Việc lập bản đồ đường đi cho tàu ngầm ở Đông Nam Á
François-Xavier Bonnet [1] – Minh Toàn chuyển ngữ – Dịch giả gửi tới Dân Luận
https://www.danluan.org/tin-tuc/20200428/viec-lap-ban-do-duong-di-cho-tau-ngam-o-dong-nam-a?
Tóm tắt: Nghiên cứu hải dương học quân sự, bao gồm việc tìm hiểu đo độ sâu đáy biển, đã trở thành một thách thức địa chính trị lớn ở Đông Nam Á. Trong bối cảnh kép của cuộc tranh đua quyền lực giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ và các cuộc cạnh tranh lãnh thổ giữa bốn nước ASEAN và Trung Quốc ở Biển Đông, một số quốc gia Đông Nam Á đã hoặc sẽ có một lực lượng tàu ngầm và thiết bị chiến đấu chống tàu ngầm. Tình hình cụ thể của Trường Sa (Spratleys) cho thấy tính nhạy cảm to lớn của vấn đề đo độ sâu đáy biển. Quần đảo Trường Sa hay Dangerous Ground (Khu vực nguy hiểm), trước kia là vùng nguy hiểm cần tránh, nay đã trở thành khu vực chiến lược có nguy cơ cao: một tàu ngầm phóng tên lửa chạy bằng năng lượng hạt nhân nằm trong bãi cạn của khu vực Dangerous Ground có thể đe dọa một phần lớn dân cư hành tinh.
Từ trường hợp cụ thể của quần đảo Trường Sa, chúng tôi sẽ chỉ ra tầm quan trọng của một trong những nhánh của hải dương học, tức ngành đo độ sâu đáy biển (bathymétrie). Các lý lẽ kinh tế (đánh bắt hải sản và khai thác hydrocarbure) thường được đưa lên hàng đầu để giải thích sự cạnh tranh giữa Trung Quốc, Việt Nam, Philippines, Malaisie và Brunei ở Trường Sa. Tuy nhiên, nghiên cứu địa lý thủy văn (hydrographique) bí mật từ những năm 1920 đã cho thấy rằng, trái với các ý kiến phổ biến, quần đảo Trường Sa được xuyên qua bởi các rãnh sâu, là những “đường cao tốc” cho cả tàu ngầm truyền thống lẫn tàu ngầm hạt nhân. Một tàu ngầm hạt nhân phóng tên lửa đặt tại Trường Sa có thể đe dọa một phần của thế giới.
Biển Đông Nam Á: một địa lý khó khăn cho tàu ngầm
Sự sinh sôi nảy nở nhiều tàu ngầm ở Đông Nam Á
Trong bối cảnh một mặt là các cuộc cạnh tranh quyền lực trên Biển Đông giữa một số quốc gia ASEAN (Việt Nam, Malaisie, Philippines, Brunei) với Trung Quốc trên toàn bộ hoặc một phần (Trường Sa, Hoàng Sa, bãi cạn Scarborough) của biển này, và mặt khác là sự cạnh tranh sức mạnh ở quy mô toàn cầu giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, Châu Á, trong đó có Đông Nam Á, đang biết đến một sự tăng tốc việc mua sắm tàu ngầm. Trong trung hạn, khu vực này thậm chí có thể tập trung hơn phân nửa đoàn tàu ngầm thông thường (la flotte sous-marine conventionnelle) của thế giới [Péron-Doise, 2018, p. 122].
Đối mặt với sức mạnh không còn tranh cãi của Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương (hơn một nửa hạm đội tàu ngầm của nó nằm ở Thái Bình Dương và chỉ gồm các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân) và với sự phát triển nhanh chóng của hạm đội tàu ngầm Trung Quốc (4 tàu ngầm hạt nhân phóng tên lửa, 5 tàu ngầm hạt nhân tấn công và 57 tàu ngầm thông thường), một số quốc gia Đông Nam Á đã đầu tư vào đoàn tàu ngầm thông thường.
Với 14 tàu ngầm hiện do bốn nước ASEAN nắm giữ trên số 264 tàu ngầm thông thường và hạt nhân thuộc về toàn thể các nước Châu Á – Thái Bình Dương, thì những đoàn tàu này vẫn còn khiêm tốn, hầu hết chúng mới được lập gần đây [2]. Tuy nhiên, các thương vụ mua sắm mới của các quốc gia này, về ngắn hoặc trung hạn, đang hướng tới các tàu ngầm thông thường hiện đại nhất trên thị trường [Péron-Doise, 2018, p. 125]. Do đó, bốn tàu ngầm do Singapore đặt hàng từ hãng Thyssenkrupp của Đức sẽ được trang bị hệ thống AIP (động cơ đẩy khí độc lập – air independent propulsion) cho phép kéo dài thời gian lặn thêm 50% và do đó tăng thời gian tuần tra. Những chiếc tàu ngầm này sẽ kín đáo và im lặng hơn. Ngoài ra, các nước ASEAN khác cũng dự kiến mua tàu ngầm đầu tiên của họ. Thái Lan, chẳng hạn, có thể trang bị cho mình ba tàu ngầm Trung Quốc, chúng cũng có hệ thống AIP. Philippines, đảo quốc không có tàu ngầm, cũng đang thăm dò để mua hai chiếc.
Như thế, triển vọng từ giờ đến năm 2030, các quốc gia Đông Nam Á sẽ có khả năng sở hữu khoảng hai chục tàu ngầm thông thường hiện đại trú ngụ trong các căn cứ nằm quanh Biển Đông. Thêm vào khả năng cục bộ này là khả năng của các nước Châu Á – Thái Bình Dương khác, họ dự định mua hàng trăm tàu ngầm mới từ nay đến năm 2030. Sự dôi thừa khả năng về nền tảng (plateforme) tàu ngầm này cùng với sự thiếu kinh nghiệm hoạt động của thủy thủ đoàn ở một số nước gây lo ngại sẽ có nguy cơ nảy sinh đụng độ.
Đường đi cho tàu ngầm ở Đông Nam Á
Nằm giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, vùng biển Đông Nam Á được đặc trưng bởi sự nối tiếp của các lưu vực thông với nhau qua các eo biển hoặc các điểm thắt cổ chai (chokepoints). Lưu vực lớn nhất trong số đó là Biển Đông, một vùng biển nửa kín với diện tích 3,6 triệu km2 ngăn cách lục địa Châu Á với vùng đảo Châu Á. Với độ sâu trung bình 1212 mét, Biển Đông có thể được chia thành hai khu vực có độ sâu đáy biển khác nhau. Phía nam của trục nối từ Brunei đến thành phố Hồ Chí Minh, rồi đến tận biển Java và bao gồm các eo biển Malacca và Sonde, độ sâu của biển này nông, không vượt quá 75 mét [Dénécé, 1999, p. 42]. Ngược lại, ở phía bắc trục này, cho tới eo biển Luzon, độ sâu rất đáng kể, có thể đạt tới hơn 5000 mét trong hố Manille và trung bình hơn 4000 mét ở đồng bằng biển thẳm rồi giữa đảo Luzon với thềm lục địa Bắc Việt Nam.
Phía nam Biển Đông, một loạt các vùng biển sâu nửa kín nối nhau từ biển Sulu (độ sâu 2000 đến 4000 mét ở phần phía đông và phía nam của nó), đi qua biển Célèbes tức biển Sulawesi có đáy nằm trong khoảng từ 2000 đến 5000 mét, rồi đến tận độ sâu biển thẳm của biển Banda (hơn 7000 mét) [Dénécé, 1999, tr. 43].
Những sự bó buộc của việc đo độ sâu đáy biển này có ảnh hưởng quan trọng đến việc định vị các tuyến đường đi cho tàu ngầm. Như vậy, nếu các tàu ngầm thông thường khi lặn có thể di chuyển ở vùng nước tương đối nông (giới hạn 50 mét thường được đề cập [3]), thì tàu ngầm hạt nhân hoạt động ở độ sâu của biển và đại dương. Hơn nữa, ở Đông Nam Á ít có eo biển có độ sâu đủ để cho phép chúng đi qua, một cách an toàn, ở chế độ bình thường hoặc ở trạng thái lặn (có dưới một chục, trong số ba chục eo biển hiện có ở Đông Nam Á) [4]. Thế nên, nếu eo biển Malacca có vai trò chiến lược trong lĩnh vực thương mại và vận tải dân sự và quân sự quốc tế, thì nó không thể được các tàu ngầm hạt nhân sử dụng làm tuyến đường đi khi lặn. Thật vậy, với độ sâu không quá 50 mét (thậm chí chỉ đạt được 12 mét tại một số điểm nhất định) và mật độ giao thông hàng hải dày đặc (84456 tàu trong năm 2017, tức 231 tàu mỗi ngày), eo biển này có các đặc điểm đặc biệt hạn chế đối với các đội tàu ngầm thông thường và hạt nhân.
Để đi từ Thái Bình Dương đến Ấn Độ Dương và ngược lại, các tàu ngầm hạt nhân này, lặn trong nhiều tháng để không bị phát hiện, ưu tiên hai trục chính. Trục đầu tiên, theo hướng đông bắc / tây nam, nối liền hai căn cứ của Mỹ trên đảo Guam (ở Thái Bình Dương) và Diego Garcia (Ấn Độ Dương) thông qua biển Célèbes, sau đó là biển Moluques và Banda trước khi đi qua eo biển Ombai và Weitar gần đảo Timor và đến Ấn Độ Dương. Với độ sâu trung bình rất lớn trên 3000 mét, hai eo biển này cung cấp một lối vào gần như không thể phát hiện được không chỉ cho các tàu ngầm hạt nhân của Mỹ mà còn, kể từ cuối năm 2013, cho các đối thủ Trung Quốc của họ.
Trục thứ hai, hướng bắc-nam cho phép đi vào Biển Đông qua eo biển Luzon và đặc biệt nhất là qua eo biển Bashi nằm giữa phía nam Đài Loan và đảo cực bắc của Philippines (đảo Y’ami) và có thể đạt tới độ sâu hơn 3000 đến 4000 mét. Sau đó, các tàu ngầm hạt nhân sẽ tránh (ít nhất là trong thời bình) nửa phía nam của Biển Đông và các eo biển Malacca và Sonde nhưng sẽ ưu tiên hai tuyến đường đi qua biển Sulu: hoặc là qua ngả eo biển Balabac (giữa đảo Palawan và phía bắc của Bornéo) sau khi đi qua hành lang men theo đảo Palawan, hoặc là qua eo biển Mindoro phía nam Luzon. Một biến thể thứ ba đi qua khu vực tranh chấp của Trường Sa hay còn gọi là Dangerous Ground (Khu vực nguy hiểm) mà dữ liệu về độ sâu lớn của nó, sâu hơn 2500 mét, đã bị chính quyền Mỹ triệt để kiểm duyệt (xem bên dưới), rồi vào eo biển Balabac. Hai con đường này gặp nhau ở eo biển Sibutu (ngoài khơi quần đảo Tawi-Tawi) và đi vào biển Célèbes, sau đó là eo biển Makassar trước khi đến eo biển Lombok và kết thúc ở Ấn Độ Dương. Các eo biển Makassar và Lombok của Indonésie, nối biển Célèbes với biển Java rồi với Ấn Độ Dương, có độ sâu trung bình lần lượt là hơn 1018 mét và 400 mét. Do độ sâu và bề rộng của chúng, hai eo biển này cũng tiếp nhận các tàu có trọng tải hơn 200000 tấn bị cấm đi qua eo biển Malacca.
Như vậy các tuyến đường biển này đi qua vùng nối tiếp nhau của các biển lãnh hải, các biển quần đảo và các vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) được định nghĩa theo công ước Liên hợp quốc về luật biển (CNUDM hay UNCLOS) năm 1982. Nếu các tàu ngầm bắt buộc phải nổi lên và giương cờ của chúng ra (trong thời bình) khi đi qua lãnh hải của một quốc gia nước ngoài (điều 20), thì về mặt lý thuyết chúng có quyền hoàn toàn tự do đi lại trong vùng đặc quyền kinh tế của chính quốc gia đó (điều 58) tương đương với quyền tự do đi lại ngoài vùng biển quốc tế (haute mer) (điều 87). Tuy nhiên, sự mơ hồ về mặt pháp lý bao trùm nơi quyền đi lại vô hại trong vùng biển quần đảo và eo biển quốc tế. Công ước lưu ý như vầy rằng tàu thuyền và máy bay có thể sử dụng các tuyến đường quần đảo và eo biển quốc tế ở chế độ bình thường (điều 53). “Chế độ bình thường” của tàu ngầm là chế độ lặn hay chế độ nổi lên mặt biển? Sự mơ hồ này cho phép Trung Quốc và Hoa Kỳ thường xuyên đương đầu nhau về việc giải thích điều 53 theo lợi ích chiến lược của họ.
Nền hải dương học quân sự phôi thai: trường hợp của quần đảo Philippines
Vùng biển nhiệt đới Đông Nam Á có môi trường đặc biệt phức tạp cho hoạt động của tàu ngầm thông thường và hạt nhân. Được đặc trưng bởi các vùng biển tương đối nông, tương phản với một số hố sâu nằm ở giới hạn của thềm lục địa, vùng này cũng có nhiều đảo kích cỡ khác nhau, chúng góp phần phát triển dòng chảy mạnh [Martinez, 2018, p. 47].
Việc nghiên cứu hải dương học, một hoạt động kép vừa dân sự vừa quân sự, đang trở thành một thách thức địa chính trị lớn, không chỉ đối với Hoa Kỳ và Trung Quốc, là những đối thủ cho việc kiểm soát vùng biển này, mà còn đối với các nước ASEAN là các quốc gia đang trang bị tàu ngầm và các nền tảng (plateforme) chống tàu ngầm. Những nghiên cứu địa vật lý, khí tượng học, âm học (truyền âm qua cột nước, môi trường âm thanh), từ tính và đo trọng lực của đáy biển (để dò tìm tàu ngầm), v.v. cũng được tiến hành bởi các công ty dầu mỏ, trung tâm nghiên cứu dân sự và trung tâm nghiên cứu trực thuộc hải quân.
Mặc dù được phú cho một miền biển rộng lớn (với vùng đặc quyền kinh tế 1,3 triệu km2) nằm ở vị trí chiến lược trên rìa Thái Bình Dương và Châu Á, dọc theo các tuyến đường chính mà tàu ngầm thường lui tới, quần đảo Philippines nghịch lý thay lại có hải quân quốc gia yếu nhất Đông Nam Á. Được các căn cứ của Mỹ bảo vệ trong một thời gian dài, Philippines đã xao nhãng việc phát triển hải quân đại dương vì chỉ hậu thuẫn cho một lực lượng hải quân hướng tới việc hỗ trợ các hoạt động chống du kích của lực lượng trên bộ nhất là trên đảo Mindanao (mà một trong các hoạt động là chống lại các nhóm phiến quân Hồi giáo).
Trong bối cảnh này, Trung tâm hải quân về khí tượng và hải dương học (CNMO) của hải quân quốc gia là kết quả của việc coi rẻ này. Thực vậy, không có tàu riêng cho đến năm 2016, trung tâm CNMO đã phải “vay mượn” các nền tảng (plateforme) của hải quân quốc gia kém phù hợp cho loại hoạt động này và một mặt, hợp tác với Cơ quan quốc gia về bản đồ và thông tin tài nguyên (NAMRIA, giống kiểu IGN) phụ thuộc Bộ môi trường, và mặt khác với các trung tâm nghiên cứu hải dương học của các trường đại học công lập nhà nước. Thế nên, từ năm 2000 đến 2018, hầu hết các nghiên cứu hải dương học cho mục đích quân sự trên lãnh thổ Philippines chủ yếu được thực hiện bởi các tàu nghiên cứu của nước ngoài, nhất là của Mỹ (43 nhiệm vụ), Nhật (12 nhiệm vụ), Nam Hàn (9 nhiệm vụ), cũng như của Nga, Pháp và Đức [Martinez, 2018, tr. 9].
Tuy nhiên, sự hiện diện ngày càng rõ rệt, kể từ năm 2017, của các tàu nghiên cứu khoa học Trung Quốc tại vùng đặc quyền kinh tế (ZEE) của Philippines, đặc biệt dọc theo các tuyến đường tàu ngầm, đã tạo ra cú sốc điện không chỉ trong giới chính trị gia Philippines mà cả trong quân đội. Chẳng hạn, vụ phát hiện những cuộc nghiên cứu khoa học trái phép của Trung Quốc vào năm 2017 ở Benham Rise, một cao nguyên dưới nước chiến lược, thuộc Philippines và nằm ở phía đông đảo Luzon, gây bối rối cho chính quyền của tổng thống Duterte, thân Trung Quốc, và đưa ra ánh sáng điểm yếu to lớn của ngành nghiên cứu hải dương học quân sự của nước này. Việc lắp đặt hệ thống tác chiến chống tàu ngầm ở cao nguyên dưới biển này cho phép kiểm soát và nếu có thì chặn tàu ngầm của đối phương trước khi chúng vào Biển Đông qua eo biển Bashi. Tương tự, giữa năm 2016 và 2018, hải quân Trung Quốc đã thực hiện 48 nhiệm vụ nghiên cứu khoa học ở khu vực giữa đảo Palawan và Trường Sa. Chỉ một trong số các cuộc khảo sát này được sự chấp thuận của Bộ ngoại giao Philippines [Martinez, 2018, tr. 53].
Việc hiện đại hóa hải quân quốc gia, bắt đầu từ năm 2016 và phải tăng tốc từ năm 2020 đến năm 2030, trong đó hướng tới việc có thể sẽ mua một hoặc hai tàu ngầm, nhưng nhất là mua sắm các thiết bị chiến đấu chống tàu ngầm như hai tàu frégate và hai tàu hộ tống (corvette) do Nam Hàn sản xuất và các máy bay trực thăng AW 159 của Ý. Sự hiện đại hóa hải quân này cũng đi kèm với việc thiết lập một hệ thống quốc gia để giám sát bờ biển (NCSW) bao gồm 19 trạm phân bố trên lãnh thổ quốc gia, dọc theo các eo biển và các tuyến đường hàng hải. Một phần do Hoa Kỳ và Úc tài trợ, hệ thống này, tập trung ở Manille, cuối cùng có thể được tích hợp vào một hệ thống giám sát của khu vực có thể được lập ra một cách không chính thức để giám sát và cấm các tàu ngầm Trung Quốc nếu có [Tréglodé, 2013].
Sự hiện đại hóa hải quân này sẽ đặt lại vào trung tâm tầm quan trọng của việc nghiên cứu hải dương học quân sự ở Philippines. Trung tâm CNMO đã nhận được tàu nghiên cứu khoa học đầu tiên của mình, chiếc BRP Gregorio Velasquez, vào tháng 6 năm 2016 (và sẽ nhận thêm hai chiếc nữa từ đây đến năm 2030). Chiếc tàu này, giữa hai giai đoạn bảo trì, tập trung các hoạt động của nó vào việc đo vẽ bản đồ độ sâu đáy biển của Philippines phối hợp với cơ quan địa lý thủy văn NAMRIA (cho đến nay đã đo vẽ được bản đồ 25% vùng biển có độ sâu dưới 200 mét và 30% của vùng biển sâu trên 200 mét).
Việc đo độ sâu đáy biển, một thách thức địa chính trị lớn: ví dụ về Trường Sa
Một số đoạn của các tuyến đường tàu ngầm sử dụng có thể bị tranh cãi mạnh mẽ, như quần đảo Trường Sa chẳng hạn. Quần đảo này là một nhóm đảo nhỏ, đá ngầm, bãi cát, nằm ở Biển Đông, ngoài khơi của bờ biển Palawan, Bornéo và Việt Nam, giữa các kinh độ 110° E đến 118° E và vĩ độ 12° N đến 6° N. Lãnh thổ hàng hải có diện tích 160000 km2 này đang bị tranh chấp quyết liệt bởi năm nước Châu Á (Trung Quốc, Đài Loan, Việt Nam, Philippines, Malaisie và Brunei) trong bối cảnh cạnh tranh sức mạnh giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. Vô số các tài liệu tranh chấp này tập trung chú ý chủ yếu vào vai trò cạnh tranh về tài nguyên thiên nhiên, như hydrocarbure (khí, dầu) và về đánh bắt hải sản, dứt khoát bỏ qua vấn đề đo độ sâu đáy biển.
Những nghiên cứu địa lý thủy văn bí mật
Để hiểu một trong những vấn đề thường bị bỏ qua, cần phải phá bỏ một huyền thoại: đó là độ sâu nông của Trường Sa. Thật vậy, báo chí rồi cả các bài báo học thuật, chủ yếu là anglo-saxon, mô tả Trường Sa là một vùng biển nông (hay shallow sea), cực kỳ nguy hiểm cho việc đi lại và phải tránh bằng mọi giá.
Cho đến những năm 1920, bản đồ các đảo nhỏ và các đá ngầm của Trường Sa đã được thiết lập để cải thiện sự an toàn cho các tuyến đường thương mại đi qua Biển Đông. Mục đích của những bản đồ này là để cảnh báo người đi biển về những nguy hiểm trong khu vực này và hướng họ tránh đi qua Trường Sa. Việc đo vẽ bản đồ khoa học về Trường Sa được công ty Đông Ấn (East India Company) và bộ tư lệnh hải quân Anh thực hiện từ cuối thế kỷ XVIII đến giữa thế kỷ XIX. Kết quả của các cuộc thám hiểm khác nhau đã được công bố vào năm 1868 trên bản đồ hàng hải 2660B. Bản đồ này đã được sửa đổi vào năm 1881 và hầu như không có sự điều chỉnh nào cho đến năm 1954 [Hancox và Prescott, 1997]. Bản đồ này, được sao chép lại bởi nhiều quốc gia (trong đó có Pháp, Nhật và Hoa Kỳ), sẽ trở thành tài liệu tham khảo không chỉ cho những người đi biển mà còn cho các nhà ngoại giao phụ trách nghiên cứu các cuộc xung đột trong tương lai ở Trường Sa. Bản đồ này cho thấy hai vùng địa lý riêng biệt. Phần phía tây, được biết đến từ thế kỷ 19, bao gồm chín nhóm đảo nhỏ và đá ngầm (trong đó gồm các đảo Itu Aba và Trường Sa). Phần thứ hai, phía đông, là một vùng biển rộng lớn, gần như chưa được lập bản đồ, nằm phía tây Palawan, được đặt đúng tên là Dangerous Ground. Khu vực phía đông này được coi là rất nông và được đánh dấu bởi vô số các đá ngầm.
Tuy nhiên, sự miêu tả lãnh thổ này, kinh điển cho đến những năm 1920, đã tiến triển theo nhịp của các nhiệm vụ bí mật của hải quân các cường quốc thực dân, trong bối cảnh áp lực của Nhật Bản ngày càng tăng trong khu vực. Như Hancox và Prescott đã chỉ ra, bộ tư lệnh hải quân Anh đã tiến hành nghiên cứu địa lý thủy văn bí mật từ năm 1925 đến 1938, lập bản đồ tỉ mỉ khu vực Dangerous Ground. Mục đích của bộ tư lệnh hải quân Anh gồm ba điểm: 1) kết nối nhanh nhất và kín đáo nhất có thể các căn cứ hải quân của Singapore, Thượng Hải, Hồng Kông với các mỏ dầu của Bornéo, 2) tìm những nơi kín đáo cho cảng biển và neo đậu và 3) khám phá một tuyến đường bí mật theo hướng Bắc-Nam đi qua Dangerous Ground. Trên thực tế, con đường bí mật này đã được tìm ra vào năm 1934 [Hancox và Prescott, 1997].
Hải quân đế quốc Nhật Bản cũng đã thám hiểm không gian hàng hải này từ năm 1936 đến 1938 và thiết lập các bản đồ bí mật, nhất là của đảo chính Ba Bình (Itu Aba). Tháng 5 năm 1939, viên chỉ huy Unosuke Kokura người Nhật đã tóm tắt một cách hoàn hảo sự đối lập của các đại diện dân sự và quân sự ở Trường Sa:
Một sự thật đáng chú ý là toàn bộ quần đảo Trường Sa có thể được coi giống như một vùng kiên cố vì nó được biết đến như là một vùng nguy hiểm trong tất cả các bản đồ trên thế giới… Nhưng vì hải quân của chúng ta đã nghiên cứu tỉ mỉ vùng này, khu vực này không hề còn nguy hiểm cho chúng ta nữa. Tàu chiến và tàu thương mại của chúng ta có thể tự do đi qua các nhóm đảo này và ẩn náu sau các bãi đá ngầm.
Về phía mình, hải quân Hoa Kỳ tại Cavite (Philippines) bắt đầu thám hiểm Dangerous Ground, thiết lập các bản đồ đo độ sâu đáy biển bí mật và từ năm 1935 đến 1937 khám phá một tuyến đường biển mới đi qua Dangerous Ground từ đông sang tây (từ đảo Balabac, Palawan đến Singapore).
Nghiên cứu địa lý thủy văn bí mật những năm 1930 đã cho phép chính quyền hải quân của các quốc gia khác nhau hiểu lãnh thổ hàng hải rộng lớn này như là một quần đảo có các tuyến đường biển bí mật đi qua mà độ sâu của chúng có thể vượt quá 2500 mét và do đó thuận lợi cho các hoạt động tàu ngầm. Quần đảo Trường Sa, sau khi được xem là một khu vực cần tránh, thì ngày càng được nhận thấy như là một lãnh thổ chiến lược cho sức mạnh hàng hải có thể kiểm soát các tuyến đường biển bên trong này.
Cuộc chiến bóng tối trong suốt Chiến tranh thế giới thứ hai
Khi được hỏi về việc sử dụng Dangerous Ground trong Chiến tranh thế giới thứ hai, cựu đô đốc Arthur H. McCollum giải thích [Mason, 2003, tr. 147-148]:
Bên trái hành lang men theo đảo Palawan, có một khu vực rộng lớn được biết đến với tên gọi Dangerous Ground có đường kính hơn 50 dặm. Vùng này chưa được lập bản đồ, và đầy bãi đá ngầm. Một số đồng nghiệp của chúng tôi nói rằng người Nhật biết hoàn hảo khu vực này. Nó không đúng sự thật. Họ tránh vùng này như chúng tôi. Các tàu thương mại và quân sự của họ khởi hành từ Singapore rồi đi theo bờ biển phía bắc Bornéo. Sau đó, họ tự tiếp tế ở vịnh Brunei hoặc Miri trước khi đi theo tuyến hành lang hẹp men theo đảo Palawan. Người Nhật không đi vào vùng Dangerous Ground, không nhiều hơn chúng tôi. Ý tưởng cho rằng người Nhật có bản đồ tốt hơn chúng tôi là vô lý. Bản đồ của chúng tôi ít nhất cũng tốt như bản đồ của họ. Chúng tôi đã so sánh chúng […].
Tuy nhiên, những lời khẳng định này của đô đốc McCollum, cựu quan chức tình báo hải quân Mỹ ở Thái Bình Dương trong Chiến tranh thế giới thứ hai, bị phủ định bởi chính các báo cáo hoạt động của các chỉ huy tàu ngầm Mỹ. Trên thực tế, từ tháng bảy năm 1943 đến tháng tám năm 1945, không dưới 42 nhiệm vụ được thực hiện trong Dangerous Ground. Trái với ý kiến phổ biến, các chỉ huy tàu ngầm đều mô tả sự dễ dàng khi đi qua Dangerous Ground bằng cách hoặc đi theo tuyến Đông-Tây hoặc đi theo tuyến Bắc-Nam được gọi là tuyến đường biển của người Anh hay tuyến G. Sự dễ dàng này được giải thích, một mặt, bởi sự chuyển giao, ngay từ năm 1943, các bản đồ bí mật của Anh cho những người Mỹ lái tàu ngầm ở Úc và mặt khác, bởi việc tiếp tục các nghiên cứu về đo độ sâu đáy biển được tập hợp trên bản đồ H. O biểu đồ 5649 và cho thấy rằng hai tuyến đường biển này sâu hơn 2000 mét. Chẳng hạn, chỉ huy tàu ngầm USS Bowfin, thậm chí còn giải thích rằng, theo quan điểm đi biển, các tuyến đường bên trong Dangerous Ground nên được ưu tiên để đi từ eo biển Balabac đến Biển Đông (phía bờ biển Đông Dương). Ông đề xuất lắp đặt các khu vực tiếp tế dọc theo các tuyến đường biển này [USS Bowfin, 1943, p. 59]. Sự dễ dàng quá cảnh này cho phép tiết kiệm nhiên liệu và thời gian (25 dặm ít hơn) [USS Bluefish, 1943, p. 49].
Việc kiểm soát các tuyến đường biển bên trong Dangerous Ground cũng đóng vai trò chiến thuật đối với những người lái tàu ngầm Mỹ. Thật vậy, ngay từ cuối năm 1943, các đoàn tàu chở dầu lớn (supertanker) của Nhật, được hộ tống bởi các tàu chiến, rời vịnh Brunei và Miri và băng qua Dangerous Ground. Trên đường đi, chúng dừng lại ở đảo Itu Aba để tự tiếp tế trước khi tiếp tục hành trình đến Nhật. Ý thức được mối nguy hiểm từ các tàu ngầm Mỹ trong vùng này, các đoàn tàu Nhật đã tránh các tuyến hàng hải cổ điển và đi theo các tuyến đường biển xuyên qua Trường Sa. Bằng việc đánh giá thấp hiểu biết của Mỹ về Dangerous Ground, các đoàn tàu này có thể dễ dàng rơi vào các cuộc phục kích do một hoặc nhiều tàu ngầm Mỹ giăng ra. Những tàu ngầm này càng có lợi thế hơn vì các nghiên cứu khoa học của họ cho thấy rằng tầng nước biển mật độ cao (halocline) thường nằm ở độ sâu nông (50 đến 80 mét). Các halocline này, tương ứng với một lớp nước biển có nồng độ muối cao, làm tăng mật độ của nước biển và làm thay đổi sự lan truyền của sóng âm. Như thế, các lớp mật độ cao này, có nhiều trong Dangerous Ground, cho phép các tàu ngầm Mỹ, đang ẩn nấp bên dưới, không bị thiết bị định vị bằng sóng âm (sonar) của tàu Nhật phát hiện.
Một trong những thời khắc then chốt trong cuộc tái chiếm Philippines của Mỹ diễn ra ở khu vực Dangerous Ground. Thật vậy, vào đêm 22 qua 23 tháng mười năm 1944, hai tàu ngầm Darter và Dace đang tuần tra trong khu vực Dangerous Ground, đã phát hiện và sau đó truy tìm lực lượng chủ lực Nhật Bản do phó đô đốc Takeo Kurita chỉ huy [USS Darter, 1944, p. 52]. Gồm năm tàu chiến lớn và được hộ tống bởi các tuần dương hạm và các tàu khu trục, lực lượng này có nhiệm vụ góp phần đẩy lùi lực lượng Mỹ sắp đổ bộ lên đảo Leyte. Ngày 23 tháng 10 năm 1944, hai tàu ngầm này phục kích đoàn tàu Nhật trong hành lang men theo đảo Palawan. Bằng cách làm cho lực lượng của phó đô đốc Kurita bỏ chạy toán loạn, các thủy thủ đoàn của Darter và Dace đã đóng góp một cách quyết định vào chiến thắng của Mỹ trong trận vịnh Leyte. Tuy nhiên, khi tàu Darter đuổi theo một trong những tuần dương hạm của Nhật, nó đã mắc cạn ở bãi đá ngầm Bombay, củng cố thêm ý kiến rằng vùng Dangerous Ground phải nên tránh bằng mọi giá [5].
Một tàu ngầm hạt nhân trong khu vực Dangerous Ground
Nghiên cứu khoa học bí mật này đã được các lực lượng Mỹ theo đuổi trong những năm 1956-1957, trong lúc Hoa Kỳ thay thế Pháp trong chiến tranh Việt Nam. Vào thời gian ấy, công việc đo vẽ bản đồ quy mô rất lớn đã được thực hiện bởi không quân và hải quân Mỹ. Bổ sung vào các nghiên cứu đo vẽ địa hình và đo độ sâu đáy biển kéo dài một năm này là những thử nghiệm trên các thiết bị mới được lắp đặt trong máy bay.
Rất có khả năng là chuyến đi qua vùng Dangerous Ground đầu tiên bằng tàu ngầm hạt nhân đã diễn ra vào tháng 4 năm 1972. Vào thời gian ấy, tàu USS Sculpin do viên chỉ huy Harry Mathis điều khiển có nhiệm vụ chính thức là đi theo các tàu đánh cá của Việt Cộng, chúng chứa đầy vũ khí và đạn dược rồi rời đảo Hải Nam và tránh sự phong tỏa của Mỹ bằng cách đi các tuyến đường biển vòng vèo để sau đó dỡ hàng trên bờ biển Việt Nam [Larson, 2008].
Tàu đánh cá Việt Nam đã băng qua vùng Dangerous Ground trước khi tiếp cận bờ biển Việt Nam. Mô tả về việc vượt qua vùng Dangerous Ground của Sculpin như sau:
[…] Một thách thức khác là tàu đánh cá đang tiến về phía nam, trực tiếp vào vùng Dangerous Ground. Trên các bản đồ hàng hải của Biển Đông, có một khu vực rộng lớn rộng 289 km và dài 480 km, được gọi đơn giản là Dangerous Ground. Các bản đồ hàng hải của chúng tôi có một đường thăm dò đo độ sâu đáy biển đi qua khu vực này và được thực hiện vào năm 1885. Chúng tôi ước định rằng đáy biển khá bằng phẳng nhưng độ sâu không vượt quá 60 mét ở vùng này. Vì vậy, chúng tôi đã phải di chuyển ở tốc độ 20 hải lý chỉ với 10 đến 20 mét nước bên dưới sống tàu […].
[…] Khi tàu đánh cá đi về phía nam, nó hơi đi xiên về hướng đông và đi vào một vùng của Dangerous Ground nơi chúng tôi không thể theo dõi nó. Cho đến lúc này, khi chúng tôi ở trong Dangerous Ground, chúng tôi thấy tự tin vì chúng tôi biết rằng đáy biển tương đối bằng phẳng. Nhưng bây giờ con tàu đã ở trong một vùng phủ đầy đá, bãi cát và xác tàu […]
— [Larson, 2008]
Dưới ánh sáng của văn bản này, nhiều chi tiết có thể thu hút sự chú ý. Chẳng hạn, thật khó chấp nhận rằng thủy thủ đoàn chỉ có một bản đồ với các cuộc thăm dò được thực hiện vào năm 1885. Nếu ta tin vào điều tác giả viết, thì thủy thủ đoàn tàu ngầm hạt nhân chắc hẳn đã được trang bị tệ hơn các thủy thủ đoàn tàu ngầm diesel của Chiến tranh thế giới thứ hai. Nhưng để chứng tỏ sự dũng cảm của thủy thủ đoàn và nhất là giữ im lặng về những nghiên cứu bí mật về đo độ sâu đáy biển, đô đốc Larson đã viết đây đó trong câu chuyện băng qua Trường Sa với cách trình bày cổ điển trước năm 1920: Dangerous Ground là một vùng biển rất nông và với nhiều bãi đá ngầm nằm rải rác.
Rất có khả năng việc vượt qua Dangerous Ground của Sculpin có những động cơ khác hơn là theo đuổi chỉ một con tàu buôn lậu vũ khí. Một máy bay loại P-3 Orion đi kèm theo tàu ngầm. Giả thuyết của chúng tôi là hải quân Mỹ dĩ nhiên đã không mạo hiểm sử dụng tàu ngầm hạt nhân để làm việc ít ỏi ấy. Sẽ hợp lý hơn khi hình dung rằng Sculpin có nhiệm vụ hoặc là thu thập những thông tin khoa học khác về Dangerous Ground hoặc để kiểm tra tính hoạt động của những nghiên cứu khoa học trước đó.
Nếu một tàu ngầm hạt nhân của Mỹ đã có thể vượt qua Dangerous Ground không mấy trở ngại, thì nguy cơ là một tàu ngầm hạt nhân của kẻ thù có thể làm điều tương tự. Do đó, miêu tả chiến lược của chính phủ Philippines liên quan đến không gian hàng hải này đã được bày tỏ chẳng hạn như trong ấn phẩm về Trường Sa (nhóm đảo Kalayaan) của bộ Quốc phòng năm 1982:
[…] Vùng [Dangerous Ground] chưa bao giờ được lập bản đồ đầy đủ nhưng ta biết là nó chứa nhiều đảo nhỏ, bãi đá ngầm, đảo san hô vòng được phân cách với nhau bởi các hành lang biển sâu. Nếu một quốc gia thù địch có thể lập bản đồ khu vực này ở mức độ có thể cho một tàu ngầm tên lửa đạn đạo đi qua, thì quốc gia đó có thể neo đậu các tàu ngầm loại Polaris và có thể có khả năng kiểm soát hoặc đe dọa một vùng trong vòng bán kính 4000 km chứa một phần ba dân số thế giới, trong đó bao gồm toàn bộ ASEAN. Độ sâu đáy biển của khu vực khiến không thể phát hiện được tàu ngầm nào, vì vậy không thể phản công lại được […]
— [Bộ Quốc phòng Philippines, 1982, tr. 11]
Sự im lặng, thậm chí là sự kiểm duyệt, về vấn đề đo độ sâu đáy biển của vùng Dangerous Ground có thể được hiểu loáng thoáng do rủi ro hạt nhân. Trường Sa đóng vai trò chiến thuật và cục bộ trong Thế chiến thứ hai. Nhưng ở kỷ nguyên của tàu ngầm hạt nhân, mối nguy hiểm tăng theo cấp số nhân, đe dọa một phần dân số thế giới. Sự thay đổi về quy mô của mối đe dọa này giải thích tại sao trong những năm 1980, tổ chức Hiệp Ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã phân loại Trường Sa là vùng xám (zone gris) hay khu vực đặc biệt quan tâm (area of special concern). Không mấy nơi trên thế giới được phân loại theo kiểu này và ứng với những vùng mà từ đó tên lửa đạn đạo có thể được phóng ra trong khi kẻ tấn công lại không thể bị phát hiện [6].
Kiểm soát các tuyến đường biển bên trong khu vực Dangerous Ground
Như vậy, không gian hàng hải của Dangerous Ground được cấu trúc bởi các tuyến đường biển bên trong (Bản đồ 2), trong đó gồm hai trục bắc-nam và đông-tây. Lựa chọn chiếm đóng về mặt quân sự các thực thể địa chất dường như tuân theo logic nhằm kiểm soát các tuyến đường biển bên trong. Thế nên, nếu năm 1956 Đài Loan chỉ chiếm giữ đảo lớn nhất Itu Aba, thì Việt Nam sẽ chủ yếu chiếm giữ các đảo nhỏ và các bãi đá ngầm kiểm soát lối vào phía tây của tuyến đường biển đông-tây. Người Philippines, từ cuối những năm 1960, ưu tiên kiểm soát phần phía bắc của tuyến đường bắc-nam.
Trung Quốc, đến rốt chót trong cuộc xâm chiếm Trường Sa, chỉ có các bãi đá ngầm để chiếm giữ. Bằng cách trục xuất người Việt Nam khỏi Đá Chữ Thập (Fiery Cross) năm 1988, quân đội Trung Quốc từ nay có thể kiểm soát các hoạt động ở phần phía tây của tuyến đường biển đông-tây. Bằng cách giành sự kiểm soát Đá Vành Khăn (Mischief Reef) vào năm 1995, ở tâm vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, Trung Quốc có thể theo dõi hoặc thậm chí can thiệp vào các hoạt động của Philippines dọc theo tuyến đường biển bắc-nam. Các đảo nhân tạo (polders) mới của Trung Quốc, được phát triển từ năm 2011, cho phép tăng cường sự hiện diện của Trung Quốc dọc theo các tuyến đường bắc-nam (Cụm Nam Yết – Tizard Bank và Cụm Sinh Tồn – Union Bank and Reef) và đông-tây (cụm rạn Luân Đôn – London Reef). Việc lắp đặt các cảm biến trên các đảo nhân tạo (polders) của Đá Chữ Thập (Fiery Cross), Đá Vành Khăn (Mischief Reef) và Đá Xu Bi (Subi Reef) cho phép Trung Quốc phát hiện sự hiện diện của tàu ngầm dọc theo hai tuyến đường biển chính bên trong Trường Sa.
Các vị trí này của Trung Quốc được củng cố đến mức có thể nhanh chóng phong tỏa sự tiếp tế cho các đơn vị quân đội đồn trú của Philippines nằm toàn bộ ở phía bắc. Kể từ năm 2015, các tàu Trung Quốc thường xuyên mưu toan ngăn chặn, chẳng hạn, sự tiếp tế cho hải quân đồn trú của Philippines nằm tại một xác tàu được cố tình làm đắm trên Bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal). Những mưu toan này tạo ra một tiền lệ, đó là cản trở tự do đi lại tại chính trung tâm của Trường Sa.
Biển Đông: một thánh địa cho tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc
Ở tầm khu vực, Biển Đông là một không gian hàng hải then chốt của đoàn tàu ngầm hạt nhân phóng tên lửa (SNLE) lớp Jin 094 của Trung Quốc. Thật vậy, biển Hoa Đông, phía bắc Đài Loan quá nông để cho phép SNLE thực hiện các cuộc tuần tra và các hoạt động khác mà không bị các hệ thống giám sát của Mỹ và Nhật nhanh chóng phát hiện. Ngược lại, các SNLE, rời căn cứ hải quân Du Lâm (Yulin), phía nam đảo Hải Nam, có thể lặn sâu xuống Biển Đông hoặc Thái Bình Dương và mưu toan thoát khỏi sự chăm chú theo dõi của đối phương. Tuy nhiên, các tàu ngầm lớp 094 vẫn còn ồn ào và vẫn rất dễ bị đánh, trong khoảng cách tầm 160 km giữa Du Lâm với ranh giới thềm lục địa đảo Hải Nam. Chính những vùng nước nông này, đối diện với căn cứ hải quân Du Lâm, là đối tượng nghiên cứu của USNS Impeccable năm 2009. Con tàu Mỹ này, đã thu thập thông tin tình báo và dĩ nhiên, cũng đã đặt các hệ thống nghe lén trong vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc (EEZ), được năm tàu quân sự và dân sự Trung Quốc yêu cầu rời khỏi hiện trường.
Tính dễ bị tổn thương này của tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc phần lớn giải thích tại sao Trung Quốc muốn loại trừ tất cả các lực lượng quân sự nước ngoài khỏi Biển Đông [Schaeffer, 2016]. Tuy nhiên, quá trình biến Biển Đông thành thánh địa là chưa đủ để Trung Quốc có thể tự bảo vệ mình trước mối đe dọa tiềm tàng từ Hoa Kỳ và nhất là để phản công lại lục địa Bắc Mỹ. Trong một kịch bản chiến tranh, các tàu ngầm lớp Jin 094, mang tên lửa đầu đạn hạt nhân loại Julang 2, có tầm bắn 8000 km, sẽ không thể từ Dangerous Ground đến được lãnh thổ lục địa Hoa Kỳ. Chỉ các căn cứ của Mỹ từ đảo Guam đến đảo Hawaii và các căn cứ của các đồng minh của Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương sẽ bị đe dọa [Schaeffer, 2016]. Để đạt được mục tiêu đánh vào bờ phía tây của Hoa Kỳ, những chiếc Jin 094 sẽ phải rời Biển Đông, đi qua kênh Bashi giữa Philippines và Đài Loan, rồi đi đến Biển Hoa Đông. Tuy nhiên, khu vực này, được bao quanh bởi vòng cung đảo Nhật-Đài Loan-Philippines-Bornéo, được Hoa Kỳ và Nhật theo dõi chặt chẽ.
Tuy nhiên, khi tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc thế hệ mới Tang 096 đi vào hoạt động trong tương lai, toàn bộ nước Mỹ sẽ có tiềm năng bị đe dọa từ Biển Đông. Như thế, một chiếc Tang 096 đậu trong vùng Dangerous Ground sẽ có thể tấn công không khác biệt bờ tây của Hoa Kỳ bằng tên lửa có đầu đạn hạt nhân loại Julang 3 với tầm bắn 12000 km hoặc bờ đông Hoa Kỳ với phiên bản có tầm bắn 20000 km [Schaeffer, 2016].
Kết luận
Hải dương học quân sự, đặc biệt là việc đo độ sâu đáy biển, là trung tâm của những thách thức địa chính trị Đông Nam Á. Khu vực này vừa là một vùng được trang bị tàu ngầm vừa là nơi tàu ngầm của các cường quốc hải quân quốc tế qua lại. Vấn đề dữ liệu đo độ sâu đáy biển là đặc biệt nhạy cảm trong trường hợp của Trường Sa. Từ một khu vực cần tránh, Dangerous Ground đã trở thành một không gian chiến lược nơi mà từ đó các tàu ngầm hạt nhân có thể đe dọa một phần dân cư hành tinh. Chiến tranh lạnh, rồi sự cạnh tranh sức mạnh với Trung Quốc có thể giải thích việc kiểm duyệt của nhà cầm quyền quân sự Mỹ về vấn đề đo độ sâu đáy biển của Dangerous Ground.
Để giảm nguy cơ đụng độ giữa các tàu ngầm trong các biển Đông Nam Á, các nước ASEAN, Trung Quốc và các cường quốc Thái Bình Dương như Hoa Kỳ, Pháp và Nhật cần phải khởi động lại dự thảo bộ quy tắc ứng xử cho tàu ngầm. Được Singapore đề xuất vào năm 2016, dự thảo này đã không tiến triển kể từ đó. Tuy nhiên, nó có thể là một phần của bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông mà các điều khoản đang được đàm phán giữa Trung Quốc và ASEAN.
Ghi chú
[1] François-Xavier Bonnet là một nhà địa lý, nhà nghiên cứu cộng tác tại Irasec và là thành viên Phòng quan sát Đông Nam Á của Asia Centre (l’Observatoire Asie du Sud-Est d’Asia Centre) (Science Po-DGRIS)
[2] Indonésie có lực lượng tàu ngầm lâu đời nhất ở Đông Nam Á, được dựng nên vào năm 1950. Thái Lan đã từ bỏ lực lượng tàu ngầm, cũng được xây dựng vào những năm 1950.
[3] Các tàu ngầm tương lai của Singapore, phù hợp với vùng biển nông, có thể hoạt động ở độ sâu ít hơn 20 mét.
[4] Một tàu ngầm hạt nhân phải có tối thiểu 18-20 mét giữa sống đáy tàu và đáy biển để hoạt động an toàn ở vùng nông (khoảng 10 mét đối với tàu ngầm thông thường). Nhưng trong trường hợp khẩn cấp, nếu tàu ngầm phải lặn ngay lập tức trong khi thực hiện thao tác thẳng đứng, nó sẽ cần độ sâu lớn hơn nhiều.
[5] Các câu chuyện về chiến tranh Thái Bình Dương đều gợi lên chủ nghĩa anh hùng của các thủy thủ đoàn Darter và Dace trong hành lang men theo đảo Palawan, nhưng không bao giờ nói về giai đoạn trước đó, cụ thể là sự truy tìm trong Dangerous Ground (Khu vực nguy hiểm).
[6] Thông tin được cung cấp bởi Jean-François Bonnet, cựu giám đốc của Agence France Presse ở Manille.
Thư mục tham khảo
Bonnet F.-X. (2016), « Le Dangerous Ground et les Spratleys: une géopolitique des routes maritimes secrètes », Regards géopolitiques, Bulletin du Conseil québécois d’études géopolitiques, vol. 2, n° 2, p. 14-21.
Dénécé E. (1999), Géostratégie de la mer de Chine méridionale et des bassins adjacents, L’Harmattan, Paris.
Fau N. et Tréglodé B. de (dir.) (2018), Mers d’Asie du Sud-Est. Coopérations, intégrations et sécurité, CNRS Éditions, Paris.
Hancox D. et Prescott V. (1997), Secret Hydrographic Surveys in the Spratly Islands, Durham University, Londres.
Larson C. (2008), « The Sculpin’s lost mission: a nuclear submarine in the Viêt Nam war », Naval History magazine, vol. 22, n° 1.
Martinez M. A. (2018), « Marine scientific research in the EEZ: a strategic concept for the AFP », Camp Aguinaldo, Defense Department, Quezon City, Philippines.
Mason J. (2003), « The Pacific war remembered: an oral history collection », The Naval Institute Press, Annapolis.
Péron-Doise M. (2018), « Les sous-marins en Asie: des tensions croissantes sous le dioptre », in Tréglodé B. de et Pajon. C (dir.), « L’Asie stratégique de l’Inde au Pacifique », Revue Défense Nationale, été 2018, p. 122-126.
Philippine Ministry of Defense (1982), « The Kalayaan islands », vol. 1, n° 4, Secretariat to the Cabinet Committee on the Law of the Sea Treaty, Manille.
Schaeffer D. (2016), « Why China needs the South China Sea for itself alone », Conférence sur le conflit en mer de Chine méridionale, Université Yale, 6 et 7 mai 2016.
Tréglodé B. de (2013), « Le verrou de Balabac (Philippines), un nouveau point stratégique en mer de Chine méridionale? », IRSEM, Paris.
Tài liệu lưu trữ
U.S. Submarine War Patrol Reports, 1941-1945, Department of the Navy. Office of the Chief of Naval Operations. Intelligence Division. Office of Naval Records and Library, M1752:
○ – USS Bluefish, Report October-November 1943, Fiche n° 132.
○ – USS Bowfin, Report November-December 1943, Fiche n° 161.
○ – USS Darter, Report September-October 1944, Fiche n° 266.
Trích trong Hérodote 2020/1 (N° 176), trang 25 – 41
Nguồn: Cartographie des voies sous-marines en Asie du Sud-Est