Tin khắp nơi – 22/04/2020

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin khắp nơi – 22/04/2020

Trump chỉ thị hải quân nhắm bắn tàu Iran nếu bị ‘quấy nhiễu’

Tổng thống Donald Trump hôm 22/4 cho biết đã chỉ thị Hải quân Mỹ bắn vào bất kỳ tàu Iran nào nếu họ quấy nhiễu lực lượng Mỹ trên biển.

Tuyên bố này được đưa ra một tuần sau khi 11 tàu của hải quân Iran tiến gần tới các tàu của Mỹ ở vùng Vịnh.

Trong khi hải quân có quyền để phòng vệ, các bình luận của Tổng thống Trump dường như sẽ gây thêm căng thẳng giữa Iran và Hoa Kỳ.

“Tôi đã chỉ thị Hải quân Mỹ bắn hạ và phá hủy bất kỳ tàu quân sự nào của Iran nếu họ quấy nhiễu tàu của chúng ta trên biển”, ông Trump viết trên Twitter.

Đoạn tweet này được đưa ra vài giờ sau khi Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran thông báo đã phóng vệ tinh quân sự đầu tiên của nước này vào quỹ đạo.

Hoa Kỳ nên tập trung vào cứu giúp lực lượng quân sự của nước này khỏi tác động của virus Corona, một phát ngôn viên quân lực Iran nói hôm 22/4 sau các bình luận của ông Trump.

Đầu tháng này, quân đội Mỹ cho biết rằng 11 tàu của hải quân Iran đã tiến gần tới các tàu tuần duyên và hải quân Mỹ trong các động thái được coi là “nguy hiểm và khiêu khích”.

Tin cho hay, có lúc, tàu của Iran đã tiến gần một tàu của lực lượng tuần duyên Mỹ trong khoảng cách 9 mét.

https://www.voatiengviet.com/a/trump-ch%E1%BB%89-th%E1%BB%8B-h%E1%BA%A3i-qu%C3%A2n-nh%E1%BA%AFm-b%E1%BA%AFn-t%C3%A0u-iran-n%E1%BA%BFu-b%E1%BB%8B-qu%E1%BA%A5y-nhi%E1%BB%85u-/5386359.html

 

Tổng thống Trump nghi ngờ CNN, chúc Kim Jong Un ‘may mắn’

Minh Hòa

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm thứ Ba (21/4) bày tỏ hoài nghi về một bản tin của CNN và gửi lời “chúc may mắn” tới Kim Jong Un trong trường hợp nhà lãnh đạo Triều Tiên không được khỏe.

Trong cuộc họp báo ở Nhà Trắng hôm thứ Ba, ông Trump nói ông có biết các bài báo đưa tin rằng khả năng Kim Jong Un đang bị bệnh nặng, theo Business Insider.

Tổng thống Trump nói rằng thông tin này là chưa được xác minh và bắt nguồn từ bản tin của CNN, kênh truyền thông mà ông cho rằng không đáng tin cậy. Tổng thống Trump nói: “Chưa ai xác minh điều đó. Tin đó bắt nguồn từ CNN. CNN mà đưa ra bản tin nào thì tôi cũng không thấy đáng tin lắm.”

Dù vậy, Tổng thống Trump vẫn gửi lời “chúc may mắn” tới nhà lãnh đạo Bình Nhưỡng trong trường hợp ông Kim không được khỏe.

Theo Reuters, những suy đoán về sức khỏe của Kim Jong Un dấy lên sau khi ông vắng mặt trong Ngày Mặt trời hôm 15/4, tức ngày sinh lãnh tụ Kim Nhật Thành (Kim Il-Sung), ông nội của Kim Jong Un và là ngày lễ quan trọng hàng đầu ở Triều Tiên.

Reuters đã liệt kê một số nhân vật có khả năng sẽ điều hành Bình Nhưỡng trong trường hợp Kim Jong Un qua đời và các con của Kim chưa đủ trưởng thành để kế vị.

https://www.dkn.tv/the-gioi/tin-tuc-the-gioi/tong-thong-trump-nghi-ngo-cnn-chuc-kim-jong-un-may-man.html

 

Giáo sư Mỹ: Virus corona làm suy yếu vị thế toàn cầu của Trung Quốc

Duy Nghĩa

Trong một bài bình luận đăng trên tờ The National Interest, ông Mohammed Ayoob, giáo sư tại Đại học Michigan, đã phân tích về việc virus corona làm suy yếu vị thế của Trung Quốc trên thế giới.

Là thành viên cấp cao của Trung tâm Chính sách Toàn cầu (CGP), giáo sư Ayoob cho rằng “mặc dù việc ngăn chặn được virus corona còn chưa thấy, nhưng rõ ràng, cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu chưa từng có này, đã trở nên rắc rối trong cuộc cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc”.

Theo giáo sư Ayoob, một cuộc chiến ngôn từ giữa Mỹ và Trung Quốc đã nổ ra, trong đó Washington buộc tội Bắc Kinh đã “gây ra sự lan truyền của virus chết người trên toàn thế giới”.

Giáo sư Ayoob lưu ý, Tổng thống Donald Trump là người đã “khai hỏa loạt đạn” đầu tiên, bằng cách liên tục gọi virus corona là virus Trung Quốc. Mặc dù sau đó ông Trump hứa sẽ từ bỏ tên gọi đó, nhưng ngoại trưởng Mike Pompeo lại “bước vào” cuộc chiến, bằng cách khẳng định tại cuộc họp trực tuyến gần đây của G-7 rằng, virus này nên được gọi là virus Vũ Hán. Ông Pompeo nhấn mạnh rằng, thuật ngữ này phải được sử dụng trong tuyên bố chung, thường được công bố sau một hội nghị như vậy.

Tuy nhiên, các nước G7 khác đã từ chối thuật ngữ này, vì cho nó gây chia rẽ không cần thiết tại thời điểm mà hợp tác quốc tế là cần thiết để chống lại virus corona. Mặc dù vậy, ngoại trưởng Pompeo nhấn mạnh rằng điều quan trọng là nó chỉ ra virus này đến từ thành phố Trung Quốc, và chính phủ Trung Quốc đã thất bại trong nhiệm vụ cảnh báo thế giới về những nguy cơ của nó.

Giáo sư Ayoob cho hay Trung Quốc đã tấn công lại Mỹ thông qua bài đăng trên các phương tiện truyền thông xã hội, rõ ràng là được chính phủ Trung Quốc khuyến khích. Ví như, Bắc Kinh gián tiếp buộc tội Mỹ rằng, quân đội Hoa Kỳ đã chế tạo và lan truyền virus.

“Các thuyết âm mưu có nguồn gốc từ Trung Quốc đã ngụ ý rằng các cơ quan chính phủ Mỹ đang thử nghiệm virus như một vũ khí sinh học để sử dụng trong thời chiến”, giáo sư Ayoon chỉ rõ.

WHO có trách nhiệm liên đới

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cơ quan giám sát quốc tế về các vấn đề sức khỏe toàn cầu, cũng đã bị liên đới trong cuộc tranh cãi này. Tổng thống Trump cáo buộc WHO, đặc biệt là Tổng giám đốc, Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus, ban đầu đã đánh giá thấp sự bùng phát của virus corona, và sau đó đứng về phía Trung Quốc bằng cách ca ngợi phản ứng của Bắc Kinh.

Theo giáo sư Ayoob, Tổng thống Trump không “đơn độc trong việc chỉ trích” WHO. Cáo buộc của ông Trump “dựa trên thực tế là việc ông Tedros ban đầu đã xem nhẹ mối đe dọa toàn cầu do virus gây ra, do đó bảo vệ Trung Quốc khỏi cáo buộc rằng [Bắc Kinh] đã không công khai thừa nhận mối đe dọa sắp xảy ra của căn bệnh, và khả năng nó lan rộng toàn cầu”. Điều này được chứng minh ở một mức độ nào đó bởi thực tế mà ông Tedros đã phát biểu trong một tuyên bố được đưa ra hôm 23/1, khi virus đang hoành hành ở Vũ Hán, và lan sang các vùng khác của Trung Quốc.

Ông Tedros tuyên bố: “Trung Quốc đã thực hiện các biện pháp mà họ tin là phù hợp, để ngăn chặn sự lây lan của virus corona ở Vũ Hán và các thành phố khác. Chúng tôi hy vọng rằng chúng sẽ có hiệu quả và chính xác. Hiện tại, WHO không khuyến nghị bất kỳ hạn chế nào lớn hơn đối với việc đi lại hoặc giao dịch”.

Giáo sư Ayoob cho rằng tuyên bố trên rõ ràng ngụ ý “việc đi du lịch đến Trung Quốc là an toàn, và cho phép công dân Trung Quốc đi ra nước ngoài vào thời điểm khi mà sự lây nhiễm và tử vong đang tăng lên”, trong khi nhiệm vụ của WHO khi đó là phải cảnh báo cộng đồng thế giới về những nguy cơ của việc đến và rời khỏi Trung Quốc.

Giáo sư Ayoob cho hay một số nhà phê bình đã phân tích việc WHO không khiển trách Trung Quốc che giấu dịch bệnh, đặc biệt việc WHO đã không hành động để báo cáo kịp thời, và rằng “tổ chức này đã cố gắng bảo vệ Bắc Kinh khỏi bị lên án bởi vì [Trung Quốc] là một nước đóng góp chính cho ngân sách của WHO”.

Cuộc tranh luận về tội của Bắc Kinh,đã tăng thêm sức nóng với tiết lộ về 8 bác sĩ Trung Quốc, những người đóng vai trò như “những người thổi còi’’ đã bị chính phủ Trung Quốc qui cho là “những kẻ tung tin đồn’’.

“Thật không may, Lý Văn Lượng, một trong 8 bác sĩ, đã không chống nổi căn bệnh này, ngay sau nỗ lực của Bắc Kinh nhằm làm mất uy tín của anh và các đồng nghiệp của anh, vì những cố gắng của họ trong việc gây chú ý cho thế giới”, giáo sư Ayoob cho biết.

Những thách thức đối với Mỹ

Theo giáo sư Ayoob, chiến thuật của Mỹ, bao gồm việc công bố Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về dịch bệnh, không chỉ dựa trên những cân nhắc đúng đắn, mà còn được thúc đẩy bởi các lý do chiến lược và chính trị.

“Washington đặc biệt lo lắng rằng việc họ không có khả năng kiểm soát virus, và tìm ra ‘thuốc giải độc’ cho nó, không chỉ dẫn đến ‘bị mất mặt’, mà về lâu dài còn làm xói mòn vị thế của Mỹ như là cường quốc thế giới, với khả năng thiết lập các chương trình nghị sự kinh tế và an ninh quốc tế”, giáo sư Ayoob nhận định.

Giáo sư Ayoob cho hay một số nhà bình luận Mỹ đã nói rõ rằng việc Mỹ không hành động nhanh chóng, và dẫn đầu thế giới trong việc tìm ra giải pháp cho cuộc khủng hoảng, về lâu dài “có thể dẫn đến sự đảo ngược trong trật tự toàn cầu, với việc Mỹ mất vị thế ưu việt vào tay Trung Quốc”.

Giáo sư Ayoob cho rằng việc Mỹ hoàn toàn qui trách nhiệm cho Trung Quốc trên các diễn đàn quốc tế, rằng Bắc Kinh là mặt trái và đồng lõa trong việc lan truyền đại dịch toàn cầu, có thể làm suy yếu rất nhiều vị thế toàn cầu của Trung Quốc và bảo vệ vị thế của Mỹ trong trật tự phân hạng thế giới.

Trong thập niên qua, Mỹ đã e ngại về sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc, cũng như sức mạnh mềm của Bắc Kinh thông qua ‘Sáng kiến Vành đai và Con đường’, với các khoản vay dành cho các nước đang phát triển ở châu Á và châu Phi, theo các điều khoản ưu đãi. Điều này đã bổ sung đáng kể vào việc mở rộng phạm vi ảnh hưởng toàn cầu của Trung Quốc, và uy tín của nó trong các thành viên cộng đồng quốc tế, tại thời điểm chính sách ‘Nước Mỹ là trên hết’ của ông Trump lại báo hiệu mong muốn của Washington từ bỏ các cam kết toàn cầu.

Giáo sư Ayoob cho rằng việc chính quyền Trump không sẵn sàng dẫn đầu thế giới để chống lại mối đe dọa của virus corona, là một ví dụ quan trọng về chính sách giảm bớt vai trò như vậy của Mỹ, cũng như quyết định của Mỹ định rút khỏi Afghanistan và các điểm nóng khác ở Trung Đông.

Tình trạng đối kháng, giữa sự bành trước của Trung Quốc và sự giảm bớt vai trò của Mỹ trong vài năm qua, đã thúc đẩy Bắc Kinh liên tục thách thức Mỹ về thương mại và các vấn đề kinh tế khác. Nó cũng đã khuyến khích Trung Quốc tiến hành một cách công khai các hoạt động ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, vốn bị Mỹ coi là không phù hợp với những lợi ích chiến lược của mình.

Giáo sư Ayoob nhận định “tội lỗi của Trung Quốc trong sự lan truyền toàn cầu của virus corona, hiện là một thực tế đã được minh chứng, cung cấp cho Mỹ cơ hội buộc tội Trung Quốc, với hy vọng nó sẽ làm xói mòn đáng kể uy tín và sức mạnh mềm mà Trung Quốc đã tích lũy trong cộng đồng quốc tế trong thập kỷ qua”.

Cuối cùng giáo sư Ayoob kết luận: “Washington dường như lạc quan rằng nếu điều này xảy ra, thì họ sẽ khiến Trung Quốc dễ tuân theo áp lực của Mỹ đối với toàn bộ các vấn đề kinh tế và chiến lược, và củng cố vị thế của Mỹ như một siêu cường duy nhất, một vị trí ngày càng bị Trung Quốc thách thức”.

Theo The National Interest

Duy Nghĩa dịch và biên tập

https://www.dkn.tv/the-gioi/giao-su-my-virus-corona-lam-suy-yeu-vi-the-toan-cau-cua-trung-quoc.html

 

Kỹ sư Silicon Valley: VN tắt máy chủ Facebook ‘làm lu mờ hình ảnh đẹp’

Kỹ sư Dương Ngọc Thái Viết từ California

James Pearson, trưởng đại diện Reuters ở Việt Nam, dẫn lời hai nguồn tin cho biết máy chủ của Facebook đặt ở Viettel và VNPT đã bị tắt trong vòng 7 tuần, từ giữa tháng 2 đến đầu tháng 4 năm nay. Các máy chủ này chỉ được mở lại sau khi Facebook đồng ý tăng cường kiểm duyệt các nội dung “chống chính phủ”.

Kỹ sư ở Mỹ gửi thư nói sứ quán VN ‘lạm thu’

Từ Silicon Valley nghĩ về dự thảo nghị định thực thi Luật ANM

Theo VietnamNet, khi người dân than phiền vào Facebook chập chờn, VNPT và Viettel đã giải thích như sau:

Trước những phàn nàn của người dùng Internet, mới đây một số nhà mạng lớn trong nước đã lên tiếng để trấn an người dùng.

Chia sẻ trên fanpage của mình, nhà mạng VNPT đưa ra lời giải thích, hiện tượng đường truyền Facebook không ổn định là do vấn đề kết nối tới máy chủ quốc tế. Đây cũng là cách lý giải được đưa ra bởi nhà mạng Viettel.

Cả VNPT và Viettel đều cho biết đang tích cực phối hợp cùng các đơn vị đối tác liên quan để kiểm tra nhằm khác phục triệt để. Trên fanpage của mình, hai đơn vị này cũng ngỏ lời mong người sử dụng thông cảm.

Tại sao Facebook lại đặt máy chủ ở Việt Nam? Tôi không rõ thiết kế của Facebook, nhưng để tối ưu tốc độ phục vụ người dùng các công ty sẽ muốn đặt máy chủ càng gần người dùng càng tốt. Cách tốt nhất là thuê chỗ ở trung tâm dữ liệu của các nhà cung cấp dịch vụ Internet.

Các máy chủ này thường sẽ không có chứa dữ liệu riêng tư của người dùng, mà chỉ chứa những nội dung mà ai cũng xem được. Khi các máy chủ này bị tắt đi, Facebook vẫn hoạt động được, nhưng tốc độ sẽ giảm xuống vì lúc này người dùng sẽ phải kết nối thẳng đến trung tâm dữ liệu của Facebook đặt ở Singapore, Đài Loan hay Hong Kong.

Facebook ‘đồng ý hợp tác với VN’

Kỹ sư ở Mỹ gửi thư nói sứ quán VN ‘lạm thu’

Từ Silicon Valley nghĩ về dự thảo nghị định thực thi Luật ANM

Nếu thông tin Reuters đưa là chính xác, việc Facebook đồng ý kiểm duyệt đi ngược lại với cam kết bảo vệ tự do ngôn luận mà Mark Zukerberg đã nhấn mạnh trong một bài phát biểu ở Georgetown University hồi tháng 10/2019. Tôi hi vọng Ủy ban Việt Nam của Quốc hội Mỹ sẽ sớm có phiên điều trần về việc này.

Việc Chính phủ Việt Nam yêu cầu Facebook phải kiểm duyệt nội dung “chống chính phủ” mà không thể tự làm, chứng tỏ Chính phủ Việt Nam vẫn chưa thể tự ý xóa nội dung hay truy cập dữ liệu người dùng Facebook để xác định ai đã gửi bài gì, rồi dùng “các biện pháp nghiệp vụ” để ngăn chặn họ. Đây có thể xem là một tin vui cho những ai vẫn đang còn kỳ vọng về một môi trường Internet tự do cho Việt Nam.

Facebook ‘bị phạt 5 tỷ đô la’

Thuật toán Facebook ‘xóa Tuyên ngôn Độc lập Mỹ’

Tin Việt Nam tắt máy chủ của Facebook để tăng cường kiểm duyệt sẽ làm lu mờ hình ảnh một Việt Nam đang rất đẹp giữa đại dịch COVID-19. Quyết định này cho thấy rõ bản chất của Luật An ninh mạng. Luật này yêu cầu các công ty Internet quốc tế phải đặt máy chủ và dữ liệu người dùng ở Việt Nam và bây giờ thì chúng ta đã hiểu tại sao những người tạo ra luật này muốn như vậy.

Kể từ đây về sau, có công ty Internet quốc tế nào còn muốn đầu tư lâu dài hay mở văn phòng ở Việt Nam? Máy tính tắt thì thôi, chứ có công ty nào muốn nhân viên của mình trở thành con tin. Tôi đã từng hỏi chính sách của Việt Nam như thế nào để rồi chỉ yêu cầu mở văn phòng thôi, chứ chưa nói đầu tư hay chuyển giao công nghệ gì, mà Facebook vẫn không muốn vào Việt Nam? Hôm nay chúng ta đã có câu trả lời.

Nếu các công ty Internet quốc tế không mở văn phòng, không đầu tư, xây dựng hạ tầng ở Việt Nam để phục vụ người Việt Nam tốt hơn, ai sẽ chịu trách nhiệm về thiệt hại này của người dân? Bao nhiêu người đang kiếm sống nhờ vào Facebook. Việc tắt máy chủ Facebook cũng đặt dấu chấm hết cho hi vọng thuyết phục các nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây như Amazon đem công nghệ vào Việt Nam. Không ai ngu đến nỗi đầu tư vài trăm triệu USD để rồi người khác muốn tắt là tắt. Thiếu một hạ tầng điện toán đám mây hiện đại sẽ khiến những nghị quyết 4.0 mãi vẫn còn nguyên giá trị.

Vai trò của Facebook ở Việt Nam không chỉ là nơi người ta gặp gỡ, trao đổi, kinh doanh, mua bán mà còn là nơi người dân tìm kiếm tự do và bình đẳng.

Facebook sẽ không xóa tin giả

Facebook khóa tài khoản tướng Myanmar

Người Mỹ có thành ngữ “san phẳng sân chơi” (level the playing field), ý nói muốn tạo ra một sân chơi bình đẳng cho tất cả mọi người. Bình đẳng ở đây không có nghĩa là bình đẳng đầu ra, tức là làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu theo chủ nghĩa cộng sản duy lý nhã kỳ, mà cũng không có nghĩa là bình đẳng đầu vào, vì không có cách nào khiến người sinh ra ở Chắc Cà Đao cũng có nhiều cơ hội như người sinh ra ở Sài Gòn. Bình đẳng ở đây là bình đẳng về luật chơi.

Luật chơi ở Việt Nam có thể tóm gọn trong bốn câu vè mà ai cũng đã từng nghe:

Thứ nhất hậu duệ

Thứ nhì quan hệ

Thứ ba tiền tệ

Đứng chót trí tuệ

Bao nhiêu bất công, oan trái, trì trệ của xã hội có thể truy ra nguồn gốc từ luật chơi oái ăm này. Đây không phải vấn đề của riêng Việt Nam.

Ở đâu và thời nào thì người có tiền, có quyền và có quan hệ cũng muốn thay đổi luật chơi theo hướng có lợi cho họ, nhưng một xã hội thông minh sẽ thiết lập các thể chế để ngăn chặn, phát hiện và xử lý bọn chơi ăn gian. Họ sẽ có tam quyền phân lập.

Họ sẽ đặt chính phủ dưới sự kiểm soát của các đảng phái chính trị đối lập. Họ sẽ có những tờ báo độc lập, những tổ chức xã hội dân sự để kiểm soát chính quyền và tất cả những ai muốn chơi xấu. Việt Nam thiếu tất cả những thể chế như vậy, thành ra người Việt chưa bao giờ có một sân chơi bình đẳng.

Mọi chuyện chỉ thay đổi cho đến khi Internet và Facebook (và YouTube) du nhập vào Việt Nam. Lần đầu tiên trong vài chục năm qua, người Việt Nam có một sân chơi mà trí tuệ là tiêu chí hàng đầu. Ai có tài năng hay ý kiến mới, người đó có sân khấu và vài chục triệu khán giả. Nói không ngoa, đây là thay đổi tích cực nhất về tự do dân chủ, công bằng xã hội ở Việt Nam kể từ ngày đổi mới. Tắt máy chủ Facebook là cách nhanh nhất triệt tiêu những thay đổi tích cực này.

Rõ ràng một quyết định gây nhiều thiệt hại như vầy phải được Chính phủ Việt Nam cân nhắc kỹ lưỡng. Tôi hi vọng Chính phủ sẽ công bố lợi ích vĩ đại của việc tắt máy chủ Facebook ngoại trừ tiết kiệm điện và giải thích tại sao người dân Việt Nam phải chấp nhận hi sinh lợi ích kinh tế và tự do cá nhân để Chính phủ kiểm duyệt các nội dung “chống chính phủ” trên Facebook.

Người dân hết sức quan tâm đến sức khỏe tâm thần của lãnh đạo, nếu biết lãnh đạo không thích “ăn” chửi, tôi tin họ sẽ không chửi thẳng nữa đâu, mà sẽ chuyển qua chửi đổng. Lợi cả đôi đường, dân vẫn được chửi để giải tỏa, lãnh đạo vẫn được quyền nghĩ “chắc nó chừa mình ra”. Ít nhất là cho đến hết Đại hội Đảng.

Khi Luật An ninh mạng còn là bản thảo, tôi đã dự đoán Facebook sẽ không bị chặn hẳn nhưng sẽ bị làm chậm, nhưng thú thật từ lúc nghe tin này đến giờ tôi vẫn còn choáng váng, vì không ngờ cá mập ở Biển Đông lại làm việc cho Chính phủ Việt Nam. Trump có Space Force thì Việt Nam cũng ngạo nghễ có kém gì với Shark Force.

Sau khi đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ kiểm duyệt Facebook, hi vọng Chính phủ sẽ điều động đội quân cá mập này ra cắn bớt tàu chiến và dàn khoan của nước lạ đang ra vô Biển Đông như cái chợ.

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, một chuyên gia về bảo mật thông tin đang làm việc tại Silicon Valley, Mỹ.Bài đã đăng trên trang blog cá nhân của ông hôm 21/4.

https://www.bbc.com/vietnamese/forum-52381653

 

Ân Xá Quốc Tế kêu gọi Facebook ngưng đồng lõa với biện pháp kiểm duyệt của chính phủ VN

Tổ chức Ân Xá Quốc Tế lên tiếng kêu gọi Facebook ngưng đồng lõa với biện pháp kiểm duyệt của chính phủ Việt Nam.

Thông cáo báo chí phát đi ngày 22 tháng 4 của Ân Xá Quốc tế yêu cầu Facebook phải ngay lập tức thay đổi quyết định kiểm duyệt những nội dung đăng tải bị cho là chỉ trích chính phủ Việt Nam.

Ân Xá Quốc Tế dẫn lại tin của Reuters loan đi ngày 21 tháng 4 cho biết Facebook đã bắt đầu tăng cường đáng kể việc kiểm duyệt những nội dung ‘chống chính quyền’ tại Việt Nam. Biện pháp này được tiến hành sau khi có áp lực từ cơ quan chức năng, trong đó có việc mà tập đoàn này nghi những công ty viễn

thông của Nhà nước hạn chế truy cập đối với máy chủ địa phương của tập đoàn khiến Facebook không thể sử dụng trong nhiều khoảng thời gian.

Theo chuyên gia William Nee, cố vấn về nhân quyền của Amnesty International, thì tin tiết lộ về việc Facebook khuất phục yêu cầu kiểm duyệt khó đạt được là một bước ngoặt tồi tệ cho quyền tự do biểu đạt tại Việt Nam và xa hơn nữa.

Chuyên gia William Nee nói việc cơ quan chức năng Việt Nam đàn áp thô bạo quyền tự do biểu đạt không có gì mới, tuy nhiên chính sách của Facebook thay đổi như thế cho thấy tập đoàn này đồng lõa với phía Việt Nam.

Vào ngày 21 tháng Tư, hãng tin Reuters dẫn hai nguồn ẩn danh thuộc Facebook cho biết tập đoàn này đã phải nhượng bộ chính quyền Việt Nam trong việc kiểm duyệt các thông tin bị cho là có tính tiêu cực đối với Việt Nam. Sự nhượng bộ này diễn ra sau khi các nhà mạng thuộc nhà nước làm chậm việc truy cập vào mạng Facebook một cách đáng kể vào hồi đầu năm nay.

Các nguồn tin này cho biết các công ty viễn thông trong nước đã để các máy chủ hoạt động ở dạng offline trong khoảng 7 tuần khiến việc truy cập Facebook bị gián đoạn.

Thông tin này cũng trùng hợp với những phàn nàn của người dùng Facebook trong nước hồi đầu năm nay.

Facebook cũng đã chính thức xác định với Reuters rằng hãng này đã phải miễn cưỡng đáp ứng yêu cầu của chính phủ trong việc giới hạn việc tiếp cận những nội dung bị coi là vi phạm pháp luật ở Việt Nam.

Hiện Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam và các nhà mạng lớn như Viettel, VNPT chưa đưa ra bất cứ lời bình luận nào về thông tin mà hãng Reuters loan.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/amnesty-international-facebook-must-cease-complicity-with-vietnamese-government-censorship-04222020075141.html

 

Mỹ điều hai tàu chiến ra Biển Đông, nghi áp sát nơi tàu Hải Dương địa chất 8 hoạt động

Hải quân Mỹ ngày 21-4 xác nhận điều hai tàu chiến ra Biển Đông, trong khi ba nguồn tin của Reuters nói các tàu này hoạt động gần khu vực diễn ra sự “đối đầu” giữa Trung Quốc và Malaysia.

Hồi tuần trước, tàu khảo sát Trung Quốc Hải Dương Địa chất 8 đã bị phát hiện tiến hành khảo sát gần khu vực tàu thăm dò do công ty dầu mỏ quốc doanh của Malaysia Petronas đang hoạt động.

Đây là đợt khảo sát giống với những gì Trung Quốc đã làm ở vùng biển Việt Nam hồi năm 2019.

Vụ khảo sát gần Petronas trên đã khiến Mỹ lên tiếng, kêu gọi Trung Quốc ngừng “thái độ bắt nạt” trên các vùng biển tranh chấp, cho rằng Bắc Kinh đã hành động khiêu khích nhắm vào các hoạt động dầu khí xa bờ nơi đây.

Trong động thái mới nhất, bà Nicole Schwegman, phát ngôn viên Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ, ngày 21-4 cho biết tàu tấn công đổ bộ USS America và tàu tuần dương mang tên lửa dẫn đường USS Bunker Hill đã được triển khai ở Biển Đông.

“Thông qua sự hiện diện liên tục ở Biển Đông, chúng tôi đang nỗ lực… thúc đẩy tự do hàng hải và hàng không, và nguyên tắc quốc tế vốn làm nền tảng an ninh và thịnh vượng ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Mỹ ủng hộ các nỗ lực của đồng minh và đối tác trong việc quyết định lợi ích kinh tế của riêng mình”, bà Schwegnan viết trong một tuyên bố bằng email gửi Reuters.

Chuẩn đô đốc Fred Kacher, chỉ huy nhóm tác chiến viễn chinh USS America, nói với Reuters rằng lực lượng của ông đã liên lạc với hải quân Trung Quốc ở Biển Đông trong tuần này.

Ông Kacher nói: “Mọi tương tác của chúng tôi tiếp tục được thực hiện an toàn và chuyên nghiệp với Trung Quốc”.

Chuẩn đô đốc này không nói chính xác vị trí các tàu Mỹ đang hoạt động, nhưng các nguồn tin an ninh cho rằng tàu Mỹ đang gần khu vực Hải Dương Địa chất 8 của Trung Quốc và tàu khoan West Capella của Petronas (Malaysia). Reuters cho biết các nguồn tin này từ chối nêu tên do không được phép phát biểu trước báo chí.

Trong thời gian qua, tàu khảo sát Hải Dương Địa chất 8 đã quay lại Biển Đông và được cho xảy ra tình trạng đối đầu với Malaysia.

Tuy nhiên khi Reuters hỏi về vụ “đối đầu” ấy, Trung Quốc đã bác bỏ thông tin, khẳng định tàu Hải Dương Địa chất 8 đang “tiến hành các hoạt động bình thường”.

Một bản fax từ Bộ Ngoại giao Trung Quốc trả lời Hãng tin Reuters viết: “Cái gọi là ‘đối đầu’ trên biển mà các anh đề cập không hề diễn ra”.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Malaysia lẫn Petronas đều chưa có phản hồi các câu hỏi liên quan.

http://biendong.net/bi-n-nong/34245-my-dieu-hai-tau-chien-ra-bien-dong-nghi-ap-sat-noi-tau-hai-duong-dia-chat-8-hoat-dong.html

 

Mỹ – Trung có nên hợp tác để chống lại virus Vũ Hán?

Trong một bài viết đăng trên tờ The Epoch Times vào ngày 8/4, ông Heng He, nhà bình luận của Đài phát thanh Hy Vọng (Sound of Hope Radio) và là một chuyên gia phân tích về các vấn đề Trung Quốc cho đài truyền hình NTD, đã nói về việc liệu Mỹ và Trung Quốc có nên hợp tác để cùng nhau giải quyết dịch viêm phổi Vũ Hán hay không.

Ông He cho biết, gần đây, một nhóm gồm 100 học giả Trung Quốc đã công bố một bức thư ngỏ kêu gọi Hoa Kỳ và Trung Quốc hợp tác để chống lại virus Vũ Hán. Sau đó, Đại sứ Trung Quốc tại Hoa Kỳ, Thôi Thiên Khải (Cui Tiankai), đã thúc đẩy ý tưởng này trong một bài bình luận (op-ed – ngược chiều) trên tờ New York Times. Theo ông He, rõ ràng, đây là nỗ lực mới của ĐCSTQ nhằm biến làn sóng chống lại họ thành lợi thế.

Câu hỏi đặt ra là: liệu Mỹ và Trung Quốc có nên hợp tác để giải quyết đại dịch hay không? Trước khi tìm câu trả lời, có lẽ nên nhìn vào bản chất của Bắc Kinh, nhìn vào bản chất dối trá của chính quyền này.

 Đại dịch bắt nguồn từ sự dối trá

Cho đến nay, chính quyền Trung Quốc ở các cấp độ khác nhau đã làm mọi cách để che giấu sự bùng phát của dịch bệnh và nói dối người dân Trung Quốc và người dân thế giới.

Cụ thể, nhà cầm quyền Trung Quốc đã trừng phạt bác sĩ Ai Fen, người đầu tiên bày tỏ nghi ngờ về sự xuất hiện của một loại virus mới giống SARS, và bác sĩ Lý Văn Lượng, người lên tiếng cảnh báo về bệnh viêm phổi lạ đồng thời Bắc Kinh cũng che giấu việc virus có thể truyền từ người sang người.

Cho tới nay, không ai biết có bao nhiêu người đã bị nhiễm bệnh và bao nhiêu người đã chết vì virus Vũ Hán ở Trung Quốc. Sự dối trá và che đậy này đã gây ra tổn thất to lớn trên toàn cầu.

Câu hỏi thực sự là: Nếu họ có cơ hội để sửa sai, liệu có sự khác biệt nào không? Câu trả lời là không. ĐCSTQ sẽ vẫn làm như vậy bởi vì toàn bộ hệ thống này đều dựa trên sự dối trá và được thiết kế để lừa dối. Không có chỗ cho sự thật dưới sự cai trị của nhà cầm quyền Trung Quốc.

Hãy nhớ rằng, trước đó ĐCSTQ đã trừng phạt bác sĩ Lý vì đã nói sự thật về sự xuất hiện của virus corona chủng mới. Ngoài ra, ba phóng viên công dân, Trần Thu Thực (Chen Shiqiu), Phương Bân (Fang Bin) và Li Zehua đã bị cảnh sát Vũ Hán bắt cóc. Họ có tội gì? Họ chẳng qua chỉ là nói về những gì đã xảy ra ở Vũ Hán trong thời gian phong tỏa, và giờ họ vẫn đang mất tích.

Khi được hỏi trong cuộc phỏng vấn sau khi dịch SARS kết thúc, rằng rốt cuộc Trung Quốc đã rút ra được bài học nào, chuyên gia chống virus hàng đầu của nước này, Tiến sĩ Chung Nam Sơn (Zhong Nanshan) nói rằng lần tới sẽ không có chuyện che đậy. Và sự thật là, lần này, ĐCSTQ lặp lại mọi sai lầm mà nó đã gây ra trong đợt dịch SARS.

Điều duy nhất có thể tin được là nếu có một đợt bùng phát dịch khác trong tương lai, hẳn họ sẽ vẫn tiếp tục che đậy và dối trá.

Những lời nói dối không chỉ tồn tại trong bộ máy tuyên truyền và trong hệ thống giáo dục mà nó còn tồn tại ở khắp mọi nơi trong đất nước Trung Quốc. Đối với các quan chức Trung Quốc, không phải là tìm hiểu xem lý do tại sao họ nói dối, mà là họ chưa bao giờ học cách nói thật. Ngoài ra, những lời nói dối của ĐCSTQ được bảo vệ bởi hệ thống pháp luật. Bất cứ ai cố gắng vạch trần sự dối trá của Bắc Kinh sẽ bị hệ thống pháp luật trừng phạt.

Hợp tác hay không

Trong giai đoạn đầu của dịch bệnh, Trung Quốc đã mua gần như toàn bộ kho khẩu trang của Hoa Kỳ, từ khẩu trang thông thường đến khẩu trang N95, khiến nhân viên y tế của Mỹ không có đủ vật tư y tế cho việc bảo hộ trước virus. Đây không phải là hành động đơn lẻ của một số công ty và người Hoa ở nước ngoài, mà được cho là đã lên kế hoạch và tổ chức tốt bởi các nhà lãnh đạo hàng đầu của Trung Quốc.

Nếu mọi người đồng ý với việc Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ hợp tác để chống lại virus Vũ Hán, điều đầu tiên họ cần làm là yêu cầu chính quyền Trung Quốc ngừng nói dối và cung cấp dữ liệu thật về dịch bệnh cho cộng đồng quốc tế.

Sự hợp tác chỉ có thể bắt đầu bằng niềm tin. Trước một đại dịch đang lan rộng khắp toàn cầu, có lẽ đây là lần cuối để thế giới hiểu rõ và thức tỉnh về bản chất của nhà cầm quyền Trung Quốc.

http://biendong.net/doc-bao-viet/34259-my-trung-co-nen-hop-tac-de-chong-lai-virus-vu-han.html

 

Mỹ điều máy bay trinh sát theo dõi Triều Tiên

Triệu Hằng

Hãng tin Yonhap hôm nay (22/4) cho biết, máy bay trinh sát của Mỹ đã bay qua Bán đảo Triều Tiên để theo dõi Triều Tiên trong bối cảnh có những suy đoán về tình trạng sức khỏe của Kim Jong Un.

Hãng theo dõi hoạt động hàng không Aircraft Spots cùng ngày (22/4) đã đăng trên Twitter thông tin rằng máy bay RC-135W Rivet Joint của Không quân Hoa Kỳ bay qua bầu trời Seoul và tỉnh Gyeonggi của Hàn Quốc, nhưng không nêu cụ thể thời gian bay.

Hãng tin Yonhap cho hay, gần đây một số máy bay do thám Mỹ thường xuyên xuất hiện ở khu vực vì Bình Nhưỡng trong những tháng gần đây có động thái tăng cường khả năng phòng thủ trong bối cảnh các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa với Washington đình trệ.

Triều Tiên ngày 14/4 đã phóng vật thể khả năng là tên lửa hành trình và tên lửa không đối đất từ máy bay chiến đấu xuống vùng biển ở phía Đông bán đảo Triều Tiên (East Sea).

Những suy đoán về sức khỏe của Kim Jong Un dấy lên sau khi Kim vắng mặt trong ngày kỷ niệm ngày sinh cố lãnh tụ Kim Nhật Thành (Kim Il-sung) vào ngày 15/4.

Chính phủ Hàn Quốc đã bác bỏ suy đoán rằng lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un bị bệnh nặng và cho biết không có dấu hiệu bất thường nào từ bên trong Triều Tiên.

Theo Yonhap, một nguồn tin cho biết Kim đang ở một thành phố ven biển phía đông Wonsan.

https://www.dkn.tv/the-gioi/my-dieu-may-bay-trinh-sat-theo-doi-trieu-tien.html

 

Virus corona: Tại Mỹ, hơn 2700 người chết trong 24 giờ qua

Minh Anh

Hoa Kỳ vẫn là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch Covid-19, bùng phát từ Vũ Hán, Trung Quốc. Gần 45.000 người chết, trong đó hơn 2.700 ca tử vong mới trong vòng 24 giờ và hơn 820.000 ca nhiễm.

Trong bối cảnh u ám này, ông Robert Redfield, giám đốc Trung Tâm Kiểm Soát và Dự Phòng Dịch Bệnh (CDC) của Mỹ, cảnh báo đợt dịch virus corona thứ hai có thể sẽ còn tồi tệ hơn đợt đầu. Bởi vì, theo ông, đợt dịch thứ hai sẽ trùng khớp với thời điểm bắt đầu đợt cúm mùa. Do đó, ông kêu gọi người dân Mỹ nên chuẩn bị và tiêm chủng phòng ngừa chống cúm. Ông khẳng định, nếu hai đợt dịch bệnh này đạt đỉnh cùng thời điểm, « điều này sẽ thật sự, thật sự khó khăn » cho các bệnh viện với nguy cơ thiếu giường bệnh.

Về kinh tế, AFP cho biết Thượng Viện Mỹ ngày 21/04/2020 nhất trí thông qua kế hoạch hỗ trợ trị giá 500 tỷ đô la. Theo đó, một khoản 320 tỷ đô la là dành để hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ (dưới 500 nhân viên) bị tác động mạnh bởi dịch virus corona, dưới hình thức cho vay. Một khoản hỗ trợ 75 tỷ đô la là dành cho các bệnh viện, 25 tỷ là để tiến hành các xét nghiệm Covid-19, và 60 tỷ còn lại để trợ giúp nhiều lĩnh vực khác cũng bị ảnh hưởng, như nông nghiệp. Chương trình này nằm trong kế hoạch 2.000 tỷ đô la được thông báo hồi cuối tháng Ba năm 2020.

TT Trump giải thích về việc tạm ngưng cấp thẻ xanh định cư

Cũng trong nỗ lực hạn chế thiệt hại do dịch bệnh Covid-19 gây ra, khiến hàng chục triệu người dân Mỹ bị thất nghiệp, tổng thống Mỹ sau một dòng tweet gây sửng sốt, hôm 21/04, cho biết rõ về quyết định tạm ngưng chương trình nhập cư hợp pháp. Việc cấp thẻ xanh định cư sẽ bị tạm ngưng ít nhất trong vòng hai tháng.

Từ San Francisco, thông tín viên Eric de Salve cho biết thêm:

« 24 giờ sau dòng tweet mập mờ và gây bất ngờ, thông báo đình chỉ chương trình nhập cư hợp pháp, Donald Trump cho biết rõ hơn ý định. Trong buổi họp báo tại Nhà Trắng, tổng thống Mỹ giải thích quyết định được đưa ra không liên quan đến việc cấp visa làm việc tạm thời. Chỉ có việc cấp thẻ xanh là bị tạm ngưng ít nhất trong 60 ngày, và thời hạn này có thể sẽ bị kéo dài thêm.

Theo ông Donald Trump, đây là phương cách để tái khởi động việc làm ở Mỹ, đang phải đối mặt với tỷ lệ thất nghiệp cao chưa từng có trong lịch sử : Có thêm 22 triệu người đăng ký thất nghiệp, kể từ khi bắt đầu có lệnh phong tỏa.

Ông nói : ʺKhi tạm ngưng chương trình nhập cư, chúng ta mới có thể giúp những người thất nghiệp, ưu tiên số một vào thời điểm nước Mỹ sắp mở cửa trở lại. Điều này rất quan trọng. Sẽ là một sai lầm và sẽ thật sự bất công, nếu để cho người dân Mỹ bị thất nghiệp do virus corona gây ra phải bị thay thế bởi lao động nhập cư, đến từ những nước khác.ʺ

Ông Donald Trump hy vọng có thể ký sắc lệnh ngay trong ngày thứ Tư, 22/4. Biện pháp này đã bị phe đối lập Dân Chủ đồng loạt phản đối, xem đó như là một cách để chuyển hướng công luận khi biến người nước ngoài thành ‘‘vật tế thần’’. Và biện pháp này cũng có nhiều nguy cơ bị tư pháp phản đối. »

Covid-19 : Bang Missouri kiện Trung Quốc

Chính quyền bang Missouri ngày 21/04/2020 đã quyết định kiện Trung Quốc, cáo buộc nước này đã che giấu tầm mức nghiêm trọng của dịch bệnh, gây ra những « thiệt hại » nghiêm trọng về kinh tế và nhân mạng « không thể hồi phục » cho bang này và toàn thế giới.

Đơn kiện của chưởng lý tiểu bang, ông Eric Schmitt, chủ yếu nhắm vào chính phủ, đảng Cộng Sản Trung Quốc cũng như nhiều quan chức lãnh đạo các định chế khác tại Trung Quốc. Theo đơn kiện, chính phủ Trung Quốc đã « che giấu những thông tin thiết yếu » ngay từ đầu mùa dịch, bắt giữ những người báo động về dịch bệnh và phủ nhận tính chất lây nhiễm cao của chủng virus corona mới này.

http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200422-covid-19-virus-corona-t%E1%BA%A1i-m%E1%BB%B9-h%C6%A1n-2700-ng%C6%B0%E1%BB%9Di-ch%E1%BA%BFt-trong-24-gi%E1%BB%9D-qua

 

Tổng thống Trump: Chúng tôi biết virus đến từ đâu

Vũ Dương

Ngày 21/4, Tổng thống Trump có buổi trả lời phỏng vấn. Khi được hỏi rằng liệu phía Trung Quốc có viện dẫn các điều khoản thảm họa tự nhiên trong các thỏa thuận thương mại hay không, Tổng thống Trump đã khẳng định rằng thái độ cứng rắn của ông đối với đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) là không có gì phải bàn cãi.

Ông nói rằng việc đạt được thỏa thuận thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ giải quyết được vấn đề thâm hụt thương mại khổng lồ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Nhưng ngay lúc sắp đạt được những điều tốt đẹp, thì đột nhiên lại xuất hiện một kẻ thù vô hình – virus ĐCSTQ đã gây ra đại dịch toàn cầu.

“Đột nhiên, tôi không biết kẻ thù vô hình này đến từ đâu, nhưng chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi biết được nguồn gốc của nó và chúng tôi sẽ nói nhiều hơn về nó trong tương lai”, ông nói.

“Đứng trước kẻ thù vô hình này, đối với Trung Quốc thì không ai cứng rắn hơn tôi. Không rõ họ có tiếp tục hợp tác với chúng ta nữa hay không? (ý nói thỏa thuận thương mại). Tuy nhiên, nếu điều này xảy ra, chúng tôi sẽ chấm dứt và chúng tôi sẽ làm điều này tốt hơn bất kỳ ai, làm mọi thứ tốt hơn”, ông Trump nói.

Một phóng viên khác sau đó hỏi ông rằng, liệu các nhân viên tình báo Mỹ có nói với ông thông tin về virus đến từ phòng thí nghiệm của Trung Quốc hay không?

Tổng thống Trump trả lời rằng ông không thể nói điều đó, nhưng chỉ có thể nói với mọi người rằng: “Họ đã cho tôi biết rất nhiều. Họ đã cho tôi biết rất nhiều điều”.

Theo epochtimes.com,

Vũ Dương dịch và biên tập

https://www.dkn.tv/the-gioi/tong-thong-trump-chung-toi-biet-virus-den-tu-dau.html

 

Lãnh đạo Thượng Viện đạt thỏa thuận về gói kích thích kinh tế $500 tỷ Mỹ kim giai đoạn 3.5

Tin từ Washington. — Vào thứ ba (ngày 21 tháng 4), lãnh đạo của hai đảng tại thượng viện đã đồng ý với dự luật cứu trợ “Giai đoạn 3.5” trị giá 500 tỷ Mỹ Kim. Ngân quỹ này  sẽ bổ sung một chương trình giải cứu doanh nghiệp nhỏ được gọi là Chương trình bảo vệ tiền lương (PPP);  cung cấp cho các bệnh viện thêm 75 tỷ đô la và thực hiện chương trình xét nghiệm coronavirus trên toàn quốc để tạo điều kiện mở cửa lại nền kinh tế.

Lãnh đạo đa số Thượng viện Mitch McConnell, và Lãnh đạo thiểu số Thượng viện Thượng nghị sĩ Chuck Schumer đã đưa ra lời tuyên bố vào chiều thứ Ba. Một cuộc bỏ phiếu bằng lời tại Thượng viện dự kiến sẽ xãy ra vào tối thứ ba, trái ngược với cuộc bỏ phiếu điểm danh thông thường.

Thủ tục bỏ phiếu này khiến một số thượng nghị sĩ Cộng hòa tức giận. Thượng nghị sĩ cộng hòa Mike Lee của tiểu bagn Utah nói rằng không nên thông qua luật … mà không có Quốc hội thực sự tham gia phiên họp. Hạ viện sẽ bỏ phiếu vào ngày thứ Năm.

Thỏa thuận mới sẽ cung cấp hơn 300 Mỹ Kim cho PPP, với 60 tỷ Mỹ Kim hoặc hơn thế – và chia đều – cho các ngân hàng nhỏ hơn, và các ngân hàng tập trung vào các khu vực nông thôn. 60 tỷ Mỹ Kim sẽ dành cho một chương trình cho vay và tài trợ cho các doanh nghiệp nhỏ được phân phối thông qua chương trình hỗ trợ thảm họa cho doanh nghiệp nhỏ. (BBT)

https://www.sbtn.tv/cac-nha-lanh-dao-thuong-vien-dat-duoc-thoa-thuan-ve-goi-kich-thich-kinh-te-500-ty-my-kim-giai-doan-3-5/

 

Tổng Thống Trump đề nghị nội các lập kế hoạch hỗ trợ ngành xăng dầu

Tin Washington DC – Tổng Thống  Trump vào thứ Ba, 21 tháng 4, đã yêu cầu Bộ Trưởng Năng Lượng Dan Brouillette và Bộ Trưởng Ngân Khố Steven Mnuchin cùng lập kế hoạch hỗ trợ ngành công nghiệp dầu và khí đốt của Hoa Kỳ, trong bối cảnh tình trạng bán tháo dầu thô vẫn tiếp tục diễn ra.

Tổng Thống Trump viết lên Twitter rằng ông đã yêu cầu các Bộ Năng Lượng và Ngân Khố lập kế hoạch để tạo ngân quỹ hỗ trợ ngành dầu mỏ và khí đốt, để các ngành này có thể được bảo vệ trong tương lai. Trong khi đó, hợp đồng tương lai dầu thô WTI giao hàng tháng 5 vẫn tiếp tục được mua bán với mức giá âm. Dòng tweet của tổng thống không cho biết ngân quỹ hỗ trợ dự kiến là bao nhiêu, và các hãng dầu và khí đốt nào sẽ đủ điều kiện nhận được hỗ trợ này.

Trước đó vào thứ Hai, hợp đồng tương lai của dầu thô WTI giao hàng tháng 5 đã lần đầu tiên rơi xuống mức âm 37 Mỹ kim một thùng. Tình trạng hợp đồng tháng 5 có giá âm tiếp tục làm chấn động thị trường nhiên liệu vào thứ Ba. Hợp đồng WTI tháng 6 đã mất giá 30%, xuống còn gần 15 Mỹ kim một thùng. Thị trường giao dịch chứng khoán dầu mỏ United State Oil Fund cũng giảm 20% sau khi bị tạm đình chỉ không lâu sau giờ mở cửa.

Ngành xăng dầu và khí đốt đang trải qua đợt bán tháo chưa từng thấy vì đại dịch Covid-19. Các mệnh lệnh của chính phủ nhằm ngăn virus lây lan, bằng cách đóng cửa các cơ sở thương mại không thiết yếu và yêu cầu cư dân ở nhà, đã ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng triệu người và gần như làm đóng băng toàn bộ nền kinh tế. (BBT)

https://www.sbtn.tv/tong-thong-trump-de-nghi-noi-cac-lap-ke-hoach-ho-tro-nganh-xang-dau/

 

Bang Missouri, Mỹ kiện Trung Quốc vì dịch Covid-19

Hương Thảo

Ông Eric Schmitt, Tổng chưởng lý bang Missouri của Mỹ hôm 21/4 đệ đơn kiện chính phủ và một số cơ quan Trung Quốc vì hành động che giấu thông tin dẫn đến đại dịch Covid-19, khiến thế giới thiệt hại hàng nghìn tỷ USD.

The Epoch Times cho biết, đơn kiện được đệ trình lên Tòa án Quận Đông Missouri và nêu rõ: “Trong những tuần quan trọng đầu tiên khi dịch bệnh bùng phát, chính quyền Trung Quốc đã lừa dối công chúng, bưng bít thông tin quan trọng, bắt giữ những người cảnh báo đầu tiên, phủ nhận việc virus lây truyền từ người sang dù có bằng chứng cho thấy điều đó, cản trở các nghiên cứu y học quan trọng, để mặc cho hàng triệu người tiếp xúc với virus, và thậm chí tích trữ thiết bị bảo hộ cá nhân (PPE) – do đó đã gây ra đại dịch toàn cầu mà không đáng xảy ra và hoàn toàn có thể ngăn chặn được”.

Ông Schmitt cho biết, virus đã gây ra những thiệt hại không thể vãn hồi cho các quốc gia trên thế giới, nhiều người đã nhiễm bệnh, tử vong và làm gián đoạn kinh tế. Ông Schmitt đề cập thêm rằng tác động của Covid-19 rất nghiêm trọng ở Missouri. Hàng ngàn người trong khu vực đã nhiễm bệnh và tử vong, các doanh nghiệp nhỏ phải đóng cửa và những người lao động phải vật lộn với cuộc sống khó khăn.

“Chính phủ Trung Quốc đã nói dối thế giới về mối nguy hiểm và bản chất lây nhiễm của Covid-19, ngăn chặn những người cảnh báo đầu tiên và làm rất ít để ngăn dịch bệnh lây lan. Họ phải chịu trách nhiệm cho hành động của mình”, ông Schmitt đề cập trong đơn kiện.

Theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), ngoài chính phủ Trung Quốc, các bị đơn còn bao gồm Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc, chính quyền thành phố Vũ Hán, nơi dịch bệnh khởi phát, và Viện Virus học Vũ Hán. Đơn kiện cho biết Trung Quốc có bằng chứng cho thấy virus có thể lây từ người sang người vào tháng 12/2019, nhưng đến ngày 20/1 mới công bố, khi đó khoảng 5 triệu người đã rời khỏi tâm dịch Vũ Hán.

Theo The Epoch Times, Missouri là bang đầu tiên ở Mỹ đệ đơn kiện chính quyền Trung Quốc vì cách ứng phó với Covid-19.

Vụ kiện diễn ra trong bối cảnh chính quyền Trung Quốc ngày càng phải chịu nhiều áp lực quốc tế về dịch bệnh. Tập đoàn Luật Berman có trụ sở tại thành phố Miami, bang Florida của Mỹ hôm 20/4 cho biết hàng ngàn người Mỹ đã ký tên vào đơn khởi kiện tập thể yêu cầu chính quyền Trung Quốc bồi thường hàng tỷ USD. Tờ Bild – tờ báo có lượng phát hành báo giấy lớn nhất nước Đức, hôm 15/4 đã tính toán số tiền mà Trung Quốc “nợ” Đức lên tới 149 tỷ Euro (hơn 161 tỷ USD) vì những ảnh hưởng mà đại dịch gây ra cho quốc gia châu Âu này. Chính quyền Úc (ngày 19/4) kêu gọi điều tra độc lập về phản ứng đối với đại dịch Covid-19 trên toàn cầu, bao gồm cả việc xử lý khủng hoảng của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và của Bắc Kinh.

https://www.dkn.tv/the-gioi/bang-missouri-my-kien-trung-quoc-vi-dich-covid-19.html

 

Hàng ngàn người Mỹ cùng kiện Trung Quốc về Covid-19

Tuệ Minh

Theo hãng tin ABC, hàng ngàn người Mỹ tại bang Florida đã ký tên vào đơn khởi kiện tập thể yêu cầu chính quyền Trung Quốc bồi thường về các thiệt hại từ dịch bệnh COVID-19.

Động thái trên xuất hiện khi ngày càng có nhiều chính trị gia phương Tây lên tiếng yêu cầu chính quyền Trung quốc phải chịu trách nhiệm về đại dịch toàn cầu vì che giấu thông tin về virus Vũ Hán.

Kênh truyền thông của Australia ABC đưa tin, Tập đoàn luật Berman có trụ sở tại Miami đã đưa ra thông cáo, cho biết vụ kiện tập thể này yêu cầu Bắc Kinh “bồi thường thiệt hại hàng tỉ USD cho những cái chết không đáng có, cho những người bị ảnh hưởng sức khỏe, thiệt hại tài sản và các thiệt hại khác do Trung Quốc đã thất bại trong việc kiểm soát dịch bệnh COVID-19, dù lẽ ra họ đã có thể ngăn chặn sự lây lan của virus từ rất sớm”.

Công ty luật Berman cho biết họ “mong muốn đấu tranh cho quyền lợi của người dân và các doanh nghiệp của bang Florida nói riêng và cả nước Mỹ nói chung, những người đang nhiễm bệnh hoặc phải chăm sóc cho người thân, những người phải đối diện với thiệt hại tài chính, phải đối diện với sự hoang mang và cô độc vì lệnh giãn cách xã hội”.

Công ty luật Berman cho biết “Vụ kiện của chúng tôi đề cập đến những người bị thương tích do nhiễm virus COVID-19 và cũng đề cập tới hoạt động buôn bán của Trung Quốc tại các khu chợ truyền thống (wet market)” Đến cuối tháng 3 đã có hơn 5.000 người kí tên vào đơn khởi kiện tập thể này.

Theo thông tin trước đó của Newsweek, đã có ít nhất 4 đơn khởi kiện tập thể được gửi tới Tòa án Liên bang Mỹ yêu cầu chính quyền Trung Quốc bồi thường hàng nghìn tỉ USD tổn thất cho Hoa Kỳ.

Tại Las Vegas, bang Nevada, một đơn khởi kiện tập thể của 5 doanh nghiệp cũng yêu cầu Trung Quốc bồi thường hàng tỉ USD. Vụ kiện này cáo buộc chính quyền Trung Quốc không minh bạch trong việc chia sẻ thông tin, đe dọa và đàn áp những người đã cố gắng cảnh báo với cộng đồng về mức độ nguy hiểm của chủng virus corona mới.

Cuối tháng 3/2020, một đơn kiện tập thể khác là các nhà quản lý tài sản và hãng kế toán đại diện cho “tất cả các doanh nghiệp nhỏ” ở bang California.

Tính đến hết ngày 21/4 , Mỹ là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất thế giới do dịch COVID-19, với tổng số ca nhiễm bệnh là 818.744 trường hợp và tử vong 45.318 trường hợp.

https://www.dkn.tv/the-gioi/hang-ngan-nguoi-my-cung-kien-trung-quoc-ve-covid-19.html

 

Hiệp hội y tá ở New York kiện chính quyền tiểu bang và hai bệnh viện vì không cung cấp đủ

các thiết bị bảo vệ coronavirus

Vào thứ hai (ngày 20 tháng 4), hiệp hội y tá tiểu bang New York (NYSNA) đã kiện chính quyền tiểu bang và 2 bệnh viện để buộc họ cung cấp thiết bị bảo vệ và áp dụng các biện pháp để ngăn chặn COVID-19 lây lan giữa lực lượng nhân viên y tế – nhấn mạnh các tranh chấp ngày càng tăng về sự an toàn tại nơi làm việc trong đại dịch coronavirus .

NYSNA đã kiện Bộ Y tế New York, trung tâm y tế Montefiore Medical Center và công ty mẹ là Westchester Medical Center. Đơn kiện yêu cầu các thẩm phán ra lệnh cho các bị cáo cung cấp khẩu trang và thiết bị bảo vệ cho các y tá.

Giám đốc điều hành NYSNA Pat Kane cho biết “những vụ kiện này đã được đệ trình để bảo vệ các y tá, bệnh nhân và cộng đồng tiểu bang khỏi sự bỏ mặt các bị cáo.” Hồ sơ tòa án cho biết các bệnh viện bị kiện đã phớt lờ yêu cầu cung cấp cho nhân viên y tế khẩu trang N95 hàng ngày đến các lực lượng đặc nhiệm chống COVID-19 của tiểu bang. Bên cạnh đó, Bộ Y Tế đã không thi hành lệnh buộc hai bệnh viện trên phải thực hiện yêu cầu của lực lượng đặc nhiệm. Trong khi đó, Bộ Y tế cho biết họ đã thực hiện mọi bước cần thiết để đảm bảo rằng các nhân viên y tế có sự hỗ trợ và bảo vệ cần thiết.

Trung tâm Westchester Medical Center cho biết họ đã luôn chú trọng vào việc bảo vệ lực lượng lao động, trong khi Montefiore Medical Center nói rằng các y tá nộp đơn kiện chỉ lo tập trung đả kích chính quyền trong khi đồng nghiệp của họ nỗ lực để cứu mạng người dân. NYSNA đại diện cho 42,000 y tá trong tiểu bang.

Hiệp hội nói rằng 9,514 y tá của họ đã xét nghiệm dương tính với COVID-19, và 11 trong số đó đã tử vong. Bên cạnh đó, NYSNA còn yêu cầu một thẩm phán tiểu bang ngăn chặn Bộ Y tế thi hành một chỉ thị yêu cầu nhân viên y tế trở lại làm việc chỉ bảy ngày sau khi nhiễm COVID-19, ngay cả khi họ vẫn còn các triệu chứng bệnh. (BBT)

https://www.sbtn.tv/hiep-hoi-y-ta-o-new-york-kien-chinh-quyen-tieu-bang-va-hai-benh-vien-vi-khong-cung-cap-du-cac-thiet-bi-bao-ve-coronavirus/

 

Thống Đốc Georgia dự kiến mở cửa lại công ty vào thứ Sáu; các tiểu bang khác cũng có kế hoạch tương tự

Vào thứ hai (ngày 20 tháng 4), Thống đốc tiểu bang Georgia Brian Kemp tuyên bố rằng một số công ty có thể mở cửa trở lại trong tuần này, một hành động khác với những thống đốc khác tại Hoa Kỳ và bất chấp khuyến cáo của nhiều viên chức y tế công cộng.

Thống đốc Kemp cho biết các trung tâm thể dục, sân chơi bowling, studio nghệ thuật, tiệm cắt tóc, tiệm làm tóc và móng tay, và các công ty massage có thể mở cửa trở lại vào sáng thứ sáu (ngày 24 tháng 4), và nhà hàng sẽ được phép mở vào thứ hai tuần sau (ngày 27 tháng 4). Tuy nhiên, các quán bar và các câu lạc bộ đêm vẫn sẽ tiếp tục đóng cửa. Quyết định này làm theo hướng dẫn mới do Tổng thống Trump công bố tuần trước nhằm giúp các tiểu bang nới lỏng lệnh cách ly xã hội.

Theo mô hình theo dõi coronavirus của Viện Đo lường và Đánh giá Sức khỏe, Georgia đã đạt đỉnh dịch 13 ngày trước đó. Nhưng mô hình này cũng dự đoán rằng hàng chục người sẽ chết do COVID-19 trong tuần tới, và để đề phòng virus phát tán trở lại, Viện Đo lường và Đánh giá Sức khỏe khuyến cáo Georgia không nên nới lỏng lệnh cách ly xã hội cho đến ngày 15 tháng 6 – khi mà tiểu bang này  có thể bắt đầu xem xét các biện pháp khác để ngăn chặn virus.

Phát biểu trước các phóng viên, thống đốc Kemp nói rằng “cũng giống như cách Georgia đã cẩn thận đóng cửa  các công ty và kêu gọi các biện pháp để giảm thiểu sự lây lan của virus, tiểu bang cũng sẽ  công bố kế hoạch mở cửa lại nền kinh tế một cách an toàn và thận trọng.”

Khi được hỏi về thời điểm ông dự kiến tiến hành kế hoạch, Thống Đốc cho biết chính quyền sẽ chờ xem liệu các ca nhiễm có tiếp tục tăng hay không, nhưng ông khẳng định “bây giờ là một thời điểm thuận lợi để mở cửa nền kinh tế.” (BBT)

https://www.sbtn.tv/thong-doc-georgia-du-kien-mo-cua-lai-cong-ty-vao-thu-sau-cac-tieu-bang-khac-cung-co-ke-hoach-tuong-tu/

 

Bộ trưởng Tư pháp Mỹ: Dự án nhận dạng kỹ thuật số ngừa Covid-19 của Bill Gates

có thể xâm phạm tự do cá nhân

Đôn ThànhTỷ phú Bill Gates gần đây có đề xuất áp dụng một loại hình công nghệ giám sát người dân để xem ai bị nhiễm Covid-19, ai đã phát triển được miễn dịch với nó, và khi vắc-xin được sản xuất, thì ai đã được tiêm chủng. Khi được hỏi ý kiến về đề xuất này, Bộ trưởng Tư Pháp Mỹ William Barr đã bày tỏ mối lo ngại về khả năng mà theo đó quyền tự do và riêng tư của công dân Mỹ sẽ bị xói mòn và xâm phạm trong đại dịch.

ID2020 là dự án nhận dạng kỹ thuật số sử dụng công nghệ blockchain được sự hậu thuẫn và tài trợ của tập đoàn Microsoft. Dự án này nhằm mục đích cung cấp thông tin pháp lý cho 1,1 tỷ người dân trên toàn thế giới mà không cần giấy tờ tùy thân. Hiểu một cách đơn giản, một trong những công cụ nhận dạng kỹ thuật số được nói tới có thể một con chip có mã số cấy dưới da, một dạng vi mạch nhận dạng kỹ thuật số (digital ID microchip) cấy vào cơ thể người, theo Người Đưa Tin.

Trên đài truyền hình Fox News, trong cuộc trao đổi độc quyền với Bộ trưởng Tư pháp William Bar, người dẫn chương trình Laura Ingraham đề cập, “Tỷ phú Bill Gate và Quỹ Gates của ông ấy ủng hộ việc phát triển các công cụ nhận dạng kỹ thuật số, có khả năng xác nhận liệu rằng các cá nhân – các công dân Mỹ – có khả năng miễn dịch với Covid-19 và các virus tiềm năng khác hay không”.

The BL cho hay, một số người lo ngại đây là “những phương pháp giám sát & theo dõi”, sau khi đề cập đến câu trả lời được ông Gates đưa ra trên mục “Reddit Hãy hỏi tôi bất cứ điều gì (Reddit Ask me Anything)” vào ngày 18/3, liên quan đến việc giám sát người nhiễm virus.

“Một công cụ nhận dạng kỹ thuật số sẽ cho thấy ai đã hồi phục từ Covid-19 hoặc ai đã được xét nghiệm gần đây, hoặc khi chúng ta có vắc-xin – thì người này đã được tiêm chủng hay chưa”, nữ dẫn chương trình Laura trích lời ông Gates.

Trả lời cho câu hỏi này, Bộ trưởng Barr cho biết chính phủ có thể áp dụng các biện pháp phong tỏa hà khắc trong đại dịch, hạn chế các hoạt động giúp làm chậm tốc độ lây nhiễm của Covid-19, khi các biện pháp hà khắc được lên kế hoạch dỡ bỏ vào cuối tháng 4, yêu cầu giãn cách xã hội và các biện pháp thay thế khác sẽ cần phải được xem xét thực thi để đảm bảo an toàn cho người dân, nhưng cùng lúc cũng phải cân bằng được quyền tự do dân sự.

Bộ trưởng Barr nhận định, đại dịch này không thể được dùng như một cái cớ “để tước đoạt quyền tự do và riêng tư của người dân trên diện rộng”.

Ông Barr cũng bày tỏ quan ngại trước ý tưởng của ông Gates từ quan điểm tự do dân sự, khi đề cập đến “hiệu ứng domino của việc này, bởi nó có thể dẫn đến việc xâm lấn hơn nữa các quyền tự do cá nhân”.

“Tôi có hơi chút lo lắng về điều này, về việc giám sát người dân nói chung [bằng loại công nghệ này], đặc biệt là trong một khoảng thời gian dài”, ông nói.

Reddit Ask me Anything với Bill Gates (trích đoạn)

Hỏi: Chúng ta sẽ phải có các thay đổi nào đối với việc vận hành các doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch để có thể duy trì hoạt động nền kinh tế trong khi vẫn đảm bảo các tiêu chuẩn giãn cách xã hội?

Trả lời: Câu hỏi về việc những doanh nghiệp nên duy trì hoạt động là một câu hỏi khó. Chắc chắn là các doanh nghiệp thực phẩm và y tế vẫn cần chạy vận hành bình thường. Chúng ta vẫn cần nước, điện và internet. Chuỗi cung ứng cho những mặt hàng quan trọng cần phải được duy trì. Các quốc gia vẫn đang nghĩ xem phải duy trì hoạt động ở những lĩnh vực nào.

Có lẽ chúng ta sẽ thiết lập một số công cụ nhận dạng kỹ thuật số để biết được ai đã hồi phục từ Covid-19 hoặc ai đã được xét nghiệm gần đây, hoặc khi chúng ta có vắc-xin thì ai đã được tiêm phòng.

Tham khảo Chris Ford, The BL

Đào Hải dịch & biên tập

https://www.dkn.tv/the-gioi/bo-truong-tu-phap-my-du-an-nhan-dang-ky-thuat-so-ngua-covid-19-cua-bill-gates-co-the-xam-pham-tu-do-ca-nhan.html

 

Cháu trai cựu tổng thống Mỹ Kennedy chất vấn  ‘chương trình vắc-xin Covid-19

toàn cầu bắt buộc’ của Bill Gates

Đôn Thành

Luật sư Robert F. Kennedy Jr., cháu trai cựu tổng thống Mỹ John F. Kennedy đã lên tiếng chỉ trích kế hoạch tiêm chủng toàn cầu bắt buộc đối với Covid-19 của tỷ phú Bill Gates. Ông trích dẫn các thảm họa vắc xin đã giáng xuống cuộc sống của hàng trăm ngàn người là hậu quả của các chiến dịch tiêm chủng của Bill Gates, theo The BL.

Bill Gates bị chỉ trích vì không phải là một nhà khoa học hay một chính trị gia, nhưng nhờ tiềm lực tài chính lớn mạnh, vị tỷ phú này muốn tiếp tục quyết định số phận của hàng tỷ người thông qua chiến dịch tiêm chủng được ông hậu thuẫn.

Trong các cuộc phỏng vấn gần đây, Bill Gates cho rằng giải pháp duy nhất cho tình hình hiện tại là một loại vắc-xin mới mang tính phổ cập.

“Chúng ta biết điều này rất quan trọng, cần đến không chỉ hàng trăm triệu, mà là hàng tỷ liều vắc-xin theo nghĩa đen, bởi vì Covid-19 này là vấn đề toàn cầu”, ông Gates trao đổi với CBS.

Ông Kennedy, một luật sư và nhà hoạt động môi trường phản đối việc sử dụng vắc-xin, đã lên tiếng phản bác các hành động của Bill Gates.

“Đối với Bill Gates, vắc xin trên bề mặt dường như là một hoạt động từ thiện chiến lược, nhưng nó lại móc nối với rất nhiều doanh nghiệp liên quan đến vắc-xin của ông ta – một trong số đó là tham vọng kiểm soát một doanh nghiệp nhận diện kỹ thuật số bằng vắc-xin trên quy mô toàn cầu (ID2020) – đồng thời trao cho ông ta quyền kiểm soát độc tài đối với chính sách y tế toàn cầu, có thể coi như một dự án tiên phong của chủ nghĩa đế quốc doanh nghiệp mới”, ông Kennedy nhận định trên tài khoản Instagram của mình.

Ông cũng chỉ ra rằng các chiến dịch tiêm phòng bại liệt của Gates đã khiến 496.000 trẻ em ở Ấn Độ bị liệt trong giai đoạn từ năm 2000 đến 2017, khiến cơ quan của Gates bị trục xuất khỏi Ấn Độ. Ngay lập tức, tỷ lệ bại liệt ở đây bắt đầu sụt giảm.

Những hậu quả tai hại khác của các chiến dịch tiêm vắc-xin của Bill Gates, là cuộc khủng hoảng rối loạn tự miễn và ảnh hưởng khả năng sinh sản của 1.200 bé gái, và cái chết của bảy người trong số họ. Những nạn nhân này thuộc một nhóm 23.000 bé gái được tiêm chủng tại các ngôi làng xa xôi ở Ấn Độ.

Trong số các biện pháp được tổ chức của Bill Gates sử dụng để tiêm chủng cho các bé gái, có các hành vi phi đạo đức như gây áp lực buộc các bé gái tham gia thử nghiệm, đe dọa cha mẹ các bé, làm sai lệch các mẫu đơn đồng ý tiêm chủng, và từ chối chăm sóc y tế cho các bé gái bị thương do tiêm vắc xin, theo một vụ kiện được trình lên Tòa án tối cao Ấn Độ, theo ông Kennedy.

Chính bản thân Gates đã nói trong buổi diễn thuyết TED rằng, “Ngay trong thời điểm hiện tại nếu chúng ta làm thật tốt công tác liên quan đến vắc-xin … chúng ta có thể giảm khoảng 10-15% số lượng dân số thế giới”. Một tháng trước, Gates đã cam kết trả 10 tỷ đô la cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhằm mục đích này.

Năm 2014, WHO bị cáo buộc khiến hàng triệu phụ nữ ở Kenya bị vô sinh, thông qua thủ đoạn lừa dối, và bằng chứng được tìm thấy trong các loại vắc-xin được sử dụng. WHO thừa nhận rằng họ đã làm việc với dự án này được hơn 10 năm. Những cáo buộc tương tự đã được đưa ra chống lại WHO ở các quốc gia như Tanzania, Nicaragua, Mexico và Philippines.

Ông Gates cũng bị cáo buộc kiểm soát các tổ chức quốc tế như Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), Liên minh vắc xin (GAVI) và tổ chức y tế quốc tế PATH, bên cạnh việc sử dụng tiền của họ để thúc đẩy các dự án vắc xin của ông và bịt miệng những ai từ chối tiêm chủng phổ cập.

Ngoài ra, Quỹ Gates, đồng sở hữu bởi Bill Gates và vợ, bà Melinda Gates, có mối liên hệ với hơn 20 công ty dược phẩm và phòng thí nghiệm quốc tế lớn, mà quỹ này cũng có các khoản quyên góp tiền. Những khoản đóng góp này, tạo ra hàng tỷ đô la khấu trừ thuế thu nhập cá nhân, từ đó tạo ra vấn đề xung đột lợi ích.

Mặc dù tác dụng phòng ngừa của vắc-xin không phải là vấn đề phải tranh cãi, nhưng có nhiều chỉ trích về sự thiếu minh bạch trong các tác dụng và thành phần của chúng.

Một trong những thành phần gây lo ngại nhất được tìm thấy trong vắc-xin là thủy ngân, ví như thimerosal, một loại chất độc thần kinh mạnh. Trong những năm gần đây, thông qua vắc-xin, trẻ em thế giới đã hấp thụ một lượng thủy ngân cao gấp 250 lần giới hạn an toàn ở người, một cách không tự biết.

Ngoài ra còn có lo ngại về sự gia tăng tỷ lệ tự kỷ ở trẻ em do tiêm vắc xin. Năm 2014, 1,08 triệu trẻ em bị chẩn đoán mắc tự kỷ tính riêng ở Hoa Kỳ.

Trong bộ phim tài liệu Vaxxed, Tiến sĩ Doreen Granpeesheh, người sáng lập Trung tâm Tự kỷ và các Hội chứng liên quan, giải thích rằng tỷ lệ mắc tự kỷ năm 1978 là 1 trên 15.000 trẻ, tức là rất nhỏ, nhưng đến năm 2014, tỷ lệ này gia tăng đột biến lên mức 1 trên 50 trẻ, một mức rất cao. Vào năm 2014, mỗi đứa trẻ ở Mỹ đã được tiêm chủng khoảng 46 lần.

“Từ đầu những năm 1990, sự gia tăng các trường hợp tự kỷ đã gia tăng rất nhanh, nhanh đến mức tôi cảm thấy không thể thống kê kịp”, ông Gran Graneshesheh nói.

Bây giờ có vẻ như Gates đã tìm thấy trong đại dịch viêm phổi Vũ Hán, một cơ hội then chốt để thúc đẩy dự án mà ông ta ấp ủ bấy lâu trong nhiều thập niên.

Theo Jose Hermosa, The BL

Đào Hải dịch & biên tập

https://www.dkn.tv/the-gioi/chau-trai-cuu-tong-thong-my-kennedy-chat-van-chuong-trinh-vac-xin-covid-19-toan-cau-bat-buoc-cua-bill-gates.html

 

Virus corona: Trump nói Mỹ sẽ ngừng cấp Thẻ xanh trong vòng 60 ngày

Tổng thống Donald Trump cho biết kế hoạch cấm cho nhập cư vào Mỹ sẽ kéo dài trong 60 ngày và chỉ áp dụng cho những người muốn thành thường trú nhân.

Phát biểu một ngày sau khi ông tuyên bố động thái này trong một dòng tweet mơ hồ, ông Trump nói rằng biện pháp này sẽ bảo vệ công ăn việc làm của dân Mỹ trong cuộc khủng hoảng virus corona.

Quyết định sẽ không ảnh hưởng đến thị thực tạm thời cho người lao động.

Giới chỉ trích nói rằng Trump đang cố gắng đánh lạc hướng sự chú ý của quần chúng ra khỏi phản ứng của ông với đại dịch virus. Mỹ hiện có hơn 820.000 người bị nhiễm và hơn 45.000 tử vong, dẫn đầu rất xa các nước trên thế giới về cả số ca nhiễm lẫn người chết.

Đảng Dân chủ cũng cáo buộc chính quyền Trump đang sử dụng đại dịch để trấn áp người nhập cư. Chính sách di dân trước đây là một chủ đề tranh cử mạnh mẽ của ông Trump, đảng Cộng hòa, nhưng chủ đề này hiện đang ít được chú ý trong khủng hoảng dẫn tới cuộc bầu cử tháng 11.

Tại một cuộc họp ngắn về virus corona của Nhà Trắng, ông Trump cho biết sắc lệnh hành chánh về quyết định ngưng cấp Thẻ xanh có khả năng sẽ được ký vào thứ Tư. Lệnh cấm có thể được kéo dài “lâu hơn nữa” tùy thuộc vào nền kinh tế, ông nói.

Sau khi tuyên bố đình chỉ “tất cả nhập cư vào Mỹ” vào tối thứ Hai, ông Trump rõ ràng đã thay đổi kế hoạch ban đầu bao gồm những người nhập cư như lao động nông nghiệp và nhân viên công nghệ cao trên thị thực đặc biệt sau phản ứng dữ dội từ một số lãnh đạo doanh nghiệp.

Sau khi tuyên bố đình chỉ “tất cả mọi nhập cư vào Mỹ” tối thứ Hai, ông Trump rõ ràng đã thay đổi kế hoạch ban đầu, bao gồm những người nhập cư như lao động nông nghiệp và nhân viên công nghệ cao với Visa đặc biệt, sau khi bị phản ứng dữ dội từ một số lãnh đạo doanh nghiệp.

Virus corona: người Mỹ biểu tình phản đối các biện pháp phong tỏa

Tổng thống Trump nói gì?

Hơn 20 triệu người Mỹ đã mất việc giữa đại dịch virus corona và tổng thống nói rằng chính phủ có “nghĩa vụ nghiêm trọng” phải đảm bảo họ có lại công ăn việc làm.

“Sẽ là sai lầm và bất công khi người Mỹ bị sa thải vì virus được thay thế bằng lao động nhập cư mới từ nước ngoài”, ông nói và thêm rằng có thể có một số ngoại lệ đối với biện pháp này.

“Chúng ta muốn bảo vệ công nhân Hoa Kỳ và tôi nghĩ trong những ngày tới, chúng ta sẽ ngày càng bảo vệ họ nhiều hơn”.

Sắc lệnh của ông Trump có thể châm ngòi cho những thách thức pháp lý.

Hoa Kỳ có số ca nhiễm được xác nhận cao nhất trên thế giới – hơn 820.000 – theo Đại học Johns Hopkins, nơi đang theo dõi căn bệnh này trên toàn cầu.

Tổng thống Trump bị chỉ trích vì dừng tài trợ cho WHO

Thẻ xanh là gì?

• Thẻ xanh cho người nhập cư được thường trú tại Mỹ hợp pháp và cơ hội nộp đơn xin quốc tịch Mỹ

• Trung bình mỗi năm gần một triệu thẻ xanh được cấp ở Mỹ

• Đa số – khoảng 70% Thẻ xanh – được cấp cho những người có người thân sống ở Mỹ, theo báo cáo năm 2018 từ Thượng viện Hoa Kỳ

• Với Thẻ xanh dựa trên việc làm, một hình thức phổ biến của tình trạng cư trú, khoảng 80% được cấp cho những người đã ở Mỹ, chuyển từ Visa có hạn sang thành thường trú nhân

Cổ động giới ủng hộ

Phân tích của Anthony Zurcher, phóng viên Bắc MỹChi tiết về “lệnh cấm nhập cư” của Donald Trump đã xuất hiện, và hóa ra đề xuất này không sâu rộng như tweet của ông đề xuất ban đầu. Việc tạm ngưng 60 ngày chỉ áp dụng cho thường trú nhân, không phải lao động tạm thời.

Điều đó có nghĩa là nại lý do sức khỏe cộng đồng cho quyết định này còn khiên cưỡng hơn. Sàng lọc người nhập cư để tìm virus có hiệu quả tương đương với việc hoàn toàn đình chỉ. Như nhiều người dự đoán, biện minh chính của Trump là kinh tế. Theo quan điểm của tổng thống, những người lao động ở Mỹ lâu dài cạnh tranh với công dân Hoa Kỳ để tìm việc làm – và trong một cuộc khủng hoảng tài chính, sự hiện diện của họ không cần thiết cũng không ai muốn.

Nhiều nhà kinh tế sẽ nhanh chóng không đồng ý, cho rằng người di dân mang đến cho Hoa Kỳ nhiều lợi ích hơn tổng thất. Tuy nhiên, đó là một cuộc tranh luận chính sách công Tổng thống Trump sẽ rất vui khi có. Ngoài ra còn có khả năng rất lớn là sắc lệnh sẽ bị sa lầy trong các tòa án – chung số phận với các sắc lệnh di trú tổng thống đưa ra trong những ngày đầu của nhiệm kỳ.

Mặc dù chính quyền Trump cuối cùng đã thắng thế, những trận chiến tốn rất nhiều thời gian. Và thời gian còn lại trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump vào thời điểm này được tính bằng tháng chứ không phải năm. Tổng thống có thể đặt cược rằng khối cử tri ủng hộ ông sẽ đánh giá cao nỗ lực này – và giao thêm bốn năm cho ông vào tháng 11.

Đã có những phản ứng gì?

Ali Noorani, thuộc Diễn đàn Nhập cư Quốc gia, viết trên Twitter rằng “người nhập cư chiếm 17% nhân viên y tế và 24% nhân viên chăm sóc trực tiếp” ở Mỹ.

“Thật không may, tổng thống thà đổ lỗi cho một nhóm người thay vì xây dựng một sự đồng thuận để giúp tất cả vượt qua cuộc khủng hoảng này”.

Hội đồng Di trú Hoa Kỳ tweet rằng “Các hành động của [Tổng thống] Trump được đưa ra để đánh lạc hướng và chia rẽ chúng ta khỏi thực tế là nước Mỹ hiện có tỷ lệ tử vong và nhiễm trùng cao nhất với virus corona”.

Chuyên gia nhập cư của Liên minh Tự do Dân sự Hoa Kỳ Andrea Flores viết: “Bài ngoại không phải là một đáp ứng cho vấn đề sức khỏe cộng đồng.”

https://www.bbc.com/vietnamese/world-52377584

 

Tổng thống Trump đứng trước sức ép phải dừng các khoản đầu tư hưu trí

vào hai công ty công nghệ Trung Quốc

Hương Thảo

Các nhà lập pháp và cựu quan chức Mỹ đang cố thuyết phục chính quyền tổng thống Trump tạm dừng kế hoạch đầu tư hàng tỷ đô la tiền lương hưu của nhân viên liên bang vào các công ty Trung Quốc bị cáo buộc vi phạm nhân quyền hoặc đe dọa an ninh Hoa Kỳ, Reuters đưa tin hôm thứ Ba (21/4).

Đề nghị này, bao gồm các lá thư và lời kêu gọi từ các nghị sĩ đảng Cộng hòa, cùng một bản ghi nhớ với giọng văn cứng rắn được chia sẻ song song với Chánh văn phòng Nhà Trắng Mark Meadows, trùng hợp với thời điểm căng thẳng Mỹ-Trung gia tăng xoay quanh nguồn gốc Covid-19.

Trung tâm của vấn đề là việc liệu các nhà quản lý quỹ của Kế hoạch tiết kiệm hưu trí (tiếng Anh: Thrift Savings Plan – TSP), một quỹ đầu tư tiết kiệm hưu trí cho các nhân viên liên bang và các thành viên quân đội Mỹ, có nên cho phép khoản ngân sách đầu tư trị giá 50 tỷ USD của nó bám sát một chỉ số chứng khoán, bao hàm trong đó một số cổ phiếu của các doanh nghiệp Trung Quốc đang nằm trong tầm giám sát của Washington hay không.

Trong số các công ty Trung Quốc thuộc chỉ số này – những doanh nghiệp đặc biệt thu hút sự chú ý của một số quan chức Washington vốn coi chính quyền Trung Quốc là một mối đe dọa kinh tế và địa chính trị lớn nhất của Mỹ – là công ty công nghệ giám sát Hàng Châu Hikvision Digital Technology. Doanh nghiệp này được đưa vào danh sách đen thương mại năm ngoái vì công nghệ của nó được dùng trong các trại giam người dân tộc thiểu số Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi ở Trung Quốc. Ngoài ra, quỹ này cũng

được dùng đầu tư vào công ty thiết bị viễn thông ZTE, vốn đang bị chính phủ Hoa Kỳ cấm vận vì vi phạm lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ.

Đối với những người có lập trường cứng rắn với Trung Quốc trong chính phủ Mỹ, vấn đề càng trở nên cấp bách hơn khi các nhà quản lý quỹ hưu trí này đã bắt đầu mở các tài khoản lưu ký ở nước ngoài để tiến hành đầu tư vào nửa cuối năm 2020.

“Liệu chúng ta có phải sớm chứng kiến… ​​các nhân viên liên bang… đang không tự biết, bị ép buộc phải đầu tư những đồng tiền hưu trí của họ cho những doanh nghiệp xâm phạm an ninh quốc gia Mỹ và nhân quyền nghiêm trọng nhất của Bắc Kinh?” ông Roger Robinson, một cựu quan chức Nhà Trắng dưới thời cựu tổng thống Ronald Reagan, người giám sát chặt chẽ vấn đề này, đặt câu hỏi.

Phát ngôn viên của Quỹ hưu trí tiết kiệm và đầu tư liên bang (Federal Retirement Thrift Investment Board – FRTIB), cơ quan trực tiếp điều hành quỹ TSP, cho biết tất cả các công ty trong cùng ngành đều có các khoản đầu tư tương tự, và nếu không mở rộng đầu tư “nó sẽ bị tụt hậu so với các kế hoạch tiết kiệm hưu trí khác”.

Nhà Trắng và Bộ Lao động Mỹ, có vai trò giám sát Quỹ hưu trí TSP, đã không phản hồi trước các yêu cầu bình luận.

Hàng nghìn tỷ đô la trên thế giới đang bị động bám sát và mô phỏng biến động các chỉ số chứng khoán được thu thập và tổng hợp bởi bên thứ ba dựa trên một loạt các tiêu chí, bao gồm vốn hóa thị trường của các công ty. Điều này rất khác với việc các nhà quản lý quỹ tự lựa chọn từng cổ phiếu để đầu tư riêng lẻ.

Khi một khoản đầu tư được tư vấn có khoản lợi nhuận tiềm năng cao hơn, vào năm 2017, FRTIB đã đi đến quyết định chuyển chỉ số đại diện cho quỹ chứng khoán quốc tế năm 2020 của họ sang mô phỏng biến động chỉ số MSCI All Country World Index ex-US Investable Market Index (viết tắt là ACWI ex-US IMI) – đại diện cho 99% giá trị cổ phiếu trên toàn cầu, bao gồm Canada, Trung Quốc và các thị trường mới nổi khác.

Kế hoạch này đã vấp phải sự phản đối vào năm ngoái khi hai thượng nghị sĩ Marco Rubio và Jean Shaheen, đề xuất dự luật ngăn chặn các khoản đầu tư vào Trung Quốc, viện dẫn mức độ thiếu minh bạch tài chính và kế toán của các doanh nghiệp nước này, đi kèm các vấn đề an ninh quốc gia và vi phạm nhân quyền.

Nhưng dự luật này không nhận được sự ủng hộ, do đó đã thúc đẩy một chiến dịch tiếp theo và cũng là cuối cùng để ngăn chặn ý định thay đổi mức chỉ số. Một nguồn tin trong cuộc cho biết một số cựu quan chức chính phủ đã cung cấp cho cựu nghị sĩ Meadows một biên bản ghi nhớ đề ngày 7/3, một ngày sau khi Tổng thống Donald Trump bổ nhiệm ông làm Chánh văn phòng Nhà Trắng.

Bản ghi nhớ nhận định rằng nếu tổng thống Trump không có hành động kịp thời, ví như bổ nhiệm thay thế các thành viên quỹ FRTIB hoặc ban hành một sắc lệnh hành pháp, các nhà phê bình sẽ cho rằng ông Trump không làm gì để giúp “các nhân viên liên bang tránh việc bị buộc phải đầu tư vào các công ty của Nga và Trung Quốc, vốn tồn tại các rủi ro tài chính không thể đoán trước do vai trò của họ trong việc đe dọa an ninh quốc gia của chúng ta và xâm phạm nhân quyền”.

Các nhà lập pháp hàng đầu đã trình bày vấn đề này trực tiếp với chính quyền, một nguồn tin trong cuộc cho hay. Nghị sĩ Rubio đã thảo luận vấn đề với tổng thống Trump trong vài tháng trở lại đây, một phụ tá quốc hội cho biết.

Hai nghị sĩ đảng Cộng hòa Mike Gallagher và Jim Banks đã gửi thư cho Bộ trưởng Bộ Lao động, ông Eugene Scalia, hai phụ tá nói.

Trong một bức thư đề ngày 6/4, ông Banks kêu gọi ông Scalia giải thích việc cơ quan này sẽ lên kế hoạch thông báo cho các nhà đầu tư về rủi ro khi sở hữu cổ phần trong các công ty không tuân thủ các tiêu chuẩn minh bạch tài chính của Mỹ, và rủi ro trong việc đầu tư vào các công ty hiện đang bị Mỹ cấm vận như thế nào.

“Tôi yêu cầu các vị làm mọi thứ trong khả năng của mình để đảo ngược quyết định của Hội đồng quản trị quỹ TSP”, nghị sĩ Banks viết.

Theo Reuters

Hương Thảo dịch & biên tập

https://www.dkn.tv/the-gioi/tong-thong-trump-duoc-yeu-cau-dung-cac-khoan-dau-tu-huu-tri-vao-hai-cong-ty-zte-hikvision-cua-trung-quoc.html

 

Bản tin COVID-19

Hơn 2,5 triệu người nhiễm trên toàn cầu

Số người nhiễm virus corona trên toàn cầu tính tới ngày 21/4 vượt quá 2 triệu rưỡi, theo dữ liệu của Reuters, hơn 800 ngàn ca trong số này là ở Mỹ.

Hơn 170 ngàn ca tử vong, 2/3 là ở Châu Âu.

Đầu tháng 4, tổng số ca nhiễm tăng ở tỷ lệ 8%-9% mỗi ngày và tuần qua đã giảm xuống 3%-4% mỗi ngày.

Hơn 1,1 triệu ca nhiễm ghi nhận tại Châu Âu, trong đó gần 400 ngàn ca ở Ý và Tây Ban Nha.

Các ca nhiễm ở Châu Mỹ Latin tiếp tục tăng nhanh, lên mức 100 ngàn trong 24 giờ qua.

Báo cáo tử vong

Ít nhất có thêm 26 ngàn người chết trong đại dịch corona trong tháng qua, ngoài con số báo cáo tử vong Covid-19, theo kết quả duyệt xét lại dữ liệu tử vong tại 11 nước.

Trong tháng rồi, tại những nước này có nhiều người thiệt mạng hơn trong những năm trước, tờ New York Times loan tin. Tổng số thiệt mạng gồm chết vì Covid-19 và chết vì những nguyên nhân khác, có thể là kể cả những người không được điều trị vì bệnh viện quá tải.

Ở Paris, Pháp, số người chết mỗi ngày tăng hơn gấp đôi bình thường, cao hơn nhiều so với đỉnh dịch cúm tệ hại nhất.

Tại thành phố New York, Mỹ, số tử vong cao hơn gấp 4 lần bình thường.

Dĩ nhiên dữ liệu giữa đại dịch chưa tuyệt đối đầy đủ nhưng cách biệt giữa số tử vong báo cáo chính thức với số tử vong tổng thể tăng dường như phản ánh những hạn chế trong việc xét nghiệm bệnh hơn là sự cố tính đếm thiếu. Cũng có nhiều nước chỉ báo cáo số tử vong vì Covid-19 trong bệnh viện.

Vaccine

Hiện có hơn hai chục công ty loan báo phát triển các chương trình vaccine chống corona, ít nhất 3 vaccine đang được thử nghiệm trên người.

Kêu gọi điều tra virus corona

Thủ tướng Úc Scott Morrisson ngày 21/4 ủng hộ lời kêu gọi của Bộ trưởng Ngoại giao Marise Payne về một cuộc đánh giá độc lập điều tra nguồn gốc của virus corona và cả phương cách Trung Quốc đối phó với dịch bệnh bùng phát lúc ban đầu.

Ngoại trưởng Payne hôm 19/4 tuyên bố mấu chốt phải xem lại là sự minh bạch của Trung Quốc.

Phát biểu tại Canberra, Thủ tướng Morrison nói quan điểm của Ngoại trưởng Payne “được ông ủng hộ mạnh mẽ” và nói thêm là WHO nhất thiết phải hành động.

Châu Á

Trung Quốc hôm 21/4 không báo cáo thêm ca tử vong nào vì corona, nhưng có thêm 11 ca nhiễm, trong đó có 6 ca ở Hắc Long Giang giáp ranh với Nga. Tổng số tử vong vì corona mà Trung Quốc báo cáo tới nay là 4.632 trong số 82.758 người nhiễm.

Hong Kong ngày 21/4 gia hạn các biện pháp cách ly xã hội tới ngày 7/5 dù hôm 20/4 không ghi nhận thêm ca nhiễm mới nào ở nội địa.

​Hàn Quốc ngày 21/4 báo cáo thêm 9 ca nhiễm và 1 ca tử vong, nâng tổng số lên thành 10.683 người nhiễm và 237 người chết. Số ca bệnh tại nước này giảm dần từ đầu tháng 3.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo ngày 21/4 cấm người dân tại quốc gia có dân số theo đạo Hồi lớn nhất thế giới về quê ăn mừng ngày lễ Hồi Giáo giữa đại dịch virus corona. Loan báo được đưa ra giữa những lo ngại của các chuyên gia y tế là Indonesia có thể đối mặt với sự bùng phát của những ca virus corona có thể lây nhiễm hơn một triệu người sau lễ Ramadan trừ phi chính phủ áp dụng những biện pháp khắt khe hơn. Lúc đầu ông Widodo chỉ cấm gần 6 triệu công chức, binh sĩ, nhân viên cảnh sát, và viên chức nhà nước tham gia cuộc hành hương truyền thống, kỷ niệm Eid al-Fitr để đánh dấu chấm dứt việc chay tịnh trong tháng Ramadan.

Ngày 21/4 Singapore loan báo gia hạn đóng cửa thêm 4 tuần nữa sau khi các ca lây nhiễm virus corona tăng mạnh trở lại trong những ngày gần đây. Singapore cho biết có 1.111 ca dương tính với virus corona, nâng tổng số ca bệnh lên thành 9.125, cao nhất Đông Nam Á. Lao động nước ngoài cư ngụ tại các khu nhà trọ chiếm gần 80% các ca nhiễm COVID19 tại Singapore.

Châu Âu

Thủ tướng Ý, Giuseppe Conte, ngày 21/4 loan báo có thể Ý sẽ bắt đầu nới lỏng các biện pháp phong toả từ ngày 4/5, nhưng các biện pháp sẽ được tính toán kỹ lưỡng, thận trọng.

Ý loan báo họ có số máy thở nhiều hơn số bệnh nhân, một dấu hiệu cho thấy nước này đang đặt dịch COVID-19 dưới tầm kiểm soát. Giới hữu trách cho hay hiện có 2,573 bệnh nhân đang được chăm sóc đặc biệt vì COVID-19 và cả nước có 2,659 máy thở. Ý đã báo cáo hơn 180,000 ca nhiễm virus corona. Trong vài ngày qua, số bệnh nhân đưa vào khu hồi sức cấp cứu trên đà giảm. Ý là nước có số tử vong cao nhất Châu Âu trong đại dịch corona, hơn 24,000 ca.

Trong khi đó, số người thiệt mạng vì virus cororna tại Tây Ban Nha hôm 21/4 tăng nhẹ, với thêm 430 ca, nâng tổng số người chết tại nước này lên thành 21,282. Tây Ban Nha cùng ngày báo cáo số ca nhiễm tăng gần 4.000 người, nâng tổng số lên thành 204,178 ca.

Thống kê chính thức cho thấy ít nhất có thêm 1.500 người chết tại Anh vì virus corona so với con số 16.500 ca tử vong chính quyền loan báo. Trong số này, 1.043 ca tử vong ở các viện dưỡng lão ở Anh và Wales, tính tới ngày 10/4, có liên quan tới corona. Hơn 500 người chết tại tư gia hoặc các nhà an dưỡng cuối đời.

Tại Đức, nhà chức trách kêu gọi dân chúng tiếp tục tuân thủ các khuyến nghị về vệ sinh và giữa khoảng cách xã hội, nhấn mạnh tới tính nghiêm trọng của tình hình dù đạt được một số tiến bộ trong cuộc chiến chống corona.

https://www.voatiengviet.com/a/b%E1%BA%A3n-tin-covid-19/5384429.html

 

Thuốc virus corona: Khi nào chúng ta có thuốc điều trị?

James GallagherPhóng viên Sức khỏe và Y tế

Hơn 150.000 người đã chết vì Covid-19, nhưng tới nay vẫn chưa có loại thuốc nào được chứng minh giúp các bác sĩ điều trị được căn bệnh này.

Chúng ta còn cách loại thuốc cứu sống mạng người này bao xa?

Chúng ta đã làm gì để tìm phương pháp điều trị?

Hơn 150 loại thuốc khác nhau đang được nghiên cứu trên khắp thế giới. Hầu hết là các loại thuốc sẵn có và đang được thử nghiệm xem chúng có chống lại virus hay không.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa ra thử nghiệm lâm sàng mang tên “Đoàn kết” (Solidarity) nhằm đánh giá các phương pháp điều trị hứa hẹn nhất

Vương quốc Anh cho biết Thử nghiệm Phục hồi của họ có quy mô lớn nhất thế giới, với hơn 5.000 bệnh nhân đã tham gia

Và nhiều trung tâm nghiên cứu trên khắp thế giới đang cố gắng sử dụng máu của những người khỏi bệnh để điều trị

Những loại thuốc nào có thể hiệu nghiệm?

Có ba cách tiếp cận rộng đang được tìm hiểu:

Thuốc kháng virus gây ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng phát triển bên trong cơ thể người của virus corona.

Thuốc có thể làm dịu hệ thống miễn dịch – tình trạng bệnh nhân chuyển biến nặng khi hệ thống miễn dịch phản ứng lại quá mức và bắt đầu gây tổn thương cho cơ thể.

Kháng thể, từ máu của những người khỏi bệnh hoặc được tạo ra trong phòng thí nghiệm, có thể tấn công virus.

Thuốc điều trị virus corona nào có triển vọng nhất?

Bác sĩ Bruce Aylward, từ Tổ chức Y tế Thế giới, cho biết remdesivir là loại thuốc duy nhất cho thấy tính hiệu nghiệm, sau khi ông đến thăm Trung Quốc.

Thuốc kháng virus vốn được điều chế để điều trị Ebola, nhưng sử dụng cho các bệnh khác có vẻ hiệu quả hơn.

Thuốc đã được chứng minh có tác dụng trong việc điều trị các loại virus corona gây chết người khác (hội chứng hô hấp Trung Đông và hội chứng hô hấp cấp tính nặng) trong các nghiên cứu trên động vật, mang lại hy vọng sẽ có tác dụng chống lại coronavirus Covid-19.

Thông tin rò rỉ về kết quả từ các thử nghiệm do Đại học Chicago thực hiện cũng cho thấy loại thuốc này phát huy tác dụng.

Đây là một trong bốn loại thuốc nằm trong Thử nghiệm Đoàn kết của WHO và nhà sản xuất thuốc của họ, Gilead, cũng đang tổ chức thử nghiệm.

Thuốc điều trị HIV có thể chữa virus corona không?

Đã có nhiều cuộc thảo luận, nhưng vẫn còn ít bằng chứng cho thấy hai loại thuốc trị HIV – lopinavir và ritonavir – sẽ có hiệu quả trong việc điều trị virus corona.

Có một số bằng chứng chỉ ra thuốc HIV có hiệu nghiệm trong phòng thí nghiệm, nhưng các nghiên cứu ở người lại không thành công.

Điều trị kết hợp hai loại thuốc này đã không thể cải thiện việc phục hồi, giảm tử vong hoặc giảm nồng độ virus ở những bệnh nhân mắc Covid-19 nghiêm trọng.

Tuy nhiên, khi thử nghiệm được tiến hành với những bệnh nhân cực kỳ nghiêm trọng (gần một phần tư đã chết), thì thuốc có lẽ đã quá muộn để thuốc phát huy tác dụng.

Thuốc sốt rét có thể ngăn chặn virus corona?

Thuốc sốt rét là một phần của cả hai thử nghiệm Đoàn kết và Phục hồi.

Chloroquine, và một loại thuốc có nguồn gốc liên quan, hydroxychloroquine, có thể mang đặc tính chống virus và làm dịu miễn dịch.

Các loại thuốc đã được đưa vào danh sách liệu pháp chữa trị virus corona tiềm năng, phần lớn từ tuyên bố của Tổng thống Trump, nhưng vẫn còn nhiều bằng chứng về hiệu quả của chúng.

Virus corona: Bao lâu nữa thì có vaccine hay thuốc điều trị?

Virus corona: ‘VN chưa nên cho điều trị tại nhà lúc này, nhưng cần tính đến’

Virus corona: Khi nào hết dịch và cuộc sống trở lại bình thường?

Hydroxychloroquine cũng được sử dụng như một phương pháp điều trị viêm khớp dạng nhẹ vì nó có thể giúp điều chỉnh hệ thống miễn dịch.

Các xét nghiệm trong phòng thí nghiệm cho thấy nó có thể ức chế virus corona, và có một số bằng chứng truyền tai nhau từ các bác sĩ nói rằng nó dường như giúp được bệnh nhân.

Tuy nhiên, WHO cho biết không có bằng chứng rõ ràng về hiệu quả của loại thuốc này.

Còn thuốc miễn dịch thì sao?

Nếu hệ thống miễn dịch phản ứng quá mức với virus thì có thể gây viêm khắp cơ thể. Rất cần thiết tập hợp hệ thống miễn dịch lại để chống nhiễm, nhưng nếu việc này diễn ra thái quá có thể gây ra tổn thương ngoài dự liệu trên toàn cơ thể và gây tử vong.

Thử nghiệm Đoàn kết đang nghiên cứu interferon beta, được sử dụng để điều trị bệnh đa xơ cứng và giảm viêm. Interferon là một nhóm các hóa chất được cơ thể giải phóng khi bị virus tấn công.

Thử nghiệm phục hồi của Vương quốc Anh đang điều nghiên cứu dexamethasone – một loại steroid được sử dụng để giảm viêm.

Máu của người khỏi bệnh có thể điều trị virus corona?

Những được chữa khỏi sau khi bị nhiễm Covid-19 sẽ có kháng thể trong máu có thể tấn công virus.

Ý tưởng của việc này là lấy huyết tương (phần chứa kháng thể) và đưa nó vào bệnh nhân bị bệnh như một liệu pháp.

Hoa Kỳ đã điều trị cho 500 bệnh nhân với “huyết tương dưỡng chất” và các quốc gia khác cũng thực hiện điều tương tự.

Bao lâu nữa chúng ta có phương pháp chữa trị?

Vẫn còn quá sớm để biết khi nào chúng ta có một loại thuốc điều trị được virus corona.

Tuy nhiên, chúng ta nên bắt đầu đón nhận các kết quả thử nghiệm trong vài tháng tới. Điều này sớm hơn nhiều so với việc biết được một loại vaccine (chống nhiễm bệnh chứ không phải điều trị) có hiệu quả hay không.

Vì các bác sĩ đang thử nghiệm các loại thuốc đã được phát triển và chứng minh đủ an toàn để sử dụng, trong khi các nhà nghiên cứu vaccine chỉ mới bắt đầu.

Một số loại thuốc virus corona mới hoàn toàn, cũng đang được thử nghiệm trong phòng thí nghiệm nhưng chưa sẵn sàng để thử nghiệm trên người.

Vì sao chúng ta cần điều trị?

Lý do rõ ràng nhất là việc điều trị sẽ giúp cứu mạng sống, nhưng nó cũng có thể giúp một số biện pháp phong tỏa được dỡ bỏ.

Về mặt điều trị hiệu quả, về bản chất, sẽ khiến virus corona trở thành một bệnh nhẹ hơn.

Một khi điều này giúp những người bệnh nhân nằm viện không phải dùng máy thở thì sẽ giảm tải cho các phòng chăm sóc đặc biệt. Do đó, việc kiểm soát cuộc sống của mọi người có thể không cần phải nghiêm ngặt như hiện tại.

Vậy hiện tại các bác sĩ điều trị bệnh nhân thế nào?

Nếu bạn bị nhiễm virus corona, với hầu hết mọi người bị bệnh nhẹ có thể được điều trị tại nhà bằng cách nghỉ ngơi tại giường, uống paracetamol và bổ sung thật nhiều chất lỏng.

Nhưng một số người cần điều trị tích cực hơn tại bệnh viện, bao gồm chạy máy thở.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-52363974

 

Virus corona: Thế giới đối mặt với nạn đói ghi trong Kinh Thánh

Thế giới có nguy cơ bị nạn đói lan rộng với quy mô “như được đề cập trong Kinh Thánh”, do đại dịch virus corona, Liên Hiệp Quốc cảnh báo.

David Beasley, người đứng đầu Chương trình Lương thực Thế giới (WFP), cho biết cần có hành động khẩn cấp để tránh thảm họa.

Việt Nam: Đỉnh dịch Covid-19 vẫn còn ở phía trước?

Việt Nam: Chợ động vật hoang dã trên mạng ‘âm thầm’ nhưng ‘nhộn nhịp’

Trời thương Việt Nam hay “kém vệ sinh” tạo miễn dịch?

Một báo cáo ước tính rằng con số người đói có thể tăng từ 135 triệu đến hơn 250 triệu.

Những người có nguy cơ cao nhất đến từ 10 quốc gia bị ảnh hưởng bởi xung đột, khủng hoảng kinh tế và biến đổi khí hậu, WFP nói.

Báo cáo toàn cầu hàng năm về khủng hoảng lương thực nhấn mạnh các nước Yemen, Cộng hòa Dân chủ Congo, Afghanistan, Venezuela, Ethiopia, Nam Sudan, Sudan, Syria, Nigeria và Haiti.

Tại Nam Sudan, 61% dân số bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng lương thực năm ngoái, báo cáo cho biết.

Ngay cả trước khi đại dịch xảy ra, một phần của Đông Phi và Nam Á đã phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực nghiêm trọng do hạn hán và nạn châu chấu tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ.

Phát biểu trước Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc trong một cuộc họp video, ông Beasley nói rằng thế giới phải “hành động khôn ngoan và hành động nhanh chóng”.

“Trong vòng vài tháng ngắn ngủi, chúng ta có thể phải đối mặt với hàng loạt nạn đói có ở quy mô như được đề cập trong Kinh Thánh,” ông nói. “Sự thật là chúng ta không đủ thời gian nữa.”

Trong một lời kêu gọi hành động, ông nói thêm: “Tôi tin rằng với chuyên môn và sự hợp tác của chúng ta, chúng ta có thể tập hợp các đội ngũ và các chương trình cần thiết để đảm bảo đại dịch Covid-19 không trở thành thảm họa về người và thực phẩm.”

Đối mặt hiện thực

Phân tích của Lyse Doucet, Phóng viên tin quốc tế

Người đứng đầu WFP – vừa mới hồi phục sau khi mắc Covid-19 – đã bắt đầu cuộc họp ngắn của Hội đồng Bảo an bằng câu: “xin lỗi vì đã nói một cách thẳng thừng”.

Không có gì là quá thẳng thừng với những gì có thể xảy ra mà thế giới sắp đối mặt – thậm chí trước cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu này – cái mà David Beasley gọi là thảm họa nhân đạo tồi tệ nhất kể từ Thế chiến thứ hai.

Trong một cuộc phỏng vấn, ông Beasley cũng bày tỏ lo ngại rằng 30 triệu người, và có thể nhiều hơn nữa, có thể chết trong vài tháng nếu Liên Hiệp Quốc không đảm bảo thêm kinh phí và thực phẩm. Nhưng đây cũng là một thế giới nơi các nhà tài trợ đang quay cuồng với chi phí tài chính quá cao của cuộc khủng hoảng Covid-19 của chính họ.

Ông Beasley nói rằng không ai nói với ông rằng họ sẽ quay lưng lại với những người dễ bị tổn thương nhất. Nhưng ông thừa nhận họ sẽ cần đánh giá tình trạng nước mình trước. Ông cảnh báo rằng sự hỗn loạn ở những nơi khác có thể quay trở lại trên khắp thế giới.

Lời cảnh báo thô bạo của ông: “Bằng cách này hay cách khác, thế giới sẽ trả giá cho điều này”. Tốt hơn là làm việc cùng nhau, ông nói, trên cơ sở thực tế, không sợ hãi.

Chuyên gia kinh tế cấp cao của WFP, Arif Husain, cho biết tác động kinh tế của đại dịch có thể là thảm họa đối với hàng triệu người mà cuộc sống của họ vốn đã “chỉ mành treo chuông”.

“Đó là một đòn nặng giáng vào hàng triệu người phải đi làm kiếm cơm hàng ngày,” ông nói trong một tuyên bố.

“Phong tỏa và suy thoái kinh tế toàn cầu đã bóp nghẹt túi cơm của họ. Chỉ cần một cú sốc nữa – như Covid-19 – để đẩy họ khỏi bờ vực. Chúng ta phải hành động ngay bây giờ để giảm thiểu tác động của thảm họa toàn cầu này.”

Đầu tháng này, WFP này cho biết họ đã chuẩn bị giảm viện trợ cho các vùng của Yemen bị chiến tranh tàn phá hiện nằm dưới sự kiểm soát của phiến quân Houthi do một cuộc khủng hoảng tài chính.

Họ nói rằng một số nhà tài trợ đã ngừng viện trợ do lo ngại rằng việc giao hàng đang bị lực lượng Houthi cản trở.

WFP chu cấp cho hơn 12 triệu người Yemen mỗi tháng, 80% trong số đó nằm trong khu vực do lực lượng Houthi kiểm soát.

Yemen đã xác nhận ca nhiễm Covid-19 đầu tiên vào đầu tháng này, với các cơ quan viện trợ cảnh báo rằng căn bệnh này có thể nhanh chóng đánh sập các hệ thống y tế vốn đã suy yếu của đất nước.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-52377835

 

Đi du lịch trong mùa dịch bệnh virus corona

Toby SkinnerBBC TravelChống lại làn gió rít và hơi thở nặng nề, một người đàn ông nói giọng Đức hét về phía tôi: “Cứ từ từ!”

Tôi đang cố gắng tập trung vào các thiết bị leo lên trên hai sợi dây treo dốc đứng, nhưng có một sự thôi thúc không ngừng khiến tôi cứ nhìn sang bên trái nơi dốc đứng đổ xuống vực thẳm sâu hút đầy tuyết trắng.

Thời tiết nắng nóng có tiêu diệt được Covid-19?

Vì sao tỷ lệ tử vong do virus corona mỗi nước mỗi khác?

Đồ uống nóng có tác dụng chống virus corona không?

Nhưng tôi vươn tay, móc thiết bị vào và bắt đầu leo. Tôi đang ở Sườn Hillary, đoạn vách núi nổi tiếng cao 12m của dãy núi Everest, từ lâu được coi là một chặng leo thử thách nhất dẫn đến đỉnh núi ở phần nằm ở quốc gia Nepal.

Khí oxy cực kỳ mỏng đến mức nguy hiểm ở độ cao 8.790m, rất nhiều nhà leo núi gục ngã tại điểm này, hoặc có khi họ đơn giản chỉ ngồi xuống và chẳng bao giờ đứng dậy đi tiếp hành trình được nữa.

Khi Edmund Hillary và Tenzing Norgay trở thành hai người đầu tiên lên đỉnh Everest vào năm 1953, Hillary viết về cảnh Norgay tiến tới đỉnh ở Sườn Hillary. “Ông ấy khuỵu ngã và kiệt sức… như con cá khổng lồ bị kéo lên từ đại dương sau một cuộc vùng vẫy ngoạn mục.”

Khi tôi lên tới đỉnh của dây treo và tháo thiết bị, tôi cảm thấy buồn nôn, nhưng có lẽ không giống với cảm giác mà người Sherpa vĩ đại đó đã từng cảm thấy.

Tôi tạm dừng chương trình Everest VR và tháo thiết bị kính thực tế ảo HTC Vive ra.

Khi mắt định thần lại, tôi thấy mình đang đứng trong căn hộ ở tầng hai tại Hackney, khu Đông London, trong đợt phong tỏa vì virus corona.

Tầm nhìn của tôi không còn là tầm nhìn chim bay trên một trong những đỉnh cao ở dãy Himalayas nữa. Thay vào đó, bên ngoài ban công kiểu Juliet nhà tôi, một nhóm nhỏ những người xây dựng đang thi công công trình nhà ở mới, ánh mặt trời chiếu sáng lấp lánh trên đồ bảo hộ phát sáng của họ.

Tôi thấy mình thật ghen tị với họ, đồng thời băn khoăn tự hỏi liệu họ có thực sự đủ tiêu chuẩn làm nhân viên thực hiện các công việc thiết yếu không.

Tuy là có rất nhiều người đang ở trong tình trạng tồi tệ hơn tôi, nhưng với tôi, một cây viết tự do chuyên về du lịch, thì đây là khoảng thời gian kỳ quặc.

Tôi đã phải hoãn vô thời hạn nhiều chuyến đi, như chuyến đến hẻm núi Charyn ở Kazakhstan và Hẻm núi Canyon Point ở bang Utah, và hầu hết việc làm của tôi đã phải hủy bỏ.

Covid-19: Virus có thể lây khắp toà nhà chỉ sau vài giờ

Liệu có cần ngày nghỉ cuối tuần trong mùa dịch Covid-19?

Covid-19: Làm việc ở nhà trong thời chống dịch thế nào

Có một cơ hội ngắn ngủi, tôi có thể thuê một nhà xe di động và lái xe đến đảo Isle of Eigg ở Tây Scotland, đó có vẻ là một ý tưởng hay. Giờ đây, giống như rất nhiều người trên thế giới, tôi hầu như chỉ ở nhà.

Đây là thời điểm để suy nghĩ lại ý nghĩa thực sự của du lịch, một việc mà tôi đã làm hầu như hàng tháng trong nhiều năm qua – và liệu có thể nào đi du lịch mà, không cần phải di chuyển hay không.

Theo một nghĩa nào đó thì câu trả lời là có.

Everest VR – một chương trình giải trí kéo dài một giờ leo núi Everest – từ những nghi thức thắp hương và đến bộ kit tại Base Camp để vượt qua các khe núi sâu – đó chỉ là một trong số nhiều trải nghiệm với thiết bị hình ảnh thực tế ảo VR từ nhiều thương hiệu như Vive và Oculus.

Tương tự, tôi cũng có thể chọn bơi cùng cá voi xanh và lọt vào giữa bầy sứa trong chương trình Blu, hoặc lái thiết bị thám hiểm Sao Hỏa trong khu vực 15 đặm vuông trên vùng đất màu thổ hoàng đỏ rực đầy đá trong chương trình Mars 2030.

Trong khi sự đón nhận dành cho thiết bị VR hiện vẫn còn khá giới hạn vì chất lượng và số lượng của các chương trình mới ra mắt, cũng như do giá thiết bị khá đắt đỏ như HTC Vive và Oculus Quest, thì sản phẩm này vẫn đang tiếp tục phát triển.

Half Life: Alyx, một trò chơi nhập vai kiểu bắn quái vật xác sống dành cho thiết bị thực tế ảo VR đã được ca ngợi là bước đột phá trong thể loại này về khả năng chơi trực quan và cách dẫn truyện.

Ngành công nghiệp video game rộng lớn hơn – vốn có giá trị 148,8 tỷ đô la Mỹ vào năm ngoái, theo các chuyên gia phân tích trong ngành từ Newzoo – từ lâu đã tạo ra những thế giới ảo cực kỳ phong phú và tuyệt đẹp, từ thế giới hoạt hình khoa học viễn tưởng của game Final Fantasy đến miền Viễn Tây phong phú trong Red Dead Redemption 2 và những thiên hà vô tận trong game No Man’s Sky.

Ubisoft, nhà sản xuất loạt game phiêu lưu hành động nổi tiếng tên Assassin’s Creed Origins, đã tuyển dụng một nhà sử học làm việc cho công ty và một nhóm các nhà nghiên cứu Ai Cập Học để tạo ra phiên bản Ai Cập Cổ đại chính xác tới mức thậm chí trò chơi này đã dự đoán được việc phát hiện ra một phòng dẫn bí mật nằm bên trong Đại Kim Tự Tháp. Trò chơi này cũng có chế độ tham quan để người chơi có thể khám phá Ai Cập thời Nữ hoàng Cleopatra với hướng dẫn viên du lịch ảo thay vì là quân thù từ Mật lệnh Templar.

“Du lịch” qua game đã trở thành hiện tượng mà cuối năm ngoái ấn phẩm Rough Guides xuất bản hẳn cả quyển The Rough Guide to Xbox, một tập sách khám phá những nơi tuyệt đẹp trong game Xbox, từ Arcadian Eddian Grove trong game Anthem đến Bờ biển Cát vàng Golden Sands Outpost trong game Sea of Thieves, một dạng đảo hải tặc ở vùng biển Maldives.

Những văn phòng bí mật trốn đại dịch Covid-19

‘Giãn cách xã hội’ bao lâu thì chống được Covid-19?

Covid-19: Sai lầm chết người khi uống nước phòng bệnh

Trong khi đó, nhiều nhà sản xuất đủ các thể loại bắt đầu tìm cách mới mẻ hơn để thu hút chúng ta, từ Google với ứng dụng Expeditions và các chương trình du lịch thực tế ảo đến Trạm không gian Vũ trụ Quốc tế hay Bảo tàng Quốc gia Iraq, sử dụng thiết bị thực tế ảo bằng giấy carton, cho đến hãng truyền thông BBC.

Nếu như những loạt phim như “Bảy thế giới, Một hành tinh” là hiện tượng gây tranh cãi về việc rất nhiều người có thể du hành trong đó, thì Bộ phận Sản xuất Phim tài liệu Lịch sử Tự nhiên của BBC còn muốn đưa người xem đi xa hơn.

Họ đã sản xuất những video 3D 360 độ trong đó có video về nhật thực từ không gian, và video về cảnh lặn với cá đuối manta khổng lồ ở Mexico.

Họ đã hợp tác cùng Magic Leap và Preloaded- các nhà sản xuất thiết bị thực tế ảo tăng cường – để người xem có thể thấy cảnh những con kiến cắt lá ảo và những chú nhện đi dạo quanh trên bàn phòng khách của họ.

Cũng có nhiều kế hoạch đang được tiến hành cho một chuyến du lịch thực tế ảo trong ngôi nhà, đi sâu vào thế của bọn ruồi trong nhà, nhện và chuột sống dưới sàn nhà.

“Thậm chí ngay cả việc quan sát thiên nhiên bằng kỹ thuật số cũng đã được khoa học chứng minh là giúp cho sức khỏe tâm thần của con người, vốn là điều cực kỳ quan trọng vào thời gian này,” Lee Bacon, lãnh đạo mảng kỹ thuật số tại Bộ phận Sản xuất Phim tài liệu Lịch sử Tự nhiên của BBC cho biết khi trò chuyện qua ứng dụng Zoom.

“Chúng tôi luôn tìm hiểu những phát kiến mới để có trải nghiệm sâu hơn, dù đó có nghĩa là thiết bị thực tế ảo VR hay TV chậm. Giờ đây mọi người đi du lịch ít hơn, cho nên đây có thể là thời điểm quan trọng cho loại hình công nghệ này.”

Dĩ nhiên, tình hình hiện tại có vẻ như là chín muồi cho sự phát triển của du lịch ảo, trong thời đại mà những chuyến bay giá rẻ bị đe dọa bởi dịch bệnh Covid-19 và cả những quan ngại ngày càng nhiều về tác động môi trường từ các chuyến bay.

Nên gọi là ‘virus Vũ Hán’, ‘virus corona’ hay tên khác?

Nhân loại sẽ không tránh khỏi đại dịch cúm chết chóc?

Bắc Cực tan băng khiến nhiều virus cổ đại chết chóc thoát ra

Tiến sĩ Ian Pearson là nhà tương lai học hàng đầu, là kỹ sư và là tác giả, nhà phát minh vận hành công ty Futurizon, một công ty tư vấn về tương lai. Ông dự đoán rằng số lượng các phát kiến mới sẽ giúp du lịch kỹ thuật số phát triển rõ nét hơn trong tương lai gần, đặc biệt là trong lĩnh vực thực tế ảo.

Một ví dụ là thứ mà ông gọi tên là Active Skin, cho phép ta “cảm thấy” địa điểm đến ảo, có lẽ sẽ xuất hiện vào khoảng thập niên 2030.

“Chúng ta đã có thể chế tạo các thiết bị bán dẫn nhỏ tới mức có thể đưa vào da,” ông chia sẻ với tôi qua điện thoại. “Chúng có thể được xịt lên da giống như mực, và sau đó gửi tín hiệu đến hệ thần kinh của ta. Sau đó ta có thể bị thao túng và bắt đầu cảm thấy ánh mặt trời và làn gió mặn mòi trên bãi biển Maldives, hoặc cảm thấy đá cẩm thạch mát lạnh trong đền Taj Mahal.”

Ông nói rằng, thậm chí còn sớm hơn nữa, ta sẽ được chứng kiến sự ra đời của kính áp tròng thực tế ảo tăng cường, sử dụng công nghệ hiện có sẵn để đem lại các tính năng kỹ thuật số tạo ra cảm giác về không gian vật lý, chẳng hạn như biến phòng khách thành quầy bar quyến rũ hoặc biến sảnh sân bay thành rừng nhiệt đới.

Nhưng ông dự đoán rằng thập niên 2050 là lúc sẽ có những bước tiến lớn. Đến thời điểm đó, theo ông cho biết, chúng ta đã có thể tải tâm trí của mình lên không gian mạng thông qua các thiết bị nano liên kết với các khớp thần kinh, cho phép não của ta lưu trú vào một loại robot giống người với đầy đủ chức năng, có thể biến ta thành những siêu nhân.

“Chẳng hạn như bạn sẽ có thể đăng nhập từ Anh Quốc, và chọn robot của mình ở Úc,” ông giải thích. “Sau đó bạn có thể lưu trú trong cơ thể nó và làm bất cứ việc gì một người có thể làm, và hơn vậy nữa. Bạn sẽ có thể suy nghĩ nhanh hơn và có bộ nhớ lớn hơn, vì vậy những ký ức về du lịch sẽ được lưu giữ trong bạn trong thời gian lâu hơn.”

Ông thừa nhận rằng đây là một kế hoạch gặp trắc trở. “Phần kỹ sư trong tôi nghĩ rằng như vậy sẽ cực kỳ vui, nhưng tất nhiên có rất nhiều hệ quả tiềm năng gây hủy hoại thế giới, từ tình trạng quá tải các loại robot đến các vấn đề đạo đức khi tâm trí sống trong thiết bị điện tử,” ông chia sẻ.

“Sẽ có rất nhiều người thắng và kẻ thua, và giống như trong phim X-Men – rất nhiều người sẽ không thể sống bên cạnh những kiểu con người mới với siêu năng lực.”

Nhiều những ý tưởng như thế khiến tôi đau đầu. Vì vậy sau khi cuộc nói chuyện điện thoại, tôi ra ngoài đi dạo theo tiêu chuẩn được cho mỗi ngày.

Đó là một buổi chiều đầy nắng ở Công viên Victoria của London, và tôi quyết định ngắm nhìn tất cả: những người chơi ván trượt dài, và những cặp tình nhân, những chú chó vẫy đuôi và chủ không bị phân tâm, người đàn ông đang hát ca khúc Hallelujah, đến đám đông tản mạn không chút cảnh giác gì.

Có một khoảnh khắc, tôi đọc các biển hiệu nhỏ quanh công viên: về một ngôi chùa Trung Hoa được mua về đặt trong Hyde Park năm 1847 với giá 110 bảng Anh, mà những đứa trẻ ở Đông London tin tưởng rằng đó từng là ngôi nhà của một gia đình người Hoa kỳ bí; và đọc về bức tượng hai chú chó canh gác, cả hai đều là phiên bản làm lại từ tượng từ Thế kỷ thời La Mã, được đặt ở đây vào năm 1912 mà người ta tin rằng vẫn đang canh gác tránh tình trạng chết đuối ở kênh đào gần đó.

Trong hồ nước nằm bên Pavilion, tôi quan sát những con chim sâm cầm có khuôn mặt trắng như mặt nạ Venice, những chú thiên nga lượm vụn bánh mì từ du thuyền và những con vịt trời trống với cổ và đầu dường như được làm từ lớp nhung xanh biếc nhất.

Và tôi thấy điều gì đó mới mẻ ở lũ chim bồ câu, còn bị gọi là lũ chuột bay, với lớp lông cổ có màu xanh và hồng lấp lánh trong ánh nắng, cùng với tiếng gù mềm mại nghe thật an yên đến lạ lùng.

Du lịch luôn là điều gì đó khó định nghĩa về triết học, nhưng trong khi chậm lại, ngắm nhìn và thực sự trân trọng thế giới xung quanh, tôi cảm thấy như mình đang đi du lịch.

Những nhà phát triển kỹ thuật số sẽ phải thực hiện điều gì đó to lớn để có thể tiến gần đến việc tái hiện lại tất cả những điều này – và sau này khi tôi đã lên đến đỉnh Everest thực tế ảo, nó không đem lại niềm vui tương tự như khi ngắm nhìn những con chim bồ câu trong công viên Victoria.

Chúng ta sẽ thấy nhiều hơn và những thế giới ảo tuyệt đẹp và choáng ngợp trong những năm sắp tới – nhưng với tôi, thế giới thực vẫn hơn.

Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Travel.

https://www.bbc.com/vietnamese/vert-tra-52375034

 

Làn sóng kiện Trung Quốc vì Covid-19 tại Mỹ và châu Âu

Tuệ Minh

Hãng tin ABC của Australia hôm 21/4 đưa tin về làn sóng khiếu kiện Trung Quốc nhằm buộc Bắc Kinh phải bồi thường cho các nước chịu thiệt hại vì đại dịch Covid-19.

Hàng ngàn người Mỹ và nhiều doanh nghiệp đã nộp đơn kiện lên tòa án liên bang Mỹ yêu cầu buộc tội chính quyền Trung Quốc che giấu dịch bệnh, bưng bít thông tin, khiến virus Vũ Hán lan ra toàn cầu và gây thiệt hại nặng nề cho nhiều nước, trong đó có Hoa Kỳ.

ABC cũng đề cập đến những lời khiếu nại Trung Quốc xuất hiện ở châu Âu. Một báo cáo của tổ chức Henry Jackson Society – một cơ quan nghiên cứu của Anh Quốc – lập luận rằng các quốc gia G7 có thể khởi kiện Trung Quốc và yêu cầu bồi thường hàng ngàn tỉ USD. Báo cáo còn tuyên bố nước Úc có thể đòi Trung Quốc bồi thường thiệt hại hơn 58 tỉ USD.

Trong một cuộc phỏng vấn với BBC, cựu Giám đốc cơ quan tình báo MI6 của nước Anh, ông John Sawers cũng cho rằng chính quyền Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về đại dịch COVID-19 vì đã “cố tình che giấu” vào thời điểm dịch bệnh mới bùng phát.

“Trung Quốc thực sự đã che giấu thông tin về dịch bệnh, không báo cho phương Tây trong khoảng thời gian giữa tháng 12 và tháng 1”, ông Sawers nói với BBC.

Tờ báo Bild của Đức – tờ báo được đọc nhiều nhất tại châu Âu – đã đăng tải một “hóa đơn” yêu cầu Trung Quốc bồi thường Đức số tiền lên tới 149 tỷ Euro (hơn 161 tỷ USD).

Trong một bức thư ngỏ gửi ông Tập Cận Bình, tờ báo Bild viết: “Chính phủ và các nhà khoa học Trung Quốc từ lâu đã biết mức độ nguy hiểm và rất dễ lây nhiễm của virus corona nhưng Trung Quốc không thông báo cho các quốc gia khác về điều đó”.

Tờ Bild cũng cho biết: “Các chuyên gia hàng đầu của Trung Quốc đã không hồi âm khi các nhà nghiên cứu phương Tây yêu cầu cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh ở Vũ Hán”.

Ngày càng có nhiều lãnh đạo và quan chức phương Tây yêu cầu Bắc Kinh phải chịu trách, bồi thường thiệt hại vì Covid-19, theo hãng tin ABC.

Cuối tuần trước, bà Marise Payne, Bộ trưởng Ngoại giao Úc đã lên tiếng ủng hộ việc tổ chức một cuộc điều tra về nguồn gốc của virus corona. Theo bà, cuộc điều tra này không nên giao cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), sau nhiều báo cáo cho rằng cơ quan này “thiên về Trung Quốc”.

Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã liên tục chỉ trích Trung Quốc che giấu thông tin về dịch bệnh. Ông cảnh báo Bắc Kinh sẽ phải gánh chịu hậu quả nếu bị kết luận là gây ra đại dịch COVID-19.

“Dịch bệnh này đã có thể được ngăn chặn ngay từ nơi nó bắt đầu, nhưng họ đã không làm được điều đó và cả thế giới đang phải hứng chịu hậu quả”, ông Trump tuyên bố trong một cuộc họp báo tại Nhà Trắng hôm 19/4.

https://www.dkn.tv/the-gioi/lan-song-kien-trung-quoc-vi-covid-19-tai-my-va-chau-au.html

 

Châu Âu đứng đầu về số nạn nhân Covid-19

Minh Anh

Châu Âu vẫn là châu lục có số nạn nhân vì Covid-19 cao nhất thế giới : 110.192 người chết so với tổng số 177.368 trên toàn thế giới. Ý (với 24.648 người thiệt mạng), Tây Ban Nha (21.717 người) và Pháp (20.796 người) là những nơi bị nặng nề nhất.

Tiếp theo Ý, Tây Ban Nha và Pháp là Vương quốc Anh (17.337 người). Nếu như tại ba nước trên, đà lây nhiễm có dấu hiệu chậm lại, thì Anh quốc với 828 ca tử vong mới ngày hôm qua, 21/04/2020, vẫn còn nằm trong « tình trạng nguy hiểm ». Tại Anh, các con số tử vong này chưa gộp số người chết tại gia hay trong các nhà dưỡng lão. Điều này gây lo ngại là số người chết thực sự vì Covid – 19 còn cao hơn rất nhiều.

Đức, Đan Mạch dần dỡ bỏ phong tỏa

Tại Đan Mạch, trường học, các doanh nghiệp nhỏ như cửa hiệu cắt tóc, đã được phép mở cửa. Các trường cấp 2 hay trung học, các quán bar và nhà hàng sẽ bắt đầu hoạt động trở lại từ ngày 11/5. Các cuộc tụ tập trên 10 người vẫn bị cấm cho đến ngày 10/5, nhưng các sự kiện lớn quy tụ trên 500 người sẽ không được phép mở cho đến ngày 01/09.

Nước Đức cũng dần dần dỡ bỏ phong tỏa. Kể từ tuần tới, việc đeo khẩu trang khi dùng phương tiện công cộng tại thủ đô Berlin, cũng như là tại 10 trên 16 bang của Đức là bắt buộc. Trong một số trường hợp, quy định này cũng được áp dụng tại một số địa điểm kinh doanh. Với hơn 143.000 ca nhiễm virus corona, trong đó có 4.600 ca tử vong, theo các số liệu chính thức, bộ trưởng Y Tế Đức, ông Jens Spahn cho rằng dịch bệnh hoàn toàn nằm trong tầm « kiểm soát và xử lý ».

Hy Lạp: Phát hiện 150 di dân dương tính, một khách sạn bị phong tỏa  

Theo RFI, có 150 di dân nước ngoài trong một khách sạn ở miền nam Hy Lạp bị phát hiện dương tính với virus corona. Khách sạn này, tiếp nhận tổng cộng 470 người tỵ nạn, do vậy đã bị cách ly hoàn toàn từ hôm 16/4. Ca dương tính đầu tiên được phát hiện là một phụ nữ mang thai. Thành phố Kranidi nằm cách khách sạn 5km cũng bị phong tỏa. Tất cả những ai tiếp xúc với những người xin tỵ nạn sẽ phải được xét nghiệm, theo thị trưởng. Bộ Di Trú quyết định kéo dài thời gian phong tỏa đến ngày 10/5, lệnh phong tỏa hiện đang được áp đặt với tất cả các trại tỵ nạn ở Hy Lạp.

Tiến hành phong tỏa nghiêm ngặt từ hôm 12/3, chính quyền Hy Lạp cho biết đã có 2.245 trường hợp nhiễm bệnh và 116 ca tử vong trên toàn quốc. Hôm 21/4, chính phủ thông báo một kế hoạch dỡ phong tỏa dần dần, dự kiến các hoạt động tư pháp mở lại kể từ ngày 27/4.

http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200422-ch%C3%A2u-%C3%A2u-%C4%91%E1%BB%A9ng-%C4%91%E1%BA%A7u-v%E1%BB%81-s%E1%BB%91-n%E1%BA%A1n-nh%C3%A2n-covid-19

 

Anh loan báo có tiến bộ về vaccine ngừa COVID

Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock ngày 21/4 loan báo rằng hai nhóm nghiên cứu Anh đạt những tiến bộ đáng kể về vaccine COVID-19, với một toán dự định thử nghiệm trên người vào ngày 23/4.

Tại một cuộc họp báo ở London, ông Hancock nói các nhà nghiên cứu tại trường Đại học Hoàng gia London và trường Đại học Oxford đã tiến đến giai đoạn thử nghiệm với vaccine tiềm năng.

Ông nói nhóm Oxford, cộng tác chặt chẽ với Cơ quan Quản lý Dược và các Sản phẩm Chăm sóc sức khỏe (MHRA) đang chuẩn bị bắt đầu tiến hành thử nghiệm lâm sàng trên người vào tuần này. Ông nói chính phủ đã cấp 25 triệu đô la cho những nỗ lực của họ.

Ông nói chính phủ cũng cấp hơn 27 triệu đô la cho Đại học Hoàng gia dành cho giai đoạn hai thử nghiệm lâm sàng và bắt đầu giai đọan ba.

Ông Hancock cho biết thường thường phải mất nhiều năm để đến giai đoạn này trong việc chế tạo vaccine. Ông nói Anh sẽ đầu tư mạnh mẽ vào khả năng chế tạo, để trong trường hợp một vaccine chứng tỏ hiệu nghiệm thì có thể sản xuất nhanh chóng.

https://www.voatiengviet.com/a/anh-loan-b%C3%A1o-c%C3%B3-ti%E1%BA%BFn-b%E1%BB%99-v%E1%BB%81-vaccine-ng%E1%BB%ABa-covid/5384431.html

 

Anh: Huấn luyện chó đánh hơi người nhiễm virus corona

Thụy My

AFP hôm nay 22/04/2020 cho biết, một hiệp hội được các nhà nghiên cứu Anh ủng hộ đang cố gắng huấn luyện chó đánh hơi những người bị nhiễm virus corona chủng mới, nhằm phát hiện một cách nhanh chóng và nhẹ nhàng những ca dương tính.

Bà Claire Guest, người sáng lập và là chủ tịch hiệp hội Medical Detection Dogs nói với AFP : « Chúng tôi nghĩ rằng chó có thể phát hiện được Covid-19, và có thể cho chúng đánh hơi nhanh hàng trăm người để biết được ai cần phải cho xét nghiệm và cách ly ».

Tại trung tâm huấn luyện ở Milton Keynes, miền trung nước Anh, những chú chó được tập luyện cách nhận ra mùi của con virus trong số nhiều mẫu thử. Chúng phải báo hiệu khi tìm được mẫu có virus, và được tưởng thưởng.

Bà Guest nói thêm : « Chúng tôi có bằng chứng cho thấy chó có khả năng đánh hơi được vi khuẩn và các loại bệnh khác, nên nghĩ rằng dự án này có thể tạo sự khác biệt rất lớn về năng lực kiểm soát sự lan tràn của virus corona ». Được biết Medical Detection Dogs đã từng huấn luyện chó phát hiện ung thư hoặc bệnh Parkinson.

Từ tháng trước, hiệp hội đã bắt đầu dự án, có quan hệ với các nhà nghiên cứu của London School of Hygiene and Tropical Medicine (LSHTM) và trường đại học Durham.

Theo ông James Logan, trưởng ban kiểm soát dịch bệnh của LSHTM, loài chó có thể ngửi được mùi của con người « với độ chính xác vô cùng cao ». Như vậy có nhiều khả năng chó có thể phát hiện Covid-19 qua việc đánh hơi. Đây sẽ là « một cuộc cách mạng » về cách thức đối phó với đại dịch đã làm cho trên 17.000 người thiệt mạng tại các bệnh viện Anh quốc.

Ê-kíp huấn luyện đặt mục tiêu đào tạo trong vòng sáu tuần, để có thể nhanh chóng cung ứng cho cơ quan y tế một « công cụ phát hiện nhanh chóng và không xâm lấn ». Một khi đã được huấn luyện xong, chó có thể được sử dụng để nhận ra các hành khách bị nhiễm virus nhập cảnh vào Anh, hoặc được triển khai tại các địa điểm công cộng.

http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200422-anh-hu%E1%BA%A5n-luy%E1%BB%87n-ch%C3%B3-%C4%91%C3%A1nh-h%C6%A1i-ng%C6%B0%E1%BB%9Di-nhi%E1%BB%85m-virus-corona

 

Tình trạng bất ổn, phá hoại bùng phát ở ngoại ô Paris

Tin từ Paris – Hôm thứ Ba (21/04/2020), truyền thông Pháp đưa tin những người trẻ đã đốt thùng rác và pháo ở khu vực ngoại ô gần Paris, một đêm bất ổn mới khi lệnh phong tỏa nghiêm ngặt để kiểm soát dịch coronavirus đang đe dọa cuộc sống kinh tế mong manh ở những khu vực nghèo.

Các đài BFM TV và C News đã chiếu những hình ảnh pháo bông được bắn ở những khu vực như Villeneuve-La-Garenne, Aulnay-sous-Bois và Asnieres khi cảnh sát chống bạo động di chuyển đến, trong khi thông tấn Agence France Presse cũng chiếu cảnh thùng rác bị đốt cháy.

Rắc rối ban đầu diễn ra ở Villeneuve-La-Garenne, phía bắc thủ đô nước Pháp, vào tối thứ Bảy (18/04/2020), sau khi một người đi xe máy va chạm với một xe cảnh sát trong một cuộc truy đuổi. Nam tài xế đã phải nhập viện điều trị, trong khi cảnh sát Pháp cho biết sẽ mở một cuộc điều tra nội bộ về sự việc.

Vùng Banlieues của Pháp từ lâu đã trở thành điểm nóng về bất ổn xã hội và kinh tế. Năm 2005, tình trạng bất ổn kéo dài ba tuần sau khi hai thanh niên chết khi chạy trốn cảnh sát ở vùng ngoại ô phía bắc Paris. (BBT)

https://www.sbtn.tv/tinh-trang-bat-on-pha-hoai-bung-phat-o-ngoai-o-paris/

 

Phong tỏa ở Pháp: 5 triệu người sống chen chúc trong những căn hộ chật hẹp

Trọng Nghĩa

Chính sách phong tỏa để chặn dịch Covid-19 bộc lộ tình trạng bất bình đẳng về chỗ ở. Trong một bản nghiên cứu công bố ngày hôm qua, 21/04/2020, Viện Thống Kê Pháp (Insee) đã nêu bật tình cảnh của hơn 5 triệu người Pháp, hiện phải sống trong những căn hộ chật hẹp và quá tải trong thời gian phong tỏa.

Theo ghi nhận của Insee, mỗi người Pháp trải qua thời gian phong tỏa một cách khác nhau, tùy theo việc họ sống ở đâu, trong loại nhà ở nào. Đáng ngại hơn cả là tình trạng có hơn 5 triệu người phải sống ở những nơi “quá tải”, tức những nơi mà diện tích và số lượng phòng ốc không đủ so với số người cư ngụ. Đối với viện Insee, tình trạng phong tỏa “ảnh hưởng hơn bao giờ hết đến các điều kiện sinh hoạt thường nhật” của hơn 5 triệu cư dân này.

Những khu đô thị lớn bị ảnh hưởng nhiều nhất

Theo nghiên cứu này, những khu đô thị lớn tại các vùng Ile-de-France (IDF), nơi có thủ đô Paris và Provence-Alpes Côte d’Azur (PACA) ở miền nam, nơi có thành phố cảng Marseille, là những khu vực phải gánh chịu nhiều nhất tình trạng bất bình đẳng nói trên, với tỷ lệ bình quân 12,7 % căn hộ “quá tải” ở vùng IDF và 7,5% ở vùng PACA.

Tại một số khu phố nghèo, tỷ lệ quá tải lên đến 25,5% (ở vùng Ile-de-France) và 18 % tại vùng PACA, thậm chí lên đến 35% tại một số khu phố.

Tại các lãnh thổ hải ngoại, Guyane bị nặng nhất. Đến 35% các hộ gia đình sống trong tình trạng chật hẹp chen chúc.

Nói chung những thành phố, thị xã hơn 100.000 dân đều bị tình trạng này, đến 74% các thành phố, trong đó 40% là ở vùng Paris.

Dịch bệnh tiếp tục lan chậm, trường học từng bước mở lại

Báo cáo được đưa ra vào lúc bệnh dịch đang lây lan chậm lại từ mấy ngày qua. Theo thông báo của bộ Y Tế vào hôm qua, 21/04, trên toàn quốc đã có 117.324 ca nhiễm được xác nhận, 36.106 người phải nằm viện – ít hơn hôm trước 478 người – trong đó có 5.433 trường hợp nghiêm trọng.

Trong bối cảnh dịch bệnh đang lại, vấn đề giảm bớt phong tỏa càng lúc càng rõ nét với việc chuẩn bị mở cửa lại trường học.

Theo lời bộ trưởng Giáo Dục Pháp Jean-Michel Blanquer vào hôm qua, kế hoạch mở lại trường lớp sẽ bắt đầu bằng hai giai đoạn: Cấp 1 (CP và CM) mở lại ngay sau ngày 11/05, và cấp 2 và 3 kể từ ngày

18/05. Qua tuần lễ thứ 3, từ ngày 25/05 thì kể như tất cả các trường đều mở lại, nhưng theo phương án không lớp nào quá 15 học sinh.

Sinh hoạt tôn giáo vẫn bị hạn chế

Còn về các sinh hoạt tôn giáo, theo lời tổng thống Macron, những nơi thờ phượng sẽ không mở cửa lại ngay từ ngày 11 tháng 5, và tình hình chỉ được đánh giá vào tháng Sáu. Sau khi trao đổi qua video với các chức sắc tôn giáo ở Pháp, tổng thống Macron cho biết các sự kiện tụ tập đông người sẽ bị cấm cho đến cuối hè.

http://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A1p/20200422-phong-t%E1%BB%8Fa-%E1%BB%9F-ph%C3%A1p-5-tri%E1%BB%87u-ng%C6%B0%E1%BB%9Di-s%E1%BB%91ng-chen-chu%CC%81c-trong-nh%E1%BB%AFng-c%C4%83n-h%C3%B4%CC%A3-ch%C3%A2%CC%A3t-he%CC%A3p

 

Covid-19: Mỗi ngày chúng ta mới hiểu thêm chút ít về bệnh và cách chữa trị

Anh Vũ

Các nhà khoa học, bác sĩ vẫn tiếp tục tìm hiểu bệnh Covid-19 do virus corona chủng mới gây ra, bằng cách quan sát các diễn biến lâm sàng. RFI trao đổi với giáo sư Karine Lacombe, trưởng khoa các bệnh nhiễm trùng Bệnh viện Saint-Antoine, Paris. Cuộc phỏng vấn được trích dịch trong chương trình phát thanh « Ưu tiên sức khỏe » của RFI Pháp ngữ ngày 17/04/2020.

RFI : Bà và đồng nghiệp vẫn tiếp tục quan sát được nhiều điều mới về những biến chứng của bệnh Covid-19, như các tổn thương bên trong?

Giáo sư Karine Lacombe : Đúng thế. Ban đầu báo động đã được đưa ra chỉ là những dấu hiệu bệnh phổi nghiêm trọng. Qua nước Ý, nơi đã bị nhiễm dịch trước chúng ta cả chục ngày, dần dần chúng tôi nhận thấy còn có những biến chứng xuất hiện. Đặc biệt là tình trạng đông máu với nguy cơ dẫn đến tai biến mạch máu não nghiêm trọng và hiện tượng nghẽn phổi.

Khi dịch đến Pháp, chúng tôi thấy nổi lên những biểu hiện lâm sàng khác của tình trạng nhiễm virus, đặc biệt là người bệnh mất vị giác, khứu giác. Người ta cũng quan sát thấy nhiều người, đặc biệt những người cao tuổi còn bị tiêu chảy và sốt, không có dấu hiệu liên quan đến phổi, mà cũng đã nhiễm Covid-19. Đó là điều chúng tôi chưa từng thấy trước đó.

Gần đây, chúng tôi thấy một số bệnh nhân ngay ở giai đoạn chớm nhiễm đã phát triển những biểu hiện trên da, như xuất hiện các vùng thâm tím, nhưng chỉ xuất hiện thoáng qua khá nhanh.

Như vậy là, có nhiều dấu hiệu lâm sàng rất khác với những thông tin mà chúng ta nắm được từ đầu dịch. Giờ đây khi nhìn lại một chút, chúng ta bắt đầu thấy những hậu quả về lâu dài với những bệnh nhân có các dấu hiệu viêm nhiễm, vài tuần sau khi đã hết nhiễm virus. Đây là một loại bệnh nhiễm trùng đặt ra cho chúng ta nhiều câu hỏi về vốn kiến thức đã có của mình.

RFI : Nhiều thử nghiệm lâm sàng hiện đang tiến hành. Đến bao giờ sẽ có kết quả ?

Gs Karine Lacombe : Có nhiều thử nghiệm trị liệu đã được đưa ra ở khắp nơi. Đã có vài thử nghiệm ở Trung Quốc. Các điều trị cho thấy các kết quả khá mâu thuẫn, về việc các loại thuốc kháng virus như  lopinavir/ritonavir hay hydroxychloroquine có hiệu quả hay không. Những kết quả đều không cho phép rút ra kết luận.

Kể từ lúc có các bệnh nhân nhiễm virus ở châu Âu, chúng tôi đã thiết lập nhiều thử nghiệm trị liệu, nhưng hiện vẫn còn trong giai đoạn tổng hợp lại. Khi tác dụng điều trị không đạt yêu cầu với đại đa số, người ta buộc phải tập hợp nhiều bệnh nhân lại để so sánh xem cách điều trị này có lợi hơn cách điều trị khác hay không. Đó là trường hợp cuộc thử nghiệm lớn Discovery. Phải tập hợp hơn một nghìn bệnh nhân để hy vọng chứng minh có sự khác biệt giữa các biện pháp điều trị đang có.

Tôi xin nhắc là, đó chủ yếu là điều trị kháng virus so sánh với nhóm không có điều trị đặc biệt. Hiện đang có những thử nghiệm khác tiến hành với thuốc hydroxychloroquine chẳng hạn. Có cả các thử nghiệm với điều tiết miễn dịch có tác dụng chống viêm nhiễm cho giai đoạn bệnh tiến triển mạnh hay không. Còn có cả các thử nghiệm truyền miễn dịch thụ động, như truyền huyết tương của người đã khỏi cho bệnh nhân.

Tất cả những thử nghiệm như vậy đều cần phải có thời gian để tổng hợp các kết quả điều trị… Chúng ta sẽ có kết quả chính thức vào cuối tháng Tư đầu tháng Năm tới.

RFI : Bà là người chỉ đạo thử nghiệm liệu pháp truyền huyết tương của người khỏi bệnh. Bà có thể  giải thích cho chúng tôi thử nghiệm này là gì ?

Gs Karine Lacombe :  Đó là sử dụng nguyên tắc miễn dịch thụ động. Khi một bệnh nhân mắc Covid-19, cơ thể sẽ phát triển các kháng thể chống lại virus. Các kháng thể này có trong huyết tương. Khi người bệnh được chữa khỏi, kháng thể vẫn tồn tại để tránh không bị nhiễm virus trở lại.  Đó là hiện tượng diễn ra với rất nhiều các bệnh nhiễm virus khác được miễn dịch. Việc sử dụng các kháng thể này để vô hiệu hóa virus giúp cho người bệnh khi còn chưa phát triển kháng thể của mình, thì đã có các kháng thể sẵn có để diệt virus.

Chúng ta đã chứng minh được cách làm này rất tốt cho một số loại bệnh; nhưng có những bệnh khác thì không. Chẳng hạn như rất tốt với bệnh sởi hay với virus SARS-CoV. Thử nghiệm virus SARS-CoV-2 với động vật, cụ thể là với loài tinh tinh, cho thấy việc truyền miễn dịch thụ động giúp kiểm soát nhiễm trùng. Chúng tôi đã có những dấu hiệu thú vị từ Trung Quốc, tại đó có 15 bệnh nhân trong các thử nghiệm khác nhau, đã được điều trị với huyết tương người khỏi bệnh. Người ta ghi nhận những biến chuyển lâm sàng rất tốt ở các bệnh nhân.  Ngoài ra cũng có một loạt ba trường hợp bệnh nhân từ Hoa Kỳ đã được điều trị và tiến triển tốt.

RFI : Bao nhiêu bệnh nhân tham gia vào thử nghiệm ? Họ ở giai đoạn nào của bệnh ?

Gs Karine Lacombe : Các kết quả từng phần của việc chúng tôi sử dụng huyết tương là các kết quả thu được trên các bệnh nhân đã từng qua hồi sức tích cực, giai đoạn rất nặng của bệnh. Chúng tôi quyết định thử nghiệm, được gọi là Coviplasm, trên những người có dấu hiệu viêm nhiễm nghiêm trọng. Những bệnh nhân nhập viện với biểu hiện khó thở, nhưng chưa đến mức phải hồi sức tích cực. Mục tiêu của chúng tôi chỉ là để tránh bệnh nhân phải chuyển qua hồi sức tích cực. Thực tế ở một số nước, không có đủ giường hồi sức để đón tất cả các bệnh nhân có thể đã chuyển qua giai đoạn viêm nhiễm cần phải dùng máy trợ thở.

Chúng tôi quyết định chuyển qua điều trị với những bệnh nhân đã nhập viện có nguy cơ bệnh trầm trọng. Chúng tôi quyết định không dùng cách điều trị này cho các bệnh nhân không phải nhập viện, vì ta biết là đa số họ đều tự khỏi trong vòng 5 đến 6 ngày.

RFI : Có sự chia sẻ thông tin trong tất cả các thử nghiệm như trên không? Các nhà nghiên cứu và các bác sĩ điều trị có nắm được tiến triển của những cách điều trị trên ?

Gs Karine Lacombe : Chúng tôi có hệ thống chia sẻ rộng rãi các thử nghiệm. Với những thử nghiệm tại Pháp, đa số các cơ sở bệnh viện lớn đều tham gia. Cũng tương tự như trường hợp các thử nghiệm phòng bệnh đã làm ở các thành phố, bên ngoài bệnh viện. Có sự chia sẻ thông tin rộng rãi. Với thử nghiệm Discovery, đây là thử nghiệm trên quy mô châu Âu.

Để tham gia vào các thử nghiệm này, cần phải có đủ số lượng bệnh nhân nhiễm virus. Vì lẽ đó mà ở các nước nam bán cầu, đặc biệt là châu Phi, có những sáng kiến trị liệu, nhưng chừng nào không có đủ bệnh nhân  thì rất khó có thể tiến hành thử nghiệm.

http://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A1p/20200422-covid-19-m%E1%BB%97i-ng%C3%A0y-ch%C3%BAng-ta-m%E1%BB%9Bi-hi%E1%BB%83u-th%C3%AAm-ch%C3%BAt-%C3%ADt-v%E1%BB%81-b%E1%BB%87nh-v%C3%A0-c%C3%A1ch-ch%E1%BB%AFa-tr%E1%BB%8B

 

Covid-19: Nga sắp vượt mốc 60 ngàn ca nhiễm

Trọng Nghĩa

Chính quyền Nga vào hôm nay, 22/04/2020 đã xác nhận thêm 5.236 ca nhiễm virus corona trên toàn quốc, nâng tổng số trường hợp bị nhiễm lên 57.999 người. Với tốc độ lây lan hơn 5.000 ca mới một ngày, ngưỡng 60.000 ca nhiễm được cho là chắc chắn sẽ bị vượt qua trong vòng 24 giờ sắp tới.

Song song với các ca nhiễm, số trường hợp tử vong vì Covid-19 cũng tăng vọt tại Nga, với thêm 57 người chết trong 24 tiếng đồng hồ, nâng số nạn nhân lên thành 513 người.

Tính ra, Nga đã lọt vào danh sách 10 quốc gia bị Covid-19 tác hại nặng nề nhất trên thế giới. Tình hình càng lúc càng đáng lo ngại hơn trong bối cảnh giới chức y tế Nga cho rằng phải đến đầu tháng Năm thì dịch bệnh tại Nga mới đạt đỉnh điểm. Ngoài ra, theo nhật báo Nga Moscow Times, nhiều quan chức đã báo động rằng số ca nhiễm thực thụ cao hơn rất nhiều so với thực tế.

Chủ bài chống dịch của Nga: Bệnh viện khổng lồ mới xây gần Matxcơva

Thủ đô Matxcơva, với 12 triệu dân, là nơi bị Covid-19 tác hại nặng nhất, gánh chịu hơn một nửa số bệnh nhân trên toàn quốc. Để đối phó với tình trạng quá tải của hệ thống y tế hiện có, mới đây, chính quyền Nga đã cho xây dựng một bệnh viện mới cách Matxcơva vài chục cây số để tiếp nhận các bệnh nhân Covid-19.

Thông tín viên RFI Daniel Vallot tại Nga cho biết thêm thông tin:

“Bệnh viện được hoàn tất trong không đầy 30 ngày và có thể đón những bệnh nhân đầu tiên. Để có được kết quả này, hơn 10.000 công nhân đã được huy động, thay phiên nhau làm việc ngày đêm ở công trường. Với chi phí ước tính hơn 60 triệu euro, Bệnh viện số 68 có hơn 800 giường và có khả năng thực hiện hơn 10.000 xét nghiệm mỗi ngày.

Mục tiêu được tuyên bố của đô trưởng Matxcơva là để giải tỏa tình trạng ùn tắc tại các bệnh viện ở thủ đô đang mấp mé tình trạng quá tải.

Theo chính quyền thành phố, mỗi giường bệnh đều có thể chuyển thành giường chăm sóc tích cực. Ngoài ra, bệnh viện còn có hệ thống dự trữ khí oxy riêng, trong lúc các phòng của bệnh nhân đều có hai cửa ra vào, nhằm hạn chế nguy cơ lây nhiễm giữa bệnh nhân và nhân viên y tế.

Cuối cùng để hạn chế việc đi lại giữa thành phố và bệnh viện, bác sĩ và y tá có thể ngủ lại tại chỗ, với những phòng được dự tính đón đến 1.300 người.

Bệnh viện được xây trong một thời gian ngắn kỷ lục, và ngược với những bệnh viện xây bằng vật liệu tiền chế ở Trung Quốc, Bệnh viện số 68 của Nga có thể tiếp tục hoạt động sau khi thắng được dịch bệnh hiện tại.”

http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200422-covid-19-nga-s%C4%83%CC%81p-v%C6%B0%C6%A1%CC%A3t-m%C3%B4%CC%81c-60-nga%CC%80n-ca-nhi%C3%AA%CC%83m

 

Nhật Bản lo ngại hành vi của TQ ở Biển Đông gây bất ổn khu vực

Nhật Bản lo ngại quyết định của Trung Quốc thành lập cái gọi là khu Tây Sa và khu Nam Sa sẽ làm dấy lên bất ổn trong khu vực.

Đêm 21/3, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Motegi Toshimitsu đã điện đàm với người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị, trong đó có nội dung liên quan đến Biển Đông và Biển Hoa Đông.

Trong cuộc điện đàm diễn ra khoảng một giờ theo đề xuất của phía Trung Quốc, Ông Motegi đã đề cập tới việc gần đây Trung Quốc thông qua quyết định thành lập cái gọi là khu Tây Sa và khu Nam Sa [trên 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam – PV], đồng thời truyền đạt lập trường lo ngại của Nhật Bản trong vấn đề này, và cho rằng hành động nêu trên sẽ làm dấy lên bất ổn trong khu vực.

Liên quan đến hành vi mở rộng hoạt động của Trung Quốc tại biển Hoa Đông, khu vực Senkaku/Điếu Ngư, Bộ trưởng Ngoại giao Motegi cũng đã kháng nghị trực tiếp lên Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc.

Ngoài ra, hai bên cũng đã trao đổi về đại dịch Covid-19, hợp tác giữa hai bên trong vấn đề xuất nhập khẩu trang thiết bị y tế bao gồm khẩu trang, hỗ trợ các nước phát triển trong tình hình dịch bệnh đang lan rộng ra trên toàn thế giới.

Gần đây, Trung Quốc liên tục có những hành vi khiêu khích tại khu vực Biển Đông và Hoa Đông. Tại khu vực Biển Hoa Đông, theo Bộ Quốc phòng Nhật Bản, tàu hải cảnh Trung Quốc liên tục xâm nhập khu vực quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Đây là hành vi khiêu khích mang tính quân sự đối với khu vực biển Hoa Đông, đặc biệt, trong bối cảnh cả thế giới đang đối mặt với đại dịch Covid-19

http://biendong.net/xung-dot-chien-tranh/34271-nhat-ban-lo-ngai-hanh-vi-cua-tq-o-bien-dong-gay-bat-on-khu-vuc.html

 

Đây là món nướng Hàn Quốc đậm đà nhất?

Ben McKechieBBC Travel

Trong hơn 80 năm, một nhà hàng ở Seoul đã làm mẫu cho cách chế biến lý tưởng món galbi.

Hôm đó là thứ Ba vào giờ ăn trưa tại Joseonok, một nhà hàng thịt nướng Hàn Quốc ở khu Euljiro trung tâm TP Seoul, galbi được bày ra- là món sườn bò được ngâm tẩm và nướng trên than. Qua một cửa sổ mở nhìn vào bếp, tôi có thể thấy ngọn lửa nhấp nhô khỏi vỉ nướng trên đó có các dải thịt, nước ướp thịt kêu xèo và tỏa mùi thơm làm tôi thấy đói cồn cào. Tôi nhận ra rằng trong 11 năm ghé thăm Seoul, tôi chưa bao giờ thấy một nhà hàng thịt nướng Hàn Quốc nào đông khách thế này vào giờ ăn trưa.

Các nữ phục vụ trong chiếc tạp dề màu đen tuyền đi qua đi lại từ nhà bếp, bưng những chiếc khay bốc hơi nóng, đi qua những cuộn thư pháp Hàn Quốc được đóng khung đến những bàn đầy thực khách chỉ gồm người địa phương. Khi đến bên bàn, họ cắt thịt thành miếng nhỏ vừa đủ ăn bằng kéo nhà bếp, để lại một số miếng có thịt dính chút ít vào xương. Người ta bảo tôi cái khó là làm sao dùng đũa gắp miếng xương và chỉ dùng răng mình gỡ miếng thịt ra.

Tại sao ẩm thực Bolivia đáng để thưởng thức

Công thức nấu món ngon cổ xưa nhất thế giới

Khi tôi cắn vào, miếng thịt nướng bằng lửa hun khói nằm trong miệng, trước khi nhanh chóng kèm theo vị ngọt đậm của nước ướp. Mỗi miếng galbi hình như có một kết cấu hơi khác nhau: một số thì mềm tan chảy trong khi những miếng khác đòi hỏi phải nhai nhiều hơn. Cho dù thịt được ăn riêng rẽ hoặc được ăn cùng với bất kỳ món rau phụ kèm nào để trên bàn, các hương vị đều đậm đà, đáng nhớ và ngon tuyệt.

Ngày nay, siêu đô thị rộng lớn rực rỡ ánh đèn Seoul có hàng trăm nhà hàng thịt nướng kiểu Hàn Quốc, và Joseonok không thể nào là nhà hàng nổi tiếng hay sang nhất trong số đó. Để dùng món nướng Hàn Quốc hiện đại và ngon nhất, nướng ngay trên bàn, nhiều người dân đi về phía nam sông Hàn đến Saitherukjib (‘Nhà Rạng Đông’) ở quận Gang Gangnam, Seoul. Đúng như tên gọi của nó, nhà hàng náo nhiệt này mở cửa 24/7 và nổi tiếng với việc phục vụ hanwoo chất lượng cao, là thịt bò từ một giống bò Hàn Quốc giống như giống wagyu nổi tiếng của Nhật có vân mỡ và nạc, và có giá cao. Và đối với samgyeopsal (thịt ba chỉ bụng lợn), một trong những thịt nướng phổ biến nhất ở Hàn Quốc, có nhà hàng Palsaik Samgyeopsal, nổi tiếng với 8 thành phần ngâm tẩm khác nhau, gồm cả nhân sâm, lá thông và rượu vang.

Tuy nhiên, nhiều người Seoul tin rằng nhà hàng Joseonok là mẫu hình về cách đúng đắn nhất để làm món nướng Hàn Quốc. Nhà hàng mở cửa năm 1937, khiến nó trở thành một trong những nhà hàng lâu đời nhất của thành phố vẫn còn hoạt động. Những mẩu báo và những bức ảnh đen trắng của 83 năm tồn tại của nhà hàng được treo trên tường, nhưng không phải ý nghĩa rõ ràng về lịch sử làm cho Joseonok trở thành duy nhất. Trong khi hầu hết các nhà hàng thịt nướng Hàn Quốc đặt một vỉ nướng ở giữa mỗi bàn và để thực khách tự nướng lấy, nhà hàng Joseonok đã tránh xa xu hướng gần đây này và bám theo cách phục vụ galbi truyền thống: chỉ có một đầu bếp trong bếp nấu cho mọi người. Có nghĩa là một phòng ăn không bị khói, một mức độ nhất quán về độ chín tới của thức ăn (cháy xém nhẹ ở phía bên ngoài và hồng nhưng ngon ngọt ở bên trong) và một hương vị ngọt thịt đậm đà khoi khói do được ngâm tẩm tốt.

Chính quyền Myanmar đối phó với các hồn ma

Nơi phải dựa vào đoàn la thồ hàng giữa lòng nước Mỹ

Quản lý nhà bếp là đầu bếp 80 tuổi Park Jung-gyu, người đã làm việc tại nhà hàng từ năm 1960. “Công thức ướp món galbi của chúng tôi đã không thay đổi sau 80 năm,” Park nói với tôi trong khi hai cô hầu bàn bê khay đi nhanh qua chúng tôi. “Thật ra, cũng không hẳn như thế,” ông sửa lại. “Do người Hàn Quốc có sự quan tâm hơn đến việc ăn uống lành mạnh trong nhiều thập kỷ, nên chúng tôi đã điều chỉnh nó để có ít đường hơn.”

Nước ướp thịt tuyệt trần của Park chỉ có bốn thành phần: nước tương, dầu mè, tỏi và đường. Park mua một cái lồng sườn bò lớn và đến nhà hàng mỗi ngày vào lúc 8g30 để pha thịt thành từng miếng riêng lẻ từ đó làm thịt nướng và làm 3 món súp trong thực đơn. Thịt luôn tươi, không bao giờ bị đông lạnh, và thịt sườn được ướp trong hai đến ba ngày trước khi được nướng trên than hồng. “Điều cốt yếu cho galbi được ngon là giữ cho nó tiếp tục bị phủ trong nước ngâm tẩm khi nó nằm trên vỉ nướng.” Park nói.

Thịt nướng Hàn Quốc là một thuật ngữ rộng được người nói tiếng Anh sử dụng cho một loạt các loại thịt nướng. Chúng thường là thịt lợn hoặc thịt bò, mặc dù tôi đã từng ăn đà điểu nướng tại một nhà hàng Hàn Quốc ở vùng nông thôn Gyeonggi-do, là tỉnh ôm TP Seoul như một chữ C ngược. Hai loại thịt bò nướng phổ biến nhất là ‘galbi’ (tức sườn) và ‘bulgogi’ (thịt thăn thái mỏng). Trong khi galbi thường được ướp và nướng trên vỉ than thì bulgogi thường được nướng trên vỉ dùng khí butan và trở thành một trong những món ăn nấu tại nhà phổ biến nhất ở Hàn Quốc.

Món đồ uống ‘Cola’ Đông Âu thời Chiến Tranh Lạnh

Theo Kim Jin-young, chủ sở hữu và quản lý thế hệ thứ ba của nhà hàng Joseonok, thì các nhà hàng thịt nướng đầu tiên ở Seoul được thành lập trong triều đại Joseon (cai trị bán đảo Triều Tiên từ năm 1392 đến năm 1910) và nằm trong một khu phố gần cung điện hoàng gia Gyeongbokgung và Changdeokgung. “Chúng nổi tiếng đến mức những người sống trong khuôn viên cung điện cũng rời đi và đến ăn ở đó,” Kim nói. Galbi và bulgogi phát triển từ cùng một tổ tiên, maekjeok, một món ăn đơn giản là thịt bò ngâm tẩm nướng bằng xiên có có từ cách đây gần 2.000 năm. Galbi gợi nhớ nhiều hơn về maekjeok, và như vậy có thể được coi là gần gũi hơn với món thịt nướng nguyên bản của Hàn Quốc.

Mặc dù nguồn gốc hoàng gia của galbi, Joseonok là một trong những nhà hàng đầu tiên ở Hàn Quốc phổ biến món ăn này cho quần chúng. Khi Hàn Quốc nằm dưới sự thống trị của thực dân Nhật Bản từ 1910 đến 1945, tình trạng thiếu thịt rất phổ biến đối với tất cả mọi người trừ giới cầm quyền Nhật Bản. Nhà hàng Joseonok do bà của ông Kim thành lập như một nơi do người Hàn Quốc điều hành và giành cho người Hàn Quốc vào thời điểm rất ít nhà hàng do người Hàn Quốc điều hành tồn tại ở Seoul.

Joseonok ban đầu là một cơ sở uống rượu cũng phục vụ cả thức ăn và, theo Park, cơ sở này thuê những phụ nữ để phục vụ đồ uống cho một nhóm khách hàng chủ yếu là nam giới lớn tuổi. Sau đó, khi việc sản xuất thịt trở nên thương mại hóa hơn vào những năm 1940, sự phổ biến món galbi tăng vọt ở Seoul và bà của ông Kim đã quyết định rằng nhà hàng chỉ nên phục vụ món sườn bò cắt ngắn. Nhiều thập kỷ sau, thực đơn của nhà hàng Joseonok vẫn còn nhỏ: nó chỉ phục vụ sườn bò, ba loại súp và naengmyeon, một món mì lạnh có nguồn gốc ở Bình Nhưỡng, Bắc Triều Tiên, mà nhiều thực khách đặt ăn để kết thúc bữa.

Ba giá trị định hình Singapore hiện đại

Theo Kim và Park, chính do sự tuân thủ tỉ mỉ truyền thống đã khiến cho lượng người hâm mộ địa phương quay trở lại. “Khách hàng lớn tuổi nói với chúng tôi rằng ăn galbi của chúng tôi làm họ nhớ lại những thức ăn họ từng ăn ở thời thơ ấu,” Park nói. “Nó đưa họ trở về với quá khứ.”

Tối hôm sau, tôi quay lại đây với cái bụng rỗng để ăn tối. Khi mùi thơm ngon hấp dẫn của món galbi mới nướng từ nhà bếp tỏa ra, một cô hầu bàn sắp xếp một loạt bát kim loại sáng bóng trên bàn của tôi, trong đó có banchan (tức món ăn phụ kèm) mà không món nướng Hàn Quốc nào là hoàn chỉnh nếu không có nó. Trong khi banchan tại nhiều nhà hàng galbi ở Seoul thay đổi theo mùa hoặc theo những gì đầu bếp mua được ở chợ, thì tại Joseonok, nó không thay đổi kể từ khi bà của ông Kim làm việc ở đây.

Món đầu tiên tôi thử là kim chi, món bắp cải lên men phổ biến và cay của Hàn Quốc và là một trong những món ăn xuất khẩu nổi tiếng nhất của đất nước này. Tôi sử dụng đũa kim loại dẹt để gắp và nếm một miếng; nó giòn, chua và gây phấn khích bởi vị cay.

Tại sao người Nhật sạch sẽ đến mức cực đoan

Cây cầu gỗ dài thứ nhì thế giới ở Thái Lan

Banchan thứ hai và thứ ba là hai loại kim chi khác: một loại củ cải trắng mu, dài như mỳ spaghetti, được trộn bằng một loại gia vị nhẹ; và loại kia là doraji (một loại hoa chuông của Hàn Quốc). Năm đĩa và món ăn khác (banchan có nhiều loại và được bổ sung miễn phí) có hành lá tỉa nhỏ ngâm giấm và ớt; củ cải trắng nổi trong nước dùng lạnh pha giấm; các nhành tỏi sống; lá rau diếp để gói thịt; và ớt xanh quả cho những người dũng cảm. Cuối cùng, có vua của gia vị Hàn Quốc: ssamjang, một loại nước chấm thơm ngon tinh tế làm từ ớt đỏ và bột đậu nành lên men với hương vị ngon đạm mãnh liệt.

Không hiểu sao, galbi thậm chí ngon hơn trong lần thứ 2 thăm nhà hàng này. Từng lớp hương vị dường như được tăng cường – khói hơn, ngọt hơn, ngon hơn – nhưng có thể vì tôi đã thèm những miếng xương sườn ngắn này từ ngày hôm trước. Có lẽ sự khao khát này là điều làm khách quen của Joseonok cứ quay lại đây trong nhiều thập kỷ đến thế.

Trước khi rời khỏi nhà hàng, tôi tạm biệt Park và hỏi ông một cách thoải mái rằng liệu ông có kế hoạch nghỉ hưu nào ở chân trời chưa. Ông chủ cười. “Tôi nghĩ rằng cách nhanh nhất để làm mất sức khỏe đang tốt của tôi là ngừng làm việc và ngồi rỗi ở nhà.” Ông nhìn dọc phòng ăn đến phòng bếp nơi ông đã làm việc bao năm nay. “Nơi đây thực sự là cuộc sống của tôi,” ông nói.

Bài tiếng Anh trên BBC Travel

https://www.bbc.com/vietnamese/vert-tra-51623209

 

Triều Tiên: Ai sẽ lên nắm quyền sau Kim Jong Un?

Hải Lam

Triều Tiên chưa bao giờ tuyên bố công khai rằng ai sẽ thay thế nhà lãnh đạo Kim Jong Un trong trường hợp ông không thể tiếp tục cầm quyền. Quốc gia ẩn dật này cũng không tiết lộ thông tin về những người con của Kim. Các nhà phân tích cho rằng em gái và những quan chức trung thành của Kim có thể sẽ điều hành chính phủ cho đến khi con ông đủ tuổi để tiếp quản.

Các quan chức Hàn Quốc và Trung Quốc ngày 21/4 đã hoài nghi về thông tin Kim Jong Un gặp nguy hiểm sau ca phẫu thuật tim, trong khi các quan chức Mỹ đang theo dõi sát sao tình hình. Những suy đoán về sức khỏe của vị lãnh đạo Triều Tiên dấy lên sau khi ông vắng mặt trong Ngày Mặt trời hôm 15/4, tức ngày sinh lãnh tụ Kim Nhật Thành (Kim Il-Sung), ông nội của Kim Jong Un và là ngày lễ quan trọng hàng đầu ở Triều Tiên.

Giới truyền thông đã đặt ra câu hỏi về việc ai sẽ là người kế nhiệm nếu Kim Jong Un, 36 tuổi, bị bệnh nặng hoặc qua đời. Un trở thành người đứng đầu Triều Tiên khi cha ông là Kim Chính Nhật (Kim Jong Il) qua đời năm 2011 vì một cơn đau tim.

Mỗi lần thay đổi nhà cầm quyền ở Triều Tiên lại làm tăng nguy cơ về khoảng trống lãnh đạo hoặc sự sụp đổ của nhà họ Kim.

Cho đến nay, cả ba thế hệ lãnh đạo nhà họ Kim đều cai trị đất nước bằng chế độ độc tài. Tuy nhiên, dưới thời Kim Jong Un, kho vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Triều Tiên đã tăng lên đáng kể, gây lo ngại về việc ai sẽ kiểm soát những vũ khí đó.

Dưới đây là những nhân vật chủ chốt trong vòng tròn lãnh đạo của Triều Tiên và vai trò mà họ có thể đảm nhận khi chuyển đổi người cầm quyền trong tương lai.

Em gái Kim Yo Jong

Kim Yo Jong là em gái của Kim Jong Un. Đây là người có sự hiện diện rõ ràng nhất xung quanh Kim Jong Un trong hai năm qua. Bà là phó chủ nhiệm Ban Tuyên giáo đảng Lao động Triều Tiên. Theo Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA), Kim Yo Jong đã được bầu làm ủy viên dự khuyết của Bộ Chính trị hôm 11/4. Kim Yo Jong, được cho là 31 tuổi, có quyền kiểm soát chặt chẽ các nhiệm vụ chính của đảng.

“Lúc đó, Kim Yo Jong sẽ nắm quyền lực chủ yếu cùng sự kiểm soát các tổ chức và ban chỉ đạo, bộ phận tư pháp và an ninh công cộng”, ông Cho Han-bum, Viện Thống nhất Quốc gia Hàn Quốc bình luận.

Các quan chức kỳ cựu

Choe Ryong Hae, sinh năm 1950, đã phục vụ cho gia tộc Kim hàng chục năm. Ngày 12/4, Phó chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Triều Tiên Choe Ryong-hae trở thành Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Tối cao. Ông Choe từng đảm nhiệm các vị trí như Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Triều Tiên năm 2012 – 2014, Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương năm 2012 – 2014.

Một quan chức kỳ cựu khác của Triều Tiên là ông Pak Pong Ju, cựu thủ tướng Triều Tiên, hiện là Ủy viên Bộ chính trị, chịu trách nhiệm về các chiến lược kinh tế quốc gia. Ông Choe cùng ông Pak có khả năng sẽ là những người đứng đầu một tập thể lãnh đạo, nhưng không có thực quyền.

Kim Yong Chol, Phó Chủ tịch Ủy ban Đảng Lao động, cựu đặc phái viên hạt nhân và Bộ trưởng Ngoại giao Ri Son Gwon có thể được giao nhiệm vụ xử lý các vấn đề ngoại giao, bao gồm các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa bị đình trệ với Mỹ. Hai quan chức này từng đóng vai trò quan trọng trong hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Anh trai Kim Jong Chol và cô ruột Kim Kyong Hui

Kim Jong Chol là người con thứ hai của cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Chính Nhật. Theo ông Thae Yong Ho – cựu quan chức ngoại giao Triều Tiên đã đào tẩu sang Hàn Quốc, Kim Jung Chol không tham gia lãnh đạo đất nước mà có một cuộc sống khá kín tiếng.

Kim Jung Chol được cho là không quan tâm tới việc lãnh đạo đất nước và có thể không hiện diện nhiều, nhưng một số nhà phân tích cho rằng ông vẫn duy trì mối quan hệ với các anh chị em và có khả năng đảm nhận vai trò công khai hơn nếu có tình huống bất thường xảy ra.

Kim Kyong Hui đã từng là một nhân vật quyền lực trong giới lãnh đạo khi anh trai bà là Kim Chính Nhật cai trị đất nước. Chồng bà là Jang Song Thaek, từng được coi là người đàn ông quyền lực thứ hai ở Triều Tiên, đã bị Kim Jong Un xử tử vào năm 2013. Sau đó, bà đã không xuất hiện mãi cho đến tháng 1 năm nay. Bà được trông thấy ngồi cạnh vợ chồng Kim Jong Un trong một buổi diễn âm nhạc mừng Tết Nguyên đán.

Thế hệ lãnh đạo thứ tư

Theo Cơ quan Tình báo quốc gia Hàn Quốc, Kim Jong Un được cho là có ba người con với Ri Sol Ju. Người con út sinh năm 2017, còn người con cả sinh năm 2010. Điều này có nghĩa là, bất kỳ người con nào của Kim Jong Un cũng cần sự giúp đỡ của người thân hoặc người giám hộ chính trị nếu trở thành nhà lãnh đạo thế hệ thứ tư.

Kim Jong Il đã được chuẩn bị kỹ lưỡng trong 20 năm để lãnh đạo đất nước, trong khi Kim Jong Un chỉ mới có hơn một năm để chuẩn bị, do cha ông đột ngột qua đời vì đột quỵ.

“Kim Yo Jong không thể lên nắm quyền nhưng có thể giúp xây dựng một chế độ tạm quyền cho đến khi những đứa trẻ lớn lên, và Kim Jong Chol có thể trở lại để giúp đỡ trong một thời gian”, ông Go Myong-hyun thuộc Viện Nghiên cứu chính sách châu Á tại Seoul bình luận.

Theo Reuters

Hải Lam dịch và biên tập

https://www.dkn.tv/the-gioi/trieu-tien-ai-se-len-nam-quyen-sau-kim-jong-un.html

 

Dư luận chú ý đến bà Kim Yo-jong sau tin đồn anh trai Kim Jong-un ‘không khoẻ’

Tin tức không được Bình Nhưỡng xác nhận về ‘tình hình sức khoẻ nghiêm trọng” của lãnh tụ Kim Jong-un đang được thế giới chú ý.

Cô của Kim Jong-un, tưởng chết, xuất hiện mừng Năm mới

Đồn đoán gia tăng về sức khỏe ông Kim Jong-un

Hôm 21/04/2020, Tổng thống Donald Trump là nhân vật cao cấp hàng đầu của Phương Tây nói đến chuyện này.

Ca ngợi rằng “chúng tôi có quan hệ rất tốt”, ông Trump chúc ông Kim Jong-un “sức khoẻ, nếu như những tin báo chí nói là đúng”.

Hôm trước nữa, đài CNN trích các nguồn của họ gợi ý rằng nhà lãnh đạo Bắc Hàn có thể “ở trong tình trạng sức khoẻ mong manh sau phẫu thuật”.

Dù không có bất cứ ai chính thức xác nhận tin này từ Bắc Hàn và Nam Hàn, đồn đoán về “bệnh tình của Kim Jong-un” vẫn lan truyền trên truyền thông quốc tế.

Cùng lúc, một số báo châu Âu như The Guardian và Independent ở Anh tin rằng từ một thời gian qua, chế độ Bắc Triều Tiên đã chuẩn bị để em gái ông Kim Jong-un, bà Kim Yo-jong, đóng vai trò quan trọng hơn trong hệ thống chính trị.

Đầu tiên là về sức khoẻ ông Kim Jong-un

Những lời đồn đoán đều xuất phát từ việc ông Kim, lãnh đạo tối cao của Bắc Hàn, không xuất hiện trong đại lễ 15//04 khi cả nước đáng ra phải mừng sinh nhật cố chủ tịch Kim Il-sung (Kim Nhật Thành), ông nội của Kim Jong-un.

Báo Hàn Quốc nói cả ông nội và cha ông Kim Jong-un là Jong-il, đều qua đời vì nhồi máu cơ tim cấp tính.

Ông Kim Jong-un có rủi ro sức khỏe tim mạch do tiền sử gia đình, bệnh béo phì – một số nguồn tin nói ông nặng tới 136 kg, và hút thuốc lá thường xuyên, theo một số báo Phương Tây.

Trang Daily NK đặt ở Hàn Quốc nói họ có một nguồn ở Bắc Triều Tiên cho hay Kim Jong-un đã trải qua phẫu thuật ngày 12/4 ở Trung tâm Y khoa Hyangsan gần khu vực núi Myohyang ở tỉnh Bắc Pyongan (Bắc Bình An).

Tin tức này không được chính phủ Hàn Quốc xác nhận, và một phát ngôn viên cho Phủ Tổng thống ở Seoul đến hôm 21/04 vẫn nói họ không hề thấy có gì khác thường từ miền Bắc.

Tuy nhiên, cựu phó đại sứ Bắc Hàn tại London, ông Thae Yong-ho, người đã trốn sang Nam Hàn và vừa trúng cử Quốc hội, nói “không có tin tức đều đặn từ Bắc Hàn về ông Kim chứng tỏ một điều bất thường”.

Ông Thae, nay đổi tên là Ku-min (Cứu dân), và nay là nghị sĩ từ một đảng tại Nam Hàn, nói hôm thứ Ba rằng “bộ máy tuyên truyền Bắc Hàn làm tất cả để chứng tỏ lãnh tụ mạnh khoẻ, để xóa đi mọi đồn đoán, tranh cãi” nhưng đã hơn một tuần qua mà họ không làm gì hết, theo trang Korea Times.

“Thật là điều bất thường vì sau một tuần rồi mà Bắc Hàn không ra phản ứng trước các tin gây tranh cãi về sức khoẻ Kim Jong-un.”

Có hay không khả năng Kim Yo-jong ‘kế vị’?

Nay thì sự chú ý của dư luận quốc tế dồn vào em gái ông Kim Jong-un là Kim Yo-jong.

Sinh năm 1987, từng cùng anh trai, Kim Jong-un học ở Thuỵ Sĩ, người phụ nữ này xuất hiện lần đầu trong cuộc bầu cử vào Quốc hội Bắc Hàn năm 2014.

Sau đó, bà trở thành cánh tay phải của Kim Jong-un trong các sứ vụ ngoại giao quan trọng, với Nam Hàn, và có mặt tại Hà Nội tháng 2/2019, cùng anh dự thượng đỉnh Mỹ – Triều.

Tại đây, Kim Yo-jong bắt tay tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, và sau đó đi cách anh trai không xa khi hai ông Trump và Un đi vào phòng đàm đạo riêng,

Leif-Eric Easley, phó giáo sư ngành quan hệ quốc tế tại Đại học Ewha, Seoul được báo Anh trích lời nói:

“Chế độ Bắc Hàn là công việc của một gia tộc (family business), nên Kim Yo-jong đã chứng tỏ năng lực hiện đại hóa ‘thương hiệu’ của chế độ, và có vẻ như nắm ngành tuyên giáo. Vai trò quan trọng nhất của bà ta là người được anh trai tin tưởng.”

Cũng một nhà quan sát khác, Leonid Petrov, từ Sydney, được trang The Guardian ở Anh trích thuật, nói rằng vì được anh trai tin tưởng, bà Kim Yo-jong “giúp Kim Jong-un xây dựng hình ảnh tích cực khi giải quyết các vấn đề quốc tế.

Một báo Anh, tờ The Independent thì đặt câu hỏi liệu bà Kim Yo-jong có thể lên thay khi ông Kim Jong-un “có mệnh hệ nào” hay không.

Bài báo trích lời các nhà bình luận nói rằng chính thức thì ông Kim Jong-un “không có con trai lớn” để nối nghiệp, và bà Kim Yo-jong là người duy nhất ở vị trí chính trị cao, lại “mang trong mình dòng máu Núi Paektu” của triều đại Kim, để kế vị anh.

Tuy thế, các ý kiến khác tin rằng Bắc Hàn là một xã hội trọng nam, bà Kim Yong-jo cùng lắm chỉ có thể làm lãnh đạo tạm quyền chứ không thể lên nắm chức vụ cao nhất nước một khi Kim Jong-un không đủ sức khoẻ hoặc qua đời.

Có vẻ như ở Nam Hàn cũng có cái nhìn tương tự.

Suk Ho-shin, viết trong bài ‘Can Kim Yo Jong become successor of Kim Jong Un?’ trên báo Donga-Ilbo ở Seoul (17/04/2020) cho rằng em gái Kim Jong-un đã đảm nhận các trọng trách như là đặc sứ với miền Năm từ 2018, và gần đây là chỉ đạo chống dịch Covid-19.

Bà không chỉ là em gái Kim Jong-un, và có thể đã xây dựng được phe cánh quyền lực trong hệ thống.

Thế nhưng, việc Kim Yo-jong có được công nhận là lãnh tụ hay không còn phụ thuộc vào cái nhìn của ‘tầng lớp cầm quyền và công chúng Bắc Hàn”, một xã hội vẫn rất trọng các giá trị Khổng giáo, theo cây bút từ Nam Hàn.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-52383232

 

Ván bài tên lửa năm 2020 của Triều Tiên

Tuần qua, quân đội Hàn Quốc thông báo CHDCND Triều Tiên đã phóng nhiều tên lửa chống hạm ra biển.

Thực tế, đối với Triều Tiên, trong khi dịch bệnh Covid-19 đang cướp đi hàng trăm nghìn sinh mạng và hủy hoại nhiều nền kinh tế, thì tình hình Bình Nhưỡng cũng không thay đổi. Đối với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, ông phải đối mặt với những gì mà vị lãnh đạo này xem là hiện hữu. Đó là Mỹ và chính quyền của Tổng thống Donald Trump.

Lãnh đạo Kim thừa hiểu Triều Tiên không thể đánh bại Mỹ và Hàn Quốc trên chiến trường, hay cũng chẳng thể có cơ hội thống nhất mà đáp ứng đúng các điều khoản theo yêu cầu của Bình Nhưỡng.

Thực tế trên chỉ dẫn đến một điều: Chính quyền Bình Nhưỡng phải đảm bảo sự tồn tại và cố gắng tự túc. Đây cũng là “kim chỉ nam” không hề thay đổi trong chính sách đối ngoại lẫn đối nội của Triều Tiên suốt nhiều năm qua. Như thế, trong năm 2020, Bình Nhưỡng sẽ còn nhiều vụ phóng tên lửa, chỉ là có phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) hay không mà thôi.

Tuy nhiên, nếu phóng ICBM thì chắc chắn Triều Tiên sẽ chịu sự giận dữ từ Mỹ bởi Tổng thống Mỹ Donald Trump từng tuyên bố lãnh đạo Kim đã hứa không thử nghiệm ICBM. Ông Kim thừa hiểu nếu Triều Tiên phóng ICBM trong năm bầu cử Tổng thống Mỹ thì chỉ nhận lấy sự trừng phạt với áp lực tối đa – điều mà Bình Nhưỡng chắc chắn không muốn xảy ra.

Chính vì thế, có lẽ dù Triều Tiên có phóng bao nhiêu tên lửa trong năm nay, thì cũng không có vụ nào khiến Mỹ phật lòng

http://biendong.net/goc-nhin-moi/34248-van-bai-ten-lua-nam-2020-cua-trieu-tien.html

 

Đài Loan quyên tặng thêm 2 triệu khẩu trang cho Mỹ

Vũ Dương

Lô hàng viện trợ gồm 2 triệu khẩu trang của Đài Loan đã đến Mỹ vào hôm 20/4. Như vậy, trong tháng này, Đài Loan đã quyên tặng cho Mỹ 4 triệu khẩu trang.

Trong lô hàng viện trợ lần này, bang Massachusetts nhận được 100.000 khẩu trang. Theo Taiwan News, Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại Boston cho biết trong một thông cáo: “Nguồn viện trợ quan

trọng này sẽ được gửi đến các nhân viên y tế tuyến đầu khi họ phải làm việc suốt ngày đêm để điều trị và cứu người ở Massachusetts”. Chính quyền bang Massachusetts đã cảm ơn Đài Loan vì món quà này.

Đài truyền hình NTD cho biết, ông Mark Sullivan, đại diện của bang Massachusetts bày tỏ: “Tôi rất vinh dự được thay mặt cho Thống đốc Charlie Baker và Phó Thống đốc Karyn Polito đến đây tiếp đón những người bạn Đài Loan và nhận 100.000 khẩu trang y tế của tình hữu nghị này. Chính phủ Đài Loan không chỉ sản xuất khẩu trang mà còn vận chuyển đến cho chúng tôi, chúng tôi thật sự rất biết ơn. Cảm ơn chính phủ Đài Loan lần nữa vì món quà các bạn đã trao tặng”.

Dân biểu Huang Zi’an của bang Massachusetts bày tỏ: “Tôi muốn cảm ơn những người bạn Đài Loan đã tặng 100.000 khẩu trang cho bang, đây là vật tư mà nơi đây đang rất cần đến”.

Theo Taiwan News, Massachusetts là bang có số ca nhiễm Covid-19 cao thứ ba ở Mỹ, trong khi số ca tử vong đứng thứ tư toàn quốc.

Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren hôm 21/4 đăng trên Twitter rằng: “Tôi bày tỏ lòng biết ơn đến Đài Loan vì sự quyên tặng hào phóng cho Massachusetts để chống lại Covid-19”. Bên dười bài đăng của bà, Hiệp hội Formosa về các vấn đề công cộng (FAPA) bình luận: “Sẽ thật tốt nếu chính quyền Mỹ xem xét hỗ trợ Đài Loan gia nhập Tổ chức Y tế Thế giới (WHO)”.

Theo NTD, mặc dù Đài Loan đến hiện tại vẫn chưa được gia nhập WHO, nhưng công tác phòng chống dịch bệnh của Đài Loan khá thành công và nhận được sự khen ngợi của cộng đồng quốc tế. Các quan chức Massachusetts hy vọng rằng Mỹ có thể học hỏi cách thức phòng chống dịch bệnh của Đài Loan.

Ông Từ Hựu Điển (Xu Youdian), giám đốc Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại Boston, bày tỏ rằng công tác phòng chống dịch bệnh không phân biệt ranh giới quốc gia, và cộng đồng quốc tế nên chung tay đoàn kết để vượt qua cuộc khủng hoảng này.

Ông nói: “Thật ra, Đài Loan là một trong những quốc gia đầu tiên bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Nhưng bây giờ chúng tôi đã trở thành một mẫu hình phòng chống dịch bệnh cho các quốc gia khác. Buổi trao tặng ngày hôm nay chứng minh rằng Đài Loan có thể đóng góp một phần khả năng để giúp đỡ thế giới, và Đài Loan thật sự đang giúp đỡ thế giới”.

Đầu tháng này, Đài Loan đã quyên tặng cho Mỹ 2 triệu khẩu trang. Hòn đảo đã cũng viện trợ khẩu trang cùng nhiều vật tư y tế cho các quốc gia đồng minh và bạn bè trên thế giới. Hôm 15/4, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đài Loan Từ Tư Kiệm thông báo, hòn đảo đã gửi 80.000 khẩu trang cho 4 đồng minh ở khu vực Thái Bình Dương. Ngày 16/4, Đài Loan đã quyên tặng 2 triệu khẩu trang cho Nhật Bản.

https://www.dkn.tv/the-gioi/dai-loan-quyen-tang-them-2-trieu-khau-trang-cho-my.html

 

Trung Quốc chuẩn bị hạ thủy tàu đổ bộ Type 075 thứ hai?

Trung Quốc được cho là chuẩn bị hạ thủy tàu đổ bộ Type 075 thứ hai trong hôm nay sau khi một vụ cháy xảy ra trên chiếc thứ nhất hôm 11.4.

Tờ Hoàn Cầu Thời báo ngày 21.4 đưa tin Cục An toàn hàng hải Trung Quốc đã phát thông báo về việc một chiếc tàu mới sắp rời khỏi ụ tại xưởng đóng tàu Hudong Zhonghua (thành phố Thượng Hải) từ 13 giờ 20 đến 14 giờ 50 ngày 22.4. Các tàu đổ bộ Type 075 của Trung Quốc được đóng tại xưởng đóng tàu này.

Thông báo không nêu rõ thông tin về con tàu sắp được hạ thủy nhưng có nhiều dữ kiện cho thấy đó có thể là chiếc Type 075 thứ hai. Thông báo ra quy định hạn chế tàu thuyền qua lại trong vùng nước có chiều dài khoảng 1,6 km và rộng 350 m trong khoảng thời gian nói trên.

Mạng xã hội Weibo của Trung Quốc từ đầu tuần cũng xuất hiện nhiều hình ảnh chiếc tàu Type 075 thứ hai đã được sơn màu xanh xám mới và treo cờ hiệu hàng hải quốc tế, cho thấy có thể sắp tham gia sự kiện nào đó, theo Sputnik.

Trước đó, hồi đầu tháng 4, các diễn đàn quân sự loan tin chiếc tàu đổ bộ Type 075 thứ hai sắp được hoàn tất để hạ thủy. Việc hạ thủy chiếc tàu đổ bộ Type 075 thứ hai có thể nhằm kỷ niệm 71 năm ngày thành lập hải quân Trung Quốc, ngày 23.4.

Chiếc Type 075 đầu tiên bị cháy hôm 11.4

Tàu đổ bộ Type 075 do Trung Quốc tự thiết kế và chế tạo. Hải quân Trung Quốc dự tính biên chế 3 tàu lớp này. Tàu Type 075 có độ choán nước 40.000 tấn, dài 250 m, rộng 30 m, tốc độ 42 km/giờ và có thể chở tới 30 trực thăng cũng như các loại xe tăng lội nước, xe thiết giáp, thuyền cao tốc và hàng trăm lính thủy đánh bộ. Tàu chạy bằng động cơ diesel công suất 9.000 kW và có trang bị 4 pháo cận chiến.

Chiếc đầu tiên được hạ thủy hồi tháng 9.2019 và vừa bị cháy hôm 11.4. Theo Hoàn Cầu Thời báo, dù khói bốc lên ngùn ngụt từ tàu đổ bộ tấn công chở trực thăng (LHD), các nguồn thạo tin cho hay vụ cháy không lớn và không cản trở tiến độ thi công trên tàu.

http://biendong.net/goc-nhin-moi/34268-trung-quoc-chuan-bi-ha-thuy-tau-do-bo-type-075-thu-hai.html

 

Âm mưu và thủ đoạn mới của TQ trên Biển Đông

Gần đây, chính quyền Trung Quốc liên tiếp có những động thái, bước đi nguy hiểm ở cả trong nước, quốc tế và trên thực địa, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Trung Quốc đưa máy bay quân sự bố trí trên đá Chữ Thập thuộc chủ quyền Việt Nam

Thứ nhất, gửi công hàm lên Tổng thư ký Liên hợp quốc: ngày 17/4, Phái đoàn thường trực của Trung Quốc tại Liên hợp quốc đã gửi công hàm số CML/42/2020 cho Tổng thư ký Liên hợp quốc, phản hồi các Công hàm số 22/HC-2020 ngày 30/3 Công hàm số 24/HC-2020 ngày 10/4 và số 25/HC-2020 ngày 10/4 của Việt Nam. Theo đó, họ nhắc lại luận điệu cũ rích, vô căn cứ như: “Trung Quốc có chủ quyền đối với các quần đảo Tây Sa, Nam Sa (tức Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam – TT) và các vùng biển liền kề; có quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển liên quan và vùng đáy biển. Trung Quốc có quyền lịch sử ở Nam Hải (tức Biển Đông). Chủ quyền của Trung Quốc đối với Nam Hải Chư đảo và các quyền, lợi ích Biển Đông hình thành lâu đời trong lịch sử”, “Trung Quốc phản đối Việt Nam xâm phạm và chiếm đóng bất hợp pháp các đảo, vi phạm quyền và lợi ích của Trung Quốc trong các vùng biển thuộc thẩm quyền của Trung Quốc”; ngang nhiên nêu yêu sách “Trung Quốc yêu cầu Việt Nam rút nhân sự và thiết bị ra khỏi các đảo”.

Có tài khoản Weibo Trung Quốc “lưu ý”: đây là lần thứ 2 Trung Quốc công khai đòi Việt Nam “rút người và thiết bị khỏi các đảo”. Lần trước là khi xảy ra sự kiện Trung Quốc đưa giàn khoan thăm dò dầu khí Haiyang Shiyou – 981 hạ đặt trái phép ở vùng biển Nam Tri Tôn, quần đảo Hoàng Sa vào tháng 4/2014.

Thứ hai, ngang nhiên thành lập cái gọi là “quận Tây Sa” và “quận Nam Sa”. Truyền thông Trung Quốc ngày 18/4 đưa tin Quốc vụ viện Trung Quốc phê chuẩn thành lập cái gọi là “quận Tây Sa” và “quận Nam Sa” trực thuộc “thành phố Tam Sa” tỉnh Hải Nam. Cái gọi là “quận Tây Sa”, trụ sở đặt ở đảo Phú Lâm, quản lý quần đảo Hoàng Sa, bãi Macclesfield cùng các vùng biển xung quanh. Cái gọi là “quận Nam Sa”, trụ sở đặt ở Đá Chữ Thập, quản lý quần đảo Trường Sa cùng vùng biển xung quanh. Hành động này của Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Thứ ba, đặt tên Trung Quốc cho một số đảo, bãi ở Hoàng Sa, Trường Sa và các thực thể địa lý dưới đáy biển nằm trong cái gọi là “Đường biên giới 9 đoạn trên Nam Hải”. Ngày 19/4, Bộ Tài nguyên thiên nhiên và Bộ Dân chính (Bộ Nội vụ) Trung Quốc đã ra thông cáo công bố “danh xưng tiêu chuẩn” cho 25 đảo, bãi ngầm và 55 “thực thể địa lý dưới đáy biển”. Đây là một bước đi nhằm hợp thức hóa về mặt hành chính nhằm chuẩn bị cho những hành động phiêu lưu mới.

Trong số 25 đảo, bãi ngầm mới được đặt tên, có 12 thuộc quần đảo Hoàng Sa và 13 thuộc quần đảo Trường Sa. Đáng chú ý, cả 13 bãi chìm được đặt tên tại quần đảo Trường Sa đều thuộc Đá Tây (mà Trung Quốc tự đặt tên là 西礁 Tây Tiêu). Một số tài khoản Weibo, Wechat và trang mạng Trung Quốc ngày 20/4 đã đăng bài viết về đảo Đá Tây, giới thiệu chi tiết tình hình Đá Tây hiện nay và xuyên tạc, gọi Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá Đá Tây của ta hỗ trợ bà con ngư dân khai thác thủy sản trên vùng biển xa bờ ở đây là “căn cứ tiền tiêu của Việt Nam để cướp đoạt tài nguyên nghề cá của Trung Quốc ở Nam Sa” (!?).

Đáng chú ý, trong số 55 thực thể địa lý dưới đáy biển được họ tự đặt tên, có nhiều nơi nằm trên cái gọi là “Đường biên giới 9 đoạn trên biển” phi pháp, không hề có cơ sở pháp lý mà Trung Quốc tự vạch ra trên Biển Đông; nằm sâu trong thềm lục địa và thuộc vùng đặc quyền kinh tế rất gần bờ biển Việt Nam. Ví dụ,  Nhàn Đàm Hải Đài (Xiantan Haitai) ở vị trí có tọa độ 11độ 28′.7 vĩ Bắc/110độ 14′ kinh Đông, chỉ cách Cam Ranh khoảng 60 hải lý; Vạn An Hải Để Hạp Cốc Quần (Wan’an Haidixiaguqun) ở vị trí 10 dộ 30′ vĩ Bắc/109 50′ kinh Đông, cách đảo Phú Quý khoảng 50 hải lý; Tiêu Tương Hải Khâu (Xiaoxiang Haiqiu) ở vị trí 9 độ32’01 vĩ Bắc/109 độ 44’01 kinh Đông cách Hòn Hải khoảng 45 hải lý…

Thứ tư, đưa máy bay quân sự ra sân bay xây dựng tại các đảo nhân tạo mà họ bồi đắp phi pháp ở Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Công ty ảnh vệ tinh Israel ISI ngày 20/4 đã công bố một số bức ảnh chụp Đá Chữ Thập cho thấy Trung Quốc đã triển khai máy bay tuần tra biển KQ-200 (Y-8Q) tại sân bay trên đảo nhân tạo này. ISI viết: “Căng thẳng an ninh trên Biển Đông đang gia tăng, Trung Quốc dường như đang gia tăng số lượng các cuộc diễn tập quân sự trong khu vực. Báo cáo tình báo của ISI cho thấy một chiếc máy bay đặc nhiệm KQ-200 ASW đậu trên đường băng ở Đá Chữ Thập trong một cuộc huấn luyện”.

Trong bức ảnh được chụp ngày 10/4, có một máy bay được xác định là KQ-200 và một máy bay nằm trong hangar chỉ thò một phần đầu ra ngoài nên không thể xác định chính xác nhưng nhiều khả năng là cùng loại. Việc triển khai loại máy bay tuần tra săn ngầm KQ-200 đến khu vực Trường Sa là bước tiến mới khiến Trung Quốc có thể mở rộng khả năng kiểm soát khu vực nam Biển Đông.

Đây là lần đầu tiên Trung Quốc triển khai bố trí máy bay quân sự tại các đảo nhân tạo ở Trường Sa. Diễn biến mới này cho thấy Trung Quốc đang tiếp tục tiến thêm một bước nữa trong việc đẩy mạnh triển khai lực lượng đến khu vực Trường Sa để chuẩn bị cho những bước đi phiêu lưu mới.

Những động thái trên đây cho thấy Trung Quốc đang ngày càng đẩy mạnh âm mưu hiện thực hóa cái gọi là “Đường biên giới 9 đoạn trên biển” (hay còn gọi “Đường lưỡi bò”) phi pháp trên Biển Đông và không loại trừ việc họ có những hành đông phiêu lưu nguy hiểm mới nhân lúc các quốc gia trên khắp thế giới đang tập trung vào việc chống đại dịch Viêm phổi cấp do virus Corona mới gây ra (hay COVID-19).

Việt Nam kiên quyết phản đối những bước đi, hành động trên đây của phía Trung Quốc. Ngày 19/4, trước việc Trung Quốc ngày 18/4/2020 thông báo thành lập cái gọi là “quận Tây Sa” (tức quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) và “quận Nam Sa” (tức quần đảo Trường Sa của Việt Nam) tại “thành phố Tam Sa”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao  Việt Nam đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nói: “Việt Nam đã nhiều lần mạnh mẽ khẳng định Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Lập trường nhất quán của Việt Nam là phản đối mạnh mẽ việc thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” và các hành vi có liên quan vì đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, không có giá trị và không được công nhận, không có lợi cho quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia và gây thêm phức tạp tình hình Biển Đông, khu vực và thế giới.

Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, hủy bỏ các quyết định sai trái liên quan đến những việc làm đó và không có những việc làm tương tự trong tương lai”.

Tối ngày 19/4, Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa, thành phố Đà Nẵng cũng ra Thông cáo về việc Trung Quốc thành lập khu Tây Sa và khu Nam Sa thuộc cái gọi là thành phố Tam Sa.

Thông cáo nêu rõ: Là chính quyền địa phương thuộc thành phố Đà Nẵng, trực tiếp quản lý quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, UBND huyện Hoàng Sa kiên quyết phản đối việc Trung Quốc ban hành quyết định thành lập cái gọi là khu Tây Sa và Nam Sa thuộc cái gọi là thành phố Tam Sa.

Thông cáo nhấn mạnh: Việt Nam là quốc gia đầu tiên khai phá, chiếm hữu và xác lập chủ quyền một cách liên tục, hòa bình trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế.

Thông cáo khẳng định: hành động nêu trên của Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế và trái với các thỏa thuận giữa hai nước và khu vực, làm phức tạp tình hình ở khu vực Biển Đông và tổn hại đến các nỗ lực hợp tác giữa các nước. UBND huyện Hoàng Sa kịch liệt phản đối và yêu cầu Trung Quốc hủy bỏ ngay lập tức quyết định sai trái trên, chấm dứt ngay các hoạt động bất hợp pháp trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

Theo Deutsche Welle ngày 20/4, ông Carl Thayer, một học giả chính trị khu vực và giáo sư danh dự Đại học New South Wales, Australia nói, ông cho rằng Bắc Kinh định cố gắng thắt chặt quyền khống chế khu vực: “Trong 6 năm qua, Trung Quốc đã luôn xây dựng các đảo nhân tạo và cơ sở có thể sử dụng cho mục đích quân sự; có ý đồ mở rộng sự kiểm soát đối với Biển Đông”.

http://biendong.net/bi-n-nong/34264-am-muu-va-thu-doan-moi-cua-tq-tren-bien-dong.html

 

Trung Quốc hành động phi pháp, ASEAN cần tăng cường phối hợp

Thành lập 2 chính quyền cơ sở cấp quận – huyện là Tây Sa và Nam Sa, thuộc cái gọi là “thành phố Tam Sa”, nhằm kiểm soát các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, Trung Quốc đã vi phạm luật pháp quốc tế?

Hành động này của Bắc Kinh là hoàn toàn phi pháp, bởi Tòa trọng tài quốc tế ở The Hague (PCA) năm 2016 đã phán quyết bác bỏ việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với bản đồ đường 9 đoạn (đường lưỡi bò) trên Biển Đông. Như thế, Trung Quốc tự thành lập một thành phố Tam Sa với tổng diện tích hơn 2 triệu km2 là hoàn toàn phi pháp.

Hành động trên của Bắc Kinh tác động thế nào đến tình hình Biển Đông?

Vì hành động trên của Trung Quốc là phi pháp nên không có giá trị dựa theo luật pháp quốc tế. Các nước có thể từ chối công nhận cái gọi là “thành phố Tam Sa” cùng chính quyền cấp dưới. Tuy nhiên, về mặt thực tế thì Bắc Kinh lại đang tăng cường kiểm soát, củng cố quyền quản lý hành chính đối với những khu vực mà họ đang chiếm đóng trên Biển Đông, xâm phạm đến chủ quyền và quyền tài phán của láng giềng.

Việt Nam cũng như các nước ASEAN nên hành động như thế nào?

Trước hết, ASEAN cần hợp tác chặt chẽ với nhau để chống lại yêu sách mang tính bá quyền của Bắc Kinh. Nếu không thì từng quốc gia thành viên ASEAN sẽ bị Trung Quốc chi phối riêng rẽ. Và thực tế đã có một số thành viên ASEAN không thể tách bạch trong quan hệ với Trung Quốc do có mối quan hệ quá khắng khít về kinh tế, điển hình như Campuchia. Hay Thái Lan cũng tương tự.

Trong bối cảnh như vậy, Việt Nam cần đẩy mạnh phối hợp với một số nước trong khối có ít lệ thuộc vào Trung Quốc và cùng có chung tình trạng bị Bắc Kinh xâm phạm đến chủ quyền. Từ đó hình thành nên sự hợp tác để chống lại sự bá quyền của Trung Quốc. Điển hình trong số này là Indonesia. Đây là một quốc gia đông dân nhất trong khu vực, đứng thứ tư trên thế giới. Gần đây, Indonesia cũng phải đối mặt với nhiều hành vi gây rối của Trung Quốc trên biển. Việt Nam nên tăng cường hợp tác với Indonesia để cùng xây dựng sự đồng thuận trong khối ASEAN trước các hành vi của Trung Quốc.

Việt Nam theo dõi sát tình hình phức tạp ở vùng biển của một số nước ASEAN

Ngày 21.4, trả lời câu hỏi của báo chí về thông tin gần đây liên quan đến tình hình phức tạp ở vùng biển của một số nước ASEAN, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết:

“Là quốc gia ở Biển Đông và thành viên ASEAN, Việt Nam quan tâm, theo dõi sát tình hình. Việt Nam chân thành mong muốn quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của các quốc gia phù hợp với Công ước của Liên Hiệp Quốc về luật Biển 1982 được tôn trọng; các bên liên quan phải có trách nhiệm tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước của Liên Hiệp Quốc về luật Biển 1982, thể hiện cam kết phát triển quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia và hòa bình, ổn định, hợp tác ở Biển Đông, khu vực và trên thế giới”.

http://biendong.net/goc-nhin-moi/34266-trung-quoc-hanh-dong-phi-phap-asean-can-tang-cuong-phoi-hop.html

 

Cư dân mạng TQ bàn khả năng Bắc Kinh phát động cuộc chiến quân sự

Một số cư dân mạng Trung Quốc đã mạo hiểm chia sẻ trên Twitter cho biết, mới đây có nguồn tin nội bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cung cấp thông tin về một buổi nói chuyện kín của ông Tập Cận Bình với cảnh báo được cho là “nhạy cảm”. Thông tin này gây chú ý vì gần đây nhiều cư dân mạng ở cả hai phía eo biển đang bàn tán chủ đề ĐCSTQ phát động chiến tranh quân sự nhằm giải tỏa nguy cơ mất kiểm soát quyền lực.

Hôm 18/4, tài khoản “Beacon News” đã tweet: Chú ý! Có cư dân mạng là người làm việc trong chính quyền trong nước (chính quyền ĐCSTQ) đã mạo hiểm tiết lộ cho chúng tôi một thông điệp rất quan trọng! Hôm trước cơ quan họ làm việc có lan truyền thông tin một bài phát biểu kín của ông Tập Cận Bình với hàm ý mạnh mẽ về chiến tranh! Sau khi tìm kiếm thông tin này qua mạng internet cho thấy quả thực bài phát biểu chưa từng được công khai! Chúng tôi hiện đang liên hệ với các bên liên quan để có được thông tin chi tiết hơn về bài phát biểu. Mong các nước và khu vực liên quan đề cao cảnh giác!

Một thông tin “liên quan” có thể thấy từ bài bình luận vào ngày 10/4 trên Đài phát thanh quốc tế Pháp (RFI), đề cập rằng ngày 8/4,  Bộ Chính trị ĐCSTQ đã tổ chức họp Ban Thường vụ Bộ Chính trị, tại buổi họp, lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình cho biết hiện gia tăng nhiều nhiều yếu tố bất ổn khó lường trên

quốc tế, cần kiên định giữ vững ranh giới, ông Tập nhấn mạnh “thực hiện tốt chuẩn bị tư tưởng và chuẩn bị công việc để đáp ứng với những thay đổi từ môi trường bên ngoài trong thời gian dài.”

Bài viết phân tích rằng giới lãnh đạo ĐCSTQ dường như có linh cảm khá rõ ràng về tình hình nghiệt ngã đối với chế độ Cộng sản Trung Quốc trong tương lai. Ông Tập Cận Bình đã rung chuông cảnh báo mà không nói trực tiếp vấn đề, có thể cho thấy tình hình nghiêm trọng, đây chính là khả năng bị truy cứu trách nhiệm sau khi dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán được bình ổn. Vấn đề trách nhiệm giải trình này ban đầu không quá căng thẳng như vậy, nhưng do một loạt các hoạt động vu khống [nguồn gốc virus] dưới điều khiển của chính quyền Bắc Kinh nên đã làm cộng đồng quốc tế và dư luận quốc tế đặc biệt cảnh giác.

Bài viết cũng trích dẫn phân tích của học giả Trương Lập Phàm (Zhang Lifan): “120 năm trước là năm Canh Tý, có liên quân 8 nước tiến vào Bắc Kinh, hiện giờ có khả năng là liên quân 80 nước, hoặc nhiều hơn thế. Bởi vì dịch viêm phổi này mang đến thảm họa về chính trị và kinh tế cho toàn cầu; từ góc độ quốc tế mà nói, việc truy cứu trách nhiệm đối với Trung Quốc có thể là điều khó tránh khỏi, không chỉ có các nước phương Tây, một số nước vốn có mối quan hệ tương đối tốt với ĐCSTQ hiện giờ cũng đang dần trở mặt.”

Rõ ràng, những nguồn tin công khai đã cho thấy, giới quan sát cũng phổ biến quan điểm cho rằng ĐCSTQ sẽ đứng trước nguy cơ bị các nước phương Tây “tính sổ” khi dịch bệnh được giải quyết ổn thỏa, việc chuyển giao chuỗi công nghiệp sẽ dẫn đến sự sụt giảm mạnh của ngoại thương khiến tình hình kinh tế Trung Quốc trong nửa cuối năm nay sẽ rất bi đát. Để đối phó với nợ địa phương và nợ doanh nghiệp, ĐCSTQ đã chuẩn bị phát hành tiền kỹ thuật số và hậu quả có thể dẫn đến siêu lạm phát. Dưới những khốn khó bủa bây từ trong và ngoài nước nên quyền lực của ĐCSTQ đang gặp nguy hiểm, tình huống này có thể khiến họ tính đến nước cờ dùng vũ lực tấn công Đài Loan để thoát khỏi nguy cơ.

Mới đây trang tin “Đa chiều” (Dwnews) có trụ sở tại Bắc Kinh đã công bố bài viết “Mỹ gặp dịch bệnh nghiêm trọng là thời cơ cho Giải phóng quân [ĐCSTQ] nắm lấy cơ hội để thống nhất Đài Loan”. Câu đầu tiên của bài viết chỉ rõ: “Từ góc độ đấu tranh quân sự, nhiều người tin rằng dịch bệnh viêm phổi do virus corona mới đang càn quét thế giới mang đến cơ hội hiếm có cho Trung Quốc Đại Lục dùng vũ lực thống nhất Đài Loan”.

Tác giả của bài viết tỏ rõ đắc ý: “Mỹ hiện đang trong một cuộc khủng hoảng dịch bệnh nghiêm trọng không thể thoát khỏi, giới truyền thông có chỉ ra từ Lầu Năm Góc đến các căn cứ quân sự bên ngoài nước Mỹ đều đang bị virus tấn công, ảnh hưởng đến tính toàn vẹn của hệ thống chỉ huy và hiệu quả chiến đấu của quân đội Mỹ.”

Bài viết nhấn mạnh rằng thời điểm này đối với nhà cầm quyền của Trung Quốc mà nói thì vấn đề thống nhất Đài Loan là một mục tiêu chính trị cực kỳ hấp dẫn.

Cư dân mạng hai bờ quan tâm khả năng ĐCSTQ tấn công quân sự

Gần đây đề tài chiến tranh đặc biệt được cư dân mạng ở cả hai phía eo biển quan tâm.

Cư dân mạng “Dấu mộng cuối thu” cho biết, việc khi nào nhà cầm quyền Bắc Kinh giở trò quân sự phụ thuộc chủ yếu vào tốc độ chia tách giữa Âu – Mỹ và Trung Quốc, sau khi chia tách hoàn thành sẽ là lúc bắt đầu tấn công [Đài Loan], hiện nay không đánh là do ngại Âu – Mỹ chế tài kinh tế, một khi chia tách triệt để thì chế tài kinh tế không còn tác dụng gì, nền kinh tế Trung Quốc cũng trên bờ vực sụp đổ, và chiến tranh là cách tốt nhất để chuyển hướng cứu vãn tình thế. Hiện nay có thể xem Trung Quốc và Đài Loan vẫn đang trong tình trạng “nội chiến”, họ chưa bao giời ký kết thỏa thuận đình chiến nào.

Cư dân mạng biệt danh “Củ hành trong vườn hẹ” thì cho biết, bất kể có đánh hay không thì quân Tập Cận Bình hiện chỉ có một kết quả là triều đại họ đang dần tan rã.

Trong khi cư dân mạng Đài Loan biệt danh “Gió đang thổi” thì chỉ ra rằng, Đài Loan không bao giờ dám tưởng tượng rằng ĐCSTQ sẽ không dùng vũ lực thống nhất Đài Loan, ngay thời Tổng thống Mã Anh Cửu là người Đài Loan bắt đầu thấy rõ ĐCSTQ nhìn Đài Loan bằng ánh mắt của kẻ bề trên, như vậy làm sao Đài Loan có thể chịu đựng? Đó là chưa kể quan điểm tàn độc gần đây rằng “lấy đảo không lấy người”. Chiến thắng của bà Thái Anh Văn hồi tháng Một tất nhiên là yếu tố rất quan trọng. Chứng kiến đau khổ của người dân Hồng Kông khiến người Đài Loan rất e ngại, nên dĩ nhiên phải chọn cách cố gắng hết sức thay vì khoanh tay đứng nhìn.

Trong khi một người khác có bình luận chỉ ra bao nhiêu năm nay quân đội Đài Loan không phải đề phòng Nhật hay Mỹ mà chỉ đề phòng Trung Quốc. Làm sao Đài Loan có thể ngây thơ nghĩ rằng ĐCSTQ không tấn công Đài Loan? Hết năm này qua năm khác…. chúng tôi chưa bao giờ lơ là để chuẩn bị toàn đảo sẵn sàng.

Ngày 26/3, tác giả bài viết ký tên Cổ Ngọc Văn (Gu Yuwen) công bố bài viết “Cảnh báo cuồng vọng chiến tranh của ĐCSTQ thời hậu dịch bệnh”, bài viết chỉ ra rằng nếu ĐCSTQ chìm vào bất ổn chính trị thì có thể thúc đẩy gây chiến tranh để chuyển hóa nguy cơ, sẽ khiêu khích hoặc tấn công quân sự đối với Đài Loan, quân đội Mỹ có thể đáp trả và đưa ra tín hiệu cảnh báo ĐCSTQ.

Ngày 16/4, năm chiếc máy bay ném bom B-52H đã bay trở về Mỹ từ căn cứ không quân Anderson ở đảo Guam mà không có hạm đội thay thế, kết thúc nhiệm vụ đồn trú liên tục 16 năm.  Máy bay ném bom chiến lược của Mỹ ở đảo Guam luôn là lực lượng quan trọng nhất đối với dự báo và răn đe của quân đội Mỹ ở Tây Thái Bình Dương. Là một phần của “nhiệm vụ duy trì liên tục đồn trú máy bay ném bom”, phải đảm bảo ít nhất một máy bay ném bom hạng nặng tầm xa đồn trú tại căn cứ Anderson để đối phó với nguy cơ xung đột tiềm tàng ở Thái Bình Dương bất cứ lúc nào.

Về vấn đề này, nhà bình luận Kim Trấn Thọ (Jin Zhentao) cho biết, sự kiện này đã phát đi một tín hiệu mạnh mẽ cho thấy quân đội Mỹ đã chuẩn bị cho cuộc chiến sắp tới.

http://biendong.net/bi-n-nong/34258-cu-dan-mang-tq-ban-kha-nang-bac-kinh-phat-dong-cuoc-chien-quan-su.html

 

TQ trả giá cho chiến dịch phản công hung hăng về virus corona?

Chính sách “ngoại giao corona” của Trung Quốc đe dọa mang lại nhiều đối thủ hơn bạn bè, mặt khác cũng phản ánh tình hình chính trị phức tạp trong nước, theo báo Financial Times.

Khi thượng nghị sĩ Roger Roth, chủ tịch thượng viện Cơ quan Lập pháp bang Wisconsin (Mỹ), nhận được email từ chính phủ Trung Quốc “nhờ vả” ông bảo trợ một nghị quyết ca ngợi phản ứng của Bắc Kinh trước dịch COVID-19, ông cứ nghĩ đó là trò lừa của tay nào đó.

Tác giả email còn cẩn thận đính kèm một bản dự thảo nghị quyết được viết sẵn, trong đó đầy những luận điểm và tuyên bố của nhà cầm quyền Trung Quốc để ông Roth đưa ra biểu quyết.

“Tôi chưa từng nghe nói có chính phủ nước ngoài nào tiếp cận một cơ quan lập pháp nhờ họ thông qua một nghị quyết. Tôi nghĩ lá thư không thể là thật”, thượng nghị sĩ Roth kể với báo Financial Times (FT).

Nhưng sau đó ông Roth phát hiện email đó quả thật được gửi từ Tổng lãnh sự Trung Quốc ở Chicago. “Tôi ngạc nhiên hết sức… Tôi viết một dòng trả lời: ‘Thưa ngài tổng lãnh sự, điên quá'”.

Mất lòng tin

Nhà báo Jamil Anderlini của FT nhận xét câu chuyện trên có lẽ là tập mới nhất của chiến dịch tô vẽ hình ảnh toàn cầu Bắc Kinh đang đẩy mạnh giữa đại dịch COVID-19.

Thành công bao nhiêu chưa biết nhưng “ngoại giao corona” của Trung Quốc đã năm lần bảy lượt phản tác dụng. Từ việc xuất khẩu thiết bị y tế lỗi đi các nước, cho đến ủng hộ thuyết âm mưu quân đội Mỹ thả virus ở Vũ Hán, rồi vụ xìcăngđan ngược đãi người châu Phi ở miền nam Trung Quốc theo kiểu tống khứ về quê nhà…

Một số nhà quan sát từng nghĩ cách phản ứng hỗn loạn của phương Tây trước dịch COVID-19 sẽ tạo điều kiện cho Trung Quốc trám vào lỗ hổng quản trị toàn cầu, thậm chí bỏ qua một bên số liệu dịch bệnh đáng ngờ của Bắc Kinh.

Nhưng nhìn qua cách Bắc Kinh lợi dụng tình hình, Trung Quốc có khả năng chỉ càng bị cô lập và mất uy tín hơn trên trường quốc tế sau khi cuộc khủng hoảng trôi qua.

Ông Wasng Jisi, học giả nổi tiếng của Đại học Bắc Kinh, nhận xét dịch bệnh này đã đẩy quan hệ Trung – Mỹ xuống mức tồi tệ nhất kể từ khi mới bang giao hồi thập niên 1970. Ông mô tả hố ngăn cách kinh tế – công nghệ giữa hai cường quốc “đã không thể đảo ngược”.

Ở Anh, sự thay đổi cũng rất lớn. Các chính khách bảo thủ quyền lực bắt đầu kêu gọi Thủ tướng Boris Johnson cứng rắn hơn với Trung Quốc, truyền thông Anh chỉ trích nhiều hơn, còn cộng đồng tình báo tuyên bố sẽ theo dõi sát mối đe doạ từ Bắc Kinh…

Ở châu Âu và Úc, các chính phủ hối hả chặn doanh nghiệp Trung Quốc thâu tóm tài sản giá rẻ giữa lúc kinh tế lao dốc vì dịch bệnh. Nhật Bản thì dành hẳn một quỹ 2,2 tỉ USD để giúp doanh nghiệp nước này dời nhà máy ra khỏi Trung Quốc…

Vật tư y tế từ Trung Quốc được bốc dỡ xuống ở Geneva, Thuỵ Sĩ – Ảnh: REUTERS

Cuộc khủng hoảng lớn nhất

Phải nhìn nhận rằng một số lời chỉ trích nhắm vào Trung Quốc chưa được công bằng. Nhiều chính khách dân túy phương Tây tấn công Bắc Kinh còn nhằm mục đích phủi bớt trách nhiệm do thất bại trong chống dịch.

Nhưng không phải vì vậy mà những gì Trung Quốc làm là đúng.

Bắc Kinh có thể đã tìm thấy sự đồng cảm nhiều hơn nếu họ chọn chiến lược minh bạch và hợp tác, nếu họ không bịt miệng những người dám lên tiếng (điển hình là bác sĩ Lý Văn Lượng), nếu họ không chạy chiến dịch truyền thông đánh lạc hướng nguồn gốc con virus, tự ca ngợi mình và hạ thấp nước khác…

Lời qua tiếng lại với Mỹ, hãng thông tấn Tân Hoa xã của Trung Quốc còn dọa nước này có thể chặn xuất khẩu vật tư y tế để nước Mỹ “chìm trong địa ngục corona”.

Cách hành xử như vậy chỉ càng thổi bùng quyết tâm của Washington và nhiều nơi khác trong việc giảm sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng từ Trung Quốc.

Nhưng bên cạnh đó, thái độ kỳ lạ của Bắc Kinh trong cuộc khủng hoảng này được các nhà phân tích cho rằng đang phản ánh phần nào sự phức tạp của tình hình chính trị trong nước.

COVID-19 là thách thức lớn nhất Chủ tịch Tập Cận Bình đối mặt kể từ khi lên nắm quyền năm 2012. Ông Tập có lẽ hiểu rõ cơn khủng hoảng kinh tế sắp tới sẽ tác động mạnh hơn cả bản thân dịch bệnh.

Hồi khủng hoảng tài chính 2008, Bắc Kinh xác định tăng trưởng phải ở mức 8% mới giảm thiểu được bất ổn xã hội, trong khi GDP quý 1-2020 của Trung Quốc đã giảm đến -6,8%, đe dọa gây ra những nhiễu động lớn.

Ở góc độ đó, việc guồng máy tuyên truyền và ngoại giao của Trung Quốc đẩy mạnh chủ nghĩa dân tộc được xem là chiêu đánh lạc hướng dư luận, bất chấp cái giá phải trả là hình ảnh quốc tế bị tổn thương. Nó giải thích được tại sao giới ngoại giao Trung Quốc lại liều lĩnh như vậy thời gian qua.

Quay lại Mỹ, sau lá thư kỳ lạ từ Trung Quốc, thượng nghị sĩ Roger Roth đang soạn thảo một nghị quyết khác. Hé lộ một chút với báo FT, ông cho biết sẽ ca ngợi người dân Trung Quốc nhưng sẽ “bóc trần ban lãnh đạo cho cả thế giới thấy”.

Nghị quyết nhiều khả năng được thông qua với sự ủng hộ áp đảo.

http://biendong.net/goc-nhin-moi/34246-tq-tra-gia-cho-chien-dich-phan-cong-hung-hang-ve-virus-corona.html

 

Hành vi phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông xuất phát từ bế tắc trong nước

Chuyên gia cho rằng, những hành động phi pháp gần đây tiếp tục thể hiện dã tâm độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc và bộc lộ những bế tắc bên trong đất nước này.

Đẩy mâu thuẫn trong nước ra bên ngoài

Ngày 18/4, Bắc Kinh tiếp tục leo thang các hành động ngang ngược trên Biển Đông khi phê chuẩn thành lập trái phép 2 đơn vị hành chính cấp huyện quản lý các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

Trả lời VTC News, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trường, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Thụy Điển, Cố vấn cao cấp Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và Phát triển Quan hệ quốc tế (CSSD) nhận định việc Trung Quốc đưa ra tuyên bố như vậy trong thời điểm này có nhiều lý do, xuất phát từ những khó khăn trong nước, buộc Trung Quốc phải đẩy mâu thuẫn ra bên ngoài để hướng lái sự chú ý của dư luận.

“Trung Quốc đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn sau đại dịch COVID-19. Kinh tế trì trệ, tăng trưởng chậm, đời sống nhân dân đi xuống và nhất là tỷ lệ thất nghiệp tăng cao. Đây là những vấn đề nan giải của lãnh đạo Trung Quốc.

Những điều này hối thúc Trung Quốc đẩy mâu thuẫn trong nội tại ra bên ngoài, từ đó hướng lái sự chú ý dư luận trong nước và thu hút cộng đồng quốc tế. Do đó, vấn đề Biển Đông, Đài Loan… là những ưu tiên để Trung Quốc thực hiện ý đồ”, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trường cho hay.

“Mặt khác, Trung Quốc muốn tranh thủ thời điểm đại dịch COVID-19 để thực hiện mưu đồ của kẻ mạnh. Bắc Kinh cho rằng, đây là thời điểm các nước đối mặt với nhiều khó khăn, mất tập trung để lấn tới. Và tại thời điểm này, với tiềm lực của mình, Trung Quốc ra sức thực hiện điều đó”, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trường nhấn mạnh

Trung Quốc đẩy mâu thuẫn trong nội tại ra bên ngoài, từ đó hướng lái sự chú ý dư luận trong nước và thu hút cộng đồng quốc tế.

Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Trường

Bên cạnh đó, chuyên gia cho rằng, Bắc Kinh đang bị thế giới gây áp lực về nguyên nhân bùng phát dịch COVID-19. Và Trung Quốc thực chất sẽ phải trả lời thế giới về trách nhiệm của nước này đối với vấn đề COVID-19.

Theo Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Trường, chiến lược của Trung Quốc là trở thành cường quốc biển. Bắc Kinh sẽ tiếp tục theo đuổi những mục tiêu ngắn hạn và dài hạn để hướng ra biển.

Do đó, việc tuyên bố thành lập phi pháp cơ quan hành chính “quận Tây Sa” và “quận Nam Sa” được chính quyền Trung ương Trung Quốc khuyến khích. Và điều này nằm trong dã tâm độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc.

Ngoài ra, chuyên gia Nguyễn Ngọc Trường cho biết thêm, hành động của Trung Quốc diễn ra sau khi Việt Nam gửi công hàm Liên Hợp Quốc phản đối yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông.

Đây là động thái muốn gây sức ép với Việt Nam. Và điều này Trung Quốc vẫn thường làm, không quá xa lạ. Trung Quốc luôn sử dụng các thủ đoạn và thời cơ để thể hiện quyền lực uy hiếp nước khác.

Hành vi ngang ngược hòng chiếm trọn Biển Đông

Trả lời VTC News, PGS-TS Cù Chí Lợi, Viện trưởng Viện nghiên cứu Châu Mỹ (Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) nhận định, trong lúc dịch COVID-19 tác động đến nhiều nước trong khu vực và thế giới, Trung Quốc lợi dụng thời điểm này liên tục thực hiện các bước trong ý đồ tranh giành chủ quyền trên Biển Đông.

Theo chuyên gia, việc Trung Quốc thành lập trái phép cơ quan hành chính tại những nơi thuộc chủ quyền của Việt Nam là hành vi ngang ngược, ngạo mạn.

Điều này đi ngược lại với các chuẩn mực trong quan hệ quốc tế cũng như bất chấp, coi thường các nguyên tắc, luật lệ quốc tế.

Chuyên gia Cù Chí Lợi cho rằng, khác với những hành vi trước đây ở Biển Đông, hành động trái luật pháp mới đây của Bắc Kinh là vấn đề hết sức nghiêm trọng, ảnh hưởng đến an ninh tại khu vực.

“Thứ nhất, một khi thành lập cơ quan hành chính, Trung Quốc sẽ có nhiều hành vi tiếp theo như thành lập đơn vị cơ sở, cơ quan theo chức năng, phân cấp, phân quyền trong hệ thống hành chính của Trung Quốc.

Một khi đã đặt được đơn vị hành chính ở những nơi mà nước này tuyên bố chủ quyền phi pháp, Trung Quốc sẽ mở rộng việc xâm lấn các đảo đá khác ở Biển Đông

Thứ hai, Trung Quốc sẽ gia tăng đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng ở những nơi mà họ tuyên bố phi pháp thành lập đơn vị hành chính.

Chiến thuật của Trung Quốc là từ việc xây dựng những ngôi nhà, trụ sở làm việc với mục đích dân sinh, dần dần Trung Quốc sẽ đẩy mạnh việc phát triển thành những tòa nhà, thành phố trên biển, không khác gì trên đất liền.

Thứ ba, sau việc tuyên bố thành lập phi pháp đơn vị hành chính, Trung Quốc có thể triển khai, điều động quân đội ra canh giữ, bảo vệ chủ quyền phi pháp ở các khu vực mà nước này đã bất chấp đạo lý để tuyên bố chủ quyền.

Thứ tư, một khi đã đặt được đơn vị hành chính ở những nơi mà nước này tuyên bố chủ quyền phi pháp, Trung Quốc sẽ mở rộng việc xâm lấn các đảo đá khác ở Biển Đông, gia tăng hiện diện về quân sự của nước này trên biển”, chuyên gia chỉ rõ.

Sau động thái này, chắc chắn Trung Quốc sẽ có nhiều hoạt động tiếp theo ở 2 khu vực đã tuyên bố chủ quyền phi pháp.

“Từ lâu, Trung Quốc đã có ý đồ thôn tính Biển Đông. Việc thành lập khu vực hành chính này chính là để phục vụ cho ý đồ kiểm soát Biển Đông.

Hành động này được xem là cánh tay nối dài của Trung Quốc trong việc tăng cường hiện diện trên thực địa và dần kiểm soát phi pháp trên Biển Đông.

Mục tiêu của Trung Quốc là tranh thủ thời cơ các nước khác không có đủ điều kiện phản ứng quyết liệt để thực hiện hành vi xâm lấn chủ quyền các nước. Việc tuyên bố thành lập khu vực hành chính này là thực hiện mục tiêu giành chủ quyền nước khác”, chuyên gia nhận định.

Đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp.

Đối sách của Việt Nam

Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Thụy Điển Nguyễn Ngọc Trường cho rằng tuyên bố của Trung Quốc khi thành lập đơn vị hành chính ở Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam là phi lý, bất chấp dư luận quốc tế và đi ngược lại với các nguyên tắc và luật lệ quốc tế.

Trước tình hình này, chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần nâng cao cảnh giác, không để sơ sẩy ở những địa điểm, khu vực mình đã kiểm soát trên thực địa.

Mặt khác, chúng ta cần sử dụng tổng hợp các biện pháp, kết hợp đấu tranh dư luận từ bên ngoài, tăng cường hợp tác quốc tế, cũng như sử dụng kênh ngoại giao trực tiếp với Trung Quốc để hóa giải căng thẳng.

Chuyên gia Cù Chí Lợi khẳng định, đây là thời điểm Trung Quốc có nhiều điều kiện thuận lợi để thực hiện các hành vi khác nhau.

Thứ nhất, dịch COVID-19 vẫn đang lây lan trên phạm vi toàn cầu, tác động đến nhiều nước trong khu vực. Thứ hai, hiện nay, thời tiết cũng đang là mùa thuận lợi cho Trung Quốc thực hiện nhiều hành động trên Biển Đông.

Trung Quốc sẽ tiếp tục thực hiện các động thái gây hấn, gia tăng ảnh hưởng trong khu vực, phục vụ cho mưu đồ nuốt trọn Biển Đông của Bắc Kinh.

Do đó, Việt Nam phải sẵn sàng các biện pháp để phản ứng một cách kịp thời, đồng thời kêu gọi sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế. Vì rõ ràng những động thái này của Trung Quốc là phi pháp, chắc chắn dư luận quốc tế sẽ lên án.

“Chúng ta cũng cần phải cảnh giác. Đây chỉ là một trong nhiều hành động mà Trung Quốc đang thực hiện để phục vụ cho âm mưu và ý đồ của nước này trên Biển Đông. Do đó, chúng ta cần chú ý đề phòng, đảm bảo an ninh trật tự và chủ quyền quốc gia trong tình hình hiện nay”, ông Cù Chí Lợi nhấn mạnh.

http://biendong.net/goc-nhin-moi/34251-hanh-vi-phi-phap-cua-trung-quoc-tren-bien-dong-xuat-phat-tu-be-tac-trong-nuoc.html

 

TQ đừng mơ chiếm biển của Việt Nam

Trung Quốc xua tàu hải cảnh đâm chìm tàu cá QNg 90617 TS của Việt Nam ngay tại khu vực đảo Phú Lâm, quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam; sau đó điều hẳn một nhóm tàu Hải Dương Địa Chất 8 (Haiyang Dizhi 8) xuống Biển Đông, rồi lượn về phía Malaysia. Những động thái này của Trung Quốc liên tục diễn ra trong lúc đại dịch coronavirus chưa được dập tắt, hàng ngày tước đoạt tính mạng của hàng nghìn người trên thế giới, cho thấy điều gì?

Dịch COVID-19 đang hoành hành, và Trung Quốc hiện nay vẫn đang nằm trong Top của thế giới về số lượng người chết. Việc tấn công tàu cá Việt Nam, tung nhóm tàu Haiyang Dizhi 8 nghênh dọc trên Biển Đông, thách thức, điều đó cho thấy rõ về “Một Trung Quốc bị mắc dịch, ốm yếu vẫn hung hăng”.

Sự ngông cuồng của Trung Quốc là phép thử dành cho các nước. Trong thời điểm hiện tại, mặc dù xuất phát là Trung Quốc, mọi âm mưu xảo quyệt, mọi hành vi ngông cuồng, hành động đầy “tăng động” khiêu khích là từ quốc gia này mà ra, nhưng Trung Quốc hoàn toàn không phải đang làm chủ “cuộc chơi”. Nhìn sâu và xa thì Việt Nam mới là quốc gia đang làm chủ, chủ danh chính ngôn thuận vùng Biển Đông mà Trung Quốc thèm thuồng, muốn cho cái gọi là “đường lưỡi bò” liếm trọn, và cả làm chủ cuộc chơi pháp lý.

Nói trắng ra là, Việt Nam đang nắm đằng cán dao, khi đang là quốc gia chính nghĩa trong cuộc bảo vệ chủ quyền của mình trên Biển Đông, được sự ủng hộ của quốc tế. Việt Nam gửi công hàm lên Liên Hiệp Quốc, trong diễn biến vừa mới đây, là một phần thể hiện tâm thế đó.

Như đã nói ở trên, Việt Nam đang nắm đằng cán dao. Nhưng chỉ cần thiếu tĩnh táo là Việt Nam sẽ “nằm dưới lưỡi dao” của Trung Quốc; sẽ rơi vào cái bẫy, xoáy vào cuộc chơi mà Trung Quốc tạo ra.

Không khó để nhận ra, thủ đoạn khiêu khích của Trung Quốc, cái bẫy mà Trung Quốc đặt ra qua việc cho tàu hải cảnh tấn công ngư dân Việt Nam, lượn lờ vào vùng biển của Việt Nam, là cố tình hướng đến mục tiêu để Việt Nam thiếu bình tĩnh, từ đó chúng có cái cớ mà “vào nhà” của Việt Nam.

Mọi hành động của Trung Quốc xâm phạm Việt Nam đều được lực lượng chức năng Việt Nam theo dõi, giám sát. Như nhóm tàu Hải Dương Địa Chất 8 (Haiyang Dizhi 8) của Trung Quốc đi xuống Biển Đông, vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, tàu Kiểm ngư của Việt Nam luôn bám đuổi, tàu chấp pháp Việt Nam bám sát.

Âm mưu độc chiếm Biển Đông là không thay đổi. Vì thế, ngay trong lúc này đây, Trung Quốc càng làm loạn thì Việt Nam càng phải bình tĩnh. Tin tưởng tuyệt đối vào các nhà lãnh đạo Việt Nam, sách lược của các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam là điều cần thiết nhất, hướng đi đúng nhất của người dân, góp phần tăng thêm sức mạnh cho dân tộc. Thời 4.0, lúc này đây, đánh giặc cần dùng kế, sách lược,

là tính chính danh và sức mạnh toàn dân. Đồng thời sẳn sàng đáp trả bằng sức mạnh vũ lực trong mọi tình huống.

Muôn đời, Hoàng Sa, Trường Sa luôn là chủ quyền của Việt Nam. Dù cho hiện nay Trung Quốc có cướp, chiếm giữ phi pháp chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông, thì sử sách lưu lại vẫn là “cướp của Việt Nam”; và chủ quyền thiêng liêng đó của Tổ quốc Việt Nam không bao giờ vì “sự cướp” của Trung Quốc mà thay đổi vị trí địa lý, thay đổi lịch sử.

Mỗi người dân yêu nước Việt Nam hôm nay, cùng nhìn lại những kinh nghiệm lịch sử của cha ông trong xây dựng và bảo vệ đất nước và luôn luôn tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, nhà nước vào khả năng sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu thắng lợi trong mọi tình huống của quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, cùng đoàn kết một lòng vì một Việt Nam ổn định, phát triển, hùng cường cho “non sông nghìn thuở vững âu vàng” như khát vọng của lớp lớp thế hệ người Việt chúng ta.

http://biendong.net/bien-dong/34254-tq-dung-mo-chiem-bien-cua-viet-nam.html

 

Báo TQ ngụy biện cho những hành động quân sự phi pháp của Bắc Kinh ở Biển Đông

Các tờ báo mạnh của Trung Quốc, trong đó có tờ “Hoàn cầu thời báo” đã tung hô việc hải quân nước này đã tiến hành các cuộc tập trận với các tàu chiến mặt nước, tàu ngầm và máy bay chiến đấu ở Biển Đông vào cuối tháng 3 vừa qua, cùng thời điểm mà Mỹ thường xuyên gửi tàu chiến và máy bay chiến đấu vào vùng biển này; cho thấy Trung Quốc “có thể kiểm soát và bảo vệ hiệu quả vùng biển này” khi Bắc Kinh tiếp tục tăng cường khả năng chiến đấu.

Theo “Hoàn cầu thời báo”, một căn cứ hải quân thuộc Bộ Tư lệnh Quân khu Phương Nam của Trung Quốc vào cuối tháng 3 tổ chức diễn tập huấn luyện hạm đội sử dụng các kịch bản chiến đấu ở Biển Đông. Tờ báo này tường thuật: “Với các tàu mặt nước, tàu ngầm và máy bay chiến đấu, cuộc tập trận bắn đạn thật đã thử nghiệm hơn 20 khoa mục, bao gồm phòng không, chống tàu, chống tàu ngầm, tấn công trên bộ, điều hướng hạm đội và công tác chính trị thời chiến”.

Tờ “Hoàn cầu thời báo” còn dẫn lời Ngụy Đông Húc, một “chuyên gia quân sự” ở Bắc Kinh ca ngợi “cuộc tập trận đã thể hiện một đặc tính mới của Hải quân PLA ở biển Đông: đa chiều, với các tàu chiến, tàu ngầm và máy bay chiến đấu phối hợp”. Cho rằng những chiến thuật này sẽ giúp Hải quân Trung Quốc kiểm soát và bảo vệ hiệu quả các vùng biển, đảo và rạn san hô liên quan, vì khả năng chiến đấu của quân đội Trung Quốc để bảo vệ Biển Đông tiếp tục tăng.

Cuộc tập trận diễn ra sau khi quân đội Mỹ thường xuyên gửi tàu chiến và máy bay chiến đấu vào Biển Đông gần đây. Một tàu khu trục Mỹ đã đi qua biển Đông vào ngày 10/3 và nhóm tấn công tàu sân bay Theodore Roosevelt, nhóm tấn công tàu đổ bộ tấn công Mỹ đã tiến hành các cuộc tập trận ở biển Đông vào ngày 15/3. Sau khi đại dịch coronavirus mới bùng phát trên Theodore Roosevelt, Mỹ lại gửi một máy bay tuần tra P-3C đến khu vực vào thứ Ba, Đài truyền hình trung ương Trung Quốc đưa tin, trích dẫn các báo nước ngoài.

Tờ “Thời báo châu Á” đăng bài của nhà báo Philippines Javad Heydarian nhận định rằng, đại dịch Covid-19 đã dịu đi ở Trung Quốc và hiện đang tàn phá nước Mỹ. Trong những ngày gần đây, Trung Quốc đã tiến hành các cuộc tập trận quân sự và triển khai các loại khí tài quân sự quy mô lớn đến Biển Đông. “Trong khi một số người coi thông điệp của Trung Quốc là một nỗ lực dùng chủ nghĩa dân tộc tập hợp người dân trong thời gian khó khăn vì dịch bệnh, thì những người khác lại xem các cuộc diễn tập hải quân ngày càng hung hăng như một nỗ lực khai thác thế suy yếu của Mỹ cũng vì dịch bệnh để bảo đảm lợi thế mới trong các điểm nóng”, nhà báo Heydarian viết.

Tờ “Tin tức Tham khảo”, một trong những tờ báo lớn của Trung Quốc cũng thường xuyên đăng tải các bài viết của giới học giả Bắc Kinh vu cáo, xuyên tạc về vấn đề Biển Đông. Trong vụ việc năm 2014, khi Bắc Kinh đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào hoạt động trái phép trong vùng biển của Việt Nam, giới nghiên cứu Trung Quốc đã được huy động viết các bài phân tích xuyên tạc và dọa dẫm Việt Nam. Trong đó, bài viết “Học giả: Việt Nam nắm không thỏa đáng chiến lược ‘cân bằng’ sẽ tự chuốc lấy họa”. Hôm 28/3, tổ chức Sáng kiến minh bạch chiến lược Biển Đông (SCSPI) – Đại học Bắc Kinh (Trung Quốc) đã đưa ra báo cáo cho rằng Mx năm 2019 đã đẩy mạnh điều tàu chiến các loại từ tàu khu trục, tàu ngầm, tàu sân bay… hoạt động ở Biển Đông, thực thi tự do hàng hải, tăng cường hợp tác quân sự và viện trợ quân sự với nhiều nước trong khu vực…

http://biendong.net/bien-dong/34249-bao-tq-nguy-bien-cho-nhung-hanh-dong-quan-su-phi-phap-cua-bac-kinh-o-bien-dong.html

 

Trung Cộng phô trương thanh thế trong lúc thế giới đối phó với đại dịch coronavirus

Tin từ Bắc Kinh/Đài Bắc – Trung Cộng đang ngày càng trở nên hung hăng trong khu vực khi cuộc khủng hoảng coronavirus suy giảm ở đại lục, nhưng hoành hành ở những nơi khác trên thế giới, với một cuộc đàn áp ở Hồng Kông và phô trương thanh thế quanh Đài Loan và Biển Đông.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết Trung Cộng đang lợi dụng sự tập trung của khu vực vào đại dịch để “đàn áp các nước láng giềng của họ”. Trong một cuộc tấn công chống lại các nhà hoạt động dân chủ ở Hồng Kông do Trung Cộng cai quản, cảnh sát thành phố bắt giữ 15 người vào hôm thứ Bảy, chỉ vài ngày sau khi một viên chức cấp cao của Bắc Kinh kêu gọi chính quyền địa phương áp dụng luật pháp an ninh quốc gia “càng sớm càng tốt”.

Các vụ bắt giữ này thu hút sự chỉ trích mạnh mẽ từ Hoa Kỳ và Anh Quốc. Trung Cộng cũng thường xuyên cho các chiến  đấu cơ tuần tra gần Đài Loan, trước sự phẫn nộ của hòn đảo, và gửi một tàu khảo sát được tuần duyên bảo vệ đi vào Biển Đông, khiến Hoa Kỳ cáo buộc Bắc Kinh về “hành vi bắt nạt”. T

rung Cộng mô tả Đài Loan, Hồng Kông và Biển Đông là những vấn đề lãnh thổ nhạy cảm nhất của họ. Những hành động quyết liệt nhất diễn ra gần Đài Loan, hòn đảo tự trị bị Trung Cộng tuyên bố là của riêng họ. Bắc Kinh phẫn nộ vì những hành động của Tổng thống Thái Anh Văn trong khi dịch bệnh bùng phát nhằm khẳng định danh tính riêng của hòn đảo khỏi Trung Cộng. (BBT)

https://www.sbtn.tv/trung-cong-pho-truong-thanh-the-trong-luc-the-gioi-doi-pho-voi-dai-dich-coronavirus/

 

Một quận ở Bắc Kinh được liệt vào “khu vực có nguy cơ cao” về bùng phát virus

Hương Thảo

Vào ngày 19/4, quận Triều Dương ở Bắc Kinh đã chính thức được liệt vào “khu vực có nguy cơ cao” về sự bùng phát virus. Đây được cho là khu vực đầu tiên mà Bắc Kinh công khai thừa nhận như vậy bên ngoài tỉnh Hồ Bắc, tâm chấn dịch bệnh của Trung Quốc.

Vào ngày 20/4, Tờ tin tức Bắc Kinh đưa tin rằng những người từ quận Triều Dương đang bị phân biệt đối xử khi họ đi đến các nơi khác.

“Bất kể dù người đó đang làm việc hay đang sống ở quận Triều Dương, trước khi anh ta hoặc cô ta vào khu dân cư của chúng tôi, anh ta hoặc cô ta phải qua cách ly tại một trung tâm kiểm dịch trong 14 ngày. Chi phí là 175 nhân dân tệ (25 USD) mỗi ngày và do người này tự chi trả”, báo cáo dẫn lời một nhân viên chính phủ tại thành phố Thạch Gia Trang, tỉnh Hà Bắc cho biết.

Tin tức Bắc Kinh cũng nhận được các câu trả lời tương tự từ các nhân viên chính phủ ở Thiên Tân, Lang Phường và các thành phố khác.

Trước đó, theo tờ The Epoch Times, vào ngày 16/4, Ủy ban Y tế Bắc Kinh đã công bố 3 ca nhiễm thuộc diện “trong nước” tại Bắc Kinh, bắt nguồn từ một ca nhiễm Covid-19 “ngoại nhập” là một sinh viên Trung Quốc.

Cụ thể, theo tờ The Epoch Times, cậu sinh viên này đã đi chuyến bay từ Miami đến San Francesco vào ngày 22/3, sau đó bay tới Hồng Kông và đến Bắc Kinh vào ngày 24/3. Do có biểu hiện ho, viêm mũi và có tiền sử bệnh gút, cậu sinh viên này đã được chuyển trực tiếp từ sân bay đến bệnh viện để xét nghiệm nhưng cho kết quả âm tính. Sau đó, vào ngày 28/3, cậu đã được đưa đến một trung tâm kiểm dịch để theo dõi.

Tiếp theo, vào ngày 30/3, cậu sinh viên này đã được chuyển đến một trung tâm kiểm dịch khác sau khi một hành khách đi cùng chuyến bay từ Hồng Kông đến Bắc Kinh cho kết quả dương tính với virus Vũ Hán.

Ngày 8/4, cậu được đưa trở về nhà của mình ở quận Triều Dương sau khi tất cả xét nghiệm đều cho kết quả âm tính. Ngày 10/4, cậu bị sốt. Ba ngày sau tình trạng trở nên nghiêm trọng hơn và cậu được đưa đến bệnh viện, sau đó cho kết quả dương tính với virus.

Sau đó, mẹ, em trai và ông của cậu bắt đầu biểu hiện triệu chứng nhiễm virus. Cả ba đều cho kết quả dương tính vào ngày 15/4 và được liệt vào diện là ca nhiễm trong nước.

Để định nghĩa “khu vực có nguy cơ cao”, Pang Xinghuo, phó giám đốc Ủy ban y tế Bắc Kinh cho biết trong cuộc họp báo vào ngày 20/4: “Một khu vực có hơn 50 người nhiễm virus và cụm dịch trong vòng 14 ngày sẽ được coi là khu vực có nguy cơ cao”.

Pang không cung cấp thông tin chi tiết về các ca nhiễm bệnh ở quận Triều Dương, nhưng Ủy ban y tế Bắc Kinh chỉ mới công bố 3 ca nhiễm Covid-19 thuộc diện trong nước trong toàn thành phố từ ngày 24/3 đến ngày 20/4 là mẹ, em trai và ông của cậu sinh viên.

Cho đến nay, vẫn chưa rõ lý do thực sự đằng sau việc quận Triều Dương được liệt vào “khu vực có nguy cơ cao” về sự bùng phát virus.

https://www.dkn.tv/the-gioi/mot-quan-o-bac-kinh-duoc-liet-vao-khu-vuc-co-nguy-co-cao-ve-bung-phat-virus.html

 

Lợi dụng dịch Covid-19, Trung Quốc tiếp tục lấn lướt ở Biển Đông

Thanh Phương

Đưa tàu khảo sát đến gần khu vực Malaysia thăm dò dầu khí, tuyên bố lập hai huyện đảo quản lý Hoàng Sa và Trường Sa, cho tàu cá với sự tháp tùng của tàu hải cảnh đánh cá ở vùng biển Natuna của Indonesia. Trong khi các nước Đông Nam Á nói riêng và cả thế giới tập trung mọi nguồn lực chống dịch Covid-19, Bắc Kinh tiếp tục có những hành động nhằm áp đặt chủ quyền của họ ở Biển Đông, khiến tình hình tại vùng biển đang tranh chấp này thêm căng thẳng.

Hành động thể hiện rõ nhất ý đồ này của Trung Quốc là thông báo ngày 18/04/2020 về việc thành lập hai quận thuộc “thành phố Tam Sa”, đó là “quận Tây Sa” ( tức quần đảo Hoàng Sa ) và “quận Nam Sa” ( tức quần đảo Trường Sa ), hai quần đảo mà Hà Nội khẳng định là thuộc chủ quyền của Việt Nam. Ngay hôm sau, Việt Nam, qua lời phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Lê Thị Thu Hằng, đã phản đối mạnh mẽ hành động đó của Trung Quốc.

Căng thẳng về Biển Đông giữa hai bên đang tiếp diễn. Theo hãng tin Reuters, hôm nay, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Cảnh Sảng cho biết phía Trung Quốc vừa “giao thiệp nghiêm khắc” để đáp trả việc “Việt Nam tuyên bố chủ quyền một cách bất hợp pháp ở biển Hoa Nam ( Biển Đông )”. Cụ thể, đó là phản ứng của Bắc Kinh về việc vào cuối tháng 3, Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc đã gởi công hàm lên tổng thư ký Liên Hiệp Quốc để phản đối lập trường của Trung Quốc về Biển Đông, được thể hiện qua công hàm ngày 23/03 của Trung Quốc gởi tổng thư ký Liên Hiệp Quốc. Trước đó, vào đầu tháng 3, quan hệ Hà Nội – Bắc Kinh cũng đã nóng lên do vụ tàu hải cảnh của Trung Quốc ngăn cản và đâm chìm một tàu cá của Việt Nam đang hoạt động tại vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa. Hà Nội cũng đã mạnh mẽ phản đối vụ này.

Năm ngoái, quan hệ giữa hai nước đã từng căng thẳng cao độ do vụ tàu Hải Dương Địa Chất 8 của Trung Quốc xâm nhập và hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam suốt nhiều tháng trời. Vào tuần trước, cũng tàu này đã bị phát hiện đang tiến hành khảo sát gần khu vực mà tàu thăm dò của công ty dầu khí Nhà nước Malaysia Petronas đang hoạt động.

Dù đang bận chống dịch Covid-19, Hoa Kỳ cũng không thể để cho Trung Quốc một mình thao túng Biển Đông. Ngày 21/04/2020, Hải quân Mỹ thông báo đã điều tàu tấn công đổ bộ USS America và tàu tuần dương mang tên lửa dẫn đường USS Bunker Hill đến gần khu vực mà Trung Quốc và Malaysia đang đối đầu. Hai chiến hạm này cùng với một chiến hạm thứ ba của Mỹ đã tập trận chung với một chiến hạm của Hải quân Úc.

Sau khi xảy ra vụ tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam, bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đã kêu gọi Bắc Kinh tập trung hỗ trợ cho các nỗ lực của quốc tế chống đại dịch toàn cầu và ngưng lợi dụng lúc các nước khác không quan tâm hoặc đang suy yếu, để mở rộng các đòi hỏi chủ quyền “phi pháp” ở Biển Đông.

Nhưng Bắc Kinh có vẻ phớt lờ những lời kêu gọi của Washington. Giám đốc điều hành Viện Chính sách Chiến lược Úc Peter Jennings, được hãng tin Reuters trích dẫn, nhận định: “Rõ ràng Trung Quốc đang có một chiến lược lợi dụng tối đa lúc thế giới bớt chú ý và năng lực của Hoa Kỳ đang suy giảm để gây áp lực lên các nước láng giềng”.

Giáo sư Alexander Vuving, Trung tâm Nghiên cứu An ninh châu Á-Thái Bình Dương, có cùng nhận định: “ Dường như là cho dù đang chiến đấu chống dịch, Trung Quốc vẫn không quên những mục tiêu chiến lược dài hạn. Bắc Kinh đang muốn tạo ra một tình trạng bình thường mới ở Biển Đông và để đạt được điều này, họ có những hành động ngày càng hung hăng”.

http://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A2n-t%C3%ADch/20200422-l%E1%BB%A3i-d%E1%BB%A5ng-d%E1%BB%8Bch-covid-19-trung-qu%E1%BB%91c-ti%E1%BA%BFp-t%E1%BB%A5c-l%E1%BA%A5n-l%C6%B0%E1%BB%9Bt-tr%C3%AAn-bi%E1%BB%83n-%C4%91%C3%B4ng

 

Trung Quốc: Nhật ký Vũ Hán của Phương Phương  bị phe quá khích đả kích

Thụy My

Một nhà văn nữ Trung Quốc ghi lại nhật ký những ngày Vũ Hán bị phong tỏa trong thời gian dịch virus corona hoành hành, đã bị những người dân tộc chủ nghĩa cáo buộc là « vạch áo cho người xem lưng » khi cho xuất bản ở nước ngoài.

Năm nay 64 tuổi, xuất thân từ một gia đình trí thức khá giả, Phương Phương (Fang Fang) là nhà văn nổi tiếng, từng đoạt được một trong những giải thưởng văn chương danh giá nhất ở Trung Quốc năm 2010.

Là người Vũ Hán, bà bắt đầu viết nhật ký ít lâu sau khi thành phố bị phong tỏa ngày 23/01/2020 và cho đăng trên mạng. Kết thúc vào cuối tháng Ba sau 60 kỳ đăng, nhật ký kể lại nỗi sợ, sự phẫn nộ và hy vọng của 11 triệu cư dân.

Nội dung các bài viết kể lại các bệnh viện bị quá tải từ chối nhận bệnh nhân, những ngày bị cách ly, cái chết của những người thân, sự tương trợ lẫn nhau giữa các cư dân, hoặc niềm vui đơn sơ khi nhìn thấy ánh nắng mặt trời soi sáng căn phòng.

Ngày phong tỏa thứ 38, bà viết : « Một người bạn là bác sĩ nói với tôi : giới bác sĩ chúng tôi đều biết rằng bệnh này lây từ người sang người và đã báo cáo với cấp trên, tuy vậy chẳng có ai đưa ra lời cảnh báo với người dân ».

Những bài viết mang tính chủ quan của nhà văn chứ không phải tường thuật của nhà báo, đã được nhiều triệu người Trung Quốc theo dõi nhờ quan điểm khác biệt về thời sự, so với các phương tiện truyền thông bị Nhà nước kiểm soát gắt gao.

Nhưng Phương Phương bắt đầu gây tranh cãi. Bởi vì nhật ký của bà trong những tháng tới sẽ được xuất bản bằng nhiều ngoại ngữ, trong đó có tiếng Anh, Đức, Pháp. Tại Pháp, tác phẩm sẽ được nhà xuất bản Stock cho ra mắt vào ngày 09/09/2020 với tựa đề « Vũ Hán, thành phố bị phong tỏa ».

Lý do chính khiến Phương Phương bị phê phán là với việc cho dịch ra nhiều thứ tiếng, nhà văn đã tạo cớ cho người ngoại quốc chỉ trích chính quyền Trung Quốc. Đặc biệt là Hoa Kỳ, nước đã tố cáo Bắc Kinh phản ứng chậm chạp trước đại dịch.

Một người mỉa mai trên Vi Bác : « Một tờ báo Mỹ đã nói rằng sẽ dùng cuốn sách này để yêu cầu Trung Quốc phải giải trình. Hoan hô Phương Phương, bà đã trao vũ khí cho các nước phương Tây để bắn vào Trung Quốc. Bà đã lộ rõ tính phản phúc của mình ». Một người khác đặt câu hỏi : « Bà đã bán cuốn nhật ký giá bao nhiêu ? », cáo buộc bà làm giàu trên cái chết của 3.900 người Vũ Hán.

Một yếu tố khác khiến internet sôi sục, đó là nhà xuất bản Mỹ HarperCollins nhuốm màu sắc chính trị khi giới thiệu cuốn sách. Hoan nghênh tác phẩm « pha trộn giữa sự độc đáo và không huyễn hoặc », nhà xuất bản ca ngợi một nhà văn nữ đã đứng dậy chống « các vấn đề chính trị cố hữu của một đất nước độc tài ».

Việc dịch tác phẩm vào thời điểm đang đối đầu với Washington là « không hay chút nào », theo Hồ Tích Tiến (Hu Xijin), nhà bình luận nhiều ảnh hưởng của Hoàn Cầu Thời Báo. Ông này nhấn mạnh trên Vi Bác : « Rốt cuộc người Trung Quốc, kể cả những người ủng hộ Phương Phương ngay từ đầu, sẽ phải trả giá cho tên tuổi của bà ấy ở phương Tây ». Lời bình này được trên 190.000 « like ». Hoàn Cầu Thời Báo cho rằng đây là một cuốn sách « một chiều », « chỉ nói về mặt tiêu cực của Vũ Hán.

Bị đả kích thậm chí lăng mạ, Phương Phương nói rằng bà là nạn nhân của « bạo lực mạng » từ những người dân tộc chủ nghĩa, cho dù một số cư dân mạng bình thường cũng phê phán. Hậu quả là nhiều nhà xuất bản Trung Quốc ban đầu muốn in sách của Phương Phương nay tỏ ra ngần ngại.

« Tại sao không xuất bản cuốn sách này ? Chỉ vì lo có người lợi dụng hay sao ? Nếu thực sự đọc cuốn nhật ký, họ sẽ khám phá tất cả những biện pháp hiệu quả mà Trung Quốc đã sử dụng để chống lại nạn

dịch » – Phương Phương biện luận trong bài trả lời đăng trên trang web của tạp chí Tài Tân. Bà còn hứa sẽ tặng toàn bộ tác quyền cho « gia đình các y bác sĩ đã thiệt mạng ».

Nhà xuất bản Pháp Stock hôm 21/04/2020 nói với AFP việc xuất bản cuốn nhật ký mang lại lợi ích của tư liệu về một sự kiện « có thể là một trang lịch sử nhân loại ».

Trước hiện tượng « ném đá » trên mạng này, nhiều cư dân mạng đã bênh vực tác giả trên Vi Bác, cho rằng những tấn công vào nhà văn là « quá đáng ». Một người bình luận : « Phương Phương chẳng nợ nần ai cả. Các vị cứ thoải mái viết ra nhật ký nói ngược lại những gì bà ấy kể, rồi cho dịch và xuất bản ở nước ngoài, thế thôi ! »

http://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20200422-trung-qu%E1%BB%91c-nh%E1%BA%ADt-k%C3%BD-v%C5%A9-h%C3%A1n-c%E1%BB%A7a-ph%C6%B0%C6%A1ng-ph%C6%B0%C6%A1ng-b%E1%BB%8B-phe-qu%C3%A1-kh%C3%ADch-%C4%91%E1%BA%A3-k%C3%ADch

 

Dịch Covid-19: ​​​​​​​Singapore kéo dài phong tỏa thêm một tháng, đến 01/06

Thu Hằng|Trọng Nghĩa

Ngày 22/04/2020, bộ Y Tế Singapore thông báo có thêm 1.016 ca dương tính với virus corona, nâng tổng số người bị nhiễm lên thành 10.141 ca, cao nhất Đông Nam Á. Chính phủ Singapore quyết định kéo dài thời hạn phong tỏa thêm một tháng, đến ngày 01/06, để chống dịch.

Phát biểu trên truyền hình chiều 21/04, thủ tướng Lý Hiển Long cho biết ông hiểu rõ thất vọng của người dân về quyết định triển hạn này.

Chị Nguyễn Thị Diệp Quỳnh, sống tại Singapore, cho biết thêm :

« Mặc dù đã khá quen, nhưng người dân Singapore vẫn bất ngờ khi thủ tướng Lý Hiển Long lên truyền hình chiều ngày 21/4. Đây là lần thứ tư thủ tướng phát biểu về vấn đề dịch bệnh.

Đã 2 tuần học sinh học tại nhà, nhân viên làm việc tại nhà, nhưng vẫn phải cần các biện pháp nghiêm ngặt hơn, phải ngắt mạch lây nhiễm virus corona. Chính phủ quyết định kéo dài giai đoạn ngắt mạch thêm một tháng nữa. Trường học sẽ đóng cửa cho đến ngày 01/06. Học sinh sẽ phải nghỉ hè vào tháng 5 thay vì tháng 6, và phải ở yên trong nhà.

Các tiệm cắt tóc, quán cà phê, tiệm bánh sẽ phải đóng cửa. Tối qua, các fan trẻ tuổi của món trà sữa trân châu đã xếp hàng cả giờ đồng hồ đến tận khuya để được mua ly trà sữa cuối cùng, trước khi phải « nhịn » trong một tháng rưỡi tới. Người dân chỉ được đến mua thức ăn ở các chợ chính theo ngày chẵn hoặc ngày lẻ, dựa trên con số cuối cùng trên chứng minh thư. Các công nhân người địa phương sẽ được trợ cấp một phần lương. Các công ty nhập khẩu lao động được miễn thuế lao động nhập cư.

Thủ tướng Lý Hiển Long cũng nhấn mạnh chính phủ sẽ làm hết sức để chăm sóc sức khỏe cho các công nhân nhập cư. Những người bệnh nhẹ sẽ được cách ly, những người bệnh nặng sẽ được đưa vào bệnh viện. Họ được lo ăn uống, nhận đủ lương và đều đặn chuyển tiền về cho gia đình. Đó là cách để Singapore nói lời cám ơn đến những người lao động nhập cư, đã góp phần xây dựng nên đất nước Singapore hôm nay ».

Indonesia cấm hành hương sau tháng lễ Ramadan

Không có nhiều người nhiễm Covid-19 như Singapore, nhưng Indonesia là nước có số ca tử vong cao nhất Đông Nam Á, với 616 ca, tính đến ngày 22/04. Theo trang Channels News Asia, ngày 21/04, tổng thống Joko Widodo đã ra lệnh cấm các cuộc hành hương « Mudik » sau tháng ăn chay vào tháng Năm, do có đến 24% người dân Indonesia (trên tổng số hơn 260 triệu người) muốn tham gia cuộc hành hương truyền thống này.

Indonesia còn bị dịch Covid-19 tác động mạnh trên lĩnh vực kinh tế, vì có thể có 9,4 triệu người thất nghiệp, chiếm gần một nửa trong tổng số 21 triệu công nhân bị mất việc làm tại sáu nước ASEAN (Việt Nam, Philippines, Thái Lan, Malaysia và Singapore), theo thẩm định của trang Business Times ngày 21/04.

Cũng để phối hợp phòng chống dịch Covid-19, ngoại trưởng các nước ASEAN sẽ họp qua cầu truyền hình với đồng nhiệm Mỹ Mike Pompeo ngày 23/04. Theo trang Bangkok Post, cuộc họp tập trung vào vấn đề trao đổi thông tin, tăng cường công tác chuẩn bị và ứng phó khẩn cấp, trợ giúp người dân trong

vùng, đặc biệt trong việc bảo vệ chuỗi cung ứng những nhu yếu phẩm, như thực phẩm, thuốc men, cũng như trang thiết bị y tế.

Covid-19: Việt Nam 6 ngày không có ca nhiễm mới, thêm một thị trấn bị phong tỏa

Theo nguồn tin từ bộ Y Tế sáng 22/04/2020, Việt Nam tiếp tục không có thêm ca nhiễm mới mới nào, ngày thứ 6 liên tiếp. Tổng số ca nhiễm trên toàn quốc hiện vẫn là 268, trong đó 216 người đã ra viện.

Tuy nhiên, chính ca nhiễm thứ 268, một cô gái 16 tuổi ở tỉnh Hà Giang, đang đặt ra vấn đề và buộc chính quyền địa phương phải cách ly nguyên một thị trấn gần 10 ngàn dân. Theo báo chí Việt Nam, đó là thị trấn Đồng Văn (tỉnh Hà Giang) với 7.600 nhân khẩu. Toàn bộ thị trấn này đã bị phong tỏa kể từ 9 giờ sáng 22/04 cho đến khi có lệnh mới, sau khi địa phương này ghi nhận bệnh nhân thứ 268 đã tiếp xúc trực tiếp với 20 y bác sĩ, cùng hàng chục người khác.

http://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20200422-d%E1%BB%8Bch-covid-19-singapore-k%C3%A9o-d%C3%A0i-phong-t%E1%BB%8Fa-th%C3%AAm-m%E1%BB%99t-th%C3%A1ng-%C4%91%E1%BA%BFn-01-06