Tin Việt Nam – 12/04/2020
Toà Nghệ An mở phiên phúc thẩm
xử thầy Nguyễn Năng Tĩnh
khi dịch bệnh COVID-19 chưa chấm dứt
Toà án Nhân dân Cấp cao tại Hà Nội vừa có thông báo gửi tới các luật sư của thầy giáo Nguyễn Năng Tinh về phiên xử phúc thẩm sẽ diễn ra vào sáng ngày 20/4 tới tại toà án Nhân dân tỉnh Nghệ An.
Luật sư bào chữa cho thầy Nguyễn Năng Tĩnh là luật sư Đặng Đình Mạnh xác nhận thông tin này với Đài Á Châu Tự Do vào tối ngày 12/4.
Trên trang Facebook cá nhân, luật sư Đặng Đình Mạnh đã đăng toàn bộ quyết định của toà Hà Nội đề ngày 6/4/2020.
Thầy giáo Nguyễn Năng Tĩnh là người đã bị kết án 11 năm tù về tộ “Làm, tàng trữ, phát tàn hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu nhằm chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam” theo điều 117 Bộ Luật hình sự vào tháng 11 năm ngoái.
Phiên toà phúc thẩm dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 18/3 sau đó đã bị hoãn lại vì dịch bệnh COVID-19 đang lan rộng tại Việt Nam.
Nói về phiên xử phúc thẩm sắp tới, luật sư Đặng Đình Mạnh ở TP. Hồ Chí Minh tỏ ra lo ngại:
“Phiên toà mở trong thời điểm dịch corona ở vn vẫn chưa đâu vào đâu, nên chúng tôi phải đi xa như vậy thì hơi ngại”
Trên trang FB cá nhân, luật sư Mạnh viết rằng: “Quyết định đưa vụ án ra xét xử đã có từ ngày 06/04, tức 06 ngày kể từ ngày bắt đầu thực hiện chỉ thị cách ly xã hội của thủ tướng chính phủ và ấn định thời điểm xét xử vào ngày 20/04 là chủ trương “đón đầu” khá mạo hiểm. Vì đến nay, khi chỉ còn 03 ngày nữa kết thúc thời hạn cách ly (từ ngày 01/04 đến 15/04) vị nạn dịch CoronaVirus, nhưng vẫn chưa rõ chính quyền có chủ trương chấm dứt thời hạn cách ly xã hội hay không ? Hoặc sẽ gia hạn việc cách ly xã hội đến hết tháng 04/2020 như đề nghị của Bộ Y Tế ?”
Luật sư Mạnh tin rằng thầy giáo Nguyễn Năng Tĩnh trong phiên xử phúc thẩm sắp tới cũng sẽ duy trì quan điểm là mình vô tội như ở phiên sơ thẩm. Đó cũng là lý do mà thầy giáo dạy nhạc Nguyễn Năng Tĩnh đã làm đơn kháng cáo.
“Tôi nghĩ Tĩnh sẽ giữ quan điểm như vậy và đó là lý do Tĩnh làm đơn kháng cáo. Chúng tôi (luật sư) hoàn toàn đồng tình. Chứng cứ buộc tội rất mơ hồ, thể hiện sự thiên kiến có sẵn, vì những cái gọi là có tội thì không phải là có tội”
Trong cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Nghệ An, thầy giáo Nguyễn Năng Tĩnh bị cáo buộc tội tuyên truyền chống nhà nước bằng cách chia sẻ các bài viết trên trang Facebook cá nhân từ năm 2011 đến ngày 17/6/2018.
Nghệ An bác bỏ ‘tin xuyên tạc’
về tượng Lenin ở thành phố Vinh
Tỉnh Nghệ An cho biết tượng Lenin cao 3 mét đúc ở Nga sẽ được đưa về thành phố Vinh khi dự án hoàn thành dự kiến vào cuối tháng 3 năm nay.
Theo thông tin công bố cho báo Việt Nam hôm cuối tuần qua, đây là công trình “đã được sự đồng ý của Trung ương, của tỉnh Nghệ An” và thành phố Vinh đang triển khai xây dựng.
Dự kiến tượng đài sẽ đặt ở Ngã 5 của thành phố với tổng diện tích dự án khoảng 4.300 m2.
Phần xây của Nghệ An là bệ tượng, còn bức tượng – không rõ là mới hay cũ – sẽ do phía Nga trao tặng.
Chúng ta cần nền dân chủ hay cần chế độ độc tài hơn
Thẩm phán nói Nga cần bỏ vai trò kế tục Liên Xô
Putin không thích Cách mạng kiểu Lenin?
Nga: Luật mới đề nghị cải táng Lenin bị bác
Lenin nói ‘Trí thức là cục phân’ từ 1919
Tajikistan: Đền Hồi giáo dựng lại tượng Lenin
“Tượng có chiều cao 3m, đúc bằng đồng, được chế tác tại tỉnh Ulyanovsk, Liên bang Nga, sau đó vận chuyển về Nghệ An,” báo Việt Nam trích đăng từ tỉnh ủy Nghệ An.
“Công trình này thể hiện mối quan hệ hữu nghị đặc biệt giữa tỉnh Nghệ An – quê hương Bác Hồ vĩ đại và tỉnh Ulyanovsk – quê hương của Lênin, vị lãnh tụ phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, đồng thời thể hiện tình hữu nghị giữa hai nước Việt – Nga.”
Hôm 24/02, báo Công an Nhân dân có bài nói:
“Một dân tộc dựa vào những nguyên lý của chủ nghĩa Mác – Lênin trong đấu tranh giành độc lập, giải phóng áp bức và đã thành công như Việt Nam thì việc xây dựng, đặt tượng đài của V.I Lenin cũng là hợp lẽ trong dòng chảy lịch sử.”
Đánh giá về Lenin hay về chính quyền hiện nay?
Trên mạng xã hội Việt Nam thời gian qua đã có một số ý kiến phê phán công trình này.
Việc đầu tiên bị nêu ra là chi phí cao cho công trình ở một tỉnh nghèo.
Báo Thanh Niên xác nhận rằng kinh phí xây dựng vườn hoa, đài phun nước cho công trình này lên đến hơn 8 tỷ VND.
Nay, báo Việt Nam nói “lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy khẳng định thông tin trên mạng xã hội những ngày qua không chính xác, xuyên tạc với dụng ý xấu”.
Tuy nhiên, tỉnh ủy Nghệ An không nói “thông tin không chính xác” đó là gì.
Lý do thứ hai, theo những người chỉ trích, là sự lỗi thời của nhân vật Lenin, biểu tượng của mô hình cộng sản ưa bạo lực ở Nga sau 1917.
Một bài đăng trên báo tiếng Việt ở Hungary hồi 2014, được Diễn đàn BBC Tiếng Việt đăng lại, cho rằng tôn thờ Stalin hay Lenin đều là “sùng bái cá nhân mù quáng”.
Ngoài ra, “Lenin trước sau như một ủng hộ sự áp dụng bạo lực cách mạng như một phương tiện cần thiết và tiên quyết để giải quyết những mâu thuẫn trong xã hội và chính trị”.
“Sự độc đoán và phi dân chủ đó của ông đã khiến cả những gương mặt lớn, cùng lý tưởng – như Rosa Luxemburg, hay văn hào Maxim Gorky – phải ‘kêu trời”.
Sau khi Liên Xô giải tán, nhiều nước cộng hòa từng thuộc liên bang đã cho kéo đổ tượng Lenin, coi đó là biểu tượng của nền thống trị áp bức từ Moscow.
Hồi 2017, nhiếp ảnh gia Niels Ackermann và nhà văn Sebastien Gober cho ra cuốn ‘Đi tìm Lenin’ nói về hiện tượng hàng nghìn tượng Lenin bị xóa ở Ukraine.
Tuy thế, cũng có hiện tượng “ngược dòng” như hồi 2018 ở Tajikistan.
Theo Radio Ozodi, một pho tượng Lenin từng bị gãy tay ở Shahritus, miền Nam Tajikistan, được hội đồng Hồi giáo địa phương quyên tiền để trùng tu.
Ngoài khu vực Liên Xô cũ, hiện ở Tampere, Phần Lan, vẫn có một bảo tàng Lenin.
Còn tại chính nước Nga, dư luận về Lenin vẫn chia rẽ, và một số tiếp tục ủng hộ để thi hài ông trong lăng tại Moscow, nhưng con số đông đảo hơn muốn đưa đi chôn.
Theo RT.com hồi tháng 9/2017, điều tra dư luận tháng 4 năm đó nói 58% dân Nga muốn đưa Lenin đi cải táng một cách đúng đắn.
Dòng ý kiến này cho rằng cách duy trì xác ướp của người đã quá cố là không phù hợp với phong tục Chính Thống giáo của Nga.
Nhìn chung, di sản tàn khốc của thời kỳ chế độ cộng sản hình thành ở Liên Xô vẫn gây chia rẽ ngay trong dân chúng và trí thức Nga.
Mới đây nhất, thẩm phán Tòa Hiến pháp Nga, Konstantin Aranovsky nói nước Nga ngày nay không nên “tiếp quản các di sản tội ác của chế độ cộng sản thời Liên Xô”. (xem bài)
Sự hiện diện của Lenin qua tượng tại Hà Nội và trong sách báo, tranh ảnh của nhà nước Việt Nam lại có ỵ́ nghĩa hơi khác.
Đó là việc khẳng định vai trò lãnh đạo duy nhất, toàn bộ của Đảng Cộng sản Việt Nam, tổ chức vẫn theo đường lối Leninist.
Về mặt căn hóa, hiện tượng này có vẻ ngày càng mang tính tín ngưỡng bản địa ở VN hơn là có liên quan đến chuyển biến lịch sử hậu Xô – Viết ở châu Âu và khu vực Liên Xô cũ.
Việc ‘làm riêng’ trong nỗ lực tôn thờ các nhân vật cộng sản châu Âu cũng diễn ra hồi 2017 khi Học viện Cảnh sát Nhân dân ở Hà Nội khánh thành tượng Felix Dzerzhinsky, người gốc Ba Lan, lãnh đạo đầu tiên của ngành công an khét tiếng của Liên Xô.
Bản thân tượng Dzerzhinsky bị đưa ra khỏi các công sở ở Nga sau 1991 và ông bị lên án ở quê hương Ba Lan sau 1989.
https://www.bbc.com/vietnamese/culture-social-51616350
CSVN đồng ý
cho xuất cảng 400,000 tấn gạo trong tháng 4
Tin Vietnam.- Báo Trithucvn ngày 11 tháng 4 năm 2020 loan tin, ông Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Cộng sản Việt Nam đã đồng ý cho bộ Công thương xuất cảng 400,000 tấn gạo trong tháng 4.
Trước đó, truyền thông nhà cầm quyền loan tin, trong những tháng đầu năm 2020, Trung Cộng và một số nước đã tăng cường mua gạo của Việt Nam. Đặc biệt là Trung Cộng đã mua nhiều gấp 7 lần so với cùng thời kỳ năm 2019. Hành động này diễn ra trong bối cảnh dịch coronavirus 19 đang hoành hành khiến các hoạt động sản xuất trên thế giới bị đình trệ.
Mặt khác, khu vực miền Tây là vựa lúa lớn nhất Việt Nam những tháng qua bị rơi vào tình trạng hạn hán, và xâm nhập mặn nặng nề khiến nhiều diện tích hoa màu, và lúa bị chết. Ngoài ra, phía Cambodia cũng đã ngừng xuất cảng lúa, gạo sang Việt Nam sau khi dịch coronavirus 19 bùng phát cũng khiến Việt Nam mất đi một nguồn cung về mặt hàng này.
Tất cả những sự kiện này làm cho nhiều người dân Việt lo lắng về an ninh lương thực đối với người dân trong nước, và giá lúa, gạo của Việt Nam trong tương lai sẽ bị đẩy lên cao do bị Trung Cộng khống chế sản lượng. Vì vậy, nhiều người yêu cầu nhà cầm quyền dừng ngay việc xuất cảng này. Thế nhưng, sau nửa tháng tuyên bố ngừng xuất cảng, thì nay ông Phúc lại làm ngược lại với lời nói của mình.
Và để trấn an dư luận, nhà cầm quyền tuyên bố cơ quan Dự trữ Nhà nước Cộng sản đã mua vào 300,000 tấn gạo, và giữ lại thêm 400,000 tấn gạo để dự phòng. Tuy nhiên, thông tin này cũng không khiến cho người dân Việt an tâm. Và nhà cầm quyền chưa bao giờ minh bạch bất kỳ một sự việc nào cho người dân biết.
An Nhiên
https://www.sbtn.tv/csvn-dong-y-cho-xuat-cang-400000-tan-gao-trong-thang-4/
ĐH 13: Việt Nam định vị thế nào
trước ‘Giấc mộng Trung Hoa’?
PGS. TS. Phạm Quý ThọGửi cho BBC News Tiếng Việt từ Hà Nội
Đại hội Đảng Cộng sản lần 13 dự kiến tổ chức vào đầu năm sau, 2021, theo tôi, vẫn đặt trọng tâm vào những vấn đề nội bộ như củng cố chế độ và phát triển kinh tế.
Sự kiện mới xảy ra ngày 2/4/2020 tàu hải cảnh Trung Quốc ngăn cản và sau đó đâm chìm tàu cá QNg 90617 TS và tám ngư dân Việt Nam đang hoạt động bình thường tại vùng biển Việt Nam.
Đảng Cộng sản Việt Nam và ‘Trò chơi Vương quyền’
Sau câu ‘Đảng thật vĩ đại’, TBT Trọng ví văn kiện Đảng với văn bia
Đảng Cộng sản Việt Nam tồn tại nhờ điều gì?
Đây là một trong những động thái liên tục gây căng thẳng ở biển Đông thuộc chủ quyền Việt Nam trong nhiệm kỳ ĐH 12.
Tôi ủng hộ việc Bộ Ngoại giao Việt Nam trao công hàm phản đối và yêu cầu Trung Quốc bồi thường. Ngoài ra, Việt Nam cần thúc đẩy biện pháp pháp lý cao hơn là kiện Trung Quốc lên Toà án Quốc tế, mà tiền lệ tích cực là Philipines.
Tuy nhiên, việc điều chỉnh chính sách đối ngoại nói chung và trong quan hệ với Trung Quốc nói riêng cần đặt trong tình hình và bối cảnh rộng hơn, trong đó biển Đông là vấn đề an ninh khu vực, một thành tố trong ‘giấc mộng Trung Hoa’.
Vậy, Việt Nam liệu sẽ tái định vị thế nào?
Giấc mộng Trung Hoa
Tại Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn Quốc 12, năm 2013, Tổng Bí thư Tập Cận Bình được bầu làm Chủ tịch nước, đã phát biểu về cụm từ “giấc mộng Trung Quốc”.
Ông cho rằng “Sự phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa là giấc mơ lớn nhất của Trung Quốc”và rằng những người trẻ tuổi nên “dám ước mơ, làm việc cần mẫn để thực hiện những ước mơ và đóng góp vào sự phục hồi của quốc gia”.
Các nhà lý luận của đảng khái quát rằng, giấc mộng Trung Hoa là sự thịnh vượng của Trung Quốc với nỗ lực tập thể, chủ nghĩa xã hội và vinh quang quốc gia.
Giấc mơ Trung Hoa của ông Tập Cận Bình
Chuyên gia Việt Nam ‘kinh hãi’ vì hành vi Trung Quốc ở Biển Đông
Để đảng cộng sản được dân tin yêu
Đặc trưng cốt lõi của giấc mộng Trung Hoa là đảng Cộng sản nắm quyền cai trị đất nước, xuất phát từ quá trình trỗi dậy kinh tế và gắn liền với quyền lực cá nhân Tập Cận Bình.
Trung Quốc với chính sách cải cách và mở cửa thu hút đầu tư nước ngoài đã tăng trưởng nhanh chóng trong suốt 30 năm, tỷ lệ tăng GDP trung bình năm trên 10% và đến năm 2010 bắt kịp và sau đó vượt Nhật Bản.
Giấc mộng Trung Hoa được mô tả gồm hai giai đoạn 100 năm.
Giai đoạn I kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng CS TQ vào năm 2020 với mục tiêu xây dựng xã hội khá giả, ‘tiểu khang’.
Giai đoạn II kỷ niệm 100 năm thành lập nước Cộng hòa Nhân dân vào năm 2049. Đây là một kế hoạch đầy tham vọng và được thiết kế để đảm bảo rằng người dân ủng hộ Đảng CS duy trì sự lãnh đạo.
Giấc mộng Trung Hoa hình thành gắn với các nhiệm kỳ quyền lực của Tập Cận Bình, coi mình là người thực hiện ‘sứ mệnh thiên tử’.
Ông nắm quyền tối cao tại Đại hội 18 năm 2013 và năm 2018 sửa Hiến pháp, kéo dài nhiệm kỳ chủ tịch nước, để có thể nắm quyền lực trọn đời.
Sáng kiến ‘Một vành đai Một con đường’, ý tưởng từ ‘Con đường tơ lụa’, của ông, gắn với kiểu ‘suy nghĩ 100 năm’, không giấu giếm tham vọng bá quyền của Trung Quốc, đã bắt đầu bằng việc thay đổi bản đồ thế giới, kiểu như tự vẽ danh giới ‘đường lưỡi bò’ trên biển Đông.
‘Trăm năm quốc sỉ’
Nhiều nhà bình luận phương Tây cho rằng Đảng CS TQ tạo ra giấc mộng Trung Hoa dựa trên ‘trăm năm quốc sỉ’, nỗi hận bị đế quốc thực dân cai trị trăm năm, và chủ nghĩa chủ quyền quốc gia.
Lịch sử ghi lại rằng dưới triều Nguyên, một người Ý nổi tiếng là Marco Polo (1254-1324) đã lưu lạc đến Trung Quốc và làm quan ở đây 20 năm, sau đó ông trở về nước bằng Con đường tơ lụa. Cuốn sách của ông, ‘Marco Polo du ký’, đề cập đến những chuyến hàng đầy ắp sản vật trên ‘Con đường tơ lụa’, khởi đầu cho giấc mơ của phương Tây về Trung Quốc.
Từ thế kỷ 7, Quảng Châu đã được xem là nơi khởi đầu của ‘Con đường tơ lụa trên biển’. Các nước đế quốc châu Âu như Bồ Đào Nha, Anh, Pháp, Hà Lan… lần lượt kéo đến buôn bán. Giao thương phát triển cho đến thế kỷ 19, khi nổ ra ‘chiến tranh nha phiến’ với đế quốc Anh.
Trung Quốc hoàn toàn thất bại trong cuộc chiến này và triều đình Mãn Thanh buộc phải ký các hiệp ước bất bình đẳng, chịu mở nhiều cảng cho các nước ngoài.
Hong Kong trở thành nhượng địa cho đế quốc Anh. Nhiều nước đế quốc phương Tây khác, theo chân nước Anh, đã buộc Trung Quốc phải chấp nhận nhiều điều kiện bất bình đẳng ngay trên đất chủ quyền.
Nỗi nhục này của triều đình Mãn Thanh trước các cường quốc phương Tây ghi dấu ấn lịch sử 100 năm ‘quốc sỉ’ trong giấc mộng Trung Hoa.
‘Định vị địa chính trị’
Một quốc sách dựa trên sự thù hận, một bản năng sâu thẳm của con người, có thể sẽ tạo nên những biện pháp trả thù mang đặc tính ‘cách mạng’ của chế độ độc tài, toàn trị.
Mặc dù được che đậy bằng cách tuyên truyền hay mị dân, thì đôi khi các hành vi bạo ngược, hung hăng vẫn không tránh khỏi.
Người Trung Hoa đã ‘giấu mình chờ thời’ trong việc xây dựng giấc mơ cho riêng mình và biết cách làm cho giấc mộng Trung Hoa đang chuyển động với những bước đi cụ thể trong chiến lược tổng thể.
Từ bài học lịch sử và sức mạnh kinh tế hiện có, một chiến lược là hướng ra Thái Bình Dương, trong đó biển Đông là một khu vực, được xác định là thành tố trong ‘giấc mộng Trung Hoa’.
Sau Chiến tranh Lạnh, các nhà tư bản tham lam, vốn là đặc tính, đã nỗ lực tìm lao động giá rẻ, nguyên vật liệu và thị trường tiêu thụ hàng hoá, liên tục làm phẳng thế giới. Đó là một nội dung cơ bản của toàn cầu hoá.
Các nước tư bản hưởng lợi và Trung Quốc trỗi dậy. Chuỗi sản xuất toàn cầu ngày càng gắn kết, mở rộng cho đến khi nhiều quốc gia, trước hết và hầu hết là các quốc gia châu Á, châu Đại dương như Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Úc… và Việt Nam, xem Trung Quốc là ‘ông lớn’ kinh tế mới, và nhận ra rằng họ đã trở nên phụ thuộc về kinh tế vào Trung Quốc.
Khi các nước trên thế giới nhận ra thì, dường như tất cả sự ứng phó đều đang bị động. Một chiến lược xoay trục sang châu Á của Mỹ, được khởi động từ thời nguyên Tổng thống B. Obama và được tăng cường bằng quan hệ song phương trong chính sách ‘Làm nước Mỹ vĩ đại trở lại’ của Tổng thống D. Trump, chưa định hình rõ nét để đối phó với ‘giấc mộng Trung Hoa’.
Cùng với việc ‘vẽ đường chín đoạn’ vi phạm hải quyền các quốc gia ở biển Đông và tăng cường tiềm lực quân sự, xây các đảo nhân tạo và quân sự hoá chúng, Trung Quốc đã bắt đầu sử dụng sức mạnh để bắt nạt các nước láng giềng trong khu vực, trong đó có Việt Nam.
Việt Nam có vị trí địa chính trị quan trọng đối với ‘giấc mộng Trung Hoa’. Nhưng các nỗ lực ‘trung lập hoá’ bằng chính sách đa phương hoá quan hệ với các nước Việt Nam đang thiếu một chiến lược rõ ràng và bị động trong ứng xử trước các hành động hung hăng của Trung Quốc.
Nguyên nhân chủ yếu do hai yếu tố. Một là, chế độ chính trị với ý thức hệ cộng sản tương đồng, sự lệ thuộc sâu vào kinh tế. Tuy nhiên cải cách thể chế chính trị đang là ưu tiên của cả hai nước, chẳng hạn quản lý đất nước theo đảng luật hay pháp luật, hiện tại là tranh luận, như xu hướng đồng thuận là đảng phải tuân theo pháp luật.
Hai là, sự bất ổn luôn hiện hữu với nguy cơ gây chiến của Trung Quốc, nhưng gây chiến không phải là sự cam kết trỗi dậy hoà bình trong ‘giấc mộng Trung Hoa’.
Hơn nữa, Trung Quốc cũng đang phải đối phó với nhiều thách thức nội bộ và đặt ưu tiên cho vấn đề ‘chuyển đổi nội bộ’.
Từ góc nhìn như vậy về ‘giấc mộng Trung Hoa’ hy vọng có một chính sách đối ngoại tự chủ, đấu tranh hoà bình, nhưng với các lựa chọn quyết đoán hơn trong quan hệ quốc tê về biển Đông, đặc biệt là chiến lược ‘Thái Bình Dương – Ấn Độ Dương’ đang hình thành và củng cố do Mỹ đề xướng, là một chuyên đề thảo luận tại đại hội đảng các cấp và trong Đại hội Toàn quốc lần thứ 13.
Giấc mơ của của mỗi quốc gia trong quá trình phát triển gắn liền với thể chế, và càng ngày càng được nhìn nhận như một yếu tố trong sự phát triển bao trùm. Sự thay đổi thể chế có thể định hình cho giấc mơ dân tộc trong những giai đoạn, bối cảnh lịch sử.
Toàn cầu hóa đã có hiệu ứng kỳ lạ nhất. Giấc mộng Trung Hoa đang bước vào giai đoạn kế tiếp, họ đã chọn và đang đi con đường của họ. Liệu Việt Nam có xây dựng được giấc mơ riêng cho mình.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, nguyên Chủ nhiệm Khoa Chính sách Công, Học viện Chính sách và Phát triển, Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Việt Nam.
https://www.bbc.com/vietnamese/forum-52261136
Việt Nam có 260 bệnh nhân dịch corona,
thêm 2 ca từ thôn Hạ Lôi
Bình luậnNguyễn Sơn
Tối 12/4, Bộ Y tế công bố thêm 2 ca nhiễm dịch corona ở Hạ Lôi, Mê Linh, Hà Nội. Như vậy, ổ dịch thôn Hạ Lôi đã có 08 bệnh nhân Covid-19.
Hiện nay, cơ quan chức năng đã tiến hành khoanh vùng cách ly toàn bộ thôn Hạ Lôi với 11.077 người (2.711 hộ dân), và đang tiếp tục điều tra dịch tễ học.
Bệnh nhân 259
Bệnh nhân nữ, 41 tuổi, quốc tịch Việt Nam, địa chỉ ở Xóm Bàng, thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh, Hà Nội.
Bệnh nhân là vợ Bệnh nhân 254, sinh sống trung khu vực ổ dịch tại thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh. Bệnh nhân làm nghề nông (trồng hoa) và kinh doanh tại nhà; thỉnh thoảng có đi giao hoa tại thôn Liễu Trì, xã Mê Linh và một số nơi khác khi có đơn hàng.
Bệnh nhân cũng thường xuyên mua hàng tại nhà Bệnh nhân 250 (ngày mua hàng lần cuối là ngày 25/3). Từ ngày 03/4-06/4, bệnh nhân có đi sang xóm, thôn khác gồm Xóm Chùa, Xóm Ao Sen, Thôn Liễu Trì để giao hoa và mua đồ, có tiếp xúc nhiều người.
Lần cuối bệnh nhân tiếp xúc với chồng là Bệnh nhân 254 vào ngày 08/4, trước khi Bệnh nhân 254 lên chạy thận ở bệnh viện Thận Hà Nội. Sau khi chồng bệnh nhân (BN254) có kết quả xét nghiệm dương tính với virus corona (ngày 09/4), bệnh nhân thuộc đối tượng tiếp xúc gần (F1) nên được Trung tâm Y tế Mê Linh lấy mẫu xét nghiệm lần 1 và chuyển đi cách ly tại Thạch Thất ngày 10/4/2020.
Đến ngày 11/4/2020, bệnh nhân có kết quả xét nghiệm dương tính với virus corona do Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội thực hiện.
Bệnh nhân 260
Bệnh nhân nữ, 35 tuổi, quốc tịch Việt Nam, địa chỉ ở xóm Đường, thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh, Hà Nội.
Bệnh nhân làm nghề nông (trồng hoa) tại xóm Đường, thôn Hạ Lôi, Mê Linh. Bệnh nhân không đi đâu xa trong vòng 2 tuần gần đây. Hàng ngày thường đi chợ sau đó ra đồng chăm hoa rồi về nhà.
Bệnh nhân có thói quen mua thịt tại nhà Bảy Huấn (tại Xóm Đường) cũng là nơi Bệnh nhân 259 hay tới mua thịt. Ngày 06/4, bệnh nhân có tiếp xúc gần với 2 người F1 của Bệnh nhân 243 khi đi giao hoa.
Ngày 10/4/2020, bệnh nhân được Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc đối với người dân đang sinh sống trong khu vực khoanh vùng ổ dịch thôn Hạ Lôi. Kết quả xét nghiệm ngày 11/4/2020 dương tính với virus corona. Hiện bệnh nhân đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2.
Tính đến nay, Việt Nam đã có 260 ca nhiễm dịch corona Vũ Hán, trong đó 144 trường hợp đã bình phục/xuất viện. Còn lại 116 bệnh nhân đang điều trị, trong đó có 3 trường hợp bệnh nặng và bệnh nhân 91 ở tình trạng nguy kịch.
https://www.ntdvn.com/viet-nam/viet-nam-260-benh-nhan-dich-corona-29541.html
Vừa gỡ phong tỏa,
Bệnh viện Bạch Mai đã vi phạm giãn cách xã hội
Bình luậnNguyễn Sơn
Bệnh viện Bạch Mai được yêu cầu làm rõ vi phạm giãn cách xã hội, tụ tập tại bệnh viện không đeo khẩu trang.
Cụ thể, hôm 12/4, Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) đã gửi công văn yêu cầu Bệnh viện Bạch Mai xác minh, làm rõ về clip được truyền thông đăng tải hôm 10/4. Trong video đó, nhiều nhân viên y tế đã hát tại sân bệnh viện mà không đeo khẩu trang, vi phạm về giãn cách xã hội, theo báo Tuổi trẻ.
Trước đó, hôm 10/4, trên mạng xã hội đã xuất hiện một clip dài hơn 3 phút, trong đó có các nhân viên y tế Bệnh viện đang hát với sự góp mặt của thùng loa, có một số nhân viên không đeo khẩu trang.
Thời điểm hát là sau khi thành phố Hà Nội có thông báo sẽ gỡ bỏ phong tỏa với Bệnh viện Bạch Mai vào 12/4.
Bệnh viện Bạch Mai thực hiện quy định “nội bất xuất, ngoại bất nhập” bắt đầu từ ngày 28/3 sau khi ghi nhận thêm 2 ca nhiễm virus Vũ Hán tại bệnh viện.
Trước đó, gần 5.000 nhân viên, y bác sĩ của Bệnh viện đã âm tính với virus Vũ Hán sau 2-3 lần xét nghiệm.
Bệnh viện Bạch Mai đã kết thúc cách ly y tế từ 0h ngày 12/4, tuy nhiên, bệnh viện vẫn chưa tiếp nhận các bệnh nhân ngoại trú và tái khám, chỉ điều trị nội trú và cấp cứu những trường hợp nặng, theo báo Sức khỏe Đời sống.
Giám đốc Bệnh viện cho biết, dự kiến, bệnh viện sẽ trở lại khám chữa bệnh bình thường vào đầu tháng 5 sau khi xin ý kiến của Bộ Y tế. Trong thời gian 2 tuần cuối tháng 4 này sẽ là thời điểm để bệnh viện rà soát, nâng cấp và trang bị thêm các trang thiết bị phòng chống dịch COVID-19 như: các máy đo nhiệt độ, xịt khử khuẩn tay tự động và các yêu cầu khác theo quy định của Bộ Y tế để tránh lây nhiễm…
Bệnh viện Bạch Mai cắt hợp đồng với Trường Sinh
Giám đốc Bệnh viện trả lời câu hỏi về việc có tiếp tục hợp tác với Công ty TNHH Trường Sinh, nơi có 22 nhân viên nhiễm Covid-19 và khiến việc hậu cần của Bệnh viện Bạch Mai bị đứt đoạn hoàn toàn.
“Chúng tôi đã đơn phương chấm dứt hợp đồng với công ty và tổ chức đấu thầu để tìm ra đối tác đảm bảo uy tín, chất lượng trong cung cấp bữa ăn cho nhân viên y tế, bệnh nhân, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm”, Giám đốc Bệnh viện nói.
Tuy Công ty TNHH Trường Sinh bị đóng cửa, nhưng bệnh viện đã lắp 100 thùng nước vừa lọc vừa đun để có nước nóng cho người bệnh, theo báo Thanh Niên.
Mỗi giờ, 100 thùng này có thể cung cấp 3.500 lít nước nóng, trước mắt đáp ứng đủ nhu cầu của bệnh nhân hiện nay. Nếu nhu cầu tăng thêm, thì Bệnh viện Bạch Mai có sẵn 100 thùng nữa để tăng cường, “nên vấn đề cung cấp nước sôi, nước sạch cho người nhà bệnh nhân không cần phải băn khoăn”.
https://www.ntdvn.com/viet-nam/benh-vien-bach-mai-vi-pham-gian-cach-xa-hoi-go-phong-toa-29487.html
Phi công người Anh chưa cải thiện sức khỏe
nhưng đã âm tính với corona
Bình luậnNguyễn Sơn
Tình trạng sức khỏe của bệnh nhân 91 (phi công người Anh) chưa có dấu hiệu hồi phục nhưng kết quả xét nghiệm đã âm tính với virus corona.
Sáng 12/4, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP. HCM cho biết tình trạng của phi công người Anh chưa có nhiều tiến triển. Cụ thể, đánh giá chức năng phổi của bệnh nhân 91 cho thấy, tổn thương phổi ngưng tiến triển tuy nhiên thông khí còn rất hạn chế, tình trạng rối loạn đông máu nặng vẫn chưa cải thiện.
Tuy nhiên, kết quả xét nghiệm RT-PCR dịch mũi họng và dịch phế quản ngày 11/4 của bệnh nhân 91 đều đã âm tính, theo báo Sức khỏe Đời sống.
Hiện bệnh nhân không sốt, nằm yên (có sử dụng thuốc an thần), mạch 106l/ph, HA 116/69 mmHg, SpO2 95%, PaO2 83mmHg. Bệnh nhân 91 tiếp tục thở máy xâm nhập với mode VA/C, FiO2 40%, PEEP 10 cmH2O, tiếp tục được oxy hoá máu qua màng ngoài cơ thể (ECMO) và lọc máu liên tục.
Hiện nay, theo ý kiến hội chẩn của Hội đồng chuyên môn cấp quốc gia, ngoài các can thiệp hồi sức hô hấp tuần hoàn chuyên sâu như trên, công tác điều trị tình trạng rối loạn đông máu ở bệnh nhân này đang tập trung điều trị theo hướng hội chứng HIT (Heparin-induced thrombocytopenia).
Đây được xem là bệnh nhân nặng nhất đang được điều trị tại TP.HCM cũng là ca đầu tiên liên quan đến ổ dịch bar Buddha nhiễm Covid-19. Tại ổ dịch này đã có 19 ca nhiễm liên quan.
Sau khi nhập viện điều trị đến ngày 6/4, phi công người Anh liên tục sốt cao, suy hô hấp, phải hỗ trợ thở máy, X-quang phổi còn hình ảnh tổn thương. Đến ngày 8/4, bệnh nhân 91 có diễn biến ổn định với oxy hoá máu qua màng ngoài cơ thể và lọc máu liên tục. Hiện tình hình sức khỏe của phi công người Anh chưa có biến chuyển.
PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, cho biết trường hợp này do hệ miễn dịch của bệnh nhân và tuỳ thuộc từng người, diễn biến bệnh sẽ khác nhau.
“Không hẳn trẻ, khoẻ thì không diễn tiến nặng khi mắc COVID-19. Điều này do hệ miễn dịch bệnh nhân, khả năng đáp ứng điều trị kém nên mới diễn tiến nặng”, ông Phu nhận định.
Bệnh nhân 91, nam, 43 tuổi, quốc tịch Anh, hiện cư trú tại quận 2, TPHCM, là phi công hãng hàng không Vietnam Airlines. Chiều 17/3, ông có dấu hiệu mệt mỏi nên đã lập tức thông báo với đoàn bay và chủ động tới bệnh viện.
Phi công người Anh nhập viện với tình trạng X-quang có tổn thương nhu mô phổi phải, được xét nghiệm, thực hiện cách ly với sự theo dõi, phối hợp của hãng. Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM xét nghiệm và cho kết quả bệnh nhân dương tính lần 1 vào đêm 18/3. Mẫu bệnh phẩm tại Viện Pasteur TP HCM dương tính với virus corona Vũ Hán vào ngày 20/3.
Trước khi phát hiện mắc bệnh, nam bệnh nhân này từng đến quán bar Buddha (quận 2, TP HCM). Hiện quán bar này đã ghi nhận 19 ca mắc Covid-19 liên quan, nhiều trường hợp nhiễm bệnh trong cộng đồng.
https://www.ntdvn.com/viet-nam/phi-cong-nguoi-anh-cai-thien-suc-khoe-am-tinh-voi-corona-29471.html
COVID-19: Phó Chủ tịch HĐND huyện bị đề nghị
đình chỉ công tác vì chống lệnh kiểm dịch
Thường trực tỉnh uỷ Bình Phước đang xem xét việc đình chỉ công tác đối với ông Lưu Văn Thanh, Phó chủ tịch HĐND huyện Hớn Quản vì hành vi chống lệnh kiểm tra dịch bệnh COVID-19 tại địa phương hôm 3/4 vừa qua. Báo Tuổi Trẻ loan tin này hôm 12/4 sau khi ông Lưu Văn Thanh chính thức lên tiếng nhận sai và xin lỗi về hành vi của mình.
Trước đó, mạng xã hội đã lan truyền một đoạn video ghi lại hình ảnh ông Thanh đã to tiếng với cán bộ chốt kiểm dịch, phản đối việc dừng xe của ông để kiểm dịch. Lý do được ông đưa ra là tại sao không kiểm tra xe người khác mà lại kiểm tra xe của ông, và rằng ông đã kiểm tra từ nhà.
Tuổi Trẻ trích lời ông Lưu Văn Thanh nói rằng “Trong lúc nóng giận tôi đã không kièm chế được hành động của mình. Sau khi xem lại đoạn video, tôi cảm thấy hối hận và xin nhận sai, gửi lời xin lỗi tới các cán bộ chốt kiểm dịch”.
Bí thư Tỉnh uỷ Bình Phước Nguyễn Văn Lợi được Tuổi Trẻ trích lời nói: “Trong lúc cả nước đang thực hiện nghiêm túc việc phòng chống dịch COVID-19 theo chỉ đạo của Chính phủ thì không có trường hợp nào ngoại lệ. Việc Phó chủ tịch HĐND huyện Hớn Quản chống đối chốt kiểm dịch trong video được quay lại là rất phản cảm, cần phải xử lý nghiêm”.
Tại cuộc họp Chính phủ vào ngày 9/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu người dân phải thực hiện nghiêm lệnh giãn cách xã hội, đeo khẩu trang nơi công cộng, ai không thực hiện phải bị xử lý nghiêm.
Việt Nam đang thực hiện lệnh giãn cách xã hội đến ngày 15/4 tới. Tuy nhiên, Bộ Y tế đang có đề nghị lên chính phủ kéo dài thời gian giãn cách đến ngày 30/4 do tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp.
Tính đến sáng ngày 12/4, Việt Nam đã ghi nhận 260 ca bệnh nhiễm COVID-19.
Không tuân thủ quy định phòng dịch COVID-19,
một người bị phạt tù, hai người khác bị khởi tố
Tin từ Việt Nam: Vì không tuân thủ quy định phòng dịch Covid-19, ba người đã bị bỏ tù hoặc bị khởi tố trong khi nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam thắt chặt kiểm soát xã hội với mục tiêu khống chế sự lây lan của dịch bệnh này.
Theo báo chí nhà nước cộng sản, vào ngày 10/4, nhà cầm quyền huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh đã tuyên phạt 9 tháng tù giam đối với Đào Xuân Anh về tội danh “Chống người thi hành công vụ.” Cáo trạng cho biết ông Anh đã tấn công và chửi bới nhóm công tác phòng chống dịch khi họ nhắc nhở vì không đeo khẩu trang khi lái xe ngoài đường.
Ông Anh là người đầu tiên bị phạt tù ở Việt Nam vì vi phạm quy định về phòng chống Covid-19, chỉ vài ngày sau khi nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam tuyên bố sẽ áp dụng bàn tay sắt để buộc dân chúng tuân thủ quy định trên.
Trần Văn Mạnh ở Thái Bình và Vi Văn Thái ở Nghệ An là hai trường hợp bị khởi tố cùng về cáo buộc “Chống người thi hành công vụ” vì có hành vi tương tự như ông Anh. Hiện cả hai đã bị giam giữ để điều tra và sớm bị đưa ra xét xử khi nhà cầm quyền Việt Nam muốn răn đe người dân.
Hiện Việt Nam có hơn 250 ca nhiễm Covid-19. Tuy có hơn 100 người khỏi bệnh, nhà chức trách Việt Nam vẫn đang chuẩn bị để đối phó với tình huống xấu hơn. Nhiều địa phương, đặc biệt là Hà Nội và Sài Gòn, đang gấp rút xây dựng nhiều bệnh viện dã chiến có thể tiếp nhận hàng trăm bệnh nhân dương tính với Covid-19.
Quốc Tuấn
2 Facebookers đầu tiên
bị khởi tố vì nhiều bài viết về COVID-19
Tin từ Việt Nam: Nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đã bắt giữ và khởi tố hai công dân đầu tiên vì nhiều bài viết của họ trên Facebook với nội dung “xuyên tạc” về tình hình dịch bệnh Covid-19 và bôi nhọ chế độ.
Theo báo chí nhà nước cộng sản, công an quận Ninh Kiều (thành phố Cần Thơ) đã bắt giữ Mã Phùng Ngọc Phú để điều tra về cáo buộc “lợi dụng quyền tự do dân chủ” theo Điều 331 của Bộ luật hình sự, với mức án cao nhất là 7 năm tù giam nếu bị kết tội.
Mã Phùng Ngọc Phú, người có khả năng bị án tù nặng vì nhiều bài viết trên Facebook (Zing.vn)
Theo đó, cô gái 28 tuổi này đăng tải trên tài khoản Facebook James Ng nhiều bài viết có nội dung “không đúng sự thực” về đại dịch Covid-19. Cô còn bị cho là đã chia sẻ 14 bài viết không đúng sự thật về dịch Covid-19 và nói xấu chế độ cộng sản cũng như tham gia bình luận bôi nhọ, xúc phạm đến lãnh đạo chế độ. Báo chí còn dẫn nguồn tin công an nói rằng Phú thừa nhận việc đăng tải nhiều bài viết có “nội dung tiêu cực.”
Trong khi đó, công an Lâm Đồng đã bắt giữ công dân Đinh Vĩnh Sơn về cáo buộc “Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông” vì một số bài viết có nội dung bịa đặt về dịch bệnh Covid-19 ở thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng trên tài khoản Facebook Hồ Hoàng Duy.
Công an địa phương nói Sơn thừa nhận có mâu thuẫn cá nhân với một công dân khác tên Hồ Hoàng Duy và do vậy Sơn lập nick mang tên Duy để đăng nhiều bài viết có nội dung không đúng sự thực nhằm trả thù Duy. Sơn có thể phải chịu mức án cao nhất là 3 năm tù giam nếu bị kết tội.
Quốc Tuấn
https://www.sbtn.tv/2-facebookers-dau-tien-bi-khoi-to-vi-nhieu-bai-viet-ve-covid-19/
Thủ tướng CSVN viết thư kêu gọi người Việt hải ngoại
tiếp tục gửi tiền về để chống dịch
Tin Vietnam.- Báo Tuổi trẻ ngày 11 tháng 4 năm 2020 loan tin, ông Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Cộng sản Việt Nam đã có bức thư gửi cho người Việt Hải ngoại.
Bức thư của ông Phúc nói rằng, nhà cầm quyền đã chữa được 50% số người bị nhiễm coronavirus ở Việt Nam. Có được kết quả này là nhờ vào một phần đóng góp, ủng hộ của người Việt Hải ngoại. Vì vậy, ông Phúc muốn thực hiện lời kêu gọi của ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước Cộng sản bằng cách, mong người Việt ở Hải ngoại nỗ lực hơn nữa trong việc đồng lòng, chung sức, sát cách cùng đất nước bằng cách gửi tiền về cho nhà cầm quyền Cộng sản chống dịch để thể hiện lòng yêu nước, đoàn kết, nhân ái.
Cũng giống như những lần kêu gọi người Việt Hải ngoại gửi tiền về, ông Phúc không hề nhắc tới những thế lực thù địch, chống phá đảng, nhà nước cộng sản. Nhưng trong những sự kiện khác thì ông Phúc cũng như những viên chức Cộng sản luôn xem nhiều người Việt Hải ngoại là thế lực thù địch, cần phải cảnh giác và tiêu diệt nếu có cơ hội.
Trong một diễn biến khác, cũng trong ngày 11 tháng 4, báo Tuổi trẻ loan tin, ông Nguyễn Xuân Phúc đã chính thức ký nghị quyết về gói tiền 62,000 tỷ đồng dùng để hỗ trợ cho người dân ảnh hưởng bởi dịch coronavirus 19.
Theo đó, có 7 đối tượng được hưởng, trong số này có những người thuộc thành phần có công với cách mạng Cộng sản, mặc dù những người này vẫn được nhận lương hàng tháng lâu nay. Còn những người như: bán vé số, xe ôm, xích lô, người thu gom rác, người bán hàng rong, người làm nghề bốc vác, nông dân đều nằm ngoài danh sách.
An Nhiên
Dịch Covid-19 – Việt Nam:
Đằng sau chuyện chính quyền cấm ‘‘xét nghiệm dịch vụ’’
Trọng Thành
Hôm nay, 11/04/2020, chính quyền Việt Nam ra ‘‘văn bản khẩn’’ yêu cầu đình chỉ ‘‘xét nghiệm dịch vụ theo yêu cầu’’, đối với virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19. Quyết định đưa ra chỉ ít ngày, ngay sau khi một số bệnh viện công khai thông báo tiếp nhận ‘‘xét nghiệm dịch vụ’’, với sự cho phép của bộ Y Tế.
Thay đổi bất ngờ nói trên của chính quyền nói lên điều gì ? Tại sao khẩn cấp ra quyết định? Phải chăng động thái này cho thấy chính quyền Việt Nam đang thiếu một chính sách xét nghiệm nhất quán, minh bạch, hiệu quả, làm cơ sở cho một chiến lược đối phó phù hợp với dịch Covid-19?
Bài viết ‘‘KHẨN: Nói không với xét nghiệm COVID-19 dịch vụ theo yêu cầu’’ (trang mạng của chính phủ Việt Nam) cho biết đây là quyết định của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 gửi đến sở Y Tế các tỉnh, thành phố. Lý do chính thức được đưa ra là việc sử dụng xét nghiệm cần được ‘‘cân nhắc kỹ để phù hợp với nhu cầu và hiệu quả sử dụng, tránh lãng phí’’ trong bối cảnh diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh.
Trước đó, về mặt nguyên tắc, chính phủ tổ chức xét nghiệm miễn phí cho ‘‘người có yếu tố dịch tễ’’ (đến từ vùng dịch, có tiếp xúc với người bị nhiễm hoặc người nghi ngờ bị mắc bệnh do virus SARC-CoV-2) và ‘‘người có các triệu chứng nghi ngờ’’. Người không thuộc diện phải xét nghiệm bắt buộc, dù có nhu cầu xét nghiệm tự nguyện cũng không được đáp ứng.
Báo chí trong nước cho hay, vào đầu tháng 4, Bệnh viện Thống Nhất TP HCM thông báo triển khai xét nghiệm có thu phí với ‘‘những người bệnh có triệu chứng và lo lắng bị nhiễm Covid-19’’, từ ngày 06/04. Bác sĩ Jean-Marcel Guillon, tổng giám đốc của Bệnh viện Việt – Pháp (TP HCM) cũng xác nhận là: “Trên thực tế, nhu cầu tự nguyện được xét nghiệm kiểm tra của người dân là rất cao, bộ Y Tế cũng đã phê duyệt cho Bệnh viện Việt – Pháp được thực hiện xét nghiệm Covid-19 cho các đối tượng này”.
Nhu cầu ‘‘xét nghiệm đại trà’’ tăng vọt
Nhu cầu được xét nghiệm Covid-19 của người dân ‘‘rất cao’’. Không khí lo ngại dịch bệnh ám ảnh toàn xã hội. Việt Nam đang trong những ngày chờ đợi căng thẳng trước quyết định có kéo dài chủ trương ‘‘cách ly xã hội’’ để đối phó với Covid-19 hay không, dự kiến sẽ được chính phủ đưa ra vào ngày thứ Tư 15/04 tới. Theo chính phủ, quyết định này chắc chắn còn tuỳ thuộc vào diễn biến của dịch, có những đột biến bất thường hay không, từ nay đến đó. Mà, để đánh giá được diễn biến của dịch, xét nghiệm là phương tiện quan trọng hàng đầu.
Hiện tại, lo ngại trước nguy cơ dịch bệnh vượt tầm kiểm soát, khiến tình trạng ‘‘cách ly xã hội kéo dài’’, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động kinh tế của địa phương, nhiều địa phương đã gia tăng xét nghiệm xác định virus. Mới đây nhất, ngày hôm nay, 11/04, chính quyền TP HCM bắt đầu triển khai lấy mẫu xét nghiệm virus SARS-CoV-2 đối với ‘‘tất cả hành khách đi tàu’’ về ga Sài Gòn.
Cho đến nay, theo thống kê của chính phủ Việt Nam, tính đến ngày 10/04, tổng số mẫu bệnh phẩm đã xét nghiệm virus SARC-CoV-2 là hơn 118 nghìn. Việc sử dụng xét nghiệm đại trà phát hiện virus theo xu thế hiện nay tại các địa phương ắt hẳn sẽ làm nhu cầu sử dụng xét nghiệm tăng vọt (‘‘đại trà’’ tức không chỉ với ‘‘người có yếu tố dịch tễ’’ như quy định trước đây). Khủng hoảng thiếu phương tiện xét nghiệm có thể sẽ xảy ra. Nếu như vậy, đây có thể là một nguyên nhân trực tiếp chính khiến chính quyền phải tức tốc ngăn chặn việc ‘‘xét nghiệm dịch vụ’’, cho dù điều này cũng có thể đã từng diễn ra bán chính thức ở một số nơi, theo ghi nhận của nhiều nhà quan sát.
Chính sách xét nghiệm hiện nay có cung cấp một bức tranh trung thực?
Về quyết định khẩn cấp yêu cầu đình chỉ ‘‘xét nghiệm dịch vụ’’, một số chuyên gia ngành y đã hoan nghênh, coi đây là một điều chỉnh theo hướng tích cực, để chính quyền có nguồn lực tập trung phòng chống dịch. Tuy nhiên, việc thay đổi chính sách bất ngờ với ‘‘xét nghiệm dịch vụ’’, và chủ trương xét nghiệm đại trà này cũng được ghi nhận như là biểu hiện cho một tình trạng lúng túng, thiếu hiệu quả trong chính sách xét nghiệm phòng chống dịch Covid -19 hiện nay.
Tình trạng lúng túng nói chung là dễ hiểu, không chỉ ở Việt Nam, mà rất nhiều nơi trên thế giới, do tính chất còn đầy bí hiểm của virus, mà y học hiện nay chưa có vác-xin hay thuốc đặc trị. Tuy nhiên, lúng túng trong chính sách xét nghiệm dường như được thể hiện rõ qua việc chính quyền không thống nhất được về việc hiện nay Việt Nam đang ở đâu trong dịch Covid-19: Giai đoạn dịch đã lây nhiễm rộng rãi trong cộng đồng hay giai đoạn vẫn còn có khả năng cô lập một số đối tượng, một số ổ dịch.
Về mặt chính thức, cho đến ngày 11/04, chính quyền thông báo có 258 người dương tính với virus SARC-CoV-2 (bao gồm những người đã hồi phục và những người đang điều trị). Theo một nhận định trên trang mạng của chính phủ: ‘‘Việt Nam là quốc gia đứng đầu về số lượng người được xét nghiệm trên một ca dương tính’’. Nói một cách khác, ti lệ người dương tính với SARC-CoV-2 so với tổng số người được xét nghiệm ở Việt Nam là thấp nhất thế giới (258 ca dương tính trên tổng số hơn 118 nghìn xét nghiệm).
Đọc thêm : Covid-19: Giới chuyên gia phản bác cách thống kê bệnh nhân của Trung Quốc
Nếu coi đây là bức tranh thu nhỏ về thực trạng dịch Covid-19 ở Việt Nam, thì tỉ lệ người nhiễm virus gây bệnh Covid-19 là vô cùng thấp, thấp một cách đáng ngạc nhiên trong số các nước tiến hành xét nghiệm một cách quy mô.
Nhiều người đặt câu hỏi : Liệu đây có phải là hình ảnh thực sự về dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam ?
Theo một nghiên cứu của Đại học Đức Gottingen, do hai nhà chuyên gia Christian Bommer and Sebastian Vollmer thực hiện (công bố hôm 09/04/2020), thì các dữ liệu cho thấy, số lượng người nhiễm virus gây bệnh Covid-19, trên thực tế, trên toàn thế giới có thể đã lên đến hàng chục triệu người, vượt gấp hơn chục lần số người dương tính với Covid-19 (cụ thể là xét nghiệm virus chỉ cho phép phát hiện khoảng 6% người bị nhiễm). Vậy thực trạng bệnh dịch Covid-19 ở Việt Nam ra sao?
Xét nghiệm tìm người đang có virus hay người đã miễn dịch với virus?
Tại Việt Nam, một số chuyên gia, lãnh đạo ngành y thừa nhận, dịch bệnh Covid-19 đã bước vào giai đoạn ‘‘lan tỏa trong cộng đồng’’. Vậy câu hỏi tất yếu nhiều người đặt ra là chiến lược xét nghiệm có cần thay đổi không, nếu dịch đã bước qua giai đoạn này? Cần ưu tiên xét nghiệm chủ yếu người đang có virus, hay người đã từng nhiễm virus ? Hay cả hai?
Cuối tháng 3, đầu tháng 4 vừa qua, báo chí trong nước loan tin rộng rãi về đợt xét nghiệm nhanh quy mô lớn liên quan đến nguy cơ ‘‘ổ dịch’’ Bạch Mai có thể đã lan sang 30 quận huyện Hà Nội. Chủ tịch Hà Nội đã cho lập ra khoảng 10 trạm xét nghiệm dã chiến, với tổng cộng 10.000 xét nghiệm nhanh được tiến hành, nhằm sàng lọc người có nguy cơ nhiễm virus. Tuy nhiên, trên báo chí, truyền thông chính
thức của cơ quan y tế, gần như không có mấy thông tin về kết quả xét nghiệm, quy trình xét nghiệm, các thông số về phương tiện được sử dụng để xét nghiệm.
Đọc thêm : Đại dịch Covid-19: Xét nghiệm kháng thể giúp ra khỏi ”phong tỏa” thành công?
Một số thông tin ít ỏi báo chí loan tải cho thấy đây là loại xét nhiệm nhanh, tìm kiếm kháng thể với virus trong máu. Theo nhiều chuyên gia, trong đó có tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Hồng Vũ, Viện Nghiên cứu Ung thư (California), ‘‘việc sử dụng xét nghiệm tìm kháng thể, về cơ bản, chỉ có thể giúp xác định những người đã miễn dịch với virus (sau khi đã nhiễm và khỏi)’’. Sau một thời gian dịch bệnh lan tràn hoặc sau một thời gian tiêm phòng vác-xin, việc kiểm tra kháng thể trong người dân có ý nghĩa để biết được bao nhiêu phần trăm đã trở nên miễn nhiễm với virus này, từ đó có thể đánh giá mức độ ‘’miễn dịch cộng đồng’’.
Tiến sĩ Nguyễn Hồng Vũ nhấn mạnh là theo hướng này, việc sử dụng xét nghiệm tìm kháng thể để tầm soát người đang có virus là ‘‘hoàn toàn không phù hợp’’. Cho đến nay, những phản biện nói trên dường như chưa hề nhận được hồi đáp từ phía chính quyền Hà Nội cũng như bộ Y Tế.
Thiếu điều tra dịch tễ cơ bản, không thể có chính sách đúng cho giai đoạn tới
Tuy nhiên, gần đây lãnh đạo ngành y tế Việt Nam dường như cũng đã nhận ra vấn đề. Trong một cuộc họp chuyên môn với các đối tác quốc tế cách đây ít hôm, thứ trưởng bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên khẳng định ‘‘cần thiết phải có sự phối hợp giữa các đơn vị và các chuyên gia để phân tích dịch tễ của dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam để có thể đưa ra dự báo nhanh về tình hình tiến triển của dịch bệnh trong thời gian tới, là nguồn tham khảo cho Ban chỉ đạo có được những chỉ đạo trong thời gian tiếp theo của công tác phòng chống dịch’’. Thứ trưởng Y Tế Việt Nam ‘‘đề nghị Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO), Trung Tâm Phòng Ngừa Dịch Bệnh Hoa Kỳ (CDC) cung cấp các số liệu dịch trên thế giới và phối hợp phân tích dịch tễ bệnh Covid-19 tại Việt Nam để có thể đưa ra được những khuyến cáo chính xác nhất’’ (‘‘Bộ Y Tế họp trực tuyến phân tích dịch tễ bệnh Covid 19 tại Việt Nam’’, moh.gov.vn, ngày 07/04/2020).
Bác sĩ, tiến sĩ dịch tễ học Trần Tuấn, trong một bài viết hiếm hoi về chủ đề dịch tễ học và dịch Covi-19 tại Việt Nam đã đặt vấn đề: ‘‘Nếu tiến hành thực hiện các nghiên cứu dịch tễ học cộng đồng, nhất là nghiên cứu sử dụng test phát hiện kháng thể đặc hiệu với virus gây dịch, cho ra chính xác kết quả tỷ lệ dân chúng đã nhiễm virus, có kháng thể ở thời điểm hiện nay thì sẽ trả lời được câu hỏi quan trọng “đỉnh dịch đang ở phía trước hay phía sau?”. Theo bác sĩ Trần Tuấn, ‘‘nếu rơi vào tình huống đỉnh dịch đang ở phía trước càng đòi hỏi lãnh đạo nhà nước phải thiết lập ngay các nghiên cứu dịch tễ học cộng đồng chuẩn mực cho mục tiêu dự báo, tiên lượng. Đồng thời đi kèm với đó là các phương án chống khủng hoảng hệ thống dịch vụ y tế, hoặc lớn hơn, khủng hoảng kinh tế-xã hội toàn diện và sâu sắc’’. Ngược lại, ‘‘nếu tỷ lệ có kháng thể lên tới 50% mẫu được nghiên cứu, thì chắc chắn đỉnh dịch đã ở phía sau. Khi đó chiến lược giãn cách bắt buộc kiểu “phong tỏa” tỉnh, thành phố, hay cả nước, cần được dỡ bỏ để giảm thiệt hại cả về vật chất lẫn tinh thần của toàn xã hội’’ (bài ’’Năng lực dự báo đúng đỉnh dịch: Ý nghĩa quyết định trong chống dịch Covid-19’’, báo mạng Nghiên cứu và Phát triển, ngày 06/04/2020).
Nghiên cứu về mức độ kháng thể trong cộng đồng với virus gây bệnh Covid-19 cũng là mối quan tâm hàng đầu của Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) hiện nay. Nhà dịch tễ học về các bệnh truyền nhiễm người Mỹ, bà Maria Van Kerkhove, phụ trách kỹ thuật của bộ phận Covid-19 của WHO, cho biết : Đầu tháng 4/2020 này, WHO chuẩn bị khởi sự điều phối cuộc điều tra quy mô toàn cầu về kháng thể với Covid-19, mang tên Solidarity II, với sự tham gia của gần 10 quốc gia. Hiểu biết đủ chính xác về mức độ tiếp xúc với virus, mức độ miễn dịch tự nhiên trong cộng đồng là một chìa khoá thành công, cho dù ”đỉnh dịch” vẫn còn ở phía trước, hay đã ở phía sau.
Mỹ và Anh
hướng dẫn công dân rời Việt Nam vì virus Corona
Hoa Kỳ và Anh mới ra thông báo, kêu gọi các công dân nước này ở Việt Nam, nhất là khách du lịch, nếu cần thì tận dụng ngay các chuyến bay thương mại còn cất cánh từ Việt Nam để trở về nước.
Đăng kèm danh sách các hãng hàng không nước ngoài còn thực hiện các chuyến bay từ Việt Nam, đại sứ quán Hoa Kỳ ở Việt Nam khuyến cáo công dân nước này “lập tức” đặt vé nếu muốn quay về Mỹ.
Cơ quan đại diện ngoại giao Mỹ viết trên trang web hôm 1/4 rằng “trong hầu hết các trường hợp, chính phủ Hoa Kỳ sẽ không tổ chức các chuyến bay sơ tán hoặc chuyến bay thuê nguyên chuyến nếu vẫn còn có các chuyến bay thương mại thông thường”.
“Trong trường hợp không còn chuyến bay thương mại nào, chính phủ Hoa Kỳ có thể sẽ sắp xếp các chuyến bay thuê nguyên chuyến để sơ tán, tuỳ thuộc vào tình hình cụ thể ở cả Việt Nam và Hoa Kỳ”, đại sứ quán Mỹ cho biết, nói thêm rằng “kể cả trong trường hợp có chuyến bay sơ tán thì các chuyến bay này cũng không miễn phí và công dân Hoa Kỳ phải trả tiền vé” với giá vé có thể “sẽ cao hơn giá vé chuyến bay thương mại thông thường”.
Chủ tiệm nail gốc Việt ‘trả ơn’ nước Mỹ, tặng hàng trăm nghìn đồ bảo hộ
Theo quan sát của VOA Việt Ngữ, các hãng hàng không mà đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội liệt kê đều quá cảnh ở một nước thứ ba như Nhật, Hàn Quốc và Qatar nên cơ quan ngoại giao này khuyên các công dân nước mình “chỉ nên quá cảnh, không nên nhập cảnh vào nước sở tại và rời khỏi sân bay, ở lại sân bay qua đêm, hoặc thay đổi sân bay” vì “những hành động này sẽ có thể dẫn đến việc bị cách ly hoặc làm chậm trễ hành trình”.
Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam cũng cho biết “không chịu trách nhiệm đối với bất kỳ quyết định nào của chính phủ Việt Nam, chính phủ của các nước quá cảnh hoặc các hãng hàng không về việc thay đổi hoặc hủy lịch trình bay”.
Các công dân Mỹ ở Việt Nam cũng được yêu cầu “theo dõi sát” tình hình dịch bệnh COVID-19 ở Việt Nam và thực hiện theo các hướng dẫn của chính quyền Việt Nam.
Tin cho hay, theo chỉ thị của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Việt Nam “thực hiện cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày kể từ 0 giờ ngày 01 tháng 4 năm 2020 trên phạm vi toàn quốc” và người dân được yêu cầu “ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết”.
Trước đó, Việt Nam cũng đã thông báo tạm dừng nhập cảnh đối với tất cả người nước ngoài và kể cả người gốc Việt được cấp giấy miễn thị thực.
Cùng với Mỹ, đại sứ quán Anh hôm 6/4 cập nhật một khuyến cáo, kêu gọi công dân nước này đang du lịch ở Việt Nam tận dụng những chuyến bay thương mại còn thực hiện các chuyến bay về Anh.
“Đừng để bị kẹt lại”, cơ quan đại diện ngoại giao Anh ở Hà Nội viết trên Facebook, nói thêm rằng các chuyến bay thuê bao để sơ tán công dân Anh “chỉ dành cho các nước ưu tiên nơi không có các chuyến bay thương mại”.
Theo quan sát của phóng viên VOA Việt Ngữ, trong một đoạn trao đổi với công dân Anh trên Facebook, đại sứ quán Anh hôm 6/4 cho biết rằng “hơn 5 nghìn người Anh đã có thể rời Việt Nam nhờ sự giúp đỡ của chúng tôi trong tháng trước”.
Việt Nam ‘nếm đòn’ vì virus Corona
Hôm 2/4, đại sứ Anh tại Việt Nam Gareth Ward đăng trên Twitter hình ảnh ông có mặt tại sân bay Nội Bài và “trao đổi với các công dân Anh bay về nước trên chuyến bay của Qatar Airways”. “Còn nhiều ghế trên tuyến này. Chúng tôi khuyên các du khách Anh nên rời đi ngay. Đừng trì hoãn”, ông Ward tweet.
Lời kêu gọi này sau đó đã thu hút được nhiều bình luận trên mạng xã hội, trong đó có người nói rằng Anh đang “sơ tán công dân khỏi Việt Nam” vì virus Corona, khiến Đại sứ quán Anh phải ra thông cáo, trong đó “nhấn mạnh rằng khuyến cáo trên không hướng tới những công dân Anh đang định cư ở Việt Nam”.
Cơ quan ngoại giao này cũng trích dẫn khuyến cáo đi lại của Bộ Ngoại giao Anh, trong đó nói rằng “nếu bạn định cư ở Anh và đang đi du lịch ở nước ngoài, trong đó có Việt Nam, Bộ ngoại giao Anh khuyên bạn trở về nước khi vẫn còn những đường bay thương mại”.
Đại sứ quán Anh cho biết “đã và đang tích cực chia sẻ và cập nhật thông tin cho du khách Anh ở Việt Nam về những đường bay thương mại còn mở”.
Trong một diễn biến mới nhất, hôm 12/4, Đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội đã kêu gọi công dân Hoa Kỳ gửi email đăng ký với Đại sứ quán Anh ở Hà Nội nếu muốn mua vé “chuyến bay đặc biệt” của Vietnam Airlines tới London, vào ngày 14/4, dành cho công dân mọi quốc tịch muốn khởi hành từ Việt Nam và Cambodia, nhưng các công dân Anh và Ireland “sẽ được ưu tiên”.
Tính tới ngày 12/4, Việt Nam ghi nhận 259 trường hợp nhiễm virus Corona, trong đó chưa có ca tử vong nào.
Trong khi đó, số người mắc ở Hoa Kỳ là hơn 500 nghìn trường hợp và hơn 20 nghìn người chết, và tại Anh là gần 80 nghìn người nhiễm và gần 10 nghìn người tử vong