Tin Việt Nam – 14/06/2020
ĐBQH tranh luận: Nghi ngờ tính đúng đắn trong vụ tử tù Hồ Duy Hải, vụ nhảy lầu tự tử ở TAND Bình Phước… – Tâm Tuệ
Trên diễn đàn Quốc hội, các đại biểu Quốc hội đã đưa vụ án Hồ Duy Hải và nhiều vụ án khác mà phán quyết của Toà khiến dư luận nghi ngờ, bức xúc ra bàn bạc.
“Dư luận nghi ngờ tính đúng đắn trong vụ tử tù Hồ Duy Hải, vụ nhảy lầu tự tử ở TAND Bình Phước”
Báo Tiền Phong dẫn nội dung trên diễn đàn Quốc hội thảo luận về tình hình kinh tế- xã hội hôm 13/6. Trong đó có việc đưa các vụ án khiến dư luận nghi ngờ về tính đúng đắn được đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) nêu ra: “Những vụ án vừa qua gây nghi ngờ, bức xúc, nghi vấn trong nhân dân và dư luận về tính đúng đắn phán quyết của toà án cũng như những vi phạm trong hoạt động tố tụng như vụ án Hồ Duy Hải; vụ nghi vấn công ty Nhật hối lộ ở Bắc Ninh; vụ lùi xe trên đường cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên; vụ nhảy lầu tự tử ở TAND Bình Phước”.
Ông Thắng cũng không quên nêu lại “vụ gỗ ở Quảng Trị” đã được các đại biểu tỉnh này đưa ra nhiều lần tại diễn đàn Quốc hội.
“Đây là vụ có nhiều dấu hiệu oan sai, vi phạm nghiêm trọng pháp luật trong tố tụng mà đoàn ĐBQH Quảng Trị đã giám sát, báo cáo. Cùng đoàn ĐBQH TP. Đà Nẵng, Quảng Bình và nhiều ĐBQH đã kiến nghị giám đốc thẩm vụ án nhưng đến nay đã gần một năm mà cơ quan có trách nhiệm chưa xem xét, trả lời”, – ĐBQH Hoàng Đức Thắng nói.
Theo đại biểu Thắng, hành vi vi phạm nghiêm trọng tố tụng trong vụ án này đã được cơ quan điều tra khởi tố hơn 1 năm nay nhưng chưa được đưa ra xét xử, trong khi đó người dân phải chấp hành án phạt tù trong sự đau khổ, uất ức, của cải bị bán, bị tịch thu, người bị uất ức thắt cổ tự tử, người còn lại vào vòng tù tội đang tiếp tục kêu oan trong nỗi chờ mong mỏi.
Ngay sau phát biểu của ông Hoàng Đức Thắng, ĐBQH Phạm Hồng Phong, Phó Chánh án TADN Cấp cao tại TP.HCM (Hậu Giang) đã tranh luận.
Ông Phong nêu rõ, khi xét xử HĐXX phải đọc hồ sơ. Có những vụ án chở cả xe ôtô hồ sơ, HĐXX phải đọc nhiều tháng, phải kiểm tra chứng cứ qua các lời khai, còn phải tranh tụng tại toà mới đưa ra được phán quyết đúng đắn.
Đại biểu đoàn Hậu Giang nói thêm, người tham gia tố tụng cho rằng bản án có hiệu lực có sai phạm thì có quyền làm đơn khiếu nại yêu cầu giám đốc thẩm và tái thẩm, có quyền làm đơn đến ĐBQH, Đoàn ĐBQH để kiến nghị đến cơ quan có thẩm quyền để xem xét lại bản án.
439 thí sinh không đạt vẫn đỗ ĐH:
Kỷ luật hàng loạt cán bộ Thanh Hóa
Tâm Tuệ
Ngày 14/6, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Thanh Hóa cho biết, quyết định kỷ luật cảnh cáo ông Phạm Đăng Quyền hiện là Phó chủ tịch do mắc sai phạm nghiêm trọng trong đề án đào tạo nguồn nhân lực cho Khu kinh tế Nghi Sơn.
Theo kết quả kiểm tra của cơ quan chức năng, trong quá trình thực hiện Đề án Đào tạo nguồn nhân lực cho Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp ở Thanh Hoá, ông Phạm Đăng Quyền cùng nhiều cán bộ cấp dưới, cán bộ các đơn vị liên quan đã thực hiện sai quy định trong tuyển sinh, gây bức xúc dư luận.
Trong các năm 2015-2017, Thanh Hoá đã phê duyệt danh sách “gửi” gần 440 sinh viên đi học tại nhiều đại học trên cả nước dù nhiều thí sinh không đạt điểm chuẩn, không đủ điều kiện tuyển.
Ban quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn không được phép chủ trì tuyển sinh nhưng vẫn phối hợp với Trung tâm Giáo dục thường xuyên, Đại học Hồng Đức thực hiện việc này.
Trong khi các thông báo tuyển sinh có điều kiện “ưu tiên học sinh có hộ khẩu Thanh Hóa” nhưng thực tế thí sinh trúng tuyển đa số là người Hà Nội hoặc ở các địa phương khác. Việc làm này không những có dấu hiệu cố ý tuyển sinh sai đối tượng mà còn tạo nên sự thiếu công bằng trong kỳ tuyển sinh đại học, Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh uỷ nêu.
Cũng liên quan đến vụ việc này, theo TTXVN, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng đã có quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Nguyễn Mạnh An, nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Hồng Đức.
UB Kiểm tra tỉnh ủy cũng quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Trần Chí Thanh, ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm UB Kiểm tra Đảng ủy, Phó Trưởng BQL Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp; khiển trách đối với ông Phạm Đình Minh, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch huyện Thạch Thành, nguyên Phó chánh Văn phòng tỉnh.
Ngoài ra, nhiều cán bộ đang công tác tại Trường Đại học Hồng Đức, KKT Nghi Sơn và các khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa cũng nhận kỷ luật cảnh cáo.
https://www.dkn.tv/thoi-su/439-thi-sinh-khong-dat-van-do-dh-ky-luat-hang-loat-can-bo-thanh-hoa.html
Máy bay Vietjet hạ cánh
trượt khỏi đường băng sân bay Tân Sơn Nhất
Bình luậnKhôi Nguyên
Trưa nay 14/6, máy bay hãng Vietjet từ Phú Quốc, Kiên Giang đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất trong cơn mưa lớn đã trượt khỏi đường băng, lao ra sân cỏ.
Chiều 14/6, đại diện hãng hàng không Vietjet Air xác nhận, sự việc trên xảy ra tại sân bay Tân Sơn Nhất.
Cụ thể theo Vietnamnet, chuyến bay số hiệu VJ322 từ sân bay Phú Quốc đi sân bay Tân Sơn Nhất đã gặp sự cố trượt khỏi đường băng. “Lúc đó trời mưa, phía đài kiểm soát không lưu thông báo đáp được. Tuy nhiên, trong quá trình đáp xuống đường băng thì xảy ra sự cố”, vị đại diện hãng bay thông tin.
Trả lời nhanh với VTC News về sự cố máy trên, đại diện Vietjet Air cho biết, nguyên nhân là do mưa gió lớn, máy bay bị trượt khỏi đường băng. Tuy nhiên, hãng này khẳng định, tàu bay và toàn bộ hành khách, tổ bay đều an toàn.
Ngay sau khi xảy ra sự cố, các lực lượng chuyên trách của hãng hàng không Vietjet Air đã giải phóng toàn bộ hành khách. Hành khách tham gia chuyến bay cũng đã nhận hành lý trong nhà ga bình thường.
Các chuyến bay cất và hạ cánh tại sân bay Tân Sơn Nhất đang tạm thời ngừng lại để chờ xử lý vụ việc, theo Thanh Niên.
VnExpress cho biết, thời tiết tại TP. HCM và Nam Bộ 2 ngày cuối tuần có giông lốc, mưa lớn 20-40 mm, có nơi trên 50 mm.
Theo Đài khí tượng thuỷ văn khu vực Nam Bộ, nguyên nhân là gió Tây nam đang hoạt động mạnh vì ảnh hưởng của Bão Nuri ở Đông bắc biển Đông; đồng thời tồn tại hội tụ gió ở cả tầng thấp và cao.
Tàu Trung Cộng đâm hư tàu ngư dân Việt và cướp tài sản
Tin Vietnam.- Báo Tuổi trẻ ngày 12 tháng 6 năm 2020 loan tin, ngư dân Nguyễn Lộc, 42 tuổi, ở huyện Lý Sơn, Quảng Ngãi là chủ tàu đánh cá QNg 96416 cho biết, vào ngày 10 tháng 6 vừa qua, tàu của ông đang đánh bắt hải sản ở đảo Linh Côn, thuộc quần đảo Hoàng Sa thì bị tàu của Trung Cộng cùng 1 xuồng máy truy đuổi, đâm chìm tàu. Lúc này, trên tàu của ông Lộc đang có 15 ngư dân và ông là thuyền trưởng.
Khi bị tàu Trung Cộng đâm chìm thì tất cả đều phải nhảy xuống biển. Sau đó, 13 ngư dân bám được vào thuyền thúng, 3 ngư dân khác được xuồng máy của Trung Cộng vớt lên và đưa lại chiếc tàu bị chìm để bơm nước “cứu” tàu đánh cá.
Sau khi chiếc tàu của ông Lộc được bơm nước ra, phía Trung Cộng đã cướp 2 máy định vị và dò cá, 1 chiếc thuyền thúng, 5 bành dây hơi, 1 tấn hải sản và làm hư hỏng nhiều bộ phận trên tàu. Tổng thiệt hại là khoảng 500 triệu đồng. Cướp xong tài sản, nhóm tàu Trung Cộng bắt ông Lộc ký tên vào tờ giấy toàn tiếng Trung nhưng ông Lộc không ký và nói không biết chữ, thì liền bị phía Trung Cộng yêu cầu điểm chỉ dấu vân tay.
Trước sự việc trên, bà Lê Thị Thu Hằng, người phát ngôn của bộ Ngoại giao Cộng sản Việt Nam cho biết, lãnh sự bộ Ngoại giao và Đại sứ Cộng sản Việt Nam tại Bắc Kinh đã trao đổi với phía Trung Cộng là Việt Nam có chủ quyền tại quần đảo Hoàng Sa. Đồng thời, yêu cầu phía Trung Cộng điều tra sự việc, và thông báo kết quả lại cho Cộng sản Việt Nam.
An Nhiên
https://www.sbtn.tv/tau-trung-cong-dam-hu-tau-ngu-dan-viet-va-cuop-tai-san/
Trung Quốc dùng vũ lực
‘ép’ thuyền trưởng lăn tay giấy tờ lạ
Hiểu Minh
Ngoài cướp bóc, phía Trung Quốc dùng vũ lực ép thuyền trưởng tàu cá điểm chỉ vào một số giấy tờ bằng tiếng nước ngoài.
Ngày 14/6, Bộ Ngoại giao Việt Nam cập nhật diễn biến từ cơ quan chức năng về vụ va chạm giữa một tàu cá Việt Nam và tàu sắt Trung Quốc gần Hoàng Sa mới đây.
Theo đó, thông tin ban đầu liên quan tới vụ việc của tàu QNg 96416 TS từ các cơ quan chức năng cho thấy: “Tàu cá QNg 96416 TS bị một tàu sắt mang số hiệu 4006 và một canô của Trung Quốc áp sát gây ra sóng lớn, khiến 16 ngư dân cùng nhiều vật dụng trên tàu cá Việt Nam rơi xuống biển; tàu bị nước tràn vào, có nguy cơ chìm.
Một số người từ tàu Trung Quốc đã lên tàu cá Việt Nam bơm nước ra ngoài và đưa các ngư dân trở lại tàu. Trước khi rời đi, phía Trung Quốc dùng vũ lực ép thuyền trưởng tàu cá điểm chỉ vào một số giấy tờ bằng tiếng nước ngoài, lấy đi số lượng lớn hải sản, ngư cụ và trang thiết bị của tàu QNg 96416 TS”, theo Tuổi Trẻ.
Tàu cá QNg 96416 TS và toàn bộ ngư dân trên tàu đã về tới cửa Sa Kỳ, tỉnh Quảng Ngãi hôm 12/6 an toàn.
Được biết, tàu cá QNg 96416 cùng 16 ngư dân xuất bến ngày 6/6, đến ngày 10/6 thì bị nạn. Sáng 13/6, trả lời báo giới về thông tin tàu Trung Quốc va chạm tàu QNg 96416 TS khi đang đánh bắt cá tại khu vực đảo Lin-côn thuộc quần đảo Hoàng Sa, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết, đã yêu cầu phía chính quyền Trung Quốc điều tra.
https://www.dkn.tv/thoi-su/trung-quoc-dung-vu-luc-ep-thuyen-truong-lan-tay-giay-to-la.html
Người Việt phản đối
Đại sứ quán Trung Quốc lên án tàu Mỹ tới Biển Đông
Nhiều người Việt mới lên tiếng phản đối thông tin đăng trên trang Facebook của Đại sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội về việc tàu khu trục USS Mustin của Mỹ đi vào Tây Sa (Hoàng Sa) khi “chưa được sự cho phép của chính phủ Trung Quốc”.
Trong một tuyên bố đăng tải trên mạng xã hội lớn nhất thế giới, cơ quan ngoại giao của nước láng giềng phương bắc trích lời của Đại tá Lý Hoa Mẫn, người phát ngôn Chiến khu miền Nam của Quân đội Trung Quốc, nói rằng tàu chiến của hải quân Hoa Kỳ đã có bước đi “phi pháp”.
Trước đó, trang tin của Viện Hải quân Mỹ (USNI), một diễn đàn độc lập, phi lợi nhuận, dẫn lời Hải quân Hoa Kỳ nói rằng tàu khu trục USS Mustin mang tên lửa có điều hướng thuộc lớp Arleigh Burke hôm 28/5 đã băng ngang qua quần đảo Hoàng Sa ở Biển Đông để khẳng định quyền tự do hàng hải.
Hai ngày sau đó, Đại sứ quán Trung Quốc dẫn lời ông Lý nói trên Facebook của cơ quan ngoại giao này rằng “hải quân và không quân Chiến khu miền Nam [thuộc] Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc đã giám sát, xác minh, đồng thời cảnh cáo và xua đuổi tàu trên trong toàn bộ hành trình”.
Mỹ mời Việt Nam dự diễn tập hải quân ‘lớn nhất thế giới’, loại Trung Quốc
“Hành động khiêu khích của phía Mỹ đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền và lợi ích an ninh của Trung Quốc, vi phạm nghiêm trọng những nguyên tắc liên quan của Luật quốc tế, phá hoại nặng nề sự ổn định, hòa bình của khu vực Nam Hải [Biển Đông], là hành vi bá quyền về hàng hải đầy trắng trợn”, người phát ngôn Chiến khu miền Nam được dẫn lời nói tiếp.
Tuyên bố của phía Trung Quốc đã vấp phải sự phản đối của các Facebooker người Việt với hơn 380 bình luận, nhưng chỉ có khoảng gần 20 bình luận hiển thị phía bên dưới bài viết.
Một người tên Pham Hieu viết: “Vùng Biển đó không phải của Trung Quốc, xin người đừng nói lời dối gian. Người Trung Quốc làm điều ngược đạo thì phải có người Mỹ trừng trị”.
Facebooker Hoàng Long cùng quan điểm: “Thôi đi, đừng tuyên truyền nhảm, lãnh hải nào của Trung Quốc?” Một người Việt khác tên Huỳnh Đức Bình đặt câu hỏi: “Thế lãnh hải Việt Nam ai đang đi vào”. Theo quan sát của VOA Việt Ngữ, tới ngày 14/6, Đại sứ quán Trung Quốc không hồi đáp trước câu hỏi này của người Việt.
Một bình luận của người có tên Vũ Thùy Dung nhận được nhiều sự đồng tình nhất có nội dung: “Đó không phải là lãnh Hải của các người. Mỹ không có quyền và các người cũng không có”.
Theo USNI, phát ngôn viên của hải quân Mỹ nói rằng việc việc tàu USS Mustin tiến gần tới quần đảo Hoàng Sa để “giữ vững các quyền, quyền tự do hàng hải và việc sử dụng hợp pháp vùng biển được luật pháp quốc tế công nhận bằng cách thách thức các giới hạn về qua lại không gây hại (innocent passage) do Trung Quốc, Đài Loan và Việt Nam áp đặt, cũng như thách thức tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với đường biển cơ sở quanh quần đảo Hoàng Sa”.
Tới ngày 9/6, Bộ Ngoại giao Việt Nam chưa có phát biểu nào về tuyên bố này của phía Mỹ. Tháng Năm năm ngoái, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam lên tiếng ủng hộ “quyền tự do hàng hải” ở Biển Đông, ít ngày sau khi hai tàu chiến Mỹ áp sát khu vực thuộc kiểm soát của Trung Quốc ở Trường Sa, vốn khiến Bắc Kinh giận dữ phản đối.
“Là một quốc gia ven Biển Đông và là thành viên của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982, Việt Nam cho rằng tất cả các quốc gia được hưởng quyền tự do hàng hải và hàng không, phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982”, bà Lê Thị Thu Hằng nói tại cuộc họp báo thường kỳ.
Mỹ nghi gỗ dán Việt Nam dùng nguyên liệu Trung Quốc để ‘lách’ luật
Ngoài vấn đề về tàu khu trục USS Mustin, đoạn thông tin trên trang Facebook của Đại sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội còn chỉ trích cách Hoa Kỳ xử lý dịch COVID-19, nói không kèm theo dẫn chứng rằng “nước Mỹ không đoái hoài đến an toàn tính mạng của dân chúng trong nước, không tập trung sức lực vào công tác phòng chống dịch bệnh tại nước mình, không làm điều có ích cho cuộc chiến chống dịch trên toàn thế giới, mà thay vào đó là điều tàu đến vùng biển Nam Hải [Biển Đông] diễu võ dương oai, khiêu khích gây hấn…”
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm 6/6 ra thông cáo về “việc Đảng Cộng sản Trung Quốc nhẫn tâm lợi dụng cái chết bi thảm của George Floyd để biện minh cho sự bác bỏ độc đoán phẩm giá cơ bản của con người một lần nữa cho thấy bản chất thật sự”.
Tuyên bố của ông Pompeo có đoạn đề cập tới đại dịch COVID-19: “Ở Trung Quốc, khi các bác sĩ và phóng viên cảnh báo về các nguy cơ của một bệnh dịch mới, Đảng Cộng sản Trung Quốc làm im tiếng và khiến họ mất tích, và dối trá về tổng số người chết và quy mô đại dịch.
“Tại Mỹ, chúng tôi coi trọng mạng sống và thiết lập hệ thống minh bạch để chữa trị và hỗ trợ các giải pháp đối với đại dịch trên toàn cầu hơn bất kỳ nước nào khác”, ông Pompeo nói trong thông cáo.
Thư kêu gọi loại Trung Quốc khỏi Hội đồng Bảo an LHQ
của một người Việt đạt hơn 37.000 chữ ký
Băng Thanh
Lời kêu gọi “Bãi bỏ tư cách thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc của Trung Quốc” của một người Việt sống tại Anh trên trang change.org đến ngày 14/6 đã thu hút hơn 37.000 chữ ký.
“Bằng cách đàn áp các cảnh báo ban đầu của các bác sĩ, nhà khoa học về virus corona và che giấu ảnh hưởng tàn khốc của nó cũng như trì hoãn việc ngăn chặn lây lan virus này ra thế giới, gây nên một thảm họa cho con người và kinh tế, Trung Quốc cho thấy sự vô trách nhiệm và thiếu tôn trọng đối với sức khỏe, nhân phẩm và giá trị của người dân toàn thế giới”, bức thỉnh nguyện thư cho biết.
“Trung Quốc tự ý vẽ đường hình chữ U bao phủ hầu hết Biển Đông. Dầu đường này và các yêu sách của Trung Quốc đã được Tòa án Trọng tài Thường trực xử bất hợp pháp vào năm 2016, nhưng Trung Quốc vẫn tiếp tục vi phạm quyền tự do hàng hải ở Biển Đông và xâm phạm chủ quyền và quyền chủ quyền của các nước láng giềng”, bức thỉnh nguyện thư cho biết.
Thư kêu gọi “Bãi bỏ tư cách thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc của Trung Quốc” trên trang change.org đến ngày 14/6 đã thu hút hơn 37.000 chữ ký (ảnh chụp từ trang change.org).
Tác giả bức thỉnh nguyện thư, Tiến sĩ Lê Trung Tĩnh, hiện đang sống và làm việc tại Vương Quốc Anh chia sẻ với BBC: “Lý do tôi soạn thỉnh nguyện thư này và kêu gọi cộng đồng tham gia ký là do Trung Quốc cho thấy họ là quốc gia liên tục vi phạm các nguyên tắc và mục đích cơ bản nhất của Hiến chương Liên Hiệp Quốc”.
“Việc họ lâu nay nắm vị trí cầm cân nảy mực trong Liên Hiệp Quốc đi ngược lại mong muốn và cách thức vận hành tổ chức này của nhân loại. Do đó việc Trung Quốc bị loại khỏi Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc thể hiện ý nguyện của cộng đồng dân cư yêu hòa bình trên thế giới, những người coi trọng công lý quốc tế”, ông nói với BBC.
Khi được hỏi thỉnh nguyện thư có đóng góp gì vào các quyết định thực tế hay không?, Tiến sĩ Lê Trung Tĩnh chia sẻ với BBC rằng ngoài thể hiện mong muốn của cộng đồng, thỉnh nguyện thư còn là “một cách truyền thông, đánh động suy nghĩ, lương tri của mọi người”.
“Tác dụng thông tin là vô cùng lớn. Trong số những người ký thỉnh nguyện thư, có nhiều người là người Anh, Mỹ, Nhật, Ấn Độ… Điều này cho thấy đây là vấn đề được sự quan tâm và ủng hộ mạnh của nhiều nước, nhiều người trên thế giới”, ông nói với BBC.
Trong những người ký thỉnh nguyện thư, có lượng lớn người Hồng Kông tham gia ký tên. Hồng Kông hiện được cho là đang đứng trước nguy cơ sụp đổ về kinh tế, do các nhà đầu tư nước ngoài và nhiều người dân xứ Cảng Thơm có thể sẽ rời khỏi thành phố khi chính quyền Trung Quốc áp luật an ninh quốc gia cho Hồng Kông, luật cho phép Bắc Kinh bỏ tù bất cứ ai mà họ coi là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia.
“Hồng Kông đang mất các doanh nhân của mình; những người có khả năng nhất, trụ cột của xã hội, các chuyên gia; những người kinh doanh đều rời đi”, ông Jimmy Lai, ông trùm truyền thông Hồng Kông nói với đài Á Châu Tự Do (RFA) trong một cuộc phỏng vấn được công bố hôm 10/6.
“Một khi luật an ninh quốc gia được thực thi, đó sẽ là khởi đầu cho sự kết thúc của Hồng Kông. Thành phố sẽ không còn như trước đây, sẽ không còn luật pháp và không còn tự do nữa. Mọi người sẽ cảm thấy họ phải rời đi”, ông Lai cho biết. “Cho dù họ yêu nơi này đến mức nào, họ sẽ không thể làm gì về tình huống này”.
Đại hội 13: Đảng vẫn
‘loay hoay, bế tắc’ về đổi mới đường lối?
Quốc PhươngBBC News Tiếng Việt
Ban Tuyên giáo Trung ương của đảng CSVN hôm 10/6 vừa tổ chức một hội nghị báo cáo viên cấp trung ương, trong đó đại diện của Hội đồng Lý luận Trung ương đã có báo cáo chuyên đề về những điểm được cho là “mới” trong dự thảo văn kiện trình Đại hội 13 của đảng này dự kiến tổ chức vào sang năm, theo truyền thông VN.
Nhân dịp này, một số nhà quan sát thời sự, chính trị và nhà nghiên cứu Việt Nam bình luận với BBC News Tiếng Việt qua bút đàm, trước hết là về ‘tính mới’ hay ‘điểm mới’ như được báo chí Việt Nam loan báo.
TSKH. Nguyễn Quang A (Nguyên viện trưởng Viện Phản biện chính sách độc lập ISDS): Thực ra ĐCSVN đang xây dựng Chủ nghĩa Tư bản ở VN (TQ cũng vậy) nhưng họ phải bám vào cái mà ông Hồ Chí Minh đã theo để củng cố tính chính đáng của nó, để che đậy sự tham quyền cố vị của nó mà thôi.
Nhà nghiên cứu sử học Lê Văn Sinh (Đại học Quốc gia Hà Nội): Hai bài báo in trên Báo Thanh Niên chỉ ra hai điểm mới, thứ nhất ” gắn công tác xây dựng hệ thống chính trị với công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng” và thứ hai ” phấn đấu đến giữa thế kỷ 21, nước ta thành nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa “.
Công tác xây dựng và củng cố hệ thống chính trị Việt Nam (với một là đảng CSVN, hai là nhà nước gồm Quốc Hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, ba là Mặt trận Tổ quốc và bốn là các đoàn thể xã hội) là việc làm thường xuyên kể từ khi đảng cầm quyền. Nay coi đây là điểm mới trong Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XIII chứng tỏ mối quan ngại của các nhà lãnh đạo về vai trò và sức mạnh của đảng CS.
VN và nhân sự Đại hội 13: ‘Khó nhất vẫn là chức Tổng Bí thư’
Tổng Bí thư Trọng không muốn ‘chọn nhầm người’
VN: Liệu Đại hội Đảng 13 sẽ có khác biệt?
Đại hội 13 Đảng CSVN và đường lên đỉnh cao quyền lực
Về “Nước công nghiệp hiện đại theo định hướng xã hội chủ nghĩa ” và ” Nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa ” theo tôi không có gì khác nhau.
Tôi nhớ, Đại hội IX của ĐCSVN (2001) đề ra mục tiêu đến năm 2020 biến Việt Nam cơ bản thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Kết quả thế nào, chúng ta đã biết. Đại hội 13, Đảng lại đề ra mục tiêu 30 năm nữa đưa Việt Nam trở thành nước phát triển định hướng xã hội chủ nghĩa. Chúng ta phải chờ đợi và hy vọng khi đó đất nước trở thành con rồng châu Á.
Không có gì mới, chỉ đang khủng hoảng?
TS. Mai Thanh Sơn (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam): Theo tường thuật của báo Thanh niên, GS.TS. Phùng Hữu Phú – Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương đảng Cộng sản Việt Nam – có liệt kê ra 4 điểm mới trong Dự thảo Văn kiện đại hội XIII của đảng Cộng sản Việt Nam so với
các nhiệm kỳ trước: (i) gắn “xây dựng, chỉnh đốn hệ thống chính trị” với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; (ii) đặt ra mục tiêu “phấn đấu đến giữa thế kỷ 21, nước ta trở thành nước phát triển theo định hướng XHCN”; (iii) xác định vấn đề Biển Đông vẫn là một thách thức rất lớn; và (iv) giữ vừng nền tảng tư tưởng có ý nghĩa sống còn.
Nếu như vậy, tôi thấy chỉ có điểm thứ 3, liên quan đến chủ trương của đảng Cộng sản trong việc ứng phó với tham vọng bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông là thực sự có nội dung mới. Mấy kỳ đại hội của đảng gần đây, vấn đề Biển Đông và tham vọng của Trung cộng chưa bao giờ được đưa ra thảo luận như một nội dung trọng tâm của nghị sự. Những điểm khác không mới.
Thời ông Nông Đức Mạnh làm Tổng Bí thư, đảng đã xác định mốc 2020 là Việt Nam sẽ trở thành một nước công nghiệp, tức là đã trở thành một quốc gia phát triển. Cương lĩnh đại hội XIII lại xác định đến giữa thế kỷ XXI, Việt Nam mới trở thành một nước “phát triển theo định hướng XHCN”. Như vậy chẳng phải là các nhà lý luận của đảng đang thừa nhận sự thất bại trong mục tiêu được đề ra trong các kỳ đại hội trước? Việc “nhấn mạnh số 1 việc vững vàng tư tưởng Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh” thì mấy chục năm nay vẫn lặp đi lặp lại, có gì mới đâu?
Ngay cả việc xây dựng, chỉnh đốn đảng cũng đâu có gì mới? Nó luôn gắn liền với lịch sử của đảng Cộng sản Việt Nam từ ngày thành lập cho đến nay. Nhắc lại một chút để cùng nhớ: trong hội nghị thành lập đảng Cộng sản Việt Nam, ông Hồ Chí Minh đã trình bày, và được hội nghị thông qua, “Chính cương vắn tắt”, “Sách lược vắn tắt” của đảng. Chỉ mấy tháng sau đó, tháng 10/1930, ông Trần Phú đã đề xuất một bản luận cương chính trị mới, phản ánh sâu sắc hơn tinh thần của Quốc tế III. Tên đảng cũng được đổi lại, từ “đảng Cộng sản Việt Nam” thành “đảng Cộng sản Đông Dương”. Tháng 07/1939, TBT Nguyễn Văn Cừ xuất bản cuốn “Tự chỉ trích”, xác định một số nội dung mà đảng cần chỉnh đốn. Năm 1947, ông Hồ Chí Minh viết tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, cũng là một ấn phẩm nhằm mục đích hướng dẫn chỉnh đốn tổ chức hoạt động của đảng và nhà nước. Những năm tiếp theo, liên tục có những cuộc chỉnh đốn đảng, liên quan đến việc thanh lọc cán bộ dựa trên lý lịch và Cải cách ruộng đất (1953-1956), chống chủ nghĩa “xét lại chống đảng” (1967)… Năm 1986 đánh dấu bước chuyển trong nhận thức cũng như công tác xây dựng đảng theo hướng cởi mở hơn. Rồi những năm sau đó lại có những chủ trương nhằm thắt chặt lại và thanh lọc những nhân vật bất đồng chính kiến. Rõ ràng, xây dựng và chỉnh đốn đảng là nhiệm vụ thường xuyên, sao có thể coi là điểm mới của văn kiện đại hội XIII được?
Nhưng đọc lại toàn bộ 2 bài báo được đăng trên Thanh niên, tôi nhận thấy có một điểm mới: lần đầu tiên một “nhà lý luận của đảng Cộng sản Việt Nam” công khai bộc lộ là trên thực tế, những người cộng sản Việt Nam hiện nay đang khủng hoảng sâu sắc về mặt lý luận.
Mù mờ, loay hoay, còn mâu thuẫn?
Nhà báo tự do Song Chi (cựu đạo diễn truyền hình): Tôi không thấy có gì đổi mới cả. Trái lại tôi nhìn thấy ở đây một sự loay hoay, bế tắc trong đường hướng, lý luận, mà thực tế thì bao nhiêu năm nay đảng và nhà nước cộng sản VN đã loay hoay, bế tắc rồi.
Gần 30 năm qua rồi nhà nước VN vẫn loay loay. Về kinh tế thì sử dụng cụm từ phi logic và đầy mâu thuẫn “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, về lý luận thì gọi đây là thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Nhưng quá độ là bao lâu, như chính ông Phó chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương Phùng Hữu Phú cũng đặt câu hỏi.
“Một điểm mới khác trong chủ đề đại hội mà văn kiện Đại hội XIII đưa ra, ông Phú cho hay, là “phấn đấu đến giữa thế kỷ 21, nước ta trở thành nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.
Ông Phú giải thích, đây là đổi mới về nhận thức vì trước đây ta đặt mục tiêu trở thành nước công nghiệp, hiện đại theo định hướng xã hội chủ nghĩa còn lần này mục tiêu là nước phát triển. “Một nước công nghiệp hiện đại và phát triển có mối quan hệ với nhau nhưng không phải là một”, ông Phú nói.” (trích).
Là người dân tôi cảm thấy rất là mù mờ sự khác nhau giữa hai cái này thưa ông. Điều mà tôi hoài nghi là dựa trên thực tế của VN hiện nay, có chắc gì đến giữa thế kỷ XXI VN đã là nước phát triển chưa, lại còn “phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa”, thế mặt mũi cái xã hội chủ nghĩa đó nó ra sao, các ông có thể nói rõ cho người dân chúng tôi biết không. Trên thế giới có nước nào là nước xã hội chủ nghĩa theo ý các ông nói không? Liên Xô thì sụp rồi, hay là Cu Ba, Bắc Hàn, những nước mà kinh tế không đủ nuôi dân, người dân đói lên đói xuống? Hay Trung Quốc là nước mà các ông đang nhất nhất học theo, có phải là nước xã hội không, nếu không thì là gì?
Thực tế, trên thế giới hiện nay tất cả các nước phát triển, giàu mạnh, đều đi theo mô hình kinh tế thị trường, đều là những nước tư bản. Ngay cả Trung Quốc cũng thế, nhưng cái khác là họ là một nước độc tài độc đảng. Thế thì tại sao chúng ta phải đi theo một cái mô hình xã hội chủ nghĩa gì đó mà cho tới giờ này chúng ta vẫn chưa định nghĩa được và không tìm thấy cái mẫu để học theo?
Một điểm quan trọng trong báo cáo của ông Phú “Không còn thừa nhận chủ nghĩa Mác – Lênin tức là không thừa nhận sự lãnh đạo của Đảng. Các đảng phái sẽ mọc lên như nấm và quốc gia sẽ bước vào thời kỳ thập nhị sứ quân, rối loạn. Đó là lý do quan điểm chỉ đạo của báo cáo chính trị nhấn mạnh số một việc vững vàng tư tưởng Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh”,
Tóm lại là dù biết chủ nghĩa Mác- Lênin đã bị vứt vào sọt rác lịch sử ngay tại Liên Xô, đã lạc hậu, lỗi thời nhưng các ông vẫn bám víu vào, dù biết con đường đang đi không biết chừng nào tới, không biết bao giờ thì hết thời kỳ quá độ, chủ nghĩa xã hội tròn méo ra sao nhưng các ông vẫn cứ giữ để làm cái bình phong che đậy mục tiêu duy nhất: giữ vững quyền lực của đảng Cộng sản, giữ vững mô hình độc tài độc đảng, không có gì thay đổi cả, thế thôi.
Câu hỏi, vấn đề then chốt gì?
BBC:Theo quý vị, có những vấn đề hay câu hỏi gì then chốt, cốt yếu đang được đặt ra hiện nay đối với sự lãnh đạo, cầm quyền của ĐCSVN và nhà nước do ĐCSVN lãnh đạo? Các câu hỏi đó liệu có lời giải hay không ở Đại hội 13 tới đây và vì sao?
TSKH. Nguyễn Quang A: Có ba vấn đề lớn, thứ nhất là bảo vệ Tổ quốc, thứ hai là phát triển kinh tế bền vững (tức là phải đi đôi với bảo vệ môi trường và công bằng xã hội) và thứ ba là đổi mới chính trị từng bước theo hướng dân chủ. Theo tôi không sợ điều mà ông Phùng Hữu Phú (mà chắc là đồng ý với Giáo sư người Nga Vladimir Kolotov, khách mời hội luận thứ Năm vừa qua của BBC) nói về loạn 12 sứ quân, đó là con ngoáo ộp mà họ vẽ ra để doạ nhau, bởi vì làm khéo thì mở cửa chính trị chỉ làm cho nhà nước mạnh hơn và có sức hơn để làm hai việc chính là thứ nhất và thứ hai kể trên.
Nhà nghiên cứu Lê Văn Sinh: Sau hơn 30 năm đổi mới kinh tế, quan hệ sản xuất tại Việt Nam đã thay đổi tới mức không thể không đổi mới chính trị. Quan sát các động thái chuẩn bị nhân sự và dự thảo báo cáo chính trị, tôi chưa thấy có tia sáng nào, rằng Đại hội ĐCSVN XIII sẽ đặt ra và giải quyết vấn đề này (đổi mới chính trị). Ai đọc thuyết hình thái xã hội của Marx cũng biết luận điểm về sự tương thích giữa quan hệ sản xuất và thượng tầng kiến trúc xã hội. Đã coi là cái tất yếu thì không ai có thể chống lại được.
TS. Mai Thanh Sơn: Có ba câu hỏi then chốt mà thực tiễn đang đặt ra, đòi hỏi các nhà lý luận của đảng Cộng sản Việt Nam cần trả lời: (i) Có hay không một nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN, và nếu có, thì bản chất của nó là gì, nội hàm của khái niệm đó được hiểu như thế nào? (ii) Để quản lý và thúc đẩy phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN, Việt Nam cần một mô hình nhà nước như thế nào cho phù hợp? và (iii) Vị thế chính trị của các thành phần kinh tế trong cấu trúc chính trị – xã hội dựa trên mô hình nhà nước đó được xác định ra sao, làm thế nào để họ thực sự có tiếng nói độc lập?
Với những nội dung như ông Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu, tôi nghĩ đại hội XIII khó có thể tìm ra được câu trả lời thoả đáng. Còn vì sao ư? Đơn giản thôi, vì đến nay chưa có kinh tế – chính trị gia Việt Nam nào giải nghĩa được nội hàm khái niệm “kinh tế thị trường XHCN”; bản chất của “nhà nước pháp quyền XHCN” vẫn là “đảng của giai cấp công nhân” lãnh đạo tất cả các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp; các khuôn mẫu chính trị được khẳng định là vẫn sẽ không có gì thay đổi; chưa có bất kỳ biểu hiện nào cho thấy, các thành phần kinh tế – xã hội ngoài nhà nước chính thống sẽ được phép thành lập các tổ chức chính trị đại diện và có cơ quan ngôn luận của mình; và con đường của các tổ chức xã hội dân sự vẫn rất mờ mịt.
Nhà báo, cựu đạo diễn Song Chi: Đối nội, những câu hỏi then chốt cần phải đặt ra đó là trong một chế độ độc đảng, làm thế nào giải quyết được những căn bệnh trầm kha của nó như nạn độc tài, nạn tham nhũng, lạm dụng quyền lực, tránh được bất công, oan sai, làm thế nào để người dân có được những quyền căn bản, tối thiểu của mình như quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, quyền được biểu tình, quyền được thành lập các hội đoàn…
Đối ngoại, đường hướng sắp tới của Việt Nam có gì thay đổi, đặc biệt đối với Trung Cộng, và các nước dân chủ như Mỹ và phương Tây hay vẫn tiếp tục giữ quan điểm nhu nhược trước Trung Cộng còn với thế giới thì giữ nguyên chính sách “ba không” chuyển thành “bốn không” theo ông Thứ trưởng Quốc Phòng Nguyễn Chí Vịnh nói tại lễ công bố Sách trắng Quốc phòng Việt Nam 2019 rằng “Việt Nam chủ trương không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe doạ sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.”
Hãy thử hỏi chính sách đó thực tế trong những năm qua cho thấy có lợi hay hại đối với một nước yếu nằm kề bên một nước láng giềng to mạnh, hung hăng như Trung Cộng?
Mời quý vị đón theo dõi phần II cũng là phần cuối, trong đó các nhà quan sát, phân tích thời sự, chính trị Việt Nam nói về bối cảnh, môi trường hay ngoại lực nào có thể có ý nghĩa và tác động tới đổi mới ở Việt Nam trong bối cảnh Đại hội 13 sắp diễn ra của đảng CSVN.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-53038847
Chuyên gia Việt dự báo động thái của Mỹ và TQ
ở Biển Đông sau khi Mỹ gửi Công hàm phản đối
Nội dung trong Công thư ngày 1/6/2020 trên thực tế có tác động rất lớn trong việc kiềm chế Trung Quốc.
Mỹ đã từng gửi một ghi chú ngoại giao (note verbale) dưới dạng Công hàm đến phía Trung Quốc vào tháng 12/2016 để phản đối lập trường của Trung Quốc khi nước này đưa ra 03 văn bản tuyên bố (statement) bác bỏ Phán quyết của Toà Trọng tài Thường trực (PCA) ngày 12/7/2016.
Công hàm này được trích dẫn toàn văn trong Công thư do Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc (LHQ) Kelly Craft gửi đến Tổng thư ký LHQ António Guterres ngày 1/6 vừa qua không chỉ cho thấy lập trường nhất quán và xuyên suốt của chính phủ Mỹ trong thời gian qua đối với các quan điểm pháp lý của Trung Quốc trên Biển Đông, mà còn bộc lộ ý định liên kết các “mẫu số chung” trong lập trường pháp lý của các nước nhỏ trong khu vực để kiến tạo nền tảng cho một “cuộc chơi pháp lý” do Mỹ điều phối trên Biển Đông.
So sánh giữa Công thư ngày 1/6/2020 và Công hàm ngày 28/12/2016 của chính phủ Mỹ có thể nhận ra 4 điểm khác biệt như sau:
Thứ nhất là sự khác biệt về chủ thể mà phía Mỹ chọn gửi văn kiện. Công hàm tháng 12/2016 của Mỹ gửi trực tiếp đến Trung Quốc, trong khi Công thư của Mỹ tháng 6/2020 là văn bản ngoại giao đầu tiên của một quốc gia ngoài khu vực gửi đến Tổng thư ký LHQ để trình bày lập trường phản đối các yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông (cụ thể là phản đối Công hàm CML/14/2019 của Trung Quốc gửi ngày 12/12/2019) và yêu cầu lưu hành đến toàn bộ thành viên LHQ.
Điều đó cho thấy sự khác biệt trong cách tiếp cận song phương của Mỹ năm 2016 (với quy mô ảnh hưởng chỉ hạn chế trong khu vực) với cách tiếp cận đa phương mà Mỹ chấp nhận triển khai từ tháng 6/2020 (với quy mô toàn cầu). Dĩ nhiên, sự khác biệt này cho thấy Mỹ đã sẵn sàng cho các kịch bản nghiêm túc hơn trong cuộc chiến pháp lý quy mô lớn ở Biển Đông – một mặt trận mà họ thường tránh né do chưa thông qua Công ước UNCLOS 1982.
Thứ hai là khác biệt trong việc đề cập đến Phán quyết của Toà Trọng tài vụ kiện Biển Đông (PCA) ngày 12/7/2016. Công hàm tháng 12/2016 của chính phủ Mỹ không hề trích dẫn các nội dung trong Phán quyết của Toà PCA (có hiệu lực 5 tháng trước đó) mà chỉ sử dụng các nghiên cứu của Văn phòng đặc trách Đại dương, Khoa học và Môi trường của Bộ Ngoại giao Mỹ (tài liệu số 143 xuất bản tháng 12/2014) để phản đối các tuyên bố của Trung Quốc.
Trong khi Công thư tháng 6/2020 có đến 3 lần viện dẫn Phán quyết này trong các nội dung khẳng định: Trung Quốc không có quyền lịch sử; không có nội thủy và lãnh hải đối với các thực thể đang yêu sách trên Biển Đông và Trung Quốc cần điều chỉnh các tuyên bố lãnh hải phù hợp với Phán quyết.
Có thể hiểu điều này đồng nghĩa với chính phủ Mỹ đã gián tiếp công nhận một phần Phán quyết của Toà không bất lợi về mặt pháp lý cho cách tiếp cận của họ trên Biển Đông.
Thứ ba là khác biệt trong nội hàm các đối tượng tác động. Công hàm tháng 12/2016 của Mỹ tập trung chủ yếu phản đối yêu sách “Tứ Sa” trên Biển Đông mang tính chất song phương, thì Công thư tháng 6/2020 đã mở rộng nội hàm phản đối tất cả các tuyên bố về lãnh hải hoặc đường cơ sở thẳng của các đảo trên Biển Đông với tư cách quần đảo từ bất kỳ bên nào.
Ngoài ra, Mỹ còn nhấn mạnh Trung Quốc đang cản trở các hoạt động quyền qua lại (navigation rights) và tự do hàng hải ở Biển Đông.
Và khác biệt cuối cùng là việc trích dẫn nội dung phản đối tuyên bố lãnh hải của Trung Quốc (tương tự lập trường phản đối của Mỹ) trong các Công hàm 000191-2020 của Philippines (gửi ngày 6/3), 22/HC-2020 của Việt Nam (gửi ngày 30/3) và 126/POL-703/V/20 của Indonesia (gửi ngày 26/5).
Sau Công hàm sẽ là gì?
Các phân tích trên cho thấy Mỹ quyết tâm đối trọng với Trung Quốc trên mặt trận pháp lý ở Biển Đông – một mũi nhọn mới trong thế trận đối trọng toàn diện về kinh tế – công nghệ – quân sự giữa Mỹ – Trung trên bình diện toàn cầu.
Như vậy, từ giai đoạn duy trì (i) các phản đối ngoại giao mang tính hình thức từ năm 2009, đến (ii) tiến hành chiến dịch tuần tra bảo vệ tự do hàng hải (FONOPS) thường niên từ 2016 để thách thức các cơ sở pháp lý của Trung Quốc trên thực địa ở cấp độ song phương, thì nay Mỹ đã chuyển sang (iii) giai đoạn chuẩn bị cho các hành động pháp lý ở cấp độ đa phương nhằm xây dựng một trật tự hàng hải tuân thủ luật pháp quốc tế ở Biển Đông mà Mỹ cùng tham gia điều phối.
Quyết tâm thúc đẩy giai đoạn (iii) trên mặt trận pháp lý này không chỉ được thể hiện qua Công thư tháng 6/2020, mà còn có gắn kết với các hoạt động tăng cường tuần tra FONOPS đi kèm các chuyên bay viễn thám và sự xuất hiện thường xuyên của các đội tàu sân bay ở Biển Đông từ phía Mỹ để đảm bảo một trật tự hàng hải do Mỹ điều phối. Sự ra đời của Liên minh Nghị viện về Trung Quốc (IPAC) càng cho thấy chính giới Mỹ đã sẵn sàng nhiều kịch bản cho cuộc chiến pháp lý lâu dài trên Biển Đông.
“Trận chiến pháp lý” mà Mỹ đang nhắm đến bảo đảm tự do hàng hải trên các vùng biển quốc tế ở Biển Đông. Do đó, Mỹ sẽ tiếp tục đẩy mạnh tần suất các hoạt động FONOP trong thời gian tới, xen kẽ các hoạt động tập trận song phương và đa phương, đồng thời vận động các quốc gia trong và ngoài khu vực tham gia vào các hoạt động đảm bảo an ninh hàng hải do Mỹ và các nước đồng minh (đặc biệt là khối Quad – Tứ giác kim cương) điều phối (trong đó khả năng cao sẽ mở ra các kịch bản phối hợp hành động trong lĩnh vực pháp lý).
Trung Quốc đáp trả thế nào?
Nội dung trong Công thư ngày 1/6/2020 trên thực tế có tác động rất lớn trong việc kiềm chế Trung Quốc.
Thứ nhất, Công thư tháng 6/2020 không chỉ một lần nữa đã nâng cao các phản đối ngoại giao trên mặt trận pháp lý đối với lập trường phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông, mà còn nhấn mạnh lại “chốt chặn” của Phán quyết Toà Trọng tài đối với các tuyên bố lãnh hải của Trung Quốc.
Thứ hai, Công thư đã góp phần vào việc tăng cường nhận thức của tất cả các nước trên thế giới về tính chất đơn phương của Trung Quốc trên Biển Đông, từ đó giúp hạn chế khả năng thu hút từ các Kế hoạch Hợp tác Kinh tế Nam Trung Hoa Mở rộng về Du lịch và Kinh tế (“Economic Cooperation Circle in the Greater South China Sea Region” và “Southern China Sea Cruise Tourism”) đã được công bố trong khuôn khổ Diễn đàn Bác Ngao tháng 3/2019 . Càng nhiều quốc gia biết đến các tranh cãi pháp lý trên Biển Đông, càng ít quốc gia tham gia vào các sáng kiến “kinh tế hoá tranh chấp” của Trung Quốc.
Nhìn chung, Trung Quốc là một nước lớn rất ngại các rủi ro vượt quá sự kiểm soát, nên họ thường có xu hướng tiến hành các hoạt động đáp trả tương ứng ở cùng cấp độ do các quốc gia đối trọng tạo nên.
Do đó, phía Trung Quốc cũng sẽ tăng cường đáp trả tương ứng trên cả 3 cách tiếp cận: (i) gia tăng hiện diện quân sự thực địa đối trọng với Mỹ, (ii) vận động các nước nhỏ trong khu vực ủng hộ lập trường của Trung Quốc trên Biển Đông (đi kèm với áp lực ngoại giao với các nước không đồng thuận) và (iii) phản đối tích cực các lập luận pháp lý bất lợi từ bất kỳ bên nào.
Thủ Tướng CSVN muốn thế hệ trẻ hiện tại
vun đắp mối quan hệ “tốt đẹp” với Trung Cộng
Tin Vietnam.- Báo Tuổi trẻ loan tin, vào ngày 12 tháng 6 năm 2020, ông Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Cộng sản Việt Nam đã làm việc với một số công ty, đại diện cho hơn 3,000 công ty Trung Cộng đang hoạt động tại Việt Nam ở các lĩnh vực dệt may, lốp xe hơi, sợi cao cấp và linh kiện động cơ.
Tại buổi tiếp xúc, ông Phúc bày tỏ sự mong muốn có nhiều hơn nữa các công ty của Trung Cộng đầu tư vào Việt Nam, để khắc phục tình trạng đứt gãy các chuỗi sản xuất đang diễn ra. Và ông Phúc xem thành công của các nhà đầu tư Trung Cộng là thành công của nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam.
Ông Phúc đánh giá cao năng lực, thái độ đầu tư của các các nhà đầu tư lớn của Trung Cộng. Đồng thời, ông Nguyễn Xuân Phúc còn nhấn mạnh rằng, Cộng sản Việt Nam và Trung Cộng có mối quan hệ láng giềng truyền thống tốt đẹp, nên ông mong muốn các thế hệ hiện tại có trách nhiệm đóng góp, vun đắp mối quan hệ này.
Hiện tại, Việt Nam đang là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Cộng trong khối ASEAN, với tổng số tiền xuất cảng, nhập cảng hàng hoá của hai bên là 120 tỷ Mỹ kim, trong đó Việt Nam nhập siêu trên 30 tỷ Mỹ kim đối với hàng hoá của Trung Cộng.
An Nhiên
Điểm tin trong nước sáng 14/6:
Một người về từ Trung Quốc nhiễm virus Vũ Hán
Tâm Minh – Tâm Tuệ
Mục điểm tin trong nước sáng Chủ nhật (14/6) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi đến quý độc giả những nội dung chính sau:
Một người về từ Trung Quốc nhiễm virus Vũ Hán
18h ngày 13/6, Bộ Y tế ghi nhận thêm một ca nhiễm virus Vũ Hán, là thanh niên đi du lịch Trung Quốc nhập cảnh ở Quảng Ninh, được cách ly ngay.
“Bệnh nhân số 334”, nam, 29 tuổi, ở quận Bình Tân, TP.HCM. Ngày 14/1, anh đi du lịch Trung Quốc, do dịch bệnh nên không về Việt Nam được. Ngày 31/5, bệnh nhân từ Hồ Bắc đi máy bay đến Nam Ninh, nhập cảnh Việt Nam qua cửa khẩu quốc tế Móng Cái, Quảng Ninh, cách ly tập trung ở Móng Cái.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh lấy mẫu xét nghiệm lần một hôm 3/6, kết quả âm tính virus Vũ Hán. Xét nghiệm lần hai vào 8 ngày sau kết quả dương tính. Hiện bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2.
Bão số 1 giật cấp 11, Hà Nội mưa to
Rạng sáng 14/6, bão số 1 (tên quốc tế là Nuri) duy trì cường độ mạnh cấp 8, giật cấp 11. Lúc 4h, tâm bão cách bờ biển tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) 130 km về phía đông nam.
Theo Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, trong 12 giờ tới, bão Nuri đi theo hướng tây tây bắc với vận tốc 20-25 km/h và đi vào đất liền tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc). Lúc này, bão suy yếu thành áp thấp nhiệt đới với sức gió cấp 6-7, giật cấp 9.
Những giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới đi theo hướng tây bắc với vận tốc 20 km/h, đi sâu vào đất liền tỉnh Quảng Đông – Quảng Tây (Trung Quốc) và suy yếu thành một vùng áp thấp.
Do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới nối với bão số 1 khiến Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa vừa, mưa to trên diện rộng từ đêm qua (13/6). Mưa có khả năng kéo dài đến ngày 15/6 với trọng tâm mưa lớn ở vùng núi Bắc Bộ và Thanh Hóa.
Các Bộ trưởng giải trình trước Quốc Hội chiều 13/6
Theo VnExpress, chiều ngày 13/6, giải trình trước Quốc hội về giải pháp phát triển du lịch, thể thao trong giai đoạn dịch viêm phổi Vũ Hán, Bộ trưởng Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện đề xuất 2 giải pháp: Thứ nhất là tiếp tục đẩy mạnh kích cầu du lịch nội địa. Thứ hai là mở cửa cho thế giới vào từng bước.
Ông Thiện nói: “Không có lý do gì để chúng ta không đi du lịch trong nước. Tôi đề nghị và trân trọng kính mời đồng bào và nhân dân cả nước đi khám phá, thưởng ngoạn các điểm đến hấp dẫn của Tổ quốc”.
Giải trình trước Quốc hội về giá thịt lợn tăng đột biết trong giai đoạn dịch viêm phổi Vũ Hán, Bộ trưởng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nhắc tới ba giải pháp để giảm giá thịt lợn: một là, đẩy nhanh tái đàn; hai là, đa dạng rổ thực phẩm ngoài thịt heo và ba là, rà soát tình trạng đẩy giá thịt heo ở khâu thương lái, phân phối.
Ông Cường nói: “Chúng ta không nên chỉ tập trung ăn thịt heo, mà cần đa dạng hoá các loại thực phẩm khác khi giá mặt hàng này quá cao, như thịt gà, cá, tôm, trứng… Ăn những loại này cũng đều rất tốt. Cần san sẻ rổ thực phẩm vừa bổ dưỡng, tốt cho cơ thể”.
Cây xanh TP.HCM gãy cành trong mưa đè chết người
Theo Tuổi Trẻ, tối hôm13/6, một cây xanh trên đường Tô Hiến Thành, quận 10 bị gãy nhánh cây trong cơn mưa khiến một người đi đường chết tại chỗ.
Sự cố xảy ra vào khoảng 18h30. Một nhánh cây xanh tại vỉa hè thuộc phường 15, quận 10 đã bị gãy và rơi xuống đường Tô Hiến Thành, đè trúng một người đàn ông 62 tuổi đi xe máy ngang qua, làm nạn nhân chết tại chỗ.
Một người dân thuật loại, “Lúc đó, khoảng chục người hô hoán nâng nhánh cây để cứu người bị nạn, nhưng nạn nhân đã không qua khỏi”.
Điểm tin trong nước tối 14/6: Máy bay trượt khỏi
đường băng, sân bay Tân Sơn Nhất đóng cửa 5 tiếng
Tâm Minh – Hiểu Minh
Máy bay trượt khỏi đường băng, sân bay Tân Sơn Nhất đóng cửa 5 tiếng
Thanh Niên dẫn thông tin chính thức từ hãng hàng không Vietjet cho hay sự cố xảy ra khiến sân bay phải đóng cửa khoảng 5 giờ đồng hồ để xử lý.
Hôm nay (14/6), chuyến bay VJ322 khởi hành từ Phú Quốc đi TP.HCM lúc 11 giờ 23. Khi hạ cánh tại sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) lúc 12 giờ 10, do ảnh hưởng của thời tiết mưa gió lớn tại khu vực sân bay, tàu bay đã trượt ra ngoài mép đường băng. Tàu bay và toàn bộ hành khách, tổ bay đều an toàn.
sự cố khiến toàn bộ các chuyến bay đi/đến sân bay Tân Sơn Nhất phải tạm dừng khai thác cho tới sau 17 giờ. Dự kiến có khoảng trên 150 chuyến bay của hãng hàng không Việt Nam Vietnam Airlines bị ảnh hưởng.
Nguyên nhân dẫn đến sự cố trên đang được các cơ quan liên quan điều tra.
Tìm thấy thi thể 4 thuyền viên mất tích trong vụ chìm tàu
Liên quan đến vụ 4 thuyền viên mất tích trong vụ va chạm xảy ra vào ngày 9/6 trên vùng biển Hải Phòng. Sau nỗ lực lặn tìm kiếm trong xác tàu, sáng nay 14/6, đội thợ lặn đã phát hiện thi thể đầu tiên lúc 7h15 và lần lượt cả 4 thi thể được phát hiện ngay sau đó.
Đến 8h40 cùng ngày, các thi thể được đưa lên tàu SAR 411 để đưa về cầu cảng Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam tại Hải phòng làm các thủ tục cần thiết theo quy định để bàn giao cho các cơ quan chức năng và người nhà.
Dự kiến tàu SAR 411 sẽ cập cầu cảng Trung tâm đưa thi thể các nạn nhân về bờ chiều ngày 14/6.
Tp HCM: Dân đắp ‘đê bao cát,’ chật vật lội nước vì đường ngập như sông
Đường phố mênh mông nước, giao thông rối loạn, người dân chật vật dẫn xe lội nước, đắp “đê bao cát” trước cửa để ngăn nước tràn vào nhà… là cảnh tượng ở nhiều con đường tại Tp HCM vào chiều tối 13 Tháng Sáu.
Theo báo Tuổi Trẻ, mưa lớn ở nhiều quận, huyện trong thành phố do ảnh hưởng từ cơn bão số 1 gây ra khiến nhiều nơi bị ngập nặng, cây bật gốc trúng người đi đường.
Tại quận Thủ Đức, đường Hồ Văn Tư bị ngập nặng dù mới mưa bắt đầu. Người dân ở đây phải đắp “đê bao cát” gần nửa mét để chắn nước tràn vào nhà. Trước đó, họ còn phải xây một bức tường cao khoảng 1 mét vì không chịu nổi cảnh nước tràn vào nhà từ những cơn mưa trước đó.
Bà Mỹ Hạnh (64 tuổi, ngụ quận Thủ Đức) cho biết mỗi lần mưa chừng 20 phút là nhà bà cũng như những nhà xung quanh lại ngập trong biển nước. Nhà nào cũng phải đắp bao tải ngăn nước tạm bợ, nhưng nếu xe lớn đi qua thì nước vẫn hắt thẳng vô nhà dù đã được che chắn kỹ.
Trong khi đó báo Người Lao Động mô tả, tại các quận Bình Tân, Tân Phú…, hàng loạt con đường ngập sâu, xe cộ chết máy la liệt. Chẳng hạn như con đường Phan Anh (quận Tân Phú giáp quận Bình Tân), nhiều đoạn nước ngập gần lút bánh xe, giao thông gần như tê liệt. Thậm chí, nhiều đoạn ngập nặng đến mức mà mỗi lần xe hơi chạy qua tạo thành sóng cuồn cuộn xô dạt xe gắn máy.
Tương tự đường Tên Lửa, quận Bình Tân, cũng có chung cảnh ngộ, nước ngập như sông.
Tờ Thanh Niên thì cho hay, tuy mới chỉ là những cơn mưa đầu mùa nhưng đã gây khó cho người dân Tp HCM vì ngập. Trong khi đó, các dự án chống ngập được kỳ vọng đều đứng trước nguy cơ trễ hẹn.
Vụ “gửi” 439 thí sinh: Phó chủ tịch tỉnh Thanh Hóa bị cảnh cáo
Ngày 14/6, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Thanh Hóa cho biết, quyết định kỷ luật cảnh cáo ông Phạm Đăng Quyền, Phó chủ tịch tỉnh, do mắc sai phạm nghiêm trọng trong đề án đào tạo nguồn nhân lực cho Khu kinh tế Nghi Sơn.
VnExpress dẫn kết quả kiểm tra của cơ quan chức năng, trong quá trình thực hiện Đề án Đào tạo nguồn nhân lực cho Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp ở Thanh Hoá, ông Phạm Đăng Quyền cùng nhiều cán bộ cấp dưới, cán bộ các đơn vị liên quan đã thực hiện sai quy định trong tuyển sinh, gây bức xúc dư luận.
Trong các năm 2015-2017, Thanh Hoá đã phê duyệt danh sách “gửi” gần 440 sinh viên đi học tại nhiều đại học trên cả nước dù nhiều thí sinh không đạt điểm chuẩn, không đủ điều kiện tuyển.
Ban quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn không được phép chủ trì tuyển sinh nhưng vẫn phối hợp với Trung tâm Giáo dục thường xuyên, Đại học Hồng Đức thực hiện việc này.
Trong khi các thông báo tuyển sinh có điều kiện “ưu tiên học sinh có hộ khẩu Thanh Hóa” nhưng thực tế thí sinh trúng tuyển đa số là người Hà Nội hoặc ở các địa phương khác. Việc làm này không những có dấu hiệu cố ý tuyển sinh sai đối tượng mà còn tạo nên sự thiếu công bằng trong kỳ tuyển sinh đại học, Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh uỷ nêu.
Ngoài ông Quyền, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng kỷ luật cảnh cáo ông Nguyễn Mạnh An, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Hiệu trưởng Đại học Hồng Đức; ông Trần Chí Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy, Phó trưởng ban quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp.
Ông Phạm Đình Minh, Phó bí thư Huyện ủy, Chủ tịch huyện Thạch Thành, nguyên Phó chánh văn phòng tỉnh Thanh Hóa bị kỷ luật khiển trách.
Liên quan sai phạm này, nhiều cán bộ đang công tác tại Đại học Hồng Đức, Phòng Nông nghiệp – Khoa học và Tài nguyên môi trường, Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp khác nhận kỷ luật cảnh cáo từ Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Khối các cơ quan và doanh nghiệp.