Tin Biển Đông – 16/04/2020
Nhóm tác chiến Hàng không Mẫu hạm Liêu Ninh vào Biển Đông tập trận
Phát ngôn nhân Hải quân Trung Quốc vào ngày 13 tháng Tư xác nhận tin nhóm tác chiến do hàng không mẫu hạm Liêu Ninh dẫn đầu đã đi qua eo biển Miyako và Bashir tiến vào khu vực Biển Đông. Mục đích để tiến hành hoạt động mà theo người phát ngôn Hải quân Trung Quốc là thao diễn thường kỳ theo kế hoạch, phù hợp với luật pháp quốc tế và thực hành thông thường.
Mạng Hoàn Cầu Thời báo loan tin và một số hãng tin quốc tế dẫn lại. Theo lời người phát ngôn Hải quân Trung Quốc thì lực lượng này sẽ tiếp tục tổ chức những cuộc huấn luyện và thao diễn quân sự tương tự theo kế hoạch đề ra nhằm tăng cường khả năng chiến đấu của nhóm tác chiến do tàu sân bay Liên Ninh dẫn đầu.
Khẳng định của người phát ngôn Hải quân Trung Quốc được đưa ra sau khi Bộ Quốc Phòng Nhật Bản và truyền thông Đài Loan vào ngày thứ 7, 11 tháng Tư vừa qua, loan tin phát hiện hàng không mẫu hạm Liên Ninh cùng nhóm 5 tàu chiến khác tại eo biển Miyako hôm tối thứ Sáu.
Bộ Quốc Phòng Nhật Bản cho biết nhóm tác chiến do hàng không mẫu hạm Liêu Ninh dẫn đầu hướng ra Thái Bình Dương.
Hoàn Cầu Thời Báo dẫn phát biểu của một chuyên gia quân sự Trung Quốc rằng dịch COVID-19 không gây tác động nào đến hàng không mẫu hạm Liêu Ninh, do đó nhóm tác chiến vẫn tiến hành hoạt động diễn tập theo như kế hoạch.
Cũng theo Hoàn Cầu Thời Báo, hoạt động của nhóm tác chiến do Hàng không mẫu hạm Liêu Ninh dẫn đầu gây nên suy diễn tại Đài Loan rằng sự vắng mặt của Hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ USS Theodore Roosevelt vì có thủy thủ nhiễm COVID-19, tạo cơ hội cho Trung Quốc tái thống nhất Đài Loan bằng vũ lực.
Chuyên gia Takashi Hosoda: TQ tìm cách
thực hiện kiểm soát Biển Đông theo “đường chín đoạn”
Việc tàu hải cảnh của Trung Quốc ngăn cản và đâm chìm tàu cá của Việt Nam đang hoạt động tại vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam trên Biển Đông vừa qua là hành động lấn lướt tiếp theo nằm trong chiến lược của nước này để thực hiện kiểm soát Biển Đông theo đường chín đoạn mà nước này tuyên bố.
Tiến sĩ Takashi Hosoda, chuyên gia nghiên cứu về an ninh châu Á – Thái Bình Dương, Đại học Tổng hợp Charles (CH Czech) cho rằng, Trung Quốc ngày càng khăng khăng với việc triển khai các hoạt động đơn phương, lấn lướt nhằm thực hiện kiểm soát Biển Đông theo đường chín đoạn mà nước này tuyên bố. Việc tàu hải cảnh của Trung Quốc ngăn cản và đâm chìm tàu cá của Việt Nam đang hoạt động tại vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam trên Biển Đông vừa qua là hành động lấn lướt tiếp theo nằm trong chiến lược của nước này để đạt được mục tiêu trên. Tuy nhiên, Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để đòi hỏi chủ quyền đối với hầu hết Biển Đông theo yêu sách đường chín đoạn. Tòa Trọng tài thường trực (PCA) ở The Hague đã ra phán quyết về vụ kiện của Philippines, trong đó bác bỏ yêu sách chủ quyền lịch sử của Trung Quốc về cái gọi là đường chín đoạn. Chuyên gia Takashi Hosoda cho rằng, cộng đồng quốc tế cần quan tâm và góp phần đảm bảo môi trường hòa bình, an ninh, an toàn và tự do hàng hải trên Biển Đông vì sự ổn định, phát triển của khu vực và trên thế giới. Tuy nhiên, giải quyết tranh chấp trên Biển Đông là quá trình phức tạp, lâu dài. Trong tiến trình này, giải pháp quan trọng hàng đầu là các bên có tuyên bố chủ quyền cần hết sức kiềm chế và giải quyết bất đồng thông qua các biện pháp hòa bình, ngoại giao và đám phán nhằm duy trì mối quan hệ ổn định giữa các nước, vì lợi ích phát triển của mỗi nước cũng như của khu vực và thế giới.
Cùng quan điểm trên, Collin Koh, chuyên gia từ Chương trình An ninh hàng hải, Đại học Nanyang, nhận định trong bối cảnh dịch bệnh ngày càng phức tạp, một số quốc gia Đông Nam Á có thể hoan nghênh sự giúp đỡ từ Trung Quốc nhưng chính phủ các nước này cũng nhận thức được ý đồ của Bắc Kinh là tiếp tục gia tăng áp lực trên biển khi các nước đang bận rộn chống dịch. Nói cách khác, không
có chuyện Trung Quốc giúp đỡ chống dịch thì có thể đổi bằng ảnh hưởng trên biển, mô típ ngoại giao theo kiểu đánh đổi, mua chuộc mà Bắc Kinh ưa chuộng. Ngoài ra, hành động phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông sẽ có những ảnh hưởng lên niềm tin và cách nhìn nhận của chính phủ các nước đối với những ý định của Bắc Kinh. Trung Quốc sẽ phải có những nước cờ rất thận trọng nếu không muốn thấy những thành quả “ngoại giao dịch COVID-19” bị hủy hoại bởi những gì nước này đang làm ở Biển Đông.
Trong khi đó, truyền thông quốc tế đang lên án, chỉ trích các hoạt động phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông; cho rằng cộng đồng quốc tế đang “mất niềm tin” vào Trung Quốc. Báo Los Angeles Times (Mỹ) cho biết, ngay cả khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát động “cuộc chiến tranh toàn dân” chống đại dịch COVID-19 thì ở một mặt trận khác, các tàu chiến của Trung Quốc vẫn bận rộn: Duy trì chiến dịch gây áp lực lên biển Đông, nơi Trung Quốc tiếp tục xây dựng lực lượng quân sự, dự báo trước một cuộc chiến tranh lạnh mới giữa hai cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới. Ở Biển Đông, các tàu hải cảnh Trung Quốc cùng với đội dân quân biển (tàu cá có vũ trang) tiếp tục quấy rối các tàu cá, tàu quân sự và các hoạt động khai thác kinh tế hợp pháp của các quốc gia khác ở Đông Nam Á. Trong khi tại vùng biển này, yêu sách “đường chín đoạn” của Trung Quốc với tham vọng “nuốt gần trọn vẹn Biển Đông” không được bất kỳ quốc gia nào đồng ý.