Trung Quốc nhìn thế giới như thế nào và chúng ta nên nhìn Trung Quốc ra sao
Trung tướng H. R. McMaster; Nguồn: Newsweek – Dịch giả: Nguyễn Bá Trạc; Nguồn: Tiếng Dân – 2020-05-03
Lời dịch giả: Tác giả bài viết này là H.R.McMaster, cựu trung tướng quân đội Hoa Kỳ, người thay thế Michael Flynn, trở thành Cố vấn An ninh Quốc gia thứ 26, phục vụ dưới thời Tổng thống Donald Trump vào tháng 2/2017, rồi từ chức và nghỉ hưu từ tháng 5 năm 2018, sau đó tiếp nhận một công tác học thuật cho Đại Học Stanford từ 2018 đến nay.
Thường được biết đến với vai trò trong Cuộc Chiến vùng Vịnh, Chiến Dịch Tự Do Bền Vững và Chiến Dịch Tự Do Iraq, ông McMaster tốt nghiệp Học viện quân sự Hoa Kỳ năm 1984, sau đó lấy bằng tiến sĩ Lịch Sử Hoa Kỳ ở Đại học Bắc Carolina. Luận án Tiến sĩ của ông chỉ trích chiến lược và lãnh đạo quân sự của Mỹ trong Chiến tranh Việt Nam và là cơ sở cho một cuốn sách của ông, nhan đề “Dereliction of Duty” (Sao Nhãng Nhiệm Vụ). Cuốn sách này được đọc rộng rãi trong quân đội Hoa Kỳ.
Sau Chiến tranh vùng Vịnh, McMaster từng là giáo sư lịch sử quân sự tại Học viện Quân sự Hoa Kỳ từ 1994 đến 1996, trở thành nghiên cứu viên tại Viện Hoover, thành viên của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại và là Chuyên viên Tư vấn cao cấp tại Viện Quốc tế trong công tác nghiên cứu chiến lược (IISS).
Bài viết này trích trong một cuốn sách của H.R.McMaster nhan đề “Battlegrounds: The Fight to Defend the Free World”, do nhà xuất bản Harper Collins phát hành. Trong cuốn sách, bài viết mang tựa đề “Trung Quốc Muốn Gì” (What China Wants).
Tạp chí The Atlantic số tháng Năm 2020 đăng tải bài này với tựa đề “Trung Quốc nhìn thế giới như thế nào – Và chúng ta nên nhìn Trung Quốc ra sao”.
***
I. Tử Cấm Thành
Ngày 8 tháng 11 năm 2017, “Không Lực số Một”, chiếc phi cơ chính thức để chuyên chở Tổng Thống Hoa Kỳ đã hạ cánh tại Bắc Kinh, đánh dấu sự khởi đầu của chuyến viếng thăm cấp nhà nước do chủ tịch Trung Quốc và chủ tịch Đảng Cộng sản, ông Tập Cận Bình tổ chức.
Từ ngày đầu tiên tôi làm cố vấn an ninh quốc gia cho Tổng thống Donald Trump, Trung Quốc đã là ưu tiên hàng đầu. Đất nước này nổi bật trong những gì Tổng thống Barack Obama đã xác định cho người kế nhiệm của ông, mà vấn đề lớn nhất trước mắt là chính quyền mới sẽ phải làm gì với các chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên. Nhưng nhiều câu hỏi khác về bản chất và tương lai của mối quan hệ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ cũng đã trỗi lên, phản ánh nhận thức khác biệt một cách cơ bản của Trung Quốc về thế giới.
Từ những ngày đầu của Đặng Tiểu Bình vào thời cuối thập niên 1970’s, các giả định chi phối cách tiếp cận của Mỹ trong mối quan hệ của chúng ta với Trung Quốc là: Sau khi được chào đón vào trật tự chính trị và kinh tế quốc tế, Trung Quốc sẽ chơi theo luật, mở cửa thị trường và tư nhân hóa nền kinh tế của họ. Khi đất nước trở nên thịnh vượng hơn, chính phủ Trung Quốc sẽ tôn trọng quyền của người dân và sẽ tự do hóa về mặt chính trị. Nhưng những giả định đó đã được chứng minh là sai.
Trung Quốc đã trở thành một mối đe dọa vì các nhà lãnh đạo của họ đang thúc đẩy một mô hình khép kín, một mô hình độc đoán – thay vì mô hình quản trị dân chủ và kinh tế thị trường tự do. Đảng Cộng sản Trung Quốc không chỉ củng cố một hệ thống nội trị kìm hãm tự do của con người và mở rộng sự kiểm soát độc đoán của nó; họ cũng đang xuất khẩu mô hình đó, dẫn đầu sự phát triển các quy tắc mới và một trật tự quốc tế mới – chúng sẽ làm cho thế giới trở nên ít tự do hơn và kém an toàn hơn.
Nỗ lực của Trung Quốc để mở rộng ảnh hưởng của họ đã bộc lộ hiển nhiên trong việc quân sự hóa các đảo nhân tạo ở Biển Đông và triển khai các khả năng quân sự gần Đài Loan và ở Biển Hoa Đông. Nhưng bản chất kết hợp các chiến lược kinh tế và chiến lược quân sự của Đảng Cộng sản Trung Quốc mới là những gì khiến họ đặc biệt nguy hiểm đối với Hoa Kỳ và các xã hội tự do cởi mở khác.
John King Fairbank, nhà sử học Harvard và cha đỡ đầu cho ngành Trung Quốc Học của người Mỹ, đã lưu ý vào năm 1948 rằng, để hiểu được các chính sách và hành động của các nhà lãnh đạo Trung Quốc, thì quan điểm lịch sử “không phải là một điều xa xỉ, mà là một điều cần thiết”. Trong chuyến viếng thăm cấp nhà nước của chúng tôi, Tập Cận Bình và các cố vấn của ông đã dựa rất nhiều vào lịch sử để truyền đạt thông điệp dự định của họ. Họ nhấn mạnh vào một số đề tài lịch sử. Họ lẩn tránh một số khác.
Phái đoàn Mỹ, trong đó có Tổng thống Trump và đệ nhất phu nhân, với Ngoại trưởng Rex Tillerson, và Terry Branstad, Đại sứ Hoa Kỳ tại Trung Quốc, đã nhận được bài học lịch sử đầu tiên khi đi thăm Tử Cấm Thành, trụ sở của các hoàng đế Trung Quốc trong 5 thế kỷ.
Chúng tôi đi cùng với Tập Cận Bình, vợ ông và một số nhà lãnh đạo cấp cao khác của Trung Quốc. Thông điệp – được truyền tải trong các cuộc trò chuyện riêng tư và các tuyên bố công khai, cũng như trên truyền hình chính thức và theo bản chất của chuyến tham quan – đều nhất quán phù hợp với bài phát biểu của ông Tập ba tuần trước tại Đại hội toàn quốc 19: Đảng Cộng Sản Trung Quốc không ngừng theo đuổi “sự trẻ trung hóa – hiện đại hóa – tuyệt vời của đất nước Trung Quốc”.
Như Tập mô tả, “trẻ trung hóa – hiện đại hóa” bao gồm sự thịnh vượng, nỗ lực tập thể, chủ nghĩa xã hội và vinh quang quốc gia, thực hiện giấc mơ của Trung Quốc. Tử Cấm Thành là bối cảnh hoàn hảo để Tập trưng bầy quyết tâm của mình đối với việc “di chuyển đến gần trung tâm của sân khấu thế giới và đóng góp nhiều hơn cho nhân loại”.
Tử Cấm Thành được xây dựng từ thời nhà Minh, là triều đại cai trị Trung Quốc từ 1368 đến 1644, một thời kỳ được coi là hoàng kim về sức mạnh kinh tế, kiểm soát lãnh thổ và thành tựu văn hóa của Trung Quốc. Chính trong triều đại này, Trịnh Hòa, một đô đốc hạm đội nhà Minh, đã thực hiện bảy chuyến đi vòng quanh Tây Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, hơn nửa thế kỷ trước khi Christopher Columbus ra khơi. Những “chiếc tàu quý báu của ông”, trong số những chiếc tàu gỗ lớn nhất từng được chế tạo, đã mang lại cống phẩm từ tất cả các nơi trên thế giới được biết đến.
Nhưng bất chấp sự thành công của bảy chuyến đi này, hoàng đế kết luận rằng thế giới không có gì để cung cấp cho Trung Quốc cả. Ông ra lệnh đánh đắm những chiếc tàu quý báu và đóng cửa các hải cảng Trung Quốc. Thời kỳ tiếp theo – đặc biệt là thế kỷ 19 và 20 – được Tập và những người khác trong giới lãnh đạo xem là thời kỳ chệch hướng bất thường trong đó các quốc gia châu Âu và sau đó, Hoa Kỳ đã thống trị về kinh tế và quân sự.
Giống như cuộc trình diễn bế mạc Thế vận hội Bắc Kinh 2008, một chương trình nhằm xếp đặt việc đổi mới công nghệ hiện đại vào bối cảnh lịch sử 5.000 năm của Trung Quốc, chuyến tham quan Tử Cấm Thành dường như có ý nghĩa của một lời nhắc nhở rằng các triều đại Trung Quốc đã từ lâu đứng ở trung tâm trái đất. Phong cách nghệ thuật và kiến trúc các cung điện đều phản ánh tín điều xã hội Nho giáo: Đó là tôn ti trật tự và sự hài hòa phù hợp nhau và phụ thuộc lẫn nhau. Hoàng đế thiết triều ở Điện Thái Hòa, tòa nhà lớn nhất trong Tử Cấm Thành. Ngai vàng được bao quanh bởi sáu cây cột vàng, chạm khắc hình rồng để gợi lên sức mạnh của một vị hoàng đế nắm giữ một nhà nước cai trị toàn thể “thiên hạ”: Mọi thứ nằm dưới gầm trời.
Trong khi những hình ảnh về chuyến viếng thăm của chúng tôi từ Tử Cấm Thành được loan truyền khắp Trung Quốc và toàn thế giới, nhằm thể hiện niềm tin vào Đảng Cộng sản Trung Quốc, thì người ta cũng có thể cảm nhận được sự bất an sâu sắc của một bài học lịch sử đã không được đề cập. Ngay chính trong thiết kế của Tử Cấm Thành, dường như đã phản ánh sự tương phản đó giữa sự tự tin mặt ngoài và sự lo sợ bên trong.
Ba hội trường lớn tại trung tâm cấm thành không chỉ nhằm gây ấn tượng mà còn để bảo vệ khỏi các đe dọa có thể đến từ cả bên ngoài và bên trong các bức tường thành. Sau khi nhà Hán kết thúc vào năm 220, các địa phận then chốt của Trung Quốc chỉ được cai trị bằng một nửa thời gian bởi một quyền lực trung ương mạnh. Và ngay cả khi đó, Trung Quốc đã phải chịu sự xâm lược của nước ngoài và bất ổn bên trong nước.
Minh Thành Tổ Chu Đệ hiệu Vĩnh Lạc, người xây dựng Tử Cấm Thành, đã quan tâm đến những nguy hiểm bên trong hơn là về khả năng của một cuộc xâm lược khác của người Mông Cổ. Để phát hiện và loại bỏ đối thủ, Minh Thành Tổ đã thiết lập một mạng lưới gián điệp phức tạp. Để tránh sự phản đối của các học giả và quan lại, ông đã chỉ đạo các vụ hành quyết, không những chỉ giết những người bị nghi ngờ là bất trung, mà còn chu diệt toàn thể gia đình họ.
Đảng Cộng sản Trung Quốc đã sử dụng chiến thuật tương tự trong nhiều thế kỷ sau đó. Giống như Tập Cận Bình ngày nay, các hoàng đế ngày xưa ngồi trên chiếc ngai vàng tinh xảo ở trung tâm Tử Cấm Thành cũng đã thực hành một phong cách cai trị chuyên quyền từ xa, mà nhược điểm là dễ bị tổn thương vì tham nhũng và các đe dọa trong nội bộ.
Người hướng dẫn chúng tôi chỉ cho chúng tôi chỗ ở trong Tử Cấm Thành của hoàng đế cuối cùng: Vua Phổ Nghi bị tước quyền vào năm 1911, lúc 5 tuổi, trong cuộc cách mạng cộng hòa Trung Quốc. Hoàng Đế Phổ Nghi thoái vị giữa “thế kỷ nhục nhã”, một giai đoạn lịch sử Trung Quốc mà Tập đã mô tả với Trump khi hai nhà lãnh đạo gặp nhau ăn tối tại Mar-a-Lago, bảy tháng trước chuyến công du của chúng tôi.
Thế kỷ của sự sỉ nhục là thời kỳ bất hạnh, trong đó Trung Quốc trải qua sự chia rẽ nội bộ, chịu thất bại trong các cuộc chiến tranh, đã nhượng bộ lớn cho các cường quốc nước ngoài và chịu đựng sự chiếm đóng tàn bạo. Sự sỉ nhục bắt đầu từ việc Vương quốc Anh đánh bại Trung Quốc trong cuộc chiến tranh nha phiến đầu tiên vào năm 1842. Nó chấm dứt với sự thất bại của quân Đồng minh và Trung Quốc trước đế quốc Nhật Bản vào năm 1945 và chiến thắng của Cộng sản trong cuộc Nội chiến Trung Quốc vào năm 1949.
Cuộc họp cuối cùng của chúng tôi về chuyến viếng thăm cấp nhà nước trong Đại lễ đường Nhân dân, là với Lý Khắc Cường, Thủ tướng Quốc vụ viện và là người đứng đầu chính phủ Trung Quốc. Nếu bất cứ ai trong nhóm người Mỹ có bất kỳ nghi ngờ nào về cái nhìn của Trung Quốc trong mối quan hệ của họ với Hoa Kỳ, thì cuộc độc thoại của họ Lý sẽ loại bỏ những mối nghi ngờ ấy. Ông ta bắt đầu bằng cách quan sát rằng Trung Quốc đã phát triển cơ sở công nghiệp và kỹ nghệ, Trung Quốc không còn cần đến Hoa Kỳ nữa. Ông bác bỏ những mối lo ngại của Mỹ đối với các hoạt động không công bằng về kinh tế và thương mại. Ông phát biểu rằng vai trò của Mỹ trong nền kinh tế toàn cầu tương lai sẽ chỉ là cung cấp cho Trung Quốc nguyên liệu thô, cung cấp nông sản và năng lượng để Trung Quốc sản xuất các phẩm vật công nghiệp và sản phẩm tiêu dùng tiên tiến trên thế giới.
Rời khỏi Trung Quốc, thậm chí tôi còn bị thuyết phục hơn trước rằng, một sự thay đổi mạnh mẽ trong chính sách của Hoa Kỳ đã quá hạn. Tử Cấm Thành được hàm ý để diễn đạt niềm tin vào việc hiện đại hóa, trẻ trung hóa của Trung Quốc và việc trở lại vũ đài thế giới với tư cách là một Vương quốc Trung tâm kiêu hãnh. Nhưng đối với tôi, nó đã phơi bày ra những nỗi sợ hãi cũng như những tham vọng thúc đẩy các nỗ lực của Đảng Cộng sản Trung Quốc nhằm mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc dọc biên giới và xa hơn nữa, và để lấy lại danh dự đã mất trong thế kỷ bị sỉ nhục. Những nỗi sợ hãi và tham vọng ấy không thể tách rời. Chúng giải thích lý do tại sao Đảng Cộng sản Trung Quốc bị ám ảnh bởi sự kiểm soát của cả bên trong lẫn bên ngoài.
Các nhà lãnh đạo của đảng tin rằng, họ có một cửa sổ hẹp về cơ hội chiến lược để củng cố sự cai trị của họ và sửa đổi trật tự quốc tế theo hướng có lợi cho họ trước khi nền kinh tế của Trung Quốc bị hỏng hụt, trước khi dân số già đi, trước khi các nước khác nhận ra rằng, đảng CSTQ đang theo đuổi việc hiện đại hoá TQ bằng phí tổn của đất nước họ, và trước các sự kiện không lường trước được như đại dịch virus corona đã phơi bày ra những nhược điểm dễ tổn thương mà đảng tạo nên trong cuộc chạy đua vượt Hoa Kỳ và hiện thực giấc mơ Trung Quốc. Đảng không có ý định chơi theo các quy tắc liên quan đến luật pháp quốc tế, thương mại hoặc mậu dịch quốc tế.
Chiến lược tổng thể của Trung Quốc phụ thuộc vào việc đồng lựa chọn và việc cưỡng bách ở trong và ngoài nước, cũng như việc che giấu bản chất ý định thực sự của Trung Quốc. Điều làm cho chiến lược này trở nên mãnh liệt và nguy hiểm là bản chất kết hợp những nỗ lực của Đảng trên toàn chính phủ, trên các ngành công nghiệp, trên giới học thuật và quân đội.
Và, trên sự cân bằng, thì các mục tiêu của Đảng Cộng sản Trung Quốc chạy ngược lại với các lý tưởng của người Mỹ và lợi ích của người Mỹ.
II. Ba cái ngạnh
Khi Trung Quốc theo đuổi chiến lược đồng lựa chọn, ép buộc và che giấu, các can thiệp độc đoán của họ đã trở nên phổ biến. Ở Trung Quốc, sự khoan dung của đảng đối với tự do phát biểu và bất đồng chính kiến là tối thiểu, đấy là nói một cách nhẹ nhàng.
Các chính sách đàn áp và thao túng ở Tây Tạng, với đa số Phật giáo, đã được biết đến. Giáo hội Công giáo và đặc biệt, các tôn giáo Tin Lành đang phát triển nhanh chóng, là mối quan tâm sâu sắc đối với Tập và đảng CSTQ. Các nhà thờ Tin Lành tỏ ra khó kiểm soát, vì sự đa dạng và phân tán chứ không tập trung của họ, thì đảng CS đã mạnh mẽ gỡ bỏ cây thánh giá khỏi đỉnh các nhà thờ và thậm chí phá hủy một số nhà thờ để làm gương.
Năm ngoái, Bắc Kinh nỗ lực thắt chặt sự kìm kẹp đối với Hồng Kông, đã làm dấy lên các cuộc biểu tình kéo dài đến năm 2020 – những cuộc biểu tình mà các nhà lãnh đạo Trung Quốc đổ lỗi cho người nước ngoài – như họ thường làm. Tại Tân Cương, phía tây bắc Trung Quốc, nơi người Duy Ngô Nhĩ (Uighurs) chủ yếu theo đạo Hồi, đảng CSTQ đã buộc ít nhất 1 triệu người phải vào các trại tập trung. (Chính phủ TQ phủ nhận điều này, nhưng năm ngoái báo ‘The New York Times’ đã phát hiện ra một loạt các tài liệu liên hệ, bao gồm cả những bài phát biểu trong phòng kín mà Tập chỉ đạo cho các viên chức cán bộ để thể hiện “tuyệt đối không thương xót”).
Các nhà lãnh đạo đảng đã đẩy nhanh việc xây dựng một nhà nước theo dõi giám sát chặt chẽ chưa từng có. Đối với 1,4 tỷ người dân Trung Quốc, tuyên truyền của chính phủ trên truyền hình và các nơi khác là một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày. Các đại học đã hủy bỏ việc giảng dạy giải thích các “quyền tự do của Tây phương”, những khái niệm về quyền cá nhân, về quyền tự do ngôn luận, về các chính phủ đại diện cho dân và việc cai trị bằng luật pháp.
Học sinh trong các đại học và trung học phải học “Tư tưởng Tập Cận Bình về Chủ nghĩa Xã hội với đặc điểm Trung Quốc cho kỷ nguyên mới”. Triết lý 14 điểm của chủ tịch là chủ đề của ứng dụng phổ biến nhất ở Trung Quốc, nó yêu cầu người dùng điện thoại phải đăng nhập bằng số điện thoại di động và tên thật của họ trước khi có thể đạt được điểm học tập bằng cách đọc các bài viết, viết những lời bình luận và làm các bài kiểm tra trắc nghiệm.
Một hệ thống “điểm tín dụng xã hội” cá nhân được đặt trên việc theo dõi mọi người lúc lên mạng, lên trực tuyến và các hoạt động khác để xác định sự thân thiện của họ đối với các ưu tiên của chính phủ Trung Quốc. Điểm “tín dụng xã hội” của người dân sẽ xác định họ có đủ điều kiện vay tiền hay không, có xin được việc làm của chính phủ hay không, có thuê nhà, mua nhà được không, có được hưởng những quyền lợi giao thông vận chuyển hay không, và nhiều thứ nữa.
Các nỗ lực của đảng nhằm kiểm soát bên trong Trung Quốc được biết đến nhiều hơn so với các nỗ lực song song của họ vượt ra ngoài biên giới Trung Quốc. Ở đây một lần nữa, sự bất an và tham vọng được củng cố lẫn nhau. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc nhắm mục tiêu là đặt ra một phiên bản hiện đại của hệ thống triều cống mà các hoàng đế Trung Quốc từng sử dụng để thiết lập quyền lực đối với các chư hầu. Theo hệ thống đó, hễ chịu phục tùng thì đổi lại, các vương quốc có thể được giao dịch mua bán và an hưởng hòa bình với đế chế Trung Quốc.
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc không ngại khẳng định tham vọng này. Năm 2010, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc đã thật sự nói thẳng ra với các đối tác của mình tại một cuộc họp của Hiệp Hội các Quốc Gia Đông Nam Á rằng: Trung Quốc là một nước lớn, và các bạn là những nước nhỏ. Trung Quốc dự định thiết lập một hệ thống chư hầu mới thông qua một nỗ lực lớn được tổ chức theo ba chính sách chồng chéo, mang tên là “Made in China 2025”, “Sáng kiến Vành đai và Con Đường”, “Hợp nhất quân sự – dân sự”.
“Made in China 2025” (Sản xuất tại Trung Quốc 2025) là chính sách được thiết kế để giúp Trung Quốc trở thành một cường quốc khoa học và công nghệ độc lập rộng lớn. Để đạt mục tiêu đó, đảng CSTQ đang tạo ra các công ty độc quyền công nghệ cao bên trong Trung Quốc và tước bỏ sở hữu trí tuệ của các công ty nước ngoài bằng những biện pháp trộm cắp và bắt buộc chuyển giao công nghệ. Trong một số trường hợp, các công ty nước ngoài buộc phải liên doanh với các công ty Trung Quốc trước khi họ được phép bán sản phẩm của họ tại Trung Quốc. Các công ty Trung Quốc này hầu hết đều có mối quan hệ chặt chẽ với đảng, thường xuyên chuyển giao sở hữu trí tuệ và kỹ thuật sản xuất cho chính phủ Trung Quốc.
“Sáng kiến Vành đai và Con đường” kêu gọi hơn 1 nghìn tỷ đô la đầu tư hạ tầng cơ sở mới trên khắp khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, Âu – Á, và hơn thế nữa. Mục đích thực sự của nó là đặt Trung Quốc vào trung tâm của các tuyến thương mại và các mạng lưới truyền thông. Mặc dù ban đầu sáng kiến này được sự đón nhận nhiệt tình từ các quốc gia nhìn thấy cơ hội tăng trưởng kinh tế, nhưng nhiều quốc gia trong số đó đã sớm nhận ra rằng, đầu tư của Trung Quốc đi kèm theo những sợi dây.
Sáng kiến Vành đai và Con đường đã tạo ra một mô hình chung của chủ nghĩa khách hàng kinh tế. Đầu tiên Bắc Kinh cung cấp các khoản vay cho các quốc gia từ các ngân hàng Trung Quốc để tài trợ các dự án hạ tầng cơ sở quy mô lớn. Một khi các quốc gia mắc nợ, đảng buộc các nhà lãnh đạo của họ phải tuân thủ chương trình nghị sự theo chính sách đối ngoại của Trung Quốc và mục tiêu thay thế ảnh hưởng của Hoa Kỳ và các đối tác quan trọng. Mặc dù các nhà lãnh đạo Trung Quốc thường mô tả các thỏa thuận này là đôi bên cùng có lợi, nhưng hầu hết trong số họ chỉ có một bên thật sự chiến thắng.
Đối với các nước đang phát triển có những nền kinh tế mong manh, Vành đai và Con đường đặt ra một cái bẫy nợ tàn nhẫn. Khi một số quốc gia không thể trả lãi cho các khoản vay của mình, Trung Quốc đổi nợ lấy vốn chủ sở hữu để giành quyền kiểm soát các cảng, sân bay, đập, nhà máy điện và mạng lưới truyền thông. Tính đến năm 2018, nguy cơ khó khăn về nợ nần đang gia tăng ở 23 quốc gia với nguồn tài chính của Vành đai và Con đường. Tám quốc gia nghèo được Vành đai và Con đường tài trợ – là Pakistan, Djibouti, Maldives, Lào, Mông Cổ, Montenegro, Tajikistan và Kyrgyzstan – đã có mức nợ không thể chịu đựng được.
Các chiến thuật của Trung Quốc thay đổi khác nhau dựa trên sức mạnh hoặc nhược điểm tương đối của các quốc gia mà TQ nhắm đến. Khi thực hiện các dự án đầu tư quy mô lớn, nhiều quốc gia có thể chế chính trị yếu kém, bị tham nhũng khuất phục, thì càng dễ bị tổn thương hơn trước các chiến thuật của Trung Quốc.
Tại Sri Lanka, tổng thống lâu năm và là thủ tướng đương nhiệm Mahinda Rajapaksa, đã gánh chịu các khoản nợ vượt xa những gì mà nước ông có thể chịu nổi. Ông đồng ý một loạt các khoản vay lãi suất cao để tài trợ cho Trung Quốc xây dựng cảng, dù không có nhu cầu gì rõ ràng cho khoản tiền vay. Dẫu đã có những bảo đảm trước đó rằng, cảng sẽ không được dùng cho mục đích quân sự, nhưng một tàu ngầm của Trung Quốc đã cập vào cảng này trong cùng một ngày Thủ tướng Nhật Shinzo Abe tới viếng thăm Sri Lanka vào năm 2014. Năm 2017, sau khi cảng bị thất bại về thương mại, Sri Lanka đã bị buộc phải ký hợp đồng cho một doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc thuê 99 năm trong một vụ hoán đổi nợ bằng vốn chủ sở hữu.
Đội tiên phong mới của Đảng Cộng sản Trung Quốc là một phái đoàn gồm các chủ ngân hàng và các quan chức của đảng, khoác những chiếc túi đựng đầy tiền mặt. Tham nhũng có khả năng tạo nên một hình thức kiểm soát mới, giống hệt như thuộc địa, mà vượt xa các tuyến vận tải chiến lược ở Ấn Độ Dương, ở Biển Đông và các nơi khác.
Chính sách Hợp nhất Quân sự-Dân sự là chính sách chuyên chế nhất trong ba cái ngạnh. Năm 2014 và sau đó một lần nữa vào năm 2017, đảng tuyên bố rằng tất cả các công ty Trung Quốc phải hợp tác trong việc thu thập thông tin tình báo. “Bất cứ tổ chức nào hay công dân nào”, theo Điều 7 Luật Tình báo Quốc gia của Trung Quốc quy định, “sẽ đều ủng hộ, hỗ trợ và cộng tác với tình báo nhà nước theo luật pháp và giữ bí mật về công việc tình báo quốc gia không cho công chúng biết”. Các công ty Trung Quốc phải làm việc cùng với các trường đại học và các đơn vị nghiên cứu của Quân đội Giải phóng Nhân dân.
Chính sách Hợp nhất Quân sự – Dân sự khuyến khích các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân mua lại các công ty có công nghệ tiên tiến hoặc các cổ phần thiểu số mạnh trong các công ty đó, để các công nghệ này không chỉ được áp dụng cho lợi thế kinh tế mà còn cả về quân sự và tình báo. Chính sách này đẩy nhanh việc theo dõi các công nghệ bị đánh cắp cho quân đội trong các lĩnh vực như không gian, không gian mạng, sinh học, trí tuệ nhân tạo và năng lượng. Ngoài hoạt động gián điệp và tấn công mạng của Bộ Công An Nhà nước, đảng còn giao nhiệm vụ cho một số sinh viên và học giả Trung Quốc tại Hoa Kỳ và tại các trường đại học và các phòng thí nghiệm nghiên cứu với công nghệ trích xuất ở các nước khác.
Đôi khi ngân quỹ quốc phòng của Hoa Kỳ lại hỗ trợ việc chuyển giao kỹ thuật công nghệ cho Trung Quốc. Một trong nhiều ví dụ là Tập đoàn Kuang-Chi, được mô tả trên truyền thông Trung Quốc là một doanh nghiệp quân sự-dân sự. Tập đoàn này được thành lập để nghiên cứu về siêu vật liệu tại Đại học Duke mà chủ yếu phần lớn là được tài trợ bởi Không quân Hoa Kỳ.
Những kẻ cắp trên không gian mạng của TQ chịu trách nhiệm về những gì mà Tướng Keith Alexander, cựu giám đốc Cơ quan An ninh Hoa Kỳ, mô tả là “vụ di chuyển tài sản lớn nhất trong lịch sử”. Bộ An ninh Nhà nước Trung Quốc đã sử dụng một nhóm tin tặc được gọi là APT10 để nhắm mục tiêu vào các công ty Hoa Kỳ trong những lĩnh vực tài chính, viễn thông, hàng tiêu dùng điện tử và kỹ nghệ y dược, cũng như các phòng thí nghiệm, các tài sản trí tuệ và dữ liệu nhạy cảm của NASA và Bộ Quốc phòng. Ví dụ, tin tặc đã thu được các thông tin cá nhân, bao gồm số An sinh xã hội, của hơn 100.000 nhân viên hải quân Hoa Kỳ.
Quân đội Trung Quốc đã sử dụng các công nghệ đánh cắp để theo đuổi các khả năng quân sự tiên tiến của nhiều loại và đẩy các công ty quốc phòng của Hoa Kỳ ra khỏi thị trường. Hãng “Cách Tân Dà -Jiàng” (DJI), nhà sản xuất máy bay không người lái của Trung Quốc kiểm soát hơn 70% thị trường toàn cầu trong năm 2017 nhờ mức giá thấp chưa từng có. Các hệ thống không người lái của họ thậm chí đã trở thành thứ máy bay không người lái thương mại mà Quân đội Hoa Kỳ sử dụng thường xuyên nhất cho đến khi chúng bị cấm vì lý do an ninh.
Hoạt động gián điệp của Trung Quốc thành công một phần vì đảng CSTQ có thể tạo ra sự hợp tác một cách khéo léo hoặc cố ý hoặc vô tình, từ các cá nhân, các công ty và các nhà lãnh đạo chính trị. Các công ty ở Hoa Kỳ, và ở các nền kinh tế thị trường tự do khác, thường không báo cáo những hành vi trộm cắp công nghệ của họ, vì họ sợ mất quyền gia nhập vào thị trường Trung Quốc, sợ gây tổn hại đến mối quan hệ với khách hàng, hoặc đưa đến những cuộc điều tra của liên bang.
Sự cưỡng bách, ép buộc, sẽ được vượt qua mà trở thành thái độ “Đồng lựa chọn” khi Trung Quốc yêu cầu các công ty phải tuân thủ thế giới quan của Đảng Cộng sản và từ bỏ những chỉ trích về các chính sách đàn áp hung hăng của họ. Khi một nhân viên của công ty Marriott sử dụng tài khoản truyền thông xã hội của công ty để bấm vào chữ “liked” mà hoan hô câu tweet ủng hộ Tây Tạng vào năm 2018, thì trang web và các ứng dụng của công ty khách sạn này đã bị chặn ở Trung Quốc trong một tuần lễ và nhân viên này đã bị sa thải với áp lực của chính phủ Trung Quốc. Vào tháng 10 năm ngoái, khi Daryl Morey, tổng quản lý của đội bóng rổ Houston Rockets, đã tweet ủng hộ người biểu tình ở Hồng Kông, thì truyền hình nhà nước Trung Quốc hủy bỏ việc phát sóng các màn đấu của đội Houston Rockets.
Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng theo đuổi một loạt các nỗ lực ảnh hưởng để thao túng những sinh hoạt chính trị trong các quốc gia mà họ nhắm đến. Các nỗ lực tinh vi của Trung Quốc đã được phát hiện ở Úc và New Zealand: TQ đã cố mua ảnh hưởng trong các đại học, mua chuộc các chính trị gia và quấy rối cộng đồng di dân Trung Quốc để biến họ trở thành những người ủng hộ Bắc Kinh.
III. Đồng cảm chiến lược
Như Hans Morgenthau từng lưu ý từ lâu, người Mỹ thường có xu hướng là chỉ nhìn thế giới liên quan đến Hoa Kỳ và cho rằng tiến trình của các sự kiện trong tương lai phụ thuộc chủ yếu vào các quyết định hoặc kế hoạch của Hoa Kỳ, hoặc sự chấp nhận của những người khác về cách suy nghĩ của chúng ta. Thuật ngữ diễn tả xu hướng này nói, đó là lòng “tự tôn chiến lược”, và nó nhấn mạnh vào những giả định có từ lâu như tôi đã đề cập trước đó: Về việc hội nhập của Trung Quốc rộng rãi đến đâu vào trật tự quốc tế sẽ có tác động tự do hóa như thế nào đối với đất nước này và thay đổi hành vi của họ trên thế giới.
Nhưng có một cách suy nghĩ khác về việc các quốc gia hành xử như thế nào, đó là sự đồng cảm chiến lược. Theo nhà sử học Zachary Shore, sự đồng cảm chiến lược bao gồm nỗ lực tìm hiểu thế giới nhìn người khác như thế nào, và những nhận thức, cũng như cảm xúc và khát vọng, ảnh hưởng đến chính sách và hành động của họ ra sao. Một cái nhìn của sự đồng cảm chiến lược, dựa trên lịch sử và kinh nghiệm, dẫn đến một loạt các giả định rất khác biệt về Trung Quốc, loạt giả định ấy là những sự thật được đưa ra bởi các sự kiện.
Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ không tự do hóa nền kinh tế hoặc tự do hóa hình thức chính phủ của họ. Họ sẽ không chơi bằng các quy tắc quốc tế thường được chấp nhận. Thay vì thế, họ sẽ cố làm suy yếu các quy tắc ấy và cuối cùng thay chúng bằng các quy tắc có lợi hơn cho họ. Trung Quốc sẽ tiếp tục kết hợp hình thức xâm lược kinh tế, bao gồm các hoạt động thương mại không công bằng, với một chiến dịch gián điệp công nghiệp bền bỉ. Về sức mạnh dự phóng, Trung Quốc sẽ tiếp tục tìm kiếm quyền kiểm soát các vị trí địa lý chiến lược và thiết lập các khu vực trọng yếu không loại trừ chỗ nào.
Bất kỳ chiến lược nào để giảm bớt mối đe dọa từ các chính sách xâm lược của Trung Quốc phải dựa trên sự đánh giá thực tế về mức tác động đòn bẫy của Hoa Kỳ và của các cường quốc bên ngoài khác đối với sự tiến hóa bên trong nội bộ Trung Quốc. Ảnh hưởng của những thế lực bên ngoài đó có giới hạn về cấu trúc, bởi vì đảng sẽ không từ bỏ các hoạt động mà họ cho là quan trọng để duy trì sự kiểm soát. Nhưng chúng ta quả thật lại có những khí cụ quan trọng, những khí cụ này hoàn toàn nằm ngoài sức mạnh quân sự và chính sách thương mại.
Điều ấy là những phẩm chất “Tự do của người Tây phương” mà người Trung Quốc coi là điểm yếu, thật sự là những sức mạnh. Tự do trao đổi thông tin, tự do trao đổi ý tưởng là một lợi thế cạnh tranh phi thường, một động cơ tuyệt vời của sự cách tân và thịnh vượng. (Một lý do mà Đài Loan được xem là mối đe dọa đối với Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc, chính là vì nước này cung cấp một ví dụ với quy mô tuy nhỏ nhưng lại hùng hồn về sự thành công của hệ thống chính trị và kinh tế tự do cởi mở, thay vì độc đoán và khép kín).
Tự do báo chí, tự do phát biểu, kết hợp với việc áp dụng luật pháp một cách mạnh mẽ, đã vạch trần ra các chiến thuật kinh doanh săn mồi của Trung Quốc từ nước này sang nước khác, và cho thấy Trung Quốc là một đối tác không đáng tin cậy. Sự đa dạng và khoan dung trong các xã hội tự do và cởi mở có thể là luông tuồng lộn xộn, nhưng chúng phản ánh khát vọng cơ bản nhất của chúng ta – khát vọng cơ bản nhất của con người – và chúng cũng tạo nên những ý nghĩa thực dụng. Sau vụ thảm sát Thiên An Môn, nhiều người Mỹ gốc Hoa vẫn ở lại Hoa Kỳ, họ là những người đứng tuyến đầu trong những công cuộc phát minh ở Thung Lũng Điện tử – Silicon Valley.
Ngoài việc tập trung vào các điểm mạnh mà đảng CSTQ coi là điểm yếu của chúng ta, còn có những bước bảo vệ rõ ràng, dứt khoát mà chúng ta phải thực hiện. Chúng bao gồm những điều sau đây:
– Nhiều trường đại học, nhiều phòng thí nghiệm nghiên cứu, nhiều công ty ở những nước coi trọng luật pháp, coi trọng quyền cá nhân nhưng lại đang cố ý hoặc vô tình tòng phạm với Trung Quốc trong việc sử dụng công nghệ để đàn áp người dân và cải thiện khả năng của quân đội Trung Quốc. Đối với những công nghệ kép (có thể sử dụng cả vào mục tiêu hòa bình hay mục tiêu quân sự), thì khu vực tư nhân nên tìm sự hợp tác mới – hợp tác với những ai có chung cam kết với kinh tế thị trường tự do, với nguyên tắc chính quyền đại diện cho dân, cai trị bằng luật pháp – chứ không hợp tác với những ai có hành động chống lại các nguyên tắc này.
Nhiều công ty hiện đang tham dự vào các liên doanh hoặc hợp tác giúp Trung Quốc phát triển các công nghệ phù hợp với hoạt động của công an, như giám sát theo dõi, trí tuệ nhân tạo và phát sinh sinh vật học. Một trong nhiều ví dụ, là một công ty có trụ sở ở Massachusetts đã bán thiết bị lấy mẫu DNA, thiết bị này đã giúp cho chính phủ Trung Quốc theo dõi người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. (Công ty này hiện đã chấm dứt việc mua bán ấy). Những công ty nào cố tình hợp tác với TQ trong nỗ lực trấn áp người dân của họ hoặc xây dựng các khả năng đe dọa quân sự của họ – những công ty ấy nên bị phạt.
– Nhiều công ty Trung Quốc trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan đến việc vi phạm nhân quyền trong nước và vi phạm các điều ước quốc tế được niêm yết trên các sàn giao dịch chứng khoán Mỹ. Những công ty này được hưởng lợi từ Hoa Kỳ và các nhà đầu tư phương Tây khác. Sự sàng lọc cứng rắn hơn ở các thị trường vốn của Hoa Kỳ, Âu châu và Nhật Bản sẽ giúp hạn chế sự đồng lõa giữa các công ty và các nhà đầu tư trong những chương trình chuyên chế độc đoán của TQ. Các nền kinh tế thị trường tự do như của chúng ta kiểm soát được phần lớn vốn của thế giới, và chúng ta có nhiều đòn bẫy hơn so với những gì chúng ta đang dùng.
– Phải chống lại việc Trung Quốc sử dụng các công ty viễn thông lớn để kiểm soát các mạng truyền thông và internet ở nước ngoài. Không còn nên có bất kỳ tranh luận nào nữa liên quan đến sự cần thiết phải bảo vệ chống lại công ty công nghệ đa quốc gia Huawei và vai trò của nó trong cơ cấu công an Trung Quốc. Năm 2019, một loạt các cuộc điều tra đã trưng ra những bằng chứng không thể tranh cãi về mối nguy hiểm an ninh quốc gia nghiêm trọng liên quan đến một loạt các thiết bị viễn thông Huawei.
Nhiều công nhân Huawei được Bộ Công An Nhà nước Trung Quốc và bộ phận tình báo của Quân đội Giải phóng Nhân dân đồng thời tuyển dụng. Các kỹ thuật viên của Huawei đã sử dụng dữ liệu di động bị chặn để giúp các nhà lãnh đạo chuyên quyền ở châu Phi theo dõi, định vị và làm câm lặng các đối thủ chính trị. Một lĩnh vực ưu tiên cho sự hợp tác đa quốc gia giữa các xã hội tự do, nên là việc phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt là truyền thông 5G, để hình thành các mạng đáng tin cậy mà bảo vệ những dữ liệu sở hữu và nhạy cảm.
– Chúng ta phải bảo vệ việc chống lại các cơ quan Trung Quốc phối hợp hoạt động ở nước ngoài như Bộ Công An Nhà nước, Bộ Công tác Mặt trận Thống nhất và Hiệp hội Sinh Viên và Học giả Trung Quốc. Đồng thời, chúng ta nên cố gắng tối đa hóa các hoạt động tương tác và trải nghiệm tích cực đối với người dân Trung Quốc. Với các biện pháp bảo vệ thích hợp, Hoa Kỳ và các xã hội tự do cởi mở khác nên xét cấp thêm thị thực và mở đường dẫn đến quyền công dân cho nhiều người Trung Quốc hơn. Người Trung Quốc có tham gia với công dân của các quốc gia tự do – là những người có nhiều khả năng nghi ngờ chính sách chính phủ của họ nhất – dù là ở nước ngoài, hay khi trở về nước.
– Hoa Kỳ và các quốc gia tự do khác nên xem các cộng đồng nước ngoài là một thế mạnh. Người Trung Quốc ở nước ngoài, nếu được bảo vệ khỏi sự can thiệp và gián điệp của chính phủ họ, thì họ có thể cung cấp được những phản biện quan trọng đối với việc tuyên truyền và thông tin sai lệch của Bắc Kinh. Các cuộc điều tra và trục xuất của cơ quan An ninh và các tác nhân khác cần được định hướng, không chỉ nhắm tới mục tiêu bảo vệ quốc gia mà còn nhắm tới bảo vệ người lưu vong Trung Quốc.
Nếu không có sự phản kháng hiệu quả từ Hoa Kỳ và các quốc gia có cùng chí hướng, Trung Quốc sẽ trở nên hung hăng hơn nữa trong việc thúc đẩy nền kinh tế nhà nước và mô hình chính trị độc tài chuyên chế. Đối với tôi, chuyến viếng thăm cấp nhà nước tới Bắc Kinh và việc tiếp xúc với sự kết hợp mạnh mẽ giữa sự bất an và tham vọng của Trung Quốc đã củng cố cho niềm tin của tôi rằng, Hoa Kỳ và các quốc gia khác phải ngừng bám chặt vào một cái nhìn về Trung Quốc mà chủ yếu là đặt để trên những nguyện vọng của phương Tây. Nếu chúng ta cạnh tranh mạnh mẽ, chúng ta có lý do để tự tin.
Hành vi của Trung Quốc đang thúc đẩy sự phản đối giữa các quốc gia không muốn trở thành chư hầu của Trung Quốc. Trong nội bộ Trung Quốc, việc thắt chặt kiểm soát cũng đang khơi dậy nhiều phản đối. Sự phách lối của Lý Khắc Cường và các quan chức khác có thể nhằm gợi lên ý tưởng rằng Trung Quốc nắm chủ quyền “của tất cả mọi thứ dưới gầm trời – trong ‘thiên hạ’ – (tianxia)”
Nhưng dưới gầm trời, trong thiên hạ có nhiều người bất đồng ý, và phải bất đồng ý.