Đọc báo Pháp – 04/04/2020
Đại dịch Covid-19: Điều tốt nhất Trung Quốc có thể làm cho thế giới là gì?
Thùy Dương
Trong bối cảnh virus corona đang nhấn chìm nhiều quốc gia, gây tang thương khắp các châu lục, dịch bệnh Covid-19 là chủ đề chính chiếm trang nhất và nhiều trang bài của các tuần báo Pháp như Courrier International, L’Express, Le Point, L’Obs.
Courrier International đặt câu hỏi trên trang nhất « Liệu các nền dân chủ của chúng ta có trụ được không ? ». Câu hỏi của L’Obs : « Liệu Big Brother có thể cứu chúng ta hay không ? » Le Point lại quan tâm tới bí kíp đánh đuổi virus của chính quyền Seoul và chạy tựa : « Hàn Quốc đã kìm hãm được virus corona. Họ làm thế nào » ?
Courrier International nhìn về Trung Quốc, nơi virus corona bắt nguồn rồi lan ra khắp toàn cầu. Tuần báo giới thiệu bài viết « Trung Quốc muốn giành hết công trạng về việc kiểm soát dịch bệnh Covid-19 » của phóng viên Hiroyuki Akita của báo Nhật Nikkei Asian Review (Hiroyuki Akita từng là thông tín viên của Nikkei Asain Review tại Trung Quốc). Bắc Kinh chỉ muốn chứng tỏ ưu thế của chế độ độc đoán chuyên quyền trong việc kiểm soát dịch bệnh mà quên đi rằng chính hệ thống này đã cản trở việc sớm đưa ra các biện pháp để ngăn ngừa sự lây lan của virus.
Hoàn Cầu thời báo mới đây, trong một bài xã luận, chỉ trích mạnh mẽ việc Mỹ và châu Âu không có khả năng kìm hãm đà lây lan của dịch bệnh, không có các biện pháp thích hợp để chống lại virus. Trước đó, Trung Quốc đã nhiều lần tự ca ngợi là hình mẫu về cách đối phó với virus, đòi hỏi toàn thế giới phải công nhận những nỗ lực của Bắc Kinh trong việc hạn chế sự lây lan của dịch bệnh. Đối với Nikkei Asain Review, đòi hỏi này thật vô lý, bởi loại virus đang gây ra rất nhiều nỗi đau cho biết bao người, xuất phát từ chính Trung Quốc.
Mong đợi được khen ngợi vì làm chậm sự lây lan của virus, mà không thừa nhận trách nhiệm của mình, giống như châm mồi lửa rồi sau đó muốn được hoan nghênh vì đã mang nước đến dập lửa. Gần đây, Bắc Kinh cho thấy họ đã sẵn sàng để rũ bỏ mọi trách nhiệm về đại dịch. Triệu Lập Kiên (Zhao Lijian), một phát ngôn viên của Bộ Ngoại Giao Trung Quốc, ngày 12/03 viết trên Twitter là quân đội Hoa Kỳ phải chịu trách nhiệm về việc khiến Trung Quốc bị lây nhiễm virus corona. Thuyết âm mưu này đương nhiên vấp phải sự phản đối của Hoa Kỳ.
Trung Quốc có thói quen kích hoạt bộ máy tuyên truyền để bóp méo sự thật, tạo thuận lợi cho chế độ trên trường quốc tế. Ví dụ, khi Hoa Kỳ áp dụng chủ nghĩa bảo hộ, Trung Quốc tuyên bố là nhà vô địch về tự do thương mại. Nhưng điều gì có thể thúc đẩy Trung Quốc dùng đại dịch quy mô toàn để tuyên truyền?
Tuyên bố của các phát ngôn viên chính thức của đảng Cộng Sản Trung Quốc cho thấy Bắc Kinh muốn viết lại lịch sử bằng cách nói rằng :
Thứ nhất, Trung Quốc đã trì hoãn sự lây lan của dịch bệnh bằng cách hạn chế các quyền tự do cá nhân, nhờ vậy mà phần còn lại của thế giới có thời gian quý báu để chuẩn bị đối phó với dịch bệnh. Thứ hai, Hoa Kỳ và Châu Âu đã thất bại trong việc đưa ra các biện pháp mạnh như Trung Quốc, và điều này đã cho phép virus lây lan mạnh. Thứ ba, các cách phản ứng khác nhau cho thấy rõ ràng chính phủ độc đoán của Trung Quốc vượt trội hơn nhiều so với các hệ thống dân chủ của Hoa Kỳ và Châu Âu.
Một số đại sứ quán Trung Quốc ở nước ngoài nhắc lại lập luận của Bắc Kinh, làm dấy lên sự nghi ngờ của chính quyền Tokyo và Washington, vốn đang cảnh giác để ngăn chặn Trung Quốc tô bóng lại hình ảnh thông qua tuyên truyền.
Theo báo Nhật Nikkei Asian Review, Trung Quốc đáng được hoan nghênh vì phản ứng mạnh mẽ để ngăn chặn dịch bệnh. Nhưng điều đó không có nghĩa là Bắc Kinh đáng được coi là một hình mẫu cho phần còn lại của thế giới trong cuộc chiến chống lại đại dịch, cũng như không phải là Trung Quốc đã cứu thế giới. Ngược lại, thế giới sẽ tốt hơn nếu các nhà lãnh đạo Cộng Sản phản ứng nhanh chóng khi thông tin về virus được công bố lần đầu tiên vào năm 2019 tại Vũ Hán, thay vì tìm cách che giấu thông tin.
Thậm chí, khi cuộc khủng hoảng trở nên trầm trọng hơn, hồi tháng 02/2020, Trung Quốc đã chỉ trích Hoa Kỳ và các quốc gia khác về việc áp đặt các hạn chế nhập cảnh đối với du khách Trung Quốc, gọi các biện pháp này là « phản ứng quá đà ». Đối với báo Nhật, chính phản ứng hung hăng của Bắc Kinh đã khiến các nước khác trì hoãn, thay vì khẩn trương hành động.
Để được sự ủng hộ của người dân Trung Quốc, một nhà lãnh đạo phải làm nên lịch sử, chẳng hạn Mao Trạch Đông, người thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa năm 1949, hay Đặng Tiểu Bình, người đã cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống của người dân với chính sách cải cách kinh tế năm 1979. Các nhà lãnh đạo hiện tại đang gặp nhiều khó khăn bởi các vấn đề trong nước, như khoảng cách giàu nghèo ngày càng tăng, thiếu nguồn nước, dân số già và hệ thống y tế quá tải …
Nếu như người Trung Quốc, hầu như cả đời không có tự do chính trị thực sự, tin rằng chế độ Cộng Sản không biết cách bảo vệ dân chúng, uy tín của chính phủ có thể sẽ bị xói mòn. Do đó, các nhà lãnh đạo buộc phải tiếp tục làm cho dân chúng tin rằng họ « luôn luôn đúng và không bao giờ sai » và từ chối thừa nhận sai lầm trong quản lý khi dịch Covid-19 khởi phát.
Trước khi xảy ra đại dịch, một quan chức cấp cao của Đảng Cộng Sản Trung Quốc đã nói với một trong những người nước ngoài mà ông quen là một số đảng viên quan chức Trung Quốc thèm muốn được như các chính trị gia phương Tây, bởi vì « ở phương Tây, khi các nhà lãnh đạo chính trị không còn được người dân ủng hộ, họ chỉ cần rút lui sau khi bị thua trong kỳ bầu cử. Nhưng chúng tôi không có hệ thống như vậy. Và chúng tôi không thể thất bại. Vì vậy, chúng tôi liên tục chịu áp lực ».
Nhà báo Nhật nhận xét, nếu điều này là chính xác, thì đảng Cộng Sản Trung Quốc nên khiêm tốn và « sửa mình », thay đổi cách lãnh đạo đất nước. Đầu tiên, cần phải giảm quyền lực thái quá của chủ tịch Tập Cận Bình và các cộng sự thân cận của ông, những người ngăn cản cấp dưới đưa tin xấu vì sợ gặp rắc rối, chính điều này khiến các nhà lãnh đạo không đưa ra quyết định đúng đắn. Ngoài ra, đảng Cộng Sản Trung Quốc nên bớt nhạy cảm với những lời chỉ trích, đặc biệt là những những chỉ trích trên mạng Internet, để các ý tưởng và thông tin mang tính xây dựng không bị cản trở trước khi đến được với các nhà lãnh đạo.
Sau khi tuyên bố vào ngày 12/03 là Trung Quốc đã đạt đỉnh dịch, Bắc Kinh bắt đầu hợp tác với các cơ quan y tế của Irak, Iran và Ý. Mặc dù sự hỗ trợ này có giá trị, nhưng Bắc Kinh cũng nên học hỏi để có biện pháp quản lý dịch bệnh hiệu quả hơn, qua đó có khả năng ngăn chặn nguy cơ một cuộc khủng hoảng khác xuất phát từ chính Trung Quốc. Báo Nhật Nikkei Asian Review kết luận đây mới chính là điều tốt nhất Trung Quốc có thể làm cho phần còn lại của thế giới.
Đoàn kết quốc tế, sự lựa chọn mang tính đạo đức
Làm thế nào để thế giới thoát khỏi cuộc khủng hoảng dịch bệnh sớm nhất có thể. Theo L’Obs, chỉ có tình đoàn kết quốc tế mới làm đươc điều đó. Trong bài xã luận « Sự lựa chọn quan trọng tới đây », L’Obs nhận định trong cuộc khủng hoảng do virus corona, những lựa chọn kiểu như không áp dụng biện pháp phong tỏa, không giảm các hoạt động kinh tế xã hội, không chấp nhận để đất nước lâm cảnh suy thoái và thất nghiệp, để 60% dân số nhiễm virus để đạt miễn dịch cộng đồng như Anh Quốc từng muốn làm … để rồi virus có cơ hội tước đi mạng sống của hàng trăm ngàn người là sự lựa chọn « vô nhân tính».
Khắp nơi trên thế giới, các chính phủ lần lượt chấp nhận hy sinh kinh tế, hàng tỉ người dân chấp nhập hy sinh quyền tự do đi lại, an ninh việc làm, quyền đi thăm thân nhân… Lịch sử sẽ ghi nhớ « sự lựa chọn đạo đức và mang tính tập thể » này.
Nhưng để « toàn thắng », theo L’Obs, « thế giới sau dịch bệnh » cần có những biện pháp mạnh để hỗ trợ kinh tế, chuẩn bị nguồn tài chính, bảo vệ những nước dễ bị tổn thương, ủng hộ các nước đang phát triển không chỉ chịu tác động từ dịch bệnh mà còn mất nguồn đầu tư trong khi giá nguyên vật liệu sản xuất sụt giảm … Thế giới có đủ điều kiện để theo lựa chọn nói trên : khác với đại dịch cúm hồi năm 1918, chúng ta đang sống trong một thế giới giàu có, không phải đổ máu vì Thế chiến, 20 năm qua tỉ lệ nghèo đói cũng đã giảm mạnh. Thứ hai là nhờ toàn cầu hóa, các phòng nghiên cứu có thể hợp tác để phát triển vaccin.
Bí kíp Hàn Quốc
Cũng đi tìm giải pháp trị Covid, Le Point hướng về Hàn Quốc. Từng bất ngờ trở thành một ổ dịch lớn ở châu Á, Hàn Quốc đã có một thắng lợi ngoạn mục, với tỉ lệ tử vong ở người nhiễm virus chỉ là 1,6%, một trong những tỉ lệ thấp nhất thế giới. Vậy đâu là « vũ khí » giúp Hàn Quốc kìm hãm được đà lây lan của virus nhanh đến như vậy ? Đặc phái viên của Le Point tại châu Á đã đến Hàn Quốc và gửi về một bài phóng sự điều tra dài về chiến thắng ấn tượng của Hàn Quốc.
Đầu tiên phải nói tới việc xét nghiệm virus corona ở Hàn Quốc « dễ như trở bàn tay ». Chỉ cần có biểu hiện sốt hoặc ho, hay từng tiếp xúc với một người nhiễm virus, hoặc trở về sau một chuyến đi đến nơi có nguy cơ lây nhiễm là người sống ở Hàn Quốc được xét nghiệm tại 1 trong số 600 trung tâm xét nghiệm trong cả nước. Các khu xét nghiệm ở bệnh viện được dựng lên ở khu vực riêng biệt để tránh người bị nghi nhiễm mang mầm bệnh vào bên trong bệnh viện.
Một « phát minh » của Hàn Quốc là kiểu xét nghiệm « drive in » ở các trạm xét nghiệm lưu động. Không cần đặt lịch hẹn, chỉ cần lái xe đến điểm xét nghiệm ở một bãi đậu xe, không cần rời khỏi xe mà vẫn được xét nghiệm. Kết quả sẽ có sau 48 giờ.
Mục tiêu của Hàn Quốc không phải là xét nghiệm cho toàn dân, không phải là xét nghiệm nhanh và nhiều nhất có thể mà là xét nghiệm những người bị nghi đã lây nhiễm và cách ly họ nghiêm ngặt. Bên
cạnh đó, công tác tìm kiếm khoanh vùng những người có khả năng nhiễm virus được chú trọng… Có hơn 10.000 người trong diện bị cách ly đã được theo dõi bằng một ứng dụng cài đặt trên điện thoại di động. Các biện pháp xử phạt những người cố ý vi phạm lệnh cách ly sẽ được siết chặt từ ngày 05/04 : ai vi phạm sẽ chịu án tù giam 1 năm và nộp phạt 10 triệu won (7.500 euro).
Một yếu tố quan trọng khác, theo đặc phái viên của Le Point, là tính kỷ luật đã ngấm vào máu người Hàn. Khi xảy ra dịch Mers, chỉ có 35% người dân đeo khẩu trang, tỉ lệ này hồi đầu dịch Covid-19 là 80% và nay là 90%. Hàn Quốc cũng có hệ thống quản lý khủng hoảng dịch bệnh theo mô hình bộ Tham mưu. Các phương tiện trang thiết bị y tế không phải những phát minh công nghệ cao, nhưng điều đáng chú ý là cả nền công nghiệp Hàn Quốc được huy động để ứng phó với dịch bệnh.
Điều cuối cùng là công tác quản lý dữ liệu cá nhân. Khi báo động được nâng lên mức cao nhất, trung tâm kiểm soát dịch bệnh Hàn Quốc có quyền thu thập dữ liệu cá nhân của công dân, từ dữ liệu định vị, thẻ thanh toán cho đến phương tiện giao thông … để kiểm soát lộ trình di chuyển của những người đang được theo dõi cách ly. Đây là điều mà theo Le Point rất khó thực hiện được tại Pháp nói riêng và châu Âu nói chung.
Mỹ : Ngành kinh doanh bunker phát đạt
Nhìn sang nước Mỹ, một trong những quốc gia bị virus corona càn quét dữ dội, đại nạn Covid-19 mang lại cơ hội hiếm có cho ngành xây dựng và kinh doanh bunker. Tuần báo Le Courrier International giới thiệu bài viết của phóng viên Jack Flemming của báo Los Angeles Times.
Chưa bao giờ nhu cầu bunker, căn phòng ẩn náu an toàn, lại tăng vọt đến như vậy tại Mỹ. Những người giàu có không tiếc tiền, miễn là sóng sót qua đại dịch. Phần lớn bunker được trang bị hệ thống lọc không khí đặc biệt, mà người mua hy vọng là hữu ích để tránh loại virus được cho là tồn tại trong vài giờ trong không khí. Đối với những người sợ xã hội sẽ sụp đổ sau đại dịch, không có gì đáng giá hơn là được trú ẩn trong một căn phòng an toàn với lượng thực phẩm đủ dùng trong trong một năm.
Thực ra, bunker không có gì mới lạ. Hàng chục ngàn người Mỹ đã xây dựng những nơi trú ẩn riêng chống bom nguyên tử khi chiến tranh lạnh lên đến đỉnh điểm. Ở những vùng thường có lốc xoáy, nhu cầu về nơi trú ẩn, ngầm sâu hay nổi trên mặt đất, luôn giữ ở mức ổn định. Thông thường, giá dao động từ 3.000 đến 11.000 đô la. Nhưng khi đối mặt với virus corona mới, các nhà sản xuất bunker đang hướng đến những khách hàng giàu có nhất.
Tin tổng hợp
(AFP) – Mỹ “hớt tay trên” khẩu trang của Đức.
Chính quyền thành phố Berlin ngày 03/04/2020 thông báo “một lô hàng 200.000 khẩu trang y tế” được dành cho cảnh sát Berlin đã bị tịch thu tại phi trường Bangkok. Berlin nghi ngờ “có sự can thiệp của Hoa Kỳ”. Đây là một lô hàng đã được thành phố Berlin mua và thanh toán với nhà cung cấp. Báo chí Đức tiết lộ 200.000 khẩu trang loại FFP2 nói trên do công ty Mỹ 3M sản xuất tại Trung Quốc. Một giới chức cao cấp đặc trách về an ninh của thành phố Berlin xem đây là một hành vi “cướp bóc trắng trợn thời hiện đại” và đặt câu hỏi về quan hệ đối tác “xuyên Đại Tây Dương”.
(AFP) – Chương Trình Lương Thực Thế Giới (PAM) cảnh báo Covid-19 dẫn đến nguy cơ hàng trăm triệu người trên thế giới thiếu lương thực.
Báo động được đưa ra hôm 03/04/2020. Tổ chức trực thuộc Liên Hiệp Quốc này đặc biệt lo ngại về tình trạng thiếu hụt lương thực, thực phẩm tại châu Phi. Hàng năm 212 triệu người trên hành tinh bị nạn đói đe dọa.
(AFP) – Công Đảng Anh có lãnh đạo mới.
Đảng đối lập Anh ngày 04/04/2020 vừa chỉ định ông Keir Starmer, 57 tuổi, vào chức vụ chủ tịch thay thế Jeremy Corbyn. Nhân vật này có lập trường cánh trung và thân châu Âu. Tân lãnh đạo đảng đối lập Anh, nguyên là một luật sư về nhân quyền. Tân chủ tịch Starmer đã được 56,2 % đảng viên ủng hộ và sẽ có trọng trách vực dậy Công Đảng sau thất bại ê chề trong cuộc bầu cử Nghị Viện Anh hồi tháng 12/2019.
http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200404-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p
Điểm tin thế giới sáng 4/4:
Cựu Đại sứ Mỹ chỉ trích
WHO tin theo Trung Quốc về virus Vũ Hán
Băng Thanh
Mục Điểm tin thế giới sáng thứ Bảy (4/4) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới bạn đọc những tin sau:
Cựu Đại sứ Hoa Kỳ chỉ trích WHO tin theo Trung Quốc về virus Vũ Hán
Fox News đưa tin, cựu Đại sứ Hoa Kỳ Nikki Haley yêu cầu Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phải giải thích lý do tại sao “họ đã tin theo lời của Trung Quốc” rằng virus Vũ Hán không thể lây từ người sang người, một tuyên bố hoàn toàn sai trái.
Trước đó, WHO từng tuyên bố: “Các cuộc điều tra sơ bộ được thực hiện bởi các nhà chức trách Trung Quốc đã không tìm thấy bằng chứng rõ ràng về sự lây truyền từ người sang người của virus corona (2019-nCoV) ở Vũ Hán”.
Bà Nikki Haley viết trên Twitter hôm thứ Sáu (3/4): “WHO đăng tuyên bố này vào ngày 14/1. WHO nợ thế giới một lời giải thích về lý do tại sao họ tin theo lời Trung Quốc. Việc bưng bít thông tin và thiếu trách nhiệm của chính quyền Trung Quốc đã gây ra quá nhiều đau khổ”.
Nhà Trắng sẽ xét nghiệm nhanh virus Vũ Hán đối với những người đến gần ông Trump, ông Pence
Hôm thứ Sáu, Nhà Trắng cho biết, những người đến gần Tổng thống Trump và Phó Tổng thống Pence sẽ được xét nghiệm nhanh COVID-19, theo Fox News.
Nhà Trắng cho biết, việc này sẽ được thực hiện từ ngày 3/4, và chỉ áp dụng đối với những người tiếp xúc gần với Tổng thống và Phó Tổng thống, bao gồm một số nhân viên, cũng như những người có thể ngồi họp bên cạnh hai nhà lãnh đạo hàng đầu của nước Mỹ.
Một nửa số người nhiễm virus Vũ Hán không có triệu chứng
Fox News đưa tin hôm 3/4, theo các dữ liệu từ Iceland, thị trấn Vo của Ý và du thuyền Diamond Princess, khoảng một nửa số người nhiễm virus corona chủng mới hiện không có triệu chứng.
“Nhiều trường hợp rõ ràng là không có triệu chứng. Đây đồng thời là tin tốt và xấu, bởi vì nó có nghĩa là tỷ lệ tử vong bởi virus có thể thấp hơn so với suy nghĩ ban đầu, nhưng mọi người cũng có thể vô tình phát tán virus”, Patrick T. Dolan, một nhà virus học tại Đại học California, San Francisco, nói với Fox News.
Ông cho biết: “Vẫn còn quá sớm để chắc chắn về những con số, nhưng rõ ràng là tình trạng nhiễm virus không triệu chứng đang góp phần đáng kể vào sự lây lan của SARS-CoV2. Đây chính xác là lý do tại sao việc tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp tránh giao tiếp xã hội là rất quan trọng”.
WHO cảnh báo nhiều người trẻ tuổi tử vong vì Covid-19
The Hill đưa tin, các quan chức của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm thứ Sáu cho biết đang có thêm nhiều trường hợp thanh niên tử vong vì virus Vũ Hán.
Trước đó, vào hôm 2/4, WHO cho biết hơn 95% ca tử vong do virus Vũ Hán ở châu Âu là những người từ 60 tuổi trở lên, nhưng những người trẻ tuổi vẫn có nguy cơ mắc bệnh.
“Quan điểm cho rằng COVID-19 chỉ ảnh hưởng đến người già là sai thực tế”, Hans Kluge, người đứng đầu văn phòng châu Âu của WHO, cho biết trong một cuộc họp báo trực tuyến tại Copenhagen hôm 2/4, theo AP. “Người trẻ không phải là bất khả chiến bại”.
Tiến sĩ Mỹ kêu gọi đóng cửa các chợ thịt sống ở Trung Quốc
Fox News đưa tin, Tiến sĩ Anthony Fauci, thành viên đội đặc nhiệm chống COVID-19 của Nhà Trắng, hôm thứ Sáu nói rằng các chợ buôn bán thịt và động vật sống của Trung Quốc nên ngừng hoạt động ngay lập tức.
Ông Fauci đề cập đến từ wet markets (tạm dịch: chợ tươi), là những địa điểm bán thực phẩm tươi sống phổ biến tại nhiều quốc gia, trong đó có Trung Quốc, Việt Nam. Ông cho rằng tại các khu chợ này, việc con người tiếp xúc trực tiếp với các động vật sống sẽ tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm bệnh rất cao.
Trước đó, hôm 2/4, Thượng nghị sĩ Mỹ Lindsey Graham đã gửi thư cho đại sứ Trung Quốc kêu gọi ông thuyết phục chính phủ nước mình không mở cửa trở lại các khu chợ tươi như vậy.
Thượng nghị sĩ Graham viết trong thư: “Một số tài liệu chứng minh rằng các chợ tươi ở Trung Quốc là nguồn gốc gây ra một số vấn đề sức khỏe trên toàn thế giới”.
Điểm tin thế giới chiều 4/4:
Nhiều nước đang có chiến tranh
đồng ý ngừng bắn trong bối cảnh đại dịch
Quý Khải
Mục Điểm tin thế giới chiều thứ Bảy (4/4) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới bạn đọc những tin sau:
Nhiều nước đang có chiến tranh đồng ý ngừng bắn trong bối cảnh đại dịch
Mười một quốc gia đang bị vây hãm trong các cuộc xung đột dài hạn đã phản hồi trước lời kêu gọi ngừng bắn trên toàn cầu của Liên Hợp Quốc (LHQ), tổng thư ký LHQ António Guterres cho biết.
Liên Hợp Quốc bày tỏ lo ngại sâu sắc rằng tại các quốc gia có hệ thống y tế vốn đã mong manh, bối cảnh chiến tranh sẽ khiến nó gần như không thể ngăn chặn được sự bùng phát của dịch bệnh.
Phát biểu tại New York, ông Guterres cho biết lời kêu gọi của ông, đưa ra vào ngày 23/3, đã được ủng hộ bởi “số lượng ngày càng gia tăng các quốc gia thành viên, đạt khoảng 70 cho đến nay, các đối tác khu vực, các tổ chức phi nhà nước, các mạng lưới và tổ chức xã hội dân sự, cùng tất cả ‘Sứ giả hòa bình’ của Liên Hợp Quốc”.
Một bản kiến nghị trực tuyến do trang Avaz tổ chức đã thu thập được hơn 1 triệu chữ ký. Ông Guterres nói, “để chặn đứng tiếng súng nổ, chúng ta cần phải lên tiếng cho hòa bình”.
Số ca tử vong do Covid-19 ở Pháp đạt 6.500 trong bối cảnh thế giới đối mặt với tình trạng thiếu thốn các thiết bị quan trọng
Số người chết vì virus Vũ Hán ở Pháp đã gia tăng hơn 1.000 ca, lên khoảng 6.500 – khi có thêm 160.000 cảnh sát được triển khai để củng cố luật phong tỏa nghiêm ngặt tại nước này, theo Sky News.
Người đứng đầu cơ quan y tế quốc gia Pháp cho biết tỷ lệ tử vong tăng cao là do có nhiều ca tử vong được ghi nhận tại khoảng 3.000 nhà dưỡng lão.
Trên toàn cầu, các ca lây nhiễm được xác nhận vượt quá một triệu và số ca tử vong lên đến 54.000, theo thống kê của Đại học Johns Hopkins.
Các chuyên gia cho biết cả hai con số này đều thấp hơn thực tế do tình trạng thiếu điều kiện xét nghiệm, các trường hợp có triệu chứng nhẹ bị bỏ sót tại các nước, bên cạnh một số chính phủ xem nhẹ mức độ nguy hiểm của cuộc khủng hoảng. Ngoài ra, một số nước như Trung Quốc và Iran cũng có dấu hiệu che giấu quy mô dịch bệnh.
WHO, IMF nói cứu mạng người là ‘điều kiện tiên quyết’ để cứu sinh kế
Người đứng đầu WHO và IMF khẳng định hôm thứ Sáu (3/4) rằng cứu mạng người là “điều kiện tiên quyết” để cứu sinh kế trong đại dịch virus corona – một cuộc khủng hoảng được 2 tổ chức gọi là “một trong những thời khắc đen tối nhất của nhân loại”.
Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus và Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế, bà Kristalina Georgieva cho biết việc kiểm soát virus COVID-19 là điều ưu tiên cần thiết để hồi phục nền kinh tế – mặc dù họ cũng thừa nhận rất khó để đạt được một sự cân bằng giữa 2 tiêu chí này.
“Khi thế giới phản ứng trước Covid-19, quốc gia này nối tiếp quốc gia khác đã phải đối mặt với sự cần thiết phải ngăn chặn sự lây lan của virus, và cũng trước thách thức đưa xã hội và nền kinh tế của họ đi vào thế bế tắc”, ông Tedros và Georgieva viết trong một bài viết chung trên tờ The Daily Telegraph của Anh.
“Nhìn bề mặt thì có một sự đánh đổi ở đây: hoặc cứu mạng người hoặc cứu sinh kế. Đây là một vấn đề nan giải – việc đưa virus dưới tầm kiểm soát là điều kiện tiên quyết để cứu sinh kế”.
Mỹ yêu cầu đeo khẩu trang để ngăn chặn dịch viêm phổi Vũ Hán lan rộng
Hoa Kỳ đã chính thức kêu gọi mọi người đeo khẩu trang, khiến WHO phải xem xét lại lập trường cho rằng chỉ những người bị bệnh mới cần phải đeo.
Người dân Mỹ hiện đang được khuyến khích đeo khẩu trang bằng vải tự chế để ngăn các trường hợp virus Vũ Hán tiếp tục tăng vọt.
Biện pháp quyết liệt mới được đưa ra mặc dù Tổ chức Y tế Thế giới hiện nói rằng chỉ những nhân viên y tế, người bệnh và những người tiếp xúc gần gũi với các ca lây nhiễm mới nên đeo.
Việt Nam phản đối Bắc Kinh đánh chìm tàu tại Biển Đông
Việt Nam đã có động thái phản đối chính thức Trung Quốc sau vụ chìm tàu cá Việt Nam mà phía Việt Nam tuyên bố là do bị một tàu giám sát hàng hải Trung Quốc đâm phải gần các đảo trong khu vực tranh chấp trên Biển Đông.
Tàu cá Việt Nam, với tám ngư dân trên boong, lúc đó đang đánh cá gần quần đảo Hoàng Sa hôm thứ Năm (2/4) thì bị tàu Trung Quốc đâm chìm, Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết trong một tuyên bố đăng trên trang web của chính phủ hôm nay.
Tất cả ngư dân được tàu Trung Quốc đưa lên tàu đều còn sống và sau đó được chuyển đến hai tàu cá Việt Nam khác đang hoạt động gần đó, Hội Nghề cá Việt Nam cho biết trong một tuyên bố được đăng trên trang web của mình.
“Tàu Trung Quốc đã có hành vi vi phạm chủ quyền Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, đe dọa tính mạng và làm hư hại tài sản và lợi ích hợp pháp của ngư dân Việt Nam”, Bộ Ngoại giao nói trong tuyên bố của mình.
(Ảnh thumb: ảnh chụp màn hình Youtube/Hindustan Times)
Khủng hoảng Covid-19 :
Trung Quốc « trục lợi » hay châu Âu bất lực ?
Minh Anh
Dịch bệnh viêm phổi cấp do virus corona chủng mới, bùng phát từ Vũ Hán, Trung Quốc cách nay ba tháng và đang tiếp tục lan rộng trên toàn cầu. Cuộc khủng hoảng dịch tễ này đã làm lộ rõ những yếu kém của một châu Âu già cỗi, thiếu một tầm nhìn, một chiến lược chung trên bình diện y tế cũng như là những lổ hỗng của hệ thống y tế Mỹ, siêu cường hàng đầu thế giới.
Một châu Âu « già nua » thụ động
Hơn một triệu người bị nhiễm bệnh, khoảng 50 ngàn người chết, gần một nửa dân số thế giới phải « tự giam mình » ở nhà, dịch Covid-19, xuất phát từ Vũ Hán, Trung Quốc từ cuối năm 2019 đang khuynh đảo cả thế giới. Nếu như Trung Quốc giờ đây đang dần thoát ra khỏi trận dịch, thì các đại cường khác từ châu Âu đến Mỹ vẫn đang phải lao đao đối phó.
Thế nhưng, cuộc chiến dịch tễ này còn mang dáng dấp của một cuộc đọ sức giữa hai mô hình xã hội : Độc tài và Dân chủ. Giờ đây có một câu hỏi đang dấy lên : Phải chăng Trung Quốc khi thoát ra khỏi dịch bệnh còn hùng mạnh hơn và đang thắng cuộc chiến toàn cầu chống virus corona, ít nhất là trên bình diện thông tin ?
Quả thật, Trung Quốc dường như đang dập tắt được dịch bệnh trong nước nhờ vào những biện pháp nghiêm ngặt. Những biện pháp lúc ban đầu bị chỉ trích là chỉ có một chế độ toàn trị mới có thể đưa ra những quy định khắt khe đến như thế, để rồi sau đó, được sao chép lại bằng cách này hay cách khác tại các nước được cho là « dân chủ ».
Và nhất là hình ảnh một Trung Quốc « cứu nhân độ thế » được tuyên truyền rầm rộ : Đến hỗ trợ nước Ý, gởi hàng cứu trợ đến châu Phi và nhiều nước khác trên thế giới… Con đường tơ lụa kinh tế – thương mại của Trung Quốc giờ còn là con đường tơ lụa y tế.
« Tiên trách kỷ, hậu trách nhân »
Phương Tây chỉ trích đó là chuyện tuyên truyền, Trung Quốc đến chỉ để bảo vệ lợi ích của mình chứ chẳng phải đến cứu giúp người dân. Nhưng dịch bệnh nổ ra cho thấy rõ sự thiếu khả năng chuẩn bị đề phòng của châu lục già từ nhân sự, trang thiết bị cho đến cả về mặt chiến lược. Ông Pascal Boniface, chuyên gia địa chính trị, Viện Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (IRIS), có quan điểm cho rằng châu Âu trước hết phải tự trách mình :
« Đương nhiên là Trung Quốc bảo vệ lợi ích quốc gia của mình. Ai có thể phê phán Trung Quốc ? Nước nào cũng làm điều đó, châu Âu cũng vậy. Còn nếu châu Âu không làm, thì chỉ nên tự trách lấy mình và đừng chỉ trích Trung Quốc đã làm như thế. Quả thật khi Trung Quốc đến hỗ trợ các nước khác, cũng là lúc nước này tự giúp mình, bởi vì Trung Quốc cần các nước khác tái khởi động nền kinh tế của họ do Trung Quốc cũng phụ thuộc vào thị trường bên ngoài. Thế nên, thay vì chỉ tập trung vào chỉ trích những điều mà tôi cho là vô bổ hay là về hệ tư tưởng của Trung Quốc, phương Tây nên nhìn thẳng vào sự việc. »
Thế giới đang đứng trước một bước ngoặt mới. Trong cuộc đại chiến giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, kéo dài từ bao lâu nay, chẳng phải Bắc Kinh đang thắng là nhờ vào Hoa Kỳ hay sao ? Chuyên gia Pascal Boniface giải thích tiếp :
« Đó cũng có thể là do chính sách thảm hại của ông Donald Trump đối với đại dịch virus corona kể cả ở trong nước, từ lâu cự tuyệt nhìn nhận sự việc, giờ đang bị chỉ trích ở trong nước và điều này có thể khiến ông trả giá đắt cho cuộc bầu cử tổng thống tháng 11/2020. Donald Trump điều hành siêu cường hàng đầu thế giới, vậy đâu rồi vai trò lãnh đạo hàng đầu của ông ? ».
Donald Trump được xem như là lãnh đạo thế giới phương Tây, thiếu trách nhiệm là một chuyện, nhưng còn châu Âu thì sao ? Vẫn theo ông Pascal Boniface, Trung Quốc « ghi bàn » đó cũng là vì sự thụ động, trì trệ, và nhất là thái độ « ỷ lại » của châu Âu vào Mỹ.
« Bởi vì nếu Trung Quốc đang thắng đó chẳng phải là do châu Âu tự phó mặc điều đó cho Trung Quốc ? Tại sao châu Âu không thúc đẩy việc cùng suy nghĩ một sự tự chủ về chiến lược cho chính mình kể cả trên phương diện truyền thông cũng như là một chính sách y tế ? Nếu không muốn Trung Quốc ghi được nhiều điểm trong cuộc chiến này, nên chăng châu Âu cũng phải phát triển một chính sách độc lập khác biệt với Hoa Kỳ ? »
Cuối cùng, nhà nghiên cứu địa chính trị kêu gọi trước những thách thức thật sự do Trung Quốc đặt ra, thay vì ta thán, phàn nàn rằng đó là một chế độ độc tài… đã đến lúc châu Âu nên xắn lấy tay áo, gánh lấy trách nhiệm và bảo vệ lấy lợi ích của chính mình. Cần phải bảo vệ và vạch ra một chính sách chung mà hiện nay chưa hề có. Bất luận thế nào, châu Âu chớ nên trách Trung Quốc là đang bảo vệ lợi ích của họ, nếu như chính bản thân châu Âu không có khả năng bảo vệ lấy chính mình.
Covid-19 và những lỗ hổng y tế của Mỹ
Tại Mỹ, dịch Covid-19 đã làm cho hơn 6.000 người chết. Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo người dân « hai tuần địa ngục » sắp tới, khi dự phóng con số nạn nhân có thể lên từ 100 -240 ngàn người. Hoa Kỳ có nguy cơ trở thành tâm dịch mới của thế giới.
Bất chấp dịch bệnh hoành hành dữ dội trong nước, chủ nhân Nhà Trắng vẫn khước từ ban hành lệnh phong tỏa toàn quốc như nhiều nước châu Âu đang làm. Và tùy theo từng bang, biện pháp phong tỏa được áp dụng một cách khác nhau.
Trả lời các câu hỏi của RFI, cô Sarah Rozenblum, chuyên nghiên cứu về Y tế công và Khoa học chính trị tại đại học Michigan cho rằng khủng hoảng dịch tễ hiện nay cho thấy rõ những khiếm khuyết của hệ thống y tế của Mỹ.
« Điều đó có liên quan đến đặc tính rất phân cấp của hệ thống y tế Mỹ. Ở nước này, các quyết định y tế được đưa ra ở cấp độ bang hay địa phương. Bởi vì, ý tưởng chính là làm sao các quyết định đưa ra phải gần với nhu cầu của dân chúng.
Khi không có các cuộc khủng hoảng có quy mô lớn, điều này có ý nghĩa. Nhưng trong cuộc đại dịch toàn cầu này, cần phải hợp nhất, phối hợp hài hòa đối phó ở cấp độ từng bang mà cả ở quy mô liên bang. Đó chính là những gì tài liệu hướng dẫn chuẩn bị nguy cơ đại dịch đề ra, do chính quyền Obama soạn thảo.
Thế nhưng cách nay vài ngày, chúng tôi được biết là chính quyền Donald Trump đã quyết định cố tình lờ đi tập sách, vốn khuyến nghị chính phủ liên bang nắm giữ một vai trò thống nhất, một vai trò tuyến đầu…
Trong khi chính quyền Donald Trump quyết định chọn thoái lui ra khỏi việc quản lý của khủng hoảng trên bình diện y tế khi ưu tiên cho mảng kinh tế nhiều hơn, Ông ấy đã ủy thác việc xử lý dịch bệnh cho các thống đốc và chính quyền địa phương, vốn dĩ có những phản ứng ít nhiều gì cũng hung hăng hơn, duy ý chí và nhiều khiếm khuyết. »
Liệu rằng cuộc khủng hoảng dịch bệnh hiện nay có thể làm tạo ra một mô hình xã hội mới hay một hệ thống y tế mới tại Mỹ ? Về câu hỏi này, cô Sarah Rozenblum tỏ ra không mấy lạc quan.
« Hiện có 87 triệu người dân Mỹ là không có hoặc có bảo hiểm rất ít. Nghỉ bệnh không được quy định trong luật liên bang và chỉ có 11 bang công nhận quyền này. Chúng ta cũng biết là rất nhiều người dân Mỹ có bảo hiểm y tế qua trung gian người tuyển dụng.
Giờ phải chờ xem liệu cuộc khủng hoảng này có thể làm xuất hiện một trật tự xã hội mới, một mô hình chính trị hay một hệ thống y tế mới hay không. Điều đó có thể lắm nhưng lịch sử nước Mỹ luôn cho thấy là điều này khó có thể thực hiện.
Ví dụ, ngày hôm sau vụ khủng bố 11-9, việc xử lý cuộc khủng hoảng đã không có chút gì là tình liên đới cả, bởi vì những người thuộc lực lượng phản ứng nhanh như bác sĩ, hay lính cứu hỏa khi bắt đầu phát bệnh ung thư, hay các chứng bệnh đường hô hấp sau các chiến dịch cứu hộ phải mất rất nhiều thời gian để có bảo hiểm y tế.
Tại Mỹ, các thảm họa thiên nhiên tệ hại chưa bao giờ dẫn đến những thay đổi triệt để trên bình diện y tế. Hiện nay, tình hình có thể sẽ khác đi do tính chất chưa từng thấy của cuộc khủng hoảng, vốn dĩ chỉ mới bắt đầu. Thế nên, rất khó mà tiên đoán được. »
http://www.rfi.fr/vi/t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p/20200404-quoc-te-trung-quoc-hoa-ky-chau-au-covid19