Tin Biển Đông – 10/05/2020
Hải quân TQ ngang ngược tập trận tác chiến ở khu vực quần đảo Trường Sa của Việt nam
Giới chức Trung Quốc cho biết, hải quân nước này vừa tiến hành diễn tập hộ tống qua vùng biển quanh quần đảo Trường Sa của Việt Nam sau khi hoàn tất chiến dịch huấn luyện chống hải tặc ở khu vực vịnh Aden ngoài khơi Somalia.
Báo Quân đội Trung Quốc – PLA Daily, đưa tin đội tàu gồm tàu khu trục Taiyuan và Jingzhou đã thực hiện bài tập cứu tàu bị hải tặc tấn công và phối hợp hoạt động chống hải tặc ở khu vực quần đảo Trường Sa, đi qua eo biển Miyako và kênh Bashi. Được biết, đội tàu hộ tống số 35 vào Biển Đông sau khi kết thúc chuyến diễn tập chống cướp biển trên vịnh Aden vào cuối tháng 4. Đội tàu này gồm 690 quân nhân và 2 trực thăng hỗ trợ cho 2 tàu Taiyuan và Jingzhou. Theo sĩ quan hải quân Trung Quốc, đội tàu Trung Quốc tập trung vào các bài tập chiến đấu để nâng cao khả năng phản ứng trên biển và trên không.
Không chỉ diễn tập chống cướp biển, PLA Daily (04/5) cho biết, các máy bay chống ngầm thuộc Chiến khu miền Nam của quân đội Trung Quốc đã tiến hành sứ mệnh tuần tra và chống ngầm trên khu vực Biển Đông. Tờ Hoàn Cầu thời báo (5/5) đưa tin một phi công lái J-15, máy bay hoạt động trên tàu sân bay, gần đây đã tham gia cuộc tập trận được tổ chức từ cảng hải quân ở tỉnh Hải Nam (Trung Quốc), tàu chiến và một máy bay chống tàu ngầm thực hiện giám sát ở Biển Đông, nhưng không nói rõ thời gian và địa điểm. Trước đó, Cục Hải sự Hải Nam Trung Quốc (30/4) thông báo, từ 5-7/5, Trung Quốc tiến hành diễn tập quân sự trong khu vực xác định bởi tọa độ 19-37.87N/110-57.07E, yêu cầu tàu thuyền cấm qua lại khu vực trên.
Chuyên gia quân sự Wei Dongxu (05/5) cho biết, Mỹ đang điều động các máy bay trinh sát tới chuỗi đảo thứ nhất để thu thập thông tin tình báo về Trung Quốc. Do đó, theo ông Wei, để ngăn chặn Mỹ, Trung Quốc sẽ cho tăng cường thêm hoạt động và đưa ra các phản ứng. Thậm chí, Trung Quốc có thể điều động chiến đấu cơ để xua đuổi máy bay Mỹ hoặc dùng các biện pháp chiến tranh điện tử nhằm làm gián đoạn hoạt động của máy bay quân sự Mỹ. Còn theo ông Song Zhongping, chuyên gia bình luận quân sự tại Hong Kong, hải tặc đang nhân cơ hội dịch Covid-19 hoành hành để tấn công các tàu thuyền, do đó năng lực hỗ trợ của các hạm đội hộ tống càng cần được nâng cao. Hạm đội hộ tống của hải quân Trung Quốc cần tăng cường năng lực đối phó trước mối đe dọa nhằm vào các tàu được chính phủ Trung Quốc tài trợ. Điều này đồng nghĩa với việc hải đội của hải quân Trung Quốc sẽ còn tiếp tục đẩy mạnh chương trình huấn luyện.
Chuyên gia Collin Koh (Trường Quốc tế học S. Rajaratnam thuộc ĐH Công nghệ Nanyang, Singapore) nhận định cuộc diễn tập của Trung Quốc ở Trường Sa và việc họ nhắc đến đại dịch COVID-19 có vẻ hàm ý nói đến các hoạt động của Mỹ trên Biển Đông và đây là lần đầu tiên tàu khu trục Taiyuan và Jingzhou tham gia nhiệm vụ này. Do đó, đây là cơ hội để các tàu đó tiếp xúc với huấn luyện trên các vùng biển xa đến vùng Vịnh. Tuy nhiên, điểm khác biệt duy nhất lần này là việc điều tàu ra Biển Đông, khiến cuộc diễn tập ở Trường Sa có ý nghĩa mới. Bắc Kinh rõ ràng có ý định phô trương cơ bắp nhân dịp thực hiện triển khai tàu nhằm củng cố yêu sách của mình trước điều họ coi là sự can dự của Mỹ vào khu vực. Trong khi đó, chuyên gia Carl Schuster, một cựu thuyền trưởng hải quân Mỹ nhận định Trung Quốc sẽ tận dụng những thách thức từ dịch Covid-19 mà Mỹ đang phải đối mặt để tăng cường vị thế ở
Biển Đông bằng sự xuất hiện ở hiện tại và tương lai trong khu vực, giữa lúc Mỹ đang bị tê liệt. Ngoài ra, giới phân tích cũng cho rằng, thông qua những cuộc tập trận gần đây, quân đội Trung Quốc muốn nhấn mạnh dù ở bất cứ thời điểm nào, lực lượng này cũng có đủ năng lực để bảo vệ những tuyên bố chủ quyền đơn phương trên Biển Đông.
Cuộc tập trận của Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh thời gian gần đây, Mỹ liên tiếp điều chiến hạm tới Biển Đông thực hiện sứ mệnh tuần tra nhằm đảm bảo tự do hàng hải trong khu vực. Cụ thể, hồi tuần trước, hải quân Mỹ cho hay, tàu tuần dương tên lửa dẫn đường USS Bunker Hill đã “thực hiện hoạt động tự do hàng hải qua khu vực quần đảo Trường Sa và hành động này phù hợp với luật pháp quốc tế”. Ngoài ra, tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Barry cũng đã tiến hành sứ mệnh tuần tra đảm bảo tự do hàng hải gần quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam).
Đây có thể được xem là hoạt động mới nhất của Trung Quốc vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa. Hôm 18/4, Trung Quốc ngang ngược lập cái gọi là “quận Tây Sa” và “quận Nam Sa” để kiểm soát quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa. Đến ngày 19/4, Bộ Dân chính Trung Quốc ngang nhiên công bố cái gọi là “danh xưng tiêu chuẩn” cho 80 thực thể trên Biển Đông; phần lớn nằm trong quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa. Trước những hoạt động phi pháp của Trung Quốc, Việt Nam nhiều lần tuyên bố có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền của mình đối với 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Lập trường nhất quán của Việt Nam là phản đối mạnh mẽ việc thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” và các hành vi có liên quan vì đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, không có giá trị và không được công nhận, không có lợi cho quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia và gây thêm phức tạp tình hình Biển Đông, khu vực và thê giới. Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, huỷ bỏ các quyết định sai trái liên quan đến những việc làm đó, và không có những việc làm tương tự trong tương lai. Mọi hành vi xâm phạm đến chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với vùng biển của mình đều vô giá trị, không được công nhận. Việt Nam kiên quyết phản đối các hành vi trên.
Mỹ yêu cầu Trung Quốc
dừng ngay thói ‘bắt nạt’ ở Biển Đông
Tâm Tuệ
Mỹ điều 2 tàu chiến duy trì hiện diện ở Biển Đông, yêu cầu Trung Quốc ngừng hành vi “bắt nạt” các nước trong khu vực, đẩy lùi tham vọng của Bắc Kinh.
Tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế cho biết tàu khoan West Capella gần đây thường xuyên bị tàu cá, tàu hải cảnh và tàu khảo sát Địa chất Hải dương 8 của Trung Quốc quấy nhiễu. Tàu chiến Trung Quốc cũng được cho là đang hoạt động gần tàu khoan này.
Trong một tuyên bố cùng ngày, Đô đốc John Aquilino, chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ, khẳng định Mỹ “cam kết duy trì trật tự dựa trên luật lệ ở Biển Đông”.
“Trung Quốc phải chấm dứt kiểu bắt nạt các nước Đông Nam Á trong hoạt động khai thác dầu mỏ, khí đốt và đánh bắt hải sản. Sinh kế của hàng triệu người dân trong khu vực này phụ thuộc vào các nguồn tài nguyên đó”,ông Aquilino khẳng định.
Ông khẳng định rằng: “Chúng tôi sẽ tiếp tục bảo vệ tự do trên biển và thượng tôn pháp luật”.
Reuters ngày 17/4 dẫn 3 nguồn tin an ninh cho biết, tàu Địa chất Hải dương 8 của Trung Quốc bám theo tàu khoan West Capella trên Biển Đông. Tàu Địa chất Hải Dương 8 có lúc được 10 tàu Trung Quốc hộ tống, gồm các tàu hải cảnh và tàu của lực lượng dân binh.
Theo các nguồn tin, 2 chiến hạm Mỹ USS America cùng USS Bunker Hill hôm 21/4 di chuyển gần tàu Địa chất Hải dương 8 quanh khu vực hoạt động của West Capella. Trung Quốc bác cáo buộc Địa chất Hải dương 8 quấy rối West Capella và cho biết tàu khảo sát triển khai “các hoạt động thông thường”.
Bộ Ngoại giao Mỹ tháng trước chỉ trích Trung Quốc, yêu cầu Bắc Kinh “nên chấm dứt hành vi bắt nạt và kiềm chế tham gia loại hoạt động khiêu khích và gây bất ổn này”. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper tuần này cho biết “chúng ta tiếp tục chứng kiến hành vi gây hấn của quân đội Trung Quốc ở Biển Đông”, bao gồm “đe dọa tàu hải quân Philippines”, “đánh chìm tàu cá Việt Nam” và “đe dọa các quốc gia khác tham gia phát triển dầu mỏ ngoài khơi”.
Mỹ gần đây liên tục cáo buộc Trung Quốc lợi dụng đại dịch Covid-19 để thúc đẩy sự hiện diện ở Biển Đông. Trước khi đến gần tàu khoan Malaysia, Địa chất Hải dương 8 đã đi qua vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam.
Việt Nam tiếp tục bị Trung Quốc bắt nạt ở Biển Đông
Việt Nam được xem là nạn nhân trực tiếp qua 3 sự kiện gần đây nhất của Trung Quốc ở Biển Đông.
Sự kiện đầu tiên, vụ một tàu Hải Cảnh Trung Quốc đâm chìm một tàu đánh cá Việt Nam hôm 3/4 ở vùng biển tranh chấp ngoài khơi quần đảo Hoàng Sa.
Sự kiện thứ 2, diễn ra 10 hôm sau, vào ngày 13/4, khi Bắc Kinh lại cho chiếc tàu khảo sát địa chất Hải Dương Địa Chất 8 xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam (trên đường đi xuống vùng biển ngoài khơi Malaysia). Chính chiếc tàu này vào năm ngoái đã được Bắc Kinh cử đến khảo sát hàng tháng trời tại khu vực Bãi Tư Chính và vùng biển ngoài khơi miền Trung, sâu bên trong vùng thềm lục địa của Việt Nam.
Qua ngày 18/4, Bắc Kinh tuyên bố đã thiết lập quyền kiểm soát hành chính đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đang tranh chấp bằng quyết định thành lập hai quận đảo tại các khu vực này.
Phản đối suông không thay đổi được ‘hành vi xấu xa’ của Trung Quốc
Trước các hành vi gây căng thẳng của Trung Quốc, Việt Nam đã công khai phản đối, nhưng theo chuyên gia Mỹ, các tuyên bố đó vẫn không thay đổi được “hành vi xấu xa” của Bắc Kinh khi không có hành động cụ thể.
Vì vậy, câu hỏi hiển nhiên là ngoài việc công khai tỏ thái độ phản đối, Việt Nam có thể làm gì khác để kiềm chế sự quyết đoán của Trung Quốc trong tương lai?
Trong bài phân tích đăng trên chuyên san Nhật Bản The Diplomat ngày 5/5/2020, chuyên gia phân tích quốc phòng Derek Grossman thuộc RAND Corporation, giảng viên trường Đại Học Mỹ University of Southern California, một người theo dõi sát tình Biển Đông, đã cho rằng trong bối cảnh Trung Quốc không từ bỏ “thái độ xấu xa”, Việt Nam cần phải tính tới một số phương án mới để đối phó.
Vị chuyên gia này cho rằng, Việt Nam cần thắt chặt thêm quan hệ an ninh quốc phòng với Hoa Kỳ. Hà Nội hoàn toàn có thể nhờ Washington hỗ trợ thêm nếu hành vi của Bắc Kinh ở Biển Đông không thay đổi. Hà Nội có thể làm việc này dựa trên đà cải thiện quan hệ đáng kinh ngạc trong những năm gần đây với Washington, mà một cái mốc quan trọng được ghi dấu tháng Ba vừa qua khi Hàng không mẫu hạm Mỹ USS Theodore Roosevelt ghé cảng Đà Nẵng. Đấy là lần thứ 2 trong 3 năm mà một tàu sân bay Mỹ đến thăm Việt Nam.
Đông thời vị chuyện gia này nói thêm rằng, Việt Nam nên xem xét hủy bỏ tuần tra chung, không tham gia Con Đường Tơ Lụa. Đồng thời kiện Trung Quốc trước tòa án quốc tế, giảm cấp quan hệ đối tác.
https://www.dkn.tv/thoi-su/my-yeu-cau-trung-quoc-dung-ngay-hanh-vi-bat-nat-o-bien-dong.html