Tin khắp nơi – 31/03/2020
Dịch corona: Tàu bệnh viện ứng cứu đã tới New York
Một tàu bệnh viện của Hải quân Mỹ với 1.000 giường bệnh hôm 30/3 cập cảng thành phố New York giữa lúc các giới chức yêu cầu được trợ giúp thêm.
Thị trưởng Bill de Blasio nói việc Tổng thống Donald Trump gợi ý rằng các bệnh viện New York bị mất hàng ngàn khẩu trang là một sự “sỉ nhục” các nhân viên y tế ở tuyến đầu. Bệnh viện Hải quân đến để giúp giảm bớt áp lực của cuộc khủng hoảng virus corona đang đè nặng lên các bệnh viện của thành phố.
Tàu USNS Comfort, từng được phái tới New York sau vụ khủng bố 11/9/2001, nay trở lại đây để điều trị cho các bệnh nhân không phải COVID-19 trong khi các bệnh viện trên đất liền tập trung giải quyết các bệnh nhân của virus corona.
Tàu bệnh viện
Thống đốc Andrew Cuomo nói tàu bệnh viện sẽ giúp giảm bớt áp lực lên các bệnh viện thành phố khi chiếc tàu cập cảng tại Manhattan. Ngoài một ngàn giường bệnh, tàu Comfort còn có 12 phòng giải phẫu có thể vận hành 24/24 giờ.
Diễn tiến này xảy ra khi số tử vong vì virus corona trong tiểu bang New York, tâm dịch COVID-19 tại Mỹ, vượt hơn 1.000 người hôm 29/3, không đầy một tháng sau khi có ca lây nhiễm đầu tiên tại tiểu bang này.
Hầu hết các ca tử vong xảy ra trong vòng vài ngày gần đây.
Khẩu trang y tế
Ông De Blasio và những người khác chỉ trích Tổng thống Trump khi ông Trump gợi ý rằng các bệnh viện New York bị mất hàng ngàn khẩu trang y tế mà không đưa ra bằng chứng rõ rệt.
Tại cuộc họp báo ngày Chủ nhật 29/3, ông Trump nêu vấn đề: “Khẩu trang đi về đâu? Có phải đi cửa sau hay không?”
Bình luận này “sỉ nhục” các nhân viên y tế đang ở tuyến đầu cuộc khủng hoảng virus corona của thành phố, ông de Blasio tuyên bố hôm 30/3.
“Thật là thiếu tế nhị một cách khó tin đối với những người hiện đang hy sinh tất cả,” thị trưởng thành phố New York.
Các bệnh viên đã cảnh báo nhân viên là không nên mang khẩu trang về nhà, nhưng không có chứng cớ là các vật phẩm bị lấy cắp.
Ông Kenneth Raske, chủ tịch Hiệp hội Bênh viện New York, nói các nhân viên “đáng dược đối xử tốt hơn là nhận xét của Tổng thống cho rằng các trang bị bảo hộ ‘đi ra cửa sau’ của các bệnh viện New York.”
Tàu bệnh viện Mercy của Hải Quân Hoa Kỳ
bắt đầu nhận bệnh nhân ở cảng Los angeles
Vào chủ nhật (ngày 29 tháng 3), tàu bệnh viện Mercy của Hải Quân Hoa Kỳ đã cập cảng Los Angeles và nhận bệnh nhân, một nỗ lực để làm giảm áp lực lên hệ thống y tế căng thẳng của quận Los Angeles trong bối cảnh đại dịch COVID-19 bùng phát.
Con tàu, với 1,000 giường bệnh, không điều trị cho bệnh nhân nhiễm coronavirus, mà điều trị cho những người khác để các bệnh viện địa phương có thể tập trung kiểm soát dịch bệnh.
Theo một tuyên bố do Hạm đội 3 của Hải quân, “tàu Mercy sẽ đóng vai trò là bệnh viện không nhiễm COVID-19, và sẽ cung cấp đầy đủ dịch vụ chăm sóc y tế, bao gồm cả phẫu thuật.”
Số ca nhiễm coronavirus tại Quận Los Angeles vượt 2,100 người vào chủ nhật, trong đó có 37 trường hợp tử vong. Đại úy John Rotruck, sĩ quan chỉ huy của Cơ sở điều trị quân sự Mercy cho biết “những nhân viên trên tàu Mercy tràn đầy năng lực, háo hức và sẵn sàng hỗ trợ những người cần giúp đỡ.” (BBT)
FDA Mỹ cho phép
dùng rộng rãi thuốc sốt rét trị COVID-19
Cơ quan Quản lý Dược phẩm-Thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) ngày 29/3 ban hành lệnh cho phép dùng khẩn cấp hai loại thuốc chống sốt rét cho việc điều trị bệnh COVID-19 trong lúc giới chức y tế đang nỗ lực chống lại sự lây lan nhanh chóng của virus corona.
Tờ The Hill dẫn tin từ Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ (HHS) cho biết lệnh này sẽ cho phép 30 triệu liều hydroxychloroquine sulfate và 1 triệu liều chloroquine phosphate được quyên góp vào Kho dự trữ Chiến lược Quốc gia.
Hydroxychloroquine sulfate được góp tặng bởi hãng thuốc Sandoz, trong khi chloroquine phosphate được phát triển bởi hãng dược Bayer.
Các sản phẩm này sẽ được phân phối và kê toa bởi các bác sĩ cho những bệnh nhân COVID-19 từ 13 tuổi trở lên đã nhập viện, một cách thích hợp, trong khi thử nghiệm lâm sàng chưa có được hoặc chưa khả thi, Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ nói.
Bác sĩ Anthony Fauci, chuyên gia hàng đầu của chính phủ Mỹ về bệnh truyền nhiễm, khuyến cáo “Chưa được thử nghiệm lâm sàng thì chưa thể đưa ra tuyên bố khẳng định nào.”
Hydroxychloroquine sulfate và chloroquine phosphate là thuốc uống kê toa thường được dùng để trị sốt rét và các bệnh khác, HHS lưu ý.
Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ thừa nhận chưa có phương pháp điều trị nào được chuẩn nhận cho bệnh COVID-19 nhưng nói rằng “hai loại thuốc vừa kể chứng tỏ có hoạt động trong các cuộc nghiên cứu ở phòng thí nghiệm về virus corona.”
Bộ nhấn mạnh vẫn cần có các cuộc thử nghiệm lâm sàng để cung cấp bằng chứng khoa học rằng việc điều trị corona bằng hai loại thuốc này là hiệu quả.
FDA đã cho phép tiểu bang New York thử dùng thuốc chống sốt rét với một số bệnh nhân nhất định, theo tờ Politico.
Mỹ cho phép sử dụng bộ xét nghiệm mới,
phát hiện virus corona chỉ 2 phút
Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) vừa cho phép sử dụng khẩn cấp bộ xét nghiệm của công ty Bodysphere, có thể phát hiện virus corona chỉ trong gần hai phút, công ty tư nhân này cho biết hôm 31/3.
Theo Reuters, FDA đã gấp rút phê duyệt các bộ xét nghiệm trên cơ sở khẩn cấp, và bộ xét nghiệm của phòng thí nghiệm Abbott đã được phê duyệt vào tuần trước có thể cho kết quả trong vòng vài phút.
Bodysphere cho biết họ đang làm việc với chính phủ liên bang và tiểu bang để phân phối các bộ xét nghiệm.
Tin cho hay bộ xét nghiệm được thực hiện giống như xét nghiệm đường trong máu, nhưng được thiết kế chỉ dành cho các chuyên gia y tế sử dụng.
Mỹ: Số ca tử vong vì Covid-19
vượt quá 3.000 sau ‘ngày chết chóc’
Số người chết tại Mỹ vì dịch Covid-19 đã vượt qua con số 3.000 người vào ngày 30/3, được xem là ngày chết chóc nhất trong cuộc khủng hoảng ngày càng gia tăng tại đây, theo Reuters. Trong khi đó, New York đón chào tàu bệnh viện của Hải quân Hoa Kỳ với 1.000 giường bệnh, khơi dậy niềm hy vọng cho thành phố đang giằng co quyết liệt với dịch bệnh.
Tổng số ca tử vong trên cả nước Mỹ đã lên tới 3.017, bao gồm ít nhất là 540 ca chỉ trong ngày 30/3, và số ca nhiễm bệnh đã tăng lên hơn 163.000, theo một thống kê của Reuters.
Tại New York và New Jersey, người dân đã xếp hàng hai bên bờ sông Hudson để chào đón tàu Hải quân Hoa Kỳ Comfort khi con tàu đi qua Tượng Nữ thần Tự do, với các tàu hỗ trợ và máy bay trực thăng đi kèm.
Comfort là một tàu chở dầu đã được chuyển đổi chức năng thành tàu bệnh viện, bên ngoài được sơn trắng với những chữ thập đỏ khổng lồ.
Tàu Comfort sẽ dành để điều trị cho những bệnh nhân không nhiễm virus corona, bao gồm cả những người cần phẫu thuật và chăm sóc đặc biệt, trong nỗ lực giải phóng các nguồn lực khác để chống lại chủng virus mới, Hải quân Mỹ cho biết.
Các bệnh viện trong khu vực thành phố New York đã tràn ngập bệnh nhân mắc COVID-19. Các giới chức của thành phố phải lên tiếng kêu gọi thêm nhân viên y tế tình nguyện.
Mỹ hiện có số người nhiễm virus corona được xác nhận cao nhất trên thế giới. Con số này có khả năng tăng vọt sau khi các xét nghiệm virus được phổ biến hơn.
Tại cuộc họp báo ở Nhà Trắng, Tổng thống Donald Trump nói đã có hơn 1 triệu người Mỹ đã được xét nghiệm virus corona (chưa tới 3% dân số).
Một bang bị ảnh hưởng nặng nề khác, bang California, Thống đốc Gavin Newsom cho biết số ca nhập viện vì COVID-19 đã tăng gần gấp đôi trong bốn ngày qua và số bệnh nhân phải chăm sóc đặc biệt đã tăng gấp ba lần. Các giới chức tại đây cũng phải kêu gọi thêm tình nguyện viên y tế.
Những con số đáng sợ
Các giới chức y tế Hoa Kỳ đang kêu gọi người dân Mỹ tuân thủ lệnh “ở trong nhà” cho đến cuối tháng 4 để ngăn chặn sự lây lan của virus corona, có nguồn gốc từ Trung Quốc và hiện đã lây nhiễm khoảng 3/4 triệu người trên thế giới.
Phát biểu trong chương trình “Today” của đài NBC, Tiến sĩ Deborah Birx, điều phối viên của đội đặc nhiệm chống virus corona của Nhà Trắng nói: “Nếu chúng ta phối hợp chống dịch thật tốt, gần như hoàn hảo,thì số ca tử vong có thể ở trong khoảng từ 100.000 đến 200.000”.
Tiến sĩ Anthony Fauci, người đứng đầu Viện Quốc gia về Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm, trong một cuộc họp báo tại Nhà Trắng, nói ông dự kiến sẽ có một đợt bùng phát virus corona vào mùa thu, nhưng theo ông, nước Mỹ sẽ chuẩn bị tốt hơn để đối phó với nó.
Nhà chức trách ở New Orleans đang thiết lập một bệnh viện dã chiến tại Trung tâm Hội nghị Ernest N. Morial – địa điểm mà hàng ngàn người tị nạn bão Katrina đã tập trung vào năm 2005 – để giải quyết một lượng bệnh nhân dự kiến là sẽ quá tải.
Các thống đốc bang Maryland, Virginia và Arizona đã ban hành lệnh “ở trong nhà” do số người nhiễm bệnh gia tăng tại các bang này, cũng như ở khu vực thủ đô Washington.
Tại nhà tù Stateville ở Crest Hill, bang Illinois, 12 tù nhân đã phải nhập viện và nhiều người cần máy thở, trong khi 77 người khác có các triệu chứng và đã được cách ly tại cơ sở, Reuters dẫn lời các giới chức cho biết.
Trong số những người nổi tiếng, ca sĩ nhạc đồng quê John Prine là người mới nhất nhiễm virus corona, bên cạnh một số thành viên của Quốc hội Mỹ trước đó. Prine đã ở trong tình trạng ổn định vào ngày 30/3 sau khi nhập viện với các triệu chứng nhiễm bệnh, vợ ca sĩ này cho biết trên trang Twitter.
Ca sĩ Prine, 73 tuổi, là một bệnh nhân đã thoát chết sau khi bị ung thư. Ông hiện sống ở Nashville, bang Tennessee.
TT Trump cáo buộc
các bệnh viện Mỹ ‘tích trữ’ máy trợ thở
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 29/3 cáo buộc các bệnh viện về việc tích trữ máy trợ thở – một mặt hàng đang khan hiếm nguồn cung trên khắp đất nước trong lúc virus corona tiếp tục lây lan, và nói thêm rằng bất kỳ bệnh viện nào không sử dụng thiết bị này đều phải nhượng lại chúng.
Ông Trump, người bị những nhà chỉ trích cáo buộc rằng đang tìm cách làm chệch hướng những lời khiển trách về việc xử lý khủng hoảng của ông, đã không trích dẫn bất kỳ bằng chứng nào để củng cố cho cáo buộc của mình rằng các bệnh viện đang tích trữ các thiết bị đó. Cũng không rõ ông Trump đề cập đến cơ sở y tế nào.
“Chúng ta thấy có một số nhân viên y tế, một số bệnh viện … đang tích trữ các thiết bị bao gồm cả máy trợ thở,” ông Trump nói tại Nhà Trắng sau một cuộc họp với các giám đốc điều hành doanh nghiệp, bao gồm cả Tập đoàn Y tế Hoa Kỳ.
“Chúng ta phải nhượng lại những máy trợ thở này – đặc biệt là các bệnh viện mà không bao giờ sử dụng chúng,” ông Trump nói.
Tuyên bố của Tổng thống Trump được đưa ra chỉ hai ngày sau khi ông viện đến quyền lực khẩn cấp để yêu cầu tập đoàn General Motors chế tạo máy trợ thở đang rất cần thiết cho các bệnh nhân nhiễm virus corona sau khi ông cáo buộc hãng sản xuất ô tô lớn nhất của Mỹ vì “lãng phí thời gian” trong các cuộc đàm phán.
Phát biểu trước đó vào ngày 29/3, Tiến sĩ Deborah Birx, một thành viên của lực lượng đặc nhiệm chuyên trách về virus corona của ông Trump, nói với chương trình truyền hình ‘Meet the Press’ của NBC rằng chính quyền Trump đã yêu cầu các thống đốc bang và các thị trưởng trên toàn nước Mỹ phải biết xem “các máy gây mê kèm trợ thở hiện đang ở đâu.”
Hôm 25/3, ông Trump đã ban hành một lệnh hành pháp để ngăn chặn việc tích trữ các thiết bị y tế thiết yếu nhằm đối phó với đại dịch virus corona, bao gồm máy trợ thở và khẩu trang.
Lệnh này cho phép chính phủ Mỹ nhắm trực tiếp vào những người tích trữ, mà họ có thể bị truy tố hình sự.
https://www.voatiengviet.com/a/tt-trump-cao-buoc-cac-benh-vien-my-tich-tru-may-tro-tho/5352359.html
Covid-19 : New York lập bệnh viện dã chiến
trong công viên Central Park
Tú Anh
Mỹ có thêm 540 người chết trong ngày 30/03/2020, nâng tổng số nạn nhân siêu vi corona lên 3.017 người trong số 163.000 nguời bị nhiễm. Để đối phó với nguy cơ bệnh viện quá tải, bang New York, nơi có số lây nhiễm cao, chuẩn bị các biện pháp khẩn cấp.
Ngoài tàu bệnh viện của Hải Quân với 1.000 giường đón các ca nghiêm trọng không thuộc loại nhiễm corona, đậu ở bến cảng, từ ngày 30/03, có thêm bệnh viện dã chiến của một Hội Thánh Tin Lành dựng ngay trong công viên biểu tượng Central Park.
Từ New York, thông tín viên Loubna Anaki tường thuật :
“Từ hôm qua, khoảng 15 căn lều màu trắng đã được dựng lên trên bãi cỏ lớn của Central Park. Công viên biểu tượng của New York, trước khi xảy ra đại dịch virus corona là nơi mà người dân New York dẫn con cái đi dạo hoặc dã ngoại với bạn bè.
Bệnh xá dã chiến này có thể đón tiếp 68 bệnh nhân Covid-19. Mỗi căn lều có một đơn vị y tế cấp cứu phụ trách và có trang bị máy hô hấp nhân tạo. Tổng cộng có 70 bác sĩ, y tá và nhân viên kỹ thuật đến từ khắp nước Mỹ. Trong số này, có người từng tham gia chiến dịch chống Ebola ở châu Phi hay hoạt động thiện nguyện ở các trại tị nạn Syria. Họ là thành viên của một tổ chức Tin Lành Phúc Âm, đang điều hành một bệnh viện dã chiến tương tự ở miền bắc nước Ý, nơi đang bị siêu vi corona hoành hành thảm khốc.
Tại New York, các bệnh xá này hỗ trợ cho một bệnh viện lớn tọa lạc sát cạnh công viên Central Park. Mục đích là để chia sẻ gánh nặng hầu tránh xảy ra tình trạng quá tải.
Hôm qua, thống đốc bang New York khẳng định là tất cả bệnh viện công và tư đều phải hoạt động tay trong tay để quản lý cuộc khủng hoảng này một cách hữu hiệu nhất. Khi một nơi bị quá tải thì kêu gọi nơi khác tiếp sức”.
Bộ Tư Pháp điều tra việc các nhà lập pháp bán cổ phiếu
sau khi nghe báo cáo mật về covid-19
Tin Washington DC – Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ đã bắt đầu điều tra một loạt các giao dịch chứng khoán, được các nhà lập pháp thực hiện ngay trước khi thị trường tài chính suy sụp vì dịch Covid-19. Theo hãng CNN dẫn 2 nguồn tin cho biết, cuộc điều tra hiện chỉ mới trong giai đoạn đầu, và được thực hiện với sự hợp tác của Ủy Ban Chứng Khoán SEC. Theo CNN, cơ quan FBI đã liên lạc với ít nhất 1 nhà lập pháp, Thượng Nghị Sĩ Richard Burr, để lấy thông tin về các vụ bán chứng khoán của ông.
Nhiều thành viên Quốc Hội hiện đang bị nghi ngờ đã kiếm lợi từ các thông tin họ nhận được trong các cuộc họp kín về tình hình dịch Covid-19. Ông Burr, thượng nghị sĩ Cộng Hòa đại diện North Carolina, lãnh đạo Ủy Ban Tình Báo Thượng Viện, trước đó nói rằng ông chỉ dựa trên thông tin truyền thông khi quyết định bán từ 628,000 đến 1.7 triệu Mỹ kim cổ phiếu vào ngày 13 tháng 2. Vào đầu tháng này, ông Burr đã yêu cầu Ủy Ban Đạo Đức Thượng Viện kiểm tra lại vụ bán chứng khoán của ông, với lý do rằng hoạt động này có thể dẫn đến các thành kiến sai lầm. Hiện chưa có dấu hiệu cho thấy ông Burr hay các nhà lập pháp khác vi phạm quy định của Thượng Viện.
Nhưng việc bán chứng khoán của họ bị chỉ trích do được thực hiện sau khi các thượng nghị sĩ nhận được thông tin mật về diễn biến của virus, và ngay trước khi thị trường tài chính sụt giảm. Việc FBI và SEC kiểm tra các giao dịch chứng khoán là một thủ tục thông thường, mỗi khi có giao dịch nào đó bị công chúng nghi ngờ.
Mộc Miên
Số ca nhiễm coronavirus ở California vượt 5,000 người;
các viên chức tiểu bang kêu gọi
người dân thực hiện cách ly xã hội nghiêm ngặt hơn
Trước tình hình số ca nhiễm coronavirus ở California đã tăng lên 5,700 người, các bệnh viện chăm sóc đặc biệt đang bắt đầu gặp tình trạng quá đông bệnh nhân. Trong lúc đó, các viên chức tiểu bang nỗ lực thực hiện các biện pháp cách ly xã hội nghiêm ngặt hơn trong nỗ lực làm chậm sự lây lan virus.
Quận Los Angeles đã có 32 trường hợp tử vong và hơn 1,818 người nhiễm bệnh; Quận Santa Clara, quận chịu ảnh hưởng nặng nề thứ hai trong tiểu bang, có 25 trường hợp tử vong và 591 trường hợp mắc bệnh.
Vào một ngày cuối tuần nắng đẹp ở miền Nam California, các bãi biển, các tuyến đường đi bộ đường dài, khu giải trí và nhiều đường phố lại không có một bóng người. Các viên chức tiểu bang đã kêu gọi mọi người ở yên trong nhà trừ khi phải bắt buộc ra ngoài, và tiến hành tập thể dụng trong khu phố của họ.
Hầu hết các bãi biển, đường mòn, cơ sở giải trí và các doanh nghiệp không quan trọng đã đóng cửa theo lệnh của tiểu bang và địa phương. Cảnh sát cũng đã nhận được lệnh đuổi người dân khỏi những cơ sở đã đóng cửa. (BBT)
Người dân New York sẽ bị phạt đến 500 USD
nếu vi phạm ‘giãn cách xã hội’
Thị trưởng thành phố New York Bill de Blasio hôm 29/3 cho biết người dân New York nào vi phạm lệnh giải tán các cuộc tụ tập nơi công cộng của cảnh sát sẽ bị phạt tới 500 USD trong lúc dịch virus corona bùng phát.
Politico, tờ báo chuyên về quan điểm chính trị của Mỹ có trụ sở ở Virginia, cho biết rằng thị trưởng de Blasio đưa ra thông báo trên tại một cuộc họp báo, đồng thời nhấn mạnh rằng tiền phạt sẽ chỉ được ban hành như là phương sách cuối cùng đối với những người thực sự có ý định vi phạm lệnh của ông.
“(Cảnh sát) sẽ cho mọi người cơ hội để lắng nghe, và nếu có ai đó không nghe theo thì họ xứng đáng bị phạt vào thời điểm này,” ông de Blasio được Politico trích lời nói. “Tôi không muốn phạt người dân khi rất nhiều người đang gặp khó khăn về kinh tế, nhưng nếu tới bây giờ họ chưa hiểu được thông điệp này và nếu họ vẫn không hiểu được thông điệp này khi một nhân viên thực thi công lực nhìn thẳng vào mặt họ … thì họ xứng đáng bị phạt, vì vậy chúng tôi sẽ xúc tiến việc đó.”
Thị trưởng New York được trích lời nói rằng: “Bạn đã được cảnh báo đi cảnh báo lại nhiều lần,” và còn cho biết rằng tiền phạt sẽ được ban hành với các mức tăng là 250 USD, và mức phạt lên tới 500 USD nếu vi phạm các nguyên tắc ‘giãn cách xã hội.’
Thống đốc New York Andrew Cuomo đã ban hành lệnh cấm tụ tập hơn 50 người ở tiểu bang này hồi đầu tháng, theo sau chỉ thị trước đó của Thị trưởng de Blasio cấm tụ tập hơn 500 người.
Các cơ sở kinh doanh không thiết yếu của thành phố New York đã đóng cửa trong lúc các quan chức của thành phố cố gắng kiểm soát sự lây lan của virus corona, căn bệnh viêm đường hô hấp cấp hiện đã lây nhiễm tới hơn 30.000 người trong thành phố. Hơn 40 trường hợp tử vong do virus này đã được báo cáo trên toàn thành phố, theo The Hill.
Trong số những nỗ lực được thành phố công bố hôm 29/3 còn có việc thành lập một bệnh viện dã chiến bên trong Công viên Trung tâm nổi tiếng của thành phố, dưới sự chỉ đạo của một tổ chức viện trợ nhân đạo truyền giáo có tên Samaritan’s Purse.
Theo ghi nhận của Politico, Thị trưởng de Blasio nói rằng: “Chúng tôi sẽ sử dụng mọi địa điểm mà chúng tôi cần sử dụng. Đây là điều bạn sẽ thấy tại thời điểm này khi cuộc khủng hoảng này tiếp tục phát triển và ngày càng trở nên nghiêm trọng.”
Nhân viên giao hàng Amazon bị ghi lại
cảnh khạc nhổ vào các gói hàng ở Los Angeles
Tin từ Los Angeles, California – Một nhân viên giao hàng của Amazon đã bị ghi lại cảnh khạc nhổ vào một gói hàng trong khu dân cư Hancock Park ở Los Angeles. Camera an ninh Ring của người nhận đã ghi lại cảnh người đàn ông có hành động khạc nhổ, sau đó dùng tay bôi trét nước bọt lên bao bì. Sự việc xảy ra hôm thứ Năm (26 tháng 03). Người nhân viên Amazon sau đó ghi lại mãu số giao hàng và bỏ đi. Người nhận cho biết ông muốn tài xế được xét nghiệm COVID-19.
Ông nói với hãng ABC7 rằng công ty Amazon đã gọi cho ông để xin lỗi và gửi 50 Mỹ kim tiền bồi thường. Trong thông báo của Amazon, công ty nói rằng những hành động đó không phải là hình ảnh đại diện cho một tài xế giao hàng của Amazon, cũng như cách họ chăm sóc khách hàng trên toàn cầu mỗi ngày. Công ty đang tích cực điều tra sự việc, nếu xác nhận được hành vi của người tài xế, công ty chắc chắn sẽ buộc người đó phải chịu trách nhiệm, kể cả trách nhiệm pháp lý. Sau đó, hãng ABC7 nhận được thông tin rằng người tài xế không còn phục vụ giao hàng của Amazon nữa.
Mộc Miên
Hoàng tử Harry và nữ công tước Meghan tuyên bố
không yêu cầu sự giúp đỡ của Hoa Kỳ về chi phí an ninh
Tin từ WASHINGTON, DC – Vào hôm Chủ nhật (29 tháng 3), khi trả lời dòng tweet của Tổng thống Trump rằng Hoa Kỳ sẽ không chi trả cho chi phí an ninh cho hoàng tử Anh Quốc Harry và Nữ Công tước Meghan, cặp vợ chồng này tuyên bố họ không có kế hoạch yêu cầu chính phủ Hoa Kỳ hỗ trợ chi phí an ninh. Vào tháng 1, cặp vợ chồng này cho biết họ sẽ rời bỏ nhiệm vụ hoàng gia và gần đây đã dọn đến Los Angeles.
Trước đây, nữ công tước Meghan Markle, người kết hôn với Hoàng tử Harry vào năm 2018, đã từng chỉ trích tổng thống Trump là khinh rẻ phụ nữ và gây chia rẽ trong chiến dịch bầu cử tổng thống năm 2016. Hiện vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy Hoàng tử Harry hoặc chính phủ Anh Quốc yêu cầu chính phủ Hoa Kỳ trang trải chi phí an ninh, mà theo một số bài báo truyền thông cho biết lên tới hàng triệu mỹ kim mỗi năm. Hồi tuần trước, tờ báo Sun của Anh Quốc đưa tin rằng hai vợ chồng này đáp chuyến bay riêng tới Los Angeles, nhưng không nêu rõ thời điểm. Hồi đầu tháng này, Hoa Kỳ và Canada đồng ý đóng cửa biên giới của họ trước các chuyến du lịch không cần thiết để giảm bớt căng thẳng cho các hệ thống y tế do coronavirus gây ra. Cặp vợ chồng sống được vài tháng với con trai của họ, Archie, tại Vancouver ở Canada.
Mộc Miên
Các lực lượng do Hoa Kỳ lãnh đạo
rút khỏi căn cứ thứ 3 của Iraq trong tháng này
Tin từ BAGHDAD, Iraq – Vào hôm Chủ nhật (29/3), Liên minh do Hoa Kỳ lãnh đạo ở Iraq rút khỏi một căn cứ quân sự ở phía bắc Iraq. Căn cứ không quân K1 là địa điểm thứ ba mà lực lượng liên minh rút khỏi trong tháng này, theo kế hoạch của Hoa Kỳ nhằm dồn binh sĩ của họ chỉ tại hai địa điểm ở Iraq. Một cuộc tấn công bằng hỏa tiễn vào căn cứ vào cuối tháng 12 giết chết một nhà thầu Hoa Kỳ và dẫn đến một loạt các cuộc tấn công ăn miếng trả miếng giữa Hoa Kỳ và các nhóm dân quân Iraq được Iran hậu thuẫn.
Các cuộc tấn công lên đến cao điểm trong vụ ám sát ông Qassem Soleimani, vị tướng hàng đầu của Iran, và ông Abu Mahdi al-Muhandis , một lãnh đạo dân quân cao cấp của Iraq. Theo một tuyên bố của liên minh, các lực lượng liên minh bàn giao căn cứ K1 ở tỉnh Kirkuk tại miền bắc Iraq cho quân đội Iraq. Ít nhất 1.1 triệu mỹ kim thiết bị được chuyển cho người Iraq khi 300 binh sĩ liên minh rút đi. Cho đến tháng trước, có khoảng 7,500 quân liên minh đóng tại Iraq, trong đó có 5,000 binh sĩ Hoa Kỳ. Đại tá Myles Caggins, phát ngôn viên của liên minh cho biết việc rút quân dự kiến sẽ diễn ra “trong những ngày tới” từ một căn cứ ở miền tây Iraq. Ông tuyên bố rằng các binh sĩ cho đến nay được chuyển đến các căn cứ khác trong Iraq và một số người sẽ về lại Mỹ trong những tuần tới, nhưng không nêu rõ quân số.
Mộc Miên
https://www.sbtn.tv/cac-luc-luong-do-hoa-ky-lanh-dao-rut-khoi-can-cu-thu-3-cua-iraq-trong-thang-nay/
Lo ngại dịch bệnh, Mỹ hủy kế hoạch
tập trận “Balikatan 2020” với Philippines
Bộ Tư lệnh Ân Độ – Thái Bình Dương của Mỹ (26/3) thông báo hủy kế hoạch tập trận “Balikatan 2020” (vai kề vai) với Philippines do lo ngại dịch bệnh ảnh hưởng đến sức khỏa và an ninh của người dân địa phương.
Theo thông báo trên, cuộc tập trận dựa kiến được tổ thức từ 4-15/5 giữa quân đội Mỹ và Philippines sẽ bị hủy bỏ. Bộ Tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương cho biết việc hủy bỏ cuộc tập trận này phù hợp với các quy định và biện pháp thực thi của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ và Philippines nhằm đối phó với dịch bệnh do virus nCoV hiện nay. Đô đốc Philip Davidson, chỉ huy Bộ Tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương, cho biết: “Trong trường hợp dịch bệnh như hiện nay, quyết định khôn ngoan là hủy bỏ cuộc tập trận Vai kề vai vì sức khỏe và sự an toàn của binh sĩ cả hai nước”.
Trước đó, Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Philippines, Chuẩn tướng Edgard Arevalo (04/3) cho biết Philippines và Mỹ vẫn tổ chức diễn tập quân sự chung dù mới đây Manila đã gửi thông báo chính thức tới Washington về quyết định chấm dứt Thỏa thuận Các lực lượng thăm viếng (VFA). Theo kế hoạch, một số binh lính Mỹ sẽ tới Philippines vào tháng 4 tới để tham gia các hoạt động chuẩn bị cho cuộc tập trận chung Balikatan (Vai kề vai) nhằm tăng cường khả năng tác chiến giữa hai lực lượng. Phía Mỹ sẽ cử một nhóm binh lính tiền trạm đến Philippines từ tháng 4 để chuẩn bị thiết bị và vật tư y tế cần thiết, sẵn sàng phục vụ binh lính Mỹ tới thực hiện các hoạt động tập trận trong tháng 5/2020.
“Vai kề vai” (Balikatan) được coi là lớn nhất giữa hai nước và có nhiều vũ khí, phương tiện kỹ thuật quân sự hiện đại tham gia. Trong năm 2019, cuộc tập trận Balikatan có sự tham gia của 4.000 binh lính Philippines, 3.500 binh lính Mỹ và 50 thành viên lực lượng quốc phòng Australia, cùng quan sát viên của 7 quốc gia khác. Cuộc tập trận chủ yếu diễn ra tại hòn đảo Luzon và Palawan. Cuộc tập trận bao gồm các hoạt động đổ bộ, huấn luyện bắn đạn thật, các chiến dịch trong đô thị, hoạt động hàng không và ứng phó chống khủng bố. Tại cuộc tập năm 2019, cả hai nước đều sử dụng một số thiết bị quân sự hiện đại. Trong đó, Mỹ lần đầu sử dụng máy bay chiến đấu mới F-35B Lightning II kết hợp với tàu tấn công đổ bộ đa năng USS Wasp của Hải quân Mỹ trong cuộc tập trận; đồng thời còn có sự góp mặt của tiêm kích cơ chiến đấu F-18 và máy bay cất cánh thẳng đứng V-22 cùng nhiều loại máy bay khác.
Mỹ viện trợ gần 3 triệu USD cho Việt Nam
chống dịch COVID-19
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hôm 27-3 thông báo hỗ trợ 274 triệu USD hỗ trợ nhân đạo và y tế khẩn cấp cho 64 nước trên thế giới để chống đại dịch COVID-19, trong đó Việt Nam nhận được số tiền gần 3 triệu USD.
Theo thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ, số tiền hỗ trợ y tế này sẽ giúp chính phủ Việt Nam chuẩn bị hệ thống phòng thí nghiệm, kích hoạt hệ thống giám sát phát hiện trường hợp khả nghi và dựa trên sự kiện, hỗ trợ chuyên gia trong việc ứng phó và chuẩn bị, truyền thông về rủi ro, phòng ngừa và kiểm soát lây nhiễm, …
Trong vòng 20 năm qua, Mỹ đã đầu tư hơn 706 triệu USD vào hỗ trợ y tế và tổng cộng 1,8 tỷ USD hỗ trợ tổng thể.
Hôm 26-3, chính phủ Trung Quốc cũng thông báo hỗ trợ khẩn cấp y tế cho 83 quốc gia chống dịch COVID-19 nhưng không nêu cụ thể danh tính các nước và không rõ liệu Việt Nam có nằm trong số được viện trợ.
Hôm 9-2, chính phủ Việt Nam điều một chuyên cơ chuyển số vật tư, trang thiết bị y tế gồm máy thở, quần áo sát khuẩn, găng tay và khẩu trang y tế với tổng trị giá 500 ngàn USD viện trợ cho thành phố Vũ Hán của Trung Quốc, kèm vật tư y tế của Hội Chữ thập đỏ trị giá 100 ngàn USD.
Chuyên cơ này sau đó chở khoảng 30 công dân Việt từ tâm dịch về nước.
Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng, đây là các trang thiết bị, vật tư y tế tốt nhất mà Việt Nam đang có trong bối cảnh Việt Nam cũng đang có nhu cầu rất lớn đối với các trang thiết bị, vật tư y tế để chống lại ảnh hưởng của dịch bệnh.
ĐS Mỹ: Hoa Kỳ sát cánh cùng Việt Nam
trong trận chiến chống COVID-19
Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink hôm 31/3 nói rằng Mỹ ủng hộ và sẽ luôn sát cánh cùng Việt Nam trong cuộc chiến chống đại dịch virus corona hiện đang lan khắp toàn cầu.
Mở đầu thông điệp qua một video đăng trên trang Facebook chính thức của Đại Sứ quán Mỹ ở Việt Nam, ông Kritenbrink, người đảm nhiệm chức đại sứ thay cho ông Ted Osius từ tháng 11/2017, gửi lời cám ơn đến những người Việt Nam ở tuyến đầu chống dịch Covid-19.
“Công việc của các bạn đang cứu sống rất nhiều người,” đại sứ Mỹ nói.
Trong thông điệp của mình, ông Kritenbrink cho rằng đại dịch Covid-19 đang tác động tiêu cực tới hàng triệu người, đến nhiều nền kinh tế và xã hội, trong đó có Việt Nam.
Bộ Y Tế Việt Nam cho biết hiện có hơn 200 ca dương tính với virus corona nhưng không có trường hợp tử vong nào. Trong khi đó, Mỹ đã trở thành tâm dịch của thế giới với cảnh báo có thể lên đến hàng triệu ca nhiễm và số lượng tử vong có thể lên đến 200.000 vì đại dịch này.
Ông Kritenbrink khẳng định Mỹ luôn ủng hộ Việt Nam trong trận chiến chống dịch. Ông cho biết ngay từ những ngày đầu của cuộc khủng hoảng, đội ngũ y tế của Mỹ đã hợp tác với chính phủ Việt Nam trong việc kiểm soát và ứng phó với những diễn biến của dịch bệnh.
Theo nhà ngoại giao Mỹ, Washington trong 20 năm qua đã hỗ trợ Hà Nội 706 triệu USD trong lĩnh vực y tế. Mỹ còn trợ giúp đáng kể về kỹ thuật và tài chính trong trong thập kỷ qua giúp Việt Nam ngăn chặn, phát hiện và ứng phó các bệnh truyền nhiễm. Ông cho biết Mỹ và Việt Nam sẽ tiếp tục sự hợp tác không chỉ trong thời điểm chống dịch Covid-19 mà còn sau khi dịch được khống chế.
“Các đối tác luôn sát cánh bên nhau, và Hoa Kỳ luôn luôn sát cánh cùng Việt Nam trong trận chiến chống Covid-19 này,” ông Kritenbrink khằng định.
Trong thông điệp ngày 31/3, đại sứ Mỹ còn ca ngợi chính phủ Việt Nam vì đã “xuất sắc khi đương đầu với đại dịch Covid-19 và vẫn đang tiếp tục chủ động, hợp tác và minh bạch trong việc chống dịch.”
Trước đó, ông Kritenbrink cũng đã đánh giá cao các phản ứng nhanh của Việt Nam trong việc ứng phó với dịch qua việc thực hiện cách ly tập trung.
Tính đến ngày 26/3, Việt Nam đã cách ly 44.955 người, với gần một nửa trong số đó đang được cách ly tại các doanh trại quân đội, theo một thống kê của Reuters.
Trong các tuyên bố của Chính phủ Việt Nam, cuộc chiến chống Covid-19 được mô tả là “cuộc tổng tấn công mùa xuân năm 2020”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hôm 31/3 đưa ra chỉ thị “cách ly toàn xã hội từ 0 giờ 1/4 trên phạm vi toàn quốc” nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.
Toàn bộ nhân viên Phái đoàn Ngoại giao Mỹ tại Việt Nam, theo ông Kritenbrink cho biết, đang cố gắng làm việc tại nhà nhiều nhất có thể theo khuyến cáo của chính phủ Việt Nam và Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát Bệnh tật Mỹ nhằm làm hạn chế tối đa sự lây nhiễm của Covid-19.
Mỹ ra luật ‘hỗ trợ’ Đài Loan, TQ nói sẽ trả đũa
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký ban hành một đạo luật tăng cường hỗ trợ của Mỹ cho Đài Loan trên trường quốc tế, khiến Trung Quốc ngay lập tức lên án, tuyên bố sẽ trả đũa nếu luật được thực thi.
Trung Quốc tuyên bố Đài Loan là lãnh thổ của mình và thường mô tả đây là vấn đề nhạy cảm nhất trong quan hệ với Mỹ.
Trong khi Mỹ, giống như hầu hết các quốc gia, không có quan hệ chính thức với Đài Loan, chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã tăng cường ủng hộ hòn đảo này, với việc bán vũ khí và thông qua các điều luật giúp Đài Loan đối phó với áp lực từ Trung Quốc. Sáng kiến Bảo vệ và Tăng cường Quốc tế Đồng minh Đài Loan (TAIPEI), được ông Trump ký thành luật hôm thứ Năm (giờ Mỹ) với sự ủng hộ của lưỡng đảng, yêu cầu Bộ Ngoại giao Mỹ báo cáo trước Quốc hội về các bước thực hiện để tăng cường quan hệ với Đài Loan, theo Reuters.
Điều này cũng đòi hỏi Mỹ điều chỉnh quan hệ với các quốc gia khác trong mối liên hệ tương quan với Đài Loan. Vùng lãnh thổ này phàn nàn rằng Trung Quốc đang “ve vãn” các quốc gia duy trì mối quan hệ chính thức với Đài Loan, ngăn hòn đảo này tham gia các cơ quan quốc tế như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Trung Quốc nói rằng Đài Loan chỉ là một trong những tỉnh của họ, không có quyền đầy đủ của một quốc gia.
Trung Quốc đã tăng cường các cuộc tập trận quân sự quanh Đài Loan trong những tuần gần đây bất chấp sự bùng phát của coronavirus, xuất hiện ở một tỉnh miền trung Trung Quốc vào cuối năm ngoái, nay đã trở thành đại dịch toàn cầu. Đài Loan nói rằng Trung Quốc nên tập trung nhiều hơn vào việc chống dịch hơn là đe dọa hòn đảo nay.
Trung Quốc tỏ ra tức giận về những cáo buộc của Mỹ rằng họ đã xử lý kém sự bùng phát của coronavirus và luật mới càng khiến quan hệ đôi bên thêm căng thẳng. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói hành động của Mỹ trái với luật pháp quốc tế, là một sự can thiệp thô bạo vào các vấn đề nội bộ của Trung Quốc, cản trở các quốc gia có chủ quyền khác phát triển quan hệ bình thường với Trung Quốc.
“Chúng tôi kêu gọi Mỹ sửa chữa những sai lầm của mình, không thực thi bộ luật hoặc cản trở sự phát triển quan hệ giữa các quốc gia khác với Trung Quốc, nếu không chắc chắn sẽ phải đối mặt với sự đáp trả cương quyết của Trung Quốc”, ông Cảnh nói, mà không đưa ra chi tiết.
Mỹ đặc biệt quan tâm đến việc Trung Quốc tăng cường quan hệ với các đồng minh Đài Loan ở Thái Bình Dương và châu Mỹ Latinh, các khu vực mà Washington thường coi là vùng ảnh hưởng của mình.Đài Loan hiện chỉ có quan hệ ngoại giao với 15 nước, hầu hết là quốc gia nhỏ và đang phát triển như Nauru, Belize và Honduras.
http://biendong.net/bi-n-nong/33810-my-ra-luat-ho-tro-dai-loan-tq-noi-se-tra-dua.html
Tình báo Mỹ: Khó có tin xác thực
về corona tại TQ, Nga, Triều Tiên
Trong lúc các cơ quan tình báo Mỹ đang tìm cách tìm hiểu tình hình xác thực của dịch bệnh COVID-19 trên thế giới, họ tìm thấy những cách biệt lớn trong khả năng tiếp cận tình hình ở Trung Quốc, Nga, và Triều Tiên, theo các nguồn tin chính phủ Mỹ được Reuters trích dẫn.
Các thông tin về tác động đầy đủ của đại dịch tại Iran cũng bị hạn chế dù thông tin về các ca nhiễm và tử vong ở Iran càng ngày càng xuất hiện nhiều hơn trên truyền thông chính thống cũng như truyền thông xã hội.
Bốn nước này, theo các cơ quan tình báo Mỹ, là ‘các mục tiêu khó’ vì sự kiểm duyệt thông tin gắt gao của nhà nước sở tại và những khó khăn trong việc thu thập tình báo từ bên trong giới lãnh đạo khép kín.
Các chuyên gia nói rằng đánh giá chính xác dịch bệnh tại các nước này sẽ giúp Mỹ và quốc tế giới hạn thiệt hại về người và của do COVID-19 gây ra.
Các cơ quan tình báo Mỹ bắt đầu báo cáo về dịch bệnh corona từ tháng Giêng và đã cung cấp các cảnh báo sớm cho giới lập pháp Mỹ về đợt bùng phát dịch ở Trung Quốc, nơi virus corona khởi phát từ Vũ Hán cuối năm ngoái.
Dù có chung đường biên giới với Trung Quốc, nhưng Triều Tiên tới nay vẫn một mực nói chưa có ca nhiễm nào, nhưng vẫn yêu cầu các cơ quan cứu trợ quốc tế cung cấp khẩu trang và các bộ xét nghiệm.
Nhà chức trách Nga đang tính tới chuyện phong toả toàn quốc sau khi ghi nhận số ca nhiễm tăng kỷ lục trong từng ngày trong suốt 6 ngày liên tiếp, với tổng cộng 1.836 ca và 9 người chết.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuần trước có lưu ý tới tính chính xác từ thông tin do Nga và Iran cung cấp, đồng thời tố cáo Trung Quốc về chiến dịch làm sai lệch thông tin, điều mà Bắc Kinh phủ nhận.
Các cơ quan Mỹ vẫn hoài nghi về việc Trung Quốc loan báo đã kiểm soát được dịch bệnh, nguồn tin của Reuters cho biết.
Mỹ đề xuất ‘chuyển tiếp chính trị’ tại Venezuela
để đổi lại dỡ bỏ trừng phạt
Chính quyền Trump kêu gọi thành lập một chính phủ chuyển tiếp bao gồm phe đối lập và một số thành phần thuộc Đảng Xã hội Chủ nghĩa của Tổng thống Nicolas Maduro tại Venezuela, và lần đầu tiên đề ra khả năng Mỹ sẽ dỡ bỏ dần các lệnh chế tài, kể cả đối với ngành dầu mỏ trọng yếu của nước này.
Vài lúc quốc gia Nam Mỹ đang chịu áp lực kinh tế từ các lệnh trừng phạt của Mỹ, trong khi giá dầu thế giới giảm thấp còn đại dịch Covid-19 lan rộng, Washington ngày 31/3 theo dự kiến sẽ đưa ra một biện pháp nhẹ nhàng hơn nhắm thúc đẩy cho một cuộc bầu cử công bằng trong năm nay nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị tại đây, Reuters dẫn lời các giới chức Mỹ cho biết.
Theo một tài liệu mà hãng thông tấn Anh có được, Bộ trưởng Ngoại giao Mike Pompeo sẽ loan báo “Khung sườn Chuyển đổi Dân chủ” cho Venezuela, bao gồm chi tiết về “trình tự tháo dỡ” khỏi các lệnh trừng phạt cứng rắn của Hoa Kỳ nếu như ông Maduro và các đồng minh hợp tác.
Tuy nhiên, theo Reuters, sẽ không dễ lôi kéo ông Maduro vào một quá trình hòa giải chính trị. Ông Maduro hiện vẫn đang nắm giữ quyền lực bất chấp những nỗ lực leo thang liên tục của Hoa Kỳ nhằm loại bỏ ông.
Sáng kiến này được đưa ra chưa đầy một tuần sau khi chính phủ Hoa Kỳ thực hiện một cuộc đối đầu gay gắt hơn, buộc tội ông Maduro và hơn một chục cựu quan chức và quan chức đương nhiệm hàng đầu khác của Venezuela với cáo buộc “chủ nghĩa khủng bố ma túy”, điều mà ông Madura bác bỏ là “sai trái” và “kỳ thị”.
Reuters dẫn nguồn tin riêng từ một số giới chức Hoa Kỳ nói việc ông Maduro tiếp tục nắm giữ quyền lực là nỗi thất vọng đối với Tổng thống Donald Trump. Ông Maduro hiện vẫn giữ được sự ủng hộ của quân đội cũng như từ phía Nga, Trung Quốc và Cuba.
Đại diện đặc biệt của Hoa Kỳ tại Venezuela Elliott Abrams nói với Reuters rằng đề xuất của Hoa Kỳ, đã được ông Trump chấp thuận, kêu gọi ông Maduro “lùi bước” và để Quốc hội, do đối lập kiểm soát, “bầu ra một chính phủ chuyển tiếp bao gồm các phe phái chính”, và sau đó giám sát các cuộc bầu cử vào cuối năm 2020.
Tuy nhiên, trong kế hoạch có vẻ dịu giọng của Hoa Kỳ đối với ông Maduro, ông Abrams nói kế hoạch không áp lực buộc ông Maduro phải lưu vong và thậm chí còn đề nghị “có thể tranh cử về mặt lý thuyết”.
Theo các chuyên gia, Venezuela nằm trong số các quốc gia OPEC có nguy cơ bị nhiễm dịch Covid-19 nặng nhất.
Cuối tuần qua, lãnh đạo phe đối lập Juan Guaido đã đề xuất thành lập một chính phủ khẩn cấp để chống lại dịch bệnh về hô hấp.
Reuters dẫn lời các giới chức Mỹ cho biết kế hoạch của Hoa Kỳ được xây dựng dựa trên nỗ lực của ông Guaido, người đã được Hoa Kỳ và hơn 50 quốc gia khác công nhận là tổng thống hợp pháp của đất nước này, cũng như từ vòng đàm phán thất bại giữa hai bên ở Barbados vào năm ngoái mà chính quyền Trump đã bác bỏ vào thời điểm đó.
Ông Abrams cho biết các biện pháp trừng phạt cá nhân đối với hàng chục quan chức chính phủ Venezuela có thể được dỡ bỏ ngay khi họ từ bỏ chức vụ dưới sự chuyển tiếp.
Các lệnh trừng phạt kinh tế rộng hơn, bao gồm cả với ngành dầu mỏ Venezuela và công ty dầu mỏ nhà nước PDVSA, sẽ chỉ được dỡ bỏ sau khi ông Maduro từ chức và “tất cả các lực lượng an ninh nước ngoài được rút đi”, hàm ý các gián điệp Cuba và một nhóm nhỏ người Nga.
Tuy nhiên, ông Abrams nói rằng đề xuất không có cơ chế thu hồi cáo trạng hình sự đối với ông Maduro và các đồng phạm bị cáo buộc. “Người dân nên thuê luật sư và làm việc với Bộ Tư pháp”, ông nói thêm.
Đồng thời, kế hoạch cũng kêu gọi ân xá và thành lập “Ủy ban Hòa giải và Sự thật”, trong khi cho phép các sĩ quan quân đội, thống đốc và thị trưởng cấp cao được tại vị trong thời kỳ chuyển tiếp, ông Abrams cho biết.
Vẫn theo kế hoạch trên, Tòa án Tối cao và Hội đồng bầu cử quốc gia sẽ được thay thế, các tù nhân chính trị được phóng thích và chấm dứt kiểm duyệt, Reuters dẫn tài liệu của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết.
Ông Guaido cũng sẽ từ chức trong quá trình chuyển tiếp.
Theo ông Abrams, nếu kế hoạch được thông qua, Venezuela có thể nhận đực sự trợ giúp từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế và chính quyền Mỹ cũng sẽ yêu cầu Quốc hội Hoa Kỳ phê duyệt viện trợ.
Nhà làm phim Canada: Tuyên truyền về virus
Trung Cộng đã trở nên tinh vi hơn
Minh Hòa
Bắc Kinh đang tuyên truyền để biến sai trái của họ về sự bùng phát của COVID-19 thành một chiến tích của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), theo nhận định của một nhà làm phim Canada gốc Hoa nói với báo Nikkei của Nhật Bản.
Trong cuộc phỏng vấn với Nikkei, ông Leon Lee cho biết những người bạn của ông ở Trung Quốc khá cởi mở và hiểu biết nhưng lại đang tin theo lời tuyên truyền của ĐCSTQ. Ông nói điều đó cho thấy sức mạnh tuyên truyền của Bắc Kinh đã trở nên tinh vi hơn rất nhiều.
Ông Lee thuật lại lời của bạn ông: “Họ nói là ‘cần có một chế độ như Đảng Cộng sản thì mới đánh bại được virus’”. Tuy nhiên, ông Lee tin chắc rằng nếu chính quyền ĐCSTQ không bưng bít thông tin về virus Trung Cộng, thì “sẽ không cần phải đóng cửa toàn bộ thành phố.”
Ông Lee cho rằng không phải những người bạn của ông trở nên “cả tin hơn”, mà là “bộ máy tuyên truyền” của ĐCSTQ đã trở nên “tinh vi hơn”.
Vì sao SARS-CoV-2 được gọi là Virus Trung Cộng?
Chính quyền Trung Quốc đã biết đến ca nhiễm COVID-19 đầu tiên ở Vũ Hán từ ngày 17/11/2019. Thay vì thực hiện các biện pháp ngăn chặn kịp thời, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã bưng bít thông tin và trừng phạt những người tiết lộ sự thật ra công chúng.
Khoảng 5 triệu người đã rời khỏi Vũ Hán tới nhiều nước trên thế giới trước khi chính quyền Trung Quốc phong tỏa thành phố này từ ngày 23/1/2020.
Trong khi SARS-CoV-2 bị nghi ngờ có nguồn gốc từ phòng thí nghiệm vũ khí sinh học ở Vũ Hán, ĐCSTQ đang cố gắng đổ tội cho Mỹ, Ý, hay bất kỳ quốc gia nào khác về nguồn gốc dịch bệnh.
Để chỉ rõ trách nhiệm của ĐCSTQ dẫn đến sự bùng phát của virus Vũ Hán trên toàn cầu, nhiều chuyên gia, kênh truyền thông và chính khách trên thế giới gọi SARS-CoV-2 là “Virus Trung Cộng” (CCP Virus).
Những điều giả dối
Là người lớn lên tại thành phố Đại Liên của Trung Quốc, ông Lee cho biết trước đây chính quyền Trung Quốc “sẽ phớt lờ các vấn đề không thuận, nhưng giờ đây họ sẽ xoay vần nó để khiến bạn tự đi đến kết luận của riêng mình” theo định hướng tuyên truyền.
Ông Lee lập luận rằng Bắc Kinh đang cố gắng biến sai lầm của họ về sự bùng phát của virus Trung Cộng để trở thành một cuộc chiến thành công do Đảng lãnh đạo.
Ông Lee nói rằng ông từng tin những lời tuyên truyền tương tự trước khi ông chuyển đến Canada vào năm 2006, ở tuổi 25. Khi đó, ông mới được xem đoạn phim về Thảm sát Thiên An Môn năm 1989.
Ông cho biết, phản ứng đầu tiên của ông là “nổi giận với người bạn đã cho tôi xem video”. Ông luôn nghĩ vụ thảm sát chỉ là “tuyên truyền do CIA chế tạo để phỉ báng đất nước chúng tôi”. Điều này cũng tương tự với việc giới chức Trung Quốc gần đây đổ tội cho Mỹ đã đưa virus corona đến Trung Quốc.
Dần dần, qua nghiên cứu của chính mình và nghiên cứu tại Đại học British Columbia ở Canada và sau đó là Đại học Cornell ở Hoa Kỳ, ông Lee nhận ra rằng nhiều sự kiện lịch sử mà ông đã học ở Trung Quốc “là giả dối”.
Sau “trải nghiệm đau đớn” này, ông Lee nói rằng ông đã thay đổi quan điểm của mình đối với cách đối xử của chính quyền Trung Quốc đối với cái gọi là “năm độc dược”, bao gồm: Những người Duy Ngô Nhĩ và người Tây Tạng muốn độc lập, các học viên Pháp Luân Công, các nhà hoạt động dân chủ và những người ủng hộ nền độc lập của Đài Loan.
Giờ đây, ông Lee coi họ là “những người tốt nhất ở Trung Quốc” – những người như Sun Yi, người đàn ông xuất hiện trong bộ phim tài liệu “Thư từ Mã Tam Gia” do ông sản xuất được công chiếu ở Tokyo vào ngày 21/3.
Thư từ Mã Tam Gia
Bộ phim thuật lại những điều mà Sun Yi, một kỹ sư và một học viên Pháp Luân Công, phải chịu đựng trong trại lao động cưỡng bức ở Mã Tam Gia, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc.
Phải làm việc trong tình cảnh như nô lệ và trải qua các hình thức ngược đãi khác nhau, ông Sun đã mạo hiểm viết 20 lá thư cầu cứu và giấu chúng trong những gói hàng mà ông tham gia sản xuất. Tình cờ, một người phụ nữ ở tiểu bang Oregon của Mỹ đã mua một gói hàng – một hộp trang trí Halloween – và phát hiện ra lá thư của ông Sun. Bà đã công bố lá thư và thu hút được sự chú ý của giới truyền thông cùng công chúng trên thế giới.
Trước những chỉ trích quốc tế, chính quyền ĐCSTQ đã bãi bỏ các trại cải tạo lao động vào năm 2013, nhưng các hình thức giam giữ tùy tiện khác vẫn tiếp diễn.
Nhà làm phim Leon Lee nói chính quyền Trung Quốc sợ những người “nói ra sự thật” như ông Sun.
Sau khi được thả tự do, ông Sun một lần nữa mạo hiểm tính mạng khi thực hiện các cảnh quay về các trại cưỡng bức lao động, dưới sự chỉ đạo từ xa của ông Lee ở Canada. Kết quả là bộ phim tài liệu “Thư từ Mã Tam Gia” đã được hoàn tất với phần lớn các cảnh quay của ông Sun và được công chiếu lần đầu tiên ở Canada vào năm 2018.
Ông Sun sau đó thoát khỏi Trung Quốc và tới Thái Lan, nhưng đã tử vong bất thường ở Jakarta, làm dấy lên nghi ngờ về sự thanh trừng của ĐCSTQ về những gì ông đã làm. Nguyên nhân cái chết được cho là suy thận, dù ông không có tiền sử nào về bệnh thận. Cơ thể của ông Sun đã bị hỏa táng mà không được khám nghiệm tử thi.
Tuyên truyền và bạo lực
Ông Lee tin rằng tuyên truyền và bạo lực là hai trụ cột giữ cho Đảng Cộng sản nắm quyền. Ông nói: “Nếu bạn bỏ đi bất kỳ trụ cột nào trong số đó, họ sẽ sụp đổ”.
Một trụ cột khác là mạng lưới giám sát ngày càng mở rộng, được hỗ trợ bởi trí tuệ nhân tạo và giờ đây, dịch bệnh dường như đang thúc đẩy sự lan rộng của công nghệ này.
Nhưng ông Lee lạc quan rằng nếu ngày càng có nhiều người biết được sự thật thì tuyên truyền của ĐCSTQ sẽ không còn hiệu quả, và “những người thực thi bạo lực – như binh lính và cảnh sát – sẽ không dám làm điều đó nữa”.
Nhà làm phim Leon Lee (bên phải) được trao giải thưởng Peabody cho phim tài liệu Human Harvest về nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức ở Trung Quốc (ảnh chụp màn hình Peabody Award / Youtube).
Ông Lee phân tích: “Đối với nhiều người đang bảo vệ Trung Cộng, những gì họ thực sự làm là bảo vệ lòng tự tôn của họ. Vì bị tuyên truyền và tẩy não, họ không thể phân biệt được sự khác biệt giữa Đảng Cộng sản và văn hóa cũng như nhân dân Trung Quốc”.
Hiện tại, ông Lee cảm thấy mình có bổn phận phải “nói cho mọi người biết chuyện gì đang thực sự diễn ra”. Ông nói: “Không có gì hiệu quả hơn thế. Không còn gì mà Trung Cộng sợ hơn thế”.
Đại dịch Covid-19 :
Cơ hội để Cuba “xuất khẩu” ồ ạt y bác sĩ
Minh Anh
Từ Jamaica đến Nicaragua đi qua cả Guyane và Ý, Cuba đến hỗ trợ cho khoảng 40 quốc gia chống dịch virus corona. Trong khi đó, Cuba cũng khép cửa biên giới và tự cách ly từ hôm 24/03/2020.
Trang mạng của đài phát thanh France Culture ghi nhận « với cuộc khủng hoảng dịch tễ này, chưa bao giờ Cuba xuất khẩu y bác sĩ nhiều đến như thế ». Đã từ lâu, y tế và đào tạo y sĩ là một trong những ưu tiên của đảo quốc nằm trong biển Caribê này. Chế độ Cuba phô trương điều này như là một tấm gương thành công của chính sách xã hội chủ nghĩa của mình. Theo bộ Y Tế Cuba, nước này có hơn 76.000 bác sĩ cho hơn 11 triệu dân, 15.000 nha sĩ, 89.000 y tá và một khoa Y được mở tại các nước Nam Mỹ.
Hàng chục ngàn sinh viên châu Mỹ Latinh, châu Phi và châu Á đến học tập tại Cuba và cùng lúc, La Habana gởi đi 25.000 bác sĩ đến châu Mỹ Latinh, chủ yếu tại Venezuela và Brazil, nhưng cũng có châu Phi, Pakistan hay Haïti. Chính quyền La Habana đưa ra con số 50.000 chuyên viên y tế được gởi đi làm nhiệm vụ ở nước ngoài. Nhưng cũng có hàng chục ngàn trong số này buộc phải trở về nước, hoặc là bị các lãnh đạo mới của những nước họ đến hợp tác trục xuất (chẳng hạn như tại Bolivia, Brazil), hoặc vì lý do khủng hoảng như tại Venezuela. Chính quyền La Habana và Caracas từng có một thỏa thuận đối tác « đổi dầu lấy đội ngũ bác sĩ ».
Tình liên đới cũng có cái giá
Chính quyền Cuba sử dụng « lá bài y tế » từ năm 1963, ngày mà « đội quân y tế Cuba đầu tiên thi hành nhiệm vụ quốc tế » được gởi đến Algeri. Với danh nghĩa vì tình liên đới, chủ nghĩa nhân đạo và chủ nghĩa xã hội, các y sĩ Cuba ngày nay hoạt động trên khoảng 40 quốc gia. Họ có nhiều kinh nghiệm về tình trạng khẩn cấp y tế nhất là trên phương diện dịch tễ học. Năm 2014, trong trận dịch Ebola, Cuba đã đến hỗ trợ 37 nước, rồi cũng chính những bác sĩ Cuba đó đến chống dịch tả ở Haïti sau trận động đất. Nhiệm vụ của các bác sĩ Cuba ở nước ngoài mỗi năm mang về cho đất nước từ 8-10 tỷ đô la, cao hơn cả « remesas » – số tiền của kiều dân Cuba gởi về và nguồn thu từ du lịch.
Việc chính quyền Donald Trump và nhất là cựu cố vấn an ninh John Bolton siết chặt các lệnh trừng phạt nhắm vào Cuba đã bóp nghẹt nguồn tài chính của đất nước. Thái độ của Mỹ, thù nghịch với Venezuela và Cuba lôi kéo nhiều nước khác đi theo chính sách của Mỹ và xoay lưng lại với chế độ anh em nhà Castro. Các lãnh đạo Brazil, Bolivia, Ecuador đã cho hồi hương các bác sĩ Cuba. Hiện chỉ có Achentina và Mêhicô là vẫn chưa « theo đuôi » Mỹ.
Nguồn thu bị giảm, cũng như là tiền của kiều dân Cuba gởi về bị hạn chế vì các lệnh trừng phạt của Mỹ, buộc Cuba phải nghĩ đến những giải pháp thay thế. Khi đưa ra những lá chủ bài y tế tại vùng Lombardia, chính phủ Cuba hy vọng thu được một số thành quả ngoại giao và tài chính. Hiện tại, không thể nào biết được Ý sẽ trả gì cho Cuba.
Chính quyền La Habana vốn đã bình thường hóa quan hệ với Liên Hiệp Châu Âu đang dựa vào một số nước mà Cuba đã xích lại gần như Tây Ban Nha và Pháp nhằm tìm cách đối trọng với chính sách của Hoa Kỳ. Cũng nhờ vào Cuba mà Paris có được lá phiếu gia nhập các nước châu Mỹ Latinh vào thượng đỉnh khí hậu COP 21. Đổi lại, Câu lạc bộ Paris đã giãn nợ cho Cuba. Và La Habana gởi các nhân viên y tế đến Guyane, lãnh thổ hải ngoại của Pháp, bị chính quyền « lãng quên » về mặt y tế.
Những bác sĩ phục vụ cho Nhà nước
Các nhân viên y tế Cuba đi làm ở nước ngoài cam kết thực thi nhiệm vụ trong vòng ba năm, không có gia đình. Những ai vi phạm các quy định đề ra có nguy cơ lãnh án 3 năm tù. Hơn nữa, điều kiện làm việc của những bác sĩ này đã bị một tổ chức bảo vệ dân chủ ở Madrid, Prisoners Defenders lên án. Theo tổ chức này, « hàng ngàn người Cuba bị cưỡng bức tham gia vào các nhiệm vụ để giúp cho chính phủ » và do vậy, « rất nhiều người trong số họ đã bỏ trốn ».
Đối với những ai trở về nước, rất nhiều người trong số họ bị rút hộ chiếu để « giữ bí mật thông tin » và thậm chí còn bị chế độ tịch thu một phần lương. Dù vậy, đại đa số các bác sĩ thà chấp nhận các trói buộc này hơn là ở lại với những quy định và điều kiện sống ngày càng xuống cấp ở trong nước.
http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200331-cuba-y-te-dich-benh-covid19-quoc-te
Covid-19 khiến giới lãnh đạo Mỹ Latinh đặt câu hỏi
về mối quan hệ thân thiết với Trung Quốc
Hải Lam
Đại dịch virus corona toàn cầu bùng phát ở Trung Quốc đang khiến các nhà lãnh đạo Mỹ Latinh theo trường phái Bảo thủ (ủng hộ các giá trị truyền thống) đặt câu hỏi về các nguyên lý chủ yếu trong chính sách đối ngoại của khu vực.
Trước đây, một nguyên lý đang có xu hướng mở rộng trong chính sách đối ngoại của Mỹ Latinh trong thập niên qua là cắt đứt quan hệ với Đài Loan và kết thân với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, trừ một số trường hợp ngoại lệ. Trong khi khu vực vẫn được hưởng lợi từ công nghệ và sự đầu tư của Đài Loan, thì trong vài năm qua, Costa Rica, Panama, El Salvador và Cộng hòa Dominican đã bắt tay với chính quyền Bắc Kinh và phá vỡ mối quan hệ với Đài Loan. Hiện tại, chỉ có Guatemala, Honduras, Nicaragua và Paraguay ở Mỹ Latinh duy trì mối quan hệ với Đài Loan.
Giờ đây, khi cuộc khủng hoảng virus corona cho thấy rõ sự thao túng và thiếu minh bạch của Trung Quốc đã khiến tình hình xấu đi, và làm nổi bật vai trò lãnh đạo của chính quyền Đài Loan trong việc đối phó với dịch bệnh, khiến nhiều người trong khu vực bắt đầu đặt câu hỏi.
Vào ngày 16/3/2020, tạp chí Chính sách Đối ngoại (Foreign Policy) đăng tải bài viết của tác giả Hilton Yip, trong đó có đoạn:
“Chiến lược chống virus corona của Đài Loan là sự kết hợp giữa việc cảnh giác sớm, có các biện pháp chủ động và chia sẻ thông tin với công chúng, cũng như áp dụng công nghệ dưới dạng phân tích dữ liệu lớn và nền tảng trực tuyến. Tất cả điều này được thực hiện với mức độ minh bạch và cam kết công khai, trái ngược hoàn toàn với việc Trung Quốc sử dụng các biện pháp và kiểm duyệt hà khắc để xử lý sự bùng phát của virus corona”.
Những thực tế này cũng khiến nhiều người ở Mỹ Latinh đặt câu hỏi. Ông Dragos Dolanescu, Nghị sĩ nước Cộng hòa Costa Rica, gần đây bày tỏ:
“Thật kỳ lạ khi Costa Rica thân thiết với Trung Quốc và không quan hệ với Đài Loan. Đài Loan đã thể hiện sự lãnh đạo thành công không chỉ trong việc đối phó với virus corona, mà còn về lĩnh vực kinh tế, trong sự phát triển và cơ sở hạ tầng. Costa Rica nên quay lại với Đài Loan và có mối quan hệ bình thường với quốc gia đó”.
Tuy nhiên, ông Tang Heng, đại sứ Trung Quốc tại Costa Rica phản đối mạnh mẽ phát biểu trên của Nghị sĩ Dolanescu.
“Các tuyên bố của Nghị sĩ Dragos Dolanescu đã chạm vào ranh giới đỏ của chính sách Một Trung Quốc và đi ngược lại mối quan hệ tốt đẹp giữa Trung Quốc và Costa Rica”, ông Tang cáo buộc.
Trong một tuyên bố công khai, ông Dolanescu phản bác:
“Phủ nhận sự tồn tại của Đài Loan, một quốc gia có chung truyền thống dân chủ với Costa Rica và có sự hiện diện văn hóa mạnh mẽ ở nước ta, là tự nhắm mắt làm ngơ với thực tế của thế giới vì Đài Loan được các quốc gia khác ở bán cầu của chúng ta công nhận. Sử dụng các kênh ngoại giao để cố gắng ngăn cản một Nghị sĩ thực hiện quyền giám sát chính trị (Điều 121 trong hiến pháp của chúng tôi) là chạm vào “ranh giới đỏ” (mượn cụm từ mà đại sứ Teng sử dụng) của sự can thiệp của nước ngoài vào công việc nội bộ của Costa Rica”.
Trong một cuộc phỏng vấn riêng, Nghị sĩ Dolanescu nói thêm:
“Costa Rica là một quốc gia có chủ quyền và có quyền thiết lập quan hệ ngoại giao với bất kỳ nước nào chúng ta tin tưởng. Nếu trong suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Mỹ và Liên Xô không chỉ cho chúng tôi rằng chúng tôi có thể thiết lập quan hệ với ai, thì tôi không hiểu tại sao Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa lại muốn áp đặt rằng chúng tôi không thể có quan hệ với Đài Loan, một quốc gia dân chủ như Costa Rica, một quốc gia có cuộc bầu cử tự do được tổ chức 4 năm 1 lần như Costa Rica và cũng yêu tự do như Costa Rica”.
Tại Cộng hòa Dominican, ông Pelegrin Castillo, một nhà hoạch định ý kiến và là lãnh đạo của nhóm chuyên gia ProNaci, gần đây viết: “Kinh nghiệm cho thấy các xã hội cởi mở thì giỏi hơn so với các xã hội khép kín hay các xã hội sử dụng chiến lược độc đoán và toàn trị trong việc đối phó với các cuộc khủng hoảng như vậy. Đài Loan và Israel là hai quốc gia đã cho thấy điều này”.
Trong cuộc họp báo ngày 19/3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng tuyên bố rằng, Cộng hòa Dominican và các nước Mỹ Latinh khác đã được hưởng lợi từ mối quan hệ với Trung Quốc, và cảnh báo rằng chính quyền Đài Loan sẽ “không có lối thoát” trong việc theo đuổi chính sách “Hai Trung Quốc”, hay “Một Trung Quốc, Một Đài Loan”.
Chính quyền Bắc Kinh nhấn mạnh rằng Đài Loan là một phần của Trung Quốc và bất kỳ quốc gia nào thiết lập quan hệ chính thức với Bắc Kinh đều phải giả vờ rằng Đài Loan không tồn tại.
Nhiều quốc gia ở Mỹ Latinh đã chọn chính sách “Một Trung Quốc”, hướng tới quỹ đạo kinh tế Trung Quốc bất chấp chi phí đạo đức trong việc phá vỡ nền dân chủ Đài Loan, mà nền dân chủ này là mô hình người Mỹ Latinh mong muốn.
Tại Uruguay, một nghiên cứu gần đây của nhóm chuyên gia CESCOS, liên kết với Đại học ORT ở Montevideo, đã tuyên bố rằng:
“Những so sánh kinh nghiệm hiện tại giữa Trung Quốc và Đài Loan rất hữu ích để làm nổi bật điểm then chốt này: không đúng khi chi phí cho việc tăng trưởng kinh tế cao là phải giới hạn các quyền tự do và vi phạm nhân quyền. Không đúng khi người phương Tây phải chấp nhận rằng ‘có những nền văn hóa khác’, trong đó ‘các quyền được định giá khác nhau’ và vị thế của tập thể vượt trên vị thế của cá nhân nên cho rằng việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bằng bất cứ giá nào là hợp pháp.
Đồng thời, trong bối cảnh dịch bệnh toàn cầu này, không thể chấp nhận được việc bằng mọi việc phải đưa ra được giải pháp và hạn chế sự lây lan của virus, đặc biệt là buộc phải sử dụng lực lượng cảnh sát một cách tàn bạo và vi phạm quyền con người cơ bản. Đài Loan có chung văn hóa, truyền thống, lịch sử và phong tục với những người được cho là “mang đến phép màu kinh tế” ở Trung Quốc. Và ở hòn đảo, họ không phải vi phạm nhân quyền để có được phép màu kinh tế. Trong trường hợp này, đó là một phép màu thật sự bởi vì sự thịnh vượng thiết thực là khi một người có thể được quyết định cách sống, và không phải là giống như sự thịnh vượng giả dối của Trung Quốc, khi sự tăng trưởng đến từ phí tổn của một người, thậm chí là mạng sống của người đó”.
Còn tại Chile, ông René Barba – giám đốc trường đại học danh tiếng Bertait ở Santiago bày tỏ:
“Chile nên tăng cường quan hệ với Đài Loan, với những nước chúng ta chia sẻ mô hình kinh tế và chính trị, và theo đuổi một thương mại mở và trao đổi tự do các lý tưởng”.
Ngay cả trước cuộc khủng hoảng virus corona, rõ ràng là thế giới đang rời xa khỏi sự toàn cầu hóa không có rào cản của thập niên 90 và hướng tới một sự liên kết mới. Dường như, trong cộng đồng của các nền dân chủ khu vực, mối quan hệ hợp tác giữa các nền dân chủ Mỹ Latinh và một Đài Loan hùng mạnh về kinh tế với những gì hòn đảo chia sẻ các giá trị cốt lõi không thể dễ dàng bị bác bỏ. Tương tự như vậy, chính quyền Trung Quốc sẽ phải xem xét liệu những nỗ lực trong việc độc quyền các chính sách đối ngoại của các quốc gia có chủ quyền có được chấp nhận trong một thế giới khủng hoảng hậu virus corona.
Theo Orlando Gutierrez-Boronat / Breitbart
Hải Lam dịch và biên tập
Cội rễ của đại dịch Covid-19:
Phá huỷ rừng già, tận diệt thú hoang
Trọng Thành
Tháng 01/2020, siêu vi gây dịch Covid-19 làm rung chuyển Trung Quốc. Ít tuần sau đến lượt toàn thế giới. Nhiều người tìm căn nguyên trong việc Bắc Kinh giấu dịch khiến quốc tế bị động. Không ít người phê phán phương Tây chủ quan. Tuy nhiên giới khoa học về sinh thái chỉ ra cội rễ sâu xa của đại dịch chưa từng có. Đó là nền văn minh công nghiệp đương đại lấy khai thác triệt để thiên nhiên làm mục tiêu.
Khi rừng già bị hủy hoại, thú hoang bị tận diệt, virus bành trướng tấn công con người là điều ‘‘không tránh khỏi’’. Mục ‘‘Theo dòng thời sự’’ của RFI xin tổng hợp nhận định của một số chuyên gia, nhà nghiên cứu Pháp trong lĩnh vực sinh thái học, về chủ đề ‘‘Cội rễ của đại dịch Covid-19’’.
Vì sao phá hủy rừng già, tận diệt thú hoang là cội nguồn dẫn đến đại dịch?
Cho đến nay, vẫn còn nhiều bí ẩn bao trùm xung quanh sự xuất hiện của virus corona mới gây bệnh Covid-19, tên khoa học là SARS-CoV-2, đang khiến toàn thế giới chao đảo, đặc biệt trong bối cảnh Bắc Kinh không tạo điều kiện cho giới khoa học quốc tế đến thành phố Vũ Hán, nơi dịch bùng phát, tiếp cận hiện trường. Không ít người đặt giả thiết loài virus này thoát ra từ một phòng thí nghiệm đặc biệt ở Vũ Hán, chuyên nghiên cứu về các virus nguy hiểm. Thậm chí có người còn cho virus SARS-CoV-2 là một vũ khí sinh học bí mật. Không đi vào các nhận định, suy luận khó kiểm chứng này, về đại dịch Covid-19, giới sinh thái nhìn chung đều thống nhất ở một điểm: virus SARS-CoV-2, gây dịch Covid-19 có
nguồn gốc động vật hoang dã, cũng giống như khoảng một nửa số loài virus tấn công con người, từ gần một thế kỷ nay.
Từ virus gây bệnh Sida (được cho là truyền từ loài vượn), đến Ebola ở Tây Phi (truyền qua dơi), hay virus H5N1 (truyền qua chim), hay bệnh sốt rét, sốt xuất huyết hay Zika tại châu Mỹ (truyền qua muỗi)… virus SARS xuất hiện tại châu Á năm 2002 (được truyền từ cầy hương)… Việc phá hủy rừng, để trồng trọt, xây dựng thành phố, khiến các loài động vật hoang dã mất nơi sinh sống làm gia tăng nguy cơ động vật hoang tiếp xúc với động vật nhà, với con người, khiến virus dễ dàng bành trướng.
Đọc thêm : Bảo vệ môi sinh : Trồng rừng mới không phải là ‘‘phép mầu’’ !
Trong một bài trả lởi phỏng vấn báo Libération, ông Serge Morand, giám đốc nghiên cứu CNRS, chuyên gia về sinh thái học y tế, nhấn mạnh đến tình trạng, kể từ những năm 1960 đến nay (tương đương với thời kỳ công nghiệp hoá mãnh liệt trên quy mô toàn cầu), ‘‘ngày càng có nhiều bệnh dịch trong năm hơn, dịch bệnh lan rộng hơn…’’, tỉ lệ các dịch bệnh được gọi là ở quy mô ‘lịch sử’’ nhiều hơn (bài ‘‘La crise du coronavirus est une crise écologique / Khủng hoảng virus corona là một cuộc khủng hoảng sinh thái’’, ngày 26/03/2020).
Theo nhà sinh thái học Serge Morand, có ba nhân tố đồng thời khiến dịch bệnh có nguồn gốc từ động vật nói chung, động vật hoang dã nói riêng, bùng phát. Ba nhân tố đều liên quan đến vấn đề đa dạng sinh học.
Thứ nhất là sự suy giảm ngày một nghiêm trọng của đa dạng sinh học, nói cách khác, tốc độ tuyệt chủng các giống loài gia tăng.
Thứ hai là nông nghiệp ngày càng biến thành một ngành công nghiệp, nhân tố góp phần mạnh mẽ vào sự suy giảm đa dạng sinh học.
Thứ ba là sự phát triển đột biến của ngành giao thông hàng hoá và vận tải người. Sự phát triển về giao thông này vừa là nhân tố khiến dịch bệnh dễ dàng lan rộng, do các tiếp xúc gia tăng giữa người với người, về tần số, về số lượng, vừa là yếu tố kích thích sự phát triển của các ngành sản xuất coi khai thác ‘‘tài nguyên’’ thiên nhiên hoang dã là mục tiêu. Giao thông tăng trưởng gắn liền với kinh tế tăng trưởng, nhưng cũng là con đường giúp dịch bệnh tăng trưởng đột biến, dễ dàng di chuyển từ vùng này đến vùng khác.
Một vài con số minh hoạ: Thế giới hiện nay có 1,5 tỉ bò nuôi, 25 tỉ gà nuôi, hàng tỉ con heo… Tất cả thường được nuôi bằng các loại hạt được trồng theo phương thức công nghiệp hoá, như đậu tương. Để có diện tích nuôi gia súc, gia cầm, đất trồng cây làm thức ăn cho chúng, các diện tích rừng khổng lồ đã bị hủy diệt… Các loài động vật hoang dã, bị dồn đuổi, ngày càng đến gần hơn, nhiều hơn với thế giới con người… Vận tải hàng không, tăng gấp 12 lần giữa năm 1960 đến 2018, giao thông hàng hải cũng tương tự… Tất cả những yếu tố này quá đủ làm nguyên liệu cho “những trái bom’’ dịch bệnh, sẵn sàng phát nổ.
Những con đường đưa các sinh vật ‘‘nguy hiểm’’ đến với thế giới con người
Nhà sinh thái học Rodolphe Golza, giám đốc nghiên cứu IRD, trong bài trả lời tuần báo L’Obs, lưu ý đến tập quán buôn bán động vật hoang dã, làm thực phẩm hay vì các mục tiêu khác, trở nên hết sức phổ biến, với quy mô lớn tại Trung Quốc, tạo nên một không gian lý tưởng cho sự tăng trưởng của nhiều loài siêu vi, kênh truyền virus dễ dàng từ động vật sang người (bài ‘‘ ‘Le Covid-19 était inévitable, et même prévisible’ du fait de notre impact écologique / ‘‘ ‘Covid – 19 là không thể tránh khỏi thậm chí có thể báo trước’ do tác động sinh thái của xã hội con người ’’, ngày 17/03/2020).
Giám đốc nghiên cứu sinh thái học, Viện IRD, nhấn mạnh đến việc khi không gian sinh sống truyền thống của các loài sinh vật hoang dã bị phá hủy, do con người hay do thiên tai, các mầm bệnh được truyền đi khắp nơi, trong quá trình này, trong một số điều kiện nhất định, chúng có thể tìm được các vật trung gian phù hợp hơn, trở thành các phương tiện truyền bệnh hiệu quả hơn. Ông đặc biệt chú ý đến việc một số không gian sinh sống bị phá hủy dẫn đến sự diệt vong của một số giống loài tuy mang các bệnh truyền nhiễm, nhưng khả năng lây lan không cao, việc chúng bị hủy diệt khiến virus bành trướng, phát triển theo nhiều con đường bất thường. Đây là điều mà ông gọi là ‘‘hiệu ứng lan toả’’.
Để virus từ một động vật hoang dã truyền được đến con người và trở thành yếu tố gây dịch bệnh, virus thường phải sự đột biến về gen, mới có thể xâm nhập vào tế bào người. Cụ thể về dịch Covid-19, theo giáo sư Serge Morand, virus corona mới xuất phát từ loại dơi (‘‘khả năng chắc chắn đến 98%’’), việc biến đổi về gen để thích ứng với cơ thể người xảy ra trong quá trình chúng sống ký sinh trên một động vật trung gian (có thể là qua loài tê tê hoặc một loài khác). Và loài vật trung gian này thường là một loại vật hoang dã có nhiều tiếp xúc với con người.
Thuần hóa các động vật hoang: Một kênh truyền bệnh chính
Theo các nhà sinh thái học, việc thuần hóa các động vật hoang dã đã từng là nguyên nhân dẫn đến nhiều căn bệnh truyền nhiễm hiện nay, như cúm, sởi, sởi Đức, bệnh đậu mùa hay quai bị… Loại người chúng ta cùng với chó, bò hay lợn, có nhiều căn bệnh chung hơn là so với giữa người với thỏ, bởi với ba loài trên, thời gian thuần hoá diễn ra vào khoảng 17.000 đến 10.000 năm trước, loài thỏ mới chỉ được thuần hóa từ 2.000 năm nay. Bệnh truyền nhiễm cũng đến từ loài chuột (sống cạnh loài người từ khoảng 10.000 năm). Loài chuột làm trung gian truyền các bệnh từ các loại gặm nhấm hoang dã sang người, loài chó truyền các bệnh từ chồn hay sói. Về phía các loài chim, vịt nhà là nơi trung gian truyền các virus gây cúm từ vịt hoang… Việc thuần hóa một số giống loài mới đây, ví dụ như nuôi chồn tại nhiều nước Đông Nam Á, để phục vụ cho ngành sản xuất ”cà phê chồn”, có thể là các kênh truyền bệnh mới.
Triệt phá môi trường nuôi dưỡng các siêu vi có phải là giải pháp ?
Một số người muốn tận diệt một số giống loài được coi là mang bệnh để huỷ bỏ hết nơi trú ẩn của virus, giúp loài người không còn bị dịch bệnh quấy rối. Giấc mơ này cũng tựa như việc tiêu huỷ hết rừng để không còn bị cháy rừng. Theo các nhà sinh thái học, thì cần phải làm điều ngược lại. Có một thực tế là số lượng bệnh truyền nhiễm càng tăng khi các giống loài càng bị tiêu diệt, siêu vi sẽ tản đi khắp nơi để tìm đường sống. Chuyên gia Serge Morand lưu ý là chính việc bảo vệ các môi trường tự nhiên, phong phú về hệ sinh thái, khiến các loài virus có thể gây bệnh, tuy hiện diện nhiều, nhưng chúng sống gắn liền và phụ thuộc vào một số địa bàn cụ thể, hay nói cách khác ăn ở yên lành tại đấy, không thể di chuyển dễ dàng sang nơi khác, để gây các dịch lớn.
Đọc thêm : Cuộc đại tuyệt chủng sinh giới lần thứ sáu
Về dịch bệnh và chăn nuôi, nhà sinh thái học Serge Morand tố cáo phương pháp dập dịch gia cầm bằng cách tiêu diệt ồ ạt các giống gia cầm địa phương, để thay thế bằng các giống công nghiệp, được cho là thích hợp với ‘‘chăn nuôi lớn’’, như trong dịch H5N1 tại Thái Lan (năm 2004), dịch cúm gia cầm H5N8 ở Hàn Quốc (năm 2016)… Chính Tổ Chức Nông Lương của Liên Hiệp Quốc (FAO) đã khuyến khích cách làm này, trong khi bản thân FAO cũng thừa nhận kể từ đầu thế kỷ XX, nhân loại đã mất đi khoảng 30% giống gà, 20% giống heo…, vốn là sản phẩm của quá trình tiến hoá, lai tạo hàng trăm, hàng nghìn năm. Điều căn bản mà nhiều người không hiểu là, chính sự đa dạng về di truyền của các vật nuôi, khiến cho các bệnh truyền nhiễm không dễ lây lan, biến thành đại dịch. Nhiều giống vật nuôi lâu đời, sống gắn với một địa bàn cụ thể, thường có khả năng kháng cự rất tốt với dịch bệnh. Tính đa dạng sinh học cũng cản trở virus tác oai, tác quái.
Nhìn chung, theo giáo sư Rodolphe Golza, trong kỷ Nhân Sinh (Anthropocène), thuật ngữ địa chất học dùng để chỉ thời kỳ con người trở thành thế lưc có khả năng làm biến đổi sâu sắc toàn bộ hành tinh, thì rất có nguy cơ nhiều bệnh truyền nhiễm hoàn toàn mới xuất hiện. Do sự huỷ hoại các không gian sống tự nhiên của các loài sinh vật hoang dã, do tính siêu kết nối của nhân loại hiện nay (như đã nêu), nhưng đặc biệt cũng do Biến đổi khí hậu, có khả năng tác động rất lớn đến thế giới sinh vật hoang dã (đặc biệt do sự thay đổi của nơi cư trú), đến quan hệ giữa con người với các động vật hoang dã.
Học thiên nhiên để sống với thiên nhiên
Bên cạnh việc bảo vệ thiên nhiên hoang dã, chuyên gia sinh thái Serge Morand đề xuất phát triển mạnh các hình thức nông nghiệp thuận tự nhiên, trồng rừng thuận tự nhiên, chăn nuôi thuận tự nhiên…, để góp phần bảo vệ đa dạng sinh học, điều kiện để các loài virus nguy hiểm không dễ dàng trực tiếp đến với con người. Trên thực tế, vấn đề dịch bệnh từ các loài động vật hoang dã truyền sang người là một lĩnh vực còn đầy bí ẩn, cần phải có sự phối hợp nghiên cứu giữa giới y khoa, thú y, sinh thái học, cũng như những nhà nghiên cứu xã hội, chính trị, để có các chính sách phù hợp ‘‘tránh cho các bệnh dịch không biến thành khủng hoảng y tế“.
Đọc thêm: “Con người” với “Tự nhiên” qua cái nhìn của nhà nhân chủng học
Để có một chiến lược phù hợp trong vấn đề mang tính sống còn này, xã hội con người cần thay đổi triệt để cách tiếp cận. Nhà nghiên cứu Aleksandar Rankovic, Viện tư vấn về Phát triển bền vững và Quan hệ quốc tế (IDRRI), nhấn mạnh là cần thay thế lối suy nghĩ theo kiểu con người khai thác, thống trị thiên nhiên lâu nay, bằng một cách nghĩ thật sự khiêm nhường, để con người có cơ hội hiểu được sự kỳ diệu của tự nhiên, để biết học cách chung sống với tự nhiên (theo nhà sinh thái Rodolphe Golza, cùng đối mặt với khủng hoảng nhưng một số quốc gia, đặc biệt là các nước châu Á, như Nhật Bản, Malaysia, Singapore, và kể cả Trung Quốc, đã có truyền thống đối phó với dịch bệnh thường xuyên, nên có một số phản ứng nhanh chóng và hiệu quả hơn).
Khủng hoảng Covid-19 là một khủng hoảng sinh thái, ‘‘khủng hoảng mang tính hệ thống’’, một cuộc đại khủng hoảng. Một bộ phận giới chính trị dường như đã bắt đầu thừa nhận điều này. Chỉ có các phối hợp tập thể trên quy mô toàn cầu mới có khả năng giúp nhân loại tìm được lối thoát cho cuộc đại khủng hoảng hiện nay.
Đại dịch toàn cầu COVID-19 đang tác động mạnh mẽ,
lần đâu tiên trong lịch sử
đối với các sự kiện quốc tế quan trọng
Do ảnh hưởng của Đại dịch toàn cầu COVID-19, hàng loạt các sự kiện quốc tế đã bị ảnh hưởng từ trì hoãn đến chuyển sang họp trực tuyến. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử các nước phải tổ chức hình thức họp này.
Hội nghị trực tuyến lần đầu tiên trong lịch sử của G20
Bên cạnh một số sự kiện đáng chú ý, thế giới tuần qua (23-29/3) tiếp tục ghi nhận những nỗ lực không ngừng nghỉ của các quốc gia, cùng với đó là sự đoàn kết, hợp tác và phối hợp toàn cầu của các tổ chức quốc tế, tiêu biểu là Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19.Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) về ứng phó dịch COVID-19 diễn ra từ 19h đến 21h ngày 26/3, theo sáng kiến của Nước Chủ tịch G20 Saudi Arabia. Theo Saudi Arabia, Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến của G20 lần này không chỉ có sự tham dự của các nhà lãnh đạo G20 mà còn có các đại diện cấp cao từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Các nhà lãnh đạo các nước Tây Ban Nha, Jordan, Thụy Sĩ và Singapore cũng được mời tham dự sự kiện này. Đây là hội nghị thượng đỉnh đặc biệt của G20 trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang bùng phát mạnh trên toàn cầu. Theo số liệu thống kê mới nhất được trang Worldometer cập nhật đến sáng 29/3, dịch COVID-19 hiện đã lan sang 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, khiến hơn 663.000 người bị nhiễm, trong đó hơn 30.000 người tử vong. Đại dịch COVID-19 đã tác động vô cùng nghiêm trọng đến mọi mặt của đời sống xã hội cũng như kinh tế toàn cầu và gây tổn hại đến tự ổn định và phát triển của nhiều quốc gia.’
Trong tuyên bố chung, các nhà lãnh đạo G20 cam kết thành lập một mặt trận thống nhất chống lại đại dịch COVID-19 và sẽ cung cấp 5.000 tỷ USD vào nền kinh tế toàn cầu. Các nhà lãnh đạo G20 tuyên bố, việc đối phó với đại dịch cũng như những tác động về y tế, xã hội và kinh tế là “ưu tiên tuyệt đối của nhóm”. Theo G20, phương hướng đối phó cần phải minh bạch, vững chắc, có quy mô lớn và đòi hỏi sự phối hợp. Các nhà lãnh đạo G20 cam kết khôi phục lòng tin, giữ vững sự ổn định tài chính, khôi phục tăng trưởng và trở lại mạnh mẽ hơn. G20 cũng cam kết trợ giúp tất cả các quốc gia đang gặp khó khăn cũng như phối hợp mọi biện pháp y tế công cộng và tài chính cần thiết để chống lại đại dịch, bảo vệ người dân, kể cả những người dễ bị tổn thương nhất. “Chống lại đại dịch COVID-19 đòi hỏi biện pháp ứng phó phối hợp trên toàn cầu, minh bạch, mạnh mẽ, quy mô lớn và dựa trên cơ sở khoa học với tinh thần đoàn kết. Chúng tôi cam kết một mặt trận thống nhất chống lại mối đe dọa chung này, thực hiện các biện pháp bao gồm chia sẻ nghiên cứu và dữ liệu, củng cố hệ thống y tế và mở rộng năng lực sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu về vật tư y tế”, các lãnh đạo G20 nhấn mạnh. Các lãnh đạo G20 cũng cam kết sẽ tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các ngân hàng khu vực để triển khai gói tài chính hỗ trợ những quốc gia đang phát triển.
Đối thoại Shangri-La 2020 theo dự kiến bị hủy bỏ
Các nhà tổ chức của Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) thông báo hủy Hội nghị thượng đỉnh an ninh châu Á thường niên, còn gọi là Đối thoại Shangri-La vào năm nay. Đây là sự kiện mới nhất trở thành “nạn nhân” của đại dịch COVID-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra. Đối thoại Shangri-La 2020 dự kiến được tổ chức từ ngày 5-7/6 tại khách sạn Shangri-La ở Singapore. Trong một tuyên bố đăng trên trang web riêng ngày 28/3, IISS nhấn mạnh cuộc đối thoại thu hút sự tham tham gia của hơn 40 các quốc gia này sẽ không diễn ra trong năm nay do nhiều nước trong số này áp đặt những hạn chế đi lại. Đối thoại Shangri-La là một diễn đàn an ninh thường niên liên chính phủ, có sự tham gia của các Bộ trưởng cùng quan chức Quốc phòng của 28 quốc gia châu Á – Thái Bình Dương. Hội nghị cũng thu hút nhiều quan chức quân sự cấp cao, các nhà ngoại giao và các nhà sản xuất vũ khí từ khắp nơi trên thế giới kể từ khi được tổ chức hồi năm 2002. Hội nghị là diễn đàn trao đổi về các vấn đề quốc phòng và an
ninh trong khu vực, đồng thời duy trì ý thức cộng đồng trong đường hướng hoạch định chính sách quan trọng nhất liên quan tới các vấn đề này.
Olympic Tokyo 2020 được chuyển sang thành Olympic Tokyo 2021
Ngày 24/3, Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) tuyên bố Olympic Tokyo 2020 sẽ được hoãn sang năm 2021 trong bối cảnh dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang lan rộng trên toàn cầu.Theo kế hoạch ban đầu, Olympic Tokyo 2020 sẽ diễn ra từ ngày 24/7 – 9/8. Tuy nhiên, quyết định trên đã được đưa ra sau cuộc điện đàm giữa Chủ tịch IOC Thomas Bach và Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo. Đây là lần đầu tiên một kỳ Olympic bị hoãn trong thời bình. Trong khi đó, Trưởng Ban tổ chức Olympic Nhật Bản Yoshiro Mori thông báo hoạt động rước đuốc cũng sẽ bị hoãn lại. Trước đó, Thủ tướng Abe cho biết Chủ tịch Bach đã hoàn toàn nhất trí với đề xuất của Nhật Bản về hoãn Olympic Tokyo sang năm sau. Sự kiện này sẽ vẫn giữ nguyên tên gọi Olympic Tokyo 2020. Dư luận đã đưa ra nhiều phản ứng trước việc IOC và Nhật Bản đã quyết định hoãn tổ chức Đại hội Thể thao Olympic và Paralympic Tokyo 2020 sang năm 2021 trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang lan rộng trên toàn cầu.
Trong cuộc điện đàm kéo dài khoảng 40 phút với Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo ngày 25/3, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bày tỏ sự ủng hộ tuyệt đối, coi đây là quyết định sáng suốt. Tuyên bố chung của Nhật Bản và IOC cho rằng Olympic Tokyo có thể là niềm hy vọng cho thế giới trong giai đoạn khó khăn này, và ngọn lửa Olympic có thể trở thành “ánh sáng cuối đường hầm”. Chủ tịch IOC Thomas Bach hy vọng Olympic 2020 diễn ra vào năm 2021 sẽ là bữa tiệc tôn vinh những nỗ lực của nhân loại, đã cùng vượt qua đại dịch COVID-19 chưa từng có tiền lệ.
Cuộc trưng cầu ý dân về sửa đổi Hiến pháp của Nga phải hoãn lại
Ngày 25/3, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thông báo hoãn tổ chức cuộc trưng cầu ý dân trên toàn quốc về việc sửa đổi Hiến pháp do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang lây lan mạnh tại nước này. Trong bài phát biểu trên truyền hình, Tổng thống Putin nêu rõ: “Cuộc trưng cầu ý dân về sửa đổi Hiến pháp phải bị hoãn lại vào một thời điểm sau này”. Tổng thống Putin cho biết Chính phủ Nga sẽ đánh giá tình hình để ấn định thời gian tổ chức phù hợp. Theo kế hoạch, cuộc trưng cầu ý dân về sửa đổi Hiến pháp sẽ được tổ chức tại Nga vào ngày 22/4 tới. Việc sửa đổi Hiến pháp nếu được thông qua sẽ cho phép Tổng thống Putin có thể tiếp tục tranh cử, bất chấp hạn chế hiện nay trong Hiến pháp. Cũng trong bài phát biểu trên truyền hình, nhà lãnh đạo Nga thông báo người dân nước này sẽ được nghỉ việc có trả lương trong tuần tới nhằm giảm tốc độ lây nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19. Ông cũng kêu gọi người dân Nga đoàn kết và tuân thủ các hướng dẫn của các cơ quan y tế với giới chức chính quyền. Chính phủ sẽ hoãn mọi khoản thuế, trừ thuế giá trị gia tăng (VAT) cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong vòng 6 tháng tới. Trước đó, hồi tháng 1 vừa qua, Tổng thống Putin đề xuất một loạt sửa đổi Hiến pháp Nga, gồm cho phép Quốc hội thay vì Tổng thống chọn Thủ tướng, thay đổi giới hạn nhiệm kỳ đối với Tổng thống và tăng cường vai trò của Hội đồng Nhà nước, cơ quan tư vấn cho Tổng thống mà ông đứng đầu.
EU chia rẽ trước chiến lược
‘ngoại giao khẩu trang’ của Trung Quốc
Duy Nghĩa
Nhà bình luận chính trị nổi tiếng David Hutt cho rằng âm mưu “ngoại giao khẩu trang” của Bắc Kinh hiện đã khiến châu Âu chia rẽ.
Là nhà báo chuyên viết cho mục “Đông Nam Á” của The Diplomat và thường xuyên viết cho Asia Times, ông Hutt cho rằng việc Trung Quốc thể hiện sự “hào phóng” của họ đối với các nước thành viên EU đang bị virus tấn công, có tác dụng ngược.
Theo ông Hutt, Liên minh châu Âu (EU) đang từ chối “những lời tán tỉnh” trợ giúp của Trung Quốc, khi Bắc Kinh tăng cường các chiến dịch tuyên truyền và quyền lực mềm, trong đó mô tả họ là đối tác đáng tin cậy trong cuộc chiến chống Covid-19. Đây là một nỗ lực của Bắc Kinh nhằm chống lại tuyên bố của một số chính khách trên thế giới, yêu cầu Bắc Kinh phải chịu trách nhiệm chính cho đại dịch toàn cầu.
Ông Josep Borrell, Cao ủy EU về Đối ngoại và An ninh, gần đây đã đả kích cái được gọi là “chính trị hào phóng” Covid-19, như là một mưu toan của Bắc Kinh, gieo rắc sự chia rẽ ở châu Âu, khi các nước này đang phải vật lộn với sự lây lan gây chết người.
Trong một tuyên bố gần đây, ông Borrell nêu rõ: “Có một cuộc chiến trên toàn cầu đang diễn ra, trong đó thời gian đóng vai trò tối quan trọng. Trung Quốc đang tích cực đẩy mạnh thông điệp rằng, không giống như Mỹ, họ là đối tác có trách nhiệm và đáng tin cậy”.
Ông Borrell cảnh báo có những âm mưu nhằm hạ thấp uy tín của EU, và trong một số trường hợp, người dân châu Âu bị kỳ thị như thể tất cả đều mang theo virus.
Theo ông Hutt, Ủy ban Hành động Đối ngoại châu Âu (EEAS), cơ quan về chính sách đối ngoại của EU, công bố các bản cập nhật thường xuyên về các chiến dịch “tin tức giả” trên toàn thế giới, đặc biệt là các chiến dịch của các tổ chức có mối liên hệ với chính phủ Trung Quốc và Nga.
Ông Andrew Small, một thành viên tại Chương trình châu Á của Quỹ Marshall của Đức có trụ sở tại Mỹ, nhận định: “Có rất nhiều sự hoài nghi ở Brussels đối với chính phủ Trung Quốc và chương trình nghị sự chính trị của [Đảng Cộng sản Trung Quốc]. Hành vi của Bắc Kinh trong cuộc khủng hoảng đã củng cố rất nhiều sự hoài nghi này”.
Năm ngoái, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron kêu gọi đã đến lúc “chấm dứt sự ngây thơ” đối với lợi ích của Trung Quốc ở châu Âu. Trong khi Ủy ban châu Âu, cơ quan điều hành của EU, lần đầu tiên mô tả Trung Quốc là một “đối thủ của cả hệ thống”.
Bà Ursula von der Leyen, chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), hứa hẹn sẽ thành lập một “Ủy ban Địa chính trị”, vốn được nhiều nhà bình luận coi đó là một cơ chế để xây dựng một EU quyết đoán hơn trong các vấn đề toàn cầu, hành động một cách “trung dung” giữa sự ganh đua của các siêu cường Mỹ – Trung.
Về phần mình, bà Von der Leyen đã công khai cảm ơn Trung Quốc vì đã gửi đồ y tế cho các thành viên EU bị virus tấn công, bao gồm cả Ý và Tây Ban Nha. Bà Leyen được cho là đã phát biểu nồng nhiệt về những quan hệ song phương, sau khi điện thoại với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường hôm 18/3.
Chính xác thì cuộc khủng hoảng Covid-19 sẽ ảnh hưởng đến mối quan hệ Trung Quốc – EU trong tương lai như thế nào, và liệu EU có tham gia vào các khối ủng hộ hoặc chống Trung Quốc, hay không, vẫn là điều chưa thấy rõ.
Ông Hutt lưu ý về những trường hợp được công bố rộng rãi, trong đó Trung Quốc [tự cho là] đã đến “giải cứu” các thành viên EU. Chẳng hạn như:
Vào giữa tháng 3/2020, Trung Quốc thông báo sẽ gửi các thiết bị và dụng cụ y tế rất cần thiết cũng như các bác sĩ có kinh nghiệm trong việc xử lý virus này, đến nước Ý, một quốc gia EU bị virus tấn công nặng nề nhất. Sự ‘hào phóng’ đó bao gồm các hợp đồng, cung cấp 10.000 máy thở phổi, 2 triệu khẩu trang và 20.000 bộ quần áo bảo hộ.
Tây Ban Nha, nước có hệ thống y tế đang trên bờ vực sụp đổ, gần đây đã đạt được một thỏa thuận trị giá 46 triệu USD với Trung Quốc, cung cấp 550 triệu khẩu trang, 5,5 triệu bộ dụng cụ thử nhanh, 950 máy thở, và 11 triệu đôi găng tay để giải quyết tình trạng thiếu hụt. Thỏa thuận đạt được hôm 25/3 trong một cuộc điện thoại giữa Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Tuy nhiên, theo các báo cáo, một số vật tư y tế được Trung Quốc cung cấp cho các nước bao gồm Tây Ban Nha và Cộng hòa Séc là bị lỗi, không sử dụng được.
Đồng thời, theo ông Hutt, một số chính phủ châu Âu đang chống lại sự phụ thuộc của nước mình vào việc nhập khẩu hàng hóa y tế do Trung Quốc sản xuất mà họ cho rằng chúng đã gây ra rủi ro an ninh quốc gia.
“Cuộc khủng hoảng này đã cho thấy chúng ta ở Rumani và châu Âu phụ thuộc [tồi tệ] như thế nào vào hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc”, Bộ trưởng Kinh tế Rumani Virgil Popescu nhận định vào tuần trước.
Ông Hutt cho rằng thỏa thuận đầu tư EU-Trung Quốc, vốn được khoe nhiều và được cả hai bên hy vọng ký kết trong năm 2020, sẽ rất khó hoàn tất do cuộc khủng hoảng Covid-19. Hội nghị thượng đỉnh EU – Trung Quốc dự kiến được tổ chức trong tháng 3 này đã bị hủy bỏ; một hội nghị thượng đỉnh đặc biệt được lên kế hoạch vào tháng 9/2020 tại thành phố Leipzig của Đức, cũng có nguy cơ bị hủy.
Ông Lucrezia Poggetti, một nhà phân tích tại Viện Mercator ở Berlin, chuyên nghiên cứu về Trung Quốc, nhận định rằng sự bùng phát Covid-19 “đang khiến EU và chính phủ Trung Quốc bận rộn xử lý khủng hoảng y tế công cộng và hậu quả kinh tế sau đó, và làm chậm tiến độ đàm phán và hạn chế triển vọng đạt được việc ký kết thỏa thuận đầu tư song phương vào năm 2020”.
Ngay cả trước khi xảy ra đại dịch, các quan chức EU cảnh báo rằng khối này không sẵn sàng ký thỏa thuận, trừ khi Bắc Kinh đưa ra những nhượng bộ lớn, đặc biệt là liên quan đến việc bảo vệ sở hữu trí tuệ và việc cho phép các công ty châu Âu tiếp cận bình đẳng vào thị trường thịnh vượng của Trung Quốc khi đó.
Ông Phil Hogan, giám đốc thương mại của EU, đã nhận định trong tháng 1/2020 rằng “cuộc họp nửa vời sẽ không hiệu quả với EU”.
Ông Jean-Pierre Cabestan, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Baptist Hồng Kông, cho rằng cuộc khủng hoảng Covid-19 sẽ không thay đổi căn bản mối quan hệ EU – Trung Quốc.
“Họ sẽ vẫn chia rẽ về các vấn đề tương tự, như chủ nghĩa bảo hộ của Trung Quốc, chế độ độc tài do Đảng Cộng sản lãnh đạo, thiếu tôn trọng các quyền chính trị và nhân quyền cơ bản”, ông Canestan nhận xét.
Các nước EU sẽ bị chia rẽ, ông Cabestan nói thêm, trước “sự sốt sắng của Trung Quốc muốn thống trị kinh tế và sau đó là thống trị chính trị, trước sự bất lợi của phương Tây, không chỉ Mỹ mà cả EU, và các nước dân chủ và phát triển kinh tế chính trị khác”.
Ông Cabestan khẳng định: “Liên quan đến EU, chia rẽ và điều khiển vẫn là chiến lược cơ bản của Trung Quốc”.
Thật vậy, Brussels từ lâu đã nghi ngờ về những mưu toan của Bắc Kinh, tiến hành các hành động gieo rắc sự chia rẽ trong EU, bao gồm cả việc thông qua Diễn đàn 17+1, gồm Trung Quốc và 17 quốc gia thành viên, chủ yếu là các nước Trung Âu và Đông Âu.
Theo ông Hutt, [việc làm thất bại âm mưu này] phần lớn phụ thuộc vào chuyện, liệu EU hiện có thể tập hợp các quốc gia thành viên xung quanh khối trong thời gian phong tỏa, đóng cửa biên giới và suy thoái kinh tế hay không.
Ông Hutt cho rằng “hầu hết các chính phủ châu Âu đã mất cảnh giác khi các ca nhiễm Covid-19 bắt đầu tăng vọt trên khắp lục địa vào đầu tháng 3/2020, với Ý ở tâm chấn”.
Trong cuộc chạy đua để chặn cuộc khủng hoảng kế tiếp, các quốc gia thành viên EU đã hành động đơn phương trong việc tạo ra các phản ứng riêng lẻ. Trong khi đó, các cơ quan EU đã bị nhiều người coi là phản ứng chậm chạp, không có đủ năng lực quản lý khủng hoảng; không có hướng dẫn rõ ràng về việc liệu EU có nên đảm nhận vai trò quản lý khủng hoảng của các quốc gia thành viên hay không?
Theo ông Hutt, các hiệp định Schengen, cho phép người dân di chuyển không biên giới trên hầu hết các quốc gia EU, và lễ kỷ niệm 25 năm trong năm 2020, đã thực sự bị vô hiệu vì hầu hết các nước thành viên đã đóng cửa biên giới, để ngăn chặn sự lây lan của căn bệnh này.
Trong một bài phát biểu ngày 12/3/2020, người đứng đầu Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), bà Christine Lagarde, đã khuyến khích quan điểm của các nước thành viên trước phản ứng tập thể, bằng cách nói bóng gió rằng ECB không chịu trách nhiệm về tác động tài chính của cuộc khủng hoảng Covid-19, đối với các nước thành viên.
Ngày 18/3, ECB công bố gói kích cầu, trị giá 750 tỷ Euro (820 tỷ USD) bằng cách mua trái phiếu của các quốc gia châu Âu, trong một nỗ lực ngăn chặn sự sụp đổ tài chính tiếp theo. Một số người cho rằng việc thiếu các đảm bảo tài chính, sẽ khiến các quốc gia riêng lẻ dễ tiếp nhận các thỏa thuận hỗ trợ tài chính và giải cứu tiềm năng do Trung Quốc dẫn đầu, như được đưa ra trong các thỏa thuận cung cấp y tế khẩn cấp của Bắc Kinh, tùy theo từng trường hợp.
Ông Hutt cũng lưu ý khi việc cách ly trên toàn châu Âu được áp đặt vào khoảng giữa tháng 3/2020, hầu hết các chính phủ EU ban đầu đều “tâng bốc” lời hứa nhanh chóng giúp đỡ của Trung Quốc, bao gồm việc cung cấp vật tư y tế. “Thiện chí” này của Trung Quốc khiến một số nước gọi là ngoại giao ‘khẩu trang’ của Bắc Kinh.
Ông Alexanderar Vucic, tổng thống Serbia, một thành viên ngoài EU, gần đây đã châm chọc tình đoàn kết châu Âu là một “câu chuyện cổ tích”. Ông Vucic tuyên bố rằng “người duy nhất có thể giúp đỡ” chống lại cuộc khủng hoảng Covid-19 là Trung Quốc.
Tuy nhiên, theo ông Hutt, quan điểm đó của tổng thống Serbia, “có khả năng bị ảnh hưởng bởi thực tế rằng Serbia là một nước hưởng lợi lớn từ chương trình cơ sở hạ tầng ‘Sáng kiến Vành đai và Con đường’ của Trung Quốc”.
Ngay cả các thành viên EU như Séc và Thụy Điển, mặc dù cả hai nước đều thấy mối quan hệ song phương với Trung Quốc xấu đi trước khi dịch Covid-19 bùng phát vào tháng 1/2020, đã trở nên tích cực hơn trong thông điệp công khai của họ. Có lẽ họ muốn đảm bảo cho việc nhập khẩu thiết bị và vật tư y tế do Trung Quốc sản xuất, được trôi chảy.
“Nhưng, thông điệp mềm mỏng ban đầu đó đối với Trung Quốc, hiện trở nên cứng rắn hơn, khi các nước nhận thức tăng lên rằng Bắc Kinh tìm cách lợi dụng cuộc khủng hoảng của EU”, ông Hutt nhận xét.
Theo ông Hutt, Bắc Kinh đã tăng cường tuyên truyền, nhằm tìm cách làm chệch hướng và từ chối trách nhiệm đối với sự bùng phát ban đầu của virus, như một số quan chức Trung Quốc đã làm một cách thô thiển, trên phương các tiện truyền thông xã hội.
Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Triệu Lập Kiên (Zhao Lijian), gần đây đã chính thức hợp lý hóa các thuyết âm mưu, được lưu truyền rộng rãi trên các phương tiện truyền thông xã hội Trung Quốc, trong đó tuyên bố Covid-19 là được Mỹ chế tạo, và được quân đội Mỹ sử dụng làm vũ khi sinh học, bí mật đưa vào thành phố Vũ Hán của Trung Quốc, khiến Vũ Hán thành tâm chấn đầu tiên của dịch bệnh.
Gần đây, Đại sứ quán Trung Quốc tại Paris, đã nhắc lại như con vẹt, câu chuyện hoang tưởng này, trên tài khoản Twitter chính thức của sứ quán.
“Khi Trung Quốc tăng cường chiến dịch tuyên truyền chống Mỹ của mình, trong một nỗ lực không che đậy, để có được lợi thế ở châu Âu, các nhà lãnh đạo châu Âu đã có một nỗ lực phối hợp mới, để nhấn mạnh sự đoàn kết của EU và cho vay giúp đỡ các quốc gia thành viên”, ông Hutt nhận xét.
Đức và Pháp hiện đã gửi nhiều khẩu trang và vật tư y tế đến Ý bị virus tấn công, tàn phá. Các bệnh viện Đức được cung cấp đầy đủ trang thiết bị, đang mở cửa để điều trị cho các bệnh nhân người Ý và Pháp.
Theo các cuộc thăm dò ý kiến đáng tin cậy, một số nhà quan sát mong đợi một chiến dịch quan hệ công chúng, được phối hợp nhiều hơn trong những ngày tới và tuần tới, để làm nổi bật tình đoàn kết toàn châu Âu. Điều đó có thể hoặc không thể thực hiện khi sự hoài nghi ở châu Âu dường như đã gia tăng mạnh hơn trong sự trỗi dậy của đại dịch.
Một cuộc khảo sát gần đây của công ty thăm dò ý kiến Monitor Italia cho thấy 88% người Ý cảm thấy EU không giúp đỡ họ đầy đủ trong cuộc khủng hoảng Covid-19. Tỷ lệ người Ý cho rằng tư cách thành viên EU là bất lợi, đã tăng từ 47% trong tháng 11/2019 lên 67% trong tháng 3/2020 này.
Về vấn đề kinh tế, một báo cáo của Ủy ban châu Âu, công bố hôm 13/3/2020, đã khẳng định tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của khối có thể hạ xuống -1% trong năm nay, giảm 2,4 điểm phần trăm so với dự báo được đưa ra vào tháng trước.
Theo ông Hutt, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc cũng có khả năng chấm dứt trong năm nay, mặc dù không chắc chắn lắm. Năm ngoái, Trung Quốc chứng kiến tốc độ tăng trưởng GDP tồi tệ nhất trong 29 năm qua, do những tác động tiêu cực của cuộc chiến thương mại với Mỹ.
Trong khi cả EU và Trung Quốc sẽ rất cần vực dậy nền kinh tế của mình khi khủng hoảng lùi xa dần, vẫn chưa rõ mối quan hệ song phương sẽ đi theo hướng nào.
“Điều rõ ràng là mối quan hệ kinh tế Mỹ – Trung sẽ xấu đi hơn nữa, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về thiệt hại và những cái chết do những gì ông gọi là virus ở Vũ Hán và virus Trung Quốc”, ông Hutt dự đoán.
Theo ông Small của Quỹ Marshall, “chắc chắn có những lĩnh vực nơi mà chính trị xung quanh sự tham gia kinh tế của Trung Quốc vào châu Âu, sẽ được xem xét lại’’.
Cuộc khủng hoảng Covid-19 đã cho châu Âu thấy “những rủi ro thực sự liên quan đến việc tiếp nhận tài trợ hoặc một số hình thức đầu tư nhất định của Trung Quốc”, ông Small kết luận.
Theo Asia Times
Duy Nghĩa dịch và biên tập
https://www.dkn.tv/the-gioi/eu-chia-re-truoc-chien-luoc-ngoai-giao-khau-trang-cua-trung-quoc.html
Virus corona: Một số quốc gia châu Âu
thu hồi trang thiết bị sản xuất tại Trung Quốc
Một số nước châu Âu đã từ chối các thiết bị y tế chống virus corona do Trung Quốc sản xuất.
Hàng ngàn bộ xét nghiệm và khẩu trang y tế của Trung Quốc không đạt tiêu chuẩn hay bị lỗi, theo giới chức ở Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ và Hà Lan.
Châu Âu hiện đã ghi nhận hàng trăm ngàn ca nhiễm virus corona.
Hơn 10.000 người đã chết ở Ý kể từ khi dịch bùng phát ở nước này.
Virus corona được phát hiện lần đầu tiên ở Trung Quốc vào cuối năm 2019. Chính phủ nước này thực hiện các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt nhằm kiểm soát dịch.
Virus corona: Người Việt ở Đức may khẩu trang tặng bệnh viên, cảnh sát vì ‘mốt đã đổi’
TQ lại lấn át ở Biển Đông, VN còn trông đợi Mỹ được không?
Các trang thiết bị có vấn đề gì?
Hôm thứ Bảy, Hà Lan thu hồi 600 ngàn khẩu trang y tế từ Trung Quốc chuyển đến hôm 21/03, và đã được phân phát cho nhân viên y tế tuyến đầu chống virus corona.
Giới chức Hà Lan nói các khẩu trang này không vừa, và màng lọc không hoạt động đúng cách, mặc dù có dấu tiêu chuẩn chất lượng
“Phần còn lại của chuyến hàng ngay lập tức bị ngưng và chưa được phân phối,” một thông cáo của chính phủ Hà Lan nói. “Hiện chính phủ đã quyết định không dùng bất cứ đồ gì trên phần còn lại của chuyến hàng này.”
Chính quyền Tây Ban Nha cũng gặp phải các vấn đề tương tự với các bộ thử đặt từ một công ty Trung Quốc.
Tây Ban Nha đã mua hàng trăm ngàn bộ thử để chống dịch, nhưng sau đó cho hay 60 ngàn bộ xét nghiệm đã không xác định được kết quả là bệnh nhân từng có virus hay là không.
Sứ quán Trung Quốc tại Tây Ban Nha viết trên Twitter rằng công ty sản xuất bộ thử này, Shenzhen Bioeasy Biotechnology, không có giấy phép chính thức của cơ quan y tế Trung Quốc để xuất khẩu thiết bị y tế.
Sứ quán Trung Quốc viết thêm rằng một lô kit xét nghiệm do chính phủ Trung Quốc và tập đoàn Alibaba tặng không bao gồm các sản phẩm của hãng Shenzhen Bioeasy.
Thổ Nhĩ Kỳ cũng tuyên bố họ đã phát hiện một số bộ thử đặt của các hãng Trung Quốc không đủ độ chính xác, mặc dù khoảng 350.000 bộ thử hoạt động tốt.
Virus corona: người Mỹ, sự coi trọng tự do và dịch Covid-19
Hành trình vào tâm dịch và chuyện tình xuyên biên giới
Những cáo buộc về trang thiết bị không đạt tiêu chuẩn của Trung Quốc được đưa ra sau khi có ý kiến cho rằng Trung Quốc có thể dùng dịch virus corona để tăng thêm ảnh hưởng của họ.
Trong một bài blog tuần trước, nhà ngoại giao hàng đầu của EU Josep Borrell cảnh báo có “yếu tố địa chính trị bao gồm cả tranh giành ảnh hưởng thông qua cách uốn nắn thông tin (spinning) và ‘chính trị hảo tâm'”.
“Trung Quốc đang ráo riết đẩy mạnh thông điệp rằng, không như nước Mỹ, Trung Quốc là một đối tác có trách nhiệm và đáng tin cậy,” ông viết. “Với những thông tin thực (facts), chúng ta cần bảo vệ châu Âu trước những kẻ gièm pha”.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-52105151
Virus corona : Số ca tử vong tại Pháp vượt ngưỡng 3.000
Thanh Phương
Tính đến ngày 30/03/2020, tổng số ca tử vong vì dịch Covid-19 trong các bệnh viện tại Pháp đã vượt qua ngưỡng 3.000, trong khi đó số ca bệnh nặng phải đưa vào phòng hồi sức tăng ngày càng nhanh, đặc biệt là tại vùng Paris.
Theo số liệu do tổng cục trưởng Tổng cục Y tế Jérôme Salomon công bố hôm 30/03, trong vòng 24 tiếng đồng hồ, đã có thêm 418 bệnh nhân chết do virus corona trong bệnh viện, mức tăng cao nhất từ trước đến nay, nâng tổng số ca tử vong lên thành 3.024 người.
Trong số hơn 21.000 người đang nằm viện do Covid-19, từ Chủ Nhật 29/03 đến thứ Hai 30/03 đã có thêm 475 người phải vào phòng hồi sức. Đây cũng là một kỷ lục mới, nâng tổng số ca bệnh nặng phải vào phòng hồi sức lên hơn 5.100.
Bác sĩ thứ 6 thiệt mạng
Là những người đứng trên tuyến đầu trong cuộc chiến chống virus corona, các nhân viên y tế Pháp vừa chịu thêm tổn thất nhân mạng, với bác sĩ thứ 6 chết vì bị nhiễm Covid-19. Đó là một bác sĩ tại bệnh viện ở thành phố Metz, nơi mà theo ban giám đốc bệnh viện, nhiều bác sĩ, y tá khác đang nằm trong phòng hồi sức.
Di tản bệnh nhân vùng Paris
Tại vùng Ile-de-France, tức vùng Paris, nơi có số ca tử vong lên đến 954, theo hãng tin AFP, việc di tản bệnh nhân đến những vùng bị dịch nhẹ hơn hiện đang được chuẩn bị để tiến hành trong những ngày tới, chủ yếu là bằng xe lửa cao tốc TGV.
Cảnh sát cũng đòi khẩu trang
Cũng theo AFP, từ mấy ngày qua, nhiều công đoàn cảnh sát tại Pháp đã chỉ trích tình trạng thiếu khẩu trang bảo hộ và nước rửa sát khuẩn. Một công đoàn thậm chí còn kêu gọi cảnh sát ngưng kiểm tra việc tuân thủ lệnh phong tỏa toàn quốc cho đến khi nào nhận được đầy đủ các thiết bị bảo hộ. Vào cuối tuần trước, bộ trưởng Nội Vụ Christophe Castaner thông báo đã đặt mua một triệu khẩu trang cho cảnh sát, hiến binh Pháp.
Hỗ trợ các công ty xuất khẩu
Ngày 31/03, chính phủ Pháp thông báo một kế hoạch khẩn cấp hỗ trợ các công ty xuất khẩu để giúp họ đối phó với tình trạng kinh tế trì trệ do tác động của dịch Covid-19.
Virus corona :
Pháp nhận bác sĩ Cuba hành nghề ở các tỉnh hải ngoại
Trọng Nghĩa
Đúng vào lúc đang phải vất vả đối phó với dịch Covid-19, chính quyền Pháp rốt cuộc đã chấp nhận cho phép Cuba gởi bác sĩ đến những tỉnh hải ngoại của Pháp. Sắc lệnh được Paris ký ban hành ngày 27/03/2020.
Việc tăng cường lực lượng y sĩ tại các vùng lãnh thổ hải ngoại này rất được hoan nghênh trong bối cảnh các vùng này rất thiếu bác sĩ, và cũng đang phải chật vật chống dịch Covid-19, đã khiến hơn 600 người bị nhiễm và 6 người thiệt mạng.
Còn đối với Cuba, việc được vào hoạt động trong vùng lãnh thổ hải ngoại của Pháp là dịp để nước này phát huy ngành y quốc tế của mình.
Thông tín viên RFI, Dominitille Piron tường thuật từ La Habana :
“Ngay giữa cơn khủng hoảng Covid-19, chính phủ Pháp rốt cuộc đã đồng ý đón nhận bác sĩ Cuba trên đất của mình. Các vùng liên quan là đảo Martinique, Guadeloupe, Guyane cũng như St Pierre và Miquelon.
Thượng nghị sĩ đảo Martinique, bà Catherine Conconne, rất vui mừng là điều khoản bổ sung của bà liên quan đến việc đón bác sĩ Cuba được thông qua bằng sắc lệnh. Cuba có tỷ lệ bác sĩ theo đầu người cao hơn gấp đôi nước Pháp và họ sẽ đến để lấp khoảng trống y bác sĩ tại các vùng này. “
Đến những nơi mà không ai muốn hành nghề y” là châm ngôn của giới bác sĩ Cuba. Hiên nay, La Habana đã cử bác sĩ đến 38 quốc gia để góp sức chống dịch Covid-19. Tại châu Âu, Ý và Andorre đã nhận sự giúp đỡ của Cuba.
Trong thời gian gần đây chính quyền La Habana bị chỉ trích là “nô lệ hóa” các bác sĩ gởi đi làm việc tại các quốc gia khác trên thế giới, và đã phải triệu hồi đội ngũ bác sĩ của mình ra khỏi nhiều nước châu Mỹ La Tinh có chính quyền cánh hữu.
Ngày nay, với Covid-19 đang hoành hành, Cuba đã chơi lại lá bài đoàn kết tương trợ khi gởi bác sĩ của mình đi chống dịch, như đã làm vào năm 2014 để chống dịch Ebola ở Châu Phi”.
Ba kịch bản nhiễm virus corona
Thụy My
Cho dù mới theo dõi trên 5 ca, nhưng các nghiên cứu của Pháp được công bố trên The Lancet hôm 27/03/2020 và được Le Figaro đưa lại mang ý nghĩa quan trọng, vì lần đầu tiên ghi chép rất cụ thể những diễn biến sau khi bị nhiễm virus corona.
Các tác giả ghi nhận ba loại triệu chứng lâm sàng và sinh học khác nhau ở 5 bệnh nhân bị nhiễm virus Covid-19. Có hai kịch bản diễn tiến tích cực, có hoặc không có biểu hiện nặng, và kịch bản xấu nhất dẫn đến tử vong.
Cả ba kịch bản trên chỉ liên quan đến những người có triệu chứng bệnh, để sang một bên phần nổi của tảng băng là những ai bị nhiễm nhưng không phát ra triệu chứng. Theo ước lượng của Trung Quốc đăng hôm 16/3 trên tạp chí Science, cứ mỗi ca xác định dương tính lại có từ 5 đến 10 ca khác là người lành mang mầm bệnh (không triệu chứng), chiếm 86% số trường hợp lây nhiễm.
Dù chỉ dựa trên 5 ca, nghiên cứu của Pháp là đặc biệt quan trọng vì đây là lần đầu tiên diễn tiến của virus sau khi xâm nhập cơ thể người bệnh được mô tả cụ thể đến thế, song song với kết quả xét nghiệm mẫu thử lấy ở mũi và họng.
Kịch bản đầu tiên, xấu nhất và may thay diễn ra với tần số ít nhất, dẫn đến tử vong. Đó là trường hợp của du khách Trung Quốc 80 tuổi, từ tâm dịch Hồ Bắc đến Pháp. Các bác sĩ lưu ý, cho đến khi chết tại bệnh viện sau 24 ngày phát bệnh, mẫu thử từ ông cụ này luôn xét nghiệm dương tính. Thế nên các y bác sĩ phải vô cùng thận trọng khi chăm sóc những bệnh nhân có diễn biến xấu, cả với xác của người quá cố.
Kịch bản thứ hai, giải thích sự cẩn trọng hiện nay của các nhân viên y tế đối với bệnh nhân Covid-19, là bệnh bỗng trở nặng. Hai bệnh nhân được nghiên cứu nằm trong trường hợp này. Người thứ nhất là nam, 31 tuổi, đến Pháp hôm 19/1, đã có các triệu chứng cúm và đã đến bệnh viện Vũ Hán trước đó ba ngày vì bệnh gút. Người thứ hai, nam 48 tuổi, trở về từ Thượng Hải hôm 22/1 và đã ở Vũ Hán ba ngày.
Cả hai đều có triệu chứng khoảng một tuần trước khi nhập viện, xét nghiệm dương tính với con virus từ Vũ Hán, nhưng người thứ hai đến ngày thứ 10 và 11 trở nên âm tính. Ngược lại, tình trạng của họ đến lúc đó trở nên trầm trọng hơn, phải đưa sang khoa hồi sức đặc biệt cho thở máy.
Các tác giả ghi nhận tình trạng tổn thương phổi của hai người bệnh này phù hợp với những gì được các bác sĩ Trung Quốc ghi nhận trên một số lượng lớn bệnh nhân: trở nặng vào ngày thứ 8 (thường là từ ngày thứ 5 đến thứ 13). Điều này có thể liên quan đến phản ứng miễn dịch đôi khi quá mãnh liệt của cơ thể khi virus xâm nhập.
Cuối cùng, kịch bản thứ ba có diễn tiến tốt, liên quan đến hai phụ nữ. Người thứ nhất 31 tuổi, vợ của bệnh nhân 31 tuổi nói trên, người thứ hai 46 tuổi, con gái của ông cụ du khách 80 tuổi. Cả hai được xét nghiệm rất sớm, vào ngày thứ hai sau khi có những triệu chứng nhẹ, và phát hiện lượng virus rất lớn khi lấy mẫu ở mũi và họng. Các bác sĩ Pháp giải thích: « Như vậy nguy cơ lây nhiễm có thể đã rất cao ngay từ những ngày đầu tiên khi mới phát ra triệu chứng ».
http://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A1p/20200331-ba-k%E1%BB%8Bch-b%E1%BA%A3n-nhi%E1%BB%85m-virus-corona
Virus corona : Đến lượt Chanel làm khẩu trang
sau Yves Saint Laurent, Balenciaga, Gucci
Mai Vân
Ngành thời trang may mặc hạng sang tiếp tục tham gia cuộc chiến chống virus corona. Hôm 29/03/2020, đến lượt thương hiệu thời trang huyền thoại Chanel của Pháp nhập cuộc, lao vào việc sản xuất khẩu trang, bên cạnh các tên tuổi Pháp khác như Yves Saint Laurent, Balanciaga, hay Gucci của Ý.
Trước đó, các hãng mỹ phẩm cao cấp thuộc tập đoàn Pháp LVMH như Dior, Guerlain, Givenchy đã tập trung sản xuất gel rửa tay chống vi khuẩn cho bệnh viện Pháp.
Trong một thông cáo, Chanel cho biết quyết định “huy động các nhà sản xuất đối tác, các ê kíp – trong đó có 150 thợ may thuộc các bộ phận Hàng May Mặc Cao Cấp (Haute Couture), Hàng May Sẵn, Hàng Nghệ Thuật Nội Thất – sản xuất khẩu trang và áo blouse”. Chanel nói rõ: Một khi được chính quyền Pháp phê chuẩn, các mẫu sẽ được đưa ngay vào sản xuất.
Trong bối cảnh các bệnh viện Pháp thiếu khẩu trang nghiêm trọng, sáng kiến của Chanel rất đáng hoan nghênh. Không chỉ thế, thương hiệu nổi tiếng này còn thông báo tài trợ 1,2 triệu euro cho hệ thống bệnh viện Pháp để góp phần chống dịch.
Trước đó, hôm 24/03, tập đoàn hàng xa xỉ Kering của Pháp, cũng đã huy đông xưởng may của các thương hiệu nổi tiếng của tập đoàn là Yves Saint Laurent và Balenciaga vào việc sản xuất khẩu trang.
Bên cạnh công việc sản xuất, Kering còn cho biết sẽ trao cho các cơ quan y tế Pháp 3 triệu khẩu trang mà tập đoàn đã mua ở Trung Quốc để chuyển về Pháp. Kering còn giúp một khoản tài chính “đặc biệt” cho viện Pasteur, hỗ trợ nghiên cứu về Covid-19.
Tại Ý, thương hiệu thời trang Gucci (cũng thuộc tập đoàn Kering) cũng thông báo lao vào sản xuất vật dụng y tế, cam kết sản xuất 1,1 triệu chiếc khẩu trang và 455.000 áo blouse cho nhân viên bệnh viện Ý, nước đứng đầu Châu Âu về dịch bệnh.
Ngoài những thương hiệu thời trang cao cấp như kể trên, những thương hiệu thời trang ít tên tuổi hơn cũng lao mặt trận khẩu trang, trang phục bảo hộ, đáp ứng lời kêu gọi của giới y tế.
Tại Pháp có thể kể đến các thương hiệu như Noyoco, Chantal Thomass, Saint James và Manifeste011. Nhìn chung, để đối phó với tình trạng khan hiếm khẩu trang trước mắt, ngành dệt may Pháp đã cố huy động lực lượng tham gia sản xuất, với hơn 300 công ty vừa và nhỏ đã ra sức làm ra được hơn 500.000 khẩu trang mỗi ngày.
Trong lãnh vực chống dịch, phải nói là tập đoàn LVMH đã nêu gương đầu tiên, khi ngay từ ngày 16 đã yêu cầu các cơ sở sản xuất mỹ phẩm Dior, Guerlain và Givenchy sản xuất gel rửa tay chống vi khuẩn. Dù không tự mình làm ra khẩu trang, nhưng LVMH đã bỏ ra khoảng 5 triệu euro để mua của một nhà sản xuất Trung Quốc 10 triệu chiếc khẩu trang chuyển về Pháp.
Covid-19: Phi trường Paris-Orly
tạm ngưng hoạt động vô hạn định
Tú Anh
Thứ Ba 31/03/2020 là ngày cuối cùng của bốn hãng hàng không còn lẻ loi bám trụ ở Orly trước khi phi trường quốc tế Nam Paris (Pháp) tạm ngưng hoạt động trong thời gian vô hạn định.
Nhu cầu an ninh dịch tể và tình trạng giao thông tê liệt do đại dịch Covid-19 gây ra là hai nguyên nhân chính làm chính phủ Pháp lấy quyết định này.
Theo nghị định của bộ Giao Thông Pháp, kể từ 23 giờ 59 phút đêm 31/03/2020, phi trường Orly đóng cửa cho đến khi có lệnh mới. Những công ty hàng không còn sử dụng phi cảng này (4 trên tổng số hơn 100) chuyển về phi trường Paris-Charles de Gaulle. Phi trường quốc tế ở phía bắc cũng đang bị tác động mạnh vì đại dịch.
Rộng 80.000 mét vuông, Orly mỗi ngày đón tiếp 200.000 hành khách, từ nay tạm ngưng tất cả dịch vụ giao thông và thương mại khác trừ đài kiểm soát không lưu vẫn hoạt động ngày đêm.
Phi trường vẫn là nơi dành riêng cho các chuyến bay phục vụ công ích nhất là trong giai đoạn khủng hoảng y tế như là di tản bệnh nhân, cứu thương và trực thăng tuần tra.
Covid-19: Ý vượt mốc 100.000 ca nhiễm,
lệnh phong tỏa kéo dài đến lễ Phục Sinh
Trọng Nghĩa
Theo số liệu chính thức tại Ý, tính đến cuối ngày 30/03/2020, số ca nhiễm virus corona tại nước này đã lên đến 101.739 trường hợp, đứng thứ 2 thế giới sau Mỹ. Với 11.591 ca tử vong, tăng thêm 821 trường hợp, Ý nắm giữ kỷ lục đáng buồn là đứng đầu thế giới về số người chết vì Covid-19. Trong tình hình đó, chính quyền Ý đã ra lệnh kéo dài phong tỏa toàn quốc.
Theo bộ trưởng Y Tế Ý tối 30/03, biện pháp phong tỏa sẽ kéo dài ít nhất cho đến lễ Phục Sinh, tức là đến ngày 13/04.
Quyết định phong tỏa vẫn tiếp tục được ban hành mặc dù đã có một số dấu hiệu cho thấy là đà lây lan của virus corona đang chậm lại, với hôm 30/03 là ngày thứ tư liên tiếp mà số ca nhiễm mới giảm bớt, đặc biệt là xuống đến mức ít nhất trong vòng 13 ngày, kể từ ngày 17/03. Cùng lúc, số người bị Covid-19 được chữa khỏi cũng tăng lên, đạt mức 14.620 trường hợp lành bệnh.
AFP cho biết giới chủ ở Ý lo ngại GDP của nước này giảm 6% nếu dịch Covid-19 kéo đến cuối tháng 5/2020. Theo thăm dò của trung tâm Confindustria quy tụ các tập đoàn công nghiệp của Ý, mỗi tuần lễ
trong tình trạng bị phong tỏa như hiện nay, tổng sản phẩm nội địa của nước này bị mất 0,75%. Miền bắc nước Ý, trung tâm công nghiệp toàn quốc, hiện đang bị virus corona tàn phá nghiêm trọng nhất.
Tây Ban Nha : Tốc độ nhiễm virus corona tăng trở lại
Tại Tây Ban Nha, theo thống kê ngày 31/03, số tử vong đã lên đến 8.189 người, tăng thêm 849 trường hợp, biến nước này thành quốc gia có số người chết vì Covid-19 nhiều thứ hai sau Ý.
Các ca nhiễm cũng tăng nhanh trở lại, thêm 9.222 người trong vòng 24 tiếng đồng hồ, nâng tổng số trường hợp bị nhiễm lên thành 94.417 người.
Cho dù vậy, giới y tế Tây Ban Nha vẫn tin tưởng là xu thế chung là dịch bệnh bắt đầu lan chậm lại, nhờ các biện pháp phong tỏa, được ban hành cách nay hai tuần, từ hôm 14/03.
Vào lúc Ý và Tây Ban Nha điêu đứng vì dịch bệnh, ngày 30/03, tổng thống Mỹ Donald Trump đã cho biết quyết định viện trợ viện trợ 100 triệu đô la cho ba nước châu bị tác hại nặng nhất là Ý, Tây Ban Nha và Pháp. Theo tổng thống Mỹ, viện trợ bao gồm các thiết bị y tế, phẫu thuật.
Dân Anh lo nguy cơ nữ hoàng bị nhiễm virus corona
Tại Anh, số lượng ca nhiễm tiếp tục tăng, nhưng có dấu hiệu chậm lại. Thống kê chính thức công bố hôm 30/03 cho thấy tổng cộng có 22.141 ca nhiễm, với hơn 1.400 người thiệt mạng. Bộ trưởng Y Tế Anh xác định rằng nước này đã đạt mức 10.000 xét nghiệm mỗi ngày và hướng tới mục tiêu 25.000 xét nghiệm/ngày.
Điều khiến dân Anh quan ngại nhất hiện nay là nguy cơ Nữ Hoàng Anh Elizabeth II bị nhiễm virus corona, sau khi một người hầu thân cận của bà bị xét nghiệm dương tính với virus gây bệnh.
Riêng tại Đức, theo số liệu mới nhất tính đến 10 giờ sáng 31/03 của đại học Mỹ Johns Hopkins, nước này đã có hơn 67.000 ca nhiễm, và 650 trường hợp tử vong. Về phần thủ tướng Đức Angela Merkel, bà đã được xét nghiệm 3 lần âm tính với virus corona.
Hungary : Quốc Hội bật đèn xanh
cho thủ tướng Orban thâu tóm quyền lực
Hoàng Nguyễn|Thanh Hà
Ngày 30/03/2020, Quốc Hội Hungary thông qua dự luật cho phép thủ tướng Viktor Orban điều hành đất nước bằng sắc lệnh nhằm chống dịch Covid-19. Dự luật đã được tổng thống Hungary phê chuẩn trong một thời gian ngắn kỷ lục. Chính quyền Budapest bị phe đối lập tố cáo lợi dụng virus corona để bóp chết nền dân chủ Hungary.
Thông tín viên Hoàng Nguyễn từ Budapest phân tích :
« Quốc hội Hungary vào chiều 30/3 đã thông qua Đạo luật Coronavirus theo cách gọi tắt của chính giới nước này, với 138 phiếu thuận và 53 phiếu chống, tạo điều kiện để chính phủ Hungary, thêm một bước nữa, lại thâu tóm hoàn toàn quyền lực trong tay trong thời gian tình trạng khẩn cấp tồn tại ở quốc gia Trung Âu này.
Tình trạng khẩn cấp được chính phủ Hungary vào ngày 11/3 và theo Hiến Pháp Hungary, chính phủ có thẩm quyền gia hạn tình trạng này tới khi nào họ cảm thấy cần thiết. Nó cho phép chính phủ điều hành đất nước thông qua các sắc lệnh nghị định mang tính chất cưỡng chế, thậm chí có thể không cần tuân thủ các đạo luật.
Trên nguyên tắc, tình trạng khẩn cấp phải được xem xét lại sau 2 tuần, cũng như các sắc lệnh, nghị định được đưa ra trong thời gian đó. Tuy nhiên, bằng việc thông qua Đạo luật Coronavirus, chính phủ Hungary nhận được sự ủy nhiệm của Quốc Hội một cách vô thời hạn, và đó là điều đã bị tất cả các đảng đối lập phản đối.
Có điều, do sở hữu hơn 2/3 số dân biểu trong Quốc Hội, nên đạo luật đã được liên minh cầm quyền thông qua một cách dễ dàng. Thậm chí, nó còn được Tổng thống Áder János, vốn là một quan chức cao cấp của đảng FIDESZ, phê chuẩn rất nhanh chóng – chỉ sau 2h, điều chưa có trong lịch sử! – nên đã lập tức có hiệu lực!
Trong thực tế, đạo luật trên hàm chứa nhiều rủi ro về mặt nhân quyền và dân chủ, như chính phủ có thể trừng phạt nặng nề người dân (với khung hình phạt lên tới 5 năm) nếu họ có những phát ngôn bị coi là không phù hợp trong hoàn cảnh đặc biệt, hoặc không thể tổ chức bầu cử và trưng cầu dân ý trong tình trạng này.
Phe đối lập Hungary, khi đồng thanh bỏ phiếu chống đạo luật này, đã nói rằng trái với tuyên truyền của chính quyền khi coi họ là những người không nghĩ đến lợi ích của đất nước, họ muốn chống Coronavirus, nhưng đồng thời muốn bảo vệ nền dân chủ. Hãy để đại dịch Covid-19 chấm dứt, chứ không thể để nền dân chủ cáo chung ».
Nhật Bản nghi Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo
Triều Tiên đã phóng ít nhất 1 vật thể bay không xác định về phía bờ biển phía đông, Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc ngày 29-3 thông báo. Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Nhật Bản ghi nhận đây có thể là một tên lửa đạn đạo.
Bộ Quốc phòng Nhật cho biết tên lửa không rơi xuống lãnh thổ Nhật Bản trên đất liền hay vùng đặc quyền kinh tế trên biển (EEZ) của họ.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục thu thập, phân tích và tìm kiếm thêm thông tin”, cơ quan này thông báo trên mạng xã hội Twitter.
Hàn Quốc cũng thông báo Triều Tiên đã phóng 2 tên lửa đạn đạo tầm ngắn về phía phần biển phía đông. Theo Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc (JCS) ngày 29-3, cả 2 tên lửa được phóng từ thành phố Wonsan (Triều Tiên) lúc 6h10 sáng ngày 29-3 theo giờ địa phương. Các tên lửa trên bay 230km theo hướng đông bắc, ở độ cao 30km.
“Trong bối cảnh toàn cầu đang đối mặt với khó khăn từ COVID-19, động thái quân sự của Triều Tiên là không phù hợp và chúng tôi yêu cầu phía này lập tức ngừng lại”, JCS tuyên bố.
Nếu được xác nhận là một tên lửa đạn đạo, đây sẽ là lần phóng thứ 4 trong chuỗi tập trận liên tiếp của Triều Tiên vào tháng 3-2020, theo hãng tin Reuters. Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un đều xuất hiện ở đa số các lần phóng thử nghiệm này.
Đợt thử nghiệm gần đây nhất diễn ra hôm 21-3. Dựa trên một số hình ảnh phía truyền thông Triều Tiên công bố, các chuyên gia cho rằng vũ khí được phóng là các tên lửa đạn đạo tầm ngắn KN-24.
Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (UNSC) cấm Triều Tiên thử nghiệm tên lửa đạn đạo. Quốc gia này đang đối mặt với các trừng phạt nặng nề vì chương trình tên lửa và vũ khí hạt nhân của mình.
Trong tháng 3, Triều Tiên vẫn thực hiện các đợt tập trận, dù đang trong giai đoạn áp dụng lệnh đóng cửa biên giới và nhiều biện pháp cách ly khác để chiến đấu với dịch từ virus corona chủng mới (COVID-19).
Tuy nhiều chuyên gia quốc tế tỏ ra nghi ngờ, Triều Tiên hiện chưa ghi nhận ca nhiễm và tử vong vì dịch.
http://biendong.net/bi-n-nong/33815-nhat-ban-nghi-trieu-tien-phong-ten-lua-dan-dao.html
Triều Tiên tuyên bố thử nghiệm thành công
bệ phóng tên lửa siêu lớn
Ngày đăng 31-03-2020
Ngày 30/3, Triều Tiên thông báo thử nghiệm thành công “bệ phóng tên lửa phản lực đa nòng siêu lớn”, trong đợt bắn thử hôm 29/3.
Quân đội Hàn Quốc hôm 29/3 cho biết, các tên lửa Triều Tiên được bắn từ thành phố ven biển phía Đông Wonsan, bay với vận tốc 230 km/h và đạt độ cao tối đa 30 km.
“Vụ thử nghiệm hôm 29/3 được thực hiện để xác minh lại các thông số kỹ thuật và chiến thuật của hệ thống phóng tên lửa, trước khi chuyển giao cho các đơn vị của Quân đội Nhân dân Triều Tiên. Vụ thử lửa đã được tiến hành thành công”, Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) cho hay.
Theo KCNA, vụ phóng hôm 29/3 được giám sát bởi Phó Bí thư thứ nhất Đảng Lao động Triều Tiên Ri Pyong Chol và các quan chức Viện hàn lâm Khoa học Quốc phòng.
“Việc triển khai hệ thống vũ khí trên bệ phóng tên lửa siêu lớn là công việc quan trọng, có ý nghĩa rất lớn trong việc hiện thực hóa chiến lược mới của Ủy ban Trung ương đảng Lao động Triều Tiên về quốc phòng”, KCNA dẫn lời ông Ri Pyong Chol.
Triều Tiên đã thực hiện các cuộc thử nghiệm vũ khí và các cuộc tập trận bắn pháo trong năm nay. Vụ phóng tên lửa hôm 29/3 là lần thứ 4 Triều Tiên thử nghiệm vũ khí lớn trong tháng này.
Trong 3 lần trước, nhà lãnh đạo Kim Jong Un đều tham gia thị sát và trực tiếp chỉ đạo cuộc thử nghiệm.
Giới quan sát cho rằng, các động thái quân sự gần đây của Triều Tiên chủ yếu nhằm tăng cường sức mạnh trong bối cảnh lo ngại về sự lây lan của dịch Covid-19, cũng như những khó khăn kinh tế do lệnh trừng phạt quốc tế kéo dài.
Sau vụ thử vũ khí mới nhất của Triều Tiên, Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc cho rằng “rất không phù hợp” để thực hiện các vụ thử vũ khí trong khi thế giới đang vật lộn đối phó với đại dịch Covid-19, đồng thời kêu gọi Bình Nhưỡng dừng các hành vi tương tự.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Mỹ kêu gọi Bình Nhưỡng tránh các hành động khiêu khích và quay lại bàn đàm phán.
Đến nay, Triều Tiên khẳng định nước này không có ca nhiễm virus corona chủng mới nào và là một trong những quốc gia hiếm hoi còn lại trên thế giới chưa bị dịch Covid-19 tấn công. Triều Tiên đang thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt nhằm ngăn chặn dịch Covid-19.
Quân đội Đài Loan sẵn sàng
cho bất kỳ cuộc tấn công nào từ Trung Cộng
Tin Đài Bắc, Đài Loan – Một viên chức quốc phòng Đài Loan vào thứ Hai, 30 tháng 3, nói rằng quân đội đảo quốc này đã được chuẩn bị kỹ lưỡng để đối phó với bất kỳ cuộc tấn công nào có thể xảy ra từ Trung Cộng, trong thời gian dịch Covid-19 bùng phát. Phó Bộ Trưởng Quốc Phòng Đài Loan Chang Guan-chung nói, trong tình huống đại dịch bùng phát, nếu đảng Cộng Sảng Trung Cộng có hành động quân sự nào dẫn đến xung đột khu vực, họ sẽ bị thế giới lên án, và bất kể điều gì xảy ra, Đài Loan đều đã chuẩn bị sẵn sàng để đối phó.
Tuyên bố của ông Chang được đưa ra trong phiên họp quốc hội, khi các nhà lập pháp Đài Loan hỏi rằng Bộ Quốc Phòng có cách nhìn như thế nào trước các hoạt động gần đây của Trung Cộng và Hoa Kỳ tại eo biển Đài Loan. Ông Chang cũng thêm rằng Bộ Quốc Phòng luôn theo dõi sát các hoạt động của quân đội Trung Cộng trong khu vực, với sự hỗ trợ của ngành tình báo và sự hợp tác với chính phủ nước ngoài. Vào tháng trước, 3 nhóm chiến đấu cơ của quân đội Trung Cộng đã đến gần đảo Đài Loan, khi thực hiện một cuộc tập trận tầm xa tại tây Thái Bình Dương. Theo giới phân tích, trong cuộc tập trận này, Trung Cộng muốn phô diễn khả năng định hướng ban đêm và hoạt động trong mọi thời tiết.
Không quân Đài Loan khi đó đã điều chiến đấu cơ để cản đường và giải tán nhóm chiến đấu cơ Trung Cộng. Không lâu sau cuộc tập trận, Hoa Kỳ đã điều 2 oanh tạc cơ B-52 bay ngang bờ biển phía đông Đài Loan, và cho một vận tải cơ bay qua eo biển phân chia giữa hòn đảo và Trung Cộng đại lục.
Mộc Miên
https://www.sbtn.tv/quan-doi-dai-loan-san-sang-cho-bat-ky-cuoc-tan-cong-nao-tu-trung-cong/
Hơn 70% người Đài Loan ủng hộ
xóa từ ‘Trung Quốc’ khỏi hộ chiếu
Hương Thảo
Theo kết quả khảo sát của Đảng quyền lực mới (NPP) ở Đài Loan, hơn 70% người dân nước này được hỏi ủng hộ thay đổi tên tiếng Anh trên hộ chiếu của Đài Loan để tránh nhầm lẫn với Trung Quốc đại lục.
Vào hôm 29/3, NPP thông báo, 74,3% người tham gia khảo sát đã ủng hộ xóa chữ “Republic of China” (Cộng hòa Trung Hoa) bằng tiếng Anh trên hộ chiếu và thay thế bằng chữ “Taiwan” (Đài Loan) để tránh
bị nhầm lẫn với Trung Quốc đại lục. Theo khảo sát, 51,2% ủng hộ mạnh mẽ đề xuất này, 23,1% ủng hộ, 10,8% không đồng ý và 6,4% không đồng ý mạnh mẽ, trong khi 8,5% không bày tỏ ý kiến rõ ràng.
Đối với người trả lời khảo sát thuộc các chính đảng tại Đài Loan, 90% thành viên của Đảng Dân chủ Tiến bộ (DPP) và thành viên Đảng Xây dựng Nhà nước Đài Loan (TSP) ủng hộ thay đổi tên. Trong khi đó, 75% thành viên của Đảng Nhân dân Đài Loan (TPP) và 52% thành viên Quốc Dân Đảng đã ủng hộ đề xuất này.
Khảo sát được thực hiện từ ngày 23/3 đến ngày 24/3 qua điện thoại và thu được 1.085 mẫu hợp lệ. Cuộc khảo sát có mức độ tin cậy 95% với sai số lấy mẫu cộng hoặc trừ 3%.
Nhà lập pháp Hsu Yung-ming (Từ Vĩnh Minh), chủ tịch của Đảng Quyền lực mới (NPP), nói rằng trước đây, người Đài Loan thường muốn làm rõ họ không phải là người Trung Quốc bằng cách dán thêm lưu ý vào bìa hộ chiếu. Tuy nhiên, theo ông, NPP cho rằng đã đến lúc phải thiết kế lại bìa hộ chiếu để củng cố bản sắc riêng của Đài Loan.
Theo ông Từ, một sự kiện thiết kế công cộng sẽ được tổ chức trước kỳ nghỉ hè năm nay để cung cấp các đề xuất về thiết kế mẫu hộ chiếu mới cho Bộ Ngoại giao Đài Loan.
Nhà lập pháp của Đảng DPP, Ho Chih-wei (Hà Chí Vỹ) bày tỏ sự ủng hộ cho việc thay đổi tên và đề nghị rằng nó nên được thực hiện dần dần. Ông nói rằng việc thay đổi tên sẽ cải thiện sự công nhận của thế giới đối với Đài Loan, nhưng ông nhấn mạnh rằng “sự tham gia đáng kể của Đài Loan vào các tổ chức quốc tế” là quan trọng hơn, báo Liberty Times đưa tin.
Theo Taiwan News
Hương Thảo dịch và biên tập
https://www.dkn.tv/the-gioi/hon-70-nguoi-dai-loan-ung-ho-xoa-tu-trung-quoc-khoi-ho-chieu.html
Tập Cận Bình bị kêu gọi từ chức
vì xử lý tệ hại khủng hoảng corona
Thụy My
Đài truyền hình Sun TV tại Hồng Kông cho biết các « thái tử đỏ » đề nghị lập ra một « nhóm lãnh đạo khẩn cấp » do phó chủ tịch nước Vương Kỳ Sơn hoặc Uông Dương, ủy viên thường trực Bộ Chính trị đứng đầu. Sự kiện một thông tin như vậy xuất hiện cho thấy đang có đấu đá dữ dội trong nội bộ Trung Quốc.
Theo tác giả Jayadeva Ranade, giám đốc Trung tâm Phân tích Chiến lược Trung Quốc trên tờ The Tribune*, ông Tập Cận Bình đang bị những người chỉ trích đòi hỏi từ chức, do đã xử lý một cách tệ hại đại dịch virus corona xuất phát từ Vũ Hán.
Những biểu hiện bất mãn, vốn hiếm thấy ở Trung Quốc vì nguy cơ bị trừng phạt, đang ngày càng tăng lên, gây áp lực lớn đối với chủ tịch Tập Cận Bình và đảng Cộng Sản Trung Quốc.
Sự phẫn nộ lan rộng trong công dân Trung Quốc trước tình trạng thiếu minh bạch, giấu diếm thông tin khi nạn dịch virus corona nổ ra, đã thổi bùng sự bất mãn ngấm ngầm lâu nay khi Tập Cận Bình xóa bỏ giới hạn không được tại vị quá hai nhiệm kỳ, trong Đại hội Đảng thứ 19 vào tháng 10/2017.
Cái chết của bác sĩ Lý Văn Lượng (Li Wenliang), bệnh viện Vũ Hán, càng làm người dân thêm giận dữ. Một số nhân vật nổi tiếng, kể cả các quan chức đảng hoặc đảng viên bình thường, và có ít nhất là một cựu thành viên trong số 350 ủy viên trung ương đầy quyền lực, đã thẳng thừng đả kích Tập Cận Bình và chính sách của hoàng đế đỏ.
Các chỉ trích nhắm vào việc đảng ngày càng tăng cường kiểm soát và tập trung quyền lực. Việc siết chặt giám sát thể hiện qua ngân sách an ninh hàng năm đều tăng lên kể từ năm 2013, trùng hợp với thời điểm Tập Cận Bình lên làm tổng bí thư kiêm chủ tịch Quân ủy Trung ương và chủ tịch nước. Bên cạnh đó việc theo dõi người dân trở nên phổ biến thông qua hệ thống camera giám sát, công nghệ nhận diện và trí tuệ nhân tạo.
Sự vắng mặt khó hiểu của Tập Cận Bình từ ngày 29/1 đến 10/2/2020, lúc dịch bệnh hoành hành, trong khi lâu nay ông luôn xuất hiện trên trang nhất các báo và đài truyền hình Nhà nước, cũng gây ra luồng ý kiến bất lợi cho ông Tập.
Vào ngày 02/03/ và trước đó vào ngày 23/2, ông Triệu Sĩ Lâm (Zhao Shilin), giáo sư về hưu của trường đại học Dân tộc Trung ương (Minzu), ủy viên trung ương đảng, đã gởi hai lá thư cho ông Tập Cận Bình, cả hai đều mang giọng điệu đả kích kịch liệt.
Trong thư đề ngày 23/2, Triệu Sĩ Lâm khẳng định Trung Quốc đã bỏ lỡ « thời gian vàng » vào dịp Tết, khiến cho « nạn dịch lan tràn vô cùng dữ dội ». Ông nhận định cái giá phải trả là « khủng khiếp » và « đau thương không kể xiết ». Nhắc lại lời của Tập Cận Bình, cuộc chiến chống virus corona là « thử nghiệm lớn lao về khả năng của hệ thống điều hành đất nước », vị giáo sư thẳng thừng tuyên bố : « Rất tiếc là tôi phải nói rằng tỉ số của đồng chí đến nay bằng 0 ! ».
Giáo sư Triệu chỉ ra năm yếu tố, trong đó có việc siết chặt an ninh, bảo đảm hình ảnh ưu việt của đảng, tập trung mọi quyền hành vào tay một người. Tình trạng này ngăn trở các cán bộ đảng và viên chức thực hiện phần việc của mình, phát huy sáng kiến. Tuyên bố « những người trong và ngoài hệ thống đều kêu gọi cải cách chính trị », ông Triệu Sĩ Lâm nhấn mạnh cần bao gồm việc áp dụng « những giá trị xã hội cốt lõi: tự do, dân chủ, bình đẳng, pháp quyền », bảo đảm các quyền chính trị của công dân như tự do ngôn luận.
Trong lá thư thứ hai ngày 2/3, ông tái khẳng định : « Trong một xã hội lành mạnh, cần phải có nhiều hơn là một tiếng nói để đòi hỏi tự do ngôn luận ».
Nhiều người khác cũng đã đăng những bài viết chỉ trích, khiến một số có nguy cơ bị đàn áp.
Ông Hứa Chí Vĩnh (Xu Zhiyong), cựu giáo sư trường đại học Bưu điện và Viễn thông Bắc Kinh, kêu gọi ông Tập Cận Bình từ chức vì « không có khả năng xử lý những cuộc khủng hoảng lớn ». Giáo sư gọi tư tưởng chính trị của Tập Cận Bình là « rối rắm », mô hình cai trị « lỗi thời », tuyên bố ông Tập đã làm Trung Quốc suy sụp với « những biện pháp quá lố nhằm duy trì ổn định xã hội » của ông ta. Hứa Chí Vĩnh kết luận: « Tôi không nghĩ rằng ông là một người độc ác, ông chỉ không mấy thông minh thôi. Vì lợi ích cộng đồng, một lần nữa tôi yêu cầu ông: hãy từ chức đi, ông Tập Cận Bình! ».
Tiểu luận của giáo sư Hứa Chương Nhuận (Xu Zhangrun), trường đại học Thanh Hoa (Tsinghua) mang tên « Những người phẫn nộ không còn sợ hãi nữa » được lan truyền rộng rãi trên các mạng xã hội Trung Quốc. Nhà nghiên cứu cáo buộc các nhà lãnh đạo, và đặc biệt là Tập Cận Bình, đã xa rời nhu cầu của người dân, muốn duy trì vĩnh viễn sự cai trị của « một nhóm nhỏ lãnh đạo » và lao vào « chủ nghĩa khủng bố dữ liệu ». Giáo sư tố cáo việc « bóp nghẹt các tranh luận công khai và truyền thông xã hội, cơ chế cảnh báo sớm đã tồn tại ban đầu », đổ lỗi cho chính quyền Hồ Bắc. Bài viết đánh giá Tập Cận Bình là « bạo chúa chính trị », và khẳng định « cuối cùng vầng thái dương cũng sẽ đến trên mảnh đất tự do này ».
Cơn phẫn nộ của cư dân Vũ Hán, thủ phủ tỉnh Hồ Bắc và là tâm dịch đương nhiên nổ ra khi dịch bệnh hoành hành. Khi phó thủ tướng Tôn Xuân Lan (Sun Chunlan) đến Vũ Hán hôm 14/2, họ đã phản đối việc « chính quyền cộng sản hủy bỏ tự do ngôn luận và giấu diếm thông tin ». Cư dân hô lớn « Đừng tin họ », « Họ toàn nói láo »…
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc nhận ra những chỉ trích liên tục này. Để xoa dịu cơn giận của người dân, Ủy ban Kiểm tra Trung ương (do Tập Cận Bình làm chủ tịch) điều tra về vụ trấn áp bác sĩ Lý Văn Lượng (Li Wenliang) – người đã đưa ra lời cảnh báo và bị công an bắt giữ, sau đó chết vì virus corona – hôm 19/3 báo cáo rằng công an và an ninh Vũ Hán đã rút lại biện pháp trừng phạt, xin lỗi gia đình vị bác sĩ trẻ và kỷ luật hai công an viên.
Dấu hiệu cho thấy quy mô bất bình trong dân chúng hiện rõ vào tuần trước, với thông tin các « thái tử đỏ » kêu gọi họp khẩn để thảo luận về việc thay thế ông Tập Cận Bình. Đài truyền hình Sun TV có trụ sở tại Hồng Kông, chuyên tập trung vào giới tinh hoa Trung Quốc và cộng đồng người Hoa, cho biết các « thái tử đỏ » đề nghị lập ra một « nhóm lãnh đạo khẩn cấp » do phó chủ tịch nước Vương Kỳ Sơn (Wang Qishan) hoặc Uông Dương (Wang Yang), ủy viên thường trực Bộ Chính trị đứng đầu. Sự kiện một thông tin như vậy xuất hiện cho thấy đang có đấu đá dữ dội trong nội bộ Trung Quốc.
* The Tribune là tờ báo tiếng Anh độc lập được đọc nhiều nhất ở bắc Ấn Độ.
Chiến dịch gia tăng quyền lực mềm
của Trung Cộng giữa cơn đại dịch
Đinh Yên Thảo
Là nơi phát xuất và từng là trung tâm dịch bịnh lây lan cho thế giới, cho dù tình hình dịch bịnh thật sự tại quốc gia này như thế nào ắt chẳng ai biết chính xác, nhưng trong những tuần qua Trung Cộng đã không ngừng tung ra một chiến dịch tuyên truyền nhằm đánh bóng và tô điểm bộ mặt của mình giữa cơn đại dịch Covid-19 hiện nay.
Trên các cơ quan truyền thông chủ lực của đảng tại Hoa Lục như Tân Hoa Xã, Nhân Dân Nhật Báo và Hoàn Cầu Thời Báo…, là nhan nhản các xã luận, bản tin đại loại như “Trung Quốc giúp đỡ thế giới chống trả Covid-19”, “Đoàn chuyên viên y tế đến Ý, Pakistan, Lào, Serbia, Trung Đông… giúp chống dịch” hay “Các hãng, quân đội Trung Quốc đã giúp thế giới chống dịch bịnh”…. Các báo này đưa tin về tỉ phú Jack Ma của hãng Alibaba đã giúp cho Ý, Tây Ban Nha, Nhật, Hoa Kỳ, Châu Phi… hàng triệu khẩu trang và bộ thử nghiệm y tế. Rõ ràng Trung Cộng đang chứng tỏ với thế giới về lòng “hào hiệp” và “thiện chí” của mình để che lấp trách nhiệm để dịch bịnh lây lan cho cả thế giới như thế nào.
Các báo còn lồng nhiều trích dẫn đầy ngụ ý rằng, “hãy làm bạn với chúng tôi để được giúp đỡ”. Trong một bài xã luận hồi tuần qua trên tờ Nhân Dân, bài báo dẫn lời bình từ “một độc giả người Ý” nào đó rằng, “Chỉ trong giai đoạn khó khăn mới biết ai là bạn thật sự. Chúng ta phải nhớ đến sự giúp đỡ của nhân dân Trung Quốc và trân trọng tình hữu nghị này”. Báo đảng dường như không thay đổi trong vài chục năm qua. Cũng những câu văn quen thuộc, đầy tính tuyên truyền với người dân trong nước và lặp lại với thế giới hiện nay. Nó không ngoài một mục đích tận dụng tối đa mọi cơ hội để vun đắp cho “quyền lực mềm” của mình.
“Quyền lực mềm” (soft power) là lý thuyết được Joseph Nye, nhà tiên phong và là một nhà khoa học chính trị, từng là chủ tịch Hội Đồng An Ninh Quốc Gia và cố vấn Bộ Trưởng Quốc Phòng thời tổng thống Bill Clinton đưa ra vào đầu thập niên 90. Theo Joseph Nye, quyền lực mềm là sự quyến dụ và đồng chọn của một quốc gia, đối nghịch với sức mạnh hệ thống (hard power) qua cưỡng đặt, chế tài bằng sức mạnh và ảnh hưởng kinh tế, chính trị và quân sự của mình. Quyền lực mềm phụ thuộc và kết hợp cả ba yếu tố là văn hóa, chính trị và chính sách đối ngoại để thuyết phục và tạo thiện cảm, hợp tác từ các quốc gia khác.
Trong gần hai thập niên qua, giới lãnh đạo của Trung Cộng đã bày tỏ những ý định gia tăng quyền lực mềm của mình sau khi bị thế giới lên án về thái độ hiếp đáp, bá quyền bằng quân sự hay áp lực kinh tế, chính trị. Năm 2007, cựu chủ tịch Hồ Cẩm Đào từng khởi xướng một phong trào cổ súy văn hóa Trung Hoa để thế giới thấy một sự trỗi dậy “thân thiện và hòa bình” của quốc gia này chứ không phải là mối đe doạ với trật tự thế giới. Khi Tập Cận Bình lên nắm quyền, họ Tập thực hiện chính sách này một cách quyết đoán hơn, cả quyền lực “cứng” lẫn “mềm”. Tâp chỉ đạo không che đậy từ năm 2014 rằng, “Chúng ta cần gia tăng quyền lực mềm, tạo ra những câu chuyện, thông điệp tốt đẹp đến thế giới”. Theo giáo sư David Shambaugh của đại học George Washington University, ngân sách phục vụ cho mục đích này có thể đến mười tỉ đô la mỗi năm.
“Sáng kiến Vành đai và Con đường” của Trung Cộng cũng ra đời và là chiếc xe kéo cho mục đích này. Các khoản viện trợ, cho vay, dù chỉ bằng một phần nhỏ so với Hoa Kỳ và phương Tây, cũng được Trung Cộng từng bước rót cho một số quốc gia nhỏ đó đây nhằm tạo ảnh hưởng, tùy thu ộc các mối quan hệ ngoại giao song phương. Các cơ quan truyền thông của Trung Cộng mở văn phòng, tăng cường hoạt động tuyên truyền tại Hoa Kỳ và khắp thế giới. Các quảng bá về văn hóa, lịch sử Trung Hoa dưới nhiều hình thức cũng được thực hiện quy mô và có kế hoạch hơn với sự tham gia của các nghệ sĩ, tài tử tên tuổi tại Hồng Kông hay Hoa Lục.
Bất kể những nỗ lực này, hình ảnh của Trung Cộng dưới mắt người dân thế giới này càng tệ hơn. Theo số liệu từ Pew Research Center thì ngoại trừ Nga cùng một số nước Châu Phi và Trung Đông, số người không c ó thiện cảm với Trung Cộng tăng cao tại Châu Á và thế giới phương Tây. Đặc biệt với Nhật, đến 85 % người dân không thích Trung Cộng hay Thụy Điển là tỉ lệ 70 %, Canada là 67 %, Nam Hàn là 63%, Mỹ là 60 %… Ai là thủ phạm của nạn dịch hiện nay thì thế giới đã rõ, nên có tuyên truyền thế nào thì bộ mặt thật của Trung Cộng vẫn là điều thế giới đã ngày càng nhận thấy rõ hơn.
Trung Cộng đã bị ảnh hưởng nặng nề do chính Covid-19 gây ra tại chính quốc gia này trong vài tháng qua, kinh tế Trung Cộng sẽ tiếp tục còn bị đình trệ khi nguồn tiêu thụ bị gián đoạn. Mỹ và các nước phương Tây đang đối phó với dịch bịnh, sẽ không mua hàng hoá ngoại trừ khẩu trang cùng một số thiết bị và vật dụng y tế trong thời gian tới. Khoảng phân nửa nền kinh tế Hoa Lục là đến từ tiêu thụ và dịch vụ trong dân chúng, với hơn 1.4 tỉ dân, Trung Cộng không đủ khả năng để có những gói kích thích kinh tế khổng lồ giúp cho người dân, bơm vào kinh tế quốc gia qua các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hỹ nghệ hay tiểu thương như Mỹ và phương Tây đang thực hiện. Không kể rủi ro dịch bịnh có thể tái phát
tại lục địa này, Trung Cộng có thể đang thật sự lo ngại hơn là các huênh hoang, tự đắc “đã chiến thắng” như vừa qua.
Không quốc gia nào miễn nhiễm trước đại dịch Covid-19 hiện nay, chỉ quốc gia nào có nguồn tài lực to lớn để duy trì và vực dậy nền kinh tế của mình sau cơn khủng hoảng, những quốc gia đó mới chứng tỏ được quyền lực thật sự của mình. Còn cái “quyền lực mềm” mà Trung Cộng đang tận dụng và tuyên truyền trong thời gian này chỉ là lớp phấn bề ngoài nhằm che đi bộ mặt thất thần của mình mà thôi.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/ReadersOpinions/china-soft-power-covid-19-03302020132123.html
Làm Kình số 2: Công cụ đắc lực
để TQ khai thác thành công băng cháy trên biển
Truyền thông Trung Quốc gần đây liên tục tuyên truyền về thành tựu của Bắc Kinh khi đạt kỷ lục về tổng số băng cháy và khí khai thác được trong một tháng ở vùng biển Thần Hồ, đồng thời cho rằng thành tựu trên là do đóng góp lớn của giàn khoan Lam Kình số 2.
Theo thông tin trên, Trung Quốc đã khai thác thành công và vượt mức chỉ tiêu đề ra tại vùng biển Thần Hồ. Đợt khai thác thử nghiệm diễn ra trong một tháng, tổng sản lượng khí là 861.400 mét khối, và sản lượng khí trung bình hàng ngày là 28.700 mét khối, gấp 2,8 lần tổng sản lượng khí trong vòng 60 ngày đầu tiên.
Truyền thông Trung Quốc cho rằng đột phá trên là do nước này sở hữu giàn khoan nước sâu nửa chìm Lam Kình số 2 do Công ty TNHH Công trình Hải dương Phúc Sỹ nghiên cứu, thiết kế và chế tạo. Lam Kình số 2 là giàn khoan biển sâu loại “bán tiềm” (nửa nổi nửa chìm) lớn nhất thế giới, dài 117 mét, rộng 92,7 mét, cao 118 mét, trọng lượng 43.725 tấn và cao 37 tầng, có thể hoạt động ở 95% vùng biển trên thế giới. Giàn khoan có diện tích mặt sàn tương đương một sân bóng với hệ thống mũi khoan tinh vi. Độ sâu tác nghiệp tối đa là 3.653 m, độ sâu mũi khoan có thể đạt đến 15.240 m. Để thực hiện tác nghiệp, giàn khoan phải mang theo 370 ống thép lớn, mỗi ống dài hàng chục mét, nhiều hơn 30% so với giàn khoan thế hệ 6. Tổng chiều dài cáp điện lên tới 1.200 km. Theo truyền thông Trung Quốc, giàn khoan Lam Kình2 có giá thành 700 triệu USD, tương đương giá 2 chiếc máy bay Airbus A380. Đồng thời, hiệu suất tăng ít nhất 30% so với trước. South China Morning Post cho biết, giàn khoan Lam Kình 2 “được thiết kế riêng để hoạt động trên Biển Đông, nơi có những mỏ dầu chưa khai thác ở độ sâu 3.000 m hoặc hơn dưới mực nước biển”.
Theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Trung Quốc thuộc Bộ Tài nguyên, vào tháng 10 năm 2019, giàn khoan Lam Kình 2 đã từng triển khai đến Biển Đông để thực hiện các nhiệm vụ hoạt động trên biển. Đến ngày 17 tháng 2 năm 2020, Lam Kình 2 đã đốt cháy thành công và duy trì đến khi hoàn thành nhiệm vụ vào ngày 18 tháng 3. Đây là thiết bị hàng hải cao cấp do Yên Đài sản xuất đảm nhận nhiệm vụ nặng nề là khai thác thử nghiệm băng cháy.
Ngoài Lam Kình 2, Trung Quốc hiện còn đang sở hữu một loạt giàn khoan hiện đại trên thế giới như: Giàn khoan Dầu khí Hải dương 981, là giàn khoan biển sâu kích cỡ lớn đầu tiên do Trung Quốc sản xuất và do Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) sở hữu. HD-981 dài 114 m, rộng 90 m, cao 137,8 m và nặng 31.000 tấn; diện tích boong của giàn khoan có kích thước bằng một sân bóng đá chuẩn. Giàn khoan này có khả năng khoan sâu tối đa 12.000 m. Theo Tân Hoa xã, giàn khoan chính thức được Trung Quốc đưa vào hoạt động vào ngày 9/5/2012, tiến hành khoan trên biển lần đầu tiên tại một khu vực trên Biển Đông, cách Hồng Công 320 km về phía Đông Nam, ở độ sâu 1.500 m. Trung Quốc đã đầu tư 6 tỉ nhân dân tệ (952 triệu đô la Mỹ) cho HD-981. Tập đoàn đóng tàu quốc gia Trung Quốc đã mất trên ba năm mới hoàn tất giàn khoan HD-981
Giàn khoan Dầu khí Hải dương 982: Đây là giàn khoan nửa nổi nửa chìm thế hệ thứ 6, được Trung Quốc mệnh danh là “đảo nhân tạo trên biển”. Giàn khoan Hải Dương 982 dài 104,5 m, rộng 70,5 m, khoan sâu tối đa 9.144 m, có thể hoạt động thăm dò dầu khí trong vùng biển sâu 1.500 m. Khu boong làm việc rộng 1.524 m2, sức chứa 180 người, tải trọng 5.000 tấn, trang bị hệ thống định vị động lực tự động thế hệ 3 (DP3). Hệ thống này được điều khiển bằng máy tính, tính toán các tham số về gió, sóng biển, thủy triều để tự động duy trì vị trí của giàn khoan trên biển bằng cách điều chỉnh cánh quạt và động cơ đẩy. Trung Quốc dự kiến đưa giàn khoan này ra Biển Đông tác nghiệp, do nó được thiết kế chịu đựng mọi cơn bão khắc nghiệt ở vùng biển này.
Giàn khoan Hưng Vượng: Đây là giàn khoan bán ngầm nước sâu thứ 4 được Trung Quốc triển khai tác nghiệp tại Biển Đông. Hưng Vượng do công ty CIMC Raffles bàn giao cho Công ty Dịch vụ Dầu mỏ Trung Quốc (COSL) vào ngày 19/11/2014. Giàn khoan dài 105,5m, rộng 70,5 m, cao 37,5 m, có thể hoạt động ở vùng biển sâu đến 1.500 m, khoan sâu tối đa tới 7.600 m. Giàn khoan Hưng Vượng được đánh giá là hiện đại hơn Hải Dương 981 vì được trang bị hệ thống khoan tiên tiến nhất thế giới. Hệ thống định vị động lực có thể bảo đảm cho giàn khoan này hoạt động bình thường trong bão cấp 12 ở Biển Đông.
Được biết, trong những năm gần đây, Trung Quốc liên tục đưa các giàn khoan hiện đại ra tác nghiệp trái phép trên Biển Đông là nhằm phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế và âm mưu, ý đồ chính trị. Đầu tiên, Trung Quốc thông qua việc triển khai các loại hình giàn khoan thăm dò và khai thác dầu khí ở Biển Đông là nhằm kiểm tra, đánh giá trữ lượng dầu mỏ, khí đốt và băng cháy ở Biển Đông, để tạo điều kiện thuận lợi hoạch định chính sách, biện pháp khai thác (đa phần là phi pháp) trong khu vực. Thứ hai, Bắc Kinh muốn làm chủ nguồn tài nguyên khu vực này và tạo ra sức ép sau đó sẽ khống chế tự do hàng hải, độc chiếm ngư trường ở Biển Đông. Đây là điều hết sức nguy hiểm vì nếu họ chiếm được 3 yếu tố này chính là họ đã “làm chủ” tình hình trong khu vực. Thứ ba, Trung Quốc liên tục đưa các loại giàn khoan vào loại hiện đại và tiên tiến nhất thế giới vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam cho thấy Bắc Kinh đang muốn mở rộng và mặc định vùng đặc quyền, thềm lục địa từ cái mà họ tự cho mình có “chủ quyền” ở quần đảo Hoàng Sa. Đồng thời với việc thể hiện rằng mình có hoạt động kinh tế ở khu vực này qua việc áp đặt giàn khoan trái phép, Trung Quốc cũng tiến hành xua một lượng lớn tàu cá ồ ạt vào đánh bắt ở vùng biển này để hợp thức hóa cho sự xâm chiếm trái phép đó. Khi tàu cá Việt Nam đánh bắt ở khu vực này thì Trung Quốc sẽ cho tàu cản trở, tấn công và lu loa lên rằng tàu cá Việt Nam vi phạm. Thứ tư, thông qua việc triển khai các giàn khoan trên Biển Đông, Trung Quốc nhiều khả năng có ý định dùng giàn khoan dầu để từng bước giành quyền kiểm soát khu vực ngoài khơi, bước đầu là tạo một vùng kiểm soát không rõ ràng về pháp lý và chính trị rồi sau đó là chiếm lợi thế về vị trí địa lý trong khu vực. Thứ năm, triển khai gian khoan ra Biển Đông là bước đi “chiến lược” của Trung Quốc tăng cường các hoạt động khiêu khích, quấy rối dựa trên các chiêu bài núp bóng dân thường; Gây ảnh hưởng trên dư luận quốc tế, ngăn cản các nước lân cận theo đuổi các hành động trái với lợi ích của Trung Quốc; Lợi dụng luật pháp quốc tế và Trung Quốc nhằm khẳng định quyền lợi của nước này đồng thời phủ nhận hay thay đổi các điều khoản không có lợi trong tranh chấp ở Biển Đông. Thứ sáu, Trung Quốc đang tìm mọi cách để kiểm soát 80% diện tích Biển Đông và đã sử dụng mọi nguồn lực để đạt được mục đích: sức mạnh quốc gia – ngoại giao, quân sự, bán quân sự và thương mại – để đạt được những gì họ muốn. Thứ bảy, hành động đưa giàn khoan vào Biển Đông đã một lần nữa khẳng định mưu đồ giành quyền kiểm soát vùng biển chiến lược này của Trung Quốc trong những năm gần đây.
HSU001: Tàu ngầm tấn công “tự sát” của TQ
Truyền thông Trung Quốc cho rằng tàu ngầm không người lái HSU001 của Bắc Kinh được tiết lộ trong cuộc diễu hành kỷ niệm 70 năm của quân đội Trung Quốc vào ngày 1/10/2019 có khả năng mang bom, ngư lôi để tấn công dưới đáy biển.
Trung Quốc phát triển tàu ngầm không người lái phục vụ ý đồ quân sự
HSU001 là tàu ngầm không người lái đầu tiên được Trung Quốc tiết lộ. Tuy nhiên, nước này không công bố các thông tin chi tiết cụ thể về thiết kế thực tế của tàu như không có dữ liệu nhất định về chiều dài, chiều rộng, trọng lượng, độ sâu lặn, tốc độ… Những bức ảnh có sẵn từ cuộc diễu hành cho thấy tàu dài khoảng năm mét và chiều rộng có lẽ là 1,5 mét. Thiết kế này được giống như tàu ngầm hạt nhân lớp Oscar (Type 949) của Liên Xô về hình dạng, tất nhiên là nhỏ hơn rất nhiều lần. Nó cũng được cho là khá giống với thiết kế UUV của Đức. Thân tàu cũng có những điểm tương đồng nhất định liên quan đến khả năng cơ động của UUV Harpsichord của Nga. Theo National Interest, yêu cầu được đưa ra là tối đa hóa sự ổn định và làm giảm tiếng ồn. Ngoài ra, tàu có thể chứa các ngư lôi, mìn được gắn bên ngoài.
Theo bài báo của Trung Quốc, HSU001 có khả năng chiến đấu kiểu bầy đàn và hoạt động theo nhóm sẽ tăng cường khả năng răn đe. Việc Trung Quốc nghiên cứu, chế tạo và phát triển tàu ngầm không người lái là nhằm phục vụ các mục tiêu, ý đồ quân sự trên biển, nhất là trong bối cảnh Trung Quốc đang bị Mỹ kiềm chế trên biển.
Theo đó, tàu HSU001 chú trọng đến khả năng tác chiến dưới đáy biển. Con tàu không đặc biệt lớn, nhưng nó có cấu trúc đơn giản và độ tin cậy cao, cho phép nó ở dưới đáy đại dương trong thời gian dài quan sát thụ động môi trường xung quanh, một phần cũng vì vấn đề nguồn điện là một hạn chế trên hầu hết các UUV. Có ý kiến cho rằng các nhiệm vụ quan sát yên tĩnh như vậy có thể diễn ra trong hơn 30 ngày, mở rộng khả năng tình báo của PLA. Bên cạnh đó, một khu vực nhiệm vụ có khả năng gây rắc rối thứ hai của HSU001 được thảo luận trong bài viết này liên quan đến việc hỗ trợ các hoạt động đặc biệt. Phân tích cho thấy một con tàu Mỹ có cấu hình tương tự có thể chứa 6 người nhái (lực lượng đặc biệt của hải quân) và hoạt động trong 8 giờ.
Đáng chú ý, cũng có ý kiến cho rằng Trung Quốc chế tạo tàu ngầm không người lái còn phục vụ các mục tiêu nghiên cứu khoa học, theo dõi sự thay đổi môi trường và tìm kiếm các nguồn tài nguyên thiên nhiên trên biển; theo dõi, ngăn chặn và tấn công các lực lượng Mỹ trên các vùng biển chiến lược như Biển Đông và Tây Thái Bình Dương; thu thập tình báo, trinh sát, đặt thủy lôi và tiến hành các cuộc tấn công cảm tử kiểu ‘kamikaze’ vào các mục tiêu có giá trị cao trên biển như tàu ngầm, tàu sân bay, tàu chiến và các giàn khoan dầu mỏ. Ngoài ra, nó còn nhằm các mục tiêu tuyên truyền, quảng bá sức mạnh hải quân Trung Quốc.
Trước đó, giới truyền thông Trung Quốc cũng đây dẫn nguồn tin từ các nhà khoa học giấu tên cho biết Trung Quốc đang triển khai kế hoạch xây dựng một hạm đội tàu ngầm lớn, thông minh và có chi phí thấp để đi khắp các đại dương. Các tàu ngầm trên sẽ sử dụng trí tuệ nhân tạo sẽ hoạt động độc lập và hỗ trợ cho các hạm đội tàu chiến hiện có. Hiện Trung Quốc đã xây dựng cơ sở thử nghiệm lớn nhất thế giới dành cho các tàu không người lái trên mặt nước ở Chu Hải, tỉnh Quảng Đông. Dự kiến, nước này sẽ triển khai tàu ngầm AI vào đầu thập niên 2020.
Có thông tin cho rằng tàu ngầm không người lái của Trung Quốc nặng 50 kg, do Đại học công nghiệp Tây Bắc hợp tác thiết kế, chế tạo. Hiện Trung Quốc đã ký 20 đơn đặt hàng và 40 đơn hàng khác đang chờ xem xét. Tàu được cho là có khả năng lặn sâu 100 m trong vòng 14 tiếng, tốc độ 5,4 km/h. Các tàu ngầm AI được đồn đại được trang bị động cơ diesel-điện.Nhật báo Thanh Đảo của Trung Quốc (29/6/2019) đưa tin, các nhà nghiên cứu tại Đại học Thiên Tân đã hoàn thành cuộc thử nghiệm trên biển đối với tàu ngầm không người lái Haiyan ở Biển Đông. Trong cuộc thử nghiệm, Haiyan đã hoạt động liên tục trong 21 ngày và lặn xuống độ sâu 1.094 m. Haiyan dài 1,8 m, rộng 0,3 m, nặng khoảng 70 kg, hình dáng giống ngư lôi và có thể di chuyển với tốc độ dưới nước tối đa gần 6 km/h, hoạt động tối đa 30 ngày dưới nước, trong khu vực có khoảng 1.000 km.
Theo giới thiệu, tàu ngầm không người lái sẽ tự triển khai các kế hoạch, tự xử lý nhiệm vụ được giao và trở về căn cứ riêng. Chúng có thể liên lạc với chỉ huy ở mặt đất theo định kỳ để cập nhật thông tin, nhưng hoàn toàn có khả năng hoàn thành nhiệm vụ mà không cần đến sự can thiệp của con người. Các chuyên gia nghiên cứu quân sự của Trung Quốc cũng đang phát triển một hệ thống hỗ trợ giúp các chỉ huy đưa ra những nhận định nhanh và chính xác trong tình huống chiến đấu. Theo thiết kế, tàu ngầm không người lái cỡ nhỏ rất khó bị hệ thống định vị thủy âm (sonar) dò tìm được. Chúng có thể xâm nhập cảng biển của đối phương trong tình hình đối phương không hề cảnh giác. Ngoài ra, một trong những ưu thế chính của tàu ngầm tự lái là chi phí vận hành tương đối thấp, bởi vì mọi chi phí để tạo ra môi trường cho phép con người có thể tồn tại trong tàu ngầm được loại bỏ. Điều này cho phép tàu hoạt động linh hoạt hơn. Hệ thống trí tuệ nhân tạo cho phép tàu xác định tình hình xung quanh và không cần quan tâm đến việc bảo vệ tính mạng thủy thủ bên trong tàu.
Tuy nhiên, tàu ngầm không người lái cũng có hạn chế, đặc biệt là trong giai đoạn đầu triển khai và do các mẫu khí tài không người lái, dưới nước hiện nay hầu hết có kích thước tương đối nhỏ, hạn chế về tầm hoạt động và trọng tải tối đa. Việc triển khai và thu hồi chúng về căn cứ đòi hỏi sự điều động thêm tàu nổi hoặc tàu ngầm khác. Không những vậy, các tàu ngầm không người lái còn phải tự dự vào trí tuệ nhân tạo để đối phó với môi trường phức tạp trên biển. Chúng phải tự quyết định liên tục: thay đổi lộ trình và độ sâu để tránh bị phát hiện; phân biệt dân thường với các tàu quân sự; chọn cách tiếp cận tốt nhất để đến được một vị trí được chỉ định.
Nhiều khả năng sẽ triển khai ở Biển Đông
Dư luận Trung Quốc nhìn chung cho rằng Trung Quốc sẽ ưu tiên triển khai HSU001 ở Biển Đông. Theo đó, với không gian rộng rãi, khả năng liên lạc, điều hướng và giữ bí mật đáng tin cậy, HSU001 có thể có vai trò to lớn trong chiến tranh đổ bộ của PLA, bao gồm cả kịch bản Đài Loan. Ngoài ra, HSU001 được cho là đặc biệt quan tâm đến căng thẳng gia tăng ở khu vực Biển Đông. Các lực lượng Mỹ với chiến dịch tự do hàng hải đang thực sự đe dọa các căn cứ tàu ngầm chiến lược của Trung Quốc. Lưu ý rằng các lực lượng mặt nước của PLA có các ưu tiên khác, chẳng hạn như các nhiệm vụ huấn luyện,
người ta cũng nhận thấy rằng các UUV này đặc biệt phù hợp với thách thức ở Biển Đông, vì chúng hầu như không bị ảnh hưởng bởi thời tiết (ít nhất là khi khi lặn hoàn toàn). Chúng có khả năng tuần tra bền bỉ để cung cấp thông tin tình báo, cảnh báo chống lại hoạt động của người nhái…
Trong khi đó, ông Lâm Dương, Giám đốc trang bị công nghệ hải quân thuộc Viện Tự động hóa Thẩm Dương cho rằng việc Trung Quốc phát triển tàu ngầm không người lái là lời đáp trả cho những nỗ lực tương tự của Mỹ ở Biển Đông. Trí tuệ nhân tạo của con tàu sẽ giúp nó hoạt động trong lòng biển, không chỉ tránh các nguy hiểm tự nhiên mà còn có thể tìm kiếm, phân biệt địch- ta, ra các quyết định về phương hướng để tránh đối đầu tàu địch. Chúng cũng được thiết kế để hoàn tất các nhiệm vụ mà không cần quay về cảng giữa chừng, không cần hướng dẫn trong suốt quá trình thực thi nhiệm vụ. Cùng quan điểm trên, chuyên gia Lý Kiện cho rằng tàu ngầm không người lái tiếp tục là một mắt khâu quan trọng trong phát triển vũ khí trang bị theo hướng đa chiều, không người lái và thông minh của Mỹ. Giáo sư Luo Yuesheng, Khoa Tự động hóa thuộc Đại học Kỹ thuật Cáp Nhĩ Tân nhận định, các tàu trên có thể trở thành mối đe dọa tiềm tàng đối với các đối thủ của Trung Quốc trên biển. Trong khi đó, truyền thông Trung Quốc có nhiều bài cho rằng việc sản xuất hàng loạt tàu ngầm giá rẻ không người lái là “dấu chấm hết” cho sự phụ thuộc vào nước ngoài, trong đó có Mỹ, trong các hoạt động thăm dò và quốc phòng.
Trong khi đó, giới chuyên gia quốc tế cho rằng nếu các nước triển khai tàu ngầm không người lái ở Biển Đông sẽ khiến tình hình khu vực trở nên căng thẳng, dễ bùng phát xung đột. Chuyên gia Shawn Brimley, một cựu quan chức Nhà Trắng và Lầu Năm Góc hiện làm việc tại Trung tâm An ninh Mỹ mới nhận định, nếu Mỹ sử dụng lực lượng này ở Biển Đông, nó sẽ có tác động răn đe đối với các hành vi khiêu khích, leo thang của Trung Quốc.
http://biendong.net/bien-dong/33821-hsu001-tau-ngam-tan-cong-tu-sat-cua-tq.html
Cư dân Vũ Hán cho rằng số người chết vì virus corona
cao hơn số liệu chính thức nhiều lần
Ngọc Mai
Một số cư dân tại Vũ Hán cho rằng số liệu về bệnh dịch viêm phổi Vũ Hán do chính quyền công bố là cách xa thực tế.
Theo Daily Mail, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã lên án gay gắt Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vì đã giấu dịch, cung cấp thông tin sai lệch cho thế giới. Ông tin rằng số ca nhiễm virus Trung Cộng tại Trung Quốc phải cao gấp 40 lần tuyên bố chính thức của ĐCSTQ.
Bài báo trích dẫn một số quan điểm của giới chính quyền Anh trong việc ĐCSTQ tuyên truyền sai lệch về sự nguy hiểm của dịch bệnh. Một quan chức giấu tên nói: “Sự tức giận đã lên tới đỉnh điểm”. Trong khi đó, nghị sĩ đảng Bảo thủ Tom Tugendhat tuyên bố: “Bắc Kinh đã ém nhẹm tình trạng khẩn cấp về sức khỏe tồi tệ nhất trong thế kỷ qua và toàn thế giới phải gánh hậu quả về sự lừa dối này”.
Vì sao SARS-CoV-2 được gọi là virus Trung Cộng?
Chính quyền Trung Quốc đã biết đến ca nhiễm COVID-19 đầu tiên ở Vũ Hán từ ngày 17/11/2019. Thay vì thực hiện các biện pháp ngăn chặn kịp thời, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã bưng bít thông tin và trừng phạt những người tiết lộ sự thật ra công chúng.
Khoảng 5 triệu người đã rời khỏi Vũ Hán tới nhiều nước trên thế giới trước khi chính quyền Trung Quốc phong tỏa thành phố này từ ngày 23/1/2020.
Trong khi SARS-CoV-2 bị nghi ngờ có nguồn gốc từ phòng thí nghiệm vũ khí sinh học ở Vũ Hán, ĐCSTQ đang cố gắng đổ tội Mỹ, Ý, hay bất kỳ quốc gia nào khác về nguồn gốc dịch bệnh.
Để chỉ rõ trách nhiệm của ĐCSTQ dẫn đến sự bùng phát của virus Vũ Hán trên toàn cầu, nhiều chuyên gia, kênh truyền thông và chính khách trên thế giới gọi SARS-CoV-2 là “Virus Trung Cộng” (CCP Virus).
Business Insider đưa tin, trước đó các chuyên gia y tế công cộng đã tuyên bố số ca mắc viêm phổi Vũ Hán trên toàn cầu có khả năng cao hơn nhiều so với số liệu được báo cáo. Một số người không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ, hoặc không được xét nghiệm virus, nên không được đưa vào báo cáo chính thức.
Một số người dân Vũ Hán không tin số liệu của chính phủ
Theo Fox News, khoảng 60% các ca nhiễm virus Trung Cộng là ở Vũ Hán. Tuy nhiên số liệu mà chính phủ đưa ra gần đây đã giảm mạnh. ĐCSTQ tuyên bố đó là nhờ những biện pháp và nỗ lực tích cực của họ.
Tuy nhiên từ các bài báo, cuộc phỏng vấn với người dân địa phương và các tính toán của cư dân mạng, người ta đặt câu hỏi về tính chính xác trong báo cáo chính thức của chính quyền Trung Quốc.
Phỏng vấn người dân
Một cư dân Vũ Hán họ Zhang đã chia sẻ với Đài Á Châu Tự do: “Không thể nào đúng được… vì các lò hỏa táng đã hoạt động suốt ngày đêm, làm thế nào mà ít người chết như vậy chứ”.
Ông Chen Yaohui, một người dân Vũ Hán khác cho biết: “Trước khi dịch bệnh bắt đầu, các nhà hỏa táng của thành phố thường hỏa táng khoảng 220 người mỗi ngày”, ông nói thêm rằng trong thời gian dịch bệnh, chính phủ đã cử nhân viên hỏa táng từ khắp Trung Quốc sang Vũ Hán để hỏa táng các thi thể chồng chất.
Một cư dân khác ở Hồ Bắc chia sẻ với Đài Á Châu Tự do rằng, hầu hết mọi người ở đây tin rằng có hơn 40.000 người chết trong khoảng thời gian phong tỏa. Con số này lớn gấp hàng chục nghìn lần so với số liệu do chính phủ cung cấp.
Tin tức và mạng xã hội
Gần đây, trang báo Caixin trích lại thông tin từ South China Morning Post cho biết, chỉ trong 2 ngày, một tài xế ở Vũ Hán đã vận chuyển khoảng 5.000 lọ đựng tro cốt đến Nhà tang lễ Hán Khẩu. Chỉ riêng con số này đã gấp đôi số người chết tại Vũ Hán mà chính quyền ĐCSTQ công bố là 2.500 người.
Theo Đài Á Châu Tự do, một số cư dân chia sẻ trên mạng xã hội rằng các nhà tang lễ tại Vũ Hán “bàn giao 3.500 lọ đựng hài cốt mỗi ngày” từ ngày 23/3.
Cũng theo báo cáo của Đài Á Châu Tự do, các nhà tang lễ nói đang cố gắng hoàn tất việc hoả táng trước lễ Thanh Minh vào ngày 5/4. Như vậy, tính từ ngày 23/3 đến 5/4, các nhà tang lễ sẽ tập trung hoả táng trong 12 ngày. Theo đó, ước tính tổng số xác người được hoả táng là 42.000 trong khoảng thời gian nêu trên. Business Insider chưa độc lập xác minh được con số này.
Một ước tính khác trên mạng dựa trên khả năng hỏa táng của các nhà tang lễ ở Vũ Hán, nơi này có 84 lò hỏa táng với công suất cứ khoảng hơn 24 giờ thì hỏa táng xong 1.560 thi thể. Giả sử có 65 lò hoạt động bình thường thì ước tính này dẫn tới kết quả tổng số người chết ở Vũ Hán lên tới 46.800 người.
Một nguồn tin thân cận với văn phòng dân sự nói với Đài Á Châu Tự do rằng chính quyền có thể biết con số người chết thực nhưng họ vẫn đang giữ bí mật.
Video xem thêm: Chính quyền Trung Quốc che giấu số liệu dịch COVID-19 giống cách làm với dịch tả lợn châu Phi
Nghi vấn về số nạn nhân Covid-19 tại Trung Quốc
Thanh Hà
Số người chết vì virus corona tại Trung Quốc trong hơn hai tháng chỉ bằng một một nửa so với tại Tây Ban Nha trong hơn ba tuần lễ và bằng một phần ba so với tại Ý tính từ giữa tháng 2 đến cuối tháng 3/2020. Hoa Kỳ có số bệnh nhân cao hơn so với Trung Quốc. Giới y khoa quốc tế ngày càng hoài nghi về những số liệu chính thức của Bắc Kinh về dịch viêm phổi do virus corona chủng mới gây ra.
Vào lúc tỉnh Hồ Bắc và thành phố Vũ Hán đang hoạt động trở lại sau hai tháng bị “cách ly”, các câu hỏi được đặt ra : Có thực là Trung Quốc đã khống chế được dịch Covid-19 ? Có thực là trên toàn đất nước rộng lớn với 1,4 tỷ dân này chỉ có 81.400 người dương tính với virus corona và hơn 3.000 ca tử vong ? Truyền thông Tây phương không tin vào các con số chính thức của Bắc Kinh.
Trả lời trên đài truyền hình LCI ngày 29/03, bác sĩ về bệnh truyền nhiễm tại bệnh viện Saint Antoine, Paris, Karine Lacombe, cho rằng “dịch bệnh đã bùng phát từ tháng 9, tức là sớm hơn nhiều so với thời điểm chính thức Bắc Kinh thông báo. Bắc Kinh có lẽ đã che giấu về số người tử vong và con số đó cao hơn nhiều so với hơn 3.000 ca tử vong trong thống kê chính thức”.
Vào thời điểm Vũ Hán nới lỏng các biện pháp phong tỏa, và một tuần lễ trước lễ Thanh Minh, điều tra của tờ báo kinh tế Tài Tân (Caixin) của Trung Quốc cho thấy chỉ trong hai ngày 25 và 26/03/2020 một lò thiêu tại Vũ Hán đã nhận 5.000 hũ tro. Con số này cao hơn báo cáo chính thức là 2.535 người chết vì virus corona tại Vũ Hán. Đó là chưa kể cả thành phố Vũ Hán có tổng cộng 7 nhà thiêu, và vẫn theo điều tra của thời báo Tài Tân, nếu mỗi đơn vị đều nhận được một số hũ tro như vậy, thì đã có tới 35.000 người chết trong hai tháng qua.
Tác giả bài điều tra của tờ báo Trung Quốc này lưu ý thêm : trong giai đoạn cao điểm của mùa dịch vừa qua, đã có thêm “khoảng một chục lò thiêu dã chiến” được dựng lên chung quanh thành phố và Vũ Hán, nhưng báo Tài Tân không thể kiểm chứng số liệu về hũ tro. Tờ báo đặt câu hỏi : “Vì sao sự chênh lệch lại quá lớn giữa thống kê chính thức của thành phố và thực tế trước cửa các nhà thiêu ở Vũ Hán ?”
Thêm một tín hiệu đáng nghi ngờ khác, đó là tập đoàn viễn thông China Mobile của Trung Quốc thông báo trong mùa dịch vừa rồi (chính xác hơn là từ cuối tháng 12/2019 đến cuối tháng 2/2020), họ đã “mất 8,3 triệu” khách hàng trên toàn quốc. Cũng báo Tài Tân đặt câu hỏi : 8,3 khách hàng sử dụng dịch vụ của China Mobile không cần điện thoại nữa hay sao ?
Điều giới quan sát lo ngại là việc che giấu sự thật đó đã đẩy cả thế giới vào khủng hoảng vừa về mặt dịch tễ, vừa về mặt kinh tế như hiện nay. Trung Quốc không chỉ che giấu sự thật khi dịch mới khai mào tại Vũ Hán, mà còn từng khẳng định rằng dịch viêm phổi cấp tính do virus corona chủng mới không thuộc dòng các bệnh dịch “truyền nhiễm”.
Với sự đồng tình của Tổ Chức Y Tế Thế Giới, Bắc Kinh quả quyết “làm chủ được tình hình” để đến ngày 31/03/2020, gần 800.000 người trên thế giới bị lây nhiễm, hơn 37.000 người đã thiệt mạng.
Giới phân tích không phủ nhận những thiếu sót, những bất cập trong hệ thống y tế ngay cả tại các quốc gia giàu có nhất hành tinh, nhưng chí ít Trung Quốc cũng mang tội “không chia sẻ thông tin đáng tin cậy” về một siêu vi chủng mới nguy hiểm chết người.
Tệ hơn nữa, như ghi nhận của chuyên gia về Trung Quốc Valérie Niquet, Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược (FRS) của Pháp, Bắc Kinh đã đưa ra những con số rất thấp về trường hợp tử vong vì Covid-19 để khoe khoang thành tích, chứng minh với thế giới về thế thượng phong của Trung Quốc ngay cả trước một kẻ thù vô hình. Chính quyền của ông Tập Cận Bình muốn chứng minh hiệu quả của hệ thống chính trị tại nước này. Nói cách khác, virus corona đã phục vụ mục tiêu tuyên truyền cho đảng Cộng sản Trung Quốc cả với công luận trong nước lẫn cộng đồng quốc tế.
Nhà báo Pierre Haski, từng là phóng viên của báo Libération trong thời gian dịch SARS hoành hành tại Trung Quốc (2002-2003), cho rằng đã đến lúc Trung Quốc phải ngừng gian dối, nếu muốn chứng tỏ là một đối tác đáng tin cậy của thế giới.
Làm thế nào để khiến Trung Quốc
trả tiền cho việc gây ra đại dịch ở Mỹ?
Thiện Lan
Thượng viện Mỹ vừa thông qua gói kích thích trị giá 2.000 tỷ USD để cứu nền kinh tế Hoa Kỳ trước đại dịch viêm phổi Vũ Hán. Điều này có thể không bao giờ xảy ra, nếu chính quyền Trung Quốc minh bạch về virus Vũ Hán chỉ sớm hơn 3 tuần, mà theo một nghiên cứu gần đây thì việc này sẽ dẫn đến số ca nhiễm virus hiện tại có thể giảm 95%. Nhưng thay vào đó, chính quyền Trung Quốc đã cố gắng che đậy và khiến cho dịch bệnh lan rộng ra toàn thế giới.
Dựa trên hậu quả do Trung Quốc gây ra, Tổng thống Trump và Bộ trưởng tài chính Steven Mnuchin nên ngay lập tức trích tiền bồi hoàn, bắt đầu với 1,1 nghìn tỷ USD trái phiếu của Bộ Tài chính Hoa Kỳ mà Trung Quốc hiện đang nắm giữ.
Theo các báo cáo về nguồn gốc của virus corona chủng mới thì virus này bắt nguồn từ khu chợ ở Vũ Hán nơi bán dơi sống, kanguru, lạc đà, nhím, bọ cạp, ve sầu, chó sói, cáo và chó cho khách hàng. Bệnh nhân nhiễm virus Vũ Hán đầu tiên được biết đến là vào ngày 10/12 và một người lao động từ chợ bán buôn hải sản đã phải nhập viện vì nhiễm virus Vũ Hán ở cả hai phổi vào ngày 16/12. Các bác sĩ ban đầu cảnh báo với cơ quan y tế Trung Quốc về “bệnh viêm phổi không rõ nguyên nhân” đã bị Đảng Cộng sản Trung Quốc khiển trách và được yêu cầu phải giữ im lặng. Tờ Thời báo Luân Đôn cho biết, Trung Quốc đã ra lệnh cho các phòng thí nghiệm “dừng các cuộc thử nghiệm, phá hủy các mẫu và ngăn chặn tin tức”.
Bên cạnh đó, Trung Quốc còn đưa ra thông báo vào ngày 14/1 rằng “không có bằng chứng rõ ràng nào về việc virus Vũ Hán truyền từ người sang người”, ngay cả khi các ca nhiễm bệnh bắt đầu xuất hiện trên khắp thế giới.
Nitsana Darshan-Leitner, một luật sư chuyên về nhân quyền, gần đây đã nói với Fox News rằng sự chậm trễ và cố gắng bưng bít thông tin của chính quyền Trung Quốc về sự lây nhiễm này đã vi phạm nhiều điều ước quốc tế mà Trung Quốc ủng hộ và ký kết.
Hơn nữa, chiến lược che đậy của Trung Quốc trực tiếp vi phạm thỏa thuận về Luật sức khỏe quốc tế quy định, các quốc gia phải thông báo cho Tổ chức Y tế thế giới về các sự kiện có thể gây ra tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng. Tệ hơn nữa, các cơ quan tuyên truyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã cố gắng đổ lỗi cho quân đội Hoa Kỳ đưa virus đến Vũ Hán.
Tuyên bố của Tổng thống Trump về tình trạng khẩn cấp quốc gia vào ngày 13/3/2020 sẽ kích hoạt các quyền lực bổ sung, bao gồm khả năng tịch thu tài sản nước ngoài. Theo quy định đó, tài sản bị tịch thu sau đó có thể được thanh lý và số tiền thu được sẽ dùng để phục vụ cho các lợi ích của Hoa Kỳ.
Bộ Tài chính Hoa Kỳ nên tịch thu tất cả các trái phiếu do Trung Quốc nắm giữ và cấm Trung Quốc mua, giữ hoặc bán trái phiếu của Hoa Kỳ trong tương lai. Những lệnh cấm này sẽ được áp dụng cho bất kỳ công ty con hoặc đại lý nào của Đảng Cộng sản Trung Quốc ở Mỹ. Trái phiếu kho bạc không còn được giữ dưới dạng giấy mà được ghi lại bằng điện tử tại Tập đoàn ủy thác lưu ký, do đó, điều này có thể được thực hiện chỉ bằng một vài lần nhấn phím.
Nếu Trung Quốc muốn trở thành quốc gia có ảnh hưởng nhất trong cộng đồng quốc tế, họ phải chịu trách nhiệm về mặt tài chính cho các quy tắc và trách nhiệm đi kèm với danh hiêu đó.
Theo Gavin Clarkson, Washington Examiner
Thiện Lan dịch và biên tập
Bị chỉ trích sản phẩm hỗ trợ kém chất lượng,
Trung Quốc phản pháo
Đáp trả những chỉ trích cho rằng Trung Quốc đang nỗ lực lèo lái công luận tại các nước được Trung Quốc giúp chống virus corona, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 30/3 tuyên bố họ không có ý gì ngoài việc hỗ trợ các nước để cứu mạng người và gìn giữ sức khỏe trên toàn thế giới.
Vài ngày qua, Trung Quốc gởi khẩu trang, các toán y tế và máy thở tới các nước để giúp chống COVID-19.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói:
“Tôi muốn hỏi những người đưa ra những bình luận mỉa mai như vậy: họ đã làm gì để chống dịch bệnh? Có phải họ thực sự muốn Trung Quốc khoanh tay ngồi yên và chẳng làm gì cả trong lúc này?”
Bà Hoa cũng kêu gọi các nước than phiền về việc các trang thiết bị của Trung Quốc không đúng tiêu chuẩn chớ nên chính trị hóa vấn đề.
“Trung Quốc thành thật giúp nước khác. Nếu có những vấn đề đơn lẻ nổi lên trong tiến trình này, tôi nghĩ chúng ta nên ngay lập tức và có trách nhiệm giải quyết theo một cách thực tế.
Hôm 29/3 Hòa Lan đã thu hồi 600.000 khẩu trang nhập từ Trung Quốc, sau khi phát hiện sản phẩm có khuyết điểm.Trước đó, Tây Ban Nha yêu cầu thay thế các bộ xét nghiệm nhanh nhập khẩu từ Trung Quốc vì không đáng tin cậy.
Trung Quốc nói sẵn sàng giữ liên lạc thường xuyên với các bên liên quan nhưng hy vọng là vấn đề này không bị chính trị hoá.
Quốc hội Campuchia
thông qua kế hoạch cải tổ Nội các
Thủ tướng Hun Sen cho rằng một số bộ trưởng trong Nội các Campuchia cần phải nghỉ vì đã nhiều tuổi rồi, “không thể ép làm việc mãi được”.
Sáng nay (30/3), tại thủ đô Phnom Penh, Quốc hội Campuchia đã bỏ phiếu thông qua dự thảo cải tổ nội các do Thủ tướng Chính phủ Samdech Hun Sen đệ trình.
Tại phiên họp toàn thể Quốc hội Campuchia, khóa VI, do Samdech Heng Samrin, Chủ tịch Quốc hội chủ trì, các đại biểu Quốc hội đã nhất trí thông qua kế hoạch cải tổ Nội các của Chính phủ Hoàng gia Campuchia, với số phiếu ủng hộ 120/121.
Theo đó, Chính phủ Campuchia sẽ có thêm 5 Bộ trưởng cấp cao và 4 Bộ trưởng mới gồm:
Các ông Him Chhem , Ang Vong Vathana, Tram Ivtek, Pich Bunthin là các Bộ trưởng cao cấp phụ trách các nhiệm vụ đặc biệt.
– Ông Cham Prasidh là Bộ trưởng cao cấp kiêm Bộ trưởng Bộ Công nghiệp, Khoa học, Công nghệ và Đổi mới.
– Ông Keut Rith là Bộ trưởng Bộ Tư pháp thay cho ông Ang Vong Vathana.
– Ông Chea Vandeth là Bộ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông, thay thế ông Tram Iv Tek.
– Ông Chhit Sokhon là Bộ trưởng Lễ nghi và Tôn giáo thay ông Him Chhem.
– Ông Prum Sokha là Bộ trưởng Bộ Công chính thay ông Pich Buntin.
Giải thích về việc tiến hành cải tổ bộ máy Chính phủ Campuchia, Thủ tướng Hun Sen cho biết: “Nói chung, các bộ trưởng này đều là những người có khả năng, nhưng chúng ta cũng phải xem xét vì tất cả các bộ trưởng này đều đã nhiều tuổi, vì vậy chúng ta không thể ép họ làm việc mãi được, mà không nghĩ đến sức khỏe của họ. Vì vậy, chính phủ phải tiến hành cải tổ. ”
Chính phủ Hoàng gia Campuchia nhiệm kỳ VI do Thủ tướng Samdech Hun Sen đứng đầu được thành lập vào ngày 6/9/2018, sau khi Đảng Nhân dân Campuchia giành thắng lợi trong cuộc bầu cử Quốc hội Khóa VI. Đây là cuộc cải tổ Nội các đầu tiên trong nhệm kỳ 5 năm 2018-2023 của Chính phủ Campuchia
http://biendong.net/goc-nhin-moi/33828-quoc-hoi-campuchia-thong-qua-ke-hoach-cai-to-noi-cac.html
Myanmar có ca tử vong đầu tiên vì virus Vũ Hán
Một người đàn ông 69 tuổi qua đời sáng nay (31/3), trở thành trường hợp tử vong đầu tiên ở Myanmar vì virus Vũ Hán.
Ông Khin Khin Gyi, phát ngôn viên Bộ Y tế cho biết bệnh nhân đã qua đời lúc 7h25 trong một bệnh viện ở Yangon. Người này cũng mắc bệnh ung thư và từng sang Úc điều trị, trên đường về nước có dừng lại ở Singapore.
Hiện Myanmar ghi nhận 14 trường hợp nhiễm virus Vũ Hán, chủ yếu là người từng đi du lịch nước ngoài. 2 ca bệnh đầu tiên được báo cáo vào hôm 23/3.
Bộ Y tế Myanmar hôm 29/3 cảnh báo nước này có nguy cơ rất cao trở thành một vùng dịch lớn, sau khi hàng chục ngàn người di cư làm việc ở nước láng giềng Thái Lan đã vội vã về nước trước khi biên giới đóng cửa. Hệ thống y tế của Myanmar yếu kém và việc xét nghiệm cho người dân bị hạn chế.
Theo Reuters
Hải Lam dịch và biên tập
https://www.dkn.tv/the-gioi/myanmar-co-ca-tu-vong-dau-tien-vi-virus-vu-han.html
Covid19 – Đông nam Á: Trốn dịch,
lao động Miến Điện bỏ Thái Lan về nước
Tú Anh
Tại Thái Lan, nạn nhân Covid-19 tiếp tục gia tăng : 10 người chết và 1.651 ca nhiễm theo báo cáo ngày 31/03/2020. Để tránh siêu vi và tình trạng kinh tế Thái Lan đình trệ, hàng chục ngàn dân nhập cư lao động Miến Điện chạy về nước.
Miến Điện, với 14 ca chính thức loan báo, đa số là công dân du lịch trở về, lo sợ dịch bệnh theo chân di dân lao động hồi hương. Theo AFP, phát ngôn viên chính phủ Miến Điện, ngày 31/03/2020, cho biết vừa có bệnh nhân đầu tiên chết vì bệnh Covid-19 tại nước này. Đó là một người đàn ông 69 tuổi, bị ung thư, nhập viện tại Rangun.
Thông tín viên Sarah Bakaloglou, từ Rangun cho biết chi tiết :
“Từ nhiều ngày qua, hình ảnh từng đoàn người lao động Miến Điện từ Thái Lan kéo nhau hồi hương trốn dịch Covid-19 tràn ngập các trang mạng xã hội Miến Điện. Hàng ngàn người bám lấy nhau, tập
trung ở các cửa khẩu biên giới Thái. Có người leo hàng rào biên giới rồi phân tán ra khắp khu vực nơi mà hệ thống y tế rất mong manh.
Từ giữa tháng Ba, hơn 20.000 di dân lao động Miến Điện ở Thái Lan đã trở về nước. Tại Thái Lan cũng đã có hơn 1.000 ca lây nhiễm siêu vi corona. Sự kiện di dân lao động hồi hương làm cho chính phủ Miến Điện lo ngại không kém. Chủ Nhật 29/03, Rangun thông báo phát hiện một ca dương tính với siêu vi ngay tại thủ đô kinh tế.
Còn tại biên giới, chính quyền ra lệnh cho công dân hồi hương tự cách ly nhưng chẳng mấy ai tôn trọng bởi vì không có theo dõi kiểm soát. Một số trung tâm cách ly cũng được thành lập ở biên giới nhưng di dân đã đi hết về nhà của họ từ lâu.
Tình trạng này là một lời cảnh báo đối với chính phủ Miến Điện rằng họ đang đứng trước nguy cơ đại dịch. Một số biện pháp cứng rắn chống dịch đã được thi hành : giao thông hàng không quốc tế bị đình chỉ từ hôm qua (30/03) cho đến giữa tháng Tư”.
Indonesia cấm tất cả người nước ngoài nhập cảnh
Hải Lam
Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno Marsudi hôm nay (31/3) cho biết, chính phủ sẽ cấm tất cả người nước ngoài nhập cảnh và quá cảnh, trừ những ai có giấy phép lưu trú và một số chuyến thăm ngoại giao nhằm ngăn dịch Covid-19 lây lan.
“Tổng thống đã quyết định rằng các quy định hiện tại cần phải được siết chặt”, bà Marsudi nói và thêm rằng, chi tiết về lệnh cấm mới sẽ được công bố trong ngày 31/3.
Ngoài ra, chính phủ cũng sẽ tăng cường khám sàng lọc với các công dân Indonesia trở về nước.
Lệnh cấm người nước ngoài nhập cảnh được thông báo một ngày sau khi Tổng thống Indonesia Joko Widodo nói rằng ông đã lên kế hoạch cho các quy định nghiêm ngặt hơn về việc di chuyển và cách ly xã hội.
Trước đó, Bộ Ngoại giao Indonesia đã cấm nhập cảnh và quá cảnh đối với các du khách đến từ 7 quốc gia châu Âu cùng với Iran, Trung Quốc và Hàn Quốc từ ngày 20/3. Du khách không đến từ những nước trên phải có giấy chứng nhận sức khỏe từ nước của họ.
Theo Reuters
Hải Lam dịch và biên tập
https://www.dkn.tv/the-gioi/indonesia-cam-tat-ca-nguoi-nuoc-ngoai-nhap-canh.html