Đọc báo Pháp – 12/06/2020

Cac Bai Khac

No sub-categories

Đọc báo Pháp – 12/06/2020

Trump, Macron, Putin, Erdogan và con đường độc đạo – Tú Anh

Đại dịch siêu vi corona đang làm sụt giảm uy tín của nhiều nhà lãnh đạo quốc tế do quản lý kém. Donald Trump, Emmanuel Macron, Vladimir Putin, Recep Erdogan đứng trước áp lực của công luận. Tình thế của tổng thống Mỹ và Pháp còn bất trắc hơn với phong trào chống kỳ thị chủng tộc và bạo lực cảnh sát đang có xu hướng lan rộng, một phần vì phản ứng thiếu khôn khéo chính trị, theo báo chí Pháp.

Tổng thống Macron đánh lá bài thấu cáy chính trị?

Macron chuẩn bị ra khỏi khủng hoảng như thế nào? Donald Trump làm sao thoát con đường độc đạo? Đó là hai câu hỏi dành cho hai nhà lãnh đạo Tây phương trên Le Monde và Les Echos.

Ba tháng sau khi quyết định phong tỏa đất nước để chống dịch siêu vi corona, chủ nhân Điện Elysée sẽ nói chuyện với dân chúng vào ngày Chủ Nhật 14/06. Thông điệp bất ngờ này, không nằm trong chương trình của tổng thống Pháp trước ngày Quốc khánh 14/07, mang ý nghĩa gì ? Theo Le Monde, tổng thống Pháp cảm thấy phải khẩn cấp tập trung vào nhu cầu phục hồi kinh tế, phải sang trang tình trạng khẩn cấp y tế và trực tiếp động viên giới trẻ mà một bộ phận tham gia vào phong trào chống kỳ thị màu da và bạo lực cảnh sát xuất phát từ sau vụ George Floyd ở Hoa Kỳ.

Les Echos khẳng định là tổng thống Pháp đang bị áp lực rất mạnh. Các kết quả thăm dò ý kiến cho thấy điểm tín nhiệm suy giảm. 54% không tin vào khả năng chính phủ hạn chế được thiệt hại kinh tế, một hệ quả của đại dịch. 81% nghĩ rằng tình hình kinh tế tiếp tục suy thoái. Từ bình thường hóa sinh hoạt đến chống khủng hoảng kinh tế, tổng thống Pháp bắt buộc phải nói rõ ý định. Les Echos phiêu lưu với dự đoán tổng thống Macron sẽ tuyên bố từ chức để tái tranh cử trong điều kiện thuận lợi nhất, so với các đối thủ tiềm tàng. Giả thuyết này đã bị Điện Elysée phủ nhận, nhưng giới chính trị Pháp, theo Les Echos, đang bồn chồn như ngồi trên lửa.

Tổng thống Donald Trump tìm xung lực mới

Kinh tế, y tế, an ninh cũng là con đuờng độc đạo của tổng thống Mỹ Donald Trump, tựa của Les Echos. Tại Hoa Kỳ, tổng thống Donald Trump tìm xung lực mới là nhận định của Le Monde. Hai nhật báo Pháp đều không đánh cược chủ nhân Nhà Trắng sẽ thất cử bởi vì với 42% cử tri ủng hộ, dù có mất đi 5 điểm sau ba tháng khủng hoảng y tế, nhưng chưa tới “mức báo động đỏ”.

Theo Le Monde, vấn đề là Donald Trump gặp cảnh “tứ bề thọ địch”. Vụ George Floyd xảy ra, tổng thống Mỹ ứng phó vụng về, thiếu sự nhạy bén của một nhà chính trị. Ông đe dọa huy động quân đội đàn áp phong trào công dân đòi công lý cho người da đen. Tương lai chính trị đầy trở ngại, bị công luận đả kích dữ dội, Donald Trump phải làm gì để có thể tái đắc cử ? Hai nhật báo Pháp cùng nhận định: Để lật

ngược thế cờ, chủ nhân Nhà Trắng bắt đầu với chiến dịch vận động cử tri, tập trung vào thông điệp kinh tế Mỹ phục hồi sinh hoạt bình thường.

Sự thiếu bén nhạy chính trị của tổng thống Donald Trump cũng tác hại đến hình ảnh và uy tín Mỹ trên trường quốc tế. Trong bài “Vì sao doanh nghiệp Hồng Kông xếp hàng theo Bắc Kinh không mảy may do dự”, một chuyên gia giải thích : Doanh nhân Hồng Kông biết lời hăm dọa của Donald Trump là màn phô diễn tranh cử. Bắc Kinh cũng đâu dễ bị lừa. Le Monde nhận định không ngần ngại qua bài phân tích : Donald Trump phá giá đất nước.

Tổng thống Nga trong cơn bão Covid-19

Đó là tựa của một trong hai bài ở trang tranh luận của Le Monde. Qua đại dịch, chính quyền Putin để lộ các nhược điểm quản lý kém, gây bất bình cho người dân Nga. Trong bài phỏng vấn dài, nhà tỷ phú tị nạn Mikhail Khodorkovski đoán chắc chế độ Putin đang ở buổi hoàng hôn: Emmanuel Macron không nên hy vọng xây dựng mối quan hệ chiến lược với Kremlin vì  đó là ảo vọng và vì chế độ Putin sắp lụi tàn.

Trái lại, Pháp nên đặt niềm tin vào xã hội công dân Nga và khéo léo đưa nước Nga vào quỹ đạo văn hóa châu Âu. Đó là lời tư vấn của người từng trải qua 8 năm trong nhà tù dưới chế độ Putin.

Erdogan bắt ráo

Khác với hai nhà lãnh đạo Pháp, Mỹ, để thoát “độc đạo”, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan có biện pháp “độc đáo”: bắt hết những ai chống đối, bất chấp là bao nhiêu. “Xuống điểm thăm dò, Erdogan đàn áp”, tựa của Le Monde. Bị đả kích là quản lý kém đại dịch corona, nhà độc tài Thổ Nhĩ Kỳ ra lệnh bắt nhốt hàng loạt dân biểu, ký giả, sĩ quan quân đội, cảnh sát, bác sĩ … Chỉ trong ngày 09/06, có tổng cộng 414 người bị tống giam. Một ngày trước, hai ký giả có tiếng tăm bị câu lưu trong khuôn khổ chiến dịch điều tra “gián điệp chính trị và quân sự”.

Theo một cựu dân biểu, người dân Thổ Nhĩ Kỳ bất bình với Erdogan và chính quyền của ông bởi họ đối phó với đại dịch corona quá kém, không có một biện pháp hỗ trợ xã hội đi kèm giúp dân chúng chịu đựng khủng hoảng y tế, kinh tế. Các kết quả thăm dò dư luận đề cho thấy người dân rất thất vọng về khả năng lãnh đạo của Erdogan.

Libya: Thổ Nhĩ Kỳ – Nga : 1-0

Liên quan đến Thổ Nhĩ Kỳ và diễn biến mới tại Libya, Les Echos đề tựa “Thổ Nhĩ Kỳ thắng Nga 1-0”. Tiếng súng ở Libya có thế sẽ lắng im. Chính phủ Libya được Liên Hiệp Quốc công nhận và được Ankara yểm trợ quân sự vừa giành chiến thắng quân sự quan trọng tại Syrte, thành trì của phe đối lập võ trang của tướng Haftar, do Matxcơva và lính đánh thuê Nga hỗ trợ.

Libération cho biết thêm :  Chỉ trong vòng 48 tiếng đồng hồ tấn công, quân chính phủ chiếm được Tarhouna, cứ điểm của phe miền đông, quân của tướng Haftar tan rã, lực lượng đánh thuê Nga rút lui. Libération cũng như đồng nghiệp dự doán : Với thế thượng phong trên chiến trường, mục tiêu trước mắt của thủ tướng Fayez al Sarraj sẽ là kiểm soát toàn bộ khu dầu khí và đàm phán với đối thủ về một thảo ước ngưng bắn, với sự đồng ý của Washington và Ankara. Vấn đề là phản ứng của Nga sẽ như thế nào?

Trở lại thời sự châu Âu, thông tin được chú ý nhất là chuơng trình mở cửa lại biên giới: Ngày 15/06 giao thông giữa các nước thành viên Liên Âu được bình thường hóa và từ ngày 01/07 là bình thường hóa đối với biên giới bên ngoài. Về chủ đề này, La Croix đưa độc giả đến Schengen, ở Luxembourg, thành phố đặt tên cho hiệp định tự do đi lại vốn còn gọi là vùng Schengen.

Dân cư tại đây, cũng như dân Đức và Ba Lan láng giềng, đều không muốn trở lại tình trạng của 35 năm về trước. Với tựa “Schengen hay không Schengen”, La Croix cảnh báo xu hướng co cụm trong giới chính trị. Quyết định của Bruxelles muốn các thành viên điều hợp với nhau mở lại biên giới một cách hài hòa đã gặp phải thái độ dè dặt của một số nước : nguyên nhân là do tâm lý ích kỷ, muốn mạnh ai nấy lo đề tranh giành du khách quốc tế.

Cảnh sát Pháp: Vật tế thần chính trị ?

Riêng về chính trị Pháp, Le Figaro tập trung công kích chính phủ Macron cũng như phong trào chống kỳ thị và bạo lực cảnh sát một cách mạnh mẽ nhất. Xin điểm qua một số tựa: Cảnh sát nổi giận vì bị bỏ rơi. Một vật tế thần dễ dàng. Bị cáo buộc, cảnh sát cảm thấy lẻ loi. Lòng tin cậy giữa bộ trưởng Nội Vụ và lực lượng an ninh đã mất nhiều.

Bài xã luận của nhật báo thiên hữu tấn công thẳng tay : Khi cảm xúc lắng dịu, tình thế sẽ đảo ngược. Cảm xúc thiếu kiểm soát đó là của một ông bộ trưởng (Nội Vụ) mà hai tháng trước đây đã từng tuyên bố sẽ phạt vạ những người dự lễ an táng người thân qua đời vì Covid-19.  Đâu phải vì ở Minnesota, một cảnh sát dã man giết chết George Floyd mà hai bộ trưởng Pháp phải “quỳ gối” trước những người đòi công lý cho Adama Traoré.

Ngày mai, khi xảy ra khủng bố, đừng hỏi cảnh sát đâu rồi? Đúng là từ sau loạt khủng bố ở Paris, ở nhà hát Bataclan, thảm sát toà soạn tuần báo Charlie, uy tín của cảnh sát Pháp sụt 8 điểm. Nhưng kết quả thăm dò thực hiện trong hai ngày 09 và 10/06 cho thấy 76% dân Pháp tin tưởng vào nhân viên công lực.

Cuối cùng, trong lĩnh vực điện ảnh, Le Monde và La Croix cùng giới thiệu cuốn phim “Da 5 Bloods” của đạo diễn Mỹ  Spike Lee. Trong không khí chống kỳ thị màu da tại Mỹ, câu chuyện 5 cựu chiến binh Mỹ trở lại chiến trường Việt Nam tìm hài cốt một đồng đội, mà theo bài giới thiệu, cho thấy số phận người da đen không có gì thay đổi trong suốt nửa thế kỷ qua.

http://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20200612-trump-macron-putin-erdogan-v%C3%A0-con-%C4%91%C6%B0%E1%BB%9Dng-%C4%91%E1%BB%99c-%C4%91%E1%BA%A1o

 

Tin tổng hợp

(AFP) – Luật an ninh mới : Hồng Kông bác bỏ chỉ trích của Luân Đôn.

Chính quyền Hồng Kông ngày 12/06/2020 cho rằng báo cáo của Luân Đôn về đạo luật an ninh mới là « không chính xác và bị bóp méo ». Báo cáo quý của chính phủ Anh cho rằng luật an ninh mới của Bắc Kinh đã vi phạm các cam kết quốc tế và nguyên tắc « Một quốc gia, hai chế độ » mà Trung Quốc đưa ra vào thời điểm Anh Quốc nhượng địa năm 1997.

(AFP) – Căng thẳng biên giới Ấn-Trung, Bắc Kinh tuyên bố đạt được « một đồng thuận tích cực ». 

Ngày 10/06/2020, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc, bà Hoa Xuân Oánh, cho biết vấn đề biên giới gần đây đã đạt được nhờ chiến lược truyền thông hiệu quả qua đường ngoại giao và quân sự. Hai bên đã áp dụng những biện pháp phù hợp để giảm căng thẳng tình hình ở biên giới. Tuy nhiên, theo một số nguồn tin và phóng viên Ấn Độ, dường như New Delhi đã phải nhượng cho Trung Quốc những vùng do quân đội nước này chiếm đóng từ vài tuần qua, trong đó có một số vùng ở phía bức hồ Pangong Tso và một phần thung lũng sông Galwan có vị trí chiến lược quan trọng.

(AFP) – Phi cơ quân sự Mỹ bay vào không phận Đài Loan, Bắc Kinh giận dữ. 

Trung Quốc vào hôm qua 11/06/2020 đã phản ứng rất giận dữ sau vụ một máy bay vận tải quân sự của Mỹ bay qua không phận Đài Loan ngày 09/06. Bắc Kinh đã xem đấy là một hành động “phi pháp” và là một hành vi “khiêu khích nghiêm trọng”. Theo bộ Quốc Phòng Đài Loan, vận tải cơ C-40A của Hải Quân Mỹ đã được phép của Đài Bắc trước khi bay vào không phận Đài Loan, và không hạ cánh xuống bất kỳ sân bay nào trên đảo.

(RFI) – Trung Quốc loại bỏ vảy tê tê ra khỏi danh mục nguyên liệu thuốc đông y năm 2020. 

Theo báo chí Trung Quốc, quyết định này nhằm bảo vệ loài động vật vốn nằm trong nhóm có nguy cơ bị tuyệt chủng, cần phải ưu tiên bảo vệ. Từ năm 2007, Bắc Kinh đã ra lệnh cấm săn bắt tê tê, qua năm 2018 là cấm nhập khẩu, nhưng việc buôn lậu loài vật này vẫn tiếp diễn.

(AFP) – Mỹ sẽ tiếp tục rút thêm quân khỏi Irak. 

Thông báo chung ngày 11/06/2020 của chính phủ Irak và Mỹ cho biết Mỹ sẽ giảm hiện diện quân sự tại Irak trong những tháng tới vì đã đạt được « những tiến bộ tích cực » trong cuộc chiến chống tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo. Washington sẽ « thảo luận với chính phủ Irak về quy chế của lực lượng còn lại ».

(AFP) – Libya phát hiện 8 hố chôn người tập thể ở Tarhouna, cách đông bắc thủ đô Tripoli 65 km. 

Khu vực này vừa được lực lượng thân chính phủ chiếm lại. Ngày 11/06/2020, phái đoàn của Liên Hiệp Quốc tại Libya lên án một hành động « kinh hoàng » và kêu gọi mở « điều tra hiệu quả và minh bạch ». Cùng ngày, bộ Tư Pháp của chính phủ đoàn kết dân tộc (GNA) ở Tripoli, được cộng đồng quốc tế công nhận, thông báo lập ủy ban điều tra, kêu gọi « bảo vệ những hố chôn tập thể, nhận dạng nạn nhân, điều tra nguyên nhân tử vong và trao lại hài cốt » cho gia đình nạn nhân.

(AFP) – Formula One hủy vòng thi đấu ở Azerbaidjan, Singapore và Nhật Bản. 

Trong thông báo ngày 12/06/2020, ban tổ chức giải đua xe Công thức 1 nêu lý do là dịch Covid-19. Formula One, theo dự kiến diễn ra ở Singapore vào ngày 20/09 và ở Nhật Bản vào ngày 11/10. Trước khi quyết định hủy, vòng đua ở Azerbaidjan đã bị hoãn.

http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200612-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p

 

Điểm tin thế giới sáng 12/6:

Twitter xóa

170.000 tài khoản tuyên truyền cho Bắc Kinh

Lục Du

Mục Điểm tin thế giới sáng thứ Sáu (12/6) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới quý độc giả những tin sau:

Twitter xóa 170.000 tài khoản tuyên truyền cho Bắc Kinh

Twitter hôm thứ Năm cho biết họ đã xóa hơn 170.000 tài khoản có quan hệ mật thiết với hoạt động gây ảnh hưởng do Bắc Kinh hậu thuẫn nhằm truyền bá thông điệp có lợi cho chính quyền Trung Quốc, bao gồm những tuyên truyền về dịch viêm phổi Vũ Hán, theo Reuters.

Twitter cho biết các tài khoản mới bị xóa có liên quan tới các tài khoản của một chiến dịch tuyên truyền do chính quyền Trung Quốc hỗ trợ vốn đã bị Twitter, Facebook, Google, và YouTube gỡ bỏ vào năm ngoái vì liên quan tới các hành vi phát tán thông tin sai lệch về biểu tình Hồng Kông.

Vào đầu tháng Năm, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói rằng họ đã tìm thấy một mạng lưới tài khoản Twitter không trung thực, nhiều khả năng có mối liên kết với Đảng Cộng sản Trung Quốc, đang thực hiện các tuyên truyền sai lệch về đại dịch viêm phổi Vũ Hán có lợi cho Bắc Kinh. (chi tiết)

Quan chức Mỹ – Đài sẽ cùng tham dự hội nghị về dân chủ

Tuần tới, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo sẽ tham gia Hội nghị thượng đỉnh dân chủ Copenhagen được tổ chức trực tuyến vào thứ Năm và thứ Sáu tuần sau, cùng với Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn và nhà hoạt động dân chủ Hồng Kông Hoàng Chi Phong, SCMP đưa tin tối thứ Năm..

Theo kế hoạch của hội nghị, bà Thái sẽ có một bài phát biểu dài khoảng 10 phút. Trong khi đó ông Pompeo sẽ nói về chủ đề: “Trung Quốc và những thách thức đối với xã hội tự do”.

Rumani ngưng một dự án lớn với Trung Quốc

Chính phủ Rumani trong một tuyên bố gần đây cho biết, họ đã yêu cầu Công ty điện hạt nhân Rumani Nucleelectrica chấm dứt đàm phán việc xây dựng hai lò phản ứng hạt nhân với Tập đoàn hạt nhân quốc gia Trung Quốc (CNNC), theo bản tin tối thứ Năm của Taiwan News.

Vào tháng Năm năm ngoái, Romania và Trung Quốc đã ký một thỏa thuận trong đó có điều khoản rằng hai nước sẽ thành lập một công ty liên doanh trong lĩnh vực hạt nhân với 51% cổ phần thuộc về Trung Quốc.

Tuy nhiên, trong một cuộc phỏng vấn với Hotnews, Thủ tướng Rumani Ludovic Orban nói: “Tôi có quan điểm rõ ràng rằng sẽ không hợp tác với Trung Quốc trong lĩnh vực này”. Ông Orban đảm nhận vị trí thủ tướng Rumani sau khi có thỏa thuận với Trung Quốc, trước đó ông từng phản đối thỏa thuận này.

Vào tháng 1/2020, Bộ trưởng Kinh tế, Năng lượng và Môi trường Kinh doanh của Rumani, ông Virgil Popescu, đã đề xuất ý kiến rằng Nucleelectrica cần xây dựng lò phản ứng hạt nhân độc lập và nên hợp tác với các đối tác của NATO vì nó khả thi hơn việc hợp tác với đối tác Trung Quốc.

Bắc Kinh lên án Mỹ tại cuộc họp WTO

Hôm thứ Năm, ông Jiankai Jin, đại diện ngoại giao của Trung Quốc tại Tổ chức thương mại thế giới (WTO), đã cáo buộc chính quyền Trump làm xói mòn chuỗi cung cứng của ngành công nghiệp công nghệ toàn cầu bằng việc gia hạn một lệnh điều hành cấm các công ty Hoa Kỳ sử dụng thiết bị của những hãng công nghệ có nguy cơ đe dọa an ninh nước Mỹ, theo Reuters.

Tháng trước, Tổng thống Trump đã gia hạn thêm một năm đối với lệnh hành pháp được ký vào tháng 5/2019, tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia và cấm các công ty Hoa Kỳ sử dụng thiết bị viễn thông của những hãng công nghệ gây rủi ro cho an ninh nước Mỹ.

Các nhà quan sát cho rằng lệnh hành pháp này của ông Trump nhắm chủ yếu vào các tập doàn công nghệ Trung Quốc như Huawei hay ZTE, những thực thể được cho là chuyên thu thập thông tin tình báo cho Trung Nam Hải.

Chính khách Anh bỏ việc sau khi lên án người biểu tình vụ Floyd

Fox News hôm thứ Năm cho hay, ông Nigel Farage, lãnh đạo đảng Brexit và là một chính trị gia Anh có khuynh hướng bảo vệ văn hóa truyền thống, đã không còn dẫn chương trình talk show của đài LBC sau khi ông có bình luận so sánh những người biểu tình ủng hộ Black Lives Matter (mạng sống của người da đen cũng đáng giá) với lực lượng khủng bố Taliban.

Farage đã phải đối mặt với một làn sóng phản ứng dữ dội sau khi ông viết trên Twitter dòng trạng thái có ý chỉ trích những người biểu tình quá khích sau cái chết của George Floyd, một tội phạm ma túy người da đen ở Mỹ bị ngộ sát.

Chương trình của ông Farage có tên “The Nigel Farage Show” bắt đầu phát sóng vào năm 2017 với mật độ 5 số/tuần. Trong chương trình của mình, ông Farage thường nhận cuộc gọi từ người nghe để thảo luận về các sự kiện diễn ra hàng ngày, theo Sky News.

https://www.dkn.tv/the-gioi/diem-tin-the-gioi-sang-12-6-twitter-xoa-170-000-tai-khoan-tuyen-truyen-cho-bac-kinh.html

 

Điểm tin tối 12/6:

Đài Loan thử tên lửa giữa căng thẳng với Trung Quốc

Triệu Hằng

Mục Điểm tin thế giới tối thứ Sáu (12/6) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới quý độc giả những tin sau:

Đài Loan thử tên lửa giữa căng thẳng với Trung Quốc

Đài Loan đã tiến hành vụ thử tên lửa nhằm nâng cao năng lực phòng vệ trong bối cảnh căng thẳng với Bắc Kinh đang gia tăng. Vụ thử diễn ra ở ngoài khơi bờ đông tại Đài Đông và căn cứ không quân Jiupeng ở bờ nam Bình Đông vào tối 11/6, theo Bộ Quốc phòng Đài Loan. Vụ thử là một phần trong chương trình kéo dài 4 ngày và sẽ thử thêm các tên lửa khác trong những ngày tới. Phía cơ quan nghề cá Đài Loan đã công bố thông tin ngày giờ vụ thử báo trước cho các ngư dân hoạt động trong khu vực, theo SCMP.

Đài Bắc thử vũ khí hỏa lực diễn ra trong bối cảnh căng thẳng trên eo biển Đài Loan gia tăng, khi cả Trung, Mỹ, Đài đều đẩy mạnh triển khai quân sự. Hôm 9/6, một nhóm máy bay chiến đấu Sukhoi Su-30 của Trung Quốc đã bay về phía tây nam Đài Loan. Vài giờ sau, một máy bay vận tải C-40A của Mỹ cũng bay vào Đài Loan qua bờ biển phía tây nam.

Máy bay tiếp nhiên liệu của Mỹ bay qua Đài Loan

Stratotanker, một máy bay tiếp nhiên liệu trên không của quân đội Mỹ đã bay qua phía nam Đài Loan, tiếp cận khu vực gần quần đảo Đông Sa ở phía bắc Biển Đông sáng 12/6, theo Taiwan News.

Vào 9:32 sáng 12/6, Golf9, một tài khoản Twitter chuyên giám sát hàng không đã phát hiện tần số radar và “đốm màu” của chiếc máy bay, rồi báo cáo rằng có một chiếc máy bay Boeing KC-135T Stratotanker đang trở về Căn cứ không quân Kadena ở Okinawa sau khi bay qua Biển Đông. Đường bay của Stratotanker cho thấy nó bay qua kênh Bashi, phía nam Đài Loan.

Trung Quốc chuẩn bị hoàn thành mạng lưới điều hướng Beidou, cạnh tranh với Mỹ về GPS

Reuters đưa tin ngày 12/6, mạng lưới điều hướng Bắc Đẩu (Beidou) của Trung Quốc sẽ hoàn tất trong tháng này khi vệ tinh cuối cùng của nó đi vào quỹ đạo, sẽ giúp Trung Quốc độc lập hơn về GPS, hệ thống định vị vốn thuộc sở hữu của Hoa Kỳ từ lâu đời, và làm nóng cuộc cạnh tranh trong lĩnh vực mà Mỹ hiện đang thống trị.

Các nhà lập pháp Mỹ yêu cầu Zoom làm rõ mối quan hệ với Trung Quốc

Ba nhà lập pháp Hoa Kỳ đã yêu cầu công ty Zoom Video Communications Inc., làm rõ các hoạt động thu thập dữ liệu và mối quan hệ của công ty này với chính phủ Trung Quốc, sau khi công ty này cho biết họ đã đình chỉ tài khoản người dùng để đáp ứng yêu cầu từ phía Bắc Kinh, theo Reuters.

Zoom bị giám sát chặt chẽ sau khi 3 nhà hoạt động tại Mỹ và Hồng Kông cho biết các tài khoản của họ trên Zoom bị đình chỉ và các cuộc họp của họ gặp gián đoạn khi họ cố gắng tổ chức các sự kiện tưởng niệm vụ thảm sát Thiên An Môn ở Trung Quốc.

Khẩu trang “Made in Taiwan” do Trung Quốc làm giả bị phát hiện ở Philippines

Tờ Taiwan News ngày 12/6 cho biết, khẩu trang dán mác “Made in Taiwan” nhưng do Trung Quốc làm giả đã bị phát hiện trôi nổi trên thị trường Philippines. Một người dùng Facebook đã chia sẻ những bức ảnh về mặt hàng này hôm 11/6 để cảnh báo người tiêu dùng Philippines.

Các khẩu trang giả được bán trong hộp mang thương hiệu AiDeLai. Hộp sản phẩm có kèm giấy chứng nhận sản phẩm bên trên ghi phần xuất xứ là “Taiwan, China”, đây là cụm địa danh mà Trung Quốc vẫn ép các quốc gia khác thiết lập mối quan hệ ngoại giao với họ phải sử dụng khi đề cập đến Đài Loan, vì Trung Quốc luôn coi Đài Loan là một tỉnh của nước này.

Iraq và Mỹ khẳng định cam kết chung Mỹ rút quân khỏi Iraq

Iraq và Hoa Kỳ khẳng định cam kết chung về việc Mỹ rút quân đội khỏi Iraq nhưng không đưa ra mốc thời gian cụ thể, hãng thông tấn nhà nước INA hôm 12/6 dẫn lời của Thủ tướng Iran Mustafa Al-Kadhimi cho biết.

https://www.dkn.tv/the-gioi/diem-tin-toi-12-6-dai-loan-thu-ten-lua-giua-cang-thang-voi-trung-quoc.html