Đừng để bất bình đẳng làm tan nát thêm lòng dân

Cac Bai Khac

No sub-categories

Đừng để bất bình đẳng làm tan nát thêm lòng dân
11/4/2020
Dân mạng “Soi” hình bà Võ Ánh Nguyệt khi nhận bằng khen: “Bà này không nghèo, và không chỉ có tiền trợ cấp hàng tháng như bài báo viết, mà có của ăn của để. Nhìn bà ta đeo vàng thì biết. Ai đóng góp cũng quý, nhưng đừng nói quá.”

 Cánh Cò – Đừng để bất bình đẳng làm tan nát thêm lòng dân

“Cụ bà ủng hộ 50.000 đồng từ tiền bán gà để chống Covid-19”, “ Cụ bà 103 tuổi cầm 1 triệu đồng lên phường ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19”, “ Cảm động chuyện cụ bà 87 tuổi tóc bạc phơ ủng hộ tiền, vàng phòng chống Covid-19”, “Cụ ông chống gậy vượt 4 km ủng hộ 200.000 đồng chống dịch Covid-19”

Và còn nhiều cái tựa như thế xuất hiện trên mặt báo.

Thế nhưng người dân lại phát hiện ra không ít trong các cái tựa ấy là giả, chẳng hạn trong bài viết của tờ Lao Động loan tin “5 cụ bà không nơi nương tựa ủng hộ 23 triệu đồng phòng chống dịch COVID-19” dân mạng đã bóc trần sự dối trá xuyên tạc sai sự thật của tuyên giáo. Báo chí đảng đã đồng loạt gỡ hình ảnh “Cụ già neo đơn” này xuống bởi “Cụ già neo đơn” này được đảng đưa vào danh sách trong năm cụ ủng hộ tiền chống dịch cho chính phủ lên tới 23 triệu đồng. Mặc dù được báo đảng nói là nghèo khổ, nhưng trên cổ, tai, tay và ngón tay cụ người ta thấy cụ đeo vàng lấp lánh!

Và người ta biết, cụ già nghèo khổ này là bà Võ Ánh Nguyệt nguyên phó giám đốc Trung tâm Bảo trợ Xã hội tỉnh Cà Mau cuộc sống rất giàu có chứ không nghèo hay đơn côi gì cả.

Sự giả dối có tổ chức ấy cho thấy tầm nhìn thiển cận của nhà nước, Mặt trận Tổ quốc cũng như các tổ chức do nhà nước quản lý đã không thấy được mối quan tâm hàng đầu của người dân hiện nay là lòng quan tâm đích thực đến khó khăn của họ chứ không phải đóng kịch, đem thói giả dối phỉ báng người khó khăn vì dịch bệnh.

Làm không được nhưng khi người dân làm thì bị trách phạt, đe nẹt thậm chí sách nhiễu công khai.

Tại Hà Nội đang trong mùa dịch, một nhóm nhỏ người Hà Nội muốn phát một ít nhu yếu phẩm đến những người khó khăn thì công an HN đã đến dẹp, “mời” người và các phần quà về phường Nam Đồng, quận Đống Đa để “điều tra”.

Tại Đà Nẵng một doanh nghiệp nổi tiếng trong vụ không cho người Trung Quốc thuê phòng tại khách sạn Riverside cũng bị công an ngăn cản không cho giúp người dân trong đại dịch.

Những động thái này đi ngược lại với cách hành xử của chính quyền tại Sải Gòn, nơi lòng từ thiện của người dân được chia nhỏ ra và phân phát tới đồng bào trong tình thương thật sự của máu chảy ruột mềm. Người Sài Gòn đã quen với những tấm bảng để trước hàng trăm bao nhỏ chứa thực phẩm viết hàng chữ “Nếu cần xin lấy một phần quà cho gia đình”. Chỉ ngắn gọn và đơn sơ như vậy nhưng mấy ai cầm lòng được trước tấm chân tình này.

Người dân Sài Gòn may mắn được phép chở che cho nhau và họ thực sự không cần sự can thiệp của nhà nước. Câu chuyện về chiếc máy phát gạo tự động do anh Hoàng Tuấn Anh – CEO Công ty PHGLock (quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh) lập ra khiến hàng ngàn người dân chung quanh khu vực xúc động và kết quả không chỉ riêng anh Tuấn Anh vận hành chiếc mày này mà hàng trăm người chung quanh tự ý chở gạo tới chung tay với anh khiến kho gạo luôn đầy và dự án có một không hai này có cơ may kéo dài mà không sợ hết gạo để phát.

Một chiếc máy tự động sẽ chảy gạo ra mỗi phần khoảng 1 ký ½ cho người nghèo được phân biệt có nghèo thật hay không do một nhóm người trong ban tổ chức phân định. Người nhận gạo xếp hàng cách nhau 2 thước như quy định tuy chờ nhưng không sợ hết gạo khi tới lượt mình. Vài ngày sau khi phân phối, người dân chung quanh và xa hơn đã kìn kìn chở gạo tới chất đầy kho, bởi họ thấy sự tổ chức, phân phối và tấm lòng của người làm từ thiện quả thật trong sáng và đáng hợp tác.

Chiếc máy phát gạo không biết có giúp cho chính quyền ý tưởng gì không nhưng cho tới nay chưa có một phản ứng tiêu cực nào từ địa phương cũng khiến người Sài Gòn biết ơn, ngay cả khi chính quyền không hề lên tiếng là đủ tốt với người dân.

Sự thật khá khác lạ so với nhiều nước trên thế giới nhưng đó vẫn là sự thật.

Khi dịch bệnh xảy ra và chính sách cách ly toàn xã hội đã khiến cho dân nghèo bị thiệt hại đầu tiên và dữ dội nhất. Hàng ngàn người sống bằng những nghề bán hàng rong, bán vé số ngay lập tức bị cái đói đe dọa và trong lúc hỗn loạn ấy vài chính quyền địa phương đã kịp thời giúp đỡ. Sóc Trăng đã phân phối cho hơn 3000 người bán vé số trong tỉnh mỗi người 900 ngàn để tạm sống trong những ngày cách ly. Bình Dương lên kế hoạch giúp mỗi người bán vé số 1 triệu trong vòng ba tháng. Những hành dộng kịp thời này khiến bà con tạm yên lòng trong khi chờ đợi nếp sống bình thường trở lại.

Nhà nước cũng có tính toán trong công tác cứu trợ và giúp cho những người chiụ thiệt thòi nhiều nhất. Sáng 1/4 gói hỗ trợ mới nhất được Bộ trưởng Bộ KH & ĐT Nguyễn Chí Dũng đề nghị nhằm trợ giúp an sinh xã hội nhằm khắc phục hậu quả Covid-19 có trị giá 61.580 tỷ đồng. Trong hơn 60 ngàn tỷ này được chia cho những người thuộc diện khó khăn như người đang hưởng trợ cấp xã hội, những gia đình có công với cách mạng, những lao động phổ thông mất việc… tuy nhiên những người buôn gánh bán bưng, những người bán báo, vé số hay những người sống vật vờ ngoài xã hội không hề được nhắc đến trong gói hỗ trợ 60 ngàn tỷ này.

Họ cũng là những con người, mang quốc tịch Việt Nam và cũng biết chết đói như những người có công với cách mạng.

Nhà nước đừng tưởng những bài báo cò mồi về những tấm lòng giúp người nghèo được hệ thống phù phép sẽ làm người dân bớt bức xúc. Trái lại, người dân không hề bất ngờ vì sự dối trá và bất bình đẳng trên đất nước này đã hết thuốc chữa. Người nghèo có thể hợp lại giúp nhau nhưng không vì thế mà họ quên sự bất công đang xảy ra trên chính mồ hôi nước mắt của họ.

Cánh Cò