Tin khắp nơi – 21/04/2020
Virus corona: Điều gì ở đằng sau các cuộc biểu tình tại Mỹ?
Trên khắp nước Mỹ, nhiều nhóm người đang xuống đường để phản đối các lệnh phong tỏa nhằm làm hạn chế sự lây lan của Covid-19. Tại sao?
Hoa Kỳ hiện có hơn 761.000 người bị nhiễm bệnh và hơn 40.000 tử vong. Các con số này vẫn tiếp tục tăng, mặc dù đã có dấu hiệu cho thấy tỷ lệ lây nhiễm đang chậm lại ở một số tiểu bang.
Virus corona: Trump kêu gọi ‘Giải phóng’ các tiểu bang Mỹ trên Twitter
Virus corona: Trump tiết lộ kế hoạch ba giai đoạn mở cửa trở lại nước Mỹ
Covid-19 là ‘cơ hội vàng’ để TQ để bắt 15 nhà hoạt động dân chủ Hong Kong?
Covid-19: Bùng nổ biểu tình tại Mỹ
Một số tiểu bang đang bắt đầu nới lỏng các lệnh hạn chế, mở lại công viên, bãi biển và một số doanh nghiệp nhỏ trong những ngày tới, nhưng hầu hết người dân Mỹ vẫn đang tuân thủ lệnh ở nhà.
Tại hơn một chục tiểu bang, những người biểu tình đã xuống đường, chặn đường và bấm còi xe.
Tại sao họ biểu tình?
Những người biểu tình nói rằng các biện pháp nghiêm ngặt hạn chế di chuyển và kinh doanh đang gây tổn hại không cần thiết cho công dân.
Người biểu tình nói rằng các lệnh ở nhà do chính quyền tiểu bang áp đặt để kiểm soát sự lây lan của Covid-19 là một phản ứng thái quá.
Một số người mang theo súng vì các nhóm quyền súng nằm trong số các nhà tổ chức, trích dẫn các hành vi xâm phạm quyền tự do dân sự.
Một số người nói rằng việc áp đặt những lệnh hạn chế này quá lâu sẽ gây thiệt hại lâu dài cho các nền kinh tế địa phương.
Tính đến tuần trước, tổng số đơn xin trợ cấp thất nghiệp ở Mỹ là hơn 22 triệu – làm sụp đổ nhiều thập kỷ tăng trưởng việc làm của Mỹ.
Nhiều người viện dẫn lời cảnh báo của Tổng thống Trump rằng biện pháp chống dịch hiện nay có thể tồi tệ hơn chính căn bệnh này.
Nhưng không phải ai cũng muốn thấy tất cả các hạn chế được nới lỏng ngay lập tức: một số nhóm kêu gọi chỉ cách ly những người dễ bị tổn thương, xét nghiệm nhiều hơn để mọi người đi làm trở lại hoặc xác định lại các doanh nghiệp “thiết yếu”.
Biểu tình đang diễn ra ở đâu?
Biểu tình đã xảy ra ở hơn một chục tiểu bang:
Michigan
Ohio
Bắc Carolina
Minnesota
Utah
Virginia
Kentucky
Wisconsin
Oregon
Maryland
Idaho
Texas
Arizona
Colorado
Montana
Washington
New Hampshire
Pennsylvania
Các tiểu bang này được lãnh đạo bởi các thống đốc thuộc cả đảng Cộng hòa và Dân chủ.
Bao nhiêu người tham gia biểu tình?
Các cuộc biểu tình có quy mô khác nhau trên khắp đất nước – từ vài chục người ở Virginia và Oregon đến hàng ngàn người ở tiểu bang Michigan và Washington.
Hôm Chủ Nhật, tiểu bang Washington đã chứng kiến một trong những cuộc biểu tình lớn nhất, với khoảng 2.500 người tụ tập tại thủ phủ ở Olympia. Bang này là tâm dịch đầu tiên ở Mỹ.
Ở Colorado, hàng trăm người biểu tình đã vấp phải một cuộc phản kháng của một số nhân viên y tế, những người, mặc đồ phẫu thuật, đã chặn giao thông ở ngã tư đường.
Hàng trăm người ở Arizona lái xe tới bao vây tòa nhà thủ phủ ở Phoenix.
Idaho, Maryland, Texas và Indiana đã chứng kiến hàng trăm người tụ tập.
Người biểu tình là ai?
Những người tổ chức đằng sau những cuộc biểu tình này phần lớn là những người hoạt động bảo thủ, ủng hộ Trump và các nhà hoạt động ủng hộ quyền sử dụng súng. Truyền thông Hoa Kỳ mô tả rằng những cuộc biểu tình này gợi nhớ đến các sự kiện trong chiến dịch tranh cử của Trump, với các biểu ngữ ủng hộ Trump, áo phông và nhiều biểu ngữ.
Các biểu ngữ kêu gọi tự do chống lại sự chuyên chế cũng là chủ đề chính các cuộc biểu tình này. Các thống đốc đã được ví như các vị vua hoặc nhà độc tài. “Hãy cho tôi tự do hoặc là cái chết”, một câu từ thời Cách mạng Mỹ cũng là một khẩu hiệu phổ biến.
Không phải tất cả những người tham dự đều liên kết với các tổ chức – nhiều người chỉ đơn giản là thất vọng vì các lệnh phong tỏa bóp nghẹt khả năng kiếm sống của họ.
Nhưng các nhóm cực hữu và dân quân cũng đã có mặt ở một số cuộc biểu tình.
Cuộc biểu tình bên ngoài thủ đô của tiểu bang ở Austin, Texas, một phần được thúc đẩy bởi những người hâm mộ nhà lý luận thuyết âm mưu Alex Jones, người được nhìn thấy bắt tay với người biểu tình. Giữa những tiếng hô “hãy để chúng tôi làm việc” là những lời kêu gọi “sa thải [Tiến sĩ Anthony] Fauci”, người đứng đầu lĩnh vực bệnh truyền nhiễm Hoa Kỳ và là thành viên lực lượng đặc nhiệm phòng chống Covid-19 của Nhà Trắng, theo New York Times.
John Roland, một nhà lãnh đạo dân quân ở Illinois, nói với BBC: “Mở cửa các tiểu bang hoặc chúng tôi sẽ tự mở lại.”
Trump nói gì?
Tổng thống Donald Trump và Nhà Trắng đã bày tỏ quan điểm dường như đối lập về các cuộc biểu tình.
Tuần trước, ông Trump và lực lượng đặc nhiệm Covid-19 đã tiết lộ hướng dẫn mới để bắt đầu mở lại nền kinh tế nhà nước.
Hướng dẫn đó khuyến nghị ba giai đoạn nới dần các lệnh hạn chế đối với các doanh nghiệp và đời sống xã hội, với mỗi giai đoạn kéo dài ít nhất hai tuần. Các khuyến nghị cũng bao gồm duy trì giãn cách xã hội, xét nghiệm và truy tìm những người tiếp xúc với người nhiễm.
Nhưng một ngày sau khi kế hoạch được công bố, tổng thống Trump đã tweet các khẩu hiệu của các cuộc biểu tình đòi “Giải phóng” tại một số bang do đảng Dân chủ lãnh đạo.
Hôm Chủ Nhật, ông đưa ra một thông điệp mâu thuẫn một lần nữa. Ông nói với các phóng viên rằng “một số thống đốc đã đi quá xa”, và sau đó đặc biệt chỉ ra Michigan và Virginia.
“Một số điều đã xảy ra có lẽ không phù hợp lắm”, ông Trump nói. “Cuối cùng, điều đó sẽ không thành vấn đề bởi vì chúng tôi bắt đầu mở cửa các tiểu bang. Và tôi nghĩ chúng sẽ được mở cửa lại rất tốt.”
Về những người biểu tình, ông Trump nói: “Cuộc sống của họ đã bị tước đoạt”.
“Những người này yêu đất nước của chúng ta, họ muốn trở lại làm việc.”
Các phản ứng?
Mặc dù những cuộc biểu tình này có thể minh họa mối quan tâm của một số người Mỹ, đặc biệt là những người ở vùng nông thôn, nhưng chúng không phản ánh dư luận chung.
Một cuộc khảo sát của Trung tâm nghiên cứu Pew tuần trước cho thấy 66% người Mỹ lo ngại rằng các biện pháp hạn chế sẽ được dỡ bỏ quá nhanh, trái ngược với 32% lo lắng rằng chúng sẽ không được dỡ bỏ sớm. Ngoài ra, cuộc khảo sát cho thấy hầu hết các bang- bất kể thuộc đảng nào – tin rằng điều tồi tệ nhất của đại dịch vẫn chưa xảy ra.
Các chuyên gia y tế công cộng Hoa Kỳ và nhiều nhà lãnh đạo đã tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng của giãn cách xã hội, biện minh cho các biện pháp mà người biểu tình đang phản đối.
Hôm thứ Hai, Facebook tuyên bố sẽ xóa danh sách sự kiện các cuộc biểu tình ở California, New Jersey và Nebraska vì họ vi phạm các lệnh của chính phủ tiểu bang.
Thống đốc các tiểu bang cũng đã phản ứng với những người biểu tình và sự ủng hộ rõ ràng của ông Trump.
Jay Inslee, bang Washington, thành viên đảng Dân chủ, cho biết tổng thống đang “xúi giục nổi dậy trong nước”.
Thống đốc thuộc đảng Cộng hòa Larry Hogan của bang Maryland nói với CNN: “Tôi không nghĩ việc khuyến khích các cuộc biểu tình và khuyến khích mọi người đi ngược lại các chính sách riêng của tổng thống là hữu ích.”
https://www.bbc.com/vietnamese/world-52364216
Mỹ muốn cử nhà điều tra đến TQ
Tổng thống Trump hôm 19/4 cho biết Mỹ vẫn muốn cử người đến Trung Quốc tìm hiểu về dịch Covid-19.
“Chúng tôi đang trao đổi với Trung Quốc. Chúng tôi đã trao đổi với họ từ lâu về việc Mỹ muốn đến tìm hiểu. Chúng tôi muốn đến đó”, Tổng thống Trump nói trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng hôm 19/4.
CNN cho biết, Mỹ từng đưa ra yêu cầu trên đã bị phía Bắc Kinh từ chối. Nhà Trắng gần đây liên tục cáo buộc Trung Quốc che giấu quy mô dịch bệnh trong lãnh thổ nước này.
Washington Examiner đưa tin, trong một buổi họp báo vào tối 17/4, ông Trump nói rằng Trung Quốc phải là nước có số người chết nhiều nhất trên thế giới trong đại dịch Vũ Hán. Hôm 18/4, ông Trump cảnh báo Trung Quốc có thể phải gánh hậu quả nếu cố ý gây ra đại dịch.
http://biendong.net/bien-dong/nghien-cuu-quoc-te/34233-my-muon-cu-nha-dieu-tra-den-tq.html
Chính quyền liên bang công bố các quy định mới
về coronavirus đối với các viện dưỡng lão để tăng tính minh bạch
Hôm Chủ nhật (19/04/2020), cơ quan liên bang giám sát các viện dưỡng lão đã công bố các biện pháp mới, yêu cầu các viện dưỡng lão tiết lộ minh bạch các ca nhiễm coronavirus cho gia đình bệnh nhân và các viên chức y tế công cộng.
Trong cuộc họp tại Tòa Bạch Ốc, quản trị viên của Trung tâm Dịch vụ Bảo hiểm Medicare và Medicaid, Seema Verma đã gọi các chính sách mới rất “quan trọng” và cho biết họ sẽ hỗ trợ những nỗ lực theo dõi virus và làm chậm sự lây lan của nó trên toàn quốc. Hiện chưa rõ khi nào hệ thống báo cáo mới sẽ có hiệu lực, nhưng cơ quan này cho biết nó sẽ sớm có hiệu lực.
Một trong những chính sách mới có hướng dẫn cho các viện dưỡng lão là báo cáo trực tiếp các ca nhiễm cho Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC), để chính quyền liên bang có thể bắt đầu thu thập dữ kiện về các ca mắc COVID-19 và tử vong trong các viện dưỡng lão.
Chính sách thứ hai sẽ yêu cầu các viện dưỡng lão thông báo cho cư dân, gia đình của họ và đại diện của những người mắc COVID-19. Hai sự thay đổi chính sách được thực hiện sau khi NBC News đưa tin rằng, các gia đình có người thân trong viện dưỡng lão phàn nàn rằng họ hoàn toàn không được biết về các ca nhiễm COVID-19 trong các viện dưỡng lão chăm sóc dài hạn.
Các viện dưỡng lão cũng đối mặt với những chỉ trích từ các nhà lập pháp đảng Dân chủ và các chuyên gia y tế công cộng, những người cho rằng chính quyền liên bang nên theo dõi các ca nhiễm COVID-19 từ khi dịch bắt đầu bùng phát. (BBT)
Trường Y khoa Mỹ dừng sử dụng bộ xét nghiệm Covid-19 bị nhiễm khuẩn của Trung Quốc
Hải Lam
Trường Y Khoa của Đại học Washington đã quyết định ngừng sử dụng bộ xét nghiệm Covid-19 nhập khẩu từ Trung Quốc vì một phần của lô hàng có dấu hiệu nhiễm khuẩn.
Tribune News Service cho biết, một nhà nhập khẩu ở Seattle đã thông qua mối quan hệ để đặt các bộ dụng cụ xét nghiệm từ công ty Lingen Precision Medical Products (Thượng Hải) và sau đó chuyển về Mỹ bằng máy bay chở hàng của hãng Amazon. Trường Y Khoa của Đại học Washington đã chi trả 125.000 USD để mua số dụng cụ này.
Tuy nhiên, trường đã phát hiện một tỷ lệ nhỏ trong số các bộ dụng cụ bị nhiễm khuẩn.
“Tôi khuyến nghị những ai có bộ xét nghiệm này thì đừng sử dụng”, ông Geoff Baird, chủ tịch Trường Y Khoa của Đại học Washington nói. “Phải nói rằng tôi thất vọng”.
Ông Baird cho biết ông phát hiện những bộ dụng cụ xét nghiệm bị nhiễm khuẩn vào ngày 16/4, khi một đồng nghiệp thông báo rằng một số chất lỏng trong lọ dường như đã đổi màu.
Sau đó ông Baird đi ngay đến nơi đang lưu trữ các bộ dụng cụ xét nghiệm và bắt đầu kiểm tra.
Một số bộ xét nghiệm vẫn bình thường. Tuy nhiên, ở một số lọ thì chất lỏng bên trong đã chuyển sang màu cam hoặc vàng, thay vì màu hồng nóng, dấu hiệu cho thấy sự phát triển của vi khuẩn. Một số khác lại xuất hiện hơi nước.
Thử nghiệm trong phòng thí nghiệm xác nhận có một loại vi khuẩn tên là Stenotrophomonas maltophilia đang phát triển trong các bộ xét nghiệm. Baird cho biết loại vi khuẩn này là một chất gây ô nhiễm phổ biến.
Trong khi đó, Viện Y tế Quốc gia cho biết trên trang web rằng Stenotrophomonas maltophilia có thể gây ra vấn đề ở những người có hệ thống miễn dịch yếu hoặc ở bệnh viện.
Ông Baird cho biết ông đã chuyển 20.000 bộ dụng cụ xét nghiệm cho Cơ quan Y tế Công cộng Seattle và Quận King, 15.000 bộ cho phòng thí nghiệm y tế công cộng của tiểu bang.
“Tôi không biết họ đã dùng bao nhiêu cái,” ông Baird nói.
Ông Baird cho biết ông đã tạm dừng các đơn đặt hàng bổ sung.
Hôm 19/4, Cơ quan Y tế tiểu bang cho biết họ đã thu hồi khoảng 12.000 bộ xét nghiệm được gửi đến các khu vực y tế địa phương và các đối tác khác.
Nhiều nước trên thế giới đã phàn nàn về thiết bị y tế kém chất lượng của Trung Quốc. Tờ New York Times hôm 16/4 cho biết chính phủ Anh đã trả 20 triệu USD cho các dụng cụ xét nghiệm kháng thể Covid-19 từ hai công ty Trung Quốc, sau đó họ phát hiện ra các bộ dụng cụ này không hoạt động bình thường. Truyền thông nhà nước Tây Ban Nha đưa tin, trong cuộc họp báo ngày 17/4, Bộ Y tế nước này xác nhận nước này thu hồi hàng trăm nghìn khẩu trang y tế FFP2 được nhập khẩu từ Trung Quốc.
Nghiên cứu mới: Nhiều người nhiễm virus corona mà không có triệu chứng
Một loạt các nghiên cứu mới cho thấy rằng nhiều người đã nhiễm virus corona mà không có bất kỳ triệu chứng nào, làm dấy lên hy vọng rằng hoá ra căn bệnh này gây chết người ít hơn những gì người ta lo sợ ban đầu.
Mặc dù rõ ràng đó là tin tốt lành, nhưng nó cũng có nghĩa là không thể biết ai xung quanh bạn có thể đã nhiễm virus. Điều đó làm cho việc ra các quyết định về việc trở lại làm việc, trường học và cuộc sống bình thường, khó khăn hơn.
Đã có các ghi nhận vào tuần trước về những ca nhiễm bệnh thầm lặng từ một khu trú ngụ cho người vô gia cư ở Boston, một hàng không mẫu hạm của Hải quân Mỹ, những phụ nữ mang thai tại một bệnh viện ở New York, một vài nước châu Âu và tiểu bang California.
Người đứng đầu Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) cho biết 25% người nhiễm bệnh có thể không có triệu chứng. Phó chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân, Tướng John Hyten, cho rằng con số này có thể lên tới 60% đến 70% trong số các quân nhân.
Không một số liệu nào trong số đó có thể đáng tin cậy hoàn toàn bởi vì chúng được dựa trên các xét nghiệm thiếu sót và không đầy đủ, theo Tiến sĩ Michael Mina của Trường Y tế Công cộng Harvard cho biết.
Tuy nhiên, ông Mina nói rằng, về tổng thể thì những con số này cũng gợi ý rằng “chúng ta đã có những con số sai lệnh lớn” khi ước tính tổng số ca nhiễm bệnh.
Trên toàn thế giới, hơn 2,3 triệu ca nhiễm bệnh và hơn 160.000 ca tử vong đã được xác nhận. Virus này đã gây tác hại kinh tế và xã hội gần như chưa từng có kể từ khi sự tồn tại của nó được báo cáo vào đầu tháng 1 vừa qua.
Các triệu chứng có thể không xuất hiện lúc ai đó được xét nghiệm nhưng sau đó mới xảy ra. Một nghiên cứu của Nhật Bản đã cho thấy hơn một nửa số người xét nghiệm dương tính không có triệu chứng và sau đó phát bệnh.
Câu trả lời tốt hơn có thể đến từ các xét nghiệm mới hơn trong đó kiểm tra kháng thể trong máu, các chất mà hệ thống miễn dịch tạo ra để chống lại virus. Nhưng độ chính xác của những điều này, vẫn còn phải được xem xét.
Các nhà nghiên cứu hôm 16/4 đã báo cáo kết quả từ các xét nghiệm kháng thể trên 3.300 người ở quận Santa Clara của tiểu bang California và cho biết từ 1,5% đến 2,8% số người được xét nghiệm đã bị nhiễm bệnh. Điều đó có nghĩa là có thể có từ 48.000 đến 81.000 trường hợp dương tính trong toàn quận – gấp hơn 50 lần con số đã được xác nhận.
Nếu việc lây nhiễm lan rộng hơn so với những gì chúng ta nghĩ trước đây, thì có khả năng là nhiều người đã phát triển một số mức độ miễn dịch đối với virus. Điều đó có thể kìm hãm sự lây lan thông qua cái được gọi là miễn dịch bầy đàn, hay miễn dịch cộng đồng, nhưng các nhà khoa học cũng cảnh báo rằng vẫn còn nhiều điều phải được tìm hiểu về việc các chứng bệnh nhẹ có mang lại khả năng miễn dịch hay không và nó có thể tồn tại bao lâu.
Có lẽ sẽ mất nhiều tháng nữa trước khi có thể thực hiện được xét nghiệm đủ tin cậy để trả lời những câu hỏi đó và những câu hỏi khác, bao gồm cả việc lây nhiễm lan rộng như thế nào và tỷ lệ tử vong thực sự của virus corona mà cho tới lúc này chỉ là ước tính.
Chuỗi cửa hàng burger Shake Shack trả lại chính phủ khoản vay 10 triệu USD
Shake Shack Inc (SHAK.N) cho biết họ sẽ trả lại khoản vay dành cho doanh nghiệp nhỏ mà họ nhận được từ chính phủ Mỹ, khiến họ trở thành công ty lớn đầu tiên trả lại tiền được cung cấp để giúp các doanh nghiệp thoát khỏi tác động của bế quan toả cảng vì virus corona.
Công ty này sẽ ngay lập tức trả lại toàn bộ khoản vay trị giá 10 triệu USD từ Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ Hoa Kỳ (SBA) vì họ đã có thể huy động thêm vốn, CEO Randy Garutti và người sáng lập Daniel Meyer của công ty cho biết trong một phần đăng tải bằng blog hôm 20/4.
Cổ phiếu của Shake Shack, tăng khoảng 150 triệu USD trong đợt chào bán cổ phần vào tuần trước, đã giảm khoảng 3% xuống còn 42 USD vào sáng ngày 20/4.
SBA, một phần quan trọng trong gói viện trợ trị giá 2,2 nghìn tỷ USD của chính phủ, nhằm mục đích giúp các công ty nhỏ tiếp tục trả lương cho nhân viên và thanh toán các hóa đơn cơ bản của họ trong thời gian ngừng hoạt động để họ có thể mở cửa trở lại một cách nhanh chóng khi (điều kiện) y tế công cộng cho phép.
“Nếu động thái này được tạo ra (để giúp) các doanh nghiệp nhỏ, thì làm thế nào mà nhiều nhà hàng độc lập, nơi những nhân viên của họ cần nhiều sự giúp đỡ, lại không thể nhận được khoản tài trợ?” ông Garutti và ông Meyer viết trên trang blog.
Shake Shack cho biết số tiền họ nhận được có thể được phân bổ lại cho các nhà hàng độc lập “những người cần nó nhất, (và) lại chưa nhận được bất kỳ sự trợ giúp nào.”
Bộ trưởng Ngân khố Steve Mnuchin nói với CNN hôm 19/4 rằng một thỏa thuận đang được thảo luận với Quốc hội sẽ bao gồm thêm 300 tỷ USD trong Chương trình Bảo vệ Tiền lương, khoản vay dành cho doanh nghiệp nhỏ.
Tổng thống Donald Trump hôm 19/4 cho biết rằng Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa đã gần đạt được thỏa thuận về khoản tiền thêm nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ. Ông Trump ủng hộ việc các chuỗi nhà hàng, các công ty điều hành khách sạn và các quỹ phòng hộ được tiếp cận nguồn vay dành cho các doanh nghiệp nhỏ.
Shake Shack có khoảng 189 nhà hàng ở Mỹ, với khoảng 45 nhân viên ở mỗi cửa hàng. Công ty đã đóng cửa khoảng một nửa trong số 120 địa điểm trên toàn thế giới và cho tạm thôi việc hoặc sa thải hơn 1.000 nhân viên sau khi doanh số giảm 28,5% trong tháng 3 vừa qua.
TT Trump tuyên bố tạm chấm dứt mọi chương trình nhập cư
Tổng thống Trump hôm thứ Hai cho biết ông sẽ ký một sắc lệnh hành pháp để tạm đình chỉ tất cả các chương trình nhập cư vào Mỹ để đối phó với đại dịch corona và bảo vệ công ăn việc làm của người Mỹ.
Qua quyết định được ông loan báo trên trang Twitter, Tổng thống Trump đã viện cuộc khủng hoảng y tế và hệ quả kinh tế của đại dịch để đạt được mục tiêu chính sách dài hạn của ông là hạn chế di dân, theo hãng tin Reuters.
Quyết định này đã lập tức bị một số nhân vật đảng Dân chủ lên án, họ cáo buộc ông Trump là tìm cách đánh lạc hướng để công chúng khỏi chú ý tới cách đáp ứng trễ nãi và sai lầm của ông Trump trước dịch COVID.
Ông Trump nói ông hành động để bảo vệ người lao động Mỹ. Hàng triệu người đang lâm vào cảnh thất nghiệp sau khi các công ty sa thải nhân viên trong cuộc phong tỏa trên toàn quốc để chặn sự lây lan của dịch COVID.
Ông Trump viết trên Twitter:
“Trước sự tấn công của kẻ thù vô hình, và nhu cầu bảo vệ công việc của các công dân Mỹ TUYỆT VỜI của chúng ta, tôi sẽ ký một sắc lệnh hành pháp để tạm thời đình chỉ nhập cư vào Hoa Kỳ”.
Tòa Bạch ốc không cung cấp thêm thông tin về lý do sau quyết định, cũng như về thời điểm và cơ sở pháp lý của quyết định đó.
Bà Amy Klobuchar, cựu ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ phản ứng trên trang Twitter:
“Giữa lúc đất nước chúng ta đang chiến đấu với đại dịch, khi mà các công nhân đang đánh cuộc với mạng sống của mình, Tổng thống lại tấn công người nhập cư và đổ lỗi cho những người khác về sự thất bại của chính ông.”
Các chương trình nhập cư vào Mỹ về phần lớn đã bị đình chỉ qua các biện pháp siết chặt biên giới và lệnh cấm các chuyến bay được ban hành giữa lúc virus COVID lây lan trên toàn cầu.
Nhưng vấn đề người nhập cư vẫn là đề tài thu hút sự chú ý của các thành phần ủng hộ TT Trump.
TT Trump đã trở thành ông chủ của Tòa Bạch ốc hồi năm 2016 một phần nhờ lời hứa của ông là sẽ hạn chế nhập cư bằng cách xây một bức tường ở biên giới Hoa Kỳ với Mexico. Chính quyền của ông Trump đã dành ba năm đầu tiên trong nhiệm kỳ Tổng Thống của ông để trấn áp thành phần nhập cư bất hợp pháp cũng như di dân hợp pháp vào Mỹ.
https://www.voatiengviet.com/a/tt-trump-tuyen-bo-tam-cham-dut-moi-chuong-trinh-nhap-cu/5383706.html
Nghị sĩ Mỹ ra dự luật qui trách nhiệm Trung Quốc về COVID-19
Hai Thượng nghị sĩ Marsha Blackburn (Cộng hòa-bang Tennessee) và Martha McSally (Cộng hoa –bang Arizona) sẽ đưa ra Luật Ngăn chặn Bệnh truyền nhiễm virus xuất phát từ Trung Quốc (COVID) để đảm bảo là Đảng Cộng sản Trung Quốc phải chịu những hậu quả trong vai trò làm cho virus corona lây lan.
Luật Ngăn chặn COVID sẽ cho phép người Mỹ kiện Trung Quốc và đòi bồi thường tại các Tòa án Mỹ vì những tác hại do virus chết người này gây ra cho nền kinh tế và sinh mạng con người, các giới chức nói.
Dân biểu Texas Lance Gooden cũng đang đưa ra Hạ Viện dự luật tương tự.
Luật Ngăn chặn COVID sẽ buộc Trung Quốc chịu trách nhiệm về pháp lý và tài chánh vì đã làm cho COVID-19 lây lan tại nước Mỹ.
Người Mỹ sẽ có dụng cụ pháp lý để kiện Trung Quốc tại hệ thống tòa án liên bang Mỹ vì tạo ra và làm tệ hại thêm đại dịch trên toàn thế giới.
Luật căn cứ trên các quy định hiện có trong Luật Các Miễn Trừ vì Chủ Quyền Nước Ngoài và bãi bỏ việc không bị truy tố vì chủ quyền nước ngoài đối với những nước phát tán các vũ khí sinh học. Giữa lúc con số tử vong và thiệt hại tài chánh vì virus corona tăng cao, Trung Quốc phải bị buộc trả giá cho những thiệt hại của người dân Mỹ, các giới chức nói.
Giá dầu Mỹ giảm xuống mức âm, nhà sản xuất phải trả tiền cho người mua
Giá dầu Mỹ lần đầu tiên giảm xuống mức âm trong lịch sử.
Điều này đồng nghĩa với việc các nhà sản xuất dầu trả tiền cho người mua để giao hàng vì lo ngại rằng sẽ không còn kho để lưu trữ dầu trong tháng Năm.
Nhu cầu về dầu bị sụt giảm xuống mức thấp nhất khi các biện pháp phong tỏa khắp nơi trên thế giới buộc người dân ở nhà.
Do đó, các công ty dầu mỏ đã phải thuê các tàu chở dầu để lưu trữ nguồn cung dư thừa này và điều đó đã đẩy giá dầu của Mỹ giảm xuống mức âm.
Giá một thùng dầu West Texas Middle (WTI), chuẩn của dầu Mỹ, đã giảm xuống mức âm 37,63 đôla.
Stewart Glickman, nhà phân tích năng lượng tại CFRA Research, nhận xét: “Đây là điều lạ lùng chưa từng có. Cú sốc về cầu quá lớn đến nỗi nó áp đảo bất cứ thứ gì mà mọi người có thể mong đợi.”
Sự sụt giảm nghiêm trọng vào thứ Hai một phần vì lý do kỹ thuật của thị trường dầu hỏa. Dầu được giao dịch trên giá tương lai và giao kèo giao dầu cho tháng 5 sẽ hết hạn vào thứ Ba. Giới giao dịch muốn bán đi để tránh chi phí lưu kho.
Giá dầu thô chuẩn WTI giao tháng 6 cũng giảm, nhưng được giao dịch mức trên 20 đôla mỗi thùng. Trong khi đó, dầu thô Brent – chuẩn được dùng tại châu Âu và phần còn lại của thế giới, tính theo hợp đồng giao vào tháng 6 – cũng giảm 8,9%, về mức 26 đôla mỗi thùng.
Ông Glickman nói rằng sự đảo ngược về giá dầu mang tính lịch sử này là một cảnh báo về những căng thẳng trong thị trường dầu và dự báo giá dầu vào tháng 6 cũng sẽ giảm nếu các lệnh phong tỏa tiếp tục được áp dụng. “Tôi không thực sự có cái nhìn lạc quan đối với các công ty dầu và giá dầu,” ông nói.
OGUK, tổ chức vận động doanh nghiệp trong ngành dầu khí ngoài khơi của Anh, nói rằng giá dầu về mức âm ở Mỹ có thể ảnh hưởng tới các công ty đang hoạt động ở Biển Bắc.
“Động lực tác động lên thị trường Mỹ khác với những gì tác động lên hoạt động sản xuất dầu Brent của Anh, nhưng chúng ta vẫn không tránh được các tác động đó,” Deirdre Michie, Giám đốc OGUK, nhận định.
“Vấn đề của chúng ta không chỉ là câu chuyện giao dịch; mỗi một xu mất đi sẽ tạo ra sự bất ổn khó lường đối với việc làm,” bà phân tích.
Ngành công nghiệp dầu lửa đã rơi vào tình trạng chật vật do cầu giảm và sự bất đồng sâu sắc giữa các quốc gia xuất khẩu về việc giảm sản lượng.
Đầu tháng này, các thành viên OPEC và đồng minh đã chốt một thỏa thuận kỷ lục, giảm 10% sản lượng dầu. Đây là mức cắt giảm lớn nhất về sản lượng từng được các bên cam kết.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng sự cắt giảm này chưa đủ lớn để tạo ra khác biệt.
“Không bao lâu để thị trường nhận ra rằng thỏa thuận của nhóm OPEC+, ở quy mô hiện tại, là không đủ để cân bằng thị trường,” chuyên gia Stephen Innes, nhà phân tích thị trường toàn cầu của Axicorp, nói.
Phân tích của Andrew Walker
Phóng viên Kinh tế
Các nhà xuất khẩu dầu chủ chốt – gồm OPEC và các đồng minh như Nga – đã thống nhất cắt giảm sản lượng ở mức kỷ lục.
Tại Mỹ và nhiều nơi khác, giới sản xuất dầu đã thực hiện các quyết định mang tính thương mại trong việc giảm sản lượng. Nhưng thế giới vẫn còn nhiều dầu thô hơn so với nhu cầu hiện tại.
Và vấn đề không chỉ là việc chúng ta có sử dụng hết dầu không. Vấn đề còn là việc chúng ta có kho để chứa dầu cho tới lúc các lệnh phong tỏa chấm dứt và kích hoạt trở lại các hoạt động làm tăng nhu cầu về dầu hay không.
Kho chứa dầu trên đất liền và biển đang bị lấp đầy. Khi mà tiến trình này tiếp tục, chắc hẳn xu hướng giảm giá dầu sẽ tiếp diễn.
Nhu cầu cần phải hồi phục thì mới mong thị trường hồi phục và điều này lại phụ thuộc vào cuộc khủng hoảng dịch bệnh sẽ kết thúc như thế nào.
Hiện việc cắt giảm sản lượng đang tiếp diễn khi mà các nhà sản xuất tư nhân phải điều chỉnh giảm do giá dầu quá thấp, nhưng mức độ cắt giảm đó là chưa đủ để tạo ra một tác động đủ lớn cho thị trường.
Đối với các tài xế ở Mỹ, giá dầu giảm, vốn giảm khoảng 2/3 kể từ đầu năm, đã tác động lớn trong quyết định đổ xăng, dù không giảm tới mức kịch tính như hôm Thứ hai.
“Mặt khác của câu chuyện là, nếu vì một lý do nào đó mà bạn phải ra đường, bạn sẽ đổ ít xăng hơn so với cách đây bốn tháng,” ông Glickman nói. “Vấn đề ở đây là nếu đổ đầy bình thì cũng chẳng biết chạy đi đâu cả.”
Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết chính phủ sẽ mua dầu để đưa vào dự trữ quốc gia. Tuy nhiên, điều đó vẫn không xua đi lo ngại bởi thực tế là hạ tầng kho lưu trữ của Mỹ sẽ bị lấp đầy, với dầu chứa tại các kho ở Cushing, điểm phân phối dầu chính của Mỹ, đã tăng lên 50% kể từ đầu tháng 3, theo ngân hàng ANZ.
Ông Innes phân tích: “Đó là một sự bán tháo bán đổ, bởi không có ai, tôi nhấn mạnh là không có ai, muốn phân phối dầu trong hoàn cảnh các cơ sở chứa dầu ở Cushing đang bị lấp đầy từng phút.”
https://www.bbc.com/vietnamese/world-52363973
Ngoại trưởng Hoa Kỳ: Phải thẩm tra ĐCSTQ một cách toàn diện, chứ không chỉ vì đại dịch
Vũ Dương
Và không chỉ Hoa Kỳ, mà toàn thế giới đều phải đối mặt với việc này.
Mới đây (17/4), Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo có một cuộc phỏng vấn với Fox News, ông nói với người dẫn chương trình Hugh Hewitt rằng phản ứng của Bắc Kinh đối với dịch bệnh khiến mọi người không khỏi lo lắng, ông đưa ra chủ trương hủy bỏ quyền đăng cai Thế vận hội Mùa đông 2022 của chính quyền Trung Quốc.
Ngoại trường Mike Pompeo: Đảng Cộng sản Trung Quốc không phải là Trung Quốc
Ông Pompeo nói rằng trận đại dịch viêm phổi Vũ Hán lan rộng này, tất cả mọi người trên thế giới, kể cả người Trung Quốc đều là nạn nhân, và thủ phạm đầu sỏ chính là Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Ông nhấn mạnh rằng ĐCSTQ không phải là Trung Quốc. Chính những người cầm quyền của ĐCSTQ đã trực tiếp gây ra trận đại dịch này. Chính quyền này “không thể giải quyết vấn đề một cách công bằng, cởi mở và minh bạch”, và “nhóm người đầu tiên bị giết hại, bị phong tỏa là hàng triệu người dân ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc”.
“Đại dịch lần này không liên quan gì đến người Trung Quốc hay người châu Á. Đó là do chính quyền đã không thực hiện lời hứa, sự cam kết và các biện pháp cần thiết cơ bản nhất”, ông nói.
Hủy bỏ quyền đăng cai Thế vận hội mùa đông của ĐCSTQ
Ông Pompeo nói rằng trọng tâm trước mắt là làm thế nào để buộc ĐCSTQ phải chịu trách nhiệm về việc che giấu dịch bệnh, và phải chăng chúng ta cần xem xét lại việc có nên hủy bỏ quyền đăng cai Thế vận hội mùa đông và xem đây như một cách để trừng phạt ĐCSTQ hay không?
“Đó là một quốc gia mà các quốc gia khác phải ra sức giám sát, và chú ý đến những gì họ (ĐCSTQ) làm thay vì lắng nghe những gì họ nói”, ông Pompeo nói. “Họ muốn trở thành một quốc gia lớn và muốn gia nhập hàng ngũ những quốc gia văn minh. Nếu muốn vậy thì họ phải cởi mở, họ phải minh bạch và trung thực”.
“Đây là những gì chúng ta trước giờ luôn mong đợi từ ĐCSTQ, nhưng họ thường không đáp ứng các yêu cầu”, ông nói thêm.
Đồng thời, ông Pompeo cũng liệt kê lại các lần thất hứa của ĐCSTQ. Ví dụ, khi ĐCSTQ đồng ý với “một quốc gia hai chế độ” khi Anh trao trả lại Hồng Kông, nhưng sau đó đã mở rộng các thủ đoạn đàn áp người dân Hồng Kông. Hay như bản thân Tập Cận Bình tại Vườn hồng Nhà Trắng đã hứa hẹn sẽ không xâm lấn các quần đảo ở Nam Thái Bình Dương, nhưng họ vẫn lập các công trình quân sự trọng yếu ở đó và tuyên bố các đảo của Việt Nam là của mình.
Tại cuộc họp báo tại Nhà Trắng ngày 17/4, Tổng thống Trump đã trả lời câu hỏi của các phóng viên rằng liệu ông có ủng hộ việc ĐCSTQ tiếp tục tổ chức Thế vận hội Mùa đông 2022 hay không? “Chúng tôi đã có nhiều cuộc thảo luận với Trung Quốc. Nói như vậy đi, tôi rất không vui”.
“Tôi rất không vui, tôi đã nói với họ rằng điều này (dịch bệnh) vốn có thể ngăn chặn từ đầu và họ cũng biết điểm này”, ông nói, “còn chúng ta lại không thể vào (Trung Quốc), công bằng mà nói, WHO cũng không thể vào. Đây là lý do tại sao tôi muốn họ (WHO) lựa chọn một lập trường khác, nhưng họ đã chọn lập trường rất buồn và rất yếu ớt”.
“Họ (WHO) nói rằng họ không thể vào, cuối cùng họ đã đi, nhanh hơn bất cứ ai, nhưng họ không báo cáo những gì đã xảy ra (ở Trung Quốc)”.
“Bây giờ tôi không rất hài lòng với Trung Quốc”, ông Trump nói lại.
Pompeo: Thời cơ truy cứu trách nhiệm đã đến, cần thẩm tra ĐCSTQ một cách toàn diện
Ông Mike Pompeo chỉ ra rằng trong những tuần gần đây, ông đã nói chuyện với các quan chức của các quốc gia khác, gồm cả Tổng thống Trump. Điều khiến tất cả các quốc gia cảm thấy thất vọng nhất là mặc dù ĐCSTQ đã trực tiếp gây ra một thảm kịch lớn như vậy với thế giới, nhưng vẫn không có ý định thực hiện nghĩa vụ quốc tế của mình.
“Đã đến lúc phải truy cứu trách nhiệm, và khi chúng tôi làm điều này, chúng tôi cần một phương thức để trả lời cho tất cả vấn đề, thẩm tra ĐCSTQ một cách toàn diện, chứ không phải chỉ vì đại dịch lần này”.
“Tổng thống Trump đã có những hành động. Ông ấy đã thấy được mối quan hệ thương mại không công bằng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc và đã cố gắng để giải quyết vấn đề này”.
“Thách thức này liên quan đến nhiều phương diện, không chỉ Hoa Kỳ, mà cả thế giới đều cần phải đối mặt với nó”.
Theo Lin Yan, Epochtimes
Vũ Dương biên dịch
Không quân Hoa Kỳ ra mắt vũ khí siêu thanh cho máy bay ném bom B1
Bình luậnVăn Thiện
Bộ Tư lệnh Không kích Toàn cầu của Không quân Hoa Kỳ (AFGSC) bắt đầu trang bị Vũ khí Phản ứng nhanh Phóng từ trên không (ARRW) AGM-183 siêu thanh cho máy bay ném bom chiến lược Rockwell B-1 Lancer, theo Zerohedge.
Trong một cuộc phỏng vấn với Air Force Magazine, người đứng đầu AFGSC, Tướng Timothy Ray nói rằng Không quân Hoa Kỳ đã rút 17 chiếc máy bay B-1 từ hạm đội. Những chiếc B-1 còn lại có thể sẽ được hiện đại hóa để có khả năng mang tên lửa siêu thanh.
Ông Ray nói: “Mục tiêu của tôi là trang bị ít nhất một phi đội máy bay B1 giá trị đã được cải tạo với các trụ bên ngoài máy bay, để mang theo tên lửa hành trình siêu thanh ARRW”. Mỗi chiếc B-1 với các điểm cứng bên ngoài có thể mang theo tới 31 tên lửa.
Ông cho biết một số máy bay ném bom B-1 “sẽ cần bổ sung cấu trúc quan trọng” để chuẩn bị cho chúng phóng tên lửa siêu thanh. “Chúng tôi có thể làm những cải tiến thông minh, và đã nhận được sự ủng hộ từ Quốc hội để làm điều này”.
Ông Ray cho biết, các chương trình cải tạo cho máy bay ném bom B-1 vẫn chưa được thêm vào ngân sách quân sự cho năm tài khóa 2021, nhưng đó là “một dự án chúng tôi đang thực hiện. Có một số phiên bản mà chúng tôi có thể dự tính, nhưng chúng tôi tin là dễ nhất, nhanh nhất, và có lẽ hiệu quả nhất trong ngắn hạn sẽ là gắn thêm các trụ bên ngoài. “
ARRW là vũ khí siêu thanh “boost-glide” (tạm dịch: quỹ đạo tăng tốc), tức là được đẩy bằng một động cơ tên lửa đến gần không gian, sau đó nó có thể bay trở lại Trái đất với tốc độ Mach 20 (24.696 km/h). Một sự kết hợp giữa động năng và đầu đạn có sức công phá mạnh khiến tên lửa siêu thanh trở thành vũ khí nguy hiểm nhất trong thế giới.
Đây là video từ năm 2019, cho thấy máy bay ném bom B-52 được gắn thêm ARRW đang bay:
Bên cạnh ARRW, Không quân Hoa Kỳ đang nghiên cứu các loại tên lửa siêu thanh khác, chẳng hạn như Khái niệm vũ khí Sinh khí Siêu thanh (HAWC).
Ông Ray cũng cho biết máy bay ném bom Boeing B-52 Stratofortress sẽ được hiện đại hóa với động cơ, radar, thông tin liên lạc và vũ khí mới. Sẽ có các điểm cứng bên ngoài trên cánh cho phép mang các tên lửa siêu thanh mà sẽ được phóng từ trên không trung. Ông cho biết sự kết hợp giữa máy bay ném bom B-1 và B-52 với vũ khí siêu thanh sẽ giúp tăng cường sức mạnh của quân đội Mỹ trên chiến trường hiện đại.
Văn Thiện
Theo Zerohedge
Covid-19 : Đại Hội Đồng LHQ thông qua nghị quyết phân phối vác-xin
Thùy Dương
Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc (193 thành viên) hôm qua 20/04/2020 đã nhất trí thông qua nghị quyết đảm bảo vác-xin phòng chống virus corona trong tương lai sẽ được phân phối công bằng cho các quốc gia.
Dự thảo nghị quyết được soạn thảo theo ý tưởng của Mêhicô và được sự ủng hộ của Mỹ. Nghị quyết kêu gọi quốc tế, kể cả giới tư nhân, tăng cường hợp tác nghiên cứu để chống dịch Covid-19. Nghị quyết nhấn mạnh tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres cần hành động để đảm bảo là các xét nghiệm, dụng cụ trang thiết bị phòng ngừa dịch bệnh, thuốc men và vác-xin chống Covid-19 … sẽ được phân phối một cách công bằng, bình đẳng, hiệu quả cho mọi quốc gia có nhu cầu, nhất là các nước đang phát triển.
Nghị quyết cũng lưu ý về vai trò lãnh đạo hàng đầu của Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) trong bối cảnh định chế này đang bị Mỹ chỉ trích về cách đối phó với dịch bệnh Covid-19.
WHO khẳng định không giấu diếm Mỹ về dịch Covid-19
Liên quan đến định chế y tế của Liên Hiệp Quốc, đáp lại cáo buộc của Washington, WHO hôm qua khẳng định « đã không che giấu bất cứ điều gì với Mỹ » về dịch Covid-19. AFP cho biết, trong cuộc họp báo thường nhật qua cầu truyền hình, tổng giám đốc WHO, Tedros Adhanom Ghebreyesus nhiều lần nhấn mạnh « Không có bí mật gì ở Tổ Chức Y Tế Thế Giới », « Chúng tôi đã báo động ngay từ ngày đầu tiên ».
Còn giám đốc các chương trình khẩn cấp của Tổ Chức Y Tế Thế Giới, Michael Ryan, cho biết ngày từ ngày 01/01 đã có khoảng 15 đại diện của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh của Mỹ (CDC), được biệt phái đến trụ sở của WHO tại Genève, Thụy Sỹ, trong khuôn khổ chương trình đối phó với Covid-19.
Chấm dứt phong tỏa : Cảnh báo của WHO
Về biện pháp chấm dứt phong tỏa, Tổ Chức Y Tế Thế Giới hôm nay lưu ý việc dỡ biện pháp phong tỏa nên được triển khai dần dần, vì nếu được áp dụng quá sớm, virus corona có nguy cơ lây lan nhanh trở lại.
Takeshi Kasai, giám đốc WHO khu vực Tây Thái Bình Dương cho Reuters biết : « Các biện pháp phong tỏa đã cho thấy là có hiệu quả và người dân các nước phải chuẩn bị thích nghi với lối sống mới để kiểm soát được virus corona (…) Chính phủ các nước có ý định dỡ bỏ lệnh phong tỏa nên tiến hành thận trọng và từng bước một ». Quan chức WHO cũng lưu ý là chừng nào virus corona vẫn còn lan truyền thì không một quốc gia nào tránh được nguy cơ bị dịch bệnh tàn phá.
Những văn phòng bí mật trốn đại dịch Covid-19
Chris BaraniukBBC Worklife
Từ vụ khủng bố 11/9 đến đại dịch virus corona, những tình huống nguy cấp ở quy mô lớn đòi hỏi phản ứng mạnh mẽ – như một số công ty đã bắt đầu chuyển đến văn phòng nằm ở địa điểm không được tiết lộ để đảm bảo an toàn.
Một số người gọi chúng là “văn phòng ma”. Những tòa nhà ở vùng quê và các địa điểm an toàn lặng lẽ chờ sẵn trong nhiều năm, cho tới tận bây giờ.
Covid-19: Virus có thể lây khắp toà nhà chỉ sau vài giờ
Thời tiết nắng nóng có tiêu diệt được Covid-19?
Vì sao tỷ lệ tử vong do virus corona mỗi nước mỗi khác?
Bạn có thể đi qua một tòa nhà như vậy và chẳng bao giờ chú ý đến nó. Chúng có rất ít hoặc gần như không có biển hiệu gì. Có lẽ chỉ có hàng rào cao và vài camera an ninh.
Nhưng bên trong là hàng hàng lớp lớp bàn làm việc chờ sẵn để được đưa vào sử dụng nếu có thảm họa xảy ra, một nơi an toàn để bám trụ nếu văn phòng bình thường không thể nào sử dụng được hoặc thậm chí bị phá hủy.
Các cuộc tấn công khủng bố. Thảm họa tự nhiên. Và đại dịch. Đó là một vài các sự cố có thể khiến một công ty phải bất ngờ bỏ tòa nhà đang sử dụng và đưa nhân viên đến làm việc tại văn phòng dự phòng – nơi được gọi là nơi “hồi phục sau thảm họa” hoặc “duy trì hoạt động liên tục của công ty”.
Và giờ đây đáng buồn là, khủng hoảng thực sự đang ập xuống chúng ta.
Để phản ứng với loại virus corona mới lây lan cực nhanh, nhiều công ty, trong đó có những ngân hàng lớn, đã nhanh chóng kích hoạt kế hoạch dự phòng như vậy.
Ý tưởng là, nếu virus tấn công trụ sở chính công ty, nhân viên tại văn phòng dự phòng vẫn có thể tiếp tục làm việc. Đó là giải pháp thay thế cho việc làm việc từ nhà, vốn là điều không thể cho tất cả nhân viên, đặc biệt là với những người làm việc với thông tin nhạy cảm, chẳng hạn như về thương mại.
Một số công ty giữ danh thiếp hoặc thẻ đeo nhân viên trên các bàn làm việc chờ sẵn, để khi nhân viên đến họ lập tức biết nên ngồi ở đâu. Máy tính, điện thoại và phần mềm cho doanh nghiệp luôn sẵn sàng tại một số địa điểm. Bản thân tòa nhà cũng có thể có hàng rào kín với chế độ an ninh nghiêm ngặt, hoặc được xây dựng với khả năng chống chịu động đất hay bão tố.
Không phải công ty nào cũng có tiền chi trả cho những cơ sở vật chất dành riêng bất cứ khi nào họ muốn, nhưng văn phòng dự phòng cho thấy có thể quan trọng cho sự tồn vong và an toàn của một số công ty khi có khủng hoảng.
Thông thường, những tình huống bất ngờ chỉ xảy ra vài ngày hoặc vài tuần.
Nhưng với virus corona, tình huống có thể kéo dài đến tận năm 2021, nhiều công ty có thể thấy họ dựa vào văn phòng dự phòng trong thời gian dài hơn bao giờ hết.
Xây dựng để đối phó với thảm họa
“Khách hàng từ khắp các vùng sử dụng cơ sở vật chất của chúng tôi – điều này thực sự chưa bao giờ xảy ra trước đó. Đây là sự cố toàn cầu đầu tiên mà chúng tôi đang xử lý,” Patrick Morley, phó chủ tịch quản trị sản phẩm toàn cầu tại Dịch vụ Sungard Availability Services, một công ty cung ứng văn phòng dự phòng và công nghệ cho doanh nghiệp, nói.
Sungard có khoảng 60 địa điểm văn phòng dự phòng ở chín quốc gia, trong đó Anh Quốc, Mỹ và Ấn Độ.
Nhiều văn phòng trong số đó nằm tại Anh Quốc, trong đó có một số nằm ở London.
Nhìn chung, các công ty thuê một số lượng bàn làm việc nhất định tại các địa điểm này để hoạt động trong thời gian chờ hồi phục sau thảm họa.
Họ có thể chia sẻ không gian đó với các công ty khác, nhưng các khách hàng chi trả nhiều tiền nhất sẽ được cung cấp không gian riêng chờ sẵn dành riêng cho họ.
Bằng cách rải lực lượng lao động ra nhiều khu vực làm việc, doanh nghiệp rõ ràng hi vọng là họ có thể làm giảm nhẹ những rủi ro do bệnh Covid-19.
Dùng internet không sạch sẽ như bạn nghĩ
Những đại dịch tàn khốc và bài học thời Covid-19
‘Giãn cách xã hội’ bao lâu thì chống được Covid-19?
Nhưng một số người quan sát nói làm việc từ nhà tốt hơn là mở thêm văn phòng, vì bất cứ không gian làm việc chung nào cũng có thể trở thành ổ bệnh cho virus lây lan.
Morley cho biết các khách hàng của Sungard thực sự cũng đã nghĩ đến vấn đề vệ sinh. “Các khách hàng quả thực đã nói ‘Coi này, trước khi chúng tôi dọn đến các anh có thể dọn vệ sinh thật kỹ không?'” ông nói.
Sungard đã xắp xếp rất nhiều dung dịch rửa tay vệ sinh trong tòa nhà. Và cũng có cả biển hiệu nhắc nhở nhân viên rửa tay. Công ty cũng có nhân viên dọn dẹp chờ sẵn để thực hiện việc dọn vệ sinh thật kỹ lưỡng bất cứ khi nào cần, dù là ngày hay đêm.
Các công ty dịch vụ tài chính và ngân hàng có vẻ như là các doanh nghiệp cần đến văn phòng dự phòng nhất.
Nhưng các công ty như bảo hiểm, thiết bị, hóa dầu hay kinh doanh bất động sản cũng được biết là có những cơ sở vật chất tương tự.
Vì lý do an ninh, nhiều công ty thường không giới thiệu địa điểm hay các tính năng của các khu vực văn phòng hồi phục sau thảm họa mà họ có thể sử dụng.
Luôn sẵn sàng nhưng không hiện diện
Mặc dù tên khách hàng là thông tin bảo mật, nhưng các thông tin cơ bản về một số cơ sở của Sungard là thông tin công khai.
Ví dụ, công ty có một tòa nhà ở đường Southwark Bridge Road ở trung tâm London. Nơi đây có không gian làm việc cho khoảng 1.700 người.
Khi bất kỳ doanh nghiệp nào muốn gửi nhân viên đến văn phòng dự phòng, điều đó có nghĩa là yêu cầu một nhóm nhân viên di chuyển đến địa điểm làm việc khác.
Nhân viên có thể được yêu cầu chuyển công việc ngay lập tức hoặc họ sẽ được cho biết trước thời gian, ngày tháng mà họ sẽ bắt đầu làm việc ở địa điểm mới.
Một số nhân viên đã được biết trước về cơ sở làm việc này, thông qua quá trình thử nghiệm và diễn tập. Với một số khác, đây sẽ là nơi hoàn toàn mới.
Nhưng có nhiều cách để khiến quá trình dịch chuyển diễn ra “thông suốt” khi đến nơi, Morley cho biết.
Chẳng hạn, với địa điểm trên đường Southwark Bridge Road của Sungard thì nơi này thường trống không vào hầu hết các ngày và thường khóa hai trong ba cổng ra vào. Nhưng một khi có khách hàng thuê không gian làm việc dọn đến tòa nhà, một trong những cửa vào này sẽ được mở và được coi như khu vực tiếp tân của khách hàng.
Điều này có nghĩa là nhân viên sẽ được chính những tiếp tân cũ đón tiếp như tại văn phòng bình thường của họ. Một công ty thậm chí còn đặt máy quẹt thẻ ra vào tại nhiều địa điểm khác nhau để không có thay đổi gì về việc ra vào văn phòng của nhân viên.
“Đúng nghĩa là họ có máy móc có thể đưa ngay vào khu vực tiếp tân của chúng tôi, chỉ để đảm bảo rằng việc đó diễn ra như lệ thường,” Morley giải thích.
Khi đã vào trong, nhân viên có thể thấy các bảng hiệu dán trong thang máy giải thích tầng nào hoặc khu vực nào mà họ nên đến tuỳ theo vị trí công việc. Tất cả thiết bị và phần mềm họ cần cho công việc đã sẵn sàng và đang đợi họ.
Những văn phòng dự phòng này được gọi là “vùng nóng” trong ngành vì chúng có thể được sử dụng ngay lập tức và không cần cung cấp thêm hay phải “khởi động” gì.
Ngược lại, các “vùng lạnh” có thể chỉ đơn giản như nhà kho trống để chuyển thiết bị tới trong giai đoạn khủng hoảng.
Cung cấp thực phẩm cũng thường là thách thức vì không ai có thể đoán được khi nào văn phòng dự phòng sẽ được sử dụng và sử dụng bao lâu.
Morley cho biết đội ngũ của ông có danh sách các nhà cung cấp thực phẩm tại địa phương – như quán ăn và nhà hàng – luôn sẵn sàng ở từng địa điểm.
Chẳng hạn các công ty có thể đặt trước cả buổi tiệc buffet cho bữa trưa, vì tòa nhà của Sungard không có căn-tin.
Đại dịch là một loại khủng hoảng rất điển hình, Chloe Demrovsky, chủ tịch và giám đốc điều hành của Viện Hồi phục Thảm họa Quốc tế, cho biết. Mối đe dọa chính mà các công ty đã chuẩn bị trong vài năm qua chủ yếu là các đợt tấn công lớn trên mạng, bà nói.
Nhưng bà cho biết lịch sử chuẩn bị ứng phó thảm họa gần đây trong doanh nghiệp thực sự bắt đầu được định hình từ một sự kiện rất đặc biệt, vụ tấn công ngày 11/9. Sau khi khủng bố tấn công vào nước Mỹ năm 2001, phá hủy tòa tháp đôi Trung tâm Thương mại Thế giới ở New York, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư cho văn phòng dự phòng.
Covid-19: Làm việc ở nhà trong thời chống dịch thế nào
Covid-19: Sai lầm chết người khi uống nước phòng bệnh
Bắc Cực tan băng khiến nhiều virus cổ đại chết chóc thoát ra
“Giả định rằng mô hình là cuộc tấn công khủng bố, bạn sẽ muốn chuyển người của bạn ra khỏi trung tâm thành phố, vốn là nơi có nguy cơ cao hơn,” Demrovsky nói.
“Những nơi vô hồn”
Một phần vì di sản của ngày 11/9 mà rất nhiều văn phòng dự phòng tồn tại ngày nay. Nhưng tại sao không yêu cầu nhân viên làm việc từ nhà?
Demrovsky giải thích rằng một số công ty xử lý những thông tin cực kỳ nhạy cảm, vì vậy cho phép nhân viên làm việc tại nhà bằng thiết bị cá nhân hay kết nối internet tại nhà có thể không đủ an toàn.
Những công ty như vậy thường cần phải tuân thủ các quy định xử lý dữ liệu an toàn, và đó là lý do vì sao họ coi trọng điều này đến vậy. Thêm nữa, đôi khi cũng xảy ra những vấn đề thực tế.
“Tôi từng nghe nói một số công ty đang gặp vất vả vì họ phát máy tính bàn cho nhân viên, chẳng hạn – và mọi người gặp khó khăn khi phải đưa nó về nhà,” bà nói.
Mộr số công ty phụ thuộc vào các phần cứng máy tính siêu nhanh để xử lý dữ liệu từ thị trường tài chính với độ trễ tối thiểu. Đó là tất cả lý do vì sao một công ty có thể chọn có văn phòng hồi phục sau thảm họa thay vì là áp dụng chính sách khẩn cấp, cho nhân viên làm việc tại nhà.
David Teed là một nhà tư vấn doanh nghiệp chuyên về chuẩn bị ứng phó thảm họa. Ông cho biết văn phòng dự phòng thường trông mờ nhạt và chẳng có gì ngoài những nội thất thiết yếu, khiến nhân viên cảm thấy ảm đạm nếu thình lình họ được yêu cầu dọn đến đó.
“Đó là những nơi vô hồn – thành thật mà nói chúng không phải là nơi bạn muốn kẹt lại trong thời gian dài,” ông chia sẻ. “Nhưng chúng thực hiện được các chức năng cần thiết.”
Một số văn phòng dự phòng mà ông Teed từng đến thăm trên khắp thế giới được xây dựng để chống lại mọi nguy cơ. “Một số văn phòng nằm trong boong-ke và trong các tòa nhà chống bom,” ông kể lại.
Ở những bang như Oklahoma tại Mỹ chẳng hạn, các tòa nhà như vậy có thể được xây dựng để chống lại bão hoặc lốc.
Mái của tòa nhà Corus360, một trung tâm dữ liệu của Norcross ở bang Georgia của Hoa Kỳ, được thiết kế để chống lại sức gió lên đến 100 dặm mỗi giờ hoặc cao hơn nữa.
“Đó là một cơ sở xây rất vững chắc,” Steve Gruber, giám đốc điều hành tại Res-Q, đơn vị vận hành Corus360 và cung cấp cơ sở vật chất và công nghệ cho văn phòng dự phòng cho các khách hàng để họ có thể sử dụng trong tình huống khẩp cấp hoặc thảm họa, nói.
Tòa nhà Norcross của công ty có 150 vị trí cho nhân viên làm việc. Có một tầng âm cao 18 inch (khaongr 46cm) trong đó đặt hệ thống chống rò rỉ, một máy phát điện dự phòng và nhiên liệu đủ dùng cho 48 giờ. Tường được đổ bê tông và hầu hết cấu trúc đều nằm dưới lòng đất. Thậm chí còn có cả phòng tắm cho nhân viên. Theo Res-Q, cơ sở này được thiết kế để vận hành với tỷ lệ hư hỏng cực nhỏ, đảm bảo “cam kết thời gian vận hành đến 99,982%”.
Điều xa xỉ trong những thời điểm bất an
Vì đại dịch Covid-19 lan tràn, Gruber cho biết nhân viên tại các cơ sở của Res-Q như văn phòng ở Georgia đã chuyển lịch làm việc của nhân viên cho so le nhau – đây là điều công ty chưa từng thực hiện trước đây – để đảm bảo việc vận hành vẫn diễn ra xuyên suốt.
“Chúng tôi đã có một số khách hàng hỏi tìm chỗ,” ông cho biết, khi đề cập đến tình hình đại dịch. Nhưng một lo ngại mà Gruber đang có đó là một số khách hàng không quá kỹ tính khi thử nghiệm văn phòng dự phòng trước thời gian này.
“Chúng tôi cực kỳ ủng hộ việc thử nghiệm,” ông chia sẻ. “Bạn không thể biết liệu giải pháp hay chiến lược của bạn sẽ có tác dụng trừ khi bạn thử nghiệm.”
Covid-19: Kinh nghiệm từ Đại dịch cúm Tây Ban Nha
Những tiếng ồn công sở khiến ta nổi khùng
Đi sauna bàn chuyện làm ăn có dễ không?
Chuyên gia về an ninh mạng Alan Woodward từ Đại học Surrey đồng ý rằng đây là điểm quan trọng. “Việc này hơi giống như diễn tập chữa cháy. Bạn phải thử nó.”
Mặc dù một số công ty chi cực kỳ nhiều tiền để đảm bảo họ có văn phòng dự phòng sẵn sàng chờ họ, nhưng điều quan trọng là bạn phải nhận thức đây thực sự là điều xa xỉ, Daniel Aldrich, giám đốc về an ninh và chương trình hồi phục tại Đại học Đông bắc ở Boston, bang Massachusetts, nói.
“Rất nhiều công ty mà chúng tôi phỏng vấn ở khu vực Boston này đơn giản là không có điều đó,” ông cho biết.
Và ông lưu ý rằng các công ty nay đã bị ảnh hưởng nặng nề, không thể hoạt động kinh doanh được gì bởi mọi người ở nhà nhiều hơn và tập trung chi tiêu cho những món như hàng thực phẩm. Nếu nhiều công ty bị phá sản, ông cho biết, thì chính phủ có thể làm gì hỗ trợ?
Vào lúc này, những văn phòng dự phòng này có thể là chốn lui tới an toàn cho nhân viên không thể làm việc từ nhà.
Nhưng liệu mọi người có quay lại văn phòng thông thường khi đại dịch virus corona qua đi không? Có thể có, nhưng cũng có thể không.
Chúng ta vẫn chưa biết được liệu thảm họa này sẽ ảnh hưởng ra sao đến xã hội về lâu dài – nhưng đáng ngạc nhiên là nhiều thay đổi về cách làm việc có thể sẽ là vĩnh viễn.
Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Worklife.
https://www.bbc.com/vietnamese/vert-cap-52334720
Các nước dè dặt mở cửa lại từng bước một
Một vài nước đang dè dặt từng bước một nới lỏng lệnh đóng cửa được áp dụng để kiểm soát virus corona lây lan.
Nhà cầm quyền Đức ngày 20/4 để cho một số tiệm nhỏ mở cửa trở lại, trong khi vẫn thực hiện lệnh cách ly xã hội.
Hàng trăm cửa hàng nhỏ tại Albanie được phép mở cửa vào ngày 20/4 lần đầu tiên trong một tháng. Tàu đánh cá và những công ty chế biến thực phẩm cũng sẽ được tái tục các hoạt động.
Sri Lanka gỡ bỏ lệnh giới nghiêm trong hai phần ba nước này, với những kế hoạch nới lỏng lệnh đóng cửa các nơi khác vào ngày 22/4.
Sinh viên tại Na Uy trở lại trường ngày 20/4, trong khi sinh viên Đan Mạch sẽ đến trường ngày 22/4.
Người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus nói ông “được khích lệ” vì các nước đang lập kế hoạch làm thế nào để giảm bớt hạn chế xã hội, nhưng ông dè dặt là “điều cần thiết là những biện pháp này phải được tiến hành từng giai đoạn.”
Ngày 20/4 New Zealand loan báo kế hoạch bắt đầu hoạt động trở lại sau một tháng đóng cửa từ ngày 27/4 với những giai đoạn mở cửa như vậy.
Thủ tướng Jacida Ardern nói một số hạn chế sẽ được nới lỏng trong hai tuần lễ, đồng thời chính phủ của bà sẽ lượng giá tình hình và quyết định có cho phép thêm những sinh hoạt nữa hay không.
Các giới chức tại Hàn Quốc cũng yêu cầu nên cẩn thận sau khi gỡ bỏ một số biện pháp đóng cửa vào lúc những ca lây nhiễm mới đang sụt giảm đều đặn.
“Chúng ta không nên mất cảnh giác cho tới khi nào bệnh nhân ca lây nhiễm cuối cùng bình phục,” Tổng thống Moon Jae-in ngày 20/4 nói.
Một Bộ trưởng trong chính phủ Anh cho biết các quán rượu và các nhà hàng vẫn đóng cửa sau khi nước này bắt đầu nới lỏng lệnh đóng cửa trên toàn quốc cho tới ngày 7/5.
Tổng thống Zimbabwe Emmerson Mnangagwa nói các mỏ và nhà máy có thể mở cửa trở lại, nhưng ông đã gia hạn lệnh đóng cửa toàn quốc dự trù chấm dứt vào ngày 19/4, thêm hai tuần nữa.
Việc kinh doanh và trường học tại hầu hết nước Mỹ vần còn đóng cửa, làm phát sinh những vụ biểu tình chống các thống đốc, chống lệnh ‘ở nhà’ và lệnh tránh tiếp xúc xã hội càng nhiều càng tốt.
Những nhóm nhỏ các người biểu tình hầu hết ủng hộ ông Trump đã đến một vài thủ đô của tiểu bang, khiếu nại là lệnh đóng cửa là vi phạm những quyền hiến định của họ.
Tổng thống Trump nói trong cuộc họp báo về virus corona ngày 19/4 là một số thống đốc đã “thi hành quá đáng” các hạn chế và người dân có quyền biểu tình. Tuy nhiên ông nói những chuyện đó cuối cùng không quan trọng vì ông cho rằng các tiểu bang sẽ bắt đầu mở cửa trở lại.
Một số thống đốc nói tiểu bang của họ còn lâu mới sẵn sàng tái mở cửa.
“Chúng ta đã gởi những thông điệp mâu thuẫn cho các thống đốc và cho người dân, như thể chúng ta bất chấp chính sách liên bang và khuyến cáo liên bang,” Thống đốc Cộng hòa Maryland Larry Hogan nói với CNN ngày 19/4.
Thống đốc bang Washington Jay Inslee nói thông điệp của ông Trump về việc các tiểu bang mở cửa trở lại là “nguy hiểm.”
Cũng vào ngày 19/4, một thành viên trong lực lượng đặc nhiệm chống virus corona của Tòa Bạch Ốc, bà Seema Verma nói các nhà dưỡng lão Mỹ hiện được yêu cầu báo cáo nếu có những ca COVID-19 trong những cơ sở này cho bệnh nhân và gia đình họ và báo cáo những ca như vậy lên nhà cầm quyền y tế liên bang.
Những người lớn tuổi đặc biệt dễ bị tổn thương vì virus corona và một số nhà dưỡng lão không chỉ ở Mỹ nhưng tại các nước khác, đã bị chỉ trích vì thiếu minh bạch.
WHO e việc Mỹ cắt tài trợ sẽ đẩy lùi những tiến bộ y tế của Châu Phi
Simon Marks
Tổ chức Y tế Thế giới WHO lo ngại việc Mỹ cắt tài trợ sẽ ngăn cản những nỗ lực của tổ chức kiểm soát việc lây lan của virus corona tại Châu Phi. Bên cạnh virus corona, WHO cũng quan ngại là những bệnh có thể ngừa được bẳng vaccine cũng sẽ lan rộng vì các nước buộc phải hủy bỏ những chương trình chủng ngừa.
Quyết định của Tổng thống Donald Trump trong tuần trước ngưng tài trợ cho WHO có thể cản trở khả năng của lục địa đen không những ngăn chặn virus corona nhưng cũng gây trở ngại cho việc chặn đứng những chứng bệnh khác như sốt rét và HIV/AIDS tại Châu Phi, một giới chức cao cấp của WHO nói với đài VOA.
Mỹ là nhà tài trợ chính cho các chương trình của WHO liên quan tới bại liệt, sốt rét, và HIV/AIDS ở Châu Phi.
Mỹ từng cam kết 400 triệu đô la cho ngân sách 4,8 tỉ đô la của WHO trong tài khóa 2020-2021.
Trong khi những hứa hẹn này hầu hết bị chặn đứng trong năm nay, các giới chức WHO dự trù việc Mỹ ngưng tài trợ bắt đầu có ảnh hưởng vào năm 2021.
Ông Michel Yao, quản trị chương trình hành động khẩn cấp tại Văn phòng Khu vực Châu Phi của WHO nói với VOA:
“Sự hỗ trợ này nhằm giúp đỡ kỹ thuật hay cung cấp một chức vụ kỹ thuật trong một nước. Một số hỗ trợ này, chẳng hạn đối với chương trình sốt rét, cần có sự hỗ trợ tiếp tục tại những văn phòng WHO trong nước. Do đó tất cả các chức vụ kỹ thuật và những công việc đòi hỏi cần có chuyên gia làm việc theo một hướng dẫn rõ ràng đối với một chứng bệnh nào đó, thì cũng phải có tài trợ để giúp, và đôi khi còn cần có trang cụ cho vấn đề HIV. Do đó tất cả những việc này, lẽ dĩ nhiên, sẽ bị tổn hại nếu không có tiền,” ông Yao nói.
“Đối với những nỗ lực phòng ngừa COVID-19, một số những chuyên viên kỹ thuật này đã được tái phối trí. Lẽ dĩ nhiên, nhiều người được gia hạn hợp đồng nhưng có thể từ năm tới, nếu chúng tôi không đủ tiền thì lúc đó chúng tôi phải cắt bớt nhân viên. Việc này cũng sẽ ảnh hưởng đến những chuyện khác vì một số những người này sẽ được tái phối trí. Nếu việc thiếu tiền vẫn tiếp tục thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch nhân lực sang năm của chúng tôi,” ông Yao nói.
Ông Yao bác bỏ những than phiền cho rằng WHO chậm trễ trong việc đáp ứng với virus corona bùng phát hay quá “thân Trung Quốc.” Ông nói toán các chuyên gia quốc tế đã được phái đến Vũ Hán khi dịch bệnh xảy ra lúc đầu, vào ngày 1/1 năm nay để báo cáo về mức độ và nguy hiểm của vụ bùng phát.
WHO, cộng tác với các cơ quan khác của Liên hiệp quốc, đã bắt đầu đưa nhân viên, trang bị bảo hộ đến Châu Phi, sử dụng Adis Ababa như trung tâm chuyển hàng. Máy bay của Chương trình Lương thực Thế giới tuần trước đã bắt đầu đưa nhân viên y tế khẩn cấp đến toàn vùng.
Tuy nhiên thiếu hoàn toàn những trang bị y tế căn bản và kỹ thuật như máy thở và giường bệnh làm cho nhiều nhà hoạch định kế hoạch trong vùng lúng túng.
Ông John Nkengasong, giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh Châu Phi nói với các phóng viên trong tuần qua là ít nhất có 10 nước tại Châu Phi không có máy thở.
Một quan ngại chính nữa đối với nhà cầm quyền y tế tại Châu Phi là ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng COVID-19 đối với những bệnh khác. Theo WHO, Guinea, Ethiopia, Nam Sudan và Chad đã hoãn chương trình chích ngừa rộng rãi trong dân chúng về bệnh sởi dự trù vào giữa tháng 3 và tháng 6.
WHO lo ngại là những bệnh có thể ngừa được bằng vaccine như bệnh sởi, bệnh sởi Đức, bệnh bại liệt và bệnh bạch hầu sẽ xảy ra thường xuyên.
Dịch COVID-19 và Trật tự Thế giới
Cách đây chỉ vài tháng, khó có ai trong chúng ta có thể tưởng tượng được là một con siêu vi nhỏ bé như SARS CoV2, được biết đến dưới tên Covid-19, lại có thể gây ra một đại dịch làm đảo lộn cả thế giới trong một thời gian rất ngắn.
Xuất phát từ thành phố Vũ Hán trong những tháng cuối năm 2019, virus Covid giờ đã có mặt trên khắp thế giới, lây nhiễm cho hơn 2.4 triệu người và giết chết hơn 165.000 người – theo các số liệu do Đại học John Hopkins công bố vào ngày 20/4/2020.
Đại dịch COVID-19 là một cuộc khủng hoảng về sức khỏe công lớn chưa từng thấy, và cách đáp ứng của Trung Quốc, nơi dịch xuất phát, và của thế giới còn lại trước cuộc khủng hoảng đang đặt ra những dấu hỏi về các hệ quả sâu rộng và lâu dài đối với trật tự thế giới.
Một bước ngoặt toàn cầu
Giáo sư Happymon Jacob giảng dạy môn An ninh quốc gia tại Đại học Jawaharlal Nehru ở New Dehli, cho rằng COVID-19 sẽ thay đổi trật tự thế giới, cán cân quyền lực, các khái niệm về an ninh quốc gia, và tương lai của toàn cầu hóa.
Ông nói sự kết hợp giữa một thế giới nối kết với một con virus chết người chưa có thuốc chữa, đang đẩy nhân loại vào một tình huống chưa hề có tiền lệ.
Giáo sư Jacob nói sau đại dịch, bước ra khỏi tình trạng bị cấm cung, chúng ta phải sẵn sàng để đối diện với những thực tế chính trị và xã hội mới.
Tác giả một bài báo đăng trên trang mạng Nippon của Nhật bản cũng cho rằng dịch COVID-19 sẽ có tác động lâu dài đối với thế giới lâu sau khi đại dịch đã qua. Theo tác giả Kawashima Shin thì đại dịch Covid sẽ có những hệ quả lâu dài đối với các quan hệ quốc tế và trật tự thế giới, và nhất là chế độ cai trị ở Bắc Kinh dưới quyền ông Tập Cận Bình, nhân vật mà trong nhiều năm qua đã nuôi ‘giấc mộng Trung hoa’, và đang có tham vọng đưa nước ông lên vị trí cường quốc số một thế giới, lật đổ Hoa Kỳ ra khỏi vị trí đã chiếm giữ từ bấy lâu nay.
Trật tự Thế giới
Giáo sư Jacob nói sự lây lan hầu như không cản nổi của COVID-19 trên toàn cầu là một sự thất bại của trật tự thế giới hiện hữu và các định chế của nó.
Trật tự thế giới đó là do các nước thắng trận trong Thế chiến thứ Hai thành lập để có thể cùng giải quyết những cuộc khủng hoảng chính trị hay quân sự một cách hòa bình, không để xảy ra chiến tranh.
Nhưng COVID-19 đã phơi bày những điểm yếu của trật tự đó vào lúc xu hướng theo chủ nghĩa quốc gia cực đoan nổi lên tại nhiều nơi, và một số lãnh đạo thế giới lâm vào thế bị động trước một cuộc khủng hoảng toàn cầu.
COVID-19 phơi bày những điểm yếu nào?
Thứ nhất là những yếu kém trong cách ứng phó của thế giới trước đại dịch, phơi bày tình trạng thiếu hợp tác quốc tế nhằm kiểm soát dịch bệnh.
Đại dịch COVID lan nhanh, gây chết chóc và hoang mang tới mức thay vì hợp tác, chính phủ các nước tự cô lập và lo liệu lấy để vượt qua cơn khủng hoảng.
Ngay cả trong khu vực Schengen ở châu Âu nơi mà dân được qua lại tự do không cần thị thực, nơi mà hội nhập khu vực tưởng như đã bắt rễ sau nhiều thập kỷ, các nước cũng đóng cửa biên giới, mạnh ai nấy lo.
Vấn đề thứ hai là tác động của đại dịch đối với các quyền dân chủ và tự do. Muốn hành động hiệu quả, kịp thời để chặn một đại dịch nguy hiểm như thế này, các chính quyền buộc phải hạn chế phần nào các quyền tự do cá nhân hiến định.
Các chế độ dân chủ phải hành động trong giới hạn của luật pháp, bằng cách chính thức tuyên bố tình trạng khẩn cấp, và ra sức thuyết phục công chúng về sự cần thiết của các biện pháp khẩn cấp.
Vấn đề thứ 3 là những hệ quả thảm khốc của đại dịch đối với kinh tế thế giới. Liệu nền kinh tế thế giới sẽ hồi phục lại để hoạt động như trước, hay đại dịch COVID-19 là một bước ngoặt, khiến các nước quay lưng với toàn cầu hóa, và rút lui để phát triển và bảo vệ kinh tế của nước mình?
Chưa bao giờ thế giới cảm nhận rõ hơn những mặt trái của sự lệ thuộc quá nặng nề vào Trung quốc, công xưởng của thế giới, để có những sản phẩm thiết yếu, từ thiết bị bảo hộ cá nhân, khẩu trang, cho tới thuốc men, như trong đại dịch COVID-19. Và chắc chắn thế giới, nhất là các nước phương Tây, sẽ phải xét lại sự lệ thuộc của mình bằng cách đa dạng hóa các nguồn cung.
Đồng thời nâng cao cảnh giác về bộ máy tuyên truyền của Bắc Kinh để phục vụ các lợi ích riêng tư. Theo giáo sư Jacob, những trao đổi của Bắc Kinh với cộng đồng thế giới, dù là qua các cơ quan quốc tế, hay qua các chương trình như ‘Vành đai Con đường’, vẫn nhắm mục tiêu duy nhất là thăng tiến sức mạnh và uy tín quốc gia trên trường quốc tế.
Bắc Kinh gần đây còn vận dụng ảnh hưởng trong các tổ chức quốc tế như LHQ và WHO để đặt tên lại cho đại dịch là COVID-19, thay vì ‘virus Vũ Hán’ hay ‘virus Trung quốc’ được sử dụng trong giai đoạn đầu sau khi dịch bùng phát ở Vũ Hán.
Sự thiếu minh bạch của Trung Quốc vào giai đoạn này, bịt miệng các bác sĩ muốn cảnh báo về nguy cơ của đại dịch, và cự tuyệt, không cho các phái đoàn y tế Mỹ và quốc tế vào Vũ Hán nghiên cứu và giúp chặn dịch, đã nêu lên những dấu hỏi lớn về nguồn gốc của virus, và những gì đã xảy ra tại Vũ Hán.
Sau khi qua khỏi được giai đoạn tối tăm nhất, Bắc Kinh không bỏ lỡ cơ hội thế giới đang tập trung ứng phó với Covid-19 để củng cố quyền lực mềm, đẩy mạnh ảnh hưởng quốc tế, hăm he Đài Loan, và điều tàu sân bay vào Biển Đông để khẳng định tuyên bố chủ quyền ngay trong vùng đặc quyền kinh tế của các nước láng giềng.
Liệu COVID-19 có sẽ tác động tới toàn cầu hóa?
Các nhà kinh tế đã khuyến cáo về một cuộc đại suy thoái toàn cầu sau đại dịch.
Phản xạ đầu tiên của các nền kinh tế lớn là đóng cửa biên giới để chỉ lo chuyện nội bộ. Những điểm yếu trong cấu trúc trật tự thế giới bây giờ và cú sốc COVID-19 càng đẩy mạnh các xu hướng bảo hộ kinh tế, vốn đã được chủ nghĩa quốc gia cực đoan nuôi dưỡng.
Theo các chuyên gia thì đại dịch COVID đã vĩnh viễn thay đổi trật tự thế giới, và một trật tự thế giới chính trị và kinh tế cởi mở như trước khó có thể hồi phục. Cựu Cố vấn An ninh quốc gia Ấn độ Shivshankar Menon khuyến cáo rằng “chúng ta đang hướng tới một thế giới nhỏ hơn, nghèo nàn hơn, và ích kỷ hơn.”
Nhưng ông Kuni Miyake, Chủ tịch Viện nghiên cứu Chính sách đối ngoại, một think tank của Nhật Bản, tỏ ra lạc quan hơn:
“COVID-19 tự nó không tạo ra được bất cứ gì mà ngược lại, chỉ phá hoại những gì đang có. Chỉ có con người và công nghệ trí tuệ nhân tạo mới làm ra những sản phẩm mới. Chúng ta nên nhớ rằng đại dịch “Cái Chết Đen” xảy ra vào thế kỷ 14 đã nhường chỗ cho thời kỳ Phục Hưng.”
https://www.voatiengviet.com/a/dich-covid-va-trat-tu-the-gioi/5383361.html
Covid-19: Thủ tướng Anh Johnson bị chỉ trích mạnh mẽ
Minh Anh
Bất chấp dịch bệnh gây ít thiệt hại nhân mạng hơn so với những ngày trước (449 ca tử vong trong vòng 24), ngày 21/04/2020 có thể sẽ là một ngày họp Nghị Viện không êm ả cho thủ tướng Boris Johnson vừa hồi phục sau cơn bệnh Covid-19. Phe đối lập chỉ trích mạnh mẽ chính phủ xử lý chậm chạp và yếu kém dịch bệnh Covid-19 đến từ Vũ Hán, Trung Quốc.
Ông Keir Starmer, tân lãnh đạo Công Đảng cho rằng chính phủ đã chậm trễ ban hành lệnh phong tỏa, chậm tăng mức xét nghiệm virus corona và chậm cung cấp trang thiết bị phù hợp cho các nhân viên y tế. Lãnh đạo phe đối lập còn cáo buộc chính phủ đã phớt lờ các cảnh báo của các nhà khoa học.
Theo phe đối lập, trước khi bị nhiễm bệnh thủ tướng Anh đã không tham dự năm cuộc họp đối phó khủng hoảng hồi cuối tháng Giêng và đầu tháng Hai. Sai lầm của ông Boris Johnson là hồi đầu đã chọn giải pháp « miễn dịch cộng đồng » thay vì là ban hành các biện pháp phong tỏa để bảo vệ người dân.
Những cáo buộc mà ngoại trưởng Michael Gove cho là « phóng đại ». Ông khẳng định rằng thủ tướng Anh không nhất thiết phải tham gia vào những cuộc họp này. Tuy nhiên, theo RFI, những người tiền nhiệm của ông Boris Johnson luôn chủ trì những cuộc họp vào những lúc có khủng hoảng.
Dịch bệnh hiện đã làm cho 16.509 người chết tại Anh Quốc và hơn 124.743 ca nhiễm. Hiện chính phủ chưa nhắm đến việc dỡ bỏ các biện pháp phong tỏa được ban hành từ ngày 23/03/2020.
Số bệnh nhân mới giảm ở Ý, Tây Ban Nha, nhưng tăng lên ở Đức
Tại Ý, lần đầu tiên số người nhiễm mới virus corona giảm xuống, chỉ ở mức 108.237 người, giảm 20 người so với ngày hôm trước. Tuy nhiên, số ca tử vong trong vòng 24 giờ tăng nhẹ 454 người, nâng tổng số nạn nhân lên thành 24.114. Thủ tướng Giuseppe Conte cho biết sẽ nới lỏng phong tỏa kể từ ngày 04/5.
Tương tự, Tây Ban Nha cũng ghi nhận số ca tử vong tăng nhẹ : 430 người trong vòng 24 giờ (với con số tổng cộng là 21.282). Lệnh phong tỏa nghiêm ngặt tiếp tục duy trì cho đến ngày 09/5. Tuy nhiên, trẻ em sẽ được phép ra ngoài kể từ ngày 27/4 trong những điều kiện sẽ được công bố trong những ngày sắp tới.
Nước Đức với 135.000 ca nhiễm và khoảng 4.000 ca tử vong, đầu tàu kinh tế châu Âu bắt đầu giảm nhẹ các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt từ hôm 20/04/2020.
Huawei đối mặt với sự phản đối cao như núi ở Anh sau sự bất tín của Bắc Kinh
Hương Thảo
Đảng cầm quyền của Vương quốc Anh gia tăng phản ứng chống lại gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc Huawei tham gia mạng lưới 5G của mình, trong khi chính phủ Anh đưa ra những lập trường cứng rắn hơn đối với Bắc Kinh về việc xử lý đại dịch virus Trung Cộng, theo The Epoch Times ngày 19/4.
Chính phủ Anh vào tháng 1 đã trao cho Huawei một vai trò trong việc xây dựng các bộ phận không nhạy cảm của mạng 5G, đạt mức tham gia tới 35%. Nhưng kể từ đó, theo Bloomberg, sự phản đối từ bên trong Đảng Bảo thủ cầm quyền đã đặt ra nghi ngờ rằng quyết định này liệu có thể được Nghị viện phê chuẩn. Dự luật chính thức hóa quyết định này của chính phủ dự kiến sẽ được đưa ra trong vòng vài tháng tới.
Chiến dịch chống lại Huawei diễn ra trong bối cảnh Đảng Bảo thủ kêu gọi xem lại mối quan hệ với chế độ cộng sản Trung Quốc liên quan đến vai trò của nó trong việc che đậy sự lây lan dịch viêm phổi Vũ Hán ở Trung Quốc, gây hậu quả bùng phát dịch trên toàn cầu. “Tôi nghĩ rằng chính phủ đã được tư vấn sai”, thành viên Đảng Bảo thủ của Nghị viện Owen Paterson nói với NTD, một chi nhánh của Epoch Times. “Tôi hy vọng rằng những sự kiện gần đây sẽ thực sự đánh thức họ về mối nguy hiểm, khi tự bó buộc với một công ty được điều hành chặt chẽ bởi chính quyền cộng sản Trung Quốc”.
Hoa Kỳ đã cảnh báo Vương quốc Anh và các đồng minh khác rằng thiết bị của Huawei có thể được Bắc Kinh sử dụng để làm gián điệp hoặc gây nguy hại cho các mạng viễn thông. Họ đã chỉ ra mối quan hệ chặt chẽ của công ty này với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), cũng như việc luật pháp buộc các công ty Trung Quốc phải hợp tác với các cơ quan tình báo khi được yêu cầu.
Huawei, sau khi bác bỏ các cáo buộc, đã đăng một bức thư ngỏ vào tuần trước kêu gọi Vương quốc Anh không thực hiện bất kỳ bước đi nào để loại bỏ nó khỏi cơ sở hạ tầng 5G của quốc gia này. Tom Tugendhat, Chủ tịch đảng Bảo thủ của Ủy ban Đối ngoại Hạ viện, cũng ủng hộ việc ngăn chặn sự tham gia của Huawei vào mạng 5G của Vương quốc Anh. “Tôi nghĩ rằng tâm trạng các thành viên trong nghị viện đã trở nên cứng rắn,” ông Tugendhat nói với Bloomberg. “Tôi nghĩ rằng đó là một nhận thức chung
về nguy cơ của việc phụ thuộc vào một doanh nghiệp đến từ một quốc gia không chia sẻ các giá trị của chúng tôi. Điều đó đã trở nên rõ ràng hơn.”
Cựu lãnh đạo Đảng Bảo thủ và cựu ngoại trưởng William Hague, hiện đang ngồi trong Thượng viện, trước đó nói rằng Anh không thể phụ thuộc vào Trung Quốc về công nghệ vì cuộc khủng hoảng gần đây đã chứng minh chế độ Bắc Kinh “không chơi theo luật lệ của chúng ta”.
Một phát ngôn viên của chính phủ Anh nói với NTD rằng quan điểm của chính phủ đối với Huawei đã thay đổi. Đầu tuần này, quyền thủ tướng Dominic Raab cho biết nước này “không thể quay trở lại hợp tác như bình thường” với chính quyền Trung Quốc sau cuộc khủng hoảng này. “Chúng tôi sẽ phải lật lại những vấn đề hóc búa về việc tại sao lại xảy ra những việc này và làm thế nào để dừng lại việc này sớm hơn,” ông Raab cho biết.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo cho biết vào ngày 17/4 rằng, việc chế độ Bắc Kinh không hành động phù hợp trong đại dịch COVID-19 có thể sẽ khiến các nước suy nghĩ lại liệu họ có muốn cơ sở hạ tầng viễn thông và mạng 5G của mình bị ĐCSTQ kiểm soát thông qua các công ty Trung Quốc, chẳng hạn như Huawei, hay không. “Khi Huawei đến gõ cửa để bán cho họ thiết bị và phần cứng, họ sẽ phải có một lăng kính khác để xem xét quyết định đó,” ông Pompeo nói với Fox Business Network.
Nghị sĩ Owen Paterson cho biết, “Tôi nghĩ tất cả những điều này [sự thất bại của chế độ Bắc Kinh trong kiểm soát đại dịch bùng phát] sẽ thay đổi hình ảnh của Trung Quốc, trong mắt nhiều thành viên của Nghị viện, và chắc chắn họ sẽ có suy nghĩ lại về mối quan hệ của chúng tôi với Trung Quốc”.
Theo phóng viên Jane Werrell của NTD, một chi nhánh của The Epoch Times
Hương Thảo dịch và biên tập
Cảnh sát Pháp đụng độ người biểu tình ở ngoại ô Paris
Tin Paris, Pháp – Theo bản tin hôm thứ Hai, 20 tháng 4, từ Reuters, cảnh sát Pháp vào một ngày trước đó đã đụng độ người biểu tình tại khu dân cư nghèo ở phía bắc thủ đô Paris, trong bối cảnh nhà chức trách đang thi hành các lệnh phong tỏa nghiêm khắc vì dịch Covid-19. Người biểu tình đã đốt thùng rác, xe hơi và bắn pháo bông vào cảnh sát, trong khi lực lượng an ninh đáp trả bằng đạn cao su và hơi cay.
Vụ đụng độ xảy ra tại các khu dân cư Villeneuve-la-Garenne và Aulnay-sous-Bois, lân cận Paris. Căng thẳng bắt đầu vào sáng sớm thứ Bảy trước, sau khi một người chạy xe gắn máy tông trúng cánh cửa đang mở của một xe cảnh sát chìm, trong lúc cảnh sát đang thực hiện một vụ kiểm tra tại khu Villeneuve-la-Garenne. Sự viện khiến khoảng 50 người tụ tập để phản đối cảnh sát. Vụ rắc rối kéo dài đến rạng sáng Chủ Nhật trước khi cảnh sát khôi phục trật tự.
Thông cáo của cảnh sát cho biết nhóm biểu tình đã bắn pháo bông và ném gạch đá vào lực lượng an ninh trong vụ bạo động kéo dài 2 giờ. Người chạy gắn máy 30 tuổi đã phải nhập viện vì bị gãy chân, và đã được phẫu thuật. Người dân cáo buộc xe cảnh sát đã cố tình mở cửa để người chạy xe gắn máy tông vào. Gia đình và luật sư của người đàn ông này cho biết sẽ khởi kiện cảnh sát, đồng thời, các công tố viên cũng đã mở cuộc điều tra về sự việc.
Theo lời cảnh sát, khi vụ rắc rối xảy ra, các nhân viên an ninh đang tìm cách bắt giữ người chạy xe gắn máy tại khu Villeneuve-la-Garenne, do anh ta phóng xe ngược chiều trên đường mà không đội mũ bảo hiểm. (Ngô Bảo)
https://www.sbtn.tv/canh-sat-phap-dung-do-nguoi-bieu-tinh-o-ngoai-o-paris/
Pháp: Số ca tử vong vì Covid-19 vượt ngưỡng 20.000
Thùy Dương
Tại Pháp, tính đến tối hôm qua 20/04/2020, chính quyền ghi nhận số ca tử vong vì Covid-19 đã vượt ngưỡng 20.000 người. Tổng cục trưởng Tổng cục Y Tế Jérôme Salomon gọi đây là con số « mang tính biểu tượng và đau đớn » cho nước Pháp. Tuy nhiên, số người nhập viện và số bệnh nhân nặng phải nằm khoa hồi sức tích cực tiếp tục giảm nhẹ.
Trong vòng 24 giờ tính đến tối 20/04, Pháp có thêm 547 người qua đời vì dịch bệnh, nâng tổng số ca tử vong vì virus corona tại các bệnh viện, viện dưỡng lão và các cơ sở y tế xã hội lên thành 20.265 người. Số người tử vong vì virus corona tại Pháp như vậy đã vượt lên trên số nạn nhân trong mọi dịch cúm mùa và cao hơn cả số 19.500 người chết trong đợt nắng nóng năm 2003.
Tuy nhiên, số người nhập viện và số bệnh nhân phải nằm khoa hồi sức tích cực tiếp tục giảm nhẹ. Mặc dù vậy, giới chuyên gia vẫn tỏ ra thận trọng. Theo một nghiên cứu của Viện Pasteur Pháp công bố hôm nay 21/04, cho đến nay mới có chưa đến 6% dân Pháp nhiễm bệnh. AFP trích dẫn ông Simon Cauchemez, tác giả đứng tên chính trong nghiên cứu của Viện Pasteur, theo đó con số 6% là thấp hơn rất nhiều so với tỉ lệ cần thiết là 70% dân số nhiễm virus để có được khả năng miễn dịch cộng đồng. Vì thế, có nguy cơ xảy ra thêm một làn sóng Covid-19 nếu không có chuẩn bị cho giai đoạn dỡ bỏ lệnh phong tỏa từ ngày 11/05.
Trong khi đó, vào ngày hôm qua, nhóm các thượng nghị sĩ đảng Xã Hội đề xuất với văn phòng chủ tịch Thượng Viện về việc bỏ phiếu thông qua biện pháp cho triển khai ứng dụng định vị « tracking » trên điện thoại di động. Về lý thuyết, ứng dụng sẽ cho phép người dân Pháp biết được liệu họ đã gặp gỡ, tiếp xúc gần với một người nhiễm virus corona hay chưa. Chính phủ Pháp có ý định triển khai ứng dụng tracking Stop Covid-19 kể từ ngày 11/05 khi lệnh phong tỏa dược dỡ bỏ. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều tranh cãi về hiệu quả của ứng dụng cũng như về quyền tự do cá nhân của người dùng.
Covid-19: phim “video theo yêu cầu” đắt khách tại Pháp
Tuấn Thảo
Kể từ khi có lệnh phong tỏa, thú xem phim ở nhà đã thay thế cho việc đi xem phim ở rạp. Chưa bao giờ, các mạng chiếu phim ‘‘video theo yêu cầu’’ lại thu hút đông đảo khán giả như lúc này. Bên cạnh các mạng Netflix, Amazon Prime hay Disney+, người Pháp còn đặc biệt ủng hộ các mạng độc lập, nơi họ dễ tìm thấy các tác phẩm kinh điển của Pháp hay Âu Mỹ.
Nằm ở vùng ngoại ô phía bắc Paris, công ty TitraFilm (được thành lập từ năm 1933) hoạt động liên tục từ khi nước Pháp ban hành lệnh phong tỏa. Mặc dù hãng này buộc phải đóng cửa văn phòng, nhưng đại đa số nhân viên đều làm việc từ xa. Các chuyên viên kỹ thuật cũng như nhóm biên tập phụ trách công việc dịch thuật, làm phụ đề cho phim, rồi mã hóa tải lên máy chủ. Hàng tuần, công ty này nhận khoảng 300 phim truyện và phim truyền hình, trong đó có các tác phẩm của đạo diễn Pháp Michel Hazanavicius “Le Prince Oublié” (Vị Hoàng tử bị lãng quên) hay đạo diễn Tây Ban Nha Alejandro Amenabar “Lettre à Franco” (Thư gửi tướng Franco).
Theo giám đốc thương mại Stéphane Chirol, do các biện pháp cách ly, công ty TitraFilm buộc phải đình chỉ khâu lồng tiếng, toàn bộ êkíp chuyên làm phụ đề cho các rạp chiếu phim nay đều được chuyển sang làm việc cho khâu video theo yêu cầu (gọi tắt là V.O.D).
Trước đây, giới chuyên ngành nghĩ rằng thị trường ‘‘video theo yêu cầu’’ đã quá đầy đủ với các mạng lớn như Netflix, Amazon Prime & Disney+, chưa kể đến các bộ phim được chiếu miễn phí trên các kênh truyền hình, nhưng rốt cuộc thời gian phong tỏa cho thấy là người Pháp có nhiều sở thích khác và chính nhu cầu xem phim đã đem lại lợi nhuận cho các mạng độc lập như UniversCiné, FilmoTV, LaCinetek, LaToile, Tënk, Carlotta Studio hay Médiathèque Numérique ….. Theo anh Romain Dubois, giám đốc tiếp thị của mạng UniversCiné, giờ cao điểm là khoảng 21 giờ (tức sau giờ ăn tối) nhưng kể từ buổi chiều, lượng người truy cập bắt đầu tăng lên và sự gia tăng này lại càng rõ nét trong thời gian phong tỏa do đa số người Pháp đều buộc phải ở nhà.
Còn theo ông Vincent-Paul Boncour, giám đốc Carlotta Studio, công ty này vừa thành lập trang web dành riêng cho dòng phim xưa bao gồm nhiều tác phẩm kinh điển được xếp vào hàng “di sản văn hóa”. So với người Anh Mỹ, người Pháp trước đây ít dùng dịch vụ VOD, nay nhu cầu xem phim cũng tăng lên với lệnh phong tỏa, nhưng ‘‘gu’’ xem phim của họ cũng có phần khác biệt. Chẳng hạn như khán giả Pháp thích xem vua hề Louis de Funès và họ khám phá toàn bộ các bộ phim này qua các mạng VOD thay vì xem phim được phát lại trên các đài truyền hình (gần đây đã có chiếu lại La Folie des Grandeurs, Rabbi Jacob, loạt phim Les Gendarmes de Saint Tropez …)
Nhờ vậy, các mạng ‘‘phim xưa’’ đã có thêm hàng trăm người đăng ký mỗi ngày. Các mạng video theo yêu cầu cũng ăn khách một phần nhờ quảng cáo trên các mạng xã hội, cũng như qua báo chí truyền thông, các bài phân tích về các đợt phát hành phim video mới đã thay thế các bài phê bình hàng tuần khi phim được cho ra mắt khán giả ở rạp.
Trên mạng LaCinetek, các bộ phim ăn khách thường được tuyển chọn bởi các nhà đạo diễn tên tuổi như Jacques Audiard hay James Gray, Pascale Ferran hay Cédric Klapisch ….. Các đạo diễn này thông qua những đoạn video ngắn giải thích vì sao một số tác phẩm được đánh giá là quan trọng đối với nghệ thuật thứ bảy. Theo anh Jean-Baptiste Viaud, kể từ khi có những danh sách chọn lọc của các nhà làm phim trứ danh, số lượng người truy cập đã được nhân lên gấp 5 lần. Trong đó, có khoảng 13.000 người mỗi tuần đăng ký xem phim video trên danh sách “phim hay trong tháng”.
Trên mạng UniversCiné, trang web này tập trung giới thiệu các tác phẩm mới như “Les Misérables” của đạo diễn Ladj Ly hay là “Gloria Mundi” của Robert Guédiguian. Theo giám đốc Romain Dubois, kể từ tháng 03/2020 UniversCiné đã tăng gấp đôi lượt khách truy cập so với cùng thời điểm năm ngoái, mạng này thu hút trên 800.000 lượt khách mỗi tháng và số lượng thuê phim video đạt tới mức 3.000 tựa phim mỗi ngày.
Nếu như các mạng Netflix, Amazon Prime hay Disney+ có một bộ sưu tập khổng lồ với hàng chục ngàn tựa phim, thì ngược lại cách sắp xếp tổ chức đối với nhiều khán giả lại không dễ tìm kiếm. Thư viện phim càng lớn chừng nào, mục lục lại càng phải chi tiết với nhiều tag chuyên đề chừng nấy. Trên các mạng phim độc lập, ‘‘kho lưu trữ’’ phim có thể nhỏ hơn, nhưng đổi lại giới yêu chuộng điện ảnh tìm thấy trong cách trình bày và giới thiệu phim một công việc biên tập thực sự. Mạng Tënk có trụ sở tại vùng Ardèche và chỉ cung cấp phim tài liệu với phần giới thiệu nội dung khá đầy đủ.
Trên mạng FilmoTV, bộ sưu tập khá đa dạng bao gồm dòng phim hình sự của Frank Capra cho đến phim hài của Alain Chabat, những bộ phim câm trắng đen theo kiểu vua hề Charlot có cùng một ‘‘chỗ đứng’’ với phim zombie của Hàn Quốc. Theo ông Jean Ollé-Laprune, phim thường được giới thiệu bởi một nhà phê bình, trả lời ba câu hỏi trong vòng ba phút. Đây là cơ hội để khám phá hay xem lại những bộ phim khác của nhiều đạo diễn khác nhau.
Trên mạng Carlotta Studio, mỗi tác phẩm kinh điển ngoài lời giới thiệu, còn có thêm những bài phân tích có giá trị, chẳng hạn như tuần này có giới thiệu dòng phim của Milos Forman hay là tác phẩm “The King of New York” của đạo diễn Abel Ferrara. Với lối tiếp cận gần giống như Viên lưu trữ phim ảnh Pháp Cinémathèque Française, các bộ phim này đặc biệt được giới sành điệu hay các sinh viên khoa điện ảnh đặc biệt hưởng ứng, chẳng hạn như phim “Monsieur Klein” với Alain Delon của Joseph Losey, phim “Lacombe Lucien” của Louis Malle, hay phim “L’Armée des Ombres” của Jean-Pierre Melville với một dàn diễn viên hùng hậu như Simone Signoret, Lino Ventura hay Paul Meurisse nói về thời kháng chiến chống Đức quốc xã những năm 1939-1945.
Nhu cầu xem video theo yêu cầu cũng gia tăng kể từ khi trung tâm điện ảnh quốc gia Pháp CNCn cho phép phát hành trực tiếp trên mạng, chứ không cần phải chờ thời hạn 4 tháng giữa ngày ra mắt ở rạp và thời điểm chiếu video. Trong tháng 04/2020, khoảng 30 bộ phim mới dành cho xinê, lại được xem qua video ở nhà, trong đó có tác phẩm mới “Le Cas Richard Jewell” của Clint Eastwood, các phim Pháp như ‘‘Les Traducteurs’’ của Régis Roinsard, phim hài “Mine de rien”. Theo nhà phân phối François Clerc, không ai biết được chừng nào các rạp chiếu phim sẽ mở cửa trở lại. Từ đây cho tới cuối tháng 06/2020, các nhà phân phối phim ở rạp sẽ bị thất thu lớn vì không khai thác được 200 tựa phim (tức khoảng 20 phim mới mỗi tuần). Việc phát hành qua video trực tuyến là một trong những cách để phần nào bù đắp những thiệt thòi do dịch Covid-19 gây ra …
Tờ Bild yêu cầu Trung Quốc bồi thường cho Đức 149 tỷ Euro
Hải Lam
Tờ Bild – tờ báo có lượng phát hành báo giấy lớn nhất nước Đức, hôm 15/4 đã tính toán số tiền mà Trung Quốc “nợ” Đức lên tới 149 tỷ Euro (130 tỷ USD) vì những ảnh hưởng mà đại dịch viêm phổi Vũ Hán gây ra cho quốc gia châu Âu này.
Trong bài viết với tiêu đề “Trung Quốc nợ chúng ta những gì?”, tờ Bild đã liệt kê từng khoản tổn thất mà Đức phải chịu vì dịch Covid-19: 27 tỷ Euro trong ngành du lịch; khoảng 7,2 tỷ Euro trong ngành điện ảnh; 1 triệu Euro/giờ đối với hãng hàng không Lufthansa của Đức, và 50 tỷ Euro đối với các doanh nghiệp nhỏ lẻ của nước này.
Bild tính toán rằng nếu GDP của Đức giảm 4,2% thì mỗi người dân Đức sẽ chịu thiệt hại khoảng 1.784 Euro.
Theo Express, yêu cầu bồi thường của tờ Bild khiến chính quyền Trung Quốc tức giận. Bắc Kinh tuyên bố khoản tiền mà tờ báo Bild liệt kê đã “khuấy động bài ngoại và chủ nghĩa dân tộc”.
Vào ngày 16/4, tổng biên tập báo Bild, ông Julian Reichelt, đã gửi một bức thư ngỏ cho chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình với tiêu đề “Các vị đang đẩy thế giới vào vòng nguy hiểm“, đáp trả lại cáo buộc của chính quyền Bắc Kinh.
Bức thư đã tấn công trực diện vào Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, bởi chính quyền nước này đã thất bại trong việc cung cấp thông tin minh bạch về sự bùng phát của dịch Covid-19 tại nội địa Trung Quốc, bên cạnh các vi phạm nhân quyền nghiêm trọng.
Chính quyền Bắc Kinh đang đối mặt với làn sóng chỉ trích của nhiều lãnh đạo trên thế giới vì bưng bít thông tin về quy mô cũng như mức độ nguy hiểm của Covid-19, khiến các nước gặp khó khăn trong việc đối phó với dịch bệnh.
Tổng thống Mỹ Donald Trump cùng các quan chức trong Nhà Trắng không ít lần hoài nghi về những dữ liệu mà giới chức Trung Quốc công bố. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói với tờ Financial Times hôm 16/4 rằng việc Bắc Kinh đối phó với dịch bệnh “có chỗ mờ ám”, và các nước phương Tây không nên ngây thơ tin tưởng Đảng Cộng sản Trung Quốc. Cùng ngày, Ngoại trưởng Anh Dominic Raab nói rằng nước này sẽ không “kinh doanh bình thường” với Trung Quốc sau đại dịch. Mới đây, Ngoại trưởng Úc kêu gọi điều tra độc lập về việc xử lý dịch Covid-19 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và của chính quyền Bắc Kinh.
Đầu tháng này, Viện nghiên cứu Henry Jackson Society ở Anh cho rằng nhóm G7 có thể kiện Trung Quốc, đòi bồi thường ít nhất 4.000 tỷ USD vì chính quyền Bắc Kinh che giấu dịch Covid-19.
https://www.dkn.tv/the-gioi/to-bild-yeu-cau-trung-quoc-boi-thuong-cho-duc-149-ty-euro.html
Nước Nga: Moscow phải gỡ khẩu hiệu đòi dỡ tượng Lenin
Nhân 150 năm ngày sinh lãnh tụ của nước Nga cộng sản Vladimir Lenin, thành phố Moscow phải gỡ bỏ một khẩu hiệu dán vào bức tượng lớn của ông vẫn còn ở thủ đô Nga, đòi dỡ bỏ công trình.
Tranh cãi về ‘Di chúc Lenin muốn loại Stalin’
Thăm bảo tàng Lenin duy nhất nằm ngoài nước Nga
Theo các báo Nga hôm 21/04/2020, một biểu ngữ ghi dòng chữ “Đối tượng của giải trừ chủ nghĩa cộng sản” được một số người dán vào bệ bức tượng Lenin cùng công nông binh ở Moscow tối hôm trước.
Chính quyền Moscow đã nhanh chóng gỡ tấm biểu ngữ, theo đài truyền hình Dozhd TV.
Tuy thế, bức hình đã được các nhóm vận động chống di sản chủ nghĩa cộng sản chia sẻ trên mạng xã hội Vkontakte ở Nga.
Cũng hôm đầu tuần, một nghị sĩ Nga, bà Natalya Poklonskaya nhắc lại lời kêu gọi đã từng được một số nhân vật cao cấp ở Nga, rằng đã đến lúc cần đưa thi hài Lenin khỏi lăng.
Bà Poklonskaya nói thi hài trong Lăng Lenin ở Quảng trường Đỏ, là “di sản đang kéo chúng ta lùi lại quá khứ”.
Lenin gây chia rẽ dư luận Nga
Tuy thế, nhân vật Lenin (1870-1924) vẫn gây chia rẽ lớn trong dư luận Nga.
Số phận của hàng ngàn bức tượng Lenin bị phá bỏ tại Ukraine.
Hồi tháng 11/2018, một nghị sĩ của vùng St Petersburgh, ông Vladimir Petrov, đề nghị đến năm 2024, nhân 100 năm ngày mất của Lenin, thì nên đưa ông ra khỏi lăng và thay bằng một tượng sáp hoặc cao su.
Ngay lập tức, quan chức của đảng ‘Những người Cộng sản Nga’, ông Sergei Malinkovich phản bác lại và đòi dùng luật hình sự để xử “các hành vi xúc phạm tình cảm tôn giáo”.
Theo ông, nếu coi việc theo chủ nghĩa Marx-Lenin như một tín ngưỡng thì lời của ông Peskov “chắc chắn đã xúc phạm các tín đồ” và vi phạm tới hai điều trong Luật Hình sự Liên bang Nga.
Nhưng sau đó, theo các báo Nga, không có vụ kiện cáo này xảy ra, có thể vì các cáo buộc lẫn nhau chỉ nằm ở bên lề của chính trị Nga.
Đảng của ông Malinkovich thực ra chỉ là một tổ chức nhỏ, không có uy tín bằng ‘Đảng Cộng sản Liên bang Nga’, tổ chức có nghị sĩ trong Viện Duma Quốc gia.
Các nhà bình luận cho rằng đánh giá về thân thế sự nghiệp Lenin như một nhân vật lịch sử hiện đã tách biệt khỏi Lenin như đối tượng của niềm tin ý thức hệ.
Nói ngắn gọn thì Lenin bị chính trị hóa ngay sau khi ông qua đời.
Bản thân Lenin trước khi chết đã bày tỏ ý nguyện được mai táng cạnh mẹ ông ở quê nhà nhưng Stalin ra lệnh ướp xác ông, đưa vào lăng để làm biểu tượng ‘sống mãi’ của chế độ Xô Viết.
Hiện nhiều quốc gia từng thuộc Liên bang Xô Viết đã tháo bỏ tượng Lenin khỏi các nơi công cộng.
Về bức tượng Lenin tại Moscow, năm ngoái các dân biểu địa phương đã tranh cãi về đề nghị của phái dân tộc chủ nghĩa chống cộng sản Nga đòi di dời tượng ra Kaluzhskaya Ploshchad.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-52368090
Video cho thấy chiến đấu cơ của Nga áp sát phi cơ dọ thám của Hoa Kỳ lần thứ 2 trong 4 ngày
Hôm Chủ nhật (19/04/2020) Hải quân Hoa Kỳ cho biết, lần thứ hai trong bốn ngày, một phi cơ do thám của Hoa Kỳ đang bay trong không phận quốc tế trên biển Địa Trung Hải thì bị một chiến đấu cơ của Nga can thiệp. Hải quân Hoa Kỳ cho rằng việc cản trở phi cơ P-8A của chiếc SU-35 của Nga lần thứ hai là không an toàn và không chuyên nghiệp.
Hải quân Hoa Kỳ đã tweet về sự việc, trong đó nêu rõ: “Phi cơ Nga đã bay cách 25 feet so với P-8, khiến các nhân viên phi hành đôi bên gặp nguy hiểm. Chúng tôi không mong đợi gì hơn ngoài các tương tác chuyên nghiệp và an toàn”.
Hạm đội 6 của Hải quân Hoa Kỳ cho hay chiếc SU-35 thực hiện một cuộc diễn tập tốc độ cao, giảm khoảng cách giữa hai phi cơ xuống còn 25 feet, ngay phía trước chiếc P-8, khiến cho chiếc phi cơ Hoa Kỳ chịu nhiễu động và khí thải của phi cơ Nga. Phi cơ của Hoa Kỳ buộc phải hạ thấp cao độ để tạo khoảng cách với phi cơ của Nga. Sự việc xảy ra chỉ bốn ngày sau khi một chiến đấu cơ khác của Nga cũng cản trở một phi cơ do thám của Hoa Kỳ ở biển Địa Trung Hải.
Hôm thứ Tư (15/04/2020), Hải quân Hoa Kỳ nói rằng một phi cơ phản lực của Nga đã thực hiện một cuộc diễn tập tốc độ cao “không an toàn” tương tự khi áp sát phi cơ P-8 của Hoa Kỳ trong vòng 25 feet. (BBT)
Đạt thỏa thuận thành lập chính phủ liên minh, Israel chấm dứt bế tắc chính trị
Hương Thảo
Theo hãng tin AP, hôm thứ hai (20/4), thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và đối thủ chính của ông tuyên bố rằng họ đã đạt được một thỏa thuận để thành lập “chính phủ khẩn cấp”, kết thúc nhiều tháng tê liệt chính trị và ngăn chặn sự xuất hiện của cuộc bầu cử liên tiếp lần thứ tư để giải quyết mâu thuẫn chỉ trong vòng hơn một năm.
Ông Netanyahu và đối thủ Benny Gantz – cựu chỉ huy quân sự, lãnh đạo đảng Xanh và Trắng – đã đạt đến thỏa thuận sau nhiều tuần đàm phán về một “chính phủ khẩn cấp quốc gia”, để có thể lèo lái đất nước qua ôn dịch Covid-19.
Thỏa thuận đề xuất một khoảng thời gian tồn tại kéo dài ba năm cho một chính phủ khẩn cấp quốc gia. Ông Netanyahu, người đang bị cáo buộc hình sự trong ba vụ án tham nhũng, sẽ vẫn là thủ tướng trong 18 tháng tiếp theo, sau đó ông Benny Gantz của đảng đối lập sẽ thay thế ông, theo thỏa thuận được ký giữa hai bên.
Đảng của ông Gantz sẽ nắm quyền kiểm soát một số bộ ban ngành cấp cao của chính phủ, bao gồm bộ ngoại giao và bộ quốc phòng, trong khi đảng của ông Netanyahu sẽ có sức ảnh hưởng đối với việc bổ nhiệm các thành viên bộ tư pháp.
“Tôi đã hứa với đất nước Israel là chính phủ khẩn cấp quốc gia sẽ làm việc hết mình để cứu mạng sống và sinh kế của người dân Israel,” ông Keith Netanyahu đăng trên Twitter cá nhân.
Sau cuộc bầu cử không có hồi kết vào ngày 2 tháng 3, hai ông Netanyahu và Gantz đã đồng ý thành lập một chính phủ đoàn kết lâm thời trong bối cảnh cuộc khủng hoảng sức khỏe do Covid-19 đang gia tăng.
Các cuộc đàm phán giữa hai đảng đã kéo dài và bị đình trệ nhiều lần, làm dấy lên mối lo ngại sự sụp đổ của một thỏa thuận chung tiềm năng sẽ buộc nước này tiến hành thêm các cuộc bầu cử mới.
“Chúng tôi đã ngăn chặn được một cuộc bầu cử thứ tư. Chúng tôi sẽ bảo vệ nền dân chủ. Chúng tôi sẽ chiến đấu với virus corona và sẽ làm tất cả để bảo vệ các công dân Israel”, ông Netayahu chia sẻ trên Twitter cá nhân.
Cuộc bầu cử tháng trước, giống như các chiến dịch vào tháng 9 và tháng 4 năm ngoái, đã kết thúc mà không có người chiến thắng rõ ràng. Nhưng ông Gantz, khi được các nhà lập pháp ủng hộ nhiều hơn một chút, đã trở thành lựa chọn hàng đầu bởi tổng thống để xây dựng một chính phủ liên minh.
Các cuộc đàm phán vẫn tiếp tục ngay cả sau khi thời gian phân bổ cho ông Gantz xây dựng một liên minh đã kết thúc vào tuần trước. Nghị viện Israel [Knesset] đã đưa ra thời hạn đến ngày 7/5 để chọn một ứng viên cho ghế thủ tướng. Nếu không có ứng viên đề xuất, các cuộc bầu cử mới sẽ tự động được kích hoạt.
Ông Netanyahu đang chờ đợi hầu tòa với các cáo buộc nhận hối lộ, thất tín và lừa đảo. Ông đã phủ nhận tất cả các hành vi sai trái. Do cuộc khủng hoảng virus Vũ Hán, bộ trưởng tư pháp đã cho đóng cửa hầu hết hệ thống tòa án và trì hoãn phiên tòa trong hai tháng.
Israel đã xác định được hơn 13.000 trường hợp nhiễm virus Vũ Hán, với 172 trường hợp tử vong. Vào tuần này, đất nước bắt đầu nới lỏng một số hạn chế xã hội, trong bối cảnh hàng trăm ngàn người đang phải nghỉ việc và nền kinh tế hiện đang đi vào bế tắc.
Theo Tia Goldenberg, AP (với sự đóng góp của Reuters và Epoch Times)
Hương Thảo dịch & biên tập
Hàn Quốc: Covid -19 giảm lây lan, chính quyền nới dần các hạn chế phòng dịch
Anh Vũ
Từ một vùng dịch lớn của châu Á hồi cuối tháng 02/2020, Hàn Quốc dường như đã thành công trong việc khống chế đà lây lan của virus corona. Trong vòng 24 giờ tính đến ngày hôm 20/04/2020, nước này chỉ có thêm 13 ca nhiễm, trong đó hơn nửa từ nước ngoài nhập vào.
Để giảm bớt áp lực cho chính quyền và người dân, chính phủ Seoul đã cho phép giảm bớt một số quy định « giãn cách xã hội », nhưng vẫn kêu gọi toàn dân tiếp tục cảnh giác, phòng dịch.
Thông tín viên Frédéric Ojardias tại Seoul :
“Hàn Quốc được nới lỏng chút ít. Hôm nay, các phòng tập thể thao và các cơ sở học thêm tư nhân đã được phép mở cửa trở lại, với điều kiện tiếp tục phải tuân thủ các biện pháp đề phòng.
Ở những cơ sở hỗ trợ học đường này, học sinh phải ngồi cách nhau 1 mét và đeo khẩu trang. Trước khi vào khu nhà các học sinh phải được đo thân nhiệt. Các phòng thể thao phải tuân thủ các quy định tương tự.
Những địa điểm tín ngưỡng cũng được phép mở trở lại và các kỳ thi sát hạch tuyển dụng ở quy mô lớn do các tập đoàn lớn tổ chức cũng có thể tiến hành trở lại. Nhưng bảo tàng và trường học vẫn đóng cửa. Trên các phố, vẫn đầy người đeo khẩu trang tuy lác đác đã có người bắt đầu tháo bỏ.
Người Hàn Quốc vẫn phải duy trì khoảng cách, rửa tay thường xuyên và đeo khẩu trang ít nhất đến ngày 05/05/2020, theo tuyên bố của thủ tướng Chung Sye Kyun.
Trong lúc mà virus tiếp tục lây nhiễm, dù với tốc độ đã chậm lại, chính quyền vẫn lo sợ làn sóng dịch thứ 2 sẽ khiến Hàn Quốc phải tuyên bố phong tỏa. Đây là điều mà nước này hiện tại đang tránh được”.
Đồn đoán gia tăng về sức khỏe ông Kim Jong-un
Tình trạng sức khỏe của nhà lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un đang gây đồn đoán khác nhau, với tin ông Kim vừa trải qua phẫu thuật tim mạch.
Truyền thông Hàn Quốc đến nay vẫn nói ông đang nghỉ ngơi, nhưng đài Mỹ CNN nói có thể ông đang “gặp nguy hiểm trầm trọng”.
Trang Daily NK đặt ở Hàn Quốc nói họ có một nguồn ở Bắc Hàn cho hay ông Kim đã trải qua phẫu thuật ngày 12/4 ở Trung tâm Y khoa Hyangsan gần khu vực núi Myohyang ở tỉnh Bắc Pyongan.
Đây là bệnh viện dành riêng cho gia đình ông Kim.
Bắc Hàn chấm dứt việc tạm ngưng thử hạt nhân
Bắc Hàn phản ứng dữ dội việc Nam Hàn làm phim ‘sỉ nhục’
Nhưng trang tin Mỹ CNN nói Hoa Kỳ đang theo dõi tin tình báo đặt giả thiết có thể ông Kim đang “gặp nguy hiểm trầm trọng”.
Một viên chức Mỹ hôm 20/4 nói với CNN rằng lo lắng về sức khỏe ông Kim là khả tín, nhưng thật khó đánh giá mức độ trầm trọng.
Ômg Kim đã không tham dự lễ mừng ngày sinh ông nội hôm 15/4.
Theo truyền thông Hàn Quốc, lãnh tụ lập quốc Kim Nhật Thành, ông nội của Kim Jong-un, và cha ông Kim, Kim Jong-il, đều qua đời vì nhồi máu cơ tim cấp tính.
Ông Kim Jong-un có rủi ro sức khỏe tim mạch do tiền sử gia đình, bệnh béo phì và thói quen hút thuốc, theo một số chuyên gia.
Kang Min-seok, người phát ngôn cho tổng thống Hàn Quốc, từ chối bình luận, chỉ nói rằng họ “chưa thấy dấu hiệu gì cụ thể ở Bắc Hàn”.
Nghị sĩ Hàn Quốc Yoon Sang-hyun, đứng đầu ủy ban đối ngoại của Quốc hội, nói ông cũng nghe tin ông Kim vừa phẫu thuật tim mạch.
Nhưng ông cho hay ông không rõ cụ thể tình trạng sức khỏe.
“Một số nguồn nói ông ta phẫu thuật mắt cá chân, có người bảo ông ta đang cách ly ở Núi Myohyang vì Covid-19.”
“Cũng có người nói ông Kim phẫu thuật tim mạch, nhưng không gặp nguy hiểm,” nghị sĩ Yoon Sang-hyun nói.
Phóng viên BBC Laura Bicker ở Seoul bình phẩm: “Sự thật là trong vấn đề thông tin về lãnh đạo Bắc Hàn, chúng ta thường mò mẫm trong bóng tối.”
Cần ghi nhận rằng cho tới nay các bên khác nhau đều chưa ai phủ nhận tin ông Kim Jong-un đã qua phẫu thuật tim.
Các thông cáo từ Hàn Quốc và Trung Quốc chỉ phủ nhận nhà lãnh đạo Bắc Hàn đang ốm nặng.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-52367625
Mỹ đang xác minh thông tin ‘Kim Jong Un gặp vấn đề sức khỏe sau phẫu thuật’
Triệu Hằng
Giới chức Mỹ đang kiểm tra tin tức tình báo cho rằng lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đang gặp nguy hiểm sau phẫu thuật, hãng CNN cho biết trong một bản tin ngày 21/4.
CNN dẫn lời một quan chức Mỹ giấu tên cho biết Washington đang tìm hiểu thông tin trên. Tuy nhiên, Hội đồng An ninh Quốc gia và Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ từ chối bình luận.
Kim Jong Un không dự lễ kỷ niệm 108 năm ngày sinh của ông nội là cố chủ tịch Kim Nhật Thành vào ngày 15/4, điều này đã dấy lên những suy đoán về sức khỏe của Kim Jong Un.
Kim Jong Un xuất hiện lần cuối trong một cuộc họp của chính phủ vào 4 ngày trước.
“Gần đây đã có một số tin đồn về sức khỏe của Kim (hút thuốc, tim và não). Nếu Kim phải nhập viện, điều đó sẽ giải thích được vì sao ông ta không có mặt trong lễ kỷ niệm quan trọng ngày 15/4”, hãng CNN dẫn lời Bruce Klingner, nhà nghiên cứu tại viện chính sách Heritage Foundation và cựu phó trưởng đơn vị phụ trách Triều Tiên của Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA).
Hàn Quốc bác thông tin ‘Kim Jong Un nguy kịch’
Triệu Hằng
Lãnh đạo Triều Tiên không bị bệnh nặng, Reuters hôm thứ Ba (21/4) dẫn lời hai nguồn tin chính phủ Hàn Quốc cho biết.
Thông tin khẳng định này được đưa ra sau khi rộ các báo cáo cho rằng ông Kim Jong Un đang trong tình trạng “nguy hiểm” về sức khỏe sau khi trải qua một cuộc phẫu thuật tim.
Ông Kim Jong Un đang được điều trị sau khi trải qua phẫu thuật, một báo cáo của truyền thông Hàn Quốc cho biết vào cuối ngày thứ Hai (20/4).
Những suy đoán về sức khỏe của vị lãnh đạo Triều Tiên dấy lên sau khi ông vắng mặt trong một sự kiện quan trọng của đất nước trong tháng này.
Theo CNN, ông Kim Jong Un được cho đã vắng mặt trong lễ kỷ niệm ngày sinh của ông nội, cố chủ tịch Kim Nhật Thành (Kim Il Sung), vào ngày 15/4. Lần cuối cùng Kim Jong Un xuất hiện trước công chúng là tại một cuộc họp chính phủ vào 4 ngày trước đó (11/4).
Các báo cáo về sức khỏe của Kim là không đúng, Reuters dẫn lời hai nguồn tin chính phủ Hàn Quốc cho biết.
Văn phòng Nhà Xanh của Tổng thống Hàn Quốc cũng cho biết không có dấu hiệu bất thường nào từ phía Triều Tiên.
https://www.dkn.tv/the-gioi/han-quoc-bac-thong-tin-kim-jong-un-nguy-kich.html
Hồng Kông bắt người quy mô lớn trong đại dịch
Bảo Thư
Trong khi toàn thế giới đang đối phó dịch viêm phổi Trung Quốc, thì vào ngày 18/4 chính phủ Hồng Kông đã bắt giữ 15 nhân vật quan trọng thuộc Đảng Dân chủ, bao gồm Lý Trụ Minh (Martin Lee) – người được xem là “Cha đẻ của Dân chủ Hồng Kông”, và Ngô Ái Nghi (Margaret Ng), cựu thành viên Hội đồng Lập pháp.
Vào ngày 18/4, Luật sư cấp cao Hồng Kông Lý Trụ Minh, Cựu Chủ tịch Đảng Dân chủ Hà Tuấn Nhân (Albert Ho), Phó Chủ tịch Đảng Lao động Lý Trác Nhân (Lee Cheuk-yan), Chủ tịch Liên minh Dân chủ Xã hội Hoàng Hạo Minh (Raphael Wong), Phó Chủ tịch Liên minh Dân chủ Xã hội Lương Quốc Hùng (Leung Kwok-hung), Trưởng thư ký Liên minh Dân chủ Xã hội Ngô Văn Viễn (Avery Ng) và Lê Trí Anh (Jimmy Lai ) – Chủ tịch Tập đoàn Next Digital, cùng 15 đại biểu của Đảng Dân chủ bất ngờ bị Cảnh sát Hồng Kông bắt giữ.
Cảnh sát Hồng Kông tuyên bố, họ bị nghi ngờ tham gia hoặc từng tổ chức các cuộc tuần hành phản đối luật dẫn độ nhưng chưa được phê chuẩn. Văn phòng Liên lạc Hồng Kông và Macao tuyên bố rằng, họ – những người bị bắt – đã cố tình diễn giải sai lệch Luật cơ bản.
Tuy nhiên, Đảng Dân chủ Hồng Kông đã chỉ trích hành động của cảnh sát Hồng Kông là “đàn áp chính trị”.
Lương Gia Kiệt (Alan Leong), một luật sư cao cấp ở Hồng Kông kiêm Chủ tịch Đảng dân sự cho biết: “Tôi nghĩ rằng, vào thời điểm này, việc bắt giữ những nhân sĩ dân chủ quy mô lớn như vậy, có thể là vì ĐCSTQ muốn biện minh cho chính mình, trong đợt dịch viêm phổi Trung Quốc lần này, khi chính nó xử lý có sai lầm. Vì để tìm lối thoát, nên ĐCSTQ biến Hồng Kông thành sân sau, hoàn toàn khóa chặt và kiểm soát Hồng Kông trong lòng bàn tay, để tiện triển khai với toàn bộ chiến lược của mình”.
Lưu Tuệ Khanh (Emily Lau), Chủ tịch Đảng Dân chủ Hồng Kông: “Các ông nói họ đã tham gia (tuần hành) để bắt họ, nhưng đây là chuyện xảy ra từ nhiều tháng trước. Khoảng tháng 8, tháng 10 năm ngoái, tại sao đến bây giờ mới bắt người? Chúng ta đều hy vọng viêm phổi Trung Quốc sẽ xử lý sớm nhất có thể. Tuy nhiên, chính phủ không đi giải quyết vấn đề này (tình hình dịch bệnh) mà lại là đi bắt người. Họ (chính phủ Hồng Kông) không có ý định giúp Hồng Kông giải quyết vấn đề dịch bệnh viêm phổi , mà là đấu tranh chính trị, vì vậy tôi nghĩ họ đã rất sai lầm”.
Nhiều chính trị gia trên thế giới cũng lên án hành vi này.
Vào ngày 19/4, Ngoại trưởng Hoa Kỳ, ông Pompeo đã đưa ra một tuyên bố lên án chính phủ Hồng Kông, cho biết: “Hành động của chính quyền Bắc Kinh và đại diện của họ ở Hồng Kông trái với lời hứa trong “Tuyên bố chung của hai nước Anh -Trung”
Bộ trưởng Tư pháp Mỹ, ông William Barr cũng đưa ra một tuyên bố, rằng vụ việc đã cho thấy: “Các giá trị quan của Đảng Cộng sản Trung Quốc trái ngược với các giá trị quan của các nền dân chủ phương Tây, và một lần nữa cho thấy Đảng Cộng sản Trung Quốc không thể tin tưởng được”.
Một nhân vật nữa cũng luôn ủng hộ phong trào dân chủ Hồng Kông là Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ, bà Nancy Pelosi đã viết trên Twitter cá nhân: “Trong cuộc chiến toàn cầu chống lại bệnh viêm phổi của ĐCSTQ, nền dân chủ và nhân quyền của Hồng Kông vẫn tiếp tục bị tấn công”. Bà kêu gọi Tổng thống Trump áp dụng “Đạo luật Dân chủ và Nhân quyền Hồng Kông” (Hong Kong Human Rights and Democracy Act) cho vấn đề này.
Bộ Ngoại giao Anh cũng chỉ trích việc bắt giữ bất hợp pháp cảnh sát Hồng Kông và nhấn mạnh rằng: “Người dân Hồng Kông có quyền được biểu tình ôn hòa và được bảo vệ bởi ‘Tuyên bố chung hai nước Anh – Trung’(Sino-British Joint Declaration)và ‘Luật cơ bản’ (Hong Kong Basic Law)”.
Theo NTD
Bảo Thư dịch & biên tập
https://www.dkn.tv/the-gioi/hong-kong-bat-nguoi-quy-mo-lon-trong-dai-dich.html
TQ tự tiện đặt tên cho hàng chục đảo, thực thể trên Biển Đông
Chính quyền Trung Quốc ngày 19-4 đã công bố cái gọi là “danh xưng tiêu chuẩn” của hàng chục đảo, bãi đá và thực thể địa lý trên Biển Đông. Trong số này có những điểm nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Động thái ngang ngược mới của Trung Quốc diễn ra chỉ một ngày sau khi chính phủ nước này tuyên bố thành lập cái gọi là “quận đảo Tây Sa” và “quận đảo Nam Sa” để quản lý quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.
Các “danh xưng tiêu chuẩn” mà Bộ Dân chính và Bộ Tài nguyên Trung Quốc tự tiện công bố ngày 19-4, theo tờ Hoàn Cầu Thời Báo, được áp dụng cho “25 đảo, rạn san hô và 55 thực thể địa lý dưới biển ở Biển Đông”.
Ngoài việc ngang nhiên đặt tên cho các thực thể này, phía Trung Quốc còn công bố thêm kinh độ, vĩ độ của chúng.
Đáng chú ý, trong những thực thể này, có những bãi cạn nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, có điểm chỉ cách bờ biển Việt Nam chưa đầy 60 hải lý hoặc đường cơ sở Việt Nam khoảng 50 hải lý.
Ngày 19-4, trước việc Trung Quốc thông báo thành lập cái gọi là “quận Tây Sa” (tức quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) và “quận Nam Sa” (tức quần đảo Trường Sa của Việt Nam) tại “thành phố Tam Sa” một ngày trước đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng phát biểu: “Việt Nam đã nhiều lần mạnh mẽ khẳng định Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Lập trường nhất quán của Việt Nam là phản đối mạnh mẽ việc thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” và các hành vi có liên quan vì đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, không có giá trị và không được công nhận, không có lợi cho quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia và gây thêm phức tạp tình hình Biển Đông, khu vực và thế giới.
Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, hủy bỏ các quyết định sai trái liên quan đến những việc làm đó và không có những việc làm tương tự trong tương lai”.
Giới quan sát nhận định hành động của chính phủ Trung Quốc một lần nữa cho thấy Bắc Kinh sẽ không từ bỏ các âm mưu củng cố chủ quyền vô lý tự vẽ ra trên Biển Đông. Bất chấp các phản ứng quốc tế, Trung Quốc vẫn tiếp tục phổ biến các yêu sách chủ quyền vô căn cứ và lập luận như thể mình là nạn nhân của tình trạng không tuân thủ luật quốc tế.
Hôm 17-4, trong một tài liệu đệ trình lên Liên Hiệp Quốc, Trung Quốc đã ngang ngược cáo buộc Việt Nam “đưa quân xâm lược và chiếm đóng bất hợp pháp các đảo, đá thuộc quần đảo Nam Sa của Trung Quốc hòng tạo ra tranh chấp”.
Văn bản do phái đoàn Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc đệ trình còn nhấn mạnh Bắc Kinh đã liên tục “phản đối sự xâm lược và chiếm đóng trái phép của Việt Nam” trước khi lớn tiếng “yêu cầu Việt Nam rút tất cả người và phương tiện, thiết bị ra khỏi các đảo, đá đã xâm lược và chiếm đóng bất hợp pháp”.
Trên thực tế Trung Quốc luôn nói một đằng, làm một nẻo. Trong văn bản ngày 17-4, Bắc Kinh thậm chí không ngượng miệng và đổi trắng thay đen lịch sử.
Trung Quốc là nước duy nhất sử dụng vũ lực để kiểm soát và chiếm đóng trái phép các đảo, đá trên Biển Đông. Trong số đó phải kể đến trận chiến ngày 14-3-1988, Trung Quốc đã xua tàu chiến chiếm đá Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, giết hại 64 chiến sĩ Việt Nam.
Bất chấp sự chống trả kiên cường và phản đối quyết liệt của Việt Nam, Trung Quốc đã chiếm giữ bất hợp pháp đá Gạc Ma. Năm 2014, Trung Quốc ngang nhiên cải tạo Gạc Ma thành đảo nhân tạo và biến nó thành một tiền đồn quân sự phục vụ cho các yêu sách chủ quyền vô lý của mình trên Biển Đông.
‘Ngoại giao khẩu trang’ của TQ thắng thế ở châu Á
Chiến dịch tái thiết hình ảnh của Trung Quốc sau khi kiềm chế thành công Covid-19 bị hoài nghi ở phương Tây nhưng tại châu Á, nó đang giành được chỗ đứng.
Nhiều đội ngũ chuyên gia đã được Trung Quốc cử tới Campuchia, Philippines, Myanmar, Pakistan và sắp tới là Malaysia để chia sẻ kiến thức cùng kinh nghiệm đối phó dịch bệnh.
Bắc Kinh đã quyên góp hoặc tài trợ số lượng lớn khẩu trang y tế và máy thở cho hàng loạt nước đang cần chúng nhất. Và dù các trang thiết bị, vật tư y tế Trung Quốc không đủ điều kiện đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng của phương Tây, nó vẫn được đón nhận ở phần lớn các quốc gia châu Á.
Trung Quốc đồng thời tổ chức các “cuộc họp đặc biệt” trực tuyến với những láng giềng châu Á, gần đây nhất là cuộc họp hôm 14/4 khi Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường trình bày những kinh nghiệm của Bắc Kinh trong nỗ lực đẩy lùi dịch bệnh và tái khởi động nền kinh tế đang đình trệ với các lãnh đạo ASEAN, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Không ít chính trị gia phương Tây đã công khai đặt dấu hỏi về trách nhiệm của Bắc Kinh trong đại dịch và cách họ xử lý khủng hoảng sau đó. Tuy nhiên, các lãnh đạo châu Á, bao gồm Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, ngần ngại đổ lỗi cho Bắc Kinh. Bản thân họ cũng đang đối mặt với chỉ trích ở trong nước vì không sớm đóng cửa biên giới với Trung Quốc nhằm ngăn virus xâm nhập.
Một quan chức ở châu Á cho hay giữa lúc virus lan toàn cầu, tạo nên cơn khủng hoảng rộng khắp, sự chú ý đã không còn tập trung vào giai đoạn đầu của đợt bùng phát, khi những tiếng nói bất bình trong cộng đồng được phát đi rõ ràng nhất.
“Giờ đây, tất cả mọi người chỉ muốn vượt qua cách ly”, ông nói. “Trung Quốc rất hữu ích đối với chúng tôi. Họ còn gần với chúng tôi nên việc nhận các lô hàng cũng dễ dàng hơn. Vật tư y tế vẫn tiếp tục được chuyển đến, thứ chúng tôi đang rất cần”.
Quan chức trên cho biết dù đội ngũ chuyên gia Bắc Kinh cử tới chủ yếu chỉ quan sát và đưa ra lời khuyên, hành động đó vẫn được coi trọng.
Một quan chức châu Á khác nhận xét phản ứng chậm trễ của phương Tây trong xử lý Covid-19 đã mang đến lợi thế cho Trung Quốc mặc dù ban đầu họ được cho là không minh bạch về dịch bệnh.
“Phương Tây không làm tốt (trong nỗ lực dập dịch)”, ông nói và thêm rằng chính phủ của ông đã học tập Trung Quốc, sử dụng tuyên truyền để định hướng dư luận và thúc đẩy lòng yêu nước giữa thời kỳ khủng hoảng.
“Vì dịch bệnh bùng phát đầu tiên ở Trung Quốc, nó giúp chúng tôi có thêm thời gian để quan sát xem cách làm nào hiệu quả tại Trung Quốc và ứng dụng chúng cho nước mình”, ông này nói.
Các chuyên gia tại châu Á nhận định chiến dịch “ngoại giao khẩu trang” của Bắc Kinh nhằm xây dựng lại hình ảnh sau Covid-19 rõ ràng gặp phải ít kháng cự hơn ở khu vực.
“Khoảng hai tháng qua, Trung Quốc, sau khi kiểm soát thành công Covid-19, đã phối hợp nhiều nỗ lực để định hình lại dư luận, dập tắt những tiếng nói cho rằng Trung Quốc phải chịu trách nhiệm với đại dịch toàn cầu hiện nay và rằng Trung Quốc phải bồi thường các quốc gia khác”, Richard Heydarian, cựu cố vấn chính sách của chính phủ Philippines, nói.
Shahriman Lockman, nhà phân tích cấp cao về chính sách đối ngoại và an ninh tại Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Malaysia, đánh giá trong khi Mỹ phải loay hoay xử lý khủng hoảng của riêng mình, Trung Quốc đã tìm ra mảnh đất màu mỡ tại Đông Nam Á giúp họ nuôi dưỡng hình ảnh như một người sẵn sàng ra tay giúp đỡ.
Những chuyến hàng viện trợ thiết bị, vật tư y tế được quảng bá rộng rãi từ Trung Quốc càng bồi đắp thêm cho danh tiếng này. Theo Lockman, chính phủ Trung Quốc “còn khá thành công khi xây dựng
nhận thức chung ở Đông Nam Á về cách họ đối phó với đại dịch dù ngày càng xuất hiện nhiều bằng chứng cho thấy họ hoàn toàn có thể phản ứng nhanh chóng hơn ở thời điểm dịch mới bùng phát tại Vũ Hán”.
“Khả năng và ý chí xây dựng bệnh viện từ đầu cùng việc Trung Quốc mạnh tay áp đặt lệnh phong tỏa đối với hàng trăm triệu người đang được so sánh với cách phản ứng hỗn loạn và thiếu quyết đoán ở phương Tây, đặc biệt là tại Anh và Mỹ”, ông cho biết thêm.
Aaron Connelly, nhà nghiên cứu về thay đổi chính sách và chính sách đối ngoại Đông Nam Á tại Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế trụ sở Singapore, cho rằng sự phụ thuộc của các nước châu Á vào Trung Quốc là nguyên nhân chính khiến họ ngần ngại lên tiếng đổ lỗi cho Bắc Kinh.
“Tôi thấy hầu hết giới tinh hoa chính trị và kinh doanh ở Đông Nam Á đều bỏ qua cho Bắc Kinh trước hành động che đậy thông tin ban đầu về dịch bệnh, đồng thời ca ngợi biện pháp phong tỏa toàn quốc mà họ đưa ra sau đó”, Connelly nói. “Đây có thể là lý do thúc đẩy, bởi giới tinh hoa này thực sự phụ thuộc vào thương mại và đầu tư với Trung Quốc. Họ không nhìn thấy nhiều lợi ích khi chỉ trích Trung Quốc”, Connelly nhấn mạnh.
http://biendong.net/doc-bao-viet/34236-ngoai-giao-khau-trang-cua-tq-thang-the-o-chau-a.html
TQ phản đối Australia kêu gọi điều tra về Covid-19
Trung Quốc cho rằng nghi ngờ “tính minh bạch” trong ứng phó Covid-19 của nước này là vô căn cứ, sau khi Ngoại trưởng Australia kêu gọi điều tra quốc tế.
Trong cuộc họp báo hàng ngày tại Bắc Kinh hôm nay, phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng cho biết Bắc Kinh “quan ngại sâu sắc” về những bình luận của Ngoại trưởng Australia Marise Payne, người kêu gọi mở cuộc điều tra quốc tế về nguồn gốc nCoV và cách nó lây lan.
“Chúng ta cần biết những chi tiết. Một cuộc điều tra độc lập sẽ giúp xác định nguồn gốc chủng virus này, cách ứng phó và tính cởi mở trong những thông tin được chia sẻ”, bà Payne cho biết hôm 19/4, đồng thời bày tỏ lo ngại “ở mức rất cao” về tính minh bạch của Trung Quốc.
Ông Cảnh cho rằng phát biểu của bà Payne là “hoàn toàn không có cơ sở thực tế”, nói thêm rằng việc nghi ngờ tính minh bạch của Trung Quốc là “không có căn cứ” và thiếu tôn trọng sự hy sinh của người dân nước này.
“Trung Quốc bày tỏ quan ngại sâu sắc và kịch liệt phản đối điều đó”, ông nói.
Tổng thống Mỹ Donald Trump gần đây cũng nghi ngờ tính minh bạch của Trung Quốc sau khi Covid-19 bùng phát cũng như nguồn gốc của nCoV. Ông cho biết nếu một cuộc điều tra phát hiện ra Trung Quốc “chịu trách nhiệm” trong việc để Covid-19 lây lan, họ có thể phải đối mặt với sự trừng phạt.
Covid-19 khởi phát từ thành phố Vũ Hán, Trung Quốc, hồi tháng 12/2019, đã xuất hiện tại 210 quốc gia và vùng lãnh thổ, với hơn 2,4 triệu ca nhiễm và hơn 165.000 người chết. Các chuyên gia y tế cho rằng nCoV có khả năng lây từ động vật sang người tại một chợ hải sản, nhưng nhiều người vẫn nghi ngờ virus bắt nguồn từ một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán.
Công ty CDB của Trung Cộng hủy bỏ thỏa thuận mua 29 máy bay Boeing 737 MAX
Tin từ SYDNEY, Úc – Vào hôm thứ Hai (20/4), công ty China Development Bank (CDB) Financial Leasing cho biết họ đồng ý với Boeing về việc hủy bỏ thỏa thuận mua 29 máy bay 737 MAX chưa được giao hàng, sự việc mới nhất trong một chuỗi các vụ hủy đơn đặt hàng gần đây đối với dòng máy bay bị cấm hoạt động.
Mẫu máy bay này bị cấm hoạt động trên toàn cầu trong hơn một năm sau các vụ tai nạn chết người ở Indonesia và Ethiopia. Bên cho thuê cho biết họ giữ lại một đơn đặt hàng cho 70 chiếc máy bay khác vẫn chưa được giao.
Boeing ghi nhận tổng cộng 150 khế ước hủy máy bay MAX trong tháng 3, bao gồm 75 lần từ công ty cho thuê Avolon của Ireland. Boeing vẫn đang đàm phán với FAA để tìm kiếm sự chấp thuận và đưa
máy bay này trở lại hoạt động, nhưng khách hàng của Boeing cũng đối mặt với tình trạng nhu cầu giảm mạnh do đại dịch coronavirus.
Trong một tuyên bố, Boeing cho biết họ tiếp tục hợp tác với các khách hàng của công ty cho thuê để giúp họ cân bằng danh mục đầu tư của họ trong một thị trường đầy thách thức. CDB Financial Lending cho biết tất cả các máy bay 737 MAX 10 đang được đặt hàng sẽ được chuyển sang mẫu 737 MAX 8 nhỏ hơn và 20 chuyến giao hàng sẽ được hoãn đến năm 2024, 2025 và 2026. (BBT)
https://www.sbtn.tv/cong-ty-cdb-cua-trung-cong-huy-bo-thoa-thuan-mua-29-may-bay-boeing-737-max/
Trung Cộng vắng mặt trong chương trình gây quỹ One World chống COVID-19
Vào hôm Chủ nhật (19/4), những nghệ sĩ Trung Cộng vắng mặt trong buổi phát sóng đa nền tảng của sự kiện “One World: Together at Home” để gây quỹ giúp chống lại Covid-19.
Được tổ chức bởi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và tổ chức từ thiện Global Citizen phối hợp với Lady Gaga, chương trình kéo dài tám giờ với sự góp mặt của hơn 70 ca sĩ và người nổi tiếng, bao gồm Lady Gaga, Billie Eilish, Rolling Stones, Jennifer Lopez, John Legend, Elton John, Ellen DeGeneres, Taylor Swift và nhóm nhạc pop Nam Hàn SuperM. Kể cả các cựu đệ nhất phu nhân Hoa Kỳ Michelle Obama và Laura Bush cũng xuất hiện trong chương trình.
Dù không có nghệ sĩ biểu diễn nào từ Trung Cộng, nhưng các ngôi sao Hồng Kông Eason Chan và Jackie Cheung tham gia; trong khi nghệ sĩ piano nổi tiếng Lang Lang, sinh ra ở Trung Cộngc nhưng hiện đang sống ở Hồng Kông, trình diễn cùng Celine Dion và Andrea Bocelli. Có thể sự vắng mặt của Trung Cộng có liên quan đến mối quan hệ bất ổn của quốc gia này với một số người nổi tiếng tham gia chương trình.
Vào năm 2016, Bắc Kinh cấm Lady Gaga khỏi truyền hình Trung Cộng sau khi cô gặp Dalai Lama, nhà lãnh đạo tinh thần bị lưu vong của Tây Tạng. Cựu thành viên Beatle Paul McCartney, người tham gia biểu diễn trực tuyến, gần đây khiến nhiều người ngạc nhiên bằng cách kêu gọi đóng cửa các khu chợ bán đồ tươi sống “thời trung cố” của Trung Cộng sau sự bùng phát của coronavirus.
Chương trình này không được chiếu trên truyền hình Trung Cộng hoặc trực tuyến, nhưng một số video clip được chia sẻ trên mạng truyền thông xã hội, nơi người dân đưa ra nhiều ý kiến về sự vắng mặt của Trung Cộng trong sự kiện này. (BBT)
https://www.sbtn.tv/trung-cong-vang-mat-trong-chuong-trinh-gay-quy-one-world-chong-covid-19/
Trung Quốc lớn tiếng bác bỏ chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông
Minh Hòa
Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm nay (21/4) tuyên bố họ đã đưa ra cảnh báo nghiêm khắc nhằm bác bỏ chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông, theo Reuters.
Hãng tin này cho biết, ông Cảnh Sảng, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, đưa ra tuyên bố này trong một cuộc họp báo hàng ngày. Ông ta nói rằng tuyên bố chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông là “bất hợp pháp” và việc Việc Nam cố gắng chối bỏ chủ quyền của Trung Quốc sẽ đi đến thất bại.
Bắc Kinh gần đây liên tiếp có các hành vi gây hấn ở Biển Đông, trong đó có việc đâm chìm tàu ngư dân của Việt Nam ở trong vùng biển của Việt Nam vào ngày 2/4. Chưa đầy hai tuần sau, vào ngày 14/4, Bắc Kinh ngang nhiên cho tàu khảo sát Hải Dương Địa chất 8 xâm nhập vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ở Biển Đông.
Trước đó, Việt Nam đã gửi công hàm lên Liên Hợp Quốc để phản đối lập trường của Trung Quốc ở Biển Đông và nhận được sự ủng hộ từ cả trong và ngoài nước. Hoa Kỳ sau đó lên án chính quyền Trung Quốc không được lợi dụng tình hình dịch bệnh Covid-19 để thúc đẩy lập trường ở Biển Đông.
Bắc Kinh đang tiếp tục bảo vệ yêu sách đường 9 đoạn ở Biển Đông, phớt lờ phán quyết của tòa án quốc tế ở La Hay vào năm 2016 bác bỏ cơ sở pháp lý cho yêu sách này.
Báo Channel News Asia đưa tin hôm 21/4, ông Bill Hayton, nhà nghiên cứu tại tổ chức Chatham House của Anh bình luận: “Không nước nào có thể tuyên bố chủ quyền đối với các thực thể dưới nước trừ khi
chúng ở trong phạm vi 12 hải lý tính từ đất liền. Vì vậy, Trung Quốc không biết gì về điều này hay cố tình đảo lộn luật pháp quốc tế?”
https://www.dkn.tv/the-gioi/trung-quoc-lon-tieng-bac-bo-chu-quyen-cua-viet-nam-o-bien-dong.html
Bác sĩ Lý Văn Lượng khi chết được vinh danh – ‘Ai cần những thứ này?’
Vũ Dương
Bác sĩ Lý Văn Lượng – một trong 8 “người thổi còi” đầu tiên đưa ra lời cảnh báo người dân trước khi đại dịch viêm phổi bùng phát nghiêm trọng ở Vũ Hán, sau khi qua đời liên tục nhận được “tuyên dương” của chính quyền Trung Quốc, hết sắc phong danh hiệu “liệt sĩ”, lại đến truy tặng “Huân chương Ngũ Tứ Thanh niên Trung Quốc”, khiến cộng đồng mạng không khỏi phẫn nộ.
Theo nguồn tin chính thức từ phương tiện truyền thông ĐCSTQ, “Huân chương Ngũ Tứ Thanh niên Trung Quốc (vinh dự cao nhất trao cho giới trẻ ưu tú tuổi từ 14 đến 40) khóa 24” được trao cho các cá nhân có biểu hiệu xuất sắc trong phòng chống dịch bệnh. Ngoài bác sĩ Lý Văn Lượng ra, một bác sĩ khác tên Hạ Tư Tư đã chết vì dịch bệnh cũng có tên trong danh sách 33 cá nhân được truy tặng huân chương này. Đầu tháng Tư, bác sĩ Lý Văn Lượng cùng 14 nhân viên y tế tuyến đầu khác chết vì dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán cũng đã được chính quyền Trung Quốc truy phong là anh hùng liệt sĩ chống dịch của tỉnh Hồ Bắc.
Cộng đồng mạng thấy vậy không khỏi phẫn nộ và đều để lại lời bình chế nhạo: “Người ta khi còn sống chịu đủ mọi hành hạ, cái gọi là vinh danh sau khi chết này chỉ để diễn cho những người sống xem thôi”, “Dù có nhiều huy chương hơn nữa cũng không thể che đậy tội ác của chính quyền”, “mấy thứ trao tặng huân chương này chẳng có ý nghĩa gì cả”, “Dùng cái huân chương để thay cho phản tỉnh và truy cứu trách nhiệm chăng?”, “Mấy thứ này không đủ để bù đắp cho tội ác cấm tự do ngôn luận” và “Thử hỏi người ta, ai cần những thứ này chứ?”…
Một cư dân mạng cảm khái nói: “Bác sĩ Lý, nếu anh có sống lại, anh vẫn muốn làm người thổi còi chứ? Tôi nghĩ chắc sẽ không, vì tiếng còi đó không ngăn được gì cả, trái lại còn bị chính quyền bắt bớ buộc anh phải bác bỏ tin đồn, cuối cùng anh nhận được danh hiệu liệt sĩ và huân chương. Nhưng thử hỏi ai sẽ vì để nói mấy lời chân thật để trở thành liệt sĩ chứ, vậy nên tôi nghĩ anh có thể là người thổi còi cuối cùng”.
Trước đó, Lý Văn Lượng, Hạ Tư Tư và những người khác còn được chính quyền Trung Quốc bình chọn và trao tặng danh hiệu “Cá nhân tiên tiến trong công tác phòng chống dịch bệnh viêm phổi cấp trong Hệ thống y tế sức khỏe quốc gia”.
Bác sĩ Lý Văn Lượng – bác sĩ nhãn khoa tại Bệnh viện trung tâm Vũ Hán, Trung Quốc – là một trong 8 người đầu tiên phát cảnh báo trước khi dịch bệnh viêm phổi bùng phát mạnh ở Vũ Hán. Chiều 30-12-2019, trên WeChat, bác sĩ Lý gửi tin nhắn cho một nhóm bạn học cũ, cảnh báo về 7 ca nhiễm virus đến từ một chợ hải sản địa phương mà theo anh là bệnh giống giống với hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS).
Ngay lập tức bác sĩ Lý bị cảnh sát giải đến đồn công an, bị buộc ký biên bản với nội dung “phát tán thông tin sai lệch trên mạng” dẫn tới “làm xáo trộn nghiêm trọng trật tự xã hội”. Sau đó từ chính tài khoản mạng xã hội Weibo của mình, bác sĩ 34 tuổi này thông báo mình đã bị nhiễm bệnh. Khi mọi thứ dần dần sáng tỏ, thì dịch bệnh đã lây lan rất nhanh tại Trung Quốc.
Kể từ lúc bác sĩ Lý mất đã dấy lên một làn sóng thương tiếc, phản ứng giận dữ trên các trang mạng xã hội Trung Quốc cũng như trên khắp thế giới về nghịch cảnh của anh.
Theo Secretchina.com
Vũ Dương dịch và biên tập
https://www.dkn.tv/the-gioi/bac-si-ly-van-luong-khi-chet-duoc-vinh-danh-ai-can-nhung-thu-nay.html
Tại sao chính phủ Trung Quốc lại nói dối về Đại dịch Vũ Hán?
Vanessa Đỗ
Trong một bài viết đăng trên tờ The Epoch Times vào ngày 8/4, ông Heng He, nhà bình luận của Đài phát thanh Hy Vọng (Sound of Hope Radio) và là một chuyên gia phân tích về các vấn đề Trung Quốc
cho đài truyền hình NTD, đã nói về việc liệu Mỹ và Trung Quốc có nên hợp tác để cùng nhau giải quyết dịch viêm phổi Vũ Hán hay không.
Ông He cho biết, gần đây, một nhóm gồm 100 học giả Trung Quốc đã công bố một bức thư ngỏ kêu gọi Hoa Kỳ và Trung Quốc hợp tác để chống lại virus Vũ Hán. Sau đó, Đại sứ Trung Quốc tại Hoa Kỳ, Thôi Thiên Khải (Cui Tiankai), đã thúc đẩy ý tưởng này trong một bài bình luận (op-ed – ngược chiều) trên tờ New York Times. Theo ông He, rõ ràng, đây là nỗ lực mới của ĐCSTQ nhằm biến làn sóng chống lại họ thành lợi thế.
Trước khi bàn về hợp tác Mỹ – Trung, có lẽ nên quay lại nhìn vào bản chất dối trá của chính quyền Bắc Kinh. Tại sao chính phủ Trung Quốc lại nói dối về Đại dịch Vũ Hán?
Đại dịch bắt nguồn từ sự dối trá
Cho đến nay, chính quyền Trung Quốc ở các cấp độ khác nhau đã làm mọi cách để che giấu sự bùng phát của dịch bệnh và nói dối người dân Trung Quốc và người dân thế giới.
Cụ thể, nhà cầm quyền Trung Quốc đã trừng phạt bác sĩ Ai Fen, người đầu tiên bày tỏ nghi ngờ về sự xuất hiện của một loại virus mới giống SARS, và bác sĩ Lý Văn Lượng, người lên tiếng cảnh báo về bệnh viêm phổi lạ đồng thời Bắc Kinh cũng che giấu việc virus có thể truyền từ người sang người.
Cho tới nay, không ai biết có bao nhiêu người đã bị nhiễm bệnh và bao nhiêu người đã chết vì virus Vũ Hán ở Trung Quốc. Sự dối trá và che đậy này đã gây ra tổn thất to lớn trên toàn cầu.
Câu hỏi thực sự là: Nếu họ có cơ hội để sửa sai, liệu có sự khác biệt nào không? Câu trả lời là không. ĐCSTQ sẽ vẫn làm như vậy bởi vì toàn bộ hệ thống này đều dựa trên sự dối trá và được thiết kế để lừa dối. Không có chỗ cho sự thật dưới sự cai trị của nhà cầm quyền Trung Quốc.
Hãy nhớ rằng, trước đó ĐCSTQ đã trừng phạt bác sĩ Lý vì đã nói sự thật về sự xuất hiện của virus corona chủng mới. Ngoài ra, ba phóng viên công dân, Trần Thu Thực (Chen Shiqiu), Phương Bân (Fang Bin) và Li Zehua đã bị cảnh sát Vũ Hán bắt cóc. Họ có tội gì? Họ chẳng qua chỉ là nói về những gì đã xảy ra ở Vũ Hán trong thời gian phong tỏa, và giờ họ vẫn đang mất tích.
Khi được hỏi trong cuộc phỏng vấn sau khi dịch SARS kết thúc, rằng rốt cuộc Trung Quốc đã rút ra được bài học nào, chuyên gia chống virus hàng đầu của nước này, Tiến sĩ Chung Nam Sơn (Zhong Nanshan) nói rằng lần tới sẽ không có chuyện che đậy. Và sự thật là, lần này, ĐCSTQ lặp lại mọi sai lầm mà nó đã gây ra trong đợt dịch SARS.
Điều duy nhất có thể tin được là nếu có một đợt bùng phát dịch khác trong tương lai, hẳn họ sẽ vẫn tiếp tục che đậy và dối trá.
Những lời nói dối không chỉ tồn tại trong bộ máy tuyên truyền và trong hệ thống giáo dục mà nó còn tồn tại ở khắp mọi nơi trong đất nước Trung Quốc. Đối với các quan chức Trung Quốc, không phải là tìm hiểu xem lý do tại sao họ nói dối, mà là họ chưa bao giờ học cách nói thật. Ngoài ra, những lời nói dối của ĐCSTQ được bảo vệ bởi hệ thống pháp luật. Bất cứ ai cố gắng vạch trần sự dối trá của Bắc Kinh sẽ bị hệ thống pháp luật trừng phạt.
Hợp tác hay không
Trong giai đoạn đầu của dịch bệnh, Trung Quốc đã mua gần như toàn bộ kho khẩu trang của Hoa Kỳ, từ khẩu trang thông thường đến khẩu trang N95, khiến nhân viên y tế của Mỹ không có đủ vật tư y tế cho việc bảo hộ trước virus. Đây không phải là hành động đơn lẻ của một số công ty và người Hoa ở nước ngoài, mà được cho là đã lên kế hoạch và tổ chức tốt bởi các nhà lãnh đạo hàng đầu của Trung Quốc.
Nếu mọi người đồng ý với việc Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ hợp tác để chống lại virus Vũ Hán, điều đầu tiên họ cần làm là yêu cầu chính quyền Trung Quốc ngừng nói dối và cung cấp dữ liệu thật về dịch bệnh cho cộng đồng quốc tế.
Sự hợp tác chỉ có thể bắt đầu bằng niềm tin. Trước một đại dịch đang lan rộng khắp toàn cầu, có lẽ đây là lần cuối để thế giới hiểu rõ và thức tỉnh về bản chất của nhà cầm quyền Trung Quốc.
Theo Heng He / The Epoch Times
Vanessa Đỗ dịch và biên tập
https://www.dkn.tv/the-gioi/my-trung-co-nen-hop-tac-de-chong-lai-virus-vu-han.html
Covid-19: Trung Quốc bị tố cáo gây họa cho thế giới vì giảm nhẹ số liệu
Trọng Nghĩa
Ngày 20/04/2020, Pháp đã vượt mốc 20.000 ca tử vong vì dịch Covid-19, ghi tên mình vào danh sách các nước có số người chết vì dịch bệnh cao nhất hành tinh, sau Mỹ, Ý và Tây Ban Nha. Những số liệu cực cao tại các quốc gia phương Tây đã nêu bật tính chất khác thường của các số liệu tương đối thấp mà Bắc Kinh đã công bố về dịch bệnh, cho dù Trung Quốc là nơi virus corona xuất phát.
Vấn đề tính xác thực của số liệu về Covid-19 tại Trung Quốc còn trong vòng bàn cãi, nhưng trong thời gian gần đây, ngày càng có nhiều tiếng nói vang lên, cho rằng việc Trung Quốc giảm nhẹ mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh là một trong những nguyên nhân dẫn đến đại họa mà toàn thế giới đang phải gánh chịu.
Điểm qua các thống kê về diễn biến của dịch Covid-19 từ lúc bùng lên tại Trung Quốc cho đến nay, có một thực tế không thể chối cãi: Số liệu chính thức của Trung Quốc thấp một cách lạ thường.
Căn cứ vào bảng cập nhật cho đến sáng ngày 21/04 của đại học Mỹ Johns Hopkins, Hoa Kỳ là nước có nhiều người nhiễm virus corona nhất trên thế giới, với gần 800.000 ca, theo sau là Tây Ban Nha, hơn 200.000 ca, rồi đến Ý, Pháp, Đức và Anh, đều đã vượt xa mốc 100.000 ca.
Còn Trung Quốc thì sao? Số ca nhiễm tại nơi xuất phát của dịch bệnh ổn định ở mức hơn 80.000 ca, đứng hàng thứ 8 thế giới về số người bị lây nhiễm.
Số liệu về các ca tử vong cũng cho thấy cách biệt rất lớn giữa Trung Quốc với các nước bị nặng nhất, đa phần là ở phương Tây.
Kể cả sau khi đã điều chỉnh cao hơn gấp rưỡi số tử vong vì Covid-19 tại tâm dịch Vũ Hán, Trung Quốc vẫn chỉ ghi nhận 4.636 người chết, thua xa các nước đầu bảng như Mỹ đứng đầu thế giới với 42.364 người chết, theo sau là Ý với 24.114 người, Tây Ban Nha 20.852 người, Pháp với 20.265 người, Anh 16.509 người, Bỉ 5.828 người, Iran 5.209 người.
Mặt khác, số liệu bình quân các ca nhiễm hay tử vong theo tổng số dân của từng nước đã làm lộ rõ tính chất quá thấp của thống kê chính thức tại Trung Quốc.
Trường đại học Mỹ Johns Hopkins chẳng hạn, đã dựa trên số liệu tính đến ngày 16/04 để thử so sánh số ca tử vong vì Covid-19 so với dân số của mỗi nước.
Kết quả rất đáng ngạc nhiên vì theo cách tính này, nước Bỉ vốn ít dân (hơn 11 triệu người) lại đứng đầu thế giới về số trường hợp tử vong vì virus corona, với tỷ lệ 425,2 phần triệu, theo sau là Tây Ban Nha, Ý và Pháp. Còn Mỹ, nước có 330 triệu dân, xếp thứ chín với tỷ lệ 106 phần triệu.
Riêng Trung Quốc, với cả tỷ dân, thì đứng gần như là cuối bảng với một tỷ lệ 24 phần 1000.000.
Nhận xét về số liệu này, một nhà bình luận cho đài truyền hình Pháp LCI ngày 17/04 cho rằng nếu các số liệu của Trung Quốc xác thực, thì nước này “gần như là không hề hấn gì!”.
Dịch bệnh càng tàn phá dữ dội trên thế giới càng làm tăng nghi vấn về tính xác thực của các số liệu thống kê về Covid-19 mà Trung Quốc đưa ra. Trước các yêu cầu minh bạch hóa càng lúc càng nhiều, Bắc Kinh chỉ có một câu trả lời duy nhất là họ không hề che giấu điều gì.
Đối với giới chuyên gia phân tích, chính việc Trung Quốc không nói thật về quy mô của dịch bệnh khi mới bùng lên đã làm cho hầu như cả thế giới thiếu cảnh giác đối phó, để xẩy ra thảm họa như ngày nay.
Trả lời phỏng vấn của nhật báo La Croix ngày 17/04 nhà nghiên cứu Philippe Ravaud, giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu Dịch Tễ Học và Thống Kê CRESS tại Pháp đã không ngần ngại cho rằng “Việc số người chết bị giảm thiểu tại Trung Quốc đã tác hại đến công cuộc chuẩn bị chống đại dịch”
Đối với ông Ravaud, cộng đồng khoa học hầu như đều nhất trí cho rằng số ca tử vong vì virus corona mà chính quyền Trung Quốc đưa ra là không chính xác. Bản thân ông cũng “không thể tưởng tượng ra được rằng ở Trung Quốc chỉ có vài ngàn ca tử vong, trong khi nhiều nước châu Âu thì số người chết cao hơn gấp bội”.
Theo chuyên gia Pháp, các thộng tin mà phía Trung Quốc cung cấp về vấn đề này rất thiếu sót, một cách vô tình hay cố ý thì chưa thể biết được, nhưng rõ ràng là hoàn toàn không đầy đủ.
Chuyên gia Ravaud công nhận rằng về mặt các thông tin khoa học, quả là phía Trung Quốc đã cung cấp rất nhiều dữ liệu cho cộng đồng khoa học quốc tế, dưới hình thức các công bố chính thức, hoặc dưới dạng các bài nghiên cứu ban đầu được thông báo ngay cho giới khoa học để tham khảo trước mà không cần chờ được các đồng nghiệp xét duyệt kỹ lưỡng hay được công bố chính thức.
Thế nhưng, vấn đề là không thể biết được là các dữ liệu đó có bao gồm tất cả các thông tin quan trọng hay không, hay là có một phần đã bị chặn lại. Với khối lượng dữ liệu khổng lồ được công khai hóa, người ta không thể thực sự ước tính xem mức độ thiếu sót là bao nhiêu, 20%, 30% hay 50%.
Mặt khác, nhà nghiên cứu Pháp nhắc lại rằng “trong thời kỳ xảy ra khủng hoảng lớn, như trường hợp ở Vũ Hán, ưu tiên của bác sĩ hoặc nhà khoa học không nhất thiết là phải thông tin hoặc công bố những gì họ phát hiện.
Đối với chuyên gia Ravaud, sai lầm của Trung Quốc là đã cảnh báo quá muộn về dịch bệnh và những nguy cơ đến từ con virus.
Trả lời báo La Croix, nhà nghiên cứu Pháp đã xác định : “Đối với tôi, đây là tội lỗi nguyên thủy của cách giao tiếp của Trung Quốc. Làm sao chúng ta có thể tưởng tượng rằng sẽ có hàng trăm ngàn người chết ở châu Âu khi mà trên lý thuyết chỉ có vài nghìn ca tử vong ở Trung Quốc, một đất nước có hơn một tỷ dân? Ngay từ đầu, nhiều chuyên gia đã tin vào số người chết được công bố tại Trung Quốc và căn cứ vào đó để giảm thiểu nguy cơ dự kiến của dịch Covid-19 tại châu Âu.
Việc ước tính ít đi số lượng người chết ghi nhận ở Trung Quốc đã tác động đến công cuộc chuẩn bị chống đại dịch tại tất cả các quốc gia khác. Trên bình diện đánh giá rủi ro, việc khuyến cáo chính phủ rằng sẽ phải đối phó với một đợt dịch đã khiến 100.000 người chết hoàn toàn khác biệt với khuyến cáo trong trường hợp chỉ có 3.000 người thiệt mạng.”
Chuyên gia Ravaud kết luận: “Kinh nghiệm của quốc gia đã bị dịch rất quan trọng đối với các nước mới bị ảnh hưởng, do đó phải được báo cáo một cách hoàn toàn minh bạch. Việc chia sẻ các dữ liệu này trên phạm vi quốc tế rất quan trọng vì nó cho phép quan sát cách dịch bệnh phản ứng với từng chiến lược đối phó và hỗ trợ cho cách hoạch định các chiến lược giảm phong tỏa sau dịch bệnh”.
Thêm một hổ lớn bị bắt, phơi bày tội ác liên quan đến Giang Trạch Dân
Bảo Thư
Ông Tôn Lực Quân (Sun Lijun), Thứ trưởng Bộ Công an của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), vào tối ngày 19/4 bất ngờ bị điều tra và có liên quan đến tội ác của cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân.
Có bình luận cho rằng, việc bắt ông Tôn gây ảnh hưởng lớn không hề thua kém việc điều tra hai con hổ lớn – ông Quách Bá Hùng (Guo Boxiong) và ông Từ Tài Hậu (Xu Caihou), theo NTD.
Tội danh hiếm thấy của Tôn Lực Quân
Tôn từng là Cục trưởng Cục An ninh Quốc gia Trung Quốc và là giám đốc thứ 26 của Phòng 610 – nơi liên quan đến các tội ác cốt lõi của phe phái Giang Trạch Dân, cũng từng là Giám đốc Văn phòng các vấn đề Hồng Kông, Macao và Đài Loan.
Vì thế, việc ông Tôn bị bắt điều tra mà không hề thông báo trước, khiến dư luận thế giới cực kỳ quan tâm.
Triệu Khắc Trí (Zhao Kezhi), Bộ trưởng Bộ Công an Trung Quốc, đã thông báo tại một cuộc họp của đảng ủy rằng ông Tôn bị điều tra vì “không biết kính nể, tuỳ ý làm càn”.
Đây là lần đầu tiên quan chức Trung Quốc bị điều tra với tội danh “không biết kính nể”. Các nhà quan sát cho rằng, đây là một cách nói “uyển ngữ” về hành vi chống lại ông Tập Cận Bình của Tôn Lực Quân.
Trước khi Tôn “thất thủ”, Trung Nam Hải đã thực hiện một cuộc điều chỉnh nhân sự.
Cụ thể, ông Lý Văn Chương đã thay thế ông Thư Hiểu Cầm – thân tín của Mạnh Kiến Trụ, đảm nhiệm Phó Bí thư Quốc Vụ Viện và Cục trưởng Cục Thỉnh nguyện Quốc gia.
Vào ngày 15 /4, Dương Kiện (Yang Jian), Trần Đông (Chen Dong) và Dương Kiện Bình (Yang Jianping) cùng 7 phó giám đốc Văn phòng Liên lạc Chính phủ Nhân dân Trung ương tại Đặc khu hành chính Hồng Kông cùng bị cắt chức.
Tôn Lực Quân có liên quan đến các tội ác cốt lõi của ĐCSTQ
Nơi ông Tôn làm việc – Cục An ninh Quốc gia, là bộ phận quan trọng nhất của Bộ Công an, chịu trách nhiệm về an ninh chính trị trong nước, bao gồm thu thập, phân tích tình báo và xử lý sự cố, v.v.
Sau khi ra lệnh đàn áp Pháp Luân Công vào tháng 7/1999, Giang Trạch Dân đã thành lập Cục an ninh quốc gia Bộ Công an và các cơ quan tương ứng ở cấp tỉnh, nằm dưới sự chỉ huy của “Phòng 610” trung ương, chuyên thực hiện nhiệm vụ đàn áp, bắt bớ các học viên Pháp Luân Công.
Trong những năm gần đây, bằng chứng tội ác cướp mổ nội tạng sống của các học viên Pháp Luân Công và các tù nhân lương tâm của ĐCSTQ đã được phơi bày ra quốc tế.
“Tòa án Nhân dân Độc lập” điều tra việc mổ cướp nội tạng của ĐCSTQ, đã tuyên bố phán quyết của mình tại Luân Đôn vào ngày 17/6/2019, xác thực hoạt động mổ cướp nội tạng của ĐCSTQ đã tồn tại trong nhiều năm và vẫn đang tiếp diễn, trong đó các học viên Pháp Luân Công là nguồn cấp tạng chủ yếu.
Giới dư luận nhận định, ông Tôn Lực Quân không thể nào thoát khỏi tội đàn áp các học viên Pháp Luân Công và vi phạm nhân quyền, khi nhậm chức Thứ trưởng Bộ Công an và Giám đốc Phòng 610.
Theo tỷ phú Quách Văn Quý (Guo Wengui), người sống lưu vong ở Hoa Kỳ, thì ông Mạnh Kiến Trụ từng giúp con trai cả của Giang Trạch Dân là Giang Miên Hằng nhiều lần thay thận, hơn nữa mẹ ông Mạnh cũng từng nhiều lần ghép thận.
Nguồn thận do tâm phúc của Mạnh là Tôn Lực Quân tìm kiếm từ hai tù nhân trong tù, sau đó hạ thủ và cướp mổ nội tạng.
Bên cạnh đó, có nhiều ý kiến cho rằng Tôn Lực Quân từng là Giám đốc Văn phòng các vấn đề Hồng Kông, Macao và Đài Loan, trong Phong trào phản đối dự luật dẫn độ sang Trung Quốc ở Hồng Kông, sự mất tích và cái chết của hàng ngàn sinh viên, người dân ở Hồng Kông rất có thể liên quan đến Tôn Lực Quân.
Theo NTD
Bảo Thư dịch và biên tập
Cựu Ngoại trưởng Philippines, chuyên gia Australia chỉ trích TQ
Cựu Ngoại trưởng Philippines kêu gọi phản đối việc Trung Quốc thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” nhằm khẳng định yêu sách phi lý trên Biển Đông trong lúc các nước đang đối phó với dịch Covid-19.
“Chúng tôi kêu gọi chính phủ phản đối hành động gần đây của Trung Quốc, tương tự cách làm đúng đắn của chúng ta hôm 8/4 về vụ tàu cá Việt Nam bị đâm chìm”, Cựu Ngoại trưởng Philippines Del Rosario cho biết trong thông báo phát đi ngày 19/4.
Trung Quốc ngày 18/4 đã thông báo thành lập cái gọi là “quận Tây Sa” (tức quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) và “quận Nam Sa” (tức quần đảo Trường Sa của Việt Nam) tại “thành phố Tam Sa”.
Cựu Ngoại trưởng Philippines cáo buộc Trung Quốc lợi dịch đại dịch Covid-19 để thúc đẩy các yêu sách “phi pháp” tại Biển Đông.
“Những động thái này cho thấy Trung Quốc vẫn không ngừng lợi dụng đại dịch Covid-19 trong khi nước này tiếp tục theo đuổi các yêu sách phi pháp và bành trướng trên Biển Đông, gây tổn hại cho Philippines, các nước ASEAN và cộng đồng quốc tế”, ông Del Rosario nói.
Trước đó, Bộ Ngoại giao Philippines ngày 8/4 ra thông cáo, bày tỏ “sự quan ngại sâu sắc” về vụ việc một tàu cá của Việt Nam bị tàu Trung Quốc đâm chìm ở Biển Đông vào ngày 3/4/2020. Thông cáo cho biết Philippines “coi trọng việc duy trì hoà bình và ổn định ở Biển Đông, đồng thời lưu ý rằng những vụ việc như vậy làm suy yếu tiềm năng xây dựng mối quan hệ khu vực thực sự sâu sắc và đáng tin cậy giữa ASEAN và Trung Quốc”.
Hành động bất hợp pháp
Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã tăng cường sự hiện diện phi pháp tại Biển Đông, ngang nhiên bồi đắp các đảo nhân tạo, xây dựng các căn cứ quân sự, đường băng và triển khai trái phép tên lửa đất đối không.
Chuyên gia Carl Thayer, một nhà phân tích về Biển Đông, gọi những hành động mới nhất của Trung Quốc là “khiêu khích”, “bất hợp pháp” và không có cơ sở theo luật pháp quốc tế.
“Luật quốc tế không công nhận chủ quyền có được thông qua hành động xâm chiếm”, ông Thayer nói.
Hành động của Trung Quốc cũng vi phạm Tuyên bố về Ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC) được Trung Quốc và các nước ASEAN thông qua hồi năm 2002.
Ông Thayer đề cập đến Điều 5 của DOC, trong đó nêu rõ: “Các bên cam kết tự kiềm chế trong việc tiến hành các hoạt động có khả năng làm phức tạp hoặc leo thang tranh chấp cũng như ảnh hưởng đến hòa bình và sự ổn định tại Biển Đông”.
“Hành động đơn phương của Trung Quốc làm phức tạp nghiêm trọng tranh chấp trong khu vực và ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định ở biển Đông”, ông Thayer nhận định, đồng thời cho biết chính quyền Trung Quốc sẽ đưa ra các “quy định và chỉ thị” ảnh hưởng nghiêm trọng tới chủ quyền của Việt Nam.
Singapore từ hình mẫu tới tâm dịch Đông Nam Á
Chưa đầy một tháng trước, Singapore vẫn được ca ngợi như một “hình mẫu” chống Covid-19, nhưng đảo quốc giờ ghi nhận số ca nhiễm cao nhất khu vực.
Singapore đầu tháng 3 được cả thế giới nhìn vào, khi có thể kiểm soát hiệu quả đợt bùng phát đầu tiên của Covid-19 mà không cần áp các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt vốn đang ảnh hưởng nặng nề tới hàng triệu người ở các quốc gia khác trên thế giới.
Đảo quốc này được đánh giá có nhiều lợi thế hơn các quốc gia khác trong cuộc chiến với Covid-19, khi chỉ có 5,7 triệu dân và diện tích khoảng 700 km2, nhỏ hơn diện tích thành phố New York, Mỹ. Singapore cũng chỉ có biên giới đường bộ với Malaysia và có thể kiểm soát nghiêm ngặt người nhập cảnh ở các sân bay. Ngoài ra, nước này còn có hệ thống y tế hàng đầu thế giới và thường có những chính sách, quy định khá nghiêm khắc, có thể giúp ích cho chính phủ trong việc kiểm soát dịch.
Nhưng khi mọi thứ tưởng như đã trong tầm kiểm soát, đợt sóng Covid-19 thứ hai bùng phát mạnh mẽ ở nước này. Ngày 17/3, số ca nhiễm nCoV ở Singapore chỉ là 266, nhưng hiện giờ, con số này tăng vọt lên gần 6.600, trở thành vùng dịch lớn nhất Đông Nam Á. Đảo quốc này hiện ghi nhận 11 ca tử vong.
Lý giải nguyên nhân Singapore “vỡ trận”, biên tập viên James Griffiths của CNN nhận định việc đánh giá thấp mức độ nghiêm trọng và tốc độ lây lan của Covid-19 là yếu tố đầu tiên.
Trong đợt bùng phát Covid-19 đầu tiên, Singapore đã sàng lọc và truy vết lịch sử tiếp xúc để đảm bảo tất cả ai nhập cảnh bằng đường hàng không vào quốc gia này đều được cách ly và theo dõi sát sao.
Đồng thời, Singapore cũng đẩy mạnh các chiến dịch nâng cao nhận thức cộng đồng để khuyến khích người dân thực hiện các biện pháp phòng ngừa. Những khu cách ly trong các bệnh viện được thiết lập từ đợt bùng phát SARS năm 2003 giúp bệnh nhân có thể được điều trị một cách an toàn nhất có thể, đồng thời ngăn nguy cơ nhiễm bệnh cho nhân viên y tế.
“Singapore không để bất kỳ người nhiễm nCoV nào sống trong cộng đồng”, Dale Fisher, chủ tịch nhóm kiểm soát bệnh truyền nhiễm ở Bệnh viện Đại học Quốc gia Singapore, chia sẻ ý kiến về yếu tố giúp đảo quốc này khống chế dịch thành công.
Những người có kết quả dương tính với nCoV, dù triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng, đều phải nhập viện điều trị cho tới khi có kết quả âm tính, thay vì được về nhà tự cách ly, theo Fisher.
Bằng việc xét nghiệm rộng khắp và cách ly tất cả người có nguy cơ nhiễm nCoV, Singapore đã có thể duy trì mở cửa đất nước và các hoạt động như bình thường.
“Ở Singapore, chúng tôi muốn cuộc sống tiếp tục diễn ra như bình thường. Chúng tôi muốn các doanh nghiệp, nhà thờ, nhà hàng và trường học được mở cửa. Đó chính là thành công. Mọi thứ vẫn tiếp tục và có sự điều chỉnh khi cần thiết. Bạn sẽ tiếp tục làm như vậy cho tới khi có vaccine hoặc cách điều trị”, Fisher tháng trước cho biết, trước khi đảo quốc này hứng chịu đợt bùng phát mới.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/34235-singapore-tu-hinh-mau-toi-tam-dich-dong-nam-a.html