Tin khắp nơi – 20/04/2020

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin khắp nơi – 20/04/2020

Tổng Thống Trump lên tiếng bảo vệ các cuộc biểu tình phản đối lệnh cách ly tại các tiểu bang

Vào hôm thứ bảy (18 tháng 4), Tổng Thống Trump đã lên tiếng bảo vệ các cuộc biểu tình nhằm phản đối lệnh cách ly tại các tiểu bang, đồng thời cho rằng các thống đốc tiểu bang đã phản ứng thái quá trong nỗ lực chống lại đại dịch. Tuy nhiên, những nỗ lực của tiểu bang đều được đưa ra dựa trên hướng dẫn từ các viên chức y tế trong chính quyền của Tổng Thống Trump.

Trong một bài phát biểu vài giờ sau khi các cuộc biểu tình diễn ra ở Texas, Maryland, Indiana, Nevada và Wisconsin, Tổng Thống Trump đã chỉ trích Thống đốc Michigan, Gretchen Whitmer sau khi thống đốc tiến hành đóng cửa công ty và ban hành lệnh cách ly xã hội.

Tổng Thống cũng chỉ trích Thống đốc Virginia Ralph Northam vì các dự luật kiểm soát súng mà ông đã ký hơn một tuần trước không liên quan gì đến coronavirus. Vào thứ bảy tại trung tâm thành phố Annapolis, Michigan, hàng chục người dân thành phố đã lái xe theo vòng tròn và bấm còi trong cuộc biểu tình vào giờ trưa.

Trong khi đó, bên ngoài Tòa Nhà Hạ Viện Texas, những người biểu tình hô vang “Sa Thải Fauci”, nhắc đến bác sĩ Anthony Fauci, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm hàng đầu của Hoa Kỳ, người được cho là có ảnh hưởng lớn đến cách ứng phó của Tổng thống Trump đối với đại dịch coronavirus.

Nhiều cuộc biểu tình khác dự kiến sẽ xảy ra vào tuần tới, trong đó có một cuộc biểu tình lái xe tại thành phố Wisconsin được chuẩn bị bởi nhà bình luận truyền hình Stephen Moore, người thuộc lực lượng đặc nhiệm phản ứng COVID-19 của Tổng Thống Trump, chịu trách nhiệm giúp mở lại nền kinh tế quốc gia. Tuy nhiên, các cuộc biểu tình này có nguy cơ sẽ làm gia tăng số lượng người nhiễm coronavirus. (BBT)

https://www.sbtn.tv/tong-thong-trump-len-tieng-bao-ve-cac-cuoc-bieu-tinh-phan-doi-lenh-cach-ly-tai-cac-tieu-bang/

 

Virus corona: Biểu tình nổ,

xung khắc giữa Trump và các tiểu bang leo thang

Những hạn chế thực thi nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus corona đã châm ngòi cuộc biểu tình

Hàng loạt cuộc biểu tình đã nổ ra ở nhiều tiểu bang tại Mỹ, yêu cầu thống đốc các tiểu bang mở cửa trở lại nền kinh tế bị đóng băng bởi đại dịch virus corona.

Các cuộc tuần hành ở bang Arizona, Colorado, Montana và Washington diễn ra hôm Chủ nhật vừa qua, nối tiếp các cuộc biểu tình trước đó ở sáu bang khác.

Hiện người biểu tình đang gia tăng các đòi hỏi nới lỏng hạn chế, bất chấp nguy cơ Covid-19 sẽ bùng phát trở lại khi mở cửa lại các hoạt động quá sớm.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã phát tín hiệu ủng hộ các cuộc biểu tình.

Hoa Kỳ trở thành tâm chấn của cuộc khủng hoảng dịch Covid-19 với hơn 735.000 ca nhiễm và khoảng 40.000 trường hợp tử vong – nhưng đã xuất hiện các dấu hiệu cho thấy dịch đang đạt đỉnh và tốc độ lây nhiễm đang chậm lại ở một số tiểu bang.

Virus corona: Trump kêu gọi ‘Giải phóng’ các tiểu bang Mỹ trên Twitter

Virus corona: Trump tiết lộ kế hoạch ba giai đoạn mở cửa trở lại nước Mỹ

Trump nói virus corona đã ‘vượt đỉnh điểm’ ở Mỹ

Các thống đốc ở một số tiểu bang đã bắt đầu thảo luận việc lên kế hoạch mở lại các hoạt động khi có dấu hiệu giảm tốc của sự lây lan, nhưng nhiều khu vực khác vẫn bị phong tỏa chặt chẽ.

Thống đốc tiểu bang California, ông Gavin Newsom là người đầu tiên trong cả nước ban hành lệnh yêu cầu người dân ở yên trong nhà trên toàn tiểu bang, và đóng cửa tiểu bang đông dân nhất nước Mỹ kể từ ngày 19/3.

Các tiểu bang lân cận ở bờ tây gồm Washington và Oregon đã thực hiện biện pháp tương tự những ngày sau đó, yêu cầu tổng cộng 11,5 triệu dân ở nhà kể từ ngày 23/3.

Thống đốc New York Andrew Cuomo tuyên bố trong tuần này rằng tiểu bang sẽ gia hạn các biện pháp yêu cầu ở nhà cho đến ngày 15/5. Phát biểu tại cuộc họp hằng ngày về virus corona hôm Chủ nhật, ông Cuomo kêu gọi phải cẩn trọng với việc người dân bị ức chế khi ở nhà quá lâu và đang nóng lòng trông đợi tiểu bang mở cửa trở lại.

“Chúng tôi vẫn phải đảm bảo rằng sẽ kiểm soát được con quái vật đó”, ông Cuomo nói. “Như tất cả chúng ta đều rất háo hức để tiếp tục cuộc sống của mình và vượt qua nó.”

“Đây chỉ mới là nửa chặng đường của toàn cơn khủng hoảng.”

Ông Trump, người theo đảng Cộng hòa, tỏ ra tán thành các cuộc biểu tình chống lại các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt, cho biết hôm thứ Sáu rằng các lệnh buộc ở nhà tại Minnesota, Michigan và Virginia là “quá khó khăn”.

Các biện pháp này cần thiết để hạn chế sự lây lan của virus.

Thống đốc Washington Jay Inslee gọi sự ủng hộ của Tổng thống đối với người biểu tình là “nguy hiểm”, tương đương với việc khích động “không phục tùng” với luật pháp tiểu bang.

“Tôi không nhớ trong lịch sử nước Mỹ từ lúc tôi sinh ra tới bây giờ, có một Tổng thống nào từng khuyến khích người dân vi phạm luật pháp. Chúng ta chưa từng chứng kiến điều tương tự”, ông nói với hãng tin ABC hôm Chủ Nhật.

Bà Nancy Pelosi, Chủ tịch Hạ viện, người thuộc đảng Dân chủ cáo buộc việc ông Trump tán thành các cuộc biểu tình là một “chiêu đánh lạc hướng”.

“Sự ủng hộ của Tổng thống cho việc biểu tình giống sự đánh lạc hướng khỏi thực tế là ông ta đã không thực hiện đúng đắn việc xét nghiệm, điều trị, lần tìm nguồn dịch và cách ly,” bà nói với ABC.

Cuộc biểu tình với tên gọi “Chiến dịch Gridlock” được hậu thuẫn bởi các nhóm theo chủ nghĩa tự do thu hút hàng trăm người tới các thủ phủ của tiểu bang ở Denver, Colorado và Phoenix, Arizona vào Chủ nhật.

Ở Denver, người biểu tình kéo tới tòa nhà nghị viện tiểu bang để chống lại các lệnh giãn cách xã hội. Hàng chục chiếc xe chạy vòng quanh tòa nhà, theo tường thuật của phương tiện truyền thông địa phương. Trong khi đó, khoảng 200 người tụ họp trên bãi cỏ với bảng hiệu và cờ.

Hôm thứ Bảy, những người biểu tình đã chặn đường phố Annapolis, Maryland, bấm còi xe để phản đối các biện pháp phong tỏa. Hơn 200 người tụ họp bên ngoài nơi ở của thống đốc bang Indiana, trong khi khoảng 200 người tập trung tại Austin, Texas.

Các tiểu bang Utah, Washington và New York cũng chứng kiến sự hỗn loạn hôm thứ Bảy.

Cuộc biểu tình tiếp theo dự kiến sẽ diễn ra vào thứ Hai.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-52268977

 

Thêm các cuộc biểu tình ở Mỹ

kêu gọi dỡ bỏ hạn chế trong đại dịch COVID-19

Các cuộc biểu tình bùng lên ở các tiểu bang của Mỹ hôm 19/4 phản đối lệnh ở nhà trong khi các thống đốc bang bất đồng với Tổng thống Donald Trump khi tuyên bố rằng họ có đủ xét nghiệm thử virus corona chủng mới và nên nhanh chóng mở lại nền kinh tế của tiểu bang họ.

Ước tính khoảng 2.500 người đã tập hợp tại thủ phủ của tiểu bang Washington ở Olympia để phản đối lệnh ở trong nhà của Thống đốc Dân chủ Jay Inslee, bất chấp lệnh cấm tụ tập từ 50 người trở lên.

Nhiều người tại đám đông tụ tập đã không đeo khẩu trang hay khăn che mặt dù được những người tổ chức biểu tình nhắc nhở cũng như đã được các cơ quan y tế cộng đồng khuyến nghị.

Người tổ chức cuộc biểu tình Tyler Miller, 39 tuổi, một kỹ sư từ Bremerton của Washington, nói với Reuters rằng việc đóng cửa các doanh nghiệp bằng cách cho phép người này và không cho phép người khác mở, mà ông gọi là “chọn kẻ thắng và người thua,” theo những điều thiết yếu và không thiết yếu là “vi phạm hiến pháp liên bang và tiểu bang.”

Tại Denver, hàng trăm người đã tập trung tại thủ đô của tiểu bang để yêu cầu chấm dứt việc đóng cửa Colorado. Trong khi những người biểu tình làm tắc nghẽn đường phố vốn đầy ô tô thì các nhân viên y tế trong các bộ đồ bảo hộ và đeo khẩu trang đứng ở ngã tư đường để phản đối lại.

Các lệnh ở trong nhà, mà các chuyên gia cho là rất cần thiết để làm chậm sự lây lan của virus, đã làm nền kinh tế Mỹ suy sụp khi có hơn 22 triệu người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong tháng qua. Các cuộc biểu tình để yêu cầu chấm dứt các lệnh này trước đó đã nổ ra ở một vài điểm ở Texas, Wisconsin và thủ phủ của tác tiểu bang Ohio, Minnesota, Michigan và Virginia…

“Những người này yêu đất nước của chúng ta,” ông Trump, người đã quảng bá về một nền kinh tế thịnh vượng để đạt cơ hội tốt nhất cho chiến dịch tái tranh cử của ông vào tháng 11 tới, nói tại một cuộc họp báo tại thủ đô Washington hôm 19/4. “Họ muốn quay trở lại làm việc.”

Tại New York, tâm chấn của đại dịch ở Mỹ, số ca nhập viện tiếp tục giảm từ 18.000 xuống 16.000 và số bệnh nhân phải dùng máy trợ thở cũng giảm. Có 507 trường hợp tử vong mới do COVID-19, bệnh hô hấp do virus corona gây ra, giảm từ mức hơn 700 người chết mỗi ngày.

Theo thống kê của Reuters, Mỹ có số lượng người mắc virus corona nhiều nhất thế giới, với hơn 750.000 ca nhiễm và hơn 40.500 ca tử vong.

Các hướng dẫn của ông Trump để mở lại nền kinh tế khuyến nghị mỗi tiểu bang phải có 14 ngày giảm số lượng người nhiễm trước khi từ từ dỡ bỏ các hạn chế. Tuy nhiên, vị tổng thống thuộc Đảng Cộng hòa dường như đang khuyến khích những người biểu tình muốn các biện pháp này được sớm dỡ bỏ bằng một loạt các đăng tải trên Twitter hôm 16/4 kêu gọi họ “GIẢI PHÓNG” Michigan, Minnesota và Virginia, đều là những tiểu bang do các thống đốc thuộc Đảng Dân chủ điều hành.

https://www.voatiengviet.com/a/them-cac-cuoc-bieu-tinh-o-my-keu-goi-do-bo-han-che-trong-dai-dich-covid-19/5379749.html

 

Biểu tình tại thành phố San Diego

chống lại lệnh ở nhà và yêu cầu mở cửa

Tin từ San Diego, California, – Vào ngày thứ Bảy 18 tháng 04, 2020, khoảng 200 người đã biểu tình tại thành phố San Diego yêu cầu bãi bỏ lệnh ở nhà vì coronavirus, và phải mở cửa kinh tế. Cuộc biểu tình, rập khuôn với các cuộc biểu tình được tổ chức trên toàn quốc trong tuần này, đã bỏ qua các lời kêu gọi của các chuyên gia y tế và các viên chức công cộng địa phương là cần giữ lệnh cách ly xã hội trong vài tuần nữa để giúp làm chậm sự lây lan của coronavirus.

Cuộc biểu tình mang tên “Freedom Rally” đã thu hút ít nhất 200 người.  Nhiều người mang cờ và biểu ngữ của Hoa Kỳ và đội nón Trump 2020. Hầu hết đã không đeo khẩu trang hoặc giữ khoảng cách an toàn 6 feet.  Một số người biểu tình khác đã chọn ở lại trong xe của họ và lái xe qua lại bằng cách bấm còi và vẫy cờ Hoa Kỳ từ cửa sổ xe của họ.

Những người biểu tình yêu cầu các doanh nghiệp, trường học, nhà thờ, công viên và bãi biển được mở cửa trở lại. Nhiều người bày tỏ rằng coronavirus là một loại cúm và cho rằng số lượng ca bệnh dương tính thấp trong khu vực và tiểu bang.

Vào thứ bảy, 18 tháng 04, 2020, quận San Diego đã báo cáo rằng số người dân địa phương để xét nghiệm dương tính với coronavirus đã tăng lên 2,213 trường hợp.  Số lượng nhập viện, ở mức 537 người, gần hơn một phần tư số người dân địa phương đã thử nghiệm dương tính với virus này. Số người dân địa phương tử vong vì virus đã tăng lên thêm một người, với tổng số người tử vong lên tới 71. Chiếm khoảng 3% các trường hợp địa phương. (BBT)

https://www.sbtn.tv/bieu-tinh-tai-thanh-pho-san-diego-chong-lai-lenh-o-nha-va-yeu-cau-mo-cua/

 

Thống Đốc Gavin Newsom kêu gọi

người dân California nên giữ khoảng cách an toàn

sau cuộc biểu tình ở Huntington Beach

Vào thứ bảy (ngày 18 tháng 4), Thống Đốc Gavin Newsom đã kêu gọi người dân California nên luôn giữ khoảng cách an toàn khi ra ngoài sau khi có một cuộc biểu tình để phản đối lệnh cách ly diễn ra tại Huntington Beach.

Vào thứ sáu (ngày 17 tháng 4), những người biểu tình, một số mặc quần áo màu đỏ, trắng và xanh, mang biển hiệu và quốc kỳ đã kêu gọi chấm dứt lệnh cách ly của tiểu bang để hạn chế sự lây lan của coronavirus. Tại California, gần 29,000 người đã mắc bệnh, khiến hàng nghìn người phải nhập viện và gây ra cái chết của 1,072 người chỉ trong vài tháng.

Trong một cuộc họp báo vào thứ bảy, thống đốc Newsom đã gửi một thông điệp đến những người biểu tình, nói rằng “người dân có thể thực hiện quyền tự do ngôn luận, nhưng họ vẫn phải giữ khoảng cách an toàn.” Thống đốc cho biết ông không ngạc nhiên khi cuộc biểu tình diễn ra và dự đoán rằng sẽ có nhiều cuộc biểu tình hơn trong tương lai, nhưng ông kêu gọi cư dân hãy thận trọng đừng để COVID-19 lây lan.

Video về cuộc biểu tình Thứ Sáu tại Huntington Beach cho thấy một nhóm lớn người tụ tập cùng nhau, nhiều người không mang khẩu trang. Những người biểu tình ở thành phố Huntington Beach tuyên bố lệnh cách ly xã hội là một phản ứng thái quá và không cần thiết, bất chấp những nghiên cứu đã dự đoán tỷ lệ nhiễm coronavirus sẽ thấp hơn nhiều khi các lệnh này được ban hành và duy trì.

Đầu tuần này, thống đốc đã vạch ra sáu mục tiêu phải được đáp ứng trước khi lệnh cách ly được nới lỏng. (BBT)

https://www.sbtn.tv/thong-doc-gavin-newsom-keu-goi-nguoi-dan-california-nen-giu-khoang-cach-an-toan-sau-cuoc-bieu-tinh-o-huntington-beach/

 

Phòng thí nghiệm của CDC vi phạm tiêu chuẩn

sản xuất bộ dụng cụ xét nghiệm coronavirus

Tin từ New York – Vào hôm thứ bảy (18 tháng 4), các viên chức liên bang xác nhận rằng quá trình sản xuất cẩu thả của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) đã khiến các bộ dụng cụ xét nghiệm bị nhiễm khuẩn, dẫn đến việc các mẫu xét nghiệm coronavirus đầu tiên tại Hoa Kỳ không còn hiệu quả.

Theo Cơ Quan Quản trị Thực phẩm và Dược phẩm (FDA), hai trong số ba phòng thí nghiệm CDC ở Atlanta chịu trách nhiệm tạo ra bộ dụng cụ xét nghiệm đã vi phạm tiêu chuẩn sản xuất của chính họ, dẫn đến việc cơ quan này gửi các mẫu xét nghiệm không hoạt động đến 100 phòng thí nghiệm y tế công cộng của tiểu bang và địa phương.

Ban đầu, FDA đã gửi bác sĩ Timothy Stenzel, trưởng phòng chẩn đoán vitro và sức khỏe X quang, đến phòng thí nghiệm CDC để đánh giá vấn đề. Tại đây, ông Stenzel đã nhận thấy sự thiếu chuyên môn trong khâu sản xuất thương mại và biết được rằng không hề có người quản trị trong toàn bộ quá trình. Các vấn đề sai phạm tại những phòng thí nghiệm này bao gồm việc tiến hành kiểm tra các hợp chất trong cùng một phòng nơi các nhà nghiên cứu đang tiến hành xét nghiệm các mẫu coronavirus dương tính. Những sai lầm này khiến các mẫu xét nghiệm được gửi đến các phòng thí nghiệm y tế công cộng không thể sử dụng được vì chúng bị nhiễm coronavirus và đưa ra kết quả không chính xác.

FDA đã đưa ra kết luận rằng CDC đã vi phạm các tiêu chuẩn sản xuất vào cuối tuần này sau khi một số cơ quan truyền thông yêu cầu cơ quan tiết lộ công khai về cuộc điều tra của họ. Bộ xét nghiệm nói trên đã bị đình chỉ sản xuất trong vòng một tháng. (BBT)

https://www.sbtn.tv/phong-thi-nghiem-cua-cdc-vi-pham-tieu-chuan-san-xuat-bo-dung-cu-xet-nghiem-coronavirus/

 

Covid-19 : Với hơn 40.000 người chết,

Mỹ chưa thấy ánh sáng cuối đường hầm

Thanh Hà

Thêm 1.997 người thiệt mạng vì virus corona tại Hoa Kỳ trong ngày hôm qua (19/04/2020) theo báo cáo của đại học Johns Hopkins. Mỹ vượt ngưỡng 40.000 ca tử vong trong số gần 760.000 ca lây nhiễm. Căng thẳng gia tăng giữa chính quyền Trump và thống đốc tại nhiều bang chung quanh quyết định dỡ bỏ lệnh phong tỏa.

Dù đang trong tâm dịch, nhiều cuộc biểu tình tiếp diễn tại Hoa Kỳ đòi chính quyền địa phương dỡ bỏ lệnh phong tỏa. Sau Texas hay Ohio, đến lượt hàng ngàn người tại các bang Washington hay Colorado hôm Chủ Nhật 19/04/2020 tập hợp trước trụ sở của chính quyền đòi cửa hàng, trung tâm thương mại hay các địa điểm giải trí phải được hoạt động trở lại. Đòi hỏi chấm dứt lệnh phong tỏa nói trên được tổng thống Trump ủng hộ. Trong lúc đó, trái ngược hẳn với New York, bang Florida đã mở lại các bãi biển cho dân chúng.

Thông tín viên Loubna Anaki từ New York cho biết thêm :

« Hình ảnh đã được phát đi trên các đài truyền hình Mỹ trong hai ngày cuối tuần. Hàng trăm người tụ tập trên một bãi biển ở Jacksonville. Người thì thả bộ, một số khác chạy nhảy, đạp xe hay tắm biển mà không hề giữ khoảng cách an toàn. Florida đã mở lại các bãi biển cho người dân. Thống đốc bang này giải thích mọi người cần tập thể thao và hít thở không khí trong lành. Tại bang Texas, dân cư lại có thể đến tham quan các khu công viên trong lúc thống đốc bang này cho biết đang chuẩn bị kế hoạch dỡ bỏ lệnh phong tỏa để các sinh hoạt được sớm trở lại bình thường. Lập trường này đi ngược lại hoàn toàn so với các quyết định ở bang New York hay New Jersey. Tại đây, bãi biển, bể bơi công cộng đều sẽ đóng cửa suốt cả mùa hè này .

Khác biệt nói trên càng làm lộ rõ là nước Mỹ thiếu một chính sách chung đối phó với khủng hoảng ngay từ đầu, trong đó tổng thống Trump đóng một vai trò đặc biệt. Tuần qua, trong một loạt các tin nhắn trên Twitter, ông kêu gọi người dân vùng lên chống lệnh phong tỏa tại các bang như Michigan hay Minnesota. Một số thống đốc và thị trưởng cho rằng đây là một thông điệp nguy hiểm mà nguyên thủ Mỹ gửi tới người dân. Họ đồng thời lên án việc Donald Trump ủng hộ những người biểu tình đòi chấm dứt lệnh phong tỏa. Tại New York, hôm qua thị trưởng thành phố chỉ trích Donald Trump. Bill de Blasio tuyên bố : « Thay vì tung ra những khẩu hiệu đòi giải phóng Virginia, Michigan và Minnesota, tổng thống Mỹ nên dồn nỗ lực để giải phóng New York bằng cách cho thành phố này thêm phương tiện » chống Covid-19. Những lời chỉ trích này có lẽ càng đào sâu hố cách biệt giữa Donald Trump với chính quyền một số bang ».

http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200420-covid-19-v%E1%BB%9Bi-h%C6%A1n-40-000-ng%C6%B0%E1%BB%9Di-ch%E1%BA%BFt-m%E1%BB%B9-ch%C6%B0a-th%E1%BA%A5y-%C3%A1nh-s%C3%A1ng-cu%E1%BB%91i-%C4%91%C6%B0%E1%BB%9Dng-h%E1%BA%A7m

 

Chủ Tịch Hạ Viện Nancy Pelosi thông báo

sắp đạt thỏa thuận thêm tiền hỗ trợ

cho các công ty nhỏ bị thiệt hại do dịch coronavirus

Tin từ Washington, DC – Bà Nancy Pelosi, chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ bày tỏ sự tin tưởng rằng các nhà lập pháp sắp đạt được thỏa thuận phê duyệt thêm tiền tài trợ cho các công ty nhỏ bị thiệt hại trong đại dịch coronavirus.

Theo Reuters, thỏa thuận này sẽ chấm dứt tình trạng bế tắc kéo dài hơn một tuần, sau khi tổng thống Trump yêu cầu bổ sung thêm 250 tỷ Mỹ kim vào chương trình cho  các công ty nhỏ vay. Quốc hội đã thiết lập chương trình này vào tháng trước, thuộc chương trình viện trợ kinh tế coronavirus trị giá 2.3 ngàn tỷ Mỹ kim, nhưng số tiền này đã cạn.

Bà Pelosi và Lãnh đạo đảng Dân chủ Thượng viện, Chuck Schumer, đều đề nghị bổ sung tiền cho các công ty nhỏ, nhưng cũng muốn có thêm quỹ đối phó coronavirus cho các chính quyền tiểu bang, địa

phương và bệnh viện, cũng như hỗ trợ lương thực cho người nghèo. Thống đốc của các tiểu bang chịu ảnh hưởng nặng nề như New York và New Jersey cho biết, họ cần thêm tài trợ của liên bang để tăng cường khả năng xét nghiệm.

Bà Pelosi cho hay các bệnh viện, giáo viên và nhân viên cứu hỏa có cơ hội nhận thêm tiền trợ cấp trong dự luật tài trợ tạm thời. Quốc hội hiện đang dự tính đưa ra một dự luật viện trợ coronavirus lớn khác sau khi quỹ hỗ trợ công ty nhỏ được bổ sung. (BBT)

https://www.sbtn.tv/chu-tich-ha-vien-nancy-pelosi-thong-bao-sap-dat-thoa-thuan-them-tien-ho-tro-cho-cac-cong-ty-nho-bi-thiet-hai-do-dich-coronavirus/

 

Người dân New York chuyển sang đi xe đạp

trong bối cảnh có lệnh ở nhà để tránh coronavirus

Theo một nhà sản xuất lớn và một số nhà bán lẻ được phỏng vấn bởi Reuters, đại dịch coronavirus làm gia tăng doanh số bán xe đạp trên khắp Hoa Kỳ.

Trong thời điểm có lệnh đóng cửa và ở nhà để hạn chế sự lây lan của coronavirus, nhiều người quyết định mua xe đạp như một cách để có thể ra ngoài, bởi vì ngay cả những tiểu bang bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh cũng cho phép người dân ra ngoài tập thể dục. Bên cạnh đó, một số người chọn mua xe đạp vào thời điểm này là bởi vì muốn tránh nguy cơ lây nhiễm trên xe buýt hoặc tàu điện ngầm.

Chính phủ đã tuyên bố xe đạp là một thiết bị vận chuyển thiết yếu, vì vậy nhiều cửa hàng xe đạp vẫn mở cho dù việc đóng cửa kinh doanh đang lan rộng. Tuy nhiên, nhiều nơi đã sửa đổi cách vận hành, theo đó, họ không còn cho phép người mua kiểm tra xe đạp, và họ đưa hàng ở lề đường thay vì bên trong cửa tiệm như trước kia.

Theo Hiệp hội Đại lý Xe đạp Quốc gia, khoảng ba phần tư doanh số bán xe đạp của Hoa Kỳ là thông qua các siêu thị lớn. Trong khi nhiều chuỗi cửa hàng thể thao lớn đã đóng cửa, thì các siêu thị như WalMart vẫn mở. Một số nhà bán lẻ xe đạp cho biết, phần lớn người tiêu dùng đều mua xe đạp giá thấp.  (BBT)

https://www.sbtn.tv/nguoi-dan-new-york-chuyen-sang-di-xe-dap-trong-boi-canh-co-lenh-o-nha-de-tranh-coronavirus/

 

Thị trưởng NY: Thiếu xét nghiệm COVID-19

có thể làm chậm việc mở cửa lại thành phố

Thị trưởng thành phố New York Bill de Blasio hôm 20/4 cho biết rằng có thể mất vài tuần nếu không nói là vài tháng trước khi thành phố đông dân nhất của Mỹ có thể mở cửa trở lại, với lý do thiếu khả năng xét nghiệm rộng rãi, trong khi nhiều nơi khác đang bắt đầu dỡ bỏ các hạn chế đối với cuộc sống hàng ngày.

De Blasio, người đứng đầu thành phố hiện đang là tâm điểm của cuộc khủng hoảng virus corona ở Mỹ, cho biết New York cần phải tiến hành hàng trăm ngàn xét nghiệm mỗi ngày để việc nhập viện giảm hơn nữa trước khi mở cửa lại nền kinh tế.

“Chúng tôi có thể tới được đó nhưng chúng tôi không thể làm điều đó mà không tiến hành xét nghiệm rộng rãi và cho đến nay chính phủ liên bang vẫn không thể xử lý được việc này,” ông de Blasio nói trên chương trình “Morning Joe” của đài truyền hình MSNBC, và cho biết thêm rằng việc chấm dứt giãn cách xã hội quá sớm có thể làm virus bùng phát trở lại.

“Chính phủ liên bang đặc biệt cần phải lưu ý rằng việc này chưa kết thúc và nếu bạn làm như nó đã qua rồi thì nó sẽ quay trở lại và làm cho mọi điều trở nên tồi tệ hơn mà thôi,” ông de Blasio nói.

Cảnh báo của thị trưởng New York về việc xét nghiệm trùng với ý kiến của một số thống đốc các tiểu bang hồi cuối tuần qua về việc Tổng thống Donald Trump cho rằng họ đã có đủ các xét nghiệm về COVID-19, căn bệnh hô hấp do chủng virus mới corona gây ra.

Theo thống kê của Reuters, Mỹ hiện đứng đầu thế giới về số ca nhiễm virus corona được xác định, với hơn 750.000 ca dương tính và hơn 40.500 ca tử vong, gần một nửa trong số đó từ tiểu bang New York.

https://www.voatiengviet.com/a/thi-truong-ny-thieu-xet-nghiem-covid-19-co-the-lam-cham-viec-mo-cua-lai-thanh-pho/5380623.html

 

Tổng thống Trump:

Có ai thực sự tin tỷ lệ tử vong ở Trung Quốc?

Hải Lam

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tiến sĩ Deborah Birx – điều phối viên lực lượng đặc nhiệm chống Covid-19 của Nhà Trắng, hôm 18/4 cho rằng số ca tử vong vì dịch bệnh ở Trung Quốc mà chính quyền Bắc Kinh công bố là không thực tế.

Trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng hôm 18/4, Tiến sĩ Birx đã đưa ra một số biểu đồ và phân tích dữ liệu về tình hình dịch bệnh ở nhiều quốc gia khác nhau. Biểu đồ cho thấy, theo con số mà giới chức Trung Quốc công bố, trong 100.000 người nhiễm nCov tại nước này, thì chỉ có 0,33% ca tử vong.

Tổng thống Trump đứng cạnh, chỉ vào dữ liệu của Trung Quốc và hỏi các phóng viên rằng: “Xin lỗi. Có ai thực sự tin con số này? Có ai thực sự tin con số này không?”.

Bà Birx sau đó giải thích tại sao con số chính thức của Trung Quốc lại rất khó tin.

“Trong khi vương quốc Anh, Pháp, Bỉ, Ý, Tây Ban Nha có hệ thống chăm sóc sức khỏe tiên tiến cùng với đội ngũ y bác sĩ giỏi, thì tỷ lệ tử vong ở các nước này ở mức 20% – 45% trong 100.000 người nhiễm nCov… Nhưng tỷ lệ ở Trung Quốc chỉ là 0,33%, thậm chí là tỷ lệ này đã tính cả số ca tử vong tăng gấp đôi ở Vũ Hán”, Tiến sĩ Birx đề cập đến việc giới chức Vũ Hán ngày 17/4 thông báo điều chỉnh số ca tử vong ở thành phố này.

Bà Birx cho rằng, việc che giấu sự thật đe dọa cuộc sống của người dân trên toàn thế giới.

“Đây là lý do tại sao việc báo cáo rất quan trọng. Chắc hẳn mọi người vẫn nhớ cách đây 6 tuần, có thể là một tháng trước, tôi đã đề cập với mọi người về những điều mà nước Ý, Pháp đã chia sẻ với chúng ta. Họ đã cảnh báo chúng ta, và nói rằng: ‘Hãy cẩn trọng. Với những người có bệnh lý này, tỷ lệ tử vong ở nhóm người này cao bất thường’. Chúng ta đã tận dụng cảnh báo này của họ”.

Sau đó, Tiến sĩ Birix chỉ trích chính quyền Trung Quốc: “Vì vậy, không có lời bào chữa nào về việc không chia sẻ những thông tin như vậy. Khi Trung Quốc là nước bùng phát dịch bệnh, Trung Quốc phải có nghĩa vụ đạo đức với thế giới, không chỉ nói rõ hơn về dịch bệnh này, mà còn phải cung cấp các thông tin rất quan trọng cho phần còn lại của thế giới”.

Cũng trong buổi họp báo, Tổng thống Trump cảnh báo Trung Quốc sẽ phải gánh hậu quả nếu nước này bị phát hiện không làm tròn trách nhiệm ngăn đại dịch Covid-19.

Ông Trump từng nhiều lần nghi ngờ về con số mà giới chức Trung Quốc công bố. Trong một buổi họp báo vào tối 17/4, ông Trump nói rằng Trung Quốc phải là nước có số người chết nhiều nhất trên thế giới trong đại dịch Vũ Hán. Cùng ngày, Tổng thống Trump đã nhắc lại sự hoài nghi của ông đối với dữ liệu của Bắc Kinh trong một bình luận tương tự trên Twitter.

https://www.dkn.tv/the-gioi/tong-thong-trump-co-ai-thuc-su-tin-ty-le-tu-vong-o-trung-quoc.html

 

Trump cảnh báo TQ sẽ chịu hậu quả

nếu cố tình gây ra đại dịch virus Vũ Hán

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm thứ Bảy (18/4) nói rằng Trung Quốc sẽ phải chịu hậu quả nếu họ “cố tình gây ra” đại dịch virus corona Vũ Hán.

Phát biểu trong buổi họp báo thường nhật của lực lượng đặc nhiệm ứng phó virus corona, Tổng thống Trump cho hay: “Nếu đó là sai sót, thì sai sót chỉ là sai sót thôi. Nhưng nếu họ cố tình gây ra [dịch virus], thì tôi cho rằng sau đó chắc chắn họ sẽ phải chịu hậu quả”. Ông Trump không nói rõ về những hành động cụ thể Mỹ có thể áp đặt lên Trung Quốc.

Tổng thống Trump và các quan chức cao cấp Tòa Bạch Ốc gần đây đã chỉ trích mạnh mẽ chính quyền Trung Quốc vì họ thiếu minh bạch sau khi virus corona bùng phát tại thành phố Vũ Hán. Tuần này, ông Trump cũng đã thông báo đình chỉ tài trợ cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vì cáo buộc cơ quan thuộc Liên Hiệp Quốc này đã “đặt Trung Quốc làm trung tâm”.

Ông Trump nói mối quan hệ Mỹ – Trung đã tốt đẹp “cho đến khi họ làm điều này [liên quan đến virus corona]”. Ông chủ Tòa Bạch Ốc đề cập tới việc mối quan hệ Washington và Bắc Kinh đã tốt hơn khi vào tháng Một họ đã ký thỏa thuận thương mại giai đoạn một để dập tắt cuộc chiến thương mại dai dẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Ông Trump cho biết vấn đề đặt ra bây giờ là liệu những gì đã xảy ra liên quan tới virus corona là “sai sót ngoài tầm kiểm soát, hay nó đã được thực hiện có chủ ý?”

“Sẽ có khác biệt lớn giữa hai điều đó [sai sót ngoài tầm kiểm soát hoặc hành vi cố ý]”, ông Trump nói.

Ông Trump cũng dấy lên các nghi vấn về một phòng thí nghiệm tại Vũ Hán mà kênh Fox News tuần này đã dẫn các nguồn tin giấu tên cho rằng đây có thể là nơi Trung Quốc đã tạo ra virus corona nhằm nỗ lực cạnh tranh chiến lược với Mỹ.

Ông Trump hôm 15/4 đã nói rằng chính phủ Mỹ đang điều tra để xác minh xem liệu virus corona có phải đã xuất phát từ phòng thí nghiệm của Trung Quốc hay không.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Mike Pompeo khi trả lời phỏng vấn trên radio hôm 18/4 đã khẳng định rằng chế độ Trung Quốc đã không để các nhà khoa học thế giới vào kiểm tra Phòng thí nghiệm virus tại Vũ Hán.

“Chúng ta biết rằng họ đã không cho phép các nhà khoa học thế giới vào phòng thí nghiệm đó để đánh giá xem điều gì đã xảy ra ở đó, những gì đang xảy ra ở đó, những gì đang xảy ra ở đó như họ nói”, ông Pompeo nói.

“Chúng ta không biết câu trả lời về điểm chính xác nơi virus corona xuất phát. Nhưng chúng ta biết điều này: Chúng ta biết rằng những dấu hiệu về virus xuất hiện đầu tiên xảy ra trong phạm vi vài dặm gần Phòng thí nghiệm Vũ Hán. Chúng ta biết rằng Phòng thí nghiệm đó là nơi đang tiến hành nghiên cứu nhiều loại virus phức tạp”, Ngoại trưởng Mỹ nói.

http://biendong.net/bi-n-nong/32-sukien/34222-trump-canh-bao-tq-se-chiu-hau-qua-neu-co-tinh-gay-ra-dai-dich-virus-vu-han.html

 

Cố vấn thương mại Nhà Trắng:

Trung Quốc đang tích trữ khẩu trang, đồ bảo hộ

trong đại dịch để trục lợi

Quý Khải

Cố vấn thương mại Nhà Trắng Peter Navarro cho biết Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã chủ trương tích trữ đồ bảo hộ cá nhân (PPE) và hiện đang trục lợi từ đại dịch, theo The Epoch Times.

“Trước hết, virus này được sinh ra ở Trung Quốc. Thứ hai, họ che giấu virus đằng sau tấm lá chắn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Điều thứ ba họ làm về cơ bản là tích trữ đồ bảo hộ cá nhân và bây giờ họ đang trục lợi từ đó”, Ông Navarro nói trong một cuộc phỏng vấn với Fox News hôm Chủ nhật (19/4).

Theo báo cáo của USA Today, lượng xuất khẩu khẩu trang phẫu thuật, máy thở và các thiết bị y tế khác sang Trung Quốc đã tăng mạnh trong tháng 1 và tháng 2. Trong thời gian đó, các quan chức Đảng đang vật lộn với tâm dịch Vũ Hán.

“Đây là thời điểm con virus đó đã có thể được khống chế tại Vũ Hán nơi khởi nguồn”, ông Navarro nói với đài Fox News. “Thay vào đó, họ lại cho phép 5 triệu người Trung Quốc đi ra khỏi Vũ Hán và lây truyền virus ra toàn cầu”.

Bên trong 1 nhà máy sản xuất khẩu trang ở Trung Quốc (ảnh chụp màn hình Youtube/Goldthread).

Theo ông Navarro, ĐCSTQ đã gây ảnh hưởng đến WHO trong nỗ lực che giấu con virus này khỏi cặp mắt của phần còn lại của thế giới, đồng thời, Trung Quốc đã trở thành nhà nhập khẩu ròng PPE mặc dù là nhà sản xuất PPE lớn nhất thế giới.

“Trong khoảng thời gian dài sáu tuần khi họ giấu dịch trước thế giới, Trung Quốc đã đi từ một nhà xuất khẩu ròng đồ bảo hộ cá nhân – họ là nhà sản xuất PPE lớn nhất thế giới – để ngược lại trở thành một nhà nhập khẩu ròng lớn”, ông Navarro nói. “Về cơ bản, họ đã đi khắp nơi và thu mua ồ ạt hầu như tất cả đồ PPE trên toàn cầu, gồm rất nhiều từ đất nước này. Khi đó, vì lý do nhân đạo mà chúng ta chia sẻ PPE của chúng ta với họ, nhưng hệ quả từ hành động này của Trung Quốc là những người dân tại New York, Milan và khắp các nơi khác đã trở nên không còn đủ sức kháng cự khi đến lúc cần đến đồ PPE để chống dịch”.

Khẩu trang được sản xuất tại Trung Quốc thường được bán với giá 50 xu (cent) (bằng khoảng 18.000 VND) thì hiện “đang được bán cho các bệnh viện ở Mỹ với mức giá lên tới 8 USD (bằng khoảng 180.000 VND), gấp 10 lần”, ông Navroro cho biết.

“Trung Quốc đang ngồi trên kho vàng PPE. Họ đang lũng đoạn thị trường và trục lợi”, ông nói thêm.

Theo The Epoch Times

Quý Khải dịch & biên tập

https://www.dkn.tv/the-gioi/co-van-thuong-mai-nha-trang-trung-quoc-dang-tich-tru-khau-trang-do-bao-ho-trong-dai-dich-de-truc-loi.html

 

Mỹ muốn cử nhà điều tra đến Trung Quốc

Hải Lam

Tổng thống Trump hôm 19/4 cho biết Mỹ vẫn muốn cử người đến Trung Quốc tìm hiểu về dịch Covid-19.

“Chúng tôi đang trao đổi với Trung Quốc. Chúng tôi đã trao đổi với họ từ lâu về việc Mỹ muốn đến tìm hiểu. Chúng tôi muốn đến đó”, Tổng thống Trump nói trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng hôm 19/4.

CNN cho biết, Mỹ từng đưa ra yêu cầu trên đã bị phía Bắc Kinh từ chối. Nhà Trắng gần đây liên tục cáo buộc Trung Quốc che giấu quy mô dịch bệnh trong lãnh thổ nước này.

Washington Examiner đưa tin, trong một buổi họp báo vào tối 17/4, ông Trump nói rằng Trung Quốc phải là nước có số người chết nhiều nhất trên thế giới trong đại dịch Vũ Hán. Hôm 18/4, ông Trump cảnh báo Trung Quốc phải gánh hậu quả nếu nước này bị phát hiện không làm tròn trách nhiệm ngăn đại dịch Covid-19.

https://www.dkn.tv/the-gioi/my-muon-cu-nha-dieu-tra-den-trung-quoc.html

 

Tổng thống Trump nói

số liệu của Iran về Covid-19 không chính xác

Hải Lam

Tổng thống Donald Trump hôm 19/4 nói rằng Mỹ sẵn sàng hỗ trợ Iran chống dịch Covid-19 nếu nước này yêu cầu, đồng thời nghi ngờ số liệu mà chính quyền Tehran công bố.

“Nếu Iran cần viện trợ và lên tiếng trong vấn đề này, tôi sẵn sàng làm điều gì đó. Tôi chắc chắn sẽ sẵn lòng”, Tổng thống Trump nói trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng hôm 19/4.

“Họ bị ảnh hưởng rất nặng. Con số mà họ báo cáo rõ ràng là không chính xác”, ông chủ Nhà Trắng phát biểu.

Ông nói thêm, Mỹ có hàng ngàn máy thở trong kho chứa và sẵn sàng gửi đến Iran nếu nước này đề nghị. Tổng thống Trump cho rằng, các nhà lãnh đạo Iran “nên sáng suốt và thỏa thuận với Mỹ”.

Hiện Iran ghi nhận 82.211 ca nhiễm Covid-19, trong đó 5.118 người đã tử vong và là vùng dịch lớn thứ hai ở khu vực Trung Đông, chỉ sau Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo The Hill, hồi tháng 3, Tehran đã từ chối lời đề nghị viện trợ nhân đạo của chính quyền Washington, tuyên bố rằng nếu Mỹ muốn giúp đỡ Iran thì hãy dỡ bỏ lệnh trừng phạt.

Hãng tin AP cho biết, Giám đốc Ngân hàng Trung ương Iran Abdolnasser Hemmati tháng trước đã gửi thư cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), đề nghị vay 5 tỷ USD để chống dịch. Hôm 8/4, Tổng thống Iran Hassan Rouhani thúc giục IMF đáp ứng yêu cầu này.

https://www.dkn.tv/the-gioi/tong-thong-trump-noi-so-lieu-cua-iran-ve-covid-19-khong-chinh-xac.html

 

Virus Vũ Hán 20/4: Mỹ – Thổ Nhĩ Kỳ

hợp tác chống dịch

Hải Lam

Theo cập nhật của Worldometers lúc 6h43 ngày 20/4 (giờ Việt Nam), dịch Covid-19 xuất hiện tại 210 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, với 2.404.866 ca nhiễm, trong đó 164.925 người đã tử vong và 624.848 người khỏi bệnh.

Hiện Mỹ là vùng dịch lớn nhất thế giới với 763.594 ca nhiễm và 40.527 ca tử vong.

Theo AFP, tình hình dịch bệnh ở châu Âu có những dấu hiệu khả quan hơn vào hôm 19/4. Số ca tử vong mới ở Ý, Tây Ban Nha, Pháp và Anh đã giảm, tỷ lệ lây nhiễm cũng chậm lại. Châu lục này chiếm 2/3 số ca tử vong trên toàn cầu.

Trung Quốc hôm 19/4 báo cáo thêm 16 ca nhiễm mới nCov, 44 ca không triệu chứng, song nhiều người nghi ngờ về tính xác thực của những con số giới chức nước này công bố. Theo NTD, dịch bệnh tại Cáp Nhĩ Tân, Hắc Long Giang đang trong tình trạng khẩn cấp. Một cư dân mạng hôm 18/4 đã đăng video nói rằng dịch bệnh và khói mù ở đây không thể kiểm soát được, nồng độ bụi mịn PM2.5 vượt quá mức quy định 4.000 lần. Nhiều cư dân mạng đặt câu hỏi liệu có phải lại do việc đốt thi thể gây ra không?

Tại khu vực Đông Nam Á, hơn 28.200 người đã nhiễm bệnh, trong đó hơn 1.100 người đã tử vong. Singapore đã vượt Indonesia trở thành vùng dịch lớn nhất.

Để xem số liệu mới nhất về số ca nhiễm, tử vong và hồi phục tại các nước trên thế giới, quý độc giả có thể truy cập: https://www.worldometers.info/coronavirus/

Dưới đây là một số tin vắn nổi bật về dịch viêm phổi Vũ Hán:

Mỹ – Thổ Nhĩ Kỳ hợp tác chống dịch

Trong cuộc điện đàm hôm 19/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã thảo luận về đại dịch Covid-19, mối quan hệ song phương và sự phát triển của khu vực.

Theo thông cáo từ văn phòng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, hai nhà lãnh đạo đã đồng ý tiếp tục hợp tác chặt chẽ để chống lại các mối đe dọa từ dịch Covid-19 với sức khỏe cộng đồng và nền kinh tế, song không nêu chi tiết các biện pháp.

Số ca nhiễm Covid-19 ở Thổ Nhĩ Kỳ vượt Trung Quốc

Số ca nhiễm Covid-19 ở Thổ Nhĩ Kỳ hiện là 86.306, trong đó 2.017 người đã tử vong. Dựa trên con số mà giới chức nước này và Trung Quốc công bố, Thổ Nhĩ Kỳ đã vượt Trung Quốc về số ca nhiễm bệnh, trở thành ổ dịch lớn thứ 7 thế giới.

Canada có thể tiếp tục bị phong tỏa

Reuters đưa tin, Thủ tướng Justin Trudeau hôm 19/4 cho biết trong buổi họp báo rằng, số ca tử vong và nhiễm bệnh ở Canada đang “đi theo chiều hướng đúng”, song việc giãn cách xã hội cần giữ nguyên.

Giống như nhiều quốc gia khác đã làm trong đại dịch, chính quyền Canada đã ra lệnh đóng cửa các doanh nghiệp không thiết yếu và kêu gọi mọi người ở nhà.

Anh chưa xem xét việc dỡ phong tỏa

Bộ trưởng Văn phòng Nội các Michael Gove hôm 19/4 cho biết một bài báo của Buzzfeed nói rằng chính phủ đang xem xét dỡ bỏ lệnh phong tỏa theo từng giai đoạn trong những tháng tới là không chính xác.

“Hiện tại, thực tế và lời khuyên cho thấy rất rõ ràng rằng chúng ta không nên nghĩ đến việc dỡ bỏ những hạn chế này”, ông Keith Gove nói với Sky News.

Honduras kéo dài lệnh giới nghiêm thêm 1 tuần

Reuters cho biết, chính phủ Honduras hôm 19/4 đã gia hạn lệnh giới nghiêm đến ngày 26/4 trong bối cảnh dịch Covid-19 đã khiến 46 người tử vong trong tổng số 472 người nhiễm bệnh ở quốc gia Trung Mỹ nghèo khó này.

https://www.dkn.tv/the-gioi/virus-vu-han-20-4-my-tho-nhi-ky-hop-tac-chong-dich.html

 

Canada, Hoa Kỳ giới hạn qua lại biên giới

thêm 30 ngày để kiểm soát dịch coronavirus

Tin từ Winnipeg, Manitoba – Vào hôm thứ Bảy (18 tháng 04), thủ tướng Canada Justin Trudeau thông báo Canada và Hoa Kỳ đã thống nhất việc giới hạn việc qua lại biên giới  thêm 30 ngày để kiểm soát dịch coronavirus.

Hồi tháng trước, Washington và Ottawa đã đồng ý kiểm soát chặt chẽ việc đi lại không cần thiết, trong khi cho phép thương mại ở biên giới được tiếp tục trong đại dịch coronavirus. Các hạn chế dự kiến sẽ hết hạn vào tuần sau.

Thủ tướng Trudeau cho biết thỏa thuận này không thay đổi và ông dự kiến các lô hàng vật tư y tế như khẩu trang sẽ tiếp tục được nhập cảng qua biên giới.

Trong tháng này, tổng thống Trump đã ban hành một thông cáo chỉ thị các cơ quan liên bang tiếp tục tìm kiếm nguồn cung cấp y tế trong Hoa Kỳ. Công ty 3M của Hoa Kỳ đã đạt được thỏa thuận với chính quyền tổng thống Trump, tuy nhiên, để tiếp tục xuất cảng khẩu trang sang Canada và châu Mỹ Latinh.

Số người chết vì COVID-19 ở Canada đã tăng 8%, lên đến 1,346 ca tử vong, số ca nhiễm mới đã tăng 6%, lên tổng số 32,412 người nhiễm. Quebec là tâm dịch ở Canada, với người cao niên trong các viện dưỡng lão chiếm phần lớn trong số 805 ca tử vong của tỉnh.

Kể từ thứ Bảy (18 tháng 04), Canada bắt đầu gửi quân đội đến Quebec để bù đắp cho tình trạng thiếu nhân sự tại các cơ sở chăm sóc người cao niên ở tỉnh này. Hiện nay, Ontario (tỉnh đông dân nhất Canada) đã có hơn 10,000 ca nhiễm và 514 ca tử vong, cao thứ hai tại Canada. Ngược lại, một số tỉnh miền tây Canada có số ca nhiễm mới suy giảm. Tỉnh British Columbia và Saskatchewan đang bắt đầu dự tính kế hoạch nới lỏng các hạn chế. (BBT)

https://www.sbtn.tv/canada-hoa-ky-gioi-han-qua-lai-bien-gioi-them-30-ngay-de-kiem-soat-dich-coronavirus/

 

Ít nhất 13 người thiệt mạng

trong vụ xả súng tại Canada

Hải Lam

Một vụ xả súng kéo dài 12 giờ tại tỉnh Nova Scotia, Canada hôm 19/4 đã giết chết ít nhất 13 người, trong đó có một nữ cảnh sát.

Cảnh sát Hoàng gia Canada (RCMP) cho biết tay súng là Gabriel Wortman, 51 tuổi, là nha sĩ. Thủ phạm đã ngụy trang chiếc xe của mình trông giống như xe của cảnh sát.

Vụ tấn công bắt đầu từ đêm 18/4 tại thị trấn ven biển Portapique, cách thủ phủ Halifax của tỉnh Nova Scotia khoảng 130km về phía Bắc.

RCMP cho biết Wortman đã xả súng tại một vài địa điểm ở tỉnh nhỏ nằm bên bờ Đại Tây Dương, và hơn 10 người đã chết. Ông Brenda Lucki, người đứng đầu RCMP toàn quốc, sau đó nói với kênh truyền thông CBC rằng Wortman đã giết ít nhất 13 người, trong đó có một nữ cảnh sát là cô Heidi Stevenson, 23 tuổi.

RCMP cho biết thêm Wortman đã chết, nhưng không xác nhận tin từ đài CTV rằng hắn ta bị cảnh sát bắn hạ. Cảnh sát nói chưa có mối liên hệ rõ ràng nào giữa Wortman và một số nạn nhân.

“Hôm nay là một ngày tàn khốc đối với Nova Scotia, và nó sẽ còn khắc sâu trong tâm trí mọi người trong nhiều năm tới”, ông Lee Bergerman, chỉ huy trưởng của RCMP tại Nova Scotia nói.

Thủ tướng Canada Justin Trudeau khi biết tin về vụ xả súng đã gọi đây là “tình huống khủng khiếp”.

Cuộc tấn công này được coi là vụ giết người tồi tệ nhất kể từ sau vụ nổ súng khiến 15 phụ nữ thiệt mạng ở Montreal hồi tháng 12/1989. Vụ xả súng hàng loạt là tương đối hiếm ở Canada, quốc gia có luật kiểm soát súng chặt chẽ hơn Mỹ.

Theo Reuters

Hải Lam dịch và biên tập

https://www.dkn.tv/the-gioi/it-nhat-13-thiet-mang-trong-vu-xa-sung-tai-canada.html

 

Virus corona nhân tạo: Giới khoa học

phản bác giả thuyết của GS Montagnier

Là người từng đoạt giải Nobel Y Học vào năm 2008 nhờ đóng góp vào việc tìm ra siêu vi HIV gây bệnh Sida (AIDS), tiếng nói của nhà khoa học Pháp Luc Montagnier rất được chú ý. Hôm 16/04/2020, vị giáo sư đã 88 tuổi này đã gây chấn động khi cho rằng virus corona chủng mới đang hoành hành trên thế giới có thể là một siêu vi “nhân tạo” thoát ra từ một phòng thí nghiệm. Tuy nhiên, giả thuyết của ông ngay lập tức bị cộng đồng khoa học cực lực phản bác.

Trong bài phân tích công bố ngày 17/04, hãng tin Pháp AFP đã điểm lại giả thuyết mà giáo sư Montagnier liên tiếp quảng bá trên các phương tiện truyền thông Pháp, từ các trang tin y khoa “Fréquence médicale”, “Pourquoi docteur” cho đến kênh truyền hình CNews.

Theo giáo sư Montagnier, virus corona chủng mới, có tên khoa học là SARS-CoV-2, thực ra là một siêu vi do con người làm ra khi tìm cách chế tạo vacxin ngừa SIDA. Bằng chứng, theo ông, là sự hiện diện một phần gen của virus HIV và cả những “mầm gây bệnh sốt rét” trong SARS-CoV-2.

Đối với vị giáo sư này, những đặc điểm nêu trên của virus corona chủng mới không thể có được một cách tự nhiên và virus đã thoát ra ngoài trong một tai nạn tại phòng thí nghiệm được bảo vệ cực kỳ nghiêm ngặt ở Vũ Hán. Ông còn đề xuất ý kiến loại bỏ những phần gen “ngoại nhập” của virus bằng cách dùng “sóng”.

Làn sóng phản bác

Giả thuyết của giáo sư Montagnier vừa được nêu lên đã bị nhiều nhà khoa học bác bỏ. Nhà vi trùng học Etienne Simon-Lorière thuộc Viện Pasteur Paris, cho rằng việc virus corona có yếu tố ngoại nhập “không có ý nghĩa gì hết”. Theo ông, “đó là những nhân tố rất nhỏ mà người ta cũng tìm thấy ở các loại virus cùng chủng loại, những virus corona tự nhiên khác… Đó là những mảnh trong bộ gen trông giống như vô số đoạn gen của các loại vi khuẩn, virus và thực vật”.

Nhà vi trùng học này, trưởng bộ phận về chuyển biến gen của virus ARN của Viện Pasteur, đã không ngần ngại ví von: “Nếu người ta trích một từ ra khỏi một quyển sách và thấy từ đó giống như một từ trong một quyển sách khác, thì liệu ta có nói là đó là vấn đề quay cóp hay không?”. Chuyên gia này bác bỏ thẳng thừng giả thuyết của ông Montagnier: “Thật là phi lý”.

Nhật báo Le Monde ngày 17/04 cũng trích dẫn nhà di truyền học Gaëtan Burgio, trưởng nhóm nghiên cứu tại Đại Học Quốc Gia Úc, xác định rằng điểm tương đồng giữa virus corona chủng mới với virus HIV quá ít để kết luận rằng có một sự trao đổi đáng kể về thông tin di truyền.

Theo Le Monde, vào tháng 01/2020, cộng đồng khoa học Massive Science đã liệt kê khoảng 15 loại virus khác nhau có cùng một chuỗi mã hóa với virus HIV và SARS-CoV-2, trong số này có virus khoai lang, virus trái đào lai mận hoặc virus của một loài ong.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Theo tiến sĩ Burgio, danh sách kể trên lại càng vô nghĩa khi mà các chuỗi mã hóa rất ngắn. Theo ông, nếu thực sự có việc chèn các chuỗi HIV vào SARS-Cov-2, các mảnh ARN sẽ phải lớn hơn và rõ nét hơn nhiều… Đối với ông, vấn đề mà giáo sư Montagnier nêu lên chỉ là một hiện tượng “trùng hợp ngẫu nhiên” mà thôi.

Giáo sư Montagnier đã lẩm cẩm?

Giới quan sát đều ghi nhận là từ sau khi được giải Nobel Y Học vào năm 2008, giáo sư Montagnier càng lúc càng có nhiều lập luận gây tranh cãi và thường bị giới khoa học phản bác.

Theo AFP, ông từng bị chế nhạo về các lý thuyết về sóng điện tử do ADN phát ra, hay tính ưu việt của quả đu đủ trong việc chữa bệnh Parkinson.

Tệ hại hơn cả là việc ông xuất hiện vào năm 2017 bên cạnh giáo sư Henri Joyeux, gương mặt tiêu biểu trong phong trào chống tiêm chủng, và phụ họa cho việc nêu bật tính nguy hiểm của các loại vacxin và chính sách tiêm chủng bắt buộc, cho rằng có nguy cơ là “với thiện ý ban đầu, dần dần người ta sẽ đầu độc toàn bộ dân chúng”.

http://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A1p/20200420-virus-corona-la%CC%80-sa%CC%89n-ph%C3%A2%CC%89m-nh%C3%A2n-ta%CC%A3o-gi%C6%A1%CC%81i-khoa-ho%CC%A3c-ph%E1%BA%A3n-b%C3%A1c-gia%CC%89-thuy%E1%BA%BFt-c%E1%BB%A7a-gs-montagnier

 

EU, NATO cảnh giác

trước chiến lược thâu tóm cơ sở hạ tầng của TQ

Liệu cú sốc tài chính do dịch COVID-19 gây ra có khiến cơ sở hạ tầng ở châu Âu dễ tổn thương trước “tấm séc” của Trung Quốc hay không? Một số chuyên gia nhận định, châu Âu đang ở trong tình trạng đầy bấp bênh.

Ông John Sawers, Cựu Giám đốc cơ quan tình báo nước ngoài (MI6) của Anh đang gióng lên hồi chuông cảnh báo. “Chúng ta cần phải làm nhiều hơn nữa để bảo vệ công nghệ phương Tây không bị các công ty của Trung Quốc mua lại. Tôi không nghĩ đó là một mối đe dọa giống như cách Liên Xô đã làm trong thời kỳ chiến tranh Lạnh, nhưng sẽ có sự cạnh tranh sâu sắc về kiếm soát công nghệ”.

Bình luận của ông John Sawers bắt nguồn từ các báo cáo cho rằng công ty thiết kế chíp bán dẫn của Anh Imagination Technologies có thể sẽ được chuyển tới Trung Quốc. Công ty này đã được một công ty cổ phần tư nhân do chính phủ Trung Quốc hỗ trợ, mua lại vào năm 2017.

Mối lo ngại nói trên xuất phát từ nỗi lo đã được chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump chia sẻ rộng rãi về việc các đối tác châu Âu đang sử dụng công nghệ của tập đoàn Huawei (Trung Quốc) để mở rộng mạng lưới 5G của họ.

Dù quan hệ kinh tế giữa châu Âu với Trung Quốc tiếp tục được thúc đẩy một cách thận trọng nhưng trong bối cảnh các nền kinh tế đang phải đối mặt với nguy cơ suy thoái nghiêm trọng do đại dịch COVID-19, các quan chức của cả EU và NATO đều cảnh báo chính phủ những nước thành viên cần ngăn chặn nguy cơ Bắc Kinh mua các cơ sở hạ tầng quan trọng.

Bảo vệ những tài sản cốt lõi

Phát biểu sau cuộc họp trực tuyến của các bộ trưởng quốc phòng hôm 15/4 vừa qua, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg lưu ý rằng, “ảnh hưởng địa chính trị của đại dịch có thể rất nghiêm trọng nếu những khó khăn về kinh tế khiến một số đồng minh dễ bị tổn thương rơi vào tình huống buộc phải bán cơ sở hạ tầng quan trọng”.

Theo ông Jens Stoltenberg, các bộ trưởng đã thảo luận về “khả năng phục hồi” được nhắc đến trong Điều 3 của Hiệp ước thành lập liên minh và việc “đảm bảo NATO có các ngành công nghiệp cũng như cơ sở hạ tầng quan trọng để có thể cung cấp những trang thiết bị quan trọng trong các cuộc khủng hoảng”.

Trong một cuộc trò chuyện trực tuyến hôm 16/4,  Phó Tổng thư ký NATO Mircea Geoana đã giải thích với DW về những quyết định khó khăn mà các chính phủ châu Âu đang phải đối mặt.

“Tất nhiên, chính phủ của các quốc gia có chủ quyền phải quyết định xem đâu là ngành công nghiệp chiến lược mà họ muốn giữ lại. Các thị trường tự do cần tiếp tục hoạt động nhưng bạn phải đảm bảo rằng “những viên ngọc quý”, tức là những ngành công nghiệp và cơ sở hạ tầng thiết yếu cần được giữ lại để giúp chúng ta luôn an toàn trong bất cứ hoàn cảnh nào”, ông Mircea Geoana nêu rõ.

Vị quan chức này cho biết, NATO sẽ tăng cường trao đổi với chính phủ các nước thành viên để nhấn mạnh rằng: “Nếu đụng chạm đến những yêu cầu tối thiểu, những khả năng tối thiểu ở cấp độ quốc gia và cấp độ đồng minh thì chúng ta có thể gặp rắc rối”.

Tiềm ẩn nguy cơ từ hoạt động thâu tóm của Trung Quốc

Nhưng một số chuyên gia nhận xét, châu Âu vốn đã mang trong mình nhiều rắc rối tiềm ẩn. Frans-Paul van der Putten, thành viên cao cấp tại Viện Clingendael ở The Hague, người điều phối Trung tâm nghiên cứu Trung Quốc đã đưa ra cảnh báo này một cách chi tiết trong báo cáo gần đây.

Ông Putten lưu ý rằng, Tập đoàn vận tải biển COSCO của Trung Quốc đã kiểm soát các cổ phần tại các khu cảng bốc dỡ container ở Piraeus, Hy Lạp, vận hành 2 trong số 3 nhà ga hàng hóa của cảng thông qua công ty con thuộc sở hữu hoàn toàn của mình là Piraeus Container Terminal và có quyền kiểm soát hoạt động của nhà ga thứ 3 qua việc nắm 51% cổ phần của Cảng vụ Piraeus.

Tại Tây Ban Nha, COSCO có 51% cổ phần trong quản lý các nhà ga lớn nhất tại Valencia và Bilbao. Công ty này cũng nắm cổ phần lớn tại các nhà ga khác ở Antwerp, Las Palmas và Rotterdam.

Dù không xem xét khía cạnh quốc phòng của những khoản đầu tư tập trung như vậy, nhưng ông Putten tin rằng những phát hiện của ông sẽ cung cấp nhiều lý do cho mối quan ngại: “Loại ảnh hưởng mà Trung Quốc đang xây dựng khiến nước này có thể chuyển hướng dòng chảy thương mại từ nơi này đến nơi khác”, DW dẫn lời chuyên gia Putten cho biết.

“Điều này đặc biệt nguy hiểm bởi châu Âu có nguy cơ mất quyền kiểm soát thứ quan trọng như ngoại thương của họ”.

Ông Van der Putten nhấn mạnh, đã có sự bùng nổ quan tâm của giới truyền thông khi cảng Piraeus bị Trung Quốc thâu tóm, điều mà ông cho là cần thiết bởi Hy Lạp thiếu các lựa chọn về kinh tế trong khuôn khổ chương trình thắt lưng buộc bụng của EU sau cuộc khủng hoảng tài chính và ông lưu ý, quyết định của nước này có thể gây ra sự hối tiếc.

“Hy Lạp đã phải tìm một người mua và đối với Brussels, bất cứ người mua nào cũng tốt. Vì vậy nếu Trung Quốc là bên mua tiềm năng duy nhất thì với họ Trung Quốc cũng được xem là bên mua tốt. Nhưng xét đến tình hình hiện nay, tôi cho rằng đó là 1 sai lầm”.

Châu Âu cần sớm tỉnh ngộ

Theo ông Van der Putten, các nước tây Âu vốn tin rằng họ sẽ không bị tổn thương trước ảnh hưởng của Trung Quốc nên suy nghĩ lại ngay bây giờ. “Tôi hy vọng rằng sẽ có một giải pháp chung của châu Âu trong vấn đề này và các nước yếu sẽ không phải loay hoay tìm giải pháp riêng cho chính họ”.

Kể từ sau thời điểm nói trên, EU đã thông qua các biện pháp mới, có hiệu lực cách đây 1 năm. Chúng là 1 phần của cái gọi là khuôn khổ sàng lọc đầu tư nước ngoài, nhằm bảo vệ lợi ích chiến lược của khối.

Đến tháng 10/2020, tất cả các quốc gia thành viên sẽ thực hiện 1 quy trình, theo đó họ sẽ thông báo cho nhau và cho Ủy ban châu Âu biết nếu xuất hiện một đề nghị đầu tư bên ngoài EU đầy nghi vấn. Trước các hoạt động gây ảnh hưởng của Trung Quốc trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 đang hoành hành, Ủy ban EU đã hối thúc các chính phủ đẩy nhanh quy trình này.

Ông Erik Brattberg, Giám đốc chương trình châu Âu của Quỹ Carnegie cho hòa bình quốc tế tin rằng, Bắc Kinh sẽ không được tiếp cận một thị trường mở như vậy để mua sắm cơ sở hạ tầng của châu Âu thêm một lần nữa.

“Lần này tôi nghĩ có nhiều sự chú ý hơn và nhiều sự giám sát hơn đối với các hoạt động của Trung Quốc và sẽ có nhiều biện pháp bảo vệ tốt hơn được đưa ra. Nhưng chúng ta vẫn chưa thấy rõ liệu các biện pháp đó có thành công và hiệu quả không nếu Trung Quốc tìm cách lợi dụng một cuộc khủng hoảng kinh tế tại châu Âu để bước vào và cố gắng có được những tài sản hay các loại cơ sở hạ tầng quan trọng”.

Tuy nhiên, có nhiều dấu hiệu cho thấy cuộc khủng hoảng COVID-19 có thể đã bào mỏng “tấm séc đầy quyền lực” của Trung Quốc.

http://biendong.net/doc-bao-viet/34217-eu-nato-canh-giac-truoc-chien-luoc-thau-tom-co-so-ha-tang-cua-tq.html

 

Covid-19: Pháp chuẩn bị phương án dỡ bỏ phong tỏa

Trọng Nghĩa

Trong cuộc họp báo về tình hình dịch bệnh, thủ tướng Pháp Edouard Philippe, hôm qua 19/04/2020, phác họa một số nguyên tắc nhằm dỡ bỏ dần dần các biện pháp phong tỏa kể từ ngày 11/05, dựa trên việc xét nghiệm ồ ạt và cách ly người bệnh. Tuy nhiên, ông cũng nói rõ là người Pháp sẽ không “tìm lại Trong bối cảnh dịch bệnh đang lây lan chậm lại ở Pháp, thủ tướng Philippe cảnh báo rằng đất nước “chưa ra khỏi cuộc khủng hoảng y tế”, do đó mọi người cần phải tập “sống chung với virus”, nhất là trong bối cảnh dân chúng Pháp chưa được miễn dịch, bệnh Covid-19 chưa có thuốc chữa, và sớm nhất cũng phải đến “giữa năm 2021” mới có vacxin.

Do đó, thủ tướng Pháp nhấn mạnh “3 yếu tố then chốt” để có thể bắt đầu tiến trình dỡ bỏ phong tỏa, trong đó có việc tiếp tục các “động tác phòng bệnh”, như giữ khoảng cách tối thiểu với người khác, việc mang khẩu trang “đại trà” có lẽ sẽ thành “bắt buộc” trên các phương tiện chuyên chở công cộng.

Chỉ tiêu 500.000 xét nghiệm mỗi tuần

Theo thủ tướng Pháp, cần phải “xét nghiệm nhiều và nhanh chóng”. Mục tiêu của chính quyền là có thể xét nghiệm 500.000 người mỗi tuần từ đây đến lúc bắt đầu giai đoạn giảm phong tỏa, tức là 11/05. Theo bộ trưởng Y Tế Olivier Veran, những người thuộc diện phải xét nghiệm là những người “có triệu chứng hay có tiếp xúc gần với một người mà người ta biết là bị bệnh”. Trong trường hợp dương tính, những người này sẽ phải cách ly ở nhà hay ở một nơi được sử dụng để cách ly, như khách sạn chẳng hạn.

Sau ngày 11/05, việc mở cửa lại các trường học vẫn đang được cân nhắc, nhiều kịch bản đang được nghiên cứu, tùy theo khu vực, hoặc mở một nửa lớp học. Biện pháp làm việc từ xa vẫn được khuyến khích trong trường hợp có thể làm được. Đối với các cửa hàng thì phải tổ chức xếp hàng đúng theo quy định về khoảng cách an toàn, tối thiểu là một mét và có gel rửa tay cho khách hàng. Ngoài ra, bộ trưởng Y Tế cũng thông báo tái lập kể từ hôm nay, 20/04, quyền được đi thăm người thân ở các viện dưỡng lão, nhưng một cách rất hạn chế.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Trong lãnh vực chính trị, vòng hai cuộc bầu cử hội đồng thành phố và thị xã sẽ khó có thể diễn ra vào tháng Sáu như dự kiến trước đây, mà sẽ là “sau hè”.

Về diễn biến dịch Covid-19 tại Pháp, vào hôm qua đã có thêm 395 người chết trong 24 tiếng đồng hồ, đưa tổng số ca tử vong lên lên 19.718 người. Tuy nhiên, tổng số người nằm viện, cũng như số người phải điều trị trong các khoa hồi sức vẫn tiếp tục đà giảm nhẹ, ngày thứ năm liên tiếp đối với số bệnh nhân, và ngày thứ 11 liên tiếp đối với số người bệnh nặng phải nằm khoa hồi sức.

http://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A1p/20200420-covid-19-ph%C3%A1p-chu%E1%BA%A9n-b%E1%BB%8B-ph%C6%B0%C6%A1ng-a%CC%81n-d%C6%A1%CC%83-b%E1%BB%8F-phong-t%E1%BB%8Fa

 

Virus corona : Suy ngẫm của cựu đại sứ Pháp

 từ giường bệnh ở Hà Nội

Thụy My

Cựu đại sứ Pháp tại Việt Nam (2012-2016), ông Jean-Noël Poirier bị nhiễm virus corona và đã được chữa khỏi tại Hà Nội, đã viết một bài trên trang Causeur ngày 15/04/2020 lúc đang còn nằm viện, mang tựa đề tạm dịch « Kỷ luật Nho giáo và phi trật tự châu Âu : Tôi viết cho bạn từ phòng 541 bệnh viện Hà Nội ».

Giới thiệu của Causeur : Việt Nam quản lý một cách tuyệt vời cuộc khủng hoảng virus corona. Đất nước này đã phát hiện ca nhiễm đầu tiên hôm 23/01/2020, và biên giới với Trung Quốc bị đóng vào ngày 01/02/2020. Cho đến nay, Việt Nam chưa có trường hợp tử vong nào.

Tây Ban Nha, Ý, Pháp, Anh, Hoa Kỳ. Phương Tây vốn cho rằng mang những giá trị nhân văn, nay lại mang trong người virus. Một con virus rõ ràng mang tính toàn cầu hơn cả những giá trị ấy. Rõ ràng là các quốc gia châu Á, cụ thể là các nước theo văn hóa Nho giáo cho đến nay đã thành công trong việc ngăn chận làn sóng dịch bệnh đang thô bạo tấn công chúng ta.

Không có trường hợp tử vong nào

Trung Quốc, Đài Loan, Singapore, Hồng Kông, Nhật Bản và Hàn Quốc thường được nêu ra làm ví dụ. Người ta quên mất đất nước Nho giáo cuối cùng trong nhóm này, tuy rất gần gũi về tình cảm và lịch sử với chúng ta : đó là Việt Nam. Trong khi thành công của Việt Nam trước nạn dịch corona thuyết phục hơn cả Hàn Quốc – nay đã là nước công nghiệp lớn.

Tăng trưởng rất nhanh từ 20 năm qua (GDP 2.700 đô la/người, tỉ lệ 7% vào năm 2019) nhưng thua xa Hàn Quốc hay Đài Loan về kinh tế hay cơ sở hạ tầng, Việt Nam đã đạt được các kết quả tuyệt vời. Vào giữa tháng Tư 2020, số người dương tính với Covid-19 vẫn chưa đạt con số 300 và số tử vong vẫn nằm yên ở con số zero.

Việt Nam không để mất nhiều thời giờ. Hết sức thận trọng, các trường học đã đóng cửa từ hôm 18/1 để nghỉ Tết, từ đó đến nay vẫn chưa mở cửa lại. Dân chúng vốn quen đeo khẩu trang để chống nắng hay chống ô nhiễm, đã không ngần ngại sử dụng. Những chai nước kháng khuẩn được lắp đặt tại tất cả những địa điểm công cộng (quán cà phê, lối vào các tòa nhà, thang máy…) ngay từ cuối tháng Giêng.

Biên giới với các nước đang bị dịch được sớm đóng cửa, bắt đầu là với Trung Quốc ngay từ ngày 01/02, chưa đầy một tuần sau khi xuất hiện ca dương tính đầu tiên (một người từ Vũ Hán về, được xác nhận bị nhiễm ngày 23/01/2020).

Cuối cùng, Việt Nam ngay từ ngày đầu tiên đã áp dụng phương pháp rất nghiêm ngặt : nhận diện những người và những nhóm có nguy cơ, phong tỏa, cho xét nghiệm và cách ly những trường hợp dương tính. Một phương pháp không quá xa khuyến cáo của tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) : « xét nghiệm, xét nghiệm, xét nghiệm và cách ly ». Cũng không có gì là phép mầu, nhưng cần phải quyết định làm ngay từ khi có dấu hiệu cảnh báo đầu tiên. Việt Nam đã làm rất tốt.

Tôi viết từ bệnh viện ở Hà Nội

« Chế độ cộng sản thì không thể tin vào con số được. Chắc chắn là họ đã giấu diếm sự thật ! ». Than ôi, chả phải như thành kiến.

Đã hẳn là thế nào cũng có những « kẻ vô hình » – những người lành mang mầm bệnh mà không biết, như tại tất cả những nước khác, và không được tính vào thống kê chính thức. Nhưng họ không nhiều cũng chẳng ít hơn ở châu Âu, và có thể là ít hơn, với chính sách xét nghiệm đại trà và phong tỏa ở Việt Nam. Số lượng ca dương tính biết được là hợp lý, và ở mức thấp một cách tuyệt vời đối với một đất nước chỉ cách Vũ Hán có ba giờ bay.

Các bệnh viện không bị quá tải, lượng bệnh nhân nhập viện và ra viện nằm trong vòng kiểm soát. Bạn có thể tin tôi. Tôi đang viết cho bạn từ phòng số 541 của Bệnh viện Nhiệt đới Hà Nội, nơi tập trung tất cả các ca được phát hiện. Xét nghiệm dương tính với con virus sau hai tuần ở Paris, tôi nhập viện vào 2 giờ sáng hôm 25/03.

Tôi không có triệu chứng nào, không bị bệnh, nhưng phải ở lại bệnh viện cho đến chừng nào trở nên âm tính. Nếu tôi ở riết trong bệnh viện, không phải vì tôi, mà để khỏi lây nhiễm cho cộng đồng. Một bệnh nhân dương tính bị cho về nhà mà không có khẩu trang là điều không thể tưởng tượng được tại đây. Ở Việt Nam, việc bảo vệ tập thể được đặt cao hơn mọi thứ khác. Tự do cá nhân của tôi, tính sau.

Cá nhân không là gì, tập thể là tất cả

Chiến lược của Việt Nam trước con virus rất đơn giản, có hơi xâm phạm cuộc sống riêng tư. Tất cả những ai bị nhiễm virus (gọi là F0) đều phải khai danh tính những người mình đã tiếp xúc (F1) trong những ngày trước đó, và ghi rõ những nơi đã đến.

Bản thân tôi vào tối 24 rạng 25/03 cũng phải khai trước khi nhập viện. Và tốt nhất là đừng có gian dối. Hệ thống quản lý cư dân cố hữu của chế độ cộng sản từ năm 1954 ở miền bắc và từ 1975 ở miền nam, biết cách truy ra những bí mật và cực lực phê phán bạn, nhân danh bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Những người tiếp xúc với F0 được gọi là F1, sẽ được gởi ngay đến một trung tâm cách ly hoặc cho tự cách ly ở nhà, và được xét nghiệm. Mỗi F1 có nhiệm vụ phải báo tin cho những người mà mình có tiếp xúc, đó là các F2. Cái giá cho F2 : giãn cách xã hội và nếu có thể, tự cách ly tại nhà trong 14 ngày. Đến ngày 04/04, đã có trên 73.000 người bị cách ly, hơn 40% trong số đó trong một trung tâm khép kín được quân đội quản lý, hoặc tại nhà, hoặc ở bệnh viện.

Nếu một F1 bị phát hiện dương tính, thôi xong : tất cả các F2 sẽ trở thành F1, lại bị đưa đi cách ly và xét nghiệm. Công việc theo dõi những người bị nhiễm và người có nguy cơ theo kiểu kim tự tháp là một công việc tốn rất nhiều công sức và tỉ mỉ.

Việc này có thể thực hiện được không chỉ vì Việt Nam là một quốc gia cộng sản có hệ thống quản lý chặt chẽ. Hàn Quốc, Nhật Bản là các nền dân chủ đa đảng, cũng trên tinh thần này. Nếu chính sách của Việt Nam có kết quả với dân số gần 100 triệu người, đơn giản là vì toàn dân chấp nhận thực hiện.

Tại Việt Nam cũng như Nhật, Hàn hay các nước đa số người Hoa (Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Singapore), bảo vệ lợi ích của tập thể được đặt lên trên các quyền cá nhân. Mỗi người đều chấp nhận đi cách ly hai tuần trong một doanh trại quân đội cách nhà mình 30 km, vì sự hy sinh này được tất cả mọi người con là cần thiết để bảo vệ sức khỏe cho toàn cộng đồng. Không thể nào từ chối được.

Bài học từ các quốc gia Nho giáo

Phương pháp của Việt Nam sử dụng sẽ không thể nào được người dân Pháp chấp nhận, cho rằng hoàn toàn không phù hợp với các giá trị của chúng ta. Nhưng những giá trị này đã tạo điều kiện cho con virus lan tràn khắp châu Âu.

Tương lai sẽ trả lời rằng biện pháp mà Việt Nam và các nước láng giềng sử dụng có hiệu quả hơn những biện pháp chắp vá được áp đặt ở châu Âu hay không. Hiện nay, chắc chắn rằng các quốc gia Nho giáo nhắc nhở chúng ta một bài học xưa như trái đất, mà không cần khua chuông gióng trống (ngoại trừ chủ tịch Tập Cận Bình).

Rõ ràng là một bài học. Trước địch thủ, một nhóm người gắn bó, kỷ luật – và nếu có thể, được lãnh đạo tốt – luôn chiến thắng một đám đông các cá nhân mạnh ai nấy làm, không nghe lời người chỉ huy. Một bài học vĩnh cửu.

Cách đây hai ngàn năm, Jules César và đội quân kỷ luật của ông đã đánh bại đội ngũ man di đông đảo. Cách đây mười năm, nước Pháp bị hụt mất một hợp đồng khổng lồ – xây dựng hai nhà máy điện nguyên tử ở Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất – bị rơi vào tay người Hàn Quốc, cũng cùng một lý do. Phía Pháp cạnh tranh, đối địch lẫn nhau, còn tất cả các bên Hàn Quốc đều đoàn kết.

Nằm trong đội ngũ quản lý tập đoàn Areva vào thời đó, tôi vẫn còn nhớ như in kỷ niệm về thất bại cay đắng này. Không phải với một mớ hỗn tạp các nhóm có cùng lợi ích hay nhóm thiểu số với các ưu tư khác nhau mà chúng ta có thể đối mặt với một đạo binh đang tiến lên theo quân lệnh. Nhất là tại một sân chơi bình đẳng « level playing field », không có một rào cản nào.

Một nhận xét thực tế trong hầu như mọi lãnh vực : mệnh lệnh và kỷ luật tập thể của các nước Nho giáo, khi được huy động bằng một chính sách rõ ràng, chứ không phải một chế độ cộng sản lạc hậu và đẫm máu, sẽ chiến thắng trước chủ nghĩa cá nhân phương Tây. Từ kỹ nghệ, giáo dục đến an ninh công cộng và nay là sức khỏe cộng đồng, không một lãnh vực nào mà chúng ta không bị vượt qua hay ít nhất bị bắt kịp.

Sự trỗi dậy thần kỳ của Hàn Quốc trong 30 năm qua đủ để thuyết phục kẻ cận thị nhất trong chúng ta. Ta có thể tự trấn an rằng chủ nghĩa cá nhân giúp chúng ta sáng tạo hơn, nhưng có thật vậy chăng ? Bộ phim « Parasite » được Oscar phim hay nhất khiến các tác phẩm bậc thầy của chúng ta phải ganh tị.

Ừ thì tự do cá nhân của chúng ta là vô giá, và với mô hình Nho giáo thì lợi ích tập thể được đặt lên trên. Nhưng hãy nhớ lại đi, lợi ích tập thể và tự do cá nhân đã từng sống chung hài hòa tại Pháp. Điều mà hồi xưa ta gọi là « ý thức công dân », chỉ đơn giản là tôn trọng tất cả các quy định tập thể, vì quyền lợi của toàn dân. Đó không phải là Nho giáo, nhưng cũng gần như thế.

Ý thức công dân này đã biến mất, được thay thế bằng yêu sách của vô số nhóm thiểu số. Nếu không tìm lại được thỏa hiệp tế nhị giữa tinh thần tập thể và không gian cá nhân, đã làm nên sức mạnh của chúng ta cho đến đầu thập niên 80, tôi lo rằng chúng ta không còn chọn lựa nào khác là phải ngồi nhìn tính kỷ luật của các quốc gia Nho giáo đánh bại ta trên mọi lãnh vực.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Năm 1870, hoàng đế Nhật gởi một phái bộ đến châu Âu để nghiên cứu xem các cường quốc ở châu lục làm thế nào trở nên hùng cường như vậy về chính trị, quân sự và khoa học. Đó là vào đầu kỷ nguyên Minh Trị Thiên Hoàng. Gần nửa thế kỷ sau, phải chăng châu Âu nên khiêm tốn gởi các phái bộ đến châu Á Nho giáo để tái khám phá vài quy luật đơn giản của thành công tập thể ?

Phần kết

Sau 17 ngày cách ly trong phòng với năm bệnh nhân khác, và ba lần xét nghiệm âm tính liên tiếp, tôi đã có thể xuất viện về nhà. Để lập tức bắt đầu một cuộc cách ly mới nghiêm ngặt, bị cấm ra khỏi căn hộ. Cơ quan y tế phát hiện vài ca hiếm hoi bị dương tính nhẹ trở lại sau nhiều lần âm tính, tất cả các bệnh nhân đã khỏi đều phải cách ly tiếp. Chính quyền không muốn có bất cứ rủi ro nào.

Một lần nữa, việc bảo vệ cộng đồng lại được đặt lên trên tự do cá nhân. Đó là sự chọn lựa tập thể được toàn xã hội Việt Nam chấp nhận. Một chọn lựa xã hội không thể tưởng tượng được ở nước Pháp.

*Bài viết  của Jean-Noël Poirier kết thúc vào ngày 13/04/2020, Việt Nam có 262 ca dương tính và zero tử vong. Theo báo chí trong nước, tính đến ngày 20/04/2020, tổng số ca bị nhiễm virus corona là 268 nhưng chỉ còn 66 người đang phải điều trị, 202 người đã ra viện. Bốn ngày liên tiếp Việt Nam không ghi nhận ca bệnh mới nào, và cũng vẫn không có bệnh nhân nào tử vong.

http://www.rfi.fr/vi/vi%E1%BB%87t-nam/20200420-virus-corona-suy-ng%E1%BA%ABm-c%E1%BB%A7a-c%E1%BB%B1u-%C4%91%E1%BA%A1i-s%E1%BB%A9-ph%C3%A1p-t%E1%BB%AB-gi%C6%B0%E1%BB%9Dng-b%E1%BB%87nh-%E1%BB%9F-h%C3%A0-n%E1%BB%99i

 

Covid-19 :

Quyên góp từ thiện trên mạng có đáng tin cậy ?

Tuấn Thảo

Virus corona đã tạo ra sự đoàn kết với những người ở tuyến đầu chống dịch ở Pháp cũng như trên toàn thế giới. Để bày tỏ tinh thần tương thân tương ái, nhiều đợt quyên tiền đã được tổ chức trên mạng. Thế nhưng, liệu số tiền quyên góp có đến tận tay người có nhu cầu. Nói cách khác, các quỹ ‘‘từ thiện trực tuyến’’ có thật sự đáng tin cậy ?

Trong những tuần lễ vừa qua, hàng chục ngàn thông điệp đã được tung lên mạng internet, chủ yếu để kêu gọi mọi người Pháp đóng góp, trước hết là để hỗ trợ toàn bộ nhân viên ngành y tế, và bên cạnh đó, còn có chuyện quyên góp để giúp đỡ giới cao niên, các gia đình nghèo đông con hay người lao động bị mất việc do có quy chế độc lập hoặc không có hợp đồng dài hạn.

Tuy nhiên, một số người cũng tìm cách lợi dụng tình đoàn kết này để lập ra những trang web quyên góp cho lợi ích cá nhân. Trường hợp này đã từng xẩy ra vào thời có đợt quyên tiền sau vụ hỏa hoạn Nhà thờ Đức Bà Paris tháng 04/2019. Điều đó đã khiến cho bộ Tư Pháp và Nội Vụ Pháp phải đăng thông cáo chính thức trên mạng xã hội, kêu gọi người dân kiểm chứng nguồn tin cũng như danh tính của cá nhân hay tổ chức đề xuất quyên góp, mỗi lần họ quyết định tặng tiền cho các quỹ từ thiện, dù chỉ là vài euro thông qua tin nhắn SMS.

Tổng cục DGCCRF chuyên kiểm soát cạnh tranh, tiêu dùng và chống gian lận cho biết người dân có thể báo cáo về các hành vi lừa đảo trên trang web chính thức ‘‘Signal Conso’’, còn các trang cá nhân kêu gọi quyên góp khi được thực hiện ở mức nhỏ rất khó kiểm soát. Trên thực tế, các hộ gia đình có tâm lý mỗi nhà góp một ít, cho nên cũng hiếm khi nào họ kiểm tra xem số tiền quyên góp chung có thực sự được trao tận tay cho người có nhu cầu hay không.

Còn theo cơ quan cảnh sát Pharos, chuyên phòng chống các hành vi phạm pháp trên mạng, các kẻ lừa đảo chuyên nghiệp thường có những thủ đoạn tinh vi hơn, chẳng hạn như lập trang web hay gửi email giả mạo với logo y hệt như các mạng chính thức của các đoàn thể hay hiệp hội từ thiện. Một trong những cách kiểm chứng chắc chắn nhất là gọi điện thoại đến trụ sở của các đoàn thể (Hội Chữ thập đỏ, Quỹ Bệnh viện công Paris, Secours Populaire ….) để hỏi thêm thông tin về đợt vận động quyên góp cũng như tài khoản chính thức dành cho việc quyên tiền.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Theo mạng Leetchi của Pháp, tương tự như GoFundMe của Hoa Kỳ, vào giữa tháng 04/2020 đã có hơn 10.000 quỹ cá nhân quyên góp chống dịch Covid-19, tức là đã tăng gấp đôi so với cách đây một tháng (4.300 quỹ quyên tiền). Tính tổng cộng, số tiền quyên góp lên đến gần 6 triệu euro, và điều đó khiến cho ban quản lý mạng Leetchi càng phải đề phòng, cảnh giác để tránh mang tiếng xấu. Theo cô Alix Poulet, giám đốc công ty Leetchi, bình thường mạng này được dùng với mục đích gia đình hay cá nhân, các lời kêu gọi thường được dành cho việc quyên tiền cho đám cưới hỏi, sinh nhật, tiệc thân hữu, mua quà cho gia đình hay bạn bè. Trong những trường hợp này, ban quản lý ít điều tra về mục đích xác thực của người đứng ra quyên góp.

Ngược lại, trong trường hợp quỹ quyên góp được lập ra, kêu gọi sự hào phóng cững như lòng hảo tâm của người Pháp, tặng tiền để làm việc từ thiện, thì lúc ấy ban quản lý mạng Leetchi yêu cầu cá nhân hay tổ chức đứng ra quyên góp phải chứng minh danh tính cũng như xác nhận tài khoản và hóa đơn trước khi mạng này giải ngân và chuyển tiền quyên góp đến tận tay người nhận.

Cô Alix Poulet nhắc lại một trường hợp cụ thể, một cá nhân đã mở quỹ trên mạng Leetchi để quyên góp, hầu giúp đỡ các nhân viên y tế làm việc tại một bệnh viện ở Marseille. Số tiền quyên góp lên đến hàng ngàn euro. Tuy nhiên, đến khi được hỏi, cá nhân này đã không cung cấp được các thông tin cần phải kiểm chứng (danh tính có thể được chứng minh với thẻ căn cước và số tiền được chuyển thẳng tới tài khoản của bệnh viện chứ không qua trung gian của một tài khoản cá nhân). Do bị nghi ngờ là giả mạo, quỹ quyên góp đã bị mạng Leetchi đóng lại, tài khoản cũng bị xóa và số tiền quyên góp được hoàn trả lại cho tất cả những người đã từng tham gia.

Về phần công ty Le Pot Solidaire, mạng quyên góp này khác với mạng Leetchi, ngay từ đầu giới hạn các dự án hay đề xuất quyên góp cá nhân, và chủ yếu tập trung vào các đoàn thể và hiệp hội có uy tín, có kinh nghiệm lâu năm trong việc quyên tiền làm việc từ thiện. Cùng với công ty HelloAsso, mạng  Le Pot Solidaire đã lập ra trang chính thức mang tên là  ‘‘Don-Coronavirus’’ tập hợp 350 hiệp hội khác nhau nhưng có cùng một mục đích là hạn chế đà lây lan của virus corona và giúp đỡ những người ở tuyến đầu chống dịch Covid-19.

Kết quả là mạng này đã quyên góp được 2 triệu euro chỉ trong 5 ngày đầu tiên hoạt động. Việc tạo giới hạn ngay từ ban đầu các đề xuất cá nhân có thể gây thất vọng nơi một số người thật sự có tấm lòng, nhưng đồng thời cũng hạn chế bớt các trường hợp lạm dụng. Thực tế từng cho thấy vào thời có lời kêu gọi lòng hảo tâm thì thường xẩy ra những hành vi lừa đảo, gian lận.

http://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A1p/20200420-covid-19-quy%C3%AAn-g%C3%B3p-t%E1%BB%AB-thi%E1%BB%87n-tr%C3%AAn-m%E1%BA%A1ng-c%C3%B3-%C4%91%C3%A1ng-tin-c%E1%BA%ADy

 

Báo Bild của Đức lên án Tập Cận Bình

coi thường mạng sống người dân thế giới

Hương Thảo

Tổng biên tập tờ Bild – tờ báo có lượng phát hành báo giấy lớn nhất nước Đức, và thuộc nhóm dẫn đầu Châu Âu – vào hôm thứ Năm (16/4) đã tấn công trực diện vào chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, bởi chính quyền nước này đã thất bại trong việc cung cấp thông tin minh bạch về sự bùng phát dịch Covid-19 tại nội địa Trung Quốc, bên cạnh các vi phạm nhân quyền nghiêm trọng.

Tổng biên tập Julian Reichelt đã gửi một bức thư ngỏ với tiêu đề “Các vị đang đẩy thế giới vào vòng nguy hiểm“, đáp trả lại cáo buộc của ông Tập khi nói báo Bild “thúc đẩy chủ nghĩa dân tộc”, bởi trước đó tờ báo đã cho đăng một ý kiến, hỏi rằng liệu Trung Quốc có nên bồi thường cho các tổn hại kinh tế khổng lồ mà dịch Covid-19 gây ra trên toàn cầu hay không.

Julian Reichelt viết: “Ông [ý nói Tập Cận Bình], chính phủ của ông và các nhà khoa học của ông từ lâu đã biết rằng Covid-19 rất dễ lây nhiễm, nhưng lại để thế giới mù tịt về điều này. Các chuyên gia hàng đầu của ông đã không trả lời khi các nhà nghiên cứu phương Tây yêu cầu được biết những gì đang diễn ra ở Vũ Hán. Ôm giữ chủ nghĩa dân tộc, ông đã quá ngạo mạn để có thể nói ra sự thật, điều mà ông có thể cảm thấy là một sự ô nhục quốc gia”.

Theo Taiwan News, ông Reichelt đã chỉ ra rằng đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang kiểm soát người dân của mình thông qua các hệ thống kiểm tra và ông Tập không thể trở thành lãnh đạo của đất nước nếu không có hệ thống giám sát này. Ông chỉ trích ĐCSTQ đã gây nguy hiểm cho người dân Trung

Quốc cũng như người dân trên toàn thế giới, khi từ chối kiểm tra các khu chợ ẩm ướt có nguy cơ cao, nơi được nhìn nhận rộng rãi là điểm xuất phát của virus corona.

Ông Reichelt đã gọi ĐCSTQ là “nhà vô địch về trộm cắp tài sản trí tuệ” và nói rằng nó đã tạo ra một khối tài sản kếch xù từ các phát minh của các quốc gia khác. Ông cũng chế giễu ĐCSTQ đã “xuất khẩu” thứ mà không quốc gia nào yêu cầu, là virus corona. Biên tập viên tin tức kỳ cựu này cho biết chính phủ Trung Quốc đã nhận được báo cáo về việc lây truyền COVID-19 từ người sang người ngay sau khi dịch bệnh bùng phát ở Thành phố Vũ Hán, nhưng đã chọn cách “cho thế giới vào bóng đêm” vì sợ rằng đại dịch sẽ trở thành nỗi ô nhục đối với ĐCSTQ.

Ông Reichelt kết luận rằng các công dân Trung Quốc đã thể hiện sự không hài lòng đối với lãnh đạo Tập và rằng “bệnh dịch” virus corona gây chết người sẽ được coi là di sản chính trị của Tập. Ngoài bài viết, tờ Bild còn tạo ra một video có phụ đề tiếng Trung giản thể cho độc giả của quốc gia Đông Á này có thể đọc được. Trong đoạn video dài ba phút, Reichelt đã liệt kê sự bất mãn của mình với Tập Cận Bình và ĐCSTQ, dự đoán rằng đảng này sẽ thất bại trong nỗ lực “biến Trung Quốc thành cường quốc thông qua một dịch bệnh xuất phát từ Trung Quốc”.

Sau đây là nguyên văn bức thư ngỏ của Tổng biên tập báo “BILD” (CHLB Đức) gửi Chủ tịch Tập Cận Bình:

Kính gửi Chủ tịch Tập Cận Bình,

Đại sứ quán của ông ở Berlin đã gửi cho tôi một bức thư ngỏ vì tờ Bild của chúng tôi đã đặt ra một nghi vấn, khi hỏi rằng liệu Trung Quốc có nên trả cho những thiệt hại kinh tế to lớn mà virus Corona hiện đang gây ra trên toàn thế giới hay không.

Thư của sứ quán gọi báo chúng tôi là “bỉ ổi” và buộc tội chúng tôi là “thúc đẩy chủ nghĩa dân tộc”. Hãy để tôi nói một vài ý về điều này.

Ông cai trị bằng cách giám sát. Ông sẽ không thể lãnh đạo được nếu không có sự giám sát. Ông có thể giám sát mọi thứ, giám sát mọi công dân của ông, nhưng ông lại từ chối giám sát các chợ động vật có nguy cơ cao ở nước ông. Bất kỳ tờ báo hay trang web quan trọng nào cũng có thể sẽ bị đóng cửa, nhưng không phải là các quầy bán súp dơi. Ông không chỉ giám sát người dân của mình, mà còn gây nguy hiểm cho họ – và cho cả thế giới.

Giám sát dẫn đến thiếu tự do. Những người không tự do không sáng tạo. Những người không sáng tạo không phát minh ra bất cứ điều gì. Đó là lý do tại sao ông đã biến đất nước của mình trở thành nhà vô địch thế giới về trộm cắp tài sản trí tuệ. Trung Quốc làm giàu cho chính mình bằng những phát minh của người khác thay vì phát minh ra một cái gì đó riêng. Lý do cho điều này là ông đã không để những người trẻ tuổi ở đất nước ông được phép suy nghĩ một cách tự do. Lô hàng xuất khẩu lớn nhất của Trung Quốc mà không ai muốn, nhưng cuối cùng đã đi khắp thế giới, là virus corona.

Khi ông, chính phủ của ông và các nhà khoa học của ông đã biết từ lâu rằng virus corona có thể truyền được từ người sang người, thì ông vẫn để cả thế giới trong đêm tối. Các chuyên gia hàng đầu của ông đã không trả lời điện thoại, không trả lời email, khi các nhà nghiên cứu phương Tây muốn biết chuyện gì đang xảy ra ở Vũ Hán. Ông đã quá tự hào là một người theo chủ nghĩa dân tộc, không dám nói ra sự thật mà ông có thể cho là một nỗi ô nhục của quốc gia.

Tờ Washington Post báo cáo rằng các phòng thí nghiệm ở Vũ Hán đã nghiên cứu virus corona trên dơi mà không đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn cao nhất. Tại sao phòng thí nghiệm độc hại của ông không an toàn như những nơi giam tù nhân chính trị của ông? Ông có muốn giải thích điều này với những góa phụ đau buồn, những đứa con gái, con trai, những người chồng và cha mẹ của nạn nhân virus corona trên khắp thế giới?

Người dân đang bàn tán về ông ở trong đất nước của ông. Thế lực của ông đang sụp đổ. Các vị đã tạo ra một đất nước không minh bạch, một Trung Quốc không minh bạch, từng mang tiếng là một nhà nước giám sát vô nhân đạo và bây giờ mang tiếng là nguyên nhân bùng phát của một bệnh dịch chết người. Đây sẽ là di sản chính trị của ông.

Thư từ sứ quán của ông nói rằng tôi không xứng với “tình hữu nghị truyền thống giữa hai dân tộc”. Ông nghĩ rằng ông đang rất “hữu nghị” khi hào phóng chuyển khẩu trang đi khắp thế giới phải không? Tôi không thể gọi đó là tình hữu nghị được, phải gọi đó là chủ nghĩa đế quốc nực cười. Các vị muốn củng cố Trung Quốc thông qua một dịch bệnh xuất phát từ Trung Quốc? Cá nhân tôi không nghĩ rằng ông có thể duy trì quyền lực. Tôi tin rằng chỉ sớm hay muộn thôi, virus corona sẽ là cái kết chính trị của ông.

Chào thân ái

Julian Reichelt

https://www.dkn.tv/the-gioi/bao-bild-cua-duc-len-an-tap-can-binh-coi-thuong-mang-song-nguoi-dan-the-gioi.html

 

Covid-19 : Đức và Na Uy

bước đầu khởi động lại hoạt động

Thanh Hà

Đánh giá đã « kiểm soát được tình hình », hôm nay (20/04/2020) Đức và Na Uy cho mở lại nhiều cửa hàng và trường học. Tây Ban Nha thực sự hy vọng vì ghi nhận số người chết trong ngày thấp nhất từ đầu mùa dịch Covid-19.

Trong bước khởi đầu, nhiều cửa hàng tại Đức được hoạt động trở lại. Ngoài các cửa hàng mua bán lương thực thực phẩm, còn phải kể đến các hiệu sách hay hãng xe, các siêu thị với diện tích dưới 800m2.  Với hơn 135.000 ca lây nhiễm và khoảng 4.000 trường hợp tử vong, tình hình nhìn chung tại Đức được đánh giá là « trong tầm kiểm soát ». Dù vậy thủ tướng Merkel vẫn cảnh báo đà phục hồi còn « mong manh ». Học sinh tiểu học và trung học sẽ chỉ trở lại trường lớp sau ngày 04/05/2020.

Trong khi đó, tại Na Uy, kể từ hôm nay, các trường mẫu giáo và vườn trẻ cũng được phép hoạt động trở lại sau hơn một tháng đóng cửa. Trong những ngày tới, sẽ đến lượt học sinh tiểu học và trung học được trở lại trường.

Còn tại Tây Ban Nha, trong ngày hôm qua, có 399 bệnh nhân nhiễm virus corona thiệt mạng. Lần đầu tiên từ đỉnh dịch Covid-19, chính quyền nước này thông báo số ca tử vong được kềm hãm dưới ngưỡng 400 người. Đây là mức thấp nhất trong 4 tuần qua. Trên toàn quốc, có hơn 200.000 ca lây nhiễm và trong số này, 80.000 người đã khỏi bệnh.

Tình hình dịch bệnh tại Ý cũng tiếp tục thuyên giảm. Roma ngày càng ráo riết thúc giục châu Âu tính tới giai đoạn tái thiết kinh tế hậu Covid-19. Thủ tướng Giuseppe Conte một lần nữa cho rằng phát hành Coronabond, tức là công trái phiếu chung cho phép các thành viên khu vực đồng euro chia sẻ gánh nặng nợ nần và rủi ro là giải pháp « cần thiết hơn bao giờ hết ».

http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200420-covid-19-%C4%91%E1%BB%A9c-v%C3%A0-na-uy-b%C6%B0%E1%BB%9Bc-%C4%91%E1%BA%A7u-kh%E1%BB%9Fi-%C4%91%E1%BB%99ng-l%E1%BA%A1i-ho%E1%BA%A1t-%C4%91%E1%BB%99ng

 

Trở về từ cửa tử, bác sĩ người Bỉ chia sẻ:

 “Tôi đã gặp được người thân quá cố của mình”

Vũ Dương

Tại Bỉ, một bác sĩ chẳng may bị nhiễm virus Vũ Hán đã thoát khỏi cơn ác mộng này sau ba tuần hôn mê. Ông nhớ lại trong lúc sắp chết đã nhìn thấy người thân quá cố của mình.

Vào ngày 19/4, ông Antoine Sassine, 58 tuổi, bác sĩ khoa tiết niệu đã rời bệnh viện Chirec Delta ở thủ đô Brussels của Bỉ, nơi ông từng làm việc, trong những tràng pháo tay khích lệ của các y bác sĩ.

“Tôi đã nhìn thấy kết thúc của mình”, ông Antoine Sassine chia sẻ. “Tôi nghĩ rằng tôi sẽ chết và sẽ không bao giờ thức dậy”.

Trước đó, ông Sassine và đồng nghiệp đều cho kết quả dương tính với virus Vũ Hán. Ông đã được đưa vào phòng chăm sóc đặc biệt sau khi các triệu chứng trở nên tệ hơn và đã hôn mê 3 tuần.

Một ngày trước khi xuất viện, bác sĩ Sassine đã kể về trải nghiệm cận tử của mình: “Tôi đã gặp được người cha quá cố của mình. Tôi thấy sinh mệnh của mình đã đi đến đầu chót, tôi tưởng rằng mình đã chết và sẽ không tỉnh dậy được nữa. Khi mọi người đánh thức tôi, tôi nhìn thấy gương mặt của những người bạn ở ngay trước mặt tôi, họ nói với tôi ‘này anh, chúng tôi đang cố gọi anh dậy đấy’. Đây là một niềm vui không sao diễn tả được”.

Ông cảm thấy rất may mắn khi bản thân có thể tỉnh lại và không còn triệu chứng của bệnh nữa, nhưng vì để ngăn chặn lây nhiễm lần nữa, ông vẫn cần phải đeo khẩu trang.

Ở Bỉ rất nhiều người không được may mắn như bác sĩ Antoine Sassine. Đến nay, nước này đã có hơn 38 ngàn ca nhiễm virus Vũ Hán với hơn 5 ngàn người tử vong.

Theo NTD

Vũ Dương dịch và biên tập

https://www.dkn.tv/the-gioi/tro-ve-tu-cua-tu-bac-si-nguoi-bi-chia-se-toi-da-gap-duoc-nguoi-than-qua-co-cua-minh.html

 

Châu Phi ‘đối đầu’ với Trung Quốc

vì Bắc Kinh phân biệt đối xử với người da màu

Thiện Lan một giờ trước

Một loạt các cơ quan ngoại giao của các nước châu Phi đã triệu tập các đại sứ Trung Quốc hoặc viết thư phản đối sự phân biệt đối xử của Bắc Kinh đối với công dân của họ.

Theo Reuters, gần đây, người châu Phi tại Quảng Châu, Trung Quốc đã phàn nàn về việc họ bị chủ nhà đuổi khỏi nơi ở, phải xét nghiệm virus Vũ Hán nhiều lần mà không được thông báo kết quả, bị mọi người xa lánh và phân biệt đối xử.

Theo tờ The East African, việc kiểm soát virus Vũ Hán tại thành phố Quảng Đông, Trung Quốc đã khiến cho người da đen bị đuổi khỏi nơi cư trú, bị từ chối phục vụ trong các nhà hàng, bệnh viện, siêu thị và một số thậm chí còn bị tấn công.

Chủ tịch của Ủy ban Liên minh châu Phi (AU), Moussa Faki, cho biết châu Phi cực kỳ quan tâm đến các báo cáo về việc người da đen bị phân biệt đối xử và kêu gọi nên có hành động chống lại việc này ngay lập tức.

“Nhóm các đại sứ châu Phi tại Bắc Kinh ngay lập tức yêu cầu chấm dứt việc thử nghiệm ép buộc, cách ly và các biện pháp đối xử vô nhân đạo khác nhằm vào người châu Phi”, bức thư của nhóm Đại sứ châu Phi gửi Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc có viết.

Nói với tờ The East African, bà Joyce Kibet, thành viên của Hiệp hội điều hành châu Phi cho biết, người châu Phi hoặc người da màu bị nhắm mục tiêu có thể có liên quan đến thứ hạng của châu Phi trong mối quan hệ với Trung Quốc.

Tiến sĩ Kigen Morumbasi, một chuyên gia bảo mật và giảng viên quan hệ quốc tế tại Đại học Strathmore nói với tờ The East African rằng, các cuộc phản đối của châu Phi gần đây có thể đã phá vỡ “tuần trăng mật” trong mối quan hệ giữa Trung Quốc với châu Phi. Ông cho rằng sự đoàn kết gia tăng giữa những người châu Phi trong việc phản đối chính phủ Trung Quốc như thời gian gần đây có thể đặt ra một vấn đề nan giải cho Bắc Kinh.

“Nó có thể làm suy yếu niềm tin của châu Phi đối với diễn đàn về Hợp tác Trung Quốc – Châu Phi (FOCAC) và hình ảnh đất nước Trung Quốc trên lục địa”, ông cho biết.

Cuối tuần trước, trang nhất của tờ báo lớn nhất Kenya đặt tiêu đề “Người Kenya ở Trung Quốc: Hãy giải cứu chúng tôi khỏi địa ngục”, trong khi một thành viên quốc hội nước này kêu gọi các công dân Trung Quốc hãy rời khỏi Kenya ngay lập tức. Các đài truyền hình ở Uganda, Nam Phi và Nigeria cũng phát những video cho thấy người châu Phi bị đối xử phân biệt tại Trung Quốc.

https://www.dkn.tv/the-gioi/chau-phi-doi-dau-voi-trung-quoc-vi-bac-kinh-phan-biet-doi-xu-nguoi-da-mau.html

 

Virus corona : Tình hình dịch bệnh

trái ngược nhau tại châu Á

Thanh Hà

Singapore lo lắng trước mức lây nhiễm kỷ lục gần 1.500 ca trong một ngày, trong khi Hồng Kông lần đầu tiên ghi nhận không có thêm người người bị nhiễm Covid-19 trong ngày.

Số ca lây nhiễm Covid-19 liên tục gia tăng trong những ngày qua tại Singapore. Bộ Y Tế ngày 20/04/2020 thông báo phát hiện thêm 1.426 trường hợp dương tính với virus corona. Singapore vượt ngưỡng 8.000 ca lây nhiễm.

Trong khi đó, Hồng Kông lần đầu tiên từ đầu mùa dịch không có thêm một ca nhiễm mới nào. Dù vậy, lệnh đóng cửa các khu giải trí, cấm tụ tập quá 4 người, hay quy định tất cả những người từ nước ngoài đến Hồng Kông phải bị cách ly trong 2 tuần lễ vẫn được duy trì cho đến ngày 23/04/2020.

Tại Trung Quốc, chính quyền thông báo có thêm 12 ca nhiễm Covid-19. Bên cạnh đó, các trường trung học tại thành phố Vũ Hán sẽ được mở cửa trở lại vào ngày 06/05/2020. Năm nay, kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông tại Trung Quốc phải hoãn lại một tháng. Kỳ thi trọng đại này đối với học sinh Trung Quốc dự trù diễn ra vào tháng 7/2020.

Riêng tại Hàn Quốc, trong ngày cũng chỉ có thêm 13 ca nhiễm virus corona. Kể từ ngày 19/04/2020, Seoul nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội vào cuối tuần qua, nhờ vậy nhiều công ty ngừng hoặc giảm các biện pháp cho nhân viên làm việc từ nhà. Cũng trong hai ngày cuối tuần vừa qua, số lượng khách lui tới các nhà hàng, trung tâm giải trí hay địa điểm thương mại đã tăng mạnh. Tuy nhiên, nguyên tắc giãn cách xã hội vẫn được duy trì trên toàn quốc thêm hai tuần nữa và các trường học vẫn phải đóng cửa.

http://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20200420-virus-corona-t%C3%ACnh-h%C3%ACnh-d%E1%BB%8Bch-b%E1%BB%87nh-tr%C3%A1i-ng%C6%B0%E1%BB%A3c-nhau-t%E1%BA%A1i-ch%C3%A2u-%C3%A1

 

Virus corona: Bác sỹ Nhật cảnh báo

hệ thống y tế có thể ‘suy sụp’

Bác sỹ Nhật Bản cảnh báo hệ thống y tế có thể suy sụp trong bối cảnh có làn sóng các ca nhiễm mới.

Các phòng cấp cứu không có khả năng điều trị cho các bệnh nhân trầm trọng [không do virus corona] vì gánh nặng họ phải gánh vác thêm do dịch Covid-19 , giới chức cho biết.

Có trường hợp một xe cấp cứu chở bệnh nhân có triệu chứng virus corona phải di chuyển qua 80 bệnh viện trước khi bệnh nhân được nhận vào khám.

Nhật Bản, quốc gia lúc đầu dường như đã kiểm soát thành công dịch, đã vượt ngưỡng 10.000 ca nhiễm được xác nhận hôm thứ Bảy.

Hơn 200 người đã chết vì dịch Covid-19 và thủ đô Tokyo vẫn là khu vực bị ảnh hưởng nặng nhất.

Covid-19: Hokkaido lại ban bố tình trạng khẩn cấp

Đài Loan bác bỏ chỉ trích của Tổng Giám đốc WHO, người được TQ bảo vệ

Bác sỹ tại các phòng khám đa khoa trong thành phố trợ giúp các bệnh viện làm xét nghiệm nhằm giảm áp lực lên hệ thống y tế, các quan chức cho biết.

“Việc này là để ngăn cho hệ thống y tế không sụp đổ,” ông Konoshin Tamura, Phó hội Hiệp hội Bác sỹ đa khoa, nói với hãng tin Reuters.

“Tất cả mọi người cần giúp một tay. Nếu không, các bệnh viện sẽ quá tải,” ông nói thêm.

Phản ứng chống dịch của Nhật bị chỉ trích

Phân tích của Michael Bristow, biên tập viên BBC World Service

Đây là một lời cảnh báo nghiêm trọng.

Hai hiệp hội y khoa nói dịch virus corona làm giảm khả năng chữa bệnh cho các ca bệnh nặng khác tại các bệnh viện.

Các bác sỹ phàn nàn về tình trạng thiếu đồ bảo hộ, điều gợi ý rằng Nhật Bản đã không chuẩn bị tốt cho dịch. Điều này xảy ra cho dù đây là nước thứ hai trên thế giới sau Trung Quốc phát hiện có ca nhiễm virus, ghi nhận từ hồi tháng Một.

Trong khi đó, Thủ tướng Shinzo Abe bị chỉ trích vì không đưa ra các biện pháp hạn chế để đương đầu với bệnh dịch sớm hơn do lo ngại chúng có thể làm ảnh hưởng đến nền kinh tế.

Chính phủ của ông đã mâu thuẫn với thị trưởng Tokyo, người muốn đưa ra các biện pháp cứng rắn sớm hơn.

Mãi đến thứ Năm tuần trước ông Abe mới tuyên bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc.

Chính phủ Nhật cũng đang nỗ lực tăng số xét nghiệm bằng cách mở các cơ sở xét nghiệm drive-through (không phải xuống xe).

Trong những tuần vừa qua, Nhật làm ít xét nghiệm hơn hẳn so với nhiều nước và các chuyên gia cho rằng điều này khiến Nhật khó biết tình hình dịch lây lan đến đâu.

Tây Ban Nha cho phép trẻ em ra ngoài sau sáu tuần bị phong tỏa

Sẻ chia cùng quốc dân, Nữ hoàng Anh hủy bắn đại bác ngày sinh nhật

Tháng trước, Nhật tiến hành xét nghiệm PCR (phản ứng chuỗi polymerase) chỉ bằng 16% của Hàn Quốc, theo số liệu từ Đại học Oxford.

Và không như Hàn Quốc – quốc gia đã kiểm soát dịch Covid-19 rất tốt nhờ chương trình xét nghiệm trên diện rộng – chính phủ Nhật Bản từng nói việc xét nghiệm rộng rãi là “lãng phí nguồn lực”.

Xét nghiệm cũng do các trung tâm y tế địa phương thực hiện, chứ không tiến hành ở cấp chính phủ quốc gia – và một số trung tâm địa phương không được trang bị để làm xét nghiệm trên diện rộng.

Nhưng hôm thứ Sáu, Thủ tướng Shinzo Abe chỉ dấu chính phủ đang thay đổi chính sách về xét nghiệm và đang tiến hành rộng rãi hơn.

“Với sự hỗ trợ của các hiệp hội y tế địa phương, chúng ta sẽ lập các trung tâm xét nghiệm,” ông nói tại một cuộc họp báo.

“Nếu các bác sỹ gia đình quyết định xét nghiệm là cần thiết, các mẫu thử sẽ được lấy tại các trung tâm này và gửi đến các công ty xét nghiệm tư,” ông nói. “Làm như vậy, gánh nặng lên các trung tâm y tế công sẽ được giảm bớt.”

Ông có phát biểu này sau khi tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia do tình hình bệnh dịch xấu đi.

Động thái này cho phép các chính quyền địa phương thúc giục người dân ở trong nhà, nhưng không có các biện pháp trừng phạt hay có hiệu lực pháp lý. Tình trạng khẩn cấp sẽ kéo dài cho tới ngày 6/5.

Sau khi tình trạng khẩn cấp ban đầu có hiệu lực ngày 8/4, một số tỉnh trưởng kêu gọi chính phủ áp dụng các biện pháp hạn chế ở tỉnh của họ, nói rằng số ca nhiễm đang tăng và các cơ sở y tế đã quá tải.

Hai hiệp hội y tế cấp cứu của Nhật cũng đưa ra thông cáo chung, cảnh báo rằng họ đã “nhận thấy có sự sụp đổ của hệ thống y tế khẩn cấp”.

Thị trưởng thành phố Osaka kêu gọi người dân đóng góp áo mưa cho nhân viên y tế dùng làm đồ bảo hộ (PPE). Ông nói có những người buộc phải chế đồ bảo hộ từ túi lót thùng rác.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-52344014

 

Covid-19 :

Chính phủ Nhật bị chỉ trích chậm chống dịch

Thu Hằng

Tại Nhật Bản, số ca nhiễm virus corona đã vượt qua con số 10.000 người và 171 ca tử vong tính đến ngày 19/04/2020, cho dù tình trạng khẩn cấp, ban đầu được ban hành trên 7 vùng, đã được áp dụng trên cả nước từ ngày 16/04.

Giới y tế Nhật Bản báo động số ca nhiễm hàng ngày tăng vọt, trong khi chính phủ của thủ tướng Shinzo Abe bị chỉ trích chậm trễ trong việc phòng chống dịch.

Từ Tokyo, thông tín viên RFI Frédéric Charles giải thích :

“Thủ tướng Shinzo Abe bị chỉ trích đã đưa virus corona vào Nhật Bản. Thái độ quan liêu của ông từng được thể hiện vào cuối tháng Giêng khi xử lý dịch Covid-19 trên du thuyền Diamond Princess ở cảng Yokohama.

Hiện tại, Nhật Bản có hơn 10.000 ca nhiễm virus corona trên tổng số 126 triệu dân. Con số này là ít so với những nước khác. Sức đề kháng này, nhìn từ số liệu, có lẽ được giải thích qua chiến lược xét nghiệm Covid-19 rất hạn chế. Nhật Bản chỉ xét nghiệm những người đã có triệu chứng. Trên thực tế, số người nhiễm virus corona có thể cao gấp ba lần con số thống kê và hơn 30.000 ca dương tính.

Việc số ca nhiễm virus corona tăng một cách rõ rệt trong những tuần gần đây, đặc biệt là ở Tokyo, làm suy yếu hệ thống y tế Nhật Bản, vốn đang thiếu giường bệnh và trang thiết bị bảo hộ. Các bệnh viện ở Tokyo từ chối ngày càng nhiều bệnh nhân, có một người bệnh được xe cứu thương chuyển đến nhưng đã bị tới 80 bệnh viện từ chối tiếp nhận”.

http://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20200420-covid-19-ch%C3%ADnh-ph%E1%BB%A7-nh%E1%BA%ADt-b%E1%BB%8B-ch%E1%BB%89-tr%C3%ADch-ch%E1%BA%ADm-ch%E1%BB%91ng-d%E1%BB%8Bch

 

Covid-19 :

Nhật Bản vội vã sửa sai vì chần chừ chống dịch

Thu Hằng

So với các nước phát triển trên thế giới, Nhật Bản hiện bị dịch Covid-19 tác động ít nghiêm trọng hơn, với hơn 10.000 ca nhiễm, cho dù ở ngay cạnh Trung Quốc, nơi xuất phát virus corona. Tuy nhiên, hệ thống y tế, đặc biệt là ở Tokyo, có nguy cơ vỡ trận do số ca nhiễm mới tăng lên từng ngày. Chính phủ bị chỉ trích trì trệ và cân nhắc giữa kinh tế và mạng người.

Trường hợp một bệnh nhân nghi nhiễm virus corona được xe cấp cứu đưa đến nhưng bị tới 80 bệnh viện từ chối có thể là ví dụ rõ nhất, đầy đủ nhất về tình trạng thiếu chuẩn bị và trang thiết bị của hệ thống y tế Nhật Bản trong phòng chống dịch Covid-19. Điều này được bộ trưởng Y Tế Ozaki thừa nhận hôm 16/04 : “Nhật Bản đã không xây dựng kiểu hệ thống (y tế) cho phép các bệnh viện thông thường cấp cứu bệnh nhân mắc các bệnh truyền nhiễm”, thêm vào đó, “tốc độ lây nhiễm nhanh hơn dự kiến”.

Quyết định ngày 16/04 ban hành tình trạng khẩn cấp trên cả nước được nhiều người dân Nhật xem là sự thừa nhận ngầm của chính phủ về những thiếu sót và chậm trễ trong việc phòng chống dịch, theo nhận định của báo Le Monde (16/04).

Trước hết phải kể đến thái độ trì trệ quan liêu trước tình trạng khẩn cấp. Tuy nhiên, đây lại là chiến lược có tính toán của chính phủ nhằm bảo vệ lợi ích kinh tế, tránh tác động đến sản xuất. “Đối với chính phủ và các doanh nghiệp, không có chuyện để nền kinh tế và GDP giảm sút vì các biện pháp hạn chế trong nước”, trong khi đó, kí ức khó khăn thời hậu chiến vẫn chưa phai, theo nhận định trên nhật báo Les Echos của nhà sử học, giáo sư Christian Kessler, đại học Musashi (Nhật Bản).

Thái độ chậm trễ của chính phủ trong việc đưa ra quyết định phòng chống dịch còn nhằm một mục đích khác : Duy trì tổ chức Thế Vận Hội Tokyo năm 2020, một dự án lớn của thủ tướng Abe. Và “để tạo cảm giác là tình hình nằm trong tầm kiểm soát, chính phủ đã tìm cách giảm thiểu số người bị nhiễm”, theo nhận định trên Twitter của cựu thủ tướng Yukio Hatoyama (thuộc đảng đối lập).

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tuy nhiên, Tokyo, một lần nữa, có lẽ sẽ phải xem lại khả năng tổ chức Thế Vận Hội vào tháng 07/2021. Giáo sư Kentaro Iwata, thuộc đại học Kobe, nhận định : “Thế Vận Hội phải hội đủ hai điều kiện : khống chế dịch Covid-19 tại Nhật Bản và kiểm soát dịch ở các nước khác, vì phải mời các vận động viên và khán giả trên khắp thế giới”. Thủ tướng Shinzo Abe kỳ vọng khép lại nhiệm kỳ ba với thành công của Thế Vận Hội 2021.

Ngoài ra, thái độ quan liêu còn được thể hiện qua việc rất khó đưa ra một quyết định mang tầm quốc gia, căn cứ vào hệ thống chính trị hiện nay của Nhật Bản, theo nhận định của nhà sử học Kessler (đại học Musashi). Không ai dám gánh trọng trách đưa ra một quyết định cứng rắn, có thể tác động đến cuộc sống hàng ngày. Kinh nghiệm này từng được thấy qua cách xử lý thiên tai trong quá khứ, từ trận động đất năm 1995 ở Kobe, đến trận động đất gây sóng thần ở Fukushima hoặc cuộc khủng hoảng hạt nhân tháng 09/2011. Trước khi phải ban hành tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc, chính thủ tướng Shinzo Abe cũng đẩy trách nhiệm cho các tỉnh trưởng trong việc đưa ra các biện pháp hạn chế đi lại, đóng cửa trường học, hàng quán không cần thiết … tại địa phương.

Tuy nhiên, chính việc không xét nghiệm trên diện rộng khiến số ca nhiễm không cao (theo số liệu chính thức) và tạo cảm giác an toàn cho người dân : Virus corona hoành hành ở đâu, chứ không phải ở Nhật Bản. Người dân xứ hoa anh đào vẫn tự hào về tính kỉ luật, ý thức vệ sinh cao cũng như thói quen đeo khẩu trang nên họ vẫn ra đường, giới trẻ tiếp tục đến các tụ điểm vui chơi giải trí ở Tokyo vì tin rằng khẩu trang và dung dịch khử trùng, được đặt ở khắp nơi, giúp họ tránh được virus.

Tình trạng khẩn cấp tại Nhật Bản được áp dụng ít nhất đến ngày 06/05. Tuy nhiên, hai chuyên gia Iwata và Ozaki cảnh báo các biện pháp được đưa ra vẫn chưa đủ : “Mặc dù họ nói đến kiểm soát ở biên giới và hạn chế tiếp xúc giữa các cá nhân, nhưng họ lại cho các cửa hàng tiếp tục hoạt động”. Nhưng để có thể xử lý dịch hiệu quả hơn, liệu chính phủ dám đưa ra những hạn chế nghiêm ngặt hơn không ? Và người dân có chấp nhận hy sinh một phần tự do không ?

http://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A2n-t%C3%ADch/20200420-covid-19-nh%E1%BA%ADt-b%E1%BA%A3n-v%E1%BB%99i-v%C3%A3-s%E1%BB%ADa-sai-v%C3%AC-ch%E1%BA%A7n-ch%E1%BB%AB-ch%E1%BB%91ng-d%E1%BB%8Bch

 

Hàng chục công nhân Bắc Hàn làm việc ở Việt Nam

không thể về nước do dịch COVID-19

Một số công nhân Bắc Hàn vẫn còn ở lại Việt Nam trong điều kiện visa tạm thời. Chính phủ Hà Nội cho biết các công nhân này không thể về nước do Bình Nhưỡng đóng cửa biên giới nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19.

Tờ NK News, vào ngày 20/4, cho biết trong báo cáo của Việt Nam, ghi ngày 4/4, cho thấy hiện có 31 người quốc tịch Bắc Triều Tiên vẫn còn ở Việt Nam với visa tạm thời và đã quá hạn 4 tháng trở về nước theo yêu cầu của Liên Hiệp Quốc (LHQ).

Báo cáo vừa nêu được đăng tải trên trang mạng của Ủy ban Cấm vận LHQ 1718 những ngày gần đây. Trong báo cáo, Chính phủ Việt Nam nêu rõ rằng 31 công nhân Bắc Hàn ở Việt Nam không thể về nước

là do Bắc Triều Tiên thực hiện biện pháp đóng cửa biên giới, tạm thời không cho du khách nước ngoài nhập cảnh cũng như ngăn chặn tất cả phương tiện hàng không và đường sắt đến từ Trung Quốc và Nga.

Trong báo cáo còn cho biết 31 công nhân Bắc Hàn này đang ở Việt Nam trong điều kiện visa tạm thời nên không thể làm việc được.

NK News chỉ ra rằng mặc dù Việt Nam viện dẫn lý do 31 công nhân Bắc Hàn không thể về nước do biên giới bị đóng cửa; tuy nhiên Bắc Hàn trên thực tế đã mở cửa biên giới cho phép nhập cảnh hơn một tháng sau ngày 22/12/2019.

Nghị quyết 2397 của Hội đồng Bảo an LHQ, ban hành hồi tháng 12 năm 2017, yêu cầu các quốc gia thành viên phải cho hồi hương tất cả công nhân Bắc Hàn về nước không trễ hơn 24 tháng kể từ khi nghị quyết này có hiệu lực.

Việt Nam, trong báo cáo giữa kỳ hồi cuối tháng 8 năm ngoái, cho biết đã cho hồi hương hơn một nửa trong tổng số 94 công nhân Bắc Hàn và trước đó trong mùa hè cũng đã cho hồi hương 12 công nhân Bắc Hàn về nước.

Trong báo cáo mới, Việt Nam tái khẳng định thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong biện pháp cấm vận Bắc Hàn của LHQ.

Báo cáo 2020 của Hội đồng Chuyên gia LHQ (PoE) về nỗ lực thực hiện cấm vận toàn cầu đối với Bắc Hàn, được phổ biến vào ngày 17/4, trong đó có chi tiết cho rằng còn công nhân Bắc Hàn làm việc trong lãnh vực công nghệ thông tin tại Công ty Albatross Co.Ltd, ở Việt Nam vào thời điểm tháng 11 năm 2019.

Việt Nam đã phản bác báo cáo này của PoE, nói rằng Chính phủ Việt Nam không phát hiện bất kỳ công nhân hay chuyên gia Bắc Hàn nào làm việc chuyên môn về công nghệ thông tin tại Công ty Albatross.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/north-korean-workers-stuck-in-vn-following-covid-19-border-closures-04202020084518.html

 

Cha đẻ nền dân chủ Hồng Kông:

Bắc Kinh đã hoàn toàn thất hứa

Triệu Hằng

Ông Lý Trụ Minh (Martin Lee) là một nhà lập pháp lão làng của Hồng Kông. Được mệnh danh “cha đẻ của nền dân chủ Hồng Kông”, ông từng tham gia nhóm soạn thảo Luật Cơ Bản – bộ luật nền tảng được áp dụng sau khi đặc khu này được trao trả về cho Trung Quốc năm 1997. Hôm 18/4, ông bị cảnh sát Hồng Kông bắt giữ cùng 14 nhà hoạt động khác, với cáo buộc tụ tập bất hợp pháp liên quan đến các cuộc biểu tình năm 2019.

Các vụ bắt giữ diễn ra chỉ vài giờ sau khi Văn phòng Liên lạc Trung Quốc ở Hồng Kông tuyên bố họ không bị ràng buộc bởi Luật Cơ bản, khi luật này cấm chính phủ Trung Quốc can thiệp vào các vấn đề Hồng Kông, theo bài báo của tờ Hong Kong Free Press (HKFP) đăng ngày 19/4.

Bối cảnh Tuyên bố chung Trung – Anh

Vào những năm 1980, khi được biết rằng Trung Quốc sẽ giành lại chủ quyền đối với Hồng Kông vào năm 1997, khắp Hương Cảng xôn xao lo sợ, hàng chục ngàn người đã di cư và mức độ tín nhiệm trong giới kinh doanh cũng bị xáo động.

Nhằm ngăn chặn sự chảy máu chất xám và vốn, Anh và Trung Quốc năm 1984 đã ký Tuyên bố chung Trung – Anh, thỏa ước hứa hẹn với Hồng Kông “một mức độ tự trị cao” trong ít nhất 50 năm sau khi Trung Quốc giành lại quyền kiểm soát.

“Vào lúc đó Bắc Kinh lo lắng tất cả người dân sẽ rời đi. Để thu phục nhân tâm, Bắc Kinh hứa sẽ cho phép người dân Hồng Kông điều hành Hồng Kông và có quyền tự trị cao”, ông Lý Trụ Minh cho biết trong một cuộc phỏng vấn với tờ HKFP trước khi ông bị bắt giữ hôm 18/4.

Ông Lý Trụ Minh, một chính khách, luật sư, 81 tuổi. Ông là người sáng lập Đảng Dân chủ Thống nhất Hồng Kông và là cố vấn cao cấp của đảng này.

Ông là một trong 23 người Hồng Kông trong tổng số 59 người thuộc Ủy ban soạn thảo Luật Cơ bản Hồng Kông. Cuộc họp đầu tiên của Ủy ban diễn ra vào tháng 7/1985 tại Bắc Kinh. Khi đó, đã có những kỳ vọng lớn rằng chính quyền Trung Quốc sẽ thay đổi để trở nên tử tế hơn.

Nổi lên sau khi kết thúc cuộc Cách mạng Văn hóa đầy biến động năm 1976, nhà nước Trung Quốc khi đó đang trong thời kỳ cải cách mở cửa, quá trình tự do hóa kinh tế và chính trị đang được triển khai.

Trái ngược với mối quan hệ Đặc khu và Đại lục đang căng thẳng hiện nay, thời điểm đó, giữa Hồng Kông và Trung Quốc có mức độ tin cậy khá cao. Ông Lý mô tả, thời gian ông soạn thảo Luật Cơ bản từ năm 1985 đến năm 1989 là giai đoạn ông cảm thấy “thỏa nguyện”, cho đến khi ông rời khỏi Ủy Ban như một động thái biểu tình vào năm 1989, khi Bắc Kinh đàn áp phong trào ủng hộ dân chủ ở quảng trường Thiên An Môn.

“Có một sự tin tưởng lẫn nhau vào thời điểm đó, người Hồng Kông tin tưởng chính phủ Trung Quốc”, HKFP hôm 18/4 dẫn lời ông Lý cho biết. “Chúng tôi hy vọng họ sẽ tuân thủ thỏa thuận quốc tế này. Chúng tôi đặt tất cả hy vọng của chúng tôi vào Luật Cơ bản và hy vọng nó sẽ bảo vệ mọi thứ trong 50 năm tới”.

Niềm tin đó đã dần trở nên u ám trong gần hai thập niên kể từ khi Hồng Kông về lại dưới sự cai trị của Trung Quốc và xung đột giữa Đặc khu và Đại lục gia tăng.

ĐCSTQ gia tăng kiểm soát Hồng Kông

Trong những năm qua, Trung Quốc đã thắt chặt kiểm soát đặc khu, đặc biệt sau cuộc tuần hành năm 2003 kháng nghị việc chính quyền Hồng Kông thúc đẩy Điều 23 trong Luật Cơ bản, và một lần nữa là Phong trào Ô dù năm 2014.

Sự xói mòn các quyền chính trị, tính pháp quyền và một loạt các quyền tự do dân sự cơ bản khác đã bị đẩy tới đỉnh điểm với sự bất mãn lan rộng trong công chúng Hồng Kông. Các cuộc tuần hành của người dân Hồng Kông chống dự luật dẫn độ vào năm ngoái đã bùng nổ thành các cuộc biểu tình chống chính phủ kéo dài nhiều tháng.

Vào tháng 6/2014, nhân kỷ niệm 30 năm Tuyên bố chung, Bắc Kinh ra một sách trắng khẳng định chính phủ Trung Quốc có quyền tài phán toàn diện đối với Hồng Kông. Đây là “cú đánh mạnh nhất” vào Luật Cơ bản, ông Lý cho biết.

“Đây là một điều hoàn toàn khác so với những gì họ nói trước đây”, ông Lý cho biết. “Giờ đây, họ đang nói rất rõ ràng, ĐCSTQ sẽ cai trị Hồng Kông chứ không phải người Hồng Kông điều hành Hồng Kông. Nếu vậy, chúng tôi sẽ phải làm bất cứ điều gì họ bảo. Họ đã hoàn toàn phá vỡ lời hứa của họ”.

Luật Cơ bản Hồng Kông

Điều 45 và 68 trong Luật Cơ bản quy định, đặc khu trưởng và các thành viên của Hội đồng lập pháp Hồng Kông được bầu thông qua bầu cử phổ thông.

Điều 22 quy định chính phủ đại lục không thể can thiệp vào các vấn đề ở Hồng Kông.

Ông Lý cho biết, sự mất cân bằng chính trị chỉ làm trầm trọng thêm những tai ương của Hồng Kông.

“Đảng Cộng sản Trung Quốc đã hoàn toàn nắm quyền, mức độ tự do của chúng tôi ở mức độ nào là do họ muốn, nhưng họ cũng có thể tước đoạt đi bất kỳ lúc nào”, ông Lý nói. “Họ muốn một con ngỗng đẻ trứng vàng nhưng không thể chịu được nếu con ngỗng không vâng lời”.

Đối với những người trẻ Hồng Kông, ông Lý nói: “Nếu tôi còn trẻ, tôi cũng sẽ ở trên chiến tuyến”. Nhưng ông kêu gọi họ kiềm chế không dùng bạo lực. “Có rất nhiều vụ bắt giữ và tống giam, có thể nhiều người đã coi đó là hành vi anh hùng … nhưng nó chỉ có hiệu quả khi sự hy sinh của bạn mang lại kết quả xứng đáng”.

Ông Lý cho biết: “Bạo lực không phải là giải pháp. Các quốc gia nước ngoài chỉ có thể hỗ trợ chúng ta khi không có bạo lực”, và ông nhấn mạnh rằng cộng đồng quốc tế có nghĩa vụ duy trì Luật Cơ bản vì đây là một hiệp ước ràng buộc về mặt pháp lý đã được đăng ký với Liên Hợp quốc.

Phim “Lá thư từ Mã Tam Gia: Máu và Nước mắt đằng sau các sản phẩm “Made In China”

Theo HongKong Free Press

Triệu Hằng dịch và biên tập

https://www.dkn.tv/the-gioi/cha-de-nen-dan-chu-hong-kong-bac-kinh-da-hoan-toan-that-hua.html

 

TQ sứt mẻ trên đường tái thiết hình ảnh

Khi Trung Quốc tháng trước trở thành nước đầu tiên kiềm chế thành công Covid-19, giới chức nước này liền khởi động một chiến dịch khác: Xây dựng lại hình ảnh quốc tế.

Chủ tịch Tập Cận Bình thực hiện hàng loạt cuộc điện đàm với các lãnh đạo thế giới, hứa sẽ viện trợ. Hơn 170 chuyên gia y tế Trung Quốc được cử tới châu Âu, Đông Nam Á và châu Phi. Truyền thông nhà nước liên tục tung những bức ảnh khẩu trang Trung Quốc cập bến hơn 100 quốc gia cùng các câu chuyện hoài nghi nguồn gốc dịch bệnh, vốn được cho là khởi phát từ chợ hải sản ở Vũ Hán.

Các đại sứ Trung Quốc xuất hiện tràn ngập trên báo với những bài viết ca ngợi sư hy sinh của Bắc Kinh đã giúp các nước khác có thêm thời gian chuẩn bị đối phó với dịch bệnh, song không thừa nhận từ đâu mà Covid-19 bùng phát.

Một tháng sau, chiến dịch trên đã cho kết quả. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, nó lại phản tác dụng.

Tại Anh, một ủy ban quốc hội về quan hệ đối ngoại đã kêu gọi chính quyền chống lại làn sóng thông tin thiếu chính xác từ Trung Quốc. Giới chức Đức và ít nhất một bang của Mỹ là Wisconsin đã tiết lộ về những vận động nơi hậu trường của các quan chức Trung Quốc, cố gắng thuyết phục họ công khai ca ngợi Bắc Kinh.

Chính phủ Tây Ban Nha, Séc và Hà Lan thông báo thu hồi khẩu trang và kit xét nghiệm của Trung Quốc sau khi phát hiện những lô hàng lớn bị lỗi, làm hỏng nỗ lực của Bắc Kinh nhằm xây dựng hình ảnh thiện chí.

Ở Nigeria, hiệp hội y tế quốc gia đã chỉ trích chính quyền vì quyết định mời một nhóm bác sĩ Trung Quốc tới nước này, cho rằng họ có thể mang theo mầm bệnh.

Trên mạng xã hội Twitter, các nhà ngoại giao Trung Quốc không chỉ lan truyền thông điệp tích cực từ chính phủ mà còn được đặt trong trạng thái sẵn sàng phản công. Họ công khai hằn học với con trai Tổng thống Brazil và Bộ trưởng Giáo dục Brazil, người cáo buộc Bắc Kinh muốn tìm kiếm “thế thống trị toàn cầu” khi kiểm soát các nguồn cung thiết bị bảo hộ. Họ tỏ ý không hài lòng với người phát ngôn Bộ Y tế Iran, người đặt dấu hỏi về tính chính xác trong dữ liệu liên quan đến Covid-19 mà chính phủ Trung Quốc công bố, đồng thời đả kích một doanh nhân Sri Lanka, người chỉ trích cách Bắc Kinh phản ứng với dịch bệnh.

Làn sóng hoài nghi, thậm chí ở cả những nước có thái độ thân thiện với Trung Quốc, làm bật lên thách thức mà các nhà lập pháp ở Bắc Kinh phải đối diện khi tìm cách thay đổi hình ảnh trên trường quốc tế hậu đại dịch.

“Họ biết rõ khi nào tình hình lắng xuống và mọi người sẽ hướng mắt về phía Bắc Kinh để xem họ có chịu trách nhiệm hay không, đây là tình huống vô cùng khó khăn”, Nadège Rolland, chuyên gia cấp cao tại Viện Quốc gia về Nghiên cứu châu Á, trụ sở ở thành phố Seattle, bang Washington, Mỹ, bình luận. “Họ đang cố để xóa bỏ những lời buộc tội như vậy. Họ tự tin nhưng cũng sợ hãi không kém”.

Các quan chức Trung Quốc tỏ ra thất vọng vì phản ứng dữ dội nổi lên trước cái mà họ gọi đơn giản là lòng vị tha. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh khẳng định Bắc Kinh không dùng ngoại giao nCoV để đánh bóng hình ảnh hay mở rộng ảnh hưởng. Giới chức Trung Quốc tuyên bố sẽ lập lức xử lý triệt để những dụng cụ y tế kém chất lượng.

“Chúng tôi muốn chia sẻ kinh nghiệm và những phương pháp hữu hiệu của Trung Quốc với các nước khác nhưng chúng tôi sẽ không biến nó thành bất kỳ loại vũ khí hay công cụ địa chính trị nào”, bà Hoa nói.

Tại nhiều nước phương Tây, điều khiến họ bất ngờ còn nằm ở cách mà Trung Quốc ráo riết tung ra những thông tin thất thiệt, điều hiếm thấy trước khi Covid-19 bùng phát ở Vũ Hán hồi cuối năm ngoái.

Tháng trước, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên và một số nhà ngoại giao khác đã đặt câu hỏi liệu có phải nCoV đã được các binh sĩ quân đội Mỹ đưa tới Trung Quốc. Bình luận trên lập tức nhận về phản ứng giận dữ từ Washington.

Một cơ quan giám sát thông tin sai lệch thuộc Liên minh châu Âu (EU) đã bác bỏ thuyết âm mưu của các quan chức Trung Quốc.

Sau khi truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin rộng rãi rằng một nhà nghiên cứu nổi tiếng Italty đã nói nCoV có thể bắt nguồn từ nước này, không phải Vũ Hán, bác sĩ thận Giuseppe Remuzzi đã phải lên nhật báo Il Foglio để sửa chữa thông tin, khẳng định bình luận của ông bị bóp méo vì mục đích tuyên truyền.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia Trung Quốc lại tỏ ra lo lắng về nguy cơ suy yếu hình ảnh với chiến lược ngoại giao hiện nay mà Bắc Kinh theo đuổi. Một số chính trị gia bảo thủ ở Anh và Mỹ đã yêu cầu Trung Quốc bồi thường kinh tế dù chưa rõ liệu nỗ lực này có thành công ở tòa án quốc tế hay không.

Trong một loạt bài tiểu luận, nhà kinh tế học hàng đầu Hua Sheng đã cảnh báo Trung Quốc về việc lan truyền các thuyết âm mưu liên quan đến nguồn gốc virus. Ông kêu gọi Bắc Kinh dám đứng lên nhận trách nhiệm vì những gì đã xảy ra ở Vũ Hán.

“Vài người nói rằng nếu chúng ta tiến hành điều tra bên trong đất nước mình, chúng ta sẽ cung cấp cho người ngoài bằng chứng cũng như một công cụ giúp họ làm tổn hại đến lợi ích quốc gia. Nhưng tôi phải khẳng định mọi chuyện sẽ đi theo hướng hoàn toàn ngược lại”.

Tuy nhiên, Lucrezia Poggetti, học giả tại tại Viện nghiên cứu Trung Quốc Mercator ở Berlin, Đức, nhận định để giữ thể diện cho bộ máy lãnh đạo, rất ít khả năng Bắc Kinh sẽ thừa nhận sai lầm hoặc thể hiện một bộ mặt yếu kém trên trường quốc tế.

Nhưng nếu ngay cả khi các nhà ngoại giao Trung Quốc xử lý thành công cuộc khủng hoảng công chúng trong ngắn hạn, họ vẫn có thể gặp khó khăn trong việc chống lại những xu hướng dài hạn được hình thành trong đại dịch. Ví dụ các nước châu Âu, bao gồm cả Pháp, Anh, Đức cùng Mỹ và Nhật Bản đang đánh giá lại mức độ phụ thuộc của họ vào Trung Quốc đối với những nguồn cung thiết yếu liên quan đến y tế và an ninh quốc gia.

“Sẽ có một làn sóng xét lại sau khi dịch bệnh chấm dứt”, Poggetti nhấn mạnh.

http://biendong.net/dam-luan/34223-tq-sut-me-tren-duong-tai-thiet-hinh-anh.html

 

Trung Quốc đặt tên cho các đảo và thực thể

ở Biển Đông, phản đối Việt Nam trước UN

Tờ Hoàn Cầu Thời Báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc hôm 19/4 cho biết Bắc Kinh vừa công bố “danh xưng tiêu chuẩn” cho hàng chục đảo và bãi đá ở khu vực Biển Đông, một hành động mà nước này gọi là để khẳng định chủ quyền của Trung Quốc ở vùng biển đang tranh chấp.

Theo Hoàn Cầu Thời Báo, Bộ Dân Chính và Bộ Tài Nguyên Trung Quốc đã công bố các tên, kinh độ và vĩ độ đối với 25 đảo và 55 thực thể địa lý dưới biển ở khu vực này.

Theo tờ Tuổi Trẻ, trong số những bãi cạn được đặt tên, có những bãi nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, có điểm chỉ cách bờ biển Việt Nam chưa đầy 60 hải lý, hoặc đường cơ sở của Việt Nam khoảng 50 hải lý.

Trước đó ,vào ngày 18/4, Bắc Kinh cũng tuyên bố thành lập hai quận đảo Tây Sa và Nam Sa để quản lý hai quần đảo đang tranh chấp với các nước là Hoàng Sa và Trường Sa.

Ngay sau khi Trung Quốc tuyên bố thành lập hai quận Tây Sa và Nam Sa, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng đã lên tiếng phản đối và cho rằng đây là hành vi “vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, không có giá trị và không được công nhận, không có lợi cho quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia và gây thêm phức tạp tình hình Biển Đông, khu vực và thế giới”.

Hành động đặt tên cho các đảo và bãi đá cũng như việc lập hai quận mới quản lý các đảo ở Biển Đông là những hành động mới nhất mà Trung Quốc thực hiện sau khi vào ngày 17/4, nước này đệ trình lên Liên Hiệp Quốc (UN) một tài liệu cáo buộc Việt Nam “đưa quân xâm lược và chiếm đảo, đá thuộc quần đảo Nam Sa của Trung Quốc hòng tạo ra tranh chấp”.

Nam Sa là tên mà Trung Quốc đặt cho quần đảo Trường Sa.

Trong văn bản gửi lên UN, Bắc Kinh còn “phản đối sự xâm lược và chiếm đóng trái phép của Việt Nam”  “yêu cầu Việt Nam rút tất cả người và phương tiện, thiết bị ra khỏi các đảo, đá đã xâm lược và chiếm đóng bất hợp pháp”.

Trong một diễn tiến khác, báo Người Lao Động hôm 20/4 đưa tin cho biết công ty TNHH giày Apache Việt Nam ở khu công nghiệp Long Giang thuộc tỉnh Tiền Giang đã treo 6 bản đồ lạ bằng ngôn ngữ Trung Quốc, trong đó thể hiện chi tiết Biển Đông là South China Sea.

Báo Người Lao Động cho biết vào chiều cùng ngày, đoàn kiểm tra của tỉnh Tiền Giang đã đến công ty để kiểm tra và xác minh việc treo bản đồ lạ này để xử lý theo quy định….

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/china-release-standardized-names-for-feautres-in-scs-and-protests-vn-before-un-04202020081019.html

 

Âm mưu củng cố lợi ích ở Biển Đông

trước khi COC ban hành của TQ

Ngang ngược thành lập 2 huyện quản lý Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam thể hiện Trung Quốc mưu đồ củng cố lợi ích trước khi Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông ban hành.

Nhà nghiên cứu Collin Koh từ Trường nghiên cứu quốc tế S Rajaratnam, Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore nhận định trên SCMP rằng Trung Quốc ngang ngược thành lập 2 huyện quản lý Hoàng Sa và Trường Sa là có mưu đồ, trong thời điểm các cuộc đàm phán Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) đang diễn ra.

“Rõ ràng Bắc Kinh đang muốn củng cố lợi ích ở Biển Đông trước khi Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông được công bố”.

Ông Koh nói thêm: “Ngay cả khi không có Bộ quy tắc ứng xử nào thành hiện thực, khi đó Bắc Kinh cũng sẽ ở thế mạnh hơn ở Biển Đông”.

Các cuộc đối thoại giữa Trung Quốc và ASEAN về bộ quy tắc ứng xử đang diễn ra, được kỳ vọng đi đến kết luận vào năm 2021. Dự thảo thỏa thuận gần nhất được giới thiệu hồi tháng 8/2018.

Bắc Kinh đã từ chối làm cho thỏa thuận có tính ràng buộc pháp lý.

Nhà nghiên cứu cũng cho rằng động thái mới cho thấy Trung Quốc có khả năng sẽ tiếp tục xây dựng thêm các cấu trúc và tăng cường hiện diện quân sự trong khu vực.

Ngày 18/4, Mạng lưới Truyền hình Toàn cầu Trung Quốc (CGTN) đưa tin về 2 huyện vừa được thành lập là Tây Sa và Nam Sa. Tây Sa và Nam Sa là cách Trung Quốc dùng để gọi quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa vốn thuộc chủ quyền của Việt Nam.

2 huyện này trực thuộc cái được gọi là “thành phố Tam Sa” được Trung Quốc dựng lên từ tháng 7/2012 nhằm thực hiện kế hoạch kiểm soát Biển Đông, trong đó có quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam và bãi cạn Scarborough tranh chấp với Philippines.

Bất chấp dịch COVID-19, Trung Quốc vẫn tiếp tục leo thang các hành động ngang ngược trên Biển Đông.

Bộ Ngoại giao Việt Nam nhiều lần lên tiếng chỉ trích động thái triển khai các thiết bị quân sự trái phép của Trung Quốc tại các đảo Bắc Kinh bồi đắp và xâm lấn trái phép thuộc Quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam, khẳng định Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý tuyên bố chủ quyền với hai quần đảo trên Biển Đông này.

Ngày 26/3, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng đã nhấn mạnh: “Như đã nhiều lần khẳng định, Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền với 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế. Theo đó, mọi hoạt động tại 2 quần đảo này phải được sự cho phép của Việt Nam”.

Trong tuyên bố đưa ra hôm 18/4, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng bày tỏ quan ngại về các hành động khiêu khích lặp đi lặp lại của Trung Quốc, nhằm vào các hoạt động khai thác dầu khí ngoài khơi của các bên có tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông.

“Trung Quốc nên chấm dứt hành vi bắt nạt của mình, ngừng các hành động khiêu khích và gây bất ổn này”, tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh.

http://biendong.net/dam-luan/34218-am-muu-cung-co-loi-ich-o-bien-dong-truoc-khi-coc-ban-hanh-cua-tq.html

 

Nhiều cựu quan chức TQ lo

ngoại giao COVID-19 có thể là ‘con dao hai lưỡi’

Bắc Kinh nên giảm bớt nỗ lực tuyên truyền nhằm thay đổi cách nói của nhiều nước về đại dịch COVID-19 và kiểm soát tư tưởng dân tộc chủ nghĩa vì những nỗ lực này có thể phản tác dụng và ảnh hưởng đến uy tín quốc tế của Trung Quốc, các chuyên gia và cựu cán bộ ngoại giao của chính Trung Quốc đánh giá.

Cảnh báo được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc đang đẩy mạnh chiến dịch ngoại giao được gọi là “Chiến binh sói” (được đặt tên theo một bộ phim về chủ nghĩa dân tộc mà nhiều người Trung Quốc yêu thích).

Trong tuần qua, Chính phủ Pháp đã triệu Đại sứ Trung Quốc đến để phản đối bài viết đăng trên trang web của cơ quan này có nội dung nói rằng nhân viên các viện dưỡng lão của Pháp đã bỏ việc, khiến người già sống trong đó phải chịu đựng bệnh tật và thiếu ăn.

Quan hệ hữu nghị với châu Phi mà Bắc Kinh luôn ca ngợi cũng rơi vào khủng hoảng sau khi xuất hiện nhiều bài báo về tình trạng người châu Phi ở Quảng Châu bị đối xử không đúng mực.

Bắc Kinh đang gặp phải một cuộc khủng hoảng ngoại giao nghiêm trọng ở châu Phi sau khi những bài báo về tình trạng kỳ thị người châu Phi ở Trung Quốc trong đại dịch COVID-19 gây phẫn nỗ trên khắp lục địa đen.

Hiếm khi các nhà quan sát ở Trung Quốc đưa ra cảnh báo thẳng thừng về chiến thuật của nước mình, đặc biệt từ khi Trung Quốc tích cực khẩu chiến với Mỹ và các đồng minh phương Tây trong 2 năm qua.

Nhưng PGS Shi Zhan, Giám đốc Trung tâm chính trị thế giới tại ĐH Ngoại giao Trung Quốc, nói rằng sự gia tăng của chủ nghĩa dân tộc trong đội ngũ cán bộ ngoại giao của nước này đặc biệt nguy hiểm vì sẽ gây ra tình trạng mất lòng tin và khiến các nước phương Tây tránh xa Trung Quốc.

Trước nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu, mất lòng tin và uy tín còn gây hại hơn cả vấn đề suy giảm nhu cầu hàng hoá và mất đơn hàng, PGS Shi nói trong cuộc trả lời phỏng vấn mạng Zhisland.com.

Ông nói rằng những phát biểu như của Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nhằm làm chệch hướng những chê trách về chất lượng khẩu trang và các hàng y tế khác của Trung Quốc chỉ phản tác dụng.

“Đối với người nước ngoài, ông Triệu nói như thể đang sử dụng khẩu trang để đe doạ và nó sẽ ngay lập tức trở thành một vấn đề an ninh nếu khẩu trang bị vũ khí hoá”, ông Shi nói.

Nhà nghiên cứu này cũng cảnh báo thay đổi trong các chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ trở thành thách thức lớn đối với nền kinh tế Trung Quốc trong những năm tới.

“Những lời nói làm gia tăng ngờ vực và đối đầu sẽ gây tổn hại cho ngành sản xuất của Trung Quốc hơn cả virus. Cách sử dụng các chiến binh sói là không bền vững vì càng nói nhiều thì bạn càng bị tránh xa”, ông Shi nói.

Phát biểu tại một hội thảo ở Bắc Kinh ngày 15/4, Cheng Tao, cựu Đại sứ Trung Quốc tại Mali và Morocco, nói rằng dù hoạt động viện trợ y tế của Bắc Kinh có ý định tốt nhưng hiện có rất nhiều chỉ trích Trung Quốc từ khắp thế giới, trong đó có cả các nước châu Phi.

“Để hiểu và chuẩn bị hứng những quan điểm chua cay về Trung Quốc, chúng ta phải có đánh giá hợp lý và chính xác về chính mình và vị trí của mình trên thế giới. Đó là điều quan trọng nhất để chúng ta hiểu về những hạn chế của chính mình”, tạp chí Caixin dẫn lời ông Cheng.

Cựu cán bộ ngoại giao này nói rằng COVID-19 nên được coi là “hồi chuông cảnh tỉnh” đối với chính phủ và người dân Trung Quốc trong thế giới ngày càng hỗn loạn này, khi Trung Quốc đang đối mặt với một đòn kinh tế khủng khiếp và sự cạnh tranh gia tăng từ Mỹ và đồng minh.

Nói đến thay đổi trong hành vi và phát biểu của nhiều nhà ngoại giao cấp cao Trung Quốc, ông Cheng cảnh báo nên thận trọng với những phát ngôn giật gân, vênh vang và hả hê trước tình cảnh của nước khác. Ông Cheng nói rằng những điều này “không giúp ích gì, mà sẽ quay lại ám chính chúng ta”.

Trong khi đó, Thời báo Hoàn cầu, một tờ báo dân tộc chủ nghĩa của Trung Quốc, bênh vực ngoại giao kiểu chiến binh sói. Trong bài viết đăng ngày 16/4, tờ này gọi đó là kết quả tự nhiên từ “thay đổi sức mạnh của Trung Quốc và phương Tây”.

Báo này nói rằng so với giọng điệu ngoại giao nhu mì trước đây, các nhà ngoại giao Trung Quốc đã trở nên sắc sảo hơn, bớt tế nhị hơn trước những lời chỉ trích cũng như bảo vệ lợi ích của Trung Quốc. Một số ý kiến khác cũng cho rằng Trung Quốc phải bảo vệ mình một cách mạnh mẽ khi các chính trị gia ở các nước khác thúc ép Bắc Kinh chịu trách nhiệm cho đại dịch hiện nay.

Theo lời kêu gọi của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về việc phải có “tinh thần chiến đấu”, các nhà ngoại giao Trung Quốc đã trở nên quyết liệt hơn trên vũ đài thế giới. Trong những năm gần đây, Bắc Kinh thường sử dụng chủ nghĩa dân tộc trong các vấn đề chiến tranh thương mại, biểu tình quy mô lớn ở Hong Kong hay số phận tập đoàn viễn thông Huawei.

Nhưng các chuyên gia cảnh báo rằng kích thích chủ nghĩa dân tộc, đặc biệt khi kết hợp với chủ nghĩa cơ hội trong thời buổi dịch bệnh, sẽ là con dao hai lưỡi, dễ dàng phản chủ và khó dẫn đến những quyết định ngôn ngoan và hợp lý.

Wu Sike, cựu đại sứ Trung Quốc tại Ai Cập và Ả-rập Xê-út, nói rằng Bắc Kinh cần cẩn thận trước những quan điểm chỉ trích từ các nước bạn bè, như Iran.

“Chúng ta cần tỉnh táo vì có cả những tiếng nói và nhận thức khác nhau từ các nước bạn bè”, ông Wu nói.

Ông này xác nhận thông tin trên báo chí về mâu thuẫn ngoại giao hiếm thấy giữa Tehran và Bắc Kinh vào đầu tháng này.

Trên Twitter, Phát ngôn viên Bộ Y tế Iran Kianush Jahanpur bày tỏ hoài nghi về tính chính xác của số liệu chính thức do Trung Quốc đưa ra về COVID-19, đặc biệt là số người tử vong khá thấp. Ông Jahanpur gọi đây là “trò đùa cay đắng”. Nhưng ông đã xoá đoạn tweet này sau khi Đại sứ Trung Quốc tại Tehran Chang Hua lên tiếng phản đối.

Theo ông Wu, ông Jahanpur không phải người duy nhất ở Iran thất vọng với Bắc Kinh vì virus corona, mà một số nghị sĩ Iran cũng đã lên tiếng bày tỏ không hài lòng.

“Nhưng chúng ta không thể để mối quan hệ tương đối tốt với những nước đó bị ảnh hưởng chỉ vì quan điểm chỉ trích. Đó là nền tảng thực sự cho ngoại giao của Trung Quốc”, ông Wu nói.

http://biendong.net/doc-bao-viet/34214-nhieu-cuu-quan-chuc-tq-lo-ngoai-giao-covid-19-co-the-la-con-dao-hai-luoi.html

 

Trung Quốc chưa cho phép các nhà khoa học

nước ngoài đến phòng thí nghiệm Vũ Hán

Hương Thảo

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo cho biết, chính quyền Trung Quốc chưa cho phép các nhà khoa học thế giới vào Viện Virus học Vũ Hán để tìm hiểu kỹ hơn về những bí mật của virus corona mới, theo The Epoch Times ngày 18/4.

“Người phương Tây chúng ta vẫn chưa có quyền đến Viện virus này để có thể đánh giá chính xác những gì thực sự đã diễn ra trên toàn thế giới và nó đã bắt đầu như thế nào”, Ngoại trưởng Mỹ trả lời một cuộc phỏng vấn của người dẫn chương trình phát thanh Hugh Hewitt.

Chính quyền Mỹ cho biết, vào tháng 1 và tháng 2, họ đã đề nghị gửi các chuyên gia y tế công cộng đến Trung Quốc để giúp đối phó với sự bùng phát và phân tích các khía cạnh của virus, bao gồm cả khả năng lây truyền của nó, nhưng lần nào cũng đều bị từ chối. Trung Quốc cuối cùng chỉ cho phép một nhóm chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới vào nước này, trong đó có hai nhà khoa học Mỹ. Một báo cáo chung giữa Trung Quốc và nhóm nghiên cứu này đã liên tục ca ngợi phản ứng của Trung Quốc.

“Chúng ta chưa biết câu trả lời chính xác cho câu hỏi về xuất phát điểm của virus”, ông Pompeo nói với Hewitt. “Nhưng chúng ta biết điều này: Chúng ta biết rằng những quan sát đầu tiên [của virus] đã xảy ra trong vòng vài dặm từ Viện Virus học Vũ Hán. Chúng tôi biết rằng, lịch sử của cơ sở này, phòng thí nghiệm cấp VSL-4 đầu tiên nơi các nghiên cứu virus công nghệ cao được tiến hành tại địa điểm đó”.

Các quan chức hàng đầu của Mỹ trong những ngày gần đây đã xác nhận rằng Hoa Kỳ đang xem xét khả năng liệu virus corona mới có liên quan gì đến Viện Virus học Vũ Hán hay không.

Khi được hỏi về giả thuyết này, tổng thống Donald Trump đã nói với các phóng viên trong buổi họp báo của Lực lượng đặc nhiệm chống virus hôm thứ Sáu: “Chúng tôi đang xem xét nó”. “Có rất nhiều cuộc điều tra đang diễn ra và chúng ta sẽ tìm ra”.

Theo các tài liệu nội bộ của The Epoch Times, các quan chức Trung Quốc đã không cung cấp các thông tin cần thiết liên quan đến virus này trong nhiều tháng. Tổ chức Y tế Thế giới WHO, liên kết chặt chẽ với Trung Quốc, đã hứng chịu sự chỉ trích ngày càng tăng từ các quan chức Mỹ vì liên tục sử dụng các tuyên bố từ Trung Quốc và lờ đi các cảnh báo từ Đài Loan. Tổng thống Trump cũng cho biết trong tuần này, rằng tài trợ của Hoa Kỳ cho WHO đang bị trì hoãn, chờ đợi một cuộc điều tra về những gì đã xảy ra.

“Tất cả những gì tôi có thể nói là – nó đến từ Trung Quốc, dù dưới bất kỳ hình thức nào – và 184 quốc gia đang phải chịu đựng điều đó. Điều đó quá tệ, phải không? Nó có thể đã được giải quyết rất dễ dàng khi chỉ mới bắt đầu”, Tổng thống nói vào hôm thứ Sáu.

Theo Zachary Stieber, The Epoch Times, ngày 18/4

Hương Thảo dịch và biên tập

https://www.dkn.tv/the-gioi/trung-quoc-chua-cho-phep-cac-nha-khoa-hoc-nuoc-ngoai-den-phong-thi-nghiem-vu-han.html

 

Điều tra Mỹ về thủy điện Trung Quốc

làm Mêkông khô hạn:

Cơ hội các nước hạ lưu đòi công lý?

Trọng Thành

Đồng bằng Cửu Long thiếu nước ngọt chưa từng thấy đầu năm 2020 này, tiếp theo đợt hạn hán 2019. Khó ai ngờ ở xứ sở kênh rạch chằng chịt lại có ngày người dân phải mang can mua nước ngọt. Bên cạnh biến đổi khí hậu toàn cầu, và việc sử dụng nước tại chỗ bất hợp lý, các đập thủy điện, đặc biệt đập do Trung Quốc xây ở thượng nguồn, được coi là một nguyên nhân chính gây hạn hán. Tuy nhiên, cho đến nay, dường như đã chưa có nghiên cứu nào chỉ rõ.

Đầu tháng 4/2020, điều tra của một cơ sở nghiên cứu, có trụ sở tại Mỹ, cho thấy việc các đập thủy điện trên thượng nguồn Mêkông giữ nước là nhân tố gây ra hạn hán tại hạ lưu. Ngay sau khi nghiên cứu của Mỹ được công bố, một số quốc gia hạ lưu Mêkông đã lên tiếng yêu cầu Trung Quốc minh bạch thông tin về các đập thủy điện.

Liệu kết quả điều tra mới về vai trò của gây hạn hán của đập thủy điện Trung Quốc có góp phần cứu vãn dòng Mêkông ? Mục Theo dòng thời sự của RFI tổng hợp thông tin về vấn đề này.

***

Điều tra mới về vai trò của các đập thủy điện Trung Quốc trên thượng nguồn Mêkông cho thấy điều gì?

Cuối tháng 2/2020, trong một cuộc tiếp xúc với các nông dân và ngư dân Lào khi đó lo lắng về tình trạng hạn hán chưa từng thấy trên dòng Mêkông, ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (Wang Yi) đã lên tiếng trấn an người dân Lào, đồng thời khẳng định Trung Quốc lâm vào tình trạng tương tự. Tuy nhiên, theo báo mạng Hoa Kỳ New York Times, các nghiên cứu về khí hậu, thủy văn, dựa trên các dữ liệu vệ tinh, vừa được công bố, cho thấy điều ngược lại.

Điều tra của công ty Eyes on Earth, được chính quyền Mỹ tài trợ, công bố ngày 12/04/2020, cho thấy đã có rất nhiều nước từ cao nguyên Tây Tạng đổ về thượng nguồn sông Mêkông tại Trung Quốc (đoạn sông mà Trung Quốc gọi là Lan Thương), đúng vào giai đoạn mà Bắc Kinh tuyên bố phía Trung Quốc cũng bị hạn hán. Đồng giám đốc điều tra, ông Alain Basist, nhấn mạnh : ‘‘Không thể bác bỏ được các dữ liệu từ vệ tinh, trong khi có rất nhiều nước trên cao nguyên Tây Tạng, thì những nước như Cam Bốt và Thái Lan lại lâm vào cảnh thiếu nước… Đã có một lượng nước khổng lồ bị Trung Quốc giữ lại’’.

Nghiên cứu của Eyes on Earth sử dụng công nghệ Special Sensor Microwave Imager/Sounder (SSMI/S) (tạm dịch là công nghệ đo lường cảm biến hình ảnh vi sóng) để xác định lưu lượng nước tại lưu vực sông Mêkông phần Trung Quốc, từ năm 1992 đến cuối năm 2019. Tiếp theo đó, các số liệu này được so sánh với các dữ liệu về dòng chảy sông Mêkông, tại trạm thủy điện Chiang Saen, Thái Lan, do  Ủy Hội Sông Mêkông cung cấp. Trạm thủy điện nói trên là điểm sát nhất với biên giới Thái Lan – Trung Quốc.

Các dữ liệu cho thấy, trước năm 2012, dòng chảy được coi là diễn biến tương đối tự nhiên. Dòng chảy từ biên giới Trung Quốc – Thái Lan trở xuống có thể dự báo trước, căn cứ trên lượng nước từ các con suối trên thượng nguồn và nước băng tan. Tuy nhiên, từ năm 2012 trở đi xuất hiện độ chênh lệch lớn, giữa lượng nước có khả năng xuống hạ lưu và lượng nước thực tế.

Theo điều tra của Eyes on Earth, tổng lượng nước mà các hồ chứa nước để làm thủy điện của Trung Quốc có thể dự trữ là 47 tỉ mét khối. Nói một cách hình ảnh, theo kết quả điều tra về lượng nước Mêkông suốt 28 năm này, các đập thủy điện của Trung Quốc đã giữ lại tổng cộng một lượng nước của dòng sông, tương đương với chiều cao hơn 135 mét (410 feet).

Trung Quốc phản ứng ra sao sau nghiên cứu của Mỹ?

Ngay hôm sau kết quả điều tra của Mỹ được công bố, ngày 13/04, bộ Ngoại Giao Trung Quốc đã lên tiếng bác bỏ, với khẳng định tỉnh Vân Nam, miền tây nam Trung Quốc, vừa hứng chịu hạn hán nghiêm trọng vào năm ngoái và lượng nước trong hồ chứa tại các đập thủy điện đã giảm xuống mức thấp nhất trong lịch sử. Tuy nhiên, bộ Ngoại Giao Trung Quốc cũng cam kết ‘‘sẽ hết sức cố gắng để đảm bảo lượng nước xả hợp lý” cho các quốc gia ở hạ lưu sông Mêkông, bao gồm Lào, Miến Điện, Thái Lan, Cam Bốt và Việt Nam.

Tác động của 11 đập thủy điện của Trung Quốc ở thượng nguồn Mêkông, từ lâu nay luôn là vấn đề tranh luận, tuy nhiên các cuộc thảo luận không đi được xa, vì thiếu dữ liệu có đủ cơ sở và cho đến nay, Bắc Kinh không công bố thông tin chi tiết về lượng nước trong các hồ chứa.

Trong khi đó, Hoa Kỳ dường như ngày càng chú ý hơn đến cuộc khủng hoảng nước tại lưu vực Mêkông. Trong một phát biểu tại Thái Lan năm ngoái, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho rằng đợt hạn hán nghiêm trọng năm 2019 là do ‘‘Trung Quốc chặn dòng nước ở thượng nguồn sông Mêkông”. Mỹ nhiều lần lên án Trung Quốc rắp tâm kiểm soát hoàn toàn dòng Mêkông.

Về phản ứng nói trên của bộ Ngoại Giao Trung Quốc, theo ông Brian Eyler, giám đốc chương trình Đông Nam Á của trung tâm tư vấn Stimson Center, Washington, đối chiếu với các dữ liệu vệ tinh của cuộc điều tra, thì hoặc Bắc Kinh, hoặc những người trực tiếp quản lý các đập thủy điện đã che giấu sự thật. Ông Brian Eyler là tác giả cuốn ‘‘Những ngày cuối cùng của sông Mêkông’’.

Thái Lan và Cam Bốt kêu gọi Trung Quốc hợp tác điều tra

Thái Lan là quốc gia có phản ứng sớm. Theo trang mạng Chiang Rai Times, hôm 16/04/2020, cơ quan phụ trách tài nguyên nước của Thái Lan đã kêu gọi Trung Quốc và các quốc gia láng giềng phối hợp nghiên cứu để xác định các nguyên nhân dẫn đến tình trạng hạn hán ghê gớm hồi năm ngoái tại hạ lưu Mêkông.

Khi được hỏi về điều tra nói trên, ông Somkiat Prajamwong, lãnh đạo cơ quan nói trên, tỏ ra thận trọng, nhưng hứa sẽ trao đổi thông tin, cùng tiến hành nghiên cứu với Trung Quốc và các láng giềng khác. Lãnh đạo cơ quan tài nguyên nước Thái Lan khẳng định điều tra là cần thiết để xác định nguyên nhân hạn hán. Theo ông, cho đến nay ‘‘nguyên nhân chính’’ vẫn còn chưa được xác định. Trong số các nguyên nhân, có biến đổi khí hậu và việc vận hành 2 đập thủy điện ở Lào.

Giám đốc chương trình bảo vệ sông ngòi tại Thái Lan và Miến Điện, thuộc tổ chức phi chính phủ International Rivers, bà Pianporn Deetes, vui mừng là kết quả điều tra vừa được Mỹ công bố cho phép xác nhận các quan sát của dân cư dọc sông Mêkông từ nhiều năm nay.

Cũng hôm 16/04, tổng thư ký Ủy Hội Sông Mêkông của Cam Bốt cho biết vấn đề hạn hán là rất nghiêm trọng, các kết quả điều tra nói trên cần được Ủy Hội Sông Mêkông ‘‘xem xét nghiêm túc’’.

Về phía Ủy Hội Sông Mêkông (MRC), trả lời Reuters, tổ chức này cho biết đã yêu cầu Bắc Kinh cung cấp thêm thông tin, và có sự phối hợp làm việc mang tính chính thức hơn về vấn đề này. Theo văn phòng Ủy Hội Mêkông, cơ quan này đã yêu cầu phía Trung Quốc cung cấp số liệu nước đập thủy điện về mùa khô, nhưng hiện nay hai bên chưa có thỏa thuận chính thức nào.

Hồi tháng 2/2020, trong một cuộc họp với các đồng nhiệm Đông Nam Á tại Lào, ngoại trưởng Trung Quốc từng hứa sẽ chia sẻ thông tin về các đập thủy điện. Tuyên bố được đưa ra, sau khi có báo cáo tố cáo Trung Quốc sử dụng các đập thủy điện trên dòng Mêkông để thao túng các quốc gia ở hạ lưu.

Phản ứng của Hà Nội ra sao ?

Chính quyền Việt Nam dường như rất dè dặt sau khi kết quả điều tra của Eyes Earth được công bố (1). Tác động của đập thủy  điện Trung Quốc đến tình trạng hạn hán ở hạ lưu là điều lâu nay được giới chuyên gia tại Việt Nam thảo luận nhiều. Có hai quan điểm đối lập khá rõ ràng. Một bên cho rằng ảnh hưởng là có, cần tìm hiểu, nhưng lý do chính là biến đổi khí hậu toàn cầu, và chính sách sử dụng nước sai lầm của chính Việt Nam tại đồng bằng Cửu Long.

Chính quyền Việt Nam dường như tập trung chú ý nhiều hơn đến mục tiêu cứu nguy tại chỗ ngay tại đồng bằng, với các biện pháp trong tầm tay, hơn là đòi hỏi Trung Quốc phải minh bạch thông tin về các đập thủy điện thượng nguồn.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Trong bối cảnh này, có một quan điểm được nhiều người chú ý của giáo sư Chung Hoàng Chương, công dân Hoa Kỳ, thành viên mạng International Rivers, nghiên cứu viên cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia, Hà Nội. Theo giáo sư Chung Hoàng Chương, không nên đối lập các biện pháp cứu nguy tại chỗ với tầm nhìn dài hạn. Giáo sư Chương khẩn thiết lưu ý ‘‘trong tầm nhìn trên 10 năm, bắt đầu ngay từ bây giờ, (cần) nỗ lực đi đến một Hiệp định ứng xử cho toàn lưu vực với sáu quốc gia đang chia sẻ nguồn nước giống như Hiệp định khai thác và phát triển lưu vực sông Rhine ở châu Âu’’ (Bài ‘‘Chung một dòng sông’’, VnExpress, ngày 01/03/2020).

Điều tra về các đập thủy điện thượng nguồn, xác định phần tác động của Trung Quốc, là một yếu tố không thể thiếu cho tầm nhìn dài hạn này. Năm 2020, Việt Nam là chủ tịch luân phiên ASEAN. Liệu trên cương vị này, Hà Nội có thúc đẩy cho sự hình thành một tầm nhìn như vậy hay không (2)?

Ghi chú

1 – Cũng có nhiều người đặt câu hỏi: Phải chăng chính quyền Việt Nam há miệng mắc quai, vì chính Hà Nội cũng đầu tư vào thủy điện trên dòng chính Mêkông? Tháng 10/2019, tổ chức Cứu Sông Mêkông (Save Mekong) đề nghị Việt Nam xem lại quyết định tham gia dự án đập Luang Prabang. Tổng Công Ty Điện Lực Dầu Khí Việt Nam (PV Power) góp vốn nhiều nhất vào dự án này, với 38% (bài ”ĐBSCL sẽ suy thoái và tan rã’ nếu xây dựng đập thủy điện Luang Prabang’’, Thanh Niên, ngày 10/10/2019). Ngày 05/03/2020, người phát ngôn bộ Ngoại Giao Việt Nam cho biết ‘‘Việt Nam rất quan tâm đến thủy điện Luang Prabang và tất cả các thủy điện khác trên sông Mêkông… việc xây dựng thủy điện trên sông phải không gây tác động tiêu cực đến các nước trong lưu vực’’. Tuy nhiên, người phát ngôn bộ Ngoại Giao không hề nói về vai trò của chính quyền Việt Nam với tư cách một chủ đầu tư. Báo chí trong nước đầu tháng 4/2020 nhận xét đầu tư của tổng công ty Việt Nam như ‘’một canh bạc’’, mà ‘‘phần thua chắc chắn thuộc về 20 triệu dân cư đồng bằng Cửu Long’’.

2 – Kỹ sư Phạm Phan Long (Vietnam Ecology Foundation / Hội Sinh thái Việt) đề xuất Việt Nam nên ”liên minh với Cam Bốt để cứu Mêkông, cứu đồng bằng Cửu Long”, sau khi Phnom Penh quyết định ngừng xây thủy điện trên dòng Mêkông trong 10 năm. Hà Nội cũng nên phối hợp với Lào và Cam Bốt, đầu tư vào các dự án năng lượng bền vững tại Lào và Cam Bốt. Đây là điều có thể giúp cho các bên tìm được tiếng nói chung trong việc bảo vệ dòng sông, tài sản vô giá của các quốc gia ven bờ (bài ‘‘Thủy điện Lan Cang-Mêkông gây khát nước và đói phù sa cho đồng bằng sông Cửu Long cách nào?’’, boxit.vn, ngày 21/03/2020).

http://www.rfi.fr/vi/vi%E1%BB%87t-nam/20200420-%C4%91i%E1%BB%81u-tra-m%E1%BB%B9-v%E1%BB%81-th%E1%BB%A7y-%C4%91i%E1%BB%87n-trung-qu%E1%BB%91c-l%C3%A0m-m%C3%AAk%C3%B4ng-kh%C3%B4-h%E1%BA%A1n-c%C6%A1-h%E1%BB%99i-c%C3%A1c-n%C6%B0%E1%BB%9Bc-h%E1%BA%A1-l%C6%B0u-%C4%91%C3%B2i-c%C3%B4ng-l%C3%BD

 

Thứ trưởng Công an Trung Quốc

bị điều tra về tham nhũng

Thanh Phương

Theo hãng tin AFP, tối hôm qua 19/04/2020, Ủy ban Kiểm tra và Kỷ luật của đảng Cộng sản Trung Quốc thông báo thứ trưởng Công An Tôn Lập Quân (Sun Lijun) đang bị điều tra về tội tham nhũng.

Thông cáo cho biết, ông Tôn Lập Quân, 51 tuổi, là quan chức đặc trách Hồng Kông, bị tình nghi « vi phạm nghiêm trọng kỷ luật và luật pháp », cụm từ vẫn được sử dụng để nói về tội tham nhũng. Nhưng Ủy ban Kiểm tra và Kỷ luật không nói rõ về những vi phạm của vị thứ trưởng Công An này.

Từ năm 2017, ông Tôn Lập Quân được giao đặc trách các vấn liên quan đến Hồng Kông, Macao và Đài Loan trong bộ Công An Trung Quốc. Lần cuối cùng mà ông Tôn Lập Quân được nhìn thấy trước công chúng là vào tháng 3 tại Vũ Hán, nơi xuất phát dịch Covid-19, theo một bài báo của tờ nhật báo An Ninh Nhân Dân.

Vụ điều tra ông Tôn Lập Quân diễn ra 3 tháng sau vụ ông Mạnh Hoành Vĩ (Meng Hongwei), cựu chủ tịch tổ chức Cảnh sát Quốc tế Interpol, bị kết án 13 năm tù vì tội tham nhũng. Ông Mạnh Hoành Vĩ trước đây cũng là một thứ trưởng Công An. Vụ mất tích bí ẩn của cựu chủ tịch Interpol vào tháng 09/2018 đã từng gây xôn xao dư luận trong nhiều tháng.

AFP nhắc lại là kể từ khi chủ tịch Tập Cận Bình lên nắm quyền vào năm 2013 và tung chiến dịch chống tham nhũng, nhiều quan chức cao cấp của Trung Quốc đã bị kết án tù. Người dân Trung Quốc nói chung rất hoan nghênh chiến dịch chống tham nhũng này, nhưng các nhà phân tích nghi ngờ ông Tập Cận Bình lấy cớ chống tham nhũng để triệt hạ các đối thủ trong bộ máy Nhà nước.

http://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20200420-th%E1%BB%A9-tr%C6%B0%E1%BB%9Fng-c%C3%B4ng-an-trung-qu%E1%BB%91c-b%E1%BB%8B-%C4%91i%E1%BB%81u-tra-v%E1%BB%81-tham-nh%C5%A9ng

 

Úc yêu cầu điều tra về sự minh bạch

của Trung Cộng trong vụ dịch COVID-19

Vào hôm Chủ nhật (19 tháng 4), Úc tăng thêm áp lực đối với Trung Cộng về việc giải quyết coronavirus của Bắc Kinh, đặt câu hỏi về tính minh bạch của đại dịch này và yêu cầu một cuộc điều tra quốc tế về nguồn gốc của coronavirus cũng như sự lây lan của nó.

Coronavirus được cho là xuất hiện ở một khu chợ bán động vật hoang dã tại thành phố Vũ Hán của Trung Cộng vào cuối năm ngoái. Virus này đang lây lan khắp thế giới, và theo tính toán của Reuters, coronavirus lây nhiễm cho khoảng 2.3 triệu người và gây tử vong gần 160,000 người trong số đó.

Ngoại trưởng Úc Marise Payne cho biết bà nghi ngờ ở mức độ cao về sự minh bạch của Trung Cộng. Ngoại trưởng Payne nói với đài truyền hình ABC rằng các vấn đề xung quanh coronavirus là các vấn đề cần được xem xét độc lập, và Úc sẽ hoàn toàn tập trung vào việc này.

Trong khi đó, Tổng thống  Trump cũng đang đẩy mạnh việc chỉ trích Trung Cộng. Tổng thống Trump và các phụ tá cao cấp cũng cáo buộc Trung Cộng thiếu minh bạch sau khi coronavirus bùng phát. Tuy nhiên, Trung Cộng bác bỏ những lời chỉ trích trên, và nói rằng họ đã cởi mở về sự bùng phát dịch bệnh và khuyến cáo thế giới về nó. Hiện Úc đã kiểm soát được dịch bệnh trước khi hệ thống y tế công cộng của nước này bị tràn ngập.

Theo dữ kiện của Bộ Y Tế, tính tới Chủ nhật (19/4), Úc có tổng cộng hơn 6,500 ca nhiễm bệnh, trong đó có 71 người tử vong. Tỷ lệ tăng trong các ca nhiễm mới là dưới 1% trong bảy ngày liên tiếp, con số này thấp hơn nhiều so với các quốc gia khác. (BBT)

https://www.sbtn.tv/uc-yeu-cau-dieu-tra-ve-su-minh-bach-cua-trung-cong-trong-vu-dich-covid-19/