Những dữ liệu sớm từ vaccine chống COVID do công ty Moderna phát triển, loại vaccine đầu tiên được thử nghiệm tại Mỹ, cho thấy vaccine này sản sinh ra kháng thể bảo vệ với một nhóm nhỏ các tình nguyện viên khỏe mạnh, công ty loan báo ngày 18/5.
Dữ liệu này được đúc kết từ 8 người tham dự một cuộc thử nghiệm an toàn bắt đầu trong tháng 3 lúc đại dịch toàn cầu do virus corona đang lây lan.
Trong cuộc thử nghiệm trên 45 người tình nguyện, do Viện Dị ứng và Bệnh Truyền nhiễm Quốc gia thực hiện, 8 người tình nguyện nhận được hai liều vaccine sản xuất ra những kháng thể bảo vệ gần như tương tự với những người bình phục tự nhiên từ virus corona gây bệnh COVID-19, công ty công nghệ sinh học Mỹ cho biết trong một thông cáo báo chí.
Cuộc nghiên cứu, không được thiết kế để chứng tỏ vaccine hiệu nghiệm, tạo ra một ít hy vọng ban đầu là vaccine có thể bảo vệ cơ thể chống virus được.
Tin này làm cho cổ phần của Moderna tăng khoảng 20% ở mức 79,39 đô la môt cổ phần trong phiên giao dịch giữa buổi sáng và đẩy thị trường chứng khoán nhìn chung lên cao hơn.
Các nhà khoa học vẫn đang tìm hiểu xem mức độ kháng thể như thế nào là chứng tỏ có thể bảo vệ chống virus corona, và việc bảo vệ này sẽ kéo dài bao lâu.
Vaccine của Moderna dường như cho thấy đáp ứng một liều, có nghĩa là một người nhận được liều cao hơn có được mức kháng thể cao hơn.
Vaccine của Moderna được bật đèn xanh để bắt đầu giai đoạn hai thử nghiệm trên người. Tuần trước, các nhà ban hành qui định Mỹ dành cho vaccine này quy chế “cứu xét nhanh” để tăng tốc việc duyệt xét.
“Chúng tôi đang đầu tư nhằm đẩy mạnh việc sản xuất để chúng tôi tối đa hóa con số các liều vaccine chúng tôi có thể sản xuất được để bảo vệ càng nhiều người càng tốt chống lại SARS-CoV-2,” Giám đốc Điều hành Moderna, Stephane Bancel, nói.
Vaccine của công ty Moderna đang ở trên tuyến đầu của những nỗ lực chặn đứng virus lây lan nhanh chóng. Moderna hy vọng bắt đầu giai đoạn thử nghiệm tiếp theo, rộng rãi hơn, vào tháng 7.
Moderna đã ký thỏa thuận với công ty sản xuất dược phẩm hợp đồng Thụy Sĩ Lonza Group AG và chính phủ Mỹ để sản xuất đại trà số lượng lớn.
Vaccine tên là mRNA-1273 cũng được cho là nhìn chung an toàn và được chấp nhận tốt trong cuộc nghiên cứu giai đoạn sơ khởi, công ty sản xuất thuốc nói.
Một người trong nhóm tình nguyện thử nghiệm nổi vết đỏ xung quanh chỗ tiêm vaccine. Đây được xemlà phản ứng phụ “cấp 3”. Không có phản ứng phụ nghiêm trọng được ghi nhận, công ty cho biết.
Một loại vaccine được theo dõi chặt chẽ do các nhà khoa học thuộc Đại học Oxford tìm ra dường như bảo vệ được cho 6 con khỉ khỏi mắc bệnh COVID, một phát hiện đầy hứa hẹn đưa đến việc khởi sự thử nghiệm trên người vào cuối tháng trước, các nhà nghiên cứu Mỹ và Anh loan báo ngày 14/5.
Những phát hiện sơ khởi, hiện chưa được các nhà khoa học khác duyệt xét kỹ lưỡng, xuất hiện trên bioRxiv ngày 14/5.
Công ty dược của Anh, AstraZeneca, tháng trước loan báo đã hợp tác với các nhà nghiên cứu Nhóm Vaccine Oxford và Viện Jenner hiện đang chế tạo vaccine.
Theo báo cáo, trong nhóm khỉ thí nghiệm, một số con được chích một liều vaccine đã có kháng thể chống lại virus trong 14 ngày, và tất cả nhóm khỉ thí nghiệm đều có kháng thể bảo vệ trong vòng 28 ngày, trước khi được tiêm virus liều cao.
Sau khi khỉ bị phơi nhiễm, vaccine dường như ngăn ngừa phổi bị tổn hại và khống chế không cho virus tự sao chép thêm nữa, nhưng virus vẫn tăng lên trong mũi của chúng.
Ông Stephen Evans, giáo sư dược dịch tễ tại Trường Vệ sinh và Thuốc Nhiệt đới London nói dữ liệu này “chắc chắn” là tin tốt.
“Đây là một trong những chướng ngại mà vaccine của Oxford vượt qua và rõ ràng là tốt,” ông nói trong một nhận xét qua email.
Dù việc thành công trên loài khỉ được xem như là một bước quan trọng, nhiều loại vaccine bảo vệ được khỉ trong phòng thí nhiệm nhưng cuối cùng thất bại trong việc bảo vệ con người.
Ông Evans nói một phát hiện quan trọng là không có bằng chứng về việc vaccine thay vì bảo vệ chống lại virus thì lại làm cho bệnh nặng hơn.
“Đây thực sự là một quan ngại trên lý thuyết đối với vaccine chống bệnh SARS-CoV-2 và tìm không thấy bằng chứng về việc này trong cuộc nghiên cứu là điều đáng khích lệ,” ông nói.
Tháng trước, các nhà nghiên cứu Anh bắt đầu chích vaccine trên những người tình nguyện trong một thử nghiệm an toàn nhỏ, làm cho việc này trở thành một số ít thử nghiệm đạt được cột mốc này.
Những vaccine khác thử nghiệm trên người bao gồm vaccine của công ty Moderna, Pfizer và BioNTech và của công ty CanSino Biologics thuộc Trung Quốc.
Trên toàn thế giới hiện có hơn 100 vaccine thử nghiệm đang được phát triển để ngừa virus corona chủng mới mà cho đến nay đã lây nhiễm 4,39 triệu người và giết chết 296.847 người.
Vaccine bảo vệ người chống virus corona có thể giúp chấm dứt đại dịch, nhưng tìm được vaccine thành công và chế tạo đủ liều là một thách thức to lớn.
Thông thường có thể phải mất 10 năm để bào chế một vaccine hiệu nghiệm, nhưng tình trạng khẩn cấp của đại dịch đã đưa đến kết quả là chạy đua với thời gian. Một số giới chức ước lượng là một vaccine thành công có thể có để dùng khẩn cấp vào mùa thu này.
https://www.voatiengviet.com/a/5420852.html
Việt Nam hy vọng sớm có vaccine Covid-19 ‘made in Vietnam’
Việt Nam cho biết đã bắt đầu thử nghiệm vaccine Covid-19 trên chuột. Nếu thành công, vaccine sẽ được thử nghiệm trên người, mở ra hy vọng sẽ sớm có vaccine “made in Vietnam” trong tương lai gần.
Vaccine ngừa Covid-19 do Công ty TNHH MTV Vaccine và Sinh phẩm số 1 (Vabiotec) của Việt Nam phối hợp với Đại học Bristol của Anh để nghiên cứu sản xuất.
Theo thông tin từ Bộ Y tế Việt Nam, các nhà nghiên cứu đã thành công trong việc tạo chủng mang vùng kháng nguyên đặc hiệu của chủng virus conona mới trong phòng thí nghiệm. Đây được xem là nguyên liệu quan trọng trong việc sản xuất vaccine giúp cơ thể tạo ra kháng thể chống lại dịch bệnh.
Vaccine đã được tiêm thử trên chuột và các mẫu máu của chuột sẽ được gửi đi xét nghiệm đánh giá tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương trong 2 tuần tới. Nếu đạt kết quả tốt, vaccine sẽ được tiêm thử trên người, bắt đầu từ những người tình nguyện.
Trong các đợt dịch trước đây, Việt Nam từng tham gia nghiên cứu sản xuất vaccine nhưng không ứng dụng được sau đó vì công nghệ sản xuất quá “cổ”, kéo dài từ 2 – 3 năm cho mỗi công đoạn, dẫn đến tình trạng khi sản xuất ra được thì dịch đã hết, như vaccine ngừa cúm gia cầm H5N1, theo báo Tuổi Trẻ.
Kể từ khi chủng virus corona mới xuất hiện vào cuối năm ngoái, cho tới nay, vẫn chưa có quốc gia nào thành công trong việc đưa ra loại vaccine để ngăn ngừa đại dịch đã giết chết gần 250.000 người và lây nhiễm cho gần 3,6 triệu người trên thế giới.
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 3/5 nói ông “tự tin” rằng nước Mỹ sẽ cho ra đời vaccine ngừa Covid-19 vào cuối năm nay, khi số người chết vì đại dịch này ước tính sẽ lên tới 100.000 người.
Việt Nam hiện được xem là một trong những quốc gia phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả khi chỉ có 271 ca nhiễm bệnh và chưa có ca tử vong nào tính cho tới nay.
Trong số 14 ứng viên vaccine thử nghiệm ngừa COVID mà chính quyền Mỹ tập trung làm việc cho tới nay, chính phủ nhắm hỗ trợ tài chính cho khoảng 7 loại, Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh loan báo ngày 16/6.
Các giới chức chính phủ cũng cho biết họ kỳ vọng nhiều người Mỹ sẽ được chích vaccine ngừa COVID-19 miễn phí một khi vaccine bắt đầu được phân phối, có thể vào tháng 1 sang năm.
“Đối với nhiều người Mỹ dễ bị tổn thương nhưng không có tiền chích ngừa và muốn được tiêm vaccine, chúng tôi sẽ cung cấp miễn phí,” một giới chức nói trong một cuộc điện đàm với các phóng viên, nhưng yêu cầu không nêu tên.
Giới chức này cũng cho biết căn cứ vào những cuộc nói chuyện với các công ty bảo hiểm sức khỏe, thì hy vọng là vaccine được bảo hiểm trả tiền và người được bảo hiểm không phải bỏ tiền túi chi trả, tương tự như chính sách hiện có của các công ty bảo hiểm trả tiền cho các dịch vụ y tế liên quan đến COVID-19.
“Chúng tôi sẽ làm việc với các công ty bảo hiểm.” viên chức nói.
Chính quyền ông Trump trước đây loan báo đã bỏ ra hơn 2 tỉ đô la cho ba vaccine đang được phát triển, một đang được thử nghiệm bởi công ty AstraZeneca Plc cùng với Trường đại học Oxford, một do công ty Moderna Inc và một do công ty Johnson & Johnson tiến hành. Chính phủ Mỹ cũng cấp 30 triệu đô la cho công ty Merck & Co và 30 triệu đô la cho công ty Sanofi SA về nỗ lực tìm kiếm vaccine riêng rẽ của hai công ty này.
Theo VOA