Tin Việt Nam – 06/04/2020
Trường hợp mới người dân chết trong trại tạm giam
Một người dân tên Vũ Hoài P., 34 tuổi bị bắt về tội ‘tàng trữ trái phép chất ma túy’ đã chết tại Nhà tạm giữ của Công an thị xã Gò Công vào ngày 31/3.
Báo Người Lao Động loan tin vào ngày 4/6, cho biết thêm nguyên nhân dẫn đến cái chết của bị can này là do bệnh lý tăng kali máu, nhiễm trùng huyết, nhiễm trùng đường tiểu, HIV/AIDS.
Tin cho biết, sau khi bị bắt tạm giam vào ngày 1/10/2019, người này đã nhiều lần được đưa đi bệnh viện để chữa trị bệnh. Trong đó, lần đầu tiên phát hiện được P. dương tính với HIV/AIDS.
Sau đó, liên tiếp 2 ngày liền 29/2 và chiều 30/3, P. được đưa đi Bệnh viện Đa khoa khu vực Gò Công. Sau lần cấp cứu ngày đầu, bác sĩ chẩn đoán bị viêm dạ dày tá tràng nên cho thuốc uống điều trị. Chiều hôm sau, người này được chẩn đoán bị đau thần kinh tọa và nhiễm trùng đường tiểu nên nhập viện điều trị.
Tuy nhiên đến sáng ngày 31/3, P. được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa trung tâm Tiền Giang để tiếp tục điều trị và tử vong vào chiều cùng ngày.
Theo thống kê của RFA dựa trên những thông tin được truyền thông trong nước đăng tải, có ít nhất 11 người chết trong đồn công an vào năm 2018; ít nhất 3 người chết vào năm tiếp theo; và vào đầu tháng 3/2020 đã có 2 người chết khi đang bị tạm giữ.
Tiến sĩ – Luật sư Bùi Quang Tín tử vong
vì rơi từ tầng 14 chung cư
Tiến sĩ – Luật sư Bùi Quang Tín (thành viên Đoàn Luật sư TP.HCM, Giảng viên Đại học Ngân hàng TP.HCM) rơi từ tầng 14 tại chung cư New Saigon, huyện Nhà Bè vào ngày 5/4 và tử vong. Báo trong nước loan tin hôm 6/4.
Truyền thông trong nước loan tin dẫn điều tra ban đầu của cơ quan công an, rằng vào khoảng 5 giờ rưỡi chiều ngày 5/4, bảo vệ chung cư toà nhà nghe một tiếng động lớn ở khu vực giếng trời sảnh D2. Ông Tín sau đó bị phát hiện nằm bất động dưới sàn bê tông và được đưa đến bệnh viện nhưng đã tử vong.
Vị trí ông Tín nằm được nói nằm phương thẳng đứng với các lan can của các căn hộ khu D2. Lan can của các căn hộ này có độ cao 1,2 m.
Đại diện Ban quản lý chung tư New Saigon cho biết trước đó ông Tín và một số người khác đã được chủ một căn hộ ở tầng 14 bảo lãnh cho lên.
Bà Nguyễn Thanh Bích, vợ ông Tín, khai trong bản tường trình rằng không tin chồng mình tự tử. Bà Bích nói ông Tín có tinh thần rất tốt, vui vẻ, và đưa ra một số nghi vấn, đề nghị cảnh sát điều tra làm rõ uẩn khúc.
Hiện toàn bộ hình ảnh camera an ninh ở khu vực công cộng của khu chung cư đã được giao cho cơ quan công an điều tra.
Tiến sĩ – Luật sư Bùi Quang Tín là chuyên gia tài chính trong lĩnh vực Ngân hàng. Ông đã đóng góp nhiều ý kiến xây dựng chính sách phát triển kinh tế cho Việt Nam và đã từng trả lời phỏng vấn cho RFA vào tháng 7/2018.
Thêm một người dân xã Đồng Tâm bị bắt giữ
giữa dịch COVID-19
Công An Hà Nội cho bắt thêm một người dân Đồng tâm với cáo buộc có liên quan đến vụ đụng độ đổ máu giữa công an và người dân địa phương vào ngày 9 tháng 1 năm 2020 vừa qua. Thông tin này được một người dân xã Đồng Tâm xác nhận với Đài Á Châu Tự Do vào chiều ngày 6/4/2020.
Đây là người dân thứ 28 bị bắt ở Đồng Tâm sau vụ việc ngày 9/1. Những người này bị cáo buộc các tội bao gồm giết người, chống người thi hành công vụ, tàng trữ và sử dụng vũ khí trái phép.
Người bị bắt là bà Lê Thị Loan, sinh năm 1966, một người dân ở thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức.
Ông Trịnh Bá Phương một nhà hoạt động ở Hà Nội có liên hệ mật thiết với người dân Đồng Tâm cũng cho biết như sau;
“Bà Lê Thị Loan là một người có tiếng nói đấu tranh mạnh mẽ đã sát cánh cùng với cụ Lê Đình kình đứng lên để giữ khu đất Đồng Sênh thì trong cái sự kiện ngày 9 tháng 1 khi hàng nghìn cảnh sát cơ động đến tấn công thôn Hoành, xã Đồng Tâm thì khi đó bà Loan đã không có ở địa phương.
Tuy nhiên sau sự kiện ngày 9 tháng 1 diễn ra thì loa truyền thanh của xã Đồng Tâm liên tục phát loa phóng thanh với nội dung kêu gọi bà Loan ra đầu thú để hưởng sự khoan hồng của pháp luật, rồi họ liên tục quy chụp, kết tội bà Loan trên truyền thanh.
Sau khi gia đình báo cho bà Loan biết được sự việc như vậy thì bà Loan đã không hề tin tưởng vào luật pháp, mặc dù bà không hề có tội nhưng mà lo ngại rằng khi trở về địa phương sẽ bị bắt giữ cho nên từ đó đến nay và đã rời khỏi địa phương.”
Nhà hoạt động này cho biết thêm bà Loan vừa trở về địa phương được một ngày, thì ngày hôm sau công an bắt và đưa bà đi.
Phóng viên gọi cho số điện thoại di động của Đại tá Nguyễn Hồng Ky, Trưởng Công an huyện Mỹ Đức – thành phố Hà Nội để hỏi về vụ việc, tuy nhiên khi giới thiệu là phóng viên của Đài Á Châu Tự Do thì người này ngắt máy.
Theo người dân Đồng Tâm, vào rạng sáng ngày 9/1, chính quyền Hà Nội đã huy động hàng ngàn cảnh sát cơ động có trang bị vũ khí, tấn công vào xã Đồng Tâm, lấy lý do người dân đã chống lại việc thu hồi đất của chính quyền. Vụ đụng độ đã khiến 1 người dân là ông Lê Đình Kình, 88 tuổi, và 3 công an tử vong.
Một số tổ chức nhân quyền quốc tế đã lên án vụ việc này vào yêu cầu chính quyền Việt Nam phải mở một cuộc điều tra độc lập, minh bạch về vụ tấn công này.
Cộng sản Việt Nam sẽ bỏ tù một số người
để răn đe trong phòng chống đại dịch covid-19
Tin từ Hà Nội, ngày 05/4/2020: Nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam có ý định bỏ tù một số công dân nhằm răn đe xã hội trong phòng chống đại dịch Covid-19. Báo chí nhà nước cộng sản đưa tin Viện kiểm sát tối cao yêu cầu viện kiểm sát các cấp phối hợp với cơ quan tố tụng cùng cấp chọn một số vụ điển hình để khởi tố, điều tra, truy tố, và xét xử.
Đối tượng của chiến dịch này bao gồm người không chấp hành nghiêm các quy định về phòng-chống dịch bệnh làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng; vi phạm quy định ở nơi đông người gây thiệt hại do phát sinh chi phí phòng-chống dịch bệnh Covid-19 từ 100 triệu đồng (4,255 Mỹ kim) trở lên; hoặc đưa ra những thông tin bịa đặt, không đúng sự thật về dịch bệnh gây hoang mang, lo lắng trong xã hội hoặc nhằm mục đích chống Nhà nước; lợi dụng tình hình dịch bệnh để thực hiện hành vi trái pháp luật nhằm trục lợi.
Viện kiểm sát tối cao nhận định trong khi dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến rất phức tạp lại có nhiều hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến dịch bệnh, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh, trật tự; gây hoang mang, lo lắng và bất bình trong xã hội. Trong vài tháng gần đây, kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, công an cộng sản đã triệu tập và phạt hành chính hàng trăm Facebookers chỉ vì họ đưa thông tin không có lợi cho nhà cầm quyền lên mạng xã hội.
BTT
Một số người đang cách ly bị công an triệu tập
vì đăng thông tin về chuyện cách ly
Tin Vietnam.- Báo Tuổi trẻ ngày 5 tháng 4 năm 2020 loan tin, công an tỉnh Hà Tĩnh đã triệu tập một số người đang bị cách ly để “chấn chỉnh” hành vi đăng thông tin “nói xấu” các viên chức trong khu cách ly.
Theo đó, một người đàn ông 42 tuổi bị công an huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh triệu tập vì vào ngày 3 tháng 4, người này đã đăng thông tin lên Facebook cá nhân chê chất lượng bữa ăn trong khu cách ly tại xã Hà Linh quá tồi tệ. Vì vậy anh đề nghị rằng, nếu xã Hà Linh không cho “anh em” tức những người bị cách ly ăn thì hãy để họ tự đi mua đồ về nấu. Thông tin trên bị công an cho là làm ảnh hưởng uy tín viên chức Cộng sản, và công tác phòng chống dịch của nhà cầm quyền nên đã triệu tập chủ Facebook đang bị cách ly lên làm việc.
Trước đó, một người dân đang bị cách ly ở cửa qua cầu Treo, tỉnh Hà Tĩnh đã đăng lên Facebook rằng bản thân bị đánh, sức khoẻ yếu, chưa ăn được cơm, và không có một viên thuốc hay nước cồn để điều trị nên người này rất hoang mang, và đề nghị cơ quan chức năng có thẩm quyền cho anh được chuyển về bệnh viện huyện Hương Khê để điều trị. Trước hành động trên của chủ Facebook, công an huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh đã triệu tập bệnh nhân này lên làm việc.
Sau đó, công an thông báo với báo Tuổi trẻ rằng, bệnh nhân trên đã được y, bác sĩ của bệnh viện huyện Hương Sơn thăm khám, điều trị, chăm sóc chu đáo. Cả hai Facebook trên sau khi làm việc với công an thì được báo Tuổi trẻ đăng tin là đã nhận lỗi, đưa tin không đúng sự thật.
An Nhiên
Một công ty Trung Cộng
xem thường luật pháp của cộng sản Việt Nam
Tin Vietnam.- Báo Dân trí ngày 5 tháng 4 năm 2020 loan tin, mặc dù đang hoạt động tại huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, Việt Nam nhưng công ty trách nhiệm hữu hạn Luxshase- ICT do ông Liang Jianzhou, người Trung Cộng là tổng giám đốc đã xem thường, và vi phạm luật pháp Việt Nam. Công ty Luxshase- ICT đã thực hiện xây dựng công trình sai với nội dung giấy phép xây dựng mà nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam cấp.
Hành vi này đã bị nhà cầm quyền tỉnh Bắc Giang lập biên bản vi phạm hành chính. Tuy nhiên, dù đã bị lập biên bản yêu cầu chấm dứt hành vi, nhưng công ty Trung Cộng này phớt lờ, xem thường lời cảnh báo cũng như luật pháp của cộng sản Việt Nam để tiếp tục hành vi xây dựng trái phép của mình ngay trên đất Việt Nam. Vì vậy, nhà cầm quyền tỉnh Bắc Giang đã ra quyết định phạt công ty 350 triệu đồng. Ngoài ra, trong quá trình kiểm tra làm rõ vi phạm trên, nhà chức trách tỉnh Bắc Giang đã phát hiện thêm công ty Luxshase- ICT vi phạm hành chính về an ninh, và trật tự, an toàn xã hội đối với người ngoại quốc nhập cảnh tại Việt Nam. Khi có 5 người Trung Cộng đang làm việc cho công ty Luxshase- ICT đã vi phạm luật nhập cảng, và hành nghề khi không được phép của cơ quan có thẩm quyền của phía Việt Nam. 5 người này bị nhà cầm quyền tỉnh Bắc Giang phạt 20 triệu đồng/1 người; đồng thời huỷ giá trị sử dụng visa và rút ngắn thời gian tạm trú.
AN
https://www.sbtn.tv/mot-cong-ty-trung-cong-xem-thuong-luat-phap-cua-cong-san-viet-nam/
Cựu Phó chủ tịch Sacombank bị truy tố
Viện Kiểm sát Nhân dân (VKSND) Tối cao hôm 4/4, truy tố ông Trầm Bê, Cựu Phó chủ tịch Ngân hàng Phương Nam, nay là Sacombank, vì gây thất thoát hàng trăm tỷ đồng.
Truyền thông trong nước loan tin vừa nói cùng ngày và cho biết, về vụ án xảy ra tại Ngân hàng Phương Nam, VKS đã ban hành cáo trạng, truy cứu Dương Thanh Cường, nguyên Tổng giám đốc Cty Bình Phát, tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, ông Trầm Bê và 8 thuộc cấp tội “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng”.
Theo cáo trạng, năm 2008, Ông Trầm Bê đã chỉ đạo thuộc cấp hoàn tất thủ tục và giải ngân cho Cty Bình Phát của Dương Thanh Cường vay hàng trăm tỷ đồng để đầu tư các dự án, với cam kết thế chấp 23 quyền sử dụng đất của diện tích đất 10,5 tại khu nam Sài Gòn.
Dương Thanh Cường đã sử dụng pháp nhân công ty Bình Phát để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, chiếm hưởng 185 tỷ đồng tiền gốc và 146 tỷ đồng tiền lãi. Gây thiệt hại cho Ngân hàng Phương Nam 505 tỷ đồng.
Trong khi Dương Thanh Cường biết rõ thông tin diện tích đất 10,5 ha nằm trong khu quy hoạch, đã có quyết định thu hồi của Nhà nước, không thể sang tên sở hữu. Chưa kể, 10,5 ha này đã được Dương Thanh Cường thế chấp tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh 6 để vay số tiền 628 tỷ đồng.
Cũng liên quan tới vụ án xảy ra tại Ngân hàng Phương Nam, ngoài 10 bị can bị truy tố, Bộ Công an cũng đang truy nã bị can Nguyễn Thị Xuân Trang, cựu Giám đốc Sở giao dịch Ngân hàng Phương Nam.
Bà Nguyễn Thị Xuân Trang có hành vi ký 3 Biên bản họp Hội đồng tín dụng Sở giao dịch Ngân hàng Phương Nam, đồng ý cho công ty Bình Phát của Dương Thanh Cường vay vốn. Theo Bộ Công an, bà Trang đã phạm vào tội “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng”.
Tuy nhiên, khi có lệnh bắt tạm giam thì nguyên Giám đốc Sở giao dịch Ngân hàng Phương Nam, Nguyễn Thị Xuân Trang, đã xuất cảnh sang Mỹ du học trước đó.
Xâm nhập mặn tại ĐBSCL tăng cao trở lại,
đạt đỉnh vào giữa tháng 4/2020
Tình trạng xâm nhập mặn tại ĐBSCL được dự báo tăng cao trở lại, đặc biệt khu vực sông Vàm Cỏ và bán đảo Cà Mau sẽ đạt đỉnh hạn mặn vào giữa tháng 4 và giảm dần sau đó.
Truyền thông trong nước, vào ngày 6/4 dẫn dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết tình trạng xâm nhập mặn đang tăng dần tại vùng ĐBSCL và đạt mức cao nhất vào giữa tháng 4/2020, do ảnh hưởng của kỳ triều cường. Độ mặn cao nhất đợt này được cho là tương đương độ mặn giữa tháng 3. Một số trạm ở Long An và Kiên Giang được dự báo có độ mặn cao hơn so với độ mặn cao nhất hồi tháng 3 vừa qua.
Phạm vi xâm nhập mặn ở các sông bao gồm sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây; sông Cửa Tiểu, Cửa Đại; sông Hàm Luông; sông Cổ Chiên, sông Hậu và sông Cái Lớn.
Tổng cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự báo xâm nhập mặn và hạn hán sẽ gây ảnh hưởng đến sản xuất vụ lúa mùa Đông Xuân khỏang 35.800 ngàn héc-ta, tương đương 2,3% diện tích gieo trồng và gần 81 ngàn hộ dân thiếu nước sinh hoạt.
Báo giới, vào ngày 6/4 cũng cho biết Bộ tài nguyên-Môi trường trong chiều cùng ngày vừa bàn giao một trạm cấp nước miễn phí cho người dân ở xã An Khánh, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre.
Trạm cấp nước miễn phí này thuộc trong 5 trạm cấp nước mới được xây dựng tại ba tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau, Bến Tre. Mỗi trạm cấp nước có khả năng cung cấp với lưu lượng 300 m3/ngày.
Hiện Bộ Tài nguyên-Môi trường nhận được đề xuất từ Trung tâm quy hoạch điều tra tài nguyên nước, cần xây dựng thêm 7 trạm cấp nước để bàn giao cho người dân vào trung tuần tháng 4 tại các tỉnh Kiên Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Tiền Giang và Long An.
Covid-19 ở Việt Nam:
95 khỏi bệnh; 245 ca tính đến 6 tháng Tư
Có đến 95 người từng nhiễm Covid-19 được nhà chức trách Việt Nam xác nhận “đủ điều kiện công bố khỏi bệnh”, theo trang Facebook mang tên Thông tin Chính phủ hôm 6/4.
Trang Facebook chính thức của chính phủ Việt Nam cho biết 4 bệnh nhân mới nhất vừa được xem là “khỏi bệnh” gồm 3 người phụ nữ và 1 người đàn ông, trong độ tuổi từ 23-30, được điều trị ở Đà Nẵng, Cần Thơ và Tây Ninh.
Sau thời gian chữa bệnh hơn một tuần, vào những ngày đầu tháng 4, cả 4 bệnh nhân kể trên đã được xét nghiệm từ 2 đến 3 lần và đều có kết quả âm tính với Covid-19. Mặc dù vậy, 4 người này “sẽ tiếp tục được cách ly và theo dõi sức khỏe trong 14 ngày tiếp theo”, trang Thông tin Chính phủ cho biết.
Đến 6h chiều ngày 6/4, nhà chức trách Việt Nam loan báo có 4 ca nhiễm mới được phát hiện, đưa con số lũy kế người nhiễm Covid-19 trong nước lên thành 245, kể cả 95 người khỏi bệnh.
Trong số 4 ca mới có kết quả xét nghiệm dương tính, 1 người đàn ông đã ăn uống hôm 12/3 tại một quán cơm đối diện với Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội, gần đây đã trở thành “ổ dịch” với hàng chục người nhiễm Covid-19.
Ba người còn lại là phụ nữ sinh sống, làm việc ở Nga, Đức và Tây Ban Nha, cùng nhập cảnh tại sân bay Nội Bài, Hà Nội, hôm 25/3 trên một chuyến bay về từ Nga.
Ít giờ trước khi có tin về 4 ca nhiễm mới, hồi trưa ngày 6/4, trang Thông tin Chính phủ đăng thông điệp “cảm ơn” của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, trong đó ông Đam khẳng định rằng “tới giờ phút này, Việt Nam đã và đang kiểm soát được dịch bệnh” và “trân trọng cảm ơn” nhân dân đã “chung sức, đồng lòng” chống dịch cho dù phải chịu “không ít bất tiện, thậm chí thiệt thòi về lợi ích kinh tế”.
Chỉ ra rằng tuy dịch bệnh lan ra toàn thế giới, song Việt Nam là 1 trong 3 nước có trên 200 ca nhiễm bệnh mà chưa có người tử vong, Phó Thủ tướng Đam nhấn mạnh rằng điều hàng đầu giúp Việt Nam đạt được kết quả đó chính là sự tham gia của nhân dân với tinh thần “mỗi người dân là một chiến sĩ chống dịch”.
Ông Đam, hiện giữ cả chức Trưởng ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19, cũng ghi nhận sự lãnh đạo, chỉ đạo “rất sâu sát, đúng đắn” của đảng, nhà nước và sự vào cuộc “rất đồng bộ, quyết liệt” của các lực lượng chức năng.
Sáu ngày trước, hôm 31/3, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã ban hành chỉ thị về thực hiện “cách ly toàn xã hội” trong vòng 15 ngày kể từ 0h ngày 1/4 trên toàn quốc theo nguyên tắc “gia đình cách ly với gia đình, thôn bản cách ly với thôn bản, xã cách ly với xã, huyện cách ly với huyện, tỉnh cách ly với tỉnh”.
Bản chỉ thị yêu cầu rằng mọi người dân “ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết”, như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, hoặc đi làm tại các nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu không thuộc diện bị đóng cửa.
COVID-19: Việt Nam không có ca nhiễm mới
trong ngày 5/4,TP. HCM xét nghiệm toàn bộ
khách đến sân bay và nhà ga
Theo thông tin từ Bộ Y tế, Việt Nam không phát hiện ca nhiễm COVID-19 nào vào ngày 5/4. Hiện số ca nhiễm COVID-19 được xác định ở Việt Na m 240 ca trong đó có 90 ca đã được chữa khỏi.
Theo truyền thông trong nước, 4 bệnh nhân COVID-19 nặng đang được điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã có những tiến triển.
Bệnh nhân số 161, 88 tuổi, hiện được xác định là bệnh nhân bị nặng nhất, hiện vẫn đang thở máy, không sốt, tình trạng lâm sàng ổn định.
Vào chiều ngày 5/4, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. HCM cho biết, bắt đầu từ chiều ngày 4/4, thành phố bắt đầu lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho tất cả các hành khách đến thành phố ở sân bay Tân Sơn Nhất và nhà ga xe lửa. Dự kiến số người được lấy mẫu xét nghiệm ở sân bay là vào khoảng 400 người mỗi ngày. Tuy nhiên, nếu trường hợp đông người đến, thành phố sẽ tiến hành cách ly tập trung trước, sau đó mới lấy mẫu xét nghiệm.
COVID-19: Hà Tĩnh đề nghị xem xét khởi tố
vụ giáo dân tụ tập cầu nguyện
bất chấp lệnh cách ly toàn xã hội
Uỷ ban Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh hôm 6/4 vừa có công văn chỉ đạo các cơ quan chức năng làm rõ việc một số chức sắc tôn giáo tổ chức cho giáo dân tụ tập cầu nguyện vào cuối tuần qua bất chấp lệnh cách ly toàn xã hội, nếu cần thiết có thể khởi tố.
Theo VOV, vào hai ngày 4/4 và 5/4, hàng trăm giáo dân đã đến nhà thờ cầu nguyện tại giáo xứ Nghĩa Yên (thị trấn Đức Thọ, huyện Đức Thọ), giáo xứ Thọ Ninh (xã Liên Minh, huyện Đức Thọ), giáo xứ Thượng Bình (xã Hương Long, huyện Hương Khê), giáo xứ Làng Truông (xã Hương Giang, huyện Hương Khê), giáo xứ Tràng Đình (xã Khánh Vĩnh Yên, huyện Can Lộc) và giáo xứ Kẻ Đông (xã Nam Điền, huyện Thạch Hà).
Trong công văn gửi Uỷ ban Nhân dân các huyện có liên quan, Ban Tôn giáo Chính phủ và Công an tỉnh, UBND tỉnh Hà Tĩnh xác định việc giáo dân tụ họp để cầu nguyện là vi phạm pháp luật nghiêm trọng của các chức sắc, chức việc, nguy cơ lây lan dịch bệnh ra cộng đồng đối với bà con giáo dân và xã hội là rất cao, đi ngược lại tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, của tỉnh Hà Tĩnh, của Toà thánh Vatican, Hội đồng Giám mục Việt Nam, Toà Giám mục Giáo phận Hà Tĩnh trong thời điểm dịch bệnh có diễn biến phức tạp và Chính phủ chỉ thị cách ly toàn xã hội, vi phạm quy định tại Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm.
Cũng trong cùng ngày 6/4, Trung tướng Nguyễn Văn Sơn, Thứ trưởng Bộ Công an đã báo cáo Chính phủ về vấn đề này, và cho biết chính quyền địa phương đã lập biên bản, trực tiếp gặp linh mục của các giáo xứ để làm rõ.
Ông Nguyễn Văn Sơn nhận định đây là hiện tượng cá biệt nhưng ảnh hưởng lớn đến cộng đồng giáo hội, và đề nghị xử lý nghiêm vụ việc này.
Trong khi đó, cũng vào ngày 6/4, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã ban hành chỉ thị yêu cầu xử lý nghiêm các hành vi phạm tội liên quan đến dịch bệnh COVID-19.
Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đề nghị xử lý các hành vi vi phạm các quy định về phòng chống dịch bệnh, góp phần làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng, vi phạm quy định ở nơi đông người gây thiệt hại do phát sinh chi phí phòng chống dịch bệnh từ 100 triệu đồng trở lên.
Những hành vi gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ, đưa thông tin bịa đặt về dịch bệnh làm hoang mang, lo lắng trong xã hội hoặc nhằm mục đích chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam cũng được nêu trong chỉ thị này.
Thời gian “giãn cách toàn xã hội” có thể sẽ kéo dài thêm
Ông Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế đưa ra đề xuất vừa nêu tại cuộc họp của thường trực Chính phủ với các tỉnh, thành phố về việc chống dịch COVID-19 diễn ra hôm 6/4 và được truyền thông trong nước loan tin.
Lý giải về kiến nghị này ông Long cho rằng do trong một tuần thực hiện Chỉ thị 16, số ca nhiễm không tăng nhanh, nghĩa là VN đang kiểm soát tốt tình hình dịch COVID-19.
Ngoài kiến nghị trên, Bộ Y tế còn đề xuất cách ly và xét nghiệm tất cả những người nhập cảnh là nhân viên ngoại giao, công vụ, chuyên gia dù có giấy chứng nhận âm tính.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế cho hay hiện có một lượng người nhập cảnh không giấy tờ tùy thân, cách ly xong không biết đi đâu, không có người thân ở Việt Nam. Bộ Y Tế đã đề xuất cần có khu tạm trú cho nhóm người này tại khu vực phía Nam và Bộ Công an cần chỉ đạo địa phương nắm chặt tình hình người nước ngoài nhập cư để lập danh sách quản lý phù hợp.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định tại cuộc họp, Chỉ thị 16 đã làm cho cuộc sống người dân thay đổi, khó khăn hơn nhưng người dân vẫn tuân thủ rất tốt. Và, chính nhờ sự tuân thủ này mà VN đang không chế được dịch. Do đó, ông Phúc cho rằng việc giãn cách xã hội là cần thiết trong giai đoạn này và vẫn nên tiếp tục.
Cũng trong ngày 6/4, Bộ Ngoại giao Lào thông báo với Đại sứ quán Vn tại Vientaine rằng, Chính phủ Lào đã đóng cửa hoàn toàn mọi cửa khẩu quốc tế đang hoạt động, tuyệt đối không cho phép bất cứ cá nhân nào xuất – nhập cảnh qua các cửa khẩu này, trừ phương tiện vận tải hàng hóa và xuất – nhập cảnh trong trường hợp khẩn cấp. Biện pháp này được áp dụng từ ngày 3 – 19/4.
Trước đó, Lào đã đóng tất cả cửa khẩu chính và cửa khẩu phụ trên toàn tuyến biên giới với Việt Nam từ ngày 19/3 – 20/4.
Chính phủ Việt Nam đã tạm dừng các hoạt động qua lại biên giới đối với người tại các cửa khẩu chính, cửa khẩu phụ, đường mòn, lối mở tại khu vực biên giới với Lào. Việc tạm dừng được áp dụng từ ngày 1/4.
Virus corona:
Hộp cơm miễn phí Sài Gòn ‘lo cho người dưới đáy’
Phạm Tường VânViết từ Sài Gòn
Con virus Vũ Hán khiến cuộc sống đảo lộn, như một cái áo bỗng dưng bị lộn trái.
Virus corona: ‘Dân khen hai ông Vũ Đức Đam và Nguyễn Đức Chung’
Người Sài Gòn và tinh thần ‘tương thân tương ái’
Covid-19 có ‘giáng đòn’ chí tử lên báo giấy Việt Nam?
Nhưng cũng nhờ thế mà thấy phía trái của chiếc áo cũng có nhiều chiếc nút secour rất đẹp, đó là tình người trong hoạn nạn.
Tối 30/03, một chủ quán café gấp gáp nhắn tin hỏi tôi: “Có nơi tài trợ đồ ăn cho những người nghèo khổ trong mùa dịch. Chị tìm giúp em một số tình nguyện viên đi lập danh sách.”
Theo cô, nguồn tài trợ này đến từ nhà thờ, đợt đầu sẽ có 150 phần quà gồm 5kg gạo, dầu ăn, nước mắm, bột nêm, cá hộp và mì gói , đủ cho họ duy trì sự sống ở mức tối thiểu trong vài tuần.
Tôi hỏi một vòng nhưng không tìm ra người. Hóa ra mấy bạn hay làm từ thiện mùa lũ lụt giờ cũng đều đang tất bật cả.
Lo cho những người ‘dưới đáy’
Khi lệnh “cách ly xã hội” áp dụng trên toàn quốc được thực thi, các tổ chức xã hội dân sự ngay lập tức vào cuộc để đảm bảo tầng lớp dưới đáy xã hội không bị bỏ mặc.
Bên cạnh các tín đồ Ki tô giáo và khối nhà thờ, các cộng đồng Phật tử cũng tuân theo lời dạy của Đức Thế tôn. Một số tiệm cơm, chủ yếu là cơm chay ngưng bán cho khách nhưng bếp vẫn đỏ lửa. Các phần ăn được chia đều ra từ vài trăm đến vài nghìn suất phát ngay tại tiệm.
Trên tường FaceBook, mọi người bắt đầu chia sẻ danh sách các điểm phát cơm chay miễn phí cho người nghèo. Khi nghiêm lệnh tránh tụ tập được ban bố, việc phát cơm tại tiệm bị nhắc nhở, các tình nguyện viên liền đeo khẩu trang, mang bao tay đem từng phần ăn đi phân phát, len lỏi tận gầm cầu, xó chợ, vào tận hang cùng ngõ hẻm trao tận tay những người tàn tật, già yếu, neo đơn.
Ông Phương – một tình nguyện viên ngoài 60 chạy từ quận Phú Nhuận tới một quán cơm chay trên đường Ngô Quyền, Quận 5 tối 05/04 để phát cơm cho biết: Ông không phải Phật tử mà là một người theo Ki tô giáo, nhưng thấy bạn bè nói cần người giúp, vậy là xắn tay lên tham gia luôn.
Ngày nào tới giờ ăn, ông cũng chạy tới đi phát cơm, hai ba lần. Ông cho biết từ hôm đầu tháng 4 đến giờ, ông chứng kiến tiệm cơm này mỗi ngày phát đi hàng nghìn suất. Những tình nguyện viên khác cũng vậy, có người là tiểu thương, có người bán tạp hóa, có người chỉ là khách quen hay tới tiệm ăn cơm, thấy việc thiện thì xin góp sức.
Các phần ăn gồm 3 món (kho, xào, canh) được đóng vào hộp và bên ngoài bọc lại bằng túi nilon tặng kèm một chiếc khẩu trang. Các tình nguyện viên nói rằng khi trao phần ăn, họ cũng không quên dặn dò người sử dụng lưu ý luôn sử dụng khẩu trang khi tiếp xúc và bỏ rác vào thùng tái chế.
Một nhà hàng chay hạng sang trên đường Nguyễn Văn Thủ thì dùng hộp giấy bảo vệ môi trường khá sang, bên trong cẩn thận lót một lớp lá chuối để giữ cơm luôn ấm và mềm. Hộp cơm của tiệm ăn này đầy đủ cơm, canh chua, nấm rơm kho, xá xíu chay và cải bắp xào, giá thành ngày thường cũng cỡ 50-60 ngàn.
Riêng nhà hàng này, trưa ngày 03/04 đã phát đi 300 suất cơm chay miễn phí như thế, mỗi phần còn đính kèm một chiếc khẩu trang cùng lời dặn dò phòng chống dịch bệnh, việc phân phát này dự kiến sẽ kéo dài ít nhất đến 15/04. Các tình nguyện viên cho biết đây là việc bình thường ở vô vàn nhóm thiện nguyện trên thành phố này, mỗi khi có thiên tai hay dịp lễ tết.
Không thể thống kê số phần ăn từ thiện được giao đi mỗi ngày trên toàn thành phố gần 9 triệu dân này nhưng khi con covid xuất hiện, đường phố trở nên vắng lặng thì các hoạt động này trở nên náo nhiệt và dễ nhận biết. Các nhóm hoạt động lâu năm đều nắm trong tay danh sách người cần giúp trên địa bàn của mình, và viêc phân phát này hiếm khi bị chồng chéo.
Điều mà các nhóm từ thiện đang phải đối diện là số người cần giúp tăng nhanh mỗi ngày khiến danh sách và hình thức cho tặng cũng phải update liên tục. Việc tặng gạo hay thực phẩm chưa chế biến cũng trở nên khó khăn khi người nhận có thể chẳng có lấy nổi một chiếc nồi để nấu ăn, thế nên mì gói và cơm nấu sẵn cũng được ưu tiên lựa chọn.
“Có thể trước kia họ chưa từng phải nhận cơm từ thiện, mà giờ thất nghiệp, hoặc con cái thất nghiệp không nuôi nổi”, ông Phương nhận định.
Làm sao ngăn thành phần bất hảo?
Cũng không ít thành phần bất hảo đến nhận cơm rồi dùng phần quà đó để bắt nạt, ức hiếp người nghèo, đó cũng là điều các nhà hảo tâm rất đau đầu mà chưa có giải pháp nào khả dĩ. Một vấn đề nữa là để làm thiện nguyện, các tình nguyện viên buộc phải để qua một bên khuyến cáo “không ra khỏi nhà khi không thật sự cần thiết” của chính quyền, chấp nhận đánh đổi bằng chính sự an toàn của bản thân.
“Để đảm bảo an toàn cho những người trong gia đình, chúng tôi phải rửa tay, súc miệng trước khi trở về nhà” – một tình nguyện viên cho biết. Nhưng ai cũng hiểu rằng nếu dịch bệnh lan nhanh trên diện rộng, đối tượng được cứu trợ sẽ đa dạng hơn, thì tự vệ bằng cách đó là chưa đủ, chưa kể, chính họ và thức ăn cũng có thể trở thành là nguồn lây nhiễm.
Nhưng có những người sẽ chết đói trước khi mắc bệnh, điều đó khiến chúng tôi không thể ngừng hành động” – một nhà hảo tâm giấu tên cho hay.
Tối chủ nhật 05/04, sau khi theo chân đoàn thiện nguyện đi phát cơm trở về nhà, tôi cũng thấy đường sá lại có phần nhộn nhịp trở lại, có vẻ những cư dân thành phố không ngủ này đã chồn chân muốn ra đường
tiêu tiền lắm rồi. Một số quán cóc ven đường lại có người dừng mua mang đi, nhưng các cửa hàng cửa hiệu hạng trung trở lên thì tối om một màu buồn thảm, các biển hiệu ở các tòa nhà lớn đã được thay bằng thông báo cho thuê mặt bằng.
Huy – lái xe Honda ôm công nghệ chở tôi về nói rằng anh vừa chạy vừa nơm nớp lo không biết khi nào thì ứng dụng này bị buộc phải vô hiệu hóa trên điện thoại của người dùng:
“Có thể lúc ấy, từ người đi phát cơm, tôi trở thành người nhận cơm từ thiện không biết chừng.”
Trong câu đùa của anh tài xế công nghệ có một nửa phần sự thật.
Bởi thực tế là rất nhiều người làm thiện nguyện ở nơi đây chỉ vừa đủ ăn chứ chưa khá giả gì.
Và “cơm miễn phí”, hẳn nhiên cũng là một “đặc sản” từ lối sống không dư dả nhưng luôn hào hiệp của người Sài Gòn.
Bài thể hiện quan điểm riêng của tác giả Phạm Tường Vân, hiện sống tại Sài Gòn.
https://www.bbc.com/vietnamese/forum-52182387
Virus corona:
Covid-19 có ‘giáng đòn’ chí tử lên báo giấy Việt Nam?
Bùi ThưBBC News Tiếng Việt
Dưới tác động của Covid-19 lên nền kinh tế Việt Nam, báo chí với mô hình kinh doanh phụ thuộc quá nhiều vào quảng cáo cũng chịu thiệt hại nặng nề.
Covid-19 có giáng đòn chí tử lên báo giấy Việt Nam?
Ngày 30/3, báo Vietnam News thông báo sẽ tạm dừng xuất bản báo giấy trong 2 tuần từ 31/3 đến 15/4 do có một phóng viên nhiễm virus. Cùng ngày, Báo Phụ nữ Thủ đô thông báo tạm dừng xuất bản hai ấn phẩm báo giấy là tuần báo Báo Phụ nữ Thủ đô và Đặc san Đời sống – Gia đình cũng vì lý do dịch bệnh.
Đến ngày 31/3, Trung tâm truyền thông tỉnh Quảng Ninh đã báo cáo và được Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh cho phép tạm dừng xuất bản báo in Quảng Ninh hằng ngày từ ngày 2/4 đến hết ngày 15/4, thời gian thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo thông cáo, “việc phát hành báo do nhân viên bưu điện thực hiện, đưa đến hàng vạn bạn đọc hằng ngày sẽ tiềm ẩn các yếu tố rủi ro trong phòng chống dịch bệnh”. Mặt khác, thông cáo còn nêu rõ rằng báo in không thể cung cấp thông tin cập nhật kịp thời về dịch bệnh cho công chúng bằng cách phương tiện khác.
Dù nguyên nhân tạm thời đình bản khác nhau, nhưng có thể coi đây là những “nạn nhân” báo chí đầu tiên của đại dịch Covid-19.
Covid-19 ‘giáng đòn nặng nề vào báo chí’
Trả lời BBC News Tiếng Việt hôm 1/4, ông Nguyễn Công Khế, cựu Tổng biên tập báo Thanh Niên, nhận định đại dịch Covid-19 là đòn chí tử vào các tờ báo vốn đang chật vật dài hạn.
Ông nói: “Cấm tụ tập nơi đông người, hạn chế ra ngoài đường và việc cách ly xã hội hai tuần chắc chắn gây khó khăn cho việc bán báo. Bản thân tình hình báo chí Việt Nam vốn đã rất khó khăn thì thêm dịch Covid-19 sẽ là đòn giáng nặng nề về doanh thu và bạn đọc”.
“Các tờ báo có sự bảo trợ của nhà nước như Nhân dân, Quân đội nhân dân thì tình hình không đáng lo ngại. Nhưng những tờ báo tự phát hành chắc chắn sẽ trắc trở hơn nhiều. Trong khi đó, nhà nước không có khả năng để bảo trợ cho các tờ báo khác. Những tờ báo không còn khả năng in và phát hành có lãi thì tôi nghĩ họ sẽ tự đóng cửa và một số nhân viên phải tìm việc khác”. Ông chia sẻ thêm.
Về vấn đề này, lãnh đạo một tờ báo lớn tại Sài Gòn không muốn nêu tên, chia sẻ với BBC News Tiếng Việt:
“Dịch bệnh khiến báo chí khó khăn về phát hành và doanh thu quảng cáo. Về phát hành, việc giảm quy mô hoạt động ở mọi mặt đời sống dẫn tới đặt báo ít hơn, phát hành ít hơn. Chẳng hạn trước đây quán cà phê, tiệm hớt tóc, sân bay, các chuyến bay, bến xe… là những nơi tiêu thụ nhiều báo giấy thì bây giờ không còn nữa. Hoạt động phát hành chủ yếu phụ thuộc vào các đại lý, giờ dịch bệnh thì các đại lý cũng mua ít đi”.
Virus corona và viễn cảnh kinh tế Việt Nam
Quy hoạch báo chí Việt Nam: ‘Buồn lắm, nhưng sẽ làm thành công’?
Phát hành báo chỉ là một mặt của vấn đề. Thực tế là các tờ báo giấy tự chủ về tài chính ở Việt Nam có nguồn thu chủ lực là từ quảng cáo, thường chiếm từ trên 60% tổng doanh thu. Xét về tỉ lệ lợi nhuận, quảng cáo còn chiếm cao hơn nữa, do chi phí cho quảng cáo ít hơn chi phí cho in ấn, phát hành. Giờ đây, các công ty vốn là khách hàng quảng cáo gặp khó khăn trong đại dịch sẽ đăng quảng cáo ít hơn, ảnh hưởng tới doanh thu quảng cáo tại các tờ báo.
Vị lãnh đạo cơ quan báo chí nói trên phân tích:
“Khó khăn lớn nhất của báo in là vấn đề về khách hàng quảng cáo. Nguồn thu quảng cáo sụt giảm nghiêm trọng do các khách hàng cũng đang khó khăn. Ví dụ trước đây các công ty du lịch, công ty hàng tiêu dùng đặt quảng cáo rất nhiều thì giờ họ không đặt quảng cáo nữa do phải ngưng tổ chức tour, giảm quy mô hoạt động sản xuất”.
Theo nhận định của vị này, nếu các hình thức cách ly xã hội kéo dài vài tháng, sẽ có khá nhiều tờ báo buộc phải tạm ngưng phát hành. Hiện nay, các biện pháp giảm chi phí đã được nhiều tòa soạn thực hiện, chẳng hạn giảm số lượng phát hành, cắt giảm phụ cấp, lương nhân viên.
Khó khăn dài hạn của báo chí Việt Nam
Đại dịch Covid-19 thật ra chỉ là thách thức mới nhất của báo chí Việt Nam. Trên thực tế, báo chí từ lâu đã chìm ngập trong khó khăn bởi hàng loạt nguyên nhân khách quan và chủ quan.
Một nhà báo kỳ cựu ở Hà Nội góp ý với BBC News Tiếng Việt:
“Tôi không nghĩ con COVID-19 là nguyên nhân chính giết chết báo giấy Việt Nam, mà họ đã chết từ lâu rồi vì không thích nghi được với khoa học công nghệ, Nhất là báo Trung ương về địa phương, thông tin chậm, đưa về thì tin đã cũ. Văn phòng chúng tôi đặt từ 10 xuống 2 tờ của Vietnam News và Nhân dân, nhưng nay chúng tôi cắt nốt. Hàng ngày 7 giờ họ đưa báo đến, sau đó 10 giờ tin tức đó cũng có trên mạng, thường tin của báo giấy cũ hơn, ít cập nhật. Nay nay vì yếu tố an toàn cho bản thân, từ sản xuất, in ấn, phân phối, virus có tồn tại trên bề mặt tờ báo hay không nên tôi đã cắt nốt”.
Trao đổi với BBC News Tiếng Việt hôm 3/4, cựu Phó Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ Huỳnh Sơn Phước nhận định:
“Báo giấy đã mất khách từ những năm 2010 đến nay. Trong top 5 của các nhật báo có số lượng phát hành cao nhất Việt Nam, số lượng phát hành đã giảm đến hơn 80%. Trong những cuộc trò chuyện của những nhà báo chuyên nghiệp thì báo giấy nói riêng và báo chí Việt Nam nói chung mất người đọc trước hết là vì sự phát triển của mạng xã hội. Mạng xã hội không chỉ nhanh nhạy, kip thời mà còn là một diễn đàn đa nguyên, đa ngôn ngữ, rất thân thiện với người đọc.”
”Những cây bút đã thành danh thường nói với tôi rằng: ‘ở xứ mình, mạng xã hội là nơi cứu vớt những tác phẩm báo chí bị xếp vào ngăn kéo’ của các cơ quan báo chí đươc nhà nước cho phép xuất bản. Với những bạn đồng nghiệp đang còn làm việc tại các tờ báo ở Việt Nam, thì báo giấy đã rơi vào khủng hoảng”.
VN: ‘Báo chính thống lẽo đẽo theo mạng xã hội’
‘Phải nới rộng không gian quản lý báo chí’
Theo tôi, những người được cấp phép làm báo thực sự không có quyền tự do làm báo. Họ sẽ không thể tìm được lợi thế khi cạnh tranh vơi báo chí tự doHuỳnh Sơn Phước, Nguyên Phó Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ
Còn vị lãnh đạo tòa soạn tờ báo ở Sài Gòn thì cho rằng:
“Báo chí chính thống khi chạy đua với các nền tảng mới sẽ đặt ưu tiên về thời gian hơn là chất lượng, từ đó tạo ra sản phẩm chất lượng thấp, đôi khi chỉ là việc đăng lại thông tin từ mạng xã hội mà chưa hề có sự tham gia của nghiệp vụ báo chí. Từ đó, báo chí dễ mất uy tín trong lòng người đọc. Chưa kể tín nhiệm đó còn là hệ quả của thực tế ở Việt Nam là báo chí bị quản lý chặt chẽ bởi nhà nước. Báo chí không được tự do phản biện hay làm đúng chức năng của nó nên uy tín bị giảm sút”.
Cùng chung ý kiến đó, ông Huỳnh Sơn Phước nhấn mạnh: “Theo tôi, những người được cấp phép làm báo thực sự không có quyền tự do làm báo. Họ sẽ không thể tìm được lợi thế khi cạnh tranh vơi báo chí tự do”.
Dễ bị thao túng bởi khách hàng quảng cáo
Sự thiếu bền vững trong mô hình kinh doanh cũng dẫn tới khó khăn dài hạn. Vị lãnh đạo tờ báo Sài Gòn phân tích:
“Mô hình kinh doanh tại Việt Nam phụ thuộc quá nhiều vào nguồn thu quảng cáo. Các tòa soạn không xây dựng mô hình kinh doanh khác, chẳng hạn bạn đọc trực tuyến trả tiền (subcription). Như vậy, khi các nguồn đặt quảng cáo gặp khó khăn thì báo chí sẽ điêu đứng theo. Nếu tờ báo có nguồn subcription tốt thì sẽ ít bị ảnh hưởng hơn khi kinh tế khó khăn”.
“Quá phụ thuộc vào nguồn thu quảng cáo sẽ khiến báo chí dễ bị khách hàng quảng cáo thao túng. Chẳng hạn tại Việt Nam, có những tập đoàn lớn đăng quảng cáo rất nhiều trên báo. Đổi lại, các tờ báo né tránh đưa thông tin tiêu cực về những tập đoàn ấy”, vị này chia sẻ và nhận định: “Phát triển theo hướng phụng sự bạn đọc, tính tiền bạn đọc trực tuyến sẽ khuyến khích các tòa soạn sản xuất nội dung độc quyền, chất lượng cao. Từ đó, tờ báo sẽ tạo sự khác biệt với mạng xã hội. Đây là hướng đi lành mạnh và bền vững”.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của BBC News Tiếng Việt, thực tế mô hình thu tiền người đọc trực tuyến hầu như không được triển khai tại Việt Nam. Một trường hợp đơn lẻ là báo Vietnamplus tính phí đối với một số bài long-form nhưng cơ bản mô hình này đã thất bại.”
“Các tờ báo lớn trên thế giới, như New York Times, Financial Times, Wall Street Journal… có mô hình tính tiền người đọc trực tuyến rất thành công. Chẳng hạn với FT, một chia sẻ của CEO John Ridding với tạp chí Fast Company cho biết quảng cáo báo in chỉ chiếm 17% doanh thu của tờ báo. Tuy nhiên, ở Việt Nam thì hầu như không tờ báo nào dám xây dựng mô hình tính tiền người đọc trực tuyến. Điều này trước hết xuất phát từ truyền thống sống dựa vào quảng cáo của các tờ báo,” vị lãnh đạo cơ quan báo nói trên nhận định. “Thêm nữa, nạn ăn cắp bản quyền cùng thói quen đọc báo miễn phí của công chúng là những thách thức khiến các tòa soạn nản lòng.”, vị này nói.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-52147081
COVID-19 làm sâu sắc thêm cơ hội thoát Trung
GS. Phạm Quý Thọ
Trung Quốc là nơi bùng phát dịch từ cuối năm 2019 và đến nay, về cơ bản được khống chế. Tuy nhiên, trên thế giới, đại dịch COVID-19 vẫn lan rộng và chưa biết khi nào kết thúc khiến cho người dân lo sợ. Đã có hiện tượng chỉ trích chế độ toàn trị và bài Trung với lý do phát tán thành đại dịch toàn cầu trong khi chính quyền Trung Quốc khuếch tương chiến thắng.
Chế độ chính trị có liên quan đến phương thức và kết quả phòng chống dịch COVID-19 đang là một trong những chủ đề tranh luận gay gắt trong bối cảnh kết quả có vẻ ‘u ám’ hơn cho các chính phủ dân chủ và chế độ chuyên chế được cho là có hiệu suất cao.
Việt Nam có chế độ tương đồng Trung Quốc với đảng cộng sản toàn trị. Chính quyền cũng đang ‘căng mình’ chống dịch bằng nhiều chính sách cấp bách, trong đó tránh không lặp lại những sai lầm từ cách làm của chính quyền Trung Quốc là một lựa chọn. Những tác động nặng nề đến kinh tế từ Trung Quốc và sự lựa chọn cách phòng chống COVID-19 của Việt Nam làm sâu sắc thêm cơ hội thoát Trung.
Hai hệ thống chính trị
Thế giới đang ‘hoảng loạn’, Mỹ và châu Âu hiện vẫn đang là tâm điểm của đại dịch với số người lây nhiễm và số ca tử vong tăng cao từng ngày. Theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới đến ngày 6/4/2020 tổng số ca nhiễm COVID-19 là 1,273,794 người, 69,419 ca tử vong và 260,193 người được bình phục, trong đó Mỹ ba chỉ số tương ứng là 333,958; 9,626 và 17,407 và Trung Quốc còn 81,708; 3,331 và 77,078…
Trung Quốc biểu tượng cho chế độ toàn trị và phương Tây là chế độ dân chủ luôn tranh luận trong nhiều vấn đề toàn cầu, trong đó có kinh tế và dân chủ, và nay là đại dịch COVID-19.
Trong khi chính phủ các nước phương Tây ‘lúng túng’ với ràng buộc thể chế, chẳng hạn ở Mỹ với Tu chính án số 10 Hiến pháp về quyền của tiểu bang và liên bang, và ý thức hệ về quyền tự do cá nhân, để đưa ra các chính sách, thì ngày 04/04/2020, chính quyền Trung Quốc tổ chức lễ tưởng niệm các nạn nhân của COVID-19, phát tín hiệu rằng tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát sau hơn hai tháng chiến đấu với virus corona kể từ ngày bùng phát tại thành phố Vũ Hán. Ngoài ra, nhà nước Trung Quốc cũng đang đẩy mạnh tuyên truyền nhằm ‘viết lại lịch sử’ xuất phát của virus corona chủng mới.
Nhiều ý kiến cho rằng Trung Quốc đang nỗ lực biến ‘thảm hoạ quốc gia’ thành một chiến thắng toàn cầu trong khi các nhà lãnh đạo phương Tây chỉ trích chính quyền Trung Quốc che giấu sự thật về loại virus chủng mới trong nhiều tuần khiến cho lây lan thành đại dịch toàn cầu. Ngoài ra, việc phong toả Vũ Hán và tỉnh Hồ Bắc với khoảng 60 triệu dân với các biện pháp bị coi là ‘nghiệt ngã’, ‘tàn nhẫn’ và vi phạm các quyền con người.
‘Thời chiến’ chống đại dịch
Chính phủ Việt Nam có cách tiếp cận nghiêm túc trong phòng chống đại dịch COVID-19. Từ cuối tháng 1/2020, khi phát hiện ca nhiễm đầu tiên đến nay chính quyền đã nâng dần cấp độ nguy hiểm của dịch bệnh đến việc chuyển trạng thái xã hội sang ‘thời chiến’.
Ban đầu ‘Cách ly tập trung’ những đối tượng có nguy cơ lây nhiễm đồng thời với phong toả có ‘chọn lọc’ các ổ dịch trên địa bàn hành chính xã là hai biện pháp được áp dụng. Đến cuối tháng 3 phòng chống dịch COVID-19 được chuyển sang ‘thời chiến’, ‘chống dịch’ như chống giặc’, ‘ở nhà là yêu nước’ khi hai ổ dịch, bệnh viện Bạch Mai ở Hà Nội và Quán Buddha ở thành phố Hồ Chí Minh, được xác định có nguy cơ cao lây nhiễm cộng đồng. Ngày 31/3 Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19, trong đó tập trung vào ‘cách ly xã hội’.
Nhiều thế hệ người dân Việt Nam trải qua các cuộc chiến tranh, bởi vậy việc chuyển trạng thái từ ‘thời bình’ sang ‘thời chiến’, mặc dù chỉ là kêu gọi của các nhà lãnh đạo, làm trỗi dậy bản năng sinh tồn gắt kết sẵn sàng vượt qua khó khăn, thử thách. Khi đó cả hệ thống chính trị ‘vào cuộc’, hành động quyết đoán của các lãnh đạo được khuyến khích, các nguồn lực xã hôi và của người dân về vật chất và tinh thần được huy động cho các hoạt động chống đại dịch. Trạng thái ‘thời chiến’ có thể mở rộng khả năng cho các chính sách công hướng tới người dân, hộ trợ cho người lao động nghèo, đối tượng yếu thế chịu ảnh hưởng sâu từ đại dịch, tăng cơ hội ‘thể hiện cho các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp mọi thành phần, tầng lớp trong xã hội, nhưng đồng thời cũng thu hẹp cửa cho trục lợi bất chính.
Vai trò của chính quyền, cá nhân người lãnh đạo thực sự quan trọng trong tình huống khẩn cấp. Trong chống COVID-19 các ‘tư lệnh’ mặt trận, như các lãnh đạo Chính phủ được người dân ghi nhận, nhưng ‘sự chậm trễ’ xuất hiện của các lãnh đạo đảng, nhà nước khiến người dân ‘băn khoăn’ về tầm mức của ‘cuộc chiến’.
Nói chung ‘thời chiến’ hay những tình huống khẩn cấp quốc gia có thể biểu thị ưu thế của chế độ toàn trị, nhưng thời bình’ mới phản ánh được bản chất của nó.
Cơ hội thoát Trung
Việt Nam là quốc gia có ý thức hệ cộng sản, nhưng có chính sách tích cực đa phương hoá trong quan hệ quốc tế, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế. Về đại dịch COVID-19, Chính phủ Việt Nam đã ‘trung lập’ trong nhìn nhận về thái độ ứng xử của các quốc gia khác biệt chế độ chính trị. Trong phát ngôn, truyền thông chính thức hay các bài chính luận hầu như không xuất hiện bình luận hay nhận định về việc chọn an toàn hay quyền riêng tư của người dân.
Chính quyền đã ban hành và thực hiện các chính sách phòng chống dịch khá ‘mềm mỏng’, đôi khi có bình luận là ‘nửa vời’, nhưng có lẽ là phù hợp. Theo quan sát cá nhân, cách phong toả ‘cực đoan’ cả một thành phố hay một tỉnh với nhiều triệu dân, kiểu Vũ Hán, Hồ Bắc Trung Quốc, đã không là một lựa chọn. Mặt khác, các nhà lãnh đạo cũng ‘linh hoạt’ trong hành động, mà không cảm thấy áp lực phải ‘che giấu’ nguy cơ của dịch bệnh, cho dù để tránh làm tổn thương nền kinh tế hoặc để bảo vệ lợi ích cá nhân của họ.
Những nghiên cứu đánh giá tác động của đại dịch COVID-19 đến kinh tế và xã hội đối với thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang cảnh báo về hậu quả nặng nề và lâu dài. Sự gián đoạn chuỗi cung ứng từ Trung Quốc và suy giảm thị trường ngày càng rõ hơn đối với kinh tế Việt Nam. Liệu có cơ hội như thế nào trong tình hình khó khăn này.
Từ những nỗ lực phòng chống đại dịch việc rút ra bài học về chính sách có ý nghĩa quan trọng cho sự độc lập và bền vững phát triển đất nước. ‘Vòng kim cô’ ý thức hệ và cơ sở thực tế trải nghiệm của Trung Quốc, do không thừa nhận công khai, đã tạo ra tính chất ‘nước đôi’ vừa ‘muốn’ lại vừa ‘sợ’ thị trường trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế, khiến việc vận dụng một số chính sách trở nên ‘dò đá qua sông’, bỏ lỡ cơ hội hoặc thậm chí bị phản đối từ dân chúng. Ví dụ điển hình, dự luật đặc khu hành chính kinh tế, là sự thất bại chính sách khi đã không thể được thông qua bởi làn sóng biểu tình của người dân trước lo ngại bị xâm phạm chủ quyền biển đảo. Ngoài ra, thuyết âm mưu về chính sách như việc tiếp nối cho ‘sáng kiến: Một vành đai, một con đường’ cũng được lan truyền đang được coi là ‘bẫy nợ’ đối với các nước đang phát triển!
Bài này được viết trong bối cảnh ‘thời chiến’ chống đại dịch COVID-19, khi cả nước có tổng số ca nhiễm là 241 người, chưa có tử vong và 91 người đã bình phục… Mặc dù dân chúng tiếp tục được cảnh báo về sự hiện diện nguy cơ và thúc đẩy thực hiện các biện pháp cấp bách, nhưng lần này niềm tin chính sách đã tăng lên và hy vọng đại dịch sớm được kiểm soát
Thoát Trung là một quá trình nhận thức, thoát ‘vòng kim cô’ ý thức hệ giáo điều, quan hệ bình đẳng, tránh hậu quả nặng nề do lệ thuộc kinh tế… và nên cần được làm sâu sắc thêm trong mỗi chính sách phát triển bền vững đất nước.
Ngày 06 tháng 4 năm 2020
Phạm Quý Thọ gửi từ Hà Nội
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do