Tin Việt Nam – 31/03/2020
Đường sắt Cát Linh – Hà Đông
chưa vận hành đã phải trả 509 triệu USD
Ban Quản lý dự án đường sắt thuộc Bộ Giao thông Vận tải vào ngày 31/3 thông báo cho biết, tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông chậm tiến độ nhiều lần và chưa biết khi nào đưa vào vận hành nhưng đã phải thanh toán cho tổng thầu 509 trên 644 triệu USD tương đương 79% giá trị hợp đồng.
Theo hợp đồng ký kết của dự án này và được truyền thông trong nước loan tin, khi được nghiệm thu, đưa vào sử dụng khai thác sẽ phải thanh toán cho tổng thầu đến 95% giá trị hợp đồng tức 644 triệu USD và 5% còn lại là giá trị bảo hành dự án.
Dự kiến dự án đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông vào tháng 2/2020 sẽ bắt đầu vận hành thử toàn bộ hệ thống liên tục trong 20 ngày nhằm đánh giá an toàn, nghiệm thu và thanh toán. Tuy nhiên do diễn biến tình hình dịch bệnh Coronavirus phức tạp nên tiến độ bị lùi lại và chưa xác định được thời hạn vận hành thử. Điều này đồng nghĩa với việc dự án chậm hoàn thành và bàn giao.
Theo Ban quản lý dự án thì toàn bộ dự án đang được nghiệm thu các hạng mục thành phần để giải ngân nhưng gặp một số vướng mắc do Kiểm toán nhà nước yêu cầu giảm trừ thanh toán một số hạng mục đã thanh toán trước đó nên kéo theo chưa thể hoàn thành việc thanh toán các hạng mục bị yêu cầu giảm trừ. Hiện ban quản lý dự án đang khẩn trương chuẩn bị các bước rà soát, lên kết hoạch, phân loại công việc cần giải quyết… nhằm thúc đẩy dự án sớm đi vào hoạt động.
Tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông dài 13 km do phía Trung Quốc xây dựng đã ít nhất 12 lần bị lùi tiến độ kể từ khi khởi công dự án vào năm 2011. Dự án này có tổng vốn dự định ban đầu khoảng 550 triệu USD, nhưng đến năm 2019 đã đội vốn 886 triệu USD, với vốn vay của Trung Quốc gần 700 triệu USD.
Hôm 30/10/2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ra yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải phải xử lý nghiêm những sai phạm trong dự án Cát Linh Hà Đông.
Ông Nguyễn Bắc Son sắp hầu tòa
phúc thẩm vụ MobiFone mua 95% cổ phần AVG
Phiên xử phúc thẩm ông Nguyễn Bắc Son, cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin – Truyền thông cùng 8 người khác trong vụ án Tổng Công ty Viễn thông MobiFone mua 95% cổ phần của Công ty Cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu AVG dự kiến diễn ra trong 4 ngày, từ 13-16/4.
Báo trong nước loan tin ngày 31/3, trích thông báo từ Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội.
Theo đó, phiên phúc thẩm lần này sẽ thực hiện nghiêm những quy định của tòa trong công tác phòng chống dịch Covid-19 đang lây lan rộng rãi. Cụ thể, khoảng cách giữa những người tham gia phiên tòa tối thiểu là 2mét, chỉ những người được tòa án triệu tập vào phòng xử án để tham dự phiên tòa…
Trong phiên sơ thẩm được tuyên vào cuối tháng 12/2019, ông Nguyễn Bắc Son bị phạt tù chung thân cho 2 tội danh ‘Vi phạm các quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng’ và ‘Nhận hối lộ’.
Theo các trạng, ông Nguyễn Bắc Son đã nhận được tiền biếu, tặng trị giá lên đến 3 triệu đô từ ông Phạm Nhật Vũ – Chủ tịch AVG và 700.000 đô từ ông Lê Nam Trà – Chủ tịch MobiFone cùng với 200.000 đô từ ông Cao Duy Hải – Tổng Giám đốc MobiFone.
Sau phiên sơ thẩm, Tòa án nhân dân Hà Nội vào tháng 2 vừa qua cho biết Cựu Bộ trưởng Thông tin – Truyền thông Nguyễn Bắc Son cùng 10 bị cáo khác liên quan thương vụ MobiFone mua 95% cổ phần Công ty Nghe nhìn Toàn cầu AVG đã nộp đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.
Ba người gồm cựu Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn, ông Phạm Đình Trọng và ông Phạm Nhật Vũ không kháng án.
Hiện đã có 2 thêm người rút đơn kháng cáo trước phiên phúc thẩm là ông Cao Duy Hải – cựu Tổng Giám đốc MobiFone và Võ Văn Mạnh – cựu Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn đầu tư và thẩm định AMAX.
Thương vụ MobiFone mua 95% cổ phần AVG thành công với mức giá cao hơn thực tế trong khi AVG lúc đó đang lỗ 300 tỉ, có khoản nợ cần trả hơn 1.300 tỷ và có giá trị ròng khoảng gần 2.000 tỷ đồng, đã khiến Nhà nước thiệt hại gần 6.600 tỷ đồng.
Khởi tố, bắt giam người đổ
14 thùng chất thải xuống sông Hồng
Công an huyện Thanh Trì (Hà Nội) hôm 31/3 đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Phạm Văn Hùng (48 tuổi, trú tại xã Vạn Phúc, huyện Thanh Trì), người bị xác định đã đổ 14 thùng chất thải nguy hại xuống sông Hồng.
Truyền thông trong nước loan tin cùng ngày cho biết kết quả giám định của Viện Khoa học hình sự – Bộ Công an hôm 24/3 khẳng định các chất lỏng có trong 14 thùng hoá chất đã bị đổ xuống sông Hồng đều là chất thải nguy hại đặc biệt.
Tin cho hay tại cơ quan Công an, ông Hùng đã khai nhận mình là người chuyên thu gom dung môi thải đã sơ chế là các chất tẩy rửa trong khu công nghiệp.
Ông Hùng khai vào tháng 7/2019 có quen biết với ông Triệu Duy Minh (sinh năm 1970, trú tại Ngọc Minh, Quốc Oai, Hà Nội) và đã thoả thuận mua bán các thùng hoá chất.
Vào ngày 12/3/2020, ông Hùng chở 21 thùng phuy kim loại chứa dung môi tới thôn Phú Mỹ, xã Ngọc Mỹ, Quốc Oai, Hà Nội để bán cho ông Minh với giá khoảng 1 triệu rưỡi mỗi thùng. Ông Minh đã trả lại 14 thùng hoá chất vì “không đảm bảo chất lượng” và ông Hùng chở về.
Ông Hùng bị nói đã kiểm tra và thấy 14 thùng dung môi trong thùng phuy không còn sử dụng được nữa nên đã mang ra bờ sông Hồng (đoạn qua xã Vạn Phúc, huyện Thanh Trì) đổ bỏ vào đêm 13/3.
Cơ quan Cảnh sát Điều tra huyện Thanh Trì phối hợp Viện Kiểm sát Nhân dân huyện và Công ty Cổ phần Môi trường Đô thị và Công nghiệp 10 xác định có 3160 kg trong 14 thùng hoá chất bị đổ bỏ.
Ông Phạm Văn Hùng hiện đang bị truy tố tội Gây ô nhiễm môi trường, quy định tại khoản 2 Điều 235 Bộ luật Hình sự.
Ngày 6/10 năm ngoái, một nhóm người thực hiện vụ đổ hàng chục thùng dầu thải vào suối Trầm (tỉnh Hoà Bình) dẫn đến hồ Đầm Bài, làm ô nhiễm nguồn nước nguyên liệu của Nhà máy Nước sạch Sông Đà khiến hàng vạn người dân đã không có nước sạch sử dụng. Chính quyền lúc đó đã phải ra khuyến cáo không sử dụng nước bị ô nhiễm và ra lệnh cho xe chở nước sạch cho người dân các vùng bị ảnh hưởng
Bộ Công thương kiến nghị
cho xuất khẩu gạo trong kiểm soát
Bộ Công thương kiến nghị tiếp tục cho xuất khẩu gạo nhưng trong tầm kiểm soát chặt chẽ số lượng xuất khẩu theo từng tháng, nhằm đạt được mục tiêu kép vừa đảm bảo an ninh lương thực trong bối cảnh dịch COVID-19, vừa xuất khẩu được gạo.
Truyền thông trong nước, vào ngày 31/3, dẫn công văn số 2237 của Bộ Công thương gửi trình Thủ tướng Chính phủ với kiến nghị như vừa nêu.
Kiến nghị này được đưa ra dựa theo kết quả báo cáo do đoàn kiểm tra liên ngành khảo sát thực tế với các địa phương và doanh nghiệp xuất khẩu gạo trên cả nước.
Qua đó, Bộ Nông nghiệp-Phát triển Nông thôn dự báo sản lượng lúa sản xuất trong năm 2020 ước đạt 43,5 triệu tấn, dự báo về nhu cầu tiêu thụ trong năm 2020 đã bao gồm dự trữ xấp xỉ 30 triệu tấn lúa. Do đó, lượng lúa còn dư để xuất khẩu vào khoảng 13,5 triệu tấn tương đương 6,5 đến 6,7 triệu tấn gạo.
Bộ Công thương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét cho phép tiếp tục xuất khẩu gạo, nhưng sẽ kiểm soát chặt chẽ số lượng xuất khẩu trong từng tháng. Cụ thể trong tháng 4 và tháng 5, dự kiến sản lượng xuất khẩu gạo thích hợp vào khoảng 800 ngàn tấn. Và sẽ xuất khẩu 400 ngàn tấn gạo trong tháng 4. Sau đó căn cứ vào diễn tiến của dịch bệnh đến cuối tháng 4, Thủ tướng sẽ quyết định số lượng gạo xuất khẩu trong tháng 5.
Theo kiến nghị này thì Tổng cục Dự trữ Nhà nước sẽ mua vào 300 ngàn tấn gạo trong tháng 4 và tháng 5, kết hợp với lượng gạo xuất khẩu được giữ lại 400 ngàn tấn nâng tổng số lên 700 ngàn tấn cho nhu cầu dự trữ trong nước trong hai tháng tới.
Bộ Công thương cho biết số lượng gạo dự tính xuất khẩu trong hai tháng 4 và 5/2020 giảm 40% so với cùng kỳ năm 2019.
Ca thứ 207 nhiễm virus Vũ Hán
Hiểu Minh
Chiều nay 31/3, Việt Nam đã ghi nhận thêm 3 ca nhiễm virus Vũ Hán, trong đó 1 người là nhân viên công ty TNHH Trường Sinh.
Báo Zing dẫn thông báo của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và Viện Pasteur TP.HCM, đến 18h ngày 31/3, thêm 3 người mắc virus Vũ Hán. Trong đó, một người là nhân viên Công ty TNHH Trường Sinh và 2 người liên quan bệnh nhân 124.
Bệnh nhân 205 là nam, 41 tuổi, nhân viên Công ty TNHH Trường Sinh, cung cấp dịch vụ cho Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội.
Bệnh nhân 206 là nam, quốc tịch Việt Nam, 48 tuổi, địa chỉ tại phường An Phú, quận 2, TP.HCM. Người này là lái xe riêng của bệnh nhân 124 và bệnh nhân 151.
BN206 được chuyển cách ly tập trung tại khu C – trường Thiếu sinh quân (huyện Củ Chi, TP.HCM).
Ngày 28/3, bệnh nhân có triệu chứng đau rát họng, được lấy mẫu xét nghiệm cho kết quả dương tính với virus Vũ Hán.
Hiện, bệnh nhân được chuyển cách ly, điều trị tại Bệnh viện Dã chiến Củ Chi với tình trạng sức khỏe ổn, không ho, không sốt, không khó thở.
Bệnh nhân 207 là nam, quốc tịch Brazil, 49 tuổi, trú tại phường Thảo Điền, quận 2, TP.HCM, là chồng ca bệnh nhân 151 và đồng nghiệp bệnh nhân 124.
Ngày 22/3, bệnh nhân được Trung tâm Y tế quận 2 lấy mẫu xét nghiệm lần một, cho kết quả âm tính sau đó được chuyển cách ly tập trung tại khu C – trường Thiếu sinh quân (huyện Củ Chi, TP.HCM).
Ngày 27/3, bệnh nhân có đau họng và ngày 28/3 được lấy mẫu xét nghiệm, cho kết quả dương tính với virus Vũ Hán.
Bệnh nhân đã được chuyển sang khu điều trị Bệnh viện Dã chiến Củ Chi với tình trạng sức khỏe ổn, không ho, không sốt, không khó thở.
Dịch virus Vũ Hán khởi phát từ Vũ Hán (Trung Quốc) vào đầu tháng 12/2019. Chính quyền Bắc Kinh đã che giấu thông tin khiến dịch bệnh nhanh chóng lan khắp Trung Quốc và thế giới. Đến chiều tối nay 31/3, theo trang worldometers cập nhật, dịch virus Vũ Hán đã truyền đến gần 200 quốc gia, khiến hơn 801,061 người nhiễm bệnh, 38,749 tử vong.
https://www.dkn.tv/thoi-su/ca-thu-207-nhiem-virus-vu-han.html
Việt Nam ban hành giải pháp cách ly toàn xã hội
trong 15 ngày từ ngày 1 tháng 4
Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc vào ngày 31 tháng 3 ban hành Chỉ thị 16 với giải pháp cách ly toàn quốc trong 15 ngày, kể từ 0 giờ ngày 1 tháng Tư. Đây là 1 trong 10 giải pháp được nói là quyết liệt của Việt Nam trong nỗ lực ngăn chặn đại dịch COVID-19 có nguy cơ lan rộng ở trong cộng đồng.
Chỉ thị 16 nêu rõ “Thực hiện cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày kể từ 0 giờ ngày 01 tháng 4 năm 2020 trên phạm vi toàn quốc theo nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình, thôn bản cách ly với thôn bản, xã cách ly với xã, huyện cách ly với huyện, tỉnh cách ly với tỉnh, phân xưởng, nhà máy sản xuất phải bảo đảm khoảng cách an toàn, đeo khẩu trang, thực hiện khử trùng, diệt khuẩn theo quy định.
Yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men; cấp cứu; làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ; hàng hóa thiết yếu không bị đóng cửa; thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp; không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng.”
Một trong những yêu cầu đối với Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố là chỉ đạo dừng hoạt động vận chuyển hành khách công cộng. Hạn chế tối đa việc di chuyển từ địa bàn, khu vực này sang địa bàn, khu vực khác; dừng việc di chuyển từ vùng có dịch đến các địa phương khác, trừ trường hợp đặc biệt vì lý do công vụ và các trường hợp cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết, xe đưa đón công nhân, chuyên gia của các doanh nghiệp, chuyên chở nguyên vật liệu sản xuất.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, Chủ nhiệm Văn Phòng Chính phủ, giải thích các giải pháp về cách ly xã hội mới chỉ là dự lệnh, khuyến cáo chứ chưa phải lệnh cấm. Giải pháp này không đồng nghĩa với việc phong tỏa đất nước.
Ông Mai Tiến Dũng nói rõ Chính phủ vẫn đồng ý cho nhà máy, phân xưởng hoạt động nhưng yêu cầu cán bộ văn phòng, cơ quan hành chính nhà nước, doanh nghiệp có thể ứng dụng công nghệ thông tin làm việc tại nhà.
COVID-19: Việt Nam thông báo chữa khỏi 56 bệnh nhân,
các ca bệnh nặng có tiến triển
Tiểu ban điều trị cho các bệnh nhân nhiễm COVID-19 ở Việt Nam hôm 31 tháng 3 cho truyền thông trong nước biết tình trạng của 4 bệnh nhân nặng nhất đã có tiến triển trong đó 2 người đã có kết quả âm tính lần hai.
Đây là những bệnh nhân đang được điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
Truyền thông trong nước cho biết, liên tục những ngày qua, các bác sĩ của Bệnh viện cùng các chuyên gia đầu ngành trong Tổ chuyên gia của Bộ Y tế đã hội chẩn, nỗ lực chăm sóc và điều trị nên sức khoẻ của các bệnh nhân này đã tốt lên.
Tính đến chiều ngày 31/3, theo thông báo của Bộ Y tế, Việt Nam đã ghi nhận 207 ca nhiễm bệnh COVID-19. Trong số này, 56 ca bệnh đã khỏi và được xuất viện. 148 bệnh nhân còn lại đang được điều trị tại 22 cơ sở y tế. Đa số trong tình trạng sức khoẻ ổn định.
Ca nhiễm COVID-19 mới được thông báo vào sáng ngày 31/3 là một bé trai 10 tuổi ở TP Hồ Chí Minh về Việt Nam từ Cộng hoà Czech hôm 15/3 vừa qua và đã được cách ly tập trung.
Bộ Y tế cũng cho biết trong số 207 người nhiễm, 105 người đã có thời gian sống trong cộng đồng,
Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc hôm 31/3 đã ra chỉ thị mới, yêu cầu cách ly toàn xã hội 15 ngày, bắt đầu từ 0 giờ ngày 1/4/2020 trên phạm vi toàn quốc để khống chế dịch.
Virus corona:
Việt Nam vẫn nửa vời với lệnh cách ly xã hội?
Nguyễn GiangBBC News Tiếng Việt
Quan sát tình hình chống Covid-19 mấy ngày qua trên thế giới ta có thể thấy các nước đều phải điều chỉnh, thậm chí thay đổi mạnh chiến lược, chiến thuật của họ.
Mọi tự hào mang tính dân tộc, thể chế đều dần phải nhường chỗ cho nguyên tắc của ngành y là cứu người, bảo vệ sức khoẻ cộng đồng.
Ký họa từ khu cách ly của du học sinh Anh được 45.000 tương tác
Kêu gọi đổi khẩu trang N95 cho bác sỹ được nhiều hưởng ứng
Virus corona: người Mỹ, sự coi trọng tự do và dịch Covid-19
Tôi xin điểm qua vài ví dụ theo các báo Anh 48 giờ qua.
Tạm bỏ qua xung khắc ‘liên bang vs tiểu bang’ ở Hoa Kỳ thì các nước châu Âu đều đang thay đổi quyết liệt.
Chuyện phong tỏa ở Ý, Pháp, Tây Ban Nha, Đông Âu và Anh ai cũng đã biết.
Nhưng ở ‘tiền đồn’ của tư tưởng tự do cá nhân là Đức, Áo, Bắc Âu, tình hình cũng chuyển biến:
Đức từ chỗ rất tự tin vào chiến lược xét nghiệm ồ ạt và chỉ chặn giao thông quốc tế nhưng thả lỏng bên trong để bảo vệ kinh tế đã dần chuyển sang cách ly, phong tỏa từng phần (partial lockdown).
Văn hóa coi thường khẩu trang ở Đức cũng đã bớt bảo thủ sau khi Áo ra lệnh đeo khẩu trang ở siêu thị, bệnh viện.
Báo Đức đăng hình bà Angela Merkel đeo khẩu trang như tín hiệu ‘xe tăng Deutschland chuyển hướng tiến công’.
Thụy Điển từng rất thoải thái để dân đi lại vì tin vào ‘tính kỷ luật Scandinavia’ đã bị choáng với số tử vong là 105, tính đến 29/03.
Chính quyền phải cho đóng cầu Oresund nối với Đan Mạch, có lưu lượng 70 nghìn lượt người qua lại một ngày.
Chẳng cần bảo thì người dân cũng hạn chế đi lại: mạng xe điện ngầm Stockholm giảm 50%, theo phóng viên Maddy Savage viết cho BBC từ Thuỵ Điển.
Tuy thế, nước này vẫn chấp nhận hàng quán mở, chỉ hạn chế tụ tập quá 50 người, con số quá lớn so với lệnh cấm tụ tập quá 10 người ở nước láng giềng Đan Mạch.
Các biện pháp sẽ đều giống nhau
Tóm lại, như tôi đã viết trong một số bài về ở Anh những ngày sống với lệnh phong tỏa toàn quốc, các nước dù tự hào về thế mạnh công nghệ, văn hóa đến mấy cũng đều xích lại gần nhau trong việc chọn các bước đi chống dịch.
Riêng với Việt Nam, các nhà quan sát, như bác sĩ Phan Đình Hiệp từ Úc trả lời BBC hôm 30/03, bên cạnh việc ghi nhận thành công ban đầu của chính phủ Việt Nam, cũng khuyến nghị nước này không được chủ quan, và cần có biện pháp ngăn virus corona lây lan trong cộng đồng.
Trên thực tế, như một bài khác của TS Hoàng Xuân Phúc từ Anh viết cho chúng tôi đã hơn một tuần trước, chiến lược mạnh tay khoanh vùng nhiễm dịch, cách ly ngay các ca dương tính và hạn chế ‘cửa vào’ qua biên giới của chính phủ Việt Nam sẽ “kịch kim” về hiệu quả của nó.
Khi virus corona đã lan ra cộng đồng, điều không tránh khỏi với một nước 95 triệu dân, có biên giới dài với các quốc gia láng giềng đều có dịch, và có giao thông hàng không tấp nập với châu Âu, Bắc Mỹ – những vùng dịch mới, nghiêm trọng, thì ‘chặn, tìm và cách ly người dính virus’ sẽ không giúp Việt Nam cầm cự lâu.
Cách ly là cách ly thế nào?
Cuối cùng thì chính phủ Việt Nam đã thừa nhận tình trạng đó – không phải lỗi của riêng ai cả – dù vụ Bệnh viện Bạch Mai có thể là biểu hiện của lỗi hệ thống y tế – và ra các biện pháp mới nhất giống châu Âu là giãn cách, cách ly xã hội, tức social distancing và hạn chế giao thông nội địa.
Khi cả quốc gia gần 100 triệu người bước vào ‘partial lockdown’ thì nhiều vấn đề khác ngay lập tức nảy sinh.
Đầu tiên là tính xuyên suốt của lệnh cách ly, giãn cách giao tiếp.
Văn phòng chính phủ Việt Nam vừa ra lệnh đó, đồng thời có diễn giải khác lạ.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, ông Mai Tiến Dũng khẳng định: Việc thực hiện “cách ly xã hội” không phải là phong tỏa và cấm hoàn toàn người dân đi lại. Các cơ sở sản xuất tự quyết định việc hoạt động sản xuất và tự chịu trách nhiệm”, theo các báo Việt Nam hôm 31/03.
Ông Mai Tiến Dũng cũng có vẻ như đang gợi ý rằng “người đứng đầu doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chịu trách nhiệm áp dụng các biện pháp phòng chống dịch tại cơ sở của mình”
Cách hiểu về cách ly này hoàn toàn khác với những gì đang được áp dụng ở châu Âu.
Không rõ có phải chính phủ Việt Nam sợ tác động kinh tế xấu, hay sợ bị cho là nặng tay, mà có hướng dẫn nửa vời như vậy và thậm chí e ngại từ ‘phong tỏa’?
Trước đây, chính phủ VN không muốn dùng cụm từ “đóng cửa biên giới” để rồi phải xử lý hàng vạn lượt khách nhập cảnh và đến hôm nay thì cũng cấm các chuyến bay, ngưng nhập cảnh đường bộ từ Campuchia và Lào.
Ở các nền dân chủ như Anh, người ta đã bàn công khai về tính độc đoán của các lệnh chống dịch, hạn chế tự do cá nhân.
Nhưng với nguyên tắc ‘sức khỏe cộng đồng là trên hết’, chính phủ Boris Johnson sau giai đoạn có người nói là lung lay (wobbly) đã làm mạnh tay, rõ ràng và dứt khoát.
Ví dụ của chính ông ta bị dính virus do đi lại nhiều, bắt tay bắt chân thoải mái khiến nay Boris Johnson càng phải chứng tỏ là dứt khoát.
Khẩu hiệu cho toàn dân ‘Stay home’ – Ở nhà; ‘working from home -WFH’, làm việc từ nhà, phải ̣được tuân thủ toàn bộ.
Đã làm việc từ nhà thì không ai ra phố, đến cơ quan, công sở, doanh nghiệp trừ khi tính chất công việc khiến bạn không thể làm từ nhà.
Người dân như tôi chỉ được ra đường một lần một ngày để tập thể dục, mua thực phẩm.
Ở Anh cũng không thể có chuyện đặt gánh nặng quyết định lên đầu lên cổ chủ doanh nghiệp mà lệnh (instruction) của chính quyền được nhắc hàng ngày hàng giờ trên đài báo, mạng xã hội, có hiệu lực áp đảo (overrule) đối với các quyết định riêng lẻ.
Tiếp theo là chuyện chính phủ điện tử và làm việc qua mạng ở Việt Nam
Vì trình độ phát triển chưa bằng Tây Âu và Bắc Mỹ, Việt Nam sẽ gặp khó khăn trong cách áp dụng ‘làm việc từ nhà’.
Người ta sẽ ngạc nhiên nếu biết rằng không ít công chức, cơ sở kinh doanh công và tư không làm việc từ nhà được vì khó nối mạng, vì ‘chính phủ điện tử’ chưa thành hiện thực, nhất là với các tỉnh, huyện.
Một văn bản định hướng chiến lược của Bộ Thông tin Truyền thông Việt Nam đặt ra mục tiêu:
“Hoàn thành các mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển CPĐT giai đoạn 2019 – 2020, định hướng đến 2025, đặc biệt đối với các mục tiêu bảo đảm an toàn, an ninh mạng, kết nối, chia sẻ dữ liệu và dịch vụ công cấp độ 4.
“Phấn đấu đạt tỷ lệ 100% các Bộ, ngành, địa phương có nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu cấp bộ, cấp tỉnh LGSP; 100% cơ quan nhà nước công khai mức độ hài lòng của người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến; Đạt tỷ lệ 30% dịch vụ hành chính công trực tuyến cấp độ 4.”
Như thế, con virus corona này đã không đợi đến 2025 để tấn công vào chiến lược số hóa, niềm tự hào của nhiều quan chức ở Việt Nam.
Nếu như thông tin tôi có được không có gì thiếu sót và giả sử một số vùng của Việt Nam đã đạt tỷ lệ dịch vụ hành chính công trực tuyến 30% trước hạn 2025, thì còn 70% vẫn đang ‘ngoài vùng phủ sóng’.
Một người bạn tôi ở Hải Phòng nói đùa chua chát trên mạng: “Thôi nghỉ luôn cũng không sao nhiều cơ quan lâu nay đã lười tiếp dân rồi, chờ tiếp trên mạng có mà đến Tết sang năm.”
Bỏ sang một bên những chỉ trích, đàm tiếu không tránh khỏi khi người dân thừa thời gian vì ngồi nhà mùa dịch, điều trước mắt có thể làm được là chính phủ Việt Nam giảm giá dịch vụ số liệu điện thoại, Internet.
Ở Anh, ngày hôm qua Bộ trưởng Công nghệ số Oliver Dowden ra lệnh ngay lập tức (with immediate effect), bắt cả năm đại gia viễn thông BT, Virgin Media, Sky, Talktalk và O2 tăng băng tần, đẩy tốc độ truyền data để ngành y tế, các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và sinh hoạt của dân, gồm cả việc học trực tuyến từ nhà của học sinh, sinh viên, không bị “nghẽn mạch”.
Các công ty này cũng bị buộc phải chịu thiệt về tài chính và không được tăng giá theo các gói dịch vụ khác nhau, từ standard tới premium như trước với người dân Anh.
Vì xã hội nối mạng thế hệ mới không phải là chuyện gửi qua gửi lại công văn viết dạng PDF mà là đảm bảo số liệu y tế, dữ liệu thống kê dịch bệnh, xử lý thông tin quân sự khi quân đội vào cuộc chống dịch.
Tóm lại, đường truyền phải đủ, đều và nhiều, giá cả không thay đổi, làm trái bị cho là “vi phạm lệnh cứu mạng người” – saving life.
Trong lúc chờ ‘chính phủ điện tử’, quyết định tương tự ở Việt Nam sẽ ngay lập tức giúp cho người dân và doanh nghiệp phải làm việc từ nhà và qua mạng,một cách thiết thực mà cũng không gây khó khăn nhiều cho các công ty viễn thông vốn được ưu ái lâu nay.
Quá tự tin vào khẩu trang?
Cuối cùng, so sánh tình hình châu Âu và Việt Nam tôi có cảm giác việc cách ly, giãn cách giao tiếp sẽ buộc người Việt Nam thay đổi toàn bộ tư duy vốn quá tự tin vào khẩu trang và chặn biên giới mà khá coi thường việc tụ tập đông người.
Hôm 26/03, khi nhiều nước châu Âu đã ra lệnh Ở nhà và giãn cách xã hội, bạn tôi, anh Lê Trung Tĩnh tại Anh có viết trên Facebook:
“Nghe nói ở Việt Nam vẫn còn có thể tụ tập dưới 30 người ở nhà hàng hay tập thể dục…Với trải nghiệm hiện giờ ở Châu Âu đang PHẢI ở nhà hoàn toàn, tôi thật sự khuyên ở Việt Nam nếu không thật sự cần thiết (tức thiết yếu cho sống còn như mua đồ ăn và thuốc) thì mọi người NÊN Ở NHÀ. Tình hình diễn biến rất rất nhanh. Nếu ở Việt Nam đang giữ được ở mức thấp thì cố gắng tiếp tục như vậy. Dầu biết không tụ tập sẽ ảnh hưởng kinh tế nhưng còn đỡ hơn vài bữa nữa có thể cả nước sẽ không ai ra khỏi nhà. Con virus này nó lây lan khủng khiếp.”
Cho đến nhiều ngày sau đó, hình ảnh báo chí, mạng xã hội từ Việt Nam vẫn cho thấy người dân, cán bộ Đảng cộng sản, chính quyền họp hành, giao tiếp khá đông (ở Anh nay ‘đông người là trên hai người), và ở cự ly khá gần.
Ảnh chụp các khu cách ly tập trung vẫn thấy có nhiều nhóm tập thể thao cùng nhau ở các môn đồng đội như đá bóng.
Trong khu cách ly mà nằm sát giường nhau, hoặc giường tầng thì làm gì đạt khoảng cách ‘social distancing’ 2 mét?
Ai cũng biết đeo khẩu trang và rửa tay giúp giảm lây lan chứ không đảm bảo 100% bạn không dính virus.
Bạn còn dùng phương tiện công cộng, còn tới hàng quán, công sở thì nguy cơ lây nhiễm còn cao.
Các cơ quan, văn phòng nhiều người dùng chung toilet, phòng họp, canteen cũng là môi trường lỵ́ tưởng cho virus corona lây lan.
Cũng tại Anh, người ta hướng dẫn rõ là “thức ăn nóng’ có độ lây nhiễm thấp, nhưng ‘người nấu nướng, bưng bê, phục vụ’ (food handlers) là nhóm ‘gây lây nhiễm rất cao’.
Vụ Bệnh viện Bạch Mai và công ty cung cấp nước sôi Trường Sinh là một bằng chứng cho thấy chuyện đó cũng hoàn toàn đúng ở Việt Nam.
Câu chuyện ở bệnh viện này cũng làm bộc lộ sự nghèo khó của đất nước.
Y tế VN có tiếng là của công nhưng dịch vụ chăm sóc bệnh nhân, gồm cả ăn uống, vệ sinh từ lâu đã phải do gia đình chăm lo, khiến con số người vào bệnh viện đông gấp nhiều lần ở các nước khác.
Tại Anh tôi chưa bao giờ thấy người nhà bệnh nhân được mang thức ăn vào cho họ và giờ thăm cũng rất hạn chế, vì trên nguyên tắc môi trường bệnh viện là chỗ người không phải bác sĩ và bệnh nhân không nên có mặt.
Thông tin mới nhất về lệnh cách ly vừa được các báo Việt Nam đăng tải cho thấy yêu cầu, tiêu chuẩn như ở châu Âu đang được đưa vào áp dụng, như ‘không tụ tập quá hai người, giữ khoảng cách 2 mét’.
Đây là điều đáng mừng nhưng việc chấp hành sẽ còn là chuyện phải chờ xem.
Cuối cùng lại là vấn đề tự cách ly
Con số người có triệ́u chứng của Covid-19 tại Anh ngày càng tăng, và tôi lo ngại rằng ở Việt Nam sẽ cũng như vậy.
Chính phủ Việt Nam cần ra hướng dẫn rất cụ thể nếu tự cách ly thì bạn phải làm gì, chứ không thể chỉ tin là người dân “tự giác”.
Xin ghi lại ở đây hướng dẫn của Hệ thống Y tế Anh -NHS về cách tự cách ly để tham khảo.
Theo đó, người dân Anh cần tự cách ly khi bạn:
Đang chờ kết quả xét nghiệm virus corona
Có tiếp xúc gần gũi với người được xác nhận là đã nhiễm virus corona
Vừa trở về từ những nơi nhiễm virus
Có những biểu hiện nhiễm bệnh, như ho liên tục hoặc sốt từ 37 độ 8 trở lên
Tiếp xúc gần được định nghĩa đơn giản là bạn ở gần người đã nhiễm virus trong thời gian 15 phút, với cự ly 2 mét trở lại, hoặc đối diện với người đó.
Cách ly tại nhà là ở nhà trong 14 ngày, tốt nhất là trong phòng riêng.
Thời gian cách ly có thể chỉ cần 7 ngày nếu có các biểu hiện nhiễm bệnh nhẹ.
Cách ly có nghĩa là bạn không đi làm, đi học, hay tới các địa điểm công cộng khác, và tránh dùng giao thông công cộng hoặc xe taxi.
Bạn cũng phải ở phòng riêng, tách khỏi các thành viên khác trong gia đình, cố gắng dùng nhà tắm, nhà vệ sinh vào các giờ khác họ.
Những điều này sẽ khó khăn trong thực hiện với điều kiện nhà ở tại Việt Nam, nhất là với người nghèo, nhưng người ta sẽ không có cách nào khác là cố gắng chấp hành tối đa để bảo vệ mình và bảo vệ sức khoẻ cộng đồng nói chung.
Tóm lại, trong khi các nước châu Âu đang tiến dần lại cách làm của châu Á về khẩu trang thì Việt Nam cũng đang sắp giống châu Âu với lệnh cách ly, thậm chí sẽ cần phải phong tỏa đô thị.
Nhu cầu chống nguy cơ chung, mang tính toàn cầu của virus corona đang khiến ở Việt Nam có giảm đi niềm tự hào về thành tích ban đầu để cùng nhịp với các quốc gia trên thế giới trong công tác bảo vệ sức khoẻ của cộng đồng.
Tôi sẽ không lạ nếu Việt Nam sẽ tới lúc ghi nhận có ca tử vong vì Covid-19, một chuyện đau lòng không ai muốn nhưng nếu xảy ra cũng là ‘new normal’ (mới mà thành bình thường).
Vì như Giáo hoàng Francis nói trong buổi cầu nguyện một mình ngoài trời hôm trước ở Vatican, “chúng ta đều cùng ở trong một con thuyền đang qua cơn bão dịch bệnh”.
https://www.bbc.com/vietnamese/forum-52107228
GS Trần Văn Thọ:
Tin ‘tặng 2.000 máy thở’ là không chính xác
Giáo sư Trần Văn Thọ hiện sống và làm việc ở Nhật Bản khẳng định với VOA hôm 31/3 rằng một số cơ quan báo chí Việt Nam tường thuật “không chính xác” hôm 30/3 về một đề án trong đó ông cùng người bạn là Giám đốc công ty Metran giúp Việt Nam sản xuất máy thở.
Theo quan sát của VOA, trang web của đài Truyền hình Việt Nam (VTV) đăng tin lúc 5h kém 15 chiều ngày 30/3 nói Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu trong một cuộc họp của chính phủ về phòng chống dịch Covid-19 rằng hai giáo sư người Việt ở Nhật Bản, Trần Văn Thọ và Trần Ngọc Phúc, “đã tuyên bố sẽ tặng Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh 2.000 chiếc máy trợ thở”.
Vẫn bản tin của VTV viết tiếp rằng hai giáo sư “sẵn sàng hợp tác với các đối tác trong nước sản xuất máy trợ thở”. Nội dung tin này cũng được VTV phát trên sóng truyền hình vào tối 30/3.
VOA quan sát thấy vào khoảng 9h tối cùng ngày, hàng loạt trang tin chính thống và diễn đàn mạng xã hội cùng loan tải, chia sẻ tin này, trong đó có VTC News, VietnamBiz, VietnamFinance, Phụ Nữ Online, Sức Khỏe Cộng Đồng, Biendongvn.net, Voz, Otofun, Linkhay, v.v…
Ít lâu sau khi tin tức này xuất hiện, một số người sử dụng mạng xã hội tỏ ý nghi ngờ về các chi tiết trong bản tin.
Họ cho rằng máy trợ thở là loại thiết bị đắt tiền, trong khi hai giáo sư “không phải là doanh nhân hoặc tỉ phú”, nên có thể là hai nhà trí thức giúp Việt Nam theo hình thức khác, không phải là “tặng” hàng nghìn máy thở.
Để kiểm chứng thông tin về vấn đề này, VOA liên lạc qua email với Giáo sư Trần Văn Thọ, chuyên ngành kinh tế tại Đại học Waseda, Tokyo, vào sáng 31/3, giờ Nhật Bản.
Giáo sư Thọ, người cũng là thành viên Tổ Tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Việt Nam, khẳng định trong email hồi âm cho VOA rằng “mới đây một số cơ quan truyền thông có thông tin không chính xác” về việc ông và đồng nghiệp tại Nhật tài trợ máy trợ thở.
Ông cho VOA biết rằng trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, từ Nhật Bản, ông lo lắng cho quê nhà và tư vấn với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là chính phủ cần “chuẩn bị cho sản xuất ngay một số lượng máy trợ thở cần thiết, bổ sung cho số thiếu hụt hiện tại và sản xuất một số lượng dự phòng”.
Trong vài tuần gần đây, số ca nhiễm Covid-19 ở Việt Nam đã tăng nhanh lên hơn 200 người. Các quan chức y tế Việt Nam được báo chí trong nước dẫn lời cho hay các bệnh viện cả nước có tổng cộng khoảng 4.000 máy thở, riêng Hà Nội có 260 máy.
Những người am hiểu về y tế nhận định nếu lượng bệnh nhân còn tiếp tục tăng, cộng với các những người khác cũng cần điều trị bệnh đường hô hấp lên đến hàng nghìn người, Việt Nam sẽ gặp khó khăn về máy thở.
Theo tính toán riêng của Giáo sư Thọ và Giám đốc Metran Trần Ngọc Phúc, Việt Nam trước mắt cần sản xuất 2.000 chiếc máy trợ thở, và trong vòng 3 tháng sau đó, cần tăng lên 10.000 chiếc.
Nếu thực hiện được, việc sản xuất không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước, mà còn có thể phát triển thành công nghiệp xuất khẩu máy y tế, vì “trên thế giới nước nào cũng thiếu loại máy này”, Giáo sư Thọ viết trong email trả lời VOA.
Ông cho biết thêm ông đã bàn về tính khả thi của đề án này với Giáo sư Trần Ngọc Phúc, một cựu du học sinh tại Nhật và là người sáng lập công ty Metran chuyên sản xuất máy trợ thở.
“Rất may là Metran vừa phát minh một loại máy trợ thở nhỏ, dễ thao tác và giá thành thấp. Mừng là anh Trần Ngọc Phúc đồng ý chuyển giao công nghệ này về Việt Nam”, Giáo sư Thọ nói.
Với các thông tin tốt lành này, Giáo sư Thọ gửi thư cho Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hôm 28/3, và hôm sau Thủ tướng Phúc liên lạc qua điện thoại với Giáo sư Thọ ở Nhật Bản để báo rằng người đứng đầu chính phủ Việt Nam “rất tán thành” đề án này và đề nghị “giúp triển khai ngay”, Giáo sư Thọ cho VOA biết.
Vẫn theo ông Thọ, trong phiên họp Thường trực Chính phủ về công tác chống dịch Covid 19 chiều ngày 30/3, Thủ tướng Phúc giao đề án cho một thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ phụ trách làm đầu mối, và Công ty Metran sẽ cùng với phía Việt Nam “triển khai sản xuất ngay” trong tháng 4 sắp tới.
Trong trao đổi quaemail với VOA, Giáo sư Trần Văn Thọ khẳng định ông cùng với Giáo sư Trần Ngọc Phúc giúp “chuyển giao công nghệ” máy trợ thở cho Việt Nam để chống dịch Covid-19, còn tin tức nói hai giáo sư “tặng” 2.000 chiếc máy là “không chính xác”.
Ở thời điểm sáng 31/3, giờ Việt Nam, VOA quan sát thấy nhiều người sử dụng mạng xã hội ở trong nước ca ngợi việc hai giáo sư Việt kiều ở Nhật Bản giúp chuyển giao công nghệ về máy thở là “nghĩa cử cao đẹp và gây xúc động”.
Virus corona: Nhiều người VN
hưởng ứng kêu gọi đổi khẩu trang N95 cho bác sỹ
Mỹ HằngBBC News Tiếng Việt
Lời kêu gọi mới đây của một nhóm cựu sinh viên Đại học Y Hà Nội trên mạng xã hội đã thu hút sự ủng hộ của cộng đồng: “Đổi khẩu trang N95 cho bác sỹ ở tuyến đầu điều trị cho bệnh nhân Covid-19 để lấy khẩu trang thường.”
Nói với BBC News Tiếng Việt về lý do ra đời dự án này, bác sỹ Vũ Công Nguyên, trưởng nhóm ‘Đồng hành cùng chiến sĩ áo trắng trên tuyến đầu’ ở Hà Nội, cho hay:
“Với các nhân viên y tế trực tiếp khám chữa cho bệnh nhân Covid-19, họ phải hít thở trong môi trường đầy virus corona, thì khẩu trang N95 là một tấm khiên chắn virus khá hữu hiệu, giảm thiểu rủi ro mức độ lây nhiễm. Do đó nhóm chúng tôi muốn đóng góp khẩu trang N95, bên cạnh các trang thiết bị bảo hộ khác, cho các đồng nghiệp đang chiến đấu với Covid-19.”
Virus corona: ‘Tôi hồi phục sau khi tự cách ly điều trị ở nhà’
Hành trình vào tâm dịch và chuyện tình xuyên biên giới
Virus corona: ‘VN chưa nên cho điều trị tại nhà lúc này, nhưng cần tính đến’
“Tuy nhiên khẩu trang N95 đã biến mất khỏi thị trường. Chúng tôi đã tìm rất vất vả, phải sử dụng tất cả các mối quan hệ để tìm mua. Nhưng rốt cuộc vừa qua cũng chỉ mua được tổng cộng 640 cái khẩu trang N95.”
“Với số lượng này, một bệnh viện dùng dè xẻn thì chỉ được một tuần. Do đó chúng tôi phát đi lời kêu gọi trên Facebook để mọi người dân cùng biết và tham gia ủng hộ, đổi khẩu trang N95, hoặc P2 mà họ có cho bác sỹ, đổi lại họ sẽ nhận khẩu trang loại thường, nhưng vẫn đảm bảo tiêu chuẩn kháng khuẩn trong điều kiện thường.”
“Môi trường bình thường gần như không có hoặc có rất ít virus corona, do đó người dân có thể chỉ cần sử dụng khẩu trang vải, vừa bảo vệ môi trường, vừa có thể giặt đi tái sử dụng lại. Trong khi đó khẩu trang N95 hay P2 có tác dụng ngăn virus, cũng có thể dùng một lần trong môi trường bệnh viện, do đó rất thiếu,” bác sỹ Vũ Công Nguyên nói thêm.
“Lời kêu gọi của chúng tôi là nếu ban chưa mua thì đừng mua khẩu trang N95 hoặc P2. Nếu mua rồi và vẫn còn chưa sử dụng, còn nguyên trong hộp, trong bọc nilon của nhà sản xuất, thì hãy liên hệ với chúng tôi,” bác sỹ Nguyên nhấn mạnh.
Nhiều người hưởng ứng
Sau khi lời kêu gọi được Nhóm Đồng hành cùng bác sỹ áo trắng phát đi trên Facebook, chỉ sau vài ngày đã có nhiều người gửi khẩu trang N95 cho nhóm.
Ông Phạm Vũ Thiên, một thành viên của nhóm, cho hay ban đầu người đóng góp khẩu trang N95 chủ yếu là bạn bè trong giới bác sỹ, người thân, nhưng sau đó nhiều người dân bắt đầu hưởng ứng.
Tính đến giờ, sau một tuần kêu gọi, nhóm đã gom được hơn 1.000 khẩu trang N95 đạt chuẩn. 400 trong số đó đã được nhóm chuyển tới Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội – nơi đang gồng mình chống dịch lây lan ngay trong bệnh viện. Số còn lại sẽ được chuyển tới cho Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở II – nơi đang điều trị cho bệnh nhân Covid-19.
“Một khẩu trang N95 đủ chuẩn sẽ được đổi hai khẩu trang vải công nghệ Nhật đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng,” bác sỹ Nguyên cho biết.
“Bác sỹ tuyến đầu không đơn độc”
Theo các bác sỹ trong nhóm, ngày càng có nhiều người liên lạc để gửi tặng khẩu trang N95, cho thấy họ rất ủng hộ ngành y trong phòng chống dịch.
Dù vậy, vẫn có nhiều khẩu trang không đủ chất lượng được mang đến nên nhóm bác sỹ đã phải từ chối.
“Nhiều người không biết rõ về chất lượng loại khẩu trang họ có. Vì đa số các thông tin được ghi bằng tiếng Anh và các số hoặc mã, phải là người có chuyên môn mới biết được.”
“Về qui chuẩn, tiêu chuẩn US, EU, Au và Quốc tế thông số là khác nhau nhưng chất lượng thì giống nhau. Ví dụ khẩu trang N95 là tiêu chuẩn Mỹ; EU là FFP2; Úc là P2. Khẩu trang N95 có thêm than hoạt tính là RN95,” bác sỹ Vũ Công Nguyên giải thích.
Lan tỏa tới TP Hồ Chí Minh
Dự án kêu gọi đổi khẩu trang N95 cho bác sỹ cũng bắt đầu lan tỏa tới TP Hồ Chí Minh.
Trao đổi với BBC News Tiếng Việt, bác sỹ Lê Xuân Hiệp ở TP Hồ Chí Minh cho biết:
“Hiện tại chúng tôi đang bắt tay vào vận động bạn bè, người thân, và kêu gọi trên Facebook để người dân tại đây biết về dự án.”
“Do mới khởi động được ít ngày nên thu gom chưa được là bao. Ngày đầu ra quân chỉ thu được 11 cái khẩu trang N95 đủ tiêu chuẩn thôi. Nhưng chúng tôi sẽ tiếp tục kêu gọi.”
“Cần chung tay bảo vệ nhân viên y tế. Hàng ngàn nhân viên y tế trên thế giới đã tử vong dù nhiều nước hệ thống y tế của họ có thể hiện đại hơn mình. Trong khi nhân viên y tế Việt Nam mới thực sự bước vào trận chiến, một nhân viên y tế bị bệnh sẽ ảnh hưởng lớn đến cơ họi cứu sống người bệnh. Rảnh thì góp sức, cần công thì bỏ công, là thông điệp tôi muốn gửi tới cộng đồng,” bác sỹ Lê Xuân Hiệp nói với BBC.
“Là bác sỹ phẫu thuật, tôi đứng tám tiếng một ngày không ăn uống là chuyện bình thường. Nhưng các y bác sỹ điều trị cho bệnh nhân Covid-19 có thể còn phải làm tới 12 tiếng, trong bộ đồ bảo hộ nóng bức, ngột ngạt trong môi trường nguy hiểm. Những việc làm hiện nay của nhóm cũng như cộng đồng chỉ để nói lên một điều rằng các bác sỹ tuyến đầu không lẻ loi mà cộng đồng sẽ luôn đồng hành cùng họ,” bác sỹ Hiệp nói.
“Đồng hành cùng bác sỹ tuyến đầu chống Covid-19”
Dự án đổi khẩu trang N95 cho bác sỹ chỉ là một phần nhỏ trong các hoạt động của nhóm “Đồng hành cùng chiến sỹ áo trắng trên tuyến đầu chống dịch Covid-19.”
Hiện nhóm đã kêu gọi được đóng góp từ rất nhiều nguồn để mua các trang thiết bị khám chữa bệnh và bảo hộ tặng các bệnh viện.
Hoạt động của nhóm hiện đang rất sôi nổi trên Facebook, thu hút nhiều người dân tham gia.
Mới đây, một người tên Tuan Anh Nham nhắn: “Hiện bệnh viện St Paul đang thiếu khẩu trang KN95, mong nhóm giúp đỡ.” Một người khác tên Nguyễn Thu Trang nhắn: “Em nhờ mua từ Trung Quốc nhưng mỗi lần cũng chỉ được 10 cái thôi.”
Nickname Thơm Lê nhắn: “Bệnh viện Đa khoa Thanh Oai, Hà Nội, nhân viên đang thiếu khẩu trang y tế, mọi người hiện đều phải dùng khẩu trang vải. Chiều nay đã có thêm 13 ca Covid F1 chuyển về…”
Nguyễn Quang Hòa: “Hiện tại hầu hết bệnh viện đều thiếu khẩu trang y tế ở các mức độ khác nhau.”
Nick Hồng Vân hỏi: “Mình có ba chiếc thôi, được không bạn?” Bác sỹ Hoàng Tú Anh, một thành viên của nhóm, trả lời: “Nếu đúng chủng loại và còn nguyên trong bao bì, mấy chiếc cũng quý các bạn nhé!”
Nhiều người chụp ảnh hộp khẩu trang mình có để nhờ bác sỹ tư vấn xem có đúng chủng loại hay không.
Ngoài thông tin về khẩu trang, mọi người cũng quyên góp tiền giúp các nhân viên y tế Bạch Mai chống dịch và đóng góp các sáng kiến chống dịch khác.
Chẳng hạn Nickname Hien Xuan Hoang chia sẻ sáng kiến dùng bộ chia để một máy thở có thể dùng cho nhiều bệnh nhân cùng lúc.
Ông Phạm Vũ Thiên nói với BBC cho rằng, dù số lượng khẩu trang và các đóng góp hiện nay là bao nhiêu có lẽ cũng không thấm là bao với nhu cầu hiện nay của ngành y tế, nhưng điều này thể hiện người dân cả nước quyết tâm đồng hành cùng các bác sỹ chống dịch.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-52102741
Virus corona: Người Việt ở Đức may khẩu trang
tặng bệnh viên, cảnh sát vì ‘mốt đã đổi’
Kiều Thị An GiangViết từ Berlin
Cộng đồng mạng mùa virus corona hẳn chưa quên chuyện thiếu nữ người Hàn Quốc bị đấm đến trật khớp hàm ở Manhattan – Mỹ, chỉ vì là người châu Á “mà dám không đeo khẩu trang”, hay ngược lại, một nữ sinh gốc Việt khác ở California bị kỳ thị và sỉ nhục chỉ vì dám đeo khẩu trang.
Virus corona: Thế giới khủng hoảng, cứu trợ tiền bạc bao nhiêu mới đủ?
Covid-19 lan rộng: Việt Nam ‘chưa điều chỉnh’ tăng trưởng kinh tế
Cho đến nay, đeo hay không đeo khẩu trang vẫn còn chưa ngã ngũ. Nếu ở Việt Nam, Hàn Quốc, Hong Kong và các nước châu Á nói chung, và mới đây là Áo, coi khẩu trang là bắt buộc ở chốn công cộng thì tại Đức, vẫn là một vấn đề hết sức tế nhị và khá dè dặt.
Đeo khẩu trang đầu tiên là văn hóa, là đặc sản từ châu Á.
Ở Việt Nam chẳng hạn, do ô nhiễm cực khủng, nên hầu như không ai ra đường mà không có khẩu trang. Khẩu trang là miếng vải để che bụi, cái lá chắn cuối cùng bảo vệ chính mình. Nên không ngạc nhiên khi vào mùa virus corona, đất nước này đã mau chóng coi khẩu trang là vũ khí tối thượng để chống lại con virus bên cạnh phương án truy lùng và cách ly cực kỳ quyết liệt.
Bất chấp sự nghi ngờ về những con số, châu Âu phải thừa nhận rằng Việt Nam chống dịch thành công trong hoàn cảnh rất eo hẹp về kinh tế và khiêm tốn về y tế.
Trong đó, không thể không nhắc đến công lao của miếng khẩu trang, mà ngay từ đầu, y giới Phương Tây ra rả tuyên truyền là không có tác dụng tiệu diệt virus corona.
Tôi thấy đó là những khẩu trang tự chế, nói thẳng ra là tự may, màu sắc sặc sỡ, hoặc sang hơn, là những khẩu trang nhập khẩu từ nước bạn láng giềng, loại phẫu thuật, dùng một lần rồi bỏ. Khẩu trang than hoạt tính, N95… ít thấy hơn. Thật khó mà hình dung một Hà Nội không khẩu trang, không áo chống nắng, nhìn ai nấy đều trùi trũi unisex như ninja. Hà Nội là một minh chứng cho khẩu trang thời corona: có còn hơn không.
Từ nhởn nhơ đến ngậm ngùi
Người châu Á khóc thét nhìn dân phương Tây mồm trần mắt trụi đi lại nghênh ngang ngoài đường.
Không khí trong lành, ít ô nhiễm, khiến dân tây không thèm đến khẩu trang, thứ rọ mõm bịt miệng của người Á quanh năm ép mồm khâu miệng. Trong khi Vũ Hán hàn kín nhà dân và sập cửa biên giới, giam cả chục triệu người trong nhà chỉ sau một đêm, thì phương Tây vẫn nhởn nhơ.
Hết Pháp đến Đức gom nào khẩu trang nào quần áo bảo hộ, hết chuyến bay này đến chuyến bay khác, vừa đón đám công dân mải chơi, vừa để tặng cả triệu món quà vô giá cho Bắc Kinh như một quan sát viên hào phóng, mà không biết, cái chết xám đang đến gần như một cơn lốc.
Đến khi phương Tây kịp hiểu chuyện thì đã muộn. Khẩu trang, nước sát trùng trở thành của gia bảo, là thứ bị mất cắp nhiều nhất ở bệnh viện, thành món hàng phải có cảnh sát hộ tống và thậm chí mất cắp ngay ở cảng hàng không và đường biên giới trước khi kịp đến Đức.
Vũ Hán chưa hoàn hồn nạn dịch khủng khiếp, Bắc Kinh đã dùng ngay khẩu trang như một món quà lại quả với những quốc gia ăn ở “biết điều”, lờ tịt đi hàng trăm ngàn bộ bảo hộ y tế và hàng chục triệu khẩu trang từ tấm lòng nước Đức và các quốc gia khác.
Nếu Ý, Tây Ban Nha và Hà Lan phải ngậm ngùi trả lại quả đắng là những lô hàng lởm của ông bạn vàng quý hóa, thì đáp lại, Đức đã từ chối sự “giúp đỡ” kẻ cả đến từ quê hương của con virus Vũ Hán.
Khẩu trang có thể là quà tặng, nhưng không thể là sự ban ơn, từ một quốc gia vô ơn. Đức đã sút một quả tung lưới, trong sự ngạo nghễ đầy tự trọng.
Cũng như giám đốc WHO cho đến nay không khuyến khích những người chưa bị nhiễm virus corona đeo khẩu trang thì Đức, lúng túng trước tình trạng thiếu hụt khẩu trang nghiêm trọng, tỏ ra khá trung thành với tiêu chí: khấu trang chỉ dùng cho người bệnh và y giới.
Nhưng thấy vậy mà không phải vậy.
Cách đây mới độ chục ngày thôi, tôi thấy trên đường phố còn thấy rất ít người đeo khẩu trang, thì bây giờ, điều ấy đã thay đổi.
Không ai còn chằm chằm đầy ngờ vực nhìn một nhân vật đeo rọ mõm xuất hiện trên đường nữa. Có lẽ bây giờ là cái nhìn thán phục: À, không biết nó mua được khẩu trang ở đâu mà xịn thế nhỉ. Hay ít ra, cũng là để khen thầm một sự dũng cảm. Kỳ thị người đeo khẩu trang y như họ là một con virut di động đã trở nên lỗi thời.
Đã đến lúc, khẩu trang như một tuyên ngôn của bản lĩnh thời corona: Nhà có điều kiện, tiện thì dùng, đi lung tung không lo lây nhiễm!
Như để giáng thêm một đòn cuối cùng vào sự bảo thủ lỳ lợm, thủ tướng Áo hôm nay đã ra lệnh buộc người dân Áo phải đeo khẩu trang khi đi siêu thị hoặc những chỗ đông người. Và để đáp lời, thành phố Jena, bang Thüringen, Đức, cũng bắt đầu ra luật khẩu trang.
Tất cả mọi thứ che miệng đều được coi là khẩu trang, thậm chí là khăn quàng cổ, hay cổ áo khoác kéo lên. Sự “dễ tính” của khẩu trang, hay sự xuống cấp của các quy tắc? Không, đó là một thay đổi vĩ đại của nhận thức! Cuộc cách mạng khẩu trang!
Trong khi chính phủ vẫn coi khẩu trang là chuyện riêng của mỗi cá nhân, ông nhà nước cũng chịu móc hầu bao xuất trong kho dự trữ ra 20 triệu chiếc nhỏ giọt cho những đơn vị đang thoi thóp cần. Nghe đâu, hãng xe BMW danh tiếng và Mercedez của Đức bắt đầu sản xuất… khẩu trang, cũng như các tập đoàn Channel, Dior…Pháp xa xỉ và kiêu hãnh chuyển hướng sang làm nước rửa tay vậy.
Con virus nhỏ xíu đã làm ‘điều kỳ diệu’
Như vậy, có thể dự đoán, không xa nữa, đeo khẩu trang có thể là điều bắt buộc ở Đức, xóa bỏ vĩnh viễn một thời kỳ tự do thả rông mồm miệng. Con virus bé nhỏ đã làm được những điều tưởng chừng không bao giờ có thể xảy ra, ở Đức.
Bà con Việt Nam ta, một thời oanh liệt với máy khâu 7 tác dụng bắt số đo may quần bò phục vụ cả 5 bang Đông Đức, giờ lại lôi đồ nghề ra quất khẩu trang. Nhà nhà may, người người may, ríu rít như hội, làm ấm cả một tháng Ba đầy bão táp.
May để tặng dân Đức, thậm chí cả bệnh viện cảnh sát… Nghe đâu phong trào này bắt nguồn từ bên Tiệp thì phải. Dân ta giỏi thật. Buông tay này đếm tiền là tay khác hối hả làm từ thiện, đồng cam cộng khổ. Dân Đức từng có quan niệm, cứ người Việt Nam là biết may.
Nay họ sẽ có dịp ôn lại, mỗi khi nhớ về hôm nay, từng chiếc khẩu trang xanh đỏ tìm vàng và cả kẻ caro, của những đôi tay hôm qua vừa xào mỳ, giũa móng, bó hoa…
Yêu lắm, khẩu trang. Chiếc “rọ mõm” bé nhỏ xinh xinh mà đằng sau đó là cả một câu chuyện, lịch sử và những thăng trầm. Chúng ta sẽ “sống để kể lại” câu chuyện này, cho con cháu mai này.
Ngày xửa ngày xưa, vào năm 2020 sau công nguyên, loài người đột nhiên bị một con virus có tên là Vũ Hán tấn công, 2% dân số bị tiêu diệt. Đó là những người quá già yếu, và cả một số người trẻ phải chết đi để cảnh tỉnh loài người, cùng…những kẻ ra đường không có khẩu trang.
Bản gốc của bài đã đăng trên Facebook cá nhân của tác giả, hiện sống ở Berlin, Đức.
https://www.bbc.com/vietnamese/forum-52104934
Du học sinh Mỹ từ khu cách ly: “Chúng tôi trở về
không phải là gánh nặng cho đất nước”
Cao Nguyên
H.T – một du học sinh từ Mỹ trở về hiện đang thực hiện cách ly tập trung tại Ký túc xá (KTX), Đại học Quốc Gia TP.HCM, nói rằng anh đã và vẫn sẵn sàng góp tiền cho Nhà nước chống dịch COVID-19, nhưng anh cũng không đồng ý với quan điểm rằng “Du học sinh trở về tránh dịch là gánh nặng cho đất nước”.
Vừa trở về nước được gần một tuần, H.T chia sẻ vớ RFA những cảm nhận của anh từ khu cách ly tập trung, cũng như quan điểm của mình về những tranh cãi xung quanh vấn đề “về nước tránh dịch và cách ly tập trung”.
Về nguyên do trở về, H.T nói anh đã kế hoạch cho việc này từ lâu:
“Vì mình đã có sẵn kế hoạch để trở về với gia đình và kế hoạch công việc riêng nên dù thế nào mình cũng sẽ về. Nhưng mình thay đổi kế hoạch về sớm hơn vì trường mình chuyển sang học online đến hết học kỳ và kí túc xá đóng cửa. Nên mình quyết định về với gia đình.”
Anh cũng biết trước quy định phải cách ly tập trung bắt buộc đối với tất cả hành khách nhập cảnh vào Việt Nam, nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh COVID-19, nên đã chuẩn bị tinh thần để thực hiện cách ly một cách nghiêm túc vì sức khoẻ của bản thân và cộng đồng:
“Mình đã có biết trước và mình nghiêm túc chấp hành thôi ạ. Vì mình biết cách ly nghiêm túc đảm bảo cả sức khoẻ của bản thân cũng như trách nhiệm sức khoẻ với cộng đồng.
Cái mình quan tâm nhiều nhất là sức khoẻ thôi còn quá trình di chuyển về mình chuẩn bị khá kỹ, cứ sau mỗi chuyến bay mình lại vệ sinh tay và thay áo quần cũng như đồ bảo hộ để giảm thiểu rủi ro lây chéo cho/từ những người đi cùng chuyến bay với mình khi trở về Việt Nam.”
Du học sinh về nước không phải là “gánh nặng”
Kể từ đầu tháng Ba, có hàng chục ngàn người Việt Nam trở về nước để tránh dịch bệnh, bao gồm cả kiều bào, du học sinh và lao động ở nước ngoài. Nhiều người trong số này đã nhiễm bệnh từ trước khi về, làm cho số ca nhiễm ở Việt Nam tăng nhanh trong thời gian gần đây.
Do đó, dư luận trong nước có những ý kiến tiêu cực đối với những người về nước tránh dịch. Điển hình như quan điểm “Những người trở về nước tránh dịch là gánh nặng cho đất nước”. Vì vậy, hễ có bất cứ ai lên tiếng chê điều kiện cách ly không tốt là sẽ bị cả báo chí và dư luận chỉ trích, thậm chí có tờ báo nói những người này là “vô ơn”.
H.T cho biết mình không đồng ý với quan điểm trên bởi vì du học sinh vẫn là một công dân Việt Nam và họ có quyền về nước khi cần:
“Mình thấy hơi khó hiểu đối với một số ý kiến mà với mình là hơi ích kỉ và phiến diện từ một số bình luận trên mạng xã hội thôi.
Về phần “du học sinh về nước tránh dịch là gánh nặng đất nước” thì mình hoàn toàn không đồng ý. Bởi vì du học sinh về bản chất cũng chỉ là những công dân Việt Nam đi học xa nhà và vẫn mang quốc tịch Việt Nam.
Thay vì đóng tiền học ở một trường học tại Việt Nam và thuê nhà ở Việt Nam thì du học cũng chỉ là thuê trọ và đóng tiền học ở một nơi xa hơn ngoài vùng lãnh thổ mà thôi.
Và vì vẫn là người Việt Nam nên mình tin khi về nước và chấp hành nghiêm chỉnh công tác phòng chống dịch bệnh, có trách nhiệm với bản thân với cộng đồng thì chẳng có lý do gì để bị xem là gánh nặng cả vì đó cũng là một phần quyền công dân của mỗi công dân Việt Nam.”
Điều kiện cơ bản được đảm bảo trong khu cách ly
Vừa qua, một du học sinh Canada và một du học sinh từ Mỹ cũng thực hiện cách ly tại KTX, Đại học Quốc Gia chia sẻ trên mạng xã hội rằng cơ sở vật chất ở đây rất tệ, “dơ không thể sống nổi, quá sức chịu đựng…”. Ngay sau đó, những người này bị hàng loạt bình luận chỉ trích từ cư dân mạng cũng như báo chí nhà nước.
Trước sức ép từ dư luận, cả hai du học sinh trên đều đã khóa trang cá nhân.
Anh H.T cho biết điều kiện cách ly ở Đại học Quốc gia là khá tốt. Những nhu cầu cơ bản về sức khoẻ được đảm bảo:
“Điều kiện cách ly trong này khá tốt. Ăn uống được cung cấp vô cùng đầy đủ ngày 3 bữa rất đúng giờ. Nước uống được cung cấp vô cùng đầy đủ để bảo đảm sức khoẻ tốt nhất cho người cách ly.
Các nhu yếu phẩm được cung cấp đầy đủ. Nếu cần gì thì báo với quản lí toà nhà và quản lí sẽ cố gắng hết sức để đáp ứng. Ngoài ra người cách ly còn được đo thân nhiệt hai lần mỗi ngày đều đặn, và được xét nghiệm mỗi 7 ngày trong 14 ngày cách ly.”
Nói về những bạn du học sinh chê bai điều kiện ăn ở ở khu cách ly, H.T có thể hiểu được cảm giác đó. Bởi vì nhiều người từ xa trở về, phải đi thẳng từ sân bay về khu cách ly mà không kịp chuẩn bị vật dụng cần thiết:
“Còn về phần nhiều bạn du học sinh chê điều kiện ăn ở sinh hoạt thì mỗi khu cách ly sẽ có mỗi điều kiện cách ly riêng. Các bạn chê điều kiện cách ly có thể là vì các bạn chưa được trải nghiệm nhiều những điều kiện sống hơi khác so với điều kiện mà các bạn đó được sinh sống.
Vì khu cách ly của mình phần lớn là du học sinh nên mình có thể hiểu được là các bạn vừa từ phương xa về, nên có một số nhu cầu có thể cần thiết mà khu vực cách ly chưa chuẩn bị kịp.
Ví dụ những ngày đầu mới về thì mọi người đều chưa có dịch vụ điện thoại để liên lạc cũng như truy cập internet nhằm phục vụ cho nhu cầu học từ online. Một số bạn thì cần thuốc men và các nhu yếu phẩm cá nhân khác.
Và ngoài ra thì phần lớn mọi người đều cần quạt vì một số bạn vừa trở về từ những khu vực khá lạnh nên chưa thể thích nghi được với nhiệt độ nóng ở TPHCM. Ngoài những cái đó ra thì trong này tụi mình được cung cấp khá đầy đủ để đảm bảo cuộc sống ổn định.”
Sẵn sàng đóng góp chống dịch
Với con số hàng chục ngàn người đang được miễn phí toàn bộ chi phí cách ly trên cả nước, mà phần đông trong số đó là người từ nước ngoài trở về. Có ý kiến cho rằng ngân sách nhà nước đang hỗ trợ “sai đối tượng”. Vì đa số trong họ đều là người “có điều kiện”.
Theo quan điểm của H.T, anh cho rằng việc “cào bằng” tất cả người từ nước ngoài về hay du học sinh nói riêng “có điều kiện” là chủ quan, vơ đũa cả nắm. Tuy nhiên, cá nhân H.T luôn sẵn sàng đóng góp cho việc phòng chống dịch bệnh ở Việt Nam:
“Riêng mình thì mình không đồng ý với việc mặc định đa số du học sinh là những người có điều kiện vì nó khá là “vơ đũa cả nắm”. Bởi vì cũng đâu ít người đi du học theo diện học bổng và thậm chí dù không có học bổng thì bố mẹ đôi khi phải vay tiền cầm cố nhà cửa cho con cái đi du học thì sao?
Mình đồng ý là chi phí cách ly lớn, và nếu phải đóng tiền để cách ly thì riêng cá nhân mình thì mình sẽ đóng. Từ đầu mình và gia đình cũng đã thống nhất là đã và sẽ ủng hộ ban cứu trợ TW Mặt trận tổ quốc Việt Nam với khả năng của gia đình để có thể bù đắp phần nào chi phí cách ly của riêng mình. Và mình tin mình không phải là người duy nhất làm sẽ ủng hộ như vậy.”
Ngày 17/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi cả nước hưởng ứng lời kêu gọi của Mặt trận tổ quốc Việt Nam – “Toàn dân ủng hộ phòng, chống dịch COVID-19”. Ông Phúc nói “Mỗi người dân, đặc biệt là giới doanh nhân, các giới, các đơn vị và người dân tùy theo khả năng của mình, người có tiền góp tiền, người có hiện vật góp hiện vật, người có sức góp sức”.
*Tên nhân vật trong bài viết đã được thay đổi theo yêu cầu của người được phỏng vấn.
Câu từ của cơ quan công quyền,
lãnh đạo khiến dân lo sợ, bất mãn!
Công văn về hỏa táng “bệnh nhân có thể tử vong”
Công văn số 2285 do Phó Giám đốc Sở Tài nguyên-Môi trường TP.HCM, bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ ký và ban hành ngày 26/3 gây phẫn nộ gay gắt trong dư luận.
Nội dung của công văn này chú trọng vào công tác phòng chống dịch COVID-19 trong phạm vi của thành phố. Trong đó đã ghi “để ứng phó với các tình huống khẩn cấp có thể xảy ra trong tình hình dịch bệnh, đặc biệt với tình huống cần phải hỏa táng các bệnh nhân nặng nhiễm virut Covit-19 có thể tử vong”.
Nhà báo Võ Văn Tạo, từ Nha Trang lên tiếng với RFA vì sao công văn 2285 bị chỉ trích dữ dội:
“Thông thường không nghĩ gì khác thêm, sâu thêm và căn cứ vào câu chữ thì công chúng đều có quyền nghĩ rằng là trường hợp nhiều và khẩn cấp quá sẽ cho thiêu luôn những người sắp chết do cúm. Điều đấy rất là dở và trên mạng xã hội đã phát hiện ra, phản đối dữ dội thì theo như tôi nhớ là khoảng hơn nửa ngày hay một ngày gì đó Sở Tài nguyên-Môi trường TP.HCM đã rút lại công văn đó.”
Nhà ngôn ngữ học-Tiến sĩ Hoàng Dũng, giảng viên Đại học Sư Phạm TP.HCM tiếp lời với RFA:
“Xin lưu ý rằng người ký văn bản mà dư luận phản đối đến nỗi UBND TP.HCM phải yêu cầu kiểm điểm là một cô phó giáo sư-tiến sĩ ngành môi trường; nghĩa là người có học. Có thể cô không viết văn bản đó mà do cấp dưới viết, nhưng cô ký vào văn bản đó cho thấy rằng cô đọc mà cô không thông hiểu, không nhìn thấy về mặt tiếng Việt trong văn bản đó kỳ lạ và khiến cho người ta hiểu lầm. Tôi nghĩ đây
chỉ phản ánh về trình độ diễn đạt tiếng Việt thôi, chứ không ai mà lại đem đi hỏa táng những người chưa chết. Nguyên văn trong công văn ghi ‘có thể tử vong’, tức là còn sống thì không ai hỏa táng cả. Thế nhưng ký vào văn bản như thế mà không gợn lên trong đầu điều gì cả thì có vấn đề về trình độ.”
Xin lưu ý rằng người ký văn bản mà dư luận phản đối đến nỗi UBND TP.HCM phải yêu cầu kiểm điểm là một cô phó giáo sư-tiến sĩ ngành môi trường; nghĩa là người có học. Có thể cô không viết văn bản đó mà do cấp dưới viết, nhưng cô ký vào văn bản đó cho thấy rằng cô đọc mà cô không thông hiểu, không nhìn thấy về mặt tiếng Việt trong văn bản đó kỳ lạ và khiến cho người ta hiểu lầm. Tôi nghĩ đây chỉ phản ánh về trình độ diễn đạt tiếng Việt thôi, chứ không ai mà lại đem đi hỏa táng những người chưa chết. Nguyên văn trong công văn ghi ‘có thể tử vong’, tức là còn sống thì không ai hỏa táng cả. Thế nhưng ký vào văn bản như thế mà không gợn lên trong đầu điều gì cả thì có vấn đề về trình độ
-Tiến sĩ Hoàng Dũng
Sở Tài nguyên-Môi trường TP.HCM vào ngày 27/3, qua công văn số 2319 thông báo thu hồi công văn số 2285, mà không có lý do giải thích vì sao.
Giám đốc Sở Tài nguyên-Môi trường, ông Nguyễn Tòan Thắng, tại cuộc họp báo vào chiều ngày 28/3, đã nhận trách nhiệm về việc ban hành văn bản số 2285 có nội dung hướng dẫn không rõ ràng.
Thông tin truyền thông gây hiểu lầm
Trong khi dư luận chưa kịp lắng dịu liên quan công văn vừa nêu, dân chúng lại tiếp tục đón nhận thông tin gây hoang mang từ báo chí trong lúc Chính phủ Việt Nam đang ra sức tuyên truyền ngăn chặn số ca nhiễm không tăng cao trong vòng 14 ngày tới. Điển hình, Báo mạng Tiền Phong, vào ngày 29/3 đăng tải bản tin có tựa đề “60 ca mắc COVID-1 ở Việt Nam đã âm tính, 1 ca rất nặng được rút ống thở’. Trong bản tin ghi rõ “Ba bệnh nhân rất nặng thì 1 bệnh nhân đã rút ống thở trong đêm 28/3”.
Nhà báo Võ Văn Tạo giải thích về nội dung bản tin đăng trên báo mạng Tiền Phong hôm 29/3:
“Đúng là khi nghe truyền thông nói là một số ca nặng đã có ca rút ống thở. Cụm từ ‘được rút ống thở’ trong xã hội Việt Nam thì thông thường được hiểu là rút ống thở cho chết.”
Theo ghi nhận cá nhân, Nhà báo Võ Văn Tạo cho rằng từ trước đến nay tình trạng nội dung không rõ ràng, từ ngữ sử dụng không chuẩn mực trong những văn bản của các cơ quan nhà nước vốn đã như thế và bây giờ do tình hình dịch bệnh nguy cấp nên được dư luận chú ý nhiều hơn và phản ánh mạnh mẽ hơn. Nhà báo Võ Văn Tạo nhấn mạnh:
“Qua hai hiện tượng này, tôi không nghĩ là do tại vì tình hình dịch cúm COVID-19 đâu, mà thực chất là do trình độ cán bộ trong bộ máy quản lý nhà nước, cũng như là các phóng viên, biên tập viên trong các tờ báo chất lượng xuống lắm. Đọc các thông tư, nghị định…thì còn thấy dấu chấm, dấu phẩy chưa đúng chứ đừng nói điều gì khác. Chuyện này không có gì là ngạc nhiên vì năng lực cán bộ là như thế.”
Đồng quan điểm với Nhà báo Võ Văn Tạo, Tiến sĩ Hoàng Dũng khẳng định cán bộ yếu kém ở khắp các cơ quan trong hệ thống công quyền:
“Tôi nghĩ rằng việc bổ nhiệm người có trách nhiệm là có vấn đề. Nhìn ở đâu cũng thấy như vậy cả. Rất nhiều người không xứng đáng ngồi ở vị trí có quyền quyết định. Họ đọc một văn bản mà họ không hiểu. Họ viết một câu sai mà họ không thấy. Tôi nói một cách khách quan chứ chưa nói đến họ cố ý thì phần họ gây thiệt hại lớn hơn phần họ đóng góp.”
Đài RFA ghi nhận người dân Việt Nam cũng đang rất hoang mang trước thông tin bị phạt nếu ra đường không đeo khẩu trang để phòng chống dịch COVID-19; trong khi Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, hồi tháng 2, tuyên bố trong một cuộc họp báo rằng không nhất thiết phải đeo khẩu trang y tế phòng virus corona.
Lỗi do cơ chế
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Chu, trong một bài viết đăng trên trang facebook cá nhân vào ngày 28/3, cho rằng các ông bộ trưởng của Việt Nam bị con virus Trung Quốc “xé áo cho người xem lưng”.
Trong bài viết, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Chu nêu rõ Bộ Y tế Việt Nam bị con virus làm đau đầu. Bên cạnh đó, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Chu còn chỉ đích danh 4 ông Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp-Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Thông tin-Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng và Bộ trưởng Bộ Giáo dục-Đào tạo Phùng Xuân Nhạ trong khi đối phó với dịch COVID-19 đã cho thấy họ hoàn toàn dựa vào cấp dưới, trình gì đọc đó mà không có năng lực của một người lãnh đạo cấp bộ trưởng.
Tiến sĩ Hoàng Dũng cho rằng Nhà nước Việt Nam cần phải xem xét lại quy trình bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, nhất là qua kinh nghiệm trong đối phó với dịch bệnh COVID-19 này.
Tuy nhiên, Nhà báo Võ Văn Tạo bày tỏ ông không nhìn thấy dấu hiệu lạc quan nào trong tương lai gần:
Qua hai hiện tượng này, tôi không nghĩ là do tại vì tình hình dịch cúm COVID-19 đâu, mà thực chất là do trình độ cán bộ trong bộ máy quản lý nhà nước, cũng như là các phóng viên, biên tập viên trong các tờ báo chất lượng xuống lắm. Đọc các thông tư, nghị định…thì còn thấy dấu chấm, dấu phẩy chưa đúng chứ đừng nói điều gì khác. Chuyện này không có gì là ngạc nhiên vì năng lực cán bộ là như thế
-Nhà báo Võ Văn Tạo
“Tôi nghĩ không hy vọng gì qua đó họ rút được kinh nghiệm về chất lượng cán bộ và để cơ cấu vào trong bộ máy nhà nước cho tương lại, tại Đại hội Đảng XIII sắp tới. Bởi vì không thể nào rút được kinh nghiệm, tìm được ở đâu ra (cán bộ giỏi) khi quy hoạch từ cấp dưới lên trên, chẳng hạn như cán bộ cấp huyện được cử đi học ở các trường chính trị để trở thành cán bộ nguồn thì họ cũng lựa những người không giỏi quá, chỉ vừa vừa thôi nhưng chủ yếu là phải ‘biết điều’; nghĩa là không cãi cự ai, không làm mất lòng ai, quà cáp thường xuyên, gặp lãnh đạo cấp trên thì khúm núm và nịnh bợ…Thế cho nên không thể đào đâu ra được cán bộ có năng lực để thay thế cho bộ máy mà tôi cho rằng không có năng lực hiện nay.”
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Chu, qua bài viết của ông đã quả quyết rằng “Chừng nào còn tồn tại luật bất thành văn, rằng cứ Ủy viên Trung ương Đảng là đương nhiên làm bộ trưởng hay đứng đầu các tỉnh thành, thì chừng đó Việt Nam mãi còn tụt hậu”.
Mới đây nhất, tại cuộc họp trực tuyến với 5 thành phố lớn vào sáng ngày 29/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi vận dụng tinh thần trong thời chiến là “Tranh thủ từng giờ, từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng!” vào công cuộc phòng chống dịch COVID-19 của đất nước trong hiện tại.
Lời kêu gọi này vấp phải sự ta thán của không ít người Việt, vì cho rằng sự ví von của ông Thủ tướng hoàn toàn không phù hợp trong thời điểm dân tộc Việt tưởng niệm 45 năm ngày chiến tranh Việt Nam kết thúc.
Khi Chủ tịch Hà Nội
phải xin phép công bố bệnh COVID-19
Diễm Thi, RFA
Chỉ có Bộ Y tế mới được khẳng định dương tính
Sáng 29 tháng 3, Thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp trực tuyến về công tác phòng chống dịch COVID-19 tại 5 thành phố trực thuộc Trung ương: Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ. Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung xin phép cho Hà Nội được công bố ca bệnh COVID-19 khi có kết quả xét nghiệm để xử trí kịp thời.
Ông Nguyễn Đức Chung nêu một sự việc xảy ra trước đó, hôm 19 tháng 3, khi nắm được thông tin 2 y tá tại Bệnh viện Bạch Mai dương tính, ông đã kiến nghị xem xét phong tỏa một số khoa trong Bệnh viện Bạch Mai và “đóng băng” bệnh nhân đang điều trị trong bệnh viện này. Tuy nhiên, kiến nghị của ông đã không được chấp thuận. Bộ Y Tế và lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai thống nhất quan điểm chỉ đóng băng một số tầng và khoa có bệnh nhân dương tính.
Vì sao ông Nguyễn Đức Chung, vị đứng đầu thành phố lại không thể công bố kết quả những ca xét nghiệm dương tính với COVID-19 mà phải đề xuất cho phép công bố?
Truyền thông trong nước trích lời Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, ông Dương Đức Hùng rằng, chỉ có Bộ y tế mới được khẳng định dương tính hay không. Tất cả các cơ sở y tế không được phép khẳng định là dương tính. Đó là quy định.
Ông Trần Bang, một nhà đấu tranh ở Hà Nội lập tức đưa ra một loạt câu hỏi trên mạng xã hội như Bộ y tế độc quyền công bố thông tin để phục vụ mục đích gì? Để che giấu sự thật về bệnh dịch, điều đó làm tăng lây nhiễm bệnh và chết dân, nhưng có lợi cho phe Đảng nào? Để lây lan dịch bệnh càng rộng thì Bộ y tế càng được chi nhiều tiền chống dịch sao? Hay Bộ y tế muốn nhân dịch bệnh để giảm dân số VN xuống để tăng thành tích, tăng số gường bệnh trên 1000 dân vào năm sau?
Ông Trần Bang kết luận rằng, “Che đậy tin, làm chậm tin, làm sai tin về dịch bệnh lây lan là tội ác! Giải tán Bộ y tế ngay cho dân nhờ!”
Ông Trần Bang nói thêm với RFA:
“Theo tôi thì ông Chung phải đấu tranh chứ không phải đề xuất vì công bố một sự thật thì việc gì các ông ấy phải sợ?
Khi cần thì một ông bác sĩ có thẩm quyền ký xác nhận vào kết quả xét nghiệm là âm tính hay dương tính đã có quyền công bố chứ không cần đến bộ hay tỉnh. Công bố ra báo chí và báo cáo theo ngành dọc để tổng kết nhưng đồng thời cũng phải thông tin ngay cho địa phương”
Theo quy định hiện nay, dù Bộ y tế đã cho phép 22 phòng xét nghiệm được xét nghiệm khẳng định COVID-19, nhưng địa phương không có thẩm quyền công bố ca dương tính mới mà phải đợi quyết định của Bộ Y tế cho phép mới được công bố.
Ông Nguyễn Đức Chung vì dân?
Nhiều người dân cho rằng, với bản tính dấu giếm xưa nay của người cộng sản thì việc ông Nguyễn Đức Chung đề xuất được công khai dịch bệnh là tín hiệu tích cực.
Bác sĩ quân đội Đinh Đức Long nhận định rằng, đề xuất của ông Chung có lợi cho dân và cho uy tín của chính ông Chung. Nếu để xảy ra thảm họa thì ông sẽ phải chịu trách nhiệm là người đứng đầu thành phố, nên ông Chung buộc phải đề xuất như vậy.
Ông Đinh Đức Long nói thêm:
“Theo ý kiến cá nhân tôi thì ấy đề xuất của ông Nguyễn Đức Chung thứ nhất là rất trách nhiệm, thứ hai là kịp thời, đúng lúc, có tầm nhìn xa.
Ông Chung tiên lượng rằng tình hình sẽ rất phức tạp, chưa thể dự đoán khi nào kết thúc. Ông Chung từng chủ động đề ra nhiều cái rất hay mà sau đó xảy ra đúng như thế. Ví dụ ông Chung đề nghị phải kiểm soát ổ dịch bệnh viện Bạch Mai. Rồi trước đó vụ bệnh nhân số 21, bệnh nhân Nguyễn Quang Thuấn. Những điều ông Chung nói ra rất nhạy cảm và chính xác mà chưa thấy quan chức nào nói, nếu nói thì nói theo hướng nhẹ đi. Thực tế là xảy ra theo hướng ông Chung đã dự đoán.”
Nhiều người Việt Nam mà RFA trò chuyện đều khẳng định chính phủ Việt Nam đang làm tốt việc phòng chống dịch. Tuy vậy họ vẫn không tin những con số từ chính quyền đưa ra. Khi thế giới có đến hơn 36 ngàn người chết mà Việt Nam không có một ca nào. Ngay cả cái chết của một cụ bà 81 tuổi trong khu cách ly tại Trường Quân sự tỉnh Tiền Giang cũng được báo chí loan rằng âm tính với COVID-19.
Theo thừa nhận của nhà báo tự do Sương Quỳnh, cả ông Vũ Đức Đam và ông Nguyễn Đức Chung đều nỗ lực ngăn chặn dịch. Họ làm tất cả những gì có thể nhưng chuyện công bố hay không đều do bộ chính trị, do bên tuyên giáo quyết định. Ông Chung sợ sau này bị ‘thí chốt’ nên phải đưa đề xuất để sau này không bị đổ trách nhiệm. Nhà báo Sương Quỳnh nói thêm:
“Có người khen ông Chung phá rào, nhưng nếu can đảm thì ông ta phá rào lâu rồi.
Bây giờ các nhân vật lãnh đạo tuyên bố gì mình cũng phải nghi ngờ. Ông Chung nói thì có vẻ đứng về phía nhân dân, nhưng cũng có thể đó là cái chiêu trò của họ. Tất cả những chiêu trò đấy đều có sự tính toán của bộ chính trị, của ban tuyên giáo hết. Không bao giờ có người nào được phép làm điều đấy cả. Tôi chắc chắn luôn!”
Ông Trần Bang nêu một nguyên tắc của đảng cộng sản mà ông cho là nguyên tắc tập trung dân chủ. Do đó với vai trò là ủy viên trung ương trong khi Hội đồng chống dịch lại là của cấp nhà nước nên ông Chung không dám vượt mặt. Ông phân tích:
“Nguyên tắc “tập trung dân chủ” của đảng cộng sản đầy mâu thuẫn, nó dẫn đến độc tài mang danh dân chủ. Mất quyền tự do ngôn luận, mất nhân quyền. Quy định đó là quy định ngăn chặn tự do ngôn luận – một quy định sai. Ngay đảng viên cao cấp như ủy viên trung ương cũng không được tự do ngôn luận. Đấy là cái bậy, cái ngu ngốc của đảng cộng sản.”
Tại cuộc họp về phòng chống dịch diễn ra ngày 30 tháng 3, Chủ tịch thành phố Hà Nội nhận định thành phố này đang bước vào giai đoạn nguy hiểm của dịch COVID-19. Cùng ngày, Bộ Y Tế thông báo có thêm 9 ca bệnh mới, nâng tổng số trường hợp nhiễm COVID-19 cả nước lên 203 ca, trong đó Hà Nội có 71 ca.
Cũng theo Bộ Y Tế thì số ca nhiễm được chữa khỏi ở Việt Nam là 55 trường hợp, trong khi thế giới cho rằng hiện vẫn chưa có thuốc chữa nên họ chỉ dùng từ “hồi phục” thay cho “được chữa khỏi”.
Phát biểu kết luận tại phiên họp Thường trực chính phủ chiều 30 tháng 3 về biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng ý công bố dịch trên toàn quốc.
Bộ Văn hóa yêu cầu
cán bộ làm việc tại nhà từ ngày 1-4
Ông Lê Khánh Hải, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL vừa có công văn yêu cầu làm việc tại nhà đối với tất cả cán bộ công chức, viên chức, người lao động các đơn vị trực thuộc Bộ từ ngày 1 tháng 4.
Công văn của Bộ VHTT&DL nêu rõ chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp: Bố trí cán bộ làm việc tại nhà và xử lý qua công nghệ thông tin, trừ trường hợp đặc biệt phải đến cơ quan như xử lý tài liệu mật, trực cơ quan từ ngày 1-4 cho đến khi có thông báo tiếp theo. Thủ trưởng đơn vị có trách nhiệm giám sát, theo dõi tiến độ công việc và nhiệm vụ Lãnh đạo Bộ giao.
Các cán bộ công chức, viên chức, người lao động được yêu cầu làm việc tại nhà, không di chuyển khỏi nơi cư trú, tụ tập quá 10 người dưới mọi hình thức và tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Nếu cơ quan có người lây nhiễm do không nắm vững các quy định về phòng chống dịch Covid-19, Thủ trưởng đơn vị sẽ chịu trách nhiệm.
ĐIỂM TIN TRONG NƯỚC chiều 31/3:
Việt Nam ‘cách ly toàn xã hội’ trong 15 ngày;
Mỹ viện trợ gần 3 triệu USD giúp Việt Nam chống dịch
Tâm Tuệ
Kính chào quý vị đến với ĐIỂM TIN TRONG NƯỚC chiều ngày 31/3 của báo Đại Kỷ Nguyên. Bản tin hôm nay có những nội dung chính sau:
Việt Nam ‘cách ly toàn xã hội’ trong 15 ngày
Báo VnExpress thông tin, sáng 31/3, Thủ tướng Việt Nam vừa ban bố yêu cầu cách ly trên toàn quốc, không tập trung quá 2 người nơi công cộng, từ 0h ngày 1/4 và kéo dài trong 15 ngày.
Theo đó sẽ thực hiện cách ly toàn xã hội theo nguyên tắc “gia đình cách ly với gia đình, thôn bản cách ly với thôn bản, xã cách ly với xã, huyện cách ly với huyện, tỉnh cách ly với tỉnh”.
Phân xưởng, nhà máy sản xuất phải bảo đảm khoảng cách an toàn, đeo khẩu trang, thực hiện khử trùng, diệt khuẩn theo quy định.
Yêu cầu mọi người dân ở nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu; hoặc làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu (những nơi không bị đóng cửa, dừng hoạt động) và các trường hợp khẩn cấp khác.
Mọi người dân phải thực hiện việc giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp; không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng.
Cả nước có 207 bệnh nhân mắc virus Vũ Hán
Báo Zing dẫn thông tin từ Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và Viện Pasteur TP.HCM, đến 18h ngày 31/3, thêm 3 người mắc virus Vũ Hán. Trong đó, một người là nhân viên Công ty TNHH Trường Sinh và 2 người liên quan bệnh nhân 124.
Bệnh nhân 205 là nam, 41 tuổi, nhân viên Công ty TNHH Trường Sinh, cung cấp dịch vụ cho Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội.
Bệnh nhân 206 là nam, quốc tịch Việt Nam, 48 tuổi, địa chỉ tại phường An Phú, quận 2, TP.HCM. Người này là lái xe riêng của bệnh nhân 124 và bệnh nhân 151, hàng ngày đưa đón 2 người đến các chi nhánh công ty tại huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai và quận 12, TP.HCM.
Hiện, bệnh nhân được chuyển cách ly, điều trị tại Bệnh viện Dã chiến Củ Chi với tình trạng sức khỏe ổn, không ho, không sốt, không khó thở.
Bệnh nhân 207 là nam, quốc tịch Brazil, 49 tuổi, trú tại phường Thảo Điền, quận 2, TP.HCM, là chồng ca bệnh nhân 151 và đồng nghiệp bệnh nhân 124.
Trước đó, bệnh nhân được Trung tâm Y tế quận 2 lấy mẫu xét nghiệm lần một, cho kết quả âm tính virus Vũ Hán.
Bệnh nhân đã được chuyển sang khu điều trị Bệnh viện Dã chiến Củ Chi với tình trạng sức khỏe ổn, không ho, không sốt, không khó thở.
Mỹ viện trợ gần 3 triệu USD giúp Việt Nam chống dịch
Đài RFA dẫn thông tin từ Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết, hôm 27/3 phía Mỹ thông báo hỗ trợ 274 triệu USD hỗ trợ nhân đạo và y tế khẩn cấp cho 64 nước trên thế giới để chống đại dịch virus Vũ Hán, trong đó Việt Nam nhận được số tiền gần 3 triệu USD.
Theo thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ, số tiền hỗ trợ y tế này sẽ giúp chính phủ Việt Nam chuẩn bị hệ thống phòng thí nghiệm, kích hoạt hệ thống giám sát phát hiện trường hợp khả nghi và dựa trên sự kiện, hỗ trợ chuyên gia trong việc ứng phó và chuẩn bị, truyền thông về rủi ro, phòng ngừa và kiểm soát lây nhiễm, …
Tại Đông Nam Á, nhiều nước cũng nhận được sự hỗ trợ. Cụ thể, Campuchia sẽ nhận được 2 triệu USD, Indonesia nhận 2,3 triệu USD, Lào nhận gần 2 triệu USD, Philippines nhận gần 4 triệu USD và Thái Lan nhận 1,2 triệu USD.
Các nước châu Phi sẽ nhận từ 470.000 USD đến 7 triệu USD để đối phó với dịch.
Trong vòng 20 năm qua, Mỹ đã đầu tư hơn 706 triệu USD vào hỗ trợ y tế và tổng cộng 1,8 tỷ USD hỗ trợ tổng thể.
EVN đề xuất miễn, giảm giá điện cho một số đối tượng
Báo Thanh Niên thông tin, trong thông báo phát đi chiều 30/3, EVN cho biết, Tập đoàn vừa ban hành nghị quyết trong đó có nội dung sẽ đề xuất báo cáo Thủ tướng, Uỷ ban Quản lý vốn tại doanh nghiệp và 2 bộ là Bộ Tài chính và Bộ Công thương xem xét miễn, giảm giá điện cho một số đối tượng khách hàng trong giai đoạn đại dịch Covid-19.
Đề xuất này sẽ áp dụng cho một số đối tượng khách hàng, trọng tâm là các khu vực cách ly tập trung, các viện xét nghiệm, các bệnh viện đang chữa trị bệnh nhân Covid-19.
Tập đoàn yêu cầu các Tổng công ty điện lực đảm bảo cấp điện ổn định và an toàn cho các đối tượng này trong thời gian dịch, đồng thời xem xét gãn thời gian thu tiền điện 1 tháng trong thời gian diễn ra dịch virus Vũ Hán.
Xuất khẩu gạo trở lại trong tháng 4 nhưng giới hạn số lượng
Bộ Công Thương tiếp tục kiến nghị Thủ tướng cho phép các doanh nghiệp được xuất khẩu gạo nhưng có sự kiểm soát chặt số lượng xuất khẩu theo từng tháng.
Ý kiến này được đưa ra trong báo cáo số 2237 gửi Thủ tướng về rà soát tình hình sản xuất, tồn kho gạo trong nước sau khi Bộ này có buổi làm việc với các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp về xuất khẩu gạo, theo Tuổi trẻ.
Theo đó, lượng gạo được phép xuất khẩu trong tháng 4 và tháng 5 sẽ vào khoảng 800.000 tấn, giảm 40% so với lượng xuất khẩu tháng 4 và tháng 5/2019. Các tờ khai hải quan thực hiện trước 0h ngày 24/3/2020 (trước khi tạm ngưng xuất khẩu gạo) vẫn được thực hiện.
Trước mắt trong tháng 4 cho phép xuất khẩu 400.000 tấn còn tháng 5, Chính phủ sẽ xem xét, quyết định phương hướng điều hành xuất khẩu phụ thuộc tình hình diễn biến của dịch.
Tổng cục Hải quan chịu trách nhiệm quản lý số lượng 400.000 tấn gạo được phép xuất khẩu trong tháng 4 thông qua cộng dồn và trừ lùi số lượng theo tờ khai hải quan hàng xuất khẩu.