Đọc báo Pháp – 11/06/2020
Black Lives Matter tấn công vào biểu tượng quá khứ thực dân – Anh Vũ
Chủ đề được các báo Pháp ra hôm nay tập trung chú ý là kế hoạch phục hồi kinh tế của Pháp hậu Covid-19 và hệ lụy của phong trào phản kháng bạo lực và kỳ thị màu da đang bùng lên từ châu Mỹ sang châu Âu.
Pháp: Phục hồi kinh tế, bao nhiêu tiền cho đủ
Chật vật thoát khỏi khủng hoảng dịch bệnh, giờ chính phủ Pháp đang đau đầu vì tiền để khôi phục nền kinh tế cũng bị virus corona đánh quỵ đang cần hồi sức tích cực. Nhật báo Le Figaro chạy tựa chính: « Cái giá kinh khủng của khủng hoảng y tế đối với nước Pháp ». Tờ báo cho hay, chính phủ Pháp đã phải huy động đến 460 tỷ euro từ ngân sách Nhà nước để hỗ trợ nền kinh tế. Điều này có nghĩa là thâm hụt ngân sách và nợ nần của nước Pháp tăng vọt.
Hôm qua, trong cuộc họp hội đồng bộ trưởng, chính phủ đã trình dự luật ngân sách, lần thứ 3 điều chỉnh bổ sung thêm hàng trăm tỷ euro kể từ đầu khủng hoảng Covid-19. Nhiều ngành kinh tế được cứu giúp trong đó đặc biệt lĩnh vực chế tạo xe hơi, du lịch và hàng không.
Cũng cần biết là số tiền trên chỉ để cứu trợ cho các ngành kinh tế không bị sụp đổ, còn tăng trưởng thế nào lại là chuyện khác. Trong khi đó hoạt động kinh tế của Pháp trong năm 2020 dự tính suy giảm 12%, thâm hụt ngân sách Nhà nước sẽ chiếm trên 11% và nợ nần sẽ đạt 120% của GDP. Những con số đó theo đánh giá của tờ báo là « chưa từng thấy trong thời bình ». Ra khỏi cuộc khủng hoảng y tế với thân hình tàn tệ, không biết nước Pháp có vượt qua được cuộc khủng hoảng kinh tế tiếp theo hay không ? Xã luận của Le Figaro đặt câu hỏi.
Chống phân biệt chủng tộc: Một khủng hoảng mới
Chuyển qua nhật báo Liberation. Tờ báo dành sự quan tâm đến cuộc khủng hoảng xã hội bùng lên từ sau cái chết của George Floyd, một người Mỹ da đen. Làn sóng biểu tình chống bạo lực cảnh sát và phân biệt chủng tộc đã nhanh chóng lan ra từ châu Mỹ sang châu Âu, giờ đang chuyển sang những hình thức khác.
Trên hình lớn bức tượng Edward Colston,một nhân vật lịch sử của chế độ thực dân Anh, đặt ở thành phố Bristol, bị bôi bẩn và đang đổ nghiêng, tờ báo chạy tựa: « Phân biệt chủng tộc: Sự sụp đổ của những biểu tượng ».
Sau các cuộc biểu tình, bạo động, phong trào chống phân biệt chủng tộc đang chuyển sang một hướng mới. Đó là tấn công vào các biểu tượng tôn vinh quá khứ thực dân và chế độ nô lệ. Từ vài ngày qua liên tiếp từ Mỹ, qua Anh đến Bỉ và đã bắt đầu ở Pháp xảy ra việc những người đấu tranh chống kỳ thị chủng tộc bôi bẩn, phá hỏng hoặc đòi gỡ bỏ các bức tượng hay di tích tôn vinh những nhân vật lịch sử có công trong cuộc chinh phục thuộc địa của các nước đế quốc, thực dân cũ.
Libération đặt câu hỏi: « Hạ một bức tượng, phải chăng cũng là hạ bệ lịch sử ? Đập phá hình tượng của một nhân vật chủ trương chế độ nô lệ, như người ta vừa làm ở thành phố Bristol Anh với bức tượng của một ông Edward Colston, một chủ buôn nô lệ từ thế kỷ thứ 17, hay với biểu tượng của tướng Lee, một người chủ trương chế độ nô lệ mà khá đông người Mỹ đang đòi dỡ bỏ. Phải chăng như vậy là xóa bỏ quá khứ của một dân tộc? »
Đó là câu hỏi đang được đặt ra và chia rẽ dư luận cũng như giới chính trị ở nhiều nước có quá khứ thực dân, từng đi chinh phục và chiếm hữu nô lệ. Đây quả thực là một vấn đề nhạy cảm và không hề đơn giản, sự việc có thể kéo theo nhiều hệ lụy về mặt xã hội.
Libértion phân tích: « Trước hết bởi vì các bức tượng dựng trên các quảng trường, cũng như những cái tên đặt cho các con phố không phải là hành động của lịch sử mà là của ký ức ». Với công việc của các nhà sử học thì không đáng kể nhưng sẽ có ý nghĩa nhiều với một đất nước. « Các bức tượng, các tấm biển gắn ở góc phố không chỉ là gợi nhắc lịch sử mà còn là sự tôn vinh. Khi người ta dựng tượng ai đó, chắc chắn người ta ủng hộ, ngưỡng mộ việc làm của người đó. »
Vì sao lại là vấn đề nhạy cảm phức tạp ?
Libération lấy ví dụ trường hợp Napoléon đệ nhất. Ông là người đóng vai trò lớn trong lịch sử của nước Pháp, tích cực hay tiêu cực thì tùy theo cách đánh giá của mỗi người. Tuy nhiên, không một con phố nào của Paris mang tên ông và thủ đô Pháp chỉ dành cho ông 2 chỗ đặt tượng, một ở nơi nhìn không rõ, trên đỉnh cột tháp cao ở quảng trường Vendôme, một bức tượng khác bị che khuất trong hành lang của khu bảo tàng Invalides.
Tại sao lại như vậy ? Bởi vì những người Cộng hòa đã đánh giá Hoàng đế là kẻ thù của tự do và vì thế ông nên được tôn vinh kín đáo. Tương tự đó là trường hợp của thống chế Philippe Pétain. Tên ông có ở khắp nơi trong thời gian từ 1940 -1944, giờ hầu như biến mất trong các thành phố của Pháp.
Tuy nhiên ở Pháp cũng giống như nhiều nước có quá khứ lịch sử chinh phục thuộc địa khắp thế giới thì xóa đi các biểu tượng của thời kỳ chiếm hữu nô lệ và khai thác thuộc địa quả là không đơn giản chút nào.
Các đảng phái, tổ chức xã hội dân sự đã đưa ra không ít các giải pháp nhằm xóa đi những ký ức lịch sử mà giờ đây được nhìn nhận như đã để lại di sản phân biệt chủng tộc và bất bình đẳng. Tuy nhiên không một đề xuất nào thỏa đáng cân bằng giữa lịch sử và hiện tại.
Vẫn trong dòng sự kiện, xã luận báo Công giáo, La Croix với tựa ngắn gọn: « Lịch sử của chúng ta » đưa ra một vài đề xuất giải pháp cho vấn đề.
Theo La Croix, khi « một số người anh hùng của chúng ta không còn giá trị nữa tại sao giờ không dành chọn cho họ một chỗ trong viện bảo tàng, trong các cuốn sách sử của chúng ta hay trong các đề tài nghiên cứu ở trường đại học, còn hơn là cứ để họ lộ diện gây tranh cãi ở nơi công cộng. Vị trí của họ chắc chắn là ở nơi khác, theo cách khác, nhưng không phải dưới đất. Bôi bẩn lên họ là phá hoại lịch sử của riêng chúng ta ».
Điện ảnh truyền thông cũng bị Black Lives Matter tác động
Những tác động của phong trào đấu tranh vì quyền của người da đen đã bắt đầu len vào lĩnh vực văn hóa. Nhật báo les Echos cho hay bộ phim « “Cuốn theo chiều gió” trong cơn bão Black Lives Matter ».
Tờ báo cho hay, trong lúc tại Anh đang bùng lên các tranh cãi về chuyện tượng các nhân vật lịch sử có gắn bó với chế độ chiếm hữu nô lệ hay thực dân, thì phong trào Black Lives Matter đã lật đổ một tượng đài của điện ảnh. HBO Max, một nền tảng dịch vụ phim trả tiền của tập đoàn AT&T đã quyết định rút bộ phim kinh điển từng đạt 8 giải Oscar, « Cuốn theo chiều gió » ra khỏi chương trình phục vụ. Tập đoàn đưa ra lời giải thích vì bộ phim thể hiện một số định kiến về chủng tộc màu da, vấn đề đang rất nhạy cảm ở Mỹ. Sắp tới phim sẽ được đưa trở lại phục vụ, không có sửa đổi nội dung nhưng sẽ bổ sung phần dẫn nhập giải thích bối cảnh lịch sử của bộ phim.
Tờ báo cho biết thêm, không chỉ điện ảnh, nghe nhìn bị tác động của làn sóng Black Lives Matter, báo chí Mỹ cũng bị. Một tổng biên tập trang « ý kiến » của báo New York Times đã bị buộc từ chức vì đăng diễn đàn kêu gọi đưa quân đội dẹp người bạo loạn trong các cuộc biểu tình sau cái chết của George Floyd.
Châu Âu quá thận trọng về hồ sơ Hồng Kông
Liên quan đến châu Á, nhật báo Le Figaro trở lại với chủ đề Hồng Kông và Trung Quốc. Trong khi Le Monde trở lại với thời sự trên bán đảo Triều Tiên với vụ việc « Bình Nhưỡng cắt đường dây liên lạc trực tiếp với Seoul ».
Về Hồng Kông, trang quốc tế của Le Figaro ghi nhận qua bài viết: « Trước việc quy chế của Hồng Kông bị xói mòn, các nước châu Âu chọn chủ trương chờ thời ». Theo Le Figaro thì vấn đề Trung Quốc thắt chặt quản lý Hồng Kông cũng là chủ đề khá ngại ngùng cho ngoại giao Pháp.
Trong cuộc điện thoại với chủ tịch Trung Quốc tuần trước, tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng chỉ bày tỏ lại lập trường của Pháp một cách chung chung rằng Pháp tôn trọng quy chế « một đất nước 2 chế độ » với Hồng Kông.
Trong khi đó các đồng minh của Pháp như Mỹ, Canada, Anh và Úc thì phản ứng kiên quyết, ra cả thông cáo chung lên án Bắc Kinh không tôn trọng các cam kết quốc tế về Hồng Kông.
Tờ báo cho rằng Pháp không muốn làm mếch lòng Trung Quốc vì không chỉ phụ thuộc vào kinh tế Pháp còn cần đến Trung Quốc trong các chủ trương quốc tế lớn như xóa nợ cho các nước châu Phi hay hồ sơ chống ô nhiễm bầu khí hậu. Le Figaro nhận định: « Chính sách đối với Trung Quốc của Pháp mang di sản truyền thống chính trị nặng nề mà từ thời De Gaulle cho đến Chirac, đã đặt cược vào ảo tưởng quan hệ đối tác chiến lược với Trung Quốc ».
Sự thận trọng của Pháp đối với vấn đề Hồng Kông cũng là thái độ của Liên Hiệp Châu Âu. Cho đến nay, EU mới chỉ đưa ra những tuyên bố bày tỏ quan ngại, kêu gọi Bắc Kinh tôn trọng quyền tự trị Hồng Kông. Không hề có một chút đe dọa trả đũa nào như trong các tuyên bố từ Luân Đôn hay Washington.
Nhưng theo các chuyên gia được tờ báo trích dẫn thì lập trường như vậy về lâu về dài của EU là không thể trụ được. Tình hình Hồng Kông hiện nay cần phải được các nước lên tiếng mạnh mẽ.
Tin tổng hợp
(NHK) – Hồng Kông: G7 sẽ đứng ra khuyến cáo Trung Quốc tôn trọng nguyên tắc “nhất quốc lưỡng trị”.
Nguồn tin ngoại giao Nhật và Pháp xác nhận G7 sẽ ra thông cáo chung về tình hình Hông Kông. Trong cuộc điện đàm hôm thứ Tư 10/06/2020, Ngoại trưởng Motegi Toshimitsu và Jean-Yves LeDrian đã thảo luận về quyết định của Bắc Kinh đưa vào luật Trung Quốc, đạo luật về an ninh ở Hồng Kông để đàn áp đối lập. Sau cuộc hội đàm này, hai ngoại trưởng chia sẻ mối quan ngại và khẳng định sẽ cùng khối G7 ra thông cáo chung kêu gọi Trung Quốc tôn trọng quy chế “một quốc gia hai chế độ” cho Hồng Kông. Trong nhóm G7, Nhật Bản nỗ lực vận động những thành viên trong đó có Pháp còn thận trọng không muốn làm phật lòng Bắc Kinh.
(Asia News) – 43% doanh nghiệp châu Âu tố cáo bị chính quyền Trung Quốc đe dọa.
Theo một thăm dò dư luận mới đây, được mạng Asia News hôm qua 10/06/2020 trích dẫn, các doanh nghiệp châu Âu hoạt động tại Trung Quốc cho rằng kinh tế Trung Quốc đang ngày càng bị chính trị hóa, và phụ thuộc nặng nề vào chính quyền. Nhiều doanh nghiệp được yêu cầu tránh bình luận về các vấn đề khác, ngoài vấn đề kinh doanh, hoặc phải nói rõ trên trang mạng của doanh nghiệp, hoặc các tài liệu của công ty, là Hồng Kông, Đài Loan, Tây Tạng và Tân Cương là lãnh thổ của Trung Quốc.
(AFP) – Virus corona xuất hiện từ tháng 8/2019 tại Trung Quốc: Bắc Kinh lên án chiến dịch bóp méo thông tin của Mỹ.
Hôm nay, 11/06/2020, Trung Quốc phản đối thông tin, do một nghiên cứu của Mỹ, về việc Covid-19 xuất hiện tại nước này, ngay từ tháng 8 năm ngoái. Tức sớm hơn nhiều tháng so với thông tin cộng đồng quốc tế công nhận cho đến nay. Người phát ngôn bộ Ngoại Giao Trung Quốc, Hoa Xuân Oánh, khẳng định, thông tin do một số nhà khoa học ở đại học Boston và Havard, đưa ra là « một bằng chứng mới » cho thấy Hoa Kỳ tiếp tục chính sách loan truyền tin tức bịa đặt để bôi nhọ Trung Quốc.
(AFP) – Giai đoạn tiếp theo ra khỏi phong tỏa tại Pháp: Tổng thống Macron sẽ phát biểu vào Chủ Nhật 14/06.
Điện Elysée hôm qua 10/06/2020, thông báo tổng thống sẽ có bài phát biểu long trọng vào Chủ Nhật lúc 20 giờ. Người đứng đầu nước Pháp quyết định đẩy sớm lịch trình dự kiến, trong bối cảnh dịch Covid-19 được coi là đã nằm trong vòng kiểm soát và chính phủ đứng trước áp lực nhanh chóng chấm dứt phong tỏa. Bộ trưởng Kinh tế Bruno Le Maire hôm nay bày tỏ hy vọng « đời sống kinh tế sẽ trở lại bình thường ngay trong mùa hè này ». Chính phủ lo ngại trong những tháng tới sẽ có thêm 800.000 chỗ làm bị mất.
(Yonhap) – Hàn Quốc: Covid-19 giảm tốc.
Hôm nay 11/06/2020, tại Hàn Quốc, có thêm 45 ca nhiễm virus corona mới, cho thấy số lượng ca nhiễm mới có chiều hướng giảm nhẹ, nhưng vùng thủ đô Seoul vẫn rất cảnh giác, trước nguy cơ xuất hiện đợt lây nhiễm mới xuất phát từ các ổ dịch trong cộng đồng.
(RFI) – Đức: Chỉ tiêu vô địch thế giới về năng lượng sạch.
Kế hoạch sử dụng Hydrogen đuơc bộ trưởng Kinh Tế Peter Almaier công bố ngày hôm qua 09/06/2020. Với 9 tỷ euro công quỹ đầu tư vào nghiên cứu, mục đích trước mắt của Berlin là đạt được chỉ tiêu chống hiệu ứng nhà kính. Nhưng quan trọng hơn cả là chiến lược xây dựng một nền công nghiệp sạch, dựa trên Hydrogen, năng lượng gió và mặt trời, để đạt ngôi quán quân thế giới trong cuộc đua bảo vệ sinh thái và chuyển đổi kinh tế.
(AFP) – Cuba: từng bước mở cửa lại các hoạt động du lịch.
La Habana ngày 10/06/2020 thông báo đã làm chủ được tình hình dịch Covid-19 nên các sinh hoạt mua bán, giao thông và nhất là du lịch được từng bước trở lại bình thường. Hòn đảo với 11,2 triệu dân này ghi nhận 2.211 ca nhiễm virus corona trong đó có 83 trường hợp tử vong. Ngành du lịch năm 2018 cho phép Cuba thu về 3,3 tỷ đô la.
(AFP) – Tổng thống Trump trở lại với chiến dịch vận động tranh cử.
Ngày 10/06/2020 Donald Trump thông báo lịch vận động tại bốn bang Oklahoma, Florida, Arizona và North Carolina. Chặng dừng đầu tiên sẽ là thành phố Tulsa, bang Oklahoma được dự trù vào ngày 19/06/2020. Ngày 19 tháng Sáu là ngày nước Mỹ kỷ niệm chấm dứt chế độ nô lệ. Tuy nhiên Tulsa là nơi mà vào năm 1921, trong ròng rã 2 ngày liên tiếp, cộng đồng người Mỹ da đen ở khu phố Greenhood đã bị người da trắng tàn sát.
http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200611-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p
Điểm tin thế giới sáng 11/6:
EU chỉ trích kiểu đưa tin ‘cắt xén’ của Trung Quốc;
Người biểu tình Séc công khai ủng hộ Đài Loan
Lục Du
Sáng nay, thứ Năm (11/6), mục Điểm tin thế giới của Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới quý độc giả nội dung tóm lược của những tin sau:
EU chỉ trích kiểu đưa tin ‘cắt xén’ của Trung Quốc
Hôm thứ Tư, Liên minh châu Âu (EU) đã lên tiếng cảnh báo các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc rằng hãy ngừng kiểu đưa tin “cắt xén” và “không thể chấp nhận được” về cuộc họp giữa quan chức EU với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị diễn ra trong tuần này, SCMP đưa tin.
“Thông cáo báo chí của Trung Quốc đưa ra một báo cáo cắt xén và không cân bằng trong các cuộc thảo luận [giữa EU và Trung Quốc]”, người phát ngôn đối ngoại của EU, Virginie Battu-Henriksson, nói với SCMP, đề cập tới cuộc họp giữa ông Josep Borrell, quan chức ngoại giao cấp cao của EU và ông Vương Nghị được truyền thông Trung Quốc đưa tin theo hướng EU đang “tìm cách đối thoại và hợp tác với Trung Quốc”.
Theo SCMP, cảnh báo được đưa ra trong bối cảnh EU đang có kế hoạch mới nhằm ngăn chặn các chiến dịch thao túng thông tin xuất hiện trong đại dịch viêm phổi Vũ Hán từ các hãng truyền thông phục vụ chính quyền Trung Quốc và Nga.
Người biểu tình Séc công khai ủng hộ Đài Loan
Vào tối thứ Ba, khoảng 3000 người Séc đã tập trung tại một trung tâm cũ của Thủ đô Prague trong cuộc biểu tình mới nhất của phong trào sinh viên “một triệu người” chống lại nạn tham nhũng. Nhiều người biểu tình đã bày tỏ tình cảm với Đài Loan, điều ít thấy trong bối cảnh Bắc Kinh không ngừng gia tăng sức ép buộc các thực thể quốc tế phải thừa nhận Đài Loan là một vùng lãnh thổ “không thể tách rời” của họ.
Taiwan News cho hay, nhiều người tham gia cuộc biểu tình này cầm cờ Đài Loan và những tấm biểu ngữ cám ơn đảo quốc vì giúp đỡ Séc trong dịch viêm phổi Vũ Hán.
Theo CNA, có 9.000 người Séc đã ký tên vào một bản kiến nghị vinh danh Đài Loan. Cũng theo Taiwan News, chủ tịch Thượng viện Séc, ông Milos Vystrcil, đã lên kế hoạch thăm Đài Loan vào tháng Tám tới đây.
Mỹ đặt yêu cầu bình thường hóa quan hệ với Triều Tiên
Hoa Kỳ đã nói với Triều Tiên rằng việc cải thiện các điều kiện về nhân quyền của Bình Nhưỡng, bao gồm việc chính quyền Bắc Hàn phải tôn trọng tự do tôn giáo, là cơ sở để hai nước bình thường hóa hoàn toàn quan hệ song phương, một báo cáo về vấn đề nhân quyền của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết hôm thứ Tư, theo Yonhap.
Theo Báo cáo Tự do Tôn giáo Quốc tế (RFR) của Bộ Ngoại giao Mỹ năm 2019, chính quyền Triều Tiên tiếp tục từ chối quyền tự do tôn giáo của người dân và có những hành vi bạo lực cấu thành tội ác chống lại loài người.
“Trong các cuộc ọp với các quan chức Triều Tiên, chính phủ Hoa Kỳ luôn nói rõ rằng bình thường hóa quan hệ sẽ đòi hỏi [Bắc Hàn] phải giải quyết vấn đề quyền con người, bao gồm cả tự do tôn giáo”, RFR viết.
“Có các báo cáo cho thấy chính phủ này tiếp tục cư xử hà khắc với những người tham gia vào hoạt động tôn giáo, thể hiện qua các vụ hành quyết, tra tấn, đánh đập và bắt giữ”, RFR viết. “Không thể tiếp cận và thiếu thông tin kịp thời từ quốc gia này tiếp tục khiến việc tìm hiểu các vụ bắt giữ và đàn áp trở nên khó khăn”.
Trung Quốc: Lũ lụt lớn, hàng trăm ngàn người phải sơ tán
Hàng trăm ngàn người ở miền nam và miền trung Trung Quốc đã buộc phải rời bỏ nhà cửa để lánh nạn sau khi lũ lụt lớn gây ra sự tàn phá trên toàn khu vực, Fox News đưa tin hôm thứ Tư.
Bộ Quản lý Khẩn cấp của Trung Quốc hôm thứ Ba cho biết, có khoảng 228.000 người đã buộc phải tìm nơi trú ẩn khẩn cấp sau khi những cơn mưa xối xả gây ra lũ lụt lớn.
Đã có 6 người thiệt mạng và một người mất tích sau khi mưa lớn gây ra lũ lụt và lở đất ở Quảng Tây. Một video chia sẻ trên internet hôm thứ Ba cho thấy một ngôi nhà ở tỉnh này đã bị đổ sụp do mưa lớn.
Hãng truyền thông nhà nước China Daily cho biết 7 người được báo cáo đã chết vì lũ lụt tại tỉnh Hồ Nam. Trận mưa lụt đã phá hủy khoảng 1.300 ngôi nhà, với thiệt hại ban đầu ước tính lên tới hơn 500 triệu USD. Các quan chức Trung Quốc cho biết sau những cơn mưa, 110 con sông ở tám vùng đã dâng lên trên mực nước lũ.
Thủ tướng Iraq tuyên bố cứng rắn về IS
Nhóm Nhà nước Hồi giáo IS sẽ không bao giờ tái chiếm được lãnh thổ Iraq, Thủ tướng Iraq, Mustafa al-Kadhimi, đã đưa ra khẳng định này hôm thứ Tư trong chuyến thăm tỉnh Mosul, thuộc miền bắc Iraq, theo AP.
Chuyến thăm của ông al-Kadhimi diễn ra trong bối cảnh các cuộc tấn công của phiến quân IS gia tăng trong thời gian gần đây và các lực lượng thuộc liên minh do Hoa Kỳ lãnh đạo đang rút quân theo kế hoạch khỏi Iraq.
“Chuyến thăm của chúng tôi tới Mosul là để gửi một thông điệp tới IS: Những gì đã xảy ra sẽ không được phép lặp lại”, ông Kadhimi nói với các phóng viên đi cùng.
Một nghiên cứu được công bố hôm thứ Tư cho thấy hai mối quan tâm cấp bách nhất của cư dân Mosul là việc làm và nhu cầu cải thiện an ninh. AP cho hay, IS vẫn có khả năng tấn công ở khắp miền bắc Iraq.
Điểm tin tối 11/6:
Zoom đóng tài khoản của nhà hoạt động Trung Quốc
sau hội nghị Thiên An Môn
Hải Lam
Mục Điểm tin thế giới tối thứ Năm (11/6) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới quý độc giả những tin sau:
Zoom đóng tài khoản của nhà hoạt động Trung Quốc sau hội nghị Thiên An Môn
Zoom Video Communications đã đóng tạm thời tài khoản của một nhóm nhà hoạt động Trung Quốc ở Mỹ sau khi họ tổ chức một sự kiện kỷ niệm 31 năm cuộc đàn áp Thiên An Môn, Reuters đưa tin hôm 11/6.
Tổ chức Nhân đạo Trung Quốc cho biết họ đăng ký tài khoản có trả phí trên Zoom, một nền tảng xã hội cho phép họp trực tuyến, và đã tổ chức sự kiện vào ngày 31/5. Sự kiện này có hơn 250 người trên toàn thế giới tham gia thông qua Zoom, với hơn 4.000 người xem trực tiếp trên phương tiện truyền thông xã hội, trong đó có nhiều người đến từ Trung Quốc. Tổ chức Nhân đạo Trung Quốc cho biết tài khoản của họ đã bị đóng vào ngày 7/6.
Zoom xác nhận tài khoản trên tại Mỹ từng bị khóa nhưng hiện đã được kích hoạt lại.
“Khi một cuộc họp được tổ chức giữa các quốc gia khác nhau, những người tham gia trong các quốc gia đó được yêu cầu tuân thủ luật pháp địa phương tương ứng”, Zoom cho biết trong một tuyên bố gửi qua email.
Theo Retuers, lễ kỷ niệm cuộc thảm sát Thiên An Môn năm 1989 là một vấn đề rất nhạy cảm ở Trung Quốc và nội dung liên quan đến sự kiện này thường xuyên bị chính quyền chặn hoặc kiểm duyệt.
Ông Chu Phong Tỏa, người sáng lập Tổ chức Nhân đạo Trung Quốc, cho biết trên tài khoản Twitter của mình rằng, nhóm vẫn chưa nhận được câu trả lời từ Zoom về lý do tài khoản của họ bị đóng.
Thủ tướng Úc thúc giục bang Victoria từ bỏ Sáng kiến Vành đai – Con đường
Thủ tướng Úc Scott Morrison hôm nay thúc giục Thủ hiến bang Victoria Daniel Andre từ bỏ tham gia Sáng kiến Vành đai – Con đường của Bắc Kinh vì “không phù hợp với lợi ích quốc gia”, tờ The Sydney Morning Herald đưa tin.
“Đây là một dự án mà chính sách đối ngoại của Úc không công nhận vì chúng tôi tin rằng nó không phù hợp với lợi ích quốc gia”, ông Morrison nói trên đài phát thanh 3AW.
“Đây không phải là chương trình mà Úc ký kết tham gia và không phải là chính sách đối ngoại của Úc. Tất cả các bang và vùng lãnh thổ không nên có bất kỳ hoạt động nào không phù hợp với chính sách của liên bang”, Thủ tướng Úc nói thêm.
Đài Loan chuẩn bị đón người Hồng Kông
Đài Loan đang lên kế hoạch để chào đón người dân Hồng Kông muốn rời thành phố đến hòn đảo, khi Bắc Kinh sắp áp luật an ninh, theo bản tin ngày 11/6 của Reuters.
Một người thạo tin cho biết, kế hoạch của chính phủ Đài Loan bao gồm một khoản trợ cấp hàng tháng cho người Hồng Kông sinh sống và thuê chỗ ở.
Một nguồn tin khác nói rằng, giới chức Đài Loan sẽ xem xét kỹ lưỡng các đơn tị nạn và cấp thị thực cho phép người dân Hồng Kông học tập hoặc làm việc tại Đài Loan.
Shih Yi-hsiang thuộc Hiệp hội Nhân quyền Đài Loan cho biết, gần 200 người Hồng Kông đã đến Đài Loan kể từ khi diễn ra các cuộc biểu tình vào cuối năm ngoái. Khoảng 10% trong số đó đã được cấp thị thực theo luật bảo vệ người Hồng Kông vì lý do chính trị.
Ông Trump sắp tái khởi động chiến dịch bầu cử
Tờ Politico đưa tin, Tổng thống Donald Trump hôm 10/6 thông báo rằng ông sẽ nối lại các cuộc vận động tranh cử từ ngày 19/6 tới, sau hơn 3 tháng tạm ngừng vì ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Ông Trump cho biết sẽ tổ chức cuộc vận động tranh cử tại Tulsa, Oklahoma vào ngày 19/6 tới. Ông cũng sẽ tổ chức các cuộc vận động ở Florida, Texas và Arizona, Bắc Carolina vào một “thời điểm thích hợp”.