Đọc báo Pháp – 27/06/2020

Cac Bai Khac

No sub-categories

Đọc báo Pháp – 27/06/2020

Không gian mạng: Chiến trường toàn cầu mới của thời đại công nghệ số – Anh Vũ

Làm việc, học hành, khám chữa bệnh từ xa, mua bán trên mạng….Hơn bao giờ hết, cuộc tranh luận và sự kiểm soát của internet lại nổi lên và cần thiết như bây giờ.

Hồ sơ chính của Courrier International tuần này là những vấn đề nảy sinh trong thời đại tin học, công nghệ số với tựa lớn trang bìa : « Công nghệ số đầy quyền lực ».

Tuần báo Pháp, đăng lại bài viết dài của nữ nhà báo Canada Naomi Klein có tiêu đề :« Không để những người khổng lồ internet kiểm soát cuộc sống của chúng ta ». Nội dung của bài viết tập trung tố cáo sự

thao túng ngày càng lớn vào đời sống của chúng ta của nhóm nhưng người khổng lồ tin học Gafam ( Google, Apple, Facebook, Amazon, Microsoft).

Theo tác giả, với trận đại dịch Covid-19 này và những năm tới, công nghệ số sẽ còn chiếm một vị trí ngày càng lớn trong cuộc sống của chúng ta. Làm việc, học hành, khám chữa bệnh từ xa, mua bán trên mạng….Hơn bao giờ hết, cuộc tranh luận và sự kiểm soát của internet lại nổi lên và cần thiết như bây giờ.

Tác giả Naomi Klein nhằm chủ yếu vào Eric Schmidt, cựu chủ tịch tổng giám đốc của Google, hiện đang lãnh đạo Hội đồng Cải tiến Quốc phòng Mỹ và Ủy Ban An Ninh Quốc Gia về trí thông minh nhân tạo. Với chức vụ này, ông là người có ảnh hưởng lớn trong các quyết sách của Bộ Quốc Phòng cũng như Quốc Hội Mỹ.

Tác giả cho rằng nếu như Eric Schmidt thúc đẩy chi phí ngân sách Nhà nước vào lĩnh vực trí thông minh nhân tạo, các hạ tầng cơ sở cần thiết cho việc triển khai các công nghệ mới như mạng truyền dẫn số liệu 5G, đó là vì những đầu tư ồ ạt đó mang lại mối lợi trực tiếp cho những tập đoàn khổng lồ trong lĩnh vực công nghệ số. Naomi Klein khẳng định : « Trong quan điểm của Eric Schmidt có sự liên kết chặt chẽ giữa Nhà nước và một nhúm những người khổng lồ của thung lũng Silicon ».

Tất nhiên, tác giả không nhằm lên án những công nghệ mới mà để gợi ra suy ngẫm về những vấn đề nảy sinh, những cái được cái mất trong kỷ nguyên tin học và công nghệ mới.

Courrier International nhận thấy, « trận đại dịch lần này đã đẩy nhanh những biến đổi đã bắt đầu từ vài năm qua. Nhiều công ty đang suy tính duy trì lâu dài hình thức làm việc từ xa. Năm học tới, các trường đại học lớn ở Anh sẽ phát triển các môn học trực tuyến và thậm chí sẽ có cả khóa học từ xa. Nhưng trong đợt phong tỏa vừa rồi đã lộ rõ những bất bình đẳng, khi mà nhiều người dân không có máy tính, hay internet… »

Theo tuần báo Pháp, trận đại dịch cùng với nhiều tháng phong tỏa đã chỉ ra rằng chúng ta rất cần các công cụ đó. Nhưng chúng không thể thay thế hết… Điều mà xã hội chúng ta phải quyết định là liệu có muốn đầu tư vào con người ( có thêm thầy giáo, thầy thuốc) hay ưu tiên công nghệ hơn.

Trở lại với bài viết của Naomi Klein, tác giả tỏ lo ngại : «  công nghệ chắn hẳn sẽ đóng vai trò hàng đầu trong việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng trong những tháng, năm tới. Vấn đề là xem liệu công nghệ đó có chịu sự kiểm soát của nền dân chủ và của các công dân ».  Trong một tương lai gần, Internet sẽ chắn chắn chiếm một vị trí ngày càng lớn trong đời sống chúng ta. Thay vì để mặc cho nhóm Grafam độc quyền kiểm soát, « nên chăng phải coi internet là một dịch vụ công có mục tiêu phi lợi nhuận ? », tác giả Naomi Klein đặt  câu hỏi. Đó cũng có thể là tiền đề cho một cuộc tranh luận lớn.

Một trận chiến mới trên toàn cầu

Chủ đề chính L’Expresse tuần này cũng liên quan đến thời đại tin học nhưng là trên mặt trận mới mang tính toàn cầu. Hồ sơ lớn của tuần báo là các vụ tấn công tin tặc và phát tán tin giả với tâm điểm chú ý là nước Nga.

Với L’Expresse, tin tặc giờ đã là một vấn nạn ngày càng trầm trong thế giới ngày càng lệ thuộc vào kỹ thuật số và không gian mạng.  Bất kể ai cũng có thể là mục tiêu cho một  cuộc tấn công tin học hủy diệt . Các mục tiêu cũng ngày càng nhiều. Đó có thể là các doanh nghiệp tư nhân, Nhà nước, các hệ thống cơ sở hạ tầng quốc gia, các cá nhân. Trong cuộc chiến đó, mỗi người phản ứng lại theo cách riêng của mình.

Nếu như tấn công tin tặc đã có từ thập kỷ 1990, thì gần đây các cuộc tấn công tập trung vào các cơ sở hạ tầng trọng yếu. Thông thường, người ta sử dụng khả năng tấn công mạng trong hoạt động gián điệp ngoại giao hay thu thập các tin tức tình báo quân sự kinh tế .

Tờ báo dẫn ra một vài ví dụ, năm ngoái nhật báo New York Times cho biết Mỹ đã phát hiện các phần mềm chứa mã độc cài vào hệ thống tin học của các nhà máy điện và hệ thống dẫn khí đốt của nước này.  Để đáp trả bộ chỉ huy không gian mạng thuộc Bộ Quốc Phòng Mỹ đã ra lệnh mở các cuộc tấn công tương tự vào các cơ sở lợi ích của Nga.

Vấn đề đặt ra là, theo tờ báo, khác với nguyên tắc phòng vệ chính đáng trong đời thực thì không dễ gì xác định được thủ phạm của các vụ tấn công trong không gian mạng.

Còn tại Liên Hiệp Châu Âu, từ vài tháng nay, Hội Đồng Châu Âu cho phép các quốc gia thành viên cấm nhập cảnh đối với cá nhân bị quy kết là chịu trách nhiệm của các vụ tấn công mạng, đồng thời có thể phong tỏ tài sản của những cá nhân đó. Cuối tháng 5 vừa qua, Đức đã áp dụng biện pháp này với lãnh đạo tổng cục tình báo quân đội Nga, Igor Kostiokov. Quyết định này liên quan đến những phát hiện gần đây về vụ tấn công hệ thống tin học của Quốc Hội Đức hồi năm 2015.

Pháp ưa dùng con đường ngoại giao chính thức

L’Expresse cho biết đầu năm 2018, Pháp đã bị một đợt tấn công tin học ồ ạt  từ bên ngoài vào hệ thống điện gió và các cơ quan Nhà nước. Các bộ phận chuyên gia kỹ thuật, tình báo Pháp đã lần ra dấu vết thủ phạm làm một số nhóm tin tặc có biệt danh « APT 29 » hay « Cozy Bear » có quan hệ gần gũi với các cơ quan tình báo Nga. Sự việc được đánh giá là nghiêm trọng nhưng Pháp chỉ dừng lại ở phản ứng ngoại giao.

Để lý giải phần nào cách phản ứng Pháp, trong một bài viết có tựa đề, « Tuy nhiên, Emmanuel Macron và Vladimir Putin vẫn nói chuyện với nhau… », l’Expresse dẫn nhận định của Arnaud Dubien, chuyên gia thuộc Viện Quan Hệ Quốc Tế và Chiến Lược Pháp : «  tổng thống Emmanuel Macron tin rằng Pháp và Châu Âu sẽ có lợi khi không để Nga ngả sang Trung Quốc ».  Trước hết là lý do kinh tế, tờ báo nhấn mạnh.

Pháp là đối tác lớn của Nga, Pháp cũng là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất ở Nga. Có tới 1200 doanh nghiệp Pháp, đa phần là các tập đoàn lớn, cắm chân tại Nga, theo Emmanuel Quidet, chủ tịch Phòng Thương Mại-Công Nghiệp Pháp- Nga tại Mátxcơva.

Nga, Pháp  vẫn muốn duy trì một mối quan hệ thực dụng. Ngoài ra, tổng thống Pháp hiểu rõ vai trò của Nga trong các hồ sơ lớn của quốc tế, đặc biệt là ở Trung Đông hiện nay. Chính sách này tuy nhiên lại không thể đồng điệu với Bruxelles.

Tin giả : vẫn lại từ Nga

Tiếp tục trong hố sơ tin học Nga, L’Expresse còn có bài : « Secondary Infektion, cơ quan bóp méo thông tin ».

Tờ báo cho biết, qua nhóm Secondary Infektion, người Nga đang tiến hành nhiều chiến dịch bóp méo thông tin, từ năm 2014 cho đến tận đầu năm nay. Trong một báo cáo của công ty phân tích Mỹ Graphika, được tiết lộ tuần trước,  các nhà nghiên cứu đã phân tích 2500 nội dung phổ biến bằng 7 thứ tiếng. Đó là những tin nhắn, văn bản hay tài liệu đủ các loại đã được tung lên 300 nền tảng khác nhau trên mạng internet : các diễn đàn trao đổi, mạng xã hội, trang web…

Các nhà phân tích đã phân loại các chủ đề nổi bậtmà Secondary Infektion liên tục đăng tải : Chia rẽ và những yếu kém của châu Âu, di cư và Hồi Giáo, thất bại của Nhà nước Ukraina và những phán ngôn vu cáo các nhà đối lập với điện Kremlin. Những chủ đề như vậy khiến người ta không còn nghi ngờ về nguồn gốc của các tin giả đó, như nhận định của Graphika. Báo cáo còn cho biết, nhóm an ninh mạng của Facebook hồi tháng 5/2019 đã phát hiện những tài khoản nghi ngờ mà người quản lý được cho là ở Nga. Để lẩn tránh truy tìm tung tích, các tài khoản được tạo ra và sử dụng một lần duy nhất. Trong một chiến dịch mới đây, Secondary Infektion còn tung tin là virus corona do một phòng thí nghiệm Mỹ có cơ sở bí mật ở Kazakhstan tạo tra.

Tại Châu Âu, l’Expresse, cơ quan săn tìm tin giản của Bỉ DisinfoLab đã phát hiện một trang mạng  Observateur Continental, hiện hoạt động tích cực ở Pháp. DisinfoLab đã tìm thấy mối liên hệ giữa trang này với hãng tin Nga InfoRos mà bản thân hãng này kết nối với cơ quan tình báo quân đội của Kremlin.

Cuộc chiến chống tin giả và tin tặc ngày càng trở nên khó khăn đó là một cuộc chiến dài hơi và cũng là một «  chiến trường toàn cầu mới ». Không chỉ có Nga mà tất cả các nước phát triển đều có khả năng. Hiện có từ 40 đến 50 nước có khả năng tấn công tin học, theo chuyên gia an ninh mạng Félix Aimé thuộc Kaspersky, một công ty đa quốc gia của Nga, được tờ báo trích dẫn.

Covid-19 làm Putin hết thiêng

Cũng liên quan đến nước Nga, Courrier International trích đăng lại một bài viết dài của nhà nghiên cứu chính trị Nga Alexandre Tsipko đăng trên báo Nga Nezavissimaïa Gazeta với tiêu đề «  Nước Nga sau dịch, một ông Putin mất thiêng ».

Ngày 1/7 tới cuộc trưng cầu dân ý sửa đổi Hiến pháp có thể giúp cho ông Vladimir Putin tiếp tục kéo dài nhiệm kỳ tổng thống sau năm 2024 cho đến khi nào ông muốn, nhưng tác giả bài báo nhận thấy trận đại dịch Covid-19 đã khiến thần tượng Putin sụp đổ.

Bài viết muốn chỉ ra cho thấy tất cả những hào quang, về nước Nga hùng cường trở lại với Putin chẳng qua chỉ là tuyên truyền nhằm thần thánh hóa quyền lực, điều đã ăn sâu ở nước Nga từ thờ Liên Xô cũ. Theo tác giả, trong 20 năm cầm quyền ở nước Nga, ông Putin đã làm được 2 việc lớn là vực nước Nga khỏi đói nghèo của những năm 1990 và sáp nhập Crimée 2014. Nhưng theo tác giả, « chẳng cần phải là thiên tài cũng có thể thấy nước Nga trước 2014, đường đường là thành viên đầy đủ trong nhóm G8, có rất cơ hội phát triển, tiến bộ hơn nhiều so với nước Nga hậu Crimée, một nước Nga bị suy yếu vì các đòn trừng phạt, bị nhìn nhận trên thế giới như là một đe dọa ».

Giờ đây, biến cố lớn đại dịch Covid 19 lại càng phát lộ nước Nga vẫn là một đất nước nghèo, khả năng lãnh đạo đất nước của ông Putin cũng không có gì là thần thánh. Tác giả viết :  « Khi đại dịch xuất hiện, nỗi sợ hãi cái chết xâm chiếm tâm trí thì sự huyền bí phía sau sự linh thiêng quyền lực của Putin cũng biến mất ».

Tác giả nhấn mạnh : « Từ khi đại dịch nắm quyền kiểm soát sự sống của chúng ta, phương pháp dương dương tự đắc cũ kỹ của Putin không còn chỗ. Từ đỉnh cao linh thiêng, ông rơi xuống đất…. Đại dịch đã làm lộ ra rằng tất cả những gì Putin lên kế hoạch đều không khả thi » .

http://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20200627-kh%C3%B4ng-gian-m%E1%BA%A1ng-chi%E1%BA%BFn-tr%C6%B0%E1%BB%9Dng-to%C3%A0n-c%E1%BA%A7u-m%E1%BB%9Bi-c%E1%BB%A7a-th%E1%BB%9Di-%C4%91%E1%BA%A1i-c%C3%B4ng-ngh%E1%BB%87-s%E1%BB%91

 

Tin tổng hợp

(AFP) – Tin tặc Nga sử dụng phần mềm WastedLocker rất “nguy hiểm” để tống tiền các doanh nghiệp Mỹ.

Tập đoàn Symantec của Mỹ hôm 25/06/2020 báo động phát hiện 31 công ty Mỹ là mục tiêu bị các nhóm tin tặc Nga tấn công và tống tiền. Tám trong số này có tên trong danh sách 500 tập đoàn lớn nhất của Hoa Kỳ. Maxime Iakoubets và Igor Tourachev, hai công dân Nga đã bị truy tố tại Mỹ từ tháng 12/2019 trực tiếp tham gia vào chiến dịch này.

(AFP) – IMF tháo khoán hơn 356 triệu đô la viện trợ khẩn cấp cho Miến Điện. 

Trong thông cáo ngày 26/06/2020 Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế nói rõ biện pháp này nhằm giúp đỡ Miến Điện khắc phục hậu quả y tế, về xã hội dịch và kinh tế Covid-19 gây nên. Đồng thời IMF khuyến khích các nhà tài trợ xóa nợ cho những quốc gia nghèo nhất trên thế giới.

(France Info) – Pháp : 200 cảnh sát biểu tình chống lại các cáo buộc kỳ thị và bạo lực cảnh sát. 

Các cảnh sát tập hợp tối qua, 26/06, trước Nhà hát Bataclan, ở Paris, biểu tượng của vụ khủng bố đẫm máu ngày 13/11. Mang trang phục dân sự hay đồng phục cảnh sát, các cảnh sát tham dự biểu tình lặng lẽ đặt các bộ còng tay lên vỉa hè, rồi hát vang bài quốc ca Marseillaise. Cảnh sát biểu tình bày tỏ nỗi thất vọng trước thái độ mà họ cho là bất công của xã hội, khi coi nhất loạt coi giới cảnh sát hôm nay như tội phạm, trong lúc hôm qua còn được nhiệt liệt biểu dương như những anh hùng.

(AFP) – Tổng thống Pháp lần đầu hội đàm với nguyên thủ Nga qua mạng, kể từ đầu đại dịch. 

Hôm qua, 25/06/2020, tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã có cuộc trao đổi với tổng thống Nga Vladimir Putin. Ông Macron đã nhận lời mời công du Nga, trước cuối năm nay. Theo phủ tổng thống Pháp, cuộc hội đàm nói trên có mục tiêu tiếp tục cuộc đối thoại gây dựng lòng tin, và chia sẻ các quan tâm của đôi bên về vấn đề an ninh, khởi sự với chuyến công du Pháp của tổng thống Nga hồi tháng 8/2019, trước thêm thượng đỉnh khối G7, do Pháp đăng cai.

(Reuters) – Luân Đôn chuẩn bị cách ly 14 ngày người nhập cảnh vào Anh. 

Đây là một biện pháp vốn bị chỉ trích mạnh mẽ. Ngày 26/06/2020 chính phủ Anh thông báo trong những ngày sắp tới hội đồng cố vấn y tế quốc gia sẽ phân loại các quốc gia tùy theo mức độ lây nhiễm theo ba màu xanh, đỏ và cam. Lệnh cách ly được xóa bỏ đối với các du khách đến từ các vùng màu xanh và cam. Đây là những nơi đã tương đối kiểm soát được đà lây lan của virus corona.

(AFP) – Bruxelles chuẩn bị công bố mở cửa cho 15 quốc gia vào Liên Hiệp Châu Âu từ 01/07/2020. 

Trên nguyên tắc danh sách này được công bố trước 16 giờ, giờ quốc tế chiều nay (27/06/2020). Mỹ, Nga, và Brazil không có tên trong danh sách nói trên, nhưng các công dân Trung Quốc, trong một số điều kiện, sẽ được quyền nhập cảnh vào Liên Âu.

(AFP) –  Brazil ngày 26/06/2020 ghi nhận thêm hơn 40.000 ca dương tính với virus corona.

Bộ Y Tế thông báo có thêm 46.860 bệnh nhân, 990 người tử vong trong một ngày. Dịch Covid-19 đã làm gần 56.000 người Brazil thiệt mạng và lây nhiễm cho gần 1,3 triệu dân tại quốc gia châu Mỹ Latinh này.

AFP) – Báo Mỹ : Nga có thể đã thưởng tiền cho quân Taliban giết chết lính Mỹ. 

Hãng tin Pháp dẫn báo New York Times, hôm qua, 25/06/2020, theo đó Nga đã bí mật trả tiền cho lực lượng Taliban nào sát hại được lính Mỹ hay quân nhân NATO tại Afghanistan. Kết luận của tình báo Mỹ được đưa ra cách đây ít tháng, vào lúc quân nổi dậy Taliban đang trong giai đoạn thương lượng căng thẳng với Mỹ, về việc Hoa Kỳ rút quân. Vẫn theo NYT, tổng thống Mỹ và các cố vấn an ninh quốc gia đã được thông báo về vấn đề này vào cuối tháng 3. Hoa Kỳ đã thông tin về việc này cho một số đồng minh.

(AFP) – Hạ Viện Mỹ thông qua dự luật công nhận thủ đô Washington là bang thứ 51.

Dự luật đã được thông qua với 232 phiếu thuận, 180 chống tại Hạ Viện do đảng Dân Chủ kiểm soát. Đây là lần đầu tiên Quốc Hội Mỹ bỏ phiếu về quy chế của thủ đô Washington, từ năm 1993. Việc công nhận thủ đô Washington là tiểu bang thứ 51 còn phải được Thượng Viện do phe Cộng Hòa xem xét. Dự luật chắc chắn sẽ bị phủ quyết.

(AFP) – Đêm ca nhạc gây quỹ cho WHO. 

Ngày 27/06/2020 Tổ Chức Y Tế Thế Giới họp hội nghị qua cầu truyền hình báo đồng thiếu hơn 30 tỷ đô la cho các khâu xét nghiệm, tìm kiếm vac-xin và thuốc ngừa Covid-19. Hội nghị khai mạc cùng lúc với buổi trình diễn ca nhạc cũng qua cầu truyền hình nhằm gây quỹ cho WHO. Nhiều tên tuổi của làng nhạc thế giới như Shakira, Christine and the Queens Coldplay, Usher hay Justin Bieber cùng tham gia.

http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200627-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p

 

Điểm tin thế giới sáng 27/6:

Mỹ áp hạn chế visa các quan chức

Trung Quốc đương nhiệm và nghỉ hưu

Băng Thanh

Mục Điểm tin thế giới sáng thứ Bảy (27/6) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới quý độc giả những tin sau:

Mỹ áp hạn chế visa các quan chức Trung Quốc đương nhiệm và nghỉ hưu

Ngoại trưởng Pompeo cho biết các quan chức Trung Quốc “phá hoại mức độ tự chủ cao” của Hồng Kông sẽ bị Mỹ hạn chế thị thực, theo Reuters.

“Tôi tuyên bố hạn chế thị thực đối với các quan chức Trung Quốc đương nhiệm và đã nghỉ hưu, những người chịu trách nhiệm hay đồng lõa phá hoại mức độ tự chủ cao của Hồng Kông, vốn được bảo đảm trong Tuyên bố chung Anh-Trung 1984, hoặc làm suy yếu quyền con người và tự do cơ bản ở Hồng Kông”, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết trong thông cáo ngày 26/6.

“Thành viên gia đình của những người này có thể phải chịu những hạn chế trên”, ông Pompeo cho biết nhưng không nêu danh tính người chịu lệnh hạn chế thị thực của Mỹ.

“Tổng thống Trump hứa sẽ trừng phạt các quan chức Trung Quốc, những người chịu trách nhiệm cho việc tước đi tự do của Hồng Kông. Chúng tôi hôm nay ra quyết định để thực hiện điều đó”, ông Pompeo cho biết trong thông cáo.

Quyết định trên được đưa ra khi Mỹ tăng chỉ trích Trung Quốc trong bối cảnh chiến dịch vận động tranh cử của Tổng thống Donald Trump bước vào giai đoạn then chốt. Các cuộc thăm dò dư luận cho biết cử tri Mỹ ngày càng phẫn nộ với Trung Quốc, đặc biệt về đại dịch Covid-19.

Ấn Độ nói điều ‘lượng lớn quân’, bằng Trung Quốc đến biên giới

Ấn Độ lần đầu cho biết triển khai một lượng lớn binh lính bằng Trung Quốc tại khu vực biên giới tranh chấp trên dãy Himalaya sau cuộc đụng độ hôm 15/6, theo AFP.

Tuyên bố được Bộ Ngoại giao Ấn Độ đưa ra hôm 25/6, song không nói con số cụ thể. Tuy nhiên, theo các nguồn tin địa phương cùng ngày, Ấn Độ đã triển khai hơn 36.000 binh sĩ dọc theo biên giới tranh chấp trên dãy núi Himalaya.

Các nguồn tin cho hay Ấn Độ triển khai ba sư đoàn đến biên giới với Trung Quốc. Các xe tăng chủ lực và lựu pháo cũng được điều đến khu vực này, trong khi máy bay chiến đấu của Không quân Ấn Độ cũng thường xuyên tuần tra lãnh thổ.

Tổng thống Trump ký sắc lệnh bảo vệ các tượng đài và di tích lịch sử trước những kẻ cực đoan

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 26/6 thông báo ông đã ký một sắc lệnh hành pháp để bảo vệ các di tích, đài tưởng niệm và các bức tượng của Mỹ trước nguy cơ bị những người biểu tình bạo lực phá hoại.

Ông Trump viết trên trang Twitter cá nhân của ông với hơn 80 triệu người theo dõi: “Tôi vừa có vinh dự ký một sắc lệnh hành pháp rất mạnh mẽ để bảo vệ các di tích, đài tưởng niệm và các bức tượng ở Mỹ, đồng thời đấu tranh với tình trạng bạo lực hình sự gần đây. Các án tù dài hạn sẽ được đưa ra đối với các hành vi vô pháp luật chống lại đất nước vĩ đại của chúng ta”. (Chi tiết)

Trung Quốc đang nạo vét, xây dựng mới trên đảo Phú Lâm

Các hình ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy Trung Quốc đang nạo vét một khu vực trong vịnh ở đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa, theo thông tin từ BenarNews, một trang đa ngôn ngữ chuyên đưa tin về các nước Đông Nam Á.

Tờ báo này cho biết, các hình ảnh vệ tinh thương mại trong khoảng thời gian từ ngày 17/4 đến ngày 25/6 cho thấy rạn san hô trong vùng nước cạn bên rìa bờ biển phía tây bắc của đảo Phú Lâm đã bị đào bới một phần. Các bức ảnh cho thấy một một loạt đường đất mới được bồi đắp, có khả năng là để mở rộng diện tích của hòn đảo. (Chi tiết)

Tổng thống Trump hủy chơi golf vào giờ chót

Theo AFP, Tổng thống Trump cho biết ông hủy chuyến đi tới Bedminster để chơi golf do muốn ở lại thủ đô Washington nhằm “đảm bảo luật pháp và mệnh lệnh được thi hành”.

“Tôi định đi tới Bedminster, New Jersey, vào cuối tuần này, song muốn ở lại thủ đô Washington để đảm bảo luật pháp và mệnh lệnh được thi hành. Những kẻ đốt phá, vô chính phủ, cướp phá và kích động đã bị chặn đứng”, Tổng thống Mỹ Donald Trump đăng trên Twitter ngày 26/6.

“Tôi đang làm những gì cần thiết để giữ an toàn cho cộng đồng của chúng ta, những kẻ này sẽ được đưa ra trước công lý”, ông Trump viết.

https://www.dkn.tv/the-gioi/diem-tin-the-gioi-sang-27-6-my-ap-han-che-visa-cac-quan-chuc-trung-quoc-duong-nhiem-va-nghi-huu.html

 

Điểm tin thế giới tối 27/6:

Triều Tiên tuyên bố

‘dùng hạt nhân đấu hạt nhân’ với Mỹ

Quý Khải

Mục Điểm tin thế giới tối thứ Bảy (27/6) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới quý độc giả những tin sau:

Triều Tiên tuyên bố ‘dùng hạt nhân đấu hạt nhân’ với Mỹ

Triều Tiên cho rằng vũ khí hạt nhân là phương án duy nhất đối phó với sự thù địch của Mỹ, sau khi đối thoại không mang lại kết quả, theo NY Post.

“Triều Tiên đã nỗ lực dùng biện pháp đối thoại và trông cậy vào luật pháp quốc tế nhằm loại bỏ mối đe dọa hạt nhân từ Mỹ, nhưng tất cả đều kết thúc trong vô vọng”, Viện Giải giáp vũ khí và Hòa bình thuộc Bộ Ngoại giao Triều Tiên cho biết trong báo cáo dài 5.500 từ được công bố hôm 25/6.

“Chỉ còn một lựa chọn cuối cùng, đó là dùng hạt nhân đấu hạt nhân”, cơ quan này viết trong báo cáo, thêm rằng khả năng răn đe chiến tranh mạnh mẽ để phòng thủ đất nước là “lựa chọn chiến lược cần thiết”.

Ấn Độ muốn mua gấp tên lửa, súng đạn Nga

Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ đến Moskva, đề nghị Nga nhanh chóng chuyển giao tên lửa phòng không vác vai, súng trường tấn công và đạn, theo Economic Times.

Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh đã đề xuất chính phủ Nga chuyển giao số vũ khí trị giá hơn 66 triệu USD gồm tên lửa phòng không vác vai Igla-S, súng trường tấn công và đạn dược cho nhiều khí tài thông qua kênh mua sắm trang bị quốc phòng khẩn cấp.

“Mọi đề xuất đã nhận được phản hồi tích cực từ phía Nga. Tôi rất hài lòng với các cuộc đàm phán. Chính phủ Nga bảo đảm rằng những hợp đồng hiện nay sẽ được thực hiện đúng tiến độ, thậm chí hoàn thành trong thời gian ngắn hơn dự kiến”, Bộ trưởng Singh nói sau cuộc họp với Phó thủ tướng Nga Yury Borisov hôm 25/6 tại Moskva.

Máy bay Trung Quốc áp sát Đài Loan lần thứ 9 trong tháng

Một phi cơ quân sự Trung Quốc tiến vào vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở tây nam Đài Loan hôm qua, lần thứ 9 trong tháng 6, theo Focus Taiwan.

Thiếu tướng Sử Thuận Văn, phát ngôn viên cơ quan phòng vệ Đài Loan, cho biết lực lượng vũ trang hòn đảo đã triển khai trinh sát cơ đối phó và phát cảnh báo qua sóng vô tuyến yêu cầu máy bay Trung Quốc rời khỏi ADIZ. Tuy nhiên, tướng Sử không nói rõ loại máy bay của Trung Quốc đại lục áp sát hòn đảo lần này.

Đây là lần thứ 9 máy bay quân sự của Quân Giải phóng Nhân dân (PLA) Trung Quốc tiếp cận đảo Đài Loan trong tháng 6. Lần áp sát trước đó diễn ra hôm 22/6, khi tiêm kích Chendu J-10 hộ tống ít nhất một oanh tạc cơ Xian H-6 tiếp cận khu vực phía tây nam đảo Đài Loan.

Trinh sát cơ Mỹ có thể truy tìm tàu ngầm Trung Quốc

Trinh sát cơ Mỹ liên tục hoạt động ở vùng biển phía nam Đài Loan, dường như tiến hành chiến dịch phát hiện tàu ngầm Trung Quốc, theo SCMP.

“Trinh sát cơ EP-3E Mỹ mang mã hiệu AE1D91 tiến vào Biển Đông qua eo biển Ba Sĩ trưa 26/6. Máy bay tuần thám biển P-8A và phi cơ tiếp dầu KC-135 bám ngay phía sau”, tổ chức Sáng kiến Tình hình Chiến lược Biển Đông (SCSPI) thuộc Viện Nghiên cứu Đại dương Đại học Bắc Kinh, Trung Quốc, đăng trên Twitter hôm qua.

Hình ảnh do SCSPI công bố cho thấy ba máy bay Mỹ băng qua Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) ở tây nam Đài Loan, sau đó bay về hướng Biển Đông. Đây là ngày thứ 6 liên tiếp không quân Mỹ triển khai máy bay băng qua eo biển Ba Sĩ để tiến vào Biển Đông.

Hồng Kông chặn kế hoạch biểu tình

Cảnh sát Hồng Kông không cấp phép cho một cuộc biểu tình quy mô lớn phản đối dự luật an ninh ở đặc khu, được lên kế hoạch diễn ra ngày 1/7, theo AFP.

Mặt trận Nhân quyền Dân sự Hồng Kông (CHRF) hôm nay thông báo trên Facebook tổ chức này bị từ chối đơn xin biểu tình vào 1/7, nhân kỷ niệm 23 năm ngày Hồng Kông được trao trả về Trung Quốc. Cảnh sát Hồng Kông giải thích lý do là có nguy cơ xảy ra bạo lực, việc tụ họp và tuần hành “có thể đe dọa nghiêm trọng sức khoẻ cộng đồng” giữa Covid-19. CHRF cho hay họ sẽ phản đối quyết định này.

Thêm bị cáo nhận tội vụ 39 người Việt chết trong container

Alexandru Hanga, 28 tuổi, thừa nhận vi phạm luật nhập cư do liên quan đến cái chết của 39 người Việt trong xe container hồi năm ngoái, theo Star Tribune.

Alexandru Hanga, ở thị trấn Tilbury, hạt Essex, Anh, hôm 26/6 bị xét xử qua video trực tiếp tại Toà án Hình sự trung tâm London và nhận tội âm mưu hỗ trợ nhập cư trái phép. Bị cáo sẽ bị tuyên án trong phiên toà tiếp theo.

Hanga bị cảnh sát Anh bắt hồi đầu tháng 3 và bị truy tố với tội danh liên quan đến vi phạm quy định nhập cư. Hành vi phạm tội của Hanga được cho là diễn ra từ ngày 1/5/2018 đến 24/10/2019.

Mỹ cảnh báo Anh về Huawei

Mỹ cảnh báo Anh sau khi chính quyền nước này cho phép Huawei xây cơ sở nghiên cứu và sản xuất chip ở địa phương, theo CNBC.

Hội đồng quận Nam Cambridgeshire, Anh, ngày 25/6 bỏ phiếu cho phép tập đoàn công nghệ Trung Quốc Huawei xây cơ sở nghiên cứu và sản xuất chip với vốn đầu tư lên tới 1,24 tỉ USD. Chưa đầy 24 giờ sau, Bộ Ngoại giao Mỹ cảnh báo chính quyền Anh về “mối đe dọa an ninh quốc gia” từ Huawei.

“Chúng tôi kêu gọi tất cả các quốc gia, đặc biệt là các đồng minh và đối tác như Vương quốc Anh, đánh giá cẩn thận tác động lâu dài của việc cho phép các công ty không đáng tin cậy như Huawei tiếp cận các thông tin nhạy cảm”, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết trong tuyên bố hôm 26/6.

https://www.dkn.tv/the-gioi/diem-tin-the-gioi-toi-27-6-trieu-tien-tuyen-bo-dung-hat-nhan-dau-hat-nhan-voi-my.html

 

Tạp chí đặc biệt

Donald Trump và một mùa xuân tang thương

Minh Anh

Nước Mỹ dậy sóng chống bạo lực cảnh sát ngay giữa mùa dịch bệnh Covid-19 ; Bắc Triều Tiên bất ngờ cho nổ sập văn phòng liên lạc liên Triều và Đụng độ đẫm máu giữa quân đội Trung Quốc và Ấn Độ trên dãy Himalaya. Mục Tạp chí Thế Giới Đó Đây tuần này xin điểm lại các sự kiện đáng chú ý trong tháng 6/2020.

« Black Lives Matter » và Covid-19: Khủng hoảng kép cho Donald Trump

« George Floyd » là lời hô vang của những người biểu tình trước cửa Nhà Trắng trong những ngày tuần đầu tháng 6/2020. Cảnh tượng Nhà Trắng bị phong tỏa và mịt mù khói hơi cay, điều chưa từng thấy ở nước Mỹ đã được lan truyền khắp thế giới.

Mọi sự bắt đầu từ Minneapolis, cách nay một tháng, ngày 25/05/2020. Trên khắp các mạng xã hội, cảnh viên cảnh sát da trắng Derik Chauvin đè kẹp cổ George Floyd – một người Mỹ gốc châu Phi – đến chết ngạt, bất chấp lời kêu van « Tôi không thở được » đã làm dấy lên một làn sóng phẫn nộ trên khắp nước Mỹ.

Hàng trăm ngàn người tại 150 thành phố ở Mỹ, không phân biệt mầu da, sắc tộc đã ùn ùn xuống đường biểu tình phản đối bạo hành cảnh sát và nạn kỳ thị chủng tộc. Bạo động và cướp bóc nổ ra ở nhiều nơi

buộc chính quyền nhiều bang phải huy động đến Cảnh vệ Quốc gia. Tổng thống Mỹ, Donald Trump còn đe dọa điều động quân đội để « dẹp loạn ».

Nhà nghiên cứu chính trị học, Nicole Bacharan trên kênh truyền hình quốc tế Pháp France24, nhận định tuy không phải là cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc đầu tiên, nhưng sự kiện lần này diễn ra trong một thời điểm mang tính lịch sử : Nước Mỹ đang vật vã đối phó với cuộc khủng hoảng dịch tễ lớn chưa từng có. Dịch Covid-19 đã làm cho hơn 120 ngàn người Mỹ qua đời và lệnh phong tỏa do chính quyền nhiều bang áp dụng để ngăn chận dịch bệnh khiến nền kinh tế đất nước kiệt quệ làm hơn 40 triệu người bị thất nghiệp.

« Cuộc khủng hoảng này tuyệt nhiên là mang tính xã hội. Người Mỹ da đen bị virus tác động nhiều hơn so với những cộng đồng khác. Tại sao ư ? Bởi vì, nhiều người trong số họ thuộc những tầng lớp nghèo. Khoảng 2/3 hay 3/4 người Mỹ da đen là tầng lớp trung lưu. Nhưng những người khác là những người nghèo thật sự, những người lao động nghèo.

Trong số những người Mỹ da đen nghèo đó, những người thường xuyên có vấn đề về sức khỏe là bị ảnh hưởng nhiều nhất, những người mắc bệnh tiểu đường, tim mạch, béo phì. Những người không được hưởng chế độ chăm sóc sức khỏe đều đặn, được theo dõi và nhất là những người bị mất bảo hiểm y tế.

Bởi vì, khi một người bị mất việc làm ở Mỹ, hiện đang có đến 40 triệu người thất nghiệp, thường họ cũng bị mất luôn cả bảo hiểm y tế. Thế nên, có một cuộc khủng hoảng xã hội rất lớn. »

Sự việc xảy ra buộc chính quyền Donald Trump phải nhanh chóng đưa ra một số biện pháp cải tổ ngành cảnh sát. Chỉ có điều, phong trào phản đối « Black Lives Matter » – Mạng sống người da đen cũng quan trọng – không chỉ dừng ở Mỹ mà còn lan sang nhiều nước khác. Vì sao phong trào này lại được hưởng ứng ở nhiều nơi trên thế giới ?

Giáo sư sử học, Marie-Anne Matard Bonucci, trường Đại học Paris VIII trả lời RFI nhận định :

« Bởi vì có toàn cầu hóa thông tin. Hình ảnh video được truyền tải quả thật quá đau lòng và người dân, có thể là do lệnh phong tỏa, có nhiều thời gian hơn để xem. Đương nhiên là các mạng xã hội đóng một vai trò quan trọng rồi, dù rằng hiện tượng kỳ thị chủng tộc vẫn còn khá phổ biến, kể cả trong một bộ phận thế hệ trẻ.

Nhưng cũng có những thế hệ mới rất nhạy cảm với những vấn đề này tại nhiều nước trên thế giới. Và cuộc đấu tranh chống kỳ thị chủng tộc này có thể tiếp nối cho những cuộc đấu tranh chính trị khác, từng tồn tại và diễn ra trong những năm 1960 – 1970 và giờ đây không còn là điểm kết tinh nữa mà bởi vì những hệ tư tưởng lớn ngày nay đang lâm vào khủng hoảng. Người ta không còn mong muốn có cuộc cách mạng nữa, mà chỉ mong ước một sự bình đẳng về các quyền. »

Cái chết của George Floyd còn làm dấy lên một cuộc tranh luận khác. Làn sóng biểu tình tấn công vào các biểu tượng của chủ nghĩa thực dân ở những nơi công cộng. Từ Bỉ cho đến Anh Quốc, những người đấu tranh chống kỳ thị chủng tộc đã cho dỡ tượng những gương mặt tiêu biểu của chủ nghĩa thực dân. Giới sử gia Pháp cảnh báo : « Nếu chúng ta xóa bỏ vết tích của Lịch Sử, một số người sẽ cho rằng điều đó chưa bao giờ tồn tại ! »

Bắc Triều Tiên : Mối đe dọa hạt nhân trở lại ?

Phải chăng mối đe dọa hạt nhân đang quay trở lại trên bán đảo Triều Tiên ? Ngày 16/6/2020, Bắc Triều Tiên đã cho đánh sập tòa nhà được dùng làm Văn phòng Liên lạc Liên Triều. Trước đó một tuần, ngày 09/06, lấy cớ trả đũa Hàn Quốc để cho những người tỵ nạn Bắc Triều Tiên thả truyền đơn, Bình Nhưỡng đột ngột cắt đường dây liên lạc.

Hình ảnh Văn phòng Liên lạc bị đánh sập một lần nữa đã gây sửng sốt trên thế giới. Vì sao Bắc Triều Tiên cho nổ sập tòa nhà này ? Nhà báo Dorian Malovic, phụ trách mục châu Á, nhật báo Công giáo La Croix, trên đài Arte giải thích :

« Bắc Triều Tiên không làm điều gì một cách ngẫu hứng cả, từ việc chọn ngày cho đến các mục tiêu. Ở đây, văn phòng liên lạc này đã được khánh thành cách nay hai năm, năm 2018 và được xem như là biểu tượng của một hình thức ngoại giao giữa hai miền Triều Tiên, một kiểu tòa đại sứ ảo nằm trên lãnh thổ Bắc Triều Tiên, và tượng trưng cho sự hâm nóng quan hệ giữa hai nước (…)

Sự việc mang tính biểu tượng bởi vì điều này gây được tiếng vang lớn, thu hút sự chú ý. Hơn nữa chẳng có ai chết, sự việc chỉ xảy ra trên lãnh thổ Bắc Triều Tiên, không ai có thể phản ứng được. Hàn Quốc không bị tấn công, Hoa Kỳ cũng không bị hổ mặt.

Đó là một biểu tượng nhưng cũng là đối tượng đầu tiên trước khi có những mục tiêu khác tiếp theo trong những ngày và những tuần sắp tới. Thời kỳ hâm nóng quan hệ đang dần bị khép lại. »

Còn theo ông Benjamin Hautecouverture, chuyên gia về các vấn đề hạt nhân và tên lửa đạn đạo, sự việc cho thấy rõ chế độ Bình Nhưỡng đang phải đối mặt với những khó khăn về kinh tế do áp lực của các lệnh trừng phạt quốc tế và cuộc khủng hoảng dịch Covid-19 gây ra. Ông cảnh báo, do không tháo gỡ được bế tắc đàm phán hạt nhân nhằm có được việc dỡ bỏ một phần lệnh cấm vận, Bắc Triều Tiên có nguy cơ tái diễn các vụ thử tên lửa và hạt nhân.

« Những gì chúng ta đang thấy và đây là cách diễn giải của tôi về những gì đã xảy ra trong những ngày qua và có thể sẽ trở nên kịch phát hơn trong những ngày sắp tới, chính là trên thực tế, các lệnh trừng phạt đang làm suy yếu chế độ. Bình Nhưỡng tuyệt đối muốn rằng Donald Trump dỡ các lệnh trừng phạt trước khi nối lại đàm phán về giải trừ hạt nhân. Nhưng vì tổng thống Trump kiên quyết từ chối, Bắc Triều Tiên tìm cách tạo cớ để nối lại các vụ thử hạt nhân, bằng cách chôn vùi những gì đã được quyết định tại Singapore ».

Ấn – Trung và một mùa xuân nóng bỏng trên dãy Himalaya

Một ngày trước khi Bình Nhưỡng cho nổ sập Văn phòng Liên lạc Liên Triều, trên cao 4.300 mét của dãy núi Himalaya, binh sĩ Ấn Độ và Trung Quốc ngày 15/06/2020 đụng độ nhau dữ dội tại vùng Ladakh, mà hai bên có tranh chấp biên giới.

New Dehli cho biết có 20 binh sĩ thiệt mạng. Phía Trung Quốc chỉ thông báo thiệt hại 5 người, nhưng nhiều nguồn tin không chính thức cho rằng có ít nhất 43 người chết. Ấn Độ và Trung Quốc đổ lỗi cho nhau đã xâm phạm trước tiên đường kiểm soát thực tế (LAC). Cây bút bình luận cho đài France Inter, ông Pierre Haski trước tiên giải thích vì sao sự cố này là đáng lo ngại.

« Trước hết là do quy mô của cả hai nước đông dân nhất hành tinh này : Chỉ riêng hai nước này, đã có tới hai tỷ rưỡi dân. Đó còn là hai cường quốc hạt nhân được trang bị nhiều vũ khí nhất, và còn là hai nước được lãnh đạo bởi những người mang tư tưởng dân tộc chủ nghĩa, lo lắng làm sao không để bị mất mặt.

Đáng lo là vì những sự cố đó không xảy ra lúc trời quang mây tạnh. Bởi vì từ nhiều tuần nay, những điểm căng thẳng đã được báo động dọc theo 3.440 km đường biên giới, và các nỗ lực hạ nhiệt căng thẳng đã không thể nào cản được việc đổ máu.

Tại nhiều khu vực, đường biên giới rất dài này đang có nhiều tranh chấp. Cả hai nước đã từng có một cuộc đối đầu ngắn năm 1962, cuộc chiến tranh duy nhất giữa hai ông khổng lồ châu Á, lợi thế nhanh chóng nghiêng về phía Trung Quốc. Kể từ đó, đường biên giới này được xác định bằng một lằn ranh mà cả hai bên không tài nào có được một sự đồng tình. »

Vẫn theo ông Pierre Haski, nếu chỉ giới hạn cuộc xung đột này ở một cuộc tranh chấp biên giới đơn giản thì đó là một sai lầm. Trung Quốc và Ấn Độ là hai nền văn minh lâu đời nhất, xưa kia từng có những giao tiếp với nhau. Chính từ Ấn Độ, Phật giáo du nhập vào Trung Quốc cách đây gần hai ngàn năm. Rồi hai bên có một thời gian dài chống đối nhau trước khi tìm cách nối lại liên hệ thông qua các trao đổi mậu dịch. Nhưng bối cảnh địa chính trị đã ngăn cản một sự bình thường hóa thật sự.

« Quan hệ Mỹ – Trung xuống cấp có những tác động nặng, bởi vì vào lúc ông Trump tiến hành một chiến lược cô lập Trung Quốc thật sự, ông đã ve vãn Ấn Độ. Nguyên thủ Mỹ có chuyến thăm chính thức tại New Dehli vào tháng 2/2020, ngay trước khi dịch bệnh bùng phát, ca tụng thủ tướng Narendra Modi một cách thái quá. Ông tận dụng chuyến đi này để ký một hợp đồng lớn bán vũ khí Mỹ cho Ấn Độ.

Gần đây nhất, Trump còn đề xuất mời Ấn Độ, cùng với Hàn Quốc và Úc đến dự thượng đỉnh G7 mở rộng có dáng dấp một liên minh chống Bắc Kinh. Một chiến lược « kềm hãm » thật sự như người ta thường nói vào thời kỳ chiến tranh lạnh, hiện đang quay trở lại mạnh mẽ. »

Trung Quốc có cảm giác bị ngăn chận bởi các nước đồng minh của Mỹ, vốn dĩ nghi ngờ Trung Quốc bá quyền ở châu Á. Từ đó để thấy rằng những vụ đụng độ hôm thứ Hai, 15/6 còn là lời cảnh báo cho Ấn Độ, không dễ dàng bước thêm một bước nữa. Đó chính là những gì làm cho các vụ đối đầu trên còn thêm nặng tính đe dọa.

http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200627-donald-trump-hoa-ky-bac-trieu-tien-trung-quoc-an-do