Bình Xuyên Bảy Viễn
“Dọc ngang nào biết trên đầu có ai“
Bình Xuyên là một hiện tượng xã hội miền Nam đậm đà tính địa phương, lại mang đặc điểm dân tộc độc đáo, không hoàn toàn là đảng chính trị, là tôn giáo, không là cướp, là thổ phỉ, là giang hồ chọc trời khuấy nước… mà vẫn hàm chứa đầy đủ đặc tính ấy. – Nguyễn Văn Trần.
Bình xuyên là một địa danh nằm phía bên kia Chánh Hưng, thuộc quận Cần Giuộc, tỉnh Chợ Lớn dưới thời Pháp thuộc. Nhưng khi nói đến Bình Xuyên không tránh khỏi ở người thiếu thông tin đứng đắn cái ấn tượng xấu, đó là nhóm “ ăn cướp “ và Bảy Viễn đứng đầu. Như vậy, khi nói đến Bình Xuyên, người ta liền hiểu đó là một tổ chức nhân sự với những hoạt động của nhóm nầy hơn là địa danh Bình Xuyên.
Phần lớn là giai cấp trung lưu, vốn mang sẳn tính cách bất phục tùng hoàn cảnh xã hội thực dân, ảnh hưởng nguồn gốc của người di dân vào Nam của thời chúa Nguyễn, sống kiếp sống “ cá nước chim trời “, Bình Xuyên là một tập hợp những người chung lưng đâu cật, kéo bè kết cánh, lấy thủy chung và nghĩa khí kết tình huynh đệ để cùng nhau được sống hào hùng và tranh thủ cho mình, cho phe cánh mình, một địa vị lúc bấy giờ.
Bình Xuyên mang nhiều nét đẹp, những nét xấu cũng có, của những tay hảo hớn xa xưa hao hao giống những nhân vật trong chuyện Thủy Hử, những anh hùng Lương Sơn Bạc.
Có thể nói Bình Xuyên là một thứ Lương Sơn Bạc được thời đại hóa trên vùng đất miền Nam trong vai những tay anh chị như Bảy Viễn, Ba Dương, Bảy Môn… xưng hùng xưng bá tác oai tác quái, mưu bá đồ vương ở vùng ảnh hưởng của họ, bao gồm từ rừng Sát đến ngoại ô thành phố SàiGòn – Chợ Lớn. Đó là vùng chiến lược. Rừng Sát là vùng đầm lầy hiểm trở khép chặt các mạch giao thông nối liền SàiGòn với biển phía đông, với hệ thống sông ngòi chằn chịt nối liền vựa lúa miền Tây.
Bình Xuyên trong nhiều thập niên trở thành nơi khét tiếng như trung tâm của giới giang hồ mã thượng. Họ làm không ít việc nghĩa như cướp của nhà giàu ác ôn đem chia bớt cho nhà nghèo, giết cò bót Tây, trừng trị cường hào ác bá, thủ tiêu lính kín Tây. Những việc nầy, họ làm rất tự nhiên cũng như nhiều lúc họ “ đi hát “ (1) những ghe thương hồ hoặc ghe chở lúa từ lục tỉnh về Chợ Lớn.
Trong thời Kháng chiến chống thực dân Pháp, họ thản nhiên cho “mò tôm“ (2) những cán bộ chính trị hoặc đảng viên cộng sản cài vào hàng ngũ Bình Xuyên.
Có người cho rằng xã hội miền Nam phức tạp, ô hợp, không có truyền thống dân tộc như xã hội ở Bắc và Trung. Nhưng về mặt chống ngoại xăm, thì ở miền Nam, ngay từ thập nên 20, nghĩa là trước khi đảng cộng sản ra đời, đã có những phong trào công khai tranh đấu đòi dân chủ, như phong trào Nguyễn An Ninh, Phan Văn Hùm, rồi nhóm La Lutte, đảng lập hiến nối tiếp…
Trước khi phát động toàn dân kháng chiến, và ngay trong kháng chiến, ở miền Nam có hàng chục tổ chức, vũ trang có, như Đệ nhị, Đệ tam, Đệ tứ sư đoàn, lực lượng Cao Đài, Hòa Hảo, Bình Xuyên, tự nhiên nổi lên đánh Tây mà không cần ý thức hệ nào hướng dẫn và nhất là không hề chịu đặt mình dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản. Họ đánh Tây vì nổi nhục mất nước.
Đến một lúc, vào năm 1948, không chịu nổi cái thế lưởng đầu thọ địch – vừa đánh Tây vừa chống trả áp lực cộng sản – Bình Xuyên phải kéo về thành, hợp tác với chính phủ Quốc Gia, dưới sự lãnh đạo của Quốc trưởng Bạo Đại, chịu mang tiếng Việt gian để khỏi chết trong tay người “anh em CS“.
Bình Xuyên chiếm một vị trí quan trọng vì nó là cái cửa của Sài Gòn – Chợ Lớn mở ra một khu vực có tính cách chiến lược bao gồm quận Nhà Bè, rừng Sát một bên và bên kia sông Soài-Rạp dẫn về các tỉnh miền Tây. Nhà Bè lại giáp với Biên Hòa – Long Thành mà sông Nhà Bè là đường ranh:
“ Nhà Bè nước chảy chia đôi
“ Ai về Gia Định Đồng Nai thì về.
Địa hình vùng nầy bị chia cắt mạnh bởi hệ thống sông ngòi kinh rạch chằn chịt. Đất đai nhiểm mặn nên phần bỏ hoang rất lớn dành cho các loại cây ưa mặn, như cây mấm, cây bần, cây đước…, tranh nhau mọc um tùm, tạo thành những vạt rừng hoang rậm. Vạt rừng trãi dài tới trục lọ, ra tận bờ sông rạch. Thời thực dân cai trị, đây là nơi ẩn náo và xuất phát của các băng nhóm đi “ăn hàng“ ở các nhà giàu trong làng trong quân lân cận, cũng là nơi trú ngụ của những phần tử bất phục tùng làng xã. Chính thực dân Pháp cũng phải lắc đầu ngao ngán và bất lực khi nghĩ phải giải quyết vùng đất “tối trời“ nầy.
Tên tuổi Bảy Viễn gắn liền với Bìng Xuyên, nhưng thật ra Bảy Viễn sanh năm 1904 tại xã Phong Đước, quận Cần Giuộc, tỉnh Chợ Lớn, con của ông Lê Văn Dậu, một nhân sĩ trong làng.
Xã Long Đước, quận Cần Giuộc, Cần Đước và qua bắc Cầu Nổi là tỉnh Gò Công. Ngang với xã Long Đước, nằm ở bên kia tỉnh lộ, hơi sâu về phía trong một chút, là vùng Bình Xuyên, mà mặt ngoài nằm sát lộ là xã Bình Hưng.
Bảy Viễn ngày 14 tháng 2 năm 1921, bị phạt 20 ngày tù về tội ăn cấp xe đạp. Thật ra chiếc xe đạp nầy là của Bảy Viễn. Bà mẹ đem cho một người bà con mà Bảy Viễn biết. Khi trong thấy xe để đấy, Bảy Viễn lấy lại và bị bắt phạt tù. Lần thứ nhì cũng bị 2 tháng tù tội hành hung gây thương tích, ngày 31 tháng 5 năm 1927. Bảy Viễn đánh một tên cắc chú giữ sòng bạc cho “Ba Tàu“. Lúc nầy Bảy Viễn có vây cánh bảo vệ hãng xe đò Sài Gòn – Biên Hòa và Cap St. Jacques (Vũng Tàu). Nghĩa là Bảy Viễn trở thành một tên thứ (anh chị) đứng bến. Ngoài ra, Bảy Viễn còn “thu thuế“ những sòng bạc lậu ở chợ Bình Đông, và lấy xâu tất cả các độ đá gà.
Việc làm ăn có mòi phát triển. Ra tù, Bảy Viễn hùn vào hai nhà hàng ăn, một công ty ta-xi, một vũ trường và tài trợ cho một hệ thống nấu rượu lậu.
Công việc làm ăn đang yên ổn, bổng ngày 20 tháng 6 năm 1936, Bảy Viễn bị bắt tại một tình nhân về tội cướp xe đò ngang rừng lá, trên đường đi Phan Thiết. Theo cảnh sát, có một người Tàu đã nhận diện ra được Bảy Viễn. Khi bị bắt, Bảy Viễn không có mang súng trong người; nhưng lục soát, cảnh sát tịch thu được một khẩu súng lục Sauer của Đức với 32 viên đạn. Ngày 28 tháng 8, Bảy Viễn bị kêu án 12 năm tù và đày đi Côn Đảo (3) về tội tổ chức băng đảng và giữ vũ khí.
Cũng theo phiếu lý lịch, Bảy Viễn có những dấu vết riêng đặc biệt: nhiều chổ xâm mình. Một con rồng quấn qua người, đầu rồng có chấm cổ, đuôi rồng chạy xuống tận hậu môn. Hai hình đàn bà lõa thể trên vai. Trên dương vật xâm “chữ bùa“ (chữ Tàu) và ngay trên qui đầu, xâm hình đầu con rắn.
Điều làm thầy chú sửng sốt vì biết gặp phải tay anh chị bự đó là trên lưng, dưới chổ bả vai, chạy dài câu “Dọc ngang nào biết trên đầu có ai“. Đây là tôn chỉ ứng xử trong cuộc sống của giới giang hồ dành riêng cho thành phần lãnh đạo.
Ngoài những dấu vết đặc biệt trên, Bảy Viễn còn có tướng mạo của một kẻ đàn anh thật sự. Đầu to, tóc đứng, mắt sáng, đen nhánh, mũi không cao nhưng thẳng, trán cao và rộng, vai ngang, bấp thịt nở trên một thân hình cân đối, tầm cao trên một thước bảy mươi.
Thân sinh của Bảy Viễn cũng là một thứ anh chị ở Chợ Lớn. Gốc Triều Châu, ông gia nhập Nghĩa Hòa Hội, một hệ phái của Thiên Địa Hội ở Việt Nam vào những thập niên đầu thế kỷ. Ông được trọng nể vì bản tánh khí khái, lương thiện, hết lòng binh vực quyền lợi phe nhóm và em út.
Lúc nhỏ, Bảy Viễn sống trong một gia đình đầm ấm thuộc giới trung lưu. Về tánh tình, Bảy Viễn là một cậu bé ương ngạnh, hung hăng, khó bảo, nhưng rất thông minh.
Trong một vụ chia gia tài, Bảy Viễn nhận thấy mình bị thiệt một cách bất công nên năm 16 tuổi bỏ nhà ra đi. Để sinh sống, Bảy Viễn làm việc cho hai Lương, một tên “cập rằng” tuyển mộ phu khuân vác cho nhà máy xay lúa ở Chợ Lớn.
Cuộc đời giang hồ của Bảy Viễn bắt đầu từ đây. Để hình dung được con người Lương Sơn Bạc Bình Xuyên trong một vụ “đi hát”, chúng tôi xin trích một đoạn trong quyển “Người Bình Xuyên“ của Nguyên Hùng, do nhà công an nhân dân xuất bản năm 1988. (chủ đích của tác giả và nhà xuất bản nhằm đề cao Mười Trí, bạn đồng sanh đồng tử với Bảy Viễn, nhờ sớm giác ngộ cách mạng mà trở thàng thiếu tướng quân đội CS Hà Nội và nhóm cộng sản hoạt động ở vùng Bình Xuyên, để qua đó lên án Bảy Viễn và những người theo ông là đầu hàng địch, thân bại danh liệt).
“…Cho mua một gói Thối nhiệt tán với một chai dầu Nhị thiên đường.
Chủ tiêm người Tàu hé cửa ra:
– Khuya rồi! không bán! sáng mới mua!
– Không bán để thằng nhỏ chết sao? Mở cửa ra!
Bảy rô đóng kịch vụng về, chủ tiệm sanh nghi toan đống cửa, nhưng Mười Nhỏ nhanh chân nhảy tới chỉa họng súng ngay chổ cửa hé, quát:
– Mở cửa mau! không tao bán chết cha!
Chủ tiệm chết điếng, nhìn họng súng trân trân. Mười Nhỏ giục:
– Ông cố nội mầy đây chớ ai mà ngó chầm bẩm vậy?
… Buồm! Mười Nhỏ ra lệnh. Tất cả rút êm ra bờ sông. Trên đường về hắn gật gù khoái chí, Nhưng Bảy Rô lặng thinh. Qua những phút sôi nổi, lòng anh thấy rai rức vô cùng. Tự nhiên mình nhảy vô đánh người ta chết giấc, rồi vơ vét hết tiền bạc của người ta. Tội nầy còn đáng giết hơn tội thắng Tần đánh bạc lận mình (Tần đánh bài lận, Bảy Rô thua, tức đâm nó một dao, chỉ tính để thẹo, không ngờ Tần chết). Suốt đường về, chỉ lo tên Tàu tỉnh lại, thấy sự nghiệp mồ hôi nước mắt mình bị vơ vét sạch sẽ phẩn uất mà chết luôn.
… Đánh chiêc thứ ba, đây là ghe hột vịt. Vừa thấy Bảy Rô nhảy lên ghe, ông chủ ghe đớ lưỡi: “Ông… cướp“! chưa kịp hỏi, ông ta dâng trọn cọc tiền vừa bán ghe hột vịt cho chủ vựa. Bảy Rô cướp tiền, nhảy qua tam bản. Đi chưa được mấy sào thì nghe ông chủ ghe kêu gào thảm thiết. Mười Nhỏ thét:
– Đm trở lại, tao giết thằng già nầy mới được. Nó cả gan chửi mắng
Ông cố nội thì nó phải chết.
Bảy Rô bước nhanh đến mũi tam bản:
– Để tao trị thằng già nầy cho. Anh chống sào nhảy trở lên ghe, ngắt
đôi cọc tiền vừa cướp được, dúi vào dúi một nữa vào ngực ông già, đồng thời dậm chân lên ván ghe đánh rầm một tiếng, hét to:
– Giỏi la hả. Đánh cho mầy chết để mầy hết la!
Trên đường về, anh thấy vui vui trong lòng. Đâu đó, trong sâu thẩm hồi ức, anh nghe vang vang lời dạy của ông già anh, lúc còn sống:” Nhân phi nghĩa bất giao, vật phi nghĩa bất thủ“.
Anh tính sẽ không nhận tiền chia phần trong hai vụ ăn hàng và sẽ nói thật khéo để Mười Nhỏ vui lòng cho anh giải nghệ. “ (4)
Bình Xuyên – Bảy Viễn Trong Kháng Chiến.
Vốn là những con người “Dọc ngang nào biết trên đầu có ai“, những người Bình Xuyên đã từng đánh Tây, thủ tiêu cò bót, trị tội cường hào ác bá ở địa phương, nên kịp lúc Tây trở lại, cuộc toàn dân kháng chiến bùng nổ, lập tức những người Bình Xuyên đứng lên gia nhập.
Lòng yêu quê hương đất nước, cùng với khí phách dọc ngang là những nguyên nhân, thúc đẩy họ dấn thân vào kháng chiến một cách hào hùng, tự nhiên, nhiều khi thiếu tự giác. Do đó, hành động của họ không khỏi trở thành quá khích trong số trường hợp.
Trong chiến dịch phong toả Sài Gòn – Chợ Lớn, Ba Nhỏ đã giết một bà già mang thực phẩm vào thành. Ba Nhỏ bị Nguyễn Bình, khu trưởng khu 7 xử tử hình làm gương.
Bản án đã được ấn định sẵn. Tin nầy lọt ra ngoài. Anh em vận động làm kiến nghị xin hủy án cho Ba Nhỏ để đoái công chuộc tội. Mười Lực được đề cử đứng ra binh vực cho Ba Nhỏ. Nhận lời, Mười Lực thầm nghĩ, ngay trong đám có mặt ở đây, có nhiều thằng còn đáng lãnh án tử hình hơn Ba Nhỏ.
Tòa tuyên án: “Ba Nhỏ tội tử hình và bản án được thi hành ngay tại chổ“. Ba Nhỏ không một chút xúc động:
– Cám ơn các anh, tội tôi làm tôi chịu. Xin toà cho tôi một ân huệ cuối cùng, để tôi tự xử lấy. Anh Ba, cho mượn cây súng của anh“.(5)
Và Ba Nhỏ đã tự xử lấy mình theo luật giang hồ để tỏ cho mọi người thấy tư cách của một tay anh chị Bình Xuyên.
Sau Ba Dương chết, Bảy Viễn vốn là một tay anh chị ngang ngữa với Ba Dương, được đề cử lên thay thế để chỉ huy lực lượng Bình Xuyên. Ít lâu sau, Bảy Viễn được trung ương đề cử làm khu trưởng khu 7, còn Nguyễn Bình lãnh quân ủy khu 7. Thậm ý của Nguyễn Bình nhầm tách Bảy Viễn ra khỏi chiến khu Rừng Sát và lực lượng Bình Xuyên. Bởi khi nấm chức khu bộ trưởng khu 7, Bình sẽ bắt Bảy Viễn làm việc ở trụ sở Nam bộ kháng chiến đặt tại Đồng Tháp Mười, trên bờ kinh Dương Văn Dương. Đồng thời, Nguyễn Bình sẽ cho tảo thanh đám quân Bình Xuyên để sau đó, Bảy Viễn như cua gảy càng, nằm gọn trong tay của Nguyễn Bình muốn xử lý lúc nào cũng được.
Nguyễn Bình gởi người đi ám sát Bảy Viễn mấy lần đều thất bại. Trái lại còn bị phe Bảy Viễn hạ sát. Điều nầy đang làm Nguyễn Bình căm tức.
Về phía Bảy Viễn vẫn không chịu đặt mình dưới sự kiểm soát của Nguyễn Bình. Tất cả các chính trị viên từ Bắc vào, gởi đến lực lượng Bình Xuyên, đều mất tích.
Nguyễn Bình không chịu nổi cách lý luận của Bảy Viễn:” Bình Xuyên đánh giặc từ trước khi có tên Nguyễn Bình vào đây. Đm.! Hiệp định sơ bộ là gì? Trong hiệp định Pháp mà độc lập lập à”? “Thây kệ Hồ Chí Minh ở ngoài Bắc. Chưa có độc lập, mình cứ đánh nữa. Không cần ngưng chiến, không cần hiệp định gì hết”.
Để thuyết phục Bảy Viễn về Nam bộ dự lễ tấn phong, Nguyễn Bình gởi Tám Nghệ (Huỳnh Văn Nghệ, sau 1975 về Nam, phản đối quyết định thống nhứt với miền Bắc thanh toán MTGPMN, bị Hà Nội cho đi nằm nhà thương, mổ và chết. Bác sĩ DQH biết rõ âm mưu nầy, bất mãn, bỏ ra khỏi đảng, nhưng bà bị bắt buột phải giữ kín việc ra khỏ đảng trong 10 năm) đi rừng sát gặp Bảy Viễn. Tám Nghệ đơn thân độc mã đi xuống Tắc Cây Mắm làm Bảy Viễn và nhiều người khác không khỏi ngạc nhiên. Biết công tác của Tám Nghệ chắc chắn không thuận lợi cho Bình Xuyên. Nhưng Bảy Viễn không đồng ý:
– “ Tám Nghệ hịên là khách của mình. Giới giang hồ không ai hành
động như vậy”.
Trong bửa tiệc, Bảy Viễn cụng ly với Tám Nghệ và nói:
– “ Nguyễn Bình có ý gì mà phong cho tôi làm Khu bộ trưởng? Có
phải là nó muốn “điệu hổ ly sơn“ không? Bảy Viễn nào hiểu Hồ Chí Minh vì sợ Bình Xuyên kiểm soát khu vực rừng sát, khó đưa tiếp liệu đến các đơn vị của Nguyễn Bình, nên gởi điện phong cho chức Khu bộ trưởng, để vừa vuôt ve Bảy Viễn mà cũng vừa nhằm triệt hạ thế lực của Bảy Viễn.
Bảy Viễn tiếp:
“- Nguyễn Bình là người Bắc, lại là cộng sản nữa. Còn tụi mình là người Nam. Ai cho nó cái quyền chỉ huy mình?” .
“- Không hiểu chánh trị viên trong trung đoàn 310 của anh như thế nào, chớ ở đây mấy thằng đó chia rẽ binh sĩ với cán bộ, gây khó khăn trong việc chỉ huy. Tôi không hiểu anh có phải là cộng sản không, nhưng tôi thấy khó làm việc chung với cộng sản quá.” (5)
Sau nhiều ngày đắn đo, Bảy Viễn quyết định đi Nam bộ nhận chức Khu trưởng khu 7, đồng thời chất vấn luôn Nguyễn Bình về mấy chuyện quan trọng. Ngay sau khi Bảy Viễn rời Rừng Sát đi Đồng Tháp Mười, Bí thư thư phân Khu Duyên Hải Nguyễn Đức Huy nhận được mật điện của Bí thư Khu 7 Hai Trí cho tiến hành tảo thanh, tóm bắt lực lượng Bình Xuyên còn ở lại giữ trại và cướp luôn cơ sở nầy của Bình Xuyên.
Tại trụ sở Nam bộ, Nguyễn Bình nói rõ cho Bảy Viễn biết là hắn theo lệnh của chánh phủ trung ương nắm lất tất cả các lực lương võ trang ở trong Nam. Nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa là một bất khả phân. Cuộc cách mạng của chúng ta dựa trên 3 cột trụ: Đảng, Mặt trận thống nhứt và Quân đội. Nguyễn Bình không dung tha cho ai đi lệch hướng, không bỏ qua mọi tư tưởng chia rẽ. Bình Xuyên xưa nay có tiếng là một lực lượng tự trị và từ chối nhận chỉ thị của chính trị viên, mà chỉ thị chính trị cần thiết cho chiến sĩ cách mạng.
Bảy Viễn trả lời Nguyễn Bình một cách rắn chắc và không xưng hô theo cấp bực:
“ – Ê ! Trung tướng, anh hãy nghe rõ. Tôi sẽ nói ra điều tôi nghĩ trong đầu. Anh em Bình Xuyên tụi tôi là dân Nam kỳ không dính dấp xa gần với cộng sản. Những ủy viên chính trị của anh đều là dân Bắc kỳ và cộng sản. Tụi nó chỉ kiếm chuyện với tụi tôi mà thôi. Còn tụi tôi đi đánh giặc theo tình nghĩa anh em, tin tưởng nhau. Không có chính trị chỉ huy. Ở đây, tôi không muốn có gián điệp, có công an, có ngoại quốc. Rõ chưa?”
Nguyễn Bình vặn lại:
“ – Nếu tôi hiểu rõ thì anh là người chống Bắc kỳ, chống cộng sản và không nhìn nhận quyền hành của chính phủ Hà Nội phải không?”.
Chậm rãi đốt điếu thuốc, Bảy Viễn nói tiếp:
“ – Lập trường của chúng tôi rất đon giản. Chúng tôi hiểu là nước Việt Nam là một và chúng tôi tranh đấu Bắc Trung Nam một nhà. Nhưng với điều kiện bình đẵng. Chớ không thể vì miền Bắc ở trên mà tự cho mình là nóc nhà, còn miền Nam ở dưới tận cùng xứ sở bị xem là cái sàn nhà. Điều làm chúng tôi rất khó chịu là các anh cứ xem thường dân miền Nam, là con nít cần phải được tát tai đá đít để dạy bảo. Chúng tôi vẫn kính trọng dân Bắc kỳ là anh cả, nhưng chúng tôi không gia nhập. Mục đích đường lối của nó không thích hợp với chúng tôi. Việc làm đầu tiên của nó là thanh toán tất cả những người chiến sĩ không cùng cộng sản.”
Nguyễn Bình giận dữ:
“ – Tôi biết các anh một ngày gần đây sẽ quay súng lại đánh chúng tôi. Các anh đang âm mưu kết hợp với Hòa Hảo và Cao Đài thành lập Mặt Trận Thống Nhứt. Nhưng sẽ thất bại vì Cao Đài đã có một bộ phận ra đầu Tây rồi.”
Bảy Viễn vẫn bình tĩnh:
“ – Nếu nói Cao Đài đầu Tây thì họ chỉ làm theo gương Hà Nội mà thôi. Từ 6 tháng nay, Việt Minh la lớn tiến hơn ai hết: “độc lập hoặc chết!” Rồi trong lúc đang đánh, không thấy một tên Việt Minh nào xuất hiện trên mặt trận. Tệ hơn nữa, Hồ Chí Minh đã ký hiệp ước với Pháp, để cho quân đội của Leclerc đổ bộ lên Hải Phòng mà không bán một tiếng súng.
“ – Lập Trường của Bình Xuyên không thay đổi. Hãy để yên cho anh em chúng tôi đánh giặc. Chúng tôi không cần được đẩy ở sau lưng, không cần được học tập chính trị và không muốn bị kiểm soát.” (6)
Ngày 10 tháng 4 năm 1946, sau nhiều giờ thảo luận, đại diện của ba phái đoàn Cao Đài, Hòa Hảo và Bình Xuyên đi đến quyết địng thành lập Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhứt, với tôn chỉ chống Tây và chống cộng sản.
Hội nghị Đà Lạt và Fontainebleau thất bại, Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp tỏ ra cứng rắn hơn. Mặt khác, ủy ban Nam bộ hầu như bỏ trống vắng từ nhiều tháng nay, bổng được tăng cường Lê Đức Thọ và Lê Duẫn. Cả hai có tiếng là cách mạng triệt để nên không nương tay đối với những người kháng chiến hữu khuynh, không cộng sản ở trong Nam.
Cuối tháng 4 năm 1947, Bảy Viễn được tin Đức thầy Huỳnh Phú Sổ của PGHH bị ám hại. Thủ đoạn tàn độc nầy nói rõ sự quyết tâm của Nguyễn Bình chủ trương thanh toán tất cả những người kháng chiến không chịu phục tùng theo cộng sản.
Bình Xuyên gồm những chiến sĩ có quyết tâm chiến đấu cao. Họ kết hợp với nhau chặt chẽ, không tham vọng chính trị quyền lực, tận tụy với cấp chỉ huy, chỉ biết lấy chiến công kháng chiến làm niềm tự hào.
Trước kia họ “tác oai tác quái” để giành một chổ đứng trong xã hội bị trị, thì ngày nay họ dấn thân kháng chiến giành độc lập dân tộc, cũng là để tìm cho họ một chổ đứng xứng đáng trong lòng dân tộc. Một chiến sĩ Bình Xuyên đã mộc mạc làm thơ để tự thỏa mãn con đường mình đã chọn:
“ Hể là chiến sĩ Việt Nam
“ Không ham chức tước, không ham bạc tiền.
“ Đã là chiến sĩ Bình Xuyên
“ Không mê rượu thịt, không thèm gái xinh.
Thử làm một tổng kết nhỏ để thấy thành tích của Bình Xuyên kháng chiến. Chỉ trong năm 1947, Bình Xuyên thực hiện 42 cuộc hành quân, đánh lấy 16 đồn lính Tây, thu được 200 vũ khí đủ loại, phá hủy nhiều cầu, 9 tàu bè võ trang và 4 đoàn xe công voa, bắt giữ 2 xà lúp, hạ tên xếp Tây nổi tiến vùng Chợ Lớn, Trung úy Barazza.
Trong lúc đó, Nguyễn Bình cũng cố và tăng cường quyền lực. Có cả ngàn cán binh từ Bắc gởi vào để giúp Nguyễn Bình chỉnh đốn lực lượng. Vẫn không rời bỏ mục tiêu triệt hạ Bình Xuyên, Nguyễn Bình cho lực lượng của mình đóng quân sát vùng Bình Xuyên. Để đạt mục tiêu, Nguyễn Bình không từ khước một phương tiện nào hết cả: ám sát, xâm nhập bằng những chính trị viên ngụy trang dưới hình thức sĩ quan liên lạc. Thất bại, Nguyễn Bình xoay qua tấn công Bảy Viễn và Bình Xuyên bằng chiến dịch tuyên truyền, báo chí, truyền đơn và không từ cả việc thông báo cho Tây vị trí đóng quân của Bình Xuyên để Tây oanh kích. Bảy Viễn phải di động lực lượng thường xuyên để tránh bị tiêu diệt. Nhưng vẫn trong vòng Rừng Sát vì ra ngoài xa hơn sẽ đụng đầu với quân của Nguyễn Bình.
BẢY VIỄN – BÌNH XUYÊN VỀ THÀNH.
Ngày 5 tháng 6 năm 1948, tại vịnh Hạ Long, Cao ủy Bollaert ký với Bảo Đại một thỏa ước quan trọng. Nước Pháp long trọng nhìn nhận nền độc lập của Việt Nam thống nhứt.
Tin nầy đến tai Bảy Viễn và anh em Bình Xuyên. Phản ứng chung cho rằng đất nước đã đến một khúc quanh quan trọng, nhưng mọi người đều rất dè dặt, không dám cả tin ở Pháp thật sự trao trả độc lập cho Việt Nam.
Tình thế bị kẹt giữa quân Pháp và cộng sản ngày càng gay cấn đã làm cho Bảy Viễn và anh em Bình Xuyên phải suy nghĩ một giải pháp tự cứu.
Lúc trút bỏ lớp áo giang hồ, dấn thân đi kháng chiến, nhiều anh em đã thề là “ ra đi không bao giờ trở lại “. Tâm nguyện của anh em Bình Xuyên là đi kháng chiến giành độc lập cho xứ sở để xây dựng một xã hội mới, mọi người đều có chổ đứng xứng đáng, có cuộc sống ấm no. Xã hội thay đổi để cuộc sống giang hồ của anh em cũng theo đó mà thay đổi. Anh em tin tưởng kháng chiến phải thành công, nên đã thề “ra đi không bao giờ trở lại“. Thật vậy, anh em Bình Xuyên không bao giờ mong muốn có ngày anh em bỏ chiến khu vì không chịu nổi gian khổ mà trở về thành sống lại cuộc sống anh chị ngày xưa.
Đối với anh em Bình Xuyên trãi qua những ngày kháng chiến hào hùng thì thành thị co gì hấp dẫn đâu. Cả Sài Gòn – Chợ Lớn, nhiều anh em Bình Xuyên chỉ thấy có một tòa nhà mang số 69 đường Lagrandière, sau nầy là đường Thăng Long. Hình ảnh xưa cũ vẫ chưa mờ phai trong ký ức của nhiều anh em. Từng dọc tù nhân trần như nhộng, quơ tay múa chân, hách đít trước mặt thầy chú. Đó là điệu múa “phụng hoàng“ để thầy chú khám vàng bạc dấu nhét trong hậu môn. Quần áo mốc cời, hôi hám cầm ở tay, chỉ được mặc vào khi đã biểu diễn xong điệu múa kỳ dị, quái đản, mất nhân phẩm kia. Hồi tưởng lại cảnh tù ở khám lớn Sài Gòn, anh em không khỏi rùng mình. Dĩ vãng ghê tởm đó, anh em đã vung guơm chặt đứt từ ngày gia nhập kháng chiến, nay lẽ nào phải quay trở lại sao? Nhưng cộng sản và quan cách mạng Nguyễn Bình hàng ngày đang tìm đủ mọi cách để bắt buộc anh em phải khuất phục nếu không sẽ bị tiêu diệt.
Vì thế, tin Pháp thừa nhận Việt Nam độc lập và thống nhứt đến với anh em, gợi lên viễn ảnh cho anh em một lối thoát mà không phải quay trở về cuộc sống giang hồ xa xưa.
Ngày 25 tháng 5 năm 1948, Bảy Viễn nhận chức Khu bộ trưởng Khu 7, trước đại hội có sự hiện diện của đại biểu Khu 8 và Khu 9. Nguyễn Bình làm chính ủy Khu 7. Một bửa tiệc long trọng được tổ chức để khoản đãi tân khách.
Ba ngày sau, Bảy Viễn được mời dự một buổi hợp tại trụ sở Nam bộ, gồm chính ủy Nguyễn Bình, Bảy Viễn và đại biểu các Ban, Ngành và Khu 8 và Khu 9, để bàn bạc việc cải tổ quân sự. Kể từ nay, với chức vụ mới, Bảy Viễn phải đưa lực lượng Bình Xuyên vào khuôn khổ lãng đạo của đảng cộng sản, chấm dứt tình trạng tự trị và tính cách dị biệt cố hữu của Bình Xuyên.
Bảy viễn nghe xong phản đối:
“ – Tôi xin nói rõ vấn đề, anh em Bình Xuyên không phải chờ đợi Nguyễn Bình tới Nam Bộ mới đứng lên chiến đấu. Chúng tôi đã đánh giặc suốt 30 tháng qua và đã có hơn ba trăm anh em hy sinh. Suốt trong ba năm chiến đấu đó, chúng tôi không hề nhận được của Việt Minh và Hà Nội một hột gạo, một con cá khô, một khẩu súng, một viên đạn. Những đoàn công voa từ Bắc vào, đi ngang qua vùng của chúng tôi, được chúng tôi bảo vệ để vận chuyển mọi thứ đến đon vị của các anh được an toàn. Kể cả khi các anh bị Tây truy kích, chúng tôi cũng bọc hậu giải vây và ngăn cản để các anh rút lui êm. Chúng tôi hy sinh chiến đấu cho xứ sở, đó là lẽ phải đã hướng dẫn chúng tôi. Chúng tôi không thể vâng lịnh và chiến đấu cho đường lối của kẻ đã thanh toán những người cùng chiến đấu một kẻ thù chung với một cách dã man hơn đối với địch.” (8)
Ít ngày sau, Bảy Viễn bỏ ra về lại Rừng Sát. Trên đường về đã thoát khỏi cuộc phục kích của Bình. Nhưng Bảy Viễn và lực lượng hộ tống gồm 200 người không thể trở về chiến Khu Rừng Sát được vì đã bị Nguyễn Bình cho tảo thanh rồi.
Trước tình thế nầy, Bảy Viễn và anh em Bình Xuyên phải lấy quyết định sống chết.
Bảy Viễn phải chấp nhận ra thành và chịu mang tiếng Việt gian, nhưng còn cơ hội đánh cộng sản và giữ an ninh cho vùng Rừng Sát và Sài Gòn – Chợ Lớn, nơi họ sanh trưởng và chiến đấu.
Thế là cuộc thương thuyết với Tây bắt đầu, do Lai Hữu Tài làm liên lạc.
Điều kiện thương thuyết về phía Bình Xuyên đưa ra được Pháp chấp thuận. Bình Xuyên vẫn giữ lực lượng võ trang và sự chỉ huy riêng. Bình Xuyên đóng quân trên một khu vực cạnh thành phố và chịu trách nhiệm vấn đề an ninh trên toàn khu vực nầy.
Bảy Viễn tiên liệu sẽ có nhiều anh em cò kẹt trong áp lực của Nguyễn Bình sẽ có cơ hội lần lượt kéo về. Cái khó của việc anh em trở về, kể cả đối với anh em kháng chiến khác không phải trong hàng ngũ Bình Xuyên, là bức tường tâm lý ngăn chặn giữa chiến khu với thành thị chớ không phải cái khó do sự kiềm kẹp của cộng sản. Từ lâu bức tường tâm lý đó phải phân định rõ hai vị trí: bên kia là kháng chiến, là yêu nước còn bên nầy là Việt gian, là đầu hành địch. Thực chất là những người không chịu đi theo về với Hồ Chí Minh và cộng sản.
Bảy Viễn muốn biến vùng do Bình Xuyên kiểm soát thành vùng trái độn, vùng tự trị, không có Tây chỉ huy, để các thành phần kháng chiến không cộng sản quay về có chổ đứng thoải mái, không mặc cảm trong lúc chờ đợi tình hình chánh trị Việt Nam ngày thêm sáng tỏ.
Quả nhiên, lần lượt những người Bình Xuyên còn kẹt trong vùng Nguyễn Bình tìm cách quay về với anh em cũ, như Bảy Môn, Tư Huỳnh… Tuy nhiên, Tây nào có chịu dễ dàng để cho một vùng thật sự tự trị như vậy, nên một số đông những người kháng chiến không về được phải kẹt lại với cộng sản.
Ngày 17 tháng 6 năm 1948, Bảy Viễn đưa ra lời tuyên bố về sự trở về thành như sau:
“- Xét vì nạn độc tài đẩm máu đã lan tràn khắp Nam bộ do bọn Nguyễn Bình cùng đảng cộng sản gây nên,
– Xét vì trong bao nhiêu năm tranh đấu anh dũng khắp chiến khu, toàn thể chiến sĩ Bình Xuyên, chẳng những không được nâng đỡ, lại còn bị thiệt thòi và ngược đãi về mọi phương diên vì không chịu mang lệnh của cộng sản và nhứt là tên độc tài khát máu Nguyễn Bình,
– Xét vì Bình Xuyên chỉ tranh đấu vì quyền lợi tối cao của Tổ quốc với nguyện vọng duy nhứt là giành độc lập và thống nhứt cho nước nhà,
– Xét vì bọn cộng sản trong ba năm qua chỉ đưa nước nhà vào cảnh khở sở lầm than tàn khóc, tôi nhơn danh nhà lãnh đạo tối cao Quân đội Liên Khu Bình Xuyên kiêm khu bộ phó khu 7 nước Việt Nam tuyên bố:
Đứng lên cương quyết đối lập bọn Nguyễn Bình cộng sản độc tài,
Nhìn nhận chánh phủ trung ương Việt Nam,
Đặt hoàn toàn tín nhiệm nơi Hoàng đế Bảo Đại trong trong sự vận động Độc lập và để đem lại tự do, hạnh phúc cho giống nòi”.
Tổng hành dinh, ngày 17 tháng 6 năm 1948
Nhà lãnh đạo Liên khu Bình Xuyên, khu bộ phó khu 7 nước Việt Nam
Lê Văn Viễn
(chữ ký của Lê Văn Viễn, kèm theo (“tạm không mộc“)
Ngày 25 tháng 4 năm 1949, Bảo Đạt từ Hồng Kông trở về Việt Nam, nhưng không ghé Sài Gòn mà đi thẳng lên Đà Lạt.
Bảy Viễn chỉnh đốn lại lực lượng và hiện có 1500 người. Hàng tháng chính phủ Sài Gòn cấp cho 170.000 đồng. Số nầy không đủ trả lương tháng 120 đồng cho 3 tiểu đoàn, đấy là không kể các thành phần khác nằm trong lực luong Bình Xuyên.
Một hôm Bảo Đại đề nghị sẽ giúp Bảy Viễn nắm lấy Đại thế giới và Kim Chung Sài Gòn để có tiền nuôi quân đội và phát triễn thêm. Bảy Viễn khai thác hai nơi nầy sẽ tránh mất một số tiền khổng lồ lọt vào tay cộng sản mà trước giờ người Tàu vẫn nạp đều cho cộng sản.
Dưới cái nhìn của Bảo Đại, ít nhất phải giữ được miền Nam. Cộng sản tăng cường ở Nam Bộ vì muốn chiếm trọn các tỉnh và Chợ Lớn.
Đại thế giới thành lập tháng 12 năm 1946 do Đốc đốc d’ Argenlieu cho phép. Trong kỳ đấu giá đầu tiên, chủ trúng thầu đóng thuế cho nhà nước Pháp mỗi ngày 200.000 đồng. Điều quan trọng là trong lúc đó, chủ sòng bạc người Tàu mỗi ngày nộp cho Việt Minh 300.000 đồng để được yên ổn làm ăn.
Năm 1951, Bảy Viễn trúng thầu với giá 500.000 đồng thuế mỗi ngày cho chánh phủ Việt Nam. Lẽ dĩ nhiên từ nay, Việt Minh không còn lợi tức ở đây nữa. Lần lượt Bảy Viễn kiểm soát hết Chợ Lớn, phá vở mọi hệ thống công an và kinh tài của Việt Minh. Ba Tàu chỉ đóng thuế có một mối và được bảo vệ an toàn, không còn lo sợ như với Việt Minh trước kia.
Vùng an ninh do Bình Xuyên, Hòa Hảo và Cao Đài tái lập và kiểm soát càng ngày càng mở rộng.
Nguyễn Bình mất đất dần và phải rút về thế thủ để bảo toàn lực lượng.
Ngày 29 tháng 9 năm 1951, Nguyễn Bình bị giết chết trong một trận phục kích, trên đường về Hà Nội theo lệnh Hồ Chí Minh để báo cáo tình hình chiến sự trong Nam tại sao càng ngày cành thất thế, để mất hết vùng đã kiểm soát được.
BẢY VIỄN – NGÔ ĐÌNH DIỆM và MẶT TRẬN THỐNG NHỨT QUỐC GIA.
Tình hình chính trị VN từng buớc cải thiện. Nền độc lập Việt Nam chuyển mình thể hiện rõ nét.
Ngày 3 tháng 8 năm 1953, Quốc trưởng Bảo Đại đi Paris để thảo luận với chánh phủ Pháp về quyền thi hành các điều khoản của bản tuyên ngôn trên. Vì Việt Nam chưa có Quốc Hội mà Quốc trưởng Bảo Đại muốn có được sự hậu thuẩn rộng rãi của dân chúng ba miền, nên đồng ý cho tổ chức một Đại Hội nghị toàn quốc để thu thập ý kiến và nguyện vọng của toàn dân về hai vấn đề căn bản: độc lập và liên hiệp Pháp của Việt Nam. Việc triệu tập hội nghị toàn quốc, tuần báo Đời mói nhiều lần nêu lên một cách vô cùng khẩn thiết trước diễn đàn cả nước.
Ngày 10 tháng 9, Quốc trưởng Bảo Đại ký Sắc Lệnh qui định việc tổ chức Quốc Dân Đại Hội dự tính nầy. Đồng thời, chính giới ba miền đều bày tỏ ủng hộ Bảo Đại trong sứ mạng thảo luận với Pháp thực hiện thắng lợi văn kiện quan trọng ấy cho Việt Nam. Ở Sài Gòn các ông Hộ Pháp Phạm Công Tắc, (Cao Đài), Huỳnh Công Bộ và Lương Trọng Tường (Hòa Hảo), Lê Văn Viễn (Bình Xuyên), Giám mục Ngô Đình Thục (Công Giáo) và Bác sĩ Nguyễn Xuân Chữ (Quốc Dân Đảng) bày tỏ sự tin cậy Quốc trưởng và đưa ra một bản hiệu triệu dân chúng hãy tiến đến thành lập Khối Đoàn Kết Quốc Gia.
Ngoài ra, Hộ Pháp Phạm Công Tắc, qua những buổi hợp trong khu vực Bình Xuyên, thành hình một Phong trào Liện Hiệp Ái Quốc, do chính ông lãnh đạo, công bố bản tuyên ngôn kêu gọi sự đoàn kết sâu và rộng nhằm mục đích tranh đấu cho nền độc lập Tổ Quốc.(10)
Về Hội Nghị toàn quốc, phải nói đây là một biến cố chính trị đầu tiên ở Việt Nam vô cùng quan trọng, mở ra cho Việt Nam một viễn ảnh chính trị dân chủ. Chính Hội Nghị nầy đã chấm dứt chính phủ thiếu cơ sở chủ quyền mà chính phủ Nguyễn Văn Tâm là chính phủ cuối cùng của giai đoạn quan hệ Pháp – Việt để đưa đến chính phủ Bữu Lộc như là chính phủ chuyễn tiếp. Như vậy, chính hội nghị toàn quốc đã dẫn đến chính phủ “Quốc Gia“ Ngô Đình Diệm sau đó.
Theo Sắc Lệnh của Quốc trưởng Bảo Đại qui định, thì Hội Nghị se gồm có 200 đại biểu, đại diện các đoàn thể chính trị, tôn giáo, kinh tê, chuyên nghiệp và toàn dân qua các cơ quan dân cử từ cấp xã trở lên.
Hội nghị sẽ có một chủ tịch đoàn do cụ Trần Trọng kim làm chủ tịch, một thư ký đoàn do cụ Trần Văn Ân làm tổng thư ký và ba Tiểu ban đặc trách nghiên cứu về vấn đề độc lập do cụ Nguyễn Phan Long làm trưởng ban, về vấn đề liên kết với Pháp, do cụ Trần Văn Quế làm trưởng ban và về nhiệm vụ của phái đoàn thương thuyết do cụ Phan Hữu Chương, trưởng ban.
Sự vận động toàn dân lúc bấy giờ đã đạt được một nền tảng khá vững chãi cho việc thực thi độc lập Việt Nam dựa trên sự đoàn kết thật tốt đẹp chưa từng có của toàn dân ba miền.
Thế mà, thế đoàn kết quốc gia này bị phá sản trong những năm sau đó, nhường chổ cho ý chí cá nhân thành lập một chính quyền tập trung được quan niệm mới là chính quyềm mạnh. Chính sự mất đoàn kết nầy đã lần lượt dẫn đến những xáo trộn chính trị ở miền Nam và sau đó dẫn đến biến cố năm 1975 là giai đoạn cuối của nền độc lập dân tộc.
Ngày 26 tháng 6 năm 1954, sau khi Điện Biên Phủ thất thủ, Ngô Đình Diệm được Bảo Đại chỉ định thành lập chính phủ thay thế chính phủ của hoàng thân Bữu Lộc.
Sự xuất hiện của Ngô Đình Diệm không làm nhiều người miền Nam quan tâm cho lắm, kể cả những người theo dõi thời cuộc và các chánh khách.
Trong bài diễn văn đầu tiên hiệu triệu quốc dân, đọc nhanh với giọng đều đều, Ngô Đình Diệm nhấn mạnh ông về đây để làm một cuộc cách mạng, động viên tất cả các sức mạnh của xứ sở, thiết lập nền độc lập và một chính phủ thật sự xứng đáng được kính trọng và không còn bị ngoại quốc khống chế. Ông kết luận: ”Với tôi chỉ biết có Tổ Quốc Việt Nam và chỉ có Việt Nam.”
Ngày 19 tháng 6, Ngô Đình Diệm được Bảo Đại thỏa thuận yêu sách là giao trọn cho ông quyền hành về chánh trị và quân sự, điều mà từ trước đến giờ, Bảo Đại không hề trao cho các Thủ tướng tiền nhiệm, cả với hoàng thân Bữu Lộc.
Dự án chính trị của ông Diệm rất đơn giản. Ông sẽ phát động một cuộc cách mạng, nghĩ là cải tổ các cơ chế và xã hội, từ thượng tầng với những người khoa bảng được tin cậy cộng tác với ông trong chính phủ, chớ không phải bắt đầu từ cơ sở. Cuộc cách mạng nầy đòi hỏi một bộ máy hành pháp thật mạnh, một nhà nước tập trung, một quân đội mạnh có kỷ luật, nên quan niệm nầy không thể chấp nhận một sự dung hòa tương nhượng nào được.
Ngay từ những ngày đầu nhậm chức, ông Diệm đã bộc lộ rõ những ý nghĩ chính trị cúa ông là bẻ gảy mọi ảnh hưởng của Bảo Đại, thanh toán Nguyễn Văn Hinh, đập tan các Giáo phái và nhất là lực lượng Bình Xuyên mà ông cho là một “băng đảng ăn cướp dấy vào chánh trị”. (11)
Ngày 20 tháng 9 năm 1954, ông Diệm mời Bảy Viễn đến dinh Gia Long yết kiến để nghe ông nói về những dự tính tổ chức chính quyền của ông.
Theo ông, ngày nay, Việt Nam chấm dứt chiến tranh và thật sự vãn hồi nền độc lập. Do đó, mọi việc phải đi vào trật tự và tuân thủ quyền lợi tối thượng của quốc gia. Do đó, Bình Xuyên phải giải tán như các Giáo phái khác.
Bảy Viễn ngang:
“- Thưa Thủ tướng, tôi xin nói thẳng điều tôi nghĩ, theo cách của tôi. Người Pháp không tạo ra các Giáo phái và Bình Xuyên. Những lực lượng nầy từ dân chúng mà thành hình, và suốt trong thời gian dài đã chiến đấu chống tực dân Pháp để đòi độc lập. Ông là người không có sống ở đây nên không hiểu rõ dân tình ở đây. Ông trông cậy những người có băng cấp cao, có chức tước lớn. Còn tôi, tôi không hề tìm cách để trở thành lãnh đạo quân sự hay chính trị. Chính chiến tranh đã đưa tôi đến địa vị ngày nay. Lúc đầu, tôi cũng đã từng chiến đấu nhiệt thành bên cạnh những người cộng sản. Chúng nó cũng nói lời đao to búa lớn về thống nhứt, về độc lập, về quyền lợi tối thượng của dân chúng. Điều mà chúng nó muốn đua chúng tôi vào hệ thống của chúng nó, để dễ nuốt sống chúng tôi. Vì thế mà chúng tôi đã quay súng chống lại chúng nó.
Mặt ông Diệm đỏ gay. Hai bàn tay nắm chặt lại, ông tiến đến trước mặt Bảy Viễn, giọng giận run:
“- Nếu tôi hiểu không lầm thì ông so sánh tôi với cộng sản…”
Bảy Viễn đứng lên:
‘- Cộng sản khốn nạn. Chúng nó lợi hại hơn ông nhiều mà còn không khuất phục dân Bình Xuyên được. Đó là điều tôi muốn ông hiểu. Và, còn một điều nữa tôi muốn thưa với ông. Trong những năm ông sống ở ngoại quốc, chúng tôi lấy được từ Việt Minh. Và lúc ấy, không có ai đến tranh giành nguy hiểm chết chóc với chúng tôi. Giờ đây không còn một rủi ro nào thì ông muốn thống nhứt về cho những người của ông. Nầy ông à, chúng tôi sẽ không buông đâu! Tôi không thể bổng nhiên bỏ rơi anh em của tôi và đầu hàng dễ dàng”.
Bảy Viễn bước ra cửa.
“- Này Bảy Viễn. Tôi sẽ đánh ông. Không hối hận và không thương hại“. (12)
Giữa một thủ tướng gốc quan lại kiên định rằng ông do Trời đặt để lãnh đạo Việt Nam, tuyệt đối bám vào quyền lực nhà nước và một tay giang hồ chết chớ không chịu phục tùng quyền lực của kẻ khác, lấy đạo nghĩa thủy chung với anh em làm nghĩa sống, cố bám vào mảnh đất và người Bình Xuyên là một hiện tượng phong kiến của giới anh chị Nam Kỳ, một cuộc chạm trán trực tiếp nẩy lửa là điều khó tránh khỏi.
Kể từ tháng giêng năm 1955, ông Diệm nhận được viện trợ của Hoa Kỳ đã chuyễn từ qua ngã Paris. Còn Pháp tìm cách phủi tay. Ba trăm cố vấn Mỹ đến Sài Gòn thay thế các sĩ quan Pháp để lo tổ chức Quân đội Việt Nam.
Hòa Hảo và Cao Đài đã bắt đầu có vài bộ phận rục rịch tách khỏi hàng ngũ, về với ông Diệm.
Đại tá Lansdale cùng với nhóm cố vấn bắt đầu mở chiến dịch tuyên truyền chống Bảo Đại – Pháp và Bảy Viễn. Truyền đơn từ máy bay ban đêm rải xuống Sài Gòn – Chợ Lớn bêu xấu, sỉ vã Bảy Viễn nhằm mục đích cô lập Bảy Viễn với anh em Bình Xuyên, sửa soạn cuộc tấn công trong những ngày tới. Song song với chiến dịch tuyên truyền, Đại tá Lansdale và ông Diệm còn tập trung những phương tiện quân sự mạnh để sẳn sàng khai chiến.
Sau Trịnh Minh Thế là Nguyễn Thành Phương, rồi tới Năm lửa của Hòa Hảo lần lượt tách hàng ngũ kéo quân về với ông Diệm.
Lúc bấy giờ Bảy Viễn có trong tay 3500 quân trang bị kỷ lưởng và còn trung thành với Bảy Viễn.
Bình Xuyên và các bộ phận khác còn lại của giáo phái, cho đến lúc này, vẫn chưa hề nghĩ là ông Diệm quyết thanh toán họ và tin cả phía Pháp cũng sẽ can thiệp khi có súng nổ chớ không chớ không thể để họ bị ông Diệm tiêu diệt. Do đó mà Bình Xuyên không hề có chuẩn bị ứng chiến.
Hưởng ứng lời kêu gọi đoàn kết quốc gia của ông Diệm, từ lúc ông vê nhậm chức, nhiều đảng phái, nhân sĩ đã nhiều lần hội kiến với ông để thảo luận về một đường lối cải tổ chánh phủ thực hiện đoàn kết. Mọi người đều thấy tại chổ, ông Diệm tỏ ra đồng ý với ý kiến của các vị tham dự. Nhưng sau đó ông Diệm lại có những quyết định khác. Và nhất là khi mọi người đã tháy rõ ý đồ của ông Diệm là muốn dẹp Giáo phái vì đã công khai cho rằng “Giáo phái dơ dáy“, để lập một chính quyền tập trung và mạnh, nên biết khó mà có sự hợp tác rộng rãi được. Chỉ có vâng lịnh mà thôi.
Nhân đây, xin nói ít dòng từ ngữ “Giáo phái“ ở Việt Nam phát xuất từ dây. Trong “Giáo phái “, từ “phái” (secte) mang ý nghĩa xấu vì ‘phái” là bộ phận không phải chính thống, là thứ tách ra, lệch lạc, là “tà” ( tà = xiêng). Ngôn ngữ chánh thức của chánh quyền lúc bấy giờ gọi chung hai tôn giáo Cao Đài và Phật Giáo Hòa Hảo cùng với Bình Xuyên là “Giáo phái“ là để đồng hóa hai tôn giáo với “băng đảng ăn cướp“ nhằm mạ lỵ. Đây là ngôn ngữ của chiến dịch Hoàng Diệu và Đinh Tiên Hoàng sẽ khai diễn trong những ngày sau đó.
Nhưng phía Giáo phái vẫn không thiếu thiện chí trong nổ lực tìm một giải pháp ổn thỏa cho tình hình căng thẳng lúc bấy giờ làm mất thế đoàn kết quốc gia. Ngày 20 tháng 3 năm 1955, Mặt Trận Thống Nhứt Toàn Lực Quốc Gia, nhờ sự nổ lực của Hộ Pháp Phạm Công Tắc, của đại diện PGHH, Bình Xuyên và nhiều nhân sĩ, thành hình với sự lãnh đạo của Hộ Pháp, đã gởi đến ông Diệm một kiến nghị khẩn trương yêu cầu ông Diệm thành lập một chánh phủ đoàn kết quốc gia như ông đã kêu gọi từ ngày mới về nước. Chánh phủ đoàn kết rất thuận lợi trong lúc nầy bởi cái thế đại đoàn kết phát động từ năm 1953 hãy còn tác dụng. Về vấn đề quân đội của Giáo phái, Mặt Trận đề nghị nên có một giải pháp ôn hòa và thích nghi. Trong Mặt trận, không có ai nghĩ nên đưa Bảy Viễn lên làm thủ tướng, kể cả Bảy Viễn cũng không nuôi dưỡng tham vọng chính trị này.
Về sau, trong vụ xử án những người trong Mặt Trận này, vì ảnh hưởng tuyên truyền của chánh quyền, nhiều người cho đến ngày nay vẫn còn hiểu đó là vụ án “phiến loạn Bình Xuyên“. Thật ra, Bình Xuyên chỉ là một thành viên của Mặt Trận. Cụ Trần Văn Ân được Hộ Pháp Phạm Công Tắc mời làm cố vấn cho Mặt Trận nhưng cũng bị dư luận hiểu là “Cố vấn giờ thứ 25“ của “phiến loạn Bình Xuyên“. Thật tình thì cụ Trần Văn Ân không có một chức vụ nào trong “Giáo phái” cả.
Qủa lựu đạn tung vào trong sân Cảnh sát Đô Thành ngày 30 tháng 3 năm 1955 là mồi khai hỏa cuộc xung đột. Ông Diệm dốc toàn lực đẩy lui lực lượng Bình Xuyên xuống Rừng Sát.
Có người cho rằng quả lựu đạn ấy là do Đại tá Lansdale chủ mưu để gây hấn hầu sớm phá tan kế hoạch dàn xếp của Bộ ngại giao Hoa Kỳ.
Chiến dịch Hoàng Diệu do Đại tá Dương Văm Minh làm tư lệnh được tiến hành phong tỏa chặt chẽ khu Rừng Sát không cho” một con kiến lọt qua được”. Vì cảm cái nghĩa đối với ông Viễn mà có mộ số người theo ông tới Rừng Sát, trong đó có vài người miền Bắc, khi phải rời Bắc chạy vào Nam tránh áp lực đảng tranh, được ông Viễn bảo bọc an toàn, như cụ Nguyễn Ước Lễ, nguyên tỉnh tuởng Sơn Tây, cụ Nguyễn Đức Quỳnh…
Ở Rừng Sát, khi cụ Trần văn Ân nhận thấy không an toàn vì thiếu chuẩn bị, cụ đề nghị một số nên ra về tốt hơn, như các ông Trần Văn Cang (kiến trúc sư – mất năm 1993 ở Toutrouge, Pháp), ông Lê văn Ngọ (nhạc phụ của Bác sĩ Lữ Y), ông Nguyễn Ước Lễ (hiện ở Montrouge, Pháp) ông Thành Nam Nguyễn Long (mất 1992, tại Hoa Kỳ), ông Sĩ Thanh… Ông Viễn đồng y không một lời phản đối.
Riêng ông Lê Văn Ngọ (kỷ sư) đi theo ông Viễn chỉ vì cám cái nghĩa ông được ông Viễn cứu mạng. Lúc kháng chiến căng thẳng, ông bị VM bắt, trói, chờ đến giờ mổ bụng dồi trấu. Ông Viễn đi ngang trông thấy, cất tiếng hỏi lý do, được trả lời là ông ấy có vợ đầm. Ông Viễn nghe qua, bảo một cách mộc mạc:
– Nó có vợ đầm kệ nó chớ. Mở thả nó ra.
Và cũng cách ứng xử ấy, ông Viễn đã xé bỏ danh sách hàng hai trăm người có bằng cấp tây do Trần Văn Giàu đưa để thủ tiêu:
– Có bằng cấp, tội gì giết tụi nó. Chờ độc lập, bắt tụi nó ra làm việc chớ! (chuyện này do những những người liên hệ thuật lại, một số đã theo “phiến loạn Bình Xuyên” vì cái nghĩa cử ấy).
Sau khi một số người lần lượt được đưa ra ven rừng về Sài Gòn, cụ Trần Văn Ân và cụ Nguyễn Hữu Thuần cũng ra với sứ mạng thương thuyết để đưa anh em Bình Xuyên ra về theo lời kêu gọi của chính quyền. Cụ về tới Biên Hòa lúc bấy giờ ông Nguyễn Linh Chiêu (Đại tá năm 1975 và làm tùy viên quân sự ở Hoa Thịnh Đốn, hiện ngụ ở Hoa Kỳ) xin ông Chiêu một bửa ăn sáng cho ngon lành. Ông Chiêu đã mời cụ ăn sáng, qủa thật ngon lành như ý cụ muốn. Ngày nay, cụ vẫn còn nhắc lại kỷ niệm nầy.
Hôm sau, cụ gặp ông Mai Hữu Xuân và được hướng dẫn gặp đại tá Dương văn Minh ngay trên chiến hạm chỉ huy chiến dịch Hoàng Diệu. Cụ thảo luận “vấn đề ra về“ với Đại tá Minh ngay trên chiến hạm chỉ huy chiến dịch Hoàng Diệu. Cụ thảo luận “vấn đề ra về“ với Đại tá Minh và trung tá Nguyễn Khánh, tư lệnh phó, và đã ký “giấy thỏa thuận” với Đại tá Dương Van Minh.
Truyền đon rải khắp nơi kêu gọi Bình Xuyên ra về với chính phủ Quốc Gia, được bảo đảm an toàn và hoàn toàn không bị truy tố, dành mọi dễ dàng để ai muốn hợp tác theo khả năng của mình hoặc trở về với đòi sống bình thường.
Chiến dịch Hoàng Diệu kết thúc, cụ Ân, cụ Nguyễn Hữu Thuần, cụ Hồ Hữu Tường và một số sĩ quan có liên hệ trong vụ Bình Xuyên bị nhốt vào khám Chí Hòa chờ ngày ra tòa lãnh án. Không có vấn đề “ra về với chính phủ Quốc Gia“ chớ đùng nói đến vấn đề hợp tác.
Chiến dịch Đinh Tiên Hoàng đánh tan Ba Cụt được phó tổng thống Nguyễn Ngọc Thơ đón rước ra, cũng với bảo đảm được hứa hẹn. Nhưng vẫn lãnh án tử hình. Ba Cụt bị chặt đầu, thân thể bị bầm ra thành nhiều mảnh và chôn ở nhiều nởi khác nhau để nhan thế thân nhân không thể làm mồ mả được và dân chúng có muốn tưởng niệm Ba Cụt cũng không được.
Theo nhận xét của giáo sư Lâm Lễ Trinh (hiện ở Hoa Kỳ, lúc bấy giờ là Biện lý trong vụ án) thì ba Cụt trước tòa đúng ngay thẳng không hề tỏ vẻ sợ hãi, khúm núm, vẫn giữ tác phong người chỉ huy. Tuy có hai luật sư là Vương Quang Nhường và Lê Ngọc Chấn, Ba Cụt vẫn biện hộ cho mình nhiều hơn. Ông ăn nó hùng biện, mạch lạc, có đầu có đuôi, tiếng nó rổn rảng. Người tranh luận với tòa án và Biện lý chánh là Ba Cụt. Ông Lâm Lễ Trinh nhìn nhận rằng chủ trương của ông Diệm là thanh toán lực lượng Giáo phái, do do vụ án Ba cụt nhứt định phải có khía cạnh chính trị.
Khi giao ông Lâm Lễ Trinh lo vụ Ba Cụt, ngay từ đầu ông Diệm đã nhấn mạnh rằng “đây là một vụ án rất hệ trọng về cả pháp lẩn chánh trị va Lê Quanh Vinh là một nhân vật quan trọng của Hòa Hảo”. (13)
Ở phiên tòa Đại hình Sài Gòn xử những người trong vụ “phản loạn Bình Xuyên”, các ông Trần Văn Ân, Nguyễn hữu Thuần, Hồ Hữu Tường… đêu bị kêu án tối đa về “tội phiến loạn”. Việc hai ông về thương thuyết và có ký giấy thỏa ước với Đại tá Dương văn Minh được nêu ra, nhưng tòa nhận chìm. Hai ông xin cho Đại tá Minh và Mai Hữu Xuân ra tòa làm chứng, nhưng cũng bị từ khước. Những sĩ quan khác trưng giấy “kêu gọi” cho tòa bị tòa đút túi.(14)
Và bản án dành cho người bị can cũng đã được định sẳn. Tòa chỉ là công việc hợp thức hóa. Ngày nay ở Việt Nam, cộng sản xử những người tranh đấu cho dân chủ nhân quyền và các tôn giáo cũng bằng phiên tòa như vậy.
Ông Lê Văn Viễn được Pháp đưa ra khỏi Rừng Sát và qua Cao Miên, rồi sang thẳng Pháp tỵ nạn chính trị. Ông mất năm 1972, hưởng thọ 68 tuổi. Người con lớn của ông là Lê Paul bị một sĩ quan cao cấp trong chiến dịch bắn từ sau lưng chết, vì đang mang một cái cập nặng. Người con kế của ông Viễn học đổ y khoa bác sĩ. Các con gái đều có chồng có địa vị khá trong xã hội Pháp.
Từ cuộc đời giang hồ cho đến lúc về thành làm tướng tư lệnh Bình Xuyên, Bảy Viễn vẫn giữ nguyên vẹn tư cách của người anh chị, luôn luôn biết trọng nghĩa khí, thủy chung, không bao giờ mưu mô ám hại người, kẻ cả kẻ thù, vì cho rằng như thế là quân hèn mạt.
Trong quyển “Người Bình Xuyên“, tác giả Nguyên Hùng so sánh Bảy Viễn với Mười Trí, đề cao Mười Trí vì sớm giác ngộ cách mạng mà trở thành thiếu tướng quân đội nhân dân, con cái du học ở Nga thành tài, còn Bảy Viễn vì tham vọng thấp hèn chạy theo Tây nên bị dân chúng khinh rẻ, cuộc đời về già thân bại danh liệt ở xứ người. Nhưng suốt quyển sách, người đọc vẫn thấy ở Bảy Viễn biểu hiện rõ nét một bản sắc anh chị, một người chống cộng sản. Tác giả nói rõ thêm Mười Trí, xưng là sư thúc của Hòa hảo, chỉ để lợi dụng cái thế của Hòa Hảo. Mười Trí đã gia nhập đảng cộng sản từ năm 1936. Người đọc vẫn không làm sao khinh ghét được “tướng cướp Bảy Viễn”.
Trong quyển” Bộ đội Bình Xuyên” (XB.TP.HCM-1991) ba tác giả (Hồ Sơn Đài, Đỗ Tâm Chương, Hồ Khang) cố tách những phần tử đi theo cộng sản lúc ông Diệm phong tỏa Rừng Sát, và do đó là Bộ đội Bình Xuyên thật sự. Nhưng ở lời tựa, Thiếu tướng công sản Lê Thành Công, tức Sáu Thịnh, cũng phải nhìn nhận gía trị nhân bản của Bình Xuyên “đó là những người kết lại với nhau thành nhóm, lấy nghĩa huynh đệ, luật giang hồ làm căn bản ứng xử”. (ý muốn nói thiếu lý tưởng cộng sản?).
Nguyễn Văn Trần
(1) Đi hát = đi đánh cướp.
(2) Mò tôm = trói tay, chân chung với cục đá nặng, ném xuống sông.
(3) Theo phiếu lý lịch của Bảy Viễn lúc giải giao cho Côn đảo – Pierre Darcount, Bảy Viễn, Le Maitre de Cholon, Hachette, Paris.
(4) Nguyên Hùng, Người Bình Xuyên nhà xb Công an nhân dân, 1968 các trang 26,27, và 28.
(5) Nguyên Hùng, sđd, trang 144, 145.
(6) Nguyên Hùng, sđd, trang 237, 238, và 239.
(7) P. Darcourt, sđd, trang 278, 279, 280, 281, 282.
(8) P Darcourt, sđd, trang 307.
(9) P. Darcourt, sđd, trang 391, 393.
(10) Nghiêm Kế Tổ, Việt Nam máu lửa, Xuân Thu, Hoa Kỳ, 1989, trang 297.
(11) P. Darcourt, sđd, trang 381.
(12) P. Darcourt, sđd, trang 392, 393.
(13) Thành Nam Nguyễn Long, PGHH trong dòng lịch sử dân tộc, Đuốc Từ Bi, Hoa Kỳ, 1991, trang 675, 676.
(14) Theo những người bị xử trong phiên tòa nầy hiện còn sống thuật lại. Ở Pháp có ông Sĩ Thanh ở Vanves; có cựu Trung tá Nguyễn Văn Năm ( đang định cư thành phố Albi, miền nam nước Pháp ), cụ Trần Văn Ân ở Rennes.
Xin lưu ý: trong phần đối thoại, có từ ngữ “ Bắc kỳ “ – “ Nam kỳ”- Tác giả muốn giữ nguyên như vậy để bộc lộ trung thực tâm lý của người “Nam kỳ “ mộc mạc ở thời Việt Nam còn “ba kỳ”.