Đọc báo Pháp – 04/06/2020
Hồng Kông: Cấm tưởng niệm vụ Thiên An Môn, dấu hiệu tự do bị co hẹp – Anh Vũ
Nước Mỹ tiếp tục bị chia rẽ vì các cuộc biểu tình sôi sục chống kỳ thị chủng tộc từ sau vụ người đàn ông Mỹ da đen George Floyd ở Minneapolis bị đè chết dưới đầu gối của cảnh sát. Lần đầu tiên từ 30 năm qua người Hồng Kông không được tổ chức tưởng niệm các nạn nhân của vụ thảm sát Thiên An Môn – Bắc Kinh, vì dịch covid 19 hay dấu hiệu quyền tự do bị thắt lại?
Trên đây là 2 chủ đề quốc tế chính được hầu hết các báo Pháp ra hôm nay quan tâm nhiều.
Trước hết đến với Hồng Kông, thuộc địa cũ của Anh Quốc nay là đặc khu hành chính của Trung Quốc. Nhật báo Libération khẳng định, các hoạt động kỷ niệm cuộc thảm sát Thiên An Môn sẽ không diễn ra ngày hôm nay tại vùng đất thuộc địa cũ của Anh. Về mặt chính thức là vì dịch virus corona, nhưng giới đấu tranh dân chủ ở Hồng Kông đều nhận thấy ở đây một bằng chứng cho thấy chế độ Bắc Kinh siết chặt các quyền tự do của đặc khu, nhất là trong bối cảnh Bắc Kinh vừa thông qua luật an ninh quốc gia ở Hồng Kông nhắm chủ yếu vào giới đấu tranh đòi dân chủ. Quyền tự trị ở vùng đất mang quy chế đặc khu hành chính này đang ngày thêm co hẹp dần, như các nhận xét của giới quan sát được Libération trích dẫn.
Như vậy là lần đầu tiên trong 30 năm qua, đã không diễn ra hoạt động thắp nến trong công viên Victoria ở trung tâm thành phố để tưởng niệm hàng nghìn người chết dưới làn đạn của quân đội Trung Quốc đêm 3 rạng sáng 4 tháng 6 năm 1989, trên quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh, tờ báo nhận xét. Cuộc tưởng niệm hàng năm này vẫn được coi như là chiếc phong vũ biểu đo tình hình chính trị ở đây. Nỗi lo các quyền tự trị của Hồng Kông bị Bắc Kinh trấn áp càng lớn thì cuộc huy động của người dân vào dịp này càng đông đảo.
Từ năm 2007 đến nay, hoạt động này vẫn tập hợp hơn 100 nghìn người tham dự. Chính nhờ quy chế đặc biệt, trên lý thuyết còn kéo dài đến năm 2047, mà người Hồng Kông vẫn có thể tổ chức các hoạt động kỷ niệm vụ đàn áp đẫm máu phong trào dân chủ mùa xuân Bắc Kinh.
Libération nhận thấy, « 31 năm sau sự kiện ở Bắc Kinh, những người đã từng chứng kiến, từng kinh sợ trước cuộc thảm sát giờ đang lo sợ mình cũng phải chịu số phận tương tự, nhưng theo cách ngấm ngầm không đổ máu ».
Nhân sự kiện này, trả lời phỏng vấn Libération, nhà nghiên cứu Trung Quốc Jean-Philippe Béja, thuộc Viện Nghiên Cứu Khoa Học Quốc Gia Pháp (CNRS) nhận định, việc cấm các hoạt động kỷ niệm cuộc thảm sát Thiên An Môn tiếp theo sau luật an ninh quốc gia là một đe dọa mới cho quyền tự trị của Hồng Kông.
Nhưng lý do tại sao Bắc Kinh lại mạnh tay can thiệp vào các quyền tự do ở Hồng Kông vào lúc này ? Chuyên gia Jean-Philippe Béja phân tích : Trước hết là quan hệ Trung Quốc với Hoa Kỳ đang cực kỳ căng thẳng. Tiếp đó là thế giới đang tập trung vào đối phó với đại dịch virus corona. Sau cùng Bắc Kinh không còn tin cậy vào những người ủng hộ mình ở Hồng Kông, nhất là trưởng đặc khu hành chính bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga, sau một loạt thất bại trước phong trào dân chủ ở Hồng Kông và không đáp ứng được chỉ đạo của Hoa Lục. Thêm vào đó chế độ Bắc Kinh lo sợ các cuộc biểu tình tưởng niệm như năm trước lại tái diễn, thấy cần phải ngăn chặn ngay. Rồi đến cuộc bầu cử lập pháp ở Hồng Kông vào ngày 06/09 tới đây có nguy cơ phe thân Bắc Kinh sẽ thất bại thê thảm. Luật an ninh mới sẽ góp phần ngăn chặn các lực lượng dân chủ tham gia tuyển cử ở Hồng Kông.
Tóm lại, theo chuyên gia Pháp, « đảng Cộng sản Trung Quốc làm những gì họ muốn với luật, vì chính họ viết ra luật ».
Anh sẽ mở cửa đón người Hồng Kông ?
Tuy nhiên phong trào đấu tranh đòi dân chủ của người Hồng Kông cũng được an ủi phần nào bởi sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế nhất là Mỹ và Anh Quốc.
Nhật báo Les Echos cho biết « Luân Đôn dọa Bắc Kinh là sẽ tạo điều kiện đón nhận người Hồng Kông ». Tiếp sau những phản ứng gay gắt của ngoại trưởng về luật an ninh quốc gia vừa được Bắc Kinh cho thông qua, hôm qua (03/06), thủ tướng Anh Boris Johnson tuyên bố sẽ mở rộng cửa đón người dân Hồng Kông nếu Trung Quốc vẫn quyết giữ luật an ninh quốc gia. Lãnh đạo chính phủ Anh cảnh báo sẽ cho sửa đổi luật di trú cho phép người Hồng Kông được quyền mang « hộ chiếu hải ngoại Anh Quốc ». Như vậy người dân Hồng Kông mang hộ chiếu này sẽ có quyền đến Anh không cần visa trong vòng 12 tháng, thay vì 6 tháng như hiện nay và được cấp phép làm việc. Thủ tướng Anh ước tính có 350 nghìn kiều dân Hồng Kông đang có hộ chiếu hải ngoại và 2,5 triệu người trên tổng số 7 triệu dân ở vùng đất thuộc địa cũ của Anh có thể được cấp hộ chiếu hải ngoại.
Đây không phải lần đầu tiên Anh đe dọa Trung Quốc trên vấn đề tự trị của Hồng Kông, nhưng đích thân thủ tướng Anh lên tiếng thì quả là một sức ép không nhẹ đối với Bắc Kinh. Tất nhiên Trung Quốc phản công, coi đó là hành động can thiệp vào công việc nội bộ đồng thời không quên khẳng định, « Hồng Kông đã được trả lại cho Trung Quốc ».
Theo Les Echos, dù khả năng làm Bắc Kinh phải chùn bước là rất ít nhưng ông Boris Johnson biết là làm như vậy ông có thể lấy lòng được đảng Bảo Thủ Anh, đang ngày càng tỏ xu hướng chống Trung Quốc ra mặt.
Biểu tình bạo loạn Mỹ : Tổng thống Donald Trump lên tuyến đầu ?
Chuyển qua thời sự nóng đang làm náo động nước Mỹ, vụ George Floyd. Các báo Pháp đặt tổng thống Trump vào trung tâm của sự kiện.
Le Monde chạy tựa lớn trang nhất : « Hoa Kỳ : Những mầm mống của sự phẫn nộ ». Tờ báo ghi nhận, phải đối mặt liên tiếp với khủng hoảng y tế, kinh tế, và cuộc nổi dậy vì kỳ thị chủng tộc, trước kỳ bầu cử tổng thống 5 tháng, ông Donald Trump vẫn từ chối đóng vai trò một vị tổng thống biết đoàn kết tập hợp người dân. Bài viết liệt kê lại những hành động, những tuyên bố của tổng thống Mỹ mỗi khi xảy ra khủng hoảng ở trong nước, ông Trump luôn né tránh trách nhiệm chính của mình chỉ chăm chút cho hình ảnh của cá nhân. Điển hình là sự kiện cảnh sát thẳng tay dẹp người biểu tình để dọn đường cho ông Donald Trump tới nhà thờ đối diện Nhà Trắng chỉ để chụp tấm ảnh cầm cuốn kinh thánh trên tay. Một hình ảnh gây nhiều tranh cãi trong dư luận Mỹ và được xã luận báo Công giáo La Croix đánh giá là « lợi dụng đức tin » qua tựa bài xã luận. Theo la Croix, « đức tin phải đoàn kết con người với nhau, nhưng ở đây nó bị lợi dụng. Tổng thống Trump không phải là người duy nhất hành động như vậy ».
Trong khi đó Le Figaro có bài viết với hàng tựa : « Donald Trump trên tuyến đầu đối mặt với phẫn nộ ». Bài báo ghi nhận tâm chấn của phong trào phản kháng sôi sục sau cái chết của người Mỹ da đen George Floyd dưới bạo lực cảnh sát đã nhanh chóng chuyển từ Minneapolis về Washington. Chỉ cần 48 giờ đồng hồ, tổng thống Donald Trump đã thu hút được sự chú ý về mình, cho dù chắc chắn đó không phải theo tính toán trước. Ông Trump đã chứng tỏ được mình vị tổng thống sẵn sàng làm tất cả, kể cả những biện pháp cứng rắn nhất là điều động quân đội nhằm vãn hồi trật tự.
Tuy nhiên mệnh lệnh điều quân đội kiểm soát đường phố đã vấp phải thái độ dè dặt của nhiều giới, trong đó có cả bộ Quốc Phòng và lực lượng Cảnh vệ Quốc gia. Nhiều thống đốc bang đã không tuân theo chỉ thị của Donald Trump. Tổng thống chỉ còn lại khả năng vận dụng đạo luật chống nổi loạn để điều binh dẹp làn sóng biểu tình bạo động.
Trong một bài viết mang tiêu đề « Nước Mỹ vẫn ám ảnh bởi vết thương chủng tộc dai dẳng », Le Figaro nhận thấy : Hy vọng về một nước Mỹ hòa hợp từ khi bầu Barack Obama lên làm tổng thống đã nhanh chóng nhường chỗ cho bóng ma của một đất nước chia rẽ giữa hai màu da đen và trắng.
Bạo lực cảnh sát và kỳ thị chủng tộc, không chỉ có ở Mỹ
Trong dòng sự kiện đang diễn ra ở nước Mỹ, nhật báo Liberation nhìn rộng hơn vấn đề liên quan đến nước Pháp với hàng tựa lớn trang nhất : « Bạo lực cảnh sát : Tình trạng khẩn cấp khác ».
Liberation cho biết : « Mười ngày sau cái chết của George Floyd tại Mỹ trong một vụ bắt giữ của cảnh sát Minneapolis, đã xuất hiện tại Pháp nhiều cuộc biểu tình lên án bạo lực cảnh sát và bày tỏ phẫn nộ với tình trạng bất công. Tại Paris, Marseille, Lyon hay Lille, bất chấp lệnh cấm tụ tập trên 10 người vì dịch bệnh và nước Pháp vẫn trong tình trạng y tế khẩn cấp, hàng nghìn người vẫn tập hợp để gợi lại những phẫn nộ xung quan một vụ việc được cho là đã xảy ra tương tự ở Pháp từ năm 2016, liên quan đến cái chết của một thiếu niên Traoré Adama trong một vụ truy bắt tội phạm của cảnh sát ở ngoại ô Paris. Vụ án đã khép lại nhưng các kết luật điều tra và của tư pháp bị cho là bất công. Một phong trào mới đấu tranh chống kỳ thị chủng tộc và bạo lực cảnh sát đang hình thành sau sự kiện George Floyd ở Mỹ. Xã luận tờ báo bình luận : « Không so sánh sơ sài giữa Pháp và Mỹ, nhưng các cuộc biểu tình phản kháng ở Pháp hôm 02/06 vừa rồi là hoàn toàn chính đáng ».
Bên cạnh đó tờ báo cũng ghi nhận, các cuộc biểu tình đó đang làm phân hóa chính trị thêm sâu sắc tại Pháp, nơi mà các vấn đề chủng tộc, tôn giáo luôn là chuyện hết sức nhạy cảm với chính quyền.
Tin tổng hợp
(USNI News) – Tầu sân bay Mỹ Theodore Roosevelt đến đảo Guam đón thủy thủ đoàn chuẩn bị tác chiến.
Ngày 03/06/2020, Hạm Đội 7 của Mỹ thông báo « tầu USS Theodore Roosevelt (CVN-71) và sư đoàn không quân đã sẵn sàng hoạt động trở lại » sau hai tháng chống virus corona khiến 1.000 trên 4.800 nhân viên trên tầu bị nhiễm. Thủy thủ đoàn phải cho xét nghiệm âm tính hai lần với Covid-19 mới được trở lại làm việc trên tầu. Đây là bước quan trọng cuối cùng để tầu Theodore Roosevelt, hiện đang đậu ở cảng Apra, có thể trở lại hoạt động ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương. Tầu sân bay Theodore Roosevelt và tuần dương hạm USS Bunker Hill (CG-52) từng ghé thăm cảng Đà Nẵng trong vòng 5 ngày vào đầu tháng 03/2020 để đánh dấu 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Mỹ-Việt Nam.
(RFI) – Ba Lan lùi ngày bầu cử đến 28/06/2020, tổng thống Andrzej Duda mất lợi thế.
Lý do lùi ngày tổ chức bầu cử tổng thống là do virus corona. Cũng vì cách xử lý khủng hoảng dịch Covid-19, đặc biệt là tác động về kinh tế, khiến tỉ lệ được lòng dân của tổng thống đương nhiệm bị sụt giảm, từ hơn 50% vào đầu mùa dịch, hiện chỉ còn chưa đầy 40%. Đô trưởng Vácxava, Rafal Trzaskowski, trở thành đối thủ chính của tổng thống đương nhiệm, với lời hứa duy trì các biện pháp xã hội do đảng của tổng thống đương nhiệm ban hành và đầu tư nhiều hơn vào hệ thống y tế.
(Inquirer) – ASEAN thách thức Covid-19, họp thượng đỉnh vào cuối tháng 6/2020 tại Đà Nẵng ?
Theo lời một quan chức bộ Ngoại Giao Indonesia được báo Inquirer trích dẫn, Việt Nam trong cương vị chủ tịch luân phiên Hiệp Hội các Quốc Gia Đông Nam Á đề xuất khả năng mời lãnh đạo 10 nước ASEAN đến Đà Nẵng cùng nhau khai mạc một cuộc họp trực tiếp chứ không phải qua cầu truyền hình. Nếu kế hoạch được thực hiện đây sẽ là một tín hiệu mạnh cho thấy Việt Nam thực sự sang trang giai đoạn khủng hoảng y tế do virus corona gây nên.
(AFP) – Virus corona: Pháp vượt ngưỡng 29.000 người chết, chính phủ chuẩn bị các kế hoạch đối phó với khủng hoảng hậu Covid-19.
Tại Pháp tính đến ngày 03/06/2020 virus corona gây tử vong cho 29.021 người, thêm 81 bệnh nhân qua đời vào hôm qua. Bốn vùng bị nặng nhất trong đó có Paris và vùng phụ cận, tập trung gần ¾ số bệnh nhân điều trị trong các khoa hồi sức đặc biệt. Chiều nay (04/06/2020) tổng thống và thủ tướng Pháp triệu tập đại diện của giới chủ và công đoàn tại điện Elysée để cùng tìm cách bảo vệ thị trường lao động trước tác hại về kinh tế do Covid-19 gây nên.
(AFP) – Tây Ban Nha mở cửa lại biên giới với Pháp và Bồ Đào Nha ngày 22/06/2020.
Bộ trưởng Du Lịch Tây Ban Nha Reyes Maroto ngày 04/06/2020 nói rõ trên nguyên tắc một khi mở cửa lại biên giới, công dân hai nước láng giềng là Pháp và Bồ Đào Nha không bị cách ly 2 tuần. Hôm qua, Quốc Hội Tây Ban Nha bật đèn xanh cho thủ tướng Pedro Sanchez triển hạn tình trạng báo động chống virus corona đến ngày 21/06/2020. Đây là lần thứ sáu và cũng là lần cuối cùng Tây Ban Nha triển hạn tình trạng báo động vì dịch bệnh.
(Reuters) – Trung Quốc nới lỏng các biện pháp giới hạn không lưu.
Cơ quan hàng không dân sự Trung Quốc CAAC ngày 04/06/2020 thông báo kể từ 08/06/2020, các hãng hàng không quốc tế lại được phép khai thác nhiều chuyến bay đến Trung Quốc. Quy định này được áp dụng với toàn bộ 95 tập đoàn có các đường bay đến Trung Quốc. Từ tháng 3/2020 do đại dịch Covid-19, mỗi hãng hàng không quốc tế chỉ được phép có một chuyến bay một tuần đến Trung Quốc. Trong khi đó tổng thống Donald Trump ngày 03/06/2020 thông báo ngừng cho phép các hãng hàng không Trung Quốc vào Mỹ kể từ ngày 16/06/2020. Trước mắt cơ quan hàng không dân dụng Mỹ chưa xác nhận tin trên.
(AFP) – Tấn công bằng dao tại một trường học ở Quảng Tây (Trung Quốc): 39 người bị thương.
Theo chính quyền địa phương huyện Thương Ngô (Cangwu) tỉnh Quảng Tây, vụ tấn công diễn ra lúc 8g30 sáng, giờ địa phương ngày 04/06/2020. 37 học sinh và 2 người lớn bị thương, tất cả đã được đưa vào bệnh viện. Báo chí tại chỗ cho biết, hung thủ là một người đàn ông khoảng 50 tuổi. Những vụ tấn công như trên thường xảy ra tại Trung Quốc. Năm 2017 một trường mẫu giáo tại tỉnh Quảng Tây đã bị tấn công, 11 học sinh bị thương.
(AFP) – Lực lượng Chính Phủ Đoàn Kết Quốc Gia Libya (GNA) kiểm soát toàn bộ thủ đô Tripoli và vùng phụ cận.
Phát ngôn viên của chính phủ Libya, Mohamad Gnounou cho biết như trên trong tin nhắn trên mạng xã hội Facebook ngày 04/06/2020. Một ngày trước, chính phủ Libya đã chiếm lại được phi trường quốc tế Tripoli. Từ hơn một năm nay lực lượng trong tay thống chế Khalifa Haftar khởi động chiến dịch chiếm Tripoli. Chính Phủ Đoàn Kết Quốc Gia Libya được Liên Hiệp Quốc công nhận.
(Reuters) – Thêm một mạng xã hội tuyên chiến với Donald Trump.
Ngày 03/06/2020 đến lượt mạng xã hội Snapchat cho biết tạm đình chỉ tài khoản của tổng thống Hoa Kỳ với lý do ông Trump đăng tải những thông tin “đổ thêm dầu vào lửa” vào tuần qua trong lúc nước Mỹ đang phải đối măt với bạo động về chủng tộc. Snapchat giải thích “bạo động mang màu sắc chủng tộc và bất công không có chỗ đứng trong tập đoàn của chúng tôi”. Hãng này luôn đứng về phía những người “hướng về hòa bình, công lý cho nước Mỹ”. Đọ sức với Donald Trump, cổ phiếu của Snapchat mất giá 2,4 %.
http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200604-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p
Điểm tin thế giới sáng 4/6:
Ngoại trưởng Mỹ
gặp nạn nhân của vụ thảm sát Thiên An Môn
Lục Du
Chào mừng quý độc giả đến với mục Điểm tin thế giới của Đại Kỷ Nguyên. Sáng nay, thứ Năm (4/6), bản tin của chúng tôi có những tin sau:
Ngoại trưởng Mỹ gặp nạn nhân của vụ thảm sát Thiên An Môn
Hôm thứ Ba, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo đã gặp gỡ những người còn sống sót sau vụ thảm sát Thiên An Môn. Cuộc gặp được tổ chức hai ngày trước lễ kỷ niệm 31 năm (4/6/1989-4/6/2020) sự kiện đẫm máu diễn ra tại nơi có danh xưng “Cổng trời bình yên”, theo bản tin sáng thứ Năm của SCMP.
Ông Pompeo đã tiếp bốn người từng tham gia yêu cầu các quyền cơ bản của con người tại Thiên An Môn trong một cuộc họp kín tại trụ sở Bộ Ngoại giao ở Washington.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ không đưa ra thông tin chi tiết về cuộc gặp này, nhưng trong một tuyên bố họ cho biết: “Chúng tôi thương tiếc các nạn nhân trong sự kiện diễn ra ngày 4/6/1989 và chúng tôi chia sẻ với người dân Trung Quốc về khát vọng có một chính phủ bảo vệ nhân quyền, các quyền tự do thiết yếu và phẩm giá cơ bản của con người”.
Đại sứ Hàn: Hàn Quốc có thể chọn Mỹ hoặc Trung Quốc
Hôm thứ Tư, Đại sứ Hàn Quốc tại Hoa Kỳ, Lee Soo-hyuck, nói rằng đất nước của ông hiện đang ở tình huống “chọn” Hoa Kỳ hoặc Trung Quốc, theo Yonhap.
“Rõ ràng là trong trật tự quốc tế mới của thời kỳ hậu corona, cuộc cạnh tranh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ giữ một vị trí quan trọng”, ông Lee Soo-hyuck nói trong một cuộc họp báo trực tuyến với các phóng viên Hàn Quốc.
Ông Lee cho biết, ông cảm thấy tự hào về việc, hiện tại Hàn Quốc có thể lựa chọn (giữa Mỹ và Trung Quốc), nhưng không bị buộc phải lựa chọn.
“Như chúng tôi đã làm khi đối phó với dịch virus corona, nếu chúng tôi giải quyết một cách sáng suốt các vấn đề khác nhau phù hợp với lợi ích quốc gia của chúng tôi – dựa trên nền dân chủ, sự tham gia của công dân, quyền con người và sự cởi mở – tôi tin rằng chúng tôi sẽ có thể mở rộng không gian ngoại giao của mình trong các vấn đề quốc tế lớn”, Đại sứ Hàn Quốc tại Hoa Kỳ cho biết thêm.
Mỹ chế tài thêm hai cơ quan truyền thông Trung Quốc
Ba nguồn thạo tin của Reuters tiết lộ hôm thứ Tư rằng chính quyền Trump dự kiến tiếp tục thắt chặt kiểm soát các hoạt động tại Hoa Kỳ của ít nhất 4 cơ quan truyền thông của nhà nước Trung Quốc.
Các nguồn tin ẩn danh nói rằng, hai trong số 4 hãng truyền thông Trung Quốc bị nhắm mục tiêu là Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc CCTV, và hãng thông tấn China News Service. Chính quyền Mỹ sẽ coi các cơ quan truyền thông của nhà nước Trung Quốc đang hoạt động tại Hoa Kỳ như các đại sứ quán nước ngoài. Theo đó, sẽ yêu cầu các cơ quan này phải đăng ký nhân viên và tài sản với Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ. Dự kiến động thái sẽ có hiệu lực ngay từ 4/6.
Hồi tháng Hai, Washington đã có động thái tương tự với 5 kênh truyền thông lớn của Trung Quốc bị cáo buộc là công cụ tuyên truyền của Bắc Kinh.
Chính quyền Trump cấm hàng không Trung Quốc
Reuters đưa tin, chính quyền Trump hôm thứ Tư đã ra lệnh cấm tất cả các hãng hàng không Trung Quốc bay đến Hoa Kỳ bắt đầu từ 16/6.
“Các hãng hàng không Mỹ đã yêu cầu nối lại dịch vụ chở khách với Trung Quốc từ ngày 1/6. Việc chính phủ Trung Quốc không chấp thuận yêu cầu của họ là vi phạm Thỏa thuận Vận tải Hàng không giữa chúng tôi”, Bộ Giao thông Vận tải Mỹ ngày 3/6 ra tuyên bố.
Phát hiện thêm 2 bệnh nhân Ebola ở Congo
WHO cho biết, đã có thêm ít nhất 2 người ở tỉnh Equateur, cộng hòa Congo nhiễm virus Ebola. Trước đó Congo đã phát hiện 6 trường hợp nhiễm loại virus chết người này ở tỉnh Mbandaka, trong đó 4 người đã chết, theo Reuters.
“Người mới nhất được xác nhận mắc bệnh Ebola đã tham dự lễ chôn cất một trong những ca bệnh đầu tiên [trong 6 ca đã được phát hiện]”, Tổng giám đốc WHO, Tedros Adhanom Ghebreyesus, cho biết.
Congo dự kiến công bố hết dịch Ebola vào tháng này, sau khi trải qua dịch bệnh bùng phát từ năm 2018 làm chết 2.200 người. Tuy nhiên, với những trường hợp nhiễm bệnh mới khiến dịch Ebola tiếp tục kéo dài ở nước này, bên cạnh đại dịch viêm phổi Vũ Hán đã làm 20 người Congo thiệt mạng.
Điểm tin thế giới chiều 4/6:
Bà Thái nói Trung Quốc có 1 ngày ‘bị lãng quên’;
Hồng Kông thông qua luật quốc ca
Hải Lam
Mục Điểm tin thế giới chiều thứ Năm (4/6) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới quý độc giả những tin sau:
Bà Thái nói Trung Quốc có một ngày ‘bị lãng quên’
Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn hôm nay viết trên Facebook rằng, một năm ở Trung Quốc chỉ có 364 ngày vì một ngày đã bị rơi vào lãng quên, kèm theo hình ảnh một tờ lịch chỉ ngày 4/6.
Bà không nêu rõ một ngày “bị lãng quên” đó là ngày nào, song hôm nay (4/6) là tròn 31 năm kể từ ngày quân đội Trung Quốc tàn sát hàng ngàn thanh niên ở Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh, chỉ vì họ kêu gọi tự do dân chủ và giải quyết tham nhũng. Tuy nhiên, do sự bưng bít thông tin và đe dọa người dân của chính quyền Trung Quốc, nên ngày nay, không nhiều người ở đại lục biết đến sự kiện thảm sát Thiên An Môn, hoặc “có biết cũng không dám đề cập” đến.
“Ngày trước ở Đài Loan, chúng tôi cũng từng có nhiều ngày không thể xuất hiện trên lịch, nhưng mỗi người chúng tôi đều tìm chúng trở lại. Bởi vì chúng tôi vốn không cần phải che giấu lịch sử thêm nữa, chúng tôi có thể cùng nhau suy nghĩ về tương lai”.
“Hy vọng mỗi một ngóc ngách, mỗi một vùng đất trên thế giới này, sẽ không có những ngày bị biến mất. Tôi cũng cầu chúc cho Hồng Kông”, bà Thái viết.
Tờ SBS đưa tin, tối nay, người Hồng Kông sẽ thắp nến khắp thành phố để tưởng nhớ các nạn nhân Thiên An Môn.
Hồng Kông thông qua luật quốc ca
Tờ Hong Kong Free Press cho hay, Hội đồng Lập pháp Hồng Kông chiều nay thông qua luật quốc ca với 41 phiếu thuận và một phiếu chống.
Luật yêu cầu “tất cả các cá nhân và tổ chức” thể hiện thái độ tôn trọng và trang nghiêm với quốc ca Trung Quốc và phải hát trong những “dịp thích hợp”. Những người xúc phạm quốc ca Trung Quốc sẽ đối mặt án tù tối đa ba năm hoặc bị phạt tiền lên tới 6.450 USD.
Các nhà hoạt động dân chủ cho rằng luật quốc ca Trung Quốc cho thấy sự can thiệp ngày càng gia tăng từ Bắc Kinh đối với Hồng Kông.
Ông Trump hoàn thành đợt kiểm tra sức khỏe định kỳ và ‘vẫn khỏe mạnh’
Nhà Trắng hôm 3/6 cho biết, Tổng thống Donald Trump đã hoàn thành đợt kiểm tra sức khỏe định kỳ, ông vẫn có sức khỏe tốt và không bị tác dụng phụ do uống hydroxychloroquine để phòng Covid-19.
“Tổng thống vẫn khỏe mạnh”, Kayleigh McEnany, thư ký báo chí của Tổng thống Trump nói với các phóng viên.
Bác sĩ Nhà Trắng Sean Conley cho biết ông nặng khoảng 110 kg, cao 1,82 m, vượt ngưỡng nhẹ so với các chỉ số bệnh béo phì theo quy chuẩn Viện Tim, Phổi và Máu Quốc gia cung cấp.
Trung Quốc dỡ lệnh cấm với hàng không Mỹ
Trung Quốc hôm nay dỡ lệnh cấm đối với các hãng hàng không Mỹ, một ngày sau khi Washington ra lệnh đình chỉ tất cả các chuyến bay chở khách của Trung Quốc, theo AFP.
Trước đó, Cơ quan Hàng không Dân dụng Trung Quốc (CAAC) quyết định áp đặt giới hạn đối với các hãng hàng không nước ngoài từ ngày 12/3 do lo ngại dịch Covid-19. CAAC hôm nay cho biết tất cả hãng hàng không nước ngoài không được liệt kê trong lịch trình ngày 12/3 hiện có thể khai thác một tuyến quốc tế đến Trung Quốc mỗi tuần. Hành khách phải được xét nghiệm nCov trước khi đến Trung Quốc.
George Floyd nhiễm Covid-19 trước khi chết
ABC News đưa tin, cơ quan giám định y tế hạt Hennepin ngày 3/6 đã công bố một bản báo cáo dài 20 trang về kết quả khám nghiệm pháp y đối với George Floyd và cho biết người đàn ông da màu đã nhiễm Covid-19 trước khi chết.
Báo cáo cho biết, Floyd đã dương tính với nCov từ đầu tháng 4 và tiếp tục cho kết quả dương tính sau khi tử vong.
Đâm dao ở trường tiểu học Trung Quốc, 39 người bị thương
Một bảo vệ tại trường tiểu học ở huyện Thương Ngô, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc sáng nay tấn công bằng dao, khiến 39 người, chủ yếu là các học sinh bị thương, theo Reuters.
Theo Paper, tờ báo của chính quyền Thượng Hải cho biết, vụ việc diễn ra vào khoảng 8h30 sáng nay (7h30 giờ Việt Nam). Nghi phạm là một người đàn ông 50 tuổi tên là Li, làm bảo vệ tại trường học và đã bị bắt.
Chính quyền huyện cho biết, không ai bị thương nghiêm trọng, hai người bị thương nặng và những người khác bị thương nhẹ. Một phụ huynh ở gần hiện trường vụ tấn công nói với tờ Paper rằng nhiều đứa trẻ bị thương chỉ khoảng 6 tuổi.
Luật an ninh quốc gia : Bắc Kinh
vi phạm Luật Cơ Bản (Hiến Pháp) Hồng Kông
Minh Anh
Ngày 28/05/2020, Quốc Hội Trung Quốc đã nhanh chóng thông qua luật an ninh quốc gia và sẽ cho áp dụng đối với Hồng Kông. Trước ngày bỏ phiếu, tại Hồng Kông, hàng trăm người xuống đường biểu tình phản đối dự luật, và 300 người đã bị bắt giữ. Tổng thống Mỹ ngay sau đó thông báo rút « quy chế ưu đãi thương mại » đối với Hồng Kông.
Nhiều câu hỏi được đặt ra : Bắc Kinh đã « thất hứa » với những cam kết đưa ra năm 1997 khi Anh Quốc trao trả Hồng Kông cho Trung Quốc ? Phải chăng Trung Quốc đang tìm cách « bóp nghẹt » các quyền tự do ở ở Hồng Kông ? Đây có phải là một lời cảnh cáo dành cho Đài Loan ? Mỹ rút quy chế ưu đãi sẽ tác hại ra sao đến nền kinh tế của đặc khu ?
RFI Tiếng Việt đặt câu hỏi với nhà nghiên cứu Trung Quốc học, giáo sư Jean-Pierre Cabestan đại học Baptist Hồng Kông..
*****
RFI Tiếng Việt : RFI Tiếng Việt xin kính chào giáo sư. Trung Quốc vừa thông qua luật an ninh quốc gia và đạo luật này sẽ được áp đặt cho Hồng Kông. Tại sao người dân Hồng Kông nổi dậy chống đạo luật này ? Liệu luật mới này có đi ngược với tinh thần công thức « Một quốc gia, hai thể chế » mà Bắc Kinh từng cam kết tôn trọng vào thời điểm nhượng địa được trao trả hay không ?
GS. Jean Pierre Cabestan : Luật an ninh quốc gia quả thật là một cú sốc cho rất nhiều người Hồng Kông. Cách nay 17 năm đạo luật này đã từng bị phản đối vào năm 2003. Giờ đây, chúng ta thấy rõ là Bắc Kinh đang tìm cách siết chặt gọng kềm đối với Hồng Kông, giảm bớt quyền tự trị của Hồng Kông.
Do vậy, luật an ninh này sẽ còn thu hẹp hơn nữa quyền tự trị đó, nhất là gây hại đến các quyền tự do của công dân hiện vẫn đang được tuân thủ ở Hồng Kông như đa đảng chính trị, tự do ngôn luận, tự do hội họp…
Ở đây, người dân cho rằng tiến triển này là nguy hiểm cho công thức « Một quốc gia, hai chế độ ». Đây không còn là chuyện hoang đường nữa bởi cho đến nay, Hồng Kông khác biệt hoàn toàn với các thành phố khác của Trung Quốc. Vẫn còn có biên giới giữa Hồng Kông và Trung Hoa lục địa. Hồng Kông có đồng tiền riêng của mình, quyền tự do dịch chuyển dòng vốn. Hồng Kông có cả hộ chiếu riêng cho phép người dân được quyền đến nhiều nước mà không cần có thị thực nhập cảnh.
Tóm lại, đây vẫn còn là một vùng riêng biệt với phần còn lại của Trung Quốc, nhưng quyền tự trị chính trị của Hồng Kông giờ đang gặp nguy, bị giảm đi rất nhiều, chẳng còn lại bao nhiêu so với những gì được cam kết vào năm 1997.
RFI : Tại sao Trung Quốc thông qua đạo luật gây tranh cãi vào lúc này ? Liệu có một sự liên hệ nào với cuộc bầu cử lập pháp sắp tới ở Hồng Kông hay không ? Hay là Bắc Kinh chỉ đơn giản lợi dụng tình hình dịch bệnh và lệnh cấm tụ tập hiện nay do dịch Covid-19 ?
GS. Jean-Pierre Cabestan : Cả hai. Việc chọn thời điểm là hiển nhiên rồi. Như đã thấy, vẫn còn có nhiều hạn chế, như giãn cách xã hội, cấm tụ tập biểu tình ở Hồng Kông … Đây là một thời điểm tốt để áp đặt một đạo luật như vậy.
Quyết định này được đưa ra khi chỉ còn có vài tháng nữa là đến kỳ bầu cử lập pháp tháng 9. Người ta nghĩ rằng luật an ninh quốc gia này sẽ có hiệu lực trước kỳ bầu cử, vào tháng Tám nhằm áp đặt các hạn chế, nhất là đối với việc ra ứng cử. Những ứng cử viên nào tỏ ra quá ủng hộ độc lập, tự quyết cho Hồng Kông sẽ bị gạt ra. Người ta cũng có thể tự hỏi liệu những người không tỏ ra trung thành với luật an ninh quốc gia này có thể sẽ bị truất tư cách ứng viên hay không ?
Đạo luật này còn được quyết định sau làn sóng phản đối năm 2019 và làn sóng biểu tình cho thấy rõ người dân Hồng Kông đã bị chia rẽ ra sao khi phần lớn dân chúng phản đối cách thức mà Bắc Kinh muốn kiểm soát vùng lãnh thổ. Do vậy, đảng Cộng sản Trung Quốc đã quyết định trực tiếp đưa ra đạo luật này, mà không thông qua Hội Đồng Lập Pháp, tức Nghị Viện Hồng Kông, và nhằm chấm dứt cuộc tranh cãi kéo dài từ 17 năm qua trong việc đưa ra luật an ninh quốc gia.
Luật Cơ Bản của Hồng Kông có đề cập đến việc xây dựng một đạo luật như vậy mà không đưa ra kỳ hạn. Và Luật Cơ Bản quy định là luật an ninh quốc gia phải do chính Nghị Viện Hồng Kông đưa ra và thông qua.
Lập luận mà Bắc Kinh đưa ra là không thể áp dụng quy định này do những chia rẽ, ngăn cản của phe đối lập mỗi khi cần thông qua các đạo luật vốn gây tranh cãi. Hiện nay, người ta thấy rõ điều này đối với luật về quốc ca. Luật này sẽ hình sự hóa mọi hành động phỉ báng quốc ca Trung Quốc ở Hồng Kông. Do vậy, Bắc Kinh quyết định nắm lại quyền kiểm soát mọi việc và tự soạn thảo luật an ninh quốc gia.
Đó là bối cảnh giải thích hành động không thể biện minh được của Bắc Kinh, hiển nhiên vi phạm điều 23 Luật Cơ Bản của Hồng Kông và cả điều 22 quy định giới hạn can thiệp của chính quyền trung ương, cụ thể là chỉ can thiệp trong hai lĩnh vực ngoại giao và quốc phòng. Còn an ninh quốc gia lẽ ra là lĩnh vực thuộc thẩm quyền của Hồng Kông, chứ không phải của chính phủ trung ương.
RFI : Trong một cuộc trả lời phỏng vấn cho báo Les Echos, đăng ngày 28/5, ông có nói rằng « những ai cho đấy là sự chấm dứt nguyên tắc “Một quốc gia, hai thể chế” là chẳng hiểu rõ gì về thực tế nước Trung Quốc cộng sản ». Giáo sư có thể giải thích rõ hơn về ý này ? Liệu sau khi thông qua luật, công dân Hồng Kông dù sao đi nữa có sẽ còn được hưởng một quyền tự do nhiều hơn so với công dân Trung Quốc ở lục địa ?
GS. Jean-Pierre Cabestan : Đương nhiên rồi. Tại một nước Trung Quốc cộng sản, có rất nhiều biện pháp hạn chế. Trước tiên là không có đa đảng mà chỉ có một đảng. Đó là một hệ thống chính trị độc đảng. Các cuộc bầu cử hoàn toàn do đảng Cộng sản chi phối, đấy không phải là một cuộc bầu cử thật sự vì cử tri chỉ có một chọn lựa.
Mạng Internet bị kiểm soát chặt chẽ bằng bức tường lửa Great Wall, cho phép chính phủ ngăn cấm một số trang mạng có thể truy cập được một số diễn đàn như Facebook, Twitter mà cư dân mạng Trung Quốc có thể sử dụng.
Hơn nữa đảng Cộng sản Trung Quốc hiện diện khắp mọi nơi, kiểm soát đến tận gốc rễ xã hội. Chúng ta thấy rõ điều này qua đợt khủng hoảng dịch tễ Covid-19. Chính các đảng viên của đảng tổ chức việc áp dụng lệnh phong tỏa.
Tình trạng này không tồn tại ở Hồng Kông hiện nay và cả trong tương lai. Đương nhiên, tôi nghĩ là sẽ có những biện pháp hạn chế hơn, áp đặt đối với một số nhà hoạt động, chẳng hạn, đối với những người mong muốn Hồng Kông độc lập; sẽ có những quy định hạn chế các hoạt động của Pháp Luân Công ; giáo phái này bị cấm tại Hoa lục, nhưng vẫn còn được phép hoạt động tại Hồng Kông. Cũng sẽ có những hạn chế đối với các cơ quan báo chí, truyền thông thường xuyên chỉ trích chính quyền Bắc Kinh, nhất là đối với tờ Apple Daily News và chủ bút là Lê Trí Anh (Jimmy Lai).
Tôi cho rằng đấy có thể sẽ là những đích ngắm chính của luật an ninh quốc gia. Luật này có thể dẫn đến việc xóa bỏ sự hình thành những tổ chức, như nhóm ủng hộ dân chủ Demosito, và có thể đi đến việc bắt giữ, hay truy tố các chính khách địa phương với cáo buộc gây nguy hại đến an ninh quốc gia. Nhưng dẫu sao thì tình hình vẫn sẽ rất khác so với ở Hoa Lục.
RFI : Tình hình hiện nay ở Hồng Kông ít nhiều cũng phản ảnh rõ sự ngây thơ của phương Tây : Khi thiết lập Luật Cơ Bản năm 1990, một năm sau vụ trấn áp ở Thiên An Môn, người Anh đã không thể tính trước một cơ chế bổ sung để bảo vệ người dân Hồng Kông ?
GS. Jean-Pierre Cabestan : Đúng vậy. Đúng là có chút ngây thơ, hơi quá lạc quan. Bởi vì người ta nghĩ rằng, bất chấp sự kiện Thiên An Môn, chế độ sẽ dần mở cửa, tự do hóa, sẽ xích gần hơn với các chế độ dân chủ trên phương diện giá trị chính trị, tổ chức các định chế, chế độ dân chủ.
Giờ người ta thấy rõ là không đúng như thế. Nhất là vào năm 2012, Trung Quốc đã đi theo một hướng hoàn toàn ngược lại. Điều này đặt ra nhiều vấn đề cho quy chế của Hồng Kông. Làm thế nào Hồng Kông có thể tiếp tục quy chế này trong khuôn khổ một cuộc chiến tranh lạnh mới giữa Trung Quốc và phương Tây ? Chiến tranh hệ tư tưởng liên quan đến mô hình chính trị nào phải được chú trọng ? Rồi chiến tranh kinh tế và có cả chiến tranh địa chiến lược nữa, đối đầu giữa Trung Quốc với phương Tây, nhất là với Mỹ ?
Dĩ nhiên, trong bối cảnh này, thật là khó cho Hồng Kông vẫn là một chiếc cầu, chiếc gạch nối giữa Trung Quốc với phần còn lại của thế giới. Đây thật sự là một câu hỏi cho tương lai. Liệu rằng Hồng Kông có thể tiếp tục là thị trường tài chính quốc tế như hiện nay, trong khi mà Bắc Kinh bắt đầu tìm cách gậm mòn dần các quyền tự do chính trị, các quyền tự do của công dân đang có hiện nay ?
RFI : Theo quan điểm của ông, liệu việc thông qua luật an ninh quốc gia cũng có thể còn là một lời cảnh cáo Trung Quốc dành cho Đài Loan hay không ?
GS. Jean-Pierre Cabestan : Cũng có thể lắm. Đây đúng hơn là một lời cảnh cáo răn đe. Bởi vì người ta thấy rõ là người dân Đài Loan ngày càng khó chấp nhận công thức « Một quốc gia, hai chế độ », do Bắc Kinh ngày càng can thiệp nhiều vào công việc nội bộ của đặc khu hành chính Hồng Kông, thậm chí còn nhiều hơn tại Macao. Người dân Đài Loan chống lại mọi ý định thông qua, hay mọi ý tưởng đưa một công thức như thế vào Đài Loan.
Tôi muốn nói thêm, ngoài điều đó ra, còn có một vấn đề chủ chốt khác khó thể vượt qua trong trường hợp Đài Loan. Cuộc xung đột giữa Đài Loan và Trung Quốc là cuộc xung đột về chủ quyền. Đài Loan mà tên chính thức là Trung Hoa Dân Quốc, sẽ không bao giờ chấp nhận nằm dưới sự bảo hộ của Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, trừ phi có xung đột quân sự và Đài Loan bi thua.
Đài Bắc sẵn sàng bắt tay quan hệ với Bắc Kinh nhưng trên cơ sở bình đẳng và điều này không làm tổn hại đến chủ quyền của Đài Loan cũng như nền độc lập trên thực tế của hòn đảo. Do vậy, tôi nghĩ rằng công thức « Một quốc gia, hai chế độ » không thể áp dụng đối với Đài Loan.
RFI : Ngày 30/5/2020, tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo rút quy chế ưu đãi dành cho Hồng Kông. Đâu là những hậu quả kinh tế đối với đặc khu hành chính ?
GS. Jean-Pierre Cabestan : Thông báo của tổng thống Mỹ Donald Trump là hệ quả hợp lý của việc biến mất dần dần quyền tự chủ chính trị ở Hồng Kông. Hiện tại, người ta chưa biết chi tiết các lệnh trừng phạt mà chính quyền Trump sẽ đưa ra.
Người ta cho rằng những biện pháp trừng phạt đó chủ yếu sẽ nhắm vào các quan chức chính trị, những người bị nghi ngờ, bị cáo buộc gây hại cho các quyền tự do của công dân và tự do chính trị tại Hồng Kông. Người ta cũng nghĩ rằng sẽ có những biện pháp hạn chế đối với một số người trong việc cấp thị thực nhập cảnh vào Mỹ. Người ta cũng cho rằng sẽ có nhiều biện pháp cấm mới, và có thể điều này làm cho Trung Quốc lo ngại hơn, đó là khống chế các xuất khẩu công nghệ lưỡng dụng (quân sự và dân sự) của Mỹ sang Hồng Kông.
Mỹ có thể làm điều này cho dù Hồng Kông vẫn là một khu vực thuế quan rất khác biệt so với Trung Quốc, và còn có những chương trình hợp tác giữa hải quan Hồng Kông với FBI, chống việc chuyển giao bất hợp pháp các công nghệ cao cho Trung Quốc, chống hiện tượng hàng nhái, hay vi phạm bản quyền. Chương trình hợp tác giữa FBI và hải quan Hồng Kông có thể sẽ khó khăn hơn một khi luật an ninh được áp dụng.
RFI Tiếng Việt xin cảm ơn giáo sư Jean-Pierre Cabestan, chuyên gia về Trung Quốc học, trường đại học Baptist Hồng Kông.
http://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20200604-hong-kong-trung-quoc-hoa-ky-luat-an-ninh