Tin Biển Đông – 20/04/2020

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Biển Đông – 20/04/2020

Biển Đông: Bước tiến mới dọn đường của Trung Quốc?

Quốc Phương – BBC News Tiếng Việt –  Giới phân tích nói với BBC Trung Quốc có thể đang dọn đường cho hành động bất ngờ và quyết đoán hơn ở Biển Đông và khu vực.

Đi kèm với các tuyên bố, quyết định gây tranh cãi về thành lập các đơn vị hành chính trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở Biển Đông, Trung Quốc đồng thời tiến hành nhiều hành động quyết đoán trên thực địa. Có thể kể đến việc Trung Quốc điều tàu thăm dò và hải cảnh xuống Biển Đông, tập trận hải quân ở vùng biển khu vực, cho xuất hiện tàu hải quân ở eo biển Đài Loan, thậm chí có động thái gây chú ý ở Biển Hoa Đông, gần Nhật Bản.

Các động thái này báo hiệu một đổi mới nâng cấp “dọn đường” trong kế hoạch và ý đồ của Trung Quốc ở Biển Đông và khu vực trong giai đoạn mới, trong bối cảnh đại dịch toàn cầu Covid-19 chưa chấm dứt. Trung Quốc đòi hỏi Việt Nam và các quốc gia trong khu vực và có liên quan, quan tâm phải hết sức tỉnh táo, cảnh giác và đề phòng, theo một số ý kiến từ giới quan sát và phân tích an ninh, chính trị khu vực.

Không loại trừ khả năng nào

Nhận định tình hình trên hôm 20/4/2020 từ Hà Nội, Tiến sỹ Trần Công Trục, nguyên Trưởng Ban Biên giới Chính phủ Việt Nam, nói với BBC News Tiếng Việt:

“Tôi nghĩ rằng dùng chữ bàn đạp cũng có thể được, nhưng đây có thể nói là những mũi tiến công dọn đường, chuẩn bị cho những chiến dịch mới của Trung Quốc, mạnh mẽ hơn, lớn hơn mà khả năng của nó có thể là dùng quân sự, có thể là dùng phối hợp với các biện pháp dân sự, kinh tế, kỹ thuật mà thường được gọi là chiến tranh mềm. Để mà gây sức ép buộc các nước khác thừa nhận yêu sách phi lý của họ.”

Liên quan tới hai điểm đang được quan tâm về an ninh, quân sự ở khu vực và trên Biển Đông hiện nay là Trường Sa và eo biển Đài Loan, Tiến sỹ Trần Công Trục nói tiếp:

“Đây là những điểm rất đáng quan tâm, đáng suy nghĩ mà theo tôi chúng ta không loại trừ khả năng Trung Quốc bất ngờ có hành động quân sự đồng thời hoặc liền chuỗi ở hai điểm này, bởi vì Trung Quốc như mọi người biết, trong khi họ thực hiện các chiến lược của mình, thì họ thường áp dụng kế sách dương đông – kích tây, rồi gây rối loạn nhiều nơi, để mà họ có thể đục nước béo cò v.v…

“Lần này, chỉ riêng chuyện họ di chuyển các con tàu để gọi là “nghiên cứu” đó, xuống biển Đông và nam Biển Đông và dưới danh nghĩa là tự do hàng hải, theo quy định của Công ước Quốc tế về Luật Biển, thế nhưng họ đi nhưng mà không phải để mà đi chơi.

“Họ sẽ làm cái gì đấy, nhưng có thể gây ra một sự chú ý, đánh lạc hướng nào đó, để họ tiến hành một hoạt động mạnh mẽ hơn khác, ở vùng khác, trong đó vấn đề eo biển Đài Loan cũng không thể loại trừ khả năng này.”

Liệu có “nuốt nổi?”

Từ Đại học Maine, Hoa Kỳ, Giáo sư Ngô Vĩnh Long, sử gia, nhà nghiên cứu Trung Quốc học, bình luận:

“Người Mỹ có một câu nói là Trung Quốc đang cắn một miếng rất là lớn, nhưng không có thể nuốt nổi.

“Chính với Đài Loan bây giờ, Đài Loan cũng có thái độ rất là cương quyết đối với Trung Quốc và họ cương quyết hơn những năm trước.

“Và những chuyện gì xảy ra ở trong khu vực đó thì cũng sẽ ảnh hưởng đến các nước như Hàn Quốc và Nhật Bản, chưa nói là ảnh hưởng đến các nước khác.

“Cho nên đe dọa Đài Loan còn chưa được, huống chi là cùng một lúc lại phô trương với tất cả các nước ở trong khu vực và ven Biển Đông.

“Tôi nghĩ rằng Trung Quốc đã phô trương quá nhiều và điều đó sẽ có tác hại cho Trung Quốc về xa về dài.

“Tôi cho rằng Việt Nam đến nay phản ứng vừa phải, nhưng vẫn còn dè dặt, mà tôi nghĩ Việt Nam không cần phản ứng thẳng với Trung Quốc.

“Nghĩa là phản ứng như vậy cũng đã là đầy đủ rồi, bây giờ Việt Nam nên đem những vấn đề vừa xảy ra trước công luận của thế giới, mà đặc biệt ở vùng châu Á – Thái Bình Dương nói chung và Đông Nam Á nói riêng.

“Bởi vì dầu sao đi nữa, Việt Nam cần vận động các nước láng giềng của mình để đương đầu với Trung Quốc, còn các nước khác ngoài khu vực như là Ấn Độ, Úc, Mỹ, Nhật Bản, cái đó là vấn đề lâu dài, bây giờ họ rất là bận tâm nhiều chuyện khác.

“Thì vận động gọi là cũng được rồi, nhưng mà nay là cơ hội cho Việt Nam vận động thêm các nước láng giềng của mình để có một để có một cuộc đương đầu tốt hơn đối với Trung Quốc.”

Trung Quốc đạt kết quả?

Cùng ngày 20/4, Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu cao cấp khách mời thuộc viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS, Singapore), nói với BBC:

“Nhật Bản, Úc, Ấn Độ hành động theo khung Ấn – Thái Dương (Indo-Pacific), ngoài ra, Nhật, Úc hoạt động trên cơ sở đồng minh chiến lược của Mỹ.

“Các nước Asean, thì có bốn nước có tranh chấp quyền ở Biển Đông, những nước này đang cùng với toàn bộ 6 nước khác trong Asean đàm phán Bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông (COC) với Trung Quốc, không có kết quả mong muốn.

“Chính sách chia để trị của Trung Quốc nhiều năm nay có vẻ có một số tác dụng, tuy nhiên từ 2016, sau phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA), Philippines, Malaysia và Việt Nam đã có một số hợp tác để chống lại việc độc chiếm biển Đông của Trung Quốc.

“Đến nay, tất cả các nước, kể cả Nhật Bản, Úc, Ấn Độ, đều theo đuổi các biện pháp hòa bình.

“Trung Quốc luôn coi các tính toán và hành động của họ đối với Biển Đông là khả thi. Đến nay, các hành động dựa trên vũ lực của Trung Quốc, chiếm giữ các đảo, đắp đảo, quân sự hóa ở biển Đông một cách phi pháp, các hoạt động phi pháp khác, đều có kết quả như Trung Quốc mong muốn.

“Cộng đồng quốc tế theo tôi chưa hề có các biện pháp khả thi nào để ngăn chặn Trung Quốc ở Biển Đông. Các nước có tranh chấp ở Biển Đông đến nay, mới chỉ có Philippines khởi kiện Trung Quốc, nhưng phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) 2016 cho Philippines không được Trung Quốc công nhận và tuân thủ.

“Tuyên bố Tứ Sa và tuyên bố Lưỡi Bò đều mập mờ và đều là công cụ pháp lý mập mờ của Trung Quốc nhằm độc chiếm Biển Đông. Tuyên bố Tứ Sa sử dụng vài thuật ngữ trong UNCLOS 1982 cho có vẻ có tính pháp lý, nhưng thực chất không có ý nghĩa pháp lý gì. Năm 2017, Trung Quốc thêm Đông Sa vào đường Lưỡi Bò, trong đó đã có Trung Sa, Tây Sa (Hoàng Sa), Nam Sa (Trường Sa). Ngoài ra, không có gì khác.

Đã sẵn sàng “tấn công”?

Về tình hình liên quan Trường Sa, eo biển Đài Loan, đặc biệt các diễn biến mới đây trên Biển Đông và khu vực, Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp bình luận tiếp:

“Có thể thấy trong chính sách, từ các tuyên bố của lãnh đạo Trung Quốc từ 2012 đến nay, từ các bố trí lực lượng quân sự, từ việc quân sự hóa ở biển Đông, và eo biển Đài Loan, có thể thấy Trung Quốc đã sẵn sàng tấn công Đài Loan và tấn công Việt Nam ở biển Đông (Trường Sa).

“Tuyên bố lập hai huyện ở biển Đông ngày 17/4/2020 đương nhiên có liên quan đến các chuẩn bị dùng vũ lực để đánh chiếm chủ yếu ở Trường Sa bất cứ lúc nào Trung Quốc thấy có thể.

“Việt Nam đã lập hai huyện đảo Trường Sa và Hoàng Sa vào tháng 12/1982. Đấy là một thủ tục pháp lý, đồng thời là một biểu tượng cần thiết về chủ quyền. Khác hoàn toàn với hành động tương tư của TQ ngày 17 tháng Tư.

“Việt Nam đã chuẩn bị đáp ứng mọi tình huống trong quan hệ với Trung Quốc, trong đó có các quan hệ liên quan đến biển Đông. Truyền thống Việt Nam cho thấy, nếu Việt Nam bị xâm lược, Việt Nam sẽ bảo vệ đất nước, giáng trả và đánh đuổi xâm lược.”

Tin cho hay, sau khi Trung Quốc thông qua quyết định thành lập hai huyện đảo đặt trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trên Biển Đông, Việt Nam đã có phản ứng, cổng thông tin và trang mạng của Chính phủ Việt Nam hôm 20/4 dẫn một tuyên bố nói:

“Ngày 19/4/2020, trước việc Trung Quốc ngày 18/4/2020 thông báo thành lập cái gọi là “quận Tây Sa” (tức quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) và “quận Nam Sa” (tức quần đảo Trường Sa của Việt Nam) tại “thành phố Tam Sa”, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng khẳng định:

“Việt Nam đã nhiều lần mạnh mẽ khẳng định Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

“Lập trường nhất quán của Việt Nam là phản đối mạnh mẽ việc thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” và các hành vi có liên quan vì đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, không có giá trị và không được công nhận, không có lợi cho quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia và gây thêm phức tạp tình hình Biển Đông, khu vực và thế giới.

“Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, huỷ bỏ các quyết định sai trái liên quan đến những việc làm đó và không có những việc làm tương tự trong tương lai.”

Mời quý vị bấm vào đường dẫn này để theo dõi một trao đổi, bình luận có liên quan tình hình Biển Đông và an ninh khu vực.

https://www.facebook.com/228458913833525/videos/152641536178707

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-52357078

 

Biển Đông: Chiến lược giữ chủ quyền bằng tầu hải cảnh của Việt Nam và các nước láng giềng

Thu Hằng

Cơn khát tài nguyên biển đã khiến Trung Quốc ngày càng hung hăng hơn. Trung Quốc liên tiếp gây sức ép với các nước láng giềng cũng đòi hỏi chủ quyền ở Biển Đông và hăm dọa đối thủ bằng đội tầu chấp pháp (tầu « vỏ trắng »), lực lượng dân quân biển và ngư dân, được quân đội đào tạo bài bản.

Đây là nhận định của ông Martin A. Sebastian, giám đốc Trung tâm vì An ninh và Ngoại giao Hàng hải, thuộc Viện Hàng hải Malaysia, trong bài tham luận đăng trong Nghiên cứu số 73 « Ngoại giao tầu hải cảnh ở Đông Nam Á » (Etude n°73 : La Diplomatie des gardes-côtes en Asie du Sud-Est), do Viện Nghiên cứu Chiến lược của Trường Quân sự Pháp (IRSEM) phát hành tháng 03/2020.

Tầu hải cảnh, cùng với lực lượng dân quân biển và ngư dân đóng vai trò gì, có công dụng như thế nào trong chiến lược bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông của Việt Nam, cũng như của các nước khác trong khu vực ? Giám đốc nghiên cứu Benoît de Tréglodé, một trong hai giám đốc phụ trách tập Nghiên cứu số 73, lần lượt giải thích một số câu hỏi của RFI Tiếng Việt.

*****

RFI : Thưa ông Benoît de Tréglodé, Nghiên cứu số 73 – « Ngoại giao tầu hải cảnh ở Đông Nam Á » – của Viện IRSEM nhấn mạnh đến sự hiện diện ngày càng thường xuyên của các đội tầu hải cảnh, còn được gọi là tầu « vỏ trắng » ở các vùng biển Đông Nam Á. Xu hướng này được giải thích như thế nào ?

Benoît de Tréglodé : Chị có lý khi nhấn mạnh đến « tầu vỏ trắng ». Về mặt ngữ nghĩa, người ta xếp tầu « vỏ trắng », có nghĩa là tầu tuần duyên, bên cạnh tầu « vỏ xám », tức là tầu của các lực lượng hải quân các nước trong vùng.

Đúng là từ ba thập niên nay, Biển Đông là một khu vực có nhiều nhập nhằng chiến lược sâu sắc khiến các nước láng giềng phải tính đến những phương tiện khác để xây dựng khả năng phản ứng ngoài khơi của họ và thoát khỏi những phương pháp truyền thống, mà vào lúc đó họ không có biện pháp nào hơn, như kiểu tầu hải quân có nguy cơ dẫn đến xung đột liên quốc gia. Vì thế, cần phải xây dựng những phương tiện khác để có thể khẳng định chủ quyền trong một vùng đặc trưng bởi tính mập mờ chiến lược, bởi những vùng xám và thiếu rõ ràng về chủ quyền.

Vì vậy, phải tìm ra được một công cụ mới, một nhân tố mới để có thể hành động trên thực địa. Và tầu hải cảnh được sử dụng vào mục đích đó. Nhưng cũng cần phải đặt lại hiện tượng này vào bối cảnh lịch sử : Quyết định dùng tầu hải cảnh được Trung Quốc đưa ra vào nửa sau thập niên 1990. Sau đó, toàn bộ các nước trong vùng có tranh chấp theo đuổi ý tưởng này. Việt Nam cũng làm tương tự, tương đối muộn, bằng cách thông qua luật về lực lượng Cảnh sát biển vào cuối những năm 2000.

RFI : Trung Quốc có chiến lược gì khi sử dụng tầu hải cảnh trong vùng ? Đâu là khả năng của Việt Nam, cũng như các nước trong vùng, hiện có tranh chấp với Trung Quốc ?

Benoît de Tréglodé : Phải trở lại sự khác biệt về các loại tầu. Ban đầu, các tầu hải cảnh làm đúng nhiệm vụ cảnh sát biển. Chúng xuất hiện ở đó để buộc tuân thủ trật tự, quy định trong vùng biển của một nước, cũng như làm nhiều nhiệm vụ khác như bảo vệ môi trường, cứu hộ ngoài khơi… Còn các tầu « vỏ xám » của lực lượng hải quân là một công cụ cho chính sách đối ngoại, làm nhiệm vụ hoàn toàn khác.

Có một điều thú vị cần nhắc đến, nếu chú ý đến sự thay đổi hoạt động trong khu vực này từ cuối những năm 2010, đó là, từ giờ, chính đội tầu hải cảnh lại đảm nhiệm thêm nhiệm vụ tối cao, có nghĩa là bảo vệ chủ quyền. Nhiệm vụ này không hề được dự kiến ban đầu. Như vậy, có một sự thay đổi hợp lý, như trông đợi, nhưng quan trọng để hiểu được hành động của tầu hải cảnh trong khu vực. Lực lượng này đang từng bước trở thành công cụ bảo vệ quốc gia và điều này hoàn toàn thay đổi so với nhiệm vụ ban đầu.

Tiếc là có khá ít nghiên cứu về lực lượng hải cảnh ở Biển Đông. Nhưng đội ngũ này lại trở thành lực lượng trung tâm trong việc tái triển khai các hoạt động ở Biển Đông từ 30 năm nay, dù lực lượng này được phát hiện hơi muộn.

Tôi xin nhắc lại một trong những hành động mang tính biểu tượng, đó là Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ, được ký năm 2000, nhấn mạnh đến hợp tác song phương về an ninh giữa hai nước. Đó chính là một thỏa thuận về cảnh sát biển.

Điều thú vị hiện nay, dường như cả một bộ máy hành chính được triển khai ở Việt Nam, cũng như ở Philippines, Malaysia và dĩ nhiên là cả Trung Quốc, để triển khai và hiện đại hóa lực lượng ngư dân để có thể năng động hơn trên thực địa nhằm giúp Nhà nước truyền thông điệp mà không cần gây xung đột vũ trang, quá trực diện và quá nghiêm trọng. Đây là lực lượng ở cấp thấp hơn nhưng phục vụ cùng mục đích.

Rõ ràng vụ tầu cá Việt Nam bị đâm chìm vào đầu tháng 04/2020 là một bằng chứng cho việc sử dụng những tác nhân mới nhằm phát đi tín hiệu chính trị đối với một Nhà nước. Và hình thức này sẽ tiếp tục được sử dụng trong tương lai. Tại vì, cứ thử hình dung rằng nếu xảy ra một sự cố giữa tầu tuần tra thì sẽ gây ra những hậu quả chính trị nặng nề. Còn nếu xảy ra với đội dân quân biển, thì thiệt hại ít hơn, ít tốn kém hơn, trong khi cả hai kiểu đều cùng hướng đến một mục tiêu.

RFI : Tầu khảo sát Hải Dương Địa Chất 8 hoạt động ở Biển Đông và xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam vào tháng 04/2020. Đi kèm con tầu này là đội tầu hải cảnh và dân quân biển. Lực lượng này có nhiệm vụ gì ?

Benoît de Tréglodé : Một lần nữa, phải nhắc lại là tham vọng hành động của các nước quanh Biển Đông là sử dụng mọi mặt, từ lực lượng hải quân, để tái khẳng định những đòi hỏi chủ quyền của họ. Đây là hành động mà tất cả các nước trong vùng đang tiến hành. Đúng là hiện nay, tầu « vỏ xám » được sử dụng ít hơn, trong khi tầu « vỏ trắng » lại hoạt động thường xuyên hơn từ khoảng 20 năm.

Giờ xuất hiện thêm nhiều yếu tố khác, như lực lượng dân quân biển và lực lượng ngư dân. Toàn bộ các lực lượng trên biển chủ chốt này đều được các nước sử dụng để khẳng định sự hiện diện trên thực địa.

Trong một vùng có tranh chấp giữa hai nước, lấy ví dụ Trung Quốc và Việt Nam, song song với những tranh chấp, hai nước lại có chính sách hợp tác kinh tế quan trọng và mạnh mẽ, nên khó sử dụng được những nhân tố công kích như Hải quân Quốc gia. Vì thế họ sử dụng những phương tiện « trung lập » hơn, như lực lượng hải cảnh. Nhưng hiện tại, lực lượng này không đủ, nên họ sử dụng cả những lực lượng còn « trung lập » hơn nữa, đó là đội dân quân biển và ngư dân. Có nghĩa là sử dụng cả ba cấp độ khác nhau để khẳng định chung một điều : Hiện diện trên thực địa đang có tranh chấp.

RFI : Liệu Trung Quốc có tranh thủ thời cơ đại dịch Covid-19 đang tác động nghiêm trọng đến nhiều nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ, để tăng cường hoạt động ở Biển Đông không ?

Benoît de Tréglodé : Tôi nghĩ rằng sự kiện hôm 02/04/2020 một tầu cá Việt Nam bị tầu Trung Quốc đâm chìm ở quần đảo Hoàng Sa không được xem là đánh dấu một bước ngoặt trong chiến lược hàng hải Trung Quốc trong giai đoạn dịch Covid-19.

Các tầu của lực lượng dân quân biển hoặc ngư dân Việt Nam và Trung Quốc trong vùng biển tranh chấp luôn chơi trò « mèo đuổi chuột ». Đây là điều thường xuyên xảy ra, mà sự kiện gần nhất là vào đầu tháng 04/2020. Tiếp theo là việc tầu khảo sát Hải Dương Địa Chất 8 đi vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Tôi không biết là có nên xem đó là chính sách tổng thể của Bắc Kinh hay không, trong một năm được cho là rất quan trọng đối với các lợi ích của Trung Quốc ở Biển Đông.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tôi xin nhắc lại là Trung Quốc muốn các cuộc đàm phán gay go về Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông mang lại kết quả. Vì thế, phải hỏi ngược lại : Bắc Kinh có lợi gì khi đổ thêm dầu vào lửa trong khu vực này vào năm 2020 và tranh thủ sự lơ là của nhiều nước đang phải chật vật xử lý khủng hoảng Covid-19 ? Thực sự, tôi không tin đây là món quà trời ban cho chính sách ngoại giao hàng hải của Trung Quốc trong năm nay.

RFI : Đầu năm 2020, Trung Quốc tập trận chống tầu ngầm ở phía bắc Biển Đông. Tầu sân bay Liêu Ninh cũng có kế hoạch tập trận trong khu vực. Phải hiểu những sự kiện này như thế nào ?

Benoît de Tréglodé : Từ đầu năm đến tháng Tư này, hải quân Trung Quốc có hai sự kiện khá quan trọng. Đầu tiên là cuộc tập trận chống tầu ngầm diễn ra ở phía bắc Biển Đông. Thứ hai là các bài tập cất cánh và hạ cánh trên tầu sân bay Liêu Ninh, ở cùng khu vực. Hai sự kiện này cho thấy điều gì ? Chúng chứng minh rằng Bắc Kinh muốn cải thiện khả năng hoạt động của lực lượng hải quân trong khu vực. Điều này không cho thấy có một bước ngoặt hoặc ý định khẩn trương chiếm thêm đảo mà chỉ chứng minh Trung Quốc muốn khẳng định chính sách hàng hải xứng tầm một cường quốc.

Việt Nam cũng đang chứng minh tương tự, khi muốn trở thành cường quốc hàng hải từ nay đến năm 2030. Luật Cảnh sát biển, tăng cường trang thiết bị hàng hải, rồi tầu cá của ngư dân, hiện đại hóa chương trình tầu « vỏ xám » của Hải Quân Việt Nam đều nằm trong chiến lược này. Và đây cũng là chiến lược chung của rất nhiều nước trong khu vực.

RFI Tiếng Việt xin chân thành cảm ơn giám đốc nghiên cứu Benoît de Tréglodé, Viện Nghiên cứu Chiến lược của Trường Quân sự Pháp (IRSEM).

http://www.rfi.fr/vi/vi%E1%BB%87t-nam/20200420-bi%E1%BB%83n-%C4%91%C3%B4ng-chi%E1%BA%BFn-l%C6%B0%E1%BB%A3c-gi%E1%BB%AF-ch%E1%BB%A7-quy%E1%BB%81n-b%E1%BA%B1ng-t%E1%BA%A7u-h%E1%BA%A3i-c%E1%BA%A3nh-c%E1%BB%A7a-vi%E1%BB%87t-nam-v%C3%A0-c%C3%A1c-n%C6%B0%E1%BB%9Bc-l%C3%A1ng-gi%E1%BB%81ng

 

Trung Quốc tiếp tục điều tàu nghiên cứu thám hiểm ở Biển Đông

Tàu nghiên cứu Tan Kah Kee thuộc Đại học Hạ Môn ở tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc) mới đây bắt đầu tiến hành chuyến thám hiểm khoa học kéo dài 35 ngày ở Biển Đông, theo Tân Hoa xã.

Khởi hành từ thành phố Hạ Môn hôm 15.4, tàu Tan Kah Kee chở theo 23 nhà nghiên cứu từ Đại học Hạ Môn và Viện Khoa học Trung Quốc, sẽ tiến hành các cuộc khảo sát, lấy mẫu, triển khai và trục vớt các thiết bị quan sát lâu dài ở Biển Đông, theo Tân Hoa xã.

Tàu khảo sát nói trên được đặt tên theo doanh nhân Singapore gốc Trung Quốc Tan Kah Kee (1874-1961), người thành lập Đại học Hạ Môn năm 1921. Tàu có chiều dài 77,7 m và chiều rộng 16,2 m, với vận tốc tối đa gần 26 km/giờ.

Cách đây hơn một tháng, mạng truyền hình toàn cầu Trung Quốc (CGNT) đưa tin tàu Thám tác số 1 chở theo 60 nhà khoa học nước này cùng tàu lặn có người lái mang tên Dũng sĩ biển sâu, có khả năng lặn ở độ sâu 4.500 m, tiến hành chuyến thám hiểm 20 ngày ở Biển Đông.

Tàu lặn Dũng sĩ biển sâu đã có nhiều chuyến thám hiểm ở Biển Đông trong vài năm gần đây, trong đó có lần ngang nhiên hoạt động ở vùng biển xung quanh quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.

Chuyên gia Jay Batongbacal, Giám đốc Viện Các vấn đề hàng hải và luật biển tại Đại học Philippines, cảnh báo Bắc Kinh có thể dùng nghiên cứu khoa học biển (MSR) để củng cố “các quyền quá đáng” của Trung Quốc và “cố đẩy mạnh quyền lực biển”, theo tờ The Philippine  Star.

Ông Batongbacal còn cảnh báo Bắc Kinh có thể tiến hành hoạt động nghiên cứu nước sâu trong vùng đặc quyền kinh tế hoặc thềm lục địa của các nước khác ở Biển Đông. “Tình trạng Trung Quốc đơn phương tiến hành MSR trong vùng biển thuộc quyền tài phán của những nước ven Biển Đông khác sẽ không thay đổi”, chuyên gia Batongbacal khẳng định.

http://biendong.net/bi-n-nong/34209-trung-quoc-tiep-tuc-dieu-tau-nghien-cuu-tham-hiem-o-bien-dong.html

 

Chuyên gia quốc tế hiến kế chặn hành động ngang ngược của TQ ở Biển Đông

Trung Quốc cố gắng biến các yêu sách bất hợp pháp vốn bị bác bỏ theo Luật Biển và trong các phán quyết tư pháp trở thành chủ quyền trên thực tế không dựa trên luật.

Chưa đầy 1 năm sau lần xâm phạm vùng biển của Việt Nam hứng hàng loạt chỉ trích từ cộng đồng quốc tế, nhóm tàu Hải Dương 8 của Trung Quốc hôm 14/4 trở lại và tiếp tục hành vi xâm phạm nghiêm trọng vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, được xác định theo các quy định của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).

Hôm 18/4, quốc gia này leo thang các hành động ngang ngược trên Biển Đông khi phê chuẩn thành lập 2 huyện quản lý các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

2 huyện này trực thuộc cái được gọi là “thành phố Tam Sa” được Trung Quốc dựng lên từ tháng 7/2012 nhằm thực hiện kế hoạch kiểm soát Biển Đông, trong đó có quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam và bãi cạn Scarborough tranh chấp với Philippines.

Chia sẻ quan điểm, Tiến sĩ James R. Holmes, chuyên gia về chiến lược tại Đại học Chiến tranh Hàng hải Mỹ (USNW) cho rằng các động thái mới đây thêm một lần nữa chứng minh Trung Quốc không hề giấu diếm mục tiêu của mình ở Biển Đông. Họ sử dụng nhiều công cụ để đạt được các mục tiêu đó.

“Mục đích của họ như chúng ta đều biết là tìm kiếm “chủ quyền không thể chối cãi” đối với vùng biển, vùng trời và một số thực thể trên đất liền nằm trong đường 9 đoạn mà Trung Quốc vẽ ra bao quanh phần lớn Biển Đông. Họ tìm kiếm chủ quyền với cái đích cuối cùng là quyền lực, quyền sở hữu.

Bắc Kinh đang cố gắng áp đặt chủ quyền của mình trong đường 9 đoạn mà họ tạo ra, trong đó vạch ra yêu sách về quyền sở hữu. Bắc Kinh muốn thực thi nó theo ý chí của mình và muốn các quốc gia khác tuân theo”, ông nhận xét.

Trung Quốc đang cố gắng biến các yêu sách bất hợp pháp vốn bị bác bỏ theo Luật Biển và trong các phán quyết tư pháp trở thành chủ quyền trên thực tế không dựa trên luật định

James R. Holmes, chuyên gia về chiến lược tại Đại học Chiến tranh Hàng hải Mỹ (USNW)

Theo ông James, với nhiều khu vực ở Biển Đông, Trung Quốc tự coi mình có chủ quyền ở đó, vin vào cái cớ chủ quyền để thực hiện các hành động mà các nước có chủ quyền được phép làm. Họ cho phép đánh bắt cá, thu hoạch tài nguyên thiên nhiên trong vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia ven biển khác.

“Trong trường hợp lần này của Việt Nam, Trung Quốc gửi tàu Hải Dương 8 tới để thăm dò dưới đáy biển trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam”, ông James nhận định.

Trong các trường hợp khác, Trung Quốc thách thức lực lượng tuần duyên và hải quân của các nước Đông Nam Á xua đuổi tàu của họ. Trung Quốc tin rằng các nước nếu không thể xua đuổi tàu của mình sẽ bắt đầu nản lòng và ngừng cố gắng.

Khi họ dừng lại, Trung Quốc sẽ cố biến khu vực mà họ xâm nhập trở thành chủ quyền không thể chối cãi của mình.

Theo vị chuyên gia kỳ cựu người Mỹ, chúng ta thường nghĩ về luật pháp quốc tế như các hiệp ước bằng văn bản. Nhưng các “tập quán quốc tế” cũng là một phần quan trọng.

“Nếu Trung Quốc liên tục khẳng định chủ quyền trong đường 9 đoạn một thời gian dài và không nước nào phản đối một cách hiệu quả, các yêu sách của họ sẽ bắt đầu trở thành tập quán quốc tế và thậm chí cuối cùng có nguy cơ trở thành luật quốc tế. Đây là cuộc chơi dài hơi của Bắc Kinh.

Trung Quốc đang cố gắng biến các yêu sách bất hợp pháp của mình vốn bị bác bỏ theo Luật Biển và trong các phán quyết tư pháp trở thành chủ quyền trên thực tế không dựa trên luật định”, ông phân tích.

XEM THÊM:

>> Chuyên gia: Trung Quốc mưu đồ củng cố lợi ích ở Biển Đông trước khi COC ban hành

>> Việt Nam gửi công hàm lên LHQ, bác yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông

>> Mỹ kêu gọi Trung Quốc ngừng hành vi bắt nạt trên Biển Đông

Để ngăn chặn các hành động ngày càng leo thang của Trung Quốc, xâm phạm nghiêm trọng tới chủ quyền của Việt Nam, ông James đưa ra 3 đề xuất.

Thứ nhất, theo đuổi một vụ kiện tương tự như vụ kiện thành công của Philippines lên Tòa án Trọng tài Thường trực năm 2016 phản đối yêu sách đường 9 đoạn của Trung Quốc trên Biển Đông. Việt Nam cần nỗ lực để đạt được kết quả tương tự. Nếu thành công, nó sẽ thêm vào các tuyên bố nhấn mạnh sự vô pháp của Bắc Kinh và cản trở nỗ lực khiến luật pháp quốc tế trở nên vô dụng của họ.

Thứ hai, bắt tay với các quốc gia Đông Nam Á. Trên thực tế, Philippines đang bất mãn với các động thái ở Biển Đông của Trung Quốc, Malaysia cũng có tranh chấp và Indonesia cũng bắt đầu có các động thái thách thức Trung Quốc ở vùng biển này sau vụ tàu cá Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của họ.

Thứ ba, hợp tác với các quốc gia ngoài khu vực như Mỹ, Australia, Nhật Bản và Ấn Độ.

“Càng nhiều đối tác hàng hải bắt tay trong việc bảo vệ các quyền của các quốc gia ven biển, nỗ lực này càng hợp pháp trong mắt cộng đồng quốc tế. Và Trung Quốc sẽ gặp khó hơn trong việc phủ nhận luật pháp quốc tế”, ông James kết luận.

Chuyên gia quốc tế hiến kế chặn hành động ngang ngược của Trung Quốc ở Biển Đông – 3

Đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Trong khi đó, Tiến sĩ Bonnie S. Glaser tới từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược quốc tế (CSIS) tại Washington cho rằng động thái mới đây là dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đang muốn leo thang các yêu

sách chủ quyền bất hợp pháp của mình cũng như củng cố khả năng kiểm soát các hoạt động trong đường 9 đoạn.

Theo bà Glaser, ở Biển Đông, Trung Quốc không công nhận vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam tại những khu vực trùng với đường 9 đoạn bất hợp pháp mà nước này tự vẽ ra.

Chuyên gia này tin rằng việc điều tàu xâm phạm của vùng biển Việt Nam lần này cũng như các động thái phi pháp trước đây cho thấy Trung Quốc không hề coi mình vi phạm luật pháp quốc tế, họ có những cách hiểu không giống ai về luật quốc tế.

http://biendong.net/goc-nhin-moi/34215-chuyen-gia-quoc-te-hien-ke-chan-hanh-dong-ngang-nguoc-cua-tq-o-bien-dong.html