Tin Việt Nam – 03/06/2020
Ai bảo vệ những nhà báo chống tiêu cực tại Việt Nam?
Đe dọa, khủng bố nhà báo
Phóng viên Nguyễn Vương của Báo VTC News, thường trú tại Huế, vào hôm 1/6 cho biết nhận cuộc gọi điện thoại từ ông Hồ Văn Hải, Tổng Giám đốc công ty Cổ phần Thiên An. Ông Hải đã đe doạ phóng viên Nguyễn Vương do viết bài phản ánh việc công ty làm lễ khởi công dự án sân golf khi chưa hoàn thiện các hồ sơ pháp lý được phê duyệt.
Trong cùng ngày 1/6, Trưởng văn phòng đại diện Báo Nông thôn Ngày nay ở Hải Phòng, bà Vũ Thị Hải gửi đơn đến công an địa phương và các cơ quan báo chí phản ánh bị kẻ xấu khủng bố bằng cách đổ chất bẩn vào nhà rạng sáng ngày 31/5. Bà Vũ Thị Hải cho rằng việc làm này của kẻ lạ mặt nhằm mục đích đe doạ, khủng bố tinh thần, cản trở tác nghiệp báo chí của mình, vì thời gian gần đây bà và đồng nghiệp đã viết các bài phản ánh tiêu cực, sai trái ở một số đơn vị tại địa phương.
Đài RFA ghi nhận đây là hai vụ việc mới nhất được truyền thông quốc nội loan tin.
Trong năm 2019, vụ việc nhà báo Kiều Đình Liệu bị hành hung hồi cuối tháng 9 gây chú ý dư luận trong và ngoài nước. Nhà báo Kiều Đình Liệu bị nhóm 3 thanh niên đánh tại một quán cà phê đến mức phải nhập viện, sau khi ông phát hiện hai xe ô tô chở gỗ hộp lớn và đã gọi điện cho Hạt trưởng cùng Hạt phó Hạt kiểm lâm Đức Cơ, tỉnh Gia Lai để thông báo sự vụ.
Mặc dù, ngay sau vụ việc này xảy ra, Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) ra thông cáo báo chí thúc giục giới chức Việt Nam phải tìm và trừng phạt những kẻ đã hành hung nhà báo Kiều Đình Liệu; đồng thời mặc dù Công an thành phố Pleiku được nói là nhanh chóng vào cuộc điều tra nhưng cho đến nay vẫn chưa có công bố nào đến với công luận liên quan vụ việc được điều tra đến đâu.
Mình đang đấu tranh với sự thật thì mình có thể chống lại với tất cả, bao gồm cả nơi làm việc, cả doanh nghiệp, cả đồng nghiệp cho tới tất cả các mối quan hệ nữa. Để đi đến sự thật và bảo vệ những người yếu thế thì đôi khi mình chống lại tất cả đấy
-Nhà báo Đỗ Cao Cường
Bên cạnh đó, hai vụ nhà báo bị thiệt mạng mà không rõ nguyên nhân là nhà báo Tôn Phúc của Tạp chí Dạy và Học Ngày nay và nhà báo Hải Đường của Báo Pháp luật TP.HCM cũng chưa được cơ quan chức năng thông báo về kết quả điều tra. Nhà báo Tôn Phúc được phát hiện chết, khi thi thể của ông được thấy trôi dạt gần khu vực bến phà Cát Lái, ở quận 2, TP.HCM vào tháng 8/2019. Còn nhà báo Hải Đường được tìm thấy xác trên sông Hồng hồi tháng 6/2018.
Từ Đà Nẵng, nhà báo Lê Hải lên tiếng với RFA về những vụ việc như vừa nêu xảy ra cho giới phóng viên, nhà báo tại Việt Nam:
“Thật ra việc đó ở Việt Nam là chuyện bình thường, chuyện xảy ra hàng ngày. Bây giờ người bảo vệ quan trọng nhất là người có tiền.”
“Thế lực ngầm” khống chế truyền thông trung thực
Về cái chết của nữ nhà báo Hải Đường, Đài RFA từng được người trong giới xã hội cho biết là do doanh nghiệp gây ra và đút tiền cho chính quyền để làm ém nhẹm vụ việc, xác định nạn nhân chết là do ngạt nước và không phải điều tra.
Nhà báo Lê Hải nêu dẫn chứng về những thế lực khống chế truyền thông ở Việt Nam là những doanh nghiệp, là những nhóm lợi ích mà ông gọi là “người có tiền” có thể định đoạt số phận của nhà báo và thậm chí cả các cơ quan báo chí, truyền thông ở Việt Nam.
“Ví dụ như vừa rồi Báo Phụ nữ TP.HCM đưa tin về Tập đoàn Sun Group thì sau đó bị Bộ Thông tin-Truyền thông phạt 55 triệu và đình bản báo online 1 tháng. Dư luận cho rằng khi bài báo ra đời thì Tập đoàn Sun Group hoàn toàn không có ý kiến gì phản đối hết. Nếu như nói sai thì dứt khoát họ phải lên tiếng rồi, thậm chí họ kiện. Nhưng mà họ không kiện. Vậy lý do gì mà Bộ Thông tin-Truyền thông lại phạt? Việc này không theo một kiểu gì hết.”
Từ Sài Gòn, nhà báo Nguyễn Ngọc Già tiếp lời liên quan vụ việc Báo Phụ nữ TP.HCM:
“Câu chuyện của Tòa soạn Báo Phụ nữ TP.HCM vừa rồi bị đình bản và bị phạt tiền vì đã dám động chạm đến Tập đoàn Sun Group thì nó vẽ lên cảnh chung của những người làm báo hiện nay ở một tình thế có thể nói rằng xã hội không còn phân biệt về lẽ phải, về đạo đức mà nó chỉ quan tâm đến tình trạng đó là sự thắng thua trên mặt trận thông tin truyền thông.”
Nhà báo Nguyễn Ngọc Già nhấn mạnh giới lãnh đạo trong Đảng Cộng sản Việt Nam thao túng truyền thông, đặc biệt vào những dịp trước thềm Đại hội Đảng nhằm mục đích đấu đá quyền lực và lợi ích.
Nhà báo Nguyễn Ngọc Già nhận định tình hình của giới làm báo tại Việt Nam càng ngày càng tội tệ và trở nên càng nguy hiểm hơn:
“Báo chí của Việt Nam không tuân theo chuẩn mực của báo chí quốc tế. Thứ hai là không có luật pháp và thứ ba là bị chính trị hóa trầm trọng để phục vụ cho sự đấu đá của nội bộ người Cộng sản Việt Nam, chứ cũng không phải phục vụ cho chế độ nữa. Bởi vì báo chí phục vụ cho chế độc độc đảng toàn trị thì nó cũng còn một chuẩn mực tối thiểu. Hiện nay báo chí bị dẫn đến một tình trạng hỗn loạn, hỗn mang và có thể nói là tình trạng hỗn độn. Người ta không biết một cái lề nào hết. Hồi trước còn gọi là ‘lề trái’, ‘lề phải’. Còn bây giờ coi như những nhà báo còn lương tri thì cảm thấy bế tắc và như là đi vào trong rừng rậm mà không có lối ra trong nghề làm báo.”
Nhà báo được bảo vệ bởi ai?
Nhà báo Lê Trung Khoa, Chủ bút của tờ Thoibao.de ở Đức từng phải trình báo với Sở Cảnh sát Berlin về việc ông bị dọa giết do đưa tin Chính quyền Việt Nam đứng phía sau vụ Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc đưa về nước hồi năm 2018. Nhà báo Lê Trung Khoa cho RFA biết sau khi làm việc với phía Cảnh sát Đức thì ông được thông báo biện pháp bảo vệ cá nhân ông được nâng lên.
Còn tại Việt Nam, nhà báo Đỗ Cao Cường, từng bị dọa giết do đưa tin không qua kiểm duyệt về các vấn đề ô nhiễm môi trường, khẳng định nhà báo cất tiếng nói trung thực, phản ánh tiêu cực xã hội thì gọi nôm na là “một mình chống mafia”:
“Mình đang đấu tranh với sự thật thì mình có thể chống lại với tất cả, bao gồm cả nơi làm việc, cả doanh nghiệp, cả đồng nghiệp cho tới tất cả các mối quan hệ nữa. Để đi đến sự thật và bảo vệ những người yếu thế thì đôi khi mình chống lại tất cả đấy.”
Báo chí của Việt Nam không tuân theo chuẩn mực của báo chí quốc tế. Thứ hai là không có luật pháp và thứ ba là bị chính trị hóa trầm trọng để phục vụ cho sự đấu đá của nội bộ người Cộng sản Việt Nam, chứ cũng không phải phục vụ cho chế độ nữa. Bởi vì báo chí phục vụ cho chế độc độc đảng toàn trị thì nó cũng còn một chuẩn mực tối thiểu. Hiện nay báo chí bị dẫn đến một tình trạng hỗn loạn, hỗn mang và có thể nói là tình trạng hỗn độn. Người ta không biết một cái lề nào hết. Hồi trước còn gọi là ‘lề trái’, ‘lề phải’. Còn bây giờ coi như những nhà báo còn lương tri thì cảm thấy bế tắc và như là đi vào trong rừng rậm mà không có lối ra trong nghề làm báo
-Nhà báo Nguyễn Ngọc Già
Hồi tháng 2 năm nay, gia đình ký giả Lê Hà, chủ kênh Tiếng Dân Tivi, một kênh Youtube độc lập lên tiếng đòi quyền lợi cho người dân, bị truy sát khiến mẹ và vợ ông phải nhập viện điều trị.
Vào tối ngày 2/6, Đài RFA liên lạc với ký giả Lê Hà để hỏi thăm thông tin về diễn tiến vụ việc vừa nêu và được ông cho biết:
“Tiến trình vụ án đó thì cơ quan điều tra của Công an tỉnh Tuyên Quang đang tiến hành các bước tố tụng theo quy định. Sắp tới đây chuẩn bị thực nghiệm điều tra để làm theo các bước tố tụng đó. Đối với gia đình của Lê Hà thì cơ quan Công an tỉnh Tuyên Quang đang thực hiện tiến trình đúng quy định.”
Ký giả Lê Hà chia sẻ rằng tuy vụ việc gia đình ông bị truy sát được công an điều tra đúng quy định nhưng ông không thể phủ nhận tình trạng các nhà báo kể cả làm việc trong cơ quan báo chí quốc doanh hay nhà báo độc lập đều không được bảo vệ. Thậm chí, theo quan điểm cá nhân ông thì Chính quyền Việt Nam đã không tôn trọng và thực thi theo pháp luật và Hiến pháp Việt Nam lẫn những điều quy định về báo chí của Liên Hiệp Quốc trong việc bắt giữ và cầm tù giới cầm bút, như mới nhất là bắt giữ nhà thơ Trần Đức Thạch, nhà văn Phạm Thành và nhà báo Nguyễn Tường Thụy.
Những nhà báo cất lên tiếng nói trung thực ở Việt Nam, đất nước bị xếp vào vị trí thấp trong bảng tự do truyền thông thế giới, cùng khẳng định rằng dù bị đe dọa, hành hung, bắt bớ, tù đày thì họ vẫn phải làm tròn trách nhiệm của một nhà báo, như nhà báo Đỗ Cao Cường khẳng khái tuyên bố rằng “Giết tôi rồi hãy bắt tôi im lặng!”.
Nhà cầm quyền Hà Nội quyết định kỷ luật về đảng
đối với linh hồn cụ Lê Đình Kình
Tin Vietnam.- Ngày 1 tháng 6 năm 2020, Facebook dân oan Trịnh Bá Phương loan tin, ngày 27 tháng 5 năm 2020, ông Lê Chí Hoà, Chủ nhiệm uỷ ban kiểm tra Cộng sản huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội đã gửi giấy mời cho ông Lê Thanh Doãn, là đảng viên chi bộ thôn Hoành, xã Đồng Tâm lên Huyện uỷ Mỹ Đức để thực hiện tiến trình kỷ luật đảng viên.
Giấy mời này ghi rõ tên của 7 đảng viên Cộng sản thôn Hoành sẽ bị kỷ luật, trong đó có cụ Lê Đình Kình, người bị nhà cầm quyền Cộng sản dùng súng giết chết một cách dã man tại cuộc đánh úp vào rạng sáng ngày 9 tháng 1 năm 2020.
Theo Facebook Nguyễn Hà Luân thì ngày 23 tháng 4 năm 2020, nhà cầm quyền huyện Mỹ Đức đã có quyết định xem xét kỷ luật ông Lê Đình Kình, mặc dù ông đã chết trước đó hơn 3 tháng.
Bình luận về hành động này của nhà cầm quyền Cộng sản, bác sĩ Đinh Đức Long, một cựu đảng viên Cộng sản tuyên bố bỏ đảng vào năm 2014 mỉa mai rằng, đây là “một tiền lệ tốt”. Ông Long đánh giá, việc nhà cầm quyền kỷ luật ông Kình hiện đang “cư trú” ở cõi âm đã mở ra một bước ngoặc mới trong lịch sử tồn tại gần trăm năm tuổi của đảng Cộng sản Việt Nam.
Như vậy, từ nay tổ chức đảng Cộng sản có thể kỷ luật, khai trừ, cách chức bất kỳ vị lãnh đạo tiền nhiệm nào của chính mình, dù đương sự đang ở cỏi dương hay cỏi âm.
An Nhiên
Phản đối kéo dài
việc chặn xe giao thông dù không bị lỗi!
Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ – đường sắt (PC08) thuộc Công an thành phố Hồ Chí Minh vào chiều 1/6 cho biết sau 15 ngày thực hiện tổng kiểm soát phương tiện, đơn vị đã xử phạt gần 14.500 trường hợp vi phạm, tạm giữ 2.501 phương tiện, tước bằng lái đối với hơn 1.500 tài xế và phạt tiền hơn 8,2 tỷ đồng.
Đợt kiểm soát các phương tiện giao thông gồm cả xe khách, container, xe hơi, xe máy trong phạm vi thành phố được triển khai trong 1 tháng, từ ngày 15/5-14/6. Theo đó, cảnh sát giao thông được quyền yêu cầu dừng tất cả các loại xe vừa nêu để kiểm tra mà không cần có lỗi ban đầu.
Với kinh nghiệm nhiều năm trong ngành luật, Luật sư Đặng Đình Mạnh tại Sài Gòn cho rằng phía cảnh sát giao thông cần dừng lại hành động chặn xe để kiểm tra người tham gia giao thông không vi phạm:
“Thật ra theo nguyên tắc, công dân có quyền tự do đi lại, đây là quyền được ghi trong Hiến pháp. Việc người dân không vi phạm mà dừng họ lại thì bản thân việc đó đã vi phạm Hiến pháp. Vì vậy điều này không nên khuyến khích và không nên duy trì. Lực lượng công an Giao thông đường bộ thực hiện điều này không có cơ sở pháp lý. Các cơ quan nhà nước hoặc lực lượng giao thông chỉ được làm những điều luật pháp cho phép thôi, bản thân việc này vi phạm Hiến pháp, xâm phạm quyền tự do đi lại của người dân. Nên bãi bỏ ngay lập tức.”
Đáng quan tâm, tuy việc dừng xe người đang tham gia giao thông vấp phải nhiều phản đối và trái với những điều luật định, nhưng đại diện Phòng Cảnh sát giao thông thành phố Hồ Chí Minh được báo trong nước dẫn lời vào ngày 1/6 cho biết sẽ tiếp tục duy trì các nội dung kế hoạch tổng kiểm soát phương tiện giao thông cơ giới đường bộ trên địa bàn thành phố, tăng cường công tác tuần tra kiểm soát trong thời gian tới.
Trao đổi với RFA qua Facebook Messenger, anh Khôi Nguyên, sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn cho rằng sở dĩ phía công an thành phố vẫn muốn tiếp tục duy trì kiểm tra, phớt lờ phản ứng dư luận là vì:
“Anh thấy công an phớt lờ lần một để thử vận may, ai vè may quá hốt hơn 8 tỉ trong 15 ngày ngon ơ nên việc duy trì là chuyện đương nhiên, không bàn cãi. Điều cần thắc mắc là chính phủ để cho Bộ Công an muốn làm gì thì làm như vậy mới không chấp nhận được.”
Nhà hoạt động Trần Bang tại Sài Gòn cũng có nhận định về dự kiến của công an Thành phố Hồ Chí Minh như vừa nêu:
“Nhà nước Việt Nam độc đảng hay còn gọi là cảnh sát trị thì họ muốn làm gì thì làm chứ việc đó rõ ràng vi phạm quyền tự do đi lại của người dân. Người ta chị bị dừng đi lại khi có lỗi, phạm luật còn người ta không phạm luật, không thông báo cứ thế kiểm tra rõ ràng anh vi phạm nhân quyền, coi thường quyền con người quá mức.”
Còn theo Nhạc sĩ Lê Thiệu, đợt tổng kiểm tra giao thông mà chính quyền thành phố Hồ Chí Minh đang thực hiện chỉ đem đến sự bất tiện và mất thời gian của người dân.
“Đang chạy xe tự nhiên thích dừng trong khi người ta có công chuyện gấp, vô kiểm tra giấy tờ mất 15-20 phút mới được đi nếu đủ giấy tờ, còn không đủ thì phạt. Đợt dịch vừa rồi nói chung người dân ai cũng bị thiệt hại, cả toàn xã hội đều bị thiệt hại nên giờ người ta bung ra. Vừa mở lệnh giãn cách thì ai cũng lao đầu vào kiếm cơm, nhất là những người lao động tự do nên đi rất nhiều. Có những người họ khổ thì trong thời gian đó bảo hiểm người ta hết hạn chưa kịp đóng hoặc cần có những chi tiêu khác cần thiết hơn bảo hiểm như đóng tiền học cho con, lo cơm gạo. Nếu chính quyền như vây là rất ác với dân nghèo.”
Đồng quan điểm với nhạc sĩ Lê Thiệu, nhà hoạt động Trần Bang cho rằng không chỉ ông mà người dân cũng không thể đồng tình với đợt tổng kiểm tra giao thông diễn ra trong một tháng. Đặc biệt sau khi hết cách ly thì người dân cần phải đi lại để mưu sinh, phục hồi kinh tế thì việc này ảnh hưởng rất nhiều đến người dân cũng như doanh nghiệp, kể cả quá trình phục hồi lại nhịp sống bình thường.
Bên cạnh đó, nhà hoạt động Trần Bang cũng nêu lên tình trạng nhũng nhiễu của cảnh sát giao thông tại thành phố Hồ Chí Minh nói riêng hay trên cả nước nói chung mà theo ông là chuyện công khai từ trước đến nay.
“Những năm trước sinh viên thi trên đài truyền hình có nói cảnh sát giao thông viết tắt (csgt) là con sâu gặm tiền. Những đứa trẻ ngồi sau lưng bố mẹ đi học lớp 1, lớp 2 đã biết là khi cảnh sát tuýt còi, dơ gậy ra là bố mẹ phải đưa tiền, trẻ con còn biết chuyện đấy. Nếu không đưa thì bị đi trễ, giữ xe gây phiền hà nên dân mình cứ đưa tiền cho nhanh.”
Do đó, với thói quen đưa tiền để bôi trơn đã có lâu nay, ông Trần Bang cho rằng đây cũng chính là nguyên nhân khiến cảnh sát giao thông tuần tra, hay theo cách gọi của ông là ‘đứng đường’ nhiều hơn, kể cả ngay sau khi vừa kết thúc cách ly.
Bên cạnh đó, nhà hoạt động ở Sài Gòn cũng bày tỏ quan ngại liệu con số 8,2 tỉ mà Bộ Công an thành phố công bố có thật sự minh bạch?
“Rõ ràng ngoài việc phạt được 8 tỉ còn số tiền không vào ngân sách, không thống kê, báo chí không ai biết được bao nhiêu vì để mua được chức ‘đứng đường’ tốn khá nhiều tiền thì đây là đợt để họ thu hồi, bù lỗ cho việc mua chức ‘đứng đường’ và bù lãi. Thứ trưởng Bộ Công an cách đây mấy năm cũng từng nói là không hiểu ra ‘đứng đường’ được gì mà người ta cứ phải chạy ra ‘đứng đường’.”
Số liệu mà Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ – đường sắt công bố cho thấy chỉ trong 15 ngày nhưng đã xử phạt được hơn 1.300 người điều khiển xe máy vi phạm nồng độ cồn, hơn 1.800 xe lưu thông sai làn đường, phần đường, 729 trường hợp chạy vào đường cấm, ngược chiều. Ngoài ra cảnh sát còn phát hiện hơn 1.300 người tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm, 1.023 lái xe vượt đèn đỏ và 1.010 trường hợp không có bằng lái hoặc đăng ký xe.
Với kết quả đạt được như vừa nêu, lãnh đạo PC08 nhận định rằng chỉ sau nửa tháng triển khai cao điểm tổng kiểm soát phương tiện, tình hình trật tự giao thông trên địa bàn thành phố đã chuyển biến tích cực.
Truy nhiên, nhiều người dân cho rằng để đạt được kết quả như công bố của PC08 mà cách thức thực hiện vi phạm Hiến pháp Việt Nam thì phía Bộ Công an cần xem xét lại. Điển hình như bày tỏ của anh Khôi Nguyên:
“Đã là năm 2020 chứ có phải những năm 80, 90 đâu mà cảnh sát như cha như mẹ muốn thì kêu người khác tấp vào? Nói đơn giản là không sai phạm thì được đi, nhưng lúc đó có xin lỗi người dân vì làm mất thời gian của dân, vì xâm phạm quyền dân hay không thì không báo nào nhắc tới. Trước đây có ông lãnh đạo nói câu ‘Nếu sai, chúng ta chịu trách nhiệm trước dân, nếu dân sai dân chịu trách nhiệm trước pháp luật’. Vậy chứ cái này sai rành rành chưa thấy xin lỗi mà còn định tiếp tục tận thu thì ai giải quyết?”
Khởi tối trưởng Ban Nội Chính Thái Bình
vì gây tai nạn giao thông rồi bỏ chạy
Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Thái Bình, ông Nguyễn Văn Điều, người gây tai nạn khiến 3 người thương vong hồi tháng trước, vừa bị Công an Thành phố Thái Bình khởi tố.
Truyền thông trong nước dẫn nguồn tin từ Công an tỉnh Thái Bình đưa ra ngày 3 tháng 6, cho biết căn cứ kết quả điều tra, Công an Thành phố Thái Bình ra quyết định khởi tố bị can, lệnh cấm đi lại khỏi nơi cư trú đối với ông Nguyễn Văn Điều (tên thường gọi là Nguyễn Văn Dũng) sinh năm 1967, ngụ tại thôn Bùi Xá, xã Minh Lãng, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Tội danh được nêu ra là ‘ vi phạm qui định về tham gia giao thông đường bộ, qui định tại khoản 2, điều 260, Bộ Luật Hình sự Việt Nam.
Cũng trong ngày 3 tháng 6, Viện Kiểm sát Nhân dân Thành phố Thái Bình ra quyết định phê chuẩn quyết định khởi tố bị can.
Trước đó vào chiều ngày 2 tháng 6, Ban Chấp Hành đảng bộ tỉnh Thái Bình tiến hành hội nghị nghe Ban Thường vụ tỉnh ủy báo cáo, thống nhất đề nghị các cấp có thẩm quyền xem xét kỷ luật đối với ông Nguyễn Văn Điều – Ủy viên ban thường vụ tỉnh ủy, trưởng ban Nội chính tỉnh ủy Thái Bình.
Vào ngày 27 tháng 5, Công an TP Thái Bình đã ra quyết định khởi tố liên quan vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra vào tối 8/5 liên quan đến ông Nguyễn Văn Điều, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Thái Bình.
Trước đó, vào khoảng 18 h ngày 8/5, trên đường Trần Thủ Độ, phường Tiền Phong, TP Thái Bình, ô tô do ông Điều điều khiển đã gây tai nạn làm bà Phạm Thị Ng. (63 tuổi), ở phường Tiền Phong, TP Thái Bình, tử vọng và 2 người khác bị thương.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình quyết định tạm dừng công tác đối với ông Nguyễn Văn Điều kể từ ngày 12/5 vì tính khách quan trong công tác điều tra.
Nguyên trưởng phòng Tài chính kế toán
trường ĐH Đông Đô bị bắt tạm giam
Bộ Công an ngày 3 tháng 6 đã khởi tố bị can và bắt tạm giam nguyên trưởng phòng Tài chính kế toán trường Đại học Đông Đô –Nguyễn Thị Huệ.
Cùng bị khởi tố với Nguyễn Thị Huệ là Ngô Quang Hiển, nhân viên của trường với cùng tội danh “Giả mạo trong công tác” qui định tại Điều 359 Bộ luật hình sự năm 2015.
Truyền thông trong nước loan tin này vào cùng ngày.
Theo tin, Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an cho biết trong quá trình điều tra vụ án giả mạo trong công tác xảy ra tại trường Đại học Đông Đô, Công an đã thu thập thêm chứng cứ liên quan do đó đã thực hiện lệnh bắt bị can để tạm giam, khám xét chỗ ở, nơi làm việc đối với Nguyễn Thị Huệ; đồng thời thực hiện lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú, khám xét chỗ ở nơi làm việc với Ngô Quang Hiển.
Đây là diễn biến mới nhất liên quan đến vụ án hình sự xảy ra tại trường Đại học Đông Đô-Hà Nội khiến nhiều lãnh đạo nhà trường bị khởi tố, bắt tạm giam và truy nã.
Trước đó, từ tháng 8/2019 đến tháng 1/2020 Cơ quan An ninh điều tra đã ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam Dương Văn Hòa, hiệu trưởng Trường Đại học Đông Đô; Trần Kim Oanh và Lê Ngọc Hà, cùng là phó hiệu trưởng Trường Đại học Đông Đô; Trần Ngọc Quang, phó trưởng phòng đào tạo và quản lý sinh viên và 4 cán bộ trường. Ngoài ra, Bộ Công an đã ra quyết định truy nã bị can Trần Khắc Hùng, chủ tịch hội đồng quản trị kiêm viện trưởng Viện đào tạo liên tục trường Đại học Đông Đô…
Theo kết quả điều tra của Bộ công an, trường Đại học Đông Đô chưa được Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp phép đào tạo văn bằng 2 chính quy. Tuy nhiên, trong thời gian dài, trường này vẫn tổ chức tuyển sinh, đào tạo, cấp bằng cử nhân ngôn ngữ Anh hệ chính quy, văn bằng 2 cho nhiều người. Lãnh đạo trường còn liên kết với các cơ sở để tuyển sinh, đào tạo hệ văn bằng 2 tiếng Anh không đúng quy định pháp luật và quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Bộ Công Thương
lo ngại chất lượng khẩu trang xuất khẩu
Bộ Công Thương Việt Nam lo ngại việc không kiểm soát được chất lượng khẩu trang và đồ bảo hộ cá nhân xuất khẩu sẽ ảnh hưởng đến hình ảnh hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Theo truyền thông trong nước, một số sản phẩm khẩu trang vải, khẩu trang y tế không đảm bảo chất lượng, không phù hợp với tiêu chuẩn, đặc điểm của người nước ngoài. Có doanh nghiệp sử dụng giấy chứng nhận được phát hành bởi đơn vị chứng nhận không chuyên nghiệp, không đủ thẩm quyền hoặc không được ủy quyền cấp xác nhận cho các sản phẩm liên quan.
Bộ Công Thương khuyến cáo các doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ về các đơn vị có chức năng tư vấn, thử nghiệm, kiểm định và chứng nhận tiêu chuẩn.
Hồi cuối tháng 4, Chính phủ quyết nghị bỏ quy định áp dụng chế độ cấp giấy phép xuất khẩu đối với mặt hàng khẩu trang y tế căn cứ theo Nghị quyết số 60/NQ-CP về việc xuất khẩu khẩu trang y tế trong giai đoạn phòng, chống dịch COVID-19.
Cũng tin liên quan xuất nhập khẩu, thời gian qua, Cục hải quan TP.HCM phát hiện nhiều lô hàng nhập khẩu không đáp ứng được yêu cầu về điều kiện quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật. Những lô hàng này bị Cục Hải quan xử phạt hành chính, buộc tái xuất. Đặc biệt có những trường hợp nhập khẩu hàng không khai báo hải quan và hàng không đạt chất lượng.
Báo trong nước nêu cụ thể một công ty ở Quận 2 nhập khẩu 54 bộ đồ chơi trẻ em không đáp ứng yêu cầu về quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật. Cục Hải quan đã xử phạt doanh nghiệp 40 triệu đồng và buộc tái xuất.
Trước đó, trong quá trình làm thủ tục hải quan, Chi cục Hải quan sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất phát hiện toàn bộ số hàng đồ hộp thực phẩm nhập khẩu của một công ty cũng ở Quận 2 không đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật và khai báo sai tên, mã số hàng hóa. Vụ việc đang được Cục Hải quan TP. HCM xử lý.
Nhà xuất bản tự do được trao giải Prix Voltaire 2020
của Hiệp hội Xuất bản Quốc tế
Lúc 6 giờ chiều ngày 3 tháng 6 năm 2020, Hiệp hội Xuất bản Quốc tế – IPA đã công bố giải thưởng Prix Voltaire 2020 được trao cho Nhà xuất bản tự do của Việt Nam – một trong bốn nhà xuất bản vào chung kết khi vượt qua các đại diện đến từ Mỹ, Hàn Quốc, Thái Lan, Ai Cập, Đức, Argentina v.v…
Đây là một tổ chức xã hội dân sự độc lập ở Việt Nam không được chính quyền công nhận và bị đàn áp trong thời gian qua.
Nhà báo Phạm Đoan Trang, người phát ngôn của Nhà xuất bản tự do bày tỏ cảm xúc khi biết tin tổ chức này được chọn trao giải trong 4 nhà xuất bản được đề cử trên thế giới. Bà Trang nói qua điện thoại như sau:
“Nghe tin được giải thì mình và anh em Nhà xuất bản tự do rất vui mừng, đặc biệt là trong bối cảnh hiện giờ – trong những cái ngày tháng rất là căng thẳng này, rất nhiều chuyện xã hội rối ren, lòng người ly tán… bao nhiêu vấn đề xã hội, bao nhiêu chuyện trên toàn thế giới hỗn loạn quá.
Thực sự, đối với tụi mình đây là một tin vui, trong bối cảnh đó thì nó lại càng vui hơn… đó là niềm vui mà bọn mình khao khát bấy lâu nay. Đó cũng là một sự khích lệ tinh thần vào thời điểm này!”
Theo Hiệp hội xuất bản quốc tế, Prix Voltaire là giải thưởng ghi nhận sự can đảm trong việc giữ vững quyền tự do xuất bản, tự do thông tin của các nhà xuất bản và cá nhân trên thế giới, đặc biệt ở những nơi mà hoạt động xuất bản phải đối mặt với kiểm duyệt và áp bức, hay việc thực hành các quyền này có thể gây rủi ro, nguy hiểm.
Năm 2011, IPA cũng đã trao giải tự do xuất bản cho nhà thơ Bùi Chát, người sáng lập nhà xuất bản Giấy Vụn.
Nhà báo Phạm Đoan Trang cho biết, giải thưởng có trị giá 10 ngàn Franc Thụy Sỹ này sẽ đặt Nhà xuất bản tự do vào trong vòng nguy hiểm hơn, nhưng không phải vì thế mà những người làm công việc này sẽ bỏ cuộc. Bà nói thêm:
“Thực sự, hoạt động xuất bản nó có ý nghĩa là ngoài chuyện khai dân trí nó còn là một hình thức đấu tranh, một hoạt động đấu tranh.
Nó khẳng định quyền của con người, quyền của công dân Việt Nam là quyền được viết, quyền được đọc mà không bị kiểm duyệt, không bị định hướng.
Thế cho nên rằng là khi đã xác quyết như thế cho nên nhà xuất bản vẫn còn tồn tại bất chấp những nguy hiểm, thử thách thực sự, thậm chí là nguy hiểm đến tính mạng.
Cho nên rằng là được giải thì sự nguy hiểm càng tăng lên nhưng không có nghĩa rằng sẽ bỏ cuộc vì đã cam kết với nhau cái sứ mệnh đi đến cùng trên con đường nâng cao dân trí và đấu tranh vì quyền tự do xuất bản ở Việt Nam rồi.“
Nhà xuất bản tự do được thành lập vào ngày 14 tháng 2 năm 2020, cho đến nay đã xuất bản được khoảng 30 đầu sách với 25 ngàn bản in và các bản sách trực tuyến.
Những cuốn sách nổi bật của nhà xuất bản này được kể đến như: Chính trị bình dân, Học chính sách công qua Luật đặc khu hay Cẩm nang nuôi tù…
Vừa qua, ông Phùng Thủy, một người giao sách cho nhà xuất bản này cáo buộc là bị công an phục kích và đưa về trụ sở Văn phòng phía Nam của Bộ Công An ở thành phố Hồ Chí Minh thẩm vấn và tra tấn.
Ông Thủy may mắn chạy thoát ngay trong đêm 8-5-2020 khi liều lĩnh xông ra khỏi cổng, lấy xe máy của cô con gái đang đậu gần đó để thoát thân.
Thế lưỡng nan cho cải cách
để tư pháp Việt Nam độc lập
Duy ĐinhGửi cho BBC từ Geneva, Thụy Sĩ
Cải cách tư pháp là câu chuyện không mới ở Việt Nam nhưng trong thời gian qua đã nóng lên khi mà các vụ án nghiêm trọng làm lộ ra những điểm hạn chế của nền tư pháp, mà trung tâm là hệ thống Tòa án nhân dân (TAND).
Thấy gì qua vụ ông Lương Hữu Phước tự sát ở tòa án?
Việt Nam: Dư luận chấn động vụ một người kêu oan nhảy lầu sau khi tòa tuyên án
Quanh việc tòa án VN nói bức xúc vụ Hồ Duy Hải là do ‘truyền thông bẩn’
Khi nói tới vấn đề cải cách tư pháp, có hai hướng tiếp cận – thể chế và kỹ thuật. Về mặt kỹ thuật, các vấn đề như đào tạo thẩm phán, chất lượng dịch vụ pháp lý, tính minh bạch của Tòa án đã được Liên Hợp Quốc nhấn mạnh. Bên cạnh đó, một số chuyên gia ở Việt Nam cũng đã đưa ra những đề xuất có tính kỹ thuật liên quan tới quyền im lặng và vai trò của luật sư trong quá trình điều tra.
Đây đều là những đề xuất rất thiết thực, chắc chắn sẽ làm thay đổi đáng kể diện mạo của nền tư pháp nếu được thực hiện thành công. Không những thế, đây còn là những giải pháp khả thi trong ngắn hạn vì về cơ bản chúng không mâu thuẫn với các ràng buộc thể chế.
Một điểm dễ thấy nhất là vấn đề năng lực thẩm phán. Chất lượng thẩm phán các địa phương còn yếu kém là điều đã được công khai thừa nhận. Chính đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng đã thẳng thắn cho biết ông từng gặp “những bản án được viết như vỡ lòng”. Do đó, nâng cao năng lực thẩm phán là điều hết sức cần thiết. Tương tự các vấn đề kỹ thuật khác cũng cần được triển khai không chậm trễ.
Tuy nhiên, giả sử Việt Nam giải quyết được hết những vấn đề kỹ thuật đó, liệu cuộc cải cách tư pháp đã hoàn thành chưa? Câu trả lời là chưa, bởi gút mắc lớn nhất của ngành tư pháp vẫn nằm ở thể chế. Sự độc lập của Tòa án là yêu cầu căn bản của một nền tư pháp tiến bộ nhưng điều đó lại mâu thuẫn với thể chế chính trị của Việt Nam.
Về mặt nguyên tắc, các thẩm phán phải hoàn toàn độc lập, chỉ tuân theo pháp luật để xét xử mới đảm bảo được sự công tâm, công bằng. Không thể có một nền tư pháp độc lập khi mà các thẩm phán vẫn là công chức nhà nước và là đảng viên (dù luật không bắt buộc). Trước tòa, họ nhân danh nhà nước để xét xử, nhưng khi trút bỏ chiếc áo thẩm phán họ vẫn chỉ là các công chức, đảng viên bình thường, chịu sự phân công, chỉ đạo của đảng ủy, chính quyền các cấp.
Sự việc ông Lương Hữu Phước tự sát tại TAND tỉnh Bình Phước sau phiên tòa ngày 29/5 là một thí dụ điển hình. Trong lúc vụ án còn đang cần xem xét lại, ngay ngày hôm sau Ban Tuyên giáo tỉnh này đã tổ chức họp báo, khẳng định phiên tòa phúc thẩm đã xét xử công tâm, khách quan. Điều đó phần nào cho thấy tư pháp khó có thể độc lập trong sự “lãnh đạo toàn diện” của đảng cầm quyền.
Bản thân Chánh án TAND tối cao thường phải là một ủy viên trung ương và vị trí công tác này chỉ là một bước đệm trong sự nghiệp chính trị của người nắm giữ nó. Trong điều kiện đó, rất khó để Chánh án không bị động cơ chính trị chi phối. Đây cũng là vấn đề chung của cả cơ quan điều tra và công tố. Chính Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí đã từng đề cập tới khó khăn khi phải cân nhắc giữa pháp luật và yêu cầu chính trị.
Chưa kể, việc bổ nhiệm Chánh án TAND tối cao nặng tính chính trị như hiện nay sẽ làm trầm trọng thêm sự bất cập của nền tư pháp. Khác với các Phó Chánh án, Chánh án TAND tối cao không cần đi lên theo ngành dọc, tức không cần có kinh nghiệm làm thẩm phán. Chánh án Nguyễn Hòa Bình cũng không phải ngoại lệ: ông có gần 30 năm công tác trong ngành công an và chưa từng có kinh nghiệm xét xử. Việc Chánh án TAND tối cao không phải thẩm phán hoặc chỉ được bổ nhiệm thẩm phán sau khi được giao nhiệm vụ chính trị này là điều cực kỳ nghiêm trọng vì lẽ ra người đứng đầu hệ thống TAND cần phải là một thẩm phán giàu kinh nghiệm.
Như vậy có thể nói điểm yếu nhất của nền tư pháp Việt Nam, mà trung tâm là hệ thống TAND, là sự thiếu độc lập và bị chính trị hóa. Song để thay đổi điều đó trong thể chế hiện nay chắc chắn là không thể.
Trong bối cảnh đó, cần đặt câu hỏi: liệu có nên trao thêm quyền cho TAND hay không?
Dù vẫn tin rằng tính độc lập của TAND là cái đích phải hướng tới, tôi nhận thấy trao thêm quyền lực cho hệ thống TAND trong khi các yếu tố khác không đổi là điều cần suy xét. Với đội ngũ thẩm phán còn nhiều hạn chế, nếu tăng tính độc lập của hệ thống TAND thì tình trạng oan sai còn nghiêm trọng đến mức nào? Chưa kể, trao thêm quyền lực cho một hệ thống TAND thiếu độc lập thực chất là trao thêm quyền lực cho đảng cầm quyền. Đó chính là thế lưỡng nan của nền tư pháp Việt Nam – quyền lực của TAND đang bị hạn chế, nhưng gia tăng quyền lực của TAND lại tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Dường như chính cơ chế hiện hành lại giúp các phân nhánh của ngành tư pháp kiềm chế lẫn nhau. Viện kiểm sát không chỉ giữ quyền công tố mà còn có chức năng kiểm sát tư pháp, tức là kiểm sát cả TAND. Trong một phiên tòa, thẩm phán có thể bác cáo trạng của Viện kiểm sát, nhưng ngoài phiên tòa Viện kiểm sát lại có quyền kiểm tra, giám sát hoạt động của TAND.
Ở cấp độ cao nhất, Quốc hội cũng có thẩm quyền nhất định với hệ thống TAND. Không chỉ buộc Chánh án TAND tối cao phải giải trình, Quốc hội thậm chí có thể lập các đoàn công tác trực tiếp thẩm tra các vụ việc mà TAND đã xét xử. Ủy ban Thường vụ Quốc hội chứ không phải TAND tối cao mới là cơ quan có quyền giải thích pháp luật. Ủy ban này cũng có quyền yêu cầu Hội đồng thẩm phán TAND tối cao xem lại phán quyết giám đốc thẩm của mình.
Bằng cách này hay cách khác, các cơ quan này sẽ vừa phối hợp vừa kiềm chế hệ thống TAND. Rõ ràng sự kiềm chế này không đúng với nguyên tắc độc lập tư pháp nhưng nó có tác dụng giảm bớt rủi ro oan sai và lạm quyền của TAND.
Dù sao việc trao quyền giám sát TAND cho Quốc hội cũng là giải pháp tương đối phù hợp với Việt Nam. Người dân dường như vẫn mong muốn cơ quan đại diện cho họ có thẩm quyền giám sát tối cao đối với hoạt động xét xử của TAND. Phản ứng của cử tri sau phiên tòa giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải là một minh chứng.
Dù tuyệt đại đa số đại biểu Quốc hội vẫn là đảng viên nhưng trong những năm gần đây đã xuất hiện ngày càng nhiều tiếng nói phản biện trong Quốc hội. Do đó, sự tăng cường giám sát của Quốc hội có thể sẽ trở thành giải pháp trung hạn cho tiến trình cải cách tư pháp ở Việt Nam.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, đang sống ở Geneva, Thụy Sĩ.
https://www.bbc.com/vietnamese/forum-52898016
Chủ tịch Bắc Giang xin phê duyệt dự án tỷ đô
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Dương Văn Thái, trong tháng 2 và tháng 3 ký liên tiếp 2 văn bản đề nghị Bộ Công Thương phê duyệt Dự án Nhà máy Nhiệt điện An Khánh – Bắc Giang.
Lý do kiến nghị vì chỉ khi Bộ Công Thương chấp thuận, chủ đầu tư mới đáp ứng yêu cầu cho vay 753 triệu USD của Ngân hàng Công Thương Trung Quốc (ICBC).
Theo thông tin truyền thông trong nước loan đi ngày 3/6, tỉnh Bắc Giang ban hành 2 văn bản gửi Bộ Công Thương đề nghị chấp thuận sản lượng điện hợp đồng của Nhà máy Nhiệt điện An Khánh – Bắc Giang (AKBG). Nội dung văn bản tháng 3 có đề cập quy mô dự án lên đến trên 1 tỷ USD nhưng không có bảo lãnh của Chính phủ. Vì vậy, ngân hàng cho vay đề nghị làm việc với Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) để chấp thuận hợp đồng mua bán điện bằng 90% sản lượng điện bình quân trong thời gian 10 năm.
Về đề xuất của AKBG và Chủ tịch Bắc Giang, EVN nêu lên quan điểm rằng đề nghị này không trái quy định Thông tư 24/2019/TT-BCT. Tuy nhiên, việc thỏa thuận sản lượng hợp đồng có thể tạo tiền lệ cho các nhà đầu tư khác khi có yêu cầu vay vốn lớn; điều này sẽ gây khó khăn cho công tác vận hành hệ thống và thị trường điện các năm tới.
Sau khi nhận được văn bản của Chủ tịch tỉnh Bắc Giang, Bộ Công Thương chỉ đạo EVN căn cứ vào Thông tư 24/2019/TT-BCT và trên cơ sở kế hoạch dự kiến huy động AKBG để xem xét, đàm phán và thỏa thuận sản lượng hợp đồng cụ thể bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các bên.
Công hàm của Hoa Kỳ và thế trận biển Đông
Nguyên Sa
“Cuộc chiến công hàm” tiếp diễn
Ngày 1/6/2020, Đại sứ Kelly Craft – Trưởng phái đoàn thường trực của Hoa Kỳ tại Liên Hợp Quốc đã gửi công hàm ngoại giao để phản đối các luận điệu sai trái của Trung Quốc khi ban hành công hàm CML/14/2019 ngày 12/12/2019.
Chúng ta còn nhớ, ngày 12/12/2019, Malaysia đã gửi một Báo cáo về thềm lục địa mở rộng lên Uỷ ban Ranh giới thềm lục địa của Liên Hợp Quốc (Viết tắt là CLCS) để yêu sách một phần thềm lục địa mở rộng của họ tại phía Bắc biển Đông, theo quy định tại Điều 76 (8) của Công ước Luật biển 1982 (Viết tắt là UNCLOS).
Cũng trong ngày này, Trung Quốc đã gửi ngay công hàm CML/14/2019 để phản đối Báo cáo của Malaysia, đồng thời lặp lại các yêu sách của Trung Quốc trên biển Đông.
Công hàm của Hoa Kỳ có nội dung gì?
Phần mở đầu, công hàm của Hoa Kỳ khẳng định, văn bản này không nhằm đáp lại Báo cáo lên CLCS của Malaysia. Trong khi đó, văn bản này tập trung vào các “yêu sách biển quá đáng” của Trung Quốc, các yêu sách này không phù hợp với luật biển quốc tế, vốn được quy định trong UNCLOS.
Chính các “yêu sách biển quá đáng” của Trung Quốc đã “can thiệp một cách phi lý” tới các quyền và sự tự do trên biển của Hoa Kỳ và các quốc gia khác. Do đó, Hoa Kỳ thấy cần phải thể hiện sự phản đối thông qua công hàm này.
Tiếp theo, công hàm của Hoa Kỳ cũng liệt kê các khẳng định về yêu sách của Trung Quốc, bao gồm:
Trung Quốc có chủ quyền tại Nam Hải Chư Đảo, bao gồm Pratas, Hoàng Sa, Bãi Macclefield và Trường Sa.
Trung Quốc có nội thuỷ, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải đối với Nam Hải Chư Đảo.
Trung Quốc có Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa (CS) đối với Nam Hải Chư Đảo.
Trung Quốc có quyền lịch sử ở biển Đông.
Trung Quốc cũng đã đưa ra quan điểm này, ngay sau Phán quyết ngày 12/7/2016 của Toà Trọng tài trong Vụ Philippines kiện Trung Quốc. Hoa Kỳ cũng đã phản đối quan điểm này của Trung Quốc trong công hàm ngày 28/12/2016 của mình, (mà Hoa Kỳ gửi kèm cùng với văn bản ngày 1/6/2020 này).
Phần tiếp theo, công hàm của Hoa Kỳ phân tích rõ từng vấn đề mà Hoa Kỳ phản đối các yêu sách của Trung Quốc.
Thứ nhất, Hoa kỳ phản đối yêu sách “quyền lịch sử” của Trung Quốc tại biển Đông mà Trung Quốc mở rộng yêu sách này đối với các quyền lợi biển mà Trung Quốc khẳng định là phù hợp với luật quốc tế, cụ thể là UNCLOS. Hoa Kỳ nhắc lại rằng trong Phán quyết năm 2016 – Phán quyết này là chung thẩm và ràng buộc pháp lý với Trung Quốc. Theo đó, yêu sách “quyền lịch sử” của Trung Quốc ở biển Đông không thể vượt quá các vùng biển của mỗi quốc gia, được quy định trong UNCLOS.
Thứ hai, Hoa Kỳ phản đối việc Trung Quốc áp dụng một cách phi lý trong việc tự ý tuyên bố đường cơ sở thẳng bao quanh các cấu trúc nằm rải rác tại biển Đông như trong trường hợp một quốc gia quần đảo. Theo đó, đường cơ sở này biến các vùng nước bên trong đường cơ sở (được thiết lập một cách phi lý) này trở thành vùng nội thuỷ của Trung Quốc.
Chúng ta còn nhớ, năm 1996, Trung Quốc đã tự ý tuyên bố một đường cơ sở thẳng bao quanh quần đảo Hoàng Sa, và Việt Nam đã phản đối điều này. Trong công hàm ngày 30/3/2020, Phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ cũng đã phản đối nội dung này.
Thứ ba, Hoa Kỳ cũng phản đối các yêu sách về các quyền lợi biển mà Trung Quốc tuyên bố dựa trên các cấu trúc tại biển Đông. Trong khi các cấu trúc này không đáp ứng được yêu cầu là “đảo” như quy định tại Điều 121 (1) của UNCLOS. Theo đó, các cấu trúc này vì không đáp ứng được yêu cầu là “đảo” cho nên sẽ không thể có vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa (CS) kèm theo. Trung Quốc cũng không thể yêu sách chủ quyền hay các vùng biển kèm theo đối với các bãi ngầm luôn chìm dưới mặt nước biển như Bãi Macclefield hay là Bãi James Shoal. Tương tự, Trung Quốc cũng không thể yêu sách chủ quyền và các vùng biển kèm theo đối với các cấu trúc lúc chìm lúc nổi như Bãi Vành Khăn hay Bãi Cỏ Mây. Các cấu trúc này không thể tạo thành một phần của lãnh thổ đất liền của một quốc gia. Do đó, các cấu trúc này không thể là đối tượng yêu sách chủ quyền và có các vùng biển kèm theo như Trung Quốc đã tuyên bố được. Tất cả các vấn đề này đã được Toà Trọng tài giải thích rõ ràng trong Phán quyết năm 2016.
Thứ tư, khi khẳng định các “yêu sách biển quá đáng” của mình, Trung Quốc đã hàm ý hạn chế các quyền và sự tự do, bao gồm quyền hải hành và tự do hải hành cho tất cả các quốc gia khác. Hoa Kỳ phản đối các yêu sách biển dẫn đến sự mở rộng các quyền lợi biển này của Trung Quốc, mà Trung Quốc luôn khẳng định là tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS.
Tương đồng quan điểm
Hoa Kỳ cũng lưu ý thêm là các chính phủ, bao gồm: Philippines, Việt Nam và Indonesia đã có các công hàm riêng rẽ cũng để phản đối các yêu sách biển của Trung Quốc được thể hiện trong công hàm CML/14/2019 ngày 12/12/2019. Hoa Kỳ cũng yêu cầu Trung Quốc thực hiện các yêu sách phù hợp với luật quốc tế, trong đó có UNCLOS và Trung Quốc cần tuân thủ Phán quyết năm 2016 của Toà Trọng tài, cũng như dừng lại các hoạt động khiêu khích trên biển Đông.
Philippines đã gửi công hàm ngày 6/3/2020; Việt Nam gửi công hàm ngày 30/3/2020.
Mới đây, ngày 26/5/2020, Indonesia cũng đã gửi công hàm lên Liên Hợp Quốc để phản đối yêu sách biển của Trung Quốc.
Cho đến nay, cả 4 quốc gia Philippines, Việt Nam, Indonesia, Hoa Kỳ đã chính thức thể hiện quan điểm về vấn đế này. Theo đó, cả 4 quốc gia trên đều tập trung phản đối cái gọi là “yêu sách đường lưỡi bò” của Trung Quốc được thể hiện dưới dạng “quyền lịch sử” và quyền đối các vùng biển dựa trên các nhóm cấu trúc trên biển Đông.
Ngoài ra, cả 4 quốc gia này đều tỏ ý thừa nhận và viện dẫn các giải thích từ Phán quyết năm 2016 của Toà Trọng tài trong Vụ Philippines kiện Trung Quốc.
Malaysia dù chưa đưa ra quan điểm chính thức, nhưng với Báo cáo thềm lục địa mở rộng ngày 12/12/2019 cũng mang hàm ý tuân thủ Phán quyết năm 2016.
Với việc đưa ra quan điểm vào thời điểm này, Hoa Kỳ dường như gửi đi một thông điệp quan trọng đó là Hoa Kỳ ủng hộ và sát cánh cùng các quốc gia ASEAN để chống lại các yêu sách quá đáng của Trung Quốc, các yêu sách này đi ngược lại luật biển quốc tế, bao gồm cả UNCLOS và Phán quyết năm 2016.
Việt Nam cần làm gì?
Đây là lần đầu tiên Hoa Kỳ lên tiếng chính thức thông qua việc gửi công hàm lên Liên Hợp Quốc để ủng hộ lập trường của các quốc gia ASEAN trong việc chống lại các yêu sách biển phi lý cũng như các hành động hung hăng, hiếu chiến của Trung Quốc trên biển Đông.
Đây cũng có thể hiểu là một tín hiệu từ Hoa Kỳ thể hiện, đặc biệt đối với Việt Nam – quốc gia đã gặp rất nhiều sự khiêu khích, quấy rối từ Trung Quốc trên biển Đông, rằng Hoa Kỳ sẽ và muốn thúc đẩy quan hệ với Việt Nam lên một tầm cao mới. Chúng ta còn nhớ, gần đây, Mỹ đã mời Việt Nam tham dự vào cuộc tập trận “Vành đai Thái Bình Dương”. Ngoài ra, báo chí cũng cho biết Việt Nam đã được đánh tiếng mời vào nhóm “The Quad Plus” (Bộ Tứ mở rộng). Một chuyên gia cũng cho biết, Mỹ muốn cho máy bay P8 được xuất hiện trên bầu trời Việt Nam như một chỉ dấu cho việc tăng cường quan hệ “ngoại giao quốc phòng” đối với Việt Nam. Tuy nhiên, thái độ của Việt Nam vẫn còn chần chừ vì “sợ oai hùm” từ Bắc Kinh.
Nếu Việt Nam thực sự muốn thoát khỏi “sự đe doạ” từ Trung Quốc, thì đây chính là một thời điểm thật sự thích hợp để Việt Nam có thể chuyển mình, tạo những bước đi và thế đứng mới trước một Trung Quốc “hung hăng và xấu xí”.
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/us-diplomatic-note-about-scs-06032020111442.html
Điểm tin trong nước sáng 3/6:
Mỹ gửi công hàm đến LHQ
bác yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông
Tâm Minh – Tâm Tuệ
Mục điểm tin trong nước sáng ngày 3/6 của Đại Kỷ Nguyên xin gửi đến quý độc giả những nội dung chính sau:
Mỹ gửi công hàm đến LHQ bác yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông
Rạng sáng hôm thứ Tư (3/6), viết trên mạng xã hội Twitter, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo thông báo Mỹ vừa gửi công hàm đến Liên Hiệp Quốc bác bỏ yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông, khẳng định yêu sách của Trung Quốc “không phù hợp với luật pháp quốc tế”, tờ Tuổi trẻ trích dẫn.
Công hàm này đề ngày 1/6/2020, do Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Kelly Craft gửi Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres.
Bà Craft nêu rõ công hàm của Mỹ nhằm đáp lại công hàm CML/14/2019 của phái đoàn thường trực Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc.
Động thái này được xem là tiếng nói chính thức của Mỹ, và là sự tiếp nối của một loạt các công hàm phản đối Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc về vấn đề Biển Đông, kể từ khi Bắc Kinh gửi công hàm phản đối một nội dung liên quan của Malaysia.
Cụ thể, trước đó phía Trung Quốc vào ngày 12/12/2019 đã gửi công hàm CML/14/2019 lên Ủy ban về Ranh giới thềm lục địa (CLCS), với nội dung phản phản đối bản đệ trình xin công nhận thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý của Malaysia.
Mỹ cho rằng trong công hàm nêu trên, phía Trung Quốc đã trình bày những yêu sách quá mức, không phù hợp với luật quốc tế – vốn dĩ được phản ánh trong Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982.
Bên cạnh đó, bà Craft cũng cho rằng những yêu sách ấy “mang mục đích can thiệp phi pháp vào quyền và tự do của Mỹ và tất cả các nước khác”. Vì vậy “Mỹ cho rằng cần phải nhắc lại lập trường phản đối chính thức đối với những áp đặt bất hợp pháp này”.
Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam yêu cầu ‘đề cao cảnh giác’ trên Biển Đông
Tại hội nghị giao ban tháng 5/2020 của Bộ Quốc phòng tổ chức tại Hà Nội hôm 1/6, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch được VTV và Quân đội Nhân dân trích lời nói rằng “trước những diễn biến phức tạp trên Biển Đông”, Thường vụ Quân uỷ Trung ương đã báo cáo Bộ Chính trị để “kiến nghị đối sách của Việt Nam trong tình hình hiện nay”.
Người đứng đầu Bộ Quốc phòng Việt Nam không chỉ rõ những diễn biến “phức tạp” trên Biển Đông là gì nhưng trong hơn 2 tháng qua, Trung Quốc đã tiến hành nhiều hoạt động khiến Việt Nam lo ngại và làm sự xung đột giữa Hà Nội và Bắc Kinh tăng cao. Các hoạt động này gồm đâm chìm tàu cá Việt Nam, công bố “tên tiêu chuẩn” cho hàng chục đảo đá và thực thể địa lý trên Biển Đông sau khi tuyên bố thành lập “quận Tây Sa” và “quận đảo Nam Sa”, và gần đây nhất là trồng và thu hoạch rau ở Hoàng Sa. Việt Nam đã lên tiếng cũng như trao công hàm phản đối các hành động mà Hà Nội cho là vi phạm chủ quyền Việt Nam và luật pháp quốc tế của Trung Quốc.
Vị đại tướng đứng đầu bộ Quốc phòng yêu cầu quân đội Việt Nam “đảm bảo trong bất luận hoàn cảnh nào cũng không để bị động, bất ngờ, sẵn sàng về phương án” để “đảm bảo đấu tranh thắng lợi, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền lãnh thổ.”
Bộ Công an sẽ làm dứt điểm 5 đại án và vụ vay nặng lãi qua phần mềm
Theo Tuổi Trẻ, ông Tô Ân Xô – Chánh văn phòng Bộ công an, tại cuộc họp báo thường kỳ của Chính phủ chiều 2/6 cho biết: Bộ Công an từ nay đến cuối năm sẽ làm dứt điểm 5 đại án kinh tế, liên quan đến các công ty Nhật Cường, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam, Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn, Tổng công ty Bia rượu nước giải khát Sài Gòn, dự án cải tạo và mở rộng sản xuất giai đoạn 2 – Công ty Gang thép Thái Nguyên.
Về vấn đề vay tiền lãi suất cao qua phần mềm, ông Tô Ân Xô cho hay: tội phạm tín dụng đen nằm trong “tầm ngắm” của các cơ quan công an, chiếm tới 22,6% trong nhóm các tội phạm nên Bộ Công an phải làm mạnh.
Bộ Tài chính hứa trình Thủ tướng quy định giảm 50% phí trước bạ sớm nhất
Tại cuộc họp báo Chính phủ chiều 2/6, bà Vũ Thị Mai – Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết, Nghị định giảm 50% lệ phí trước bạ cho ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước, sẽ được ban hành theo trình tự rút gọn, hồ sơ dự thảo đã hoàn thành, đang lấy ý kiến các đơn vị thuộc Bộ Tài chính, theo VnExpress.
Theo quy trình, dự thảo này sau đó phải lấy xin ý kiến các bộ, ngành và sự thẩm định của Bộ Tư pháp. Sau khi tiếp thu, giải trình ý kiến Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính sẽ trình xin ý kiến Chính phủ. Tuy nhiên, do được thực hiện theo thủ tục rút gọn nên “Bộ Tài chính sẽ cố gắng tối đa để trình Thủ tướng sớm nhất văn bản này”.
Điểm tin trong nước chiều 3/6:
Truy nã Tổng giám đốc lừa hơn 700 tỷ đồng;
TAND Tối cao và VKSND Tối cao
rút hồ sơ vụ án ông Lê Hữu Phước về xem xét lại
Tâm Minh – Hiểu Minh 3 giờ trước lượt xem
Mục điểm tin trong nước chiều ngày 3/6 của Đại Kỷ Nguyên xin gửi đến quý độc giả những nội dung chính sau:
Tổng giám đốc bị truy nã vì lừa hơn 700 tỷ đồng
Bà Huỳnh Thị Ngân Trang, 37 tuổi, Tổng giám đốc Công ty cổ phần tư vấn đầu tư Sao Vàng, bỏ trốn sau khi bị tố cáo lừa hơn 700 tỷ đồng.
Bà Trang bị Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Bà Rịa – Vũng Tàu truy nã về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, theo điều 174 Bộ luật Hình sự, ngày 3/6, theo VnExpress.
Trước đó, tháng 7/2018, bà này bị khởi tố, song được tại ngoại vì nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi. Đầu tháng 3 năm nay, bà Trang bỏ trốn.
Liên quan đến vụ án, Phạm Thị Thu Hà (quản lý quỹ đầu tư Sao Vàng) bị khởi tố với cùng tội danh.
Công ty cổ phần tư vấn đầu tư Sao Vàng (phường 4, TP. Vũng Tàu) thành lập 2009, huy động vốn của người dân dưới danh nghĩa “hợp tác đầu tư” kinh doanh du lịch, dịch vụ, thương mại, xây dựng… nhưng thực tế gửi tiền lấy lãi 1,4-3% một tháng mà “không phụ thuộc vào kết quả kinh doanh của quỹ”.
Ban đầu, bà Trang uy tín trong việc trả lãi, gốc. Đến tháng 11/2017, công ty mất khả năng thanh toán khiến hàng trăm người kéo đến căng băng rôn đòi nợ.
Hơn 854 người tố cáo bà Trang lừa đảo số tiền hơn 700 tỷ đồng. Trong đó người ít nhất 100 triệu, nhiều nhất hàng chục tỷ đồng.
TAND Tối cao và VKSND Tối cao rút hồ sơ vụ án ông Lê Hữu Phước xem xét lại
Liên quan đến vụ việc ông Lương Hữu Phước vào tòa nhảy lầu tự tử, ngày 2/6, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Chánh Văn phòng HĐND tỉnh Bình Phước Đỗ Văn Mạnh cho biết, mới nắm được sự việc sau khi ông Phước tự tử vào chiều 29/5 qua dư luận và thông tin báo chí.
Quan điểm về vụ án thì HĐND giám sát chứ không đi sâu xem xét từng vụ việc cụ thể. Đây là nhiệm vụ của cơ quan tố tụng cấp trên.
“HĐND tỉnh cũng đã nhận được thông tin là TAND Tối cao và VKSND Tối cao đã có văn bản rút hồ sơ vụ án về cấp trên để xem xét lại. Ban Pháp chế của tỉnh đã ban hành kế hoạch giám sát tình hình thực thi pháp luật sáu tháng đầu năm. Đầu tháng 6, Ban Pháp chế sẽ làm việc với tòa án tỉnh, VKS, công an tỉnh… và sẽ hỏi thêm về vụ án này” – ông Mạnh nói.
Đề xuất thí điểm mở cho du khách quốc tế đến đảo Phú Quốc
Theo Tuổi Trẻ, Bà Trịnh Thị Thủy – Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch – cho biết đang nghiên cứu lộ trình mở cửa cho khách du lịch quốc tế, trước hết là ra đảo và có thể thí điểm ở Phú Quốc (Kiên Giang).
Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 cho rằng: “Việc khởi động lại hoạt động du lịch quốc tế chỉ triển khai khi đáp ứng đủ điều kiện và trước tiên chỉ xem xét đón khách đến từ các quốc gia đã kiểm soát được dịch bệnh và bước đầu chỉ nên tổ chức thí điểm đón khách du lịch đến một số đảo, song song với đó phải có các biện pháp bảo đảm an toàn dịch tễ cho người dân địa phương và du khách trong nước”.
Bệnh nhân phi công uống nước sau hai tháng nguy kịch
Theo Thể thao và Văn hóa, Bệnh viện Chợ Rẫy Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, sau khi áp dụng các phương án điều trị tích cực, nam phi công người Anh (43 tuổi, bệnh nhân số 91) đã tỉnh táo hoàn toàn, có thể mỉm cười, lắc đầu hoặc bắt tay với nhân viên y tế.
Đến ngày 2/6, kết quả chụp X – quang phổi của bệnh nhân cho thấy, hình ảnh xơ phổi cũng như tổn thương đông đặc phổi ở bên trái đã khá hơn rất nhiều, hơn 1/2 phổi bên trái đã cải thiện gần như hoàn toàn. Sau 2 tháng nguy kịch, tình trạng yếu liệt cơ hoành so với trước đó đã cải thiện hơn, bệnh nhân phi công đã có thể uống nước.