhiên, doanh nghiệp cho biết khó tiếp cận và thụ hưởng gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng của chính phủ. Ví dụ như doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện như không có doanh thu, bị cắt giảm 50% lao động…