Vì sao có phong trào ‘người nghèo xin không nhận’

Cac Bai Khac

No sub-categories

Vì sao có phong trào ‘người nghèo xin không nhận’
Một áp phích tuyên truyền cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 ở Việt Nam. (Ảnh chụp màn hình Tuổi Trẻ Online)
Một áp phích tuyên truyền cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 ở Việt Nam. (Ảnh chụp màn hình Tuổi Trẻ Online)

Cuối cùng, thực tế đang chứng minh, dự đoán của công chúng: Gói hỗ trợ những cá nhân cũng như các doanh nghiệp gặp khó khăn do COVID-19, trị giá 61.580 tỉ, sẽ tạo ra đủ loại scandal – hoàn toàn chính xác.

Những diễn biến liên quan đến gói hỗ trợ này buộc người ta phải tự hỏi: Đảng viên đang giữ vai trò lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền của tất cả các cấp tại Việt Nam có tim hay không?

***

Đầu tháng tư vừa qua, chính phủ Việt Nam loan báo, ngoài hai gói hỗ trợ trị giá 280.000 tỉ đồng để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh nhằm thực hiện nhiệm vụ ‘kép’ vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế, xã hội, họ sẽ chi thêm 61.580 tỉ để giúp các cá nhân và những cơ sở kinh doanh nhỏ đang lâm vào cảnh khốn cùng do COVID-19 gây ra. Tùy trường hợp mà những đối tượng này sẽ được trợ cấp một lần 500.000 đồng hay từ 1 triệu đến 1,8 triệu đồng/tháng (1).

Lúc đó, ông Nguyễn Xuân Phúc – Thủ tướng Việt Nam, nhấn mạnh lý do tại sao phải sử dụng 61.580 tỉ làm gói hỗ trợ thứ ba: Mấy tháng nay, nhiều người khổ lắm rồi, nhiều gia đình khó lắm rồi (2).

Đáng chú ý là dù ý thức rất rõ: Nhiều người khổ lắm rồi, nhiều gia đình khó lắm rồi! – song hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam vẫn hết sức ung dung trong việc phát trợ cấp.

Chuyện chưa ngừng ở đó! Gần ba tháng sau khi chính phủ Việt Nam loan báo về gói hỗ trợ thứ ba dành cho đối tượng nghèo khổ, đã cũng như đang hết sức chật vật vì tác động của COVID-19, từ thượng tuần tháng này, mạng xã hội rồi hệ thống truyền thông chính thức bắt đầu đề cập đến sự xuất hiện của một… phong trào: Người nghèo có… đơn xin không nhận… khoản tiền mà chính phủ hỗ trợ cho họ! Dẫn đầu phong trào này là Thanh Hóa – một trong những tỉnh nhiều người nghèo nhất Việt Nam (3)!

Tuy lúc đầu, phong trào người nghèo có… đơn xin không nhận… khoản tiền mà chính phủ hỗ trợ cho họ được tuyên truyền rộng rãi như một… nghĩa cử nhưng kiểu tuyên truyền đó không làm công chúng cảm kích. Số người bày tỏ sự phẫn nộ vì phong trào bất nhân này càng lúc càng đông: Vì sao lại đề cao việc người nghèo vốn đã hết sức cùng cực do tác động của COVID-19 từ chối phúc lợi nhằm tiếp sực cho họ vượt qua nghịch cảnh?

Theo điều tra của một số cơ quan truyền thông chính thức, sở dĩ hàng chục ngàn gia đình nghèo có… đơn xin không nhận… khoản tiền mà chính phủ hỗ trợ cho họ là vì chính quyền địa phương chủ động soạn đơn và cử thuộc cấp vận động họ… ký kèm… khuyến cáo: Không ký có thể sẽ bị chính quyền địa phương loại ra khỏi danh sách hộ cận nghèo. Điều đó đồng nghĩa với việc con cái sẽ không được hỗ trợ học phí, không được vay vốn với lãi suất ưu đãi (4)…

Vấn đề trầm trọng đến mức ông Nguyễn Xuân Phúc phải lên tiếng, yêu cầu chính quyền các cấp không được ép dân ký đơn từ chối nhận tiền hỗ trợ, nếu phát hiện được sẽ xử lý nghiêm như gian lận (5).

Sau đó, chính quyền từ tỉnh đến huyện, xã của một số địa phương như chính quyền tỉnh Thanh Hóa mới chỉ đạo cán bộ cơ sở tuyệt đối không được vận động người dân từ chối nhận hỗ trợ. Chính quyền huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa mới gửi công văn hỏa tốc, tuyên bố “hủy một phần nội dung” công văn đã ban hành trước đó vì có thể khiến cấp dưới “hiểu nhầm, dẫn đến việc vận động dân chúng xin không nhận tiền hỗ trợ dành cho họ. Chính quyền xã Hải Ninh, huyện Tĩnh Gia hủy toàn bộ đơn đã in sẵn (6)…

***

Vì sao chính quyền nhiều địa phương hết sức tích cực trong việc ép dân chúng ký đơn từ chối nhận tiền hỗ trợ? Vì sao ông Nguyễn Xuân Phúc xem điều đó giống như gian lận và dọa nếu phát hiện được sẽ xử lý nghiêm như gian lận?

Câu trả lời nằm ở cách phân bổ tiền hỗ trợ và sử dụng ngân sách tại Việt Nam. Tiền hỗ trợ người nghèo vượt qua nghịch cảnh do COVID-19 gây ra dựa trên danh sách các cá nhân, gia đình thuộc diện được hỗ trợ,… mà từng địa phương đã lập.

Vì đó là… “tiền tươi”, nếu các gia đình nghèo từ chối, khoản hỗ trợ này sẽ được sung vào ngân sách địa phương. Tỉnh, huyện, xã có thể chia nhau để chi tiêu, kể cả thanh toán cho những khoản nợ do “nhậu thiếu, hát chịu”, vốn càng ngày càng khó “cấu, véo” nên dễ “mất cân đối” như đã từng xảy ra ở xã Đồng Thái, huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội (7) hoặc huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa (8) – chi phí đãi nhau và đãi cấp trên ăn nhậu, ca hát lên đến 50… tỉ đồng!

Không chỉ có thế, đợt dùng ngân sách hỗ trợ người nghèo lại bày ra thêm hàng loạt trường hợp ở nhà lầu, đi xe hơi nhưng được công nhận thuộc danh sách cần được hưởng các phúc lợi dành cho gia đình nghèo hoặc cận nghèo (9) và vì nghèo hay cận nghèo luôn có… chỉ tiêu, định mức, thành ra nhiều cá nhân, gia đình thật sự nghèo hoặc cận nghèo, cần được tiếp sức không có gì cả. Vấn nạn này trở thành trầm kha vì khi đổ bể, chỉ kiểm điểm, rút kinh nghiệm hoặc kỷ luật cán bộ thôn, xã là… xong!

VOA – 10/5/20