Tin Biển Đông – 23/04/2020
3 tàu chiến Mỹ tuần tra Biển Đông cùng đồng minh Australia – Minh Hòa
Hải quân Hoa Kỳ và Australia đã tham gia một cuộc tuần tra tại khu vực mà một tàu Trung Quốc bị nghi ngờ là đang khai thác dầu trái phép ở Biển Đông, trang tin Breitbart cho biết thông báo của giới chức Mỹ hôm thứ Tư (22/4).
Động thái này xuất hiện 2 ngày sau khi chính quyền Trung Quốc tự ý “đặt tên” cho 80 thực thể ở Biển Đông, trong khi phần lớn những thực thể này thuộc về quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Breitbart cho biết ba chiếc tàu chiến Mỹ và một tàu khu trục của đồng minh Australia đã thực hiện cuộc tuần tra trong tuần này, tại khu vực mà tàu khảo sát Hải Dương Địa Chất 8 của Trung Quốc đang hoạt động ở Biển Đông.
Hải quân Hoa Kỳ xác nhận các tàu chiến Mỹ tham gia cuộc tuần tra bao gồm tàu tấn công đổ bộ USS America, tàu tuần dương có tên lửa dẫn đường USS Bunker Hill, tàu khu trục USS Barry, trong khi chiến hạm của Australia là tàu khu trục HMAS Parramatta.
Tài khoản Twitter của Hải quân Mỹ hôm 21/4 đã công bố các bức ảnh về các tàu chiến, kèm lời bình luận rằng họ “đang theo dõi và sẵn sàng” tác chiến ở Biển Đông.
Một ngày sau, Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ cũng có động thái tương tự với các bức hình về cuộc tuần tra với Australia ở Biển Đông.
Trong bài báo cùng ngày, Breitbart viết: “Trung Quốc là một tội phạm quốc tế theo một phán quyết nghiêm khắc vào tháng 7 năm 2016 của một tòa án tại Tòa Trọng tài Thường trực Liên Hợp Quốc ở La Hay (Hà Lan)”. Phán quyết này được đưa ra sau đơn kiện của Philippines với sự hậu thuẫn của đồng minh Hoa Kỳ, trong đó bác bỏ cơ sở pháp lý cho đường 9 đoạn mà Trung Quốc tự nhận ở Biển Đông.
Trang tin Breitbart cũng cho biết: “Hoa Kỳ hỗ trợ các quốc gia châu Á bị Trung Quốc ngăn chặn thực thi quyền kiểm soát lãnh thổ hợp pháp của mình bằng cách thường xuyên cử tàu chiến và máy bay đến hoạt động trong các khu vực tranh chấp”.
https://www.dkn.tv/the-gioi/3-tau-chien-my-tuan-tra-bien-dong-cung-dong-minh-australia.html
Mỹ ra tuyên bố cảnh cáo tàu Hải Dương 8
hoạt động trái phép trên Biển Đông
Sau khi Trung Quôc đưa tàu thăm dò địa chất Hải Dương 8 vào hoạt động trái phép trong vùng biển phía Nam Biển Đông, Bộ Ngoại giao My (18/4) đã ra tuyên bố kêu gọi Trung Quốc ngừng “lối hành xử ức hiếp” ở Biển Đông.
Sáng 16/4, tàu Hải Dương 8 bắt đầu băng ngang qua vị trí hoạt động của giàn khoan West Capella cách từ 7-8 hải lý nhưng không đi vào vùng thềm lục địa chồng lấn giữa Việt Nam và Malaysia, sau đó tàu tăng tốc di chuyển trở lại gần sát vị trí giàn khoan West Capella để bắt đầu tiến hành khảo sát, với vận
tốc 5 hải lý trên giờ, theo hướng Tây Nam. Được biết, vị trí tàu khoan West Capella cách bãi Tư Chính khoảng 100 hải lý về phía Đông Nam, cách bãi Vũng Mây khoảng 70 hải lý về phía Nam Tây Nam. Đáng chú ý, theo trang Marine Traffic, hộ tống tàu Hải Dương 8 lần này là tàu hải cảnh lớn nhất của Trung Quốc mang số hiệu 5901 với tải trọng hơn 12.000 tấn và được trang bị pháo 76mm. Một quan chức thuộc cơ quan thực thi hàng hải Malaysia cho biết nhóm tàu Trung Quốc có hơn 10 chiếc và hiện ở trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này.
Không chỉ có Hải Dương 8 ở phía Nam Biển Đông, tại phía Bắc, một tàu khảo sát khác của Trung Quốc là Hải Dương Địa Chất 4 vài ngày qua đã tiến hành khảo sát ở khu vực gần Hoàng Sa. Hiện nay tàu này vẫn đi lại bên phía Trung Quốc so với đường trung tuyến giả định và chưa rõ phạm vi khảo sát, nhưng các điểm mút ở đầu phía nam của các đường khảo sát chỉ cách vùng biển Việt Nam khoảng 12 hải lý. Nghĩa là từ đó chỉ cần đi xuống phía nam thêm 12 hải lý là đến vùng biển Việt Nam.
Hiện có một số ý kiến cho rằng tàu Hải Dương 8 tiến hành thăm dò, khảo sát ở Biển Đông với một số khả năng sau: Chỉ khảo sát trong vùng đặc quyền kinh tế Malaysia xung quanh cụm bãi cạn Luconia; Khảo sát lấn sang cả vùng thềm lục địa chồng lấn giữa Việt Nam và Malaysia; Khảo sát vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia và Brunei; Khảo sát lấn cả ba khu vực là vùng thềm lục địa chồng lấn giữa Việt Nam và Malaysia, vùng đặc quyền kinh tế Malaysia và vùng đặc quyền kinh tế Brunei; Tất cả hoạt động khảo sát chỉ là nghi binh, “giương đông kích tây” để Trung Quốc ra tay ở một khu vực khác, chẳng hạn
như bãi Ba Đầu ở cụm Sinh Tồn, nơi nhiều tàu dân binh Trung Quốc đã xuất hiện kể từ giữa tháng 2/2020. Không loại trừ khả năng Trung Quốc toan tính hạ đặt cấu trúc phi pháp nhằm kiểm soát bãi này.
Giới chuyên gia nhận định, ngoài việc lợi dụng tình hình dịch bệch do virus bắt nguồn từ Vũ Hán, Trung Quốc chọn thời điểm triển khai để tàu khảo sát chỉ đến khu vực ngay sau khi kết thúc Hội nghị cấp cao trực tuyến đặc biệt ASEAN và ASEAN+3. Có khả năng Trung Quốc chọn tiến hành sau thời điểm này để tránh bị công kích hay tạo cơ hội cho các nhà lãnh đạo ASEAN đưa ra một động thái thể hiện đoàn kết nào đó.
Việc Trung Quốc tiến hành thăm dò trong vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia là do: Thứ nhất, Malaysia là quốc gia cuối năm 2019 đã đệ trình lên Liên Hiệp Quốc bản đồ ranh giới thềm lục địa của nước này ở Biển Đông. Tuy có khúc mắc với Việt Nam về việc lấn vào phía tây nam thềm lục địa mở rộng ở phía bắc của Việt Nam và với Philippines, nhưng Trung Quốc là quốc gia cay cú nhất vì với động thái của mình, Malaysia đã bác bỏ cái gọi là “đường lưỡi bò” ở Biển Đông; Thứ hai, Trung Quốc phản ứng việc Malaysia triển khai tàu khoan West Capella hoạt động ở lô ND1 trong thềm lục địa chồng lấn giữa Malaysia và Việt Nam. Đây có thể là cách Trung Quốc gây sức ép như từng triển khai Hải Dương 8 để phản ứng việc Việt Nam đưa giàn khoan Hakuryu 5 ra lô 6.1; Thứ ba, Trung Quốc có thể muốn thử thách mức độ chịu nhiệt của chính quyền tân thủ tướng Muhyiddin Yassin, người vừa nhậm chức vào tháng 3; Thư tư, “thừa nước đục thả câu”, lợi dụng tình hình dịch bệnh để tiếp tục đẩy mạnh triển khai chiến lược “tằm ăn dâu” của mình ở Biển Đông.
Trước hành vi trên của Trung Quốc, Bộ Ngoại giao Mỹ (18/4) đã ra tuyên bố: “Mỹ lo ngại trước các thông tin về những hành động khiêu khích lặp đi lặp lại của Trung Quốc nhắm vào các hoạt động khai thác dầu khí của các bên tuyên bố chủ quyền. Trung Quốc nên chấm dứt thói bắt nạt của mình và kiềm chế các hành động khiêu khích, gây bất ổn như vậy”.
Trước đó, khi Trung Quốc đưa tàu Hải cảnh đâm chìm tàu cá Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa, Bộ Ngoại giao Mỹ (06/4) ra tuyên bố lên án hành động đâm chìm tàu cá Việt Nam của tàu hải cảnh Trung Quốc tại vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa (của Việt Nam) ở biển Đông trong bối cảnh dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona chủng mới (Covid-19) lan rộng. Trong thông cáo báo chí, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus nhấn mạnh: “Chúng tôi quan ngại sâu sắc về thông tin Trung Quốc đâm chìm một tàu cá của Việt Nam ở khu vực gần quần đảo Hoàng Sa trên Biển Đông. Đây là vụ việc mới nhất trong loạt hành động của Trung Quốc nhằm khẳng định yêu sách hàng hải phi pháp và gây thiệt hại cho các nước láng giềng Đông Nam Á ở Biển Đông”. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu, Bắc Kinh cũng đồng thời công bố “các trạm nghiên cứu” mới trên những căn cứ quân sự mà nước này xây dựng trái phép ở Đá Chữ Thập và Đá Xubi (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam), đồng thời cho máy bay quân sự đặc chủng hạ cánh xuống Đá Chữ Thập. Trung Quốc cũng tiếp tục triển khai lực lượng dân quân trên biển xung quanh quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Thông cáo nhấn mạnh cái gọi là “đường 9 đoạn” của Trung Quốc đã bị Tòa trọng tài Liên Hiệp Quốc hồi tháng 7-2016 xem là tuyên bố chủ quyền bất hợp pháp theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982. Chính phủ Mỹ cũng có chung quan điểm này; đồng thời kêu gọi Trung Quốc tập trung hỗ trợ cộng đồng quốc tế chống đại dịch toàn cầu, chấm dứt việc lợi dụng sự mất tập trung hoặc khả năng dễ bị tổn thương của các nước khác để mở rộng các yêu sách trái pháp luật trên Biển Đông.
Sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ ra thông cáo lên án và bày tỏ quan ngại về việc tàu Hải cảnh Trung Quông ngang ngược đâm chìm tàu cá của ngư dân Việt Nam khi đánh bắt cá trong vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, Bộ Quốc phòng Mỹ (9/4) đã đưa ra tuyên bố tương tự. Theo đó, Bộ Quốc phòng Mỹ (9/4) ra tuyên bố lên án hành động của Trung Quốc trong vụ đâm chìm tàu cá Việt Nam tại vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam ở Biển Đông. Tuyên bố của Bộ Quốc phòng Mỹ bày tỏ quan ngại sâu sắc trước thông tin về việc một tàu cảnh sát biển Trung Quốc đã va chạm và đâm chìm một tàu cá của Việt Nam tại khu vực gần quần đảo Hoàng Sa. Tuyên bố nêu rõ: “Hành vi của Trung Quốc trái ngược với tầm nhìn của Mỹ về một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và cởi mở, trong đó tất cả các quốc gia, dù lớn hay nhỏ, đều được bảo đảm chủ quyền, không bị ép buộc và có quyền phát triển kinh tế phù hợp với các quy tắc và chuẩn mực quốc tế. Mỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ nỗ lực của các đồng minh và đối tác nhằm đảm bảo tự do hàng hải và cơ hội kinh tế trong toàn bộ khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”. Tuyên bố cho rằng: “Đại dịch COVID-19 cho thấy rõ hơn tầm quan trọng của trật tự quốc tế dựa trên luật pháp, vì điều đó tạo điều kiện cho chúng ta cùng giải quyết mối đe dọa chung theo cách minh bạch, tập trung và hiệu quả”, đồng thời kêu gọi tất cả các bên kiềm chế những hành động gây mất ổn định khu vực, có thể làm chệch hướng nỗ lực toàn cầu tập trung đối phó với đại dịch, hoặc gây ra nguy cơ không cần thiết dẫn đến tổn thất về người và tài sản.
Khả năng TQ rải ngư lôi
nhằm kiểm soát và phong tỏa Biển Đông
Truyền thông Mỹ mới tiết lộ, Trung Quốc hiện đang sở hữu 100.000 quả ngư lôi, cho rằng không loại trừ khả năng Bắc Kinh sẽ rải ngư lôi khắp Biển Đông để tăng cường kiểm soát trên thực địa.
Trong 15 năm qua, hải quân Trung Quốc đã đi từ việc sở hữu kho mìn gỉ sét từ thời trước Thế chiến thứ hai đến việc có thể sản xuất những loại mìn hiện đại, trong đó có mìn thông minh (cài bộ vi xử lý để tăng khả năng dò tìm mục tiêu, cùng bộ cảm ứng tích hợp giúp chống máy rà). Loại mìn điều khiển từ xa của Trung Quốc, chẳng hạn EM-53, có thể được tắt bằng mã âm (acoustic code) trong điều kiện bình thường và được kích hoạt trong tình huống chiến đấu. Có thể Trung Quốc cũng sở hữu mìn di động phóng – cài từ tàu ngầm (SLMM). Tương tự loại Mark 67 của Mỹ, SLMM Trung Quốc được tin là một phiên bản khác của ngư lôi loại Yu, có thể di chuyển với lộ trình và thời gian định sẵn. Khi đến địa điểm ấn định nó sẽ tự tắt động cơ và bất động phục kích chờ… mồi. Cần biết loại thủy lôi như EM-53 hoặc EM-52 với đầu đạn 140kg, nằm giấu mình ở độ sâu ít nhất 200m, có thể đạt vận tốc 80m/giây. Điều đó có nghĩa nó chỉ cần 3 giây để phóng lên và làm nổ tung mục tiêu.
Có thể nói Trung Quốc đầu tư rất kỹ vào hải chiến thủy lôi. Họ có hẳn một trường chuyên về thủy chiến mìn tại Đại Liên, chưa kể Viện Nghiên cứu thủy lôi tại Nghi Xương (Hồ Bắc). Ngoài ra, còn có các bãi thử thủy lôi tại Hồ Lô Đảo (Liêu Ninh), Lữ Thuận Khẩu (Đại Liên, Liêu Ninh), đảo Chu Sơn (Chiết Giang), Trường Đảo (Sơn Đông)…
Xét về yếu tố chiến lược, mìn Trung Quốc hoàn toàn có thể không chỉ ngăn Mỹ tiếp cận khu vực đại dương mà Bắc Kinh gọi là “chuỗi đảo thứ nhất”, mà còn có khả năng rải mìn chặn đứng Mỹ ngay từ “cửa ngõ” Guam. Với khả năng tự hành của thủy lôi SLMM, Trung Quốc có thể dùng tàu ngầm để phóng – cài thủy lôi sát nách các tuyến “xuất bến” của tàu Mỹ từ căn cứ Guam. Khu vực quanh quần đảo Ryukyu (chuỗi đảo kéo dài từ Kyushu đến Đài Loan, trong đó có quần đảo lớn nhất là Okinawa) cũng có thể nằm trong phạm vi hoạt động của trận địa thủy lôi Trung Quốc.
Trong báo cáo đánh giá mới nhất liên quan đến Trung Quốc, Phòng tình báo hải quân Mỹ đã đưa ra một số chi tiết cụ thể. Tính đến năm 2009, hải quân Trung Quốc có 40 tàu rải mìn. Tàu ngầm lớp Tống và lớp Nguyên chạy bằng diesel – điện cùng tàu ngầm lớp Thương chạy bằng hạt nhân được thiết kế có thể mang theo tên lửa hành trình YJ-82 lẫn khả năng rải mìn. Trực thăng Z-8 (sản xuất theo mẫu bản quyền chiếc SA-321 Super Frelon của Pháp) ngoài việc vận chuyển quân còn có thể phục vụ công tác rải mìn. Chỉ riêng chiếc Wolei 3.100 tấn đã có thể mang theo 300 quả mìn, theo tình báo hải quân Mỹ. Khoảng 150 máy bay tuần tra lẫn oanh tạc cơ cũng có thể rải mìn.
Để tăng cường năng lực kiểm soát, hải quân Trung Quốc đã nhiều lần tổ chức diễn tập rải, tháo ngư lôi trên biển. Lực lượng tàu ngầm hạm đội Nam Hải (1/2013) đã phái một đội tàu ngầm cơ động ra “một vùng biển xa” diễn tập rải ngư lôi phong tỏa một tuyến giao thông hàng hải trọng yếu. Mới đây, hải quân Trung Quốc (6/2018) cũng đã tiến hành diễn tập chống phong tỏa thủy lôi trên Biển Đông nhằm đối phó với khả năng Mỹ phong tỏa Biển Đông, eo biển Đài Loan hay Hoa Đông trong tương lai. Theo đó, quân đội Trung Quốc lần đầu tiên đã tiến hành một cuộc diễn tập chống phong tỏa đường biển bằng thủy lôi trên Biển Đông. Tàu rải ngư lôi, tàu quét mìn và các chiến hạm của các bộ tư lệnh khác nhau đã tham gia cuộc diễn tập liên hoàn trên Biển Đông, bao gồm việc phong tỏa đường biển bằng ngư lôi, rà phá bom mìn. Song Zhongping, một chuyên gia quân sự Trung Quốc nhận định cuộc diễn tập phong tỏa đường biển bằng ngư lôi và chống phong tỏa đường biển nhằm nâng cao khả năng tác chiến của hải quân Trung Quốc, chuẩn bị cho các tình huống “nước ngoài” can thiệp vào eo biển Đài Loan, Biển Đông hoặc Hoa Đông. Cuộc diễn tập mô phỏng rất sát thực tế, bởi vì chúng tôi không có bất kỳ thông tin nào về các điểm bị phong tỏa, kể cả số lượng, mô hình, vị trí. Bên cạnh đó, hơn 40 chuyên gia và giáo sư từ các trường đào tạo hải quân Trung Quốc, trường đại học và viện nghiên cứu hàng đầu được phân công lên các đội tàu khác nhau nhằm đánh giá toàn diện khả năng rà phá ngư lôi, cả về phương pháp chiến thuật, quy trình hoạt động lẫn hiệu quả tác chiến.
Trong khi đó, Mỹ – đối thủ lớn nhất của Trung Quốc, cũng có các động thái nhằm đề phòng và đáp trả Trung Quốc. Ngoài 14 tàu chuyên quét thủy lôi lớp Avenger, hải quân Mỹ còn có dàn trực thăng MH-53E Sea Dragon chuyên dò mìn và cũng có không ít loại thủy lôi hiện đại, chẳng hạn Mk71 có khả năng nhận biết nhiều mục tiêu khác nhau, từ tàu chiến nhỏ, tàu ngầm đến khu trục hạm. Không những vậy, quân đội Mỹ đang hiện đại hóa năng lực rà phá thủy lôi, đồng thời phát triển các mẫu thủy lôi mới trang bị cho chiến đấu cơ và tàu ngầm. Đây là những vũ khí đóng vai trò quan trọng trong chiến tranh công nghệ cao với các cường quốc như Nga và Trung Quốc trong tương lai. Theo đó, Hải quân Mỹ đang sở hữu thủy lôi Quickstrike với các biến thể trang bị cho phi cơ và tàu ngầm. Nó gồm các mẫu Mk 62, Mk 63 và Mk 64, được hoán cải từ bom thông thường và lắp hệ thống ngòi nổ kích hoạt dựa trên tín hiệu thủy âm, rung chấn và áp lực khi tàu chiến ở gần. Dòng Quickstrike còn có mẫu Mk-65 nặng 907 kg là thiết kế thủy lôi nguyên bản, không phải được hoán cải từ bom thông thường.
Tuy nhiên, hải quân Mỹ dường như chưa hài lòng với Quickstrike và đã tiến hành hai chương trình nâng cấp trong vòng 4 năm qua. Dự án Quickstrike-J trang bị hệ thống định vị vệ tinh (GPS) của bom thông minh JDAM cho ngư lôi, trong khi chương trình Quicktrike-ER giúp thủy lôi được gắn thêm một bộ cánh nâng để có thể “lượn” tới mục tiêu từ khoảng cách xa. Những nâng cấp này sẽ giúp máy bay thả thủy lôi chính xác ở mọi độ cao, trong đó mẫu Quickstrike-ER có thể được thả từ cách mục tiêu tới 65 km. Điều này giúp đẩy nhanh tốc độ rải thủy lôi, giảm đáng kể rủi ro cho phi cơ so với trước đây.
Ngoài ra, hải quân Mỹ cũng đang phát triển thủy lôi thả từ máy bay với định danh Hammerhead, thay thế dòng Mk 60 CAPTOR bị loại biên một năm trước. Chương trình Hammerhead tận dụng vỏ và giá treo trên máy bay của thủy lôi Mk 60, nhưng được nâng cấp đáng kể về cảm biến, hệ thống điện tử và phần mềm. Thủy lôi mới cũng có thiết kế module, sử dụng phần mềm kiến trúc mở để tiện nâng cấp trong tương lai. Với những cải tiến về ắc quy, vũ khí này có thể ẩn mình trong đại dương suốt nhiều tháng. Việc phát triển thủy lôi Hammerhead mới bắt đầu trong năm nay, chưa rõ nó có được trang bị cho tàu ngầm hay không. Một vũ khí nữa cũng đang được Lầu Năm Góc phát triển để trang bị cho tàu ngầm là thủy lôi CDM. Có rất ít thông tin về hệ thống này, ngoại trừ việc nó được phát triển từ năm 2016 và dự kiến bàn giao cho hải quân Mỹ vào năm 2020.
Chuyên gia quân sự Joseph Trevithick đánh giá việc Mỹ rải thủy lôi Quickstrike-J và Quickstrike-ER một cách chóng vánh và hiệu quả hơn sẽ khiến đối thủ phải cân nhắc khi hoạt động ở một số khu vực nhất định. Ngoài ra, họ sẽ phải triển khai nhiều nguồn lực để rà phá thủy lôi, công việc rất tốn thời gian và nguy hiểm ngay cả trong những điều kiện thuận lợi nhất. Do thủy lôi Quickstrike không cần thả ở tầm thấp, tiêm kích tàng hình có thể xâm nhập sâu vào lãnh thổ địch để thả chúng trên sông và kênh rạch. Các tàu ngầm và tàu lặn không người lái cũng đủ sức bí mật rải thủy lôi, gây khó khăn cho việc cơ động và đảm bảo hậu cần của đối phương.