Tin Việt Nam – 08/06/2020
Bộ Công an ra mắt lực lượng Cảnh sát cơ động Kỵ binh
Bộ Công an Việt Nam vào ngày 8/6 chính thức cho ra mắt lực lượng cảnh sát cơ động Kỵ binh thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động, Bộ Công an. Lực lượng này được diễu hành trên đường Độc Lập trước tòa nhà Quốc hội nơi các đại biểu Quốc hội khóa XIV đang họp kỳ thứ 9.
Theo tin từ tuyền thông trong nước loan di, Cảnh sát cơ động kỵ binh là đơn vị vũ trang chiến đấu tập trung được thành lập theo Quyết định số 326, ngày 15/1/2020 của Bộ trưởng Bộ Công an. Chức năng, nhiệm vụ chính là trực tiếp huấn luyện, sử dụng ngựa đấu tranh phòng, chống tội phạm bảo đảm an ninh, trật tự, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, chiến sỹ làm công tác quản lý, huấn luyện và sử dụng ngựa…
Được biết, giống ngựa mà Bộ Công an Việt Nam chọn được cho có khả năng thích nghi cao với điều kiện khắc nghiệt. Sự dẻo dai, ngoại hình của ngựa phù hợp với việc tuần tra, kiểm soát và xử lý các tình huống biểu tình, bạo loạn.
Lực lượng CSCĐ kỵ binh sẽ tham gia đấu tranh truy bắt các đối tượng truy nã ẩn náu, lẩn trốn tại các khu vực rừng núi, vùng biên giới.
Ngoài ra, theo Bộ Công an thì lực lượng kỵ binh này còn được sử dụng để vận chuyển vũ khí, quân trang, hành quân dã ngoại trong thời gian dài, tham gia thực hiện các nghi thức và nghi lễ quốc gia như diễu binh, diễu hành…
Báo cáo của Bộ Công an cho biết, đến nay đã nhân giống được bốn ngựa con và tăng tổng số đàn ngựa lên 100 con. Đội kỵ binh đã thuần hóa, huấn luyện và làm chủ được 65/71 ngựa hoang dã, đảm bảo sức khỏe đàn ngựa trong giai đoạn nuôi thích nghi môi trường tại Việt Nam.
Xuất hiện rắn
trong khoang hành khách máy bay của Vietjet Air
Bình luậnKhôi Nguyên
Nhà chức trách hàng không đã xác nhận, có sự việc một con rắn xuất hiện trên hộc để hành lý của máy bay Vietjet khi chuẩn bị cất cánh.
Ngày Nay cho biết, khoảng 17 giờ ngày 07/6, máy bay A321-VNA542 của Vietjet Air thực hiện chuyến bay VJ162 từ sân bay Tân Sơn Nhất đến Nội Bài (TP. Hà Nội) đang bắt đầu lăn bánh từ bến 88.
Khi đang lăn bánh trên đường lăn E8, tiếp viên của hãng hàng không này đã phát hiện một con rắn tại vị trí ngăn đựng hành lý xách tay trên đỉnh hàng ghế số 15.
Nhận được tin báo, Trung tâm Điều hành sân bay Tân Sơn Nhất đã yêu cầu máy bay này quay lại để các đơn vị xử lý. Thợ máy của Vietjet Air đã lên máy bay bắt rắn và kiểm tra. Các hành khách được đưa vào nhà ga để đảm bảo an toàn.
Trước đó, chiếc máy bay nói trên đã thực hiện chuyến bay từ sân bay Nội Bài đến Tân Sơn Nhất vào lúc 15 giờ cùng ngày.
Trao đổi với phóng viên báo Dân trí, ông Đinh Việt Thắng – Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam đã xác nhận sự việc có rắn xuất hiện trên máy bay của Vietjet.
Ông Thắng thông tin thêm: “Đây là 1 con rắn con, dài khoảng 20 cm, là loại rắn cảnh, không phải rắn độc. Con rắn do 1 nam hành khách để trong hành lý xách tay đưa lên máy bay, khi máy bay nổ máy để chuẩn bị cất cánh thì con rắn chui ra từ hành lý trong hộc của khách nam”.
“Tất cả các loại động vật đều bị cấm đưa lên máy bay”, ông Thắng nói và cho biết, đang yêu cầu các bên liên quan báo cáo, làm rõ sự việc để đưa ra hình thức xử lý.
Gói thầu hơn 79,9 tỷ đồng mua thiết bị Covid-19:
Kiểm điểm lãnh đạo Sở Y tế Thanh Hóa
Hiểu Minh
Kết luận thanh tra vụ mua thiết bị phòng chống dịch Covid-19 tổng giá trị hơn 79,9 tỷ đồng ở Thanh Hóa có nhiều sai phạm. Lãnh đạo Sở Y tế Thanh Hóa bị kiểm điểm.
Ông Trịnh Xuân Thúy, Phó chánh thanh tra tỉnh Thanh Hóa, vừa ký kết luận thanh tra về việc sử dụng kinh phí mua sắm vật tư, trang thiết bị phục vụ phòng, chống dịch Covid-19.
Theo Zing, 6 gói thầu được tiến hành thanh tra gồm 4 gói thầu do Sở Y tế Thanh Hóa làm chủ đầu tư. Hai gói thầu do Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Thanh Hóa làm chủ đầu tư. Các gói thầu trên đều được chỉ định thầu với tổng giá trị hơn 79,9 tỷ đồng.
Thanh tra kết luận những sai phạm trên trách nhiệm thuộc về Sở Y tế Thanh Hóa và Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh, các đơn vị thẩm định giá và cung ứng sản phẩm; Sở Tài chính chịu trách nhiệm trong việc phối hợp thẩm định dự toán.
Lý giải về sự việc trên Ông Trịnh Hữu Hùng, Giám đốc Sở Y tế Thanh Hóa, và ông Đỗ Văn Quang, Trưởng phòng Kế hoạch – Tài chính Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa đều thừa nhận có thiếu sót, nhưng do thời gian cấp bách nên đã tiến hành mua máy.
“Sở đang chỉ đạo kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan để xảy ra những khuyết điểm trong việc mua sắm thiết bị phòng chống dịch Covid-19”, ông Hùng nói.
Việt Nam tiếp tục đưa công dân từ Mỹ về nước
vì virus Corona
Việt Nam thực hiện thêm một chuyến bay thẳng sang Hoa Kỳ để đưa hàng trăm công dân về nước tránh dịch COVID-19.
Theo Đại sứ quán Mỹ, trên chuyến bay của Vietnam Airlines từ Hà Nội tới thành phố San Francisco “vào ngày 7/6”, trong chặng đi, hãng hàng không quốc gia của Việt Nam dành riêng khoang hành khách cho các công dân Mỹ muốn trở về nước.
“Tại thời điểm này, Đại sứ quán Mỹ không thể cung cấp ước tính giá thành chuyến bay, dù giá vé có thể cao hơn giá vé thương mại về Mỹ hiện thời”, cơ quan ngoại giao Hoa Kỳ cho biết trong một thông báo hôm 29/5, nói thêm rằng “ngày và giờ bay có thể thay đổi bởi Vietnam Airlines”.
Theo thông tin từ Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài hôm 7/6, chuyến bay VN1 tới San Francisco đã cất cánh lúc 14:45. Đây là chuyến bay thẳng thứ ba sang Mỹ đưa công dân về nước của Vietnam Airlines.
COVID-19: Vé sơ tán công dân Mỹ của Vietnam Airlines ‘giá 1.000 đôla’
Hiện chưa rõ có bao nhiêu người Mỹ đã đăng ký về nước trong chặng từ Hà Nội sang San Francisco. Trong chuyến bay đầu tiên hôm 7/5, một người Mỹ gốc Việt hôm 7/5 cho biết mình là “hành khách duy nhất trên chuyến bay thương mại Việt – Mỹ đầu tiên của Việt Nam Airlines”, theo nội dung lá thư cám ơn của công dân này, được một nhân viên Vietnam Airlines đăng tải trên mạng xã hội.
Ngoài việc chuyến bay chiều đi chở theo công dân Hoa Kỳ hồi hương, Vietnam Airlines cho biết “còn hỗ trợ vận chuyển miễn cước trang bị y tế do các đơn vị trong nước ủng hộ, gửi tặng cộng đồng người Việt Nam tại Hoa Kỳ”.
Phía Việt Nam chưa cho biết là có bao nhiêu người đã đăng ký từ San Francisco về nước cũng như số tiền mà họ phải trả cho hành trình này. Vietnam Airlines không hồi đáp email hỏi thông tin của VOA Việt Ngữ.
Theo đại sứ quán Mỹ, trong chuyến bay thứ hai tới thủ đô Washington DC của Mỹ, Vietnam Airlines cũng dành riêng khoang hành khách cho các công dân Mỹ trong chặng đi, với giá vé là “giá vé là 1.000 đôla”.
Trong cả hai chuyến bay đó, hãng hàng không quốc gia Việt Nam cho biết sử dụng “máy bay lớn nhất, hiện đại nhất của Vietnam Airlines hiện nay là Boeing 787-10” với khả năng chuyên chở khoảng 367 hành khách.
Hãng nói thêm trên trang web của mình rằng “Hoa Kỳ không phải điểm đến thường lệ của Vietnam Airlines và là đường bay dài có tổng chiều dài hành trình bay thẳng hai chiều không điểm dừng hơn 25.000 km, nên công tác tổ chức chuyến bay này đòi hỏi sự phối hợp đặc biệt chặt chẽ, kỹ lưỡng giữa các cơ quan nhà nước Việt Nam, Vietnam Airlines với các nhà chức trách Hoa Kỳ”.
Cổng thông tin của chính phủ Việt Nam cho hay, hành khách từ Mỹ về Việt Nam “đến từ nhiều bang, gồm người dưới 18 tuổi (có trẻ sơ sinh), người cao tuổi, người có bệnh nền, sinh viên không có nơi lưu trú do trường học và ký túc xá đóng cửa, các trường hợp đi công tác, du lịch, thăm thân lưu lại sở tại do các hãng hàng không tạm ngừng chuyến bay và các trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn khác”.
Gia đình Mỹ gốc Việt có ba người chết vì Corona: ‘Cha mẹ nắm tay lúc cuối đời’
Trong lần đưa người Việt trở về lần thứ hai hôm 16/5, Bộ Y tế Việt Nam cho hay, hai du học sinh đã được xác định nhiễm virus Corona và đã được đưa đi cách ly cũng như điều trị. Hiện chưa rõ tình hình sức khỏe hiện thời của hai bệnh nhân này.
Số du học sinh Việt Nam học bậc đại học tại Hoa Kỳ tăng năm thứ 18 liên tiếp đóng góp “gần một tỷ đôla” cho nền kinh tế Mỹ, theo báo cáo thường niên Open Doors của Viện Giáo dục Quốc tế (IIE), công bố cuối năm 2019.
Với gần 25 nghìn sinh viên, tăng 0,3% so với năm học 2017 – 2018, Việt Nam đứng thứ sáu trong số các quốc gia dẫn đầu về con số du học sinh tại Mỹ trong khoảng thời gian từ 2018 tới 2019.
Hiện chưa rõ có bao nhiêu trong số hơn hai chục nghìn du học sinh Việt Nam này đã về nước trong bối cảnh hầu hết các trường ở Mỹ đóng cửa vì virus Corona và chuyến sang học trực tuyến.
Tới ngày 7/6, tin cho hay, con số người nhiễm COVID-19 ở Mỹ là hơn 1,9 triệu người và con số tử vong là gần 109 nghìn người.
Trong khi đó, theo Bộ Y tế, Việt Nam ghi nhận 329 ca dương tính với COVID-19 và chưa có ca tử vong nào.
Sách từ điển chính tả ở Việt Nam sai chính tả trầm trọng
Tin Vietnam.- Báo Người lao động ngày 7 tháng 6 năm 2020 loan tin, quyển Từ điển chính tả tiếng Việt do nhà xuất bản đại học Quốc gia Hà Nội xuất bản năm 2017 dành cho học sinh đã phạm quá nhiều lỗi chính tả, thậm chí có những lỗi mà báo Người lao động đánh giá là “nặng” đến khó tin.
Quyển sách Từ điển chính tả có quá nhiều lỗi này do phó giáo sư, tiến sĩ Hà Quang Năng chủ biên, cùng góp chung công sức là thạc sĩ Hà Thị Quế Hương.
Báo Người lao động cho biết, dù quyển sách có 718 trang này được tác giả biên soạn khá công phu nhưng lại mắc nhiều sai sót, nhầm lẫn không thể chấp nhận.
Thí dụ như nhầm từ chữ S sang chữ X, và ngược lại; hoặc không phân biệt được chữ D với chữ GI, chữ TR với chữ CH, chữ N với chữ NG và rất nhiều cặp chữ khác mà tác giả đã “nhầm lẫn”. Điển hình như nhóm chữ “bánh giầy” đã được tác giả quyển từ điển viết thành “bánh giày”.
Theo báo Người lao động thì đây mới chỉ là những lỗi cơ bản trong quyển Từ điển Chính tả tiếng Việt của ông Quang và bà Hương, còn những lỗi nặng đến mức khó tin thì sẽ được loan tải trong bài viết tiếp theo.
An Nhiên
https://www.sbtn.tv/sach-tu-dien-chinh-ta-o-viet-nam-sai-chinh-ta-tram-trong/
Tù chính trị Châu Văn Khảm
mất liên lạc với gia đình và lãnh sự quán Úc
Tù chính trị người Úc gốc Việt hiện đang thụ án tù 12 năm về tội khủng bố đã không được gặp hay nhận điện thoại từ gia đình và đại diện lãnh sự quán Úc hơn 4 tháng nay mà không rõ lý do.
Báo The Guardian hôm 6/6 trích thông tin từ phía luật sư và gia đình của ông Châu Văn Khảm, 70 tuổi, cho biết họ đã không được gặp hay nhận điện thoại của ông Khảm từ khoảng tháng 1 vừa qua khi đại dịch COVID-19 bắt đầu lây lan ở Việt Nam.
Hôm 27/5 vừa qua, Dân biểu Úc Chris Hayes cũng gửi thư đến Bộ trưởng Ngoại giao Úc Marise Payne, Thượng viện và Quốc hội Úc, bày tỏ lo lắng về tình trạng mất liên lạc của ông Châu Văn Khảm trong các tháng qua. Theo Dân biểu Chris Hayes, người thân của ông Khảm cho biết họ đã không được chuyển đồ tiếp tế và thuốc vào cho ông Khảm hôm 10/5 vừa qua và gia đình chỉ biết được ông bị chuyển trại giam đến một nơi xa hơn vào cùng ngày.
The Guardian trích lời con trai ông Châu Văn Khảm cho biết hiện gia đình ông rất lo lắng về tình trạng sức khoẻ của ông vì ông đang mắc một loạt bệnh bao gồm cao huyết áp, mỡ máu, sỏi thận, và cườm mắt.
Cũng theo The Guardian, các cuộc thăm gặp với đại diện lãnh sự quán Úc với ông Khảm từ tháng 1 đến tháng 5 vừa qua đều bị huỷ, trong khi cuộc gặp theo lịch vào tháng 6 vẫn đang phải chờ duyệt.
Ông Châu Văn Khảm bị bắt giữ vào tháng 1 năm 2019 và bị tuyên án 12 năm tù sau đó với cáo buộc khủng bố chống chính quyền do ông là thành viên của đảng Việt Tân, một đảng đối lập ở Mỹ bị chính quyền Việt Nam xếp vào danh sách khủng bố.
Các tổ chức nhân quyền quốc tế, luật sư và gia đình ông Khảm đều cho rằng việc bắt giữ và kết án ông là không có căn cứ và có tính chính trị.
Bộ Quốc Phòng truy bắt tội phạm vượt ngục
đang lẩn trốn ở đèo Hải Vân
Lực lượng Cục Điều tra, thuộc Bộ Quốc phòng, vào ngày 8/6 được huy động phối hợp với lực lượng vũ trang Quân khu 5 để truy bắt tội phạm Triệu Quốc Sự, đã đào tẩu khỏi trại giam T10 ở Quảng ngãi và được cho là đang ẩn náu ở khu vực núi Hải Vân.
Truyền thông trong nước, vào ngày 8/6 loan tin vừa nêu, dẫn lời Đại tá Võ Tín, Phó chỉ huy Bộ đội Biên phòng TP Đà Nẵng cho biết hàng trăm chiến sĩ Quân khu 5 và Công an Đà Nẵng cùng chó nghiệp vụ truy lùng tội phạm Triệu Quốc Sự suốt 4 ngày qua. Tuy nhiên, cơ quan chức năng vẫn chưa tìm thấy dấu vết của tội phạm nguy hiểm này, ngoài chiếc xe máy bỏ lại.
Đại tá Võ Tín nói với Zing.vn rằng tội phạm Triệu Quốc Sự từng là đặc công và có kinh nghiệm thực địa đồi núi nên việc nhảy tàu trốn thoát là không khó. Hiện tại, lực lượng chức năng không tìm thấy dấu vết chứng minh kẻ đào tẩu còn ẩn náu trên núi Hải Vân. Tội phạm Triệu Quốc Sự được cho là rất có thể đã nhảy tàu hỏa để trốn ra các địa phương ở phía Bắc.
Tin cho biết Triệu Quốc Sự là tội phạm nguy hiểm đặc biệt. Năm 2013, Tòa án Quân sự Quân khu 1, ở Thái Nguyên, tuyên phạt chung thân đối với Triệu Quốc Sự về 3 tội Giết người, Cướp tài sản và Đào
ngũ. Vào ngày 3/6/2020, tội phạm Triệu Quốc Sự trèo rào đào thoát tại trại giam T10, ở Quảng Ngãi. Triệu Quốc Sự đã cướp một chiếc xe máy và điện thoại của một người dân ở tỉnh Quảng Ngãi. Khi đến chân đèo Hải Vân, tội phạm Triệu Quốc Sự bị CSGT phát hiện và đã bỏ xe, chạy lên núi ẩn trốn.
Lần đào tẩu khỏi trại giam này là lần thứ 5 của tội phạm Triệu Quốc Sự. Quân khu 5 thông báo rằng lệnh truy nã đặc biệt đối với Triệu Quốc Sự đã được gửi đến các đơn vị công an, quân đội trên toàn quốc.
Đại tá Võ Tín cho biết thêm rằng các lực lượng truy tìm vẫn đang kiểm soát chặt 3 tuyến mà Triệu Quân Sự có thể tẩu thoát là đường bộ, đường sắt và đường biển. Hiện, các tổ trinh sát và nhiều đội chó nghiệp vụ đang tiến sâu, chốt chặn các điểm trong rừng để truy tìm dấu vết Triệu Quân Sự.
Đại úy công an trại giam Xuân Lộc lên mạng kêu cứu
Tin Vietnam.- Ngày 6 tháng 6 năm 2020, trang facebook cá nhân của đại uý Lê Chí Thành, hiện đang là công an Cộng sản tại trại giam Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai đã live stream tố cáo cấp trên của mình, đồng thời chắp tay nhờ cộng đồng mạng giúp đỡ chia sẽ đoạn clip của mình.
Anh Thành thừa nhận rằng, nhiều năm trước anh không nghĩ rằng cá nhân sẽ có ngày hôm nay. Nhưng sau thời gian dài nhịn nhục, chịu đựng, thậm chí là ra tận Hà Nội gặp thiếu tướng, trung tướng Công an ở bộ Công an Cộng sản kêu cứu nhưng bị làm ngơ nên buộc anh phải lên Facebook kêu cứu vì cá nhân đã rơi vào trường hợp “cóc kêu không thấu được đến trời”.
Theo anh Thành, trong quá trình công tác ở trại giam Xuân Lộc, anh bị cấp trên là đại tá Lê Bá Thuỵ và những đồng nghiệp khác chèn ép. Chỉ vì anh Thành không chấp nhận những sai phạm của cấp trên và các đồng nghiệp như: cho vay nặng lãi, thiếu tá công an trộm cắp tài sản, biển thủ tiền công quỹ, cắt xén tiền lương của đồng đội, kéo bè kết phái…
Sau nhiều lần lên Facebook vạch mặt sai phạm của viên chức trại giam Xuân Lộc, vào ngày 5 tháng 6, anh Thành được lãnh đạo gặp mặt làm việc. Thứ anh Thành nhận được từ lãnh đạo đó là những lời đe doạ nếu anh Thành không gỡ hết các live stream tố cáo trước đó thì cá nhân anh, em trai anh và mẹ anh sẽ bị “ảnh hưởng”.
Trước đó, anh đã nhận được nhiều tin nhắn của các “đồng chí” của anh cảnh cáo là đi ra đường nên cẩn thận vì có thể anh sẽ gặp tai nạn và tạo hiện trường giả
An Nhiên
https://www.sbtn.tv/dai-uy-cong-an-trai-giam-xuan-loc-len-mang-keu-cuu/
Quốc hội miễn nhiệm Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ
Hiểu Minh
Sáng nay 8/6, tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa 14 (đợt 2 diễn ra từ ngày 8 đến ngày 18/6), Quốc hội sẽ miễn nhiệm chức vụ Phó thủ tướng với ông Vương Đình Huệ và Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội với bà Nguyễn Thanh Hải.
Tập trung tại Nhà Quốc hội, Quốc hội tiến hành quy trình bầu Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia, phê chuẩn miễn nhiệm chức vụ Phó Thủ tướng Chính phủ đối với ông Vương Đình Huệ; miễn nhiệm chức vụ Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với bà Nguyễn Thanh Hải bằng hình thức bỏ phiếu kín, theo Tuổi Trẻ.
Lý do là trước đó, Bộ Chính trị đã phân công ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ làm bí thư Thành ủy, trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội thay ông Hoàng Trung Hải. Bộ Chính trị cũng chỉ định bà Nguyễn Thanh Hải làm bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên.
Cũng tại kỳ họp này, Quốc hội thảo luận vấn đề làm người dân quan tâm là Luật Biên phòng Việt Nam; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp.
Luật Cư trú (sửa đổi); Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi); Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi); Luật Thỏa thuận quốc tế; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
https://www.dkn.tv/thoi-su/quoc-hoi-mien-nhiem-pho-thu-tuong-vuong-dinh-hue.html
Việt Nam gặp khó trong xuất cảng trái cây
vì chi phí vận chuyển tăng
Tin từ Hà Nội: Nhiều công ty xuất cảng trái cây Việt Nam đang phải chật vật đối phó với chi phí vận chuyển hàng không gia tăng, do số chuyến bay quốc tế bị hạn chế trong thời gian cả thế giới bị đại dịch Covid-19 hoành hành.
Nhiều công ty Việt Nam cho biết dù nhu cầu nhập cảng trái cây Việt Nam của đối tác ngoại quốc cao nhưng họ phải giảm số lượng xuất cảng vì chi phí vận chuyển cao gấp từ 2 đến 4 lần so với thời điểm cuối năm trước. Hiện tại, chi phí vận chuyển sang Hoa Kỳ tăng từ 3.2 Mỹ kim lên 5.4 Mỹ kim/kg trái cây.
Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit) cho biết đại dịch COVID-19 đã gây ra thách thức lớn đối với xuất cảng trái cây của Việt Nam vì số lượng chuyến bay đến Hoa Kỳ và Úc đã giảm từ 30 chuyến xuống còn 10 chuyến mỗi tuần.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn dự báo xuất cảng trái cây của Việt Nam bị giảm 21% xuống còn 1.1 tỷ Mỹ kim trong năm 2020. Hoa quả là một trong những mặt hàng xuất cảng có nhiều tiềm năng của Việt Nam và thị trường chính là Hoa Kỳ, Úc, Nhật Bản, Liên minh Châu Âu và Trung Cộng.
Tuy nhiên, thị trường Trung Cộng không ổn định và các doanh nghiệp Việt thường bị phía Trung Cộng gây khó khăn và nhiều khi làm tỷ lệ hàng hoá kém phẩm cấp tăng rất nhanh.
Quốc Tuấn
https://www.sbtn.tv/viet-nam-gap-kho-trong-xuat-cang-trai-cay-vi-chi-phi-van-chuyen-tang/
Hơn 44 nghìn ha sẽ bỏ trống vụ Hè – Thu 2020
Diện tích đất trồng lúa vụ Hè- Thu 2020 tại khu vực Trung bộ có khả năng phải bỏ trống do khô hạn, thiếu nước là khoảng hơn 44 nghìn ha; trong đó Bình Thuận chiếm gần 27 nghìn ha.
Truyền thông trong nước loan tin ngày 8/6 dẫn báo cáo của Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) cho biết từ đầu năm đến nay, một số khu vực ở Trung Bộ và Tây Nguyên có lượng mưa thiếu hụt lớn so với trung bình nhiều năm dẫn đến tình trạng hạn hán, thiếu nước ở một số địa phương. Mùa khô ở khu vực Trung Bộ vẫn còn kéo dài đến hết tháng 8/2020, có nguy cơ hạn hán, thiếu nước xảy ra trên diện rộng trong vụ Hè Thu 2020; dự kiến có khoảng 12.714 ha cây trồng bị thiếu nước và 12.000 người thiếu nước sinh hoạt.
Vì vậy, diện tích đất trồng lúa vụ Hè Thu 2020 có khả năng bỏ đất trống không sản xuất do thiếu nước khoảng 44,3 nghìn ha; trong đó Bình Thuận khoảng 26,7 nghìn ha, Ninh Thuận khoảng 10,8 nghìn ha, Bình Định khoảng 5,0 nghìn ha, Quảng Ngãi khoảng 1,8 nghìn ha.
Tại các địa phương khác từ Quảng Bình đến Huế, các hồ chứa hiện đạt 59% dung tích thiết kế, thấp hơn năm 2018 khoảng 5% và gần tương đương với năm 2016, 2019. Từ Đà Nẵng đến Bình Thuận đạt 45% dung tích thiết kế, thấp hơn các năm 2018, 2019 khoảng 19%. Các hồ chứa khu vực Tây Nguyên chỉ đạt 26-41% dung tích thiết kế (DTTK); nguồn nước sẽ cơ bản được đảm bảo khi sản xuất vụ Mùa trong thời gian mùa mưa bắt đầu từ tháng 5.
Theo ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng cục Trưởng Tổng cục Thủy lợi, thì Tổng Cục đã đề nghị UBND các tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch phòng, chống hạn theo các kịch bản có thể xảy ra, huy động nguồn lực để chủ động triển khai các giải pháp phù hợp, đảm bảo tưới, tiêu cho sản xuất nông nghiệp.
Hà Nội phá dỡ
hơn 600 mét “Con đường gốm sứ” để làm đường
Hơn 600 mét chiều dài “Con đường gốm sứ” bị chính quyền Hà Nội cho phá dỡ để mở rộng đường đến cầu Nhật Tân.
Truyền thông trong nước loan tin vừa nói hôm 8/6 và cho biết đoạn tranh gốm bị phá dỡ nằm ở đoạn ngã ba Nghi Tàm và Xuân Diệu.
Việc phá dỡ bắt đầu từ tuần đầu tiên của tháng 6, các đoạn tranh gốm có chủ đề “mùa xuân”, “phố cổ Bùi Xuân Phái”, “Hà Nội xưa và nay”… đều bị đập bỏ toàn bộ, những mảng gốm màu vương vãi ven đường.
Trả lời báo chí trong nước, ông Phạm Hoàng Tuấn, Giám đốc Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng Công trình Giao thông Hà Nội cho biết, để thi công giai đoạn hai của dự án xây dựng cầu vượt nút giao An Dương – đường Thanh Niên dài 3,7 km, việc phá dỡ này là bắt buộc.
Theo ông Tuấn, việc thi công này là một phần dự án đáp ứng nhu cầu giao thông cấp bách, giải tỏa kẹt xe từ Sân bay Nội Bài về trung tâm chính trị Ba Đình, được Hội đồng Nhân dân Thành phố phê duyệt cuối năm 2018. Ông cũng cho rằng, các bức tranh không thể tháo dỡ, tái sử dụng. Khi dự án hoàn thiện sẽ có tường chắn bê tông cốt thép cao, rộng hơn, nếu nghệ sĩ muốn có thể tiếp tục trang trí…
Còn theo Họa sĩ Nguyễn Thu Thủy, tác giả “Con đường gốm sứ”, 600 mét tranh bị phá dỡ ảnh hưởng đến chứng nhận Kỷ lục Guinness trao cho công trình này và một số đơn vị tài trợ thực hiện. Bà bày tỏ sự đáng tiếc với truyền thông trong nước và mong chính quyền thành phố có thể cấp lại kinh phí để phục dựng đoạn tranh đã phá và tạo điều kiện để nghệ sĩ tiếp tục mở rộng “con đường gốm sứ”.
“Con đường gốm sứ” có chiều dài gần 4.000 m, diện tích 7.000 m2, kéo dài từ đường Nghi Tàm đến cửa khẩu Vạn Kiếp, bắt đầu thực hiện từ năm 2008. Năm 2010, công trình hoàn thành nhân kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội; được Tổ chức Guinness thế giới công nhận đây là “bức tranh gốm dài nhất thế giới”.
NXB Tự Do: “Hiểm nguy,
nhưng không ai trong chúng tôi muốn dừng lại”
Tuấn Khanh
Khởi đầu, có vẻ như Nhà xuất bản Tự Do (NXB) chỉ là nơi ấn hành các tác phẩm muốn được đến tay công chúng, mà không cần sự cho phép nào của hệ thống kiểm duyệt. Thế rồi, những diễn biến dồn dập trong năm 2019, đã đẩy Nhà xuất bản Tự Do vào vị trí tự bảo vệ sự sống còn của mình, và trở thành một biểu tượng tranh đấu cho quyền tự do tri thức.
Chính vì sự can trường và không nhụt chí của những người bạn trẻ hoạt động cho Nhà xuất bản Tự Do, cũng như sự ủng hộ của đông đảo độc giả Việt Nam trong và ngoài nước, mà tổ chức IPA ngày 5/6 đã trao tặng giải Prix Voltaire 2020 cho họ, những người ẩn danh nay rất nổi tiếng.
Ngay sau khi NXB Tự Do nhận được giải này, công an đã ập đến gia đình cô Đoan Trang để bắt mẹ cô phải ký giấy xác nhận là Đoan Trang đã vi phạm pháp luật. Nhiều năm nay, cô Phạm Đoan Trang đã không thể về nhà trong sự theo dõi và vây bắt ngày càng nguy hiểm của công an Hà Nội. Nhưng tuy vậy, cô vẫn không ngừng công việc của mình, mới đây, lại chính thức nhận trách nhiệm là đại diện vận động truyền thông của NXB Tự Do.
Tuấn Khanh: Giải thưởng này, trong bối cảnh đang bị vây hãm như vậy, bên cạnh niềm vinh dự, thì có là một gánh nặng cho Đoan Trang và Nhà xuất bản Tự do không?
Đoan Trang: Chúng tôi rất mừng, kể cả từ lúc được đề cử. Vì giải thưởng là chung cho NXB nhưng cũng là niềm khích lệ cho phong trào dân chủ tại Việt Nam. Cả hai, NXB và phong trào dân chủ đang bị đàn áp dữ dội, từ năm 2020 càng dữ dội hơn. Nói cách nào đó, chúng tôi cũng quen rồi. Từ năm 2019, khi thành lập đến giờ thì NXB luôn bị sức ép từ nhà cầm quyền, và chỉ tăng lên chứ không giảm đi bao giờ (cười), nên rồi cũng thành quen.
Tuấn Khanh: Nói về đàn áp hay sức ép với NXB, trải qua nhiều sự kiện, rõ ràng nhà cầm quyền không dùng luật, mà hành xử rất thô bạo. Đã bao giờ NXB thắc mắc và lên tiếng, chính thức đòi hỏi sự hành xử đúng mực, hay nhờ luật sư khởi kiện với các vụ đánh shipper (người giao sách)…?
Đoan Trang: Ngay từ khi được thành lập vào ngày 14-2-2019, chúng tôi luôn bị đàn áp và có vẻ như coi chúng tôi không phải là người (cười) chứ đừng nói đến là công dân hay nhóm được hiến pháp bảo vệ về quyền. Họ từ chối đối thoại. Họ đối xử với tác giả, shipper rất tàn ác. Có một thời gian, họ bắt bớ luôn cả những độc giả, nên chúng tôi khi tư vấn pháp lý cho độc giả cũng đã nghĩ đến chuyện nói chuyện luật với Nhà nước nhưng rồi lại thôi. Vì họ không biết lắng nghe. Chúng tôi có nói rõ với các độc giả là khi nào Nhà nước lên danh sách cấm, và có tên các cuốn sách mà quý vị đang cầm thì công an mới có quyền hỏi đến. Và ngay cả khi họ cấm, thì họ cũng phải giải thích rõ vì sao cấm. Thế nhưng, như anh biết, công an cứ im lặng đàn áp, mà không cần một lý do nào.
Tuấn Khanh: Được biết các vụ tra hỏi shipper và độc giả rất gay gắt, thậm chí đánh đập tàn nhẫn, mà mục đích là truy tìm NXB ở đâu, có bao nhiêu người, hoạt động thế nào… Đã có bao giờ các anh chị em trong NXB nghĩ đến tình huống mình bị bắt, và điều gì sẽ xảy ra không?
Đoan Trang: Chúng tôi có thể cảm nhận được sự căm thù, hay căm ghét của họ đến mức nào. Lâu nay, với những người vào tầm ngắm của công an, thì còn được giấy mời, triệu tập… nhưng với NXB hay đối với chính tôi, thì chưa bao giờ được giấy tờ gì, chỉ nhìn thấy, nghe nói… là xông vào bắt, đánh ngay, đưa về đồn. Những Shipper cũng bị vậy. Lôi lên xe là họ đánh trước, mở mắt không nổi, rồi mang về đồn đánh tiếp. Đánh như đánh kẻ thù. Nên với công việc của NXB như hiện nay, cứ tiếp tục thì tương lai nếu ai trong NXB bị bắt thì chỉ có nặng hơn, chứ không thể nhẹ hơn (cười).
Tuấn Khanh: Vừa rồi, anh Phùng Thủy, một shipper cộng tác không thường xuyên với NXB nghe nói cũng đã bị bắt, bị tra tấn đến sau đó phải đi cấp cứu vị hộc máu liên tục. Nay thì sức khỏe anh ra sao? Và phía công an có để yên cho anh ta, sau khi đã hành động vô nhân tính như vậy hay không?
Đoan Trang: Anh Phùng Thủy bất ngờ chạy đi, ở ngay trước cửa công an trên đường Trần Hưng Đạo, Quận 1, Saigon, khi bị 2 công an viên kèm ra cửa để nhận thuốc cho con gái mang tới. Lúc ấy là 3g sáng. Nhìn thấy sự lơi lỏng của người đi theo, anh nhảy lên xe máy của con gái, rồ ga, chạy đi. Đó là anh Phùng Thủy tuyệt vọng nên làm liều, nhưng may sao thoát được. Ngay cả phía công an cũng bất ngờ nên ít giờ sau đã ập đến nhà anh tìm kiếm. Thậm chí cử người đi về quê để đe dọa mẹ già của anh, nay đã 90 tuổi, để anh ra trình diện. Hiện công an vẫn còn truy tìm, và nói với những người mà họ gặp, là anh Phùng Thủy bị truy nã nhưng không đưa ra được giấy tờ gì, cũng không nói là truy nã vì chuyện gì.
Tuấn Khanh: Nhiều người nhận định rằng việc Đoan Trang nhận công việc vận động truyền thông cho NXB là một điều mới mẻ, cũng là một bước đi chính trị rất thú vị khi đang bị vây đuổi như hiện nay, nhưng điều đó có tăng nguy cơ đàn áp với Trang không?
Đoan Trang: Về mặt Marketing thì mọi nhóm hay tổ chức đều cần đến việc vận động truyền thông. Chúng tôi cũng không muốn những cuốn sách khô cứng là sản phẩm, mà muốn personalized – hay gọi là nhân hóa – để những tác phẩm đó gần gũi hơn, đến nhanh hơn với bạn đọc. Vì nghĩ đến điều đó, và muốn giúp cho các bạn nên tôi nhận lời. Còn nếu nói về chuyện bị đàn áp, thì lâu nay họ đã hành động không ra gì rồi, thì có thêm không ra gì, chắc cũng như vậy thôi (cuời). Nhưng chắc họ sẽ truy tìm gắt gao hơn (Chú thích của người phỏng vấn: từ nhiều năm nay, Phạm Đoan Trang vẫn rày đây mai đó, để tránh sự lùng bắt của công an, dù cô không có tội gì, chính thức cho đến lúc này)
Tuấn Khanh: Vậy trong bối cảnh rất khó khăn, NXB dự định sẽ có kế hoạch hoạt động như thế nào trong năm nay?
Đoan Trang: Chúng tôi vẫn có kế hoạch ra sách mới. Bởi người tham gia xuất bản, người muốn đọc vẫn không ngừng tăng lên. Đặc biệt khi ở trong đất nước có quá nhiều điều cần phải được viết ra, in ra, có quá nhiều vấn đề cần được diễn giải đúng… Nói về phía NXB thì luôn luôn phải hoạt động. Nhưng với tình trạng khó khăn, chúng tôi có thể tạm giảm một số các hoạt động để bảo an. Nhưng đáng mừng là dù hiểm nguy, nhưng không ai trong chúng tôi muốn dừng lại, không ai muốn bỏ cuộc cả.
Người Việt ở Úc phản đối
lãnh đạo bang Victoria ‘ký kết riêng với TQ’
Nguyễn Quang DuyGửi tới BBC News Tiếng Việt từ Melbourne, Úc
Chiều Chủ Nhật ngày 7/6/2020, Cộng Đồng Người Việt Tự Do tổ chức một cuộc biểu tình phản đối chính phủ tiểu bang Victoria ký Bản Ghi nhớ với Bắc Kinh đồng ý tham gia chiến lược “Vành đai, Con đường”.
Cuộc biểu tình diễn ra trước Quốc hội Victoria với sự tham dự của đại diện các sắc tộc Trung Hoa lục địa, Đài Loan, Tây Tạng, Uighur, Hong Kong và một số người Úc.
Ông Nguyễn Văn Bon, Chủ tịch Cộng Đồng Liên Bang và Victoria phát biểu tại sự kiện này, nói rằng:
“Cộng đồng đã nhiều lần thông tin đến đồng bào những sai lầm của Chính phủ tiểu bang Victoria, hôm nay luật cho phép chúng ta biểu tình giữ khoảng cách 1,5 m, chúng ta sẽ liên tục biểu tình cho đến khi nào quan điểm của chúng ta được Thủ hiến Daniel Andrews lắng nghe.”
‘Vành đai – Con đường sang tận Úc’
Vào tháng 10/2018, Thủ hiến Victoria Daniel Andrews âm thầm ký một biên bản ghi nhớ với Bắc Kinh đồng ý tham gia chiến lược “Vành đai, Con đường”.
Phía Trung Quốc đề nghị ông Andrews giữ bí mật việc ký kết và ông đã nghe theo, vài tuần sau câu chuyện bị tiết lộ buộc ông phải công bố biên bản ghi nhớ.
Ông Andrews cho biết đây chỉ là bản ghi nhớ giữa hai chính phủ, không mang tính pháp lý.
Chính phủ Victoria là chính phủ tiểu bang duy nhất tại Úc đã ký kết tham gia “Vành đai, Con đường” đi ngược với chủ trương của Chính phủ Liên bang là cần thận trọng với các khoản đầu tư của Trung Quốc và ngăn những cuộc đấu thầu của Bắc Kinh liên quan đến mạng 5G cũng như mạng lưới điện của Úc.
Cả chính phủ và đảng đối lập ở cấp liên bang đều lên tiếng phản đối việc chính phủ Victoria ký kết với Trung Quốc. Theo Hiến pháp Úc chỉ có liên bang mới có quyền ký kết với các chính phủ nước ngoài.
Đầu tư tạo công ăn việc làm…
Đến tháng 10/2019, Chính phủ Victoria Daniel Andrews lại âm thầm ký Bản bổ túc, nhưng đến nay vẫn chưa công bố cho Bộ Ngoại giao và Thương mại biết về các hợp đồng đã ký kết.
Vào cuối tháng 5/2020, bị báo chí chất vấn, Thủ hiến Andrews xác nhận các hợp đồng lẽ ra đã bắt đầu từ cuối tháng 3/2020 nhưng vì đại dịch nên không thể tiến hành.
Nay tình hình đã tốt hơn nên hai bên tiếp tục thảo luận về đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và thương mãi tạo công ăn việc làm cho tiểu bang Victoria.
Chính phủ liên bang, đảng đối lập tại tiểu bang Victoria và giới truyền thông liên tục đòi hỏi Thủ hiến Daniel Andrews cho công bố các hợp đồng đã ký với Trung Quốc nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả.
Lãnh đạo đối lập, ông Michael O’Brien, tuyên bố sẽ hủy bỏ mọi thoả thuận “Vành đai, Con đường” nếu ông đắc cử trong lần tranh cử sắp tới năm 2022.
Lần đầu tiên trong lịch sử nước Úc, một chính phủ tiểu bang thách thức Hiến pháp Úc, thách thức chính phủ liên bang, thách thức chính đảng của họ và thách thức người dân đứng về phía ngoại bang, Trung Quốc, đây là một trường hợp không thể xem thường.
Luật đầu tư mới “an ninh quốc gia”
Thứ Sáu tuần rồi 5/6/2020, Thủ tướng Scott Morrison và Bộ trưởng Ngân khố (Bộ Tài chính) Josh Frydenberg của Liên bang tuyên bố sẽ cải tổ sâu rộng luật đầu tư ngoại quốc nhằm ngăn chận các trường hợp ảnh hưởng đến “an ninh quốc gia”.
Ông Morrison cho biết muốn đầu tư vào Úc, các công ty ngoại quốc phải theo các điều khoản của Úc, tuân thủ các quy tắc Úc và mang lại lợi ích cho nước Úc.
Theo luật mới, Bộ trưởng Ngân khố được quyền buộc các nhà đầu tư ngoại quốc trước đây phải bán lại các đầu tư cũ, và các đầu tư mới không được tiến hành, nếu bị đánh giá sẽ tạo rủi ro cho “an ninh quốc gia”.
Luật đầu tư mới sẽ áp dụng một bài kiểm tra “an ninh quốc gia” cho tất cả các khoản đầu tư ngoại quốc có ảnh hưởng đến công nghệ, viễn thông, năng lượng, dịch vụ và đặc biệt là quốc phòng.
Phát ngôn viên của đảng đối lập phụ trách về tài chính, Jim Chalmers, đã công khai ủng hộ Luật đầu tư mới, và Dự luật sẽ được đưa ra Quốc Hội để biểu quyết thông qua vào cuối năm 2020.
Theo Luật đầu tư này, tất cả các thỏa thuận của chính phủ Victoria của Daniel Andrews sẽ bị duyệt xét và kiểm tra nếu vi phạm đến “an ninh quốc gia” sẽ bị hủy bỏ.
Theo nhóm biểu tình hôm 07/06 trước Quốc hội tiểu bang Victoria, họ lo ngại liệu chính phủ Andrews nếu mắc nợ Trung Quốc “sẽ có phải bán cảng của thành phố Melbourne”, giống như năm 2015 chính phủ Bắc Úc đã phải bán cảng Darwin cho Trung Quốc?
Nhiều dự án “Vành đai, Con đường” đã trở thành bẫy nợ, khi các quốc gia không đủ khả năng trả lại các khoản vay của họ cho Trung Quốc. Năm 2017, Sri Lanka đã phải bàn giao một cảng biển lớn cho Bắc Kinh, những người biểu tình cho biết.
Cũng tin từ Úc cho hay, vì Thủ tướng Úc Scott Morrison kêu gọi mở cuộc điều tra về căn nguyên dịch Covid-19 từ Vũ Hán nên Bắc Kinh đã trả đũa, tuyên bố ngừng mua thịt bò từ bốn công ty thịt của Úc, đánh thuế 80% đối với lúa mạch nhập khẩu từ Úc và đe dọa ngừng nhập khẩu than, quặng sắt, rượu vang của Úc.
Mới tuần trước, hôm thứ Sáu 5/6/2020, Trung Quốc khuyến cáo người dân không du lịch Úc, không cho con cái sang du học Úc với lý do nước Úc “kỳ thị người Á châu”.
Người viết bài này tin tưởng rằng Úc là một quốc gia coi trọng các giá trị dân chủ, chính phủ phải liêm chính và minh bạch mọi chính sách, mọi việc làm, vì thế chính phủ Victoria không thể có chính sách làm ăn riêng với Trung Quốc, ngược lại các giá trị và quyền lợi chung của nước Úc.
Bài thể hiện quan điểm riêng của ông Nguyễn Quang Duy từ Melbourne, Australia.
https://www.bbc.com/vietnamese/forum-52963773
Úc hỗ trợ CSVN hơn 7 triệu Mỹ kim
để ứng phó đại dịch COVID-19
Tin từ Hà Nội: Chính phủ Úc vừa cam kết hỗ trợ cộng sản Việt Nam 10.5 triệu Úc Kim (7.3 triệu Mỹ kim) để giúp chế độ cộng sản Hà Nội ứng phó và phục hồi từ đại dịch COVID-19.
Đại sứ Úc tại Việt Nam Robyn Mudie đã gặp Bộ trưởng bộ kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng vào ngày 05/6 và thông báo về sự hỗ trợ trên của chính phủ Úc. Bà đại sứ cho biết Úc sẽ hỗ trợ Việt Nam tiếp cận với những phân tích kinh tế tốt nhất để kích thích và phục hồi kinh tế sau dịch. Canberra cũng hỗ trợ Hà Nội trong việc bảo vệ những cộng đồng dễ tổn thương vì dịch bệnh nhất, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em.
Bên cạnh đó, Úc cũng ưu tiên các chương trình hợp tác hàng đầu giữa hai nước như phát triển nguồn nhân lực, cải cách kinh tế, cơ sở hạ tầng, bình đẳng giới, nông nghiệp, du lịch và đổi mới sáng tạo.
Tuy nhận được nhiều viện trợ từ Úc, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam vẫn phớt lờ đề nghị phóng thích ông Châu Văn Khảm, đảng viên đảng Việt Tân, người có quốc tịch Úc bị kết án 12 năm tù giam về tội danh nguỵ tạo “khủng bố.”
Gần đây, nghị sỹ của Quốc hội Liên bang Úc đã kêu gọi chính phủ Úc sử dụng quyền lực mềm đối với chế độ cộng sản Việt Nam để buộc Hà Nội phải phóng thích ông Châu Văn Khảm, người hiện đã 70 tuổi và đang bị đày đoạ trong nhà tù ở Việt Nam.
Quốc Tuấn
https://www.sbtn.tv/uc-ho-tro-csvn-hon-7-trieu-my-kim-de-ung-pho-dai-dich-covid-19/
Quốc hội VN phê chuẩn
Hiệp định EVFTA với số phiếu tuyệt đối
Với Hiệp định Thương mại Tự do (EVFTA) vừa được quốc hội phê chuẩn, người tiêu dùng và doanh nghiệp Việt Nam sẽ được hưởng giá tốt hơn khi mua hàng hóa sản xuất tại Liên minh châu Âu (EU).
Sáng nay, 8/6, Quốc hội Việt Nam đã chính thức phê chuẩn Hiệp định EVFTA với số phiếu tuyệt đối 457/457, và dự kiến sẽ có hiệu lực vào đầu tháng Tám, theo Nikkei Asian Review.
Đây là kết cục của thương thảo kéo dài nhiều năm. Hai bên bắt đầu đàm phán về EVFTA vào đầu năm 2010 và lễ ký kết diễn ra tại Hà Nội vào tháng 6 năm ngoái. Nghị viện châu Âu ngày 12/2 chính thức thông qua hiệp định.
Theo thỏa thuận, 65% hàng hóa xuất khẩu từ các thành viên EU vào Việt Nam sẽ được miễn thuế, và 71% hàng xuất khẩu của Việt Nam cho liên minh châu Âu cũng không phải đóng thuế. Sau 7 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
Bàn tròn BBC: EVFTA thêm cơ hộ cho VN thế nào?
EVFTA: Thông qua hiệp định ‘giúp cải tổ ở Việt Nam’?
EVFTA: Cơ hội đổi mới và thách thức nhân quyền cho Việt Nam?
EVFTA: Nghị viện EU ‘tiến gần đến việc thông qua’
Ý nghĩa kinh tế của thỏa thuận lịch sử này có thể còn hơi trừu tượng đối với giới tiêu dùng, nhưng người dân Việt Nam sẽ có thể mua nhiều sản phẩm – bao gồm mỹ phẩm, sản phẩm tươi sống và nhiều thứ khác – từ châu Âu với giá cả hợp lý hơn. Các doanh nghiệp Việt Nam cần mua máy móc và sản phẩm kỹ thuật do EU sản xuất cũng sẽ được hưởng quyền lợi tương tự.
Tại một hội nghị dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ gần đây, Bộ trưởng Bộ Công thương Việt Nam Trần Tuấn Anh chia sẻ rằng khối lượng nhập khẩu của Việt Nam từ EU dự kiến sẽ tăng 33,1% vào năm 2025 và 36,7% vào năm 2030. Hiệp định EVFTA cũng dự kiến sẽ tăng tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm của Việt Nam trong năm năm đầu tiên thêm từ 2.2-3.3%. Con số này có thể tăng lên 4,6-5,3% trong năm năm sau đó.
Hiệp định EVFTA chắc chắn sẽ khiến khối liên minh châu Âu trở thành khách hàng lớn hơn của Việt Nam, tăng khoảng 15% từ thị phần hiện tại.
Đặc biệt, kỹ nghệ may mặc và giày dép, hiện chiếm khoảng 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, dự trù sẽ tăng trưởng mạnh mẽ. Việt Nam được xếp hạng là nước xuất khẩu hàng may mặc lớn thứ ba thế giới sau Trung Quốc và Bangladesh.
Các công ty dệt may Việt Nam đã chuẩn bị gia nhập thị trường EU. Sau khi thỏa thuận có hiệu lực, khối này sẽ xóa bỏ thuế quan đối với 77,3% xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam sau năm năm và 22,7% còn lại sau bảy năm.
Nhiều công ty trong ngành công nghiệp địa phương tuyên bố hợp đồng của họ với các đối tác ở EU và Hoa Kỳ gần đây đã bị hủy bỏ, trì hoãn hoặc thu nhỏ. Ngành may mặc Việt Nam báo cáo rằng tất cả các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch, nói rằng 70% thành viên đã được khuyến khích cắt giảm lao động vào tháng Ba và sẽ phải giảm lao động nhiều hơn nữa vào tháng Tư và tháng Năm.
Hy vọng đang gia tăng rằng thỏa thuận thương mại sẽ mang lại sự thúc đẩy rất cần thiết cho nền kinh tế Việt Nam, chắc chắn sẽ chịu sự chậm lại từ mức tăng trưởng 7% trước đại dịch virus corona. Việt Nam đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu hàng may mặc 34 tỷ đôla trong năm nay, giảm từ 39 tỷ đôla năm ngoái.
Việt Nam hiện là quốc gia đông dân thứ ba Đông Nam Á và là nước thứ hai, sau Singapore, đạt được thỏa thuận thương mại tự do với EU.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-52962111
Điểm tin trong nước sáng 8/6:
‘Việt Nam cần cảnh giác trước đầu tư của Trung Quốc’;
Chất lượng không khí Hà Nội xấu vào ban đêm
Tâm Tuệ
Mục điểm tin trong nước sáng ngày 8/6 của Đại Kỷ Nguyên xin gửi đến quý độc giả những nội dung chính sau:
‘Việt Nam cần cảnh giác trước đầu tư của Trung Quốc’
Trả lời phỏng vấn BBC Tiếng Việt, Giáo sư Trần Văn Thọ từ Tokyo, một thành viên của Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Việt Nam, nói Việt Nam cần có luật về an ninh kinh tế trong bối cảnh Nhật có biện pháp ngăn Trung Quốc thâu tóm doanh nghiệp quan trọng. Việt Nam phải khẩn trương “đặt lại toàn bộ” chiến lược thu hút đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI).
Theo Giáo sư Thọ: chính sách phân quyền về cấp địa phương khi duyệt xét và cấp giấy phép đầu tư nước ngoài (FDI), đã có kẽ hở hoặc quá dễ dãi nên doanh nghiệp Trung Quốc đã có thể sở hữu đất nhạy cảm về an ninh quốc phòng. Đã đến lúc phải sửa lại Luật về đầu tư nước ngoài và sớm ban hành luật về an ninh kinh tế, trong đó vừa ngăn ngừa nước ngoài đầu tư vào các lãnh vực nhạy cảm về an ninh, và có các điều khoản xử lý người trong nước tiếp tay cho nước ngoài lách luật để chi phối kinh tế hoặc gây ảnh hưởng đến an ninh quốc gia.
Từ 5-6 năm nay thế giới đã cảnh giác Trung Quốc có ý đồ chi phối kinh tế và can thiệp vào tình hình chính trị các nước khác thông qua hình thức đầu tư và đã đưa ra nhiều biện pháp ngăn ngừa. Nhật Bản vừa mới sửa Luật ngoại hối, quy định chặt chẽ tỉ lệ tối đa mà doanh nghiệp nước ngoài có thể mua cổ phần của doanh nghiệp Nhật.
Giáo sư Thọ cho biết, ngoài Nhật, những nền kinh tế tiên tiến như Hoa Kỳ, Pháp, Úc, cũng đang ngăn cản Trung Quốc mua bán và sáp nhập những công ty thuộc diện ảnh hưởng tới quốc phòng và an ninh kinh tế thông qua việc ban hành các sắc luật mới hoặc sửa đổi các luật cũ nhằm ngăn ngừa các dự án FDI ảnh hưởng đến an ninh quốc gia. Việt Nam là nước yếu hơn lại nằm gần Trung Quốc thì việc cảnh giác và đối phó còn quan trọng hơn các nước tiên tiến nhiều.
Đang trong quá trình nâng cấp, đập tràn Đô Lương trên sông Lam bị vỡ
Theo VnExpress, Đang trong quá trình nâng cấp, đập tràn Đô Lương trên sông Lam bị vỡ, cuốn trôi 40 m đập tràn cũ, làm 7.800 hộ dân mất nước sinh hoạt.
Sự cố xảy ra lúc 21h ngày 6/6. Một nhân chứng kể lại, ban đầu từng mảng bê tông nhỏ bị cuốn, 10 phút sau thì cả tảng dài chục mét bị đẩy đi theo dòng nước. Tiếng nước ào ào đổ về hạ du, vòng xoáy rộng cả mét.
Đến chiều 7/6, hơn 10 m đập tràn cũ (đập Bara Đô Lương) nằm sát bờ sông có nguy cơ bị cuốn tiếp. Dòng nước vẫn chảy cuồn cuộn qua thân đập bị vỡ.
Dự án nâng cấp đập bara Đô Lương (thuộc dự án sửa chữa, nâng cấp hệ thống Thủy lợi Bắc Nghệ An) có mức đầu tư hơn 300 tỷ đồng, chủ yếu vốn JICA (Nhật Bản), Sở nông Nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An làm chủ đầu tư. Công trình khởi công từ năm 2019, dự kiến hoàn thành năm 2021.
Thêm 30 triệu khẩu trang y tế được xuất sang Mỹ
Hai chuyến bay charter chở 30 triệu khẩu trang y tế Việt Nam đã lên đường sang Bắc Mỹ vào đầu tháng 6, theo Zing.
Theo đó, lô hàng do hãng logistics ITL thực hiện xuất phát từ ngày 3/6 với 15 triệu chiếc khẩu trang y tế đầu tiên, quá cảnh tại Hong Kong trước khi đến Bắc Mỹ.
Chuyến bay charter thứ hai với 15 triệu chiếc khẩu trang còn lại cũng đã xuất phát từ Hà Nội đến Bắc Mỹ vào rạng sáng hôm thứ Bảy (6/6).
Doanh nghiệp này phối hợp với hãng hàng không AirBridge Cargo Airlines sử dụng 2 máy bay chở hàng lớn nhất thế giới hiện nay là 747-800 F.
ITL cho hay chính phủ Mỹ đang có nhu cầu 3 tỷ khẩu trang y tế đạt chuẩn và đã tìm đến Việt Nam để đặt mua. Trước đó, trong tháng 5, hãng logistics này đã vận chuyển 1,5 triệu thiết bị bảo hộ cá nhân bằng tàu charter đến New York (Mỹ).
Chất lượng không khí Hà Nội xấu vào ban đêm
Tờ Kinhtedothi dẫn nội dung từ đại diện Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội cho biết, cơ sở dữ liệu thu được từ 34 trạm quan trắc chất lượng không khí (CLKK) tự động cho thấy, liên tục từ ngày 1/6 đến ngày 7/6 tại TP. Hà Nội nồng độ các chất ô nhiễm có trong không khí (đặc biệt là PM10 và PM2.5) thường có xu hướng tăng cao vào ban đêm và rạng sáng (từ 18 giờ đến 4 giờ ngày hôm sau), và giảm dần từ trưa sang chiều. Đặc biệt vào đêm ngày 6 và sáng sớm ngày 7/6, nồng độ bụi tăng cao đột biến, chỉ số CLKK một số trạm đã chạm ngưỡng rất xấu.
Lý giải về hiện tượng này, đại diện Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội cho rằng nguyên nhân là do biến thiên nồng độ của các chất ô nhiễm không khí phụ thuộc vào nhiều yếu tố ảnh hưởng (nguồn phát thải, điều kiện khí tượng); tốc độ gió; khả năng khuấy trộn của không khí theo chiều dọc (độ ổn định); bức xạ mặt trời và các phản ứng quang hóa. Ngoài ra một số khu vực ngoại thành đã vào mùa thu hoạch, xuất hiện tình trạng đốt lộ thiên chất thải…
Khởi tố vụ hàng trăm giang hồ đập phá quán nhậu ở TP.HCM
Hôm chủ Nhật (7/6), báo Zing thông tin, công an TP.HCM đã khởi tố vụ án hình sự và bắt tạm giữ 15 người liên quan vụ đánh người, đập phá quán nhậu ở quận Bình Tân về tội “Cố ý gây thương tích và hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản”.
Theo cảnh sát, tối 5/6, khoảng 200 thanh niên đi xe máy đến trước quán ốc ở phường An Lạc A, quận Bình Tân chửi bới. Sau đó, một số người trong nhóm này (mặc áo khoác màu cam) cầm dao tự chế, 3 chĩa xông vào quán đập phá bàn ghế và gây thương tích một người đàn ông 30 tuổi.
Sau khi gây án, nhóm người trên lên xe rời đi theo hướng về phường Bình Trị Đông B. Hiện tại, nhà chức trách đã tạm giữ hình sự 15 người liên quan đến vụ việc.
Điểm tin trong nước chiều 8/6:
Cảnh sát ngồi nhậu rút súng bắn người
Hiểu Minh
Mục điểm tin trong nước chiều ngày 8/6 của Đại Kỷ Nguyên xin gửi đến quý độc giả những nội dung chính sau:
Bình Dương: Cảnh sát ngồi nhậu rút súng bắn người bị thương
Sáng 8/6, nguồn tin riêng của Tiền Phong cho biết Công an phường Thuận Giao (TP. Thuận An, Bình Dương) đã tạm đình chỉ công tác đối với trung úy Đ.Đ.N. (30 tuổi), cảnh sát khu vực thuộc đơn vị này.
Nguồn tin cho biết thêm, trước đó, ngày 4/6, trung úy N. đến một quán nhậu ở phường Đông Hòa, TP. Dĩ An. Tại đây, N. xảy ra mâu thuẫn với một nhóm khách trong quán. Vị trung úy sau đó đã rút súng để giải quyết mâu thuẫn khiến một người bị thương.
Để làm rõ vụ việc, Tiền Phong đã liên hệ với thượng tá Đặng Hữu Phương, Trưởng công an TP. Thuận An nhưng ông không đưa ra ý kiến mà đề nghị phóng viên liên hệ với trực ban.
Quốc hội phê chuẩn Hiệp định EVFTA, mở ra cơ hội tiếp cận thị trường 18.000 tỉ USD
Sáng 8/6, toàn bộ 457 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết đã tán thành Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định EVFTA. Với kết quả này, Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định EVFTA đã chính thức được Quốc hội thông qua.
Liên minh châu Âu (EU), thị trường với 508 triệu dân và tổng sản phẩm nội địa (GDP) lên đến khoảng 18.000 tỷ USD thực sự là một thị trường đầy tiềm năng và không thể bỏ qua của Việt Nam. Với việc Quốc hội chính thức thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định EVFTA, con đường để Việt Nam tiếp cận với thị trường này đã trở nên rộng mở hơn rất nhiều.
Người dân được tiếp cận hàng hóa nguyên phụ liệu trang thiết bị máy móc, đặc biệt là mỹ phẩm giá rẻ chất lượng cao. EVFTA cũng là cơ hội đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư tốt hơn, cải cách thể chế.
Hiệp định được kỳ vọng sẽ giúp thu hút vốn đầu tư, tiếp cận công nghệ hiện đại, công nghệ mới, công nghệ sạch từ châu Âu, đặc biệt khi châu Âu mới chỉ có khoảng 2.500 dự án với số vốn đăng ký 27,5 tỉ USD đầu tư vào Việt Nam.
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, kết quả nghiên cứu của Báo cáo Việt Nam: Tăng cường hội nhập quốc tế và thực thi EVFTA do Ngân hàng Thế giới (WB) thực hiện vào cuối tháng 4 vừa qua, EVFTA sẽ giúp Việt Nam tăng thêm 0,8 triệu người thoát nghèo vào năm 2030, tương đương với mức giảm tỷ lệ nghèo 0,7%.
“Hiệp định này cũng có khả năng giúp thu hẹp khoảng cách tiền lương theo giới tính thêm 0,15%, đặc biệt cho các hộ gia đình thuộc nhóm 40% có thu nhập thấp nhất”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.
Đặc biệt, giai đoạn hậu dịch bệnh, nếu Hiệp định EVFTA được đưa vào thực thi, doanh nghiệp Việt Nam đã có trong tay lợi thế rất lớn từ việc giảm/xóa bỏ hàng rào thuế quan vào thị trường EU để khai thác thị trường 18.000 tỉ USD này, theo Tuổi Trẻ.
Theo quy định Hiệp định sẽ có hiệu lực vào ngày 1/8 tới đây.
Hà Nội chi 114 tỷ đồng rửa đường
Vnexpress hôm 8/6 cho hay UBND TP. Hà Nội đã quyết định chi 114 tỷ đồng tiền ngân sách để rửa đường 30 quận, huyện, thị xã nhằm giảm ô nhiễm và nắng nóng.
Trong đó quận Cầu Giấy dự kiến chi cao nhất gần 11 tỷ đồng, huyện Ba Vì 7,8 tỷ đồng và thấp nhất huyện Đông Anh gần 500 triệu đồng.
Theo kế hoạch, quận Hoàn Kiếm phân loại rửa đường 3 lần/tuần để phục vụ không gian đi bộ Hồ Gươm và vùng phụ cận; phục vụ tuyến phố đi bộ phố cổ. Các tuyến phố trục chính Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Hai Bà Trưng rửa hàng ngày và các tuyến phố phục vụ an ninh trật tự (chống đua xe) rửa 4 lần/tuần.
Quận Ba Đình có kế hoạch rửa đường ở 37 tuyến phố, trong đó đa số đều rửa 1 lần/tuần. Quận Cầu Giấy gần 50 tuyến phố và đều rửa hàng ngày.
Các tuyến phố, đường được rửa đường thường xuyên là những tuyến phố chính ở địa bàn quận, huyện và thường xuyên phát sinh bụi bẩn.
Trước đó TP. Hà Nội đã quyết định dừng tưới nước rửa đường từ tháng 2/2017. Sau 3 năm gián đoạn, cuối năm 2019, Chủ tịch Hà Nội đưa ra quyết định rửa đường trở lại trong bối cảnh TP chịu nhiều đợt ô nhiễm không khí, chất lượng không khí ở mức xấu.
Ba người mất tích do lật thuyền
Sau khi thăm người thân ở bệnh viện, bảy người đi thuyền về nhà, đến giữa sông Chảy thì bị lật. Bốn người bơi được vào bờ, ba người mất tích, theo Vnexpress.
Tai nạn xảy ra lúc 23h ngày 7/6 tại khúc sông Chảy qua xã Bản Cái, huyện Bắc Hà. Là người bơi được vào bờ, nam thanh niên ở xã Thượng Hà, huyện Bảo Yên, cho biết những người trên thuyền đều là anh em trong làng. Họ đi thăm người nhà ở bệnh viện về, khi đến giữa sông, thuyền chao nghiêng và lật.
Đến sáng 8/6, lãnh đạo UBND huyện Bắc Hà cho biết, hai trong ba nạn nhân mất tích được tìm thấy và đã tử vong. Hàng chục người đang tìm nạn nhân cuối cùng.
https://www.dkn.tv/thoi-su/diem-tin-trong-nuoc-sang-8-6-canh-sat-ngoi-nhau-rut-sung-ban-nguoi.html