Tin khắp nơi – 15/06/2020

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin khắp nơi – 15/06/2020

Cố vấn của TT Trump kêu gọi các ủng hộ viên đeo khẩu trang

Những người tham gia cuộc vận động tranh cử của Tổng thống Donald Trump trong tuần này nên đeo khẩu trang, một cố vấn của Nhà Trắng nói hôm 14/6, trong bối cảnh các chuyên gia y tế ra khuyến cáo về các cuộc tụ tập đông người.

Các ca nhiễm và nhập viện mới tăng lên mức cao kỷ lục tại một số tiểu bang nữa, gồm Texas, Florida, North Carolina và South Carolina, trong khi Oklahoma thông báo các ca nhiễm kỷ lục cuối tuần qua.

“Đó là một mối quan ngại”, cố vấn kinh tế Nhà Trắng, ông Larry Kudlow, nói trong chương trình “State of the Union” của kênh CNN.

“Mọi người phải tuân thủ các hướng dẫn về an toàn. Việc giãn cách xã hội phải được tuân thủ. Việc che mặt tại một số điểm chính phải được tuân thủ”.

Khi được hỏi liệu ông có nghĩ là những người tham gia cuộc vận động tranh cử của ông Trump vào cuối tuần ở Tulsa có nên đeo khẩu trang hay không, ông Kudlow nói rằng ông nghĩ là nên.

Tổng thống Trump sẽ tái khởi động lại chiến dịch tranh cử sau ba tháng ngừng lại do việc đóng cửa nền kinh tế vì virus Corona.

Theo Reuters, Tổng thống Trump chưa từng công khai đeo khẩu trang mà các chuyên gia y tế cho là một biện pháp an toàn cần thiết.

Giám đốc cơ quan y tế của Tulsa nói rằng ông ước cuộc vận động trong nhà có thể bị hoãn lại. Virus có thể lây lan dễ dàng hơn ở trong nhà vì mọi người đứng gần nhau.

https://www.voatiengviet.com/a/c%E1%BB%91-v%E1%BA%A5n-c%E1%BB%A7a-tt-trump-k%C3%AAu-g%E1%BB%8Di-c%C3%A1c-%E1%BB%A7ng-h%E1%BB%99-vi%C3%AAn-%C4%91eo-kh%E1%BA%A9u-trang/5462406.html

 

Cựu chiến lược gia trưởng Nhà Trắng: Trọng tâm trong bầu cử Mỹ 2020 là Trung Quốc

Quý Khải

Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Asia Times gần đây, Steve Bannon, cựu cố vấn cấp cao Nhà Trắng và chiến lược gia trưởng chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016 của ông Trump, đã đưa ra quan điểm về cuộc bầu cử kỳ tới.

Trong buổi trò chuyện, ông cũng chia sẻ thêm về các hoạt động của bạn ông, tỷ phú Trung Quốc lưu vong bất đồng chính kiến l Quách Văn Quý (Guo Wengui), người gần đây cùng ngôi sao bóng đá Trung Quốc Hác Hải Đông đã tuyên bố thành lập “Nhà nước Liên bang Trung Quốc Mới”.

Một lời khuyên trọng tâm của ông Bannon cho chiến dịch tranh cử năm 2020 của ông Trump là, tập trung vào “cuộc chiến” của Đảng Cộng sản Trung Quốc đối với nước Mỹ, bên cạnh việc tận dụng tối đa những mối liên hệ mờ ám giữa Trung Quốc và ứng viên Đảng Dân chủ Joe Biden. “Tôi tin rằng cuộc đối đầu với Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ là nhân tố then chốt duy nhất mang tính quyết định của [cuộc bầu cử] năm 2020”, ông Bannon nói.

Ông Bannon cho biết: “Hồ sơ của ông ta thật kinh khủng. Gia đình ông ta tham nhũng và kiếm chác với ĐCSTQ, họ thu lợi cùng ĐCSTQ trong các thương vụ vốn cổ phần tư nhân, thông qua các công ty mà họ đã đầu tư vào”.

Thời còn làm Phó tổng thống dưới quyền ông Obama, ông Joe Biden đã giúp đỡ Trung Quốc mua lại một công ty quan trọng đối với an ninh quốc gia Mỹ, thông qua một thương vụ trị giá nhiều tỷ đô la đứng tên con trai thứ hai của ông Biden – Hunter Biden.

“Họ [Trung Quốc] không phải là những kẻ xấu”, ông Joe Biden nói trong một bình luận hồi đầu tháng 5, đồng thời cho rằng Trung Quốc không phải là đối thủ của nước Mỹ. Trong các bình luận rải rác, ông Trump từng nhận định rằng ông Biden “khá ngây thơ về Trung Quốc” và rằng ‘Không ai yếu đuối về Trung Quốc hơn Joe Biden’.

Ông Bannon cũng ca ngợi ông Trump là “vị tổng thống duy nhất trong lịch sử nước Mỹ dám đứng lên chống lại ĐCSTQ”. Ông cho rằng đã đến lúc Mỹ cần tiến xa hơn trong chính sách đối đầu với quốc gia hung hăng.

Đối với chính phủ Trung Quốc, ông Bannon khuyên họ nên cân nhắc đến biện pháp giải thể tức thì, sau đó kiến lập một nền dân chủ thực sự tại quốc gia tỷ dân. Chỉ bằng cách thúc đẩy tự do ngôn luận, tự do hội họp và tự do tín ngưỡng, Trung Quốc mới có thể trở nên thịnh vượng, phồn thịnh và hạnh phúc trong những thập kỷ tiếp theo, ông Bannon nói.

Trong việc kiến lập Nhà nước Liên bang Trung Quốc mới, ông Bannon cho biết ông là cố vấn cho nhóm thành viên sáng lập, “vốn là tập hợp các cá nhân giàu có, các nhân vật trong lĩnh vực thể thao và văn hóa trên khắp thế giới, những người Trung Quốc tha hương ủng hộ việc hạ bệ ĐCSTQ”, mà tỷ phú Quách Văn Quý, một người bạn thân của ông Bannon, là một trong số này.

Ông Bannon cho rằng ông tin rằng những người Mỹ yêu tự do muốn đối đầu với ĐCSTQ cùng lúc giúp đỡ người dân Trung Quốc, “bởi vì chỉ người dân Trung Quốc mới có thể kết thúc Đảng Cộng sản Trung Quốc. Không ai khác có thể làm được điều này, nhưng họ có thể nhận được sự giúp đỡ của những người có thiện chí trên khắp thế giới”.

(Nguồn thumbnail: Gage Skidmore/Flickr).

https://www.dkn.tv/the-gioi/cuu-chien-luoc-gia-truong-nha-trang-trong-tam-trong-bau-cu-my-2020-la-trung-quoc.html

 

Nghiên cứu Harvard: Có phải đại dịch virus corona bắt đầu từ tháng Tám, 2019?

Christopher Giles, Benjamin Strick và Wanyuan SongBBC Reality Check

Một nghiên cứu từ Mỹ đề nghị là virus corona có thể đã có mặt ở thành phố Vũ Hán của Trung Quốc vào đầu tháng 8 năm ngoái đã gặp phải nhiều chỉ trích.

Nghiên cứu của Đại học Harvard tạo nhiều chú ý đáng kể khi được phát hành vào đầu tháng này, đã bị Trung Quốc bác bỏ trong khiTrung Quốc bác bỏ trong khi phương pháp nghiên cứu bị thách thức bởi các nhà khoa học độc lập.

Nghiên cứu nói gì?

Nghiên cứu trên, hiện chưa được đồng nghiệp đánh giá, dựa trên hình ảnh chụp được từ vệ tinh về lưu lượng giao thông xung quanh các bệnh viện ở Vũ Hán và mực độ theo dõi các tìm kiếm trực tuyến về các triệu chứng y khoa cụ thể liên quan đến virus corona.

Nghiên cứu nói rằng có một gia tăng đáng chú ý trong của số xe hơi đậu bên ngoài sáu bệnh viện trong thành phố từ cuối tháng 8 đến 1 tháng 12 năm 2019.

Điều này trùng hợp, báo cáo của Harvard kết luận, với mức gia tăng các tìm kiếm về những triệu chứng có thể có của virus corona như “ho” và “tiêu chảy”.

Đây là một phát hiện quan trọng vì cho đến đầu tháng 12, Vũ Hán mới báo cáo những trường hợp bị nhiễm đầu tiên.

Các học giả viết: “Mặc dù chúng tôi không thể xác nhận liệu sự gia tăng có liên quan trực tiếp đến virus mới hay không, bằng chứng của chúng tôi hỗ trợ các nghiên cứu gần đây cho thấy sự xuất hiện virus đã xảy ra trước khi được nhận dạng tại chợ hải sản Huanan.”

‘Vũ Hán có thể đã bị virus corona nhiều tháng trước khi TQ báo cáo’

Virus corona: Phát hiện ổ dịch mới ở Bắc Kinh

Người Việt và virus corona tại Nga

Truyền thông TQ đả phá thuyết ‘virus từ phòng thí nghiệm’

Nghiên cứu của Harvard đã thu hút được nhiều chú ý trên các phương tiện truyền thông. Riêng với Tổng thống Trump, người đã mạnh mẽ chỉ trích phản ứng của Trung Quốc trước đại dịch, đã tweet một mục của Fox News, trong đó nêu bật khám phá của các nhà nghiên cứu. Tweet đó được xem hơn ba triệu lần.

Bằng chứng có được củng cố?

Nghiên cứu của Harvard nói rằng lượng truy tìm trực tuyến về các triệu chứng nhiễm virus corona, đặc biệt là “tiêu chảy” đã gia tăng trên Baidu, công cụ tìm kiếm nổi tiếng của Trung Quốc.

Tuy nhiên, các quan chức của công ty Baidu đã tranh luận về những phát hiện của nghiên cứu, nói rằng trên thực tế, số lượng tìm kiếm trực tuyến cho “tiêu chảy” đã sụt giảm trong giai đoạn này.

Vậy thì điều gì đang xảy ra?

Thuật ngữ được sử dụng trong báo cáo của Đại học Harvard thật ra dịch từ tiếng Trung là “triệu chứng của bệnh tiêu chảy”.

Chúng tôi đã kiểm tra điều này trên công cụ tương tự như Google Trends của Baidu, một công cụ cho phép người dùng phân tích mức độ phổ biến của các tìm kiếm trực tuyến.

Công cụ này cho thấy mức tìm kiếm thuật ngữ “triệu chứng tiêu chảy” thực sự có gia tăng từ tháng 8 năm 2019.

Tuy nhiên, chúng tôi cũng sử dụng thuật ngữ “tiêu chảy”, một thuật ngữ tìm kiếm phổ biến hơn ở Vũ Hán, và lại thấy sự sụt giảm từ tháng 8 năm 2019 cho đến khi dịch bệnh bắt đầu.

Một tác giả chính của báo cáo của Harvard, Benjamin Rader, nói với BBC rằng “thuật ngữ tìm kiếm mà chúng tôi chọn cho” tiêu chảy “được chọn vì đây là từ phù hợp nhất cho các trường hợp được xác nhận của Covid-19 và được đề xuất là thuật ngữ tìm kiếm liên quan đến virus corona.”

Chúng tôi cũng xem xét mức độ phổ biến của các tìm kiếm trực tuyến về “sốt” và “khó thở”, hai triệu chứng phổ biến khác của virus corona.

Tìm kiếm về ”sốt” tăng một ít sau tháng 8 với tốc độ tương tự như “ho” và các tìm kiếm về “khó thở” thì giảm đi trong cùng thời gian.

Cũng có những câu hỏi được đặt ra về việc nghiên cứu đã chọn sử dụng ”tiêu chảy” như một chỉ báo về căn bệnh này.

Một nghiên cứu tầm cỡ lớn ở Anh với gần 17.000 bệnh nhân virus corona cho thấy tiêu chảy là triệu chứng chỉ phổ biến hàng thứ bảy, nằm dưới ba triệu chứng hàng đầu: ho, sốt và khó thở.

Số lượng xe thì sao?

Trên khắp sáu bệnh viện, nghiên cứu của Harvard cho thấy số xe hơi tại các bãi đậu xe của bệnh viện từ tháng 8 đến tháng 12 năm 2019 có sự gia tăng.

Tuy nhiên, chúng tôi tìm thấy một số sai sót nghiêm trọng trong phân tích của họ.

Báo cáo nói rằng những hình ảnh bị che bởi bóng cây và bóng tòa nhà đã được loại trừ để tránh việc đếm quá nhiều hoặc quá ít các xe cộ.

Tuy nhiên, hình ảnh vệ tinh được cung cấp cho các cơ quan truyền thông cho thấy các khu vực rộng của các bãi đậu xe tại bệnh viện bị chặn bởi các tòa nhà cao nhiều tầng, điều đó có nghĩa là không thể đánh giá chính xác số lượng xe hơi ở đó.

Trong tweet dưới đây, chúng tôi chú thích bằng các hộp màu trắng các khu vực bị che khuất bởi các tòa nhà cao nhiều tầng.

Ngoài ra còn có một bãi đậu xe ngầm tại Bệnh viện Tianyou, có thể nhìn thấy trên chức năng xem đường phố của Baidu, nhưng qua hình ảnh vệ tinh chỉ thấy được lối vào – chứ không thấy được những chiếc xe đậu bên dưới mặt đất.

Một trong những tác giả của nghiên cứu, Benjamin Rader nói “chúng tôi chắc chắn không thể ước lượng được việc đỗ xe dưới lòng đất trong bất kỳ khoảng thời gian nào của nghiên cứu và đây là một trong những giới hạn của loại nghiên cứu này.”

Cũng có những quan tâm về các bệnh viện đã được chọn cho nghiên cứu.

Bệnh viện Phụ nữ và Trẻ em Hồ Bắc là một trong những địa điểm được chọn, nhưng trẻ em hiếm khi phải điều trị tại bệnh viện vì virus corona. Đáp lại, các tác giả cho biết phát hiện của họ vẫn cho thấy có sự gia tăng trong việc sử dụng bãi đậu xe ngay cả khi bệnh viện này bị loại khỏi cuộc khảo sát.

Các nhà nghiên cứu cũng đã có thể so sánh dữ liệu của họ với các bệnh viện ở các thành phố khác của Trung Quốc, để xem liệu sự gia tăng lưu lượng truy cập và tìm kiếm có phải đặc biệt áp dụng đối với Vũ Hán, là nơi dịch bệnh bùng phát lần đầu tiên, hay không.

Thiếu sự so sánh này, thêm với những câu hỏi mà chúng tôi đưa ra với các tìm kiếm trực tuyến về các triệu chứng của virus corona, bằng chứng để kết luận các cư dân Vũ Hán được điều trị virus corona từ tháng 8 năm ngoái vẫn còn rất nhiều tranh cãi.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều điều chúng ta chưa biết về sự lây lan của virus ở Vũ Hán trong giai đoạn đầu.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-53004547

 

Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ giới thiệu Đạo luật Quốc phòng Đài Loan

Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Josh Hawley (thuộc đảng Cộng hòa, bang Missouri) hôm 11/6 đã giới thiệu Đạo luật Quốc phòng Đài Loan (TDA – Taiwan Defense Act), theo tin từ Taiwan News.

Ông Hawley cho biết dự luật nhằm cho phép Hoa Kỳ thực hiện nghĩa vụ của mình như được nêu trong Đạo luật Quan hệ Đài Loan (Taiwan Relations Act) trong bối cảnh quân đội Trung Quốc Đại lục đang liên tục hung hăng khiêu khích và gia tăng sức mạnh. Đạo luật được đề xuất sẽ yêu cầu Bộ Quốc phòng Mỹ thực hiện các bước để đảm bảo Đài Loan có đủ khả năng ngăn chặn một cuộc xâm lược của Trung Quốc và đặc biệt ngăn chặn quân đội Trung Quốc chiếm đóng Đài Loan trong tình thế “sự đã rồi.”

Tình thế này được mô tả trong dự luật là khi Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đánh chiếm các tuyến phòng thủ của Đài Loan trước khi quân đội Mỹ có thể phái lực lượng tới khu vực, từ đó PLA sẽ kiểm soát Đài Loan và ngăn chặn Mỹ can thiệp, không cho phép họ có lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận Đài Loan bị sáp nhập vào Trung Quốc.

Khi công bố dự luật, TNS Hawley đã mô tả Đài Loan là một biểu tượng của khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và cởi mở. Ông nói thêm rằng nếu Đảng Cộng sản Trung Quốc được phép giành quyền kiểm soát Đài Loan, họ sẽ sẵn sàng bước tiếp theo là thống trị khu vực.

“Điều này là mối đe dọa không thể chấp nhận được đối với cuộc sống và sinh kế không chỉ của các đồng minh và đối tác châu Á của chúng ta mà cả những người Mỹ đang làm việc ở đây. Chúng ta không được để điều đó xảy ra,” ông nói.

Trước đó, cuối tháng 12 năm 2019, Mỹ đã thông qua Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng (NDAA) cho năm tài khóa 2020 với mức ngân sách quốc phòng là 738 tỷ USD, bao gồm việc hỗ trợ cho đảo Đài Loan và đánh giá năng lực quân sự của Trung Quốc.

Đạo luật NDAA cũng thúc đẩy các chuyến thăm trao đổi cấp cao cả ở cấp độ quân sự và chính quyền giữa Mỹ và Đài Loan, tăng cường mua bán vũ khí với Đài Loan để hỗ trợ chiến lược phòng vệ của hòn đảo, đồng thời báo cáo về các hoạt động an ninh mạng giữa Mỹ và Đài Loan.

Hôm 27/3/2020, Mỹ tiếp tục “chọc giận” Trung Quốc bằng cách thông qua tiếp một đạo luật tăng cường sự ủng hộ của Mỹ đối với Đài Loan trên trường quốc tế với tên gọi “Sáng kiến Bảo vệ và Tăng cường tính quốc tế của đồng minh Đài Loan” (TAIPEI). Đạo luật yêu cầu Bộ Ngoại giao Mỹ phải thường xuyên báo cáo cho Quốc hội Mỹ biết những bước đi nhằm tăng cường mối quan hệ ngoại giao với Đài

Loan. Ngoài ra, đạo luật cũng yêu cầu Mỹ xem xét lại quan hệ ngoại giao với các nước cố tình làm suy yếu an ninh và thịnh vượng của Đài Loan.

Trung Quốc luôn coi Đài Loan là một phần lãnh thổ chờ thống nhất, kể cả phải dùng vũ lực. Bắc Kinh đã nhiều lần yêu cầu Mỹ tuân thủ nguyên tắc “Một Trung Quốc” và cảnh báo quan hệ giữa 2 nước có thể sẽ bị ảnh hưởng nếu Washington không tuân thủ theo nguyên tắc này. Tuy vậy, kể từ khi cầm quyền, chính quyền tổng thống Donald Trump liên tục thể hiện sự ủng hộ với hòn đảo thông qua việc ký kết các hợp đồng bán vũ khí cho Đài Bắc và ký các đạo luật ủng hộ Đài Loan.

http://biendong.net/bi-n-nong/32-sukien/35269-thuong-nghi-si-hoa-ky-gioi-thieu-dao-luat-quoc-phong-dai-loan.html

 

Mỹ thực hiện chiến tranh tài chính với TQ?

Cựu Thị trưởng Trùng Khánh Huang Qifan nói Trung Quốc cần cảnh giác vì Mỹ đang thực hiện chiến tranh tài chính có tính toán, để kiềm chế sự trỗi dậy của nước này.

Tại cuộc hội thảo do Đại học Hạ Môn (tỉnh Phúc Kiến) tổ chức hôm 10/6, cựu Thị trưởng thành phố Trùng Khánh Huang Qifan cho biết, mặc dù đang phải đối mặt với sự bất ổn từ bên trong, song Mỹ đã có những tính toán kỹ lưỡng cho các bước đi tiếp theo nhằm vào Trung Quốc.

“Một số người cho rằng, các chính trị gia và thượng nghị sĩ Mỹ đang có những tranh luận, bất đồng trên chính trường. Tuy nhiên, thực sự nước Mỹ có những tính toán kỹ lưỡng phía sau hậu trường. Đây là bước đi chiến thuật trong kế hoạch được xây dựng công phu”, ông Huang Qifan cho hay.

Theo cựu Thị trưởng Huang Qifan, những bước đi có tính toán của Mỹ có thể được bắt nguồn từ Đạo luật Thẩm quyền Thương mại (TPA), được Quốc hội Mỹ thông qua năm 2015.

“Nội dung đạo luật TPA cho phép chính phủ Mỹ thực hiện một loạt các biện pháp nhằm tạo ra cuộc chiến thương mại và tài chính, chống lại bất kỳ quốc gia nào được Bộ Ngân khố Mỹ xác định là kẻ thao túng tiền tệ”, cựu Thị trưởng Trùng Khánh nói.

Ông Huang Qifan viện dẫn quy định từ Đạo luật TPA, trao quyền cho chính phủ Mỹ ngừng giao dịch với bất kỳ quốc gia bị Mỹ quy kết thao túng tiền tệ tham gia vào thị trường tài chính Mỹ, đồng thời cấm các ngân hàng và công ty tài chính của Mỹ làm ăn với các quốc gia này.

Ngoài ra, ông Huang Qifa cảnh báo, chính phủ Mỹ cũng có thể loại các công ty khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu của Tổ chức Hiệp hội viễn thông tài chính liên ngân hàng toàn thế giới (SWIFT).

“Nếu các tổ chức tài chính bị xóa khỏi mạng lưới thanh toán toàn cầu SWIFT, thì quốc gia đó sẽ không thể giao dịch với các quốc gia khác. Điều này sẽ tạo ra những khó khăn lớn”, ông Huang Qifa nói.

Bên cạnh đó, cựu Thị trưởng Trùng Khánh cũng cảnh báo các biện pháp khác mà Mỹ có thể thực hiện như sử dụng các cơ quan xếp hạng tài chính để hạ cấp xếp hạng chủ quyền của quốc gia, tạo biến động tiền tệ nhằm gây tổn thất cho các bên khác.

“Việc khuấy động sự gia tăng mạnh hay giảm tỷ giá hối đoái cũng có thể gây thiệt hại kinh tế cho quốc gia khác”, ông Huang Qifa nói.

Cựu Thị trưởng Huang Qifa cảnh báo, Trung Quốc đừng mong những thách thức trong cuộc cạnh tranh giữa Bắc Kinh và Washington sớm biến mất. “Đây là những vấn đề chúng ta phải đối mặt như đối phó với đại dịch COVID-19. Chúng ta không thể tự mãn”, ông Huang Qifa cảnh báo.

“Chúng ta cần phải đứng vững, thực hiện tốt công việc của mình và khắc phục mọi thiếu sót để có thể sẵn sàng đối phó bất kỳ cuộc chiến thương mại nào”, cựu Thị trưởng Trùng Khánh nói và lạc quan rằng kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng trong năm nay, bất chấp tác động của COVID-19.

Nhận định về  thị trường tài chính thế giới trong thời gian tới, ông Huang cho rằng trọng tâm của nền kinh tế thế giới sẽ tiếp tục chuyển sang châu Á và thị phần của nền kinh tế thế giới bị thu hẹp trước bối cảnh Mỹ đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nợ lớn nhất từ trước đến nay.

“Hiện tại, châu Á chiếm khoảng 1/3 tăng trưởng GDP của thế giới. Xu hướng này sẽ tiếp tục và ảnh hưởng kinh tế của châu Á sẽ tăng lên. Châu Á sẽ chiếm 40% tổng số GDP thế giới vào năm 2030 và 50% vào năm 2050.

Chính phủ Mỹ phát hành trái phiếu kho bạc và cả thế giới trả tiền cho họ. Một khi khoản nợ vượt quá 150% GDP hàng năm, điều này rất nguy hiểm và có thể gây ra sự sụp đổ ở phạm vi lớn. Lúc đó cả thế giới sẽ chịu tác động rất nặng nề”, ông Huang cho hay.

http://biendong.net/goc-nhin-moi/35260-my-thuc-hien-chien-tranh-tai-chinh-voi-tq.html

 

Căng thẳng Mỹ – Trung và ba kiểu chiến tranh có thể xảy ra

Minh Anh

Từ những điểm nóng địa chiến lược ở Biển Đông cho đến Đài Loan, rồi chiến tranh thương mại, tiền tệ, và công nghệ, xác suất đối đầu Mỹ – Trung dường như là khá cao, thậm chí một số chuyên gia cho rằng là không thể tránh khỏi.

Thời báo châu Á (Asia Times) đặt câu hỏi : Liệu những căng thẳng này có gây ra chiến tranh giữa Mỹ và Trung Quốc hay không ? Và nếu có thì dưới hình thức nào ? Theo trang báo mạng Hồng Kông, những bài học trong lịch sử cho phép suy đoán có ba kịch bản chiến tranh có thể xảy ra giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới : Chiến Tranh Thế Giới lần 3 ; Chiến Tranh Lạnh 2.0 và các cuộc chiến khu vực ủy nhiệm.

Kịch bản thứ nhất có lẽ sẽ là một cuộc chiến tàn khốc nhất. Khi xem Trung Quốc như là một mối họa cho an ninh thế giới, tìm kiếm một sự bá quyền bằng cách bành trướng quân sự, liệu có nên ví nước này như là một Nhật Bản hay Đức Quốc Xã trong hai cuộc đại thế chiến đã qua ? Nếu như vậy, liệu Trung Quốc sẽ đi xâm lược, chiếm đóng, theo đuổi mô hình thực dân đế quốc, sẽ phạm những tội ác diệt chủng hay không ?… Tương tự, nếu cuộc chiến phải nổ ra giữa hai ông khổng lồ của hành tinh, điều gì có thể thúc đẩy Hoa Kỳ tham chiến ? Một sự kiện tương tự như cuộc tấn công Trân Châu Cảng chẳng hạn ?

Hình thức chiến tranh thứ hai chính là Chiến Tranh Lạnh 2.0 (phiên bản hai) với nhiều điểm khác biệt so với cuộc chiến tranh lạnh trước đây. Đây sẽ không còn là một cuộc chiến hệ tư tưởng, không gian và làm chủ công nghệ hạt nhân nữa, mà đó sẽ là một cuộc chiến thương mại, cuộc chiến tiền tệ, công nghệ, tin học, hay thậm chí là một cuộc chiến hỗn hợp, kết hợp nhiều yếu tố của tất cả hay một phần của những điều trên.

Cuộc tranh đua thống trị các định chế đa phương là một trong những mặt trận rất có thể của cuộc đọ sức 2.0 và điều này sẽ gây chia rẽ các nước trong quá trình phân cực mà ví dụ điển hình là dự án Vành Đai và Con Đường của Trung Quốc và chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương của Hoa Kỳ.

Sim Vireak, tác giả bài viết lưu ý, từ « cạnh tranh » chỉ đúng nghĩa khi Trung Quốc gia tăng đóng góp tài chính trong các tổ chức đa phương còn Hoa Kỳ sẽ giảm đóng góp nhưng không rút ra khỏi hệ thống đa phương đó. Bắc Kinh hiện vẫn chưa tạo ra được một hệ thống quản trị toàn cầu, cả trong chính trị lẫn kinh tế và cũng chưa có nước nào trên thế giới tuyên bố chấp nhận mô hình hệ thống quản trị của Trung Quốc.

Kịch bản thứ ba, và cũng là nguy cơ đáng lo ngại nhất : Một cuộc chiến ủy nhiệm khu vực mà vùng châu Á – Thái Bình Dương sẽ là sàn đấu chính cho Trung Quốc và Hoa Kỳ. Giống như cuộc Chiến Tranh Lạnh 1.0, cuộc đối đầu Mỹ – Trung Quốc có thể gây ra những cuộc « chiến tranh nóng » giữa các quốc gia trong vùng.

Ngoài những điểm nóng trong khu vực như Biển Đông và Đài Loan có thể làm thổi bùng những cuộc chiến nóng như vậy, vùng Mêkông cũng có khả năng là một cuộc chiến tranh Việt Nam 2.0, do Việt Nam và Trung Quốc tiếp tục đối đầu nhau tại Biển Đông. Lịch sử nhắc lại là dòng sông Mêkông không ngừng nhuốm thẫm máu trong nhiều thập niên từ cuộc chiến tranh Việt Nam 1.0 cho đến khi chế độ Khmer Đỏ bị tiêu diệt hẳn vào năm 1998.

Dù biết rằng giờ đây Mỹ và Trung Quốc, cũng như là giữa Trung Quốc và Việt Nam đều không muốn có những cuộc đối đầu trực diện, nhưng người ta cũng không thể quên rằng sau Đệ Nhị Thế Chiến, Việt Nam và Trung Quốc cũng nhiều lần đọ sức nhau, nhất là trong cuộc chiến đẫm máu năm 1974 giành quần đảo Hoàng Sa.

Cho dù Hoa Kỳ và Trung Quốc không muốn trực diện đọ sức, nhưng chiến tranh ủy nhiệm cũng có thể xảy ra và những nước nhỏ lân cận trong khu vực sẽ phải trả giá đắt như những gì diễn ra trong chiến tranh Việt Nam. Những nước này sẽ bị chia rẽ trong quá trình phân cực mới này. Và giống như trong quá khứ, sự im lặng và tính trung lập sẽ không là một giải pháp.

Đối với ba kịch bản chiến tranh này, có rất ít giải pháp chính trị và sẽ rất « nóng » cho các nước nhỏ lân cận. Các cuộc chiến tranh lạnh sẽ chỉ « lạnh » đối với các siêu cường mà thôi !

http://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A2n-t%C3%ADch/20200615-c%C4%83ng-th%E1%BA%B3ng-m%E1%BB%B9-trung-v%C3%A0-ba-ki%E1%BB%83u-chi%E1%BA%BFn-tranh-c%C3%B3-th%E1%BB%83-x%E1%BA%A3y-ra

 

Mỹ điều tra mối quan hệ nước ngoài, 54 nhà khoa học mất việc

Hương Thảo

54 nhà khoa học đã bị sa thải hoặc từ chức, sau khi Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH) điều tra về những mối quan hệ nước ngoài bị họ che giấu.

Ông Michael Lauer, phó giám đốc chương trình nghiên cứu ngoại khóa của NIH, hôm 12/6 cho biết, 93% trong số 189 nhà khoa học bị NIH điều tra đã che giấu khoản tiền tài trợ từ Trung Quốc. 77 tổ chức nhận tài trợ đã bị loại khỏi hệ thống của NIH.

Tại thời điểm điều tra, khoảng 143 nhà khoa học ở 27 bang đang nắm giữ các khoản tài trợ lên tới 164 triệu USD. Hơn 80% trong số họ là người châu Á, cho thấy Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) nhắm vào các nhà nghiên cứu Trung Quốc đang làm việc tại Mỹ.

ĐCSTQ đã chiêu mộ lượng lớn các nhà nghiên cứu nước ngoài trong chương trình Vạn Nhân tài (Thousand Talents Program). Tuy nhiên, chính phủ Mỹ cho rằng chương trình này là một vỏ bọc để ĐCSTQ chiếm đoạt tài sản trí tuệ của Mỹ.

Ông Lauer cho biết thêm, một phần ba trong số 189 nhà khoa học bị điều tra nằm trong tầm ngắm của Cục Điều tra Liên bang (FBI). Bảy trong số 10 nhà khoa học đã không báo cáo các khoản tài trợ từ nước ngoài, và hơn một nửa đã che giấu việc nhận được“giải thưởng tài năng”.

NIH mở cuộc điều tra từ tháng 8/2018, khi tổ chức này cảnh báo các trường đại học trên toàn nước Mỹ rằng một số tổ chức nước ngoài đang nhắm mục tiêu một cách có hệ thống vào các nhà nghiên cứu của NIH để đánh cắp sở hữu trí tuệ và thu thập thông tin bí mật.

Động thái của NIH là một phần trong chiến dịch lớn hơn của chính phủ Hoa Kỳ có tên là Sáng kiến Trung Quốc (China Initiative) nhằm chống lại sự xâm nhập của ĐCSTQ vào các học viện Mỹ. Bộ Tư pháp Hoa Kỳ (DOJ) và FBI đã bắt giữ và đạt được thỏa thuận giải quyết một số trường hợp liên quan đến các nhà nghiên cứu dính líu với Trung Quốc.

Bộ Tư pháp Mỹ đã truy tố nhiều trường hợp dựa vào kết quả điều tra của NIH. Mới đây, vào hôm 9/6, Bộ Tư pháp đã buộc tội giáo sư Đại học Harvard Charles Lieber vì đã che giấu chính quyền liên bang về vai trò của ông trong chương trình Vạn Nhân tài của ĐCSTQ.

Hồi tháng 5, Xiao-Jiang Li, giáo sư của Đại học Emory, đã bị kết án một năm quản chế và phải nộp 35.000 USD cho Tổng cục thuế vì khoản thu nhập từ Trung Quốc mà ông đã không khai báo trong tờ khai thuế cá nhân.

Vào tháng 12/2019, Bộ Tư pháp Mỹ đã đạt được thỏa thuận giải quyết vụ việc ngoài tòa án với Viện Nghiên cứu Van Adel. Bộ Tư pháp cáo buộc Viện Van Adel đã tuyên bố sai về các đơn xin trợ cấp tiền từ liên bang, không công khai hai khoản tài trợ từ chính phủ Trung Quốc. Viện Nghiên cứu Van Adel đã đồng ý trả 5,5 triệu USD để các bên giải quyết vụ việc ngoài tòa án.

https://www.dkn.tv/the-gioi/my-dieu-tra-moi-quan-he-nuoc-ngoai-54-nha-khoa-hoc-mat-viec.html

 

Tòa án Tối cao Mỹ bác các vụ kiện về ‘miễn trừ có điều kiện’

Hôm 15/06, Tòa án Tối cao Hoa Kỳ từ chối xét xử một số vụ kiện liên quan đến biện pháp bảo vệ pháp lý gọi là miễn trừ có điều kiện có thể được sử dụng để bảo vệ các quan chức chính phủ khỏi các vụ kiện bao gồm các cảnh sát bị buộc tội dùng vũ lực quá mức, theo Reuters.

Các thẩm phán đã bác bỏ các kháng cáo được theo dõi chặt chẽ trong các vụ kiện đang chờ xử lý trước tòa trong nhiều tháng, bao gồm các tranh chấp về việc liệu các cảnh sát ở bang Tennessee có thể bị kiện vì sử dụng chó nghiệp vụ đi đối với một người đàn ông mà người này nói rằng ông đã xin hàng. Thẩm phán Clarence Thomas, trong một kháng thư, cho biết tòa án nên xét xử vụ án này.

Mặc dù các thẩm phán bác bỏ các vụ án này, đôi khi họ có thể hành động đối với các kháng cáo khác liên quan đến quyền miễn trừ có điều kiện cũng đang chờ tòa án phán xét.

Quyết định phản bác các vụ án này được đưa ra giữa lúc cả nước nóng lên việc sử dụng vũ lực của cảnh sát sau cái chết của một người đàn ông da đen George Floyd ở thành phố Minneapolis, người đã chết sau khi một cảnh sát da trắng ghì cổ trong gần chín phút.

Cách nay 50 năm, Tòa án Tối cao công nhận quyền miễn trừ có điều kiện để bảo vệ các quan chức chính phủ khỏi các vụ kiện. Cảnh sát cho biết học thuyết này đảm bảo rằng họ có thể đưa ra quyết định tức thời trong các tình huống nguy hiểm mà không phải lo lắng về việc bị kiện sau đó.

https://www.voatiengviet.com/a/toa-an-toi-cao-my-bac-cac-vu-kien-ve-mien-tru-co-dieu-kien/5463422.html

 

Biểu tình một lần nữa nổ ra tại Atlanta sau khi cảnh sát bắn chết một người đàn ông da đen

Vào thứ bảy (ngày 13 tháng 6), những người biểu tình đã chặn một đường xa lộ ở thành phố Atlanta và phóng hỏa một nhà hàng Wendy’s – nơi một người đàn ông da đen vừa bị cảnh sát bắn chết vào đêm trước đó.

Theo cảnh sát, người đàn ông nói trên là Rayshard Brooks, 27 tuổi. Trước khi vụ nổ súng xảy ra, nhân viên nhà hàng Wendy’s đã gọi điện thoại báo cảnh sát về việc anh Brooks ngủ quên trong xe, cản trở các khách hàng khác. Khi đến hiện trường vào lúc 10 giờ 30 tối, cảnh sát đã yêu cầu anh Brooks thử nồng độ cồn, nhưng anh ta đã chống cự.

Cơ quan điều tra Georgia (GBI) xem xét video giám sát cho biết trong lúc giằng co với cảnh sát, anh Brooks đã lấy đi súng điện của một cảnh sát và bỏ chạy. Các cảnh sát tại hiện sau đó đã nổ súng nhằm vào Brook khi anh chĩa súng điện về phía cảnh sát. Ngay sau đó, Brooks được đưa tới bệnh viện, nhưng đã tử vong sau khi phẫu thuật. Một cảnh sát cũng đã bị thương trong sự việc này.

Thị trưởng Atlanta Keisha Lance Bottoms cho biết bà không “tin rằng đây là việc sử dụng súng một cách chính đáng”. Những viên cảnh sát bắn Brooks đã bị sa thải vào tối thứ bảy. Tờ Atlanta Journal-Constitution cho biết cái chết của anh Brooks đánh dấu 48 vụ nổ súng có liên quan đến cảnh sát từ đầu năm nay. (BBT)

https://www.sbtn.tv/bieu-tinh-mot-lan-nua-no-ra-tai-atlanta-sau-khi-canh-sat-ban-chet-mot-nguoi-dan-ong-da-den/

 

Mỹ: Người biểu tình đốt nhà hàng vì cảnh sát bắn chết người da đen

Người biểu tình hôm 13/6 chặn một đường cao tốc lớn ở Atlanta và đốt nhà hàng bán đồ ăn nhanh có tên gọi Wendy’s, nơi một người đàn ông da đen bị cảnh sát bắn chết khi nghi can tìm cách bỏ chạy để tránh bị bắt giữ.

Hãng tin Reuters cho rằng vụ việc này nhiều khả năng sẽ lại làm bùng lên thêm các cuộc biểu tình trên khắp nước Mỹ về vấn đề sắc tộc và hành động của cảnh sát.

Nhà hàng đã bốc cháy hơn 45 phút trước khi lực lượng cứu hỏa có thể tới để dập lửa trong vòng bảo vệ của cảnh sát.

Khi đó, tin cho hay, nhà hàng đã bị thiêu rụi bên cạnh một trạm bán xăng.

XEM THÊM:

Người Việt gốc Phi trong vòng xoáy bạo lực và biểu tình ở Mỹ

Những người biểu tình khác thì tuần hành ra đường cao tốc Interstate-75. Họ chặn giao thông trước khi cảnh sát sử dụng xe tuần tra để khống chế.

Cảnh sát trưởng thành phố, Erika Shields, đã từ chức sớm ngày 13/6 vì vụ bắn chết anh Rayshard Brooks, 27 tuổi, tối ngày 12/6.

Thị trưởng Keisha Lance Bottoms cho biết bà đã chấp nhận đơn xin từ chức chóng vánh của cảnh sát trưởng Shields.

Nhân viên cảnh sát bắn chết anh Brooks đã bị sa thải. Một nhân viên khác bị cho nghỉ tạm thời. Cả hai cảnh sát là người da trắng.

Cái chết của anh Brooks xảy ra sau nhiều tuần biểu tình ở các thành phố lớn khắp nước Mỹ để phản đối việc người Mỹ gốc Phi George Floyd tử vong sau khi bị một cảnh sát da trắng ghì đầu gối lên cổ trong vòng gần 9 phút.

https://www.voatiengviet.com/a/m%E1%BB%B9-ng%C6%B0%E1%BB%9Di-bi%E1%BB%83u-t%C3%ACnh-%C4%91%E1%BB%91t-nh%C3%A0-h%C3%A0ng-v%C3%AC-c%E1%BA%A3nh-s%C3%A1t-b%E1%BA%AFn-ch%E1%BA%BFt-ng%C6%B0%E1%BB%9Di-da-%C4%91en/5462259.html

 

Căn bệnh đang lây lan ở bang New York có các triệu chứng tương tự như Covid-19

Quỳnh Chi

Một căn bệnh lây truyền từ bọ ve có các triệu chứng tương tự như bệnh viêm phổi Vũ Hán đang gia tăng tại bang New York của Mỹ.

Trang FOX6Now dẫn tin từ Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) cho biết, căn bệnh này được gọi là bệnh biên trùng (anaplasmosis), do một loại vi khuẩn gây ra, lây truyền sang người qua vết cắn của bọ ve. Các triệu chứng có thể bao gồm sốt, đau đầu, ớn lạnh và căng tê cơ, tương tự như các triệu chứng khi nhiễm virus Vũ Hán.

“Các ca bệnh quả thật đang tăng lên, đặc biệt ở phía Đông Bắc bang New York”, ông Byron Backenson, phó giám đốc Cục kiểm soát bệnh truyền nhiễm thuộc Bộ Y tế New York chia sẻ với tạp chí Adirondack Explorer.

Các triệu chứng bắt đầu xuất hiện sau một đến hai tuần sau khi bị bọ ve cắn, mặc dù khá hiếm gặp nhưng người bệnh có thể tử vong nếu không được điều trị.

Ông Backenson cho biết, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 trên toàn cầu tiếp tục lan rộng, khó có thể làm công chúng nhận thấy sự gia tăng của căn bệnh biên trùng. Theo ông, căn bệnh này thường được hiểu nhầm là bệnh Lyme, hiện vẫn là bệnh do bọ ve gây ra phổ biến nhất ở bang New York, với hơn 5.500 trường hợp mới mỗi năm.

Theo báo cáo, ngoại trừ thành phố New York, trong năm 2009, bang New York có khoảng 300 trường hợp lây nhiễm bệnh biên trùng, nhưng đến năm 2018, các số liệu cho thấy các trường hợp mắc bệnh đã tăng hơn hai lần.

Nghiên cứu đã chỉ ra rằng các xét nghiệm chẩn đoán bệnh Lyme thường rất không chính xác, trong khi các xét nghiệm về bệnh biên trùng lại dễ dàng hơn nhiều. Theo CDC, nó thường được điều trị bằng kháng sinh.

Trong thời gian đại dịch Covid-19 lan rộng, mọi người bị cách ly tại nhà trong vài tháng, đến nay càng có nhiều người tìm kiếm các hoạt động ngoài trời, theo đó các ca nhiễm mới gần đây cũng gia tăng.

Theo Bộ Y tế New York, bọ ve thường được tìm thấy trong rừng hoặc bãi cỏ ngoài trời. Những con bọ ve này bám vào cỏ và bụi cây cao, chúng sống cả trong các bãi cỏ và vườn hoa, đặc biệt là cạnh của cây và xung quanh các bức tường đá cũ.

Biện pháp tốt nhất để bảo vệ bản thân trước lũ bọ ve là tránh tiếp xúc với đất, rác lá và thảm thực vật. Các chuyên gia sức khỏe khuyến cáo nên mang giày kín, quần dài và áo sơ mi dài tay nếu đi bộ qua các khu vực có nhiều bọ ve, khi ở ngoài trời phải thường xuyên kiểm tra quần áo và phơi da thường xuyên để kiểm tra có bọ ve hay không.

https://www.dkn.tv/the-gioi/can-benh-dang-lay-lan-o-bang-new-york-co-cac-trieu-chung-tuong-tu-nhu-covid-19.html

 

CDC chỉ đạo nhân viên không phản hồi yêu cầu phỏng vấn của VOA

Một email của Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), được công bố theo Đạo luật Tự do Thông tin (FOIA), chỉ đạo các nhân viên truyền thông không phản hồi trước các yêu cầu phỏng vấn của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA), theo tài liệu vừa được Viện Knight First Amendment Institute công bố.

Các tài liệu được công bố theo Đạo luật FOIA bao gồm email ngày 30/4 được gửi từ bà Michawn Rich với chủ đề là ‘Rundown.’ Email này mô tả quy trình xử lý các câu hỏi của báo chí gửi đến CDC để giúp một đồng nghiệp tên là Rachael ‘chuyển sang vai trò mới [của bà].”

Bà Rich, một phát ngôn viên của Bộ Nông nghiệp, đã được thuyên chuyển đến CDC để giúp xử lý các câu hỏi của báo chí liên quan đến đại dịch Covid-19 hồi đầu năm nay, theo trang Politico.

Trong phần phê duyệt các câu hỏi báo chí trước khi chúng được trình lên Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh hay Văn phòng Phó Tổng thống, email nêu rõ: “LƯU Ý: theo quy định, không trình lên các yêu cầu của bà Greta Van Sustern [nguyên văn] hoặc bất cứ ai liên quan đến Đài tiếng nói Hoa Kỳ [VOA].”

Ngay sau hướng dẫn trên là đường link dẫn tới bản tin của Nhà Trắng trong đó cáo buộc VOA, một cơ quan truyền thông được chính phủ Hoa Kỳ cấp ngân quỹ, đã quảng bá tuyên truyền cho nước ngoài.

Tên của những người khác được đề cập trong tài liệu hướng dẫn này bao gồm quyền giám đốc truyền thông của CDC và các nhân viên phụ trách truyền thông của CDC.

CDC xác nhận đã nhận được yêu cầu phỏng vấn của VOA và cho biết một người phát ngôn sẽ hồi đáp yêu cầu này. Nhưng cho đến khi đăng bản tin này, VOA vẫn chưa nhận được phản hồi của CDC.

Bà Van Susteren, người dẫn chương trình tin tức kỳ cựu của Hoa Kỳ và là một luật sư, hiện dẫn các chương trình tin tức hàng tuần “Plugged In” của VOA, và đồng thời bà cũng đang dẫn một chương trình chính trị hàng tuần cho Đài truyền hình Grey của Hoa Kỳ.

Bà Van Susteren nói với VOA: “Điều đáng kinh ngạc với tôi là VOA, và cụ thể là tôi bị nêu đích danh, mà chưa có ai ở CDC, hoặc Nhà Trắng, hoặc bất cứ nơi nào khác cho biết rằng các tin tức của tôi về virus corona, hoặc bất cứ điều gì khác, là không công bằng hoặc không chính xác.” Bà cho biết thêm rằng đó là “một điều vô lý khi việc tẩy chay nằm vào một cá nhân nào đó.”

Bà Van Susteren đưa tin rất nhiều về đại dịch Covid-19 cho cả hai cơ quan báo chí nêu trên và bà có phỏng vấn Phó Tổng thống Mike Pence về đại dịch trong chương trình “Full Court Press” phát trên đài truyền hình Grey hôm 5/4.

Bà Amanda Bennett, Giám đốc VOA, cho biết cơ quan này bị sốc và quan ngại về các tài liệu nội bộ của CDC.

“VOA, một cơ quan truyền thông độc lập được chính phủ liên bang cấp ngân quỹ, mạnh mẽ bác bỏ các cáo buộc của CDC và kêu gọi CDC rút ngay lập tức các hướng dẫn này,” bà Bennett cho biết trong một tuyên bố ngày 14/6.

Thông cáo cho biết thêm: “Việc văn phòng phụ trách các vấn đề công chúng của một cơ quan liên bang từ chối trước các yêu cầu phỏng vấn của các phóng viên VOA, bao gồm cả đồng nghiệp của chúng tôi Greta Van Susteren, chỉ vì dựa trên một tuyên bố quan điểm của Nhà Trắng đề cập đến một câu chuyện của hãng tin Associated Press (AP) về dịch COVID-19 mà VOA chia sẻ lại mà bị xem như là ‘tuyên truyền,’ là điều rất đáng ngại.”

Trước đó, hôm 10/04, VOA đã ra một tuyên bố phản ứng trước các cáo buộc tuyên truyền.

XEM THÊM:

Vụ VOA bị TT Trump chỉ trích: Đài do chính phủ tài trợ không có nghĩa phải loan tin chính phủ chấp thuận

Email trên của CDC là một trong bốn tài liệu được công bố trước yêu cầu FOIA hôm 19/3 của Knight Institute, một cơ quan độc lập tập trung vào việc mở rộng tự do báo chí, gửi đi ngày 19/3, và sau một vụ kiện để giải quyết nhanh yêu cầu FOIA vào ngày 2/4. Viện Knight công bố các tài liệu này ngày 12/6.

Các tài liệu bao gồm các chính sách CDC về sử dụng mạng xã hội, xử lý yêu cầu của báo chí và công bố thông tin cho báo chí. Toàn bộ [nội dung] tài liệu có tiêu đề “Dự thảo Chiến lược Truyền thông và Thông tin của CDC phản hồi về dịch bệnh Covid-19” đã bị che lại.

Viện Knight cho biết vụ kiện được đưa ra sau khi có các tin tức cho rằng các chuyên gia CDC bị ngăn cản tiếp xúc với báo chí hoặc công chúng và bị yêu cầu phải phối hợp với Văn phòng Phó Tổng thống trước khi tiếp xúc với giới báo chí.

“Chúng tôi khởi kiện vụ này vì chúng tôi lo ngại về việc chính trị hóa truyền thông y tế công cộng và chúng tôi nghĩ rằng điều quan trọng là cho công chúng biết là có hay không việc chính quyền đã can thiệp vào công tác truyền thông của CDC và họ làm điều đó như thế nào, để công chúng có thể tự phán xét độ chính xác của bất kỳ tuyên bố nào của cơ quan này,” bà Anna Diakun, luật sư của Viện Knight, nói với VOA.

“Từ các tài liệu mà chúng tôi đã nhận được cho đến nay, [nội dung] vai trò của Văn phòng Phó Tổng thống hoàn toàn bị che lại, vì vậy chúng tôi không thể biết chính xác vai trò của văn phòng đó là gì,” bà Diakun nói.

Viện Knight sắp nhận được nhiều tài liệu hơn vào ngày 18/6 mà bà Diakun cho biết viện hy vọng sẽ nêu bất kỳ vai trò nào của Văn phòng Phó Tổng thống trong vụ này.

Văn phòng Phó Tổng thống từ chối từ chối yêu cầu bình luận của VOA.

Bà Van Susteren nhận định về danh sách bị tẩy chay: “Điều có thể bất thường là việc này bị phơi bày, tôi không biết đó có phải là điều bất thường hay không.”

“Chưa có chính quyền nào, dù đó là Obama, Bush 41 hay Clinton, hay bất kỳ chính quyền nào trước đó, ưa thích truyền thông,” bà Van Susteren nói. “Nhưng trong suốt thời gian tôi đã từng làm việc cho tất cả các tổ chức tin tức này và tôi chưa bao giờ gặp phải chuyện gì này xảy ra trước đây.”

Giám đốc VOA Bennett cho biết rất khó để xác định mức độ ảnh hưởng lệnh cấm của CDC đối với việc làm tin tức về đại dịch của đài VOA.

“Những quy định được nêu trong bản ghi nhớ của CDC có thể dẫn đến hiệu ứng làm chùn bước những nỗ lực nghề báo mà chúng ta thường thấy ở các quốc gia mà chúng tôi phát sóng, nơi không có báo chí tự do – kể cả ở Trung Quốc và Nga,” bà Bennett nói trong một tuyên bố.

Qua thông tin từ yêu cầu FOIA, bà Diakun cho biết Viện Knight bày tỏ lo ngại khi nhân viên CDC được yêu cầu không phản hồi các câu hỏi từ VOA. “Điều cần thiết là CDC phải đảm bảo việc tiếp cập thông tin ổn định và kịp thời, đặc biệt là trong cuộc khủng hoảng y tế cộng đồng,” bà Diakun nói với VOA.

https://www.voatiengviet.com/a/cdc-chi-dao-nhan-vien-khong-phan-hoi-yeu-cau-phong-van-cua-voa/5463284.html

 

LHQ thảo luận khẩn nạn phân biệt chủng tộc và hành hung của cảnh sát Mỹ

Một cơ quan nhân quyền hàng đầu của LHQ sẽ tổ chức một cuộc thảo luận khẩn cấp vào ngày 17/06 về các cáo buộc “phân biệt chủng tộc một cách có hệ thống, sự tàn bạo của cảnh sát và bạo lực chống lại các cuộc biểu tình ôn hòa” tại Hoa Kỳ, Reuters loan tin hôm 15/06.

Reuters dẫn quyết định của Hội đồng Nhân quyền LHQ, theo yêu cầu vào tuần trước của Burkina Faso thay mặt cho các nước châu Phi, cho biết như trên trong một tuyên bố hôm 15/06.

Hoa Kỳ hiện không phải là thành viên của Hội đồng Nhân quyền LHQ, một diễn đàn gồm 47 thành viên có trụ sở Geneva, Thụy Sĩ. Hoa Kỳ rút lui khỏi diễn đàn này hai năm trước vì cho rằng diễn đàn thiên vị chống lại đồng minh Israel.

“Thật không may, cái chết của ông George Floyd không phải là một sự cố riêng lẻ,” bức thư của nhóm Phi Châu, được LHQ công bố, có đoạn viết.

Bức thư đề cập đến người Mỹ gốc Phi chết vào ngày 25/5 khi bị một sĩ quan cảnh sát da trắng khống chế ở thành phố Minneapolis, và cái chết sau đó châm ngòi cho các cuộc biểu tình trên toàn quốc.

“Sự phẫn nộ quốc tế” sau cái chết này đã nhấn mạnh tầm quan trọng của Hội đồng Nhân quyền khi thảo luận về những vấn đề này, bức thư viết, lưu ý rằng 600 nhóm các nhà hoạt động và nạn nhân vào tuần trước đã kêu gọi cho một phiên họp đặc biệt.

Hôm 12/06, sau cái chết của ông Floyd, Hội đồng thành phố Minneapolis nhất trí thông qua nghị quyết theo đuổi hệ thống an toàn công cộng do cộng đồng lãnh đạo để thay thế bộ phận cảnh sát.

Cái chết của ông Rayshard Brooks, một người đàn ông da đen bị một sĩ quan cảnh sát da trắng bắn chết ở Atlanta hôm 12/06, lại khiến các cuộc biểu tình trong thành phố tái bùng phát. Văn phòng pháp y hôm 14/06 cho biết đây là vụ giết người mà nạn nhân bị bắn vào lưng.

https://www.voatiengviet.com/a/lhq-thao-luan-khan-nan-phan-biet-chung-toc-hanh-hung-cua-cs-my/5463317.html

 

Astrazeneca đồng ý sản xuất cho Châu Âu 400 triệu liều vaccine COVID-19

Tin từ Rome – Công ty dược của Anh Quốc, AstraZeneca Plc đã ký hợp đồng cung cấp loại vaccine coronavirus tiềm năng của họ cho các chính phủ châu Âu để chống lại đại dịch.

Hôm thứ Bảy (13 tháng 6), công ty tuyên bố bản hợp đồng này sẽ cung cấp tới 400 triệu liều vaccine, được phát triển bởi đại học Oxford. Ngoài ra họ còn nói rằng họ đang tìm cách mở rộng sản xuất vaccine và tuyên bố sẽ sản xuất vaccine không lợi nhuận. Các lô hàng sẽ bắt đầu vận chuyển vào cuối năm 2020.

Thỏa thuận này là hợp đồng đầu tiên được ký kết bởi Liên minh vaccine Châu Âu (IVA), một nhóm được thành lập bởi Pháp, Đức, Ý và Hòa Lan để bảo đảm tất cả quốc gia thành viên có vaccine càng sớm càng tốt. Các vaccine sẽ dành cho tất cả các quốc gia thành viên EU.

Theo một nguồn tin từ Bộ Y tế Ý, 4 quốc gia đã đồng ý thỏa thuận hợp đồng sẽ trả cho toàn bộ chi phí chưa được tiết lộ, và chương trình này cho phép các quốc gia khác tham gia với điều kiện tương tự.

Giám đốc điều hành AstraZeneca, Pascal Soriot cho hay Trung Cộng, Brazil, Nhật Bản và Nga cũng quan tâm đến thỏa thuận này. Cơ quan quản lý dược phẩm và sản phẩm chăm sóc sức khỏe của Anh (MHRA) đã phê duyệt giai đoạn 3 thử nghiệm vaccine sau khi các nghiên cứu cho thấy vaccine đủ hiệu quả và an toàn.

Trước đó công ty đã đồng ý các thỏa thuận sản xuất 2 tỷ liều vaccine cho toàn thế giới, trong đó có nguồn tài trợ từ Bill Gates và thỏa thuận trị giá 1.2 tỷ Mỹ kim với chính phủ Hoa Kỳ. Đến nay thế giới vẫn chưa có loại vaccine hay phương pháp điều trị COVID-19 được phê duyệt. (BBT)

https://www.sbtn.tv/astrazeneca-dong-y-san-xuat-cho-chau-au-400-trieu-lieu-vaccine-covid-19/

 

LHCÂ bắt đầu mở lại biên giới giữa các thành viên và với khối Schengen

Trọng Nghĩa

Kể từ hôm nay, 15/06/2020, Pháp cũng như Đức, Bỉ, Hy Lạp chính thức mở cửa biên giới trở lại cho các nước thành viên trong Liên Hiệp Châu Âu, cũng như với các quốc gia châu Âu ngoài khối nhưng tham gia vào không gian tự do đi lại Schengen như Na Uy, Iceland, Liechtenstein và Thụy Sĩ. Biên giới với các nước ngoài châu Âu vẫn chưa được mở lại.

Quyết định mở cửa trở lại các biên giới, vốn bị đóng trong gần 3 tháng qua do các biện pháp phong toả chống dịch Covid-19 rất được mong đợi để tái lập ngành giao thông trên toàn châu Âu, và nhất là cho phép ngành du lịch hoạt động trở lại trước các kỳ nghỉ hè. Có điều là tiến trình mở lại biên giới giữa các nước không đồng nhất.

Từ Bruxelles, thông tín viên RFI Pierre Benazet giải thích:

Có thể nói là tình hình khá lộn xộn giữa các nước châu Âu, mà Tây Ban Nha là một ví dụ điển hình. Vương quốc này đã làm thí điểm ở vùng quần đảo du lịch  Baléares, nơi đang chờ đón 11.000 du khách Đức kể từ hôm nay.

Thế nhưng Tây Ban Nha chỉ mở cửa biên giới đối với các nước châu Âu kể từ ngày 21/06 tới đây, sớm hơn một chục ngày so với dự trù ban đầu là 01/07. Điều này có thể xem như là lời đáp ứng của Madrid trước yêu cầu của Ủy Ban Châu Âu là mở lại các biên giới bên trong Liên Hiệp Châu Âu.

Tuy nhiên, Tây Ban Nha vẫn đóng cửa biên giới với Bồ Đào Nha bất chấp việc Ủy Ban Châu Âu yêu cầu mở lại toàn bộ các biên giới vào hôm nay 15/06, một đề nghị phải nói là không mang tính bắt buộc.

Thực tế là cho dù Pháp, Áo, Ba Lan hay Bồ Đào Nha đều đã mở lại biên giới vào hôm nay, tình hình vẫn khá lộn xộn.

Có hai quốc gia đã không bao giờ đóng biên giới là Thụy Điển và Luxembourg, một số khác thì đã mở lại cách nay một, hai tuần như Ý và đảo Sýp. Một số khác nữa cũng mở lại biên giới nhưng áp đặt biện pháp cách ly như Lítva hay Ailen.

Sau cùng có những nước vẫn áp đặt những giới hạn nhắm vào một số quốc gia: Đan Mạch chẳng hạn, cho đến cuối hè, chỉ mở cửa cho người ở Iceland, Na Uy và Đức.”

http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200615-lhc%C3%A2-b%C4%83%CC%81t-%C4%91%C3%A2%CC%80u-m%E1%BB%9F-la%CC%A3i-bi%C3%AAn-gi%E1%BB%9Bi-gi%C6%B0%CC%83a-ca%CC%81c-tha%CC%80nh-vi%C3%AAn-va%CC%80-v%C6%A1%CC%81i-kh%C3%B4%CC%81i-schengen

 

Boris Johnson: ‘Đừng viết lại quá khứ’ nước Anh bằng cách dỡ tượng

Thủ tướng Boris Johnson kêu gọi giải quyết nạn phân biệt chủng tộc nhưng phản đối việc gỡ bỏ tượng đài ở Anh trong làn sóng biểu tình ‘Black Lives Matter’.

Ông Boris Johnson lên tiếng rằng Anh Quốc “cần phải làm nhiều hơn nữa để giải quyết nạn phân biệt chủng tộc”, và tuyên bố lập một ủy ban đánh giá mọi góc độ của sự bất công.

Anh Quốc: Phong trào xóa bỏ tượng ‘thực dân’ và chủ nô lệ lên cao

Vụ George Floyd chết: Tại sao biểu tình biến thành bạo động?

Viết bài trên trang Telegraph, ông Johnson nói “những ai quan tâm đến tình hình đất nước đều không thể coi nhẹ các cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc sau vụ người Mỹ da đen George Floyd bị giết.

Dân biểu Quốc hội thuộc đảng Lao động Anh, ông David Lammy (người da đen), nói cần có hành động cụ thể chứ không phải là lúc mở thêm một ủy ban nữa.

Thủ tướng Johnson trong khi đó đã chính thức nói “cần để yên cho các công trình di sản của Anh Quốc”.

Ông không đồng ý với yêu sách mà một nhóm tại Anh nêu ra là hạ chừng 60 tượng đài “có liên quan đến chủ nghĩa thực dân, phân biệt chủng tộc” trong quá khứ.

Danh sách gồm cả Đô đốc Horatio Nelson, tướng Robert Baden-Powell và tượng Mahatma Gandhi ở Leicester cũng bị đòi gỡ đi.

Kiến nghị trái ngược nhau của hai phái

Hiện đang có phong trào chống lại việc dỡ bỏ tượng đài ở Anh.

Hôm Chủ Nhật, nhiều người dân thành phố Leicester đã tụ tập trước tượng Gandhi để thể hiện tinh thần sẵn sàng bảo vệ công trình này.

Trước đó, một kiến nghị đòi dọn tượng Gandhi khỏi vị trí hiện nay đã thu hút trên 6000 chữ ký.

Kiến nghị này nói Gandhi là “kẻ phân biệt chủng tộc, phát-xít và kẻ chuyên tấn công tình dục”.

Được biết cộng đồng gốc Ấn tại Leicester nói họ kiên quyết bảo vệ tượng Gandhi.

Cựu dân biểu Quốc hội Keith Vaz, bản thân là người gốc Ấn, nói ông sẵn sàng đứng ra bảo vệ tượng Gandhi và tượng “sẽ đứng tại điểm hiện nay, không đi đâu hết”.

Ông ca ngợi Mahatma Gandhi là biểu tượng hòa bình, và “không bao giờ tin vào bạo lực, cũng như không bao giờ tin rằng tạo ra đám đông hung dữ là cách để dọn tượng”.

Câu nói của ông Vaz, cựu quan chức Bộ Nội vụ Anh, ám chỉ hành động đám đông ủng hộ người da đen đã kéo đổ tượng nhà buôn nô lệ Edward Colston, vứt xuống nước ở cảng Bristol gần đây.

Dân biểu đại diện cho hạt Leicester East, bà Claudia Webbe gọi kiến nghị đòi dọn tượng Gandhi là “cách gây đánh lạc hướng”.

Cùng thời gian, kiến nghị đòi bỏ tượng nhà sáng lập phong trào hướng đạo quốc tế, Robert Baden-Powell cũng gặp phải phản ứng mạnh.

Ngôi sao truyền hình Anh Bear Grylls nói rằng “cần thừa nhận có những yếu kém, sai lầm của ông Baden-Powell, nhưng cần nhìn nhận ông là một phần của lịch sử của chúng ta”.

“Lịch sử sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu chúng ta không học được từ nó,” anh nói.

Một kiến nghị khác, được trên 40 nghìn chữ ký, yêu cầu chính quyền Bournemouth và Poole bảo vệ tượng ông Baden-Powell ở cảng Poole Harbour.

Những người chỉ trích ông, nói Robert Baden-Powell (1857-1941) nhà văn, trung tướng quân đội Anh ở châu Phi, đã “có quan hệ với Hitler” và “từng có quan điểm kỳ thị màu da”.

Hiện chính quyền địa phương tạm thời đóng hộp gỗ bao bọc tượng ông Baden-Powell ở Poole và một số dân địa phương đã có mặt để sẵn sàng bảo vệ pho tượng.

Nghị sĩ Tobias Ellwood của hạt Bournemouth East đã lên tiếng ủng hộ việc giữ tượng ông Baden-Powell tại chỗ.

Tại Scotland, phong trào vì quyền công bằng của người da đen cũng yêu cầu bỏ tượng Henry Dundas có từ 1823 ở thủ phủ Edinburgh.

Vì pho tượng đứng trên trụ rất cao (46 mét), họ chỉ phun được sơn vào bệ tượng, ghi tên người Mỹ George Floyd.

Ông Henry Dundas từng được cho là ‘vua không ngai’ của Scotland vì có thế lực lớn trong gia đoạn từ thế kỷ 18 sang 19.

Ông đề ra luật xóa bỏ chế độ nô lệ nhưng nói cần xóa dần dần và sau 15 năm luật mới có hiệu lực.

Chính quyền Edinburgh nay nói họ sẽ cho gắn thêm dòng chú thích về ông Dundas liên quan đến chế độ nô lệ nhưng vẫn giữ tượng tại đó.

Hôm cuối tuần qua, tại trung tâm London đã xảy ra xung đột giữa một số nhân vật thiên hữu đòi “bảo vệ tượng đài quốc gia” với cảnh sát và thành viên phong trào “Black Lives Matter”.

Trong cuộc “khẩu chiến vì tượng đài”, lãnh đạo của một tổ chức cực hữu tại Anh, Paul Golding lên án việc để tượng Nelson Mandela.

Ông này nói Mandela “là tên cộng sản khủng bố mà lại có tượng ở đây” và các thành viên của Liên đoàn Vệ quốc Anh (English Defense League) đã đánh nhau với cảnh sát ở quảng trường Nghị viện, London hôm thứ Bảy.

Tại khu vực này, cả ba tượng Winston Churchill, Nelson Mandela và Mahatma Gandhi đều được thành phố London cho bọc lại bằng hộp để bảo vệ.

Sang ngày Chủ Nhật 14/06 khi nhóm ‘Black Lives Matter” bắt đầu biểu tình ở London thì đã có va chạm với phái cực hữu.

Chính quyền Anh đã lên án bạo lực trong các vụ này và thủ tướng Johnson gọi bạo lực của phe cực hữu là “hành vi côn đồ”.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-53050527

 

Cảnh sát Paris tập trung ở Khải Hoàn Môn để phản đối tuyên bố của chính phủ

Tin từ Paris – Hôm thứ Bảy (13 tháng 6), hàng chục xe cảnh sát đã tập trung trước Khải Hoàn Môn ở trung tâm Paris để phản đối chính quyền, vài ngày sau khi chính quyền hứa hẹn không khoan nhượng đối với vấn nạn cảnh sát kỳ thị chủng tộc.

Hãng BFM chiếu cảnh hàng chục chiếc xe cảnh sát đậu trước đài tưởng niệm hú còi hiệu và đèn xanh dương. Vào hôm thứ Sáu (12 tháng 6), cảnh sát Pháp đã diễn hành trong cuộc biểu tình dọc theo xa lộ Champs Elysees của Paris đến Bộ Nội vụ.

Một làn sóng giận dữ đã càn quét khắp thế giới sau cái chết của George Floyd, một người Hoa Kỳ gốc Phi đã chết sau khi bị một cảnh sát da trắng quỳ lên cổ trong gần chín phút trong lúc bị trấn áp hôm 25/05/2020.

Theo các nhóm nhân quyền, cái chết của Floyd dấy lên các cuộc tranh luận trên toàn thế giới về hành vi của cảnh sát và đặc biệt là ở Pháp, nơi có nhiều cáo buộc cho việc cảnh sát Pháp đối xử tàn bạo và kỳ thị chủng tộc đối với những thường dân thường có lý lịch di dân vẫn chưa được giải quyết hoàn tất. Cảnh sát chống bạo động đã bắn hơi cay và buộc tội vào những người biểu tình bạo lực, trong một cuộc biểu tình chống kỳ thị chủng tộc ở trung tâm Paris hôm thứ Bảy (13 tháng 6). (BBT)

https://www.sbtn.tv/canh-sat-paris-tap-trung-o-khai-hoan-mon-de-phan-doi-tuyen-bo-cua-chinh-phu/

 

TT Macron: Nước Pháp giành thắng lợi đầu tiên trong cuộc chiến chống Covid-19

Thanh Hà

Hôm qua, 14/06/2020, tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu trên truyền hình với ba thông điệp chính: cuộc chiến chống virus corona đã thu được những thắng lợi đầu tiên, đã đến lúc hướng tới kế hoạch tái thiết đất nước và chính phủ sẽ không dung thứ cho các hành vi kỳ thị trên đất Pháp.

Đây là lần thứ tư từ đầu mùa dịch Covid-19 mà tổng thống Emmanuel Macron long trọng phát biểu trước quốc dân. Có ba điểm nổi bật trong diễn văn tối qua của nguyên thủ Pháp.

Thứ nhất về tình hình y tế, ông cho rằng đã đến lúc đẩy mạnh các biện pháp dỡ bỏ phong tỏa. Ngoại trừ hai vùng hải ngoại là Guyane và Mayotte, phần còn lại của nước Pháp được xếp vào diện “vùng xanh” tức là có tỷ lệ lây nhiễm thấp. Nhờ vậy kể từ ngày 15/06/2020 tất cả các nhà hàng, quán cà phê trên toàn quốc được mở cửa trở lại. Các viện dưỡng lão có thể cho phép thân nhân vào thăm cha mẹ già như trước khi đại dịch bùng phát, cho dù các biện pháp bảo đảm vệ sinh y tế và giãn cách xã hội vẫn được áp dụng.

Kể từ Thứ Hai 22/06/2020 tất cả các học sinh từ ở nhà trẻ, mẫu giáo, tiểu học và trung học bắt buộc quay trở lại trường lớp. Các điệu kiện giãn cách xã hội trong trường, lớp được nới lỏng.

Cuộc bầu cử địa phương vòng 2 sẽ diễn ra vào ngày 28/06/2020 như đã thông báo. Chính phủ sẽ chuẩn bị một loạt các biện pháp cải tổ, trao thêm quyền cho các chính quyền địa phương.

Về tái thiết kinh tế sau đại dịch, Paris đã chi ra 500 tỷ euro khắc phục hậu quả nhất thời Covid-19 gây nên, nhưng tổng thống Pháp trấn an người dân là trước mắt chính phủ sẽ không tăng thuế, ít nhất là trong hai năm sắp tới. Tuy nhiên Pháp không tránh khỏi “khủng hoảng kinh tế” do vậy tổng thống Macron đề xuất một kế hoạch tái thiết với trọng tâm thúc đẩy kinh tế, phát triển về môi trường và đẩy mạnh liên đới trong xã hội.

Sau cùng, đề tài nóng bỏng hiện nay là nạn bạo lực cảnh sát và kỳ thị chủng tộc, về điểm này tổng thống Macron tuyên bố hoàn toàn tin tưởng và các lực lượng cảnh sát và hiến binh đồng thời cam kết nước Pháp sẽ không nhân nhượng trước mọi hành vi “kỳ thị hay phân biệt đối xử” vì màu da, vì tôn giáo … Dù vậy, đấu tranh vì bình đẳng xã hội không thể căn cứ trên những nhận định sai lệch về quá khứ và cũng không thể là đề tài gây chia rẽ giữa các cộng đồng trên đất Pháp.

Giới phân tích cho rằng, tổng thống Macron tối qua phác họa lộ trình cho hai năm cuối nhiệm kỳ.

Đại dịch đã thuộc về quá khứ

Dịch Covid-19 tại Pháp đã giảm mạnh cường độ. Tổng Cục Y Tế  ngày 14/06/2020 lần đầu tiên thông báo số người thiệt mạng trong 24 giờ qua được giữ ở dưới ngưỡng 10 người. Sáng nay bộ trưởng Y Tế Olivier Véran phấn khởi tuyên bố “phần lớn của đại dịch đã ở sau lưng chúng ta” cho dù virus corona chưa bị “tiêu diệt”. Trọng tâm của chính phủ giờ đây là “tập trung vào công tác giám sát các ổ dịch trên toàn quốc để kiểm soát đà lây lan”.

http://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A1p/20200615-tt-macron-n%C6%B0%E1%BB%9Bc-ph%C3%A1p-gi%C3%A0nh-th%E1%BA%AFng-l%E1%BB%A3i-%C4%91%E1%BA%A7u-ti%C3%AAn-trong-cu%E1%BB%99c-chi%E1%BA%BFn-ch%E1%BB%91ng-covid-19

 

Hậu Covid-19: Paris biến các công viên thành sân khấu mùa hè

Tuấn Thảo

Không phải chỉ có các vườn cây xanh tại thủ đô Pháp, mà ngay cả các quảng trường hay là khuôn viên của các trung tâm văn hóa đều sẽ được ‘‘trưng dụng’’ vào mùa hè năm 2020 để làm sân khấu ngoài trời. Được đặt tên là “Le mois d’Août de la Culture” Tháng tám, Tháng Văn hóa, chương trình sinh hoạt này sẽ diễn ra trong bối cảnh các quy định giãn cách xã hội vẫn được áp dụng.

Tuy mang tên là ‘‘Tháng Văn hóa’’ nhưng thật ra chương trình kéo dài trong 7 tuần lễ liên tục thay vì 4 tuần, từ ngày 25/07 đến ngày 15/09/2020 và mục đích là tạo ra những không gian an toàn cho khán giả cũng như giúp cho giới nghệ sĩ ở vùng Ile-de-France (tức là Paris và các vùng phụ cận) có thêm cơ hội biểu diễn, vào lúc các nhà hát, các hội trường hay trung tâm văn hóa tuy đã được phép mở lại, nhưng vẫn chưa tìm lại được nếp sinh hoạt bình thường.

Hàng năm, thủ đô Pháp vẫn thường có chương trình sinh hoạt trong suốt tháng 7, mang tên là ‘‘Paris l’Été’’ Paris mùa hè (tiền thân là ‘‘Paris Quartier d’Été’’ Paris góc phố mùa hạ). Chương trình này thu hút khoảng 60.000 lượt khán giả. Thế nhưng, sau Ngày Hội Âm nhạc 21/06/2020, đến phiên chương trình‘‘Paris l’Été’’ năm nay cũng bị rút gọn lại, chỉ diễn ra trong một tuần thay vì kéo dài một tháng, và các sinh hoạt cũng chủ yếu diễn ra ở ngoài trời.

Trong bối cảnh đó, để chuẩn bị kịp thời cho Tháng Văn hóa, thủ đô Paris muốn gợi hứng từ mô hình hoạt động của liên hoan kịch và nghệ thuật sân khấu Avignon, nơi mà hàng năm, số lượng nghệ sĩ và tác phẩm được biểu diễn cao hơn nhiều so với các sân khấu của thành phố này, cho nên cả trung tâm đô thị Avignon vào mỗi mùa hè lại biến thành một sân khấu lộ thiên khổng lồ, các tiết mục biểu diễn được tổ chức hầu như ở khắp nơi, trên từng góc phố.

Mùa hè năm nay, thủ đô Paris hẳn chắc sẽ không biến thành trung tâm của nghệ thuật đường phố, nhưng ít ra tất cả các khu vực ‘‘công cộng’’ sẽ được tận dụng tối đa, để thay thế phần nào cho các nhà hát, hội trường hay tất cả các sân khấu có mái che hoặc là ở trong một không gian khép kín. Với mục tiêu nối lại từng bước với đời sống văn hóa, thành phố Paris đã kêu gọi giới nghệ sĩ đăng ký tham gia biểu diễn vào mùa hè năm 2020 tại các địa điểm như công viên Luxembourg, Missouri hay Monceau, vườn bách thảo Jardin des Plantes, vườnTuileries hay khu vực bờ hồ bên rừng Vincennes …

Bên cạnh đó, các quảng trường trước mặt Tòa đô chính, mặt tiền Trung tâm văn hóa Pompidou hay là khuôn viên của Parc de laVillette, sân cỏ đối diện với công viên Jardin d’Acclimatation, hầu như tất cả các khoảng trống này, thường ngày dành cho khách bộ hành, vào mùa hè năm nay có thể được rào lại để sắp đặt thành những chỗ ngồi sao cho hợp với các quy tắc an toàn.

Một giải pháp khác nữa có thể trấn an người tham dự, dù họ là dân thủ đô hay là khách đến từ những nơi khác, đó là biến sân chơi của các trường học còn đóng cửa trong suốt mùa hè thành những không gian nho nhỏ, thích hợp với các sinh hoạt như chiếu phim ngoài trời, các lớp khiêu vũ, trò chơi xã hội dành cho gia đình hay là các chương trình giải trí dành cho thiếu nhi.

Chương trình sinh hoạt ‘‘Tháng tám, Tháng Văn hóa’’ bổ túc cho ‘‘Paris mùa hè’’ và có phần đa đạng hơn vì quy tụ rất nhiều bộ môn nghệ thuật như múa rối, kịch câm, trò xiếc, ảo thuật, khiêu vũ, hòa tấu, ca nhạc, chiếu phim, nghệ thuật đường phố, thậm chí giới thiệu di sản kiến trúc bằng nghệ thuật ánh sáng hay là thông qua video mapping Hầu hết các buổi biểu diễn ở đây đều miễn phí và được lên lịch xen kẽ nhiều lần, để cho khán giả có cơ hội được xem.

‘‘Paris, hội hè miên man’’ như câu nói bất hủ của văn hào người Mỹ Hemingway ? Hiện vẫn còn quá sớm để dự đoán thời điểm khôi phục lại toàn bộ các nếp sống sinh hoạt tại Pháp. Ngay cả những người lạc quan nhất trong giới chuyên ngành văn hóa cũng rất thận trọng trong việc mở lại các bảo tàng, nhà hát, cơ sở tham quan hay tụ điểm giải trí, chừng nào vẫn chưa có thuốc ngừa. Thủ đô Pháp từng bước nối lại với đời sống văn hóa, cho dù con đường trước mắt có thể còn rất dài, từng bước đầu nào cũng lắm chông gai.

http://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A1p/20200615-h%E1%BA%ADu-covid-19-paris-bi%E1%BA%BFn-c%C3%A1c-c%C3%B4ng-vi%C3%AAn-th%C3%A0nh-s%C3%A2n-kh%E1%BA%A5u-m%C3%B9a-h%C3%A8

 

Dân Đức dung hòa các cuộc biểu tình và khoảng cách an toàn chống Covid-19

Thanh Hà

Phong trào đấu tranh vì một xã hội công bằng hơn tại Đức dung hòa được hai mục tiêu : tham gia tuần hành và giữ khoảng cách an toàn chống lây nhiễm virus corona. Hôm 14/06/2020 hàng ngàn người dân ở thủ đô Berlin và nhiều thành phố lớn tại Đức hưởng ứng kêu gọi của phong trào Unteilbar – tạm dịch là không thể chia cắt.

Đoàn tuần hành không quên là cuộc đấu tranh đang diễn ra trong mùa Covid-19 và tại Đức số ca lây nhiễm mới vẫn tăng lên hơn hàng trăm người một ngày.

Thông tín viên Nathalie Versieux cho biết thêm về sáng kiến của ban tổ chức :

“Khoảng 20.000 người nối vòng tay nhau thành một chuỗi nhưng giữa hai người là một dải băng màu xanh dương hay màu cam …Họ tuần hành vì một xã hội tương ái hơn. Chuỗi người trải dài trên 9 cây số từ cổng thành Brandebourg cho đến khu phố bình dân Neuköln, đi xuyên qua tháp truyền hình trên quảng trường Alexander. Phong trào Unteilbar- có nghĩa là không thể chia cắt, lấy nguồn cảm hứng từ Black Lives Matter và phong trào đấu tranh vì môi trường vào thứ Sáu hàng tuần Friday for Future – Thứ Sáu vì tương lai.

Tuy nhiên số này cũng lo lắng về những tác động về mặt xã hội khủng hoảng y tế đem lại. Đối với phong trào Unteilbar, cuộc biểu dương hôm qua nhằm gia tăng sức ép đối với chính quyền vào thời điểm chính phủ Đức chuẩn bị quyết định về các biện pháp hỗ trợ cho những thành phần sẽ phải hứng chịu những hậu quả về kinh tế, xã hội nghiêm trọng nhất trong những tháng sắp tới mà nước Đức chưa từng trải qua kể từ sau Thế Chiến Thứ Hai.

Trong số những người tham gia cuộc tuần hành, có nhiều vị dân cử, giới nghệ sĩ  … Tất cả đều mang khẩu trang và tôn trọng khoảng cách 3 mét giữa những người tham gia. Ban tổ chức huy động người để giám sát các biện pháp về y tế phải được tôn trọng. Nhiều cuộc tuần hành tương tự cũng đã diễn ra hôm qua ở các thành phố như Leipzig và Hambourg”.

http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200615-d%C3%A2n-%C4%91%E1%BB%A9c-dung-h%C3%B2a-c%C3%A1c-cu%E1%BB%99c-bi%E1%BB%83u-t%C3%ACnh-v%C3%A0-kho%E1%BA%A3ng-c%C3%A1ch-an-to%C3%A0n-ch%E1%BB%91ng-covid-19

 

SIPRI: Các cường quốc hạt nhân tiếp tục hiện đại hóa kho vũ khí

Trọng Nghĩa

Theo một báo cáo của Viện Nghiên Cứu Hòa Bình Quốc Tế Stockholm SIPRI tại Thụy Điển, công bố hôm nay 15/06/2020, các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân tiếp tục hiện đại hóa kho vũ khí của mình. SIPRI đã lên tiếng cảnh báo trước viễn cảnh “u ám” của việc kiểm soát vũ khí nguyên tử.

Giám đốc chương trình kiểm soát vũ khí hạt nhân tại Viện SIPRI ông Shannon Kile, đồng tác giả bản báo cáo, báo động về việc Nga và Mỹ đã dừng đối thoại trong bối cảnh hai nước này chiếm đến hơn 90% kho vũ khí nguyên tử của thế giới. Điều này có nguy cơ dẫn đến “một cuộc chạy đua mới về vũ khí nguyên tử”.

Chuyên gia Kile nói đến tương lai của hiệp ước Mỹ-Nga New Start, đúc kết năm 2010 và sẽ hết hiệu lực vào đầu năm 2021. Đây là hiệp ước hạt nhân cuối cùng giữa hai cường quốc, nhằm mục tiêu duy trì kho vũ khí của hai bên dưới mức thời kỳ chiến tranh lạnh.

Các chuyên gia của SIPRI cũng ghi nhận rằng “các cuộc thảo luận nhằm gia hạn hiệp ước New Start đã không có tiến triển trong năm 2019”. Trong khi đó các cường quốc hạt nhân tiếp tục hiện đại hóa kho vũ khí của mình, còn Trung Quốc và Ấn Độ thì gia tăng số lượng vũ khí hiện có.

Trung Quốc, theo các chuyên gia này, lần đầu tiên phát triển “bộ ba hạt nhân”, gồm những loai tên lửa mới có thể mang đầu đạn hạt nhân, bắn đi từ đất liền, từ trên biển và từ phi cơ.

Điều đáng ngại, theo SIPRI, là cho đến nay Trung Quốc vẫn từ chối lời mời của Mỹ tham gia vào các cuộc đàm phán về giới hạn cuộc chạy đua vũ khí.

Trong toàn cảnh đáng lo ngại kể trên, theo bản báo cáo của SIPRI, số lượng đầu đạn hạt nhân trên thế giới đã giảm nhẹ trong năm qua.

Tính đến đầu năm 2020, Hoa Kỳ, Nga, Anh Quốc, Pháp, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Israel, BắcTriều Tiên nắm giữ 13.400 vũ khí hạt nhân, tức ít hơn gần 500 so với đầu năm 2019.

Mức giảm trong những năm gần đây chủ yếu đến từ Mỹ và Nga. Nếu tương lai của hiệp ước New Start hiện nay vẫn mờ mịt, hai bên vẫn giữ những cam kết ghi trong hiệp ước.

Viện SIPRI khẳng định “lực lượng hai bên vẫn ở dưới mức giới hạn nêu trong hiệp ước”. Nhưng hai quốc gia này “đang có những chương trình lớn và tốn kém để thay thế và hiện đại hóa đầu đạn hạt nhân, hệ thống hỏa tiễn, máy bay mang vũ khí nguyên tử và các cơ sở sản xuất”.

Năm nay 2020, Hiệp Ước Không Phổ Biến Hạt Nhân (TNP) mừng sinh nhật thứ 50. Số lượng vũ khí nguyên tử đã giảm sụt nhiều từ đỉnh cao những năm 1980, từng lên đến 70.000 đơn vị. Tháng Ba vừa qua, Washington, Bắc Kinh, Matxcơva, Paris, Luân Đôn – 5 thành viên thường trực Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đều khẳng định sự “gắn bó” với hiệp ước này.

http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200615-sipri-ca%CC%81c-c%C6%B0%C6%A1%CC%80ng-qu%C3%B4%CC%81c-h%E1%BA%A1t-nh%C3%A2n-ti%E1%BA%BFp-t%E1%BB%A5c-hi%E1%BB%87n-%C4%91%E1%BA%A1i-h%C3%B3a-kho-vu%CC%83-khi%CC%81

 

Cộng hòa Séc biểu tình quy mô lớn, phản đối chính phủ quá thân mật với Bắc Kinh

Ngày 9/6, hàng ngàn người dân ở thủ đô Prague của Cộng hòa Séc đã xuống đường biểu tình phản đối chính phủ tham nhũng, vi phạm quyền dân chủ và quá thân mật với Bắc Kinh trong bối cảnh dịch bệnh. Người biểu tình đã yêu cầu thủ tướng Andrej Babiš từ chức, theo NTDTV.

Tối ngày 9/6 có 1500 đến 3000 người đã tập trung tại quảng trường Old Town Square ở thủ đô Prague, bày tỏ sự bất mãn sâu sắc với thủ tướng Andrej Babiš và liên minh cầm quyền mà họ cho là tham nhũng, hủ bại. Họ cũng lên án biện pháp chống dịch Covid-19 yếu kém của chính phủ cũng như duy trì mối quan hệ thân mật quá mức với Bắc Kinh.

Một số người biểu tình bày tỏ sự bất mãn với hành động của chính quyền Thủ tướng Andrej Babiš trong cuộc khủng hoảng dịch bệnh lần này. “Tôi đang may khẩu trang từ quần áo [để ủng hộ], nhưng chính phủ lại không biết cảm ơn, ngược lại họ còn mua khẩu trang từ Trung Quốc với giá ngất ngưởng, điều này quả thật không cần thiết”, Cheikova, một sinh viên 22 tuổi cho biết.

Một trong những lập luận phản đối chính phủ được người biểu tình đưa ra là vào thời điểm đầu đại dịch, chính phủ đã làm một việc vô nghĩa: mua khẩu trang từ Trung Quốc với giá cao. Cố vấn thương mại Nhà Trắng Peter Navarro hồi tháng 4 cũng cho biết chính quyền Trung Quốc cũng đã thu gom ồ ạt vật tư y tế toàn cầu để bán lại với giá cao nhằm trục lợi.

Những người biểu tình đã đeo khẩu trang và mang quốc kỳ Séc, yêu cầu thủ tướng Andrej Babiš từ chức.

Những người biểu tình cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với thượng nghị sĩ Miloš Vystrčil khi ông tuyên bố sắp có chuyến thăm Đài Loan nhằm cảm ơn Đài Loan vì đã viện trợ vật tư y tế chống dịch cho Séc.

Ông Miloš Vystrčil cho biết, Trung Quốc đã nhiều lần có động thái ngăn cản ông và cựu thượng nghị sĩ Jaroslav Kubera đến thăm Đài Loan, điều này càng củng cố ý muốn ghé thăm Đài Loan của ông. Ông nhấn mạnh, trước khi kết thúc nhiệm kỳ, ông sẽ dẫn đầu phái đoàn Séc chính thức viếng thăm Đài Loan trong cương vị thượng nghị sĩ.

Ông Miloš Vystrčil cũng thẳng thắn bày tỏ, lần viếng thăm này có thể sẽ gây tổn hại kinh tế cho các công ty Séc đang hoạt động tại Trung Quốc, nhưng đồng thời ông cũng nhấn mạnh, Cộng hòa Séc cũng có những giá trị vô hình nhưng rất trân quý như tự do và dân chủ, do đó ông dự định sẽ tận dụng chuyến thăm này để học hỏi thêm từ Đài Loan về vấn đề này.

Theo một cuộc thăm dò do Czech Radio công bố vào tháng 2, có tới 2/3 người dân Séc nói rằng ngay cả khi Trung Quốc phản đối, họ vẫn ủng hộ việc tăng cường mối quan hệ sâu sắc với Đài Loan. Thượng

viện Séc cũng đã thông qua một nghị quyết với tỷ lệ bỏ phiếu áp đảo 50: 1 vào tháng trước để ủng hộ chuyến thăm của ông Miloš Vystrčil tới Đài Loan.

Nếu chuyến viếng thăm thành công, ông Miloš Vystrčil sẽ trở thành quan chức cấp cao nhất của Séc đến thăm Đài Loan trong lịch sử, và chuyến thăm này sẽ mang một ý nghĩa biểu tượng nhất định cho mối quan hệ giữa Đài Loan và Séc.

Filip Jirouš, một nhà nghiên cứu của Sinopsis và cũng là một nhà tư tưởng người Séc, đã phân tích trong một cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn trung ương rằng Đài Loan đã chiến đấu thành công với dịch virus corona và quyên tặng vật tư y tế cho Séc, và các quốc gia khác cũng có ấn tượng rất tích cực với Đài Loan.

Vào thời điểm này, Trung Quốc đã gây áp lực buộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) không cho Đài Loan tham gia cuộc họp của Hội Đồng Y Tế Thế Giới để chia sẻ kinh nghiệm chống dịch thành công, điều này ngược lại đã khiến cộng đồng quốc tế nhận thấy tác động tiêu cực của Trung Quốc đối với các tổ chức quốc tế, và nhấn mạnh vai trò tích cực của Đài Loan.

Ông Filip Jirouš chỉ ra rằng do sự chậm trễ trong việc thực hiện các cam kết đầu tư của Trung Quốc và sự thù địch của các nhà ngoại giao Trung Quốc đối với Séc, những năm gần đây, chính sách của Séc đối với Trung Quốc đã thay đổi. Ngược lại, quan hệ giữa Séc và Đài Loan tiếp tục được cải thiện, và chuyến thăm của Miloš Vystrčil đến Đài Loan cũng sẽ góp phần thúc đẩy quan hệ giữa Cộng hòa Séc và Đài Loan lên một tầm cao mới.

http://biendong.net/doc-bao-viet/35273-cong-hoa-sec-bieu-tinh-quy-mo-lon-phan-doi-chinh-phu-qua-than-mat-voi-bac-kinh.html

 

Nga kết án cựu binh Hoa Kỳ 16 năm tù về tội gián điệp

Hôm 15/06, một tòa án Nga kết án cựu thủy quân lục chiến Hoa Kỳ Paul Whelan 16 năm tù về tội làm gián điệp cho Washington, một động thái mà đại sứ Hoa Kỳ tại Moscow gọi là vi phạm nhân quyền, và làm tổn hại đến mối quan hệ song phương, theo Reuters.

Ông Whelan, mang quốc tịch Hoa Kỳ, Anh, Canada và Ireland, bị Cơ quan An ninh Liên bang Nga bắt giữ tại một phòng khách sạn ở Moscow vào ngày 28/12/2018 khi ông chuẩn bị tham dự một tiệc cưới.

Nga cho biết ông Whelan, 50 tuổi, bị bắt khi mang theo một ổ đĩa máy tính có chứa thông tin mật. Ông Whelan, không nhận tội, nói rằng ông bị gài trong một âm mưu bí mật và nghĩ rằng ổ đĩa trên, được một người quen Nga trao cho ông, chỉ có chứa hình ảnh về kỳ nghỉ.

“Đây chỉ là một màn kịch chính trị,” ông Whelan nói. Ông theo dõi quá trình xét xử từ một khung kính bên trong phòng xử án của thành phố Moscow.

Ông nói với thẩm phán rằng ông không hiểu bản cáo trạng vì các thủ tục tố tụng được tiến hành bằng tiếng Nga mà không có phiên dịch.

Ông Vladimir Zherebenkov, luật sư của ông Whelan, nói rằng thân chủ ông sẽ kháng cáo, đặt nghi vấn về tính độc lập của tòa án trong phiên tòa, theo thông cáo của gia đình ông Whelan.

Luật sư cho biết sau phán quyết rằng thân chủ của ông đã được thông báo rằng ông sẽ là một phần của một cuộc trao đổi tù nhân với một công dân Nga đang bị giam giữ tại Hoa Kỳ, điều mà Bộ Ngoại giao Nga cho biết đã đề xuất nhiều lần.

Ông John Sullivan, Đại sứ Hoa Kỳ tại Nga, nói với các phóng viên rằng không có bằng chứng nào được đưa ra để chứng minh cho hành vi phạm tội của ông Whelan, và yêu cầu trả phải tự do cho ông Whelan ngay lập tức, vẫn theo Reuters.

Hãng tin Nga Interfax dẫn lời Đại sứ Sullivan cho biết hôm 15/06 rằng việc Nga kết án ông Whelan 16 năm tù vì tội gián điệp sẽ làm tổn hại mối quan hệ giữa Moscow và Washington.

https://www.voatiengviet.com/a/nga-ket-an-cuu-binh-hoa-ky-16-nam-tu-ve-toi-gian-diep/5463216.html

 

Triều Tiên chỉ trích Hàn Quốc “không đủ tư cách” tham gia đàm phán hạt nhân

Triều Tiên bác bỏ mạnh mẽ những tuyên bố mà nước này cho là “vô nghĩa” của Hàn Quốc về các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa đang bị đình trệ.

Hãng thông tấn chính thức Triều Tiên (KCNA) dẫn lời Vụ trưởng Vụ các vấn đề về Mỹ thuộc Bộ Ngoại giao Triều Tiên Kwon Jong-gun cho rằng, Hàn Quốc không có đủ tư cách để thảo luận và không có đủ vị thế để can dự vào các vấn đề giữa Triều Tiên và Mỹ, chứ chưa bàn tới các vấn đề hạt nhân.

Theo quan chức này, Hàn quốc đang “diễn giải vấn đề phi hạt nhân hóa theo cách của mình”. Trên thực tế, đối thoại Mỹ – Triều bế tắc và phi hạt nhân hóa đổ vỡ không phải vì thiếu trung gian, mà do “các điều kiện không thỏa mãn để phi hạt nhân hóa”. Vì thế, tốt hơn hết là nên dừng đối thoại vô nghĩa về phi hạt nhân hóa.

Tuyên bố mới nhất này của phía Triều Tiên là nhằm đáp lại phát biểu của một quan chức Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết nước này sẽ tiếp tục thúc đẩy nối lại các cuộc đàm phán Mỹ – Triều và quan hệ liên Triều, đồng thời kêu gọi các bên sớm hoàn tất tiến trình phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên

http://biendong.net/bi-n-nong/32-sukien/35267-trieu-tien-chi-trich-han-quoc-khong-du-tu-cach-tham-gia-dam-phan-hat-nhan.html

 

‘Tôi không muốn con tôi sống ở nơi không có tương lai’, nhiều người Hồng Kông quyết định không sinh con

Băng Thanh

“Mong muốn có con của tôi chắc chắn đã giảm xuống dưới không. Tôi không thể nhìn thấy một lối thoát cho Hồng Kông và tôi không muốn các con tôi sống ở một nơi không có tương lai”.

Đó là chia sẻ của cô Victoria Cheung, 29 tuổi, trợ lý giám đốc tiếp thị. Cô không muốn có con không phải vì cô muốn dành thời gian cho sự nghiệp, mà vì cô đã tận mắt chứng kiến Hồng Kông không còn như trước đây nữa.

Giờ đây, khi Trung Quốc bỏ qua quy trình lập pháp của Hồng Kông để thực thi luật an ninh quốc gia, luật cho phép Bắc Kinh bỏ tù bất cứ ai mà họ coi là mối đe dọa đối với an ninh của Trung Quốc, Cheung đã mất hết hy vọng về một tương lai tốt hơn. Chia sẻ với HKFP – trang tin có trụ sở tại Hồng Kông, Cheung nói rằng cô không muốn nhìn thấy những đứa con phải sống trong một xã hội như vậy.

“Mỗi ly đất ở Hồng Kông đang mất dần nét đặc trưng về văn hóa và con người của nó”, cô cho biết. “Bạn phản đối, bạn bị bắt, bạn bị đánh, và bạn bị giết, nhưng vẫn không có gì thay đổi”.

Với ngày càng nhiều người Trung Quốc đại lục chuyển đến Hồng Kông và ngày càng nhiều doanh nhân với lập trường ‘thân’ Bắc Kinh nắm giữ các vị trí quan trọng ở thành phố, Cheung lo lắng cho tương lai hệ thống giáo dục ở Hồng Kông, với những đứa trẻ được dạy theo kiểu nhồi nhét, không được phát triển tư duy tự do, không được dạy để suy nghĩ chín chắn – một trong những đặc điểm mà người Hồng Kông coi trọng nhất ở một người.

“Sự tự do và độc lập của Hồng Kông đang bị xói mòn nhanh chóng. Bất ổn xã hội và các cuộc biểu tình đã trở thành một điều cấm kỵ trong nhiều trường học, và sinh viên đang bị trừng phạt vì phản đối, bày tỏ ý kiến ​​hoặc đình công”, Cheung cho biết. “Bọn trẻ có thể bị tẩy não và cuối cùng mất tinh thần đấu tranh của người Hồng Kông. Nếu điều đó xảy ra, nó sẽ là kết thúc cho Hồng Kông”.

Billy Wong, một công chức 32 tuổi cho biết, có con sẽ không là một phần trong kế hoạch tương lai của anh.

“Tự do và dân chủ của chúng ta đã âm thầm xấu đi trong hơn hai thập niên và Hồng Kông đang dần biến thành Trung Quốc”, Wong cho biết. “Đây là một trong những lý do chính khiến nhiều người như tôi, không muốn có con”.

“Hồng Kông đem đến tương lai rất không chắc chắn và thê lương cho những đứa trẻ ở đây. Tôi cảm thấy rất vô vọng về việc chúng tôi sẽ nhận được quyền bầu cử phổ thông và chúng tôi sẽ có được quyền tự do của mình. Đây không phải là một xã hội lành mạnh để một đứa trẻ lớn lên”, Wong nói.

Một cuộc khảo sát vào năm 2018 được thực hiện bởi nhóm Ý tưởng thanh niên, nhóm thuộc Liên đoàn Thanh niên Hồng Kông – tổ chức phi lợi nhuận lớn nhất Hồng Kông cho thấy, cứ 10 người Hồng Kông trong độ tuổi từ 20 đến 39 thì có 2 người không muốn có con, với lý do về chi phí nuôi dạy con cái, trách nhiệm nuôi dạy và khả năng chi trả nhà ở.

Mặc dù cuộc khảo sát không thống kê lý do về môi trường chính trị ở Hồng Kông là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc nhiều người Hồng Kông không muốn sinh con, nhưng đã lưu lại ý kiến của một người tham gia cuộc khảo sát: “Tôi không nghĩ rằng tôi sẽ có con vì tương lai của Hồng Kông

không sáng sủa, đặc biệt là khía cạnh về chính trị và xã hội. Tôi nghĩ rằng chính trị và tự do của chúng ta sẽ xấu đi, và nếu tôi có con, điều đó sẽ tương đương với sự tra tấn”.

Một nghiên cứu tương tự được thực hiện 5 năm một lần bởi Hiệp hội Kế hoạch hóa Gia đình Hồng Kông, gần đây nhất là vào năm 2017, cho thấy khoảng một phần tư số người được hỏi cho rằng môi trường xã hội tại thời điểm đó không phù hợp để nuôi dạy trẻ em. 72 phần trăm phụ nữ chưa có con được hỏi nói rằng, chất lượng giáo dục được nâng cao sẽ khuyến khích họ sinh con trong tương lai.

Cặp vợ chồng, Ann Cheung và Ingram Leung, nói với HKFP rằng, họ đã di cư sang Úc vì họ lo lắng bốn đứa con của họ sẽ không nhận được một nền giáo dục tốt, một nền giáo dục không thiên vị ở Hồng Kông.

Ann, một cựu giáo viên cho biết: “Chúng tôi thực sự không muốn những đứa con của chúng tôi lớn lên dưới sự cai trị của Trung Quốc”.

“Ở Hồng Kông, những đứa con của tôi sẽ lớn lên trong tình thế tiến thoái lưỡng nan. Chúng yêu Hồng Kông và có khát vọng muốn thay đổi nó tốt hơn. Tuy nhiên, chúng sẽ trưởng thành với cảm giác bất lực và không còn hy vọng”, Ann cho biết.

Đối với Victoria Cheung, nếu một ngày nào đó cô có đủ khả năng để cho con du học châu Âu hoặc Hồng Kông trở nên tự do và yên bình, cô sẽ xem xét lại quyết định sinh con của mình. Khi được hỏi về việc liệu Hồng Kông trong tương lai có trở nên tự do và yên bình hay không, Cheung trả lời rằng, đó là khi chính quyền ở Bắc Kinh sụp đổ.

Theo HKFP

Băng Thanh dịch và biên tập

https://www.dkn.tv/the-gioi/toi-khong-muon-con-toi-song-o-noi-khong-co-tuong-lai-nhieu-nguoi-hong-kong-quyet-dinh-khong-sinh-con.html

 

Biển Đông: TQ phản ứng trước ba nhóm mẫu hạm Mỹ

Lần đầu tiên kể từ ba năm qua, Hải quân Hoa Kỳ triển khai cùng lúc các nhóm hàng không mẫu hạm ở Thái Bình Dương.

Hôm thứ Năm tuần trước, ba mẫu hạm sử dụng năng lượng hạt nhân cùng nhóm các tàu tuần dương hạm và khu trục hạm hộ tống đã đi vào vùng biển được đánh giá là nhạy cảm chiến lược đối với Trung Quốc đại lục.

Biển Đông: Hoa Kỳ quyết can dự mạnh mẽ hơn, ủng hộ Asean trước Trung Quốc?

Mỹ đưa tàu hải quân vào Biển Đông để ‘hỗ trợ tự do hàng hải’

Virus corona: Thuyền trưởng tàu sân bay Mỹ bị sa thải vì cảnh báo về virus

Các tàu USS Ronald Reagan và USS Theodore Roosevelt đang tuần tra ở vùng Tây Thái Bình Dương, còn tàu USS Nimitz hoạt động ở vùng phía Đông, theo nội dung thông cáo báo chí của Hải quân Hoa Kỳ.

Ngay lập tức, Bắc Kinh phản ứng mạnh mẽ.

Truyền thông Trung Quốc nói nước này sẽ không lui bước trong việc bảo vệ các lợi ích của mình ở khu vực.

Hoàn cầu Thời báo hôm Chủ Nhật 14/6 nói việc Mỹ triển khai ba cụm tàu hùng hậu vào vùng biển gần Trung Quốc được hiểu theo nghĩa nhằm đưa ra lời cảnh cáo cho Trung Quốc.

Báo này dẫn lời các chuyên gia quân sự, theo đó đánh giá rằng điều này cho thấy Mỹ đang thể hiện ý định giành quyền bá chủ về chính trị trong khu vực, và rằng Trung Quốc có thể sẽ ứng phó bằng việc tổ chức tập trận cũng như thể hiện khả năng và lòng quyết tâm trong việc bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ.

Tàu sân bay USS Ronald Reagan vào Manila, Philippines

Dịch chuyển trên cho thấy Hoa Kỳ “có thể vào Biển Hoa Nam (cách Trung Quốc gọi Biển Đông) và đe dọa quân lính Trung Quốc trên các quần đảo Tây Sa và Nam Sa (tức Hoàng Sa và Trường Sa, theo cách gọi của Việt Nam)”, Hoàn cầu Thời báo dẫn lời Lý Kiệt (Li Jie), chuyên gia hải quân từ Bắc Kinh, nói.

Hiện Hoa Kỳ để tổng số bảy hàng không mẫu hạm ở Thái Bình Dương. Bốn chiếc khác đang nằm cảng để bảo dưỡng, theo tường thuật của CNN.

Việc triển khai tàu diễn ra vào thời điểm đang có căng thẳng gia tăng giữa Washington và Bắc Kinh quanh chuyện quan hệ thương mại song phương và các vấn đề liên quan đến Biển Đông, Đài Loan và Hong Kong.

Hồi tuần trước, một trực thăng vận tải của Hải quân Hoa Kỳ bay qua bầu trời Đài Loan tới Thái Lan, thực hiện một chuyến bay mà Mỹ gọi là phục vụ hậu cần.

Bắc Kinh gọi chuyến bay đó là “hành động bất hợp pháp và khiêu khích nghiêm trọng”, theo Tân Hoa Xã.

“Việc bay qua không phận đó làm xói mòn chủ quyền, an ninh và các quyền lợi của Trung Quốc, và vi phạm luật quốc tế cùng các quy tắc căn bản trong quan hệ quốc tế,” Tân Hoa Xã dẫn lời Chu Phượng Liên (Zhu Fenglian), phát ngôn viên phụ trách vấn đề Đài Loan của Quốc Vụ viện Trung Quốc.

Các lực lượng hải quân và không quân Trung Quốc trong năm nay cũng đã nhiều lần tìm cách xua các tàu chiến Hoa Kỳ ra khỏi vùng biển quanh Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, trong hoạt động mà Mỹ nói là “thực thi quyền tự do đi lại trên biển” nhưng Bắc Kinh nói là “tiến vào trái phép vùng lãnh hải của Trung Quốc”.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-53051004

 

Quan sát Cuộc sống Đó đây

Hồ sơ Trung Quốc mắc sai lầm khi thổi bùng căng thẳng với Australia?

Thủ tướng Australia Scott Morrison tuyên bố không bao giờ lo sợ trước những mối đe dọa hoặc từ bỏ các giá trị trước sự “cưỡng ép” từ Trung Quốc.

Thất bại về mặt ngoại giao của Trung Quốc

Khi Australia lần đầu tiên đề xuất một cuộc điều tra quốc tế về nguồn gốc của đại dịch Covid-19, điều khiến quan hệ giữa quốc gia này với Trung Quốc rơi xuống mức thấp nhất trong nhiều năm qua, đã có nhiều phản ứng trái chiều tại Canberra.

Key Stokes – một trong những nhà tài phiệt giàu có nhất Australia, trong cuộc phỏng vấn với tờ West Australian cảnh báo, không nên “chọc giận nhà cung cấp nguồn thu lớn nhất của chúng ta”, còn ông trùm khai khoáng Andrew Forrest kêu gọi trì hoãn một cuộc điều tra như vậy.

Các cựu Bộ trưởng Ngoại giao Bob Carr và Gareth Evans đã chỉ trích chính phủ gây ra những căng thẳng không đáng có bằng cách biến việc tìm kiếm câu trả lời hợp lý thành một câu chuyện công khai, thay vì theo đuổi chính sách ngoại giao thầm lặng. Tại bang Victorria, quan chức phụ trách tài chính bang này chỉ trích chính phủ liên bang “làm mất mặt đối tác thương mại lớn nhất của đất nước” và khiến các nhà xuất địa phương phải đối mặt với nguy cơ phá sản.

Nhưng khi Bắc Kinh tiếp tục gia tăng sức ép lên các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế Australia, những giọng điệu thúc giục “dàn hòa” với Trung Quốc dường như đã “biến mất” khỏi cuộc đối thoại quốc gia, trong đó có cả sự tham gia của phe cứng rắn và phe ôn hòa.

Sau khi áp đặt những hạn chế đối với việc nhập khẩu thịt bò và lúa mạch của Australia, Trung Quốc đã khuyến cáo công dân nước này không đi tới hay học tập tại Australia do lo ngại hành vi phân biệt chủng tộc. Điều này đã gây ra sự giận giữ và bất bình ở Canberra đến mức các nhà quan sát vấn đề ngoại giao chưa từng chứng kiến trước đó.

James Laurenceson, giám đốc Viện Quan hệ Australia – Trung Quốc cho biết, hiện tại không có bất cứ tiếng nói nào thể hiện sự đồng cảm với những động thái mới nhất của Bắc Kinh, trái ngược với giọng điệu ôn hòa cho rằng cần phải duy trì sự gắn kết với quốc gia này trước khi cuộc điều tra Covid-19 được đề xuất.

“Trung Quốc đã gây sức ép quá mức đối với Australia và đó là thất bại về mặt ngoại giao của Bắc Kinh”, ông James Laurenceson cho biết.

Một số nhà quan sát cho rằng, khuyến cáo về hành vi phân biệt chủng tộc mà Trung Quốc đưa ra được coi là cái cớ để nước này thực hiện thêm nhiều hành động trả đũa về kinh tế liên quan đến cuộc điều tra nguồn gốc Covid-19 mà giới chức Trung Quốc cho là một chiến dịch “bôi nhọ chính trị”.

Australia không thể “khoanh tay đứng nhìn”

Jeffrey Wilson, giám đốc nghiên cứu tại Trung tâm Perth USAsia mô tả tình hình hiện nay là “cuộc chiến thương mại không cân xứng giữa Australia và Trung Quốc”. “Trung Quốc càng đẩy mạnh các biện pháp trừng phạt thương mại đơn phương, thì sẽ càng có ít tiếng nói ôn hòa kêu gọi gây dựng một mối quan hệ tốt hơn với nước này. “Sự chia tách có thể giải thích được, nhưng khi các biện pháp trừng

phạt ngày càng gia tăng, thật khó để biện minh rằng Trung Quốc không có ý định dùng thương mại làm công cụ gây sức ép”.

Tháng 5 vừa qua, Trung Quốc đã áp thuế 80% đối với mặt hàng lúa mạch của Australia và đình chỉ nhập khẩu thịt bò từ 4 lò mổ ở nước này. Bắc Kinh khẳng định những biện pháp này liên quan đến việc vi phạm quy định kiểm tra, kiểm dịch và hành vi thương mại không công bằng. Động thái này diễn ra sau khi Đại sứ Trung Quốc tại Australia tháng 4 vừa qua cảnh báo người tiêu dùng Trung Quốc có thể tẩy chay các sản phẩm của Australia do nước này đề xuất điều tra nguồn gốc dịch Covid-19.

“Tâm lý phản đối Trung Quốc tại Australia đã dâng cao đến mức những người tư vấn giữ quan hệ hòa hảo với Bắc Kinh, chẳng hạn như ông trùm khai khoáng Andrew Forrest đã bị gọi là “kẻ phản bội”, Salvatore Babones, học giả tại Trung tâm Nghiên cứu Độc lập ở Sydney nhận xét. “Trung Quốc càng cứng rắn thì Australia càng phản ứng mạnh mẽ”.

Trong một phát biểu hôm 11/6, Thủ tướng Australia Scott Morrison tuyên bố nước này sẽ không bao giờ lo sợ trước những mối đe dọa hoặc từ bỏ các giá trị của mình trước sự “cưỡng ép” từ Trung Quốc hoặc bất cứ nơi đâu.

Sự sụt giảm kéo dài số lượng sinh viên và du khách quốc tế có thế giáng một đòn mạnh vào ngành du lịch và giáo dục quốc tế của Australia, vốn bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch Covid-19. Trước đại dịch, có khoảng 1,4 triệu du khách Trung Quốc thăm Australia mỗi năm, chi tiêu khoảng 8,3 tỷ USD. Sinh viên Trung Quốc cũng là động lực chính giúp thúc đẩy lĩnh vực giáo dục quốc tế của Australia, chiếm khoảng 11% lượng du học sinh.

Quan hệ giữa Trung Quốc và Australia đã leo thang căng thẳng trong những năm gần đây, khi mối lo ngại về an ninh quốc gia vượt lên trên những lợi ích về kinh tế, khiến Australia – một đồng minh chủ chốt của Mỹ thông qua luật chống sự can thiệp của nước ngoài, cấm tập đoàn Huawei của Trung Quốc tham gia mạng lưới 5G tại nước này. Tuy nhiên, tiếng nói trong giới học thuật và kinh doanh, hối thúc theo đuổi cách tiếp cận ôn hòa với Bắc Kinh vẫn lấn át quan điểm cứng rắn, dù sự hoài nghi về mục đích của Trung Quốc ngày càng gia tăng.

Delia Lin, chuyên gia nghiên cứu Trung Quốc tại Đại học Melbourne cho biết, các động thái gần đây của Trung Quốc đã gây “sốc và thất vọng” bởi chúng nhằm vào các doanh nghiệp đã tích cực “hợp tác và ủng hộ chính Trung Quốc”.

“Một số công ty nói với tôi rằng, họ rất sốc và thất vọng với những hành động mà Trung Quốc đang thực hiện để hạ bệ Australia. Những khuyến cáo mà Bắc Kinh đưa ra khiến nhiều người ngạc nhiên, dù đó không phải là khuyến cáo đầu tiên chống lại Australia mà Bộ Giáo dục Trung Quốc ban hành. Ngôn từ hoàn toàn khác biệt ở thời điểm này. Nó nhằm mục đích tạo ra tác động tiêu cực kéo dài đối với lĩnh vực giáo dục quốc tế ở Australia”, chuyên gia Delia Lin cho biết.

Lu mờ triển vọng cải thiện quan hệ song phương

Dominic Meagher, chuyên gia thuộc Đại học Australia có 15 năm kinh nghiệm thúc đẩy quan hệ với Trung Quốc cho biết: “Tâm lý của người Australia đã thay đổi và họ ít quan tâm đến việc liệu Bắc Kinh có tức giận với họ hay không”. “Logic ở đây là nếu Trung Quốc giận dữ với bất cứ ai vì những vấn đề hết sức nhỏ nhặt, thì thay vì cố gắng xoa dịu cơn giận của họ, tốt hơn là sống chung với cơn giận đó”.

Bắc Kinh không thừa nhận có bất cứ mối liên hệ nào giữa khuyến cáo đi lại hoặc hạn chế thương mại liên quan đến cuộc điều tra nguồn gốc Covid-19. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh hồi đầu tuần này bày tỏ hy vọng Australia có thể hợp tác với Trung Quốc trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, bình đằng và cùng có lợi, giúp thúc đây quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai bên.

Ông Mobo Gao, giáo sư người Australia gốc Hoa, tại Đại học Adelaide cho biết, người Australia ngày càng xem việc cải thiện quan hệ là vô vọng với tình hình hiện nay, trong khi đó, theo các phương tiện truyền thông, một số lượng lớn người dân Trung Quốc cho rằng “Bắc Kinh đã chịu đựng sự kiêu ngạo của Australia quá lâu”.

Khi sự chia tách ngày càng gia tăng giữa Bắc Kinh và Canberra, giới quan sát đã xem xét đến khả năng có thể nhen nhóm chút hy vọng về sự “tan băng”. Trước đây, Trung Quốc luôn cố gắng thân thiện hơn với các quốc gia khác khi quan hệ giữa nước này với Mỹ xấu đi”, ông Yun Jiang, giám độc Trung Tâm chính sách Trung Quốc – một tổ chức nghiên cứu đọc lập cho biết.

“Tuy nhiên, Trung Quốc dường như đang thấy Australia nghiêng về phía Mỹ, vì vậy họ không có khả năng sử dụng chiến lược tương tự đối với nước này. Các hành động gần đây của Bắc Kinh đã thể hiện sự đối đầu với Australia. Điều này, cùng với tâm lý hoài nghi Trung Quốc liên quan đến dịch Covid-19,

sẽ dẫn đến việc không còn nhiều tiếng nói ủng hộ Trung Quốc cũng như những lời kêu gọi cải thiện quan hệ song phương tại Australia”

http://biendong.net/goc-nhin-moi/35266-quan-sat-cuoc-song-do-day-ho-so-trung-quoc-mac-sai-lam-khi-thoi-bung-cang-thang-voi-australia.html

 

Khi Trung Quốc đề cử thẩm phán Tòa luật Biển quốc tế

Tòa quốc tế về luật Biển (ITLOS) trả lời như thế nào và giới chuyên gia công pháp quốc tế nhận định ra sao về việc Trung Quốc đề cử ứng viên thẩm phán ITLOS nhiệm kỳ sắp tới?

Dự kiến tại hội nghị thường niên của các nước tham gia Công ước LHQ về luật Biển (UNCLOS) 1982 được tổ chức từ ngày 15 – 19.6 tại New York (Mỹ), sẽ có nội dung bầu chọn thẩm phán cho ITLOS.

Bổ sung 7 thẩm phán sắp hết nhiệm kỳ

Trong số các danh sách ứng viên, có ông Đoàn Khiết Long là Đại sứ Trung Quốc tại Hungary. Thời gian qua, Trung Quốc cũng có một đại diện trong hội đồng thẩm phán ITLOS là Cao Chi Quốc sắp hết nhiệm kỳ vào tháng 9 tới.

Theo nội dung trả lời Thanh Niên về cuộc bầu chọn sắp tới, đại diện ITLOS cho biết tòa này sẽ bao gồm 21 thẩm phán, được bầu chọn từ những ứng viên do các nước tham gia UNCLOS 1982 đề cử. Mỗi quốc gia thành viên UNCLOS 1982 đề cử không quá 2 ứng viên. Tuy nhiên, cũng theo điều lệ của tòa thì không có 2 thẩm phán trở lên mang cùng quốc tịch của một quốc gia. Cuộc bầu chọn sắp tới nhằm bổ sung 7 thẩm phán sắp hết nhiệm kỳ vào cuối tháng 9 tới đây. Có tổng cộng 10 ứng viên tham gia kỳ này.

Tuy nhiên, ITLOS từ chối bình luận về việc Bắc Kinh không tuân thủ phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế ở The Hague (PCA) năm 2016 về việc bác bỏ tuyên bố chủ quyền “đường lưỡi bò” trên Biển Đông.

Bỏ phiếu chống để tỏ thái độ

Liên quan vấn đề trên, trả lời Thanh Niên, GS Andrew Serdy (chuyên ngành công pháp quốc tế, Đại học Southampton, Anh) nói: “Rõ ràng Trung Quốc không có ý định tuân thủ phán quyết do Tòa trọng tài thường trực ở The Hague (PCA) đưa ra vào năm 2016. Tuy nhiên, dù không có cách nào để ép buộc Trung Quốc phải tuân thủ, nhưng cách hành xử của nước này có thể khiến Bắc Kinh chịu tổn thất về mặt chính trị. Một tổn thất chính trị có thể được thể hiện nếu số phiếu dành cho ứng viên Trung Quốc sẽ thấp đi”. Tất nhiên, theo ông Serdy, việc phiếu bầu thấp hay cao trong đợt bầu chọn tới còn lệ thuộc một số yếu tố khác.

Như vậy, các quốc gia thành viên UNCLOS có thể bỏ phiếu chống đối với ứng viên của Trung Quốc như một cách thể hiện thái độ trước hành vi của Bắc Kinh liên quan tranh chấp Biển Đông.

GS Alexander Proelss, Chủ tịch về luật Biển quốc tế và luật Môi trường quốc tế thuộc Trường Luật của Đại học Hamburg (Đức), cho rằng: “ITLOS phải và sẽ thực thi quyền lực của mình một cách vô tư. Đây là điều kiện mà mỗi thẩm phán phải tuân thủ. Để đảm bảo tính chí công vô tư, luật của ITLOS quy định những hoạt động mà thẩm phán không được phép làm (điều 7) và lập ra những điều kiện liên quan đến sự tham gia của mỗi thành viên vào một vụ cụ thể (điều 8). Trong khi mỗi thẩm phán dĩ nhiên sẽ tìm cách thuyết phục các thành viên khác trong hội đồng về lập trường luật pháp của mình, không thể có chuyện một vị thẩm phán lại có thể, trong một hội đồng hòa giải tranh chấp gồm 21 thành viên, áp đặt quan điểm của riêng mình lên các thành viên khác”.

Tuy nhiên, ông cũng nói thêm: “Mỗi thẩm phán được tự do đưa vào ý kiến riêng hoặc bất đồng với các thẩm phán và quyết định, và qua đó có thể cố gắng gây ảnh hưởng lên việc phát triển luật quốc tế trong trường hợp có liên quan”.

ITLOS sẽ phân xử tranh chấp tại Singapore

Những vụ tranh chấp trên biển được trình lên ITLOS có thể được phân xử tại Singapore. Tại hội nghị trực tuyến ngày 11.6, Chủ tịch ITLOS Jin-hyun Paik và Bộ trưởng Nội vụ Singapore K.Shanmugam ký kết thỏa thuận mới, với những điều khoản và điều kiện cho phép ITLOS thực hiện các chức năng và dịch vụ tại Singapore, theo tờ The Straits Times. Chủ tịch Paik kỳ vọng thỏa thuận mới sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các nước châu Á dễ dàng tiếp cận ITLOS để giải quyết những tranh chấp trên biển theo UNCLOS.

Có trụ sở tại TP.Hamburg (Đức), ITLOS là một cơ quan tư pháp độc lập được thành lập theo Công ước LHQ về luật Biển (UNCLOS) năm 1982, có chức năng phân xử tranh chấp liên quan UNCLOS. Hồi năm 2015, Singapore-ITLOS đưa ra tuyên bố chung, ủng hộ việc đảo quốc sư tử trở thành địa điểm để tòa án thực hiện các chức năng của mình.

http://biendong.net/goc-nhin-moi/35258-khi-trung-quoc-de-cu-tham-phan-toa-luat-bien-quoc-te.html

 

Tình hình dịch bệnh ở Bắc Kinh leo thang và lan sang các tỉnh khác

Quỳnh Chi

Sau khi dịch Covid-19 tạm lắng tại Trung Quốc một thời gian, giờ đây nó lại xuất hiện trở lại ở Bắc Kinh. Hiện tại, nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh, công tác kiểm soát ở các quận trung tâm của Bắc Kinh đã được tăng cường, nhưng dịch bệnh đã lan sang các tỉnh và thành phố khác.

Ông Thái Kỳ (Cai Qi), Bí thư thành ủy Bắc Kinh, Trung Quốc trong buổi họp về công tác phòng chống dịch Covid-19 cho biết, Bắc Kinh mấy ngày gần đây liên tục có các ca mắc virus Vũ Hán và các trường hợp xét nghiệm axit nucleic đều cho kết quả dương tính. Tất cả đều liên quan đến chợ Tân Phát Địa (Xinfadi), chợ đầu mối nông sản Bắc Kinh.

“Bắc Kinh đã bước vào thời kỳ khác thường”, ông cho biết trong cuộc họp sáng ngày 13/6.

Tất cả các khu vực ở Bắc Kinh như quận Hải Điện, quận Thạch Cảnh Sơn, quận Tây Thành, quận Phong Đài đều đã ở mức cảnh báo cấp 2. Sau 2 cuộc họp, Bắc Kinh đã hạ mức cảnh báo xuống mức cấp 3 từ ngày 6/6.

Hầu hết 36 ca nhiễm mới ở Bắc Kinh vào ngày 13/6 là những người không có biểu hiện nhiễm bệnh trong vòng gần 14 ngày. Những trường hợp mới này hiện đang sống ở quận Phong Đài, quận Đại Hưng, quận Phòng Sơn, quận Tây Thành của thủ đô Bắc Kinh. Tờ Tân Kinh, tờ báo của Trung Quốc cho biết, hiện nay, tại Bắc Kinh, dịch bệnh đã xuất hiện ở 22 tiểu khu, 8 đơn vị, 10 cơ sở khám chữa bệnh.

Tại quận Phong Đài của Bắc Kinh, toàn bộ những người tiếp xúc gần với người nhiễm Covid-19 là 139 người, tất cả đều đã được cách ly.

Hiện nay, dịch bệnh ở Bắc Kinh đã lan sang các tỉnh khác. Ngày 12/6, tỉnh Liêu Ninh đã công bố các bệnh nhân nhiễm virus Vũ Hán không triệu chứng, tất cả đều có tiếp xúc gần với bệnh nhân ở Bắc Kinh. Các tỉnh thành như Hà Bắc, Thiên Tân, Liêu Ninh, Giang Tô, Sơn Tây… đều yêu cầu những người trước 30/5 đã từng đến chợ đầu mối nông sản Tân Phát Địa (Xinfadi) ở Bắc Kinh phải tự đi trình báo.

Quan chức quận Phong Đài bị cách chức

Chợ đầu mối Tân Phát Địa (Xinfadi) là nơi buôn bán rau củ quả lớn nhất Bắc Kinh, nơi đây cung cấp hơn 80% lượng rau quả cho toàn Bắc Kinh. Hiện tại, chợ đã bị chính quyền đóng cửa.

Mặc dù chính quyền tuyên bố “đảm bảo nguồn cung thị trường”, nhưng nhiều người dân Bắc Kinh đã đến các siêu thị khác nhau để tích trữ hàng hóa. Trong nhiều video được quay bởi người dân cho thấy, một số gian hàng rau trong siêu thị Bắc Kinh đã được “dọn sạch”.

Kể từ ngày 13/6, 9 trường học xung quanh chợ đầu mối Tân Phát Địa đã bị đóng cửa và 11 khu vực bị phong tỏa.

Vì phòng dịch yếu kém nên ông Chu Vũ Thanh – phó quận trưởng quận Phong Đài; ông Vương Hoa – Bí thư Đảng ủy hương Hoa, quận Phong Đài (hương là đơn vị hành chính dưới Quận và Huyện); ông Trương Nguyệt Lâm – tổng giám đốc chợ đầu mối Tân Phát Địa đã bị cách chức.

https://www.dkn.tv/the-gioi/tinh-hinh-dich-benh-o-bac-kinh-leo-thang-va-lan-sang-cac-tinh-khac.html

 

Trung Quốc: Thêm 10 khu dân cư tại Bắc Kinh bị phong tỏa

Thanh Hà

Tính đến ngày 15/06/2020,  Trung Quốc phát hiện gần 80 ca nhiễm mới trong bốn ngày liên tiếp. Phần lớn trong số này xuất phát từ thủ đô Bắc Kinh. Thêm 10 khu dân cư tại Bắc Kinh bị phong tỏa. Nhiều tỉnh thành ban hành lệnh cách ly với người dân thủ đô.

Thông tín viên Stéphane Lagarde trong khu vực Bắc Á cho biết thêm.

“Dơi và tê tê. Rồi đến bây giờ là cá hồi và vẫn là cái thớt bán cá”. Nếu như một số người sử dụng internet nhìn vấn đề dưới khía cạnh hài hước, kể từ khi phát hiện virus corona tại một quầy bán cá ở một khu chợ bán sỉ thuộc quận Phong Đài phía nam Bắc Kinh, thì ngược lại các giới chức y tế đang lao vào một cuộc chạy đua với thời gian để ngăn chận virus trong phạm vi khu vực ngôi chợ bán sản phẩm tươi sống.

Theo báo  Beijing News, ngoài chợ Tân Phát Địa và Kinh Thâm, bốn ngôi chợ khác cũng phải tạm thời đóng cửa. Một bà bán hàng ngoài chợ nói: “Vì nhiều trung tâm phân phối đóng cửa, chúng tôi thiếu một số mặt hàng. Giá tất cả tăng vọt, như giá củ cải chẳng hạn. Hôm qua chúng tôi không còn hàng để bán. Thời điểm này stress đang tăng cao”. 

Mọi người bị stress vì virus corona xuất phát ngay trong dây chuyền lương thực phẩm và trong ký ức tập thể, điều này làm gợi lại tình hình từng xảy ra tại Vũ Hán, chiếc noi của dịch Covid-19 cách nay sáu tháng, cho dù Trung Quốc đã rút tỉa được kinh nghiệm và theo các nhà dịch tễ học, tình huống như ở Vũ Hán ít có khả năng xảy ra. 

Không chính thức nói ra nhưng hình ảnh được lan truyền trên các mạng xã hội cho thấy giới y sĩ tiến hành xét nghiệm, tìm kiếm vết tích virus ngay trên các loài hải sản làm mọi người lo sợ. 

Sau hai tháng tình hình lắng dịu về mặt dịch tễ, giờ đây người dân Bắc Kinh lại bị xa lánh. Đến lượt dân thủ đô phải bị cách ly khi trong 14 ngày khi họ đi về các tỉnh.

http://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20200615-trung-qu%E1%BB%91c-th%C3%AAm-10-khu-d%C3%A2n-c%C6%B0-t%E1%BA%A1i-b%E1%BA%AFc-kinh-b%E1%BB%8B-phong-t%E1%BB%8Fa

 

Quan chức Trung Quốc họp liên tiếp, tuyên bố Bắc Kinh bước vào thời kỳ khác thường

Vũ Dương

Ông Thái Kỳ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Bắc Kinh, trong 2 ngày đã mở 3 cuộc họp liên tiếp bàn thảo về vấn đề dịch bệnh, tuyên bố rằng “Bắc Kinh đã bước vào thời kỳ khác thường”.

Bắc Kinh tái bùng phát dịch

Tính đến hết ngày 14/6, Bắc Kinh ghi nhận 79 trường hợp nhiễm Covid-19, tất cả đều liên quan đến Tân Phát Địa ở quận Phong Đài, chợ đầu mối thực phẩm lớn nhất châu Á. Trong những người mắc bệnh, có một số là tiểu thương, tài xế làm việc trong chợ, một số là khách hàng đến chợ mua rau, có người là nhân viên lấy mẫu thực phẩm.

Trước tình hình này, chính quyền Bắc Kinh phong tỏa thêm 10 khu phố để ngăn Covid-19, với quyết tâm không lặp lại kịch bản Vũ Hán.

Bí thư Thành ủy Bắc Kinh mở 3 cuộc họp trong 2 ngày

Sau khi dịch bệnh ở Bắc Kinh tái bùng phát, ông Thái Kỳ, Bí thư Thành ủy Bắc Kinh, tổ trưởng tổ lãnh đạo công tác phòng chống dịch bệnh Bắc Kinh, đã chủ trì 3 cuộc họp liên tiếp vào sáng, tối ngày 12/6 và sáng ngày 13/6.

Trong cuộc họp sáng ngày 13/6, ông Thái Kỳ nói rằng “Bắc Kinh đã bước vào thời kỳ khác thường”. Các nhà chức trách thông báo tạm thời đóng cửa và ngưng mọi hoạt động mua bán tại khu chợ Tân Phát Địa, thực hiện quản lý khép kín “nội bất xuất, ngoại bất nhập” đối với cộng đồng dân cư xung quanh khu chợ và những nơi khác, mở rộng phạm vi điều tra, phong tỏa và khử trùng toàn khu chợ.

Khu chợ bán buôn Tân Phát Địa được coi là “giỏ rau” quan trọng hàng đầu ở Bắc Kinh, khoảng 90% rau củ cung cấp cho Bắc Kinh đều bắt nguồn từ khu chợ này, nên các quan chức thông báo cần phải gắng sức “đảm bảo nguồn cung trên thị trường”.

Trong cuộc họp tối ngày 12/6, giới chức Bắc Kinh tuyên bố không những phải kiểm soát chặt chẽ đối với người đã đi vào Bắc Kinh, mà còn phải tăng cường quản lý các máy bay chở hàng và thực hiện kiểm dịch đối với hàng hóa. Giới chức tuyên bố thành lập tổ công tác, tăng cường hoạt động phòng chống dịch, trong đó lấy khu chợ bán buôn Tân Phát Địa là ưu tiên hàng đầu trong việc truy tìm nguồn gốc dịch bệnh lây lan.

Sau cuộc họp, Bí thư Thành ủy Bắc Kinh Thái Kỳ và Thị trưởng Bắc Kinh Trần Cát Ninh đã cho mời các quan chức chịu trách nhiệm chính của quận Phong Đài đến thảo luận.

Hiện tại, thủ đô Bắc Kinh đã đóng cửa nhiều khu chợ nông sản, quận Phong Đài đã khởi động “cơ chế thời chiến”. Cảnh sát vũ trang trấn giữ, phong tỏa toàn diện khu chợ Tân Phát Địa.

Tỉnh Liêu Ninh cách ly tập trung 14 ngày đối với người dân đến từ 3 địa khu của Bắc Kinh

Dịch bệnh ở Bắc Kinh đã lan sang tỉnh Liêu Ninh. Ngày 12/6, tỉnh Liêu Ninh đã xuất hiện 2 trường hợp lây nhiễm không có triệu chứng, và cả 2 trường hợp trên đều có tiếp xúc với ca lây nhiễm được Bắc Kinh công bố vào ngày 12/6.

Tỉnh Liêu Ninh đưa ra thông báo, bắt đầu từ 20h ngày 13/6, tỉnh sẽ áp dụng biện pháp cách ly tập trung trong 14 ngày đối với người dân đến từ ba địa khu của Bắc Kinh, gồm quận Phong Đài, khu phố Nguyệt Đàm thuộc quận Tây Thành, thị trấn Trường Dương thuộc quận Phòng Sơn.

Đồng thời, các trung tâm kiểm soát dịch bệnh của thành phố Lữ Lương tỉnh Sơn Tây và thành phố Đại Khánh tỉnh Hắc Long Giang, thành phố Đại Liên tỉnh Liêu Ninh đã cảnh báo người dân không đến Bắc Kinh trong thời gian này nếu không có việc cần thiết.

https://www.dkn.tv/the-gioi/quan-chuc-trung-quoc-hop-lien-tiep-tuyen-bo-bac-kinh-buoc-vao-thoi-ky-khac-thuong.html

 

Báo Nhật: Tình cảnh ĐCS Trung Quốc đang giống với Xô viết trước khi sụp đổ

Phụng Minh

Bài báo cũng chỉ ra đây là cơn ác mộng lớn nhất của Tập Cận Bình, qua một ví dụ về bộ phim ông bắt các quan chức cấp cao xem khi mới nhậm chức.

Trong một bài báo mới đây của mình, Nikkei Asian Review cho rằng vấn đề khó khăn nhất mà Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) phải đối mặt là làn sóng thất nghiệp. Mặc dù tỷ lệ thất nghiệp chính thức là 6%, nhưng dữ liệu này không bao gồm số dân thất nghiệp ở nông thôn (do xác định họ vẫn có công việc là làm nông nghiệp). Nếu tính cả lao động di cư, tỷ lệ thất nghiệp thực tế ở Trung Quốc có thể vượt quá 20%.

Công ty Chứng khoán Trung Thái (Zhongtai) cũng ước tính vào cuối tháng 4 rằng tỷ lệ thất nghiệp của Trung Quốc sẽ vào khoảng 20,5%. Trước đó, Tạp chí Tài Tân (Caixin) đã xuất bản một bài báo vào đầu tháng 4 rằng dịch bệnh có thể khiến 205 triệu người Trung Quốc mất việc. Trong khi số lao động của Trung Quốc là 775 triệu người, vậy tỷ lệ thất nghiệp có khả năng vượt hơn 25%.

Cùng với đó là hơn 8 triệu sinh viên vừa mới tốt nghiệp đại học đang đi tìm việc làm trong năm nay. Với một đội quân thất nghiệp khổng lồ như vậy, đây chính là mối lo lớn của ĐCSTQ.

Một số chuyên gia về Trung Quốc tại Hồng Kông cho rằng có các dấu hiệu cho thấy Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường không nhất trí về cách ứng phó với cuộc khủng hoảng kinh tế đang diễn ra ở Trung Quốc. Số liệu việc làm mà Thủ tướng Lý Khắc Cường công bố không theo cách truyền thống mà chính quyền Trung Quốc vẫn đưa ra từ xưa tới nay. Việc không đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm nay cũng là một điều hiếm thấy, nó phần nào cho thấy mối lo ngại của ông Lý về làn sóng thất nghiệp.

Các chuyên gia Nhật Bản cho rằng số liệu việc làm bất thường của Lý Khắc Cường không đơn giản chỉ là một “công tác báo cáo”. Trong khi ông Tập Cận Bình hy vọng rằng Lý Khắc Cường sẽ đưa ra một tuyên bố lạc quan hơn về triển vọng kinh tế để tuyên dương cái gọi là phòng dịch “thắng lợi”, ông Lý, người phụ trách chính sách tài chính, lại tiết lộ sau cuộc họp Lưỡng hội rằng Trung Quốc hiện đang có 600 triệu người có thu nhập hàng tháng dưới 1.000 nhân dân tệ (khoảng 3,3 triệu đồng).

Nikkei Châu Á cho biết, theo dự báo của Ngân hàng Thế giới, nền kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng 1% trong năm nay. Đây sẽ là tốc độ tăng trưởng chậm nhất của Trung Quốc kể từ khi mở cửa ra thế giới bên ngoài vào những năm 1970. Theo Nikkei, mặc dù tự do chính trị bị hạn chế, Trung Quốc vẫn chấp nhận sự cai trị của ĐCSTQ vì mấy chục năm qua đời sống sinh hoạt của họ đã được cải thiện phần nào.

Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng kinh tế và làn sóng thất nghiệp sẽ làm rung chuyển chế độ ĐCSTQ. Cơn ác mộng lớn nhất của Tập Cận Bình là Trung Quốc rơi vào hỗn loạn do khủng hoảng kinh tế và chịu chung số phận tan rã như Liên Xô năm 1991.

Có một dấu hiệu cho thấy Tập Cận Bình lo lắng như thế nào về một viễn cảnh như vậy. Khi lên nắm quyền vào năm 2012, ông Tập đã ra lệnh cho tất cả các quan chức cấp cao phải xem phim tài liệu về sự sụp đổ của Liên Xô. Bài báo nói rằng đối với Tập, sự sụp đổ của Liên Xô là một bài học cho ĐCSTQ.

Gần đây, nhà công nghiệp Hồng Kông Viên Cung Di (Yuan Gongyi) trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với mục Trân ngôn Chân ngữ của Epochtimes tiếng Trung, đã cho rằng tình hình mà ĐCSTQ phải đối mặt đang rất giống với trước khi Xô viết sụp đổ.

Viên Cung Di nói rằng

“Thảm họa tại nhà máy điện hạt nhân Chernobyl” đã kích hoạt sự tan rã của Xô viết vào thời điểm đó, giống như sự lây lan nhanh chóng của đại dịch viêm phổi Vũ Hán trên toàn thế giới sau khi bùng phát ở Trung Quốc. Người dân Liên Xô bắt đầu hiểu rằng Đảng Cộng sản Liên Xô rất vô trách nhiệm, họ đã bị lừa dối và che giấu. Nó giống 100% với sự cố của Viêm phổi Vũ Hán”.

Viên Cung Di cũng dùng ví dụ về việc Lech Walesa lãnh đạo Liên minh Đoàn kết Ba Lan chống lại và cuối cùng chấm dứt Đảng Cộng sản Ba Lan, thành lập Cộng hòa Ba Lan. Sau Ba Lan, tiếp tục tới Đông Đức, và cuối cùng bức tường Berlin đã sụp đổ và Đảng Cộng sản Liên Xô kết thúc. Nó giống như phong trào “Chống tống Trung” (phản đối dẫn độ về Trung Quốc) của người dân Hồng Kông. Thêm vào đó ông nói rằng cuộc đấu tranh quyền lực hiện nay trong ĐCSTQ là nghiêm trọng và hỗn loạn.

Virus Vũ Hán bùng phát từ cuối năm 2019 và đến nay vẫn đang lan rộng, khiến sự truy cứu trách nhiệm và thiệt hại kinh tế đang tấn công ĐCSTQ ở quy mô chưa từng có. Gần đây, một số người đã liệt kê chi tiết trên Internet 10 cuộc khủng hoảng hàng đầu mà ĐCSTQ phải đối mặt.

Bao gồm: Vấn đề khiếu nại về tình hình dịch bệnh ở nhiều quốc gia khác nhau; Khủng hoảng tài chính địa phương ở Trung Quốc; Sự rút lui của các công ty nước ngoàI; Sự sụp đổ của các doanh nghiệp tư nhân; Tình trạng thất nghiệp; Sự nan giải trong tìm kiếm việc làm của sinh viên đại học; An ninh lương thực bị đe dọa; Vấn đề Hồng Kông; Vấn đề Đài Loan; Và câu hỏi liệu thỏa thuận thương mại Trung-Mỹ có được thực hiện hay không.

Trước các yêu sách và đòi hỏi trách nhiệm từ các nước trên toàn thế giới, cũng như một làn sóng sụp đổ của các doanh nghiệp trong nước và thất nghiệp, lại thêm tình hình lũ lụt ở 22 tỉnh, mối đe dọa từ đàn châu chấu khổng lồ, các loại thảm họa, dị tượng thời tiết liên hoàn ập tới. Nhiều nhà quan sát tin rằng những cơn sóng hỗn loạn đang phá vỡ chế độ chuyên chế của ĐCSTQ. “Con tàu đỏ” của ĐCSTQ đang lâm vào tình cảnh khó khăn thực sự với hàng trăm lỗ thủng.

Theo Lý Vận, NTDTV

Phụng Minh biên dịch

https://www.dkn.tv/the-gioi/bao-nhat-tinh-canh-dcs-trung-quoc-dang-giong-voi-xo-viet-truoc-khi-sup-do.html

 

Báo cáo: Số tử vong vì virus Vũ Hán tại Trung Quốc cao gấp 10 lần công bố chính thức

Phụng Minh

Một báo cáo điều tra mới của Mỹ chỉ ra rằng số người nhiễm bệnh và tử vong do virus Vũ Hán được Trung Quốc chính thức công bố là “không được công nhận và không thể chấp nhận được trong lĩnh vực y tế bình thường”, bên cạnh đó báo cáo cho hay, dịch viêm phổi Vũ Hán có thể đã xảy ra vào tháng 10 năm ngoái.

Báo cáo này dựa trên hoạt động của lò hỏa táng Vũ Hán trong thời gian virus bùng phát, và số lọ tro cốt được phát ra, suy ra rằng số người chết trong đại dịch viêm phổi Vũ Hán nhiều gấp 10 lần số lượng được chính phủ công bố. Báo cáo chỉ ra rằng thông tin do Bắc Kinh cung cấp đã trì hoãn việc ra quyết định ở các khu vực khác của Trung Quốc và thế giới, Epochtimes đưa tin.

Kết quả điều tra được công bố bởi các chuyên gia từ Đại học Y Washington và Đại học bang Ohio. Theo đó họ đã tổng hợp và phân tích một lượng lớn dữ liệu, bao gồm dữ liệu do chính phủ Trung Quốc công bố, báo cáo từ các phương tiện truyền thông chính thức và không chính thức, thông tin truyền thông xã hội và số lọ đựng tro cốt các nhà hỏa táng ở Vũ Hán phát ra.

Theo Epochtimes, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) có xu hướng không công khai chính xác về số người chết do virus Vũ Hán. Điển hình là các nhà báo công dân như Trần Thu Thực và những người khác đã bị đàn áp vì báo cáo số người chết trong bệnh viện và nhà tang lễ Vũ Hán.

Nhà tang lễ Vũ Hán bắt đầu hoạt động năng suất cao vào giữa tháng 1

Báo cáo chỉ ra rằng đài hỏa táng Vũ Hán ban đầu mở cửa 4 giờ mỗi ngày, nhưng sau ngày 25/1, số giờ hoạt động của lò hỏa táng đã tăng lên tới 24 giờ một ngày. Ông Mai, một trong những tác giả của báo cáo và là giáo sư bệnh lý (nguyên lý và quá trình phát triển, phát sinh bệnh) tại Trường Y thuộc Đại học Washington, cho biết nhà tang lễ Vũ Hán đã tăng cường hoạt động từ trước đó rồi.

Ông nói: “Trên thực tế, nếu chúng ta quay lại và thu thập các thông tin từ phương tiện truyền thông trên Internet lúc bấy giờ, sẽ thấy rằng nhà tang lễ đã có phản ứng với dịch bệnh vào giữa tháng 1 khi họ đã bắt đầu thực hiện các biện pháp tương ứng (tăng công suất – PV) trong hoạt động. Không phải công suất của họ tăng đột ngột vào ngày 25/1, mà là do trong ngày này các phương tiện truyền thông bắt đầu đưa tin về sự gia tăng hoạt động của nhà hỏa táng”.

Báo cáo khảo sát ước tính đến ngày 7/2, số người chết ở Vũ Hán đã lên tới 7.000, không bao gồm số người chết trước khi đóng cửa Vũ Hán. Dựa trên tỷ lệ tử vong dự đoán từ 2,5% tới 10%, số người nhiễm bệnh ở Vũ Hán vào thời điểm đó là khoảng từ 300.000 đến 1.270.000. Tỷ lệ tử vong do chính phủ Trung Quốc cung cấp là 3,14%.

Ông Mai nói rằng có 8 nhà hỏa táng ở Vũ Hán. Trong đó có một nhà hỏa táng mà các chuyên gia không thu thập được dữ liệu, dựa trên số liệu của 7 nhà hỏa táng, họ đã tính trung bình có 680 thi thể mỗi ngày. Công suất hoạt động tối đa của các lò hỏa táng này là 2000 lượt mỗi ngày. Ngoài ra, ông nói rằng báo cáo không bao gồm số người chết trước khi đóng cửa Vũ Hán và hộp tro do nhà hỏa táng phát ra trong hai tuần đầu sau khi đóng cửa thành phố. Vì vậy, dữ liệu khá dè dặt.

Huy động nhân viên tang lễ và lò hỏa thiêu từ nơi khác đến

Điều tra cũng cho thấy vào ngày 19/2, Vũ Hán đã điều các nhân viên tang lễ và 40 lò đốt rác di động từ nơi khác tới. Đồng thời cũng chỉ ra rằng có một khoảng cách rất lớn giữa số lượng giường bệnh ở Vũ Hán và số người nhiễm bệnh được chính phủ công bố.

Vào tháng 2, số giường bệnh ban đầu cùng số tạm thời bổ sung trong các trường học, khách sạn và các cơ sở khác đạt 190.000, số người nhiễm bệnh được chính phủ công bố là 33.000. Tuy nhiên ông Mai nói: “Có thể thấy rằng các số liệu của Trung Quốc không phải là tình hình thực tế, rất nhiều báo cáo từ phương tiện truyền thông lúc đó nói rằng người bệnh phải rất khó khăn mới có được một xuất nằm bệnh viện vì không còn giường”. Tỷ lệ tài nguyên y tế cho bệnh nhân cần phải được đặt câu hỏi.

Ông cũng cho biết, trong số 80 bệnh nhân lúc đó, Bệnh viện Vũ Hán chỉ có thể điều trị cho 5 bệnh nhân, chênh lệch là 16 lần.

Theo báo cáo, vào ngày 23/3, Vũ Hán cho phép người dân lấy tro cốt, và theo số lượng tro cốt mà gia đình họ nhận được, tổng số người chết ở Vũ Hán vào thời điểm này lên tới 36.000, gấp hơn 10 lần so với con số 2.500 do chính phủ Trung Quốc công bố.

Hải quan Vũ Hán đã tổ chức một cuộc diễn tập về virus viêm phổi mới vào tháng 9 năm ngoái

Báo cáo cũng chỉ ra rằng sự bùng phát dịch bệnh bắt đầu vào tháng 10/2019, không phải vào tháng 12. Ông Mai cho biết, vào ngày 18/9/2019, Công ty Tài chính và Kinh tế Hồ Bắc đăng trên Sina.com rằng Hải quan Vũ Hán đã tổ chức một cuộc diễn tập, trong đó bao gồm các biện pháp khẩn cấp chống lại virus viêm phổi mới.

Ông nói: “Nội dung của bài tập này bao gồm việc xử lý dịch bệnh do ‘virus corona mới’ có thể xuất hiện, điều này khá kỳ lạ vào ngày 18/9, bởi thuật ngữ ‘virus corona mới’ về cơ bản là 4 tháng sau mới được mọi người biết tới, vậy tại sao một bài diễn tập phòng chống ‘virus corona mới’ lại xuất hiện vào giữa tháng 9?”

Báo cáo chỉ ra rằng chính phủ Trung Quốc biết rằng virus corona truyền được từ người sang người vào tháng 12, nhưng tới tháng 1, họ vẫn tiếp tục đàn áp bác sĩ Lý Văn Lượng và những người tố giác khác, che giấu dịch bệnh, ảnh hưởng to lớn tới việc đưa ra các quyết định phòng ngừa và kiểm soát kịp thời ở các khu vực khác của Trung Quốc và thế giới.

Ông Mai nói rằng chính phủ Trung Quốc đã lãng phí một thời kỳ quan trọng khiến dịch bệnh lan rộng. Trước khi đóng cửa Vũ Hán, hơn 5 triệu người đã đổ ra bên ngoài và đi tới khắp nơi trên thế giới. Đồng thời, số lượng các ca nhiễm bệnh đã bị giấu giếm khiến các quốc gia khác đánh giá thấp nguy cơ của virus.

Theo Epoch Times

Phụng Minh dịch & biên tập

https://www.dkn.tv/the-gioi/bao-cao-so-tu-vong-vi-virus-vu-han-tai-trung-quoc-cao-gap-10-lan-cong-bo-chinh-thuc.html

 

Quả bom nổ chậm tại Trung Quốc: 70 triệu người thất nghiệp

Thụy My

Tuy Trung Quốc đã ngăn chận được đại dịch virus corona, nhưng phải trả cái giá khổng lồ : kinh tế đi xuống thảm hại và thất nghiệp tăng cao. Theo nhận định của thông tín viên Les Echos tại Bắc Kinh, trong một đất nước hầu như không có bảo hiểm thất nghiệp, cuộc khủng hoảng này là thách thức chính cho đảng Cộng Sản Trung Quốc khi « khế ước xã hội » bị đe dọa.

Tác giả mở đầu bài viết hôm nay 15/06/2020 bằng hình ảnh một người đàn ông 52  tuổi ngồi trên vỉa hè một đại lộ ở ngoại ô Bắc Kinh, chiếc túi đồ nghề đã phai màu lỉnh kỉnh những đồ nghề xây dựng như búa, bay thợ hồ…Ông cho biết mỗi ngày từ 5 giờ sáng đã có mặt, nhưng hiếm ai thuê. Mùa hè năm ngoái, ông rời Hắc Long Giang đến Bắc Kinh thử thời vận, nghĩ rằng sẽ dễ sống hơn ở quê. Xung quanh ông là nhiều người lao động nhập cư khác.

Hàng trăm « mingong » (dân công, tức lao động ngoại tỉnh) tụ tập tại đây từ tờ mờ sáng, chờ chực những người đến tìm nhân công giá rẻ. Một người lao động từ Hà Bắc thổ lộ : « Tôi đến chợ này từ bảy năm qua. Hồi trước nhiều việc lắm, có thể dễ dàng được nhận vào làm ở nhà máy hay công trường xây dựng. Giờ đây các xưởng đóng cửa hoặc sa thải công nhân. Và vì có nhiều người tìm việc, nên tiền lương nay thấp hơn trước, tôi vất vả hơn nhiều để kiếm tiền gởi về cho vợ con ».

Số người thất nghiệp tại Hoa lục lên đến 70 triệu

Là mắt xích cần thiết cho phép lạ kinh tế Trung Quốc từ 30 năm qua, số 290 triệu lao động nhập cư – đã từ bỏ miền quê lên thành thị kiếm sống, ngày nay là những người bị ảnh hưởng nhiều nhất, bởi cuộc khủng hoảng kinh tế xã hội chưa từng thấy do đại dịch gây ra.

Sau khi sụt mất 6,8% trong quý I, một điều chưa bao giờ xảy ra kể từ khi Cách mạng văn hóa kết thúc năm 1976, nền kinh tế Trung Quốc chậm chạp ngoi dậy. Tiêu thụ nội địa giảm sút, các công ty xuất khẩu không tìm được khách hàng do thế giới bị tê liệt vì con virus xuất phát từ Vũ Hán. Kết quả là thất nghiệp bùng nổ, trong một đất nước hầu như không có phúc lợi xã hội.

Đọc thêm: Trung Quốc từ bỏ mục tiêu tăng trưởng để chống đói nghèo, thất nghiệp

Theo số liệu chính thức thì tỉ lệ thất nghiệp là 6% vào tháng Tư, so với tháng 12/2019 là 5,2%, tức 4 triệu việc làm bị mất đi. Nhưng con số này chỉ là một phần sự thật. Kinh tế gia độc lập Hồ Tinh Đẩu (Hu Xingdou) ở Bắc Kinh giải thích : « Điều tra chính thức không tính đến lao động nhập cư lẫn tình trạng của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, những người hành nghề độc lập ». Trong khi chính các cửa tiệm nhỏ, cửa hàng bán sỉ, nhà hàng, khách sạn – những lãnh vực cần đến nhiều lao động phổ thông – đã đóng cửa, đôi khi vĩnh viễn, nhân viên phải thất nghiệp ngồi nhà.

Cuối tháng Tư, một nghiên cứu của công ty môi giới chứng khoán Trung Thái (Zhongtai Securities) ở Sơn Đông ước lượng tỉ lệ thất nghiệp thực sự tại Trung Quốc là 20,5%, tức 70 triệu người không công ăn việc làm. Bản báo cáo này nhanh chóng bị rút khỏi internet, và giám đốc nghiên cứu của công ty bị trừng phạt. Zhang Lin, nhà quan sát kinh tế Trung Quốc nhận định : « Do không có thống kê khả tín, tốt nhất nên nhìn vào những nhà buôn ở xung quanh bạn đã phải đóng cửa ».

Ác mộng của lao động nhập cư

Tuy mỗi chuyên gia có đánh giá khác nhau, nhưng tất cả đều đồng ý ở một điểm : tác động xã hội của đại dịch vô cùng lớn. Các nhà phân tích của UBS ước tính từ 70 đến 80 triệu người Trung Quốc đã bị mất việc, hoặc không thể làm việc vào cuối tháng Ba, nhiều tuần lễ sau khi lệnh phong tỏa được dỡ bỏ. Trong một báo cáo mới đây, bà Uông Đào (Tao Wang) cho biết « Thị trường lao động được cải thiện với các hoạt động được tái lập, nhưng áp lực vẫn đè nặng ».

Số người không có việc làm sụt xuống còn 33 đến 40 triệu vào đầu tháng Năm, nhưng lại có một mối đe dọa khác : « Có khả năng là đến 10 triệu nhân công sẽ bị sa thải trong những tháng tới, ở các lãnh vực liên quan đến xuất khẩu của Trung Quốc, vì suy thoái toàn cầu và căng thẳng thương mại giữa Washington và Bắc Kinh. Đến cuối năm nay, rất có thể khoảng mấy chục triệu người vẫn bị thất nghiệp » – theo cảnh báo của Ernan Cui, nhà kinh tế thuộc Gavekal Dragonomics.

Tác động kinh tế của các biện pháp phong tỏa trên thế giới là rất lớn, và Trung Quốc không phải ngoại lệ. Nhưng Ernan Cui lo ngại vì « mạng lưới an sinh xã hội Trung Quốc không dự kiến đền bù khi thất nghiệp đại trà ». Hệ thống bảo hiểm thất nghiệp không hề thích ứng : trợ cấp ít ỏi và chỉ dành cho một số rất ít người bị mất việc.

Chưa đầy phân nửa dân số hoạt động ở đô thị (200 triệu người) được hưởng bảo hiểm này, còn lao động nhập cư chưa đến 1/5. Do không có hộ khẩu thành phố, họ bị loại ra ngoài tất cả các chính sách xã hội (giáo dục, việc làm nhà nước, y tế…). Người lao động quê Hồ Bắc ở chợ Cao Lệ Dinh (Gao Li Ying) kể trên cho biết chưa hề ký hợp đồng lao động, chưa bao giờ nghe nói đến bảo hiểm thất nghiệp.

Trợ cấp thất nghiệp tối thiểu

Chỉ có 2,3 triệu người Trung Quốc nhận được trợ cấp trong quý I, theo số liệu chính thức. Một con số hết sức thấp, cho dù số lượng người thất nghiệp rất lớn. Và dù được trợ cấp, số tiền này không thấm vào đâu so với thu nhập bị mất đi, vì được tính theo lương tối thiểu, vốn không tăng bao nhiêu kể từ năm 1994.

Theo Nicholas R.Lardy và Tianlei Huang, thuộc Viện Kinh tế Quốc tế Peterson (PIIE) : « Trợ cấp trong quý I/2020 là 1.350 nhân dân tệ (190 euro) cho mỗi người thất nghiệp trong một tháng, chỉ bằng 20 đến 30% lương trung bình của các công ty công và tư ở thành thị ».

Đọc thêm: Dịch virus corona, Tchernobyl của Trung Quốc ?

Cuộc khủng hoảng xã hội này rơi vào thời điểm bất lợi nhất cho tổng bí thư Tập Cận Bình, một năm trước khi kỷ niệm 100 thành lập đảng Cộng Sản Trung Quốc. Đây cũng là năm mà chế độ Bắc Kinh đã ấn định mục tiêu xóa hẳn đói nghèo và tăng gấp đôi GDP so với năm 2010.

Trước quả bom nổ chậm là tình trạng thất nghiệp hàng loạt, giờ đây mọi tuyên bố của Bắc Kinh đều tập trung vào công ăn việc làm, lần đầu tiên từ 30 năm qua bỏ rơi mục tiêu hàng đầu là tăng trưởng. Việc làm nay đứng đầu trong « sáu ổn định » mà nhà nước muốn bảo đảm, đặc biệt đối với lao động nhập cư và sinh viên mới tốt nghiệp, vào lúc 8,7 triệu sinh viên chuẩn bị gia nhập thị trường lao động. Thủ tướng Lý Khắc Cường mới đây tuyên bố trước 3.000 đại biểu Quốc Hội, phải dùng mọi phương tiện và tập trung mọi nỗ lực để tạo ra công ăn việc làm.

Chế độ bị lung lay

Mục tiêu này vừa là chính trị vừa là kinh tế. Cuộc khủng hoảng đã tạo ra thách thức chính trị chủ chốt cho chế độ cộng sản Bắc Kinh, đe dọa cắt đứt « khế ước xã hội » dựa trên sự ngoan ngoãn về chính trị để đối lấy việc làm giàu.

Giáo sư Trần Đạo Ngân (Chen Daoyin), nhà phân tích độc lập ở Thượng Hải nhận xét : « Bảo đảm việc làm là bảo vệ người dân nhưng đồng thời cũng bảo vệ giới cầm quyền. Một khi việc làm được duy trì và nhu cầu thực phẩm thiết yếu được giải quyết, thì sự ổn định của chế độ không bị đe dọa ».

Với gần 200 vụ đình công kể từ đầu năm nay, so với trên 700 vụ cùng kỳ năm ngoái, theo tổ chức phi chính phủ China Labour Bulletin, người lao động Trung Quốc ít xuống đường hơn trước. Eric Sautedé, phụ trách châu Á của Planet Labor giải thích : « Sợ dịch bệnh, bị phong tỏa, chính quyền tăng cường kiểm soát, nên các phong trào xã hội khó có điều kiện diễn ra, nhưng điều này không có nghĩa là không có khủng hoảng xã hội ». Tuy nhiên sự phẫn nộ, bất bình được bộc lộ qua các phương tiện khác, chủ yếu trên các mạng xã hội, khó thể định lượng được.

Trong khi nhu cầu thế giới sụt giảm mạnh, ổn định việc làm và hạn chế sa thải cũng là cách tốt nhất để tái thúc đẩy tiêu dùng nội địa, mà từ nay tăng trưởng của Trung Quốc phải dựa vào phần lớn. Lần đầu tiên từ khi Đặng Tiểu Bình mở cửa Hoa lục, thu nhập thực của các hộ gia đình giảm đi 3,5% trong quý I, và chi cho tiêu thụ giảm 12,5%.

Tái thúc đẩy việc làm

Giảm thuế để đổi lấy việc không sa thải, trợ cấp khi tuyển dụng lao động nhập cư, tăng tuyển mộ sinh viên mới ra trường vào quân ngũ, tạo điều kiện cho người bán hàng rong…Bắc Kinh không ngừng tìm cách tái thúc đẩy công ăn việc làm. Nhưng thử thách là khổng lồ, khi một số lãnh vực khó thể vực dậy, và các nhà máy không có đơn đặt hàng.

Trước đại dịch, tăng trưởng của Trung Quốc cũng đã chậm lại, tạo ra ít việc làm. Ý thức được những khó khăn, chính quyền chỉ ấn định mục tiêu là tỉ lệ thất nghiệp ở thành thị khoảng 6%.

Dù vậy, không ít người lao động nhập cư đã trở về quê. Đối với họ, những khu « chợ người » như Cao Lệ Dinh ở Bắc Kinh đã trở thành quá khứ.

http://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20200615-qu%E1%BA%A3-bom-n%E1%BB%95-ch%E1%BA%ADm-t%E1%BA%A1i-trung-qu%E1%BB%91c-70-tri%E1%BB%87u-ng%C6%B0%E1%BB%9Di-th%E1%BA%A5t-nghi%E1%BB%87p

 

Quan sát Cuộc sống Đó đây

Hồ sơ Indonesia sẽ tăng hiện diện quân sự ở Biển Đông để đối phó với TQ

Indonesia sẽ tăng cường hiện diện quân sự ở Biển Đông để đối phó với các “hành động khiêu khích của Trung Quốc”.

Ngày 13/6, Chủ tịch Ủy ban I, Hạ viện Indonesia, ông Sukamta đã yêu cầu Tư lệnh Quân đội Quốc gia Indonesia triển khai tàu chiến và máy bay trinh sát ở vùng Biển Natuna để giữ chủ quyền lãnh thổ của Indonesia trước sự xâm phạm của các tàu nước ngoài.

Ông Sukamta nhấn mạnh, những phản ứng mạnh mẽ từ Chính phủ Indonesia sẽ là tín hiệu để nhắc nhở Trung Quốc hay bất kỳ quốc gia nào đang cố gắng xâm nhập lãnh thổ Indonesia một cách bất hợp pháp. Ông Sukamta cho rằng, theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982, lãnh thổ Indonesia bao gồm khu vực đặc quyền kinh tế trong phạm vi 200 hải lý, trường hợp này bao gồm đảo Natuna của Indonesia. Trung Quốc là thành viên của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982 phải tuân thủ luật pháp quốc tế.

Chính trị gia từ Hạ viện Indonesia cũng yêu cầu chính phủ tiếp tục tăng cường ngoại giao và hợp tác quốc tế, đặc biệt là với các nước trong khu vực ASEAN mà cho đến nay cũng bị ảnh hưởng bởi các “yêu sách đơn phương của Trung Quốc” trên Biển Đông. “Việc thống nhất ASEAN chắc chắn sẽ gây áp lực buộc Bắc Kinh không thể tự hào về sức mạnh của mình và cũng để đảm bảo rằng Trung Quốc sẵn sàng tuân thủ các quy tắc quốc tế và Phán quyết của Tòa án Trọng tài năm 2016”, ông nói.

Trước đó, các nhà quan sát đã coi việc triển khai các tàu cá và tàu khảo sát đến Biển Đông là chiến thuật mới của Trung Quốc nhằm tăng cường yêu sách đối với vùng biển giàu tài nguyên thiên nhiên. Người đứng đầu Cơ quan An ninh Hàng hải Indonesia, Phó Đô đốc Aan Kurnia cho rằng, các cuộc diễn tập của Trung Quốc tại khu vực Đặc quyền Kinh tế Indonesia (EEZ) có xu hướng ngày càng “khiêu khích” hơn, trong đó bao gồm Chiến dịch Biển xanh năm 2020, lệnh cấm đánh bắt cá ở Biển Đông, thành lập hai quận và đặt tên cho 80 cụm đảo san hô và các chủ thể khác ở Biển Đông.

Theo ông Kurnia, vấn đề Biển Đông đang ngày càng nóng lên, có nhiều khả năng xảy ra xung đột với Trung Quốc về thẩm quyền quản lý tài nguyên thiên nhiên tại Vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia (EEZ).

Phó Đô đốc Aan Kurnia khẳng định, Indonesia sẽ xây dựng chiến lược về quản trị và hợp tác, tăng cường sự hiện diện của các nhân viên thực thi pháp luật tại Biển Đông dựa trên quyền tài phán Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và Indonesia sẽ có những thái độ nghiêm túc trước sự leo thang ở Biển Đông xảy ra do các “hành động khiêu khích” của Trung Quốc

http://biendong.net/bi-n-nong/35265-quan-sat-cuoc-song-do-day-ho-so-indonesia-se-tang-hien-dien-quan-su-o-bien-dong-de-doi-pho-voi-tq.html

 

‘Quả bom ngoại giao’ của Indonesia về đường lưỡi bò trên Biển Đông

Hãng tin ABS&CBN của Philippines đã gọi công hàm của Indonesia gửi tổng thư ký Liên Hiệp Quốc mới đây là “quả bom ngoại giao mới của Indonesia chống lại chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông”.

Hãng tin này viết: “Quả bom này được ném ra dưới hình thức một công hàm gửi cho Liên Hiệp Quốc (LHQ) hôm 26-5, nêu một phán quyết mang tính lịch sử của Tòa án trọng tài thường trực (PCA) năm 2016 trong vụ kiện của Philippines chống lại bản đồ đường chín đoạn của Trung Quốc.

Không còn nghi ngờ gì nữa, công hàm này đã gây tiếng vang lớn và rõ ràng trong phòng quốc yến ở Đại lễ đường nhân dân Bắc Kinh, trụ sở của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc”.

Vùng dậy

Thông tấn xã Bernama của Malaysia “nhấn nhá” tới lui thái độ của Indonesia: “Công hàm này nhấn mạnh rằng Chính phủ Indonesia ủng hộ phán quyết bởi PCA nghiêng về phía Philippines…”.

Công hàm do trưởng phái bộ Indonesia tại LHQ gửi LHQ viết: “Indonesia nhắc lại rằng bản đồ đường chín đoạn ngụ ý yêu sách quyền lịch sử rõ ràng là thiếu cơ sở pháp lý quốc tế và hầu như là nhằm đảo lộn UNCLOS 1982 [Công ước LHQ về Luật biển]”.

Bản tin cũng trích dẫn công hàm: “Là một quốc gia thành viên của UNCLOS 1982, Indonesia luôn kêu gọi tuân thủ hoàn toàn luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982. Indonesia tuyên bố không bị ràng buộc bởi bất kỳ yêu sách nào trái với luật pháp quốc tế, trong đó UNCLOS 1982”.

Mệnh đề “bất kỳ yêu sách nào trái với luật pháp quốc tế, trong đó UNCLOS 1982” nặng nề ở chỗ ai cũng hiểu là nói đến yêu sách đường chín đoạn của Trung Quốc, song “không thèm” nêu đích danh!

Nhưng công hàm cũng không ngần ngại phản bác trực diện, viện dẫn Tòa The Hague: “Quan điểm này đã được tòa khẳng định bằng phán quyết ngày 12-7-2016 rằng bất kỳ quyền lịch sử nào mà nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa có thể đã có với các tài nguyên sinh vật và phi sinh vật đều đã được thay thế bởi ranh giới các khu vực hàng hải được quy định bởi UNCLOS 1982”.

Đây là sự đáp trả mạnh mẽ những luận điệu trước giờ của Bắc Kinh, khi nại ra những thí dụ về quyền lịch sử, tỉ như ông đô đốc này từng tới đó, dân Tàu từng đánh cá ở đó thời xa xưa. Như mọi tranh chấp đất đai hay vùng biển, ai cũng phải tôn trọng giấy tờ sổ sách và pháp luật!

Bởi thế, giám đốc Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á Gregory Poling mới diễn nghĩa với Thông tấn xã Bermana: “Công hàm này là lần đầu tiên một nước láng giềng của Philippines tại Đông Nam Á đứng lên và tán thành một cách rõ ràng thắng lợi trọng tài năm 2016 trước Trung Quốc. Các quan chức ở Jakarta đã thúc đẩy điều này suốt bốn năm, và có vẻ như cuối cùng họ đã chiến thắng nỗi sợ chính trị về Trung Quốc”.

Trực diện

Thiệt ra, công hàm của phái bộ Indonesia tại LHQ chỉ là một tiếp nối bằng văn bản chính thức những gì mà cả tổng thống và bộ trưởng ngoại giao nước này đã phát biểu từ đầu năm.

Ngày 8-1, Tổng thống Joko Widodo (Jokowi) đích thân đến thăm đảo Natuna, bước lên tàu hải quân đi một vòng quanh đảo rồi gặp gỡ các ngư dân nước này. Nhân dịp đấy, ông khẳng định quyền khai thác tài nguyên của nước ông trong khu vực đặc quyền kinh tế và tuyên bố tại căn cứ hải quân Lamba: “Tôi đến đây để đảm bảo việc thực thi quyền chủ quyền của chúng ta. Indonesia có quyền bắt giữ hay đuổi đi các tàu nước ngoài khai thác trái phép tài nguyên của chúng ta trong vùng đặc quyền kinh tế này”.

Ông nói thêm rằng việc Trung Quốc gia tăng số tàu tại khu vực này từ tháng 12-2019 là vi phạm luật pháp quốc tế.

Trước đó, hôm 6-1-2020, trong một phiên họp nội các toàn thể, ông Jokowi quả quyết “không có chuyện thương thuyết chủ quyền”. Chuyến thăm Natuna của ông diễn ra một tuần sau khi người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng tuyên bố ngư dân Trung Quốc có quyền tự do hoạt động trong “ngư trường truyền thống”.

Sau khi các tàu Trung Quốc đổ về đây và được tàu hải cảnh hộ tống, ông Jokowi đã ra lệnh tăng cường lực lượng hải quân Indonesia và điều động 4 chiến đấu cơ F-16 tới biểu dương lực lượng. Ông cũng kêu gọi ngư dân đưa tàu ra thật đông: 120 tàu đánh cá Indonesia đã có mặt.

Một ngày sau chuyến thăm Natuna của Tổng thống Jokowi cũng như việc máy bay không quân Indonesia xuất hiện, Reuters loan tin tàu cá và tàu hải cảnh Trung Quốc đã rút đi.

Cũng trong chiều hướng này, Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno L.P. Marsudi, trong cuộc họp báo chính sách ngoại giao đầu năm tổ chức cùng ngày 8-1 với chuyến thăm Natuna của ông Jokowi, tuyên bố: “Về việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Indonesia…, như mọi nước khác, vấn đề chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ là bất khả thương lượng. Lãnh thổ và chủ quyền của Indonesia không thể nào đem ra mặc cả bởi bất cứ ai vào bất cứ lúc nào”.

Nhân dịp này, bà Marsudi tuyên bố: “Tôi muốn nhắc lại một nguyên tắc liên quan đến chủ quyền và quyền chủ quyền trong vùng biển Indonesia. Bất kỳ yêu sách nào bởi bất cứ ai đều phải phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982”. Đây chính là nội dung trong công hàm gửi cuối tháng 5.

Tiền lệ nguy hiểm

Tờ Jakarta Post 6-1-2020 chạy tít: “Trung Quốc đang đùa với lửa qua những yêu sách tại vùng biển Natuna”. Báo đánh giá tình hình: “Giờ vấn đề là phải ngăn chặn những va chạm đã kéo dài cả năm qua giữa ngư dân Indonesia và Trung Quốc, vốn về sau thường được các tàu hải quân Trung Quốc bảo vệ, leo thang trở thành một cuộc tranh cãi lớn hơn giữa hai nước”.

Theo báo này, Bắc Kinh đã chủ ý sinh sự: “Tuần trước, những tuyên bố thẳng thừng của Bộ Ngoại giao Trung Quốc về quần đảo Natuna gây sốc cho nhiều người Indonesia. Trong cuộc họp báo tại Bắc Kinh, Cảnh Sảng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, nhấn mạnh rằng ngư dân Trung Quốc được tự do đánh bắt cá trong khu vực đánh cá truyền thống của họ, một phần chồng lấn vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia”.

Theo Jakarta Post, ông Cảnh Sảng đã chọc giận người dân Indonesia với tuyên bố thách thức: “Bất chấp Indonesia có chấp nhận hay không, sẽ chẳng có gì thay đổi với sự thật khách quan Trung Quốc có quyền và lợi ích trên các vùng biển liên quan”.

Tờ báo nhắn nhủ: “Indonesia tới giờ đã luôn tránh xa các tranh cãi [ở Biển Đông], song giờ Jakarta không thể tiếp tục giữ lập trường đấy nữa. ASEAN hiện đối diện một tình hình mới, trong đó thành viên quan trọng nhất nay cũng sẽ dính líu trực tiếp vào vấn đề nhạy cảm này”.

Tác giả bài báo không quên cảnh báo Chính phủ Indonesia: “Chính phủ sẽ gặp rắc rối trong nước nếu không tỏ ra vững vàng trong việc đảm bảo gìn giữ quyền kiểm soát Natuna”.

Rắc rối đó là gì? Jakarta Post giải thích: “Trong giới quân đội Indonesia, tâm lý chung là quan điểm của Trung Quốc là hoàn toàn không thể chấp nhận và phải có những hành động cụ thể tại chỗ”.

Nếu biết Bộ trưởng Quốc phòng đương nhiệm Prabowo Subianto là đối thủ hai lần tranh chấp ghế tổng thống với ông Jokowi và là một nhân vật không ưa Trung Quốc, có thể hiểu tờ Jakarta Post định ám chỉ gì.

Tờ The Strategist chuyên phân tích chiến lược của Úc từng mô tả nhân vật Prabowo: “Trong các cuộc tranh luận bầu cử tổng thống năm 2014, phần tranh luận của cựu tướng Prabowo Subianto về mối đe dọa của Trung Quốc với sự toàn vẹn lãnh thổ hàng hải của các quốc gia ASEAN đã cho thấy hiểu biết vượt trội của ông về các vấn đề chiến lược khu vực và sự sẵn sàng tố cáo hành vi bắt nạt của Trung Quốc”.

Tờ báo cũng ghi nhận rằng ông Prabowo “chỉ trích gay gắt việc sử dụng lao động Trung Quốc và việc Bắc Kinh đầu tư tại Indonesia”. Theo báo này, chủ nghĩa dân tộc nồng nhiệt của Prabowo cùng niềm tin cơ bản của ông vào năng lực tự vệ mạnh để bảo vệ chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Indonesia có thể báo trước ông sẽ nắm quyền kiểm soát lớn hơn đối với chính sách chiến lược của Indonesia.

Jakarta Post còn cảnh báo việc làm của Trung Quốc có nguy cơ tạo ra một tiền lệ nguy hiểm với cả khu vực và thế giới: “Bản thân Indonesia không phải là quốc gia có yêu sách ở Nam Hải (Biển Đông), nhưng yêu sách của Trung Quốc dựa trên lịch sử và ngư trường truyền thống xung quanh quần đảo Natuna cũng có thể được các quốc gia khác áp dụng. Ngư dân từ Sulawesi đã đánh cá hàng thế kỷ ở vùng biển Úc, vì vậy phải chăng chúng ta cũng có thể đòi quyền lịch sử ở đó?”.

Tính toán hậu COVID-19

Việc Indonesia từ đầu năm nay quyết liệt bảo vệ chủ quyền trong hành động, lời nói và bây giờ bằng công hàm chính thức gửi LHQ phải chăng đến từ những hành động lấn tới của Trung Quốc trên vùng biển Natuna từ tháng 1-2020 đến giờ? Dẫu sao thì với động thái mới này, Indonesia đã chấm dứt tình trạng mà nhà nghiên cứu chuyên về Đông Nam Á Aaron Connelly gọi là “một mình một ngựa” về vấn đề Biển Đông.

Connelly viết: “Dưới thời Tổng thống Jokowi, cách tiếp cận của Indonesia với các tranh chấp ở Biển Đông đã chuyển từ vai trò tích cực trong nỗ lực tìm giải pháp hòa bình cho các tranh chấp rộng lớn hơn sang chủ yếu tập trung vào bảo vệ lợi ích của mình quanh quần đảo Natuna mà không đối nghịch với Trung Quốc”.

Theo tác giả, ông Jokowi thiếu quan tâm đến ngoại giao khu vực, đồng thời vẫn muốn thu hút đầu tư của Trung Quốc cho các dự án cơ sở hạ tầng. Cách tiếp cận ngày càng đơn phương hơn của Indonesia khiến các quốc gia khác ở Đông Nam Á bị cô lập hơn và chịu áp lực ngoại giao của Trung Quốc hơn so với người tiền nhiệm của ông Jokowi, ông Susilo Bambang Yudhoyono. Song, lập trường đó nay đã thay đổi. Sự thay đổi đó càng mạnh mẽ nếu biết rằng năm nay là kỷ niệm 70 năm hữu nghị Trung Quốc – Indonesia.

http://biendong.net/bi-n-nong/35259-qua-bom-ngoai-giao-cua-indonesia-ve-duong-luoi-bo-tren-bien-dong.html

 

Luật sư Úc Mark Tarrant: Phải chống lại chế độ độc tài ở Trung Quốc

Hải Lam

Drew Pavlou, sinh viên trường Đại học Queensland (Úc), thường tham gia các phong trào phản đối vi phạm nhân quyền của chính quyền Trung Quốc và ủng hộ nền dân chủ cho Hồng Kông. Vào năm 2019, anh đã đệ đơn kiện lãnh sự quán Trung Quốc tại Brisbane với cáo buộc gây nguy hiểm cho tính mạng của mình. Luật sư Úc Mark Tarrant, người đại diện cho anh trong vụ kiện này, gần đây đã chia sẻ với trang Bitter Winter về bản chất của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cũng như những vi phạm của nhân quyền của chính quyền này.

Vụ kiện của Drew Pavlou

Tờ Bitter Winter cho biết, vào ngày 24/7/2019, Pavlou cùng một nhóm nhỏ sinh viên tổ chức các hoạt động ôn hòa trong khuôn viên trường Đại học Queensland để kêu gọi sự ủng hộ cho nền dân chủ Hồng Kông và các quyền của người Duy Ngô Nhĩ và người Tây Tạng. Tuy nhiên, theo ước tính của cảnh sát

Queensland, khoảng 500 – 600 “Hồng vệ binh” nghe theo sự chỉ đạo của ĐCSTQ, đã bao vây và tấn công dữ dội vào nhóm sinh viên trong trường.

Ngay ngày hôm sau, Thời báo Hoàn cầu đã đăng tuyên bố của ông Hứa Giới (Xu Jie), Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại Brisbane, ca ngợi các cuộc tấn công của nhóm sinh viên Trung Quốc nhắm vào với các sinh viên ủng hộ dân chủ là hành động “yêu nước”. Không chỉ vậy, tờ báo còn chỉ đích danh hai nhà lãnh đạo của phong trào dân chủ, trong đó có Drew Pavlou mang quốc tịch Úc. Ngay lập tức, anh Pavlou nhận được hàng trăm lời đe dọa giết hại. Anh Pavlou cho rằng, ông Hứa Giới phải chịu trách nhiệm trong vụ việc này.

Vào ngày 14/10/ 2019, Drew Pavlou đã nộp đơn kiện ông Hứa tại Tòa án sơ thẩm ở Brisbane và nộp đơn lên cảnh sát Queensland vào ngày 30/10/2019, khiếu nại Tổng lãnh sự quán Trung Quốc về hành vi phạm tội có tổ chức. Phiên điều trần dự kiến diễn ra vào ngày 24/7/2020.

Sự tương đồng giữa ĐCSTQ và chế độ Đức Quốc Xã

Khi luật sư Mark Tarrant được tờ Bitter Winter hỏi về quan điểm của ông về thời báo Hoàn Cầu, ông Tarrant đã trích dẫn lời của giáo sư Geremie R. Barmé, một nhân chứng, chuyên gia trong vụ kiện của Drew Pavlou, mô tả Thời báo Hoàn cầu là “một cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ”.

Ông Barmé nói rằng, với “ngôn ngữ kích động và cách tiếp cận ‘thiếu nhất quán’ trong việc báo cáo và bình luận về xã hội Trung Quốc và các vấn đề toàn cầu”, Thời báo Hoàn cầu “có phần nào khiến người ta liên tưởng tới Der Stürmer, tờ báo tuyên truyền đầy tai tiếng nhưng có tầm ảnh hưởng ở Đức do Julius Streicher xuất bản từ những năm 1920 cho đến khi chế độ Đức Quốc Xã sụp đổ vào cuối Thế chiến thứ hai”.

Ông Mark Tarrant cho rằng, sự tương đồng giữa ĐCSTQ với chế độ Đức Quốc Xã không chỉ thể hiện ở khía cạnh tuyên truyền. Theo luật sư Tarrant, các tội ác của ĐCSTQ hôm nay tương tự với tội các của các thành viên trong chế độ Đức quốc xã trước đây được đề cập trong Bản cáo trạng Nürnberg năm 1946 – 1947.

Tướng Telford TayLor, cố vấn trưởng của Mỹ tại Tòa Án Nürnberg, đã đề cập đến các hoạt động thương mại trước chiến tranh của Đức Quốc Xã và các hoạt động công nghiệp “được thiết kế cẩn thận để làm suy yếu nước Mỹ – quốc gia đóng vai trò là một kho vũ khí của nền dân chủ”, bằng cách duy trì sản xuất tại Mỹ một số sản phẩm chiến lược nhất định, bao gồm cả thuốc lưu huỳnh, tiền chất của kháng sinh hiện đại.

“Sử dụng các hoạt động kinh doanh bất chính gần giống với các hoạt động của Đức Quốc Xã trước chiến tranh, Trung Quốc hiện kiểm soát hầu hết các sản phẩm chiến lược của thế giới và xâm nhập vào các quốc gia dân chủ thông qua Huawei. Có người cho rằng ĐCSTQ đã nghiên cứu các chiến lược trước chiến tranh của Đảng Công nhân Đức Quốc gia Xã hội chủ nghĩa và biến chúng thành của riêng mình”, luật sư Mark Tarrant nói với Bitter Winter.

Luật sư Tarrant nói, như ông Telford Taylor đã giải thích, các hoạt động tội phạm của Schutzstaffel, tổ chức vũ trang của Đức Quốc Xã, rất phổ biến và được thực hiện ở quy mô lớn đến mức nước Đức và thế giới đều biết đến. Tuy nhiên, rất ít người dám lên tiếng. Sự tàn bạo của chính quyền Đức Quốc Xã hiện đang được thấy ở Trung Quốc ngày nay.

Thu hoạch tạng sống

Trong cuộc phỏng vấn với Bitter Winter, ông Mark Tarrant cũng đề cập đến tội ác thu hoạch nội tạng của ĐCSTQ. Theo luật sư người Úc, từ “thu hoạch” (harvest) thường đi cùng những hình ảnh tích cực như: thu hoạch một vụ mùa mang lại lợi ích cho cộng đồng, lễ tạ mùa (harvest festival)… Tuy nhiên, ĐCSTQ lại thu hoạch nội tạng, giết chính người dân của đất nước để kiếm tiền.

Một tòa án độc lập về vấn đề Trung Quốc có trụ sở tại London, Vương Quốc Anh đã đưa ra phán quyết vào ngày 1/3 rằng, chính quyền Trung Quốc vẫn đang tiếp tục mổ cướp nội tạng sống đối với các tù nhân lương tâm và bán cho thị trường cấy ghép tạng sống để kiếm lời.

Luật sư Mark Tarrant nói rằng, trong suốt 70 năm ĐCSTQ cai trị đất nước, chính quyền này đã gây ra cái chết cho 70 triệu người vô tội. Sau khi phá hủy nhân quyền trên khắp Trung Quốc đại lục, ĐCSTQ đang cấp tốc hủy diệt nền văn minh của phương Tây từ trong ra ngoài. Một trong những trụ cột của nền văn minh phương Tây là nền dân chủ, điều mà ĐCSTQ không thể tiếp nhận.

Alexander Bowe, nhà phân tích chính sách tại Ủy ban Đánh giá An ninh và Kinh tế Mỹ (USCC) giải thích rằng ĐCSTQ chỉ định các nhà hoạt động dân chủ là một trong “5 nhóm độc hại” đe dọa sự cai trị của đảng. 4 nhóm khác bị ĐCSTQ bôi nhọ là những người Duy Ngô Nhĩ, người Tây Tạng, những người ủng hộ độc lập Đài Loan và các học viên Pháp Luân Công, môn khí công theo nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn có hơn 100 triệu người tập tại nhiều quốc gia.

Tại sao trường hợp của sinh viên Pavlou lại quan trọng?

Ông Mark Tarrant cho rằng, với hệ tư tưởng đầy thù hận, ĐCSTQ đang cố gắng phá hủy nguyên tắc thượng tôn pháp luật ở các trường học của Úc. Tuy nhiên, không phải ai cũng khuất phục trước chế độ giết người này, trong đó có anh Drew Pavlou. Anh cũng không ngại chỉ trích ngôi trường anh theo học vì chịu ảnh hưởng từ Bắc Kinh và bảo vệ các quyền thiêng liêng của nước Úc. Cuối tháng 5, Pavlou thông báo mình đã bị đình chỉ học 2 năm mà “không có lý do” nào được đưa ra. Sinh viên người Úc này cho biết anh còn bị đe dọa sẽ phải chịu hậu quả nếu “vi phạm tính bảo mật của quyết định của trường”.

Luật sư Tarrant tiếp tục trích dẫn lời của Giáo sư Barmé rằng Úc được coi như một thí nghiệm của Bắc Kinh. Bắc Kinh sử dụng những hành vi quốc tế này để đo lường xem chính sách quốc gia ngày càng hung hăng của chế độ này có thể tiến xa đến đâu trong thế giới phương Tây.

Luật sư cho rằng giới chức Úc cần chú ý tới việc các sinh viên Trung Quốc và những người khác đang hùa theo những lời kích động của chính quyền và bộ máy tuyên truyền của ĐCSTQ, đe dọa bạo lực đối với công dân Úc và các sinh viên khác ở Úc.

“Nếu chính phủ và giới chức Úc không bày tỏ quan ngại sâu sắc hoặc công khai phản đối những động thái đó, thì các tổ chức pháp lý độc lập và phương tiện truyền thông tự do của chúng ta chắc chắn phải lên tiếng”, ông Tarrant kết luận.

https://www.dkn.tv/the-gioi/luat-su-uc-mark-tarrant-phai-chong-lai-che-do-doc-tai-o-trung-quoc.html