Tin Biển Đông – 20/05/2020

Cac Bai Khac

No sub-categories

Hải quân, Không quân Mỹ liên tiếp hành động để đẩy lùi Trung Quốc ở Biển Đông

Trong tháng 5 này, lực lượng tàu ngầm thuộc Hạm đội Thái Bình Dương, Hải quân Hoa Kỳ, tuyên bố rằng tất cả các tàu ngầm tiền phương của họ đều đồng loạt tiến hành “các hoạt động ứng phó dự phòng” ở Tây Thái Bình Dương để hậu thuẫn chính sách “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở” của Lầu Năm Góc.

Động thái này là để chống lại chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông, đồng thời cũng phần nào bác bỏ quan niệm cho rằng Hải quân Hoa Kỳ đã bị suy yếu vì đại dịch virus corona chủng mới đang diễn ra, theo National Interest.

Trung Quốc trong khoảng 2 tháng gần đây bị cáo buộc là gia tăng việc củng cố các đảo nhân tạo và “bắt nạt” các quốc gia khác trong khu vực giữa lúc phần lớn thế giới tập trung vào chống đại dịch.

Tàu ngầm Mỹ đến Biển Đông

National Interest dẫn lại một phóng sự của Honolulu Star-Advertiser cho hay ít nhất 7 tàu ngầm Mỹ, nhưng cũng có thể nhiều hơn, trong đó có 4 tàu ngầm tấn công đóng quân ở đảo Guam, tàu USS Alexandria đóng quân ở San Diego và các tàu đóng quân ở Hawaii, tham gia vào hoạt động biểu dương sức mạnh của hải quân Hoa Kỳ trong khu vực, đồng thời cũng cho thấy rõ rằng Lầu Năm Góc có thể tiến hành các hoạt động linh hoạt và không thể đoán trước được.

Thông thường, ít khi người ta nhìn thấy các tàu ngầm Mỹ. Vì vậy, khi Hải quân Hoa Kỳ quảng bá về sự hiện diện của lực lượng tàu ngầm, điều đó có nghĩa là Hải quân Hoa Kỳ có chủ ý đưa ra một thông điệp với đối phương. Ngoài ra, trong trường hợp này, động thái của Mỹ cũng có thể nhằm thể hiện rằng Mỹ vẫn linh hoạt tuy phải đối phó với đại dịch.

Hải quân Mỹ tuyên bố rằng các tàu ngầm của họ đang tiến hành huấn luyện sẵn sàng chiến đấu và sử dụng các khả năng tác chiến trong lòng biển để hỗ trợ cho một loạt các nhiệm vụ.

“Lực lượng tàu ngầm của chúng tôi đã chứng minh hết lần này đến lần khác là họ sẵn sàng hoạt động mọi lúc, mọi nơi”, Tư lệnh Lực lượng tàu ngầm, Chuẩn Đô đốc Hạm đội Thái Bình Dương Hoa Kỳ Blake Converse nói, theo bản tin của National Interest.

Ông khẳng định: “Lực lượng tàu ngầm của Hạm đội Thái Bình Dương vẫn có sức mạnh chết chóc, đa năng và sẵn sàng chiến đấu ngay tối nay”.

Tàu ngầm được xem là một phần quan trọng trong việc duy trì cán cân sức mạnh ở khu vực Tây Thái Bình Dương bao gồm Biển Hoa Đông và Biển Đông, và lực lượng tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) của Hải quân Hoa Kỳ vẫn là trọng tâm trong kho vũ khí hạt nhân của Mỹ.

Ba trong số các tàu ngầm thuộc Hạm đội 7 của Hoa Kỳ đã tham gia một cuộc tập trận tác chiến tiên tiến trong tháng này ở Biển Philippines, trong đó bao gồm thực hiện các hoạt động an ninh hàng hải, kịch bản chiến đấu trên mặt nước và trong lòng biển.

Lực lượng tàu ngầm Thái Bình Dương của Mỹ có năng lực tác chiến chống ngầm, chống hạm, tấn công chính xác vào các mục tiêu trên mặt đất, hoạt động tình báo, do thám, trinh sát và cảnh báo sớm, cũng như có khả năng tác chiến đặc biệt và răn đe chiến lược trên toàn thế giới.

“Hoạt động của chúng tôi là một minh chứng rằng chúng tôi sẵn sàng bảo vệ lợi ích và quyền tự do của chúng ta theo luật pháp quốc tế”, Chuẩn Đô đốc Blake Converse, chỉ huy lực lượng tàu ngầm Thái Bình Dương, đóng quân ở Trân Châu Cảng, nói trong một thông cáo hôm 8/5.

Tàu sân bay USS Theodore Roosevelt tái xuất

Sức mạnh của Hải quân Mỹ tiếp tục hồi phục với việc tàu sân bay Theodore Roosevelt sẽ ra khơi trở lại vào cuối tuần này, trước ngày lễ Chiến sĩ Trận vong 25/5, các quan chức Hải quân cho biết hôm thứ 19/5, được Fox News dẫn lại.

Trước đó, dịch virus corona làm chiếc tàu chiến khổng lồ bị loại khỏi vòng chiến đấu trong gần hai tháng vì hơn 1.000 thủy thủ có kết quả xét nghiệm dương tính.

Kể từ khi tàu sân bay này phải quay về cảng, Trung Quốc dường như đã lợi dụng tình hình và tăng cường quấy rối quân đội Hoa Kỳ cũng như các đồng minh của Mỹ trong khu vực trong bối cảnh đại dịch toàn cầu, bản tin của Fox News viết.

Kể từ giữa tháng 3, cùng thời điểm tàu sân bay Mỹ tấp vào đảo Guam, các máy bay chiến đấu của Trung Quốc đã quấy rối máy bay trinh sát Mỹ ít nhất 9 lần trên Biển Đông, ông Reed B. Werner, Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng chuyên trách Đông Nam Á, nói trong một cuộc phỏng vấn với Fox News.

Các hành vi khiêu khích của Trung Quốc đã không chỉ diễn ra trên trời.

Ông Werner cũng nhắc đến vụ quấy rối đối với tàu khu trục mang tên lửa có điều hướng USS Mustin đóng quân ở Nhật Bản hồi tháng trước khi tàu này ở gần một nhóm tàu sân bay tấn công của Trung Quốc đang tuần tra qua Biển Đông. Một tàu hộ tống của Trung Quốc đã chạy “một cách không an toàn và không chuyên nghiệp” gần tàu của Mỹ, ông Werner nói với Fox News.

Trong một cuộc phỏng vấn với AP hôm 18/5, nói từ tàu sân bay USS Theodore Roosevelt, Thuyền trưởng Carlos Sardiello bày tỏ rằng ông tự tin về khả năng con tàu sẽ có thể thực hiện nhiệm vụ sau 2 tháng tạm dừng hoạt động ở đảo Guam.

Ông nói: “Tôi nghĩ rằng chúng tôi đã chuẩn bị các điều kiện để có xác suất thành công cao, chúng tôi sẽ ra khơi và thực hiện nhiệm vụ của mình”, theo tin của AP.

Các quan chức khác của Mỹ không muốn nêu tên cho AP biết trong vài ngày tới nếu mọi việc suôn sẻ, tàu sân bay USS Theodore Roosevelt sẽ tiến hành các hoạt động hải quân ở khu vực Thái Bình Dương trong một khoảng thời gian trước khi trở về cảng nhà ở San Diego.

Không lực Hoa Kỳ nhập cuộc

Không lực Hoa Kỳ cũng không đứng ngoài cuộc, theo tin của South China Morning Post. Quân chủng này của Mỹ gần đây tăng cường các chuyến bay bằng máy bay ném bom B-1B Lancer bên trên các vùng biển gần Trung Quốc.

Các chuyến bay đó diễn ra giữa lúc cả Hải quân lẫn Không quân Mỹ đều gia tăng các hoạt động quân sự ở Biển Đông, Biển Hoa Đông, Eo biển Đài Loan và Hoàng Hải trong năm nay.

South China Morning Post dẫn lại thông báo mới nhất của Không lực Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương đăng trên Twitter hôm thứ Ba 20/5 cho biết các máy bay ném bom B-1 đã thực hiện một phi vụ ở Biển Đông, chỉ vài ngày sau khi huấn luyện cùng Hải quân Hoa Kỳ gần Hawaii.

Phi vụ này “thể hiện độ tin cậy của lực lượng không quân Hoa Kỳ để xử lý một môi trường an ninh đa dạng và bất định”.

Không lực Hoa Kỳ đã triển khai 4 máy bay ném bom B-1B và khoảng 200 lính không quân từ Texas đến căn cứ không quân Andersen ở đảo Guam vào ngày 1/5. Không lực Hoa Kỳ cho biết việc điều động này là nhằm hỗ trợ cho Không lực ở Thái Bình Dương và để tiến hành huấn luyện và hoạt động với các đồng minh và đối tác.

Không lực Hoa Kỳ đã điều hai chiếc B-1B Lancer tiến hành chuyến bay hai chiều kéo dài 32 giờ ở bên trên Biển Đông vào ngày 29/4.

Lực lượng này luân phiên triển khai các máy bay ném bom B-1, B-2 và B-52, ba loại máy bay ném bom chiến lược của không quân, bên cạnh các máy bay quân sự khác bay qua vùng biển tranh chấp gần Trung Quốc.

Ông Song Zhongping, một nhà bình luận về các vấn đề quân sự, có văn phòng ở Hong Kong, được South China Morning Post dẫn lời nói rằng các chuyến bay thường xuyên của B-1 và B-52 không chỉ nhằm thể hiện sự hiện diện của quân đội Mỹ mà còn là những cuộc thao dượt hướng tới những trận chiến tiềm tàng trong tương lai.

“B-1, đang dần thay thế B-52, cần phải bay quanh vùng biển để biết rõ các điều kiện chiến trường”, ông nói.

“Trung Quốc và Hoa Kỳ ngày càng lún sâu vào một cuộc cạnh tranh toàn diện và tình hình còn xấu hơn thời Chiến tranh Lạnh Xô-Mỹ. Không thể loại trừ rủi ro xung đột quân sự ở Biển Đông và Eo biển Đài Loan. Và các nguy cơ vẫn đang tăng lên”, ông Song nói.

https://www.voatiengviet.com/a/hai-quan-khong-quan-my-lien-tiep-hanh-dong-de-day-lui-trung-quoc-o-bien-dong/5427692.html

 

Cuộc đối đầu West Capella,

 bước tiến trong chính sách Biển Đông của Mỹ

Thụy My

« Một cuộc đối đầu năm nước » vừa qua đã diễn ra xung quanh một giàn khoan của Malaysia trên Biển Đông, giữa lực lượng Malaysia, Trung Quốc, Việt Nam, Hoa Kỳ và Úc. Trang War On The Rocks ngày 18/05/2020 phân tích trong bài « Học được gì trên Biển Đông qua phản ứng của Hoa Kỳ trong vụ đối đầu West Capella ».

Chiến dịch West Capella

Khi tập đoàn dầu khí Petronas của Malaysia thuê giàn khoan West Capella để khai thác tại vùng biển chồng lấn mà Malaysia và Việt Nam cùng yêu sách chủ quyền, Trung Quốc bèn điều chiếc tàu Hải Dương Địa Chất 8 (Haiyang Dizhi) cùng với một đoàn tàu hải giám và dân quân biển đến (địa điểm West Capella hoạt động nằm bên trong đường lưỡi bò do Bắc Kinh vẽ ra).

Đáp lại, Hoa Kỳ duy trì sự hiện diện gần West Capella trong gần một tháng. Trước hết là tàu tuần duyên tác chiến USS Gabrielle Giffords đã từng được điều đến khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương từ tháng 9/2019, nay tuần tra từ ngày 26 đến 28/04. Ngày 29/04, hai oanh tạc cơ B-1B của Không quân Mỹ cất cánh từ căn cứ Ellsworth ở South Dakota, tiến hành phi vụ 32 tiếng đồng hồ trên Biển Đông.

Chưa đầy một tuần sau, chiến hạm USS Montgomery và USNS Cesar Chavez lên đường tuần tra trong khu vực (USS Montgomery là tuần dương hạm thứ hai được điều đến từ Singapore). Các oanh tạc cơ B-52 và B-2 thực hiện nhiệm vụ răn đe chiến lược ở khu vực mà Bộ tư lệnh Châu Âu và Ấn Độ-Thái Bình Dương chịu trách nhiệm vào ngày 07/05. Ngày 08/05, thêm hai oanh tạc cơ khác cất cánh từ căn cứ Guam, bay qua Biển Đông. Theo ít nhất một báo cáo, các phi vụ được tiến hành ở gần West Capella, và các phi cơ này thuộc phi đội viễn chinh thứ 9.

Lực lượng tàu ngầm Thái Bình Dương ngày 08/05 loan báo tất cả các tàu được triển khai trong chiến dịch phòng bị. Vì tàu ngầm chỉ hoạt động dưới nước, để nhấn mạnh thêm thông điệp, Đệ thất hạm đội tung ra bức ảnh một chiếc tàu ngầm đang nổi lên trên mặt biển. Kèm theo là thông báo ba tàu ngầm này cùng với các chiến hạm và chiến đấu cơ tiến hành tập trận tại Biển Philippines ngày 09/04.

Hải quân Mỹ cũng có hai hoạt động tuần tra vì tự do hàng hải và di chuyển ngang eo biển Đài Loan vào thời kỳ này. Cuối cùng, khi West Capella đã hoàn thành nhiệm vụ, chiếc USS Gabrielle Giffords đi qua một lần cuối.

Lực lượng phối hợp của Mỹ đã chứng tỏ năng lực chiến đấu tại Biển Đông và Biển Hoa Đông, giữa các phương tiện đã được triển khai trước đó và lực lượng được điều gấp từ Hoa Kỳ.

Vì sao lại đơn phương hành động ?

Xuất hiện đầy ấn tượng, nhưng vì sao Hoa Kỳ không phối hợp với các đối tác trong khu vực, đặc biệt là Malaysia ?

Trong nhiều năm qua, Malaysia vẫn im lặng trước những hành động lấn lướt của Trung Quốc trên biển, do cựu thủ tướng Mahathir Mohamad cho rằng Biển Đông « không nên có những chiến hạm lớn ». Malaysia ngại đối đầu trực diện với Trung Quốc, vừa do lực lượng hải quân yếu, vừa do kinh tế quá lệ thuộc vào thị trường Hoa lục.

Malaysia duy trì các yêu sách quá đáng, đi ngược lại với Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), mà Hoa Kỳ từng thách thức qua các chuyến tuần tra vì tự do hàng hải trước đó. Khi lực

lượng Mỹ tiến về phía nam, các chính khách và cơ quan quốc phòng Malaysia không chắc chắn là để giúp mình hay lại phản ứng trước các yêu sách. Tác giả bài viết cho rằng lẽ ra có thể tránh được sự nhập nhằng này.

Hoa Kỳ đã cung ứng mạng lưới thông tin an toàn cho Malaysia thông qua Sáng kiến An toàn Hàng hải Ấn Độ-Thái Bình Dương, và chắc cũng đã trang bị mạng lưới tương tự trên đất liền cũng như các chiến hạm. Trong khi việc hợp tác trên biển có thể gây rủi ro với một số đối tác như Malaysia, vụ West Capella là cơ hội tốt cho việc chia sẻ thông tin và hình ảnh qua mạng lưới mà Hoa Kỳ đã đầu tư, nhưng Mỹ đã bỏ qua.

Một cách giải thích khác cho sự thiếu phối hợp, là Hoa Kỳ cho rằng Malaysia sẽ rất dè dặt, nên cứ tự mình hành động. Tại Biển Đông, chính quyền Malaysia luôn đứng bên lề trong khi các đối tác khác của Mỹ ngày càng kiên quyết hơn. Thế nên có thể hoạt động rầm rộ của Hoa Kỳ nhắm đến một công chúng rộng rãi trong khu vực, hơn là chỉ nhằm vào Malaysia.

Việt Nam và Indonesia đã chứng tỏ không ngại ngần đầy lùi các khiêu khích của Trung Quốc trên Biển Đông, và theo lời đồn đãi thì Việt Nam có thể kiện Trung Quốc ra trước tòa quốc tế. Đây là thời điểm tốt để Hoa Kỳ công khai bày tỏ sự ủng hộ các nước trong khu vực. Không một bên yêu sách chủ quyền nào quên được sự do dự của chính quyền Obama khi Trung Quốc xâm chiếm bãi cạn Scarborough của Philippines, thế nên càng cần phải xóa nhòa đi ký ức tệ hại này, vào lúc Hoa Kỳ muốn chứng tỏ là người bảo đảm an ninh cho khu vực.

Bắc Kinh dịu giọng trước sự hiện diện quân sự rầm rộ của Mỹ

Ngoài tuyên truyền của đảng Cộng Sản Trung Quốc, không có bằng chứng nào cho thấy hoạt động của lực lượng viễn chinh Mỹ làm trầm trọng thêm tình hình gần tàu khoan dầu West Capella. Một khu trục hạm lớp 052 B Guangzhou của Trung Quốc đã đi ngang khu vực này cùng lúc với chiến hạm USS Mỹ, nhưng nhìn chung, phản ứng của Bắc Kinh trước sự hiện diện của Mỹ khá khiêm tốn. Bộ Ngoại Giao Trung Quốc thông báo không có sự đối đầu nào gần West Capella, và tình hình Biển Đông « cơ bản ổn định ».

Với sự tham gia của Úc, các tuyên bố của Mỹ ngày càng mạnh hơn. Ban đầu bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ lên tiếng ủng hộ mạnh mẽ các nước ASEAN, đồng thời tố cáo những hành động hiếu chiến của Trung Quốc trên Biển Đông ngày 22/04. Bộ Quốc Phòng có phần chậm chạp hơn trong tuyên truyền. Chuyến hải hành đầu tiên của USS Gabrielle thậm chí còn không được trực tiếp nêu ra, trong thông cáo báo chí không ghi rõ nơi làm nhiệm vụ là Biển Đông.

Tuy nhiên đến đầu tháng Năm, các thông cáo cho biết cụ thể các oanh tạc cơ, chiến hạm và tàu ngầm được triển khai cùng với máy bay không người lái. Ngày 06/05, lực lượng Hải quân Thái Bình Dương loan báo việc tuần tra cùng với Úc, bị ngưng vì đại dịch virus corona, sắp được tái lập. Điều này chứng tỏ có sự phối hợp giữa bộ Ngoại Giao và Quốc Phòng, kể cả Bộ tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương, Bộ chỉ huy chiến lược Hoa Kỳ (USSTRATCOM), Đệ thất hạm đội và các lực lượng tác chiến trực thuộc.

Bài học rút ra từ chiến dịch West Capella

Sau khi tàu khoan dầu West Capella kết thúc hợp đồng và rời khỏi khu vực tranh chấp, vụ này cần được coi là một bước tiến trong cách thức của Mỹ nhằm đối đầu với Trung Quốc và trấn an các đồng minh. Một sự hiện diện hiệu quả của nhiều lực lượng cùng với công tác tuyên truyền sẽ phải là căn bản cho các tiến triển trong tương lai. Tuy nhiên Hoa Kỳ cần phải thông tin rõ hơn để tránh cho các đối tác khỏi lo ngại, đồng thời tạo cơ hội hợp tác.

Nhìn lại vụ đối đầu West Capella vừa qua, rõ ràng Hoa Kỳ đã chứng tỏ năng lực phối hợp chiến đấu trước thái độ hiếu chiến của hải quân Trung Quốc. Chiến dịch phối hợp kéo dài nhiều tuần lễ của lực lượng viễn chinh Mỹ đã dập tắt những chỉ trích là Hoa Kỳ chỉ « dạo chơi » trong khu vực.

Tuy không được Malaysia « mời » vào, nhưng rõ ràng Mỹ đã chứng tỏ quyết tâm đối phó với sự bành trướng trên biển của Trung Quốc, vào thời điểm gay gắt nhất. Chỉ có Hoa Kỳ mới phối hợp được giữa các lực lượng từ các căn cứ trong nước và hải ngoại để đáp ứng ngay lập tức hoặc dài ngày, nhằm hỗ trợ cho các đồng minh và đối tác. Chỉ đáng tiếc là không được thông tin rõ, gây băn khoăn cho các nước liên quan.

Câu khẩu hiệu « ủng hộ tự do hàng hải và hàng không » thường được sử dụng đã trở nên nhàm tại Ấn Độ-Thái Bình Dương. Phó đô đốc Bill Merz, chỉ huy trưởng Đệ thất hạm đội đưa ra một thông điệp cụ thể hơn : « Hoa Kỳ ủng hộ các nỗ lực của các đồng minh và đối tác trong việc theo đuổi hợp pháp các lợi ích kinh tế của họ ».

Tờ báo kết luận, cho dù một loạt các hoạt động trên là một bước tiến trong chính sách của Mỹ về Biển Đông, không thể có thành công thực sự nếu không có sự cam kết và ủng hộ đáng kể đối với các quốc gia yêu sách chủ quyền trong khu vực, trong cuộc chiến đấu nhằm bảo vệ lợi ích kinh tế biển và chủ quyền.

http://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20200520-cu%E1%BB%99c-%C4%91%E1%BB%91i-%C4%91%E1%BA%A7u-west-capella-b%C6%B0%E1%BB%9Bc-ti%E1%BA%BFn-trong-ch%C3%ADnh-s%C3%A1ch-bi%E1%BB%83n-%C4%91%C3%B4ng-c%E1%BB%A7a-m%E1%BB%B9

 

Lịch sử đã từng chỉ ra, TQ chưa từng có chủ quyền

đối với Hoàng Sa, Trường Sa

Sau khi yêu sách “chủ quyền” theo “đường chín khúc” bị Tòa Trọng tài thường trực quốc tế (PCA) bác bỏ do không có cơ sở cả về pháp lý và thực tiễn, Trung Quốc thay đổi thủ đoạn bằng cách chuyển qua đưa ra yêu sách “Tứ Sa” nhằm khẳng định chủ quyền của họ đối với hơn 90% diện tích Biển Đông, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Gần đây, bước đi mới nhất của họ nhằm “hiện thực hóa” yêu sách này là ngang nhiên công bố lập hai quận “Tây Sa” và “Nam Sa” quản lý Hoàng Sa và Trường Sa, trực thuộc cái gọi là “thành phố Tam Sa”. Tiếp đó, Bắc Kinh còn “bày” ra chuyện công bố “danh xưng tiêu chuẩn” cho 80 thực thể địa lý ở Biển Đông kèm theo kinh độ, vĩ độ của chúng. Điều đáng chú ý là, trong những thực thể mà họ “liều mạng” đặt tên, có những bãi cạn nằm sâu trong Vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, có điểm chỉ cách bờ biển hoặc đường cơ sở của Việt Nam khoảng 50 hải lý. Những hành động trên là sự “leo thang” phi pháp và mù quáng trong mưu đồ “độc chiếm” Biển Đông của Bắc Kinh. Và nó không thể “khoác” cho Bắc Kinh “cái áo” là đang thực hiện “quyền lịch sử” của mình được, bởi trong lịch sử, chính Trung Quốc chưa bao giờ có chủ quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa.

Nói về sự phi pháp và mù quáng của Trung Quốc trong tuyên bố đòi hỏi chủ quyền vô lý ở Biển Đông thì có rất nhiều tài liệu, văn bản, tuyên bố… đã vạch ra và đỉnh cao là Phán quyết của PCA năm 2016 liên quan đến vụ kiện Trung Quốc của Philippines và những quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982). Không ai là không biết hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền lâu đời của Việt Nam. Nhưng có lẽ ít người biết được là dưới góc độ lịch sử, chính bản thân chính quyền các triều đại Trung Quốc đã từng tuyên bố Hoàng Sa và Trường Sa không thuộc chủ quyền của Trung Quốc và cũng ra sức chối bỏ trách nhiệm thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo này. Xin trích dẫn những chứng cứ lịch sử sau đây để tất cả “bàn dân thiên hạ” được rõ.

Vừa qua, nhà xuất bản Fushosha của Nhật Bản đã phát hành cuốn sách “Những điều người Nhật Bản đang hiểu lầm về lịch sử cận, hiện đại Đông Nam Á” của Phó giáo sư Shin Kawashima, nguyên giảng viên Đại học Tokyo, Nhật Bản. Trong cuốn sách trên, tác giả đã chỉ ra hai tư liệu lịch sử quan trọng, thừa nhận chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông do các nhà hàng hải châu Âu đưa ra từ thế kỷ XVI.

Tư liệu lịch sử thứ nhất là tấm bản đồ “India Orientalis” (Đông Ấn Độ) được nhà hàng hải Hà Lan tên là Jodocus Hondius (1563-1612) lập nên từ thế kỷ XVI, trong đó cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa được vẽ nối liền với nhau như hình một mũi dao và được đặt tên chung là Paracel. Vùng bờ biển miền Trung Việt Nam đối diện với hai quần đảo này được đặt tên là Costa de Paracel. Điều này chứng tỏ tác giả bản đồ, ông Jodocus Hondius đã ghi nhận sự liên hệ mật thiết giữa lãnh thổ Việt Nam với Paracel.

Tư liệu lịch sử thứ hai được học giả người Nhật Bản đề cập chính là tấm bản đồ “Siam and the Malay Archipelago” do The Times Atlas – Printing House Square xuất bản tại London, Anh vào năm 1896. Trên bản đồ này đã có sự phân biệt rõ ràng giữa các đảo thuộc Paracel (quần đảo Hoàng Sa) với các đảo thuộc quần đảo Trường Sa và các đảo ven bờ biển miền Trung Việt Nam với tên gọi rất rõ ràng. Đặc biệt, trong quần đảo Trường Sa có những đảo đã được ghi tên tiếng Việt như đảo Thị Tứ, đảo Loại Ta, chứng tỏ người Việt đã quản lý, đặt tên cho các đảo này và được các nhà bản đồ học châu Âu chấp nhận và ghi tên tiếng Việt lên bản đồ.

Với hai tư liệu lịch sử quan trọng nêu trên, Phó giáo sư Kawashima khẳng định, tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông là không có căn cứ, bởi khi mà hai triều đại nhà Minh, nhà Thanh của Trung Quốc thực hiện chính sách “bế quan tỏa cảng” và cấm người dân nước mình đi thuyền ra nước ngoài nên họ không hề có tuyên bố chủ quyền nào về Paracel hay Hoàng Sa, Trường Sa. Trong khi đó, cũng

trong thời kỳ này, các nhà hàng hải châu Âu đã thừa nhận chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đưa cả tên tiếng Việt lên bản đồ.

Trước đây, một số học giả Nga cũng đã đưa ra bằng chứng lịch sử khẳng định Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Theo giáo sư, tiến sỹ Dimitry Valetinovich Mosyakov – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á, Australia và châu Đại Dương, Trưởng ban nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Viện Nghiên cứu phương Đông, Viện Hàn lâm khoa học Nga, trong bài viết “Chính sách của Trung Quốc đối với các nước Đông Nam Á và ảnh hưởng của nó tới an ninh và cân bằng lực lượng ở châu Á – Thái Bình Dương”, đăng trên tạp chí “Bình luận phương Đông mới”, đã đưa ra bằng chứng, cứ liệu lịch sử chứng minh, vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, Trung Quốc đã từng tự phủ nhận chủ quyền của họ đối với Hoàng Sa và Trường Sa.

Đó là, vào những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ XIX, chiếc tàu vận tải của Đức có tên “Bellona” và tàu vận tải “Imega Maru” của Nhật Bản chở hàng hóa cho Vương quốc Anh, trong đó chủ yếu là đồng kim loại làm nguyên liệu, nhưng bị chìm tại vùng nước nông gần cụm đảo An Vĩnh thuộc quần đảo Hoàng Sa. Sau vụ đắm tàu này, số đồng chở trên hai chiếc tàu bị chìm lại được phát hiện thấy ở đảo Hải Nam của Trung Quốc chứ không nằm dưới hai con tàu. Sở dĩ như vậy là do dân Trung Quốc trên lục địa khi biết hai con tàu trên “bị chìm” đã ra “trấn lột” hàng hóa và “hôi của”. Theo luật hàng hải quốc tế, số đồng nguyên liệu này mặc dù bị chìm nhưng vẫn thuộc sở hữu của nước Anh. Do đó, Công sứ Anh nhầm tưởng nơi tàu chìm là vùng lãnh hải của Trung Quốc nên đã gửi công hàm chính thức phản đối nhà cầm quyền Trung Quốc khi đó về việc cướp bóc hàng hóa của Anh trên hai con tàu bị chìm. Đáp lại công hàm chính thức cáo buộc trên của Công sứ Anh, Bộ Ngoại giao Trung Quốc lúc đó chính thức ra tuyên bố: “Trung Quốc không chịu trách nhiệm về việc cướp bóc hàng hóa trên hai con tàu bị đắm vì quần đảo Hoàng Sa không thuộc chủ quyền của Trung Quốc”.

Đấy là hai trong số nhiều tài liệu, chứng cứ của các chuyên gia nước ngoài vạch ra sự phủ định về chủ quyền của Trung Quốc ở Hoàng Sa và Trường Sa. Điều đáng nói hơn, khả tín hơn là chính tư liệu lịch sử của Trung Quốc cũng đã đề cập đến hai vụ tàu đắm mà giáo sư, tiến sỹ Dimitry Valetinovich Mosyakov nói đến trong bài viết trên, nhưng nội dung còn cụ thể, rõ ràng hơn, mang tính pháp lý hơn. Đó là:

Trong khoảng thời gian hai năm 1895 – 1896, tại khu vực biển quần đảo Hoàng Sa liên tục xảy ra hai vụ đắm tàu. Một vụ là tàu của Đức, con tàu mang tên Bellona và một vụ là tàu của Nhật Bản, tàu Imegi Maru. Cả hai con tàu này đều mua bảo hiểm của Anh nên khi nghe tin dân đánh cá Trung Quốc thừa cơ tàu bị nạn đã ra cướp bóc, “hôi của” trên tàu, công ty bảo hiểm và đại diện chính phủ Anh ở Trung Quốc đã yêu cầu nhà chức trách Trung Quốc phải có trách nhiệm, nhưng họ đã từ chối với lý do: “…các đảo Paracel … không thuộc Trung Quốc… chúng không được sáp nhập về hành chính vào bất kỳ quận nào của Hải Nam …”. Như vậy là nhà đương cục Hải Nam vô can với hậu quả của vụ cướp bóc, nhưng đồng thời sự kiện này cũng cho thấy, cho đến tận cuối thế kỷ XIX, nhà chức trách ở vùng đất cực nam của Trung Quốc hoàn toàn chưa có ý tưởng gì về chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa, gần Trung Quốc hơn, chứ chưa nói đến quần đảo Trường Sa ở rất xa Trung Quốc.

Tư liệu lịch sử trên của Trung Quốc là công khai, đầy đủ và không giấu diếm được. Tất cả các nhà nghiên cứu của Trung Quốc đều biết, Vì thế, liên quan đến sự kiện này, một học giả Trung Quốc, ông Lý Lệnh Hoa thuộc Trung tâm Thông tin hải dương Trung Quốc, đã đưa ra nhận xét rất xác đáng trong tham luận đọc tại một cuộc hội thảo khoa học của chính Trung Quốc, xin lược trích như sau: “Nói đến quyền lợi ở Nam Hải, chúng ta (Trung Quốc) thường thích nói một câu là từ xưa đến nay thế này thế nọ, có lúc hứng lên còn đưa vào hai chữ thiêng liêng… Nhưng chứng cứ thật sự có sức thuyết phục chính là sự kiểm soát thực tế. Anh nói chỗ đó là của anh, vậy anh đã từng quản lý nó chưa? Người ở đó có phục tùng sự quản lý của anh không? Có phải người khác không có ý kiến gì không? Nếu đáp án của những câu hỏi này đều là “có” thì anh thắng là điều chắc. Ở Nam Sa (tức Trường Sa), chúng ta đã không có được điều đó… Vào thời nhà Thanh, đời Hàm Phong hoặc Đồng Trị, có một chiếc tàu của Đức chở đồng đi qua vùng biển Tây Sa (tức Hoàng Sa) thì gặp cướp biển, bị cướp sạch. Theo quy tắc vận tải hàng hóa trên biển, họ phải đến gặp chính quyền sở tại để trình báo, đề nghị giúp bắt bọn cướp, đồng thời xin chính quyền nơi đó xác nhận làm bằng cứ để khi về báo cáo lại với chủ hàng và đòi hãng bảo hiểm bồi thường. Viên thuyền trưởng đưa tàu chạy đến cảng gần nhất là Du Lâm ở đảo Hải Nam, trình báo với quan tri phủ địa phương. Nhưng viên quan địa phương đó nói với thuyền trưởng rằng, nơi chúng ta đứng đây có tên là Thiên Nhai Hải Giác (chân trời góc biển). Đất của Thiên triều đến đây là hết rồi. Chuyện ông bị cướp ngoài biển biết là ở chỗ nào? Khu vực ông bị cướp, chúng tôi không chịu trách nhiệm, không quản được và cũng không muốn quản. Thế rồi, viên quan địa phương nói trên tống cổ vị thuyền trưởng bị cướp ra khỏi nha môn. Nhưng sự kiện đó cần phải có cái kết, nếu không về nước biết ăn nói ra sao đây với chủ hàng? Viên thuyền trưởng đành phải cho tàu chạy vào cảng Hải Phòng. Quan chức địa phương ở đó rất tốt, họ không chỉ xác nhận cho ông ta, mà còn cho tàu ra chạy mấy vòng, coi như đã truy bắt cướp.

Đó là chứng cứ gì? Đó chính là chứng cứ về sự kiểm soát và quản lý thực tế của Việt Nam. Chứng cứ này nói lên rằng, chính phủ Trung Quốc ngay từ thời triều Thanh đã không thừa nhận Tây Sa là lãnh thổ của mình, cũng không đảm trách công tác trị an ở đó. Còn chính quyền Việt Nam khi đó không những đã cho rằng Tây Sa là lãnh thổ của họ, mà còn thực thi công tác giữ gìn trật tự ở đó. Điều đó chẳng phải đã chứng minh Tây Sa từ xưa đến nay đều thuộc về Việt Nam hay sao? Nếu bạn là đại biểu đàm phán của Trung Quốc, được huấn luyện đầy đủ về luật biển và luật quốc tế, trước những chứng cứ như thế thì phải làm thế nào? Chắc chắn bạn sẽ muốn có cỗ máy thời gian để quay trở lại thời đó để bóp chết viên tri phủ kia!…”.

Lập luận rõ ràng như thế, khúc triết và công minh như thế của nhà khoa học Trung Quốc Lý Lệnh Hoa đã cho thấy, chứng cứ của chuyên gia Nga Dimitry Valetinovich Mosyakov đưa ra không hề có gì là bịa đặt.

Không những thế, việc Trung Quốc tự phủ nhận chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa còn được ghi nhận và công bố năm 1905 trong tập bản đồ mang tên “Đại Thanh đế quốc toàn đồ”, trên đó chỉ rõ phần cực nam lãnh thổ Trung Quốc tại Biển Đông là đảo Hải Nam. Rồi trong cuốn “Trung Quốc địa lý học giáo khoa thư” xuất bản năm 1906 cũng xác định, điểm cực nam của Trung Quốc là mũi Châu Nhai thuộc Hải Nam tại vĩ tuyến 18o13’. Thêm một bằng chứng lịch sử nữa là, vào giữa những năm 1930, khi Chính phủ Pháp công bố sáp nhập hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vào lãnh thổ Đông Dương, phía Trung Quốc cũng không có bất kỳ sự phản đối chính thức nào.

Trên đây chỉ là một vài chứng cứ lịch sử cho thấy, Trung Quốc chưa bao giờ thừa nhận chủ quyền của họ đối với Hoàng Sa và Trường Sa. Và chính vì thừa nhận không có chủ quyền với hai quần đảo này nên các triều đại ở Trung Quốc đâu có nghĩ đến chuyện “đặt tên” cho các đảo, đá, bãi ngầm nằm ngoài sự cai quản của họ. Logic đó là tất yếu và quá đúng. Do đó, hành động vừa qua của chính quyền Trung Quốc là hoàn toàn sai trái. Việc nước này đặt “danh xưng” cho các chủ thể địa lý trên Biển Đông chẳng qua là bước đi nhằm hiện thực hóa yêu sách “Tứ Sa”, vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế, xâm phạm chủ quyền của nước khác ở Biển Đông.

Ở tầm sâu xa hơn, cần phải chỉ ra rằng giới cầm quyền ở Bắc Kinh hiện đang cố tình không thừa nhận lịch sử và hành động đi ngược với lịch sử. Chắc chắn là thâm tâm họ đang “oán trách” các thế hệ “tiền nhân” nhà họ trong quá trình cai quản đất nước đã không “cố mà giành lấy” chủ quyền ở hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa từ trước, đặt tên cho nó, để cho con cháu bây giờ vì tham vọng “bành trướng” mà phải khổ công “cãi lấy được” và ra sức “viết lại” lịch sử bằng cách đặt tên cho những thực thể địa lý không được thừa nhận đó. Nhưng họ đâu có biết, lịch sử là lịch sử, không thể “viết lại” được và nếu làm như vậy là đem “đại bác bắn vào lịch sử”. Một ngày nào đó, “tên lửa sẽ bắn vào chính họ”. Điều đó sẽ thật là tai họa cho nước Trung Hoa.

http://biendong.net/bien-dong/34784-lich-su-da-tung-chi-ra-tq-chua-tung-co-chu-quyen-doi-voi-hoang-sa-truong-sa.html

 

Dư luận quốc tế là tấm gương phản chiếu

về tính phi pháp của lệnh cấm đánh bắt

mà TQ đơn phương áp đặt ở Biển Đông

Giới chuyên gia và người dân các nước tiếp tục lên án, chỉ trích việc Trung Quốc vừa qua ngang nhiên ban hành “lệnh cấm đánh bắt cá mùa Hè” bắt đầu được áp dụng từ 12 giờ (giờ địa phương) ngày 01/5 đến 12 giờ (giờ địa phương) ngày 16/8/2020.

“Lệnh cấm đánh bắt cá mùa Hè” được Bắc Kinh tuyên bố bắt đầu được áp dụng từ 12 giờ (giờ địa phương) ngày 1/5 đến 12 giờ (giờ địa phương) ngày 16/8. Phạm vi cấm đánh bắt trải dài từ vùng biển phía bắc Biển Đông đến 12 độ vĩ Bắc, bao gồm cả một phần vịnh Bắc Bộ và quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Lực lượng hải cảnh Trung Quốc tuyên bố 50.000 tàu cá sẽ dừng hoạt động đánh bắt trong thời gian 3,5 tháng. Lực lượng này “sẽ thực thi lệnh cấm một cách nghiêm ngặt” theo cái

gọi là “quy định và luật pháp liên quan”. Như thường lệ, Trung Quốc tuyên bố “lệnh” này “là một phần trong nỗ lực của Trung Quốc nhằm thúc đẩy phát triển ngành thủy sản bền vững và cải thiện sinh thái biển”.

Phản ứng từ giới chuyên gia quốc tế

Theo nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) tại Washington (Mỹ), việc khai thác ngao khổng lồ ở quy mô lớn và nạo vét để xây dựng đảo nhân tạo là nguyên nhân lớn dẫn đến tình trạng tận diệt sinh vật biển, mà trong số này, phải đặc biệt kể đến những hoạt động của Trung Quốc. Chuyên gia Gregory Poling, Giám đốc Sáng kiến ​​Minh bạch Hàng hải châu Á thuộc CSIS khẳng định Trung Quốc đã phá hủy khoảng 40.000 mẫu rạn san hô để xây dựng các đảo nhỏ. Ông Poling còn dẫn số liệu từ báo chí Philippines cho biết, năm ngoái, các hoạt động thu hoạch ngao khổng lồ của tàu thuyền Trung Quốc đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến các rạn san hô quanh bãi cạn ở Biển Đông.

Chuyên gia Hunter Stires của Trung tâm Nghiên cứu Lịch sử Hàng hải Mỹ John B. Hattendorf (thuộc Đại học Hải chiến Mỹ) nhận định: “Trung Quốc gây tai tiếng với việc ‘lát gạch’ trên hơn 3.200 mẫu rạn san hô để tạo ra một loạt đảo nhân tạo được quân sự hóa ở quần đảo Trường Sa”. Ông Hunter Stires nói thêm rằng hoạt động đánh bắt bằng lưới cào của các đội tàu đánh cá khổng lồ của Trung Quốc đã phá hủy những vùng đáy biển ở vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia khác. Trung Quốc thậm chí đã dùng tàu lắp hệ thống chân vịt để phá hủy các rạn san hô ở bãi cạn Scarborough (mà Philippines tuyên bố chủ quyền) với mục tiêu là đánh bắt loài ngao khổng lồ đang bị đe dọa tuyệt chủng.

Theo ông Gregory Poling của Sáng kiến ​​Minh bạch Hàng hải châu Á, khoảng 4 triệu ngư dân Trung Quốc có thể ​​sẽ tuân theo lệnh cấm của Trung Quốc, nhưng ngư dân từ các quốc gia khác sẽ không như vậy vì họ không công nhận yêu sách của Trung Quốc. Trang Benarnews dẫn lời ông Hunter Stires cho rằng đằng sau “lệnh cấm đánh bắt cá” là ý đồ của Trung Quốc tiến tới một trật tự “khép kín, không tự do và theo chủ nghĩa Đại Hán (tức là coi Trung Quốc là trung tâm của thế giới )” ở Biển Đông. Ông nói: “Để biến tầm nhìn tham vọng của mình thành hiện thực, Trung Quốc đang nỗ lực áp đặt tham vọng và luật pháp của nước mình lên ngư dân của các quốc gia khác”. Trả lời trang tin Diplomat, ông Gregory Poling cho rằng các hành vi quấy rối tại Biển Đông của Trung Quốc nhất quán với chính sách và hành vi lâu dài của nước này. Tuy nhiên, trong bối cảnh các nước đang phải bận tâm đối phó với những hậu quả nghiêm trọng của đại dịch Covid-19, hành động của Trung Quốc làm trầm trọng thêm những sự bất bình cụ thể, dù muốn hay không, cũng đều vô nghĩa.

Phản ứng từ người dân và các hiệp hội ngu nghiệp các nước

Trước lệnh cấm đánh bắt cá đơn phương của Trung Quốc, cùng với hành vi hung hăng của lực lượng bảo vệ bờ biển nước này trong những tháng gần đây, một số hiệp hội ngư dân trong khu vực đang kêu gọi chính phủ phản ứng. Tại Philiippines, các tổ chức thủy sản địa phương đã kêu gọi chính phủ Philippines không nhượng bộ hành vi “bắt nạt” này. Ông Fernando Hicap, Chủ tịch Liên đoàn các tổ chức ngư dân nhỏ, nói: “Chính phủ Philippines không nên lãng phí thời gian và chờ đợi các cảnh sát biển của Trung Quốc bắt giữ ngư dân của chúng ta”. Tại Việt Nam, Hội Nghề cá Việt Nam cho biết “Quy chế Cấm đánh bắt cá trên Biển Đông” của Trung Quốc bao gồm cả một phần vịnh Bắc bộ và quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Quy chế này xâm phạm chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và các vùng biển của Việt Nam, vi phạm các quyền và lợi ích pháp lý, gây cản trở sản xuất trên biển của ngư dân Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế; trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 và các văn bản pháp lý quốc tế liên quan. Gần đây, Trung Quốc còn ngang nhiên công bố việc thành lập hai cơ quan hành chính trực thuộc cái gọi là “thành phố Tam Sa” nhằm kiểm soát phi pháp hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Do đó, Hội Nghề cá Việt Nam kịch liệt phản đối hành động hết sức phi lý của phía Trung Quốc. Quy chế này không có giá trị pháp lý đối với các vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Ngư dân Việt Nam hoàn toàn có quyền đánh bắt trên các vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Hội Nghề cá Việt Nam đề nghị các cơ quan chức năng có biện pháp phản đối mạnh mẽ nhằm ngăn chặn, chấm dứt hành động trên của Trung Quốc; thường xuyên tăng cường các lực lượng chấp pháp trên biển để hỗ trợ và bảo vệ ngư dân Việt Nam khi hoạt động trên vùng biển của Việt Nam.

Phản ứng từ Bộ Ngoại giao các nước

Ngày 8/5, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc Trung Quốc ban hành thông báo cấm đánh bắt cá ở Biển Đông và triển khai biện pháp thực thi thông báo này, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nêu rõ: “Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa phù hợp luật pháp quốc tế. Là quốc gia ven Biển Đông và thành viên Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, Việt Nam có chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán tại các vùng biển của mình được xác lập phù hợp Công ước, đồng thời cũng được hưởng các quyền lợi hợp pháp khác trên biển theo quy định của Công ước. Việt Nam bác bỏ quyết định đơn phương này của phía Trung Quốc. Trong bối cảnh quốc tế và khu vực hiện nay, Việt Nam đề nghị phía Trung Quốc không làm phức tạp thêm tình hình Biển Đông.

Phản ứng của giới truyền thông

Giới báo chí cho rằng mặc dù lệnh cấm này của Trung Quốc đánh thẳng vào nhu cầu khai thác hải sản của ngư dân các nước trong vùng, thực tế nó cũng là một mắt xích quan trọng trong mưu đồ độc chiếm Biển Đông. Thứ nhất, Trung Quốc muốn thể hiện việc thực thi chủ quyền một cách liên tục trong vùng biển đường lưỡi bò mà Bắc Kinh tuyên bố yêu sách. Đến năm 2009, Trung Quốc đệ trình lên tổng thư ký Liên hợp quốc Công hàm số CML/17/2009 có bản đồ đường lưỡi bò. Dù yêu sách này được chứng minh “không thể chối cãi” là không có giá trị pháp lý sau phán quyết của Tòa Trọng tài 2016, Bắc Kinh duy trì “mùa cấm đánh bắt” để bảo lưu sự phi pháp của họ. Thứ hai, Trung Quốc muốn các nước “làm quen” với “mùa cấm đánh bắt”. Trong khi Trung Quốc thất thế trên mặt trận pháp lý, nước này đẩy mạnh việc sử dụng các lực lượng hải quân, hải cảnh, dân quân biển (hay tàu cá có vũ trang) để đe dọa, va đâm, ép buộc ngư dân các nước từ bỏ các ngư trường. Việc này đánh vào tâm lý để tạo thói quen đối với ngư dân các nước rằng “hễ tháng 5 về thì đừng vào Biển Đông”. Về mặt thực địa, nếu ngư dân các nước sợ hãi và tránh né thì Trung Quốc sẽ chiếm thế thượng phong, tạo đà thể chế hóa sự quản lý.

http://biendong.net/bien-dong/34783-du-luan-quoc-te-la-tam-guong-phan-chieu-ve-tinh-phi-phap-cua-lenh-cam-danh-bat-ma-tq-don-phuong-ap-dat-o-bien-dong.html