Tin Biển Đông – 25/05/2020
Chuyên gia Malaysia: TQ đang lợi dụng dịch Covid-19 để đẩy mạnh hành vi sai trái ở mức độ “chưa từng có tiền lệ” trên Biển Đông
Phát biểu tại Hội thảo trực tuyến về vấn đề Biển Đông với chủ đề “Đi qua những vùng biển tranh chấp” hôm 15/5, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Hàng hải eo biển Malacca Malaysia Sumathy Permal cho rằng Trung Quốc đang lợi dụng dịch bệnh Covid-19 để đẩy mạnh một loạt các hành vi sai trái ở mức độ “chưa từng có tiền lệ” trên Biển Đông.
Biển Đông đã trở thành “điểm nóng” chứng kiến những hành vi khiêu khích và gây hấn của TQ
Theo bà Sumathy Permal, từ đầu năm 2020, Biển Đông đã trở thành “điểm nóng” chứng kiến những hành vi khiêu khích và gây hấn của Trung Quốc nhằm vào các quốc gia trong khu vực. Trung Quốc đã triển khai số lượng lớn tàu tới các Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của các nước và có những hành vi khiêu khích và quấy rối nguy hiểm. Bà Sumathy Permal cũng cho biết, Trung Quốc cũng đã lợi dụng tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp tại các nước trong khu vực để tiếp tục có những hành động leo thang căng thẳng khiến cộng đồng quốc tế hết sức quan ngại mà điển hình là vụ tàu Hải cảnh Trung Quốc đâm chìm tàu cá QNg 90617 TS của Việt Nam với 8 ngư dân trên tàu ngày 2/4.
Đáng chú ý, đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc có hành vi hết sức nguy hiểm và đáng lên án như trên. Gần một năm trước đó, hồi tháng 6/2019, tàu cá mang số hiệu F/B GIMVER1 của Philippines với 22 ngư dân trên tàu cũng đã bị tàu Trung Quốc đâm chìm ở gần bãi Cỏ Rong trên Biển Đông. “Những hành vi gây hấn nói trên cùng với việc Trung Quốc từ nhiều năm qua liên tục cải tạo phi pháp các bãi đá ở Biển Đông và xây dựng các công trình trái phép trên đó, đồng thời ngang nhiên tuyên bố thành lập cái gọi là “khu Nam Sa” và “khu Tây Sa” trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam được cho là những bước đi đầy toan tính của Trung Quốc nhằm hiện thực hoá tham vọng độc chiếm Biển Đông của nước này thông qua chiến lược Biển xanh 2020, bà Sumathy Permal nhấn mạnh.
Chiến thuật của TQ là dùng tàu thuyền các loại tới vùng biển của các nước nhằm thực hiện hành vi khai thác trái phép, quấy rối, tấn công
Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Hàng hải eo biển Malacca Malaysia nêu rõ, một trong những chiến thuật chính mà Trung Quốc thường xuyên sử dụng trong suốt hơn 10 năm qua là triển khai các nhóm tàu hỗn hợp gồm các tàu cá, tàu hải cảnh và hải giám tới vùng biển của các quốc gia trong khu vực nhằm thực hiện hành vi khai thác trái phép, quấy rối thậm chí gây hấn và tấn công tàu các nước khác. Đáng lo ngại hơn, hành vi này của Trung Quốc không những duy trì liên tục trong suốt nhiều năm qua mà còn tăng cường cả về tần suất, mức độ và số lượng tàu tham gia và đã đạt ngưỡng “chưa từng có tiền lệ” trong khoảng đầu năm 2020 và dự kiến sẽ tăng mạnh trong thời gian tới khi Trung Quốc đã “rảnh tay” hơn trong việc đối phó với Covid-19.
Những giải pháp được Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Hàng hải eo biển Malacca Malaysia đưa ra
Trước những diễn biến phức tạp và khó lường trên Biển Đông trong thời gian qua, bà Sumathy Permal cho rằng, điều quan trọng nhất hiện nay là các quốc gia trong khu vực, trong đó có Việt Nam, Philippines và Malaysia, vốn chịu nhiều tác động nhất từ các hành vi sai trái của Trung Quốc, cần tiếp tục duy trì các biện pháp pháp lý và ngoại giao cứng rắn hơn nữa nhằm đối phó với Trung Quốc. Cụ thể, các nước trong khu vực đã nhất trí về một khuôn khổ pháp lý trong việc bảo vệ các tài nguyên, khoáng sản ở Biển Đông nhằm ngăn chặn những hành vi khai thác trái phép của Trung Quốc cũng như không để Trung Quốc tiếp tục có những động thái gây rối, cản trở hoạt động khai thái, đánh bắt cá và thăm dò dầu khí hợp pháp của các nước trong khu vực cùng các đối tác khác. Ngoài ra, một số quốc gia trong khu vực, dù không có tranh chấp trực tiếp ở Biển Đông như Indonesia cũng tham gia đề xuất các giải pháp và khuôn khổ pháp lý và ngoại giao để giải quyết căng thẳng ở Biển Đông.
Hiện đã có ít nhất 3 cơ chế và khuôn khổ pháp lý và ngoại giao khác nhau có sự tham gia của cả các nước có tranh chấp như Trung Quốc, Malaysia, Philippines và Việt Nam và các nước không có tranh chấp ở Biển Đông như Mỹ, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc… nhằm giải quyết tình hình căng thẳng hiện nay. Tuy nhiên, bà Sumathy Permal cho rằng, các khuôn khổ pháp lý và ngoại giao nói trên dù khá đầy đủ và đồng bộ nhưng vẫn chưa đủ sức buộc Trung Quốc từ bỏ tham vọng sai trái của mình. Trên thực tế, dù nhiều lần tuyên bố tôn trọng các thoả thuận hợp tác, đối thoại và tránh có các hoạt động làm leo thang căng thẳng ở Biển Đông, Trung Quốc vẫn liên tục khiến các nước trong khu vực và cộng đồng
quốc tế hết sức quan ngại về những hành vi gây hấn khiến tình hình khu vực trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết.
Thúc đẩy tiến trình đàm phán COC trong thời gian tới là rất quan trọng, song kết quả sẽ khó đoán định
Điều này cho thấy, các khuôn khổ pháp lý và ngoại giao này vẫn chưa đủ tính ràng buộc pháp lý cần thiết để buộc Trung Quốc chấm dứt những hành động sai trái của mình. Tương tự như vậy, Tuyên bố về Ứng xử của các Bên ở Biển Đông (DOC) dù đã được Trung Quốc và ASEAN thông qua năm 2012 và được coi là một văn kiện quan trọng trong việc duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông vẫn chưa thể phát huy hết tác dụng bởi cũng không mang tính ràng buộc.
Trong khi đó, việc đẩy nhanh tiến trình đàm phán thông qua Bộ Quy tắc Ứng xử của các Bên ở Biển Đông (COC), với tính ràng buộc pháp lý cao, được kỳ vọng sẽ ngăn ngừa căng thẳng tại những khu vực tranh chấp ở Biển Đông lại đang gặp rào cản lớn cũng do đại dịch Covid-19 khiến các cuộc đàm phán về COC không thể diễn ra trực tiếp theo lộ trình đã được các bên nhất trí thông qua. “Tôi vẫn cho rằng, việc tiếp tục thúc đẩy tiến trình đàm phán COC trong thời gian tới là rất quan trọng. Tuy nhiên, kết quả đàm phán có thể sẽ rất khác biệt so với trước đây nếu xét đến những gì đang diễn ra trên thực địa để đảm bảo rằng sự thành công trong việc thông qua COC là một kết quả xứng đáng với những nỗ lực và quyết tâm chính trị của các nước tham gia đàm phán”, bà Sumathy Permal nêu rõ.
Mỹ tăng cường hiện diện ở Biển Đông
nhằm ngăn chặn TQ quấy phá
Trong bối cảnh Mỹ đang phải chịu ảnh hưởng, tổn thất nặng nề nhất do đại dịch COVID-19 gây ra, nhưng nước này đang phải gồng mình tăng cường hiện diện ở Biển Đông nhằm ngăn chặn các hoạt động phi pháp của Trung Quốc trong khu vực.
Theo số liệu thống kê đến ngày 21/5, Mỹ hiện là nước đang bị đại dịch COVID-19 “tàn phá” nặng nề nhất, với 1,58 triệu người nhiễm COVID-19, trong đó có 93.806 ca tử vong. Bên cạnh đó, nền kinh tế Mỹ cũng đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Theo thống kê, chỉ số sản xuất công nghiệp trong tháng 03/2020 giảm hơn 6 %. Trong hơn 70 năm qua, lần đầu tiên tập đoàn chế tạo máy bay Boeing tuyên bố đóng cửa “vô hạn định các nhà máy” ở Seattle. General Electric đối tác không thể thiếu của Boeing sa thải 10 % nhân sự do các hoạt động trong ngành hàng không tại Hoa Kỳ giảm 95 %. Cũng chưa bao giờ các nhà máy xe hơi tại Mỹ đồng loạt đóng cửa từ ngày 18/03/2020 và đây là một lĩnh vực bảo đảm công việc làm cho 1,3 triệu Mỹ. Thêm một thước đo lường khác về đà sa sút tại Mỹ là mức tiêu thụ xăng dầu quay trở về với thời điểm của năm 1968 ! Hàng chục nhà sản xuất dầu đá phiến nhỏ bé tại Mỹ không tránh khỏi việc tuyên bố phá sản vào lúc dầu đá phiến mất 37 % trị giá trong vòng một tháng. Lớn hơn một chút, là các tập đoàn như Diamond Offshore ở Texas, Whiting Petrolium- Bắc Dakota … đã mất khả năng thanh toán. Ngay cả đến những ông vua dầu hỏa của Hoa Kỳ như ExxonMobil hay Chevron cũng phải “cắt giảm triệt để” các khoản chi tiêu. Theo thăm dò 27/04/2020 do hiệp hội quy tụ các doanh nghiệp Mỹ trên toàn quốc NABE thực hiện, tất cả những người được hỏi đều cho biết “doanh thu và đầu tư đã giảm mạnh nhất kể từ khủng hoảng tài chính 2008 tới nay”. 30 % trong số này cho rằng “tình trạng đen tối đó còn tiếp diễn trong từ 3 đến 6 tháng nữa”. 17 % trong số những người được tham khảo y kiến đã phải sa thải nhân viên, 31 % tạm thời cho nhân viên “nghỉ phép” với hy vọng công ty hay cửa hàng được phép mở cửa lại trong “một vài ngày nữa”. Ngân hàng Bank of America dự báo GDP của Mỹ trong quý 2/2020 giảm 30 % và tổng sản phẩm nội địa Hoa Kỳ sẽ thấp hơn so với của năm ngoái hơn 10%.
Tuy nhiên, Mỹ vẫn không quên nhiệm vụ gìn giữ hòa bình, ổn định khu vực và bảo vệ lợi ích chiến lược ở châu Á – Thái Bình Dương. Trong khi số lượng và tần suất hoạt động của các tàu tình báo, giám sát và trinh sát của Mỹ gần như không thay đổi, khoảng hàng trăm hoạt động mỗi năm dọc theo bờ biển Trung Quốc thì các hoạt động quân sự khác đã tăng lên. Trong quý 1-2020, Không quân Mỹ đã điều số lượng máy bay hoạt động trên biển Đông nhiều gấp 3 lần so với bất kỳ quý nào của năm 2019. Hải quân Mỹ đã tiến hành 4 chiến dịch bảo vệ tự do hàng hải ở biển Đông trong quý đầu năm, trong đó có hai đợt diễn ra trong hai ngày liên tiếp. Con số này của cả năm 2019 là 8 chiến dịch. Hồi tháng 4, tàu tuần dương tên lửa dẫn đường USS Bunker Hill, tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Barry và tàu tấn công đổ bộ USS America đã tập trận với một tàu khu trục Australia gần nơi xảy ra tranh chấp giữa Trung Quốc và Malaysia về hoạt động thăm dò dầu khí. Tới tháng Năm, tàu chiến USS Montgomery và tàu tiếp vận
USNS Cesar Chavez thuộc Hạm đội Thái Bình Dương của hải quân Mỹ cũng đã hoạt động gần tàu thăm dò West Capella của Malaysia. Và gần đây nhất, hôm 12/5, tàu tấn công ven bờ USS Gabrielle Giffords (LCS 10) thuộc lớp Independence của hải quân Mỹ cũng có mặt ở phía nam Biển Đông và gần tàu thăm dò West Capella.
Theo giới học giả, Mỹ tăng cường hiện diện ở Biển Đông xuất phát từ nhiều yếu tố. Theo ông Mark J. Valencia, một học giả tại Viện Nghiên cứu Biển Đông tại thành phố Hải Khẩu của Trung Quốc, hoạt động tăng cường hiện diện quân sự của Mỹ trên Biển Đông được cho là Mỹ không thể dung thứ cho sự bành trướng của Trung Quốc. Ngoài ra, sự xuất hiện liên tiếp của các tàu chiến Mỹ trên vùng biển chiến lược như Biển Đông là dấu hiệu cho thấy sự xuống cấp cơ bản của mối quan hệ Mỹ – Trung. Trong khi đó, ông Shi Yinhong, cố vấn của Quốc vụ viện Trung Quốc tin rằng, Mỹ – Trung “thực chất đang rơi vào Chiến tranh Lạnh kiểu mới” và mối quan hệ hai nước đang dần thay đổi trong vài tháng qua. Nói cách khác, việc thổi bùng những căng thẳng vốn tồi tại ở Biển Đông chỉ là một phần trong tổng thể mối quan hệ xuống cấp giữa hai nước liên quan tới vấn đề thương mại, an ninh mạng, Đài Loan, trật tự thế giới và cạnh tranh tầm ảnh hưởng ở châu Á. Một giả thuyết khác được đưa ra là Mỹ tăng cường phô trương sức mạnh quân sự trên Biển Đông nhằm phản ứng trước việc Trung Quốc cố tình phớt lờ những yêu cầu trước đó về việc từ bỏ các hành động ngang ngược và bành trướng ở vùng biển chiến lược như đưa ra những tuyên bố chủ quyền phi lý, xây dựng các đảo nhân tạo, quân sự hóa trái phép cũng như điều động nhóm tác chiến tàu sân bay qua Biển Đông để thị uy.
Bên cạnh đó, ông Timothy Heath tại Viện Rand Corporation nhận định, tăng cường hoạt động của quân đội Mỹ một phần là vì những nỗ lực ngoại giao nhằm giải quyết bất đồng giữa Mỹ – Trung đã thất bại. Điều này buộc Mỹ “không còn lựa chọn nào khác” là phải tăng cường hoạt động để chứng minh, “Mỹ thực sự nghiêm túc trong việc duy trì vị trí quốc tế của Biển Đông và sẵn sàng thực hiện những cam kết đã đưa ra với các đồng minh”.
Một số chuyên gia cho rằng, động thái của Mỹ là nhằm duy trì trật tự quốc tế trên Biển Đông. Cụ thể, trong tuyên bố hôm 7/5, Đô đốc John Aquilino, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ cho biết, “Mỹ cam kết duy trì trật tự dựa trên các quy định ở Biển Đông. Chúng tôi sẽ tiếp tục bảo vệ các quyền tự do trên biển và quy định luật pháp”. Cũng theo ông Aquilino, “Trung Quốc phải chấm dứt hành động bắt nạt các nước Đông Nam Á để độc chiếm dầu mỏ, khí đốt và đánh cá ở ngoài khơi. Hàng triệu người dân trong khu vực đang phụ thuộc vào các nguồn tài nguyên này để sinh sống”.
Cũng có giả thuyết tin rằng, Mỹ liên tiếp điều động máy bay và tàu chiến là nhằm phản ứng trước việc Trung Quốc tăng cường sự hiện diện quân sự vốn bị xem là mối đe dọa tới Đài Loan. Theo đó, máy bay quân sự Trung Quốc ít nhất là 6 lần trong năm nay đã áp sát không phận Đài Loan, buộc quân đội Đài Loan điều động chiến đấu cơ lên đường xua đuổi. Thậm chí, nhóm tác chiến tàu sân bay Liêu Ninh còn hai lần hoạt động sát đảo Đài Loan trong tháng Tư. Cũng trong tháng Tư, Chiến khu miền Nam của quân đội Trung Quốc đã tiến hành sứ mệnh tuần tra và chống ngầm trên khu vực Biển Đông. Trung Quốc cho biết mục đích của cuộc tập trận là để đối phó trước những hành động và nỗ lực của Mỹ nhằm “thu thập thông tin tình báo”.
Cũng có ý kiến nhận định việc tăng cường hoạt động quân sự của Mỹ trên Biển Đông còn nhằm chứng minh quân đội Mỹ luôn sẵn sàng hoạt động trong khu vực bất chấp dịch Covid-19 khiến tàu sân bay USS Theodore Roosevelt phải nằm bờ. Thậm chí, hôm 1/5, Mỹ đã điều động 4 máy bay ném bom hạng nặng B-1B cùng hàng trăm binh sĩ tới đảo Guam để tiến hành “sứ mệnh ngăn chặn” Trung Quốc.
Trên thực tế, Mỹ tăng cường hiện diện ở Biển Đông là nhằm bảo vệ lợi ích, an ninh của Mỹ và các đồng minh trong khu vực; duy trì hòa bình, ổn định tuyến đường hàng hải, hàng không ở châu Á – Thái Bình Dương và ngăn chặn các hoạt động bành trướng, trái pháp luật của Trung Quốc trên biển.
Trung Quốc chối không lợi dụng COVID-19
để bành trướng ở Biển Đông
Minh Hòa
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị hôm 24/5 bác bỏ cáo buộc rằng Bắc Kinh đang lợi dụng dịch virus corona để mở rộng kiểm soát ở Biển Đông.
Theo hãng tin AP, ông Vương nói rằng những cáo buộc như vậy là “hoàn toàn vô lý”, đồng thời đổ lỗi cho Mỹ và các đồng minh đã phá hoại sự bình ổn trong khu vực.
Ông Vương phát biểu: “Những hành động xấu xa và đê hèn của họ là nhằm gieo rắc bất hòa giữa Trung Quốc với (các nước Đông Nam Á) và làm suy yếu sự ổn định trong khu vực mà khó khăn lắm mới đạt được”.
Nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc đưa ra tuyên bố này, sau khi các nguồn tin khác nhau nhận định rằng Bắc Kinh đang tranh thủ thời điểm các nước bận ứng phó với dịch virus Vũ Hán để tăng cường hiện diện ở Biển Đông.
Hồi tháng 4, trang tin News.com.au của Australia nhận định: “Trong khi sự chú ý của thế giới đang tập trung vào cuộc khủng hoảng tàn khốc virus corona, Trung Quốc đang triển khai một kế hoạch hung hăng để giành kiểm soát một khu vực trọng yếu”.
Có chung nhận định tương tự, The Foreign Policy hồi tháng 5 bình luận rằng Bắc Kinh đang thực thi chính sách liều lĩnh, gia tăng áp lực lên các nước láng giềng với tham vọng thống trị toàn bộ Biển Đông.
Theo AP, một cuộc nghiên cứu cho biết các quốc gia Đông Nam Á đang cắt giảm chi tiêu quốc phòng vì khủng hoảng kinh tế gây ra bởi đại dịch Vũ Hán. AP nhận định điều này có khả năng mở ra cơ hội cho Trung Quốc tiếp tục thúc đẩy yêu sách của mình.
Aristyo Rizka Darmawan, một chuyên gia an ninh hàng hải tại Đại học Indonesia, cho biết: “Chẳng hạn, Indonesia đã tuyên bố sẽ cắt giảm ngân sách quốc phòng trong năm nay xuống gần 588 triệu USD. Thái Lan cũng đã cắt giảm lượng phân bổ cho quốc phòng xuống 555 triệu USD. Malaysia, Việt Nam và Philippines đều phải đối mặt với áp lực tương tự”.
Chuyên gia này nhận định trong bài bình luận đăng trên Viện Lowy, một cơ quan nghiên cứu của Australia: “Ngân sách quốc phòng ít hơn luôn đồng nghĩa với việc tuần tra trên biển ít hơn”.
Cũng hôm 24/5, ông Vương Nghị đưa ra lời hăm dọa đối với nỗ lực kiện tụng Bắc Kinh của giới chức Hoa Kỳ và những quốc gia khác liên quan đến những thiệt hại do virus Vũ Hán gây ra.
“Nếu các vị muốn xâm phạm chủ quyền và nhân phẩm của Trung Quốc bằng việc kiện tụng bừa bãi, cướp đoạt thành quả làm việc chăm chỉ của nhân dân Trung Quốc, tôi e rằng đây là nằm mơ giữa ban ngày và các vị sẽ chỉ tự làm bẽ mặt mình”, ông Vương tuyên bố.
https://www.dkn.tv/the-gioi/trung-quoc-choi-khong-loi-dung-covid-19-de-banh-truong-o-bien-dong.html