Tin Biển Đông – 14/05/2020
Biển Đông: Phi cơ quân sự Trung Quốc lại bị phát hiện trên Đá Chữ Thập – Trọng Nghĩa
Ảnh vệ tinh mới nhất chụp ngày 11/05/2020 vừa được chuyên san quốc phòng Anh IHS Jane’s 360 công bố, cho thấy máy bay quân sự Trung Quốc đậu trên phi đạo của Đá Chữ Thập đã được Bắc Kinh bồi đắp thành tiền đồn quân sự ở vùng quần đảo Trường Sa (Biển Đông). Đây là lần thứ hai trong vòng không đầy một tháng mà phi cơ quân sự Trung Quốc bị phát hiện tại nơi được cho là căn cứ quân sự lớn nhất của Trung Quốc tại Trường Sa.
Trên mạng Twitter ngày, 13/05, cơ quan Sáng Kiến Minh Bạch Hàng Hải Châu Á AMTI, thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế CSIS tại Washington, xác nhận rằng trên bức ảnh được Jane’s công bố là một chiếc phi cơ chống ngầm loại KJ-200, một chiếc máy bay do thám cảnh báo sớm loại KJ-500, và một chiếc trực thăng loại Z-8.
Một tháng trước đây, một số phương tiện truyền thông cũng đã tiết lộ ảnh do công ty vệ tinh ISI của Israel chụp được hôm 10/04 cho thấy hai chiếc máy bay tuần tra chống ngầm KQ-200 của Trung Quốc trên Đá Chữ Thập.
Hãng tin Mỹ Benar News chuyên theo dõi thông tin liên quan đến vùng Đông Nam Á hôm qua đã trích lời ông Sean O’Connor, chuyên gia phân tích chính của chuyên san quốc phòng Anh, cho rằng việc phi cơ tuần thám Trung Quốc được phát hiện trên Đã Chữ Thập hai lần trong vòng một tháng có thể là dấu hiệu là Trung Quốc bắt đầu cho phi cơ đặt căn cứ trên Đá Chữ Thập.
Bên cạnh đó, theo chuyên san Jane’s, một ảnh vệ tinh khác chụp hôm 03/05 vừa qua đã từng cho thấy một chiếc máy bay có hình dáng giống phi cơ vận tải quân sự Y-8 hay phi cơ tuần tra biển KJ-200, hai loại máy bay rất khó phân biệt khi nhìn từ vệ tinh xuống.
Theo giới phân tích, các diễn biến trên đây là dấu hiệu mới nhất về nỗ lực của Trung Quốc nhằm sử dụng các căn cứ trên các đảo nhân tạo mà họ bồi đắp tại Trường Sa để kiểm soát toàn bộ Biển Đông, hỗ trợ cho các hoạt động trên biển nhắm vào các nước láng giềng có tranh chấp với Trung Quốc.
Việc đưa máy bay quân sự đến Đá Chữ Thập còn nhằm củng cố cho một biện pháp hành chánh mới được Bắc Kinh đưa ra, thành lập hai quận đảo trực tiếp quản lý Biển Đông, trong đó có quận “Nam Sa”, cai quản vùng Trường Sa, mà thủ phủ được đặt tại Đá Chữ Thập.
Mỹ phô trương uy lực cả trên không lẫn trên biển
Các động thái của Trung Quốc nhằm tăng cường quyền khống chế Biển Đông như đã được Hoa Kỳ dự báo. Trong vòng một tháng nay, quân đội Mỹ đã liên tiếp tung ra các chiến dịch không quân và hải quân nhằm phô trương uy lực trên Biển Đông.
Sau vụ Trung Quốc gửi một tàu khảo sát và một đoàn tàu hộ tống hùng hậu vào vùng Biển Đông gần nơi có một tàu khoan dầu do Malaysia thuê đang hoạt động, Hải Quân Mỹ đã liên tiếp cử hai tàu cận chiến duyên hải USS Gabrielle Giffords và USS Montgomery đến tuần tra ngay tại nơi tàu khoan Malaysia hoạt động.
Hải Quân Mỹ cũng đã cử chiến hạm tiến hành chiến dịch bảo vệ quyền tự do hàng hải cả tại khu vực quần đảo Hoàng Sa (với khu trục hạm USS Barry ngày 28/04), lẫn Trường Sa (với tuần đương hạm USS Bunker Hill ngày 29/04).
Ba chiến hạm Mỹ cũng đồng thời tiến hành tập trận chung với một chiến hạm Úc ở Biển Đông.
Cũng trong thời điểm đó, không quân Mỹ đã cho oanh tạc cơ chiến lược B-1B Lancer bay tuần tra trên không phận Biển Đông nhằm khẳng định sự hiện diện của Hoa Kỳ.
Mỹ lại cho chiến hạm băng qua eo biển Đài Loan
Hải Quân Hoa Kỳ hôm nay 14/05/2020 xác nhận đã phái một chiến hạm đi qua eo biển Đài Loan. Sự kiện diễn ra một tuần trước ngày tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn làm lễ nhậm chức cho một nhiệm kỳ thứ hai.
Trong một thông báo đăng trên Facebook, Hạm Đội Thái Bình Dương của Hoa Kỳ cho biết là khu trục hạm có trang bị tên lửa dẫn đường USS McCampbell đã đi qua eo biển giữa Đài Loan với Trung Quốc đại lục vào hôm qua, 13/05, kèm theo một số ảnh chụp.
Bộ Quốc Phòng Đài Loan cũng loan báo thông tin trên, và cho biết thêm là chiến hạm Mỹ đi về phía nam.
Giới quan sát đã gắn liền động thái trên đây của Mỹ với sự kiện bà Thái Anh Văn sẽ tuyên thệ nhậm chức tổng thống Đài Loan cho một nhiệm kỳ thứ hai vào thứ Tư 20/05 tới đây.
Bà Thái Anh Văn đã tái đắc cử trong cuộc bầu cử vào tháng Giêng vừa qua với một cương lĩnh chủ trương bảo vệ nền dân chủ Đài Loan và đứng lên chống lại Trung Quốc.
Cả Trung Quốc lẫn Hoa Kỳ đã tăng cường các hoạt động quân sự gần Đài Loan trong những tháng gần đây. Hải Quân Mỹ thì liên tiếp cho tàu băng qua eo biển Đài Loan, trong lúc Không Quân Trung Quốc thường xuyên tổ chức các cuộc tập trận gần đảo.
Nhiều tàu nạo vét tự hành của Trung Quốc
đang hoạt động trên Biển Đông và bị Đài Loan truy đuổi
vì khai thác cát, đá bất hợp pháp.
Hôm 12/5, tạp chí Forbes đăng hình ảnh vệ tinh cho thấy, hàng chục, thậm chí hàng trăm tàu Trung Quốc đang hoạt động bất hợp pháp và gây thiệt hại cho hệ sinh thái ở biển Đông.
Trước đó, ngày 17/4, cơ quan tuần duyên Đài Loan xác nhận đã truy đuổi 40 tàu Trung Quốc nạo vét bất hợp pháp tại một khu vực phía đông bắc Biển Đông. Các hình ảnh vệ tinh chụp ngày 13/4 cho thấy đội tàu được ví như “sát thủ môi trường biển” đang nạo vét không ngừng tại khu vực.
Đến hôm 3/5, hình ảnh vệ tinh cho thấy các tàu Trung Quốc đã trở lại khu vực bị đuổi trước đó và tiếp tục hoạt động nạo vét, khai thác cát. Mỗi tàu như vậy có thể vừa hút, vừa chở vài trăm tấn cát đá từ lòng biển nên còn được gọi là tàu nạo vét tự hành, theo Forbes.
Mỗi ngày, đội tàu Trung Quốc có thể nạo vét hơn 100.000 tấn. Phần lớn trong số này được sử dụng cho các dự án lấn biển như mở rộng sân bay Hồng Kông và có thể là các hoạt động bồi đắp, cải tạo đảo nhân tạo trái phép trên Biển Đông.
Hoạt động của các tàu nạo vét Trung Quốc là thường xuyên với quy mô hàng chục, có khi lên tới hàng trăm tàu trong cùng một khu vực, theo Forbes.
Trung Quốc đã sử dụng các tàu để nạo vét và bồi đắp các đá và các đảo nhỏ thành các đảo nhân tạo ở vùng Biển Đông và đặt trên đó các cơ sở quân sự.
Không chỉ Đài Loan, tàu Trung Quốc còn nạo vét bất hợp pháp tại Philippines. Vào tháng 8-2019, một tàu nạo vét lớn của Trung Quốc bị mắc cạn gần Aparri, Cagayan, trên bờ biển phía Bắc Philippines.
Trung Cộng tuyên bố:
việc cấm đánh bắt cá ở biển Đông,
Việt Nam không có quyền bình luận
Tin Vietnam.- Báo Trithucvn ngày 13 tháng 5 năm 2020 dẫn lại tin của Tân Hoa Xã với nội dung, ngày 11 tháng 5 vừa qua, ông Triệu Lập Kiên, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Cộng đã tuyên bố: Việt Nam không có quyền bình luận về lệnh ngừng đánh bắt cá vào mùa hè này của Trung Cộng tại Biển Đông, vì đây là biện pháp thuộc quyền hành chính của Trung Cộng.
Tuyên bố trên nhằm đáp trả lời phản đối của phát ngôn viên bộ Ngoại giao Cộng sản Việt Nam, và phản đối của Hội Nghề cá Việt Nam về lệnh cấm đánh bắt cá ở Biển Đông của Trung Cộng.
Theo Hội Nghề cá Việt Nam, Trung cộng đã cấm đánh bắt cá trên Biển Đông trải dài từ vùng biển phía Bắc Biển Đông đến 12 độ vĩ Bắc, gồm cả một phần vịnh Bắc Bộ và quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Lệnh cấm này có hiệu lực 3 tháng kể từ ngày 1 tháng 5 đến ngày 16 tháng 8 năm 2020. Phía Trung Cộng còn tuyên bố sẽ áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt nhất để thực hiện lệnh cấm.
Phía Trung Cộng cho rằng, quần đảo Hoàng Sa là vùng lãnh thổ không thể tranh cãi của Trung Cộng, và Trung Cộng có quyền tài phán tại khu vực này theo luật quốc tế và luật pháp của Trung Cộng nên luật cấm trên là phù hợp với cả luật Trung Cộng và luật quốc tế.
An Nhiên