Tin Việt Nam – 19/04/2020
Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất công bố người điều hành giáo hội
Tin Vietnam.- Ngày 18 tháng 4 năm 2020, trang Facebook cá nhân của Hoà thượng Thích Nguyên Lý đã công bố Giáo chỉ, Quyết định của Hoà thượng Thích Quảng Độ, Đệ ngũ Tăng thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất về việc uỷ thác quyền điều hành Viện Tăng thống của giáo hội.
Theo đó, vào ngày 12 tháng 5 năm 2019, tại chùa Từ Hiếu, Sài Gòn, Hoà thượng Thích Quảng Độ đã ban hành Giáo chỉ với nội dung: Thỉnh cử Hoà thượng Thích Tuệ Sỹ thay Hoà thượng Quảng Độ đứng đầu vào vị trí của Viện Tăng Thống, bảo đảm tiếp tục sứ mệnh của Giáo hội trong tương lai; cũng như trao toàn quyền cho Hoà thượng Tuệ Sỹ điều hành mọi hoạt động của Giáo hội. Và khi hội đủ điều kiện thuận duyên, bất cứ lúc nào Hoà thượng Tuệ Sỹ cũng có thể thay mặt Viện Tăng Thống triệu tập Đại hội bất thường để bầu cử nhân sự mới cho tất cả các chức vụ trong Viện Hoá đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất.
Cũng trong ngày 18 tháng 4, Hoà thượng Thích Nguyên Lý đã loan tải hình ảnh thông báo của Hoà thượng Thích Tuệ Sỹ với nội dung: Khâm thừa Quyết định của Đệ ngũ Tăng Thống, Uỷ thác quyền điều hành Viện Thăng Thống. Theo đó, thông báo này được viết vào ngày 15 tháng 3 năm Phật lịch 2563 tức năm 2019, và Hoà thượng Tuệ Sỹ đồng ý nhận sự Uỷ thác của Đệ ngũ Tăng Thống có sự hiệp trợ của Hoà thượng Nguyên Lý.
An Nhiên
https://www.sbtn.tv/giao-hoi-phat-giao-viet-nam-thong-nhat-cong-bo-nguoi-dieu-hanh-giao-hoi/
Nạn nhân của Formosa Hà Tĩnh
tiếp tục kiện lên Tối Cao Pháp Viện Đài Loan
Tin từ Đài Bắc: Đại diện Hội Công lý cho nạn nhân Formosa cho biết họ tiếp tục nộp đơn kiện Tập đoàn Formosa lên Tối cao Pháp viện của Đài Loan sau khi Toà Thượng thẩm Đài Bắc bác đơn kiện của gần 8 ngàn nạn nhân của Công ty thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh.
Vào tháng Tư năm 2016, Công ty thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh bị phát hiện đã xả chất thải ra bờ biển miền Trung, gây ô nhiễm môi trường biển 4 tỉnh lân cận. Công ty này sau đó đã nhận trách nhiệm bồi thường cho Việt Nam là 500 triệu Mỹ kim. Tuy nhiên, nhiều người dân trong vùng cho biết họ vẫn tiếp tục gặp nhiều khó khăn từ đó đến nay, trong khi các chuyên gia về môi trường ở Việt Nam cho rằng sẽ mất rất nhiều năm nữa để môi trường biển các tỉnh miền Trung Việt Nam có thể được khôi phục lại sau thảm hoạ môi trường này.
Nói với RFA, linh mục Nguyễn Văn Hùng, cố vấn của Hội Công lý cho nạn nhân Formosa, cho biết Tòa án Tối cao của Đài Loan ngày 20/3 đã từ chối đưa vụ án này ra xét xử lý do là Việt Nam sẽ là cái nơi có phán quyết công bằng tốt nhất. Tuy nhiên, ông lập luận ở Việt Nam, nhà cầm quyền cộng sản lũng đoạn cả hành pháp, lập pháp và tư pháp, do vậy sẽ không có một sự phán xét công bằng nào cả.
Trong nỗ lực chống đại dịch Covid-19, Đài Loan đang giúp đỡ rất nhiều quốc gia, do vậy, các nạn nhân của Formosa hy vọng toà án nước này cũng có thể mang lại công bằng cho họ.
https://www.sbtn.tv/nan-nhan-cua-formosa-ha-tinh-tiep-tuc-kien-len-toi-cao-phap-vien-dai-loan/
Việt Nam phản đối Trung Quốc
lập hai huyện đảo Hoàng Sa, Trường Sa
Việt Nam vào ngày 19 tháng 4 lên tiếng phản đối việc Trung Quốc vừa cho tiến hành thành lập hai huyện đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở Biển Đông.
Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng thì Hà Nội ‘nhiều lần mạnh mẽ khẳng định Việt Nam có đầy đủ bằng chứng và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa’.
Bà Lê Thị Thu Hằng lặp lại điều mà bà cho là lập trường nhất quán của Việt Nam ‘phản đối Trung Quốc thành lập cái được gọi là ‘thành phố Tam sa’ và các hành vi có liên quan vì vi phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam, không có giá trị và không được công nhận, không có lợi cho quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia và gây thêm phức tại tình hình tại Biển Đông…’
Chủ tịch Huyện Hoàng Sa, ông Võ Ngọc Đồng, từ Thành phố Đà Nẵng ra thông báo ‘kiên quyết phản đối việc Trung Quốc ban hành quyết định thành lập cái gọi là ‘khu Tây Sa’ và ‘khu Nam Sa’ thuộc cái gọi là ‘thành phố Tam Sa’.
Người được phân công phụ trách huyện Hoàng Sa trực thuộc Thành phố Đà Nẵng nhắc lại rằng ‘Việt Nam là quốc gia đầu tiên khai phá, chiếm hữu và xác lập chủ quyền một cách liên tục, hòa bình trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Hoàng Sa bị Trung Quốc cưỡng chiếm toàn bộ từ tháng giêng năm 1974 và gọi quần đảo này là Tây Sa. Còn Trường Sa thì tên Trung Quốc gọi là Nam Sa.
Vào ngày 18 tháng tư vừa qua, Mạng truyền hình toàn cầu của Trung Quốc (CGTN), loan tin rằng chính phủ Trung Quốc đã thông qua quyết định thành lập hai huyện đảo là Tây Sa và Nam Sa thuộc thành phố Tam Sa để quản lý hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở khu vực Biển Đông. Đây là hai quần đảo Trung Quốc vẫn còn đang tranh chấp về chủ quyền với các nước khác trong khu vực bao gồm Việt Nam.
Theo CGTN, trụ sở huyện đảo Tây Sa sẽ đặt tại đảo Phú Lâm, tên Trung Quốc là Vĩnh Hưng, thuộc quần đảo Hoàng Sa và trụ sở huyện đảo Nam SA sẽ đặt ở đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa.
Cũng theo CGTN, hai huyện đảo này cũng quản lý luôn các vùng biển xung quanh hai quần đảo này.
Hồi năm 2012, Trung Quốc đã lập thành phố Tam Sa để quản lý hai quần đảo.
Trung Quốc cũng đồng thời đòi các quần đảo này phải có vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý, trái với luật quốc tế.
Từ ngày 30/3 đến 10/4 vừa qua, Việt Nam đã liên tục gửi 3 công hàm đến Liên Hiệp Quốc để phản đối những đòi hỏi về chủ quyền này của Trung Quốc.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vn-protest-cn-hs-ts-04192020104613.html
Tuyên bố thành lập “khu Tây Sa” và “khu Nam Sa”
của Trung Quốc vi phạm luật quốc tế như thế nào
Hoàng Sa
Trung Quốc tiếp tục hung hăng trên biển Đông
Nhân dịp dịch COVID 19 vẫn chưa thuyên giảm, cả thế giới đang tập trung vào chống dịch, đặc biệt là Hoa Kỳ đang căng thẳng với dịch bệnh, thậm chí trên tàu sân bay USS Theodore Roosevelt mới ghé thăm Việt Nam hồi đầu tháng 3 cũng đang nhiều ca nhiễm. Đây là cơ hội để Trung Quốc tăng thêm các hành động hung hăng. Chắc chắn giờ đây Trung Quốc có thể phản ứng mà không lo sợ bất kỳ hậu quả gì, kể cả sự chỉ trích của truyền thông.
Thêm nữa, tình hình chính trị Trung Quốc cũng có nhiều vấn đề nội bộ, với sự khởi phát virus Sars Cov 2 từ Vũ Hán rồi lan sang các địa phương khác, rồi sau đó bùng phát trên toàn thế giới. Việc chính quyền Trung Quốc che giấu dịch bệnh trong 6 ngày quan trọng nhất để có thể khống chế dịch bệnh, cùng với các thông tin bất nhất về con số thực người chết vì virus này ở Trung Quốc, cũng như tác hại của COVID 19 đối với nền kinh tế Trung Quốc là những nguyên nhân khiến các phe phái chính trị tấn công vị trí của Tập Cận Bình.
Trước các vấn đề chính trị nội bộ như vậy, cách Trung Quốc thường làm để xoa dịu dư luận trong nước đó là thúc đẩy chủ nghĩa dân tộc cực đoan của người dân Trung Quốc, và chỗ mà các lãnh đạo Trung Quốc thường nhắm tới đó là biển Đông.
Một loạt các hành động hung hăng của Trung Quốc tại khu vực này kéo dài liên tiếp từ nhiều năm trước. Năm 2019, Trung Quốc đã cho tàu Hải Dương Địa Chất 8 cùng nhiều tàu hải cảnh và tàu dân quân biển xâm phạm vùng biển của Việt Nam hơn 100 ngày. Trong năm này, Trung Quốc cũng cho các tàu của mình xâm phạm vùng biển của Malaysia, Philippines Cũng chưa hết, cuối 2019 đầu 2020, Trung Quốc cũng cho các tàu của mình xâm phạm vùng biển của Indonesia. Đầu tháng 4, tàu hải cảnh Trung Quốc đã đâm chìm một tàu cá của Việt Nam.
Trong thời gian này, tàu Hải Dương Địa Chất 8 cùng một số tàu hải cảnh và tàu cá đang lượn lờ khảo sát tại khu vực biển của Malaysia, và nhiều nhà nghiên cứu đang dự đoán Trung Quốc sẽ tiếp tục giở trò, trong khi “giương đông kích tây”. Và điều ấy cũng đang bắt đầu.
Trong khi Nhóm tàu HD8 đang được các nước trong khu vực và quốc tế theo dõi sát khi tiến hành khảo sát khu vực gần vùng biển của Malaysia thì ngày 18/4/2020, Trung Quốc lại có hành động vi phạm chủ quyền của các nước khi Bộ Dân chính ngang nhiên thông báo Quốc Vụ viện nước này vừa phê chuẩn thành lập cái gọi là “Khu Tây Sa” và “Khu Nam Sa” trực thuộc thành phố Tam Sa, tỉnh Hải Nam. Cũng theo phía Trung Quốc đưa tin thì:
– Khu Tây Sa quản lý các đảo thuộc quần đảo Tây Sa (quần đảo Hoàng Sa) và Bãi Macclesfield (quần đảo Trung Sa) và vùng nước phụ cận, chính quyền khu Tây Sa đóng tại đảo Phú Lâm – cấu trúc lớn nhất thuộc Hoàng Sa,.
– Khu Nam Sa quản lý các đảo thuộc quần đảo Nam Sa (quần đảo Trường Sa của Việt Nam) và vùng nước phụ cận, chính quyền khu Nam Sa đóng tại Đá Chữ Thập – một cấu trúc thuộc Trường Sa mà Trung Quốc đã quân sự hoá gần đây.
Việc tuyên bố các chính quyền quận này hoàn toàn không có giá trị pháp lý vì những lý do sau đây:
1. Trung Quốc hoàn toàn không có chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đã nhiều lần Việt Nam đã khẳng định về chủ quyền đối với hai quần đảo này. Mới đây nhất, trong Công hàm gửi lên Liên Hợp Quốc ngày 30/3/2020 Chính phủ Việt Nam đã nhắc lại: “Việt Nam có đầy đủ chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế.
Việt Nam khẳng định Công ước của Liên Hợp Quốc về luật Biển 1982 (Công ước) là cơ sở pháp lý duy nhất, quy định toàn diện và triệt để về phạm vi quyền được hưởng vùng biển giữa Việt Nam và Trung Quốc”. Theo đó, Việt Nam đã có chủ quyền lâu đời trên hai quần đảo này, và được chứng minh bằng các bằng chứng lịch sử và pháp lý.
2. Mặc dù Trung Quốc đang chiếm đóng toàn bộ quần đảo Hoàng Sa và 7 cấu trúc thuộc Trường Sa, nhưng vì Trung Quốc đã sử dụng vũ lực để chiếm đóng nên đã vi phạm luật quốc tế, cụ thể là Điều 2 (4) của Hiến chương Liên Hợp Quốc, theo đó “Tất cả các quốc gia thành viên Liên hợp quốc từ bỏ đe dọa bằng vũ lực hoặc sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế nhằm chống lại sự bất khả xâm phạm về lãnh thổ hay nền độc lập chính trị của bất kỳ quốc gia nào cũng như bằng cách khác trái với những mục đích của Liên hợp quốc.” Ngoài ra, Nghị Quyết 2625 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc năm 1970 cũng quy định rõ không chấp nhận việc dùng vũ lực để xâm phạm toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia khác. Và vì vậy, cho dù Trung Quốc đang thực tế chiếm đóng các cấu trúc này, nhưng Trung Quốc vẫn không thể có chủ quyền hợp pháp đối với các cấu trúc này.
3. Tuyên bố này của Trung Quốc cũng vi phạm luật biển quốc tế, trong đó có Công ước Luật biển của Liên Hợp Quốc năm 1982 (UNCLOS). Trong Công hàm ngày 30/3/2020, Việt Nam cũng tuyên bố rõ ràng: : ““các bãi ngầm, hoặc cấu trúc lúc chìm lúc nổi không phải là đối tượng thụ đắc lãnh thổ và không có vùng biển riêng“. Quan điểm này dựa trên nguyên tắc quan trọng của luật biển quốc tế “đất thống trị biển”. Đây là một nguyên tắc chung của luật quốc tế, được phát triển từ luật tập quán quốc tế và qua các phán quyết của các toà án quốc tế. Khởi đầu từ Vụ Thềm lục địa Biển Bắc năm 1969, được nhắc lại trong nhiều phán quyết sau này của Toà án Công lý Quốc tế (ICJ) sau đó, nguyên tắc này đã được pháp điển hoá trong quy định tại Điều 121 (2) của UNCLOS 1982. Theo nguyên tắc này, các cấu trúc lúc chìm lúc nổi cùng các cấu trúc luôn chìm dưới mặt nước biển không thể là lãnh thổ để yêu sách chủ quyền tại đó, bởi vì, chủ quyền chỉ có thể được yêu sách đối với đất liền và đảo (islands)- được coi là một vùng đất tự nhiên nhưng có nước bao bọc xung quanh và luôn nổi trên mặt nước khi thuỷ triều lên. Chính vì vậy, việc yêu sách chủ quyền đối với các cấu trúc lúc chìm lúc nổi và các bãi ngầm luôn chìm dưới mặt nước biển của Chính phủ Trung Quốc là vi phạm nghiêm trọng đến luật biển quốc tế. Chúng ta nên nhớ, Bãi Macclefiled mà Trung Quốc gọi là Trung Sa là các cấu trúc luôn chìm dưới mặt nước biển. Chính vì vậy, việc tuyên bố thành lập chính quyền quản lý các khu vực này của Trung Quốc là một trò hề, đi ngược lại luật quốc tế.
Việt Nam cần làm gì?
Việt Nam cần phải triệu hồi đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam để gửi công hàm phản đối vấn đề này. Ngoài ra, Việt Nam cũng cần gửi công hàm lên Liên Hợp Quốc để phản đối các hành động vô lý, vi phạm luật quốc tế như vậy.
Với cương vị Chủ tịch luân phiên của ASEAN năm nay, Việt Nam cần triệu tập một cuộc họp của ASEAN để ra tuyên bố về sự vi phạm này của Trung Quốc.
Việt Nam cũng cần kêu gọi các quốc gia trên thế giới cùng lên tiếng để phản đối các hành động hung hăng, bất chấp luật pháp và lẽ phải như vậy.
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
Virus corona: Trời thương dân Việt Nam
hay “kém vệ sinh” tạo miễn dịch?
Hoa MaiGửi tới BBC từ TP HCM
Hôm 17/4, Trung Quốc đã phản bác thông tin đưa trên Fox News vài ngày trước đó về “một số nguồn tin cho rằng coronaviurus bị để xổng ra trong một phòng nghiên cứu ở Vũ Hán là một phần trong nỗ lực của Trung Quốc để cạnh tranh với Mỹ”.
Cho dù từ đầu mùa dịch tới nay truyền thông chính thống và phi chính thống đã chứng kiến vô số tin đồn về nguồn gốc của virus SARS-CoV-2, trong đó có một số bài có nội dung tương tự như bài báo trên Fox News như trên, nhưng cho đến nay chưa ai có thể đưa ra bằng chứng xác đáng.
Trong khi đó, nhiều trung tâm nghiên cứu khoa học lớn trên thế giới vẫn đang nghiên cứu con virus này và hầu hết trong số họ thiên về khẳng định nguồn gốc tự nhiên của nó.
Virus corona: Hộp cơm miễn phí Sài Gòn ‘lo cho người dưới đáy’
Cứu đói giữa đại dịch, khi xã hội dân sự bổ khuyết cho chính quyền
Việt Nam, trong trận bão tố quét qua khắp thế giới, vẫn đang đứng vững trong số 3 quốc gia ít ỏi chưa có ca nào tử vong vì COVID-19, với con số mắc bệnh tuy lai rai tăng thêm nhưng vẫn thấp kỷ lục: tính tới 19/4, vẫn 268 ca/100 triệu dân, 198 đã hồi phục và chưa có ai tử vong.
Có thể con số thực tế nhiễm bệnh ở dạng nhẹ, rồi tự khỏi trong cộng đồng lớn hơn con số thực này nhiều hoặc rất nhiều, nhưng với khả năng lây lan khủng khiếp của SARS-CoV-2 thì khó có thể nói Việt Nam giấu dịch. Giấu làm sao nổi khi hễ ở gần là lây, mà đã nhiễm bệnh thì phần lớn đều khó thở?
Vậy liệu chúng ta chỉ có thể suy luận bên cạnh các biện pháp chống dịch của Việt Nam (đã được thế giới công nhận) thì dân Việt phải có một bộ gene đặc biệt nào đó, cộng với được ông trời thương, mới dẫn đến kết quả như vậy?
Vì trái với những khuyến cáo ăn ở sạch, không tiếp xúc gần, quý vị cứ vào những khu chợ dân sinh của Việt Nam thì thấy.
Có lẽ không có gì thứ bẩn bằng thức ăn sẵn bán trong các chợ truyền thống nhiều đời.
Các khu chợ này có vị trí địa lợi, nằm ở trung tâm các khu dân cư đông đúc quanh đó nên tự phát hình thành từ nhiều chục, đến cả trăm năm, và đến giờ thì không ông chính phủ nào có thể quy hoạch lại nó được.
Thói quen công kích của người Việt dưới cái nhìn của một người Mỹ
Covid-19: Mất bao lâu để một người nhiễm virus hồi phục?
Khác với chợ nhà lồng quy hoạch khu bán thức ăn sẵn riêng rẽ, hệ thống bàn ghế cao, thức ăn đặt trong tủ kiếng, có hệ thống xử lý cấp nước sạch và thoát nước thải ngầm, trong các chợ truyền thống hoàn toàn ngược lại.
Mọi thứ được bày bán lẫn lộn với nhau, hoa bên cạnh cá tươi, bắp luộc nóng hổi cạnh thịt heo mới mổ. Hầu như tất cả đều đặt trong những cái thúng hoặc mâm bày ra ngay sát chân người đi chợ, và hầu hết cũng chỉ cao đến đầu gối của họ là cùng.
Không cần che đậy gì cả, dù chỉ là một tấm vải mỏng.
Các khu chợ này bán hết rất nhanh. Năm, sáu giờ sáng người ta đã dọn ra và khoảng 10-11 giờ sáng đã lục tục dọn về, để nhường đất lại cho các quán ăn bán vào buổi chiều.
Hàng trăm loại thức ăn bún bánh nấu sẵn và tươi, cháo chè, thịt cá, rau tươi, các loại mắm sống chất từng thau to… tất cả cứ ngồn ngộn và tơ hơ. Chợ họp trên các con đường dân cư nên không có hệ thống cấp và thoát nước cho từng sạp.
Người ta phun nước tưới rau cho tươi hay rửa miếng thịt trước khi xay cho khách rồi đổ tràn ra đường. Nước lẫn với máu cá tươi giàn giụa rồi chảy xuống cống. Dù không mưa, ở các khu rau và cá sống nước và bùn vẫn nhèm nhẹp dưới chân. Mưa thì bùn bắn tới mắt.
Thế mà chẳng ai kêu. Ai cũng quen mắt đi rồi.
Gần tới giờ dọn sạp thì càng bẩn thỉu hơn nữa. Các sạp hàng bằng sắt ghép hay gỗ được dựng lên, dùng vòi nước kéo ra từ các nhà mặt tiền xịt thẳng vào. Họ chỉ rửa nước không không có xà phòng, rồi cứ để thế cho khô mai lại bán tiếp. Trong khi sạp này còn bán thì sạp ngay cạnh vẫn xịt rửa. Nước bắn tứ tung, người mua thậm chí phải nhảy né dòng nước bẩn lênh láng.
Nhiễm khuẩn chéo không có từ điển của các khu chợ truyền thống. Người bán sẵn sàng dùng tay không bốc một miếng chả cá hay cái chả giò cho khách thử, còn khách cũng sẵn sàng ngồi xệp xuống vặt một trái nho đang nằm trên mặt thúng bỏ tọt vào miệng xem chua hay ngọt.
Thậm chí khi mang về nhà có sẵn nước rửa rồi thì không phải ai cũng rửa và biết rửa sạch.
Người ta sẵn sàng ngồi ăn ngay trên một cái nắp cống, đã được “cẩn thận” đậy lại bằng một tấm nilon dày.
Hoặc ngay bên cạnh các thùng rác công cộng.
Ngay trên lề đường mà dòng người xe hối hả chạy qua phun ra nồng nặc khí thải.
Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng cũng là chuyện khá xa lạ với nhiều người Việt, nhất là những người lao động tay chân và ở làng quê.
Rất nhiều nơi vẫn còn dùng “cầu tõm” (miền Bắc) hay “cầu cá tra” (miền Tây). Trên núi thì đơn giản đào một cái hố. Ở biển, thậm chí là nhiều vùng biển du lịch, người dân địa phương xả thẳng phân xuống biển.
Những gốc cổ thụ hoặc các vách tường nơi các con đường đô thị vắng vẻ về đêm thì đẫm ướt gần như hoại mục vì nước tiểu của dân đi chơi đêm, dân bán hàng rong, chạy xe ôm, sống bám lề đường. Cho dù nhà vệ sinh công cộng không cách đó bao xa.
Những cảnh tôi vừa tả không phải ở đâu xa lạ. Ai cũng có thể gặp nó hàng ngày trong bất cứ địa phương nào, hoặc ngay giữa Hà Nội, Sài Gòn, Đà Nẵng hay Cần Thơ.
Dân Việt Nam ở bẩn lắm, ở bẩn kinh khủng và ái ngại thay là nhiều người không hề ái ngại về chuyện đó.
Thói quen ăn ở bẩn thỉu không phân biệt người sống trong khu ổ chuột, trong các ký túc xá sinh viên hay nhà cao cửa rộng giữa trung tâm đô thị.
Nó dường như trở thành một tập tính cố hữu, một “nét văn hóa”, của rất nhiều người Việt.
Nhưng lần đại dịch này ông trời cứu, như nhiều người đùa dai rằng “ở bẩn sống lâu”. Còn những lần khác sau này?
Con virus đời thứ 2 này thông minh hơn trăm lần con virus cùng họ Corona với nó đã gây ra đại dịch SARS lần trước.
Và chẳng ai dám nói tiếp theo sẽ không có con thứ 3 hay một con Coro-mãng cầu nào đó, mà nó sẽ dành trọn niềm tin và hy vọng vào những công dân quen ăn ở bẩn thỉu, cho dù là ở một nước được ưu đãi quanh năm nắng gió chói chang lồng lộng.
* Bài thể hiện quan điểm riêng và văn phong của tác giả, một cây bút sống ở Sài Gòn.