Covid-19: Trung Quốc dàn trận tại châu Phi

Cac Bai Khac

No sub-categories

Covid-19: Trung Quốc dàn trận tại châu Phi
Máy bay của hãng hàng không Ethiiopia chở viện trợ Trung Quốc đến Venezuela ngày 28/03/2020. Ethiopia đóng vai trò đặc biệt trong chiến lược "y tế" Covid-19 của Trung Quốc. Ảnh minh họa.
Máy bay của hãng hàng không Ethiiopia chở viện trợ Trung Quốc đến Venezuela ngày 28/03/2020. Ethiopia đóng vai trò đặc biệt trong chiến lược “y tế” Covid-19 của Trung Quốc. Ảnh minh họa. REUTERS – Manaure Quintero
Tú Anh

Thứ Hai 13/02/2020 ngày lễ Phục Sinh, hầu hết báo chí Pháp nghỉ lễ. Tuy nhiên, siêu vi Corona chủng mới không nghỉ và tiếp tục ngự trị trên những nhật báo có số phát hành: Tổng thống Pháp một lần nữa lên tuyến đầu, Nước Mỹ của Donald Trump lãnh trọn cơn bão đại dịch trong lúc Trung Quốc tận dụng thời cơ để bành trướng ảnh hưởng tại châu Phi qua đầu cầu Ethiopia cùng với  hai tập đoàn Alibaba và Hoa Vi.

Le Monde, ra ngày cuối tuần, gần như không bỏ qua một châu lục nào trong trận đại dịch từ Vũ Hán. Nổi bật nhất là bài phê bình nghiêm khắc cơ cấu chính quyền Pháp không đủ tầm đối đầu với đại dịch và bài chiến lược của Bắc Kinh dùng Covid-19 để “công tâm” củng cố thế lực tại Châu Phi.

Jack Ma, Hoa Vi và các ngài đại sứ Ethiopia

Từ khi đại dịch lan rộng, Trung Quốc liên tiếp gửi hàng viện trợ y tế cho 50 nước châu Phi. Theo Le Monde, con đường tơ lụa “y tế” được sử dụng khéo léo. Bắc Kinh “núp sau lưng” nhà tỷ phú Jack Mã, chủ nhân tập đoàn Alibaba và các chân rết. Qua những tấm ngân phiếu của Alibaba, của Hoa Vi, với sự tiếp tay không cần đeo găng của các nhà ngoại giao Ethiopia và của Trung Quốc, tất cả được dàn dựng trước ống kính truyền hình Trung Quốc.

Ethiopia đóng vai trò đặc biệt như thế nào trong chiến lược “y tế” Covid-19 của Trung Quốc? Thái độ bênh vực Trung Quốc của tổng giám đốc Tổ Chức Y Tế Thế Giới, nguyên là  ngoại trưởng Ethiopia, được Bắc Kinh ủng hộ  như thế nào  thì mọi người đã thấy. Le Monde chỉ phớt qua để minh họa thêm cho các thông tin sau: Hãng hàng không Ethiopia Airlines độc quyền chuyển hàng viện trợ của tỷ phú Jack Mã đến 50 nước Châu Phi. Hàng viện trợ sau đó được phân phối sang các nước qua công ty của Jack Mã. Các nhà ngoại giao Ethiopia luôn có mặt trong các buổi “lễ giao hàng”. Một trường hợp cụ thể là ngày 31/03, trong một buổi lễ tại  phi trường Abidjian, chính đại sứ Ethiopia tại Côte d’ Ivoire đích thân cầm ngân phiếu của tỷ phú Trung Quốc trao cho bà giám đốc viện Pasteur của Côte d’Ivoire. Nghi thức khá lạ thường.

Từ thập niên 1960, Bắc Kinh đã gửi 20.000 nhân viên y tế sang châu Phi chăm sóc cho 200 triệu người, nếu tin vào số liệu của Tân Hoa Xã. Hiện nay số người Trung Quốc ở Châu Phi lên tới hơn một triệu. 50.000 sinh viên Châu Phi du học tại Trung Quốc.Từ 2013 đến 2018, thương mại song phương tăng gắp 11 lần với 185 tỷ đôla.

Trong vụ dịch sốt xuất huyết Ebola (2013 đến 2016), Trung Quốc gửi 1.200 nhân viên y tế sang giúp ba nước bị lây nhiễm nghiêm trọng nhất (Guinea, Liberia, Sierra Leone) chứng tỏ khả năng phản ứng nhanh nhờ vào sức mạnh kinh tế đang lên của Hoa Lục. Trong đại dịch Vũ Hán, Bắc Kinh chứng tỏ có liều thuốc hiệu quả qua lời tuyên dương của đại sứ Trung Quốc tại Mali: Quyết tâm của  đảng Cộng Sản lãnh đạo, tinh thần kỷ luật và hy sinh của người dân.

Cùng bài bản, đại sứ Trung Quốc tại Tchad cho rằng quốc tế đang thấy một mô hình, một chế độ xã hội mới. Tại Châu Phi cũng như bất cứ nơi nào khác, “y tế ” đươc tận dụng để yểm trợ cho con đường tơ lụa mới.

“Đấu trường địa chiến lược” sau đại dịch Covid-19

Ngày 26/03/2020, bản phúc trình của Viện Nghiên Cứu Chiến Lược Pháp, cảnh báo các nước phương Tây về cách thức Bắc Kinh khai thác đại dịch Covid-19 để quảng bá chính sách “ngoại giao y tế” phục vụ chiến lược con đường tơ lụa. Thông điệp này có tiếng vang tốt cho Trung Quốc cho dù là khi mở các thùng các-tông, thấy hàng thiếu chất lượng và cho dù tiền viện trợ có chui vào túi quan chức tham ô. Điển hình là một người dânở Alger chia sẻ: trong cơn hoạn nạn, ai giúp thì chúng tôi nhận. Tôi không thấy ai ngoài Nga, Trung Quốc và Cuba.

Trên thực tế, hành động can thiệp ngày càng thô bạo của các viên đại sứ Trung Quốc ngày càng gây khó chịu. Ngày 16/03, theo lệnh bộ trưởng bộ y tế Burkina-Faso, hành khách của một chuyến bay bị cách ly vì trên máy bay có một người Trung Quốc có triệu chứng bị nghi là nhiễm siêu vi corona. Chiều lại, đại sứ Trung Quốc ra thông báo khẳng định ” ba công dân Trung Quốc trên chuyến bay không có người nào từng bị nhiễm siêu vi”. Làm sao đại sứ Trung Quốc có thể tự cho có thẩm quyền y tế cao hơn bộ trưởng y tế của quốc gia sở tại ?

Để đối phó với chiến lược “bỏ vốn ít mà thu lợi nhiều” của Bắc Kinh, Liên Hiệp Châu Âu thông báo viện trợ chống Covid-19 cho Châu Phi một ngân sách 3,25 tỷ euro. Nhưng đối với Mỹ, tình hình sẽ căng thẳng hơn. Donald Trump rất tức giận khi biết tin Trung Quốc chi 80 triệu đô la xây một tòa trụ sở cho cơ quan phòng chống bệnh truyền nhiễm Châu Phi ở thủ đô Ethiopia mà lẽ ra phải có hợp tác của Mỹ, theo thỏa thuận ban đầu. Nhà Trắng nghi ngờ Trung Quốc sẽ cài phương tiện gián điệp.

Theo Le Monde, Châu Phi sẽ là “chiến trường địa chiến lược”  sau đại dịch Covid-19.

Chống Covid-19: Pháp chưa hội đủ ba điều kiện chiến thắng

Tiếp tục điểm qua các chủ đề trên Le Monde: Tổng thống Macron lên tuyến đầu đối mặt với công luận, cơ cấu chính quyền Pháp không đủ tầm đối đầu với đại dịch, Miến Điện hết dám đùa với Covid-19, thổ dân Nam Mỹ sợ Covid-19 và biết người da trắng không giúp gì được.

“Chúng ta không đủ bản lĩnh phòng chống dịch” là lời phê phán có dẫn chứng của cựu tổng giám đốc Tổng Nha Y Tế Công Cộng Pháp , bác sĩ William Dab.

Tình trạng người bị lây và chết quá nhiều tại Pháp là do bộ máy hành chánh quan liêu. Bác sĩ William Dab cho biết ông được một cơ quan y tế cấp vùng (ARS) đề nghị qua một đảo hải ngoại tham gia kiểm dịch. Ông nhận lời nhưng một tuần sau không thấy động tĩnh gì cả. Ông phải hỏi lại thì vài hôm sau nhận được câu trả lời là hồ sơ thiếu “bằng cấp bác sĩ và giấy chứng nhận có khả năng chuyên môn”.

Chính vì bản chất quan liêu của bộ máy hành chánh cho nên dẫn đến những quyết định không hợp lý. Trong khi ở bệnh viện nhân viên cấp cứu tận tâm tận lực chữa trị thì sau đó lẽ ra phải được “theo dõi” tiếp:   phải cho người  vừa hết bệnh vào khách sạn cách ly thêm thì lại cho họ từ bệnh viện đi thẳng về nhà lây cho thân nhân. Dân chúng được lệnh ai ỏ nhà nấy mà không có lệnh đeo khẩu trang nếu phải đi làm bằng phương tiện công cộng.

Theo vị bác sĩ cựu tổng giám đốc ngành y tế công cộng Pháp, muốn chiến thắng dịch bệnh truyền nhiễm thì phải hội đủ ba điều kiện:  Phải theo dõi tình hình, phải có  phản ứng nhanh và một bộ chỉ huy nhẹ, theo dõi sát sao mọi chỉ thị có được thi hành hay không. Tổng thống tuyên bố tình trạng chiến tranh mà chính quyền thì làm việc như trong thời bình. Bác sĩ William Dab dự đoán là còn có thêm vài chục ngàn người chết nữa.

Miến Điện và “phép lạ”

Tại Đông Nam Á, Le Monde ghi nhận một biến chuyển mới tại Miến Điện. Với ba người chết và gần 30 ca nhiễm virus, nếu thật như thế, thì quá ít so với các quốc gia trong vùng. Nhưng đã qua rồi những tin tưởng vào phép lạ như bác sĩ giám đốc bệnh viện Rangun  tuyên bố: “Chúng ta may mắn có các sư cầu nguyện chống dịch” hay là “ăn chanh ngăn siêu vi”.

Thứ Sáu vừa qua, đích thân lãnh đạo chính phủ Aung San Suu Kyi khuyến cáo: “Siêu vi Corona sắp lây lan”. Một quyết định nghiêm túc phản ánh lo âu này vừa được thông báo: Lần đầu tiên trong lịch sử Miến Điện, lễ hội rước nước kể từ ngày 13 đến 16 tháng Tư bị hủy bỏ.

Thổ dân Nam Mỹ bất lực trước siêu vi Corona

Số phận bi thảm của thổ dân Nam Mỹ được Le Monde chú ý qua hai bài báo. Phóng sự của ba phóng viên tại một số nước Nam và Trung Mỹ và một bài phỏng vấn Bruce Albert, một nhà nhân chủng học có tiếng tăm.

Tính đến cuối tuần qua, có  từ một đến ba người chết  ỏ mỗi nước nhưng số lây nhiễm gia tăng. Thiệt hại nặng nhất là Ecuador có 297 thổ dân từ trần, 7.161 ca nhiễm virus corona. Peru chỉ mói có một người chết nhưng là một lãnh tụ thổ dân Aurelio Chino, mới từ châu Âu trở về sau một chuyến đi vận động công luận chống các tập đoàn dầu khí phá hại môi trường.

Vấn nạn của thổ dân là không có hệ thống đề kháng chống siêu vi viêm phổi cấp tính như người da trắng, theo Bruce Albert. Thứ hai là họ bị chính phủ sở tại bỏ rơi và thứ ba, nhất là ở Brazil, sức khỏe thổ dân còn bị đe dọa lây  bệnh từ những kẻ đi tìm vàng. Trong lịch sử, thổ dân Nam Mỹ nhiều lần bị dịch chết hàng loạt do vi trùng của nguòi da trắng lây lan.

Le Figaro chấm điểm Donald Trump: Xứng đáng là một nhà lãnh đạo

Cũng như đồng nghiệp Le Monde, nhật báo Le Figaro trông chờ tổng thống Pháp Emmanuel Macron vào 20 giờ tối nay sẽ trình bày “một lịch trình mới” trong cuộc chiến chống dịch, theo nghĩa sẽ làm gì và đi đến đâu. Vì sao ? Nhật báo thiên hữu đưa thêm một loạt tựa như để trả lời: Hãng xưởng thấp thỏm muốn hoạt động lại càng sớm càng tốt. Lãnh vực du lịch và dân Pháp đặt hy  vọng vào mùa  hè. Hãng Toyota ở Valenciennes muốn mở cửa trở lại vào ngày 21/04. Thông điệp của Đức Giáo Hoàng ngày Phục Sinh kêu gọi các phe xung khắc trên thế giới chấm dứt chiến tranh, kêu gọi các nước giàu xóa nợ, tất cả cùng nhau chung sức chống đại dịch, chiếm trọn một trang báo.

Nạn nhân số một của Covid-19 tính đến cuối tuần qua là nước Mỹ. Tựa trên trang nhất của Le Figaro: Hoa Kỳ bị trúng đòn: 530.000 ca lây nhiễm, 21.000 người chết, New York bị tràn ngập lây nhiễm. Một bất ngờ, California không bị nặng như New York. Tình hình đầy bất trắc mà Donald Trump tính tái lập sinh hoạt bình thường.

Bài xã luận “Donald Trump lèo lái”  cho rằng biện pháp hạn chế tự do đi lại dường như có kết quả. Theo thẩm định mới, số nạn nhân tử vong sẽ chỉ độ 60.000 không cao đến 200.000 như ước định ban đầu. Đối với tổng thống Mỹ , nếu được như vậy thì sẽ là một thành công. Donald Trump muốn nhanh chóng bình thường hóa sinh hoạt kinh tế vì với con số 17 triệu người bị mất việc chỉ trong vòng có ba tuần lễ trở lại đây, có thể làm cho “thành quả” kinh tế của chủ nhân Nhà Trắng trong gần 4 năm qua tan thành mây khói.

Dù hiện thời, Joe Biden chưa đủ sức lấn áp  Donald Trump. Dù  trong một liên bang, nỗ lực phòng chống dịch là do các thống đốc đốc thúc, điểm đáng phục Donald Trump, theo Le Figarro, là biết giữ thế thượng phong của chính trị. Với Trump, người dân Mỹ không có cảm giác do một một bác sĩ trưởng khoa lãnh đạo? Donald Trump không thoái vị để núp đằng sau ý kiến của một “hội đồng khoa học gia” không có thẩm quyền chính trị. Trái lại, ông đặt lên bàn cân những lợi ích tương phản của xã hội và ông quyết định. Có thể đúng, có thể sai nhưng thái độ đó gọi là “léo lái con thuyền quốc gia”.

Khen ngợi  chủ nhân Nhà Trắng, Le Figaro sẵn trớn, đá giò lái chủ nhân điện Elysée.