Tin khắp nơi – 11/04/2020

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin khắp nơi – 11/04/2020

Chính quyền Trump xem xét trừng phạt

Tổ chức Y tế Thế giới ‘thân Trung Quốc’

Minh Hòa

Chính phủ của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang xem xét các biện pháp trừng phạt Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vì sự yếu kém và quỵ lụy của cơ quan này đối với Trung Quốc, một yếu tố được nhận định là góp phần gây ra đại dịch toàn cầu COVID-19.

Politico đưa tin hôm 10/4, hai trong số các động thái mà Nhà Trắng đang xem xét bao gồm việc cắt đứt nguồn tài trợ của Hoa Kỳ dành cho WHO và kế hoạch tạo ra một tổ chức thay thế.

Politico trích dẫn nguồn tin cho biết các trợ lý của Tổng thống Trump đang soạn thảo một bản tuyên bố đình chỉ tài trợ của Mỹ cho WHO và một cơ quan có liên quan gọi là Tổ chức Y tế Pan American. Dự thảo này cũng chỉ đạo Bộ Ngoại giao, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ và các cơ quan khác điều chuyển số tiền tài trợ cho WHO sang các tổ chức khác hiện có.

Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết năm 2019 nước này đóng góp gần 400 triệu USD cho WHO, gấp 2 lần quốc gia đóng góp nhiều thứ hai, và gấp gần 10 lần khoản đóng góp từ Trung Quốc

Tổng thống Trump hôm 10/4 báo hiệu rằng ông sẽ công bố quyết định về WHO vào tuần tới. “Các bạn biết đó, chúng tôi tài trợ cho WHO khoảng 500 triệu USD mỗi năm”, Tổng thống Trump phát biểu. “Chúng tôi sẽ nói về chủ đề này vào tuần tới. Chúng tôi sẽ có rất nhiều điều để nói về chủ đề đó”.

Tổng thống Trump chỉ trích WHO quá “thiên về Trung Quốc”, trong khi nhiều nhà lập pháp Mỹ yêu cầu người đứng đầu WHO phải từ chức.

Hiện chưa rõ chính quyền Trump sẽ cắt bỏ bao nhiêu lượng tiền dành cho WHO. Theo Politico, Hoa Kỳ có thể sẽ quyết định đình chỉ những khoản tiền dành cho một số chức năng nhất định của WHO, trong khi vẫn tài trợ cho các hoạt động khác. Mặt khác, Hoa Kỳ cũng có thể sẽ đưa ra quyết định tài trợ cho từng trường hợp cụ thể, nếu đó là tình huống khẩn cấp và chỉ có WHO mới thực hiện được công việc đó.

Tới nay, chính quyền Trump đã ra lệnh cho Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) phải xin phép cấp cao hơn trong trường hợp chi tiền cho WHO.

Tổng giám đốc WHO và Trung Quốc

Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus được bầu vào chức vụ Tổng giám đốc WHO vào năm 2017 với sự hỗ trợ từ Trung Quốc. Quê hương ông, Ethiopia, “tình cờ” lại là quốc gia chịu nhiều ảnh hưởng từ Bắc Kinh do các khoản đầu tư và vay vốn khổng lồ từ Trung Quốc. Vì vậy, ông Tedros được đánh giá là có những mối quan hệ khó nói với Bắc Kinh.

Chuyến “thị sát” tình hình dịch bệnh ở Trung Quốc của ông Tedros vào cuối tháng 1 bị chỉ trích là màn diễn chiếu lệ. Ban đầu WHO thậm chí đã tin theo lời nói dối của Bắc Kinh rằng virus này không lây lan từ người sang người và có thể dễ dàng được kiểm soát ở Vũ Hán. Ngày 23/1, ông Tedros từ chối công nhận rằng dịch cúm Vũ Hán là một trường hợp khẩn cấp gây nguy hại cho sức khỏe người dân thế giới. Mãi đến ngày 11/3, WHO mới tuyên bố virus corona bắt nguồn từ Trung Quốc là “đại dịch toàn cầu”.

Trong suốt quá trình từ khi dịch bệnh bùng phát ở Trung Quốc đến nay, ông Tedros đã đưa ra nhiều lời “nói đỡ” cho Bắc Kinh trước những chỉ trích của cộng đồng quốc tế, thậm chí bình luận rằng Trung Quốc đã “câu giờ” giúp thế giới có thêm thời gian chuẩn bị ứng phó cho dịch bệnh.

Ông Tedros đang đối mặt với làn sóng yêu cầu ông từ chức. Hơn 800.000 người đã ký tên vào một đơn thỉnh nguyện tại trang web Change để yêu cầu ông từ bỏ chức vụ tại WHO.

Đơn thỉnh nguyện được dịch ra nhiều thứ tiếng, trong đó bản tiếng Việt có ghi: “Rất nhiều người trong chúng tôi thực sự thất vọng về WHO. Dẫu muốn tin WHO đứng trung lập về chính trị, nhưng xét thấy tổ chức này không mở bất kỳ cuộc điều tra nào. Tedros Adhanom Ghebreyesus chỉ biết tin vào số lượng người chết và người bị nhiễm bệnh do chính phủ Trung Quốc cung cấp”.

Tính tới 8h36 phút sáng ngày 11/4 (giờ Việt Nam), dịch virus Vũ Hán đã khiến 102.718 người tử vong, với tổng số ca lây nhiễm là 1.698.881 người tại 210 quốc gia.

https://www.dkn.tv/khac/chinh-quyen-trump-xem-xet-trung-phat-to-chuc-y-te-the-gioi-than-trung-quoc.html

 

Tổng thống Trump nói WHO thiên vị TQ

nên sẽ rút tiền tài trợ

Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa nói rằng, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) có quan điểm “lấy Trung Quốc làm trung tâm” nên ông sắp quyết định không để Mỹ rót tiền cho tổ chức này nữa, CNN đưa tin ngày 8/4. Tuy nhiên, vài phút sau đó, ông lại dịu giọng.

Tại cuộc họp báo hằng ngày về dịch COVID-19 diễn ra hôm thứ Ba (giờ Mỹ), Tổng thống Trump nói rằng, WHO “nhận được một lượng tiền khổng lồ từ Mỹ” và ông muốn xem xét lại điều này.

Ông Trump nói rằng, một số chương trình của WHO là đáng giá, nhưng nói chung họ đã phạm sai lầm, đặc biệt là phản đối quyết định của ông ngừng các hoạt động đi lại (chuyến bay) từ Trung Quốc.

Tuy nhiên, vài phút sau khi tuyên bố sắp ngừng rót tiền cho WHO và bị phóng viên dồn hỏi, ông Trump nói: “Tôi không nói tôi sắp làm điều đó, nhưng chúng ta sắp xem xét điều đó”.

“Chúng ta phải xem xét điều đó, vì vậy chúng ta sắp xem xét điều đó (ngừng rót tiền cho WHO), Tổng thống Mỹ nói.

Trung Quốc dỡ bỏ lệnh phong tỏa Vũ Hán

Từ nửa đêm 7/4, Trung Quốc dỡ bỏ lệnh phong tỏa thành phố Vũ Hán, tâm dịch COVID-19 của nước này, áp dụng từ cuối tháng 1, Xinhua đưa tin đêm qua.

Du khách và cư dân Vũ Hán khỏe mạnh được phép rời khỏi Vũ Hán (thủ phủ tỉnh Hồ Bắc). Các chuyến tàu hỏa, máy bay được nối lại, trong khi các cửa ngõ đường cao tốc được mở lại.

Cơ quan quản lý đường sắt Vũ Hán ước tính, hôm nay (8/4), hơn 55.000 người sẽ rời thành phố bằng tàu hỏa, với 40% hành khách đến khu vực đồng bằng Châu Giang – trung tâm sản xuất của Trung Quốc, theo CCTV.

Luo Ping, quan chức phụ trách kiểm soát dịch bệnh ở Vũ Hán (11 triệu dân), nói với CCTV rằng, việc dỡ bỏ lệnh phong tỏa sau 76 ngày đánh dấu “sự tái khởi động đầy đủ” của các hoạt động kinh tế, xã hội của thành phố. Nhưng ông cũng cảnh báo rằng, Vũ Hán đối mặt nguy cơ tái xuất hiện các ca lây nhiễm ở trong cộng đồng và các ca bệnh xâm nhập từ bên ngoài thành phố.

“Sau khi công việc và sản xuất được nối lại, sự di chuyển của người dân tăng lên. Vì thế, nguy cơ lây nhiễm chéo từ tụ tập đông người cũng tăng lên. Một số cư dân đã mất cảnh giác và không đeo khẩu trang khi ra phố”, ông Ping nói.

http://biendong.net/goc-nhin-moi/34042-tong-thong-trump-noi-who-thien-vi-tq-nen-se-rut-tien-tai-tro.html

 

Thủy quân lục chiến Mỹ

chống tấn công mạng ở Thái Bình Dương

Giới chuyên gia cảnh báo hải quân Mỹ đang trở nên dễ tổn thương vì tấn công mạng nhưng chưa sẵn sàng để đối phó với những mối đe dọa ngày càng lớn

Chuyên san về không gian mạng Fifth Domain ngày 8.4 đưa tin đơn vị Viễn chinh số 31 của thủy quân lục chiến Mỹ (đồn trú tại Nhật Bản) lần đầu tiên triển khai lực lượng phòng thủ không gian mạng DCO-IDM trên tàu đổ bộ USS America đang hoạt động tại Thái Bình Dương.

Lực lượng này có nhiệm vụ đảm bảo an toàn hạ tầng mạng của thủy quân lục chiến và hải quân, đồng thời ngăn chặn các hoạt động thăm dò, xâm nhập của đối phương.

Trung sĩ nhất Ulises Villegas cho biết DCO-IDM áp dụng biện pháp phòng thủ chủ động, rà soát và vá các lỗ hổng trong mạng lưới, giảm thiểu nguy cơ thay vì chờ có sự cố mới phản ứng. “Thủy quân lục chiến có thể truy dấu việc xâm nhập của kẻ thù, thực hiện hoạt động chống tình báo, giám sát và trinh sát để lần ra nguồn xâm nhập và đảm bảo kẻ thù không thể xâm nhập được vào mạng lưới của quân ta”, ông Villegas nói.

Trước đó, lực lượng này cũng tham gia hoạt động diễn tập phòng thủ không gian mạng cùng đồng nghiệp của 5 nước châu Á trong khuôn khổ cuộc tập trận Hổ mang vàng ở Thái Lan từ cuối tháng 2 đến đầu

tháng 3. Theo chuyên san The Diplomat, tuy nội dung cụ thể cuộc tập trận không được công bố nhưng hoạt động cho thấy vai trò ngày càng lớn của lĩnh vực không gian mạng đối với quân đội các nước.

Trước đó, giới chuyên gia Mỹ cảnh báo hải quân nước này đang trở nên dễ bị tổn thương từ các cuộc tấn công mạng và lực lượng này chưa chuẩn bị đủ để đối phó với những mối đe dọa ngày càng lớn, theo chuyên san The National Interest. Tin tặc thường có 2 mục đích chính là đánh cắp dữ liệu quốc phòng mật của Mỹ và phá hoại, gây ảnh hưởng khả năng hoạt động. Giới chuyên gia quân sự từng đặt ra nhiều nghi vấn rằng các vụ tai nạn nghiêm trọng của tàu khu trục USS Fitzgerald và USS John S.McCain của Mỹ tại châu Á hồi năm 2017 có liên quan đến hoạt động tấn công mạng.

http://biendong.net/bien-dong/34034-thuy-quan-luc-chien-my-chong-tan-cong-mang-o-thai-binh-duong.html

 

Chuyên gia Hoa Kỳ kêu gọi sử dụng

tàu dân sự có vũ trang để chống lại Trung Cộng

Tin Washington DC – Theo các bài đăng mới đây trên tạp chí của Viện Hải quân Hoa Kỳ, một số chuyên gia cho rằng Hoa Kỳ nên khuyến khích việc sử dụng các tàu dân sự có vũ trang để chống lại sự hiếu chiến của Trung Cộng trên biển.

Các bài viết trong tạp chí Proceeding số tháng 4 đề nghị chính phủ Hoa Kỳ nên cho phép các tàu tư nhân có vũ trang được quyền bắt giữ các tàu hàng của đối thủ.

Các tác giả bài báo nói rằng, đội tàu hàng khổng lồ của Trung Cộng là một điểm yếu có thể tận dụng, và một vụ tấn công vào mạng lưới thương mại toàn cầu của Trung Cộng sẽ phá hủy toàn bộ nền kinh tế và đe dọa sự ổn định của nước này.

Các chuyên gia cũng thêm rằng một chiến dịch kiểu này cần phải hợp pháp và ít tốn kém, để có thể ngăn ngừa thay vì gây ra chiến tranh. Tuy nhiên, ông Collin Koh, nhà nghiên cứu tại đại học Nanyang của Singapore, cho rằng ý tưởng này không khả thi về chính trị.

Ông Koh nói, một vụ tấn công như vậy sẽ là một sự khiêu khích trực tiếp và sẽ khiến Trung Cộng trả đũa. Ngoài ra, hành động này còn có thể coi là sử dụng vũ lực, và sẽ bị thế giới lên án. Các tàu dân sự có vũ trang xuất hiện rất nhiều trong thời gian từ giữa thế kỷ 16 tới thế kỷ 18, và được phép dùng vũ lực chống lại đối thủ. Tuy nhiên, loại tàu này đã bị coi là bất hợp pháp sau khi nhiều hiệp ước thương mại quốc tế được ký vào các thế kỷ 19 và 20. (BBT)

https://www.sbtn.tv/chuyen-gia-hoa-ky-keu-goi-su-dung-tau-dan-su-co-vu-trang-de-chong-lai-trung-cong/

 

Khu trục hạm Mỹ

đi qua Eo biển Đài Loan cùng ngày TQ tập trận

Một khu trục hạm với phi đạn điều hướng của Hải quân Hoa Kỳ đã đi qua eo biển Đài Loan nhạy cảm vào ngày thứ Sáu, quân đội Hoa Kỳ và Đài Loan cho biết, cùng ngày mà các máy bay chiến đấu của Trung Quốc diễn tập trong vùng biển gần hòn đảo này.

Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ cho biết con tàu đi qua eo biển Đài Loan là USS Barry thuộc lớp Arleigh Burke.

“Barry được điều động tiền phương tới khu vực hoạt động của Hạm đội 7 Hoa Kỳ để hỗ trợ an ninh và ổn định ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương,” lực lượng này nói trong một thông cáo ngắn gọn đăng trên trang Facebook của mình vào ngày thứ Bảy.

Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết các lực lượng vũ trang của họ đã theo dõi con tàu khi nó đi về phía nam qua thủy lộ này. Bộ mô tả con tàu của Mỹ thực hiện một “nhiệm vụ bình thường.”

Cũng trong ngày thứ Sáu, Đài Loan cho biết máy bay ném bom H-6 và máy bay chiến đấu J-11 của Trung Quốc một lần nữa thực hiện các cuộc tập trận bên trên vùng biển phía tây nam. Không quân Đài Loan đã theo dõi sát hoạt động này, bộ cho biết thêm.

Đài Loan đã nhiều lần phàn nàn về việc Trung Quốc tiếp tục gây áp lực quân sự giữa cuộc khủng hoảng virus corona.

Đài Loan là vấn đề lãnh thổ và ngoại giao nhạy cảm nhất của Trung Quốc và Bắc Kinh chưa bao giờ loại trừ việc sử dụng vũ lực để thu phục hòn đảo được cai trị dân chủ này. Eo biển Đài Loan hẹp ngăn cách hòn đảo với Trung Quốc thường xuyên là nguồn cơn căng thẳng.

Hải quân Hoa Kỳ đã gia tăng các cuộc tuần tra qua Eo biển, với lần tuần tra gần đây nhất chưa đầy một tháng trước. Trung Quốc đã cáo buộc Mỹ chơi trò nguy hiểm bằng sự ủng hộ của họ dành cho Đài Loan.

Mỹ, như hầu hết các quốc gia, không có quan hệ chính thức với Đài Loan, nhưng là nước quan trọng nhất ủng hộ hòn đảo này trên trường quốc tế và là nguồn cung cấp vũ khí chính.

Vào tháng 1, một tàu chiến khác của Mỹ đi qua Eo biển chưa đầy một tuần sau khi Tổng thống Thái Anh Văn giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử với lập trường kháng cự Trung Quốc.

https://www.voatiengviet.com/a/khu-truc-ham-my-di-qua-eo-bien-dai-loan-cung-ngay-trung-quoc-tap-tran/5368534.html

 

Đã đến lúc thế giới phải xây ‘Vạn Lý Trường Thành’

bao quanh Trung Quốc

Hương Thảo

Từ lúc COVID-19 được cho là trốn thoát khỏi một phòng thí nghiệm của Trung Quốc, ĐCSTQ đã xử lý vô trách nhiệm liên quan đến các công dân của họ cũng như người dân trên toàn thế giới, bổ sung thêm ví dụ về một chuỗi hành xử sai trái trước đây của chính quyền Trung Quốc so với các hành vi chuẩn mực của quốc tế. Rõ ràng đã đến lúc thể giới cần phải cách ly Trung Quốc khỏi cộng đồng quốc tế cho đến khi họ thay đổi cách thức hành xử.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến việc Tổng thống Donald Trump có được vị trí ông chủ Nhà Trắng là vì ông đã nhận ra các chính sách kinh tế của Trung Quốc đang hủy hoại nền kinh tế Mỹ. ĐCSTQ đã tận dụng lợi thế của định hướng thương mại tự do chung của Mỹ, để làm tràn ngập thị trường Mỹ với hàng hóa Trung Quốc được sản xuất với giá rẻ, trong khi họ đóng cửa thị trường nội địa với các sản phẩm của Mỹ. ĐCSTQ cũng đã có được một lợi thế vượt trội thông qua các tập đoàn gián điệp. Họ đã làm tất cả những điều này bởi vì họ quen làm thế.

Thương mại không công bằng không phải là điểm đen duy nhất chống lại Trung Quốc. Sau đây là một danh sách ngắn về những hành vi không thể chấp nhận được của ĐCSTQ đối với công dân của mình, đối với cả Mỹ và phần còn lại của thế giới:

Thực thi thương mại không công bằng.

Hoạt động gián điệp công nghiệp và gián điệp quân sự.

Bán thực phẩm độc hại cho cả công dân của nó và thế giới. Những thực phẩm này có thể kể ra một số như sau: nấm đóng hộp bị nhiễm độc, thuốc trừ sâu, cải bắp được phun formaldehyde, mật ong chứa thuốc kháng sinh và thuốc trừ sâu, nước táo có asen, sữa chứa melamine, thức ăn cho chó với melamine, “muối” công nghiệp với kim loại nặng, thịt gà ngâm salmonella và E.coli, rau thối được làm sạch và đậu phụ được làm từ rác…

Tràn ngập nước Mỹ là fentanyl từ Trung Quốc, chất ma túy tổng hợp đã thúc đẩy cuộc khủng hoảng chất gây nghiện tại Mỹ.

Bắc Kinh là chỗ dựa vững chắc cho chế độ độc tài ở Triều Tiên.

Bắt bớ, tra tấn, cưỡng bức, giết hại hàng triệu người vì tín ngưỡng tôn giáo, cho dù là Kitô hữu, người Duy Ngô Nhĩ hay là học viên Pháp Luân Công.

Sử dụng tù nhân lương tâm làm lao động nô lệ – như một phần giúp Trung Quốc cạnh tranh ở thị trường Mỹ – cùng với tội ác thu hoạch nội tạng của từ nhân.

Xây dựng các đảo nhân tạo để kiểm soát Biển Đông, một trong những tuyến đường thủy kinh tế lớn của thế giới.

Phản bội lời hứa cho phép Hồng Kông có các quyền tự do tương tự như khi còn nằm dưới sự kiểm soát của Anh.

Làm ô nhiễm tất cả mọi thứ: không khí, nước và đất. Trung Quốc bẩn thỉu, cho dù đó là ô nhiễm công nghiệp, xả rác trên đường thủy của chính họ và thế giới, hay những thói quen sinh hoạt mất vệ sinh nơi công cộng.

Chính sách một con của chính quyền Trung Quốc đã dẫn đến hàng triệu ca phá thai bắt buộc và một cuộc tàn sát trẻ sơ sinh nữ, cả trước và sau khi sinh.

Phát tán COVID-19 ra thế giới.

Che đậy đại dịch COVID-19, một việc mà nó đã và đang thực hiện một cách nhất quán kể từ khi dịch bệnh bắt đầu vào cuối năm 2019. Điều này bao gồm cho phép hàng trăm ngàn công nhân bị nhiễm bệnh di chuyển qua lại các quốc gia như Ý và Iran.

Gửi khẩu trang và dụng cụ xét nghiệm bị lỗi cho các quốc gia đang gặp khủng hoảng.

Sử dụng các nhà báo giả để tuyên truyền tin giả, tấn công cả Nhà Trắng.

Lũng đoạn Tổ chức Y tế Thế giới, biến nó thành một kẻ tuyên truyền cho chính quyền Trung Quốc, góp thêm vào việc gây thiệt hại cho toàn thế giới.

Như đã lưu ý, trên đây chỉ là danh sách rút gọn. Hầu hết độc giả chắc chắn có thể bổ sung tiếp các mục vào danh sách.

Đêm qua là đêm đầu tiên của Lễ Vượt qua (Passover), kỷ niệm cuộc nổi dậy đầu tiên chống lại một chế độ độc tài toàn trị. Nếu có một điều mà Lễ Vượt qua để lại cho chúng ta, thì đó là những kẻ bạo chúa sẽ không từ bỏ quyền lực của mình cho đến khi điều đó làm tổn thương chính bản thân chúng. Thần có thể gửi máu, ếch, bọ, thú hoang, sâu bệnh, nhọt, mưa đá, cào cào và bóng tối, nhưng miễn là thiệt hại chỉ giới hạn ở dân chúng, thì Pha-ra-ông không quan tâm. Chỉ có bệnh dịch – thứ cuối cùng đã đi thẳng vào nhà của Pha-ra-ông – mới có thể thay đổi được hành vi của ông ta.

Chửi mắng Bắc Kinh sẽ không thể thay đổi được ĐCSTQ. Những thách thức đàm phán đối với các hoạt động thương mại sẽ không ảnh hưởng đến quyền lực của ĐCSTQ. Điều duy nhất có thể khiến ĐCSTQ thay đổi là xây dựng một bức “Vạn Lý Trường Thành” mới xung quanh Trung Quốc, khiến cho ĐCSTQ không thể làm hại thế giới được nữa. Để làm được điều này, các quốc gia chúng ta không nên tiếp tục hợp tác, tiếp tay cho Trung Quốc, cho đến khi ĐCSTQ thay đổi cách thức hành xử lưu manh, tàn ác của nó. Trung Quốc sẽ lùi trở lại năm 1972 để hành xử đúng đắn, tự thay đổi mình thành một thể chế phù hợp để có thể gia nhập thế giới.

Trung Quốc từng là một đất nước tráng lệ, với vẻ đẹp và tài nguyên thiên nhiên to lớn. Không tính ĐCSTQ, thì người dân của nó cũng tuyệt vời (và khủng khiếp) như mọi người dân khác trên thế giới. Tuyệt vời hay khủng khiếp, họ cũng cần được tự do. Bây giờ là thời điểm và COVID-19 là lý do. Thế giới cần đồng lòng buộc Trung Quốc thay đổi.

Bài viết của Andrea Widburg, đăng trên American Thinker ngày 8/3

Hương Thảo dịch và biên tập

https://www.dkn.tv/the-gioi/da-den-luc-the-gioi-phai-xay-van-ly-truong-thanh-bao-quanh-trung-quoc.html

 

Virus corona:

Số ca tử vong ở Mỹ vượt 2.000 trong một ngày

Mỹ trở thành nước đầu tiên trên thế giới ghi nhận số tử vong kỷ lục trong một ngày, hơn 2.000 người.

Số liệu từ Đại học Johns Hopkins cho thấy 2.108 người đã chết trong 24 giờ qua trong khi hiện có hơn nửa triệu ca nhiễm được xác nhận ở nước này.

Hoa Kỳ có thể sớm vượt qua Ý, trở thành quốc gia có nhiều ca tử vong do virus corona nhất trên toàn thế giới.

Virus corona: ‘Bùng phát chết người’ nếu dỡ bỏ các lệnh phong tỏa quá sớm

Virus corona: ‘Tôi hồi phục sau khi tự cách ly điều trị ở nhà’

Virus corona: VN có nên cho hơn 8.000 lao động nước ngoài nhập cảnh lúc này?

EU ra gói cứu trợ 500 tỷ euro, VN muốn vay 1 tỷ USD

Nhưng các chuyên gia trong lực lượng đặc nhiệm phụ trách dịch Covid-19 của Nhà Trắng nói rằng vụ dịch đang bắt đầu chững lại trên khắp nước Mỹ.

Ông Deborah Birx cho biết có những dấu hiệu tốt cho thấy dịch bệnh đã ổn định, nhưng cảnh báo rằng chưa đạt đến đỉnh dịch.

Tổng thống Donald Trump cũng cho biết ông hy vọng Mỹ có tỷ lệ tử vong thấp hơn so với dự đoán ban đầu là 100.000 ca.

Các diễn biến khác:

Brazil trở thành quốc gia đầu tiên ở nam bán cầu có hơn 1.000 ca tử vong do coronavirus

Người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới cảnh báo rằng việc dỡ bỏ các biện pháp phong tỏa quá sớm có thể khiến dịch bùng phát trở lại

Thổ Nhĩ Kỳ đã ra lệnh giới nghiêm 48 giờ tại 31 thành phố – bao gồm Istanbul và Ankara – bắt đầu vào lúc nửa đêm. Thông báo, được đưa ra chỉ hai giờ trước khi lệnh có hiệu lực, khiến dân chúng hoảng loạn đi mua đồ tích trữ

Các cơ quan viện trợ lên tiếng báo động sau khi trường hợp nhiễm virus đầu tiên được xác nhận tại Yemen, nơi nhiều năm nội chiến đã tàn phá các hệ thống y tế

Các số liệu mới nhất của Mỹ

Mỹ hiện có ít nhất 18.693 người chết và 500.399 người nhiễm, theo Johns Hopkins.

Khoảng một nửa số ca tử vong được ghi nhận ở New York.

Ý đã ghi nhận 18.849 ca tử vong trong khi trên toàn cầu có hơn 100.000 người chết vì virus này.

Các nhà nghiên cứu đã dự đoán số người chết ở Mỹ sẽ đạt mức cao nhất vào thứ Sáu và sau đó bắt đầu giảm dần, rơi vào khoảng 970 người mỗi ngày từ ngày 1/5 – ngày các thành viên của chính quyền Trump lấy đó làm thời điểm có thể bắt đầu mở cửa lại nền kinh tế.

Một thành phố bị đảo lộn

Nada Tawfik, BBC News, New York

Virus corona đã làm thay đổi mọi thứ trong cuộc sống, và bây giờ nó đang làm đảo lộn các nghi thức cho người chết.

Người dân New York bị sốc bởi những cảnh tượng nghiệt ngã: xe cứu thương liên tục đổ về những con đường vắng vẻ, những chiếc túi đựng xác được đưa vào xe tải lạnh bên ngoài bệnh viện và bây giờ các hố chôn tập thể được đào trên đảo Hart.

Nghĩa trang xa xôi, chỉ có thể tới đây bằng thuyền, là một nơi được coi là nơi của nỗi buồn về mặt lịch sử vì những ngôi mộ tập thể không có bia mộ, chỉ là những thi thể không có người nhận.

Nhà xác của thành phố chỉ có thể kham được đến vậy trước khi khu chôn cất tạm thời cho các nạn nhân Covid-19, một khi trở thành kịch bản tồi tệ nhất, trở nên cần thiết.

Các giám đốc phụ trách tang lễ đã nói công khai về việc số người chết quá cao đã khiến họ buồn và sợ hãi thế nào. Ngay cả trước khi số người chết kỷ lục trong tuần này, một số gia đình đã phải chờ một tuần hoặc hơn để chôn cất và hỏa táng người thân của họ.

Tại sao dịch sớm chững lại?

Ông Anthony Fauci, phụ trách vấn đề bệnh truyền nhiễm Hoa Kỳ, đồng tình rằng Hoa Kỳ “bắt đầu thấy sự chững lại và đi xuống” của các ca nhiễm và tử vong.

Nhưng ông nói thêm rằng mặc dù đây là “bước tiến quan trọng”, những nỗ lực chống dịchh như quy định giãn cách xã hội vẫn chưa nên được rút lại.

Tiến sĩ Birx lưu ý rằng tốc độ gia tăng của dịch dường như ổn định ở các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề như New York, New Jersey và thành phố Chicago.

Bà nói thêm rằng tỷ lệ tử vong của Hoa Kỳ là “ít hơn đáng kể so với nhiều quốc gia khác, khi bạn xem xét điều này dựa trên dân số của chúng tôi”.

Nhưng bà nhấn mạnh rằng Mỹ vẫn chưa tới đỉnh dịch. “Chúng ta cần tiếp tục làm những gì chúng ta đã làm ngày hôm qua, tuần trước và tuần trước đó bởi vì cuối cùng, việc này sẽ đưa chúng ta vượt qua đỉnh dịch và xuống phía bên kia.”

Hôm thứ Sáu, thống đốc bang New York cho biết dữ liệu mới nhất cho thấy tiểu bang đã “làm phẳng đường cong” thành công.

“Mặc dù đó là một công việc khó khăn, mặc dù khó khăn, chúng tôi phải ở lại với nó”, Thống đốc Andrew Cuomo nói, cảnh báo rằng vẫn còn quá sớm để nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội.

Nguy cơ dường như là cao nhất đối với các cộng đồng thiểu số của Mỹ, nơi đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19.

Ông Jerome Adams, Tổng Y sỹ Mỹ, cho biết xu hướng này là “đáng báo động, nhưng không đáng ngạc nhiên” khi các nhóm thiểu số ở Mỹ thường có nhiều vấn đề sức khỏe mãn tính như hen suyễn, tăng huyết áp và tiểu đường.

“Do thực tế này, tôi luôn mang theo một ống hít trong túi trong 40 năm qua vì sợ các cơn hen suyễn chết người”, ông Adams, người Mỹ gốc Phi, nói.

Trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng hôm thứ Sáu, ông Trump nói rằng ông đã nhìn thấy những hình ảnh chụp từ drones cho thấy những chiếc quan tài được xếp chồng lên nhau trong một ngôi mộ tập thể trên đảo Hart của New York.

Các quan chức ở đó nói rằng hòn đảo, nơi đã được sử dụng để chôn cất những người không có họ hàng trong hơn 150 năm, hiện đang chôn cất các thi thể nhiều hơn gấp năm lần so với bình thường.

Trước đó một ngày, ông Fauci nói với CNN rằng các quan chức hiện đang thảo luận về việc có nên áp dụng giấy chứng nhận miễn dịch cho người Mỹ sống sót sau khi nhiễm virus corona và có kháng thể trong máu để chứng minh điều đó hay không.

Các chứng chỉ có thể “có một số giá trị trong một số trường hợp nhất định”, ông nói thêm rằng các xét nghiệm kháng thể sẽ có sẵn vào tuần tới.

Trong khi đó, tại Washington, các nhà lập pháp đang xem xét một “quỹ anh hùng Covid-19” để chi trả trực tiếp cho các những người lao động tuyến đầu của đại dịch.

Đề xuất do đảng Dân chủ kêu gọi với mức lương 13 đô la mỗi giờ, trên mức lương mà người lao động hiện nay nhận được từ chủ lao động. Thanh toán sẽ được giới hạn ở mức 25.000 đô la.

Tiền sẽ được chuyển cho các y tá, bác sĩ, nhân viên cửa hàng tạp hóa, nhân viên vận chuyển, và những người lao động trong các lĩnh vực thiết yếu khác.

https://www.bbc.com/vietnamese/52252486

 

Covid-19: Mồ chôn tập thể trên đảo ở New York

để giảm tải nhà xác

Minh Anh

Tại New York, số người chết đã tăng vọt trong ba ngày gần đây. Thành phố đối mặt với tình trạng thiếu chỗ giữ xác các nạn nhân, nên đành phải kích hoạt một biện pháp trong kế hoạch khẩn cấp đối phó dịch bệnh : Đào hố chôn tập thể đầu tiên tại Hart Island.

Từ 150 năm qua, nơi đây chủ yếu được dành để chôn cất người nghèo, tù nhân, người vô gia cư hay những người không được thân nhân nhận xác. Đây cũng từng là nơi chôn cất các nạn nhân của dịch cúm Tây Ban Nha và SIDA.

Từ New York, thông tín viên Carrie Nooten tường thuật :

« Hình ảnh gây ngỡ ngàng : Một đường hào dài đầu tiên vừa được đào xong, và người ta nhìn thấy những người đàn ông trong trang phục bảo hộ mầu trắng chất vào đó những chiếc hòm gỗ thông có khắc tên thành hai dãy, mỗi dãy ba hàng, rồi phủ đất lại. Thiết bị bay điều khiển từ xa bay lượn trên không ở Hart Island, phía đông quận Bronx, bang New York, ghi lại cảnh tượng diễn ra chỉ cách trung tâm thành phố Manhattan vài kilomet. 

Hòn đảo này nổi tiếng là nơi tọa lạc nghĩa trang dành cho người nghèo của vùng đô thị, từ 150 năm nay. Đây cũng nơi được dự kiến để chôn cất các nạn nhân của dịch cúm trong kế hoạch khẩn cấp của thành phố, được thành lập cách nay 10 năm. Người ta chỉ có thể đến nơi này bằng thuyền. Cách đây hai ngày, một chiếc thuyền đầu tiên chở một thùng đông lạnh đã đổ lên đảo.

Thành phố đã tuyển dụng thêm nhiều lao động để đào huyệt bằng máy xúc. Lúc bình thường, mỗi tuần có 25 thi thể được các tù nhân của trại tù Rikers kế bên chôn cất. Thông thường đó là những cư dân New York không được người thân nhìn nhận, hoặc là tù nhân.

Những ngày gần đây, cũng là con số 25, nhưng là mỗi ngày, năm ngày trong tuần. Chính quyền thành phố không cho biết rõ đó có phải là nạn nhân của Covid-19 hay không. Nhưng một điều chắc chắn là những thi thể này được gởi đến đây để giảm tải cho các nhà xác của thành phố, mà số lượng thi hài đã tăng gấp đôi so với lúc bình thường. Gia đình  nào muốn nhận xác sẽ phải lên tiếng đòi áo quan người thân của họ, trong thời hạn 15 ngày, để tổ chức tự chôn cất. »

http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200411-covid-19-m%E1%BB%93-ch%C3%B4n-t%E1%BA%ADp-th%E1%BB%83-tr%C3%AAn-%C4%91%E1%BA%A3o-%E1%BB%9F-new-york-%C4%91%E1%BB%83-gi%E1%BA%A3m-t%E1%BA%A3i-nh%C3%A0-x%C3%A1c

 

1,6 triệu ca nhiễm, 100 ngàn người chết vì corona

Số người chết vì virus corona lên tới 100.000 hôm 10/4, số ca nhiễm vượt qua 1,6 triệu, theo số liệu Reuters theo dõi.

Ca tử vong đầu tiên vì COVID-19 xuất phát từ Vũ Hán hôm 9/1. Sau 83 ngày, thế giới có 50.000 người thiệt mạng và chỉ 8 ngày tiếp theo, tổng số người chết lên tới 100.000.

Tỷ lệ tử vong tăng hàng ngày từ 6% tới 10% trong tuần qua.

Tỷ lệ này giờ đây được so sánh với Cái Chết Đen giữa thập niên 60, một căn bệnh truyền nhiễm ở London đã giết hơn 100.000 người, vào thời đó là 1/3 dân số của toàn bộ thành phố London.

Tuy nhiên dịch corona hiện nay còn thua dịch cúm Tây Ban Nha khởi phát năm 1918 đã cướp đi sinh mạng của khoảng hơn 20 triệu người.

Virus corona chủng mới được cho là xuất hiện đầu tiên ở Vũ Hán, sau đó lan nhanh ra khỏi biên giới Trung Quốc và phát tán khắp thế giới.

Những con số tính tới 10/4 – 100.000 người chết và 1,6 triệu người nhiễm – cho thấy tỷ lệ tử vong ở mức 6.25%, nghĩa là trong 100 người nhiễm thì có hơn 6 người chết, nhưng nhiều chuyên gia tin rằng tỷ lệ thực sự thì thấp hơn bởi chưa tính tới những người bị nhiễm có triệu chứng nhẹ hay không triệu chứng. Khi người nhiễm không có triệu chứng thì không được tính vào số ca nhiễm tổng cộng.

Một số nước, bao gồm Ý, Pháp, Algeria, Hà Lan, Tây Ban Nha và Anh hiện báo cáo hơn 10% các ca nhiễm là tử vong.

Một trong những cuộc nghiên cứu lớn nhất về tỷ lệ tử vong của virus corona, gồm 44.000 bệnh nhân ở Trung Quốc, cho thấy tỷ lệ này là 2.9%.

Cuộc nghiên cứu này nói 93% các ca tử vong là người trên 50 tuổi, trong đó hơn phân nửa là trên 70 tuổi.

Tuy nhiên, số tử vong toàn cầu ngày càng xuất hiện nhiều người trẻ và thiếu niên.

Bắc Mỹ hiện chiếm hơn 30% các ca tử vong.

Tại Châu Âu, các nước có dân số già như Tây Ban Nha và Ý có số tử vong cao.

Miền Nam Châu Âu chiếm hơn 1/3 số ca thiệt mạng trên thế giới.

Tại nhiều nước, dữ liệu chính thức chỉ bao gồm các ca tử vong trong bệnh viện, không tính tử vong tại gia hay ở viện dưỡng lão.

https://www.voatiengviet.com/a/d%E1%BB%8Bch-corona-1-6-tri%E1%BB%87u-ca-nhi%E1%BB%85m-100-ng%C3%A0n-ng%C6%B0%E1%BB%9Di-ch%E1%BA%BFt-tr%C3%AAn-to%C3%A0n-c%E1%BA%A7u/5368112.html

 

Công ty dược Amneal cạn nguyên liệu

sản xuất thuốc hydrochloroquine cho COVID-19

Công ty dược Amneal có thể sớm cạn nguyên liệu để sản xuất thuốc chống sốt rét hydrochloroquine hiện được xem có khả năng chữa trị COVID-19 vì Phần Lan giữ thuốc để dùng trong nước, theo giám đốc điều hành của công ty dược này.

Amneal cam kết sản xuất khoảng 20 triệu viên Hydroxychloroquine vào giữa tháng 4, nhưng sẽ gặp những thách thức sản xuất nhiều thêm nữa sau thời hạn này vì những khó khăn trong việc mua các chất liệu từ công ty cung cấp Phần Lan, Chirag và Chintu Patel, hai vị đồng giám đốc điều hành, cho biết.

“Vì mức cầu gia tăng trên toàn cầu… chính phủ Phần Lan đã đặt đơn hàng khẩn để ưu tiên nhu cầu tiêu dùng nội địa,” ông Chintu Patel nói trong một cuộc phỏng vấn ngày 7/4.

Hydroxychloroquine là một loại thuốc có từ nhiều thập niên nay, được nhiều người quảng bá, kể cả Tổng thống Donald Trump, như là một vũ khí tiềm năng chống COVID-19. Thuốc này đã trở thành tiêu chuẩn để sử dụng trong những khu vực bị đại dịch nặng nề, dù các bác sĩ kê đơn không biết là thuốc có ảnh hưởng hay không.

Nhu cầu về thuốc gia tăng mạnh mẽ trên toàn thế giới và một số nước như Ấn Độ đã hạn chế việc xuất khẩu. Amneal hiện sản xuất thuốc Hydroxychloroquine tại Ấn Độ và công ty đang làm việc với Ấn Độ để đặc biệt cho phép chuyển sản phẩm hoàn tất về Mỹ.

Theo cơ quan dược phẩm Phần Lan Fimea, Phần Lan chưa cấm hay hạn chế xuất khẩu thuốc.

Tuy nhiên, ngay cả trong những tình huống bình thường, luật Phần Lan đòi hỏi các công ty dược cam kết trước hết phải thỏa mãn nhu cầu quốc gia. Fimea nói thêm là vì nhu cầu Hydeoxychloroquine và các chất liệu trong thuốc đã tăng mạnh tại Phần Lan nên các nhà sản xuất nước này chỉ còn một ít để xuất khẩu.

Chính phủ Phần Lan, dựa vào tình trạng khẩn cấp được công bố, đang chuẩn bị tu chính nếu được chấp thuận sẽ cho phép hạn chế xuất khẩu một vài loại thuốc.

Orion Corp và chi nhánh Fermion là hai công ty Phần Lan sản xuất Hydrochloroquine và những nguyên liệu thô. Fermion là công ty cung cấp cho Amneal, theo một nguồn tin thông thạo với vấn đề này.

Trong môt thông cáo, Orion nói việc có được nguyên liệu thô ở nước ngoài là một thách thức và sẽ rất vui nếu có thể chuyển giao nhiều hơn.

Ông Chintu Patel nói ông tin là vấn đề cung cấp sẽ dễ dàng hơn trong vòng 2 hay 3 tháng tới.

https://www.voatiengviet.com/a/c%C3%B4ng-ty-d%C6%B0%E1%BB%A3c-amneal-c%E1%BA%A1n-nguy%C3%AAn-li%E1%BB%87u-s%E1%BA%A3n-xu%E1%BA%A5t-thu%E1%BB%91c-hydrochloroquine-cho-covid-19/5368191.html

 

Thượng Nghị sĩ Mỹ lên án

Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam ở Biển Đông

Hôm 10/4, bốn Thượng nghị sĩ Mỹ đã đưa một tuyên bố lên án Trung Quốc cho tàu hải cảnh đâm chìm tàu cá Việt Nam và triển khai máy bay chiến đấu ra Biển Đông.

Đây là lần thứ ba phía Mỹ có những tuyên bố lên án hành động đâm chìm tàu của Trung Quốc kể từ khi sự việc xảy ra vào sáng sớm ngày 2/4 ở gần khu vực quần đảo Hoàng Sa đang tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Sau khi vụ việc xảy ra, cả Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Mỹ đều lên tiếng phản đối hành động này của Trung Quốc, gọi đây là hành động ức hiếp các nước láng giềng của Trung Quốc.

Thượng nghị sĩ Jim Risch được trích lời trong tuyên bố nói những hành động đâm tàu cá và triển khai vũ khí ra các thực thể ngoài Biển Đông của Trung Quốc “là những ví dụ mới nhất về sự đe doạ trắng trợn của Đảng Cộng sản Trung Quốc đối với các nước láng giềng nhằm khẳng định những đòi hỏi trên biển quá đáng. Đảng Cộng sản Trung Quốc đang phá hoại sự ổn định trong khu vực vào khi mà cộng đồng quốc tế nên làm việc cùng nhau để chống đại dịch COVID-19”.

Thượng nghị sĩ Bob Mendez, Chủ tịch Uỷ ban đối ngoại Thượng viện nói: “Hành động đâm chìm tàu sai trái của tàu hải cảnh Trung Quốc đối với tàu cá Việt Nam là mập mờ và là sự bao gồm của hành động không an toàn không chấp nhận được trên biển, xứng đáng phải bị lên án”. Ông cũng đồng thời khẳng định Hoa Kỳ phải đứng lên và ủng hộ các nỗ lực trong khu vực và các đồng minh cũng như đối tác của mình để đảm bảo tự do hàng hải, cơ hội kinh tế cho toàn bộ khu vực Ấn Độ Thái Bình Dương.

Thượng nghị sĩ Cory Gardner gọi hành động đâm tàu cá Việt Nam của tàu hải cảnh Trung Quốc là “sự vi phạm trắng trợn luật quốc tế diễn ra vào thời điểm các quốc gia đang chống lại dịch bệnh COVID-19”. Ông kêu gọi chính phủ Hoa Kỳ sử dụng các công cụ chính sách của mình bao gồm Đạo luật Sáng kiến tái đảm bảo Châu Á để gây sức ép lại đối với Đảng Cộng sản Trung quốc.

Thượng nghị sĩ Ed Markey, Chủ tịch Tiểu ban Đông á, Thái Bình dương và Chính sách an ninh mạng quốc tế của Thượng viện khẳng định phía Hoa Kỳ sẽ không nhắm mắt làm ngơ trước các hành động lấn át về quân sự của Trung Quốc đối với các nước thuộc khu vực Đông Nam Á, trợ giúp các đối tác và đồng minh trong khu vực để bảo vệ tự do hàng hải, thương mại và tuân thủ luật quốc tế trước Trung Quốc.

Theo truyền thông trong nước, sau khi đâm chìm tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi với 8 ngư dân trên tàu, hải cảnh Trung Quốc tiếp tục bắt giữ hai tàu cá khác của Việt Nam đến nhằm giải cứu cho tàu chìm, đồng thời xua đuổi chiếc tàu cá thứ ba của Việt Nam đến ứng cứu. Các thiết bị trên hai tàu cá đến ứng cứu bị phía Trung Quốc đập phá.

Bộ Ngoại giao Việt Nam đã chính thức lên tiếng phản đối hành động này của Trung Quốc và đòi bồi thường cho các ngư dân.

Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Trung Quốc sau đó lại lên tiếng cáo buộc tàu cá Việt Nam đâm tàu hải cảnh Trung Quốc trong vùng nước thuộc chủ quyền của nước này.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/us-senator-condemn-sinking-vn-boat-by-china-04112020093244.html

 

Covid-19: Bất chấp số người chết kỷ lục,

TT Trump vẫn muốn tái khởi động kinh tế

Minh Anh

Virus corona chủng mới chưa cho thấy có dấu hiệu giảm cường độ hoạt động. Thế giới vượt ngưỡng 100 ngàn người chết và hơn một triệu ca nhiễm virus. Nước Mỹ trở thành tâm dịch lớn nhất khi chỉ trong vòng 24 giờ, có thêm 2.100 người chết, nâng tổng số nạn nhân vì Covid-19 lên thành 18.856 người.

Bang New York vẫn là nơi dịch bệnh hoành hành dữ dội nhất, hơn 7.800 ca tử vong và hơn 160.000 người nhiễm virus. Thế nhưng, trong bối cảnh u ám này, nguyên thủ Mỹ một lần nữa nhắc lại mong muốn chấn hưng kinh tế, nhưng ông lại không thể đưa ra thời điểm cụ thể để dỡ bỏ các biện pháp phong tỏa chận dịch. Giới chuyên gia lo ngại việc dỡ bỏ các biện pháp phong toả như vậy có nguy cơ làm tái bùng phát dịch bệnh, trong lúc Hoa Kỳ vẫn còn đang chật vật đối phó. Trong các buổi họp báo hàng ngày, nguyên thủ Mỹ luôn tỏ thái độ tin tưởng, lạc quan và các phát biểu của ông bắt đầu khiến giới thân cận ngày càng quan ngại.

Từ Washington, thông tín viên Anne Corpet giải thích :

« Đó là một cuộc hẹn thường nhật, có thể kéo dài hơn hai tiếng. Bởi vì tổng thống Mỹ không chỉ dừng ở việc thông tin cho người dân về diễn biến dịch bệnh. Không được tổ chức các cuộc mít tinh bầu cử, ông tận dụng diễn đàn này để chỉ trích đảng Dân Chủ, khiển trách giới báo chí và đôi khi nói trái lại với những phân tích của giới chuyên gia về virus corona.

Thứ Sáu, 10/4, nguyên thủ Mỹ tuyên bố muốn tái khởi động nhanh chóng nền kinh tế trong khi mà cũng chính tại buổi họp báo này, bác sĩ Fauci liên tục giải thích rằng tuyệt đối phải duy trì các biện pháp phong tỏa.

Trong một bài xã luận tuần này, tờ Wall Street Journal, vốn ít chỉ trích tổng thống Mỹ, đã đề xuất là ông Donald Trump nên hạn chế xuất hiện trước công chúng. Còn theo tờ New York Times, những người thân cận của tổng thống ở Nhà Trắng và một vài người trong số các cố vấn đồng minh thân cận thuộc đảng Cộng Hòa cho rằng các buổi họp báo thường nhật của ông Trump là phản tác dụng.

“Thông điệp của tổng thống bị chìm ngập”, Lindsey Graham lo lắng. Vị nghị sĩ này cho rằng tốt nhất là một buổi họp báo hàng tuần hơn là thường nhật. Nhưng ông Donald Trump, trên Twitter, khoe khoang số lượng thính giả theo dõi các buổi họp báo hàng ngày của ông, dù rằng một số kênh truyền hình thường ngưng phát sóng các chương trình này ».

http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200411-covid-19-b%E1%BA%A5t-ch%E1%BA%A5p-s%E1%BB%91-ng%C6%B0%E1%BB%9Di-ch%E1%BA%BFt-k%E1%BB%B7-l%E1%BB%A5c-tt-trump-v%E1%BA%ABn-mu%E1%BB%91n-t%C3%A1i-kh%E1%BB%9Fi-%C4%91%E1%BB%99ng-kinh-t%E1%BA%BF

 

Tổng thống Trump tổ chức Lễ Phục Sinh tại Nhà Trắng

Thiện Lan

Một góc Vườn Hồng của Nhà Trắng, ảnh chụp ngày 3/4/2020 (ảnh: Andrea Hanks / White House).

Tổng thống Donald Trump đã tổ chức buổi Lễ Phục Sinh tại Nhà Trắng vào hôm thứ Sáu (10/4), trong khi đại dịch đang diễn ra.

“Vào thời điểm thiêng liêng này, đất nước chúng ta đang tham gia vào một trận chiến chưa từng có trước đây với một kẻ thù vô hình”, ông Trump nói trước khi được ban phước.

Phước lành được Đức cha Harry Jackson, mục sư cao cấp tại Nhà thờ Hope Christian ở Beltsville, Maryland ban tặng.

“Xin Chúa hãy cho những người thiện lương đã chết được siêu thoát”, Đức cha Harry Jackson cầu nguyện. “Xin Ngài hãy giảm thiểu tai họa này, dịch bệnh này và sớm có phương thức chữa trị”.

Tổng thống yêu cầu tất cả người Mỹ cầu nguyện cho đất nước và các nhân viên y tế trong khi đại dịch viêm phổi Vũ Hán đang hoành hành ở Hoa Kỳ.

“Mặc dù chúng ta sẽ không thể sum họp với nhau như thường lệ vào Lễ Phục Sinh, chúng ta có thể sử dụng thời gian thiêng liêng này để cầu nguyện, suy nghĩ và tăng thêm tín tâm của chúng ta vào Chúa”, ông nói. “Việc này rất quan trọng”.

Theo Breitbart

Thiện Lan dịch và biên tập

https://www.dkn.tv/the-gioi/tong-thong-trump-to-chuc-le-phuc-sinh-tai-nha-trang.html

 

TT Trump cân nhắc ‘quyết định hệ trọng nhất’

khởi động lại nền kinh tế

Tổng thống Donald Trump ngày thứ Sáu nói ông đối mặt với quyết định lớn nhất của mình về việc khi nào nên khởi động lại nền kinh tế Mỹ vốn đang đình trệ vì dịch virus corona và cam kết lắng nghe các chuyên gia y tế khi đưa ra quyết định đó.

Phát biểu tại buổi họp báo cập nhật tình hình virus corona tại Nhà Trắng, ông Trump cho biết ông sẽ ra mắt một nhóm cố vấn mới vào tuần sau tập trung vào quá trình khai mở nền kinh tế.

Tổng thống đã tỏ ra lo lắng về tác động kinh tế khốc liệt của các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt mà chính quyền của ông đã khuyến nghị. Các chỉ dẫn này được áp dụng cho đến hết tháng 4.

Tổng thống sau đó sẽ phải quyết định nên gia hạn các biện pháp này hay bắt đầu khuyến khích mọi người quay trở lại làm việc và một lối sống bình thường hơn.

“Tôi sẽ phải đưa ra quyết định và cầu trời đó là quyết định đúng đắn,” ông Trump nói. “Nó sẽ là quyết định hệ trọng nhất mà tôi từng đưa ra.”

Ông Trump cho biết các dữ kiện sẽ quyết định hành động tiếp theo, mặc dù ông nhắc lại mong muốn khởi động lại nền kinh tế. Khi được hỏi ông sẽ sử dụng những thông số nào để đưa ra quyết định, ông chỉ vào trán và nói: “Thông số ngay trong đây, đó là thông số của tôi.”

Ông Trump nói rằng số ca nhiễm mới đang bớt đi và số người chết sẽ thấp hơn so với dự đoán ban đầu là hơn 100.000 người.

Ông nói ông sẽ công bố các thành viên của hội đồng cố vấn mới có thể vào ngày thứ Ba. Một số thống đốc bang sẽ được bổ nhiệm.

Ông Trump cho biết các biện pháp giãn cách xã hội quyết liệt và lệnh ở nhà được ban hành để chống lại virus corona đang cho thấy những dấu hiệu thành công và tình hình tại các điểm nóng như New Orleans, Louisiana và Detroit, Michigan, đang ổn định.

Số người chết ở Mỹ vì virus này đã vượt quá 18.100 người vào thứ Sáu, theo con số kiểm đếm của Reuters.

Nhưng các quan chức chính quyền cảnh báo vẫn còn quá sớm để giảm bớt những hạn chế và nói rằng các tín hữu không nên tụ tập trong các nhà thờ vào ngày lễ Chủ nhật Phục Sinh.

https://www.voatiengviet.com/a/tong-thog-trump-can-nhac-quyet-dinh-he-trong-nhat-khoi-dong-lai-nen-kinh-te/5368473.html

 

Người Mỹ tham gia vụ kiện

đòi Trung Quốc bồi thường về virus corona

Trong vòng chưa đầy một tháng, hơn 5.000 người Mỹ đã tham gia một vụ kiện tại Florida đòi chính phủ Trung Quốc bồi thường vì những thiệt hại do COVID-19 gây ra. Các nguyên đơn cho rằng họ bị thiệt hại to lớn vì sự lơ là của Trung Quốc trong việc chế ngự virus. Những vụ kiện nhưng vậy cũng được tiến hành tại Nevada và Texas.

“Vụ kiện của chúng tôi liên hệ đến những người bị thiệt hại về thể xác vì bị lây nhiễm virus… Vụ kiện cũng liên hệ đến những hoạt động thương mại mà Trung Quốc đã tiến hành trong “những chợ buôn bán đồ tươi sống,” công ty luật Berman đệ đơn kiện ở Florida nói với Đài VOA.

Công ty nêu ra những trường hợp đặc biệt về ‘hoạt động thương mại’ và ‘tổn hại cá nhân, dùng Đạo luật Đặc miễn Chủ quyền Nước ngoài (FSIA) làm căn bản pháp lý để kiện Trung Quốc.

Giáo sư Chimene Keitner, trường Luật, Đại học Hastings California tại San Francisco, không đồng ý.

“Nếu bạn đọc bất cứ ca nào theo luật FSIA viết rất rõ về tổn hại cá nhân, thì việc hành xử của các giới chức Trung Quốc cần phải xảy ra trên đất Mỹ để luật được áp dụng. Và không có cáo buộc về hoạt động thương mại tại đây,” bà Chimene nói.

Bà nói thêm, “bạn không thể kiện nước ngoài về những quyết định chính sách của họ.”

Các tòa án quốc tế

Một vụ kiện của Mỹ chống Trung Quốc để đòi bồi thường 1.200 tỉ đô la có thể được khởi động, theo tổ chức nghiên cứu bảo thủ Anh mang tên Hiệp hội Henry Jackson. Trong phúc trình mới, tổ chức này nói Trung Quốc có thể chịu trách nhiệm về những thiệt hại gây ra vì đã xử lý không đúng cách từ đầu về dịch bệnh này. Đặc biệt là có ý định che giấu thông tin mà Tổ chức Y tế Thế giới xem như là vi phạm những Qui định Y tế Quốc tế.

Cơ quan nghiên cứu này thúc đẩy các nước kiện Trung Quốc, đưa ra 10 tổ chức pháp lý khác nhau để kiện, trong đó có WHO, Tòa án Công lý Quốc tế, Tòa Trọng tài Thường trực, những tòa án tại Hong Kong và tại Mỹ.

“Không chỉ dùng một nhưng phối hợp nhiều cơ quan tài phán có thể chứng tỏ là hữu hiệu,” ông Andrew Foxall, giám đốc nghiên cứu tại Hiệp hội Henry Jackson và đồng tác giả phúc trình nói trong một cuộc phỏng vấn với VOA.

Các nước, trong đó có Mỹ, dường như không muốn tiến tới, và chính thức thách thức pháp lý chống Trung Quốc về virus corona, theo ông David Fidler, giáo sư thỉnh giảng tại trường Luật Đại học Washington ở St. Louis và cựu cố vấn pháp lý của WHO.

“Dịch bệnh có thể bùng phát bất cứ nơi nào..,” ông Fedler nói. “Đáng chú ý là nhiều nước có quan tâm chung rằng chớ áp dụng luật quốc tế theo cách máy móc liên hệ đến bệnh truyền nhiễm bùng phát.”

Tổn hại xuyên biên giới

Luật không chính thức về ‘Trách nhiệm Quốc tế’ về những thiệt hại do một nước khác gây ra được công nhận lần đầu tiên trong vụ trọng tài Trail Smelter trong những năm 1920.

Một công ty nung chảy kim loại tại British Columbia, Canada, phát thải khí độc làm thiệt hại rừng và mùa màng chung quanh khu vực và xuyên qua biên giới Mỹ-Canada tại tiểu bang Washington. Một tòa án được thành lập tại Canada và Mỹ để giải quyết tranh chấp và chính phủ Canada đồng ý bồi thường.

Các học giả về luật có kết luận tương tự về trách nhiệm của Trung Quốc trong việc làm lây lan virus corona.

“Nếu Canada có luật môi trường tốt, công ty nung chảy kim loại sẽ không làm ô nhiễm môi trường và sẽ không gây thiệt hại tại Mỹ. Có vẻ như có liên hệ ở đây. Nếu Trung Quốc giữ một chế độ qui định an toàn thực phẩm thích hợp thì thiệt hại sẽ không lan rộng,” ông Russel Miller, giáo sư luật tại Đại học Washington and Lee, nói.

Ông William Starshak, luật sư tài chánh tại Chicago, nêu rõ là tốt hơn hết Trung Quốc nên nhận trách nhiệm như Canada đã làm.

(BTV Eunjung Cho)

https://www.voatiengviet.com/a/ng%C6%B0%E1%BB%9Di-m%E1%BB%B9-tham-gia-v%E1%BB%A5-ki%E1%BB%87n-%C4%91%C3%B2i-trung-qu%E1%BB%91c-b%E1%BB%93i-th%C6%B0%E1%BB%9Dng-v%E1%BB%81-virus-corona/5368214.html

 

Học giả luật quốc tế: Làm thế nào để buộc Trung Quốc

phải đền bù thiệt hại do Virus corona gây ra

Duy Nghĩa

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kiểm tra công tác phòng chống và kiểm soát virus corona tại khu phố Anhuali ở Bắc Kinh, Trung Quốc, hôm 10/2/2020. (Ảnh: Tân Hoa Xã).

Trong một bài bình luận đăng trên ‘National Review’, các học giả John Yoo và Ivana Stradner tại Viện Doanh nghiệp Mỹ (AEI), đã đề xuất một số biện pháp pháp lý, nhằm buộc Trung Quốc phải đền bù thiệt hại do Virus corona gây ra.

Theo 2 học giả, giáo sư luật John Yoo và tiến sĩ luật Ivana Stradner, một trong những câu hỏi lớn đối với cộng đồng quốc tế hiện nay là “làm thế nào để buộc Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về mặt pháp lý và chính trị đối với tất cả sự bất lương của họ, và gây tổn hại cho người dân trên thế giới”.

Theo các báo cáo, các cơ quan tình báo Mỹ đã xác nhận với Nhà Trắng rằng Trung Quốc đã cố tình nói giảm đi số người nhiễm bệnh và bị chết do dịch virus corona. Sự lừa dối đó xảy ra sau khi Bắc Kinh liều lĩnh che đậy tin tức về nguồn gốc, sự lan truyền nhanh chóng và gây chết người của COVID-19, vào tháng 12/2019 và tháng 1/2020.

“Các quan chức Trung Quốc đã trừng phạt các bác sĩ, những người đã cố gắng cảnh báo về sự bùng phát virus ở Vũ Hán. Họ đã làm chậm việc xác định và nghiên cứu về virus, và cho phép hàng ngàn người [Vũ Hán] rời khỏi khu vực này đến phần còn lại của thế giới”, 2 học giả nêu rõ.

Theo 2 học giả, “Nếu Trung Quốc là một cá nhân, một công ty hoặc một quốc gia tuân thủ luật pháp, thì sẽ phải bồi thường cho những thiệt hại mà họ đã gây ra trên toàn thế giới”.

Chỉ riêng Mỹ, nước này có thể chịu tổn thất với 200.000 hoặc nhiều hơn sinh mệnh bị chết, thiệt hại hàng nghìn tỷ USD chi phí chăm sóc sức khỏe, hàng nghìn tỷ USD trong hoạt động kinh tế không còn tồn tại nữa, và hàng nghìn tỷ USD trong chi tiêu mới của chính phủ. Những thất bại của Trung Quốc khiến họ phải chịu trách nhiệm pháp lý theo luật pháp quốc tế, nhưng đại dịch COVID-19 đã phơi bày cuộc khủng hoảng về tính không hiệu quả và tham nhũng của các tổ chức quốc tế.

“Do đó, thay vì tập trung vào luật pháp quốc tế, Mỹ cần bảo vệ lợi ích quốc gia của mình bằng cách chọn cơ chế tự trợ giúp”, 2 học giả nhận định.

2 học giả cho rằng các tổ chức quốc tế không thiết lập được phương thức nào có ý nghĩa, để buộc Trung Quốc phải khắc phục tổn hại mà họ đã gây ra. Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, được cho là cơ quan lập pháp và hành pháp tối cao trong luật pháp quốc tế, không thể buộc Trung Quốc phải chịu trách nhiệm vì Trung Quốc và Nga sẽ thực hiện quyền phủ quyết của ủy viên thường trực, đối với bất kỳ nghị quyết nào của Hội đồng Bảo an.

Theo 2 học giả, Trung Quốc đã khiến Liên Hợp Quốc (LHQ) bất lực, mặc dù Tổng thư ký LHQ, ông Antonio Guterres, tuyên bố đại dịch COVID-19 là cuộc khủng hoảng thách thức nhất của thế giới kể từ Thế chiến II, vì nó đã trở thành mối đe dọa đối với hòa bình và an ninh quốc tế, bằng cách đóng cửa các khu vực kinh tế toàn cầu, và giết chết hàng ngàn người, nếu không phải là hàng triệu người.

Mỹ và các đồng minh “cũng có thể cố gắng kiện Trung Quốc trước một tòa án quốc tế, như Tòa án Công lý Quốc tế, mặc dù [cho đến nay] chưa có quốc gia nào bị kiện vì vi phạm các hiệp ước về bệnh truyền nhiễm”, 2 học giả nhận xét.

Tuy nhiên, “ngay cả khi một tòa án phán xử Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về tổn hại do việc xử lý COVID-19 của họ gây ra, Trung Quốc sẽ phớt lờ mọi quyết định”, 2 học giả lưu ý.

Khi Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA) tuyên bố việc Trung Quốc xây dựng các đảo nhân tạo ở Biển Đông, đã vi phạm luật pháp quốc tế, Bắc Kinh chỉ đơn giản là phớt lờ phán quyết. Một quan chức Trung Quốc còn ngang ngược tuyên bố rằng phán quyết “không có khác gì một tờ giấy vụn”.

Do đó, 2 học giả cho rằng “không nên mong đợi gì khác với Trung Quốc trong trường hợp đại dịch COVID-19”.

Theo 2 học giả, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chỉ có cơ chế giải quyết tranh chấp yếu ớt, không có tính ràng buộc. Nhưng việc Trung Quốc không báo cáo kịp thời sự bùng phát virus corona cho WHO, đã vi phạm Điều lệ Y tế Quốc tế (IHR), trong đó yêu cầu các quốc gia thông báo cho WHO về tình trạng khẩn cấp sức khỏe cộng đồng tiềm tàng của mối quan tâm quốc tế.

Trên thực tế, Trung Quốc đã sử dụng quỹ chiến tranh của họ để thao túng WHO. Tài trợ hàng năm của Trung Quốc cho tổ chức này, dựa trên sự đóng góp tự nguyện, đã tăng lên 86 triệu USD kể từ năm 2014 (tăng 52%).

Tổng giám đốc của WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, đã ca ngợi giới lãnh đạo Trung Quốc là “cởi mở chia sẻ thông tin” với cộng đồng quốc tế, và tuyên bố “Trung Quốc đã cho thế giới thời gian” [để chuẩn bị đối phó với] virus corona.

Vào tháng 1/2020, WHO đã nhắc lại như con vẹt quan điểm của Trung Quốc rằng không có bằng chứng rõ ràng nào về việc lây truyền từ người sang người của chủng virus corona mới. WHO cũng đã nghe theo quan điểm của Trung Quốc về Đài Loan, loại trừ tư cách thành viên và ngăn cản Đài Loan tham gia các cuộc họp đối phó với COVID-19.

Mặc dù một số học giả cho rằng một ngân sách lớn hơn sẽ giúp WHO hoạt động hiệu quả hơn, “chính quyền Trump đã hành động đúng khi giảm đi một nửa khoản đóng góp của Mỹ”.

WHO không chỉ là tổ chức ưu ái Trung Quốc, mà còn chi 200 triệu USD mỗi năm cho các quan chức của họ du lịch xa xỉ.

“Mỹ nên điều tra WHO và tổng giám đốc của nó và vạch trần mối quan hệ của họ với Trung Quốc”, 2 học giả kêu gọi.

Theo 2 học giả, thay vì dựa vào các thể chế quốc tế tham nhũng, đầy mâu thuẫn như WHO, “Hoa Kỳ và các đồng minh cần dựa vào nguồn lực của tự thân, mà không cần sự giúp đỡ của người khác”. Để bảo vệ, chống lại sự bùng phát virus tiếp theo, “Mỹ nên tạo ra một cơ chế giám sát mới, có thể phát hiện sớm các mối đe dọa sức khỏe toàn cầu, truyền tải thông tin về chúng một cách đáng tin cậy, và phối hợp các nỗ lực quốc gia để triển khai đáp trả”. Cách thức kiểm tra của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế đối với vũ khí hạt nhân bất hợp pháp, có thể cung cấp một mô hình [tham khảo]. Hoa Kỳ và các quốc gia giàu có khác có thể thiết lập một hệ thống kiểm tra tương tự, và cung cấp hỗ trợ tài chính cho các quốc gia đang phát triển đồng ý tham gia.

2 học giả cho rằng ‘tin nhưng phải kiểm chứng’ có thể trở thành khẩu hiệu không chỉ cho các hiệp ước cắt giảm vũ khí hạt nhân của Tổng thống Ronald Reagan với Liên Xô, mà còn cho một hệ thống y tế toàn cầu thực sự hiệu quả.

Theo 2 học giả, Mỹ cũng cần trừng phạt Trung Quốc vì họ đã không [ngăn chặn kịp thời] virus corona. Việc trừng phạt này sẽ là một động lực để Bắc Kinh sửa đổi đường lối của mình. Washington có thể thuyết phục các quốc gia chủ đạo, tham gia cùng với mình, trong việc ngăn chặn các nghiên cứu sinh và sinh viên Trung Quốc, ra khỏi các trung tâm nghiên cứu khoa học và trường đại học. Trung Quốc đã sử dụng chương trình ‘Ngàn nhân tài’ của mình, tuyển dụng các nhà khoa học, để giúp đánh cắp công nghệ nhạy cảm từ các phòng thí nghiệm của Mỹ.

2 học giả cho hay trước việc các Viện Khổng Tử của Trung Quốc đã tiến hành các hoạt động tuyên truyền trong khi giả dạng là trung tâm văn hóa Trung Hoa tại các trường đại học Mỹ, Thượng nghị sĩ Ted Cruz (tiểu bang Texas) và Hạ nghị sĩ Francis Rooney (tiểu bang Florida) đã đưa ra Đạo luật Ngăn chặn Hành vi trộm cắp và Gián điệp Đại học, để giúp các trường bảo vệ chống lại các mối đe dọa của các đối thủ nước ngoài.

Theo 2 học giả, Mỹ và các đồng minh cần tăng thêm áp lực buộc Bắc Kinh áp dụng lập trường hợp tác, minh bạch hơn đối với sức khỏe cộng đồng, thông qua việc áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế, gây ra những tác hại kinh tế nghiêm trọng đối với Trung Quốc.

“Chính quyền Trump có thể tăng cường nỗ lực ngăn chặn Trung Quốc mua và bán các công nghệ tiên tiến, như vi mạch, trí tuệ nhân tạo hoặc công nghệ sinh học. Mỹ đã thực hiện một bước quan trọng theo hướng đó, trong tuần này bằng cách thực hiện các biện pháp mới về xuất khẩu vi mạch cho Huawei”, 2 học giả nhấn mạnh.

2 học giả kiến nghị “Mỹ cần sử dụng các biện pháp trừng phạt có mục tiêu, đối với các nhà lãnh đạo cụ thể của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), và những người ủng hộ họ bằng cách đóng băng tài sản của họ và cấm đi lại. Chính quyền cần áp đặt hình phạt đối với những người ủng hộ ĐCSTQ, sao cho họ phải thay đổi chính sách để giảm bớt thiệt hại kinh tế của chính họ. Ngoài việc tạm dừng bất kỳ hợp tác thương mại nào với Bắc Kinh, chính quyền Mỹ cũng có thể thu giữ tài sản của các công ty nhà nước Trung Quốc”.

Theo Sáng kiến Vành đai và Con đường, Bắc Kinh được cho là đã cho các quốc gia đang phát triển ở Châu Phi, Đông Âu và Mỹ Latinh, vay hàng tỷ đô la, sau đó tiếp quản các cảng và cơ sở chiến lược của các nước này khi các khoản nợ đến hạn.

“Mỹ có thể đảo ngược chiến lược này của họ bằng cách hỗ trợ việc tước đoạt các tài sản này, thông qua quy trình pháp lý và hủy bỏ các khoản nợ này, như là khoản bồi thường cho tổn thất do virus corona gây ra”, 2 học giả đề xuất.

Theo 2 học giả, tịch thu tài sản của Trung Quốc sẽ cho phép Mỹ cuối cùng sử dụng luật pháp quốc tế, để tạo lợi thế cho mình. Hãy để Trung Quốc tim cách ra tòa và tuyên bố rằng Hoa Kỳ, các đồng minh và thế giới đang phát triển, đã vi phạm luật pháp quốc tế.

Cuối cùng, 2 học giả luật quốc tế này kêu gọi: “Hãy để Bắc Kinh cố gắng chứng minh rằng các quốc gia này không có quyền được bồi thường trước việc họ [Trung Quốc] che giấu sự bùng phát của virus corona. Hãy để ĐCSTQ cố gắng tuyên bố, bên ngoài biên giới của chính họ, giống như ở trong nước, rằng họ có thể phủ nhận lương tri, và đổ lỗi cho chính những nạn nhân của việc làm sai trái của họ, gây ra thảm họa y tế công cộng tồi tệ nhất trong một thế kỷ”.

Theo National Review

Duy Nghĩa dịch và biên soạn

https://www.dkn.tv/the-gioi/hoc-gia-luat-quoc-te-lam-the-nao-de-buoc-trung-quoc-phai-den-bu-thiet-hai-do-virus-corona-gay-ra.html

 

Đối phó với đại dịch Covid-19, Liên hợp quốc

kêu gọi tăng cường hợp tác quốc tế

và phối hợp từ tất cả các nước

Tổng thư ký Liên hợp quốc, tổ chức quốc tế đa phương lớn nhất toàn cầu hiện nay, ông Antonio Guterres đã nhắc lại lời kêu gọi về hợp tác quốc tế trong cuộc chiến chống lại Covid-19, trong bối cảnh số các ca nhiễm mới và tử vong vì đại dịch này vẫn không ngừng gia tăng từng giờ, từng ngày, tại nhiều nơi trên thế giới

Trong một thông điệp phát đi hôm 6/4, người phát ngôn của Tổng thư ký Liên hợp quốc Stephane Dujarric nêu rõ: “Chúng ta đang ở thời điểm cần đến sự khôi phục các mối quan hệ hợp tác quốc tế trong cuộc chiến chống lại Covid-19… Quan điểm này cũng đã được Tổng thư ký Liên hợp quốc làm rõ trong các cuộc họp báo khác nhau mà ông tham dự trong vài tuần trở lại đây”.

Theo quan điểm của ông Dujarric thì đại dịch Covid-19 đã cho thấy tính cần thiết của việc giải quyết vấn đề thông qua cách tiếp cận được cấu trúc trên cơ sở đa phương và tất cả các nước bị tác động bởi Covid-19 đều có một vai trò để thể hiện. “Điều vô cùng quan trọng là hệ thống đa phương đó được sử dụng để chia sẻ càng nhiều thông tin và kinh nghiệm đã được đúc rút ra càng tốt, cũng như cùng phối hợp trong ứng phó”, ông Dujarric nói.

Trong thời gian gần đây, vai trò kết nối toàn cầu đã được Liên hợp quốc xem như một công cụ quan trọng để chống lại sự bùng phát mạnh mẽ của đại dịch Covid-19 trên thế giới. Ngày 25/3, ông Guterres đã phát động kế hoạch “ứng phó nhân đạo toàn cầu” trị giá 2 tỷ USD để hỗ trợ cuộc chiến chống Covid-19 tại các nước dễ bị tổn thương nhất. Mới đây, người đứng đầu Liên hợp quốc cũng lên tiếng đề nghị các nền kinh tế trong nhóm G20 thông qua một “kế hoạch thời chiến” để đương đầu với đại dịch và tỏ rõ sự gắn kết giữa các nước này cùng các nước đang phát triển, gồm cả các nước đang xảy ra xung đột.

Phát biểu trong cuộc họp báo trực tuyến ngày 6/4, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, tổ chức này đang đánh giá rộng rãi về việc sử dụng khẩu trang y tế và khẩu trang thường trong công tác phòng, chống đại dịch Covid-19 và sẽ ban hành hướng dẫn để hỗ trợ các nước trên thế giới đưa ra quyết định liên quan tới vấn đề này.

“Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn đang tiếp diễn, chúng tôi nhận thức được rằng, các cá nhân và chính phủ mong muốn làm mọi điều có thể để bảo vệ bản thân và những người khác”, ông Ghebreyesus nói. Theo sự lý giải của người đứng đầu WHO thì tổ chức này đã khuyến cáo sử dụng khẩu trang y tế đối với những người ốm và đang chăm sóc bệnh nhân tại nhà. Quan trọng hơn cả là khẩu trang cần được sử dụng như một phần trong gói các biện pháp toàn diện, gồm giữ khoảng cách, rửa tay và không tiếp xúc lên mặt.

Ông Ghebreyesus nhấn mạnh, khẩu trang y tế phải được ưu tiên cho những nhân viên y tế đang ở tuyến đầu phòng chống dịch bệnh. “Chúng ta biết được rằng khẩu trang y tế có thể giúp bảo vệ các nhân viên y tế. Tuy nhiên, khẩu trang y tế lại đang bị thiếu hụt trên phạm vi toàn cầu”, Tổng Giám đốc WHO cho biết. Theo ông Ghebreyesus thì việc đưa khẩu trang y tế vào sử dụng rộng rãi sẽ khiến tình trạng thiếu hụt này trở nên nghiêm trọng hơn.

Cũng trong ngày 6/4, Văn phòng điều phối các vấn đề nhân đạo (OCHA) của Liên hợp quốc đã công bố 29 biểu tượng nhân đạo đặc biệt để thúc đẩy sự thông tin và nâng cao nhận thức cộng đồng về đại dịch Covid-19. Thông báo của OCHA nêu rõ: “Trong bất kỳ cuộc khủng hoảng nhân đạo hay y tế nào, thì việc cung cấp các thông tin hợp lý, dễ hiểu đối với khiến hàng triệu người lại đóng một vai trò thiết yếu”. Theo OCHA thì những biểu tượng mới được công bố sẽ giúp truyền đạt về những thực tế cũng như các hành động cần thiết để ngăn chặn, ứng phó với virus, đồng thời hướng dẫn chăm sóc cho những người dễ bị tổn thương nhất trên thế giới.

Các biểu tượng này bao quát nhiều khái niệm đang được áp dụng như phong tỏa, giãn cách xã hội, Covid-19 và virus Corona, ngăn ngừa sự lây nhiễm, xét nghiệm…Với ngôn ngữ hình ảnh dễ phổ biến và dễ tiếp cận, các biểu tượng giúp các nhân viên nhân đạo chia sẻ những thông tin phức tạp trong việc ứng phó với một tình huống khẩn cấp một cách kịp thời và hấp dẫn. Các biểu tượng này cũng sẽ giúp tăng cường sự phối hợp trong phản ứng nhân đạo và thúc đẩy giải pháp, gồm cách thức tối ưu để ngăn chặn sự lây lan của virus trong các trại tị nạn đông người cùng các địa điểm khác mà ở đó, các biện pháp về giãn cách xã hội và rửa tay là không thể tiếp cận đối với nhiều người. OCHA cho biết, các biểu tượng này sẽ được sử dụng trên các sản phẩm thông tin được phát triển bởi và phục vụ cho cộng đồng, gồm

bản đồ, bản tin, đồ họa thông tin và các websites. Việc cung cấp thông tin tốt hơn và rõ ràng hơn sẽ khiến con người đưa ra các quyết định sáng suốt hơn, từ đó có thể giúp ứng phó hiệu quả hơn trước các cuộc khủng hoảng nhân đạo.

http://biendong.net/bien-dong/34030-doi-pho-voi-dai-dich-covid-19-lien-hop-quoc-keu-goi-tang-cuong-hop-tac-quoc-te-va-phoi-hop-tu-tat-ca-cac-nuoc.html

 

G20 không đạt đồng thuận giảm sản lượng dầu

Thu Hằng

Các bộ trưởng Năng Lượng khối G20 ngày 10/04/2020 đã không đạt được đồng thuận giảm sản lượng dầu lửa sau một ngày đàm phán dài, do Mêhicô phản đối. Thông cáo sáng 11/04 của Ả Rập Xê Út, nước tổ chức cuộc họp qua video, chỉ nêu các cam kết hợp tác chống dịch virus corona và không nhắc đến giảm sản lượng dầu lửa.

Theo AFP, Mêhicô, không phải là thành viên của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu lửa (OPEP), đã bác đề nghị nước này giảm 400.000 thùng dầu mỗi ngày, trong kế hoạch giảm sản lượng hàng ngày trên thế giới, với tổng số 10 triệu thùng trong hai tháng Năm và Sáu, được OPEP đề ra trong cuộc họp ngày 10/04.

Trước đó, tổng thống Mêhicô Obrador cho biết đã đạt được một thỏa thuận với đồng nhiệm Donald Trump, theo đó Hoa Kỳ sẽ giảm thêm 250.000 thùng mỗi ngày, ngoài khối lượng mà Mỹ phải giảm, để bù cho số quota của Mêhicô. Như vậy quốc gia Trung Mỹ chỉ phải giảm 100.000 thùng, so với 400.000 thùng theo yêu cầu.

Tuy nhiên, thỏa thuận giữa Mỹ-Mêhicô, cũng như những nỗ lực ngoại giao đã không giúp các bộ trưởng khối G20 đạt được thỏa thuận giảm sản lượng dầu.

Vấn đề ổn định thị trường dầu lửa thế giới cũng là chủ đề cuộc điện đàm ngày 10/04 giữa tổng thống Trump và đồng nhiệm Putin. Ngoài ra, theo Nhà Trắng, nguyên thủ hai nước còn đề cập đến cuộc chiến chống dịch Covid-19 và hợp tác trong lĩnh vực không gian.

http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200411-g20-dau-lua-quoc-te-hoa-ky-a-rap-xe-ut

 

Virus corona: ‘Bùng phát chết người’

nếu dỡ bỏ các lệnh phong tỏa quá sớm

Dỡ bỏ các lệnh phong tỏa quá sớm có thể làm dịch bệnh chết người bùng phát trở lại, người đứng đầu tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo.

Tedros Adhanom Ghebreyesus nói rằng các quốc gia nên thận trọng trong việc nới lỏng các biện pháp phong tỏa, ngay cả khi một số nước đang phải vật lộn do các tác động của các lệnh này tới nền kinh tế.

Virus corona: ‘Khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ đại suy thoái những năm 1930’

Virus corona: ‘Tôi hồi phục sau khi tự cách ly điều trị ở nhà’

Virus corona: VN có nên cho hơn 8.000 lao động nước ngoài nhập cảnh lúc này?

Tây Ban Nha và Ý, hai quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất châu Âu, gồm, đều đang nới lỏng một số biện pháp hạn chế, trong khi lệnh phong tỏa vẫn được duy trì.

Đã có 1,6 triệu người nhiễm Covid-19 trên toàn cầu và 101 .000 người chết.

Phát biểu trong một cuộc họp online về vấn đề virus, ông Tedros nói đã có một sự ‘chậm lại đáng hoan nghênh’ của dịch bệnh tại một số nước châu Âu.

Ông nói rằng WHO đang làm việc với các chính phủ để xây dựng các chiến lược nhằm nới lỏng các biện pháp hạn chế, nhưng điều này không nên được thực hiện quá sớm.

“Các biện pháp hạn chế được dỡ bỏ quá nhanh có thể dẫn đến sự bùng phá trở lại chết người”, ông nói.

Tây Ban Nha và Ý đang nới lỏng các biện pháp hạn chế ra sao?

Chính phủ ở Tây Ban Nha đang chuẩn bị cho phép một số người lao động không phải trong lĩnh vực thiết yếu bao gồm xây dựng và kỹ thuật chế tạo trong nhà máy trở lại công việc vào thứ Hai.

Tây Ban Nha ghi nhận số người chết trong ngày thấp nhất trong 17 ngày qua, vào hôm thứ Sáu, với 605 người chết. Theo số liệu mới nhất, Tây Ban Nha hiện có 15.843 người chết do virus.

Tuy nhiên, chính phủ Tây Ban Nhã kêu gọi người dân tiếp tục duy trì giãn cách xã hội trong kỳ nghỉ lễ Phục sinh cuối tuần này.

Tại Ý, Thủ tướng Giuseppe Conte đã gia hạn lệnh phong tỏa đất nước cho đến ngày 3/5, cảnh báo rằng không nên để mất những nỗ lực đạt được cho đến nay.

Tuy nhiên, một tỷ lệ nhỏ các doanh nghiệp đã ngừng hoạt động kể từ ngày 12/3 sẽ được phép mở lại vào thứ Ba.

Ông Conte đặc biệt đề cập đến các hiệu sách và cửa hàng quần áo trẻ em, nhưng các báo cáo trên truyền thông cho rằng các tiệm giặt ủi và các dịch vụ khác cũng nên được đưa vào danh sách cho mở trở lại.

Chỉ các cửa hàng tạp hóa và hiệu thuốc được phép hoạt động kể từ khi lệnh phong tỏa được áp dụng.

Số ca tử vong ở Ý đã tăng thêm 570 vào thứ Sáu, giảm so với ngày trước đó là 610. Số ca mắc mới cũng giảm nhẹ xuống 3.951 từ 4.204.

Ở nơi khác:

Thủ tướng Ireland Leo Varadkar tuyên bố các biện pháp phong tỏa sẽ được kéo dài đến ngày 5/5

Thổ Nhĩ Kỳ đã ra lệnh giới nghiêm 48 giờ tại 31 thành phố – bao gồm Istanbul và Ankara – bắt đầu vào nửa đêm. Thông báo, được đưa ra chỉ hai giờ trước khi lệnh giới nghiêm bắt đầu, khiến người dân hoảng loạn đi mua đồ tích trữ

Bồ Đào Nha duy trì tình trạng khẩn cấp cho đến ngày 1/5, theo Tổng thống Marcelo Rebelo de Sousa

Chính phủ Anh đang chịu áp lực phải giải thích làm thế nào để cuối cùng biện pháp hạn chế có thể được dỡ bỏ nhưng nói rằng các lệnh phong tỏa sẽ vẫn được duy rì cho đến khi có bằng chứng cho thấy đã qua đỉnh dịch

Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa cho biết vào cuối ngày thứ Năm rằng việc phong tỏa đất nước trong 21 ngày sẽ được kéo dài thêm 2 tuần nữa – một động thái mà đảng đối lập chính cho rằng sẽ gây ra thảm họa kinh tế

Số người chết do Covid-19 tại Pháp đã tăng gần 1.000 lên 13.197 vào thứ Sáu. Tuy nhiên, số người phải điều trị tại khu vực chăm sóc đặc biệt đã giảm nhẹ trong ngày thứ hai liên tiếp.

Sự lây lan của virus đã chậm lại?

Ông Tedros hoan nghênh sự chậm lại rõ rệt ở một số nước châu Âu vào thứ Sáu.

Các quan chức Mỹ cũng cho biết dịch corona có thể bắt đầu chững lại tại nước này. Deborah Birx, điều phối viên của lực lượng đặc nhiệm phụ trách vấn đề dịch corona của Nhà Trắng, cho biết hôm thứ Sáu rằng trong khi có những dấu hiệu đáng khích lệ, dịch bệnh vẫn chưa đạt đến đỉnh điểm.

Trong khi đó, ông Tedros đã cảnh báo virus corona hiện đang lây lan nhanh chóng ở các quốc gia khác. Ông nhấn mạnh châu Phi, nơi ông nói rằng virus đã lan đến các vùng nông thôn.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-52252485

 

Virus Vũ Hán 11/4:

Số người tử vong vượt quá 100.000

Hải Lam

Theo cập nhật của Worldometers lúc 5h35 ngày 11/4 (giờ Việt Nam), dịch Covid-19 xuất hiện tại 209 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, với 1.695.712 ca nhiễm, trong đó 102.566 người đã tử vong và 375.958 người khỏi bệnh.

Hiện Mỹ là vùng dịch lớn nhất thế giới với 500.879 ca nhiễm và 18.637 ca tử vong. New York vẫn là bang chịu ảnh hưởng nặng nhất tại Mỹ, nhưng số ca tử vong mới hôm 10/4 đã giảm nhẹ so với một ngày trước đó.

Tình hình dịch bệnh tại châu Âu đang có dấu hiệu hạ nhiệt, nhiều quốc gia đã thông báo kế hoạch nới lỏng hạn chế.

Tây Ban Nha, vùng dịch lớn nhất châu Âu và thứ hai trên thế giới, hiện ghi nhận 158.273 ca nhiễm và 16.081 ca tử vong. Tỷ lệ tử vong ở nước này hơn 10%, chỉ thấp hơn Ý. Theo AFP, giới chức y tế nước này nhận định Covid-19 đã đạt đỉnh, song tiếp tục kêu gọi người dân tuân thủ nghiêm ngặt lệnh phong tỏa.

4 vùng dịch lớn tiếp theo ở châu Âu là: Ý, Pháp, Đức, Anh.

Anh thông báo thêm 980 ca tử vong trong bệnh viện, mức tăng cao nhất trong 24 giờ, nâng tổng số lên 8.958. Văn phòng Thủ tướng Anh trong thông cáo ngày 10/4 cho biết Thủ tướng Boris Johnson “đã có thể đi được một quãng ngắn” song phải “vừa đi vừa nghỉ”.

Trung Quốc, Iran và Hàn Quốc vẫn là 3 vùng dịch lớn nhất châu Á.

Tại Hàn Quốc, tâm dịch Deagu hôm 10/4 lần đầu tiên không ghi nhận thêm ca nhiễm nCoV, trong khi cả nước chỉ báo cáo 27 người nhiễm mới. Tuy nhiên, giới chức Hàn Quốc hôm 10/4  thông báo đã có 91 bệnh nhân tái dương tính với nCov.

Tại Đông Nam Á, Malaysia vẫn là vùng dịch lớn nhất với 4.346 ca nhiễm, trong đó 70 người đã tử vong. Chính phủ Malaysia hôm 10/4 thông báo kéo dài các hạn chế đi lại thêm hai tuần nữa, cho đến ngày 28/4.

Tiếp đến là Philippines và Indonesia. Indonesia là nước có tỷ lệ tử vong lớn nhất khu vực. Jakarta, tâm Covid-19 tại Indonesia, hôm nay trở thành nơi đầu tiên ở nước này áp lệnh phong tỏa một phần để ngăn dịch bệnh.

Để xem số liệu mới nhất về số ca nhiễm, tử vong và hồi phục tại các nước trên thế giới, quý độc giả có thể truy cập: https://www.worldometers.info/coronavirus/

Dưới đây là một số tin vắn nổi bật về dịch viêm phổi Vũ Hán

Ý kéo dài lệnh phong tỏa đến 3/5

Reuters đưa tin, Thủ tướng Ý Giuseppe Conte hôm 10/4 thông báo, chính phủ sẽ kéo dài lệnh phong tỏa toàn quốc đến ngày 3/5 để ngăn dịch Covid-19 lây lan.

Tuy nhiên, ông Conte cho biết các hiệu sách, cửa hàng bán quần áo trẻ em có thể mở cửa trở lại từ ngày 14/4.

Trước đó, chính phủ Ý đã ra lệnh phong tỏa toàn quốc từ ngày 9/3 đến ngày 13/4.

Ireland kéo dài hạn chế đi lại đến 5/5

Reuters đưa tin, Thủ tướng Ireland Leo Varadkar hôm 10/4 thông báo kéo dài lệnh hạn chế đi lại cho đến ngày 5/5.

Trước đó, Ireland đã ra lệnh đóng cửa các quán bar, và các cửa hàng bán đồ không thiết yếu. Cuối tháng trước, ông Varadkar cũng yêu cầu người dân không đi hơn 2km tính từ nhà của họ và không đi thăm người thân, bạn bè cho đến ngày 12/4.

Dù các lệnh hạn chế trước đó đã cho thấy hiệu quả nhưng ông Varadkar nói rằng, để chấm dứt dịch bệnh thì cần thực hiện nhiều biện pháp hơn.

Bồ Đào Nha có thể kéo dài lệnh phong tỏa đến ngày 1/5

Theo Reuters, Tổng thống Bồ Đào Nha Marcelo Rebelo de Sousa hôm 10/4 cho biết, ông sẽ đề xuất gia hạn lệnh phong tỏa toàn quốc cho đến ngày 1/5 vì số ca mắc Covid-19 tại nước này đã vượt quá 15.000.

Nghị viện có khả năng phê duyệt yêu cầu của ông. Bồ Đào Nha hôm 18/3 đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp trong 15 ngày. Tuần trước, Nghị viện đã chấp thuận gia hạn thêm 15 ngày nữa, đến ngày 17/4.

Chính phủ Bồ Đào Nha đã thắt chặt các hạn chế hơn nữa trong thời gian nghỉ lễ Phục sinh, tạm dừng các chuyến bay thương mại và cấm đi lại trong nước từ ngày 9 đến 13/4.

Thổ Nhĩ Kỳ áp giới nghiêm trong 2 ngày cuối tuần

Hãng tin AP cho biết, Bộ Nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ hôm 10/4 thông báo áp giới nghiêm 2 ngày tại 31 thành phố lớn để ngăn dịch Covid-19 lây lan.

Theo thông báo của Bộ Nội vụ, tất cả cư dân của Istanbul, Ankara và 29 thành phố khác sẽ không được phép ra khỏi nhà từ ngày 11/4 cho đến tối Chủ nhật.

Lệnh cấm được đưa ra trong bối cảnh chính phủ lo ngại rằng khi thời tiết đẹp vào cuối tuần, nhiều người sẽ bỏ qua khuyến cáo và ra khỏi nhà.

Thổ Nhĩ Kỳ không ra lệnh phong tỏa toàn quốc nhưng yêu cầu những ai trên 65 tuổi và dưới 20 tuổi phải ở nhà.

Mời quý độc giả theo dõi thông tin về tình hình dịch viêm phổi Vũ Hán tại chuyên trang: https://www.dkn.tv/tag/dich-virus-corona

https://www.dkn.tv/the-gioi/virus-vu-han-11-4-so-nguoi-tu-vong-vuot-qua-100-000.html

 

Covid-19 :Tại sao thế giới cần tỉnh táo

trước sự hào phóng của Trung Quốc ?

Thanh Hà

Lợi dụng Covid-19 Trung Quốc đẩy mạnh lá bài ngoại giao y tế thao túng thiên hạ. Trong bài phân tích ngày 26/03/2020, chuyên gia về Đông Bắc Á Antoine Bondaz thuộc Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược của

Pháp điểm lại chiến dịch dài hơi của Bắc Kinh để chiếm vị trí trung tâm trên bàn cờ y tế của thế giới. Trung Quốc khai thác virus corona để đẩy mạnh dự án « Con Đường Tơ Lụa Y Tế ».

« Con Đương Tơ Lụa Y Tế » : Trung Quốc tận dụng đại dịch thúc đẩy ngoại giao y tế như thế nào ? Là tựa đề bài viết được đăng trên mạng của Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược Pháp. Tác giả nhắc lại : từ thập niên 1960, y tế đã trở thành một công cụ của nền ngoại giao Trung Quốc.

Xóa tội, ghi công

Với dịch Covid-19 hiện nay, Bắc Kinh đang làm một công đôi việc khi viện trợ khẩu trang, thiết bị xét nghiệm và đồ bảo hộ y tế cho trên dưới 80 quốc gia.  Cử chỉ hào phóng này theo Antoine Bondaz cho phép chính quyền của ông Tập Cận Bình « xóa tội, ghi công » đồng thời « đạt được những mục tiêu chính trị, ngoại giao và kinh tế ».

Trên con đường chinh phục thế giới bằng ngoại giao y tế, châu Phi là phòng thí nghiệm đầu tiên của Bắc Kinh. Năm 1963, y sĩ  của Trung Quốc đổ bộ sang Algeri với mục đích mở rộng quan hệ ngoại giao với châu lục này, thu hẹp ảnh hưởng của Đài Loan trong mắt các đối tác châu Phi. Trong thời gian từ những năm 1960 đến 2000, đã có hơn 20.000 nhân viên y tế Trung Quốc được điều sang châu Phi, chăm sóc cho hơn 200 triệu người, theo tác giả bài viết.

Tuy nhiên, nền ngoại giao y tế của Bắc Kinh thực sự cất cánh nhờ dịch Ebola hồi năm 2014-2015. Vào lúc Âu, Mỹ do dự thì Trung Quốc đã phản ứng nhanh lẹ và đã rất hào phóng với các đối tác châu Phi. Trung Quốc gửi 1.200 nhân viên y tế đến các vùng có dịch tại Tây Phi, cũng phải nói thêm vào thời điểm đó có hơn 20.000 công dân Trung Quốc lao động tại các nước bị Ebola hoành hành, như Guinée, Libéria và Sierra Leone.

Về mặt tài chính, báo cáo của UNDP ngày 30/01/2015 đã ghi nhận khoản đóng góp của Trung Quốc lớn hơn so với của Nhật Bản hay của Pháp.

Dịch Ebola mở đường cho dự án Con Đường Tơ Lụa Y Tế

Cũng từ thời điểm 2015-2017 Trung Quốc không còn che giấu tham vọng xây dựng « Con Đường Tơ Lụa Y Tế » với ba mục tiêu : mở rộng mạng lưới hợp tác y tế, tăng cường ảnh hưởng của Bắc Kinh trong tất cả các định chế y tế của khu vực và quốc tế, đưa đông y cổ truyền Trung Quốc ra thế giới và nhất là hướng tới các thị trường phương Tây.

Các mục tiêu này đã được ghi rõ ở chương 26 kế hoạch mang tên « Healthy China 2030 ».

Để trở thành « diễn viên chính » trên sân khấu y tế của thế giới, Trung Quốc tập trung vào những mục tiêu như sau : sản xuất dụng cụ để chẩn đoán bệnh, biến Trung Quốc thành một viện bào chế và thuốc made in China ngày càng được phổ biến trên thế giới.

Mua chuộc Tổ Chức Y Tế Thế giới

Với những mục tiêu rõ ràng như vậy Bắc Kinh bắt đầu thi hành kế hoạch đã đề ra. Antoine Bondaz thuộc Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược Pháp trong bài viết không vòng vo cho rằng, Donald Trump với chủ trương America First  đã tạo thuận lợi cho ông Tập Cận Bình trên con đường chinh phục tế giới qua ngả y tế.

2017, ông Tập thân chính sang tận Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới Davos thuyết phục thế giới tư bản về quyết tâm bảo vệ mô hình kinh tế thế giới tự do và đa phương. Sau Davos, nguyên thủ Trung Quốc đã đến thăm trụ sở của Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO), ký kết với định chế này một văn bản ghi nhớ quan trọng.

Tuy không là văn bản ghi nhớ đầu tiên giữa Bắc Kinh với WHO, nhưng theo tác giả bài viết : « Đây là lần đầu tiên WHO công nhận Trung Quốc có thể đóng một vai trò quan trọng về mặt y tế ». Vài tuần lễ sau, Bắc Kinh ủng hộ ứng viên người Ethiopia, Tedros Adhanom Ghebreyesus, ra tranh chức vụ tổng giám đốc Tổ Chức Y Tế Thế Giới.

Nhờ có bàn tay của Trung Quốc mà ông này đã dễ dàng loại hai đối thủ người Anh và Pakistan. Tedros Adhanom Ghebreyesus ở cương vị số 1 của WHO đã tạo thuận lợi để một quan chức Trung Quốc trở thành một trong những phó tổng giám đốc của định chế đa quốc gia này.

Trung Quốc muốn áp đặt luật chơi

Ảnh hưởng của Bắc Kinh không ngừng gia tăng. Antoine Bondaz nhắc lại cũng năm 2017 Trung Quốc đã tổ chức rầm rộ một diễn đàn y tế tại Bắc Kinh bên lề thượng đỉnh các nước tham gia kế hoạch Một vành Đai Một Con Đường. Đây là cơ hội Trung Quốc ký kết 17 thỏa thuận khung song phương và đa phương. Điển hình nhất là thỏa thuận với tổ chức chống HIV của Liên Hiệp Quốc.

Cũng tại hội nghị này tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã hết lời ca ngợi ông Tập Cận Bình là một nhà lãnh đạo có « tầm nhìn xa » và không quên tuyên bố rằng « nếu chúng ta muốn bảo vệ sức khỏe cho hàng tỷ người, sáng kiến Vành Đai và Con Đường là cơ hội cần phải nắm bắt ».

Có điều như ghi nhận của tác giả bài viết : cũng từ thời điểm 2017, « rõ ràng là Trung Quốc không chỉ muốn hợp tác với thế giới về mặt y tế mà nước này muốn mở rộng thị phần của nền công nghiệp dược phẩm Trung Quốc trên trường quốc tế và muốn các nước đang phát triển chấp nhận các chuẩn mực y tế ».

Tháng 11/2017, y tế một lần nữa đã trở thành một trong những đề tài chính tại thượng đỉnh 16+1 quy tụ Trung Quốc và các nước Trung và Đông Âu. Các bên đã đưa vế y tế vào bản thông cáo chung kết thúc hội nghị.

Virus corona, công cụ của Bắc Kinh

Trong bối cảnh đó, chuyên gia về Đông Bắc Á của Pháp, ông Antoine Bondaz thuộc Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược, cho rằng việc Trung Quốc tận dụng Covid-19  để làm cho chính sách ngoại giao y tế thêm sắc bén là điều hiển nhiên.

Tác giả đã công bằng nhìn nhận rằng Bắc Kinh đang có những lợi thế nhất định để phô trương thanh thế : Bắc Kinh đã khống chế được đà lây lan của virus corona trên lãnh thổ Trung Quốc và qua đó cũng đã có một số kinh nghiệm không thể chối cãi trước một siêu vi chủng mới, mà giới khoa học còn chưa giải mã được tất cả.

Ngoài ra, trong một thời gian rất ngắn công xưởng sản xuất thế giới này đã gia tăng đáng kể khả năng sản xuất trang thiết bị bảo hộ y tế cũng như máy hỗ trợ hô hấp vào lúc mà nhiều quốc gia phát triển hơn Trung Quốc còn đang khốn đốn và đang đứng trước nhu cầu cấp bách.

Ngần ấy thành tích đã giúp Bắc Kinh « đóng vai trò mà cho đến nay vẫn thuộc về các siêu cương của phương Tây ».

Tuy nhiên nhà nghiên cứu Pháp đưa ra những đánh giá như sau : một là hảo tâm cả Trung Quốc không thể che khuất những « sai lầm và trách nhiệm của Bắc Kinh khi khủng hoảng mới vừa bùng phát ». Trung Quốc đã không phổ biến thông tin một cách « cởi mở, minh bạch và có trách nhiệm » về virus corona như xã luận của tờ Nhân Dân Nhật Báo hôm 24/03/2020 đã quảng bá.

Điểm thứ hai là Bắc Kinh cố gắng thuyết phục các nước đang phát triển và cả những nền kinh tế phát triển rằng, « Trung Quốc là quốc gia duy nhất có thể giúp đỡ mọi người để vượt qua khủng hoảng vô tiền khoáng hậu lần này » đồng thời « mô hình lãnh đạo » của nước này là hiệu quả nhất để đối phó với Covid-19. Bắc Kinh tìm cách « ghi điểm » trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ-Trung vẫn còn tính thời sự.

Điểm thứ ba theo Antoine Bondaz là Trung Quốc tận dụng Covid-19 để đẩy mạnh các tập đoàn và sản phẩm của mình ra thế giới bên ngoài, kể cả trong lĩnh vực high tech phục vụ cho y tế. Trong mục tiêu này, Trung Quốc đang tìm cách đẩy mạnh nền đông y cổ truyền, vì đừng quên rằng đông y cổ truyền Trung Quốc đem về đến 30 % thu nhập cho ngành dược phẩm của nước này.

Với ngần ấy tham vọng của Bắc Kinh về mặt y tế, tác giả bài viết cho rằng, hơn bao giờ hết Pháp nói riêng và châu Âu nói chung cần tỉnh táo trước những cử chỉ hào phóng của Trung Quốc.

http://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20200411-covid-19-t%E1%BA%A1i-sao-th%E1%BA%BF-gi%E1%BB%9Bi-c%E1%BA%A7n-t%E1%BB%89nh-t%C3%A1o-tr%C6%B0%E1%BB%9Bc-s%E1%BB%B1-h%C3%A0o-ph%C3%B3ng-c%E1%BB%A7a-trung-qu%E1%BB%91c-pour-internet

 

Covid-19: Giả thuyết về các ca ”giống như tái nhiễm”

Mai Vân

Trong những ngày qua, ở Hàn Quốc và ở Việt Nam đã xuất hiện nhiều trường hợp bệnh nhân có kết quả dương tính với virus gây bệnh Covid-19, cho dù trước đó đã được xét nghiệm âm tính và được cho là đã khỏi bệnh. Hiện tượng giống như tái nhiễm này đã gây ít nhiều lo ngại vì thông thường một người khi đã được chữa khỏi sẽ có kháng thể tự nhiên chống lại virus, nên không thể nhiễm bệnh lần thứ hai.

Trong một cuộc họp báo hôm 06/04/2020, bà Jeong Eun Kyeong, lãnh đạo Trung Tâm Kiểm Soát và Phòng Ngừa Dịch Bệnh Hàn Quốc đã xác nhận sự kiện nước này có 51 trường hợp bệnh nhân bị nhiễm Covid-19, sau đó đã được xét nghiệm âm tính, nhưng rồi gần đây đã dương tính trở lại.

Đến ngày 09/04, đến lượt Việt Nam, cụ thể là sở Y Tế tỉnh Quảng Ninh báo động về trường hợp một bệnh nhân Covid-19 điều trị tại tỉnh này đã có kết quả xét nghiệm rất thất thường, hai lần âm tính, rồi 2 lần dương tính, rồi lại hai lần âm tính. Báo chí Việt Nam cho biết là ngoài ca ở Quảng Ninh, ở Hà Nội cũng có một trường hợp tương tự. Ngoài ra còn có một ca thứ ba, được xét nghiệm âm tính, rồi ba ngày sau đó lại dương tính.

Đây không phải là lần đầu tiên những trường hợp bất thường như kể trên được ghi nhận. Vào thời kỳ dịch bệnh đang hoành hành dữ dội ở Trung Quốc và Nhật Bản, báo chí đã ghi nhận trường hợp một người đàn ông Nhật Bản, hành khách trên chiếc du thuyền Diamond Princess, bị nhiễm virus corona vào tháng 2, được chữa khỏi và cho về nhà đầu tháng 3, và 10 ngày sau đã bị xét nghiệm dương tính phải nhập viện trở lại.

Bên cạnh đó, tại tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, các số liệu thống kê ghi nhận 14% bệnh nhân Covid-19 đã được xét là “lành bệnh”, nhưng sau đó lại bị xét nghiệm dương tính.

Ngay từ khi ấy, các ca không điển hình đó đã làm dấy lên nhiều câu hỏi như phải chăng đó là những trường hợp bị bệnh trở lại, hiện tượng đó có đáng lo ngại hay không… Tạp chí L’Obs tại Pháp, trong số ra ngày 18/03 đã nêu lên 5 giả thuyết có thể giải thích cho các trưòng hợp bị dương tính trở lại đó.

1/ Bệnh nhận chưa được chữa khỏi hoàn toàn. 

Các triệu chứng đã giảm nhiều đến mức làm cho người ta nghĩ rằng bệnh nhân đã khỏi hẳn, và số lượng virus đủ nhỏ để không bị phát hiện lúc xét nghiệm lại. Tuy nhiên, trong thực tế, nhưng bệnh tình chưa dứt và vẫn tiếp tục phát triển, trong giống như là việc bị nhiễm bệnh trở lại.

Theo nhà nghiên cứu virus Ebenezer Tumban, thuộc Đại Học Michigan Tech University, “không hiếm trường hợp virus đọng lại với mật độ thấp trong cơ thể cho dù bệnh nhân đã lành bệnh”. Ông nêu lên ví dụ virus gây bệnh Zika hay Ebola “có thể ở trong cơ thể hàng tháng trời sau khi bệnh nhân đã phục hồi”.

Đối với nhà nghiên cứu này, những bệnh nhân Trung Quốc (ở Quảng Đông) đã được chữa trị bằng thuốc kháng virus, và các loại thuốc này có lẽ chỉ “đã làm giảm số lượng virus trong cơ thể xuống còn vài con” chứ không tiêu diệt hoàn toàn. Khi xét nghiệm, thì người ta không phát hiện được các mẫu virus đó, và việc ngưng trị liệu cho phép virus sinh sản lại, và bị phát hiện qua xét nghiệm, dù bệnh nhân không bộc lộ triệu chứng.

2/ Xét nghiệm không đủ nhạy. 

Tiến sĩ Keiji Fukuda, giám đốc trường Y Tế Công Cộng, Đại Học Hồng Kông đã giải thích với nhật báo Mỹ LA Times rằng giả thuyết đúng nhất là người ta đã cho xuất viện “những bệnh nhân mà trong người vẫn còn những mảnh thụ động của con virus, không gây bệnh, nhưng lại phản ứng dương tính khi được xét nghiệm”. Theo ông, đây không phải là bị tái nhiễm.

3/ Bệnh nhân thuộc diện có hệ thống miễn dịch yếu. 

Đối với nhà dịch tể học Caitlin Rivers ở Trung Tâm An Ninh Y Tế Johns Hopkins, thì “nếu một người lại bị nhiễm Covid-19 một lần nữa, thì người đó thuộc diện những người suy kháng thể”. Đây là những người mà hệ thống kháng thể bị suy yếu, bị coi là đặc biệt dễ bị nhiễm dịch. Cho dù vậy, bác sĩ Rivers cho rằng khả năng bị nhiễm bệnh lần thứ hai “khá hiếm”.

4/ Có hai chủng virus.

Đây là giả thuyết được một công trình nghiên cứu Trung Quốc đưa ra, theo đó có một chủng S, lâu đời hơn và ít hung hăng hơn và một chủng L mới hơn. Trong trường hợp có hai chủng virus khá khác biệt nhau, một người có thể lần lượt bị nhiễm cả hai chủng. Nhưng cho đến giờ không có bằng chứng nào là hiện tượng này đã diễn ra.

5/ Virus đã chuyển dạng.

Đây là kịch bản tai hại nhất, nhưng cho đến nay chưa được nghiên cứu nào đề cập đến. Nhưng trong tương lai, không thể hoàn toàn loại bỏ khả năng này, cũng giống như virus cúm, hiện diện khắp nơi và có thể biến đổi theo năm tháng và lây nhiễm cho những người đã từng bị bệnh này trước đó.

Nhìn chung, giới chuyên gia đều cho rằng rất ít có khả năng là một người bị nhiễm virus Covid-19 hai lần. Chính vì vậy mà hiện tượng giống như tái nhiễm này không gây ra nhiều lo ngại

http://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20200411-covid-19-gia%CC%89-thuy%C3%AA%CC%81t-v%C3%AA%CC%80-ca%CC%81c-ca-gi%C3%B4%CC%81ng-nh%C6%B0-ta%CC%81i-nhi%C3%AA%CC%83m

 

Virus corona:

‘Thủ tướng Anh Boris Johnson cần phải nghỉ ngơi’

Thủ tướng Anh Boris Johnson “cần phải nghỉ ngơi” sau khi được chuyển ra khỏi khu vực hồi sức cấp cứu ICU, cha của ông nói.

Văn phòng thủ tướng ở Phố Downing nói Thủ tướng đã vẫy tay cảm ơn các nhân viên Bệnh viện St Thomas tại London khi ông được chuyển chỗ hôm thứ Năm.

Thủ tướng Anh Boris Johnson ‘đã khỏe hơn, tiếp tục điều trị’

Thủ tướng Anh Boris Johnson ‘ổn định, không phải dùng máy thở’

Thủ tướng Anh Boris Johnson ‘được đưa vào khoa cấp cứu’

Trong lúc đó, cố vấn khoa học, Giáo sư Neil Ferguslon, khi được hỏi về tình hình phong tỏa, nói rằng nhiều khả năng biện pháp này “sẽ được áp dụng theo lứa tuổi, theo khu vực”.

Phát ngôn viên của Số 10 Phố Downing nói rằng ông thủ tướng “tiếp tục có tinh thần vững vàng”, và nhấn mạnh rằng ông Johnson đang trong “giai đoạn đầu” của quá trình hồi phục sau khi nhiễm virus corona.

Trước đó, ông Stanley Johnson, cha của ông Boris Johnson, nói rằng ông “nhẹ cả người” khi con mình bắt đầu phục hồi. Ông nói thêm rằng ông thấy việc con trai ông bị bệnh “khiến cả nước nhận thức ra rằng đây là một sự kiện nghiêm trọng”.

Ông nói với chương trình Today của kênh phát thanh BBC Radio 4 rằng sẽ cần có một “giai đoạn điều chỉnh” trước khi thủ tướng có thể trở lại làm việc ở Phố Downing.

Giáo sư Ferguson, từ Đại học Imperial College London, nói với chương trình Today rằng các công tác chuẩn bị cho việc chấm dứt tình trạng phong tỏa để phòng chống virus corona lây lan trên toàn nước Anh là “chủ đề và ưu tiên số một”, cả trong cộng đồng khoa học và trong chính phủ.

Phát biểu về các biện pháp cần có để có thể chấm dứt tình trạng phong tỏa, Giáo sư Ferguson nói rằng Anh sẽ cần áp dụng ở cấp độ rộng lớn hơn việc tiến hành xét nghiệm trong cộng đồng “để cách ly các ca nhiễm bệnh một cách hiệu quả hơn”.

Tuy nhiên, ông nói rằng việc phong toả sẽ vẫn được áp dụng trong “vài tuần nữa”.

Chính phủ Anh đã ra chiến dịch thúc giục người dân ở trong nhà trong dịp lễ Phục sinh, từ thứ Sáu đến thứ Hai tới.

Giáo sư Paul Cosford, giám đốc y tế của Cơ quan Y tế Công của xứ Anh (England), nói rằng hướng dẫn của chính phủ là “khá rõ ràng” theo đó nói người dân phải ở trong nhà, chỉ được ra ngoài trong bốn trường hợp cụ thể, gồm tập thể dục mỗi ngày một lần, đi mua thức ăn, thực phẩm và thuốc men cần thiết, đi vì lý do chăm sóc y tế và là các công việc thiết yếu khác.

Quân đội Đức đang gửi tặng 60 máy thở di động cho Hệ thống Y tế Quốc gia (NHS). Hiện nước Anh có 10 ngàn máy thở, và chính phủ nói cần có 18 ngàn chiếc.

Hàng ngàn khẩu trang và các bộ quần áo gắn thiết bị bảo hộ cá nhân cho nước Anh theo kế hoạch từ Thổ Nhĩ Kỳ, đồng minh của Nato, tới căn cứ không quân Brize Norton vào cuối ngày thứ Sáu.

Số người tử vong tại các bệnh viện tại Anh với kết quả xét nghiệm dương tính đối với virus corona đã tăng lên 7.978 tính đến cuối ngày thứ Năm, tăng 881 trường hợp so với ngày hôm trước.

Trong cuộc họp báo chiều thứ Năm, Ngoại trưởng Dominic Raab, người đang tạm thay thế Thủ tướng Boris Johnson, thừa nhận rằng thật là chuyện khó khăn đối với người dân khi phải ở nhà thay vì được ra ngoài cùng gia đình trong dịp lễ Phục sinh này, nhưng ông kêu gọi mọi người kiềm chế.

Dự báo thời tiết cho thấy trong kỳ lễ Phục sinh này, ở London nhiệt độ có thể lên tới 26C trong hôm thứ Bảy, tuy sẽ giảm xuống trong ngày Chủ nhật.

Ông nói rằng các hạn chế và lệnh phong toả sẽ được giữ nguyên cho tới khi có bằng chứng cho thấy Anh đã qua đỉnh dịch.

Cảnh sát trên toàn nước Anh thúc giục người dân ở nhà trong dịp cuối tuần này, trong đó cảnh sát Bắc Ireland cảnh báo sẽ tăng lực lượng tuần tra, còn cảnh sát xứ Wales nói sẽ chặn đường bất kỳ chuyến đi không cần thiết nào của người dân.

Virus corona: New York tăng tốc đào hố chôn tập thể

Vũ Hán choáng váng trỗi dậy từ cuộc phong tỏa khắc nghiệt nhất

Các diễn biến khác tại Anh:

Cơ sở bệnh viện dã chiến với 460 giường bệnh tại vùng Đông Bắc sẽ được khai trương tại một khu công nghiệp ở Washington, Tyne and Wear

Một bác sỹ, người kêu gọi cần cung cấp thiết bị bảo vệ y tế cho nhân viên ngành y, đã qua đời do nhiễm virus corona

Một quan chức cao cấp của NHS nêu những quan ngại rằng trẻ em với các bệnh không liên quan tới Covid-19 đang được đưa vào viện quá muộn và do đó dễ bị tổn thương

Các trường đại học trên toàn nước Anh cảnh báo rằng một số trường sẽ phá sản do tình hình bệnh dịch

Doanh số bán trứng Phục sinh (làm từ chocolate và các thứ đồ ngọt khác) tăng vọt do người tiêu dùng Anh quay sang mua hàng trên internet nhiều hơn trong thời gian bị phong toả

Bộ Ngoại giao Anh đã tổ chức thêm 12 chuyến bay, đưa hơn 3.000 công dân Anh đang bị kẹt tại Ấn Độ về nước kể từ hôm thứ Hai tới nay

https://www.bbc.com/vietnamese/world-52244628

 

Nhóm nghiên cứu Đại học Oxford: Vaccine

viêm phổi Vũ Hán có thể ra mắt vào tháng 9

Triệu Hằng

Một loại vaccine kháng virus corona có thể được đưa ra vào tháng 9.

Theo tờ Daily Mail ngày 10/4, bà Sarah Gilbert, giáo sư Đại học Oxford hiện dẫn đầu một đội nghiên cứu của Anh, nói rằng bà “tin chắc 80%” vaccine kháng virus corona do nhóm bà phát triển có thể ra mắt vào mùa thu này.

Tháng trước, bà Gilbert đã hy vọng rằng vaccine có thể đưa ra vào cuối năm nay, nhưng thông tin mới nhất đã cho thấy một tiến triển lạc quan.

Các thử nghiệm trên người có thể sẽ diễn ra trong hai tuần tới.

https://www.dkn.tv/the-gioi/nhom-nghien-cuu-dai-hoc-oxford-vaccine-viem-phoi-vu-han-co-the-ra-mat-vao-thang-9.html

 

Pháp: Dịch Covid-19 bắt đầu chững lại,

nhưng mức tử vong sẽ cao trong thời gian dài

Thu Hằng

Dịch Covid-19 tại Pháp đã bắt đầu chững lại, và dường như số ca tử vong đã đạt đến mức tối đa, tuy nhiên tình trạng số người thiệt mạng ”rất cao” như hiện nay có thể sẽ kéo dài. Thông tin được tổng cục trưởng tổng cục Y Tế Pháp Jérôme Salomon công bố trong buổi họp báo thường nhật tối 10/04/2020.

Số ca tử vong vì virus corona tăng ở mức thấp hơn so với những ngày trước, nhưng tình hình dịch vẫn khá căng thẳng ở nhiều vùng. Tính đến tối 10/04/2020, Pháp có 13.197 người chết vì virus corona, tăng thêm 987 ca trong vòng 24 giờ (tại bệnh viện và nhà dưỡng lão). Theo giáo sư Salomon, có một tia hy vọng nhỏ, căn cứ vào số bệnh nhân được điều trị tích cực đã giảm, ngày thứ hai liên tiếp.

Tuy nhiên, chính phủ Pháp tiếp tục kêu gọi người dân không lơ là biện pháp phong tỏa, đặc biệt trong cuối tuần Phục Sinh và thời tiết đẹp. Để chuẩn bị cho bài diễn văn tối thứ Hai 13/04, trong đó tổng thống Macron có thể sẽ công bố kéo dài thời hạn phong tỏa, chính phủ liên tục tham vấn các chuyên gia và đối tác xã hội trong suốt cuối tuần này.

Số ca tử vong tại Ý và Tây Ban Nha giảm, nhưng tăng mạnh ở Bỉ và Anh

Tại Ý và Tây Ban Nha, hai vùng dịch lớn nhất châu Âu, số ca tử vong tiếp tục tăng chậm hơn trong vòng 24 giờ (570 tại Ý, 605 tại Tây Ban Nha). Chính quyền Roma quyết định kéo dài phong tỏa đến ngày 03/05. Trong khi đó, thủ tướng Tây Ban Nha Sanchez không loại trừ khả năng kéo dài phong tỏa sau ngày 25/04. Tuy nhiên, cả hai nước quyết định cho phép một số lĩnh vực hoạt động trở lại từ tuần tới. Người lao động Tây Ban Nha đi làm trở lại sẽ được phát khẩu trang, đặc biệt là tại các bến tầu điện ngầm hoặc trên tầu hỏa liên vùng Madrid.

Trong khi đó, tốc độ lây nhiễm virus corona tại Bỉ lại tăng mạnh. Có thêm hơn 500 người chết trong vòng 24 giờ, theo thống kê tối 10/04, nâng tổng số ca tử vong lên thành 3.019 người, có nghĩa là tăng thêm gấp đôi chỉ trong vòng 3 ngày.

Theo AFP, số ca tử vong trong vòng một ngày tại Anh Quốc cũng lên đến mức kỉ lục, gần 1.000 người, nâng tổng số người chết vì virus corona lên thành 8.958 tính đến tối 10/04. Chính quyền Luân Đôn khuyến cáo người dân ở nhà để hạn chế đà lây nhiễm và không loại trừ khả năng kéo dài thời hạn phong tỏa.

Trong buổi họp báo ngày 10/04, tổng giám đốc Tổ Chức Y Tế Thế Giới cảnh báo về nguy cơ dỡ bỏ quá sớm các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt vì « sẽ có thể dẫn đến một đợt dịch chết người khác », đặc biệt có thể gây khủng hoảng dịch tễ nghiêm trọng ở châu Phi.

http://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A1p/20200411-covid-19-%C4%91%E1%BB%89nh-d%E1%BB%8Bch-t%E1%BA%A1i-ph%C3%A1p-s%E1%BA%BD-%E1%BB%9F-m%E1%BB%A9c-r%E1%BA%A5t-cao

 

Virus corona: Vì sao Đức làm xét nghiệm nhiều hơn,

 tỉ lệ tử vong thấp hơn?

Trong vấn đề xét nghiệm, nước Đức đang vượt xa các quốc gia châu Âu, trong đó có Anh.

Virus corona: ‘Thủ tướng Anh Boris Johnson cần phải nghỉ ngơi’

Virus corona: ‘Khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ đại suy thoái những năm 1930’

Đức đã tiến hành xét nghiệm vòm họng để xác định cá nhân có đang nhiễm virus, với số lượng cao hơn các nước châu Âu.

Trong tuần tính tới 4/4, 132 phòng thí nghiệm ở Đức trung bình làm 116.655 xét nghiệm vòm họng mỗi ngày.

Tổng cộng số lượng xét nghiệm vòm họng tính tới 4/4 lên tới hơn 1,3 triệu.

Còn Anh quốc chỉ mới hy vọng có thể làm 100.000 xét nghiệm một ngày vào cuối tháng này.

Tính tới 10/4, tổng số xét nghiệm ở Anh chỉ là 316.836.

Nếu lấy mẫu xét nghiệm thật nhiều, chúng ta sẽ kiểm tra được cả những ai không có virus hoặc chỉ có triệu chứng nhẹ. Khi đó, về mặt thống kê, tỉ lệ tử vong sẽ trông ít hơn là khi ta chỉ xét nghiệm những người đã ốm trong bệnh viện.

Vì sao Đức khác các nước?

Làm xét nghiệm nhiều ngay từ đầu đại dịch có nghĩa là nhiều ca dương tính được tìm thấy sớm.

Nó giúp giới chức truy tìm những ai đã tiếp xúc với người ốm để làm chậm lại sự lây lan của virus.

Người phát ngôn cho hiệp hội các phòng thí nghiệm Đức Evangelos Kotsopoulos nói với BBC: “Người dân từ một tháng trước được yêu cầu cách ly.”

“Những người mà họ có tiếp xúc thì được truy tìm, xét nghiệm và cách ly.”

Ông Kotsopoulos tin rằng hành động nhanh chóng của Đức có lẽ đã giúp cứu người.

“Họ đã làm phẳng được đường cong của dịch và làm chậm lại tỉ lệ lây nhiễm.”

Nói cách khác, số lượng các ca nghiêm trọng và số tử vong đã không tăng nhanh như nhiều nước Âu châu.

“Làm phẳng đường cong” là chiến lược của nhiều nước như Anh, muốn tránh đỉnh dịch làm hệ thống y tế quá tải.

Tại Đức, tỉ lệ tử vong đã tương đối thấp, nhưng điều này vẫn có thể thay đổi.

Nhiều xét nghiệm ban đầu là với người trẻ, mà đa số đủ khỏe để chống virus.

Nhưng trong mấy ngày qua, tỉ lệ tử vong đang tăng, và vẫn có thể tăng mạnh như ở nhiều nước.

Tính tới 10/4, Đức có 113.525 ca nhiễm và 2.373 người chết, theo Viện Robert Koch, cơ quan y tế công hàng đầu của Đức.

Nếu Đức rốt cuộc có tỉ lệ tử vong thấp hơn các nước châu Âu, việc xét nghiệm sớm sẽ được đánh giá là yếu tố quan trọng.

Vì sao Đức làm xét nghiệm nhanh như vậy?

Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock cho rằng sức mạnh của ngành công nghiệp công nghệ sinh học và dược phẩm của Đức là yếu tố lớn.

Ông nói: “Chúng ta có các phòng thí nghiệm khoa học tốt nhất thế giới nhưng quy mô không có.”

“Bộ trưởng Đức có thể kêu gọi 100 phòng thí nghiệm sẵn sàng khi xảy ra khủng hoảng, nhờ phần lớn vào tập đoàn Roche.”

Nhưng sức mạnh công nghiệp có thể không phải là nguyên do chính.

Quan trọng hơn có khi là chi tiêu cho y tế cao hơn.

Đức chi trung bình 4.271 euro đầu người trong y tế năm 2016, trong khi Anh chi 3.566 euro.

Hệ thống chính trị liên bang của Đức cũng quan trọng.

Chính sách y tế, gồm cả xét nghiệm được chuyển giao cho cấp tiểu bang và bên dưới.

Nó giúp tạo ra thêm chủ động, cho phép các phòng thí nghiệm tư nhân làm xét nghiệm nhanh hơn Anh.

Chính phủ Anh cũng mất thời gian quyết định có ưu tiên cho việc xét nghiệm không.

Mãi tới ngày 2/4, Anh mới có kế hoạch tăng cường xét nghiệm.

Có nên làm sớm hơn không?

Tại Đông Á, Hàn Quốc đã tiến hành xét nghiệm nhiều nhất. Chiến dịch của họ giúp giảm số ca xuống rất thấp.

Và giống như Đức, tỉ lệ tử vong ở Hàn Quốc cũng thấp hơn các nước.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-52254472

 

Lễ Phục Sinh: Vatican đóng cửa do Covid-19,

tín đồ xem thánh lễ qua truyền hình

Trọng Thành

Kỳ lễ Phục Sinh năm nay thật đặc biệt với người Công Giáo. Do đại dịch Covid-19, nhà thờ, thánh đường ở rất nhiều nơi trên khắp thế giới đóng cửa. Giống như nhiều người khác, hàng trăm triệu tín đồ Công Giáo đang trong tình trạng sống cách ly, giãn cách xã hội, để phòng dịch.

Vatican trong kỳ lễ này cũng không mở cửa cho công chúng. Thông tín viên Éric Sénanque tường trình từ Roma :

‘‘Vào thứ Sáu Tuần Thánh này của người Công Giáo, nghi thức Đường Thánh Giá truyền thống tại đấu trường Colosseum được thực hiện vào buổi tối ở quảng trường thánh Phêrô hoang vắng, với khu vực những hàng cột lớn mang tên nghệ sĩ Ý Bernin, hoàn toàn đóng cửa với công chúng. Chỉ có một vài tù nhân và một số thành viên trong giới y tế của Toà Thánh tham dự nghi thức vinh danh cuộc Khổ Nạn của chúa Giêsu. Đây là những người mà giáo hoàng Phanxicô chủ trương đưa lên vị trí hàng đầu năm nay. 

Vương cung thánh đường Thánh Phêrô hoàn toàn vắng người sẽ là nơi cử hành thánh lễ vào kỳ nghỉ cuối tuần này tại Vatican. Không khí này càng làm nổi bật hơn nữa tấm vóc kỳ vĩ của ngôi đền thờ lớn nhất thế giới. Tối thứ Bảy hôm nay, đối với lễ canh thức và Chủ Nhật, với thánh lễ Phục Sinh, và buổi lễ ban phép lành truyền thống urbi và orbi, giáo hoàng Phanxicô sẽ chỉ hành lễ với sự trợ giúp của một vài người. Đức Giáo hoàng cũng sẽ không lên ban công của thánh đường, như thường lệ. 

Trong khi đó, các nghi thức kỳ này sẽ phá kỷ lục về số lượng người theo dõi qua truyền hình, do hàng trăm triệu tín đồ hiện đang bị phong toả. Người khiếm thính sẽ có thể theo dõi tất cả các cuộc thánh lễ, do Vatican quyết định bố trí người phiên dịch sang ngôn ngữ điệu bộ. Tất cả các nghi thức sẽ được phát trên một kênh Youtube đặc biệt và trên TV 2000, một kênh truyền hình của Giáo Hội Ý’’.

http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200411-l%E1%BB%85-ph%E1%BB%A5c-sinh-vatican-%C4%91%C3%B3ng-c%E1%BB%ADa-do-covid-19-t%C3%ADn-%C4%91%E1%BB%93-xem-th%C3%A1nh-l%E1%BB%85-qua-truy%E1%BB%81n-h%C3%ACnh

 

Mafia Ý phát đồ ăn cho người nghèo,

cho vay không lãi suất

để mở rộng ảnh hưởng trong dịch  Covid-19

Thiện Lan

Các tổ chức tội phạm ở Ý đang phân phát thực phẩm và cấp các khoản vay không lãi suất cho những người túng tiền để mở rộng quyền kiểm soát và sức ảnh hưởng, ông Roberto Saviano, một tác giả người Ý chuyên về lĩnh vực chống mafia cảnh báo, theo AFP.

Các nhóm mafia ở Ý cũng sẵn sàng giành giật các doanh nghiệp đang gặp khó khăn khi đất nước này, vốn đang rơi vào khủng hoảng trước đại dịch Covid-19, đang chờ đợi quỹ tài trợ của châu Âu để thúc đẩy nền kinh tế hiện đang bị chao đảo, ông nói.

“Nếu Châu Âu không can thiệp sớm, tiền bẩn của các tổ chức mafia ở Đức, Pháp, Tây Ban Nha, Hà Lan, Bỉ sẽ thâm nhập và kiểm soát khắp mọi nơi”, Saviano nói với các nhà báo vào thứ Năm (9/11).

Ông Saviano nổi tiếng với cuốn sách có tựa đề “Gomorrah”, trong đó đề cập đến băng nhóm mafia Camorra ở miền nam nước Ý. Ông là một chuyên gia về băng nhóm mafia và cách thức nhóm này vươn xúc tu thành công ra bên ngoài lĩnh vực ma túy và các hoạt động bất hợp pháp mang tính đặc trưng khác để xâm nhập vào các doanh nghiệp và phân khúc hợp pháp trên toàn cầu.

Ở cấp độ cơ bản nhất, các tổ chức tội phạm đang phát đồ tạp hóa miễn phí cho những người nghèo nhất ở Italy, ông Saviano cho hay.

Hơn nữa, tại Napoli thủ phủ miền nam nước Ý, những người cho vay, theo lệnh của băng nhóm Camorra đã hủy bỏ lãi suất đối với các khoản nợ, ông nói.

“Cho mục đích gì? Để dành lấy sự ưu ái”, ông nói.

Đó có thể là phiếu bầu, hoặc cho phép ai đó ghi tên mình vào hợp đồng để trở thành mặt tiền cho mafia, ông nói thêm.

Saviano, hiện đang sống ở New York, đã nằm dưới sự bảo vệ của cảnh sát sau khi nhận được các mối đe dọa đến tính mạng theo sau việc phát hành cuốn Gomorrah.

Cuốn sách này nêu chi tiết cách thức tập đoàn tội phạm ở napoli kiếm tiền từ nhiều lĩnh vực kinh tế, từ thời trang đến tái chế chất thải. Cuốn sách sau đó đã được chuyển thể thành phim lẻ và phim bộ.

Theo AFP

Thiện Lan dịch & biên tập

https://www.dkn.tv/the-gioi/mafia-y-phat-do-an-cho-nguoi-ngheo-cho-vay-khong-lai-suat-de-mo-rong-anh-huong-trong-dich-covid-19.html

 

Covid-19 : Iran dỡ bỏ

một số biện pháp phong tỏa để cứu kinh tế

Thu Hằng

Iran dường như đã ổn định được tình hình dịch virus corona. Ngày 11/04/2020, một số lĩnh vực kinh tế đã được phép hoạt động trở lại. Tuy nhiên, tổng thống Hassan Rohani kêu gọi người dân tuân thủ những quy định phòng dịch, được áp dụng từ ngày 27/03.

Thông tín viên Siavosh Ghazi của RFI tại Teheran cho biết :

« Việc tái khởi động một phần các hoạt động kinh tế hiện chỉ áp dụng ở các tỉnh, trừ thủ đô Teheran, và liên quan đến tất cả các hoạt động có ít nguy cơ. Ngược lại, các trường học, trường đại học, nhà hàng, khách sạn, các trung tâm thể thao, văn hóa hoặc các tiệm cắt tóc vẫn bị đóng cửa. Tương tự, các buổi cầu nguyện tập thể tại đền thờ cũng không được phép.

Những ngày gần đây, tổng thống Hassan Rohani khẳng định cần phải tái khởi động hoạt động kinh tế để người dân có thể quay lại làm việc mà vẫn tuân thủ các biện pháp phòng ngừa và giữ khoảng cách.

Ông Rohani cũng cáo buộc các cơ quan truyền thông tiếng Ba Tư ở nước ngoài – vẫn bị coi là phản cách mạng, cũng như Hoa Kỳ – đang phải thực hiện phong tỏa – muốn phá hoại nền kinh tế Iran, đang bị tác động nặng nề vì những biện pháp trừng phạt của Mỹ.

Quyết định của chính phủ phần nào được giải thích qua việc tình hình được cải thiện ở Iran. Theo số liệu thống kê chính thức, tình hình đã ổn định hơn, đặc biệt số người khỏi bệnh, rời bệnh viện đã vượt 50%, có nghĩa là hơn 35.000 trên tổng số 68.000 người bị nhiễm virus corona. So sánh với trường hợp của Pháp, có 125.000 ca nhiễm, thì hiện chỉ có 25.000 người hoàn toàn khỏi bệnh, chỉ khoảng 20% ».

http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200411-covid-19-iran-d%E1%BB%A1-b%E1%BB%8F-m%E1%BB%99t-s%E1%BB%91-bi%E1%BB%87n-ph%C3%A1p-phong-t%E1%BB%8Fa-%C4%91%E1%BB%83-c%E1%BB%A9u-kinh-t%E1%BA%BF

 

Các nước ASEAN đồng lòng, TQ đơn phương độc mã

Công hàm mà phái đoàn Việt Nam đệ trình lên Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc António Guterres ngày 30-3 nhằm bác bỏ yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông, cho thấy một diễn biến tích cực trong giải quyết các tranh chấp.

Công hàm này là bước tiếp nối trong chuỗi trao đổi công hàm về vấn đề thềm lục địa tại Biển Đông khởi đầu từ Malaysia. Nó dường như cho thấy có một sự phối hợp “Một cây làm chẳng nên non/ Ba cây chụm lại nên hòn núi cao” giữa Malaysia, Philippines và Việt Nam trong việc chống lại các yêu sách phi pháp của Trung Quốc tại Biển Đông.

Dùng pháp lý “đấu” Trung Quốc

Tháng 12-2019, Malaysia đã gửi đơn yêu cầu Ủy ban ranh giới thềm lục (viết tắt là CLCS) xem xét về thềm lục địa mở rộng của Malaysia tại Biển Đông. Sau đó, Trung Quốc đã lập tức phản đối và lặp lại các yêu sách cũ của mình.

Trong đó, Trung Quốc một lần nữa nói đến chủ quyền của Trung Quốc tại các quần đảo ở Biển Đông, nhấn mạnh việc các thực thể trên biển trong khu vực này có khả năng tạo ra các vùng biển pháp lý (lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa) bao quanh chúng và yêu cầu CLCS không tiến hành xem xét đơn của Malaysia.

Tiếp theo đó, Philippines đã gửi hai công hàm đến Liên Hiệp Quốc. Trong công hàm đầu tiên, Philippines đã bác bỏ các yêu sách của Trung Quốc, và lần đầu tiên quốc gia này sử dụng phán quyết của Tòa trọng tài trong vụ kiện Biển Đông giữa quốc gia này và Trung Quốc làm cơ sở pháp lý để phản đối lại Trung Quốc.

Bắc Kinh cũng ngay sau đó, với một giọng điệu rất hung hăng, đã trắng trợn tuyên bố Manila không có quyền sử dụng phán quyết của Tòa trọng tài và yêu cầu Philippines cần “trở lại con đường đúng đắn” (hàm ý chỉ sử dụng đàm phán và hòa giải) khi giải quyết tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông.

Việt Nam đã tiếp nối theo chuỗi tranh biện này và đệ trình lên Liên Hiệp Quốc phản đối hai công hàm của Trung Quốc.

Trong công hàm, Việt Nam ngoài việc lặp lại chủ quyền của mình tại Biển Đông, còn khẳng định cơ sở pháp lý duy nhất cho việc xác định các vùng biển pháp lý trên biển là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982, trực tiếp loại bỏ quyền lịch sử của Trung Quốc tại khu vực này.

Căn cứ vào UNCLOS 1982, Việt Nam cũng khẳng định hành động vẽ hệ thống các đường cơ sở thẳng quanh các cấu trúc xa nhất thuộc quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là không có cơ sở pháp lý.

Các lập luận trên của Việt Nam đều theo đúng với nội dung của phán quyết của Tòa trọng tài trong vụ kiện Biển Đông năm 2016.

Như vậy, sau khi Trung Quốc phản đối Philippines bằng việc bác bỏ phán quyết này, Việt Nam đã lập tức dùng các lập luận trong phán quyết để phản đối Trung Quốc.

Phải thượng tôn pháp luật

Khi Kuala Lumpur mở đầu “cuộc tranh biện”, Bắc Kinh đã liên tục phản đối, Manila và Hà Nội lần lượt vào cuộc và trực tiếp bác bỏ các lập luận này. Điều này đầu tiên cho thấy sự đơn độc của Trung Quốc trong cuộc chiến pháp lý với các quốc gia ASEAN.

Thứ hai, việc Philippines bắt đầu sử dụng phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế vào tháng 7-2016 để phản bác lại Trung Quốc ở một diễn đàn quốc tế quan trọng là Liên Hiệp Quốc cho thấy điểm sáng ở trong cuộc tranh chấp dai dẳng và phức tạp tại Biển Đông.

Phán quyết này không những đã loại bỏ sự tồn tại pháp lý của đường chín đoạn hay đường lưỡi bò, mà còn giúp thu hẹp các vùng biển chồng lấn tại khu vực Trường Sa; từ đó, mở ra cơ hội hợp tác tích cực cho các quốc gia trong khu vực.

Ngoài ra, phán quyết còn đưa ra cơ sở pháp lý chính thống để căn cứ vào đó mà giải quyết các tranh chấp còn lại ở Biển Đông.

Thứ ba, đây là lần đầu tiên Việt Nam đưa ra các quan điểm chi tiết, trực tiếp và rõ ràng về các thực thể tại Biển Đông.

Nó là một chỉ dấu quan trọng trong chuỗi các thủ tục khi tiến hành sử dụng các cơ quan tài phán quốc tế, trong đó có Tòa trọng tài tương tự như Tòa trọng tài trong vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc.

Căn cứ theo UNCLOS 1982, để tiến hành việc kiện tụng trước Tòa án quốc tế, các quốc gia cần thỏa mãn điều kiện về việc trao đổi quan điểm.

Đây là một trong những nghĩa vụ bắt buộc trước khi các quốc gia yêu cầu Tòa án quốc tế giải quyết tranh chấp giữa họ. Đối với việc đơn phương khởi kiện tại Tòa án quốc tế, điều này càng trở nên quan trọng.

Các diễn biến trong cuộc trao đổi công hàm của các quốc gia ở Liên Hiệp Quốc liên quan đến vấn đề Biển Đông cho thấy sự phát triển tích cực trong việc giải quyết tranh chấp trong khu vực này.

Các nước ASEAN đều khẳng định sự đúng đắn trong việc áp dụng UNCLOS 1982 như một công cụ pháp lý quan trọng, tôn trọng nội dung phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế và thể hiện tinh thần thượng tôn pháp luật.

Điều này còn biểu hiện sự phối hợp và đoàn kết của các nước ASEAN trước Trung Quốc. Đặc biệt, một vụ kiện trước Tòa án quốc tế chống lại Trung Quốc tương tự như Philippines đã từng làm có thể sẽ xảy ra trong tương lai gần.

Philippines đoàn kết với Việt Nam

Ngày 8-4, Bộ Ngoại giao Philippines đã ra tuyên bố bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về vụ tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Bộ Ngoại giao Philippines nói rằng “tránh xảy ra những vụ việc như vậy là cực kỳ quan trọng”.

“Trải nghiệm tương tự của chúng tôi đã tiết lộ được bao nhiêu niềm tin trong một mối quan hệ hữu nghị đã mất đi (do hành động của tàu Trung Quốc), và bao nhiêu niềm tin đã được tạo ra nhờ hành động nhân đạo của (ngư dân) Việt Nam khi họ trực tiếp cứu mạng các ngư dân Philippines” – Bộ Ngoại giao Philippines nhắc lại vụ tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá Philippines rồi bỏ đi vào ngày 9-6-2019.

Manila khẳng định: “Chúng tôi đã và sẽ không ngừng biết ơn Việt Nam. Lưu giữ điều đó trong đầu, chúng tôi phát tuyên bố cho thấy tình đoàn kết này”.

Bộ Ngoại giao Philippines nói rằng những vụ việc như trên sẽ “làm xói mòn tiềm năng của một mối quan hệ khu vực đáng tin và sâu sắc thật sự giữa ASEAN và Trung Quốc”.

Trước đó vào đầu tuần này, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng bày tỏ “cực kỳ quan ngại” vụ Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam và kêu gọi Trung Quốc ngừng “lợi dụng sự xao lãng hoặc dễ tổn thương của các nước khác để bành trướng các yêu sách phi pháp ở Biển Đông” giữa dịch COVID-19.

http://biendong.net/doc-bao-viet/34040-cac-nuoc-asean-dong-long-tq-don-phuong-doc-ma.html

 

Bộ trưởng các nước ASEAN ủng hộ lập quỹ chống đại dịch

Bộ trưởng ngoại giao các nước Đông Nam Á ủng hộ việc thiết lập một quỹ khu vực để đối phó với đại dịch virus corona và thảo luận về một hội nghị thượng đỉnh qua video của lãnh đạo ASEAN với các đối tác Trung Quốc, Nhật và Hàn Quốc.

Bộ Ngoại giao ở Manila ngày 10/4 nói các Bộ trưởng Ngoại giao của 10 nước thành viên ASEAN đã kết nối bằng video ngày 9/4 trong một cuộc họp do Việt Nam chủ trì.

Các Bộ trưởng ủng hộ một vài bước tập thể để chống đại dịch, trong đó có việc thiết lập một quỹ đáp ứng COVID-19 ASEAN, chia sẻ thông tin và chiến lược và cách thức giảm bớt ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu đối với dân chúng và nền kinh tế, Bộ Ngoại giao Philippines nói trong một thông cáo.

Bộ này không cho biết chi tiết, ba nhà ngoại giao Đông Nam Á nói với AP với điều kiện ẩn danh vì không có quyền thảo luận về hội nghị cấp cao này.

Trong cuộc thảo luận ngày 9/4, Bộ trưởng Ngoại giao Phillipine Teodoro Locsin Jr. nhấn mạnh đến tầm quan trọng giữ gìn hòa bình và ổn định tại Biển Đông giữa cơn dịch bệnh, Bộ Ngoại giao Philippine cho biết thêm.

Philippines đã tỏ tình đoàn kết với Việt Nam sau khi một tàu đánh cá Việt Nam bị tàu tuần duyên Trung Quốc đâm chìm tại vùng biển tranh chấp gần quần đảo Hoàng Sa trên Biển Đông.

Việt Nam và Philippines và hai nước thành viên khác của ASEAN là Brunei và Malaysia cũng đang tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc và Đài Loan tại một trong những hải lộ chiến lược bận rộn nhất thế giới.

https://www.voatiengviet.com/a/b%E1%BB%99-tr%C6%B0%E1%BB%9Fng-c%C3%A1c-n%C6%B0%E1%BB%9Bc-asean-%E1%BB%A7ng-h%E1%BB%99-l%E1%BA%ADp-qu%E1%BB%B9-ch%E1%BB%91ng-%C4%91%E1%BA%A1i-d%E1%BB%8Bch/5368172.html

 

Dịch Covid-19: Chính phủ Nhật Bản

bị cáo buộc hành động chậm trễ

Trọng Thành

Chính phủ Nhật Bản đã ban hành tình trạng khẩn cấp, kể từ thứ Ba 07/04/2020 tại 8 tỉnh, thành phố, trong đó có Tokyo và vùng ngoại vi. Tình trạng khẩn cấp sẽ kéo dài cho đến ngày 06/05. Tuy nhiên, thủ tướng Shinzo Abe cũng bị chỉ trích đã hành động không đủ mức và quá chậm trễ. Một số địa phương muốn ban hành thêm các quy định khác nghiêm ngặt hơn.

Ngày 10/04/2020, thống đốc Tokyo yêu cầu một số trung tâm thương mại đóng cửa cho đến ngày 06/05. Cố đô Kyoto kêu gọi khách du lịch không đến thành phố. Thông tín viên Frédéric Charles từ Tokyo cho biết thêm :

Lo ngại dịch bệnh, thống đốc Tokyo Yuriko Koike tìm cách đóng cửa phần lớn các cơ sở thương mại và nhà máy tại vùng thủ đô, nơi đã phát hiện được tổng cộng 1.500 ca lây nhiễm trong vùng đô thị 38 triệu dân cư này. Trong khi đó thủ tướng Nhật muốn nhiều lĩnh vực kinh tế tại Tokyo vẫn tiếp tục hoạt

động, trong đó có một số ngành công nghiệp, giao thông vận tải, nhà hàng, quán bar, tiệm cắt tóc hay các cửa hàng lớn. 

Về phần mình, bộ trưởng Kinh Tế Yasutoshi Nishimura đã yêu cầu thống đốc Tokyo hoãn việc đóng cửa một số trung tâm thương mại thêm hai tuần nữa. Các doanh nghiệp bác bỏ mọi biện pháp phong tỏa chừng nào mà kế hoạch chấn hưng kinh tế không bao hàm các khoản bồi hoàn cho những thất thu mà họ phải gánh chịu. 

Bộ trưởng Kinh Tế cũng là người chủ trì ủy ban phụ trách cuộc chiến chống dịch bệnh, trên quy mô toàn quốc. Việc này gây nhiều chỉ trích dữ dội trong giới y tế Nhật Bản. Tại Nhật, tình trạng khẩn cấp không bao gồm việc phong tỏa bắt buộc, cũng không có quy định trừng phạt trong trường hợp không tuân thủ các khuyến cáo“.

Cho đến hôm qua, theo kênh truyền thông NHK, tổng cộng có 5.700 ca nhiễm virus corona mới trên cả nước, riêng tại thủ đô Tokyo hôm qua đã có thêm 185 ca nhiễm mới. Tổng cộng cho đến nay, có hơn 100 người chết vì Covid-19 tại Nhật.

http://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20200411-nhat-ban-dich-benh-kinh-te-xa-hoi

 

Từng là ổ dịch lớn nhất bên ngoài Trung Cộng,

thành phố Daegu ở Nam Hàn báo cáo

không có trường hợp nhiễm coronavirus mới

Tin từ SEOUL, Nam Hàn – Vào hôm thứ Sáu (10/4), thành phố Daegu của Nam Hàn, nơi gánh chịu đợt bùng phát coronavirus lớn đầu tiên bên ngoài Trung Cộng, lần đầu tiên báo cáo không có trường hợp mới kể từ cuối tháng 2, khi các ca nhiễm mới trên cả nước giảm xuống mức thấp kỷ lục. Với ít nhất 6,807 trường hợp được xác nhận, Daegu chiếm hơn một nửa trong số 10,450 ca nhiễm bệnh của Nam Hàn.

Theo báo cáo của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Nam Hàn (KCDC), vào hôm thứ Sáu, Nam Hàn báo cáo 27 trường hợp mới tính đến đêm hôm trước, mức thấp mới kể từ khi các trường hợp hàng ngày đạt đỉnh điểm ở hơn 900 vào cuối tháng 2.

KCDC cho biết số người thiệt mạng cũng tăng bốn và lên đến 208. Sự lây lan của các ca truyền nhiễm tại một nhà thờ ở Daegu khiến số trường hợp nhiễm bệnh ở Nam Hàn tăng mạnh, bắt đầu vào cuối tháng Hai.

Đợt bùng phát ban đầu đẩy số lượng các trường hợp được xác nhận lên cao hơn nhiều so với bất kỳ nơi nào khác ngoài Trung Cộng, trước khi nước này sử dụng các biện pháp xét nghiệm và cách ly xã hội diện rộng để làm giảm những con số này. (BBT)

https://www.sbtn.tv/tung-la-o-dich-lon-nhat-ben-ngoai-trung-cong-thanh-pho-daegu-o-nam-han-bao-cao-khong-co-truong-hop-nhiem-coronavirus-moi/

Chính quyền Đài Loan cáo buộc Bắc Kinh

lập tài khoản Twitter mạo danh người dân hòn đảo

để xin lỗi Tổng giám đốc WHO

Hải Lam
Đài Loan hôm 10/4 cáo buộc chính quyền Trung Quốc đã lập các tài khoản Twitter mạo danh người dân hòn đảo để xin lỗi Tổng giám đốc tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus, sau khi cựu chính trị gia người Ethiopia tuyên bố Đài Loan đã công kích cá nhân ông.

Theo AFP, hôm 8/4, Tổng giám đốc WHO Tedros cáo buộc Đài Loan đã công kích cá nhân và phân biệt chủng tộc đối với ông. Hôm 9/4, phát ngôn viên cơ quan ngoại giao Đài Loan Âu Giang An phản bác, gọi tuyên bố trên là “vu khống” và yêu cầu ông Tedros phải xin lỗi. Cùng ngày, Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn đăng trên trang Facebook cá nhân rằng, bà phản đối mạnh mẽ các cáo buộc Đài Loan đang xúi giục các cuộc tấn công phân biệt chủng tộc trong cộng đồng quốc tế.

“Trong nhiều năm, chúng tôi đã bị loại khỏi các tổ chức quốc tế và chúng tôi hiểu rõ hơn bất kỳ ai khác về cảm giác bị phân biệt đối xử và bị cô lập. Tôi muốn nhân cơ hội này để mời Tổng giám đốc Tedros đến thăm Đài Loan và tự mình trải nghiệm việc người dân Đài Loan cam kết và đóng góp cho thế giới

như thế nào, ngay cả khi đối mặt với sự phân biệt đối xử và cô lập”, bà Thái viết trên trang Facebook cá nhân.

Tờ Breitbart đưa tin, Cục Điều tra Bộ Tư pháp Đài Loan hôm 10/4 đã đưa ra bằng chứng cho thấy, gần như ngay lập tức sau khi ông Tedros cáo buộc chính phủ Đài Loan công kích, người dân hòn đảo lăng mạ, phân biệt chủng nhắm vào ông, thì các tài khoản Twitter lạ đăng lời xin lỗi ông Tedros bằng kiểu chữ viết mà người Trung Quốc đại lục dùng. Đài Bắc đã điều tra các tài khoản, kết luận rằng họ đã mạo danh người Đài Loan rồi nói rằng cảm thấy xấu hổ vì chính phủ đã phân biệt chủng tộc với ông Tedros.

“Có một điều đáng lo ngại là, đây là một chiến dịch có chủ ý của các lực lượng ở hải ngoại”, cục cảnh sát Đài Loan bày tỏ. “Việc mạo danh người Đài Loan, công khai thừa nhận các cuộc tấn công phân biệt chủng tộc đối với Tổng giám đốc WHO Tedros và cầu xin sự tha thứ – làm tổn hại nghiêm trọng đến hình ảnh đất nước chúng tôi”.

Theo Focus Taiwan, tất cả các tin nhắn dường như được viết theo cùng một bố cục và sao chép lẫn nhau. Một tài khoản Twitter đăng tải lời xin lỗi có tên là Đài Từ Châu Tự do (Radio Free Xuzhou), tên gần giống như Đài Á Châu Tự Do (Radio Free Asia – RFA) – đài phát thanh do Mỹ tài trợ. Đài Á Châu Tự Do thường xuyên đưa tin về hành vi chà đạp nhân quyền của đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) với người Tây Tạng, người Duy Ngô Nhĩ, các tín đồ Kitô hữu, các Phật tử, các học viên Pháp Luân Công và những đối tượng khác mà chính quyền Bắc Kinh coi là kẻ thù của nhà nước.

Tài khoản @RFXZ Trung Quốc, sử dụng ảnh đại diện có màu xanh lục tương tự như RFA, tuyên bố là kênh truyền thông lớn nhất tại thành phố Từ Châu, phía Đông Trung Quốc. Tài khoản này được tạo ra vào tháng 3/2020 và kèm theo website chính thức là Pornhub.com.

Vào hôm 9/4, RFXZ đăng: “Tôi là người Đài Loan. Tôi cảm thấy vô cùng xấu hổ khi người Đài Loan tấn công Tedros theo cách xấu xa như vậy. Thay mặt người Đài Loan, tôi xin lỗi Tedros và cầu xin ông tha thứ”.

Nhưng sau đó, tài khoản Twitter này đăng tin bằng tiếng Anh, nói rằng tài khoản được điều hành bởi một người Trung Quốc.”Tôi là người Trung Quốc. Tôi tôn trọng Tiến sĩ Tedros”.

Thời báo Đài Bắc trích thông tin từ cuộc họp báo của cục điều tra Đài Loan, cho biết một tài khoản có tên TMG News, tự nhận mình là người của ĐCSTQ. Tài khoản này ghim một tweet gắn kèm hashtag #saysrytoTedros: “Tôi là người Đài Loan, tôi vô cùng xấu hổ vì người Đài Loan đã tấn công Tedros một cách ác ý. Thay mặt người Đài Loan, tôi xin lỗi Tedros và cầu xin ông tha thứ”.

Các quan chức Đài Loan cho biết, các tài khoản Twitter trên đã khuyến khích công dân Trung Quốc chia sẻ lời xin lỗi và thậm chí giả mạo là công dân Đài Loan.

Sau khi dịch Covid-19 bùng phát, ĐCSTQ đã mở nhiều chiến dịch tuyên truyền trên Twitter, cho phép người phát ngôn của chính phủ phát tán thông tin sai lệch trên nền tảng Twitter, mặc dù công dân Trung Quốc không được phép sử dụng mạng xã hội này. Về phía Twitter, họ cũng không kiểm duyệt chiến dịch này, ngay cả khi Bắc Kinh đăng tin sai lệch nghiêm trọng về Covid-19, ví dụ như nCov là do quân đội Mỹ mang đến Vũ Hán.

https://www.dkn.tv/the-gioi/chinh-quyen-dai-loan-cao-buoc-bac-kinh-lap-tai-khoan-twitter-mao-danh-nguoi-dan-hon-dao-de-xin-loi-tong-giam-doc-who.html

 

COVID-19 khiến TQ quan tâm khác thường đến Ấn Độ

Hơn cả Ấn Độ, Trung Quốc vừa có nhiều hoạt động kỷ niệm 70 năm quan hệ ngoại giao Trung – Ấn trong tuần qua.

Nhiều tờ báo đăng bài xã luận do Đại sứ Trung Quốc tại Ấn Độ viết về sự kiện này, nhưng phía Ấn Độ không có bài viết nào tương tự.

Có nhiều đoạn tweet từ Đại sứ và chính phủ Trung Quốc về mối quan hệ ngày càng phát triển giữa hai nước, trong đó đề cập đến những trao đổi quan điện thoại giữa hai ngoại trưởng.

Các bài xã luận ca ngợi sự gần gũi giữa lãnh đạo hai nước và chuyện hai nước hợp tác chống đại dịch COVID-19.

Không có lễ kỷ niệm chính thức nào được tổ chức vì quy tắc giãn cách xã hội vẫn đang được áp dụng. Đại sứ Trung Quốc dự lễ Thắp nến toàn quốc của Ấn Độ vào cuối tuần qua và viết trên Twitter: “Chúng ta đang đứng bên nhau bất chấp khó khăn”.

Tháng trước, Pakistan đề nghị Trung Quốc, với tư cách chủ tịch luân phiên theo tháng của Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc hãy đưa ra thảo luận vấn đề Kashmir tại Hội đồng Bảo an. Nhưng Trung Quốc phớt lờ.

Biên giới Trung – Ấn không xảy ra sự cố gì trong vài tháng qua, một hiện tượng được đánh giá là hiếm thấy. Trung Quốc cũng đề xuất hỗ trợ Ấn Độ chống dịch COVID-19, trong đó có việc xây dựng một bệnh viện tạm thời.

Quỹ Alibaba trao tặng khẩu trang, máy thở và những đồ bảo hộ y tế khác cho Ấn Độ. Chuyến hàng gần đây nhất được bàn giao cuối tuần qua. Đại sứ Trung Quốc tại Ấn Độ thông báo trên Twitter: “Lô hàng viện trợ thứ ba gồm các thiết bị xét nghiệm từ Quỹ Alibaba sẽ đến Delhi trong tối nay. Với sự đoàn kết giữa nhân dân Trung Quốc và Ấn Độ, chúng ta có thể vượt qua thách thức của đại dịch COVID-19”.

Tik Tok cũng tài trợ cho Ấn Độ lô thiết bị y tế trị giá 18 triệu USD.

Những hành động đó khiến nhiều người nghĩ đến câu hỏi: Vì sao Trung Quốc quan tâm đến Ấn Độ như vậy trong giai đoạn này.

Trong một bài viết vừa đăng trên báo Straistimes, ông Harsha Kakar, một thiếu tướng quân đội Ấn Độ đã nghỉ hưu nói rằng câu trả lời rất đơn giản.

Ấn Độ tuân thủ hướng dẫn của WHO về COVID-19. Nước này không đổ lỗi cho Trung Quốc đã thất bại trong ngăn chặn dịch bệnh này phát tán và chậm trễ trong chia sẻ thông tin.

Trong hoàn cảnh hiện nay, Trung Quốc rất cần đồng minh, nhất là khi đang đứng trước những phản ứng dội ngược trên toàn cầu.

Các đại sứ Trung Quốc trên khắp thế giới đang tận dụng Twitter để ca ngợi chiến thắng của nước này trong trận chiến với virus corona, cũng như sự hỗ trợ y tế để giúp các nước đang đối phó với đại dịch.

Họ không nói đến chuyện những hỗ trợ đó không phải miễn phí, hay chuyện giá cả và chất lượng sản phẩm.

Khi nhận được câu hỏi về chất lượng sản phẩm, một phát ngôn viên của Trung Quốc nói rằng khi đang đối phó với dịch bệnh, Trung Quốc nhận được viện trợ y tế từ khắp thế giới, nhiều sản phẩm không đáp ứng được tiêu chuẩn của Trung Quốc nhưng họ vẫn nhận.

Báo chí phương Tây đang ngập tràn các bài truyền thông có trả tiền, với nội dung nói về thành công của Trung Quốc. Những bài viết đó khuyên các nước làm theo chiến lược phong toả nghiêm ngặt như Trung Quốc đã làm.

Trung Quốc nhấn mạnh rằng WHO đã thay đổi tên virus, loại bỏ bất kỳ liên hệ nào với Trung Quốc. WHO còn ca ngợi Trung Quốc trong cách xử lý khủng hoảng, dù tổ chức này biết rằng có nhiều hạn chế dẫn đến tình trạng dịch bệnh lan khắp toàn cầu.

Thái độ của các quan chức WHO khi từ chối thông tin Đài Loan cung cấp về tình hình dịch bệnh cho thấy yếu tố chính trị trong cách làm việc của tổ chức này. Nhật Bản thậm chí còn gọi WHO là CHO (Tổ chức Y tế Trung Quốc).

Dù chi rất nhiều tiền để xây dựng hình ảnh tích cực, Trung Quốc vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc thay đổi cách nói của nhiều bên, nhất là từ phía Mỹ.

Trong bối cảnh đó, ông Harsha Kakar cho rằng Bắc Kinh cần bạn bè và hy vọng Ấn Độ vẫn là một người bạn.

http://biendong.net/doc-bao-viet/34041-covid-19-khien-tq-quan-tam-khac-thuong-den-an-do.html

 

TQ không xả đập, các nước hạ lưu sông Mê Công

vẫn còn “khát nước” dài

Bất chấp tình hình ngập mặn và thiếu nước ngọt trầm trọng tại các nước hạ lưu sông Mê Công, Trung Quốc vẫn kiên quyết không xả nước tại các đập thủy điện. Điều này khiến các nước hạ lưu bị ảnh hưởng nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống sinh hoạt cũng như sản xuất nông nghiệp của người dân nhiều nước.

Tình hình hạn hán, thiếu nước nghiêm trọng

Trong những tháng gần đây, tình hình hạn hạn và thiếu nước tại các nước hạ lưu sông Mê Công đang được đánh giá là nghiêm trọng nhất trong nhiều năm trở lại đây. Theo Trung tâm Quản lý Lũ lụt và Hạn hán Khu vực của ban thư ký Ủy hội sông Mê Công, năm nay, điều kiện thời tiết khô hạn kéo dài có thể tác động tiêu cực tới sản xuất nông nghiệp và mùa vụ. Nếu hạn hán tiếp tục, tình trạng thiếu nước tiêu

dùng có thể xảy ra. Nguyên nhân được cho là lượng mưa thấp trong mùa mưa, do mưa gió mùa bắt đầu muộn và kết thúc sớm và do hiện tượng El Nino làm nhiệt độ cao bất thường, nước bốc hơn với lượng lớn. Ủy ban trên cho biết, mức nước sông Mê Công hiện đã xuống thấp nhất trong gần 60 năm qua. Hầu hết lưu vực đã ghi nhận lượng dòng chảy “cực kỳ thấp” kể từ tháng 6/2019.

Theo Ủy hội, thượng lưu sông Mekong ở Trung Quốc đóng góp 16% dòng chảy ở hạ lưu trong mùa mưa và 25% vào mùa khô. Tình trạng khô hạn, mực nước giảm trên sông Mekong có thể gây hại lớn cho hệ thủy sinh, đe dọa nguồn sống của hàng chục triệu người dân trong vùng. Mực nước thấp đang khiến cá chết vì chúng không thể vào các nhánh sông và đẻ trứng trong các rừng ngập nước, có nghĩa cả một thế hệ cá sẽ biến mất

Cuộc khủng hoảng lượng nước trên sông Mekong là hồi chuông cảnh báo về tác động của hàng loạt đập thủy điện dọc sông, được xây ở thượng nguồn (Trung Quốc) và đang lên kế hoạch ở hạ lưu (Lào, Campuchia). Nghiên cứu của Ủy hội sông Mekong, thực hiện từ năm 2012-2017, cho thấy “11 dự án đập thủy điện ở dòng chính sông Mekong đoạn hạ lưu và 120 dự án đập khác ở các sông nhánh, sẽ được xây trước 2040, sẽ đe dọa nghiêm trọng hệ sinh thái, kinh tế và an ninh lương thực trong vùng”. Theo đó, các đập này sẽ giảm lượng phù sa xuống vùng đồng bằng châu thổ tới 97%. Hệ thủy sinh sẽ bị giảm 35-40% vào năm 2020, và 40-80% vào năm 2040. Nguồn cá ở Việt Nam có thể giảm 30%.

Ý đồ của Trung Quốc khi tìm cách chi phối sông MêCông

Mê Công là dòng sông quốc tế quan trọng nhất vùng Đông Nam Á, chảy qua 6 quốc gia từ thượng nguồn xuống, bao gồm: Trung Quốc, Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam. Với lưu vực rộng trên 795.000 km2 và tổng lượng dòng chảy hàng năm khoảng 475 tỉ m3, sông Mê Công có ý nghĩa rất quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội của các khu vực vùng lưu vực sông. Hiện Trung Quốc đã quy hoạch 25 bậc thang thủy điện trên dòng chính sông Mê Công và 120 bậc thang trên dòng nhánh với tổng công suất khoảng 28.000 MW; đã và đang xây dựng 8 đập thủy điện rất lớn trên thượng nguồn sông Mê Công, ảnh hưởng lớn đến hạ lưu sông.

Hiện nay, phần lớn công suất lắp đặt của các đập thủy điện trên sông Mê Công đều thuộc Trung Quốc với hơn 15.000 MW, trong đó, riêng đập Nọa Trát Độ đạt mức 5.850 MW, chưa kể nửa tá các con đập khổng lồ khác đều ở mức trên 1.000 MW. Cộng gộp lại, các con đập này có thể lưu giữ 23 tỷ m3, tương đương 27% dòng chảy thường niên của sông Mê Công giữa Trung Quốc và Thái Lan. Trong khi đó, các đập khác ở hạ nguồn, công suất phát điện chỉ vài chục hoặc vài trăm MW, không đáng để đem ra so sánh. Tóm lại, các con đập của Trung Quốc hiện đang điều tiết dòng chảy Mê Công, nhất là vào mùa khô khi Cao nguyên Tây Tạng đóng góp khoảng 40 đến 70% lượng nước cho con sông. Tác động đến lương thực và sinh kế trong trường hợp này là rất lớn nhưng sẽ còn tồi tệ hơn nhiều nếu 11 con đập ở phía hạ nguồn được thông qua, trong đó có đến một nửa số dự án được Trung Quốc chống lưng. Báo cáo gần đây của UNESCO và Viện Môi trường Stockholm cảnh báo lượng phù sa của sông Mê Công có thể giảm tới 94% một khi các con đập đang đề xuất được chấp thuận xây dựng. Điều này sẽ tác động nghiêm trọng đến sản lượng đánh bắt cá và sức khỏe con sông, đồng thời ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của các cộng đồng hạ nguồn.

Kiểm soát tài nguyên của dòng sông này giúp Trung Quốc gia tăng sức ép kinh tế để đạt được các mục tiêu rộng hơn. Đập thủy điện vừa xảy ra sự cố sụp đổ khiến nhiều người chết vừa qua ở Lào chỉ là một trong hàng trăm con đập như thế phân bố dọc theo dòng MêCông và các phụ lưu của nó. Sự cố cho thấy sự phát triển quá nhanh chóng của hệ thống đường thủy này, một hệ thống ngày càng mang tầm quan trọng một cách chiến lược đối với Trung Quốc và các quốc gia láng giềng của nước này. Đối với hàng trăm ngàn người sống dọc bên bờ sông kéo dài từ Trung Quốc qua Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam, con sông này là nguồn sống của họ. Mê Công còn có ý nghĩa quan trọng hơn cả giao thương và thương mại. Hàng đống tiền đã được đổ vào đây khi các quốc gia, thông qua các công ty quốc doanh hoặc được nhà nước chống lưng, tranh nhau xây dựng các nhà máy thủy điện.

Theo Bloomberg, Trung Quốc hiện đang là thế lực mạnh nhất trong khu vực và nước này hiện đang tăng cường sử dụng quyền lực kinh tế để đạt được các mục tiêu rộng hơn. Đạt được sự kiểm soát lớn hơn đối với dòng MêCông thẳng tới khu vực phía Nam sẽ cho Bắc Kinh tiếng nói lớn hơn trong việc sử dụng các tài nguyên của dòng sông và lợi thế để ép các quốc gia phải đồng ý với các đòi hỏi chính trị của Trung Quốc.

Chỉ trích của các nước

Sông Mê Công nuôi dưỡng một vài trong số những ngư trường nước ngọt có năng suất lớn nhất hành tinh. Tầm quan trọng chiến lược của một con sông cung cấp an ninh lương thực cho 60 triệu người là rất lớn. Cuộc xung đột âm ỉ về việc chia sẻ các nguồn tài nguyên nước quý giá có khả năng leo thang

trong dài hạn, dẫn tới sự phản kháng của các quốc gia hạ lưu sông Mê Công trước sự bá quyền ngày càng gia tăng của Trung Quốc.

Trung Quốc những ngày qua đã hứng chịu nhiều chỉ trích, đặc biệt từ các nhóm xã hội dân sự Thái Lan. Tổ chức dân sự Mekong Butterfly cho rằng 8 đập thủy điện ở Trung Quốc là thủ phạm chính gây tình trạng nước sông xuống thấp kỷ lục khi đã giữ lại hơn 40 tỷ m3 nước phục vụ phát điện, tưới tiêu. Theo nhóm này, mực nước xuống thấp nhất khi đập Cảnh Hồng giảm lưu lượng xả nước xuống 500 m3/s. Lượng xả được tăng lên 1.000m3/s ngày 18/7, nhưng mực nước ở các tỉnh phía bắc và đông bắc Thái Lan vẫn thấp kỷ lục, khiến việc đi lại, đánh cá, bơm nước trở nên không thể. Tiến sĩ Thitinan Pongsudhirak, chuyên gia từ Viện Nghiên cứu An ninh – Quốc tế (ISIS) và Đại học Chulalongkorn ở Bangkok, chỉ ra rằng Trung Quốc không phải thành viên của Ủy hội (cũng như Myanmar), mà đề ra sáng kiến Hợp tác Lan Thương – Mekong (LMC), mới chỉ tồn tại vài năm nay. LMC là nơi để Trung Quốc thúc đẩy hợp tác theo cách họ muốn. LMC chưa giải quyết triệt để cơ chế quản lý, mà chỉ quản lý nguồn nước dựa vào thiện chí của Trung Quốc: nếu Trung Quốc muốn xả nước, hạ lưu sẽ có nhiều nước hơn, nếu không hạ lưu sẽ khô cằn vào mùa khô.

Trong khi đó, Giám đốc văn phòng Trung Quốc của International Rivers Steph Jensen-Cormier cho rằng Chính phủ Trung Quốc cần lắng nghe các lo ngại và đề nghị (từ hạ lưu). Các khẩu hiệu như “cùng có lợi” hay “chúng ta uống chung dòng nước” là vô nghĩa; xã hội dân sự và cộng đồng quốc tế đều biết điều đó. Các khẩu hiệu như trên của Trung Quốc chỉ khiến người dân bức xúc hơn vì trên thực tế không được như vậy. Bà Jensen-Cormier cho rằng với việc thay đổi dòng chảy, những đập thủy điện của Trung Quốc đang “khiến vùng đồng bằng châu thổ bị kiệt quệ phù sa và các dinh dưỡng quan trọng (cho hệ sinh thái)… làm giảm quần thể cá, nguồn thức ăn quan trọng cho 60 triệu người”.

Tại Việt Nam, cách đầu nguồn sông Mê Công ở Trung Quốc khoảng 4.000 km, người nông dân theo dõi trong bất an cảnh tượng vùng châu thổ của họ đang ngày càng thu hẹp và chìm dần, bị nhiễm mặn do biển xâm lấn vào vùng nước ngọt thiết yếu để tưới tiêu cho vựa lúa có vai trò không thể thiếu của quốc gia này. Các nhà phát triển thường cho rằng các con đập giúp giảm đói nghèo. Tuy nhiên, ở vùng đồng bằng, suy thoái môi trường dẫn đến đói nghèo, căng thẳng xã hội, thậm chí cả căng thẳng giữa các quốc gia. Tác động của các con đập cần được coi là một vấn đề an ninh phi truyền thống gây ra các bất ổn xã hội và chính trị. Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Viện phó Viện Nghiên cứu về Biến đổi Khí hậu, Đại học Cần Thơ cho biết, “lượng nước vào Việt Nam không còn đủ để lẩy lượng mặn ra. Độ mặn cao sẽ ảnh hưởng đến canh tác, các vùng trồng lúa, đến nhu cầu nước sinh hoạt.

http://biendong.net/bien-dong/33996-tq-khong-xa-dap-cac-nuoc-ha-luu-song-me-cong-van-con-khat-nuoc-dai.html

 

Tham vọng tàu sân bay của TQ ở Biển Đông

Ngày 8.4, trả lời Thanh Niên, TS James Holmes (Đại học Hải chiến Mỹ) nhận định: “Tàu sân bay Liêu Ninh hiện có của Trung Quốc có lẽ sẽ sớm được chính thức hóa việc chỉ đóng vai trò là tàu huấn luyện, khi nước này bổ sung thêm tàu sân bay”. Theo ông, tàu Liêu Ninh cùng với số máy bay huấn luyện mà Trung Quốc đang phát triển chính là cơ sở cho chiến lược phát triển hạm đội tàu sân bay.

Đầu tư dàn máy bay tốc độ cận âm

Trước đó, ngày 6.4, truyền thông quốc tế đưa tin Trung Quốc đang phát triển loại máy bay huấn luyện JL-9 đạt tốc độ cận âm để đào tạo lực lượng phi công phù hợp với tàu sân bay Type-002 mà nước này đang phát triển. Theo tờ South China Morning Post, máy bay JL-9 vốn đã được quân đội Trung Quốc sử dụng. Tuy nhiên, để có thể dùng đào tạo cho phi công của tàu sân bay thì loại máy bay này cần được nâng cấp. Việc thay đổi sẽ giúp JL-9 có thể triển khai cùng bộ phóng máy bay được tích hợp trên tàu sân bay Type-002.

Hiện nay, Bắc Kinh đã biên chế tàu sân bay Liêu Ninh và tàu sân bay Sơn Đông. Trong đó, tàu Liêu Ninh vốn là tàu cũ mua lại từ Ukraine và được tân trang. Còn tàu Sơn Đông thuộc Type-001A thực chất là một phiên bản nội địa của Trung Quốc được phát triển từ chính chiếc Liêu Ninh.

Máy bay huấn luyện Quý Châu JL-9

Bên cạnh đó, đây cũng là một mẫu chiến đấu cơ hạng nhẹ có thể được trang bị pháo 23 mm cùng một số loại vũ khí khác như tên lửa đối không tầm ngắn PL-9 được dẫn đường bằng hồng ngoại, hoặc loại tên lửa đối không PL-8. Cả hai loại tên lửa này đều có tầm bắn khoảng 20 km.

Bắt đầu được đóng vào năm 2018, tàu sân bay Type-002 của Trung Quốc dự kiến hoàn thành vào năm 2021, nhưng Bắc Kinh chưa tiết lộ thời điểm hạ thủy, thử nghiệm và biên chế chính thức tàu này. Tuy nhiên, qua một số thông tin rò rỉ trước đó thì tàu sân bay Type-002 có độ choán nước khoảng 70.000 tấn và vẫn có thiết kế mũi hếch lên để máy bay cất cánh, và phải đến thế hệ tàu sân bay Type-003 thì Trung Quốc mới đặt mục tiêu mang thiết kế mũi tàu phẳng, đồng thời tích hợp bộ phóng máy bay tương tự các hàng không mẫu hạm của Mỹ hiện nay. Trước mắt, tàu sân bay Type-002 của Trung Quốc có thể sẽ mang theo dòng chiến đấu cơ J-15 mà nước này đang triển khai trên 2 tàu sân bay Liêu Ninh và Sơn Đông.

Hồi tháng 3, tờ Hoàn Cầu thời báo từng ám chỉ việc Bắc Kinh đang hướng đến mục tiêu sở hữu chiến đấu cơ thế hệ 5 tàng hình phiên bản dùng cho tàu sân bay. Qua đó, giới chuyên gia nhận định Trung Quốc có thể đang phát triển thêm phiên bản tàu sân bay đối với dòng chiến đấu cơ thế hệ 5 tàng hình J-31 mà nước này đang thử nghiệm.

Theo tờ South China Morning Post, trong kế hoạch đề ra, Trung Quốc dự kiến sở hữu 4 nhóm tác chiến tàu sân bay vào năm 2030. Mục tiêu này đòi hỏi Bắc Kinh phải chuẩn bị sẵn sàng khoảng 200 máy bay các loại, cùng hơn 500 phi công chuyên lái máy bay dành cho hàng không mẫu hạm. Trong bài phân tích đăng ngày 5.4 vừa qua, chuyên san The National Interest nhận định nếu muốn sở hữu những tàu sân bay mạnh mẽ, thì việc đào tạo phi công tương xứng là một thách thức lớn.

Tăng cường sức mạnh quân sự ở Thái Bình Dương

PGS Stephen Robert Nagy (Đại học Cơ Đốc giáo quốc tế – Nhật Bản, học giả tại Quỹ châu Á – Thái Bình Dương ở Canada) cho rằng: Trung Quốc đang quyết tâm xây dựng một lực lượng tàu sân bay nhằm đảm bảo cái mà Bắc Kinh gọi là lợi ích của nước này ở nước ngoài. Tất nhiên, về mặt dân sự thì tàu sân bay là khá cần thiết trong các hoạt động khẩn cấp đối với một nền kinh tế lớn và nhiều ảnh hưởng như Trung Quốc. Trong giai đoạn xảy ra Cách mạng Mùa xuân ở châu Phi, Trung Quốc phải dựa hoàn toàn vào tàu thương mại để sơ tán công dân khỏi các vùng bất ổn. Nếu có tàu sân bay thì có thể hiệu quả hơn rất nhiều.

“Tuy nhiên, yếu tố quan trọng để Trung Quốc đẩy nhanh lực lượng tàu sân bay vẫn là nhằm tăng cường sức mạnh quân sự trong khu vực Thái Bình Dương. Sau khi đầu tư lớn vào chiến lược phong tỏa, chống tiếp cận để hạn chế ảnh hưởng của Mỹ, thì Trung Quốc phát triển mạnh vào tàu sân bay”, PGS-TS Nagy nói.

Bên cạnh đó, như giới chuyên gia từng nhận định tàu sân bay cũng là công cụ quan trọng để Bắc Kinh theo đuổi tuyên bố chủ quyền phi pháp ở Biển Đông. Thực tế, thời gian qua, tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc vẫn thường xuyên hoạt động tại vùng biển này.

http://biendong.net/bi-n-nong/34035-tham-vong-tau-san-bay-cua-tq-o-bien-dong.html

 

Covid-19, vũ khí sinh học

và tham vọng mở rộng lãnh thổ của Bắc Kinh

Quý Khải

Trong một bài phát biểu bí mật dành cho các cán bộ cấp cao của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) gần hai thập kỷ trước, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc khi đó, Tướng Ngụy Phượng Hòa đã trình bày một kế hoạch dài hạn nhằm mục tiêu phục hưng Trung Quốc.

Ông nói có ba vấn đề quan trọng cần phải nắm chắc. Đầu tiên là vấn đề không gian sống, nguyên nhân là do Trung Quốc đang bùng nổ dân số nghiêm trọng trong khi môi sinh đang xuống dốc. Từ đó nảy sinh vấn đề thứ hai, đó là ĐCSTQ phải dạy người dân Trung Quốc “hướng ra biển lớn”. Ý tứ tướng Ngụy muốn ám chỉ sự chinh phục những vùng đất mới, từ đó khai sinh “một Trung Quốc thứ hai” bằng phương thức “thuộc địa hóa” như nó đã từng làm trong lịch sử. Cũng từ đây, nảy sinh vấn đề quan trọng thứ ba: “vấn đề nước Mỹ”.

Tướng Ngụy từng dõng dạc cảnh báo các thính giả trong hội trường: “Điều này nghe thì có vẻ gây sốc, nhưng logic thực ra rất đơn giản. … [Trung Quốc] đang ở trong cuộc xung đột cơ bản về lợi ích chiến lược với phương Tây. Do đó, Mỹ sẽ chẳng bao giờ cho phép Trung Quốc chiếm đoạt các nước khác để xây dựng một Trung Quốc thứ hai. Mỹ sẽ ngáng chân Trung Quốc trong vấn đề này”.

Tướng Ngụy tiếp tục giải thích:

“Mỹ có cho phép chúng ta hướng ra biển lớn để thâu thập những không gian sống mới hay không? Thứ nhất, nếu Mỹ kiên quyết ngăn chặn, chúng ta sẽ khó có thể làm bất cứ điều gì đáng kể với Đài Loan, Việt Nam, Ấn Độ hoặc thậm chí Nhật Bản, [nếu thế] liệu chúng ta có thể mở rộng thêm bao nhiêu không gian sống? Rất nhỏ nhặt! Mặt khác, chỉ các nước lớn như Mỹ, Canada và Úc mới sở hữu vùng đất đủ rộng rãi để phục vụ nhu cầu thực dân trên diện rộng của chúng ta”.

“Tất nhiên, chúng ta không ấu trĩ đến mức cùng tàn lụi với Mỹ trong một cuộc chiến tranh hạt nhân”, tướng Ngụy phân tích. “Chỉ bằng cách sử dụng vũ khí không mang tính hủy diệt mới có thể trừ khử nhiều người, từ đó chiếm lấy đất Mỹ cho riêng mình”.

Do đó, câu trả lời cho vấn đề này nằm ở vũ khí sinh học.

“Tất nhiên, chúng ta chưa từng ngơi nghỉ. Trong những năm qua, chúng ta đã nắm bắt cơ hội để chế tạo vũ khí loại này”, ông nói thêm.

Chính quyền Trung Quốc xếp vũ khí sinh học vào loại vũ khí quan trọng bậc nhất để đạt được mục tiêu của họ – “xóa sổ nước Mỹ”. Tướng Ngụy ca ngợi công lao của cựu lãnh đạo Đặng Tiểu Bình trong việc đặt vũ khí sinh học lên trên tất cả các vũ khí khác trong kho vũ khí của nước này:

“Khi đồng chí Đặng Tiểu Bình vẫn còn ở bên cạnh chúng ta, Trung ương Đảng đã có quyết định sáng suốt khi không phát triển các nhóm tàu ​​sân bay, mà thay vào đó tập trung phát triển vũ khí sát thương có khả năng tiêu diệt lượng lớn dân số của kẻ thù”.

Nghe có vẻ khó tin, nhưng tướng Ngụy từng tự coi mình là một người cộng sản “nhân đạo”, và từ đó bộc bạch những “cảm xúc” đan xen phức tạp về vấn đề này: “Đôi khi tôi nghĩ thật tàn khốc làm sao khi Trung Quốc và Hoa Kỳ là kẻ thù của nhau”.

Ông muốn lưu ý rằng, rốt cục Mỹ từng giúp Trung Quốc trong Thế chiến II. Người dân Trung Quốc nhớ việc Mỹ đã chống lại chủ nghĩa đế quốc Nhật Bản. Nhưng điều đó giờ đây không còn quan trọng nữa.

“Trong dài hạn, mối quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ sẽ là một cuộc đấu tranh sinh tử, một mất một còn”, tướng Ngụy nhấn mạnh. Tình cảnh bi thảm này sẽ là viễn cảnh tương lai.

Theo tướng Ngụy, “Chúng ta không được quên rằng lịch sử nền văn minh Trung Quốc đã nhiều lần dạy chúng ta rằng một núi không thể có 2 hổ”.

Và theo tướng Ngụy, vấn đề bùng nổ dân số quá mức và suy thoái môi sinh của Trung Quốc rốt cục sẽ dẫn đến sự sụp đổ xã ​​hội và nội chiến. Ông ước tính, “hơn 800 triệu người Trung Quốc” sẽ chết trong tình cảnh sụp đổ như vậy. Do đó, ĐCSTQ không có biện pháp khác cho vấn đề này.

Hoặc là dân Mỹ bị “xóa sổ” trước các cuộc tấn công sinh học, hoặc Trung Quốc phải hứng chịu một thảm họa quốc gia.

“Chúng ta phải chuẩn bị sẵn cho hai kịch bản”, tướng Ngụy nói. “Nếu vũ khí sinh học của chúng ta thành công trong cuộc đột kích chớp nhoáng, người dân Trung Quốc sẽ có thể giữ tổn thất ở mức tối thiểu trong cuộc chiến với Hoa Kỳ. Tuy nhiên, nếu cuộc tấn công thất bại và kích hoạt đòn trả đũa hạt nhân từ Mỹ, Trung Quốc có lẽ sẽ phải hứng chịu một thảm họa trong đó hơn một nửa dân số sẽ thiệt mạng. Đó là lý do tại sao chúng ta cần chuẩn bị sẵn sàng hệ thống phòng không chắc chắn cho các thành phố cỡ lớn và cỡ trung của chúng ta”.

“Tất nhiên, chúng ta không ấu trĩ đến mức cùng tàn lụi với Mỹ trong một cuộc chiến tranh hạt nhân. Chỉ bằng cách sử dụng vũ khí không mang tính hủy diệt mới có thể trừ khử nhiều người, từ đó chiếm lấy đất Mỹ cho riêng mình”.

– Tướng Ngụy Phượng Hòa, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc

Trong bài phát biểu, tướng Ngụy cung cấp chìa khóa để hiểu được chiến lược phát triển của Trung Quốc.

“Việc phát triển kinh tế của chúng ta đều là để chuẩn bị cho nhu cầu chiến tranh!” ông tuyên bố.

Phát triển kinh tế không phải là để cải thiện đời sống nhân dân Trung Quốc trong ngắn hạn. Phát triển kinh tế không phải là để xây dựng một xã hội tư bản hướng tới sự tiêu dùng. “Trên bề mặt, chúng ta vẫn nhấn mạnh vào việc phát triển kinh tế như là mục tiêu cốt lõi của chúng ta, nhưng trên thực tế, việc phát triển kinh tế sẽ lấy chiến tranh làm hạch tâm cốt lõi!”

Đây cũng là động lực cơ bản đằng sau mối quan tâm rất lớn của Trung Quốc đối với ngành khoa học sinh học.

Vũ khí hóa dịch bệnh

Phương Tây vẫn chưa hiểu được động cơ căn bản của việc Trung Quốc sẵn sàng xây dựng các phòng thí nghiệm vi sinh học cấp độ 4, nơi nghiên cứu các vi khuẩn chết chóc nhất thế giới (ví dụ, phòng thí nghiệm các mầm bệnh cấp độ 4, cấp cao nhất hiện tại). Giờ đây, vấn đề này đã nổi lên bề mặt khi đối diện với đại dịch Covid-19 khởi phát ở Vũ Hán, địa khu nằm ở trung tâm Trung Quốc, nơi có phòng thí

nghiệm virus học cấp độ 4 duy nhất của nước này (chuyên nghiên cứu các virus chết chóc, nguy hiểm nhất).

Không lâu sau bài phát biểu, tướng Ngụy thôi giữ chức bộ trưởng quốc phòng vào năm 2003, cùng năm xảy ra đợt bùng phát dịch SARS (một chủng virus corona khác, còn gọi là SARS-CoV-1) tại nước này. Trùng hợp ở chỗ, đây cũng là thời điểm Bắc Kinh quyết định xây dựng phòng thí nghiệm virus học cấp độ 4 tại Vũ Hán. Trong bối cảnh bài phát biểu của tướng Ngụy, liệu đợt bùng phát dịch virus corona chủng mới (còn gọi là SARS-CoV-2) ở Vũ Hán có phải là một tai nạn do nghiên cứu thử nghiệm vũ khí sinh học tại phòng thí nghiệm đó không?

Có hai điểm đáng cân nhắc. Thứ nhất, vào năm 2008, một quan chức an ninh hàng đầu Đài Loan nói với các nhà lập pháp nước này rằng “Đài Loan có thông tin tình báo kết nối virus SARS với nghiên cứu được tiến hành tại các phòng thí nghiệm ở Trung Quốc đại lục”, theo tờ Sydney Morning Herald ngày 7/10/2008.

Với sức ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc và sự thâm nhập chính trị của truyền thông tiếng Trung tại quốc đảo này, không ngạc nhiên khi Giám đốc Văn phòng An ninh Quốc gia Tsai Chao-ming buộc phải rút lại tuyên bố của mình, nhưng không có dấu hiệu đặc trưng của một “lỗi ngoại giao ngớ ngẩn” thông thường. Có phải ông Tsai đã bị buộc phải rút lại một tuyên bố xác thực, bởi ông không thể tiết lộ các nguồn cung cấp thông tin tình báo của mình tại Trung Quốc nội địa?

Thứ hai, Trung Quốc đã nhiều lần bị chỉ trích vì trộm cắp công nghệ phương Tây, bao gồm cả các phòng thí nghiệm sinh học.

Cách đây không lâu, nhà virus học nổi tiếng người Trung Quốc, Tiến sĩ Xiangguo Qiu, cùng chồng và một số sinh viên Trung Quốc của cô, đã bị tước giấy phép hoạt động tại Phòng thí nghiệm Vi sinh Quốc gia Canada tại thành phố Winnipeg. Đây cũng là phòng thí nghiệm sinh học cấp độ 4 duy nhất ở Canada. Hành vi của bà Qiu đang bị điều tra bởi cảnh sát hoàng gia Canada (RCMP) với cáo buộc được Cơ quan Y tế Công cộng Canada mô tả là các “vi phạm chính sách” tiềm tàng, kênh CBC đưa tin. Bà Qiu đã được mời đến Phòng thí nghiệm An toàn Sinh học Quốc gia Vũ Hán thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc hai lần mỗi năm, trong hai năm. Một báo cáo sau đó của CBC đã cẩn trọng bác bỏ tuyên bố cho rằng các nhà khoa học Trung Quốc đánh cắp virus corona từ phòng thí nghiệm nước này.

Có rất nhiều chi tiết về vụ này chưa được công khai, và hiện có rất ít thông tin được tiết lộ cho công chúng. Tuy nhiên, mối liên hệ giữa đợt dịch bùng phát tại Vũ Hán và tham vọng của Trung Quốc đối với các vi khuẩn gây chết người phải được đưa vào trong tính toán của chúng ta.

Chúng ta cần phải có một cuộc điều tra toàn diện về sự bùng phát dịch viêm phổi Vũ Hán. Chính quyền Trung Quốc phải cho phép toàn thế giới thấy được sự minh bạch. Nếu các quan chức Trung Quốc vô tội, họ không có gì để che giấu. Nếu họ có tội, họ hẳn sẽ từ chối hợp tác.

Mối quan ngại thực sự ở đây là liệu phần còn lại của thế giới có đủ can đảm để yêu cầu một cuộc điều tra toàn diện và kỹ lưỡng hay không. Chúng ta cần phải dũng cảm và không lo sợ đối với yêu cầu này và không cho phép các “lợi ích kinh tế” khiến bản thân nhắm mắt làm ngơ và tảng lờ sự thật. Chúng ta cần một cuộc điều tra trung thực, và chúng ta cần nó ngay lập tức.

Phía trên là toàn văn bài bình luận có tựa đề gốc “Có phải kế hoạch hủy diệt nước Mỹ của Trung Quốc đã phản tác dụng (Did China’s Plan to Destroy the United States Backfire?)” đăng trên tờ The Epoch Times ngày 31/1/2020. Tại thời điểm đó, Mỹ ghi nhận vỏn vẹn có 6 ca nhiễm. Hiện tại (ngày 11/4/2020), Mỹ có hơn gần nửa triệu ca nhiễm, với hơn 18.000 người tử vong vì virus Vũ Hán.

J.R. Nyquist là một nhà báo và tác giả các cuốn sách “Nguồn gốc Thế chiến thứ tư (Origins of the Fourth World War)”, “Kẻ ngốc và kẻ thù (The Fool and His Enemy)” và “Chiến thuật mới của Chiến tranh toàn cầu (The New Tactics of Global War)”.

Quan điểm thể hiện trong bài viết này là ý kiến ​​của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của Thời báo Đại Kỷ Nguyên.

Quý Khải dịch & biên tập

https://www.dkn.tv/the-gioi/covid-19-vu-khi-sinh-hoc-va-tham-vong-mo-rong-lanh-tho-cua-bac-kinh.html

 

Trung Quốc báo cáo số ca virus corona gia tăng,

chủ yếu từ nước ngoài

Trung Quốc ngày thứ Bảy báo cáo sự gia tăng các ca nhiễm virus corona mới, chủ yếu là những du khách từ nước ngoài tới.

Các hạn chế nghiêm ngặt được áp đặt ở Trung Quốc kể từ tháng 1 đã kìm chế các ca lây nhiễm kể từ đỉnh điểm của đại dịch vào tháng 2, dù nó đã lan rộng ra toàn thế giới và lây nhiễm 1,6 triệu người với 100.000 người tử vong.

Nhưng nhà chức trách Trung Quốc lo ngại về khả năng có một làn sóng lây nhiễm thứ hai với những người từ nước ngoài tới hoặc các bệnh nhân không có triệu chứng.

Ủy ban Y tế Quốc gia cho biết 46 trường hợp mới được báo cáo vào ngày thứ Sáu, bao gồm 42 trường hợp từ nước ngoài, tăng lên từ 42 trường hợp một ngày trước đó, trong khi tỉnh Hồ Bắc với thủ phủ Vũ Hán từng là tâm dịch báo cáo không có trường hợp mới nào qua ngày thứ bảy liên tiếp.

Trong số các trường hợp ngoại nhập mới, 22 trường hợp ở tỉnh Hắc Long Giang ở vùng đông bắc, nơi công dân Trung Quốc băng qua biên giới từ Nga góp phần vào sự tăng mạnh các ca nhiễm gần đây.

Các quan chức y tế tỉnh cho biết tất cả các trường hợp ngoại nhập mới cũng liên quan đến những trường hợp như vậy, mặc dù tỉnh này có một trường hợp địa phương mới ở thủ phủ Cáp Nhĩ Tân.

Ở những nơi khác, vùng Nội Mông ghi nhận 27 trường hợp ngoại nhập mới vào sáng ngày thứ Bảy, tất cả cũng đều từ Nga, cơ quan y tế của khu vực cho biết.

Sự gia tăng các trường hợp từ nước ngoài đã khiến nhà chức trách thành phố Quảng Châu ở miền nam tăng cường giám sát người nước ngoài, yêu cầu các quán bar và nhà hàng không phục vụ khách hàng có vẻ như có gốc gác Châu Phi, lãnh sự quán Mỹ ở thành phố này cho biết.

Bất cứ ai có tiếp xúc với “người Châu Phi” đều bị bắt buộc xét nghiệm virus sau khi cách li, bất kể lịch sử du hành gần đây hoặc đã từng cách li trước đó, lãnh sự quán Mỹ nói trong một thông cáo, khuyên người Mỹ gốc Phi hoặc những người sợ bị nhắm mục tiêu tránh xa.

Trung Quốc phát hiện 34 trường hợp không có triệu chứng mới vào ngày thứ Sáu, giảm so với 47 trường hợp ngày hôm trước, theo ủy ban y tế quốc gia.

Số ca nhiễm được báo cáo chính thức ở Trung Quốc đại lục hiện đang ở mức 81.953 ca. Số người chết tăng ba người vào ngày thứ Sáu lên tới 3.339 người.

https://www.voatiengviet.com/a/trung-quoc-bao-cao-so-ca-virus-corona-gia-tang-chu-yeu-tu-nuoc-ngoai/5368606.html

 

Covid-19 : Indonesia triển khai quân đội

giám sát lệnh phong tỏa

Minh Anh

Với 306 ca tử vong, Indonesia là quốc gia có số người chết vì Covid-19 cao nhất vùng Đông Nam Á. Quân đội đã được triển khai tại thủ đô Jakarta từ ngày 10/04/2020, theo đề nghị của thống đốc Jakarta, nhằm tăng cường giám sát lệnh phong tỏa.

Thông tín viên khu vực Đông Nam Á, Gabrielle Maréchaux, cho biết cụ thể :

« Đây là một kịch bản mà Indonesia đã trì hoãn cho đến khi tình hình lên đến mức căng thẳng nhất. Kể từ giờ, quân đội và cảnh sát tuần tra trên các nẻo đường Jakarta, nhằm buộc người dân tuân thủ lệnh ở yên trong nhà.

Sau nhiều tuần xem thường mối họa virus corona, với con số chính thức mà giới quan sát đánh giá là thấp đáng ngờ, thống đốc vùng Jakarta, ổ dịch của quốc gia đông dân xếp hàng thứ 4 trên thế giới, hôm thứ Năm 09/4, tuyên bố cần phải ở yên trong nhà trong vòng hai tuần sắp tới nhằm ngăn chận dịch bệnh.

Những ai không tuân thủ những biện pháp này sẽ bị phạt 9.000 đô la và một năm tù. Những biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt đang được đưa ra, vào lúc tại thành phố với 30 triệu dân, những người kiếm sống qua ngày lần lượt rời vùng đô thị trở về quê nhà tứ phương đất nước.

Ngăn chận dịch bệnh kể từ giờ trở thành một đòi hỏi khẩn cấp tuyệt đối tại quốc gia này, nơi có số ca tử vong cao nhất vùng Đông Nam Á và chỉ có 4 bác sĩ cho 10 ngàn dân. »

http://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20200411-covid-19-indonesia-tri%E1%BB%83n-khai-qu%C3%A2n-%C4%91%E1%BB%99i-gi%C3%A1m-s%C3%A1t-l%E1%BB%87nh-phong-t%E1%BB%8Fa

 

Úc sử dụng máy bay trực thăng, áp dụng phạt tiền

nhằm ngăn chặn du lịch trong mùa Lễ Phục Sinh

để tránh dịch bệnh lây lan

Tin từ MELBOURNE, Úc – Vào hôm thứ Sáu (10/4), các viên chức khuyến cáo rằng Úc sẽ sử dụng máy bay trực thăng, thiết lập các trạm kiểm soát của cảnh sát và đưa ra các khoản tiền phạt để ngăn chặn người dân vi phạm một lệnh cấm du lịch nhân dịp Lễ Phục Sinh.

Hơn một nửa người Úc là Kitô hữu, với nhiều người trong nhiều năm qua tham dự các buổi lễ tại nhà thờ hoặc đi du lịch thăm gia đình và bạn bè trong các ngày Lễ Phục Sinh kéo dài đến hôm thứ Hai (13/4). Nhưng với những nơi thờ phượng bị đóng cửa, các lệnh cấm các cuộc tụ họp công cộng nhiều hơn hai người và du lịch không cần thiết bị hạn chế để chống lại sự lây lan của virus, người Úc được yêu cầu ở nhà trong năm nay hoặc đối mặt với hậu quả dịch bệnh lây lan.

Khi trả lời phỏng vấn với các phóng viên, Phó ủy viên cảnh sát Gary Worboys của New South Wales tuyên bố rằng “cảnh sát sẽ hành động”, đồng thời cho biết thêm rằng cảnh sát ban hành gần 50 khoản tiền phạt mới đối với các hành vi vi phạm lệnh y tế công cộng trong 24 giờ trước.

Cảnh sát cho biết họ sẽ chặn đường và sử dụng kỹ thuật nhận dạng bảng số để bắt những người vi phạm lệnh cấm. Tiền phạt vi phạm các luật cách ly xã hội bắt đầu từ 1,000 Úc kim (620 mỹ kim), nhưng khác nhau giữa các tiểu bang. (BBT)

https://www.sbtn.tv/uc-su-dung-may-bay-truc-thang-ap-dung-phat-tien-nham-ngan-chan-du-lich-trong-mua-le-phuc-sinh-de-tranh-dich-benh-lay-lan/