Mayflower và Hoa Kỳ độc đáo 400 năm
Năm nay là kỷ niệm 400 năm tàu “Mayflower” đến châu Mỹ. Năm 1620, con tàu của những người dân nhập cư Anh này có ý nghĩa vô cùng đặc biệt đối với sự thành lập Hợp Chủng quốc Hoa Kỳ, đối với việc Hoa Kỳ trở thành siêu cường duy nhất trên thế giới. Ngày nay, Hoa Kỳ đang đối phó với tai họa của đại dịch. 400 năm trước, con tàu này đã dự báo rằng Hoa Kỳ sẽ một lần nữa vượt qua khủng hoảng và dẫn đầu thế giới!
Dưới đây là bài viết của Tào Trường Thanh, một nhà văn Mỹ gốc Hoa, thể hiện quan điểm của cá nhân tác giả.
Vì sao nói “Mayflower” rất quan trọng đối với Hoa Kỳ? Ba điều do nó mang lại đã đặt nền tảng và định hướng cho Hoa Kỳ: 1. Kinh thánh và văn minh Kitô giáo (Chủ nghĩa bảo thủ); 2. Tinh thần phiêu lưu mạo hiểm cá nhân để làm giàu (Chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa tư bản); 3. Nền pháp trị và bầu cử (Dân chủ lập hiến).
Trong lịch sử của nhân loại trước kia, chưa từng có một chiếc thuyền, một nhóm người nào mang theo sứ mệnh muốn xây dựng vương quốc của Thiên Chúa như thế này trên một vùng đất rộng lớn, thưa thớt bóng người, đặt niềm tin, đạo đức và công lý lên vị trí hàng đầu. Công ước được ký bởi 41 người đàn ông trưởng thành trên tàu “Mayflower”, đại diện cho “Lý thuyết ngoại lệ của Mỹ”, lần đầu tiên được nói bởi Tocqueville, tác giả cuốn “Nói về dân chủ tại Hoa Kỳ”. Ngay từ đầu, họ đã xây dựng một ngôi nhà mới, khác với châu Âu và những nơi khác, từ cấp độ tư tưởng và tâm linh.
Xây dựng vương quốc của Thiên Chúa tại mảnh đất đó
Bản thân các hành khách trên tàu Mayflower đã là “ngoại lệ” và họ được gọi là “tín đồ Tin lành” (Tín đồ Thanh giáo). Họ cho rằng Kitô giáo, với Thiên Chúa giáo làm chủ, tại châu Âu đã hủ bại, họ muốn tuân theo bản chất của “Kinh thánh” và “hành hương” đến Bắc Mỹ. Hơn nữa, lúc đó mọi người đã quyết định rằng đây không phải là một cuộc hành hương cho chuyến đi trở về, mà là vĩnh viễn định cư tại đó, một cuộc hành hương vĩnh viễn, nơi vương quốc của Thiên Chúa được thành lập. Đối với những người châu Âu đã phản bội các nguyên tắc Kitô giáo, những người theo đạo Tin lành này là “ngoại lệ”. Một quốc gia đặc biệt được tạo ra bởi sự đặc biệt, và một nước Mỹ độc nhất vô nhị được thành lập.
“Thuyết Chính phủ” của nhà tư tưởng người Anh, John Locke, đề xuất rằng con người có ba quyền lớn: Quyền sống, quyền tự do và quyền sở hữu tài sản cá nhân. Đây được coi là nền tảng của nền dân chủ hiện đại. Thomas Jefferson gần như đã sao chép lại điều này khi ông soạn thảo “Tuyên ngôn Độc lập Hoa Kỳ”. Ý tưởng khế ước chính phủ của Locke đến từ đâu? Đó là sự lĩnh hội đầu tiên từ khế ước Mayflower. Nhà sử học đương đại người Anh, Paul Johnson, đã nói trong cuốn “Lịch sử của người Mỹ”, một cuốn sách tuyệt vời của ông rằng: “Điểm khác thường và đặc biệt trong khế ước Mayflower là ở chỗ các bên tham gia khế ước không phải nô bộc và chủ nhân, hay người dân và quốc vương, mà là một nhóm những người có cùng chí hướng, đã cùng nhau tới châu Mỹ và thề rằng sẽ tạo ra một tính cách tập thể hoàn toàn khác.”
“Tính cách tập thể” độc đáo này đã đóng một vai trò quan trọng từ khi Hoa Kỳ thành lập cho đến ngày hôm nay. Thông thường, những người nhập cư ồ ạt kéo tới, hầu hết đều có ước mơ và đam mê, tới khai khẩn và trở nên giàu có. Nếu không có sự ước thúc về thước đo tín ngưỡng của “Mayflower”, và không có sự cân bằng về cấp độ tâm linh, thì đó sẽ là một trận chiến cá lớn nuốt cá bé, binh chinh thiên hạ, chiếm lãnh thổ lên ngôi hoàng đế! Lòng tham, sự ích kỷ, tính chiếm hữu của con người sẽ dẫn đến một cuộc chiến thịt nát xương tan. Nhưng tất cả những điều này đã không xảy ra. Học giả người Đức Weber trong cuốn “Đạo đức Tin lành và Chủ nghĩa tư bản” đã nhận xét rằng chính sự cân bằng giữa đạo đức Tin lành và cạnh tranh tư bản từ những người nhập cư mới của “Mayflower”, mới xây dựng nên một nước Mỹ hùng mạnh với ý thức đạo đức mạnh mẽ. Weber tin rằng hai điều này không thể thiếu một.
Những người tiên phong tại Mỹ tự hào khi tạo ra sự giàu có
Tinh thần phiêu lưu mạo hiểm, chủ nghĩa lạc quan và ý thức làm giàu của người Mỹ đã được phản ánh trong cuộc di cư sớm nhất trên con tàu “Mayflower”. Con tàu không chỉ mang đến “Kinh thánh” mà còn có cả cuốn “The Gallic Wars” của Caesar. Chúa Giêsu nói rằng Caesar quy về Caesar, Chúa quy về Chúa.
Nhưng trên con tàu “Mayflower” có cả hai. “Trận chiến Gallic” của Caesar đại diện cho việc chinh phục vùng đất hoang vu Bắc Mỹ như một cuộc chiến. Tín đồ Tin lành không phải là những người theo chủ nghĩa tâm linh thuần túy, họ đồng thời còn tin tưởng và theo đuổi sự đấu tranh tự ngã cá nhân và làm giàu. Trên con tàu không chỉ có giường, bàn ghế, mà cả chó, dê, cừu, gia cầm, gia vị, yến mạch, cá khô, thịt khô, củ cải, v.v… cũng được mang lên. Một tín đồ đã mang theo 126 đôi giày và 113 đôi bốt. Trong số hành khách có thợ mộc, thợ thủ công, thợ rèn v.v…, cảnh tượng giống như con tàu Noah (Nô-ê) trong Kinh thánh.
Các doanh nhân Mỹ không từ chối kim tiền, ngược lại họ tự hào vì đã tạo ra sự giàu có. Nhà sử học người Mỹ David McCullough, trong cuốn sách bán chạy nhất của “Thời báo New York”, có tựa đề “Người tiên phong: Câu chuyện về những người anh hùng tiên phong mang lý tưởng của người Mỹ đến với phương Tây” (The Pioneers), đã mô tả rằng nhóm 48 người Mỹ đầu tiên, từ miền đông Hoa Kỳ đến khai phá bang Ohio, được dẫn dắt bởi các mục sư. Họ tới đó khai phá và muốn phát tài, bởi vì mỗi người tiên phong đều có thể có được ít nhất 8 mẫu đất. Cổ phần của họ được đầu tư bởi vị mục sư dẫn đầu này trong công ty khai khẩn, cũng có thể được chia đến 4.692 mẫu đất (mẫu Anh). Sức hấp dẫn “đãi vàng” này mới có thể thu hút một dòng người nhập cư ồ ạt đổ về. Số người đặt chân tới bang Ohio sớm nhất chưa đến 50 người. Nhưng chỉ 28 năm ngắn ngủi sau đó, mảnh đất này đã có 500.000 người. Đó là nước Mỹ rộng lớn hoang vu hàng trăm năm trước!
Paul Johnson đã cảm thán trong cuốn sách của mình rằng, 310 năm sau khi con tàu “Mayflower” đến châu Mỹ (năm 1930), “Hoa Kỳ chỉ chiếm 6% dân số và diện tích đất của thế giới, nhưng lại sản xuất tới 70% dầu mỏ của thế giới, gần 50% đồng, 38% than chì, 42% kẽm và than đá, 46% sắt, 54% bông và 62% ngô.”
Chính phủ được thành lập dựa trên sự đồng ý của “người được quản lý”
Tín đồ Tin lành không chỉ mang theo niềm tin tôn giáo, chủ nghĩa cá nhân và tinh thần tư bản đến lục địa Bắc Mỹ, mà còn cả nền pháp trị và chế độ bầu cử (sau này hình thành nền chính trị hiến pháp của Hoa Kỳ). “Công ước Mayflower” đã thiết lập một nguyên tắc tuyệt vời như vậy (đó là 400 năm trước): Chính phủ được thành lập dựa trên sự đồng ý của “người được quản lý” và sẽ cai trị đất nước theo pháp luật. Vào thế kỷ 17, nhà tư tưởng người Anh Locke đã đề xuất Thuyết khế ước xã hội, nói rằng “Cơ quan chính phủ chỉ có thể được xây dựng dựa trên sự đồng ý của người bị cai trị”. Học thuyết này đã tác động rất lớn đến nền chính trị dân chủ hiện đại, và nguồn gốc của nó có thể là đến từ “Công ước Mayflower”.
Những người nhập cư và người đến sau trên con tàu “Mayflower” đã chọn quyền tự trị và nền pháp trị. Như nhà tư tưởng người Pháp Alexis de Tocqueville đã thấy khi ông tới khảo sát Hoa Kỳ vào năm 1931, Hoa Kỳ không có hệ thống cấp bậc nghiêm ngặt của các hoàng tử và giới quý tộc như Châu Âu. Người Mỹ nhấn mạnh nhất sự bình đẳng, bởi có sự bảo đảm của nền pháp trị, đứng trước luật pháp mọi người đều bình đẳng.
Trong cuốn “Người tiên phong”, nữ nhà văn Colleen McCullough đã mô tả rằng, vào thời điểm đó không có nhân viên tư pháp chuyên nghiệp tại các thuộc địa Bắc Mỹ, ngay cả các thẩm phán tại các khu vực khai khẩn cũng chỉ là nghĩa vụ. Nhiều người là nông dân, họ làm nông vào buổi sáng và làm thẩm phán xét xử các vụ án vào buổi chiều. Bồi thẩm đoàn cũng do các nông dân tổ hợp thành. Họ đánh giá các vụ án dựa trên nhận thức chung và lẽ thường, và hệ thống này đã tiếp tục cho đến ngày nay. Trong cuốn “Lịch sử của người Mỹ”, Johnson nói: “40 năm sau khi thành lập bang Maryland, các Thống đốc luôn phàn nàn rằng, nhiều người được bầu làm thẩm phán hoặc cảnh sát trưởng, thậm chí ngay cả tên của mình cũng không biết viết.” Nhưng những người nhập cư mới “Tôn trọng luật pháp và nói chung tuân thủ luật pháp. Nhưng tiền đề là họ phải tự làm luật.”
Vào thời điểm đó, mặc dù Bắc Mỹ trên danh nghĩa là thuộc địa của Anh và có các thống đốc được Quốc vương Anh công nhận, nhưng quốc vương ở rất xa và về cơ bản người Anh không quản lý được nhiều. Đây được gọi là “sơ suất có lợi” của các nhà sử học. Thống đốc thuộc địa về cơ bản là một linh mục đã đi tàu tới Bắc Mỹ. Linh mục không được tạo ra bằng vũ lực, nhưng là kết quả của sự tin tưởng bởi các tín đồ. Quyền tự chủ được thực thi bởi người dân Bắc Mỹ, trên thực tế đó chỉ là một chính phủ trên danh nghĩa. Mỗi một thị trấn nhỏ sẽ cử đại diện để bầu thống đốc. Thuyền trưởng Thanh giáo Anh Quốc, John Winthrop, người chỉ huy hạm đội tới Bắc Mỹ năm 1630, là thống đốc đầu tiên của Thuộc địa Vịnh Massachusetts, nhưng đã bị người dân địa phương cách chức bốn năm sau đó (Phó Thống đốc tiếp quản). Lúc đó người Mỹ đã thực hiện chế độ “Nhân dân làm chủ”. Johnson nói, “Điều này được thực hiện, không phải dựa vào sức mạnh của vũ khí, mà bằng những lời tranh luận và diễn thuyết, căn cứ của nó là pháp luật.”
Đằng sau nền pháp trị là giáo dục. Vào năm 1636 khi Hoàng Thái Cực, người kế vị Nỗ Nhĩ Cáp Xích xưng đế, chính thức thiết lập triều đại nhà Thanh, thì Hoa Kỳ đã thành lập Đại học Harvard (do Mục sư Harvard thành lập). Khi một vương triều phong kiến hùng mạnh được thiết lập tại Trung Quốc, Hoa Kỳ đã đang xây dựng những trường đại học lớn. Những con đường lịch sử khác nhau giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ có thể được phân tách từ đây.
“Thành phố tỏa sáng trên núi” dẫn lối cho nhân loại
Đạo đức Tin lành, chủ nghĩa cá nhân, cạnh tranh tư bản, nhà nước pháp quyền và bầu cử phổ biến, cùng với báo chí tự do và tự do thông tin, ngôn luận đã biến Hoa Kỳ thành một “thành phố tỏa sáng trên núi” và thu hút người nhập cư từ khắp nơi trên thế giới. Năm 1700, giá trị đầu ra của lục địa Mỹ chỉ bằng 5% tổng giá trị sản lượng của Vương quốc Anh. Nhưng năm 1775, một năm trước khi Hoa Kỳ độc lập, giá trị này đã chiếm 2/5 của Vương quốc Anh. Sau đó, mỗi năm tốc độ mở rộng cứ sau mười năm là khoảng 40%. Vào thời điểm đó, vùng đất thuộc sở hữu của một gia đình bình thường tại Hoa Kỳ hiếm khi dưới 60 mẫu Anh, mà thường vượt quá 100 mẫu Anh. Đối với người châu Âu mà nói, đây chính là những người giàu có. Trước khi Mỹ độc lập, mức sống của người dân vượt xa châu Âu: Đàn ông ăn hơn 200 pound thịt mỗi năm và thực phẩm giàu protein khiến họ cao hơn hai inch so với những người cùng độ tuổi tại Anh. Năm 1746, một người viết bài cho“Tạp chí Luân Đôn”tin rằng người Mỹ “tận hưởng cuộc sống khiến giới quý tộc hoàng gia và công dân của tất cả các quốc gia vô cùng ngưỡng mộ.”
John Winthrop, người được nhắc ở phía trên, được các nhà sử học ca ngợi là “nhà tiên tri vĩ đại đầu tiên của Vương quốc Anh”. Vào năm 1630, khi dẫn một con tàu đến Bắc Mỹ, ông đã thiết lập ý nghĩa toàn cầu của việc thành lập một “Vương quốc của các vị Thần” (Thành phố trên đỉnh núi) như sau: “Nó sẽ giống như một thành phố trên núi, tất cả đôi mắt của mọi người sẽ nhìn vào chúng ta”, cung cấp một hình mẫu cho thế giới và dẫn lối cho nhân loại.
Paul Johnson nói rằng ông đã viết cuốn “Lịch sử dân tộc Mỹ” này để nghiên cứu và khám phá xem liệu “Chủ nghĩa lý tưởng và lòng vị tha của một xã hội hoàn hảo” cùng “mong muốn và tham vọng của con người” được đại diện bởi ‘Mayflower’” có thể được dung hòa cùng nhau hay không? (Johnson tin rằng “Nếu không có những điều này, một xã hội giàu sức sống hoàn toàn không thể được thiết lập.”)
Lời kết trong kiệt tác bằng tiếng Anh dài 1.088 trang của ông khẳng định rằng: “Lịch sử độc đáo của Hoa Kỳ đã sản sinh ra một dân tộc phi thường nhất trên thế giới. Tôi yêu họ và bày tỏ lòng kính trọng đối với họ.” Ông tin rằng Hoa Kỳ “đã thiết kế một nền cộng hòa sẽ trở thành mô hình cho thế giới.” 400 năm sau, Hoa Kỳ đã trở thành siêu cường quốc kinh tế và quân sự duy nhất được công nhận trên toàn cầu, đặc biệt là nhà lãnh đạo của thế giới tự do!
Hoa Kỳ, ngày 22/3/2020
Tào Trường Thanh – Nguyên tác được đăng trên tạp chí “Look” của Đài Loan vào tháng 4/2020.
(Bài viết chỉ đại diện cho lập trường và quan điểm cá nhân của tác giả.)
https://trithucvn.net/blog/mayflower-va-hoa-ky-doc-dao-400-nam.html