Tin Việt Nam – 07/04/2020

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 07/04/2020

Giám đốc trung tâm văn hoá

tự ý lấy chuông đồng trong kho bán cho ve chai

Tin Vietnam.- Báo Vietnamnet ngày 6 tháng 4 năm 2020 loan tin, ông Võ Tuấn Khanh, Giám đốc trung tâm Văn hoá- Thông tin- Thể thao của huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định đã tự ý lấy một chiếc chuông đồng trong kho của Trung tâm để bán cho ve chai với giá 2 triệu đồng. Nguyên nhân của hành động trên được ông Khanh giải thích là do kho chứa bị chật, nên ông đã bán chiếc chuông cho đỡ chật kho.

Ông Phạm Văn Long, người từng là bảo vệ của Trung tâm cho biết, chiếc chuông đồng bị ông Khanh mang đi bán có chiều cao 0.6m, đường kính 0.3m, nặng 17.8kg. Chiếc chuông này là chuông của một ngôi chùa trên địa bàn huyện Tuy Phước. Sau năm 1975, nhà cầm quyền Cộng sản Cưỡng chiếm miền Nam Việt Nam thì đã lấy của nhà chùa mang về kho của Trung tâm văn hoá. Hành động lấy chuông là cướp hay như thế nào thì không được nội dung bài báo đề cập đến.

Ông Huỳnh Văn Hạnh, người chuyển giao chức vụ giám đốc cho ông Khanh cho biết, chiếc chuông đồng trên chưa được nhà chức trách thẩm định niên đại, nhưng chiếc chuông nằm trong kho là thuộc sở hữu của nhà cầm quyền. Nên hành động bán chuông của ông Khanh là sai. Sau khi sự việc bị phát hiện, ông Khanh nói sẽ đến nơi bán để tìm lại chiếc chuông.

BTT

https://www.sbtn.tv/giam-doc-trung-tam-van-hoa-tu-y-lay-chuong-dong-trong-kho-ban-cho-ve-chai/

 

TS Bùi Quang Tín ‘chết bất ngờ’

gây niềm thương tiếc và đặt nhiều câu hỏi

Hoàng TrúcGửi tới Diễn đàn BBC từ TPHCM

Buổi “tiệc ly” của lãnh đạo trường Đại học Ngân hàng thành phố Hồ Chí Minh tại Nhà Bè, TP Chí Minh đã kết thúc bằng cái chết của TS Bùi Quang Tín, rơi xuống từ tầng 14 không lâu sau đó.

Việt Nam: Công chúng thiếu tri kiến về nhà nước?

Virus corona: Hộp cơm miễn phí Sài Gòn ‘lo cho người dưới đáy’

Ông Bùi Quang Tín, 44 tuổi, được coi là trí thức tinh hoa, học ở nước ngoài trở về Việt Nam.

Ông cũng có nhiều đóng góp cho giáo dục tài chính ngân hàng, là luật sư thuộc đoàn luật sư thành phố Hồ Chí Minh và thường xuyên được báo chí dẫn phát biểu như là kiến thức cơ bản về lình vực ngân hàng.

Mới năm ngoái, ngành giáo dục cũng chứng kiến cái chết bí ẩn của thứ trưởng bộ Giáo dục Đào tạo Lê Hải An, rơi xuống từ tầng 8, ngay trụ sở bộ.

Cả hai ông đều được giới học thuật và truyền thông kính trọng.

Riêng về cái chết của TS Bùi Quang Tín có hai điều cần nêu ra. Một là về bữa tiệc cuối cùng ông tham dự, và hai là cảm xúc, câu hỏi của dư luận, gồm cả các em sinh viên.

‘Tiệc ly’ đông người giữa mùa cách ly xã hội

Bà Bích (vợ ông Bùi Quang Tín) nói với báo VietnamNet như sau:

“11h trưa 5/4 ông Tín rời khỏi nhà và có nói qua nhà 1 người tên D để bàn công việc với thầy T – lãnh đạo của 1 trường đại học. Tầm 18h, bà Bích nhận được điện thoại của Công an báo tin chồng bà gặp nạn.

Cũng ngay trong ngày này, trước đó chỉ vài giờ TS Bùi Quang Tín còn chia sẻ trên mạng xã hội về vấn đề không chia cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông để giảm lãi suất cho vay: có thật sự cần thiết?

Các ngày trước đó, các dòng trạng thái của tiến sĩ Tín cho thấy lịch làm việc dày đặc cũng như nhiệt huyết của ông với công việc và chưa thấy dấu hiệu trầm cảm nào.Khi làm việc với Công an, bà Bích trình bày, đầu năm 2019 tiến sĩ Bùi Quang Tín được bổ nhiệm phụ trách phòng truyền thông của 1 trường đại học và từ đó trong quá trình làm việc đã phải chịu rất nhiều sức ép từ nhiều phía. Bà Bích cho hay, theo lời của chồng bà, là do “lợi ích nhóm”.

Giai đoạn trước Tết 2020, ông Tín có nói với vợ là xin từ chức. Bà Bích còn cung cấp thông tin, trước đó ông Tín đã 3 lần xin từ chức nhưng lãnh đạo quản lý không đồng ý. Đặc biệt, nội dung tường trình của bà Bích có nhấn mạnh, chồng bà có kể cho bà nghe về việc hay nhận những tin nhắn đe doạ, như các báo Việt Nam đăng tải mấy ngày qua.

Sau đó, ông Tín cũng đã từ chức, tiếp tục làm công việc giảng viên và phụ trách trường đào tạo bên ngoài…

Sáng 5/04, ông Trần Việt Dũng, Viện trưởng Viện Đào tạo quốc tế Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, mời một số cán bộ của trường tới nhà mình ăn cơm tại một căn hộ ở chung cư Hoàng Anh Gia Lai 3, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè.

Mọi người ăn uống từ 12 giờ đến 16 giờ mới tan. Mọi người lần lượt ra về.Khoảng 17h, chủ nhà có hẹn với bạn nên rời khỏi nhà và có ông Tín và một người khách khác còn lại nhớ đóng cửa khi ra về.

Chủ nhà đi được khoảng 20 phút, thì xảy ra việc ông Tín rơi lầu và tử vong tại chỗ.

Phản ứng của Trường đại học và Ngân hàng Nhà nước

Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh đăng thông báo cho hay: “TS. Bùi Quang Tín, sinh năm 1976, là giảng viên khoa Quản trị Kinh doanh, nguyên Phó Trưởng phòng, phụ trách phòng Tư vấn Tuyển sinh và Phát triển Thương hiệu, Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh đã mất vào hồi 17h30 ngày 05/4/2020 tại chung cư ở huyện Nhà Bè.”

Trường này nói: “Đây là mất mát và nỗi buồn lớn với toàn thể cán bộ, viên chức của Trường ĐH Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh.

Hiện nay, cơ quan chức năng đang làm rõ nguyên nhân sự việc và sẽ thông tin khi có kết quả chính thức.”

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã yêu cầu Trường ĐHNH báo cáo sự việc.

NHNN yêu cầu Trường ĐHNH “tiếp tục phối hợp chặt chẽ, kịp thời với Cơ quan chức năng để xác minh vụ việc theo quy định của pháp luật. Đảng ủy, Ban Giám hiệu và các cấp Đoàn thể chỉ đạo điều hành mọi hoạt động của trường đảm bảo công việc thông suốt, ổn định tâm lý cán bộ, kịp thời cung cấp thông tin cần thiết trong nội bộ trường và báo chí, cơ quan bên ngoài”.

“Bên cạnh đó, NHNN yêu cầu Ban Giám hiệu chỉ đạo tổ chức kiểm điểm việc chấp hành phòng chống dịch, để tình trạng tổ chức ăn uống, tụ tập đông người (trưa ngày 5/4/2020 theo báo cáo).

Xử lý kỷ luật nghiêm khắc những cá nhân vi phạm, báo cáo Thống đốc NHNN kết quả thực hiện. Đối với các trường hợp thuộc thẩm quyền quản lý của Ban Cán sự Đảng, Thống đốc NHNN, yêu cầu các cá nhân liên quan có báo cáo kiểm điểm, giải trình để NHNN xem xét, xử lý nghiêm theo quy định.”

Các câu hỏi của dư luận và bạn bè

Không thể tin được là cảm giác của những người quen biết ông Bùi Quang Tín.

Nhà báo Ngô Công Quang thuộc báo Dân Trí là người đầu tiên đưa tin dữ lên mạng xã hội chia sẻ: “Em không thể tin được anh Tín ơi!”.

Nhà báo Trần Quốc Hải, vừa đăng bài phỏng vấn ông Bùi Quang Tín cũng chia sẻ cảm giác tương tự ” quá đột ngột, hôm qua vừa mới phỏng vấn anh”.

Nhiều vị luật sư cho rằng cái chết của ông Bùi Quang Tín quá bất thường.

Luật sư Lê Ngọc Luân chia sẻ trên trang cá nhân:

“Nguyên nhân tử vong của TS.LS Bùi Quang Tín chúng ta chờ đợi kết luận của cơ quan điều tra. Tuy nhiên, qua sự ra đi của anh Tín, trước đó là Thứ trưởng Bộ GDĐT Lê Hải An đã để lại trong lòng những người thân, người không thân và cả người chưa hề gặp mặt niềm tiếc thương. Tất cả đều chung cảm giác là những người tài năng, đức độ “hiếm hoi” của ngành giáo dục nước nhà lại ra đi trong tình huống oan nghiệt như vậy…”

Chưa dừng lại, sau khi bài viết của tôi được đăng tải, cá nhân nhận rất nhiều tin nhắn inbox của các bạn sinh viên (đêm khuya tin nhắn vẫn đến), các em đều chung cảm giác “đau đớn về sự ra đi đột ngột của Thầy mình”.

Với các em, Thầy Tín là một người gần gũi, thông minh và yêu thương sinh viên, có cái gì đó mang “nỗi niềm không thể chia sẻ thẳng thắn với học trò của mình.”

Nhà chức trách đã tiến hành điều tra vụ án mạng, rồi phải chờ kết luận.

Nguyên nhân cái chết của thứ trưởng Lê Hải An tại trụ sở Bộ Giáo dục ở Hà Nội đến nay vẫn chưa được công bố trên truyền thông.

Vì thế, cảm giác của bạn bè, và cả sự lo sợ của những bạn sinh viên mà luật sư Lê Ngọc Luân chia sẻ trên trang Facebook của ông là có thể hiểu được.

Theo dõi chính trường Việt Nam từ 30 năm nay, tôi ngộ ra một điều là giới trí thức tinh hoa lại khá ngây thơ trong các mối quan hệ quá nhiều hệ quy chiếu và các quy luật mâu thuẫn nhau và đó là lý do họ bị loại ra khỏi cuộc chơi hoặc tự mình rời bỏ.

Với ông Bùi Quang Tín cũng vậy, những người tiếp xúc với ông nhanh chóng nhận ra điều này chỉ qua vài lần tiếp xúc.

Tôi không đưa ra lời đồn đoán nào, độc giả hãy tự kiến giải.

https://www.bbc.com/vietnamese/forum-52200377

 

Tàu cá ‘đâm’ tàu hải cảnh: Ngụy biện cộng sản!

Diễm Thi, RFA

Bắc Kinh đáp trả lại yêu cầu của Hà Nội về vụ Tàu Hải cảnh của Trung Quốc đâm chìm tàu cá ngư dân Quảng Ngãi là do tàu cá Việt Nam đâm vào mũi tàu Hải cảnh Trung Quốc. Luận điệu này của Bắc Kinh bị nhiều người phản bác và cho rằng không khác mấy với luận điệu của cơ quan chức năng Hà Nội khi cho rằng một người dân bị gãy xương mũi do “va” vào gậy điều khiển của cảnh sát giao thông.

Hôm 2 tháng 4 năm 2020, tàu cá số hiệu QNg-90767-TS do ông Trần Hồng Thọ sở hữu bị tàu hải cảnh Trung Quốc số hiệu 4301 tông chìm ở khu vực đảo Phú Lâm, quần đảo Hoàng Sa. Đây là ngư trường truyền thống của ngư dân Việt Nam.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết, “Theo thông tin từ các cơ quan chức năng của Việt Nam, tàu cá QNg-90617-TS và 8 ngư dân Việt Nam đang hoạt động bình thường tại vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam thì bị tàu hải cảnh Trung Quốc ngăn cản và đâm chìm”.

Bộ Ngoại giao đã trao công hàm phản đối, yêu cầu phía Trung Quốc điều tra làm rõ, xử lý nghiêm vụ nhân viên công vụ và tàu hải cảnh đâm chìm tàu cá Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa.

Đến chiều ngày 3 tháng 4, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, phát ngôn nhân Hoa Xuân Oánh phát biểu rằng:

“Vào sáng sớm ngày 2 tháng 4, tàu Hải cảnh Trung Quốc trong khi tuần tra định kỳ đã phát hiện một chiếc tàu đánh cá Việt Nam xâm nhập đánh bắt cá ở quần đảo Tây Sa của Trung Quốc, đã lập tức gọi loa xua đuổi. Chiếc tàu đánh cá này không chịu rời đi và đột nhiên chuyển hướng về phía tàu Hải cảnh Trung Quốc. Mặc dù tàu Hải cảnh Trung Quốc đã cố gắng hết sức để tránh nhưng vẫn bị tàu đánh cá Việt Nam đâm vào mũi tàu và chiếc tàu cá đã bị chìm…”

Cùng ngày, người phát ngôn của Cục Hải cảnh Trung Quốc đăng trên trang mạng Trung Quốc Hải cảnh với nội dung tương tự:

“Sáng sớm ngày 2 tháng 4, tàu cá Việt Nam QNg-90617-TS đã xâm nhập trái phép vào vùng biển thuộc quần đảo Tây Sa của Trung Quốc để đánh bắt cá. Tàu Hải cảnh 4301 của Trung Quốc đã cảnh báo để xua đuổi. Tàu đánh cá Việt Nam không rời đi và đã có những hành động nguy hiểm nhiều lần rồi bị chìm sau khi đâm vào tàu Hải cảnh 4301.”

Ông Nguyễn Chí Thạnh, thuyền trưởng một tàu cá ở đảo Lý Sơn lên tiếng với RFA tối ngày 6 tháng 4:

“Tàu mình bé xíu sao mà sao tông nó được. Nó tông mình thôi. Nó nói vậy tui lạy nó luôn. Tông nó chỉ có chết vì tàu nó là tàu sắt.

Thấy nó thì chỉ có chạy thôi.

Khi bị vậy thì thường tụi tui cũng có gọi cứu hộ Việt Nam nhưng nếu mình đi xa bờ thì nó đâu có hỗ trợ kịp. Tàu Trung Quốc rượt là mình quay đầu chạy chứ không nó tông bể đáy, nó bắn chết. Làm sao tàu gỗ mà tông tàu sắt hả cô?”

Ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam nhận định rằng, qua sự việc này người ta càng thấy rõ cái xấu xa, cái bản chất không trung thực, âm mưu bành trướng trện Biển Đông của Trung Quốc cũng như bản chất tráo trở của nước này qua phát biểu của bà Hoa Xuân Oánh. Ông phân tích:

“Đó là chuyện rất vô lý. Tàu cây làm sao dám đâm vào tàu sắt. Hình ảnh chụp cũng rất rõ.  Chúng tôi có hình ảnh mũi và thân tàu bị đâm gãy. Người phát ngôn Bộ Ngoại Giao Trung Quốc nói không chính xác, mang tính tráo trở. Ngư dân cũng đã báo cáo rất rõ kèm hình ảnh cụ thể. Điều này thể hiện rất rõ bản chất của Trung Quốc.

Đây là lần đầu tiên có chuyện phát ngôn nhân của Bộ Ngoại Giao Trung Quốc lên tiếng đổ lỗi cho tàu cá Việt Nam đâm vào tàu hải cảnh nước họ”.

Ông Thắng cho biết Hội Nghề Cá đã lên tiếng bằng văn bản qua các cơ quan ngoại giao, các cơ quan báo chí thông tin đại chúng. Ông cho rằng phía Trung Quốc cũng đã nhận được nhưng họ không phản hồi.

Đậy không phải lần đầu tiên tàu Trung Quốc đâm chìm hay xua đuổi tàu cá Việt Nam trong vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam. Đây cũng không phải là lần đầu tiên Bộ Ngoại giao Việt Nam gửi công hàm phản đối và phát ngôn nhân bộ này lên tiếng quan ngại.

Thạc sĩ Hoàng Việt, một người hiểu rõ cách hành xử của Trung Quốc từ xưa đến nay thì cho rằng đây là ngụy biện:

“Thật ra thì từ trước đến nay Trung Quốc tìm nhiều cách đổ thừa lắm. Đây là lần đầu tiên đổ thừa bằng cách khác thôi. Tất cả những lần trước họ cũng có lý do hết, vấn đề là lý do gì thôi. Trung Quốc luôn tìm ra lý do và những lý do đó là ngụy biện. Không phải bây giờ họ mới đổ thừa đâu. Sự ngụy biện thì nó giống nhau. Muôn mặt.”

Giải thích bằng cách ngụy biện rằng tàu Hải cảnh Trung Quốc đã cố gắng hết sức để tránh nhưng vẫn bị tàu đánh cá Việt Nam đâm vào mũi tàu và chiếc tàu cá đã bị chìm, khiến người ta liên tưởng tới cách giải thích của công an Việt Nam trong những lần gây thương tích cho dân.

Tháng 10 năm 2018, anh Lê Hữu Thạnh ở tỉnh Tiền Giang tường trình với công an tỉnh này rằng anh bị cảnh sát giao thông chặn lại, dùng dùi cui đánh liên tục vào đầu, mặt và cổ anh. Khi thấy anh bị chảy máu nhiều thì cảnh sát giao thông lập tức bỏ đi. Trong khi phía cảnh sát giao thông giải trình rằng, một người điều khiển xe máy đã “va” vào gậy điều khiển giao thông khi cảnh sát đang làm nhiệm vụ khiến người này gãy xương mũi và xương hàm phải nhập viện điều trị.

Tháng 7 năm 2019, mạng xã hội xuất hiện một đoạn video ghi lại cảnh một thanh niên quay phim bằng điện thoại lúc đang bị lập biên bản thì một cảnh sát giao thông tiến tới tát anh này chảy máu môi.

Phía cảnh sát giao thông sau đó cho rằng, người vi phạm thừa nhận bản thân mình vi phạm luật giao thông và cảnh sát giao thông chỉ “gạt tay trúng điện thoại” chứ không phải đánh vào mặt nên không có chuyện chảy máu môi.

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/ishing-boats-crashing-the-coastline-communist-sophistry-dt-04062020140714.html

 

Đình chỉ 4 cơ sở sản xuất

sả thải xuống sông Mã khiến cá chết hàng loạt

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa vào ngày 7/4 vừa có quyết định tạm đình chỉnh 4 cơ sở sản xuất giấy và vàng mã tại khu vực huyện Quan Hóa và huyện Bá Thước do xả thải trực tiếp ra sông Mã khiến cá chết hàng loạt.

Truyền thông trong nước loan tin dẫn nguồn từ công văn do ông Nguyễn Đức Quyền phó chủ tịch thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa ký nêu rõ, báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường về việc kiểm tra tình hình cá chết hàng loạt bất thường trên sông Mã đoạn huyện Bá Thước, nguyên nhân bước đầu xác định là do chất thải của một số cơ sở sản xuất gần đó.

Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa yêu cầu Công an tỉnh phối hợp với sở Tài nguyên và Môi trường cùng với các cơ quan địa phương tiến hành điều tra, xác minh làm rõ vi phạm và đồng thời đình chỉ hoạt động sản xuất bột giấy, giấy vàng mã của 4 cơ sở Tân Thái Thanh, Hộ gia dình bà Phạm Thị Loan, cơ sở Đồng Tâm và Sông Mã kể từ ngày 6-4 để điều tra.

Ngoài ra, chủ tịch tỉnh Thanh Hóa còn yêu cầu Ủy ban Nhân dân các huyện Quan Hóa, Bá Thước kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan đã không kiểm tra, giám sát, ngăn chặn để các cơ sở sản xuất sả thải không đúng quy định gây ô nhiễm môi trường.

Trước đó, truyền thông trong nước hôm 3/4 đã đưa tin về phản ánh của người dân có 42 lồng nuôi cá trắm, mè, rô phi dọc sông Mã của 31 hộ nuôi đã chết hàng loạt và bất thường kéo dài nhiều cây số dọc sông Mã, người dân nghi ngờ cá chết là do các nhà máy cơ sở sản xuất giấy dọc sông xả thải trực tiếp xuống sông khiến cá chết nên báo với cơ quan chức năng để điều tra làm rõ. Theo thống kê tỉ lệ cá chết từ 50% – 100% với khoảng 6,5 tấn cá chết trong đó có 4,5 tấn cá nuôi và khoảng 2 tấn tôm cá tự nhiên.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/four-production-facilities-causing-mass-fish-deaths-were-shut-down-04072020074655.html

 

Việt Nam tăng lên 249 bệnh nhân dịch corona Vũ Hán

Bình luậnNguyễn Sơn

Tối ngày 7/4, Bộ Y tế thông báo có thêm 4 ca nhiễm dịch corona trong ngày, nâng tổng số bệnh nhân ở Việt Nam đến nay lên 249 trường hợp.

Bệnh nhân 246

Bệnh nhân nam, 33 tuổi, quốc tịch Việt Nam, có địa chỉ tại huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, làm đầu bếp tại Mátxcơva (LB Nga). Ngày 24/3, bệnh nhân 246 từ Nga trở về Việt Nam trên chuyến bay SU290 (ghế 49F), nhập cảnh Sân bay Nội Bài ngày 25/3.

Ngay sau khi nhập cảnh, bệnh nhân được chuyển đến khu cách ly tập trung tại Trường Đại học FPT, Thạch Thất, Hà Nội.

Ngày 5/4, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội lấy mẫu bệnh phẩm. Ngày 06/4, xét nghiệm cho kết quả dương tính virus corona. Hiện đang bệnh nhân 246 được điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2.

Bệnh nhân 247

Bệnh nhân nam, quốc tịch Việt Nam, 28 tuổi, trú tại phường 1, quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh, là quản lý dây chuyền tại công ty giày Gia Định chi nhánh tại số 20A đường Đồng Khởi, xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai.

Bệnh nhân 247 hàng ngày từ TP. Hồ Chí Minh đi làm ở Đồng Nai, là đồng nghiệp, có tiếp xúc gần với Bệnh nhân 124 và Bệnh nhân 151.

Sau khi phát hiện Bệnh nhân 124 dương tính với virus corona, ngày 24/3 bệnh nhân được cách ly tập trung tại ký túc xá Trường Đại học Đồng Nai theo diện đối tượng tiếp xúc gần.

Ngày 26/3, bệnh nhân 247 được Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Đồng Nai lấy mẫu bệnh phẩm gửi Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh xét nghiệm cho kết quả âm tính với virus corona.

Tại khu cách ly tập trung, bệnh nhân 247 ở cùng phòng với 4 người khác cũng tiếp xúc gần BN124 và BN151. Trong quá trình cách ly, bệnh nhân và người chung phòng không ghi nhận triệu chứng bệnh.

Ngày 6/4, khi chuẩn bị kết thúc cách ly tập trung bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc và Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh xét nghiệm khẳng định bệnh nhân dương tính với virus corona.

Hiện bệnh nhân 247 đã được chuyển Bệnh viện Phổi tỉnh Đồng Nai để cách ly, theo dõi với tình trạng sức khỏe ổn, không triệu chứng bệnh. 4 người chung phòng cách ly hiện chưa ghi nhận triệu chứng bệnh, được cách ly riêng trong 14 ngày tiếp theo.

Bệnh nhân 248

Bệnh nhân nam, quốc tịch Việt Nam, 20 tuổi. Bệnh nhân từ Mỹ, quá cảnh Nhật Bản về Việt Nam trên chuyến bay JL079 ngày 23/3/2020 nhập cảnh tại sân bay Tân Sơn Nhất.

Sau nhập cảnh, bệnh nhân 248 được chuyển đến khu cách ly tập trung tại ký túc xá Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh. Tại đây bệnh nhân ở chung phòng với 2 người khác.

Trong quá trình cách ly, bệnh nhân 248 và người chung phòng có sức khỏe ổn. Ngày 5/4, khi chuẩn bị kết thúc thời gian cách ly, bệnh nhân được Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP. Hồ Chí Minh lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc và Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh xét nghiệm khẳng định bệnh nhân dương tính với virus corona.

Hiện bệnh nhân 248 được chuyển Bệnh viện Dã chiến Củ Chi để cách ly, theo dõi với tình trạng sức khỏe ổn định. 2 người chung phòng cách ly hiện được cách ly riêng trong 14 ngày tiếp theo.

Bệnh nhân 249

Bệnh nhân nam, 55 tuổi, quốc tịch Việt Nam. Bệnh nhân 249 từ Mỹ, quá cảnh tại Hồng Kông, nhập cảnh ngày 22/3.

Khoảng ngày 10/3, bệnh nhân 249 khởi phát bệnh tại Mỹ, nhưng vẫn về nước và được đưa đi cách ly tập trung ngay sau khi nhập cảnh.

Tại khu cách ly có biểu hiện đau đầu, sốt nhẹ, không ho. Hiện nay bệnh nhân 249 đang cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2.

Trong ngày 7/4 dự kiến sẽ có 27 bệnh nhân đang điều trị tại 6 cơ sở y tế được công bố khỏi bệnh. Như vậy, đến nay Việt Nam đã có 122 ca bệnh khỏi/ra viện, còn lại 127 trường hợp đang điều trị.

https://www.ntdvn.com/viet-nam/viet-nam-tang-len-249-benh-nhan-dich-corona-vu-han-28018.html

 

Đã có 11 người cách ly có thu phí

khi đến Đà Nẵng từ Hà Nội, TP.HCM

Tính đến hết ngày 6-4 đã có 11 người đến Đà Nẵng từ Hà Nội, TP.HCM phải cách ly tập trung và trả phí.

Ông Nguyễn Tiên Hồng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Đà Nẵng, cho báo chí biết thông tin vừa nêu hôm 7/4/2020.

Trong số 11 người này, có chín người Việt Nam cách ly tại cơ sở của Bộ chỉ huy Quân sự TP Đà Nẵng, hai người nước ngoài cách ly tại khách sạn Sam Grand ở quận Sơn Trà.

Theo Công văn 66 của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Đà Nẵng trước đó, người đến từ Hà Nội, TP.HCM bao gồm cả công dân Đà Nẵng sẽ bị cách ly 14 ngày có thu phí từ ngày 5/4. Người Việt Nam sẽ cách ly tại cơ sở của Bộ chỉ huy Quân sự TP Đà Nẵng, người nước ngoài được cách ly tại khách sạn Sam Grand.

Cũng tại Đà Nẵng nhiều ngày qua, mỗi ngày có đến hàng trăm suất cơm được các mạnh thường quân phát miễn phí để giúp những hoàn cảnh khó khăn khi có dịch covid-19.

Điển hình là Câu lạc bộ “Bạn thương nhau” đã vận động các mạnh thường quân triển khai phát cơm miễn phí ở 5 điểm trên địa bàn quận Hải Châu, quận Thanh Khê và Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng.

Hay quán cơm Yên Vui ở quận Thanh Khê cũng đã tổ chức phát cơm miễn phí cho người dân, thay vì trước đây, quán chỉ bán cơm đồng giá cho người nghèo vào thứ 2, 4, 6 trong tuần.

Trong khi đó tại Hà Nội, Công an phường Nam Đồng, Đống Đa vừa giải tán điểm phát quà miễn phí tại 72 Nam Đồng, với lý do được cho là hoạt động tự phát, quá đông người đến nhận… Trong khi chính quyền quy định tránh tập trung đông người, để phòng chống dịch Covid-19.

Trước đó, cơ sở 72 Nam Đồng thông báo, bắt đầu từ 7/4 đến 10/4, tất cả người nghèo, người bán vé số, người vô gia cư và những người lang thang cơ nhỡ sẽ được nhận mỗi người từ 5 đến 10kg gạo, một thùng mì gói, một chai dầu ăn, 5 đến 10 khẩu trang, bánh ngọt + 100.000 đồng tiền mặt. Tuy nhiên hiện cơ sở này đã phải đóng cửa.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/danang-charges-11-people-from-hn-hcmc-04072020073915.html

 

Thiếu máu trầm trọng trong mùa dịch COVID-19

Viện huyết học truyền máu Trung ương kêu gọi những người có đủ điều kiện sức khoẻ, có nhóm máu O, A tham gia hiến máu vì tình trạng khan hiếm máu đang diễn ra trầm trọng.

Truyền thông trong nước loan tin này vào ngày 7 tháng 4.

Viện Huyết học Truyền máu Trung ương kêu gọi việc tham gia hiến máu trong ngày 7/4 nhân kỷ niệm 20 năm ngày toàn dân hiến máu tình nguyện và cho biết lượng máu dự trữ tại Viện chỉ còn gần 8 ngàn đơn vị máu, đặc biệt thiếu nhóm máu O, A và với lượng máu dự trữ này thì Viện chỉ có thể cầm cự được trong một tuần.

Do tình hình diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, lượng máu tiếp nhận của Viện sụt giảm nghiêm trọng. Trong ba tháng qua, Viện chỉ tiếp nhận được 16 ngàn đơn vị máu, suy giảm hơn một nửa so với cùng kỳ những năm trước. Đặc biệt đang trong giai đoạn “giãn cách xã hội” nên hầu như lịch hiến máu tại các cơ quan, trường học, khu dân cư đều không thực hiện được. Trong khi đó, Viện cần khoảng 700 đơn vị máu mỗi ngày để cung cấp cho các bệnh viện tại 25 tỉnh, thành phố.

Viện trưởng -TS.BS. Bạch Quốc Khánh cho biết, trong giai đoạn này Viện sẽ phổ biến tới người đăng ký hiến máu khi có biểu hiện cúm, ho, sốt, khó thở, đang phải cách ly thì không tham gia hiến máu. Mặc dù đây là thời điểm nhạy cảm khi ra khỏi nhà, nhưng nếu bình tĩnh và biết cách bảo vệ bản thân, tuân thủ theo đúng quy định phòng dịch người dân vẫn có thể yên tâm đi hiến máu.

TS.BS Khánh còn cho hay chưa có năm nào trong tháng thanh niên và ngày toàn dân hiến máu số lượng máu tiếp nhận thấp như vậy.

Trong mùa dịch này, để đảm bảo an toàn, tạo sự an tâm cho người hiến máu, nhân viên tiếp nhận máu và người bệnh nhận máu, bác sĩ Quốc Khánh đề nghị người hiến máu  trả lời trung thực các câu hỏi về tình trạng sức khoẻ để đội ngũ y, bác sĩ đánh giá được nguy cơ lây nhiễm COVID-19.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/there-is-severe-blood-shortage-due-to-covid-19-04072020075151.html

 

COVID-19: Hà Nội cách ly một thôn với hơn 11.000 người

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung hôm 7/4 đã quyết định uỷ quyền cho Chủ tịch huyện Mê Linh ký quyết định phong toả thôn Hạ Lôi với 2.700 hộ dân gồm hơn 11.000 người sau khi phát hiện ca nhiễm COVID-19 thứ 243 tại đây.

Ông Quách Sĩ Dũng, Bí thư xã Mê Linh cho báo chí biết, bệnh nhân 243 đã đi nhiều nơi trên địa bàn và tiếp xúc hàng trăm người cả trực tiếp và gián tiếp trong thời gian ủ bệnh.

Bệnh nhân 243, nam, 47 tuổi, đã từng đưa vợ đi khám bệnh ở Bệnh viện Bạch Mai vào ngày 12/3 vừa qua và đã dừng ăn tại quán ăn đối diện cổng bệnh viện. Từ đó đến nay, anh này chưa quay lại bệnh viện lần nào.

Bệnh viện Bạch Mai cũng là một ổ dịch COVID-19 lớn của Hà Nội với 45 trường hợp xét nghiệm dương tính. Hơn 14.000 người liên quan đến bệnh viện này đã được xét nghiệm COVID-19.

Bệnh nhân 243 được xác định đã có 23 ngày ủ bệnh nhưng cho đến lúc này các chuyên gia vẫn chưa thể khẳng định liệu bệnh nhân này nhiễm COVID-19 sau khi đến bệnh viện Bạch Mai hay đã lây nhiễm từ cộng đồng từ trước.

Bệnh nhân được xác định có kết quả dương tính với COVID-19 vào ngày 6/4 và hiện đang được điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/hanoi-isolate-one-hamlet-with-11000-people-04072020083755.html

 

Việt Nam có thêm 4 trường hợp nhiễm COVID-19,

 122 trường hợp khỏi bệnh

Thông tin vào chiều tối ngày 7 tháng Tư từ Bộ Y Tế cho biết Việt Nam vừa ghi nhận thêm 4 ca nhiễm COVID-19, nâng tổng số mắc tại Việt Nam lên 249 ca.

Bộ Y tế Việt Nam hôm 7/4 cũng cho biết bệnh nhân số 21 cùng với 26 bệnh nhân khác trong cả nước đã khỏi bệnh vào cùng ngày, đưa số bệnh nhân được chữa khỏi COVID-19 lên 122 trường hợp, tương đương xấp xỉ 50% số bệnh nhân nhiễm COVID-19 ở Việt Nam.

Tính đến sáng ngày 7/4, Việt Nam chưa có trường hợp nào tử vong vì COVID-19.

Bệnh nhân số 21 được báo chí trong nước nêu tên viết tắt là N.Q.T (nam, 61 tuổi), thường trú tại Ba Đình Hà Nội. Đây là người đã bay về Hà Nội từ London vào sáng ngày 2/3 cùng bệnh nhân số 17 và được mạng xã hội xác định là ông Nguyễn Quang Thuấn, Phó chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương của Đảng và là thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng. Người này đã từng được báo chí và mạng xã hội chú ý nhiều vì đã đi nhiều nơi, tiếp xúc nhiều người trước khi được xác định dương tính với virus gây bệnh COVID-19. Theo Bộ Y tế, bệnh nhân này đã có 3 lần xét nghiệm âm tính với COVID-19 và hiện đã tỉnh, không ho, không tức ngực hay khó thở và diễn biến ổn định.

Cùng được xác định khỏi bệnh trong ngày 7/4, còn có một bác sĩ nam, làm việc tại khoa cấp cứu Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2. Đây là bệnh nhân thứ 116 và là trường hợp bác sĩ đầu tiên tại Việt Nam nhiễm COVID-19. Bệnh nhân này đã có hai lần xét nghiệm âm tính với COVID-19.

Truyền thông trong nước trích lời Phó giáo sư Lương Ngọc Khuê, Phó trưởng tiểu ban điều trị, cho biết kết quả 27 bệnh nhân được chữa khỏi bệnh ngày 7/4 cho thấy công tác điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 trong thời gian qua của Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể, người bệnh nặng đã có tiến triển tích cực.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/covid-19-50-percent-of-patients-recovered-04072020083245.html

 

Việt Nam vẫn tiếp tục xuất khẩu gạo

trong mùa dịch COVID-19

Bộ trưởng Bộ Công thương Việt Nam hôm 6/4 vừa có báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề xuất tiếp tục xuất khẩu gạo sau khi bảo đảm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng gạo trong nước trong mọi tình huống vì dịch COVID-19.

Truyền thông trong nước loan tin hôm 7/4 cho biết trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công thương lấy ý kiến các Bộ Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và các cơ quan liên quan về xuất khẩu gạo trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay.

Tin cho hay lượng gạo mà Việt Nam được phép xuất khẩu trong tháng 4 và 5 sẽ vào khoảng 800 nghìn tấn (trong tổng số 1,5 triệu tấn gạo xuất khẩu còn lại). Lượng xuất khẩu này giảm 40% so với giai đoạn cùng kỳ năm 2019, và thấp hơn nhiều so với các năm 2018, 2017.

Bộ Công thương nói sẽ giữ lại khoảng 700 nghìn tấn gạo để dự phòng, đảm bảo cơ sở an ninh thương thực quốc gia và mọi tình huống có thể xảy ra trong tháng 4 và 5.

Với lượng gạo 700 nghìn tấn được giữ lại, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tính toán mỗi người dân sẽ được dự phòng thêm 7,3 kg gạo, một hộ gia đình 4 người có thể dự phòng thêm 30 kg gạo trong tháng 4 và 5.

Cũng theo Bộ Công thương, Việt Nam sẽ tiếp tục xuất khẩu 400 tấn gạo vào tháng 4 nhưng vào tuần cuối của tháng sẽ đưa ra quyết định điều chỉnh tiếp theo sau khi căn cứ vào tình hình dịch bệnh.

Lượng gạo xuất khẩu vụ Đông Xuân năm nay của Việt Nam là khoảng 3,2 triệu tấn, trong đó tính đến hết tháng 3 đã xuất khẩu được 1,7 triệu tấn; còn lại 1,5 triệu tấn.

Báo trong nước nói 20 doanh nghiệp xuất khẩu gạo lớn nhất Việt Nam được yêu cầu ký thoả thuận về đảm bảo cung cấp lương thực dự trữ lương thông 5% khi được yêu cầu.

Những doanh nghiệp khai báo không trung thực sẽ bị Bộ Công thương thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnam-continues-to-export-rice-despite-of-the-epidemic-04072020081524.html

 

Doanh thu các trạm BOT sụt giảm do dịch COVID-19

Doanh thu của trạm BOT trên hàng loạt tuyến cao tốc tại Việt Nam bị sụt giảm nghiêm trọng do tác động của dịch COVID-19. Tình trạng này được dự báo dẫn đến nguy cơ vỡ phương án tài chính đối với các doanh nghiệp vận tải cũng như nhà đầu tư BOT.

Truyền thông trong nước, vào ngày 7/4 dẫn báo cáo của Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) vừa công bố, cho thấy trong Quý I/2020 doanh thu trên 4 tuyến cao tốc mà doanh nghiệp này đang quản lý bị giảm 3% so với cùng kỳ năm 2019. Riêng trong tháng 3/2020, lưu lượng phương tiện và doanh thu thu phí của VEC đều giảm mạnh với tỷ lệ lần lượt gần 16% và trên 16% so với cùng kỳ năm trước. Mức doanh thu thu phí BOT trong tháng 3 bị thiệt hại 58 tỷ đồng.

Các tuyến cao tốc bị thiệt hại nặng nhất trong tháng 3 gồm Nội Bài – Lào Cai, Cầu Giẽ – Ninh Bình và TP. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây.

VEC cho biết sự sụt giảm doanh thu như vừa nêu không chỉ gây thiệt hại về kinh tế mà còn có nguy cơ vỡ phương án tài chính, nếu như tình trạng dịch bệnh COVID-19 tiếp tục kéo dài.

Báo giới dẫn lời của giới chuyên gia cho rằng mức doanh thu thu phí bị thấp trong thời gian dài thì đương nhiên sẽ không bảo đảm dự án được hoàn vốn đúng thời hạn. Do đó, phải tính đến điều chỉnh mức giá thu phí hoặc thời gian thu phí để hoàn vốn cho dự án.

Cũng liên quan đến trạm BOT, truyền thông quốc nội, vào ngày 7/4, cho biết Bộ Giao thông-Vận tải (GT-VT) vừa quyết định thành lập tổ công tác thực hiện dự án thu phí tự động không dừng.

Tổ công tác này gồm 20 thành viên, do Thứ trưởng Bộ GT-VT Lê Đình Thọ làm tổ trưởng. Trách nhiệm của tổ công tác nhằm giúp cho Bộ trưởng Bộ GT-VT kiểm tra, giám sát, giải quyết các vấn đề trong quá trình thực hiện dự án thu phí tự động không dừng đảm bảo tiến độ, chất lượng, kết nối liên thông toàn hệ thống.

Dự án thu phí tự động không dừng được dự trù triển khai trong hai giai đoạn. Giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư 2.036 tỷ đồng, bắt đầu triển khai từ cuối tháng 11/2014 dự kiến cung cấp dịch vụ cho 44 trạm BOT. Đến nay đã lắp đặt, vận hành 40/44 trạm thu phí.

Tin cho biết giai đoạn 2 được Bộ GT-VT phê duyệt đầu tư gồm 33 trạm và đã tổ chức đấu thầu. Viettel và một số doanh nghiệp về công nghệ được chọn lựa trở thành nhà thầu cho dự án của giai đoạn 2.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/bot-toll-boots-decreases-revenue-due-to-covid-19-04072020081949.html

 

Hệ lụy của Chỉ thị ‘Cách ly toàn xã hội’!

Chỉ thị ra ngày 31 tháng 3, ngay hôm sau tại Quảng Ninh diễn ra biện pháp đổ đất, dùng chướng ngại vật chặn đường giữa các làng xã trong tỉnh.

Hải Phòng không cho phép người dân ra khỏi nhà sau 22h hay việc Quảng Nam lập chốt kiểm soát chặn người dân đi qua nếu họ không có hộ khẩu địa phương…

Những hành xử của địa phương như thế bị chính Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, chủ nhiệm Văn Phòng Chính Phủ gọi là ‘ngăn sông, cấm chợ’ và nêu câu hỏi ‘ai cho phép làm như thế?

Vào ngày 6 tháng 4, Luật sư Nguyễn Văn Hậu cho rằng trong chỉ thị số 16, Văn phòng chính phủ đã quy định rõ việc thực hiện nghiêm cách ly xã hội theo hướng bảo đảm khoảng cách xã hội giữa người với người, cộng đồng với cộng đồng nhằm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm:

“Tôi nghĩ việc cách ly xã hội trong văn bản đó cũng nói rất rõ, tức là những người cán bộ cần phải biết và hiểu luật. Tôi thấy chỉ thị từ khi ban hành có một số nơi hiểu và thực hiện chưa thống nhất, nó dẫn đến việc quá tay ở một số địa phương và vừa rồi có chấn chỉnh những việc này.

Vấn đề là phải thực hiện nghiêm, chứ không phải là thực hiện sai và hiểu không đúng cụm từ ‘cách ly xã hội’. Trong lúc cả thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng thì đang huy động một nguồn lực để chặn đứng sự lây lan của dịch bệnh; tinh thần chống dịch được người dân rất ủng hộ.”

Tuy vậy, theo tiến sĩ Nguyễn Quang A, một nhà hoạt động tại Hà Nội, việc dùng từ ‘cách ly’ đã gây ra nhiều sự hiểu lầm trong các cấp và người dân Việt Nam:

“Người ta hiểu như thế có nghĩa dùng từ ‘cách ly’ thật sự tức là gì, là người ở đâu thì ở đấy, không có đi đâu. Đó chỉ là lời khuyên để mọi người cố gắng ở nhà, xa cách người khác, không tập trung đông người. Do dùng từ sai như vậy đã dẫn đến rất nhiều sự hiểu lầm và rất nhiều cơ quan nhà nước, chính quyền các địa phương khác nhau. Mỗi một người hiểu theo một ý—ông thì chặn đường; ông thì đổ đất ra chắn đường; cảnh sát thì truy tìm để phạt…v.v.”

Theo ông Nguyễn Quang A, nếu dùng từ đơn giản hơn để thay thế như ‘giãn cách xã hội’ hoặc ‘giãn cách về vật lý’ giữa người với người, việc hiểu lầm và những hành động ‘quá tay’ của các chính quyền địa phương có thể sẽ không xảy ra.

Đồng quan điểm, luật sư Đặng Đình Mạnh cho biết ý kiến của ông về việc sử dụng ngôn ngữ trong chỉ thị về việc ‘cách ly xã hội’ có phần không chuẩn xác; trong đó còn những từ ngữ như ‘cách ly thôn với thôn, xã với xã’ không có một ranh giới nào để có thể hiểu rằng giữa những khái niệm đó khác nhau như thế nào. Theo luật sư Mạnh, những từ ngữ được dùng rất tối nghĩa và cần có sự giải thích sâu để có thể truyền tải chính xác ý nghĩa của văn bản chỉ thị này:

“Ví dụ ‘cách ly xã hội’, như tôi biết là dịch từ thuật ngữ của tiếng nước ngoài, mà theo tiếng nước ngoài được hiểu rằng là cần phải giữ khoảng cách xã hội ví dụ theo y tế cần giữ khoảng cách giữa người với người là 2 mét, thì có thể đảm bảo được sự an toàn về y tế cho nhau. Nhưng khi chuyển ngữ qua tiếng Việt thì xài chữ ‘cách ly xã hội’, rõ ràng chữ ‘cách ly’ nó mang ý nghĩa nặng hơn, nghiêm trọng hơn. Mà trong chừng mực nào đó, chữ ‘cách ly’ dùng cho những người phải ở tù. Ở Việt Nam hay dùng từ ‘cách ly’ một người ra khỏi xã hội, có nghĩa là bắt buộc người đó phải ở tù.”

Ông Đặng Đình Mạnh cho biết, sau khi có chỉ thị 16, một chợ tại TP HCM ra một văn bản cấm họp chợ. Các sở tư pháp ở các tỉnh cũng ra văn bản yêu cầu các tổ chức mang tính hỗ trợ pháp lý, như công chứng hoặc văn phòng luật sư phải ngưng hoạt động. Sau đó khi có nhiều sự phản ánh, chính phủ Việt Nam mới ra thêm văn bản giải thích chỉ thị về ‘cách ly xã hội’ chỉ mang tích chất ‘khuyến cáo’:

“Chính điều đó cho thấy rằng là chính các cơ quan tổ chức của nhà nước, họ cũng hiểu lầm. Vì họ hiểu lầm nên chính người dân cũng hiểu lầm, vị vậy mà tôi thấy rằng là công tác ban hành văn bản của cấp thủ tướng là nó có vấn đề và phải cần xem xét lại.”

Cũng theo luật sư Đặng Đình Mạnh, dưới phương diện thẩm quyền, thủ tướng chính phủ có quyền ra chỉ thị, nhưng chỉ thị chỉ trong phạm vi văn bản điều hành, chỉ dùng trong hệ thống chính quyền; thủ tướng chỉ thị cho các bộ hoặc UBND các cấp, còn chỉ thị văn bản không có hiệu lực đối với người dân:

“Ngay trong ngày 31 tháng 3 khi ra văn bản đó, có lẽ chính phủ cũng nhận thấy sự bất thường của văn bản cho nên đã có sự giải thích, cho rằng văn bản chỉ thị này mang ý nghĩa khuyến cáo người dân và thuyết phục người dân đồng thuận và chấp hành chỉ thị theo.

Khuyến cáo này lẽ ra họ phải ra văn bản mang tên ‘khuyến cáo’ thôi cũng được, vì văn bản không có tính cách cử hành; nó khuyến cáo người dân, tức là nó không thuộc vào loại một văn bản pháp luật nào cả, mà nó là sự khuyến cáo khơi khơi giữa ông thủ tướng với người dân.”

Theo ý kiến ông Nguyễn Quang A, sự hiểm lầm khi dùng từ ngữ không chuẩn xác trong chỉ thị về ‘cách ly xã hội’ đã dẫn đến việc chính quyền địa phương thi hành một cách gắt gao, dễ tổn hại nhiều đến mặt kinh tế và gây ra khó khăn cho đời sống của người dân:

“Tôi nghĩ rằng ở Việt Nam, trong thời gian vừa ra có nhiều biện pháp, có lẽ thôi tôi nghĩ rằng là hơi quá đi. Lẽ ra những biện pháp chưa cần như vậy. Nếu mình làm quá gắt gao sẽ có tổn hại rất nhiều về mặt kinh tế, về mặt đời sống khó khăn cho người dân; cái đấy có thể tính ra bằng tiền, chưa nói đến chuyện về tổn thương tâm lý của người dân.”

Đồng tình, luật sư Nguyễn Văn Hậu cho rằng bên cạnh việc chống dịch, phải đảm bảo sự vận hành của xã hội, tạo đà cho kinh tế phát triển. Theo ông, chính quyền cần phải đặt mục tiêu kép khi thực hiện chỉ thị của chính phủ trong chiến dịch phòng chống bệnh truyền nhiễm—vừa chống dịch và vừa phải phát triển kinh tế, xã hội:

“Hai mục tiêu này luôn song hành cùng nhau và luôn hỗ trợ cho nhau, không thể lấy lý do phòng chống dịch để đóng băng toàn xã hội được. Những nhà máy, kinh doanh, dịch vụ thiết yếu vẫn tiếp tục hoạt động. Người dân vẫn phải ra ngoài mua lương thực, mua hàng hóa, cho nên vừa rồi phải chắn đường, bắt xe và làm những việc cực đoan, vì vậy cần phải chấn chỉnh lại những trường hợp này.”

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/consequences-of-the-social-isolation-in-entirety-04062020170659.html

 

Ban Tôn giáo Chính phủ yêu cầu

không tái diễn Thánh lễ tập trung đông người

Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ Vũ Chiến Thắng đã ký văn bản yêu cầu không tiếp tục tổ chức Thánh lễ tập trung đông người gửi đến Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam và Giám mục các giáo phận nhằm đẩy mạnh phòng, chống dịch Covid-19.

Báo điện tử đài Tiếng nói Việt Nam VOV loan tin ngày 7/4.

Tin cho biết, văn bản được gửi sau khi báo trong nước loan tải thông tin cho biết hàng trăm người dân Hà Tĩnh đã tham dự Thánh lễ vào hai ngày 4-5/4 vừa qua.

Sinh hoạt này vi phạm quy định cách ly toàn xã hội theo Chỉ thị 16 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ban hành ngày 31/3 và có hiệu lực từ 0 giờ ngày 1/4. Cụ thể, không tụ tập quá 2 người tại nơi công cộng.

Vì vậy, Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ đề nghị Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam và Giám mục các giáo phận tiếp tục hướng dẫn Linh mục, tu sĩ, giáo dân tạm ngưng cử hành Thánh lễ và tất cả các sinh hoạt tôn giáo có sự tham dự của giáo dân. Thay vào đó, các giáo xứ có thể tổ chức Thánh lễ trực tuyến để giáo dân tham dự qua các mạng xã hội. Đồng thời vẫn được tổ chức Thánh lễ riêng tư cho chức sắc Công giáo.

Bên cạnh đó, Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ cũng đề nghị Hội đồng Giám mục Việt Nam có thái độ nghiêm khắc với các Linh mục quản xứ tại Hà Tĩnh tổ chức Thánh lễ vào cuối tuần qua, không để tái diễn hoạt động nghi lễ tập trung đông người.

Vẫn liên quan việc tụ tập đông người, để giải quyết tình trạng ùn tắc tại bến phà Tuần Mây ở xã Thượng Vũ, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương, phà nối liền giữa 2 huyện Kim Thành và thị xã Kinh Môn, UBND tỉnh Hải Dương vừa quyết định mở thêm bến đò bên xã Thăng Long tại thị xã Kinh Môn để giảm tải cho bến phà Tuần Mây.

Báo trong nước trích lời ông Hoàng Tuấn Long – Bến trưởng Bến phà Tuần Mây cho biết, dù theo quy định, một phà chỉ được chở 20 người, nhưng từ ngày 1/4 đến nay, vào giờ cao điểm lúc sáng và chiều tối, hàng trăm người chen chúc lên phà, cán bộ nhân viên nhà phà không thể kiểm soát được.

Ông ước tính trung bình mỗi buổi sáng, phà phải quay vòng 15-20 chuyến để chở hơn 3.000 người, chủ yếu là công nhân các khu công nghiệp.

Theo lời Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Hải Dương, nguyên nhân dẫn đến tình trạng phà Tuần Mây bị quá tải, ùn tắc trong những ngày này là do thị xã Kinh Môn cho dừng hoạt động các bến đò ngang lân cận từ ngày 1/4 để hạn chế đi lại, nhằm ngăn ngừa dịch bệnh Covid-19 nên lượng người và phương tiện mới dồn sang phà Tuần Mây.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/gov-committee-for-religious-affairs-asked-not-to-gather-crowded-people-for-the-masses-04072020111303.html