Đọc báo Pháp – 25/06/2020

Cac Bai Khac

No sub-categories

Đọc báo Pháp – 25/06/2020

Nga: Cử tri được mời bỏ phiếu theo phương pháp Putin – Tú Anh

Covid-19 tiếp tục gieo rắc kinh hoàng, kinh tế thế giới thiệt hại 12.000 tỷ đô la vì đại dịch, Putin dọn đường để làm tổng thống mãn đời, xung khắc Pháp -Thổ leo thang, phóng sự ba thế hệ tại Hồng Kông trong gọng kềm Hoa lục là những chủ đề của mục điểm báo hôm nay 25/06/2020.

Putin tự thưởng

Đại dịch làm thiệt hại 12.000 tỷ đô la cho kinh tế thế giới, Les Echos trích số liệu của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF. Le Figaro báo động : Suy thoái kinh tế nghiêm trọng hơn tiên liệu và không chừa một ai. Nhật báo thiên hữu nhấn mạnh trường hợp Trung Quốc.  Tỷ lệ tăng trưởng năm 2019 của đại cường kinh tế thứ hai thế giới, vì chiến tranh thương mại với Mỹ, đã xuống thấp, với 6,1%, năm 2020 này, sẽ không hơn 1%.

Trang nhất của Le Monde, cũng trong bối cảnh đại dịch Covid-19, đề hai tựa với nội dung được triển khai ở trang trong: Thế giới chạy đua tìm vắc-xin, một cuộc chiến khốc liệt và Putin tự thưởng một cuộc trưng cầu dân ý đúng kích thước, với mục đích tăng thêm quyền lực và tiếp tục cầm quyền sau 2024.

Thông tín viên của nhật báo độc lập từ Matxcơva cho biết thêm, trong suốt một tuần lễ kể từ ngày 25, một cuộc bỏ phiếu được dàn dựng kỹ lưỡng để cho phép tổng thống Nga cầm quyền mãi mãi. Theo thăm dò ý kiến, chỉ có 42% người Nga tin là bầu cử trong sạch. Một loạt sự kiện bất thường được ghi nhận: quan sát viên đại diện các đảng phái không được vào phòng phiếu, người đi bầu chỉ cần ký tên, không cần ghi số căn cước. Chưa hết: nhiều nhân chứng than phiền trên báo là giới công chức bị sức ép phải đi bầu, nếu không sẽ bị sa thải. Le Monde cũng biết những tiết lộ tương tự của nhiều nhà giáo và nhân viên các công ty công hay bán công. Nhiều công chức, do lo sợ, phải cung cấp địa chỉ của thân nhân và cam kết sẽ vận động ít nhất 10 người đi bầu.

Tại Matxcơva, kênh truyền hình độc lập Nga Dojd cho biết nhiều người hưu trí được ghi tên vào danh sách cử tri xin ủy nhiệm, mà không được hỏi ý kiến. Người làm “dịch vụ” này được thù lao từ 50 đến 75 rúp.

Trump sợ thất cử hơn đe dọa hạt nhân

Bán đảo Triều Tiên, Hồng Kông là hai điểm nóng ở trang thời sự Châu Á. Trước hết Le Figaro trích dẫn hồi ký của cựu cố vấn an ninh quốc gia Mỹ về thượng đỉnh Trump-Kim tại Hà Nội. Theo “phiên bản” của John Bolton, Donald Trump vì muốn được rảnh tay đối phó với vụ án “móc ngoặc với Nga” đang diễn ra tại Washington, với cuộc điều trần của cựu giám đốc FBI Robert Muller trong đêm trước khi gặp Kim Jong Un, nên đóng kịch phá đàm phán. Tổng thống Mỹ đứng dậy bỏ phòng họp, ngay khi lãnh đạo Bắc Triều Tiên đề nghị một thỏa hiệp tối thiểu: phá hủy cơ sở hạt nhân Yongbyon, để đánh đổi giảm nhẹ lệnh cấm vận. Bị sỉ nhục, nhà lãnh đạo trẻ ôm mối hận lên xe lửa về nước. Kể từ đó, Bắc Triều Tiên

khước từ mọi nỗ lực mời gọi của bộ Ngoại Giao Mỹ và liên tiếp phóng tên lửa khiêu khích, cũng như đe dọa sẽ gây xáo trộn chiến dịch tái tranh cử của chủ nhân Nhà Trắng.

Vì sao Kim Jong Un bất ngờ bỏ ý định leo thang khiêu khích Hàn Quốc ? Hư thực ra sao ? Đó là câu hỏi của Le Monde.

Sau khi gây căng thẳng, phá hủy toà nhà làm văn phòng liên lạc hai miền Nam Bắc, lãnh đạo Bắc Triều Tiên mở cửa đối thoại với Seoul. Theo Le Monde, mọi hành động của Bình Nhưỡng trước ngày 25/06, ngày mà cách nay 70 năm đã khai màn chiến tranh Nam Bắc Hàn, đều có ý nghĩa biểu tượng. Thông báo của KCNA như sau: Quân Ủy Trung Ương tạm ngưng mọi hành động quân sự chống miền Nam và vấn đề này sẽ được tái xét trong cuộc họp lần sau, khi bàn về tăng cường khả năng răn đe. Công thức khá mơ hồ không cho phép phỏng đoán Bình Nhưỡng hủy bỏ, tạm ngưng hay dời lại các hành động quân sự ?

Libération giới thiệu “vụ án cuối cùng xét tội Đức quốc xã”, tựa trên trang nhất. Bị can là Druno Drey, 93 tuổi, lính canh SS một trại tập trung người Do Thái, ra toà tại Hambourg, vì tham gia thảm sát 5.230 tù nhân.

Hồng Kông: chạy tiếp hay đương đầu với cường quyền ?

Hồ sơ Châu Á của nhật báo thiên tả là Hồng Kông: Những người chạy trốn chế độ cộng sản nay bị đảng truy đuổi. Phóng sự của Libération kể lại câu chuyện của một gia đình họ Vương, mà cả ba thế hệ đều hận cộng sản Mao.

Năm 1949, có đôi vợ chồng trẻ chọn vùng đất mang tên Hương Cảng làm chổ dung thân khi Mao tiến vào Bắc Kinh. Bốn mươi năm sau, đến lượt cô con gái tên Josy nhìn trên màn ảnh TV xe tăng quân đội Trung Quốc tấn công các sinh viên biểu tình ở quảng trường Thiên An Môn. Josy, năm nay 62 tuổi, là một nhà tranh đấu nhiệt tình,  với con gái tên Saya, luôn có mặt trong các cuộc xuống đường vì dân chủ. Bà không tin là nền dân chủ, tự do ở Hồng Kông tiêp tục tồn tại cho đến 2047. Josy lo âu trước chiến thuật “luộc ếch bằng lửa nhỏ, đun nồi nước lạnh” của Bắc Kinh. Lúc đầu là nhà bên cạnh có chủ mới là người đại lục, rồi đến anh thợ hớt tóc, rồi đến trẻ con vào học cùng trường với con gái Saya, cuối cùng thì Trung Quốc cài người khắp nơi với “vận tốc” trung bình mỗi ngày có 150 người Hoa lục sang định cư.

Chạy nữa hay kháng cự ? Theo Josy, đây là đề tài tranh luận, bàn bạc thường nhật trong gia đình. Thế hệ trẻ, hãnh diện với bản sắc Hồng Kông, chọn con đường tranh đấu. Tranh đấu bằng cách nào? Trả lời: Với tinh thần sáng tạo, dân Hồng Kông sẽ tìm ra cách đương đầu với áp bức.

Pháp-Thổ Nhĩ Kỳ leo thang

Quan hệ căng thẳng  giữa Pháp-Thổ Nhĩ Kỳ, hai thành viên NATO, là một hồ sơ nóng khác trên Le Monde.

Tại Istanbul, bốn công dân Thổ bị bắt, bị cáo buộc làm gián điệp “quân sự và chính trị” cho Pháp. Báo chí thân chính quyền khai thác rôm rả, đăng ảnh toà lãnh sự Pháp tại Istanbul, kèm theo danh sách tên riêng của các nhân viên ngoại giao bị cáo buộc là điệp viên Pháp. Theo Le Monde, hành động này là dấu hiệu xung khắc nghiêm trọng giữa hai nước, trên danh nghĩa là đồng minh. Bởi vì, trong lãnh vực tình báo, nước bị “nhắm” bao giờ cũng phải thông báo cho nước bị cáo buộc là thủ phạm danh sách điệp viên bị lộ, để có biện pháp bảo vệ nhân viên của mình. Thổ Nhĩ Kỳ không tôn trọng thông lệ này.

Trở lại tình hình đại dịch Covid-19, nhật báo kinh tế Les Echos loan báo bộ trưởng Y Tế Pháp Olivier Véran chịu chi ra 6 tỷ euro cải thiện lương bổng cho nhân viên bệnh viện, trong bối cảnh đàm phán với các công đoàn sẽ kết thúc vào giữa tuần tới. Trong khi đó, cũng theo Les Echos, nỗi lo đại dịch vẫn còn dài : hiện tượng ổ dịch bùng dậy và số ca dương tính tăng vọt ở nhiều nước làm các chính quyền sở tại lo âu. Cụ thể là việc số người chết ở Châu Mỹ La Tinh đã lên hơn 100.000 và mỗi ngày có thêm 10.000 người bị lây nhiễm ở Ấn Độ không cho phép lạc quan.

http://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20200625-li%C3%AAn-bang-nga-c%E1%BB%AD-tri-%C4%91%C6%B0%E1%BB%A3c-m%E1%BB%9Di-b%E1%BB%8F-phi%E1%BA%BFu-theo-ph%C6%B0%C6%A1ng-ph%C3%A1p-putin

 

Tin tổng hợp

(AFP) – IMF: Virus corona gây thiệt hại 12.000 tỷ đô la cho kinh tế toàn cầu. 

Trong báo cáo ngày 24/06/2020, Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế báo động « khủng hoảng lần này tệ hơn mọi dự báo », « đà phục hồi chậm hơn so với mong đợi » và thế giới đang đứng trước « nhiều bất trắc ». Tỷ lệ tăng trưởng thế giới trong năm 2020 giảm 4,9%. GDP của Mỹ giảm 8 %, của Pháp 12,5 %. Kinh tế Trung Quốc chỉ tăng 1 % thay vì 6,9 % như năm ngoái.

(Reuters) – Thương mại: Hàng Mỹ bị kẹt vì căng thẳng biên giới Ấn-Trung. 

Nhóm USUSPF, đại diện cho nhiều tập đoàn Mỹ, ngày 23/06/2020 yêu cầu phía Ấn Độ « làm sáng tỏ » về việc đang giữ lại nhiều lô hàng của Trung Quốc trên đường được chuyển qua Hoa Kỳ bằng đường biển và đường hàng không. Trong số này có nhiều lô hàng thuộc các tập đoàn như Apple, Cisco và Dell.

(Reuters) – Trang bị mạng 5G, Singapore loại Hoa Vi của Trung Quốc. 

Ngày 24/06/2020, Singapore thông báo Nokia và Ericsson của châu Âu là « những nhà cung cấp chính » để xây dựng mạng 5G trên toàn lãnh thổ, từ nay cho tới năm 2025. Tránh để làm phật lòng Trung Quốc, một đối tác thương mại hàng đầu của Singapore, bộ trưởng Truyền Thông và Thông Tin giải thích đã chọn các nhà cung cấp trên cơ sở các tiêu chuẩn về « an toàn và hiệu quả ». Theo giới quan sát, Singapore đã chịu áp lực của Mỹ.

(Reuters) – Covid-19: Liên Hiệp Châu Âu chưa  sẵn sàng mở cửa biên giới với Mỹ và Nga.

Hãng tin Anh hôm qua 24/06/2020 cho biết Liên Âu hy vọng mở cửa biên giới kể từ tháng 7, để tái khởi động ngành du lịch, bị kiệt quệ vì dịch. Tuy nhiên, 27 nước thành viên tỏ ra thận trọng, cho biết sẽ xem xét tình hình dịch tễ từng nước. Trước mắt, Liên Âu chưa thể mở cửa cho Nga và Mỹ. Ngoại trưởng Mỹ cũng trong ngày hôm qua, bày tỏ hy vọng sớm có những giải pháp trong vài tuần sắp tới, để mở cửa biên giới trở lại với Liên Âu.

(AFP) – Washington muốn áp thuế thêm 3,1 tỷ đô la lên hàng châu Âu.

Một tài liệu chính thức công bố tối 23 rạng sáng 24/06 cho biết mức thuế phạt này nhắm vào  sản phẩm của Pháp. Danh sách các sản phẩm có liên quan sẽ được Văn phòng Đại diện Thương Mại Mỹ đưa ra tham vấn công luận cho đến ngày 26/07/2020.

(AFP) – Thủ tướng Pháp-Nga họp trực tuyến về an ninh quốc tế. 

Nội dung cuộc họp ngày mai, 26/06, liên quan đến đối thoại chiến lược giữa hai nước, cũng như các khủng hoảng Libya, Syria, Irak và xung đột Ukraina. Tối hôm qua, điện Elysée nhấn mạnh tổng thống Macron không đặt cược vào nước Nga, nhưng ông cho rằng cần phối hợp với Matxcơva để xử lý các hồ sơ phức tạp, nhất là về an ninh châu Âu, các khủng hoảng quốc tế và tấn công tin tặc.

(Reuters – Yonhap) – Mỹ-Hàn tái khẳng định cam kết bảo vệ hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. 

Bộ trưởng Quốc Phòng Hàn Quốc, Jeong Kyeong-doo, và đồng nhiệm Mỹ Mark Esper, hôm nay 25/06, ra thông cáo chung kêu gọi Bắc Triều Tiên tôn trọng các thỏa thuận hòa bình, mà Bình Nhưỡng đã ký năm 2018. Hai bộ trưởng Quốc Phòng tuyên bố ủng hộ biện pháp ngoại giao để phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bắc Triều Tiên, và tái khẳng định tiếp tục chia sẻ thông tin tình báo, tham vấn chính trị cấp cao và các hoạt động thao dượt chung Seoul cho biết sẽ tăng mức đóng góp tài chính cho liên minh quốc phòng Mỹ-Hàn, nhưng muốn được Washington công nhận là một đối tác bình đẳng.

(AFP) – Mỹ sẵn sàng gia hạn Hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân với Nga. 

Từ hôm 22/06, Nga-Mỹ đàm phán về  Hiệp ước “New START”, nhằm giới hạn số lượng các đầu đạn hạt nhân, sẽ hết hạn tháng 2/2021. Hôm qua, 24/06, tại Bruxelles, trưởng đoàn đàm phán phía Mỹ, ông Marshall Billingslea, thông báo Mỹ không từ chối gia hạn thỏa thuận hiện có, nhưng với một số điều kiện. Ông Bilingslea nhấn mạnh là Mỹ yêu cầu phải có tiến triển trong đàm phán liên quan đến chương trình hạt nhân gây lo ngại của Trung Quốc. Tổng thống Trump muốn kéo Bắc Kinh vào các đàm phán gia hạn New START, nhưng Bắc Kinh không muốn. Vòng đàm phán thứ 2 có thể diễn ra vào cuối tháng 7 hoặc đầu tháng 8.

(AFP) – Washington dọa tái lập trừng phạt quốc tế với Iran. 

Hôm qua, 24/06/2020, trong cuộc họp báo tại Washington, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố « từ nay đến ngày 18/10, nếu không có hành động nào, Iran sẽ mua được các hệ thống vũ khí tối tân và trở thành kẻ bán vũ khí ưa thích cho khủng bố và các chế độ bất hảo trên thế giới ». Hôm thứ Hai 22/06,  Mỹ và các đồng minh châu Âu trong Hội Đồng Bảo An trình dự thảo nghị quyết kéo dài cấm vận vũ khí với Teheran, hết hạn tháng 10 tới. Nga và Trung Quốc cho biết sẽ phủ quyết. Sau khi chính quyền Trump đơn phương hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân 2015 với Iran, Washington đã khôi phục lại hầu hết các trừng phạt của Mỹ đối với Iran.

http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200625-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p

 

Điểm tin thế giới sáng 25/6:

Quan chức Mỹ ca ngợi vai trò của Đài Loan

Lục Du

Mục Điểm tin thế giới sáng thứ Năm (25/6) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới quý độc giả nội dung tóm lược của những tin sau:

Quan chức Mỹ ca ngợi vai trò của Đài Loan

Một cơ quan y tế toàn cầu sẽ khó thành công nếu không có sự góp mặt của Đài Loan, đặc phái viên Hoa Kỳ tại Đài Bắc nêu quan điểm trong một cuộc họp hôm thứ Tư, theo Taiwan News.

Giám đốc viện Mỹ tại Đài Loan (AIT), ông Brent Christensen, đã nói như vậy tại một cuộc họp trực tuyến bàn về Cơ sở Hợp tác và Đào tạo Toàn cầu (GCTF), nơi hơn 70 quan chức của 16 quốc gia tập trung thảo luận cách ngăn chặn làn sóng thứ hai của đại dịch viêm phổi Vũ Hán.

 

Tại cuộc họp, Giám đốc AIT đã ca ngợi “mô hình Đài Loan” vì tính chuyên nghiệp và hiệu quả trong việc phòng chống đại dịch, thêm rằng nếu một tổ chức y tế quốc tế mà không có sự đóng góp của mô hình này thì sẽ không thành công.

Đài Loan nhiều lần bày tỏ mong muốn tham gia các cuộc họp của Tổ chức Y tế thế giới để bàn về phương cách phòng chống dịch Covid-19, tuy nhiên họ bị chính quyền Trung Quốc cản trở.

Cố vấn Mỹ chỉ trích chính sách ‘ngây thơ’ với Trung Quốc

Việc các chính quyền Mỹ chiều chuộng giới cầm quyền Trung Quốc với hy vọng kiềm chế Bắc Kinh đã dẫn tới thất bại lớn nhất trong các chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ kể từ năm 1930, cố vấn an ninh cho Tổng thống Trump, ông Robert C. O’Brien, nhận định tại một cuộc họp hôm thứ Tư, theo Washington Times.

Ông O’Brien nói rằng thất bại này là hậu quả của việc các chính quyền Mỹ trước đây hiểu lầm về bản chất của hệ thống Mác-Lê vốn dẫn hướng tư tưởng của giới cầm quyền Trung Quốc từ xưa cho tới nay.

Tuy nhiên, “Những ngày thụ động và ngây thơ của người Mỹ đối với chính quyền Trung Quốc đã kết thúc”, ông O’Brien nói với một nhóm các CEO tại Cơ quan Thương mại Arizona.

Ông O’Brien nói rằng cách tiếp cận cứng rắn hơn của Tổng thống Trump đã khiến Hoa Kỳ cuối cùng nhận ra những nguy hại do Đảng Cộng sản Trung Quốc gây ra.

Trung Quốc chiếm vùng đất rộng sau vụ xô xát với Ấn Độ

Lính Trung Quốc đã chiếm giữ một khu vực rộng ở cửa thung lũng Galwan, nơi xảy ra cuộc đụng độ làm chết nhiều binh lính Trung – Ấn diễn ra hôm 15/6, các nguồn tin quân sự nói với AFP.

Sau đụng độ, hai bên công khai tuyên bố rút quân, nhưng vẫn duy trì lực lượng xung quanh thung lũng Galwan, theo SBS News.

Hôm thứ Tư, các máy bay phản lực Ấn Độ đã thường xuyên cất cánh từ một căn cứ quân sự ở Leh, một thị trấn của Ấn Độ nằm trong khu vực tranh chấp, và bay về phía khu vực biên giới với Trung Quốc.

“Hiện tại chúng tôi có lực lượng mạnh trong khu vực [tranh chấp]”, một quan chức giấu tên của Bộ chỉ huy phía Bắc Ấn Độ nói với AFP. Trong khi đó, Tashi Chhepal, một cựu sĩ quan quân đội Ấn Độ từng phục vụ tại Leh, nói rằng chưa bao giờ thấy đất nước ông lại điều động một lực lượng quân đội hùng hậu như vậy đến vùng đất tranh chấp với Trung Quốc.

Mỹ chỉ trích Trung Quốc về vấn đề Châu Phi

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo hôm thứ Tư đã chỉ trích chính sách cho vay của Trung Quốc đối với châu Phi, nói rằng nó tạo ra gánh nặng tài chính và tạo điều kiện cho tham nhũng tại châu lúc này, theo Reuters.

Ông Pompeo lưu ý rằng Trung Quốc “hiện tại là chủ nợ lớn nhất của châu Phi”, trong khi đó “hầu hết các hỗ trợ dành cho nước ngoài của Hoa Kỳ là dưới hình thức tài trợ thay vì cho vay với mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế được dẫn dắt bởi khu vực tư nhân, mang lại lợi ích cho tất cả các bên”.

Nghị sĩ Canada kêu gọi chính phủ chống Bắc Kinh

Hơn 10 thượng nghị sĩ Canada đang kêu gọi chính phủ liên bang áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với những quan chức Trung Quốc vi phạm thô bạo nhân quyền, CBC đưa tin hôm thứ Tư.

Trong một lá thư đề ngày 23/6 gửi Thủ tướng Canada Trudeau, các nghị sĩ đề nghị rằng Canada nên đứng ở lập trường chống lại chính quyền Trung Quốc. Lá thư này do hai nghị sĩ Thanh Hai Ngo, Leo Housakos viết và được 11 nghị viên khác ký tên

Trích dẫn việc Bắc Kinh cho giam giữ hàng triệu người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ để tẩy não, đàn áp phong trào dân chủ ở Hồng Kông, đàn áp người dân Tây Tạng kéo dài nhiều thập kỷ và giam cầm hai công dân

Canada, các thượng nghị sĩ mô tả lực lượng đang cầm quyền ở Trung Quốc là “mối đe dọa lớn nhất đối với nhân loại và an ninh thế giới”.

https://www.dkn.tv/the-gioi/diem-tin-the-gioi-sang-25-6-quan-chuc-my-ca-ngoi-vai-tro-cua-dai-loan.html

 

Điểm tin thế giới tối 25/6:

Trung Quốc bị nghi

xây tiền đồn gần biên giới Ấn Độ

Hải Lam

Mục Điểm tin thế giới tối thứ Năm (25/6) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới quý độc giả những tin sau:

Trung Quốc bị nghi xây tiền đồn gần biên giới Ấn Độ

Hình ảnh vệ tinh do Công ty Maxar Technologies của Mỹ chụp ngày 22/6 cho thấy Trung Quốc dường như đã dựng thêm lều bạt và tiền đồn mới gần nơi xảy ra vụ ẩu đả dữ dội với Ấn Độ ở Galwan, theo Reuters.

Các công trình mới được xây dựng gồm lều bạt ngụy trang, các cấu trúc dựa vào vách đá và một cấu trúc nghi là tiền đồn gần đó với tường hoặc rào chắn. Cấu trúc nghi là tiền đồn không xuất hiện trong ảnh vệ tinh chụp ngày 22/5.

Ảnh vệ tinh còn cho thấy phía Ấn Độ đã dựng hàng rào phòng thủ ở phía bên kia sông, đối diện nơi Trung Quốc xây dựng các công trình mới. Hàng rào này không xuất hiện trong ảnh vệ tinh chụp vào tháng trước. Tuy nhiên, một tiền đồn của Ấn Độ gần đó lại thu nhỏ so với hồi tháng 5.

Bộ trưởng Philippines chỉ trích kế hoạch của Trung Quốc trên Biển Đông

Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana hôm nay nói rằng kế hoạch thành lập khu vực nhận dạng phòng không (ADIZ) của Trung Quốc trên Biển Đông là không hợp pháp, đồng thời kêu gọi Bắc Kinh nên từ bỏ ý tưởng này, theo Rappler.

Ông Lorenzana cho biết kế hoạch của Bắc Kinh đi ngược lại các nguyên tắc được đặt ra bởi Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), theo đó Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA) ở Hague hồi tháng 7/2016 đã khẳng định chủ quyền của Philippines trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này ở Biển Đông, được gọi là Biển Tây Philippines.

Bộ trưởng Quốc phòng Philippines cho rằng, động thái của Bắc Kinh vi phạm quyền lợi kinh tế của các quốc gia và có thể làm gia tăng căng thẳng trong khu vực.

Úc điều 1.000 lính tới Melbourne để ngăn Covid-19 tái bùng phát

Bộ trưởng Quốc phòng Úc Linda Reynold hôm nay thông báo sẽ điều 1.000 binh sĩ tới Melbourne trong những ngày tới để ngăn Covid-19 bùng phát trong bối cảnh lo ngại về làn sóng dịch bệnh thứ hai, theo AFP.

Bà Linda Reynold cho biết, trong số 1.000 binh sĩ sẽ được điều tới Melbourne, gồm 850 quân nhân giúp giám sát du khách quốc tế được cách ly trong các khách sạn và 200 người hỗ trợ y tế, hậu cầu cho các cơ sở xét nghiệm.

Các binh sĩ Úc được giao nhiệm vụ quản lý đường biên của các bang đã đóng cửa với du khách bên ngoài, đồng thời hỗ trợ lập kế hoạch cho các cơ quan quản lý y tế và khẩn cấp, trong đó có cả bang Victovira.

Bang Victovira đã chứng kiến sự tăng đột biến các ca nhiễm mới trong tuần qua khi các cụm dịch mới xuất hiện ở Melbourne.

Mỹ nâng gấp đôi tiền thưởng bắt tân thủ lĩnh IS

Ngoại trưởng Pompeo hôm 24/6 thông báo Mỹ sẽ nâng gấp đôi tiền thưởng cho những ai cung cấp thông tin về tân thủ lĩnh IS al-Mawla, lên mức 10 triệu USD, theo CNBC.

Amir Mohammed Abdul Rahman al-Mawla al-Salbi, một trong những kẻ sáng lập Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, được xác định là thủ lĩnh mới của nhóm phiến quân hồi đầu năm, sau khi Abu Bakr al-Baghdadi bị tiêu diệt trong cuộc đột kích của đặc nhiệm Mỹ hồi tháng 10/2019 tại Syria.

https://www.dkn.tv/the-gioi/diem-tin-the-gioi-toi-25-6-trung-quoc-bi-nghi-xay-tien-don-gan-bien-gioi-an-do.html

 

Tạp chí tiêu điểm

Con đường Tơ lụa :

Giấc mơ của Trung Hoa, Ác mộng của Ấn Độ

Minh Anh

Ngày 15/06/2020, quân đội Trung Quốc và Ấn Độ đã xô xát nhau dữ dội ở vùng Ladakh, trên dãy Himalaya. Hai bên đổ lỗi cho nhau là đã xâm phạm đường kiểm soát thực tế (LAC). Thế nhưng, tranh chấp biên giới chỉ là bề nổi. Dự án « Vành đai và Con đường » mới chính là cốt lõi căng thẳng Ấn – Trung.

Căng thẳng biên giới Ấn – Trung tại thung lũng Galwan, vùng Ladakh, nằm trên cao 4.300 mét của dãy Himalaya đã kéo dài từ hơn một tháng nay. Tuy nhiên, trận ẩu đả tay không hôm thứ Hai 15/06/2020, nổ ra ở nhiều điểm dọc theo vùng biên giới có tranh chấp giữa Ấn Độ – Trung Quốc, là đẫm máu nhất.

Phía Ấn Độ cho biết có 20 binh sĩ thiệt mạng. Trung Quốc, giống như trong đại dịch Covid-19, không cho biết chính xác con số nạn nhân là bao nhiêu : 5 người (Hoàn Cầu Thời Báo), 43 người (Thời báo Ấn Độ) hay là 35 binh sĩ, trong đó có một viên chỉ huy cấp cao (trang mạng U.S News and World Report) ?

Chuyện gì thật sự đã xảy ra trong đêm đó giữa hai cường quốc hạt nhân hàng đầu châu Á ? Bên nào gây hấn trước ? Không ai có thể biết được. Ông Gilles Boquérat, chuyên gia về Nam Á, Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược FRS, trên làn sóng của RFI có nhắc lại rằng cuộc tranh chấp dai dẳng này giữa Ấn Độ và Trung Quốc còn là hệ quả của một quá khứ lịch sử.

« Đúng là giữa Trung Quốc và Ấn Độ, đó còn là một vấn đề liên quan đến đường biên giới do thời kỳ thực dân Anh để lại. Đường biên giới này chưa bao giờ được Trung Quốc công nhận, bất kể đó là đường Mac Mahon (được ký kết giữa chính quyền thực dân và chính phủ Tây Tạng thời đó), nằm ở phía đông biên giới Ấn – Trung. Đây là nơi phân cách Ấn Độ với Trung Quốc, tại khu vực Ladakh. Đây chính là di sản của thời kỳ thực dân và chúng chưa bao giờ được giải quyết dứt điểm . »

« Ván Cờ Lớn »

Vẫn theo ông Gilles Boquerat, cuộc đối đầu đẫm máu hôm thứ Hai 15/06, không đơn giản là một cuộc tranh chấp lãnh thổ, mà còn phản ảnh rõ một sự đối đầu sâu sắc giữa hai ông « khổng lồ » châu Á.

Bởi vì giữa Ấn Độ và Trung Quốc còn có một cuộc đọ sức khác, có quy mô lớn hơn. Giáo sư Serge Granger, ngành Chính trị học ứng dụng, trường đại học Sherbrook, Canada, trong một bài viết đăng trên tạp chí Diplomatie năm 2018, từng so sánh cuộc đối đầu Trung – Ấn ngày nay với giai đoạn « Ván Cờ Lớn » (1813 – 1907), thời kỳ đối đầu thực dân và ngoại giao giữa hai đế chế Anh Quốc và Nga nhằm giành quyền thống trị Trung Á.

Khi quan sát « Ván Cờ Lớn » đó, nhà địa lý học người Anh, Halford John MacKinder, người đi tiên phong trong ngành địa chính trị, năm 1909 từng đưa ra giả thuyết rằng ai thống trị được hành lang Á – Âu trên bộ sẽ thống trị được thế giới. Bốn mươi năm sau, ông Nicholas Spykman, nhà báo, giảng viên đại học, và cũng là một trong những nhà sáng lập ngành địa chính trị học tại Mỹ đưa ra khái niệm : Chính sự thống trị con đường giao thương hàng hải giúp bảo đảm uy thế cường quốc.

Những học thuyết trên được Trung Quốc áp dụng triệt để trong dự án « Sáng kiến Vành Đai và Con Đường » (One Belt, One Broad Initiative – BRI). Giới quan sát Ấn Độ xem dự án những con đường tơ lụa đó như là một sự xác quyết ý muốn thống trị hành lang Á – Âu của Trung Quốc. Họ e ngại rằng dự án này có nguy cơ vây hãm, hạn chế khả năng của New Dehli tiến hành các hoạt động giao thương liên lục địa.

Nghiêm trọng hơn nữa, sự gia tăng ảnh hưởng chính trị của Trung Quốc tại Trung Á có lẽ sẽ còn đe dọa đến an ninh Ấn Độ. Theo ông Nirupama Rao, cựu đại sứ Ấn Độ tại Trung Quốc và Hoa Kỳ, sáng kiến những con đường tơ lụa đó chính là một sự thể hiện « hard power » (quyền lực cứng) ngày càng gia tăng của Bắc Kinh, cả ở những vùng biển lẫn trên lục địa châu Á.

Một cách cụ thể, trên bộ, Trung Quốc thiết lập hai hành lang kinh tế : Thứ nhất là Trung Quốc – Pakistan nối liền Kashgar (Tân Cương, Trung Quốc) với cảng biển Gwadar (Pakistan) và hành lang thứ hai là BCIM (Bangladesh – China – India – Myanmar), nối thẳng Trung Quốc với vịnh Bengal thông qua ngả Miến Điện.

Ngoài biển cả, Ấn Độ Dương không còn là đại dương của riêng Ấn Độ nữa. Bắc Kinh lần lượt thiết lập các cơ sở cảng biển của mình nằm rải rác như một chuỗi ngọc từ nhiều nước Nam Á đến tận vùng biển Tây Phi. Những cơ sở cảng biển và quân sự này cho phép Trung Quốc lắp đặt các hệ thống ra-đa cảnh báo mọi chuyển động của hải quân Ấn Độ. Chuỗi ngọc đó còn là một nguồn bảo đảm chống lại mọi ý đồ của Ấn Độ chặn đường tiếp tế nhiên liệu cũng như khoáng sản đến Trung Quốc. Đây thật sự là một mối đe dọa cho Ấn Độ.

Tóm lại, những con đường tơ lụa đó tạo lợi thế cho hoạt động giao thương Á-Âu của Trung Quốc. Những cơ sở hạ tầng này tạo thuận lợi cho Trung Quốc xuất khẩu hàng hóa, một thế mạnh quan trọng của Bắc Kinh. Những con đường này còn cho phép Trung Quốc dễ dàng nhập khẩu nguyên nhiên liệu để rồi tái xuất khẩu dưới dạng các thành phẩm.

Ladakh : Chốt chặn cho cả Trung Quốc và Ấn Độ ?

Chỉ có điều những hành lang chiến lược này của Trung Quốc đã cản trở Ấn Độ kết nối thương mại với vùng Trung Á, có một tầm quan trọng cốt lõi cho New Dehli, theo như nhận xét của ông Serge Granger. Con đường ngắn nhất để Ấn Độ đến với Trung Á là đi qua Pakistan và Afghanistan. Đây cũng chính là một trong những tâm điểm của mọi căng thẳng Trung – Ấn tại vùng biên giới trên dãy Himalaya.

Vùng Ladakh, khu vực diễn ra cuộc xung đột Ấn – Trung, có một vị thế chiến lược quan trọng cho Trung Quốc. Khu vực này, dưới sự kiểm soát của Ấn Độ, nằm giữa Aksai Chin (Ấn Độ đòi chủ quyền, nhưng Trung Quốc kiểm soát) và thung lũng Shaksgam, thuộc vùng Baltistan (dưới sự kiểm soát của Pakistan). Đoạn biên giới có xung đột giữa Ấn Độ và Trung Quốc, gây trở ngại cho Trung Quốc, kết nối quân sự và tiếp cận vùng Kashmir của Pakistan, vốn dĩ là một mắc xích quan trọng trong dự án BRI.

Việc chiếm đóng được vùng lãnh thổ phía bắc hồ Pangong hay chí ít thung lũng Galwan không những bảo đảm cho Trung Quốc tiếp cận được Pakistan, mà còn có thể ngăn cản Ấn Độ thâm nhập vào Afghanistan và vùng Trung Á. Để thực hiện ý đồ này, Bắc Kinh cho tiến hành chiến thuật « gấm nhấm » dần từng thước đất một tại đường LAC, theo như ghi nhận của báo Le Monde.

Đọ sức bất cân xứng ?

Về phần Ấn Độ, cảm thấy như bị vây hãm bởi ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc trên Ấn Độ Dương và trên châu lục, chính quyền New Dehli tiếp tục xây dựng cầu đường và các tuyến đường sắt chiến lược cho phép di chuyển quân dọc theo đường kiểm soát. Những động thái này khiến Bắc Kinh bực tức, xem đấy là một rào cản tiềm tàng cho « Hành Lang Trung Quốc – Pakistan », một trục chính cho con đường tơ lụa.

Mặt khác, trong nỗ lực đối trọng với con đường tơ lụa trên bộ của Trung Quốc, Ấn Độ lần lượt cho ra đời hai dự án : Thứ nhất là con đường vận tải Bắc Nam (North-South Transport) nối Mumbai với Saint-Petersbourg (Nga), qua ngả Teheran (Iran) và Baku, và thứ hai là trục xa lộ Ấn Độ – Miến Điện – Thái Lan, nối vùng đông bắc Ấn Độ với các nước Đông Nam Á.

Ở trên biển, cùng với Nhật Bản, chính quyền New Dehli khởi động dự án Asia Africa Growth Corridor (AAGC) nối Nhật Bản, Úc, Đông Nam Á, Ấn Độ và châu Phi.

Câu hỏi đặt ra : Liệu Ấn Độ có đủ thực lực để đọ sức dài lâu cùng với Trung Quốc hay không ? Xung đột tại biên giới ít nhiều cho thấy nỗi lo âu của New Dehli trước đà đi lên thành cường quốc của Bắc Kinh. Bởi vì, cách biệt về tương quan lực lượng ngày một lớn. Cách đây 30 năm, mức ngân sách cho quân sự của hai nước là ngang nhau. Ngày nay, Trung Quốc chi đến 260 tỷ đô la cho quân sự, cao hơn 3,5 lần so với mức chi của Ấn Độ chỉ có 71 tỷ đô la.

Trên lĩnh vực kinh tế, Ấn Độ vẫn thua xa Trung Quốc theo như ghi nhận của Pascal Boniface, chuyên gia địa chính trị, trên trang mạng của Viện Nghiên Cứu Quốc Tế và Chiến Lược (IRIS). « Trung Quốc có thặng dư mậu dịch so với Ấn Độ khoảng từ 50 – 60 tỷ đô la. Nhất là GDP của Trung Quốc (14.000 tỷ đô la/năm) cao hơn 4 lần của Ấn Độ (chưa tới 3.000 tỷ đô la/năm). Rõ ràng là Trung Quốc vượt xa hẳn Ấn Độ. »

Cuộc tranh chấp này còn thêm phần gay gắt khi có bóng dáng của Mỹ. Chuyên gia Pascal Boniface nhắc lại, trong quá khứ, nhất là trong giai đoạn Chiến Tranh Lạnh, Liên Xô là đồng minh của Ấn Độ và là đối thủ của Trung Quốc. Còn bây giờ, nếu như Trung Quốc là đồng minh của Pakistan, kẻ thù của Ấn Độ, thì New Dehli đang có xu hướng ngả dần theo Washington.

« Giờ đây, Ấn Độ dường như xích lại gần hơn với Mỹ. Thủ tướng Modi trở nên thân Mỹ hơn. Ông hy vọng rằng điều đó có thể giúp Ấn Độ có được vị trí cường quốc thứ 6 mà Ấn Độ mong muốn từ bao lâu nay. Hơn nữa, Ấn Độ cũng tỏ ra ganh tỵ trước việc Trung Quốc là thành viên thường trực của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc mà Ấn Độ không có được. Rồi Trung Quốc là cường quốc chính thức trong khi Ấn Độ chỉ là cường quốc không chính thức. Thế nên, sự đối đầu là rất lớn.

Ngoài ra, căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc dường như cũng có những tác động lên quan hệ song phương giữa Bắc Kinh và New Dehli. Trung Quốc cũng muốn lợi dụng cuộc khủng hoảng virus corona để khẳng định thế mạnh như là nước này đã làm với Hồng Kông, với Mỹ và đương nhiên là cả với Ấn Độ. »

« Ván Cờ Lớn » giữa hai ông « khổng lồ » châu Á liệu có đi đến chiến tranh hay không ? Về điểm này, giới chuyên gia đều cùng nhất trí : Cả Ấn Độ và Trung Quốc chẳng được lợi gì khi đối đầu trực diện. Nhưng sự việc cho thấy rõ thái độ nghi kị của Ấn Độ ngày càng lớn đối với Trung Quốc, rủi thay lại là một đối tác kinh tế không thể thiếu cho chính quyền thủ tướng Modi.

http://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20200625-trung-quoc-an-do-con-duong-to-lua-xung-dot