Tin khắp nơi – 27/03/2020

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin khắp nơi – 27/03/2020

Hoa Kỳ có nhiều ca nhiễm Covid-19 nhất

trên thế giới

Số ca nhiễm Covid-19 ở Hoa Kỳ đã tăng thêm nhiều, vượt qua số ca nhiễm ở Trung Quốc và Ý, hãng NBC News cho biết hôm 27/3.

Tính đến sáng sớm ngày 27/3, trên cả nước Mỹ có hơn 85,500 người đã nhiễm bệnh Covid-19, theo CBS News, dẫn lại Đại học Johns Hopkins.

Trung Quốc, nơi đại dịch toàn cầu khởi phát vào cuối năm ngoái, có số ca nhiễm cao thứ hai, 81.285 ca, tiếp theo là Ý với 80.539 ca.

NBC News và một số hãng tin khác cho biết có gần 1.300 người Mỹ đã tử vong vì Covid-19 cho đến sáng sớm ngày 27/3.

Trong tuần này bang New York là tâm dịch, và nay làn sóng lây nhiễm lớn tiếp theo đã xuất hiện ở bang Louisiana, nơi nhu cầu về máy trợ thở đã tăng gấp đôi.

Còn tại thủ đô Washington, hôm 26/3 đã xác nhận 36 trường hợp nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm lên tới 267. Khu vực này đang trong tình trạng khẩn cấp, các điểm tham quan chính như bảo tàng Smithsonian và Sở thú Quốc gia đã đóng cửa, các chuyến tham quan Nhà Trắng và Tòa nhà Quốc hội bị hủy bỏ. Cảnh sát đã chặn đường phố, cầu và vòng xoay giao thông để ngăn chặn đám đông đến xem hoa anh đào, theo AP.

Hơn 10.000 binh sĩ Hoa Kỳ đã được triển khai tại 50 tiểu bang để cung cấp viện trợ nhân đạo trong đại dịch.

Cũng hôm 26/3, theo Reuters, Bộ Lao động Hoa Kỳ cho biết số người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp vào tuần trước đã tăng lên mức kỷ lục gần 3,28 triệu người.

https://www.voatiengviet.com/a/hoa-ky-co-nhieu-ca-nhiem-covid19-nhat-tren-the-gioi/5348144.html

 

Virus corona: Với số ca nhiễm vượt TQ,

liệu Trump vẫn muốn nới lỏng sinh hoạt ở Mỹ?

Mỹ hiện có số ca nhiễm Covid-19 cao hơn bất cứ nước nào trên thế giới, với 85.500 người dương tính.

Theo số liệu mới nhất mà Đại học Johns Hopkins thu thập được, Mỹ hiện đã vượt Trung Quốc (81.782) và Ý (80.589) về số người nhiễm bệnh.

Nhưng số ca tử vong ở Mỹ, 1.200, hiện vẫn thấp hơn Trung Quốc (3.291) và Ý (8.215).

Cột mốc nghiệt ngã này xảy ra vào lúc Tổng thống Trump dự đoán nước Mỹ sẽ hoạt động trở lại ‘nhanh chóng’.

Nhà Trắng phản ứng ra sao?

Khi được hỏi về con số tăng vọt này trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng trưa thứ Năm 26/3, ông Trump nói đó là do “số lượng các xét nghiệm mà chúng ta đang làm”.

Phó Tổng thống Mike Pence nói hiện các bộ xét nghiệm đã được cung cấp cho 50 bang của Mỹ và đã có 552.000 xét nghiệm được thực hiện.

Ông Trump cũng tỏ ra nghi ngờ số liệu của Trung Quốc. Ông nói với các phóng viên: “Quý vị không biết số liệu thực tế ở Trung Quốc là bao nhiêu.”

Tổng thống vẫn hy vọng nới lỏng những hạn chế?

Ông Trump đã đặt ra một mục tiêu bị chỉ trích nhiều, là vào Chủ nhật Phục sinh, ngày 12/4, sẽ cho nước Mỵ hoạt động bình thường trở lại. Kế hoạch đó dường như có thêm hậu thuẫn hôm thứ Năm khi con số chưa từng có, 3,3 triệu người Mỹ bị sa thải vì virus corona được công bố.

Tại cuộc họp hôm thứ Năm, ông nói: “Họ [người Mỹ] phải quay trở lại làm việc, đất nước chúng ta phải sinh hoạt lại, đất nước của chúng ta dựa trên điều đó và tôi nghĩ rằng điều đó sẽ xảy ra khá nhanh.”

“Chúng ta có thể chia nước Mỹ thành nhiều khu vực, chúng ta có thể cho các phần lớn của nước Mỹ không bị ảnh hưởng nghiêm trọng sinh hoạt trở lại, và làm theo cách đó.”

Ông nói thêm: “Rất nhiều người hiểu sai khi tôi nói cho nước Mỹ sinh hoạt lại – người dân sẽ áo dụng tối đa những gì họ có thể làm như cách ly xã hội, rửa tay, không bắt tay và tất cả những điều chúng ta đã nói.”

Ông Trump hứa sẽ cung cấp nhiều chi tiết hơn vào tuần tới.

Ông Trump có thể đang dự tính gì?

Trong một bức thư gửi thống đốc các tiểu bang hôm thứ Năm, ông Trump cho biết đội ngũ của ông có kế hoạch đưa ra các hướng dẫn cách ly xã hội liên bang có thể đề nghị một số khu vực nới lỏng các hạn chế.

Ông Trump viết về một “cuộc chiến dài trước mặt” và cho biết các giao thức thử nghiệm “mạnh mẽ” có thể cho phép một số quận dỡ bỏ các biện pháp bảo vệ chống lại virus corona.

Ông nói rằng “các hướng dẫn mới” sẽ phân chia các khu vực thành rủi ro thấp, trung bình và cao, qua đó cho phép chính phủ tư vấn về việc “duy trì, tăng hoặc giảm bớt sự cách ly xã hội và các biện pháp giảm thiểu khác mà họ đã đưa ra”.

Tối thứ Năm, ông Trump đã gọi điện thoại tới chương trình Sean Hannity của Fox News và nói rằng ông tin rằng Iowa, Idaho, Nebraska và một số khu vực của Texas có thể mở cửa sớm hơn các tiểu bang khác.

Kế hoạch được nổi lên khi nghiên cứu mới hôm thứ Năm ước tính rằng số ca tử vong liên quan đến Covid-19 ở Mỹ có thể lên tới 80.000 trong bốn tháng tới – ngay cả khi mọi người tuân thủy quy tắc cách ly xã hội một cách nghiêm ngặt.

Số tử vong tại Mỹ có thể lên tới 2.300 mỗi ngày, theo nghiên cứu của Viện Đo lường và Đánh giá Sức khỏe tại Đại học Y Washington.

Đã có phản ứng gì?

Mục tiêu trở lại làm việc của tổng thống đảng Cộng hòa đã tìm thấy sự hỗ trợ bất ngờ hôm thứ Năm từ một thành viên đảng Dân chủ nổi tiếng.

Thống đốc New York Andrew Cuomo cho biết các lệnh cách ly trên toàn tiểu bang có thể không phải là cách tiếp cận tốt nhất đối với virus corona.

“Những người trẻ sau đó cách ly chung với người già có lẽ không phải là chiến lược y tế công cộng tốt nhất”, ông Cuomo nói trong một cuộc họp báo, “bởi vì những người trẻ tuổi hơn có thể đã khiến người già bị nhiễm trùng.”

Ông Cuomo nói cách tốt hơn sau này có thể là một “chiến lược trở lại làm việc” thi hành song song với chiến lược y tế công cộng.

Các chuyên gia y tế công cộng trong lực lượng đặc nhiệm của Nhà Trắng đã tỏ vẻ ngần ngại khi được hỏi về để cho nước Mỹ sinh hoạt bình thường lại vào dịp lễ Phục sinh, đề nghị là thời điểm cho việc này nên “rất linh hoạt”.

Tổng thống có thể ra lệnh cho mọi người trở lại làm việc?

Không. Vào ngày 16/3, ông Trump đặt ra khoảng thời gian 15 ngày làm chậm sự lây lan của Covid-19 bằng cách kêu gọi tất cả người Mỹ giảm mạnh những tương tác với quần chúng của họ.

Nhưng những hướng dẫn đó được đưa ra trong tinh thần tự nguyện và không phải là một mệnh lệnh quốc gia.

Hiến pháp Hoa Kỳ quy định rõ là các tiểu bang có quyền duy trì trật tự và an toàn công cộng, điều mà các học giả nói có nghĩa là quyết định khi nào các hạn chế liên quan đến virus coroa được dỡ bỏ là trách nhiệm của các thống đốc.

Hiện tại 21 tiểu bang Hoa Kỳ đã nói với dân là nên ở trong nhà hoặc ra lệnh đóng cửa các doanh nghiệp không thiết yếu để ngăn chặn đại dịch.

Chuyện gì đang xảy ra ở Mỹ?

Trong tâm dịch tại thành phố New York, hơn 6.400 cuộc gọi y tế khẩn cấp đã được thực hiện trong 24 giờ hôm thứ Ba, vượt qua tổng số trong vụ tấn công 11/9

Mark Blum, một diễn viên đóng vai chính trong Desperately Seeking Susan and Crocodile Dundeeđ vừa qua đời ở tuổi 69 vì nhiễm virus corona, Hiệp hội Diễn viên Màn hình cho biết

Canada bác bỏ một đề nghị triển khai quân đội ở biên giới chung của Hoa Kỳ để giúp chống lại vi-rút – Phó thủ tướng nói rằng điều đó sẽ “gây tổn hại cho mối quan hệ của chúng ta”

Một siêu thị ở Pennsylvania cho biết họ đã phải tiêu hủy thực phẩm trị giá hơn 35.000 đôla sau khi một phụ nữ cố tình ho khắp nơi trong trò chơi virus corona

Theo tờ San Francisco Chronicle, chó sói đang lang thang trên những con đường vắng của thành phố California, sau khi cư dân rút vào trong nhà để hạn chế sự lây lan của virus

https://www.bbc.com/vietnamese/world-52059867

 

Tổng thống Trump nói người Mỹ phải ‘trở lại làm việc’

Hương Thảo

Tổng thống Donald Trump hôm 26/3 (giờ địa phương) nói rằng người Mỹ sớm hay muộn cũng phải quay trở lại làm việc dù số ca nhiễm virus Vũ Hán ở nước này đang tăng lên.

Ông Trump cho hay, các chuyên gia đã diễn giải sai những bình luận gần đây của ông về việc ông muốn dỡ bỏ phong tỏa tại Mỹ vào Lễ Phục sinh (12/4). Ông không đề cập đến thời gian chính xác nước Mỹ sẽ dỡ lệnh phong tỏa và có ban hành các hướng dẫn mới ứng phó với virus Vũ Hán hay không.

“Tôi nghĩ rằng điều này sẽ diễn ra khá nhanh”, ông Trump nói với các phóng viên trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng. Ông phát biểu thêm rằng các quan chức có thể “khởi động tiến trình này khá sớm”, trong khi lưu ý rằng một số người đã nói với ông về việc mong muốn được bắt đầu làm việc trở lại.

“Chúng ta phải quay trở lại làm việc. Đất nước của chúng ta đã được xây dựng dựa trên điều đó”, Tổng thống Trump phát biểu, thêm rằng mọi người sẽ thực hiện cách ly xã hội nhiều nhất có thể khi quay lại làm việc.

Phát biểu trên của ông Trump được đưa ra trong bối cảnh Bộ Lao động Mỹ báo cáo đã có hơn 3 triệu người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần qua và Thượng viện đã nhất trí thông qua gói cứu trợ 2.000 tỷ USD.

Tổng thống Trump hôm 26/3 cũng đã gửi thư tới các thống đốc bang nói rằng ông sẽ tìm cách phân loại các khu vực trên toàn quốc thành các vùng khác nhau dựa theo các mức độ rủi ro mà dịch bệnh gây ra. Ông cho biết ông sẽ họp kín với các chuyên gia y tế để soạn thảo các hướng dẫn mới này. Tuy nhiên, Tổng thống Trump không nói rõ khi nào các hướng dẫn mới sẽ có hiệu lực.

Theo Jack Phillips / The Epoch Times

Hương Thảo dịch và biên tập

https://www.dkn.tv/the-gioi/tong-thong-trump-noi-nguoi-my-phai-tro-lai-lam-viec.html

 

Chính phủ Trump rơi vào thế khó

trước áp lực phải nhập cảng thiết bị y tế từ Trung Cộng

Tin Washington DC – Phe diều hâu trong chính phủ Trump trong thời gian qua đã đối mặt với áp lực phải giảm thuế đối với thiết bị y tế nhập cảng từ Trung Cộng, trong bối cảnh dịch Covid-19 đang lan rộng tại Hoa Kỳ.

Theo giới phân tích, chính phủ Trump đang lo ngại rằng tình hình khẩn cấp hiện nay sẽ phá hoại các biện pháp cứng rắn trước đây được Washington áp đặt lên hàng hóa Trung Cộng.

Do mối đe dọa từ coronavirus, vào các ngày 10 và 12 tháng 3, chính phủ đã phải tạm dỡ bỏ thuế nhập cảng đánh lên các thiết bị y tế gồm trang phục bảo vệ, găng tay, kính bảo vệ mắt, và nhiều thiết bị khác. Tuy vậy, trong lúc nhiều người tin rằng cuộc khủng hoảng hiện nay chính là bằng chứng cho thấy thế giới cần hợp tác nhiều hơn, nhiều nhân vật lãnh đạo trong chính phủ Trump và quốc hội lại cho rằng đây là cơ hội để giảm bớt sự phụ thuộc của quốc tế vào Trung Cộng.

Theo giới phân tích, việc chính phủ Trump và đồng minh phương Tây đưa ra các biện pháp cứng rắn đối phó Trung Cộng là điều đúng đắn, sau khi Bắc Kinh trong nhiều thập niên qua đã lợi dụng hệ thống thương mại toàn cầu, đánh cắp tài sản trí tuệ, cản trở các công ty nước ngoài, và hỗ trợ công ty nội địa. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng việc đánh thuế nhập cảng là một công cụ kinh tế gây thiệt hại quá rộng, và việc giới hạn thiết bị y tế nhập cảng từ Trung Cộng sẽ chỉ gây hại cho Hoa Kỳ.

Mộc Miên

https://www.sbtn.tv/chinh-phu-trump-roi-vao-the-kho-truoc-ap-luc-phai-nhap-cang-thiet-bi-y-te-tu-trung-cong/

 

Thượng nghị sĩ Tom Cotton:

Trung Quốc đánh cắp năng lực sản xuất thuốc của Mỹ

Duy Nghĩa

Thượng nghị sĩ Mỹ Tom Cotton cho rằng Trung Quốc đã ăn trộm năng lực sản xuất thuốc của Mỹ, do đó Mỹ phải giành lại điều này.

Là thành viên đảng Cộng hòa, đại diện bang Arkansas tại Thượng viện Mỹ, ông Cotton cho hay đầu tháng này, một cơ quan tuyên truyền của đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã nói bóng gió rằng Bắc Kinh có thể cắt nguồn cung cấp thuốc cứu người cho Mỹ bất cứ lúc nào, điều này sẽ khiến Mỹ “chìm vào địa ngục của dịch bệnh virus corona mới”.

Cho rằng đây không phải là một lời đe dọa suông của Bắc Kinh, ông Cotton nhận định: “Mỹ phụ thuộc một cách nguy hiểm vào dược phẩm của chế độ ĐCSTQ, mà sự thất bại và che giấu thông tin của nó đã khiến đại dịch chết người này vượt khỏi tầm kiểm soát”.

Thượng nghị sĩ Cotton tuyên bố: “Đã đến lúc thay đổi điều đó. Chúng ta có kế hoạch chấm dứt sự phụ thuộc của Mỹ vào thuốc Trung Quốc, và lấy lại khả năng sản xuất dược phẩm và thiết bị y tế ngay tại Mỹ”.

Theo ông Cotton, trước đây Mỹ đã luôn không phụ thuộc vào Trung Quốc về dược phẩm, nhưng bây giờ thì khác. Trong 2 thập kỷ, ĐCSTQ đã nhắm mục tiêu vào các nhà sản xuất thuốc nội địa của Mỹ để phá hủy, sử dụng thỏa thuận, tài trợ nhà nước và các tiêu chuẩn an toàn lỏng lẻo để đưa lượng lớn loại thuốc Trung Quốc rẻ tiền và nguy hiểm vào các bệnh viện và nhà thuốc của Mỹ.

“Chiến lược này đã thành công trong việc đóng cửa các nhà máy Mỹ, cướp đoạt những việc làm lương cao của những công nhân, và lấy đi thuốc chất lượng cao của những bệnh nhân nước Mỹ”, ông Cotton chỉ trích.

Chỉ vài năm sau khi Mỹ cấp đặc quyền thương mại đặc biệt cho Trung Quốc trong năm 2000, nhà máy sản xuất thuốc penicillin cuối cùng ở Mỹ đã phải đóng cửa. Sau đó, các nhà máy sản xuất thuốc aspirin, vitamin C và các loại thuốc thiết yếu khác, đã đóng cửa, ngừng hoạt động bởi chiến lược “định giá ăn cướp” của Trung Quốc để loại bỏ đối thủ.

Kết quả là Trung Quốc đã chiếm lĩnh thị trường thế giới về các loại thuốc cơ bản. Phần lớn các loại dược phẩm mà Mỹ nhập khẩu là đến từ Trung Quốc, bao gồm 93% lượng thuốc giảm đau và kháng viêm (ibuprofen), một con số đáng kinh ngạc.

Theo ông Cotton, việc tập trung vào thương mại trực tiếp giữa Trung Quốc và Mỹ, thực sự không nhấn mạnh vào sự phụ thuộc của Mỹ, bởi vì hầu hết các thành phần hoạt chất trong thuốc nhập khẩu vào Mỹ từ các quốc gia như Ấn Độ, cũng đến từ các phòng thí nghiệm quy mô lớn của Trung Quốc.

“Sự phụ thuộc vào đối thủ chính cộng sản đối với y học thiết yếu là một mối đe dọa rõ ràng đối với an ninh quốc gia”, ông Cotton nhấn mạnh.

Ông Cotton cho hay, khi chứng thực trước Ủy ban Đánh giá Kinh tế và An ninh Mỹ – Trung vào năm ngoái, ông Rosemary Gibson, tác giả của cuốn sách: “China Rx: Exposing the Risks of America’s Dependence on China for Medicine” (Tạm dịch: “Trung Quốc Rx: Phơi bày những rủi ro về sự phụ thuộc của Mỹ đối với y học Trung Quốc”), đã nói rằng nếu ĐCSTQ cắt đứt việc cung cấp các thành phần dược phẩm của mình cho thế giới, thì “các bệnh viện và phòng khám quân sự sẽ ngừng hoạt động trong vòng vài tháng, nếu không phải là vài ngày”.

Điều này có vẻ như là một khả năng xa vời và cực đoan, nhưng hãy xem xét việc nhiều quốc gia đã tích trữ thuốc và vật tư y tế để đối phó với đại dịch virus Vũ Hán.

“Bản thân Trung Quốc đang tích trữ phần lớn nguồn cung của thế giới, không chỉ về khẩu trang y tế mà còn cả nguyên liệu để sản xuất những chiếc khẩu trang đó”, ông Cotton lưu ý.

Các trường hợp khẩn cấp như đại dịch và chiến tranh, chúng phá vỡ các quan hệ và chuỗi cung ứng phụ thuộc trước đây khi các quốc gia bắt đầu tự bảo vệ mình. Thật đáng buồn khi nước Mỹ từ lâu đã từ bỏ khả năng tự bảo vệ mình về thuốc thiết yếu.

Ông Cotton cho rằng sự phụ thuộc vào Trung Quốc đối với các loại thuốc thiết yếu đe dọa sự an toàn của người dân Mỹ. Các loại thuốc mà Trung Quốc sản xuất có chất lượng thấp, thậm chí gây chết người. Sự thật này đã trở thành thảm kịch rõ ràng vào năm 2008, khi hơn 246 người Mỹ đã bị chết bởi một lô thuốc làm loãng máu loãng bị hư hỏng được sản xuất tại Trung Quốc. Các cuộc điều tra sau đó tiết lộ rằng chất làm loãng máu đã được tạo ra bằng các loại thuốc rẻ tiền hơn, để tiết kiệm tiền tại các phòng thí nghiệm và trang trại không được kiểm soát ở Trung Quốc.

Ngay cả ĐCSTQ cũng thừa nhận về chất lượng thuốc kém của mình. Bắc Kinh đã tạm thời ngưng một chương trình dùng để mua chuộc các nước châu Phi bằng thuốc chống sốt rét vào năm 2012, sau khi toàn bộ lô hàng được phát hiện là giả, và gây nguy hiểm cho các bệnh nhân mắc bệnh nếu sử dụng.

Theo ông Cotton, đại dịch virus Vũ Hán cho thấy rõ, ĐCSTQ không có quyền tự cho mình là nhà sản xuất thuốc và bác sỹ của thế giới.

“Đó là lý do tại sao chúng tôi đã giới thiệu một dự luật ‘Bảo vệ Chuỗi Cung ứng Dược phẩm’ của chúng ta từ Trung Quốc, để chấm dứt sự phụ thuộc của chúng ta vào thuốc Trung Quốc, và lấy lại năng lực sản xuất thuốc tại Mỹ”.

Dự luật này yêu cầu các tổ chức liên bang như Bộ Quốc phòng, các bệnh viện cho cựu chiến binh, các chương trình bảo hiểm y tế Medicare và Medicaid, cắt giảm việc mua thuốc với các thành phần do Trung Quốc sản xuất, không muộn hơn năm 2025. Yêu cầu này sẽ được thực hiện trong nhiều năm để các công ty dược phẩm có thời gian điều chỉnh, nhưng sẽ gây áp lực rõ ràng cho các nhà nhập khẩu ngừng kinh doanh với ĐCSTQ.

Dự luật cũng sẽ yêu cầu các công ty dược phẩm dán nhãn nguồn gốc của các thành phần trong thuốc của họ. Do đó, người tiêu dùng Mỹ sẽ được thông báo rõ hơn về việc thuốc của họ đến từ đâu, và liệu nó có an toàn không.

“Cuối cùng, dự luật của chúng tôi khuyến khích ngành y tế sản xuất ở trong nước trở lại, bằng cách cung cấp đầy đủ và ngay lập tức các chi phí của các nhà máy, nhà kho và tư liệu sản xuất, liên quan đến sản xuất thuốc và thiết bị y tế trên đất Mỹ”, ông Cotton chia sẻ.

Theo ông Cotton, dự luật này đặt ra một mối đe dọa đối với những tham vọng của Trung Quốc, và ĐCSTQ biết điều đó.

Đầu tuần này, đáp lại sự phản đối mạnh mẽ ngày càng gia tăng của người dân Mỹ, yêu cầu các công ty dược quay trở về Mỹ, một phát ngôn viên của ĐCSTQ đã bao biện rằng sự thống trị của Trung Quốc trong sản xuất dược phẩm là kết quả không thể tránh khỏi của “các động lực của thị trường”, và việc ngăn cản là “không khả thi, và vô lý”.

Tuy nhiên, ông Cotton cho rằng “không có gì là không thể để tránh khỏi sự phụ thuộc của chúng ta vào Trung Quốc đối với y học. Sự phụ thuộc đó là kết quả của các thủ đoạn tàn nhẫn của ĐCSTQ, bị tiếp tay bởi các quyết định tồi tệ của các nhà hoạch định chính sách và doanh nhân Mỹ trong nhiều năm”.

Cuối cùng, thượng nghị sĩ Cotton kêu gọi: “Chúng ta có thể bắt đầu khắc phục sự thiệt hại ngay bây giờ. ‘Thuốc giải độc’ cho sự phụ thuộc của chúng ta vào thuốc Trung Quốc là ngừng mua chúng, và lấy lại năng lực sản xuất thuốc thiết yếu ở Mỹ”.

Theo Fox News

Duy Nghĩa dịch và biên tập

https://www.dkn.tv/the-gioi/thuong-nghi-si-tom-cotton-trung-quoc-danh-cap-nang-luc-san-xuat-thuoc-cua-my.html

 

Đơn xin trợ cấp thất nghiệp

tăng kỷ lục tại Hoa Kỳ vì COVID-19

Trong tuần qua, gần 3,3 triệu người Mỹ đã nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp, theo các số liệu do Bộ Lao động Hoa Kỳ công bố hôm thứ Năm 26/3. Đây là một trong các dữ liệu cụ thể đầu tiên về tác động kinh tế của đại dịch COVID-19 đối với nền kinh tế lớn nhất thế giời.

Con số 3,3 triệu vừa nêu vượt xa số 665.000 người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp vào tháng Ba năm 2009, cũng như con số kỷ lục từ trước tới nay là 695.000 người vào tháng 10/1982.

Theo số liệu của Bộ Lao Động Hoa Kỳ, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần lễ kết thúc ngày 21/3 là 3,28 triệu đơn, so với chỉ có 282.000 đơn trong tuần trước đó.

Các chuyên gia kinh tế trả lời khảo sát của Dow Jones đều đồng ý về con số ước lượng sẽ có 1,5 triệu đơn xin trợ cấp thất nghiệp mới, mặc dù các dự phóng cá nhân trên tờ Wall St. Journal đưa ra những số liệu cao hơn thế nhiều.

Con số đơn xin trợ cấp thất nghiệp tăng vọt giữa lúc cuộc khủng hoảng vì dịch Covid-19 làm chậm lại các hoạt động kinh tế.

Nhưng bất chấp thông tin tiêu cực hơn dự kiến về tình trạng nhân dụng, các chỉ số chứng khoán chủ yếu vẫn tăng 2% vào lúc thị trường mở cửa, xóa sạch những thua lỗ trước đó. Theo một quan chức của công ty tài chính Charles Schwab, thì điều đó đã làm dấy lên niềm hy vọng rằng có thể cuộc khủng hoảng sắp tới một bước ngoặt.

Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp được coi là dữ liệu cụ thể sớm nhất về tình trạng nền kinh tế.

CNBC dẫn lời Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang Jerome Powell nói rằng đây là một tình trạng vô tiền khoáng hậu, và người Mỹ phải hiểu đây không phải là một cuộc suy thoái tiêu biểu.

Ông nói: “Vào một thời điểm nào đó, chúng ta sẽ kiểm soát được dịch. Lúc đó, giới đầu tư sẽ lại tự tin, các doanh nghiệp sẽ mở cửa lại, và công nhân viên chức lại trở lại làm việc. Đúng là bây giờ thất nghiệp đang tăng vọt, hoạt động kinh tế giảm sút đáng kể, nhưng qua được giai đoạn này, nền kinh tế lại hồi phục và mạnh trở lại.”

https://www.voatiengviet.com/a/don-xin-tro-cap-that-nghiep-tang-ky-luc-tai-hoa-ky-vi-covid19/5347119.html

 

Các loại thuốc sẵn có nào được dùng để trị corona?

Brian Padden

Với con số tử vong trên toàn thế giới vì COVID-19 vượt quá 20.000 người trong tuần này, những nỗ lực đang được đẩy mạnh để tìm cách chữa trị virus corona là chú tâm hàng đầu trong việc chấp nhận các loại thuốc hiện được sử dụng để chống các bệnh khác.

“Con đường ngắn nhất để chữa trị, chúng tôi nghĩ là điều chỉnh lại mục đích của các thứ thuốc hiện có căn cứ trên sự hiểu biết của chúng ta về cơ chế hoạt động của thuốc,” Bác sĩ Hana Aksekrod, giáo sư dự bị về các bệnh truyền nhiễm tại Trường Y và Khoa học Sức khỏe, Đại học George Washington nói.

Virus corona chủng mới này gây bệnh COVID-19, một chứng bệnh về đường hô hấp có thể làm chết người trong khoảng 2% dân số, đặc biệt là người lớn tuổi và những người đang có vần đề về sức khỏe như tiểu đường và cao máu. Virus COVID-19 liên hệ đến virus gây chết người khác đã gây ra vụ bùng phát rộng rãi gần đây là bệnh SARS, hội chứng hô hấp cấp tính trầm trọng, và MERS, hội chứng hô hấp Trung Đông.

Các chyên gia bệnh truyền nhiễm tin rằng một vaccine có thể được tìm ra để ngừa lây nhiễm virus corona, nhưng thử và xét nghiệm để chế ra được vaccine an toàn và hữu hiệu và sản xuất trên toàn thế giới có thể mất một năm hay lâu hơn.

Hiện nay chưa có thuốc chữa trị virus corona, nhưng một loạt các loại thuốc đang được thử nghiệm thuộc về 3 loại kết quả chính: trung lập virus, giảm một số triệu chứng đe dọa sinh mạng, và tăng cường hệ thống miễn nhiễm của bệnh nhân để chống nhiễm trùng.

Trung lập virus

Thuốc chữa sốt rét chloroquine và hydrochloroquine, được nghiên cứu tại một số nước để có thể ngăn ngừa lây nhiễm virus corona hay giết virus trong những giai đoạn đầu tiên của việc lây nhiễm. Đây là một loại thuốc tổng hợp và Tổng thống Donald Trump gọi là “thay đổi cục diện”- nhưng các nhà khoa học dè dặt là cẩn phải nghiên cứu thêm nữa để kiểm chứng kết quả.

Chloquine và hydroxychloroquine hoạt động như thế nào?

“Lý thuyết hiện nay là thuốc này can thiệp vào khả năng của virus chui vào tế bào bệnh nhân và làm tế bào ít thân thiện với virus. Và nếu virus không làm tế bào nhiễm trùng, thì virus sẽ không hữu hiệu trong việc nhân giống và tự sao chép thêm,” Bác sĩ Akselrod nói.

Loại thuôc sốt rét hỗn hợp này đã dược nghiên cứu từng nhóm nhỏ tại Pháp và Trung Quốc với những kết quả lẫn lộn. Các cuộc nghiên cứu lớn hơn đang được tiến hành.

Ngay cả khi chloroquine và hydroxychloroquine chứng tỏ hiệu nghiệm chống lại virus corona, nhưng có thể có những phản ứng phụ nghiêm trọng cần cứu xét, trong đó có bệnh tim đập loạn nhịp và có thể độc hại nếu dùng quá liều.

“Chúng ta cũng biết là đã có nhiều ca mà mọi người nghĩ rằng họ có thể an toàn đối với COVID-19 nếu dùng thuốc này và cuối cùng là tự đầu độc mình,” ông Akselrod nói.

Một thuốc khác có tên là remdisivir không hữu hiện trong việc chữa trị bệnh nhân bị lây nhiễm virus Ebola giết người, đã chứng tỏ có nhiều hứa hẹn trong việc chữa trị bệnh nhân COVID-19. Như thuốc sốt rét, remdesivir cũng ngăn virus corona xâm nhập tế bào người bệnh và sanh sôi nảy nở. Những cuộc thử nghiệm rộng rãi hơn cũng đang được tiến hành,

Làm giảm triệu chứng

COVID-19 vào phổi trong nhiều trường hợp gây ra nhiễm trùng, tắc nghẽn, khó thở, sưng phổi và đường hô hấp suy sụp.

Thuốc chữa thấp khớp có tên là Kevzara nằm trong số các thứ thuốc được thử nghiệm để chữa các triệu chứng của COVID-19. Thuốc này nhằm vào một phần của hệ thống miễn nhiễm của cơ thể.

Kevzara hoạt động như thế nào?

“Thuốc can thiệp vào viêm, là một phần của cơ chế tự vệ của cơ thể để đáp ứng với nhiễm trùng. Lý thuyết về thuốc này là ngăn việc lan tràn, và việc này xảy ra sau khi nhiễm trùng đã xảy ra và đã phát triển, có lẽ sự nghiêm trọng từ ảnh hưởng của virus và sự nghiêm trọng của triệu chứng có thể được giảm bớt bằng cách ngăn chặn phần này của phản ứng miễn nhiễm,” ông Akselrod nói.

Trong khi Kevzara và các loại thuốc chống viêm khác có thể giúp giảm bớt tắt nghẽn và những vấn đề hô hấp do virus corona gây ra, có những lo ngại là thuốc này cũng có thể can thiệp với khả năng của hệ thống miễn nhiễm chống nhiễm trùng.

Thuốc sốt rét chloroquine và hydroxychloroquine cũng có tính chất chống viêm có thể giúp giảm tắt nghẽn liên hệ đến virus corona.

Tăng cường miễn nhiễm

Cơ quan Quản trị Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ trong tuần này đã chấp thuận việc chữa trị bằng huyết tương chữa cho những bệnh nhân COVID-19 nặng. Chuyện này liên hệ đến việc trích kháng thể trong huyết tương của những bệnh nhân virus corona hoàn toàn bình phục để tiêm vào người bị nhiễm virus.

“Điều chúng tôi làm là kỹ thuật thấp, loại giải pháp cũ, lấy huyết tương từ những người đã bình phục như đã từng làm trước khi khám phá ra thuốc kháng sinh,” Bác sĩ Shmuel Shoham, phó giáo sư Trường Y, Đại học Johns Hopkins, nói. Ông thuộc toán thử nghiệm huyết tương trên nhiều loại bệnh cúm khác nhau.

Dùng huyết tương lên những người bệnh nặng có thể đáng được thử nghiệm, Bác sĩ Shoham nói, nhưng những cuộc thử nghiệm vừa qua trong giai đoạn cuối của nhiễm trùng chứng tỏ không hiệu nghiệm. Thay vào đó, ông nói việc này “có ý nghĩa khoa học nhiều hơn” khi sử dụng tiến trình này cho phòng ngừa và chữa trị sớm.

Một việc chữa trị gần đây thất bại là dùng thuốc chữa HIV chứng tỏ không hiệu nghiệm trong vụ thử nghiệm mới đây.

Gần 70 loại thuốc hiện hữu đã được xác nhận có thể phòng ngừa hay chữa trị COVID-19, theo như trang mạng khoa học sinh thái bioRxiv.

Các chuyên gia bệnh truyền nhiễm không muốn suy đoán thời gian để hoàn tất tiến trình thử nghiệm và chuẩn nhận, cũng như thời gian mà các công ty dược tăng cường sản xuất để đáp ứng nhu cầu toàn thế giới, nhưng họ nói rằng ít nhất phải mất nhiều tháng.

https://www.voatiengviet.com/a/c%C3%A1c-lo%E1%BA%A1i-thu%E1%BB%91c-s%E1%BA%B5n-c%C3%B3-n%C3%A0o-%C4%91%C6%B0%E1%BB%A3c-d%C3%B9ng-%C4%91%E1%BB%83-tr%E1%BB%8B-corona-/5347931.html

 

Quận Cam ‘vắng như Sài Gòn tháng 4/1975’

vì dịch Covid-19

Nhiều nơi trên tiểu bang California, tiểu bang đông dân nhất và cũng là một trong những tiểu bang giàu có nhất nước Mỹ, hiện giờ rất vắng vẻ vì lệnh ‘trú ẩn tại chỗ’ mà Thống đốc đưa ra để tránh lây lan dịch bệnh Covid-19, một số người Việt ở tiểu bang này nói với VOA.

Trước đà lây lan mạnh của virus corona chủng mới, cách nay đúng một tuần, Thống đốc bang California, ông Gavin Newsom, đã yêu cầu gần 40 triệu dân của bang ở trong nhà và chỉ đi ra ngoài nếu có nhu cầu cấp thiết.

Cho đến nay, California vẫn là một trong những tiểu bang bị ảnh hưởng nặng nề nhất tại Mỹ bởi dịch Covid-19. Tính tới ngày 26/3, tiểu bang này đã có trên 3.200 ca nhiễm và gần 70 người chết.

‘Cuộc sống xáo trộn’

Từ vùng Sài Gòn nhỏ thuộc Quận Cam ở miền Nam California, nơi được mệnh danh là ‘thủ đô người Việt tị nạn’, ông Phạm Công, 65 tuổi, chủ một tiệm chụp hình, nói với VOA rằng ‘tất cả cuộc sống ở đây đều bị xáo trộn’.

Ông cho biết sau khi có lệnh ‘trú ẩn tại chỗ’, ông đã đóng cửa tiệm và ở trong nhà. Ông nói nhiều khi ông muốn ra cửa tiệm ‘cho đỡ buồn’ nhưng ông lại ‘sợ gặp phải khách hàng không ý thức đến bắt tay’.

Ngoài lệnh trú ẩn trong nhà, chính quyền bang còn yêu cầu người dân ‘giữ khoảng cách xã hội’ với nhau ít nhất là 6 feet, tức khoảng 2 mét.

“Bây giờ tôi và bạn bè chỉ gọi điện cho nhau,” ông Công nói và cho biết đường sá ở khu Sài Gòn nhỏ ‘giờ rất vắng vẻ’.

Ông Công, vốn qua Mỹ định cư được gần 30 năm, nói ông ‘chưa từng chứng kiến cảnh này’.

“Những ai sống ở Sài Gòn trước năm 1975 vào những ngày tháng 4 sẽ thấy vắng vẻ như vậy,” ông so sánh. “Ở Sài Gòn lúc đó khi quân cộng sản lấn tới, dân bỏ chạy thì cũng hoang vắng y như vầy.”

Hiện giờ, các cơ sở tôn giáo như chùa chiền, nhà thờ, thánh thất của người Việt đã nhận được lệnh của chính quyền không cho tụ tập đông người nếu không sẽ bị phạt, ông nói.

“Sinh hoạt của hội đoàn cũng đã giảm lại rồi. Tôi có mấy cái hẹn của hội đoàn đi sinh hoạt kỷ niệm ngày 30/4 bây giờ phải bỏ hết,” ông nói thêm.

Theo lời ông thì đám cưới, đám tang ở Quận Cam ‘giờ là khổ nhất’.

“Đám cưới (phát thiệp mời hết từ trước) bây giờ đâu có ai đi nữa nên phải hủy,” ông nói nhưng cho biết các nhà hàng ‘cũng thông cảm’ nên cũng không tính tiền khách hàng dù bị thiệt hại.

“Còn đám tang, tôi có người bạn qua đời. Đưa đến nhà quàn họ bảo không nhận nữa mà phải chờ đến mấy tháng sau lúc dịch bệnh hết thì mới cho đến phúng viếng. Họ dùng phương pháp nào đó chẳng hạn như chích thuốc (để bảo quản thi hài),” ông Công kể.

“Còn nếu gia đình muốn tổ chức tang lễ thì chỉ cho phép thân nhân đến thôi. Lúc đó chỉ có mấy anh nhà quàn đưa quan tài đi chôn cất và có sự tham gia của các lãnh đạo tôn giáo thôi,” ông nói thêm.

“Cho nên rất là thiệt thòi cho những ai chết trong lúc này như ca sỹ Thái Thanh hay tướng Lê Minh Đảo.”

‘Cần bắt đeo khẩu trang’

Tuy nhiên, ông cho biết mặc dù khu Phước Lộc Thọ, khu thương xá nổi tiếng của người Việt ở quận Cam, đã đóng cửa, nhưng ‘vẫn có những người Việt đến tụ tập xung quanh bên ngoài uống cà phê, nói chuyện, đem đồ ăn ra ăn’.

Điều làm ông bức xúc nhất trong những ngày này là ‘vẫn có người không đeo khẩu trang’, ông nói và gọi những người này là ‘liều mạng’.

“Những người lớn tuổi như chúng tôi đều đeo khẩu trang khi đi ra ngoài, nhưng có những em người Việt trong độ tuổi 20-30 đến nhà hàng mua đồ ăn đem về mà không đeo khẩu trang.”

Theo lời ông kể lại thì trên bãi biển Huntington, nơi tụ tập vui chơi ưa thích của người dân địa phương vốn cách không xa nhà ông, có người đeo khẩu trang ra thì bị người Mỹ da trắng nói là ‘anh bệnh thì đi về đi chứ đừng ra chỗ này’.

“Trừ khi có lệnh bắt buộc phải đeo thì 100% người dân mới đeo.”

Ông cũng than phiền việc người Mỹ tụ tập đông đúc ở bãi biển Huntington dù đã có lệnh ‘trú ẩn trong nhà’.

“Người Mỹ tôi không hiểu họ không thấy sợ chết hay sao, trong khi đài báo cập nhật số người chết hàng ngày ở các tiểu bang, trong nước và quốc tế mà họ vẫn nhởn nhơ lắm,” ông nói và cho biết hiện giờ cảnh sát đã tăng cường phạt những người đậu xe ở gần bãi biển này.

“Tùy vào ý thức của người dân chứ không có lệnh nào yêu cầu cảnh sát phạt tiền đối với người nào đó đi ra đường hết. Ngay thời điểm này vẫn còn người ra đường sinh hoạt,” ông cho biết thêm.

‘Không thể phong tỏa’

Về tình hình nhu yếu phẩm, ông cho biết ‘mì gói hay những thứ cấp bách ăn hàng ngày như trứng bị thiếu hụt’.

“Người dân kéo đến các chợ mua hàng nhu yếu phẩm để tích trữ vì biết đâu tình hình sẽ kéo dài,” ông nói. “Lúc trước họ cho mua nhiều nhưng bây giờ đã áp đặt hạn mức chỉ cho phép mỗi người mua một số lượng nhất định.”

Ông nói bây giờ chủ đề chính trong cộng đồng người Việt khi nói chuyện với nhau là cập nhật tin tức số người nhiễm, người chết vì dịch bệnh. Tuy nhiên, ông nói ‘cũng không nhiều người hoảng sợ’.

“Cái này không phải dí súng vào đầu bắn chết ngay. Chúng ta không biết nó đến vào lúc nào, mình chết vào lúc nào,” ông giải thích. “Thôi thì cố gắng ở nhà làm này làm kia cho đỡ buồn chán, hay là cầu nguyện.”

Khi được hỏi trước tình trạng có người không tuân thủ khuyến cáo thì liệu có nên áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt hơn không, ông nói: “Ở xứ sở tự do chỉ khi nào khẩn cấp lắm mới có chế tài.”

Do đó, ông nói rằng chính quyền ‘không thể áp dụng lệnh phong tỏa như ở Vũ Hán’ để chống dịch.

Tuy nhiên, ông cho rằng riêng vấn đề khẩu trang, chính quyền tiểu bang ‘nên có lệnh buộc người dân đeo’.

Ông nói ông có tiền tiết kiệm để trụ trong mùa dịch khi không có thu nhập và cho biết người chủ đất nơi ông thuê cửa tiệm ‘có thể sẽ có thông cảm về tiền thuê nhà’. Đồng thời, ông hy vọng Quốc hội sớm thông qua gói cứu trợ để giúp đỡ những người làm ăn nhỏ như ông sống được.

‘Hụt hẫng’

Cách Quận Cam hai tiếng lái xe, ở thành phố San Diego ở phía nam tiểu bang California, ông Chỉnh Nguyễn, 63 tuổi, cho biết trong vòng một tuần lễ vừa qua ông ‘ít khi bước ra khỏi cửa’.

“Tôi chỉ ở trong nhà thôi nên phải có sự chuẩn bị lương thực vì đi ra ngoài ăn uống sẽ khó khăn,” ông nói và cho biết ông đã dự trữ thức ăn ‘đủ cho 2 tuần’.

“Nếu ăn hết mà ở ngoài yên thì đi chợ mua tiếp. Còn nếu không thì nhờ đứa con gái hiện vẫn đi làm đi chợ giùm,” ông nói. Con gái ông hiện làm việc tại một nhà thuốc, một trong những cơ sở thiết yếu vẫn phải mở cửa hoạt động bên cạnh cây xăng, siêu thị và nhà băng.

Cũng giống như ở Quận Cam, ông nói ở San Diego những ngày này ‘ngoài đường vắng vẻ, chỉ rải rác có vài chiếc xe thôi’.

Tuy nhiên, vốn là một thành phố du lịch biển nổi tiếng, ông Chỉnh cho biết cuối tuần rồi ‘mọi người ra bãi biển tụ tập đông quá nên bây giờ họ cấm luôn’.

“Bây giờ cảnh sát ra phạt không cho người đi xe tới mà chỉ cho người đi bộ ra,” ông nói.

Ông Chỉnh làm việc cho một nhà hàng Việt Nam. Ông cho biết những ngày này ông phải nghỉ làm do nhà hàng chỉ còn phục vụ cho khách mua thức ăn mang về.

“Tôi cố gắng chịu đựng. Ăn uống ít lại hơn một tí. Chờ khi nào hết dịch bệnh đi làm lại thì mới có tiền,” ông nói.

Mặc dù đã trải qua những thời điểm khó khăn ở Việt Nam như Mùa hè đỏ lửa vào năm 1972, chiến cuộc 1975 và trận lụt ở Huế vào năm 2000, ông nói, nhưng dịch bệnh lần này xảy đến khiến ông ‘cảm thấy hụt hẫng’ vì ‘sau khi qua Mỹ định cư thì cuộc sống đã tương đối ổn định’.

Ông cho biết người con trai út của ông hiện đang làm việc ở bang Texas ‘thường xuyên gọi điện về hỏi thăm ba mẹ’ vì lo lắng tình hình dịch bệnh ở California.

Tuy nhiên, ông cho biết hai vợ chồng ông sẽ ‘không qua Texas tránh dịch vào lúc này’ vì ‘đi lại bằng máy bay rất rủi ro hai vợ chồng tôi không muốn đi đâu’.

https://www.voatiengviet.com/a/qu%E1%BA%ADn-cam-v%E1%BA%AFng-nh%C6%B0-s%C3%A0i-g%C3%B2n-th%C3%A1ng-4-1975-v%C3%AC-d%E1%BB%8Bch-covid-19/5347496.html

 

Virus corona, yếu tố mới trong xung đột Mỹ-Trung

Thu Hằng

Vừa mới « đổ lỗi » cho Mỹ mang virus corona vào Vũ Hán, Bắc Kinh lại kêu gọi Washington « đoàn kết » để đối phó với đại dịch. Ngày 26/03/2020, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hứa với tổng thống Mỹ Donald Trump rằng Trung Quốc « sẵn sàng chia sẻ thông tin và kinh nghiệm với Hoa Kỳ ». Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng virus corona lại là một yếu tố mới trong xung đột Mỹ-Trung.

Chưa giải quyết xong cuộc chiến thương mại, Bắc Kinh và Washington lại bước vào một cuộc xung đột mới – Covid-19 – nơi mọi bất đồng chờ trỗi dậy.

Trung Quốc tận dụng dịch Covid-19 để đóng vai trò đầu tầu

Trước tiên là cuộc chiến về « leadership – vai trò đi đầu lãnh đạo ». Trong khi Trung Quốc không ngừng thể hiện là cường quốc đầu tầu thế giới, thì Hoa Kỳ lại thu mình với chiến lược « Nước Mỹ trước hết » của tổng thống Trump. Bắc Kinh bị lên án mạnh mẽ làm mất nhiều tuần lễ quý giá để chống dịch Covid-19. Việc dịch bùng phát ở phương Tây như món quà trời cho để Bắc Kinh từng bước ngẩng cao đầu với tư cách « cứu nhân độ thế » khi gửi trang thiết bị y tế và chuyên gia đến giúp nhiều nước khắp năm châu chống dịch, đặc biệt Ý, và không bỏ lỡ bất kỳ thời cơ nào để quảng bá rầm rộ.

Theo ý kiến của ông Philippe Bernard trên báo Le Monde, có lẽ không nên quá xúc động về chính sách « ngoại giao khẩu trang » vì đây là kiểu « quyền lực mềm » được Trung Quốc triệt để khai thác để công luận quên đi sai lầm ban đầu của nước này. Bắc Kinh cũng tìm cách « xuất khẩu » mô hình xử lý khủng hoảng dịch tễ, từng được Nhân Dân Nhật Báo ca ngợi ngày 10/03 là « phản ảnh những lợi ích đáng kể của hệ thống xã hội chủ nghĩa theo mô hình Trung Hoa », trong khi những biện pháp đó từng bị phương Tây dè chừng do ảnh hưởng đến một số quyền tự do của người dân.

Vì vậy, cuộc chiến chống virus corona cũng là cuộc chiến về hình ảnh giữa hai hệ thống : một bên là mô hình dân chủ phương Tây và bên kia là chế độ toàn trị như ở Trung Quốc. Khi dịch Covid-19 bùng phát ở châu Âu, không những Hoa Kỳ tỏ ra thiếu tương trợ mà còn là một trong những nước đầu tiên đóng cửa biên giới với Liên Hiệp Châu Âu. Từng thách Washington sau cuộc cuộc khủng hoảng tài chính 2008, nhờ virus corona, Trung Quốc lại có động cơ để « làm suy yếu và thay thế sự thống trị của Hoa Kỳ trong các vấn đề trên thế giới », theo nhận định của nhà sử học Mỹ Hal Brands.

Virus corona gây một chiến tranh lạnh mới ?

Bảo vệ hình ảnh cá nhân là mặt trận thứ hai giữa hai nhà lãnh đạo của hai cường quốc. Ông Tập Cận Bình bị chỉ trích trong giai đoạn đầu xử lý dịch nhưng đang lấy lại vị thế của người cầm lái. Còn tổng thống Donald Trump, sau khi ban đầu không thừa nhận mức độ nguy hiểm của dịch virus corona, đã quay sang chỉ trích Bắc Kinh thiếu minh bạch và đổ lỗi cho « virus Vũ Hán »« virus nước ngoài ».

Có thể nói ông Trump đang phải trả giá cho những quyết định có phần chậm trễ. Hoa Kỳ hiện là nước bị tác động nặng nề nhất, với 81.000 người bị nhiễm virus corona tính đến ngày 26/03. Là ứng viên của đảng Cộng Hòa trong cuộc tổng thống Mỹ, ông Donald Trump chắc chắn không muốn thành tựu kinh tế trong suốt 4 năm bị virus corona phá hỏng.

Liệu virus corona có đẩy Mỹ-Trung vào một cuộc chiến tranh lạnh mới ? Nếu xảy ra, theo giới chuyên gia, quy mô cuộc chiến sẽ lớn hơn rất nhiều so với cuộc chiến Mỹ-Liên Xô trong thế kỷ XX vì vào thời kỳ đó hai bên gần như cắt đứt quan hệ ngoại gia. Trường hợp của Mỹ và Trung Quốc hiện nay thì ngược lại, cả hai nước phụ thuộc chặt chẽ vào nhau nhưng lại cạnh tranh trong mọi lĩnh vực, quân sự, công nghệ và cả chính trị.

Ông Barthélémy Courmont, giảng viên đại học Công Giáo Lille, nhận định là cả Mỹ và Trung Quốc « sẽ tận dụng một cách có hệ thống mọi cuộc khủng hoảng để giành lợi thế trước đối thủ ». Nước nào sẽ thắng trong cuộc chạy đua tìm kiếm vác-xin phòng dịch ? Nước nào sẽ thoát khỏi khủng hoảng tài chính trước tiên ? Theo nhà báo Heike Schmidt của RFI cho rằng virus corona lại trở thành một « ổ căng thẳng mới » giữa Mỹ và Trung Quốc.

http://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A2n-t%C3%ADch/20200327-virus-corona-y%E1%BA%BFu-t%E1%BB%91-m%E1%BB%9Bi-trong-xung-%C4%91%E1%BB%99t-m%E1%BB%B9-trung

 

Các lực lượng quân sự do Hoa Kỳ lãnh đạo

rút khỏi căn cứ quân sự Iraq gần Mosul

Tin từ QAYYARA West AIRfield, Iraq – Vào hôm thứ Năm (26/3), các binh sĩ cùng Liên minh do Hoa Kỳ lãnh đạo đang chiến đấu với Nhà nước Hồi giáo bắt đầu rút khỏi một căn cứ không quân ở miền bắc Iraq, và bàn giao hoàn toàn căn cứ này cho quân đội Iraq như một phần của việc giảm lực lượng ở quốc gia này. Việc rút quân sẽ khiến các lực lượng liên minh di chuyển vào một số căn cứ còn lại và cắt giảm nhân sự.

Căn cứ không quân Qayyara, phía nam thành phố Mosul nơi Nhà nước Hồi giáo tuyên bố triều đại caliphate vào năm 2014, là căn cứ thứ hai được bàn giao cho Iraq trong tháng này.  Liên quân rút khỏi một căn cứ tại al-Qaim ở biên giới Syria vào tuần trước. Các viên chức liên minh cho biết việc cắt giảm binh sĩ và di chuyển các đơn vị vào một vài căn cứ còn lại tại Iraq là do lực lượng Iraq chủ yếu có khả năng tự lực ngăn chặn mối đe dọa từ các chiến binh Nhà nước Hồi giáo còn sót lại. Liên minh do Hoa Kỳ lãnh đạo hỗ trợ quân đội Iraq kể từ năm 2014 trong cuộc chiến nhằm vô hiệu hóa Nhà nước Hồi giáo.

Một vài ngàn chiến binh được cho là vẫn hoạt động, chủ yếu giới hạn ở các khu vực hẻo lánh như sa mạc và núi trên khắp miền bắc Iraq. Họ định kỳ tấn công lực lượng an ninh nhưng không nắm giữ lãnh thổ lớn như thị trấn và thành phố kể từ năm 2017. Liên minh hiện đang bố trí khoảng 7,500 binh sĩ ở Iraq, trong đó có 5,0000 binh sĩ Hoa Kỳ.

Mộc Miên

https://www.sbtn.tv/cac-luc-luong-quan-su-do-hoa-ky-lanh-dao-rut-khoi-can-cu-quan-su-iraq-gan-mosul/

 

Chính quyền Trump truy tố

các viên chức hàng đầu của Venezuela

Tin Washington DC – Chính phủ Trump vào thứ Năm, 26 tháng 3, đã truy tố Tổng Thống Venezuela Nicolas Maduro cùng hơn một chục viên chức hàng đầu của nước này về các tội khủng bố bằng chất gây nghiện, tham nhũng và buôn lậu ma túy. Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ cũng treo giải thưởng 15 triệu Mỹ kim cho các thông tin giúp dẫn đến việc bắt giữ và kết tội ông Maduro.

Bản cáo trạng của Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ đánh dấu giai đoạn mới trong chiến dịch chống ông Maduro, trong lúc Tổng Thống Trump đang ngày càng thất vọng trước tính hiệu quả của các chính sách chống Venezuela trước đây. Bộ Trưởng Tư Pháp William Barr cáo buộc Tổng Thống Maduro và các phụ tá của ông ta đã hợp tác với một nhánh ly khai của phe phiến quân FARC ở Columbia, để đưa cocaine vào Hoa Kỳ. Bộ Trưởng Barr nói, trong lúc người dân Venezuela sống trong đói nghèo, Maduro và các thuộc hạ của ông ta làm giàu bằng tiền tham nhũng và buôn ma túy. Chính phủ Hoa Kỳ trước đây từng đưa ra nhiều cáo trạng chống lại gia đình Maduro và nội các của ông ta. Đáp lại, Tổng Thống Maduro gọi các cáo buộc này là một chiến dịch bôi nhọ, và cho rằng chính Hoa Kỳ phải chịu trách nhiệm cho nạn buôn ma túy, do Hoa Kỳ là thị trường tiêu thụ hàng đầu của các chất gây nghiện.

Trong số các viên chức Venezuela bị Hoa Kỳ truy tố hôm thứ Năm có cả Bộ Trưởng Quốc Phòng Vladimir Polez, lãnh đạo xã hội chủ nghĩa Diosdado Cabello, và chánh án Tối Cao Pháp Viện Maikel Perez. Washington lâu nay vẫn cáo buộc Maduro và các đồng minh của ông ta lãnh đạo các băng đảng ma túy, và dùng tiền buôn lậu ma túy để bù đắp doanh thu bị tổn thất của ngành dầu mỏ Venezuela, vốn đang chịu các lệnh trừng phạt nghiêm khắc từ Hoa Kỳ.

Mộc Miên

https://www.sbtn.tv/chinh-quyen-trump-truy-to-cac-vien-chuc-hang-dau-cua-venezuela/

 

Venezuela: Mỹ treo tiền thưởng 15 triệu đô la

 để bắt tổng thống Maduro

Mai Vân

Bộ Tài Chính Mỹ treo thưởng15 triệu đô la cho mọi thông tin để bắt giữ tổng thống Venezuela Nicolas Maduro. Bộ này cáo buộc tổng thống Venezuela và nhiều thành viên chính quyền Caracas đã hoạt động buôn lậu ma túy phục vụ mục tiêu khủng bố. Chính quyền Venezuela đã có phản ứng mạnh mẽ.

Thông tín viên RFI tại Venezuela, Benjamin Delille :

Ngay trong lúc đại dịch virus corona hoành hành, thông báo của Washington là một vố đau mới đối với Venezuela. Một cuộc tấn công tồi tệ theo lời ngoại trưởng Jorge Arreaza.

Ông nói: Cộng Hòa Venezuela tố cáo một cuộc tấn công không biết lần thứ mấy của chính quyền Trump vào nhân dân Venezuela bằng hình thức đảo chính mới dựa trên những cáo buộc tồi tệ, trong lúc nhân loại phải chống lại một trong những đại dịch hung dữ nhất.

Tư Pháp Mỹ tố cáo ông Maduro liên minh với lực lượng du kích Colombia FARC để, xin trích, làm tràn ngập nước Mỹ với ma túy, và nêu lý do đó để treo tiền thưởng nhằm bắt tổng thống Venezuela.

Ngoại trưởng Venezuela rất tức tối nói: Treo tiền thưởng như những tay cao bồi kỳ thị chủng tộc miền Viễn Tây đã cho thấy nỗi tuyệt vọng của giới ưu tú có đầu óc da trắng thượng đẳng tại Washington và nỗi ám ánh của họ về Venezuela.

Thông báo của Washington làm tiêu tan hy vọng của Venezuela muốn được bãi bỏ trừng phạt kinh tế. Sau 7 năm khủng hoảng kinh tế, Venezuela đã hoàn toàn không còn sức để chống dịch Covid-19, và tình hình sẽ rất thảm hại nếu không được trợ giúp đáng kể của quốc tế.

http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200327-venezuela-m%E1%BB%B9-treo-ti%C3%AA%CC%80n-th%C6%B0%C6%A1%CC%89ng-15-tri%C3%AA%CC%A3u-%C4%91%C3%B4-la-%C4%91%C3%AA%CC%89-b%E1%BA%AFt-t%E1%BB%95ng-th%E1%BB%91ng-maduro

 

Mỹ đề nghị Hội đồng bảo an LHQ

quan tâm tới nguồn gốc virus Vũ Hán

Lục Du

NBC News cho hay có 4 nhà ngoại giao Mỹ nói với hãng tin này rằng chính quyền Trump đang thúc giục Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc (LHQ) quan tâm tới nguồn gốc của virus Vũ Hán.

Sự việc này diễn ra trong bối cảnh Bắc Kinh được cho là đang tìm cách trốn tránh trách nhiệm đối với đại dịch viêm phổi Vũ Hán bằng cách đổ lỗi cho Hoa Kỳ phát tán nCoV. Và vài tuần gần đây, Estonia, một ủy viên không thường trực của Hội đồng bảo an LHQ, bắt đầu soạn thảo một tuyên bố chung cho hội đồng về COVID-19.

Cuộc thảo luận giữa các quốc gia thành viên của Hội đồng bảo an LHQ để ra tuyên bố chung hoặc nghị quyết về COVID-19 đã đi đến cao trào khi các đại diện của Hoa Kỳ nhấn mạnh rằng nCoV có nguồn gốc từ thành phố Vũ Hán, Trung Quốc, nói rằng loại virus chết người này chính xác là bắt đầu lây lan ra cộng đồng từ đó. Các đại diện của phía Trung Quốc đã tỏ ra bực bội với ý kiến này, mặc dù trong phát biểu của mình họ đã ca ngợi những nỗ lực của Bắc Kinh trong cuộc chiến với viêm phổi Vũ Hán.

Tổng thống Trump đã nhiều lần ám chỉ rằng Trung Quốc có lỗi trong việc làm bùng phát dịch COVID-19, cáo buộc Bắc Kinh che giấu thông tin về dịch bệnh nên mới khiến virus Vũ Hán có cơ hội lây lan mạnh ra cộng đồng. Ông chủ Nhà Trắng cũng nhiều lần dùng danh từ “virus Trung Quốc” thay cho tên gọi chính thức mà WHO đề nghị là Sars-CoV-2.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo hôm 25/3, một lần nữa cũng đã đề cập tới danh từ “virus Vũ Hán” và nói rằng “cuộc khủng hoảng này [COVID-19] bắt đầu từ Vũ Hán, Trung Quốc”. Ông Pompeo cũng không có ý kiến khi một tờ báo Đức nói rằng ông đã gợi ý các nhà lãnh đạo G-7 dùng danh từ “virus Vũ Hán” trong một tuyên bố chung.

Theo NBC News

Lục Du dịch và biên tập

https://www.dkn.tv/the-gioi/my-de-nghi-hoi-dong-bao-an-lhq-quan-tam-toi-nguon-goc-virus-vu-han.html

 

Tổng thống Trump ban hành luật

ủng hộ Đài Loan tăng cường quan hệ quốc tế

Hải Lam

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 26/3 (giờ Mỹ) đã ký ban hành Đạo luật Sáng kiến Bảo vệ và Tăng cường Đồng minh Quốc tế Đài Loan (TAIPEI), thể hiện sự ủng hộ của Washington đối với Đài Loan trong việc tăng cường mối quan hệ với các nước trên thế giới.

Theo đạo luật trên, Bộ Ngoại giao Mỹ phải báo cáo trước Nghị viện các biện pháp cần thực hiện để tăng cường quan hệ ngoại giao với Đài Loan. Ngoài ra, Mỹ cần xem xét thay đổi quan hệ với các quốc gia có hành động làm suy yếu an ninh và sự thịnh vượng của Đài Loan.

Dự luật được Thượng viện thông qua vào tháng 10/2019. Sau đó, Thượng viện phải được dàn xếp với phiên bản của Hạ viện trước khi trình lên để Tổng thống Trump ký thành luật. Hạ viện nhất trí thông qua vào ngày 4/3/2020.

Cơ quan ngoại giao Đài Loan hoan nghênh đạo luật mới của chính quyền Tổng thống Trump và cảm ơn Mỹ vì đã hỗ trợ “không gian ngoại giao” của Đài Loan và giúp hòn đảo tham gia các tổ chức quốc tế.

“Chúng tôi cũng sẵn sàng hợp tác với Mỹ và các quốc gia có lý tưởng tương tự để thúc đẩy các mục tiêu chung về tự do và giá trị dân chủ, và tiếp tục nỗ lực để mang lại không gian quốc tế rộng lớn hơn cho Đài Loan”, người đứng đầu cơ quan ngoại giao Đài Loan phát biểu.

Đài Loan cáo buộc Trung Quốc lôi kéo các đồng minh của hòn đảo và ngăn Đài Loan tham gia vào Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Trong khi đó, chính quyền Bắc Kinh coi Đài Loan là một phần lãnh thổ của Trung Quốc. Hiện Đài Loan chỉ có quan hệ ngoại giao với 15 quốc gia, đa số là các quốc gia nhỏ và đang phát triển như Nauru, Belize và Honduras.

Theo Reuters

Hải Lam dịch và biên tập

https://www.dkn.tv/the-gioi/tong-thong-trump-ban-hanh-luat-ung-ho-dai-loan-tang-cuong-quan-he-quoc-te.html

 

Hơn 530.000 người nhiễm virus Vũ Hán,

24.000 người tử vong

Thiện Lan

533.015 người nhiễm, 24.095 người chết vì virus corona Vũ Hán trên toàn cầu, theo Worldometers ngày thứ Sáu (27/3).

Số ca nhiễm COVID-19 ở Mỹ đạt 85.594 vào thứ Sáu, vượt qua Trung Quốc (81.340). Tuy nhiên, với 1.300 ca tử vong được ghi nhận, Mỹ ở vị trí xa so với Trung Quốc có 3.292 ca tử vong được báo cáo và Ý.

Ý ghi nhận 80.589 ca nhiễm virus, trích dữ liệu từ Worldometers hôm nay. Tổng số ca tử vong ở Ý hiện 8.215, mức cao nhất thế giới.

Pháp ghi nhận tình hình nghiêm trọng, báo cáo 365 trường hợp tử vong mới trong một ngày, bao gồm một cô gái 16 tuổi. Số người chết ở Pháp lên tới 1.696. Nước này đã bị phong tỏa trong một tuần và có 29.155 ca nhiễm. Hơn 225.000 người ở Pháp đã bị phạt vì vi phạm luật phong tỏa, Bộ trưởng Nội vụ Pháp cho biết hôm thứ Năm (26/3).

Tây Ban Nha đã gia hạn tình trạng khẩn cấp thêm 2 tuần để cho phép chính phủ mở rộng các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt trong nỗ lực nhằm ngăn chặn virus Vũ Hán. Tính đến hôm nay, Tây Ban Nha có 4.365 trường hợp tử vong, có 57.786 người lây nhiễm. Nước này đã vượt qua Trung Quốc về tổng số người chết vì dịch bệnh nCoV.

Hôm qua, Vương quốc Anh công bố 115 trường hợp tử vong mới, tổng số lên tới 578, một ngày trước khi xác nhận cái chết của phó đại sứ Anh tại Hungary, Steven Dick, 37 tuổi, do COVID-19. Hôm nay, Anh có 11.658 ca nhiễm.

Đức có 43.938 ca nhiễm, 267 ca tử vong.

Iran ổ dịch Trung Đông, 29.406 ca nhiễm, 2.234 ca tử vong.

Thụy Sĩ có 11.811 ca nhiễm, 192 ca tử vong.

Cơ quan xếp hạng tín dụng của Moody nói rằng họ dự báo suy thoái kinh tế ở tất cả các nước G20 vào năm 2020, trong khi Tổng thư kí Liên Hợp Quốc, ông Antonio Guterres nói virus Vũ Hán “đe dọa toàn bộ nhân loại”.

Nam Phi ngay trước khi phong tỏa 3 tuần vào 26/3 đã công bố gần 1.000 ca nhiễm, nhiều nhất ở Châu Phi.

Ấn Độ ngày 24/3 đã thực hiện lệnh phong tỏa lớn nhất thế giới với 1,3 tỷ người.

Phần Lan có 880 người nhiễm virus Vũ Hán và có 3 người tử vong, hôm 24/5 thông báo phong tỏa thủ đô Helsinki và các vùng lân cận bắt đầu từ 27/3 cho đến 19/4.

Virus corona khởi phát từ Vũ Hán, Trung Quốc, đã xuất hiện trên 199 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Theo Euronews và Worldometers

Thiện Lan dịch và biên tập

https://www.dkn.tv/the-gioi/hon-530-000-nguoi-nhiem-virus-vu-han-24-000-nguoi-tu-vong.html

 

G20 cam kết 5 nghìn tỷ đô la cho kinh tế toàn cầu

nhằm giảm tác động Covid-19

Các nhà lãnh đạo của Nhóm 20 nền kinh tế lớn (G20) hôm 26/3 cam kết bơm hơn 5 nghìn tỷ đô la vào nền kinh tế toàn cầu để hạn chế tổn thất do mất công ăn việc làm và thu nhập từ ảnh hưởng của dịch Covid-19, theo Reuters.

Cùng với Tổ chức Y tế Thế giới và các tổ chức quốc tế khác, “G20 cam kết sẽ làm bất cứ điều gì cần thiết để vượt qua đại dịch”, nhóm này nói.

Ả Rập Xê Út, hiện là chủ tịch Nhóm G20, đã triệu tập hội nghị thượng đỉnh qua đường truyền video trong bối cảnh xuất hiện những lời chỉ trích trước đó nói rằng G20 phản ứng chậm với dịch bệnh Covid-19.

Nhóm này cho biết họ “đang bơm hơn 5 nghìn tỷ đô la vào nền kinh tế toàn cầu, như là một phần của chính sách tài khóa có trọng điểm, các biện pháp kinh tế và các kế hoạch bảo đảm”, nhằm giảm bớt thiệt hại kinh tế do đại dịch gây ra.

Phát biểu sau khi dự Hội nghị G20, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump nói Hội nghị cho thấy “tinh thần quyết liệt để vượt qua dịch bệnh”.

Ông nói tại cuộc họp báo ở Nhà Trắng rằng các nước G20 đang thông báo cho nhau về những nỗ lực của họ để chống lại cuộc khủng hoảng.

“Chúng ta ứng phó bệnh dịch theo những cách khác nhau nhưng có chung sự đồng thuận tuyệt vời”, ông Trump nói.

Truyền thông Việt Nam hôm 27/3 loan tin Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc có tham dự Hội nghị trực tuyến G20.

“Chia sẻ với các nhà lãnh đạo tại Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến G20, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định đoàn kết, hợp tác, phối hợp toàn cầu và khu vực là rất quan trọng; khẳng định quyết tâm, cam kết của Việt Nam trong chống dịch Covid-19”, Cổng thông tin Chính phủ cho biết.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chia sẻ với các nhà lãnh đạo nhiều biện pháp về thúc đẩy hợp tác, hành động chung trong ứng phó với dịch Covid-19, như tăng cường trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ công nghệ, kỹ thuật trong xét nghiệm, kiểm soát và điều trị; tranh thủ sự đồng lòng, hợp tác, tham gia của người dân, các tổ chức xã hội, lực lượng vũ trang.

https://www.voatiengviet.com/a/g20-cam-ket-5-nghin-ty-dola-covid-19/5348219.html

 

Vì sao một số nước đề nghị đeo khẩu trang,

số khác thì không?

Tessa WongBBC News, Singapore

Bước ra khỏi nhà mà không đeo khẩu trang ở Hồng Kông, Seoul hoặc Tokyo những ngày này, bạn sẽ đón nhận những ánh mắt khó chịu, không tán thành.

Kể từ khi dịch virus corona bắt đầu bùng phát, một số nơi đã áp dụng triệt để việc đeo mặt nạ ở nơi công cộng. Và bất cứ ai không đeo bị xem là những kẻ ngoài lề của xã hội.

Nhưng ở nhiều nơi khác trên thế giới, từ Anh và Mỹ đến Sydney và Singapore, việc đi ra ngoài đường mà không đeo khẩu trang là điều bình thường, có thể chấp nhận được.

Tại sao một số quốc gia chặt chẽ về việc đeo khẩu trang trong khi những nước khác tránh biện pháp này. Đây không chỉ đơn thuần về chỉ thị của chính phủ và tư vấn y tế mà còn là về văn hóa và lịch sử. Nhưng khi đại dịch này tiến triển xấu đi, điều này liệu có thay đổi?

Đeo khẩu trang có chống được virus corona không?

Covid-19: Anh Quốc có chủ quan với bệnh dịch?

Virus corona: Những triệu chứng và cách phòng tránh cần biết

Những khuyến cáo chính thức về khẩu trang

Kể từ khi virus corona bắt đầu bùng phát, khuyến cáo chính thức từ Tổ chức Y tế Thế giới đã rõ ràng. Chỉ có hai nhóm người nên đeo khẩu trang: những người bị nhiễm virus có các triệu chứng, và những người đang chăm sóc cho những đối tượng bị nghi ngờ nhiễm virus corona.

Những người khác không cần đeo khẩu trang, và có nhiều lý do cho việc này.

Thứ nhất, khẩu trang không được coi là sự biện pháp bảo vệ đáng tin cậy. Các nghiên cứu hiện tại cho thấy virus lây lan qua các giọt dịch và nước chứ không lây truyền qua không khí. Đây là lý do tại sao các chuyên gia nói rằng, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước có hiệu quả hơn nhiều.

Việc gỡ bỏ khẩu trang đòi hỏi sự chú ý đặc biệt nhằm tránh tay bị nhiễm bẩn. Điều này cũng gây cảm giác sai lầm về sự an toàn.

Tuy nhiên, ở một số vùng của Châu Á, mọi người đều mặc định việc đeo khẩu trang – nó được xem là an toàn và cẩn trọng hơn.

Ở Trung Quốc đại lục, Hồng Kông, Nhật Bản, Thái Lan và Đài Loan, mọi người mặc định rằng bất kỳ ai cũng có thể mang virus, ngay cả những người khỏe mạnh. Vì vậy, với tinh thần vì mọi người, bạn cần bảo vệ bản thân khỏi người khác và ngược lại.

Một số chính phủ các nước đang kêu gọi người dân đeo khẩu trang. Thậm chí ở một số vùng của Trung Quốc, bạn có thể bị bắt và bị phạt vì không đeo khẩu trang.

Trong khi đó, tại Indonesia và Philippines, nơi có số ca nghi nhiễm thấp nhưng hầu hết mọi người ở các thành phố lớn đã bắt đầu đeo khẩu trang để bảo vệ bản thân khỏi sự lây nhiễm.

Đối với nhiều quốc gia trong số này, đeo khẩu trang là chuẩn mực văn hóa ngay cả trước khi dịch virus corona bùng phát. Việc đeo khẩu trang thậm chí đã trở thành mốt thời trang – đã có thời điểm khẩu trang Hello Kitty trở thành mốt thịnh hành trên đường phố Hồng Kông.

Ở Đông Á, nhiều người đã quen đeo khẩu trang khi bị ốm hay cảm cúm, vì hắt hơi hoặc ho mà không che miệng lại bị coi là bất lịch sự. Sự bùng phát virus Sars năm 2003, ảnh hưởng đến một số quốc gia trong khu vực, cũng cho thấy tầm quan trọng của việc đeo khẩu trang, đặc biệt là ở Hồng Kông, nơi nhiều người đã chết vì virus này.

Vì vậy, điểm khác biệt chính giữa xã hội phương Đông và phương Tây là họ đã trải qua sự lây nhiễm trước đây – những ký ức vẫn còn quá mới mẻ và đau đớn.

Trong khi đó, ở Đông Nam Á, đặc biệt là ở các thành phố đông dân, nhiều người đeo khẩu trang trên đường phố chỉ vì ô nhiễm.

Nhưng điều này không phổ biến mọi nơi ở châu Á – tại Singapore, chính phủ đã kêu gọi người dân không đeo khẩu trang để đảm bảo nguồn cung cho nhân viên y tế và hầu hết mọi người đi bộ ngoài đường mà không đeo khẩu trang. Điều này thể hiện có sự tin tưởng đáng kể vào chính phủ vì người dân lắng nghe và thực hiện theo.

Khẩu trang là ‘cú huých’ xã hội

Một số người lập luận rằng việc đeo khẩu trang phổ biến là lời nhắc nhở trực quan về sự nguy hiểm của virus. Việc này có thể hoạt động như một “cú huých hành vi” đối với bản thân và người xung quanh để giữ vệ sinh cá nhân tốt hơn.

“Đeo khẩu trang trước khi bạn ra ngoài mỗi ngày cũng giống như một nghi thức, giống như mặc đồng phục, và như các nghi thức được thực hiện trong nghi lễ. Bạn cảm thấy bạn phải sống theo những gì đồng phục đại diện. Đó là việc sống vệ sinh hơn như không chạm vào mặt hoặc tránh những nơi đông người và cách ly xã hội “, Donald Low, một nhà kinh tế học và giáo sư tại Đại học Khoa học và Công nghệ Hong Kong, nói.

Từng hành vi nhỏ đều được xem là nỗ lực trong cuộc chiến mà thế giới đang tiến hành để chống lại virus.

“Chúng tôi không thể nói đeo khẩu trang là không hiệu quả, nhưng chúng tôi cho rằng chúng có hiệu quả nhất định khi sử dụng để bảo vệ các nhân viên y tế”, Benjamin Cowling, nhà dịch tễ học tại Đại học Hong Kong nói.

“Nếu khẩu trang được nhiều người sử dụng ở khu vực đông người, tôi nghĩ nó có tác dụng truyền hiệu ứng đám đông. Và hiện tại chúng tôi đang tìm mọi biện pháp nhỏ để có thể để giảm sự lây truyền”

Nhưng tất nhiên có những nhược điểm. Một số nơi như Nhật Bản, Indonesia và Thái Lan đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt khẩu trang và Hàn Quốc đã phải loại bỏ việc đeo khẩu trang.

Có nỗi sợ rằng mọi người cuối cùng có thể phải dùng lại khẩu trang – điều này không hợp vệ sinh. Hoặc sử dụng khẩu trang được bán ở chợ đen, hoặc đeok hẩu trang tự chế, có thể kém chất lượng và về cơ bản là vô dụng.

Những người không đeo khẩu trang ở những nơi này cũng bị kỳ thị, đến mức họ bị xa lánh và không được vào các cửa hàng và tòa nhà.

Ở Hồng Kông, một số tờ báo lá cải đã đăng lên trang bìa hình ảnh của những người phương Tây không đeo khẩu trang và tụ tập thành nhóm trong khu phố đêm của thành phố. Họ chỉ trích người nước ngoài và khách du lịch không thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng ngừa.

Nhưng sự kỳ thị cũng đến từ hai phía.

Ở những quốc gia mà việc đeo khẩu trang không phải là chuẩn mực, chẳng hạn như ở phương Tây, những người đeo khẩu trang đã bị xa lánh hoặc thậm chí bị tấn công. Nhiều người đeo khẩu trang này là người châu Á.

Nhưng những xã hội ủng hộ mọi người đeo khẩu trang có quan điểm của riêng họ và khi điều này càng gia tăng, các chuyên gia hiện đang đặt câu hỏi về khuyến nghị chính thức của WHO.

Những trường hợp không được ghi nhận

Thứ nhất, có một số bằng chứng mới nổi cho thấy có nhiều “người mang mầm bệnh thầm lặng” hơn, hoặc những người khỏe mạnh mang virus xuất hiện ít hoặc không có triệu chứng, so với suy nghĩ ban đầu của các chuyên gia.

Tại Trung Quốc, người ta ước tính rằng một phần ba các trường hợp dương tính không có triệu chứng, theo dữ liệu của chính phủ Trung Quốc được đăng bởi South China Morning Post.

Trên Diamond Princess, con tàu du lịch cập cảng ở Yokohama, khoảng một nửa trong số hơn 600 trường hợp dương tính phát hiện trên tàu được ghi nhận không có triệu chứng.

Một tỷ lệ tương tự ở các trường hợp không có triệu chứng đã được báo cáo ở Iceland, cho biết họ đang xét nghiệm người dân nước họ, với tỷ lệ cao hơn bất kỳ nơi nào khác trên thế giới.

Niềm tin chung là vì những người này không bộc phát các triệu chứng nên họ không dễ lây lan cho người khác. Nhưng một số người hiện đang đặt câu hỏi: Nếu tất cả mọi người đeo khẩu trang thì liệu những người mang virus thầm lặng sẽ không biến thành kẻ lây nhiễm?

Một nghiên cứu được công bố gần đây về các trường hợp ở Trung Quốc cho thấy “các trường hợp nhiễm virus không được ghi nhận”, hoặc những người có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng, rất dễ lây lan và là nguyên nhân gây ra gần 80% các trường hợp nhiễm virus dương tính.

Tuy nhiên, đây chỉ là một nghiên cứu và các nghiên cứu trong tương lai chắc chắn sẽ thêm sắc thái cho bức tranh tổng thể.

Khẩu trang có thể là một sản phẩm gần đây của lịch sử, kinh nghiệm với truyền nhiễm và chuẩn mực văn hóa. Nhưng khi tầm vóc của đại dịch này gia tăng, cùng với bằng chứng và nghiên cứu, hành vi của chúng ta có thể sẽ phải thay đổi một lần nữa.

Bài viết được bổ sung bởi Helier Cheung.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-52036216

 

Thư yêu cầu Vatican

chấm dứt ‘Thỏa thuận với Trung Quốc’

Hương Thảo

Gần đây, một nhóm các nhà hoạt động nhân quyền đã viết một bức thư lên Vatican, yêu cầu chấm dứt ngay lập tức thỏa thuận năm 2018 với Trung Quốc, trong đó quy định Vatican chỉ có thể bổ nhiệm các giám mục được Bắc Kinh chấp thuận.

Theo Vision Times, bức thư được viết sau khi xem xét những phát hiện của Tòa án xét xử Trung Quốc (China Tribuna) do Liên minh Quốc tế ủy quyền. Liên minh này bao gồm những người ủng hộ nhân quyền, các bác sĩ và luật sư. Toà án nhận thấy chính quyền Trung Quốc đã và đang, tiếp tục thu hoạch nội tạng sống từ các tù nhân lương tâm.

Các tù nhân được cho là đã bị sát hại thông qua việc bị tiêm thuốc làm bất động cơ thể, và cho phép mổ lấy nội tạng ra ngoài, trong khi họ vẫn còn sống. Cũng có nhiều trường hợp nạn nhân bị hãm hiếp và tra tấn. Cai ngục đã sử dụng roi điện để gây sốc các tù nhân. Một phụ nữ đã bị mù mắt sau khi liên tục bị sốc điện. Nhiều tù nhân là các học viên Pháp Luân Công.

Một trong các luật sư tại Toà án China Tribuna, chỉ ra rằng tội ác của chính quyền Trung Quốc đối với những người tập Pháp Luân Công có thể được coi là tội ác diệt chủng, về phương diện pháp luật.

Bức thư nêu rõ một số đại diện của Vatican đã làm ô danh Cơ đốc giáo khi ký một thỏa thuận như vậy với chính quyền Trung Quốc, mặc dù tai tiếng về nhân quyền của Bắc Kinh càng ngày càng tệ hại. Bức thư cũng lập luận rằng các chi tiết chính xác của thỏa thuận đã không được công khai, làm cho toàn bộ vấn đề trở thành một vụ bê bối.

Tờ ‘Catholic Herald’, một tờ báo công giáo có trụ sở ở Anh, cho hay “tòa án đã kết luận rằng những hành vi tội phạm như vậy của chính quyền Trung Quốc đã cấu thành tội ác chống lại loài người, và nói rằng họ chắc chắn còn hơn cả nghi ngờ rằng những tội ác như vậy đã xảy ra…. Việc phản đối thỏa thuận của Vatican với chính quyền Tập Cận Bình, cũng liên quan đến những vụ quấy rối và giam giữ các giáo sĩ Công giáo hàng đầu, và phá hủy các lăng mộ và nhà thờ Công giáo, vốn từ chối tham gia cái gọi là ‘Giáo hội yêu nước’ [ở Trung Quốc], đã trở nên vô cùng mạnh mẽ”.

Một báo cáo gần đây của tổ chức phi chính phủ ‘China Aid’ chỉ ra rằng cuộc đàn áp đối với Cơ Đốc nhân ở Trung Quốc, đã gia tăng do chính sách của Trung Quốc về phát triển “tôn giáo với đặc điểm Trung Quốc”.

Các nhóm Cơ đốc giáo bị chính quyền Trung Quốc chỉ trích vì dạy trẻ em các bài thánh ca. Ở một số nơi, các biểu tượng Cơ đốc giáo đã bị dỡ bỏ, và trẻ em dưới 18 tuổi bị cấm đi nhà thờ. Việc bán sách Kinh Thánh, mà không được chính quyền Trung Quốc chấp thuận, đều bị trừng phạt.

Ảnh hưởng của virus Vũ Hán đối với Công giáo

Ý là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất ở châu Âu do sự bùng phát virus Vũ Hán. Mặc dù chính phủ Ý đã gây áp lực buộc Vatican phải đóng cửa các nhà thờ, Giáo hoàng đã mở lại một số nhà thờ ở Rome.

Theo đài phát thanh RTE của Ai-len, trong một video được phát live-stream, Giáo hoàng nói: “các biện pháp quyết liệt không phải lúc nào cũng tốt… [Tôi cầu nguyện cho] các mục sư có sự phán xét tốt,… và đừng để những con chiên sùng đạo, trung thành của Chúa một mình, [Các linh mục nên] can đảm đi ra ngoài và gặp người bệnh, mang lại sức mạnh về lời răn của Chúa”.

Ở Anh, các nhà thờ Công giáo La Mã được cho là đang chuẩn bị cấm các cuộc tụ họp lớn, bao gồm Thánh lễ. Tại một số nhà thờ, nước thánh đã bị loại bỏ. Những cái bắt tay đã được thay thế bằng cách cúi đầu. Các thành viên đã bị cấm uống rượu qua các chén thánh chuyền. Các mục sư đã được hướng dẫn rửa tay trước khi phân phát ‘bí tích thánh thể’.

Theo Vision Times

Hương Thảo dịch và biên tập

https://www.dkn.tv/the-gioi/thu-yeu-cau-vatican-cham-dut-thoa-thuan-voi-trung-quoc.html

 

Corona có thể khiến hàng chục triệu người thất nghiệp

Những người mất việc trên toàn cầu vì cuộc khủng hoảng virus corona có thể vượt quá 25 triệu, theo ước lượng cách đây vài ngày, các giới chức LHQ cho biết hôm 26/3 giữa lúc đơn xin trợ cấp thất nghiệp tại Mỹ lên đến mức kỷ lục cho thấy mức độ tai họa của nền kinh tế.

Tổ chức Lao động Quốc tế ILO, một cơ quan Liên hiệp quốc, ước lượng cách đây một tuần căn cứ vào những kịch bản khác nhau về ảnh hưởng của đại dịch đối với tăng trưởng, con số thất nghiệp toàn cầu sẽ tăng từ 5,3 triệu tới 24,7 triệu ngưởi.

Tuy nhiên ông Sangheon Lee, giám đốc cục chính sách nhân dụng của ILO, nói với Reuters hôm 26/3 là mức độ thất nghiệp tạm thời và con số những người xin trợ cấp thất nghiệp cao hơn dự tính.

“Dự tính sẽ lớn hơn, cao hơn 25 triệu như chúng tôi ước lượng.”

Cuộc khủng hoảng tài chánh toàn cầu 2008/2009 khiến 22 triệu người thất nghiệp trên thế giới.
Tại Mỹ, cũng như nhiều phần trên thế giới, các biện pháp chế ngự đại dịch đã làm cho nước Mỹ thình lình ngưng trệ, con số người Mỹ xin trợ cấp thất nghiệp tăng hơn 3 triệu trong tuần qua.

Điều này phá kỷ lục trước đây là 695.000 người năm 1982. Các nhà kinh tế được Reuters thăm dò nói người xin tiền thất nghiệp sẽ lên đến 1 triệu, dù ước lượng có thể lên tới 4 triệu.

Dữ liệu do chủ tịch Ngân hàng Trung ương Saint Louis James Bullard đưa ra làm tăng thêm báo động. Ông cảnh báo là khoảng 46 triệu người, một phần ba nhân công Mỹ, có thể mất việc trong ngắn hạn.

Trong khi đó, tại Anh, chính phủ nói 477.000 người trong 9 ngày qua đã đệ đơn xin Universal Credit, tức tiền giúp chi trả cho những người thất nghiệp hay lợi tức thấp. Cơ quan nghiên cứu Resolution Foundation cho hay số này đã tăng hơn 500% so với cùng kỳ năm 2019.

https://www.voatiengviet.com/a/corona-c%C3%B3-th%E1%BB%83-khi%E1%BA%BFn-h%C3%A0ng-ch%E1%BB%A5c-tri%E1%BB%87u-ng%C6%B0%E1%BB%9Di-th%E1%BA%A5t-nghi%E1%BB%87p-/5347944.html

 

Đại dịch toàn cầu: Ai cũng có thể ký đơn

yêu cầu chính quyền Trung Quốc chịu trách nhiệm

Trương Thanh

Sau một loạt những cáo buộc của dư luận thế giới về những hành động khiến virus Vũ Hán bùng phát thành đại dịch, Đảng Cộng sản Trung Quốc đang phải đối diện với những yêu cầu chịu trách nhiệm cho hơn 530.000 ca nhiễm bệnh và hơn 24.000 người tử vong trên toàn cầu.

Ngày 16/3, đơn thỉnh nguyện kêu gọi chữ ký kiến nghị với Tổng thống Trump để yêu cầu Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) chịu trách nhiệm về virus Vũ Hán đã được thiết lập trên trang web We the People của Tòa Bạch ốc.

Đây là nền tảng trao quyền cho công chúng thực hiện quyền lợi nói lên tiếng nói của mình.

Theo ‘We the People’, quyền kiến nghị chính phủ được đảm bảo bởi Bản sửa đổi Hiến pháp Hoa Kỳ đầu tiên. Các kiến nghị sẽ được xem xét nếu thu thập được 100.000 chữ ký trong 30 ngày.

Bức thư thỉnh nguyện được ký tên “H.J.” viết rằng, do sự phủ nhận và lừa dối của ĐCSTQ, dịch bệnh Vũ Hán đã lan rộng khắp toàn cầu. Trong thư viết:

“Ngay từ đầu, ĐCSTQ đã nói dối về căn bệnh này, hạ thấp số lượng (ca nhiễm) và đàn áp các bác sĩ nói về sự bùng phát. Sau hai tháng, ĐCSTQ thừa nhận có vấn đề, nhưng từ chối lời đề nghị giúp đỡ của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC, Hoa Kỳ). Hơn nữa, Trung Quốc đang có hành động chống lại những người gọi nó là virus Vũ Hán và đang đổ lỗi cho Hoa Kỳ về virus này.

Cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ Robert O’Brien đã nói đúng rằng việc Trung Quốc che giấu virus đã khiến cộng đồng thế giới lãng phí thời gian hai tháng.

Chính quyền ĐCSTQ phải chịu trách nhiệm cho việc che đậy sự bùng phát và cho sự suy thoái kinh tế toàn cầu sắp xảy ra”.

Tiếp theo đó, một lá đơn khác được thiết lập ngày 20/3 trên We the People đã kiến nghị đổi tên virus Vũ Hán mà Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) gọi là COVID-19 thành “virus Trung cộng”, để gắn trách nhiệm cho ĐCSTQ về sự bùng phát toàn cầu.

Trong đơn, người thiết lập “X.L” viết: “ĐCSTQ đầu tiên đã khiến người dân Trung Quốc mắc bệnh sau đó dần lan rộng ra khắp thế giới. Chính bản chất toàn trị và sự không trung thực của ĐCSTQ đã gây ra thảm họa y tế cộng đồng này.

Do đó, virus corona chủng mới nên được gọi là virut Trung cộng, để phản ánh chính xác nguồn gốc của nó. Hãy bắt đầu điều tra về nguồn gốc gây nên đại nạn này. Hãy bắt đầu gọi virus corona mới là virus Trung cộng”.

Trước đó, một số nhà phân tích chính trị và nhiều kênh tin tức trên toàn cầu đã đưa ra những chứng cứ chứng minh ĐCSTQ phải chịu trách nhiệm cho sự lan rộng của virus, như kênh WION, The Times UK, The Wall Street Journal, SCMP…

Tờ The Hill ngày 17/3 dẫn lời của ông Bradley A. Thayer và ông Lianchao Han rằng Tổng giám đốc WHO, Tedros Adhanom Ghebreyesus, cũng như Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, phải chịu trách nhiệm về đại dịch chết người này.

Ông Eduardo Bolsonaro, con trai Tổng thống Brazil, hôm 19/3 đăng trên mạng xã hội Twitter rằng, đại dịch COVID-19 là lỗi của Trung Quốc: “Bên chịu trách nhiệm cho đại dịch toàn cầu này có họ và tên là: Đảng Cộng sản Trung Quốc”, ông đề cập đến dịch COVID-19 khởi phát tại Vũ Hán, thủ phủ tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc vào cuối năm 2019.

Hãng Fox News, ngày 21/3 cũng đưa tin, ông John Bolton, cựu Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ đã lên án chính quyền Trung Quốc trong việc xử lý dịch bệnh và kêu gọi phần còn lại của thế giới hãy “hành động” trong việc buộc chính quyền này phải chịu trách nhiệm.

Luận điểm của làn sóng kết tội này dựa trên các lý lẽ chủ yếu, rằng ĐCSTQ đã che giấu sự bùng phát của dịch bệnh từ tháng 11/2019; Bịt miệng người cảnh báo từ đầu tháng 12; Vẫn che giấu con số thực sự cho tới hiện tại; Để những người bị nhiễm bệnh đi khắp nơi trên thế giới; Dùng lý lẽ không kỳ thị để yêu cầu một số nước không được đóng cửa biên giới với Trung Quốc; Từ chối sự trợ giúp của Mỹ và các nước khác; Thao túng WHO khiến thế giới bị lừa về tính nghiêm trọng của dịch bệnh; Đe dọa chính phủ các nước rằng Trung Quốc sẽ ngừng xuất khẩu vật tư y tế quan trọng; Lan truyền tin giả về nguồn gốc của virus; Dùng luận điệu phân biệt chủng tộc để thoái thác trách nhiệm…

Dư luận đang muốn làm rõ hơn nữa trách nhiệm của chính quyền Trung Quốc trong đại dịch lần này. Việc nâng cao nhận thức cộng đồng và nói lên tiếng nói yêu cầu sự minh bạch là một việc làm ngày một

cấp thiết. Bởi đó không chỉ là việc quy trách nhiệm, đòi hỏi những sai phạm phải bị trả giá, mà còn là một giai đoạn lịch sử quan trọng cần được làm rõ để sai lầm nghiêm trọng (khiến hàng chục nghìn người thiệt mạng theo con số báo cáo) không thể lặp lại. Việc phơi bày bản chất của một chính thể gian dối, độc tài, bạo ngược, không chỉ để thế giới cảnh tỉnh, tránh thiệt thòi khi thiết lập quan hệ với họ, mà còn để giúp chính người dân của quốc gia đó không bị lừa dối và đàn áp thêm nữa.

Nếu bạn đồng ý gọi virus Corona chủng mới là “virus Trung cộng” hay “virus ĐCSTQ”, cũng như yêu cầu Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về sự bùng phát đại dịch toàn cầu, hãy hoàn thành qua ba bước đơn giản để thể hiện điều đó:

1. Vào đường link:

https://petitions.whitehouse.gov/petition/lets-start-calling-novel-coronavirus-ccp-virus

https://petitions.whitehouse.gov/petition/petition-president-donald-trump-hold-chinas-government-accountable-coronavirus

2. Điền họ tên của bạn, địa chỉ mail và nhấn Sign Now

3. Mở email của bạn và nhấn Confirm your signature để hoàn tất.

Tính đến 3h00 chiều (giờ Hà Nội) ngày 27/3/2020:

Đơn yêu cầu ĐCSTQ chịu trách nhiệm về virus Vũ Hán trên trang web We the People của Nhà Trắng nhận được 44.465 chữ ký, cần thêm 55.535 chữ ký, cho đến ngày 15/4/2020.

Đơn kiến nghị đổi tên virus Vũ Hán mà WHO gọi là COVID-19 thành “virus Trung cộng” (CCP virus) nhận được 25.566 chữ ký, cần thêm 74.434 chữ ký, cho đến ngày 19/4/2020.

Video: Lịch sử che giấu tội ác của chính quyền Trung Quốc

https://www.dkn.tv/the-gioi/dai-dich-toan-cau-ai-cung-co-the-ky-don-yeu-cau-chinh-quyen-trung-quoc-chiu-trach-nhiem.html

 

Hội Đồng Châu Âu bất đồng

về giải pháp chống khủng hoảng virus corona

Thu Hằng

Cuộc họp lần thứ ba của Hội Đồng Châu Âu kể từ đầu dịch virus corona lại không có kết quả. Ngày 26/03/2020, sau sáu tiếng họp qua video, lãnh đạo của 27 nước vẫn chưa tìm ra được biện pháp kinh tế chung để đối phó với cuộc khủng hoảng dịch tễ chưa từng có này.

Trước khi bắt đầu cuộc họp thượng đỉnh, chủ tịch Nghị Viện Châu Âu David Sassoli, một nghị sĩ Ý, đã kêu gọi « các biện pháp đặc biệt để đối phó » với cuộc khủng hoảng vì cho rằng « điều chỉnh các phương tiện hiện có là vẫn chưa đủ ».

Tuy nhiên, thủ tướng Đức Angela Merkel đã không chấp nhận đề nghị của thủ tướng Ý cho phát hành công trái « eurobonds », có nghĩa là cùng liên đới chia sẻ gánh nợ (do phát hành công trái) của các nước khu vực đồng euro. Biện pháp này sẽ tạo điều kiện cho các nước Nam Âu đi vay , nhưng lại không được Hà Lan và Đức ủng hộ.

Đối với thủ tướng Ý, liên đới về các khoản vay là « biện pháp mạnh và tương xứng » với quy mô của dịch, trong bối cảnh Ý và Tây Ban Nha là hai nước bị dịch virus corona tác động nặng nhất ở châu Âu.

Sau cuộc họp, thủ tướng Đức cho biết : « Chúng tôi phát biểu cho Đức, nhưng cũng thay lời cho một số lãnh đạo khác tham gia cuộc họp, đây không phải là ý tưởng của tất cả các nước thành viên ». Bà Merkel tái khẳng định muốn áp dụng Cơ chế bình ổn châu Âu – MES, quỹ cứu trợ trong trường hợp khu vực đồng euro gặp khủng hoảng.

http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200327-h%E1%BB%99i-%C4%91%E1%BB%93ng-ch%C3%A2u-%C3%A2u-b%E1%BA%A5t-%C4%91%E1%BB%93ng-v%E1%BB%81-gi%E1%BA%A3i-ph%C3%A1p-ch%E1%BB%91ng-kh%E1%BB%A7ng-ho%E1%BA%A3ng-virus-corona

 

Anh Quốc sẽ sử dụng 3,5 triệu bộ xét nghiệm

kháng thể sau khi nhiễm Covid-19

Cách làm của Anh Quốc hiện là vẫn xét nghiệm tìm virus nhưng sẽ chuyển sang loại test kháng thể để biết ai đã nhiễm virus, đã khỏi và nay miễn nhiễm.

Mục tiêu, như Bộ trưởng Y tế Matt Hancock nói, là để “nhanh chóng ̣đưa người đã hết bệnh trở lại làm việc bình thường”.

Ông Hancock nêu ví dụ của nghị sĩ, thứ trưởng Y tế, bà Nadine Dorries, đã khỏi sau khi bị dính virus corona, và đã trở lại làm việc hôm 23/03.

Bao giờ đem ra áp dụng?

Trang SkyNews hôm 25/03 cho hay trên 3 triệu bộ xét nghiệm kháng thể (antibodies test) trong những người “đã mắc virus” sẽ được tung ra ở Anh trong vài ngày tới.

Giáo sư Sharon Peacok, giám đốc National Infection Service ở Anh nói “vài triệu bộ xét nghiệm đã được đặt hàng”.

Các tiệm dược phẩm như Boots, và trang bán lẻ Amazon sẽ cung cấp loại test này trên toàn nước Anh, và cách thử “đơn giản như que thử thai”, bà Peacock cho biết.

Theo trang Independent, xét nghiệm này chỉ cần 15 phút là làm xong và ai cũng có thể tự làm tại nhà.

Thế nhưng ban đầu xét nghiệm này sẽ được ưu tiên cho y bác sĩ, nhân viên ngành y tế, rồi mới đến các nhóm nghề nghiệp thiết yếu khác và công chúng.

Xét nghiệm sẽ tìm xem trong máu của bạn có kháng thể IGM, loại xuất hiện ở thời kỳ mới nhiễm bệnh, và IGG vốn có số lượng tăng lên khi cơ thể người phản ứng trước virus corona.

Test này không cho biết người ta hiện có bị mắc virus corona hay không mà chỉ cho viết người thử “có phải đã từng mắc virus Covid-19”.

Thế như, quan chức y tế hàng đầu của xứ Anh (England) nói các bộ test chưa thể áp dụng ngay tuần sau.

Ông Chris Whitty trả lời họp báo qua mạng cùng thủ tướng Boris Johnson chiều 25/03 xác nhận quan điểm của Anh Quốc là “việc xét nghiệm virus tìm người dương tính chỉ có ý nghĩa lớn giai đoạn đầu, khi Anh cần ngăn chặn nguồn dịch xâm nhập”.

Nay, ông nói cách làm đó “ngày càng không còn là đề nghị có lý”.

Việc chuyển sang test diện rộng loại tìm kháng thể tuy vậy, cần làm cẩn thận và chưa thể đem ra thực hành ngay.

Ông Whitty nói “xét nghiệm mà sai thì sẽ tạo tình huống người ta tưởng đã khỏi bệnh nhưng không phải”.

Các nước Anh, Đức chấp nhận sự thật là một số đông dân chúng đã mắc virus corona và tìm cách hạn chế lây lan.

Mục đích là để hệ thống y tế không bị quá tải nhằm tập trung nguồn lực điều trị cho bệnh nhân Covid-19 thuộc nhóm rủi ro cao.

Thế nhưng các nước này không tổ chức cưỡng bức cách ly như ở Việt Nam mà chỉ yêu cầu người dân cách ly tại nhà, không đến bệnh viện nếu không có triệu chứng nặng.

Chết ngày càng trẻ?

Trong mấy ngày qua, Anh cũng nghi nhận các ca tử vong trẻ hơn nhiều so với độ tuổi rủi ro.

Phó Đại sứ Steven Dick, 37 tuổi, qua đời ở Hungary hôm thứ Ba sau khi có xét nghiệm virus corona dương tính.

Đại sứ Iain Lindsay chia sẻ lời ca ngợi ông Dick, người “tạo ấn tượng tuyệt vời” ngay từ khi sang Hungary bắt đầu nhiệm kỳ tháng 10/2019, “và nói thạo tiếng Hung”.

Cho ̣đến 24/03, Hungary có 226 ca Covid-19 và 10 trường hợp tử vong.

Còn số tử vong ở Anh tính đến 19:00 tối thứ Tư là 440 nhưng có tin một cô gái 21 tuổi không có bệnh nền, đã chết vì virus corona.

Chloe Middleton ở High Wycombe, Buckinghamshire chết hôm 21/03 theo tin từ gia đình.Virus corona: Cô gái ở Anh 21 tuổi, không có vấn đề sức khỏe, qua đời

Mẹ cô lên mạng Facebook chia buồn và cảnh báo những người trẻ khác “về thực tế là virus corona đang giết người, cả thanh niên, không nên coi nhẹ nó”.

Một phụ nữ 36 tuổi ở London, Kayla William, cũng tử vong vì Covid-19.

Cùng thời gian, chừng 403 nghìn người ở Anh đã đăng ký làm việc thiện nguyện chống dịch virus corona sau khi chính phủ ra lời kêu gọi.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-52046197

 

Nhiều người Anh Quốc bị mắc kẹt ở khách sạn

 tại Việt Nam trong bối cảnh dịch coronavirus

Anh Jake Anderson đến từ London cho biết, anh và một số người bạn đã bỏ lỡ chuyến bay về nhà và lo lắng sẽ bị mắc kẹt vô thời hạn tại Việt Nam, trong bối cảnh các quốc gia trên thế giới thực hiện lệnh phong tỏa. Anh cùng những người bạn đi đến dự 1 đám cưới tại Việt Nam. Sau đó, họ nhận được thông báo rằng hành khách trên chuyến bay của họ có kết quả dương tính với coronavirus.Do đó, họ được yêu cầu xét nghiệm vào tuần trước.

Tờ Evening Standard dẫn lời anh Anderson cho biết, anh và những người bạn đang bị giữ trong một căn phòng khách sạn nhỏ hẹp ở Rising Dragon Villa Hotel tại Hà Nội. Không có ánh sáng tự nhiên trong căn phòng này và họ cũng không được liên lạc với con người.

Mỗi ngày, họ chỉ được cung cấp một bữa sáng nhỏ và một chai nước nhỏ. Ngoài ra, họ còn bị đe dọa sẽ bị bắt giữ nếu cố gắng rời khỏi khu vực trên. Anh cho biết thêm, anh phải kiểm tra khoảng 4-5 lần/ ngày nhưng không nhận được bất cứ thông tin gì sau mỗi lần kiểm tra. Một phát ngôn viên của khách sạn Rising Dragon Villa Hotel cho biết, những du khách trên sẽ được giữ trong phòng cho đến khi kết quả kiểm tra của họ được trả về vào khoảng thứ sáu (27/3).

Phát ngôn viên này cho biết thêm, thông thường, quá trình xét nghiệm chỉ mất 2 đến 3 ngày, nhưng do tình hình dịch đang lan rộng, việc xác định kết quả sẽ tốn nhiều thời gian hơn. Trong bối cảnh 80 quốc gia đặt ra những quy định hạn chế về biên giới, ông Dominic Raab, Ngoại trưởng Anh cho biết, nếu không còn phương án nào khác, những du khách Anh bị mắc kẹt ở ngoại quốc sẽ được cung cấp các khoản vay khẩn cấp để giúp họ về nhà.

BTT

https://www.sbtn.tv/nhieu-nguoi-anh-quoc-bi-mac-ket-o-khach-san-tai-viet-nam-trong-boi-canh-dich-coronavirus/

 

Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock hôm 27/3

cho biết ông dương tính nCoV, ngay sau khi

Thủ tướng Boris Johnson xác nhận nhiễm bệnh.

“Theo khuyến cáo y tế, tôi được khuyên xét nghiệm nCoV. Tôi đã có kết quả dương tính. Rất may, các triệu chứng vẫn nhẹ và tôi vẫn làm việc tại nhà cũng như tự cách ly. Chúng ta hãy tuân theo khuyến cáo để bảo vệ Cơ quan Y tế Quốc gia (NHS) và tính mạng mọi người”, Matt Hancock đăng trên Twitter hôm 27/3.

Khoảng một tiếng trước đó, Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng thông báo trên Twitter ông nhiễm nCov.

Hiện chưa rõ có bao nhiêu nhân viên văn phòng Thủ tướng và các bộ trưởng phải cách ly.

Trước đó, Điện Clarence ngày 25/3 thông báo Thái tử Charles dương tính với nCoV với triệu chứng nhẹ, sức khỏe tốt và làm việc tại nhà ở Birkhall, Scotland. Vợ của ông, bà Camilla, nữ Công tước xứ Cornwal, 72 tuổi, đã xét nghiệm và có kết quả âm tính.

Reuters đưa tin, giới chức Anh ghi nhận thêm 2.921 ca nhiễm virus Vũ Hán và 181 trường hợp tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số lên lần lượt là 14.579 và 759.

https://www.dkn.tv/the-gioi/bo-truong-y-te-anh-matt-hancock-nhiem-virus-vu-han.html

 

Thủ tướng Anh Boris Johnson nhiễm virus Vũ Hán

Hải Lam

Thủ tướng Anh Boris Johnson hôm 27/3 cho biết ông đã dương tính với nCov và đang tự cách ly.

“Trong 24 giờ qua, tôi có triệu chứng nhẹ, và có đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus corona. Tôi đang tự cách ly, nhưng vẫn sẽ tiếp tục lãnh đạo công tác ứng phó của chính phủ trong cuộc chiến chống virus bằng hệ thống họp qua video”, ông Boris Johnson đăng trên Twitter.

 

Reuters đưa tin, phát ngôn viên của văn phòng thủ tướng Anh cho biết ông Johnson, 55 tuổi, xuất hiện các triệu chứng nhẹ hôm 26/3, một ngày sau phiên họp báo hàng tuần của ông tại Hạ viện Anh.

 

Hiện chưa rõ có bao nhiêu nhân viên văn phòng Thủ tướng và các bộ trưởng phải cách ly.

 

Trước đó, Điện Clarence ngày 25/3 thông báo Thái tử Charles dương tính với nCoV với triệu chứng nhẹ, sức khỏe tốt và làm việc tại nhà ở Birkhall, Scotland. Vợ của ông, bà Camilla, nữ Công tước xứ Cornwal, 72 tuổi, đã xét nghiệm và có kết quả âm tính.

https://www.dkn.tv/the-gioi/thu-tuong-anh-boris-johnson-nhiem-virus-vu-han.html

 

Chính phủ Pháp chấp thuận sử dụng thuốc

Hydroxycholoroquine để điều trị coronavirus

Theo thông tin vừa nhận được vào lúc 7 giờ tối giờ địa phương, chính phủ Pháp đã chấp thuận cho sử dụng thuốc Hydroxychloroquine để trị dịch cúm coronavirus.

Trước sự nôn nóng của nhiều người đang muốn dùng “thuốc”  để tiêu diệt coronavirus, và  sau khi đã lấy ý kiến của các bác sĩ, chuyên gia dịch tể học, chính phủ Pháp đã chấp thuận cho nhà thương dùng thuốc Hydroxychloroquine kèm với thuốc anto-viral Lopinavir/Ritonavir để trị bệnh. Ưu tiên cho các bác sĩ chuyên về phong thấp, da, thận, não và thiếu nhi. Sau đó, bác sĩ gia đình mới có quyền tái cho đơn.

Hiện thuốc chỉ dùng cho bệnh nhân trong bệnh viện. Các loại thuốc kể trên cấm xuất cảng ra khỏi nước Pháp, và các tiệm thuốc tây cũng không được quyền bán các thuốc trên.

Mộc Miên

https://www.sbtn.tv/chinh-phu-phap-chap-thuan-su-dung-thuoc-hydroxycholoroquine-de-dieu-tri-coronavirus/

Pháp : Tương ái với những “chiến sĩ” tuyến đầu

chống dịch virus corona

Thu Hằng

Một đại lộ Champs-Elysée vắng lặng, một Tháp Eiffel không bóng người, một Nhà Thờ Đức Bà Paris chỉ còn lại những đàn chim bồ câu. Chưa bao giờ Paris và nước Pháp nói riêng, cũng như những thành phố lớn trên thế giới nói chung lại im lặng một cách đáng sợ như vậy. Im lặng trước một kẻ thù vô hình !

Virus corona làm đảo lộn tất cả, tác động đến mọi lĩnh vực, tấn công bất kỳ ai mà không phân biệt mầu da, quốc tịch, giầu-nghèo. Sau thời gian đầu xem nhẹ virus corona như một loại virus cúm mùa, chính quyền, rồi người dân Pháp bắt đầu hiểu và bất ngờ trước độ nguy hiểm của dịch Covid-19 : lây lan nhanh hơn và gây chết người hơn. Trong thời gian gấp rút chống dịch, mà đội ngũ y bác sĩ trên tuyến đầu, người dân Pháp có những cách thể hiện lòng biết ơn và tình liên đới rất riêng.

Những tràng pháo tay cổ vũ nhân viên y tế

Trước cả khi biện pháp phong tỏa được triển khai, cứ đúng 20 giờ hàng ngày, mọi người bỏ ngang công việc để ra ngoài ban công vỗ tay, hô vang những lời cảm ơn đội ngũ nhân viên y tế, xen lẫn trong tiếng gõ xoong nồi và tiếng còi xe hiếm hoi. Vài phút cũng là khoảnh khắc giúp tìm lại một chút dư vị của cuộc sống trong thời gian phong tỏa.

Bé Sophie, sống ở Joinville-le-Pont (ngoại ô Paris), cũng vậy. Tối nào bé cũng chờ đúng 20 giờ, để mở cửa sổ và vỗ tay :

« Tại vì con muốn cảm ơn và cổ vũ các y tá, bác sĩ và phần nào cũng để tưởng nhớ những bác sĩ đã qua đời. Chúng con cổ vũ họ bằng cách gõ xoong nồi, vỗ tay. Ngoài ra còn có nhiều người, như những người bán bánh mỳ, họ gửi bánh mỳ kẹp, bánh pizza đến bệnh viện để động viên các y bác sĩ. Bởi vì, nhờ họ

mà chúng ta có thể khỏi bệnh Covid-19. Nếu như không có các y tá, không có các bác sĩ, thì những người cần được chăm sóc, có lẽ đã qua đời hết rồi. Vì thế, chúng ta phải động viên họ ».

Đội ngũ nhân viên y tế trên tuyến đầu bắt đầu mệt mỏi, nhưng họ không buông tay. Với họ, không còn khác biệt giữa những ca trực. Còn cuộc sống gia đình riêng, họ chấp nhận hy sinh vì không đành lòng để đồng nghiệp xử lý những ca cấp cứu. Thế nhưng, những y bác sĩ tuyến đầu lại như « tay không bắt giặc » vì thiếu găng tay, khẩu trang, đồ phòng hộ. Chính phủ đã đặt mua thêm 250 triệu khẩu trang, trong kho dự trữ có hơn 117 triệu chiếc, nhưng số lượng đó sẽ giúp họ cầm cự được bao lâu khi mỗi tuần cần ít nhất đến 24 triệu khẩu trang các loại ? Đến ngày 23/03/2020, năm bác sĩ đã qua đời vì virus corona khi giúp bệnh nhân thoát khỏi siêu vi này.

Trách nhiệm thuộc về ai ? Vấn đề này hẳn sẽ được đưa ra tranh luận sau khi hết dịch. Những hiện tại, thời điểm khó khăn này cho thấy lòng tương ái của rất nhiều doanh nghiệp và người dân Pháp.

Toàn quốc quyên góp khẩu trang cho bệnh viện

Các tập đoàn lớn LVMH, L’Oréal, la Roche-Posay sử dụng gần hết kho cồn để sản xuất gel rửa tay khử trùng và cung cấp cho các bệnh viện, các nhà dưỡng lão… LVMH biến ba nhà máy chuyên sản xuất nước hoa Dior, Givenchy và Guerlain thành nơi sản xuất gel rửa tay diệt khuẩn, cung cấp miễn phí cho 39 bệnh viện ở Paris trong suốt thời gian cần thiết.

Nhiều lời kêu gọi quyên góp khẩu trang được hưởng ứng : một chiếc, hai chiếc đều quý. Người dân đưa trực tiếp cho bác sĩ thành phố, những người tham gia trong giai đoạn đầu điều trị bệnh nhân nhiễm virus corona, hoặc mang đến các bệnh viện.

Trên quy mô lớn hơn, tập đoàn LVMH, thông qua mạng lưới nhà cung cấp riêng, thông báo hôm 21/03 là tặng cho Pháp 10 triệu khẩu trang và đề xuất nhà nước mua thêm 40 triệu chiếc. Hai máy bay đầu tiên chở khẩu trang từ Trung Quốc hạ cánh xuống sân bay Roissy ngày 25/03. Tập đoàn truyền thông, xây dựng Bouyges tặng một triệu. Yves Saint Laurent và Balenciaga, thuộc tập đoàn Kering, huy động các xưởng may riêng để sản xuất khẩu trang theo đúng các biện pháp bảo vệ y tế nghiêm ngặt nhất.

Nhiều xưởng may nhỏ tư nhân, do gần như ngừng hoạt động vì quyết định phong tỏa, đã huy động nhiều nhân viên tình nguyện may khẩu trang vải, tặng cho người dân.

Chăm sóc con cái để người trên tuyến đầu yên tâm chống dịch

Rất nhiều hình thức tương ái khác liên tục được nhắc đến trong thời gian này. Các chủ nhà Airbnb, dù sao cũng phải đóng cửa vì không có khách, đăng quảng cáo cho nhân viên y tế mượn phòng, hoặc cho thuê với giá rất rẻ, trong trường hợp họ không về nhà để tránh nguy cơ lây nhiễm cho gia đình. Họ được miễn vé tầu xe, còn nhiều tài xế taxi tình nguyện chuyên chở họ miễn phí. Đối với những người có con nhỏ, các thành phố đã tổ chức những lớp học tương ái để coi con giúp họ. Chị Trần, một cô nuôi dạy trẻ ở Paris, tình nguyện viên trong thời dịch, giải thích :

« Khi mà tổng thống ra lệnh là tất cả các trường học đều đóng cửa, thành phố Paris đã quyết định sẽ mở tất cả các nhà trẻ trong tất cả các quận để giữ con cho tất cả những người trên tuyến đầu, như y tá, bác sĩ, những người làm việc ở bệnh viện.

Những cô nào có con dưới 16 tuổi thì được ở nhà để giữ con. Những cô giáo nào có con đã lớn hoặc không có con cái, họ sẵn sàng đi làm việc trong những ngày giới nghiêm để giúp những người y tá, bác sĩ để họ yên tâm làm việc.

Khi quyết định như vậy, các cô trong danh sách đi làm cũng rất lo sợ, bởi vì ai cũng sợ dịch bệnh hết, ai cũng muốn ở nhà và họ cũng không muốn đi làm. Nhưng khi giải thích ra thì mình phải đoàn kết và giúp đỡ những người trên tuyến đầu, bởi vì những người trên tuyến dễ nhiễm bệnh hơn, vậy tại sao mình ở tuyến sau mà lại không giúp đỡ ?

Với tình trạng thiếu an toàn lao động, thiếu khẩu trang, thiếu găng tay, thiếu đủ thứ như vậy, thì ai cũng sợ hết nhưng cũng bắt buộc phải đi làm, bởi vì cứ nghĩ thoáng một chút thì cũng bớt sợ đi ».

Tặng pizza cho những người trên tuyến đầu chống dịch

Quyết định phong tỏa đồng nghĩa với việc hàng quán không cần thiết phải đóng cửa, trong đó có cửa hàng pizza. Để tránh lãng phí thực phẩm trữ trong kho, rất nhiều chủ cửa hàng pizza, đã quyết định làm bánh, tặng đội ngũ nhân viên y tế ở các bệnh viện trong khu vực.

Eliz Navasquez, chủ một hiệu bánh pizza di động, đã miệt mài nướng khoảng 300 chiếc, tương đương với hai tối làm việc, để tặng cho cán bộ nhân viên y tế bệnh viện đại học Dijon. Việc vận chuyển đến bệnh viện được nhân viên cảnh sát đảm nhiệm vì họ là những người duy nhất có quyền được đi lại trong thành phố. Mất khoản doanh thu khoảng 3.500 euro nhưng việc làm này giúp anh thấy thoải mái, khi trả lời đài France 2 :

« Tôi làm thế này để làm ví dụ cho những chủ hàng khác hiện phải đóng cửa như chúng tôi và để tránh lãng phí thực phẩm vì tiếc là một số chủ hàng bánh pizza vất hàng hóa. Tôi thấy tuyệt vời, nụ cười của các nhân viên y tế như một điều gì đó thần kỳ và nếu như việc làm của tôi có thể giúp đội ngũ lấy lại tinh thần, thì thật tuyệt vời ».

Anh Adrien, quản lý một quán pizza Domino’s ở thành phố Caen, cũng có ý tưởng tương tự để cảm ơn đội ngũ nhân viên y tế.

« Trong nhiều ngày, chúng tôi đã nghĩ đến việc tặng bánh pizza cho tất cả những y tá và những người được huy động trong thời gian này. Vì thế, ngay khi ông chủ trả lời đồng ý, chúng tôi đã làm khoảng 60 bánh pizza tặng cho lính cứu hỏa và nhân viên y tế bệnh viện đại học Caen. Khi biết rằng sắp đến lúc phải đóng cửa và dĩ nhiên chúng tôi không thể vất hết đồ dự trữ và vì chúng tôi muốn sử dụng kho hàng của mình một cách tốt nhất nên chúng tôi nghĩ đến việc tặng bánh pizza cho nhân viên y tế và lính cứu hỏa. Chúng tôi còn có thể làm như vậy thêm được vài ngày ».

Trên tài khoản Twitter ngày 20/03 Adrien cho biết trong vòng ba ngày, cửa hàng đã làm 1.100 bánh pizza tặng cho nhân viên y tế, lính cứu hỏa và người vô gia cư.

Cuối cùng, Jean-Jacques Goldman, nhạc sĩ-ca sĩ nổi tiếng, nhân vật được người Pháp yêu quý nhất, có cách riêng để ghi ơn các nhân viên y tế và những người trên tuyến đầu chống dịch, bằng cách phổ lại lời bài hát Il changeait la vie (Anh ấy thay đổi cuộc đời, 1988) thành Ils sauvent des vies (Họ cứu những cuộc đời) :

« Đó là những ông bố và bà mẹ, những bác sĩ, những nhân viên đẩy băng-ca, những hộ lý, y tá, nhân viên an ninh, những người có hàng nghìn lý do để ở nhà nhưng lý do riêng của họ, đó là không từ bỏ. Họ cho chúng ta thời gian, tài năng và trái tim quên mệt mỏi, nỗi sợ, thời giờ. Không mầu mè như những lời phát biểu, không giống như những luận thuyết lớn, với nhiệm vụ hàng ngày, họ cứu sống những cuộc đời ».

« C’est des pères et des mères, docteurs, brancardiers, aides soignantes, infirmières, agent de sécurité, qui ont mille raisons de rester confinés mais leur propre raison c’est de ne pas laisser tomber. Ils nous donnent du temps, du talent et du cœur oubliant la fatigue, la peur, les heures. Et loin des beaux discours, des grandes théories, à leur tâche chaque jour, ils sauvent des vies ».

http://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A1p/20200327-ph%C3%A1p-t%C6%B0%C6%A1ng-%C3%A1i-v%E1%BB%9Bi-nh%E1%BB%AFng-chi%E1%BA%BFn-s%C4%A9-tuy%E1%BA%BFn-%C4%91%E1%BA%A7u-ch%E1%BB%91ng-d%E1%BB%8Bch-virus-corona

 

Kinh tế Pháp thấm đòn virus corona

Thanh Hà

Sau 10 ngày sinh hoạt cầm chừng vì lệnh phong tỏa, Viện Thống Kê Quốc Gia INSEE thẩm định kinh tế Pháp hoạt động 65 % so với bình thường. Một tháng trong tình trạng phong tỏa, kinh tế Pháp mất 3 điểm tăng trưởng.

Theo thẩm định của viện INSEE được đưa ra hôm 26/03/2020 trong vỏn vẹn một tuần lễ, 35 % công suất cỗ máy kinh tế Pháp bị đóng băng. Tình trạng này còn nghiêm trọng hơn nữa nếu lệnh phong tỏa kéo dài. Không hy vọng “bù lại” những thiệt hại trong quý 1 và 2 năm nay.

Một tuần vừa qua, các lĩnh vực nào bị “tê liệt hơn cả” ? 

Các chỉ số của INSEE cho thấy gần 90 % các công trường xây dựng đã phải ngừng hoạt động. Kế tới là lĩnh vực công nghiệp: các nhà máy chỉ hoạt động 50 % so với bình thường, và con số này dao động tùy theo từng ngành nghề. Thí dụ như các nhà máy sản xuất xe hơi tại Pháp đã phải đóng cửa, cho công nhân tạm nghỉ việc, hưởng quy chế “thất nghiệp tạm thời”. Ngược lại các nhà máy sản xuất trang thiết bị y tế, đồ bảo hộ từ găng tay cho đến khẩu trang, dung dịch khử trùng … thì làm việc 24 giờ trên 24 mà vẫn không kịp đáp ứng nhu cầu của thị trường nội địa.

Nhìn đến lĩnh vực dịch vụ, nếu như hầu hết các ngân hàng hoạt động cầm chừng thì ngược lại trong ngành viễn thông, hay các công ty bảo hiểm … nhân viên vẫn làm việc gần như bình thường, chủ yếu là nhờ một bộ phận nhân sự làm việc từ nhà. Riêng ngành du lịch và tất cả các dịch vụ kèm theo, từ nhà hàng đến khách sạn, hay các khu giải trí … thì tương lai chưa biết đi về đâu và không ít công ty thực sự bị đe dọa phá sản.

Chỉ số tiêu thụ của dân Pháp thì sao ? 

Đương nhiên với lệnh phong tỏa ngày càng khắt khe kể từ hôm 17/03/2020 đến nay, theo INSEE các hoạt động cũng đã giảm tối thiểu 35 % so với bình thường. Hàng quán, rạp phim, rạp hát, hộp đêm, hay các cửa hàng quần áo, trang thiết bị điện tử… đều đã phải đóng cửa. Một số người vẫn mua hàng qua internet, nhưng không thấm vào đâu so với bình thường. INSEE nói đến một sự “tuột dốc” trong các lĩnh vực này. Khoản chi tiêu của các hộ gia đình dành cho nhu yếu phẩm và thuốc men có khuynh hướng tăng thêm 5 %  trong 10 ngày qua. 

Lòng tin của giới chủ cũng “rơi xuống vực sâu” ? 

Với một bức tranh ảm đạm chưa biết tới khi nào virus corona mới buông tha, Pháp nói riêng và thế giới nói chung bao giờ mới thoát khỏi dịch bệnh ? Giới chủ thấy tương lai mịt mù. Theo viện INSEE chỉ số về mức độ tin tưởng của giới chủ tại Pháp đã “rơi xuống mức thấp nhất kể từ năm 1980 tới nay”. Tức là kể từ khi INSEE lập ra chỉ số về mức độ tin tưởng của lãnh đạo các công ty.

Đáng ngại hơn nữa như chính giám đốc Viện Thống Kê Quốc Gia Pháp ghi nhận đó là “cuộc thăm dò về mức độ tin tưởng của giới chủ được thực hiện trong hai tuần lễ đầu tháng 3/2020, tức là trước ngày toàn dân Pháp được kêu gọi giới hạn đi lại, và “ở trong nhà”.

Các dự phóng kinh tế liên tục thay đổi tùy theo mức độ lây lan của dịch bệnh

Đúng như vậy. Mới hôm 18/03/2020 Paris dự báo GDP trong năm nay giảm 1 %. Một tuần lễ sau Bruno Le Maire, bộ trưởng Kinh Tế Pháp không che giấu “Covid-19 tàn phá kinh tế toàn cầu tương tự như cuộc đại khủng hoảng hồi năm 1929”. Hãng bảo hiểm tín dụng Euler Hermes dự báo GDP của Pháp trong năm 2020 giảm 3 % nếu Pháp bị phong tỏa trong hai tháng. Cũng Euler Hermes báo động : số doanh nghiệp Pháp tuyên bố phá sản đã liên tiếp giảm trong bốn năm qua, nhưng thành tích đó bị Covid-19 thổi bay. Chỉ số này sẽ tăng 8 % từ nay tới cuối năm. Cơ Quan Quan Sát  Tình Hình Kinh Tế Pháp OFCE cũng không lạc quan hơn INSEE bao nhiêu với dự báo “các hoạt động giảm 50 % so với bình thường”. Ẩn số còn lại là giai đoạn đen tối đó “kéo dài bao lâu?”.

Trước mắt có những dấu hiệu cụ thể nào cho thấy cỗ máy kinh tế của Pháp đang bị chựng lại ? 

Covid-19 đã bắt đầu gây nhiều “thương tích” về mặt kinh tế. Tại Pháp, rõ rệt nhất, như chính bộ trưởng Kinh Tế Bruno Le Maire đã báo động “cỗ máy công nghiệp của Pháp chỉ hoạt động 25 %” so với một tuần lễ bình thường. Kế tới là  nhu cầu tiêu thụ về điện trên toàn quốc giảm 15 % trong tuần lễ đầu tiên Pháp có lệnh phong tỏa. Điểm thứ ba, là kể từ hôm 17/03/2020 khi lệnh phong tỏa chính thức có hiệu lực, một phần ba người lao động trong tình trạng “thất nghiệp tạm thời”, một phần ba làm việc từ xa và phần còn lại đi làm bình thương. Dấu hiệu thứ tư là khối lượng rác thải ra đã giảm đi đáng kể. Syctom, chuyên quản lý rác thải của Paris và 84 thành phố phụ cận cho biết rác họ xử lý giảm đi 25 % trong tuần qua, do các nhà hàng, quán cà phê và nhiều cửa hiệu đã phải đóng cửa.

Thêm một dấu hiệu khác cho thấy các sinh hoạt bị chựng lại đó là trên các tuyến xe chuyên chở công cộng, số hành khách đếm được trên đầu ngón tay. Ứng dụng Citymapper cho thấy tại Paris và Lyon chẳng hạn chỉ có 5 % những hành khách quen thuộc còn di chuyển bằng xe buýt, metro hay tàu điện tramway. Cảnh kẹt xe vào giờ cao điểm chung quanh các phố lớn từ Paris đến Bordeaux hay Lyon, Strasbourg … không còn nữa. Ứng dụng Sytadin “báo động” từ 40 năm qua chưa bao giờ vùng Île de France vào giờ cao điểm ghi nhận “Zero cây số tắc đường giao thông”.

Mỹ và Đức tung những kế hoạch hỗ trợ kinh tế hàng ngàn tỷ đô la, còn Pháp? 

Đúng là tại Hoa Kỳ, chính phủ vừa đạt đồng thuận với Quốc Hội lưỡng viện về một gói kích cầu 2.000 tỷ đô la. Đức vốn có truyền thống tiết kiệm chi tiêu công cộng cũng đã thông báo một kế hoạch gần 1.100 tỷ euro. Về phía Pháp, chính phủ tấn công cùng lúc trên nhiều mặt.

Thứ nhất là giải pháp chữa cháy. Trước mắt, riêng trong tháng 3/2020 các khoản đóng góp cho các quỹ an sinh xã hội từ phía doanh nghiệp được “giảm, dời lại hay hủy bỏ”. Đây là khoản thất thu 32 tỷ euro chính phủ sẽ gánh chịu.

Biện pháp thứ nhì là hỗ trợ người lao động và cả doanh nghiệp : chính phủ đài thọ các phí tổn trong trường hợp nhân viên bị mất việc vì lý do “kỹ thuật” tức là vì tác động dây chuyền virus corona gây nên. Biện pháp thứ ba là thành lập một quỹ liên đới trị giá 1 tỷ euro tránh để các doanh nghiệp vừa và nhỏ thậm chí là rất nhỏ của Pháp bị khai tử. Sau cùng, Nhà nước đứng ra bảo lãnh đến 300 tỷ euro tín dụng ngân hàng cho các doanh nghiệp.

Bộ Kinh Tế không loại trừ khả năng sẽ còn “đưa ra những biện pháp mạnh tay hơn nữa” để cứu vãn kinh tế. Tổng thống Emmanuel Macron từng tuyên bố sẽ làm tất cả “dù phải trả bằng bất cứ giá nào”.

Paris không phải một mình ra trận. Tuần trước, Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu (BCE) đã thông báo một kế hoạch « bom tấn 750 tỷ euro » để hỗ trợ 19 nước thành viên eurozone. Bên cạnh đó, BCE đã rót 100  tỷ euro cho các ngân hàng trung ương của các nước thành viên tránh để khu vực đồng euro thiếu hụt tiền mặt. Có điều BCE không hạ lãi suất chỉ đạo ngân hàng như Cục Dự Trữ Liên Bang Hoa Kỳ. Khủng hoảng kinh tế và tài chính virus corona gây nên là kịch bản khó tránh khỏi. Lãnh đạo 27 nước trong Liên Hiệp Châu Âu đang ráo riết tìm một cơ chế phối hợp về mặt tài chính để đối phó hiệu quả hơn.

http://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A1p/20200327-kinh-t%E1%BA%BF-ph%C3%A1p-th%E1%BA%A5m-%C4%91%C3%B2n-virus-corona

 

Pháp : Khủng hoảng khẩu trang y tế,

 « vết đứt gãy » cấp Nhà nước

Thùy Dương

Bất chấp những nỗ lực để đối phó với Covid-19, chính quyền của tổng thống Emmanule Macron vẫn bị phe đối lập chỉ trích là thiếu sự chuẩn bị để đối phó với dịch bệnh. Một trong những biểu hiện là sự thiếu hụt, khan hiếm khẩu trang y tế nghiêm trọng. Báo chí Pháp thậm chí còn gọi đây là « một vụ tai tiếng cấp Nhà nước », một « vết đứt gãy » cấp Nhà nước.

Sự khan hiếm khác thường

Cho đến tuần trước, bộ trưởng Y Tế Pháp vẫn khuyến cáo dân thường không đeo khẩu trang y tế, các loại khẩu trang phẫu thuật và khẩu trang FFP2 có bộ lọc tốt hơn chỉ để dành cho giới y bác sĩ và người bệnh. Trước đó, vào ngày 04/03/2020, nguyên thủ Macron ban hành sắc lệnh trưng dụng toàn bộ khẩu trang y tế FFP2 của các công ty, tổ chức nhà nước và tư nhân, cũng như kho hàng khẩu trang y tế của các công ty sản xuất và phân phối khẩu trang y tế để cung cấp cho y bác sĩ và bệnh nhân.

Thế nhưng, cho đến nay, các y bác sĩ trong các bệnh viện, nhân viên chăm sóc người cao tuổi tại các trung tâm EHPAD dành cho người già yếu … đều than phiền là không có khẩu trang để đeo, trong khi hàng ngày đều phải đối mặt với nguy cơ lây nhiễm virus. Khẩu trang chỉ được phân phối theo kiểu « nhỏ giọt ».

Sự khan hiếm khẩu trang và nhu cầu tăng mạnh trong bối cảnh dịch bệnh đã dẫn đến tình trạng khẩu trang y tế tại các bệnh viện, cơ quan y tế bị đánh cắp với số lượng lớn, điển hình là Cơ quan quản lý các bệnh viện công của Paris AP-HP bị mất trộm 8300 khẩu trang. Bệnh viện Conception ở thành phố Marseille, miền nam nước Pháp cũng mất 2000 khẩu trang. Ngoài ra, còn có một số vụ bán khẩu trang đã hết hạn sử dụng, nạn gian lận tuồn khẩu trang bán ra chợ đen.

Ngày 23/03, báo Le Figaro cho biết trong tình hình hiện nay, mỗi tuần nước Pháp cần 24 triệu khẩu trang y tế, trong bối cảnh kho dự trữ quốc gia chỉ còn 86 triệu, trong đó chỉ có 5 triệu khẩu trang FFP2, loại khẩu trang hiệu quả để tránh bị lây nhiễm virus qua đường hô hấp. Tuy nhiên, số liệu 24 triệu cũng chỉ là con số do chính phủ đưa ra, nhu cầu khẩu trang trên thực tế có lẽ sẽ cao hơn nhiều lần. Tình hình khan hiếm khẩu trang y tế nghiêm trọng đến mức Pháp đã phải nhận 1 triệu khẩu trang do Trung Quốc trợ giúp. Bộ Quốc Phòng Pháp cũng phải huy động kho dự trữ của quân đội để tiếp tế cho bộ Y Tế.

Tại sao nước Pháp lại lâm vào cảnh thiếu thốn đến như vậy ? Từ khi nào ? Từ trước tới nay, nước Pháp dự trữ khẩu trang ở mức nào ? Ai là người phải chịu trách nhiệm về tình trạng hàng tỉ khẩu trang dự trữ trong kho chiến lược quốc gia « bốc hơi » nhanh đến như vậy ? … Hàng loạt câu hỏi được phe đối lập và công luận đặt ra trong những ngày qua. Báo chí Pháp cũng « nhập cuộc » hiểu cho rõ ngọn ngành.

Nguồn cơn ?

Môt trong những khẳng định đầu tiên của nhật báo Le Journal du dimanche hôm Chủ Nhật 22/03/2020 là trong những năm 2000, khẩu trang y tế chất đầy kho dự trữ chiến lược quốc gia Pháp. Ở những năm 2000, các cơ quan y tế nhận định khẩu trang giữ vai trò quan trọng để ngăn ngừa sự lây lan của virus. Lo sợ dịch cúm gà có khả năng làm 500.000 dân Pháp thiệt mạng, Kế hoạch quốc gia hồi tháng 01/2006 lấy khẩu trang y tế làm trọng điểm : khẩu trang FFP2, với khả năng bảo vệ cao khi xảy ra dịch bệnh, được dành cho các y bác sĩ hành nghề ở bệnh viện và các phòng khám tư nhân, cảnh sát và nhân viên bán hàng. Khẩu trang phẫu thuật dành cho những người chưa nhiễm virus.

Và điều quan trọng đối với bộ Y Tế Pháp dưới thời bộ trưởng Xavier Bertrand, là cơ quan y tế  biết họ có bao nhiêu khẩu trang, chủ động được về nguồn cung và biết khẩu trang được tích trữ ở đâu. Để tránh phụ thuộc vào hàng châu Á, chính phủ Pháp cũng thúc đẩy việc thành lập một dây chuyền sản xuất quy mô quốc gia gồm 4 doanh nghiệp với khả năng sản xuất tới 400 triệu khẩu trang/năm. Khẩu trang y tế, nhất là khẩu trang FFP2, được coi là mặt hàng dự trữ chiến lược quốc gia.

Trả lời phỏng vấn của đài France Inter ngày 23/03, cựu bộ trưởng Xavier Bertrand (2005-2007 và 2010-2012) hồi tưởng là trong chuyến công du châu Á, Trung Quốc, Việt Nam, ông đã được lãnh đạo y tế các nước này giải thích là họ coi khẩu trang sản xuất trong nước là phương tiện bảo vệ được ưu tiên. Trở về nước, ông đã trao đổi với tổng thống Jacques Chirac về nguy cơ Pháp không thể được cung ứng khẩu trang nếu xảy ra đại dịch. Tổng thống Jacques Chirac đã bật đèn xanh để bộ Y Tế đặt mua khẩu trang dự trữ cần thiết và cho phép các nhà máy tăng sản lượng nếu cần thiết.

Từ đó Pháp trở thành một trong các quốc gia có nhiều khẩu trang dự trữ nhất dựa vào tỉ lệ tính theo đầu người. 1/3 lượng khẩu trang sản xuất hàng năm trên thế giới nằm trong tay nước Pháp. Đến năm 2007, nhờ bộ trưởng Y Tế Bertrand, có một điều mới được ghi vào luật : Mỗi năm, bộ trưởng Y Tế phải xác định rõ trong dự trù ngân sách số khẩu trang đặt mua để bổ sung vào kho quốc gia.

Vào năm 2009, dưới thời tổng thống Nicolas Sarkozy, khi xảy ra dịch cúm H1N1, theo một báo cáo của Thượng Viện Pháp, kho dự trữ quốc gia của Pháp có gần 580 ngàn khẩu trang FFP2 và hơn 1 tỉ khẩu trang phẫu thuật.Trên thực tế, bộ trưởng Y Tế Pháp thời đó là bà Roselyne Bachelot (2007-2010) cũng rất chú ý đến công tác tích trữ khẩu trang đề phòng xảy ra dịch bệnh.

Đến năm 2010, bà bị chế giễu và chỉ trích là lãng phí tiền ngân sách vào kho khẩu trang. Thế nhưng, khi phải giải trình trước Nghị Viện, bộ trưởng Y Tế Bachelot nhấn mạnh kho dự trữ khẩu trang là để phòng ngừa, phòng ngừa cho mọi kiểu đại dịch, không phải đợi đến khi bùng phát đại dịch mới lập kho dự trữ khẩu trang, kho dự trữ phải luôn sẵn sàng để có thể bảo vệ nước Pháp.

Vào tháng Giêng 2010, khi ông Xavier Bertrand lên làm bộ trưởng thay bà Bachelot, Hội đồng Cao cấp về Y tế Công cộng của Pháp HCSP khuyến cáo lãnh đạo Y Tế duy trì kho khẩu trang FFP2 để dành cho những các nhân viên y tế phải trực tiếp đối mặt với nguy cơ lây nhiễm cao khi xảy ra khủng hoảng dịch bệnh nặng nề. Hôm thứ Sáu tuần trước 20/03, cựu lãnh đạo Y Tế Pháp, nay là chủ tịch vùng Haut de France phát biểu với báo giới là khi ông rời chức vụ vào năm 2012, có 1,4 tỉ khẩu trang trong kho quốc gia : 600 khẩu trang FFP2 và 800 triệu khẩu trang y tế thông thường. Giám đốc của các cơ quan y tế cấp vùng (ARS), nắm rõ số lượng khẩu trang dự trữ. Bộ Y Tế vẫn kiểm soát quyền mua khẩu trang cho kho dự trữ chiến lược quốc gia.

« Bước ngoặt » bắt đầu dưới thời bộ trưởng Y Tế Marisol Touraine, khi nước Pháp nằm dưới quyền lãnh đạo của tổng thống François Hollande (2012-2017). Gần 600 triệu khẩu trang FFP2 biến mất dần khỏi kho quốc gia. Trả lời báo Le Parisien, cựu lãnh đạo Y Tế Touraine thừa nhận vào năm 2013, chính bà đã quyết định không đặt hàng mới để bổ sung khẩu trang đầy kho quốc gia, sau khi tham khảo ý kiến được đưa ra trong một báo báo của Cơ quan Quốc phòng và An ninh quốc gia (SGDSN). Báo cáo 2013 của SGDSN lại dựa theo một báo cáo khác có từ hồi năm 2011, nhưng ngày càng ngả theo hướng không cần thiết tích trữ khẩu trang.

Và kết quả là khi khẩu trang tồn kho dần dần hết hạn sử dụng (5 năm), bộ Y Tế, cơ quan chịu trách nhiệm về kho khẩu trang, không đặt mua hàng mới để bổ sung. Số lượng khẩu trang cứ dần hao hụt từ năm này sang năm khác. Từ 600 triệu chiếc, đến năm 2015, lượng khẩu trang FFP2 đã giảm xuống chỉ còn « vài chục triệu ». Cựu bộ trưởng Marisol Touraine không nêu con số cụ thể của năm 2017, thời điểm bà hết nhiệm kỳ. Nhưng theo Le Figaro, dường như lượng khẩu trang FFP2 trong kho dự trữ của Pháp gần như « biến mất tăm » từ thời điểm đó.

Nhưng tại sao bộ Y Tế lại theo quan điểm không cần tích trữ nhiều khẩu trang ? Một cố vấn trong chính quyền thời đó xin ẩn danh lý giải trên nhật báo JDD hôm 22/03 theo đó, chính sách thời bộ trưởng Tourraine được đưa ra dựa trên quan điểm không cần có lượng hàng tích trữ khổng lồ nhưng điều quan trọng là trong trường hợp cần thiết, có thể nhanh chóng đặt hàng từ châu Á, nhất là từ Trung Quốc, công xưởng thế giới. Nhưng điều bất ngờ là Trung Quốc, nhà sản xuất khẩu trang lớn nhất thế giới lại trở thành ổ dịch Covid-19 đầu tiên, dẫn đến tình trạng cung không đủ cầu ngay tại nước này. Chính sách không dự trữ nhiều mà chỉ đặt mua từ châu Á đã khiến nước Pháp « trở tay không kịp ».

Một lý do khác là việc Nhà nước chuyển trách nhiệm lập kho dự trữ một số sản phẩm y tế, trong đó có khẩu trang, cho các bệnh viện. Bệnh viện có quyền quyết định có lập kho dự trữ hay không. Chính điều này đã góp phần khiến quy mô kho quốc gia về khẩu trang FFP2 bị thu hẹp. Trong khi đó, do ngân sách bị cắt giảm, nhiều bệnh viện không dự trữ nhiều trong kho, chỉ đặt mua khẩu trang với số lượng đủ dùng.

Liên quan đến khẩu trang phẫu thuật, các nhà báo điều tra của Le Figaro cho biết năm 2017, năm Emanuel Macron đắc cử tổng thống Pháp, chính là thời điểm đánh dấu « sự bốc hơi » nhanh chóng số lượng khẩu trang này. Ông Jérôme Salomon, giám đốc Tổng cục Y Tế Pháp, khi đó là cố vấn đặc biệt về an ninh y tế, trong một lá thư gửi ứng viên tổng thống Macron, đã nhấn mạnh đến việc nước Pháp có ít kinh nghiệm trong việc chuẩn bị và xử lý thảm họa y tế và kêu gọi phải chuẩn bị đối phó với nguy cơ xảy ra khủng hoảng y tế. Thế nhưng, theo Le Figaro, quan chức y tế Salomon cũng không hề nói tới việc cần thiết tạo lập lại một kho hàng dự trữ khẩu trang, mà chỉ quan tâm tới việc quản lý hành chính trong trường hợp khủng hoảng y tế quy mô lớn xảy ra.

Trở lại với cựu bộ trưởng Y Tế Marisol Touraine (thời tổng thống François Hollande), bà khẳng định năm 2017 kho dự trữ vẫn còn 754 triệu khẩu trang phẩu thuật. Khi ông Olivier Veran lên nắm quyền bộ trưởng Y Tế thay người tiền nhiệm Agnès Buzyn khi dịch bệnh mới bùng phát hồi đầu năm 2020, kho quốc gia có 145 triệu khẩu trang phẫu thuật. Điều này có nghĩa là dưới thời bộ trưởng Y Tế Agnès Buzyn kể từ năm 2017, bộ Y Tế Pháp đã làm « bốc hơi » 600 triệu khẩu trang phẫu thuật trong kho dự trữ quốc gia. Cho đến nay, bà Agnès Buzyn vẫn chưa bình luận về vấn đề này.

Dù trách nhiệm có thuộc về bộ trưởng nào, dưới thời tổng thống nào, thì theo công luận, cuộc khủng hoảng khẩu trang như hiện nay vẫn là « chưa từng có », « không thể lý giải nổi ». Một bài học đắt giá cho công tác quản lý thảm họa y tế của Pháp !

http://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A1p/20200327-ph%C3%A1p-kh%E1%BB%A7ng-ho%E1%BA%A3ng-kh%E1%BA%A9u-trang-y-t%E1%BA%BF-v%E1%BA%BFt-%C4%91%E1%BB%A9t-g%C3%A3y-c%E1%BA%A5p-nh%C3%A0-n%C6%B0%E1%BB%9Bc

 

Covid-19 : Tây Ban Nha, ổ dịch lớn thứ hai tại châu Âu

Minh Anh

Châu Âu vẫn đang vật vã đối phó với « kẻ thù tàng hình » virus corona chủng mới. Tây Ban Nha trở thành ổ dịch lớn thứ hai, trong khi Pháp chờ đợi đỉnh dịch được cho là « rất cao » sẽ tràn đến trong những ngày sắp tới.

Tây Ban Nha vượt ngưỡng 4.000 ca tử vong. Trong vòng 24 giờ nước này ghi nhận có thêm 655 người chết, nâng tổng số nạn nhân của Covid-19 lên thành 4.088 người. Theo bộ Y Tế Tây Ban Nha, cả nước đã có gần 56.190 ca nhiễm bệnh. Số ca tử vong tăng gấp 4 lần tính từ hôm thứ Sáu 20/3. Chính quyền Madrid hy vọng từ đây đến cuối tuần đỉnh dịch sẽ qua và con số nạn nhân sẽ sớm giảm xuống.

Tại Pháp, chính quyền và người dân giờ trong thế đón đỉnh dịch lớn trong những ngày sắp tới. Số người chết vì Covid-19 tiếp tục tăng mạnh, trong vòng 24 giờ đã có thêm 365 ca tử vong, trong đó có một thiếu nữ 16 tuổi, nâng tổng số người chết vì virus corona lên gần 1.700 ca. Trong bối cảnh này, chính quyền Pháp thông báo cho phép các bệnh viện sử dụng Chloroquine để trị Covid-19 sau nhiều tuần tranh cãi.

Nước Anh cũng đang đối mặt với đợt « sóng thần » bệnh nhân. Tổng số người chết vì Covid-19 là gần 580 người, trong đó có 115 ca mới trong vòng 24 tiếng, và gần 11.660 người nhiễm bệnh. Thụy Sỹ cũng không kém, trở thành quốc gia xếp hàng thứ 5 tại châu Âu khi vượt ngưỡng 10 ngàn ca nhiễm bệnh và hơn 160 người chết.

Tình hình dịch bệnh tại Ý có những dấu hiệu tích cực cho phép hy vọng trận dịch đang suy giảm. Tuy nhiên, giới chức Y tế cảnh báo không nên hy vọng quá sớm do diễn biến có chiều hướng phức tạp tại một số khu vực ở phía Nam.

Từ Roma, thông tín viên Anne Le Nir cho biết cụ thể :

Một trong những nhà vi trùng học nổi tiếng nhất nước, ông Roberto Burioni đã lên tiếng cảnh báo người dân Ý, những người sau 16 ngày bị cách ly ở nhà cho rằng những con số này là đáng khích lệ. Thế nhưng, theo vị chuyên gia này, cần phải diễn giải những con số này với một sự cẩn trọng tuyệt đối. Quả thật, cho dù số ca tử vong có giảm nhẹ trong vòng 24 giờ qua, nhưng có thêm 1.000 ca nhiễm mới, so với con số được ghi nhận hôm 25/03, nâng tổng số người nhiễm bệnh lên đến 70.000 người tính từ cuối tháng 2/2020.

Trong số các nhân viên y tế, hơn 6.000 người đã bị nhiễm và người ta tính được có 39 bác sĩ trên tuyến đầu bị chết. Ở miền Nam, hệ thống y tế vốn đã yếu kém, rủi thay dịch bệnh cứ tiếp tục lan nhanh. Đặc biệt là ở vùng Pouilles, Sicilia và Campania, những khu vực mà thống đốc Vincenzo de Luca e sợ rằng những vùng này sẽ sống trong một địa ngục thật sự trong 10 ngày sắp tới.

Trong bối cảnh tình hình dịch virus corona tiếp tục lan nhanh, chính quyền Berlin thông báo tăng cường khả năng tầm soát Covid-19 lên ở mức 500 ngàn xét nghiệm trong một tuần. Matxcơva thông báo đóng cửa các cửa hàng ăn uống và quán cà phê kể từ thứ Bảy (28/03). AFP cho biết ngay sau thông báo của chính phủ Nga, người dân ồ ạt mua hàng tích trữ. Đáng chú ý nhất là lượng bán bao cao su ở Nga tăng vọt 300% trong tháng Ba này.

 

http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200327-covid-19-t%C3%A2y-ban-nha-%E1%BB%95-d%E1%BB%8Bch-l%E1%BB%9Bn-th%E1%BB%A9-hai-t%E1%BA%A1i-ch%C3%A2u-%C3%A2u

 

Covid-19: Số ca tử vong ở Tây Ban Nha

đã vượt qua Trung Quốc

Mai Vân

Theo số liệu thông báo hôm nay 26/03/2020, Tây Ban Nha đã ghi nhận thêm 655 ca tử vong trong vòng 24 tiếng đồng hồ, đưa tổng số người thiệt mạng lên thành 4.089 người, cao hơn cả Trung Quốc (3.281). Tổng số người bị nhiễm từ hôm qua đến hôm nay cũng tăng từ 47.610 lên thành 56.188. Tình hình đó đã buộc chính quyền siết chặt thêm các biện pháp phong tỏa.

Trong đêm hôm qua rạng sáng hôm nay 26/03, chính quyền Madrid đã kéo dài thêm thời gian phong tỏa, đóng cửa trường học, nhà hàng và phần lớn cửa hàng cho đến ngày 14/04. Tây Ban Nha cũng quyết định mua đến 432 triệu đô la thiết bị bảo hộ như khẩu trang, găng tay, máy trợ hô hấp từ Trung Quốc.

Số tử vong vì Covid-19 tại Tây Ban Nha tăng vọt, nhưng vẫn đứng sau Ý. Tính đến hết ngày hôm qua, Ý đã bị thêm 683 người thiệt mạng trong vòng 24 tiếng đồng hồ, đưa tổng số lên thành 7.503 ca tử vong, trong khi số người bị lây nhiễm mới tại đây là hơn 3.490 ca.

Thị trưởng Vertova, miền bắc nước Ý, cho là tình hình còn “tệ hại hơn cả một cuộc chiến tranh”, Covid-19 đã khiến số người thiệt mạng tại thành phố này cao hơn cả thời Thế Chiến Thứ 2.

Đức chuẩn bị kế hoạch kinh tế 1.100 tỷ euro

Tại Đức, theo thống kê của viện Robert-Koch vào hôm nay, đã có hơn 36.000 ca nhiễm được ghi nhận và gần 200 người chết. Như vậy, trong vòng 24 tiếng đồng hồ, Đức đã có thêm gần 5000 ca nhiễm, số ca tử vong tăng thêm 1/3.

Trước tình hình Covid-19 lây lan nhanh, Hạ Viện Đức vào hôm qua đã thông qua một kế hoạch cứu vãn kinh tế lớn chưa từng thấy, gần 1.100 tỷ euro, sau nhiều năm chủ trương ngân sách nghiêm ngặt.

Kế hoạch này tính ra là gần bằng 1/3 tài sản mà Đức làm ra trong một năm và chưa từng thấy từ Thế Chiến Thứ 2. Theo lời của bộ trưởng Tài Chính Olaf Scholz, kế hoạch sẽ được Thượng Viện chính thức thông qua vào ngày mai 27/03, chủ yếu hỗ trợ cho các xí nghiệp.

http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200326-covid-19-s%C3%B4%CC%81-ca-t%C6%B0%CC%89-vong-%C6%A1%CC%89-t%C3%A2y-ban-nha-%C4%91a%CC%83-v%C6%B0%C6%A1%CC%A3t-qua-trung-qu%C3%B4%CC%81c

 

Tây Ban Nha ngừng sử dụng bộ kít xét nghiệm virus

của công ty Trung Quốc

Triệu Hằng

Thủ đô Madrid của Tây Ban Nha đã ngừng sử dụng bộ kít xét nghiệm nhanh COVID-19 do một công ty Trung Quốc sản xuất sau khi nghiên cứu thấy nó không chính xác, theo South China Morning Post ngày 27/3.

Nghi ngờ bao trùm về tính chính xác của những bộ kít xét nghiệm nhanh của công ty Trung Quốc, khi số ca nhiễm ở Tây Ban Nha tăng mạnh vào thứ Năm (26/3) lên 56.188 ca nhiễm và 4.089 trường hợp tử vong vì COVID-19.

Hiệp hội nghiên cứu bệnh truyền nhiễm và vi trùng học lâm sàng Tây Ban Nha (SEIMC), một trong những viện nghiên cứu hàng đầu của Tây Ban Nha, đã đăng trên trang web của mình rằng họ phát hiện ra bộ tăm bông lấy dịch mũi (nose swabs) được công ty Công nghệ sinh học Thâm Quyến (Shenzhen Bioeasy Biotechnology) sản xuất có tỷ lệ chính xác dưới 30%.

Tờ nhật báo El País của Tây Ban Nha báo cáo rằng chính quyền thành phố Madrid đã quyết định ngừng sử dụng bộ kít của Công nghệ sinh học Thâm Quyến và Bộ Y tế Tây Ban Nha yêu cầu công ty này thay thế nguồn cung cấp.

Tờ báo cho biết, chính quyền Tây Ban Nha đã đặt 340.000 bộ kit xét nghiệm từ công ty Trung Quốc.

Tờ El País cũng cho biết Tây Ban Nha đã được thông báo rằng bộ kít xét nghiệm của Công nghệ sinh học Thâm Quyến có thể cho kết quả xét nghiệm chính xác 80%, nhưng điều đó không trùng khớp với kết quả nghiên cứu của SEIMC.

Theo South China Morning Post

Triệu Hằng dịch và biên tập

https://www.dkn.tv/the-gioi/tay-ban-nha-ngung-su-dung-bo-kit-xet-nghiem-virus-cua-cong-ty-trung-quoc.html

 

Giải cứu hành tinh bằng cách tiết kiệm kiểu Nhật

Lily Crossley-BaxterBBC Travel

Với tay qua quầy để chuyền cho chúng tôi một gói senbei (bánh gạo) được gói rất đẹp mắt làm ở nhà, bà chủ cửa hàng lớn tuổi hòa cùng sự ngưỡng mộ của chúng tôi trước các mẫu mã đầy màu sắc.

Mỗi gói bánh được gói trong giấy washi truyền thống mà chủ cửa hàng nói rằng có thể được dùng lại để gói quà tặng hoặc để bao vở.

Ăn cá biển ngày càng dễ bị ngộ độc hơn

Loài cây cực độc cứu sống cả hòn đảo ở Nhật

Cá ngừ vằn nướng tái, món ăn ngon nhất Nhật Bản

“Mottainai,” bà gọi khi chúng tôi rời đi với giọng bà ngoại nghiêm khắc và ngoắc ngoắc ngón tay.

‘Tôn trọng’ đồ dùng

Phổ biến trong cuộc sống hàng ngày, mottainai đã trở thành lời nhắc nhở khi mọi người nói đến rác thải ở Nhật Bản trong nhiều thế kỷ, thể hiện sự kết nối có ý nghĩa giữa đồ vật và chủ sở hữu vốn bắt rễ sâu trong văn hóa Phật giáo.

Tập trung vào tinh túy của các vật thể, nó khuyến khích mọi người nhìn xa hơn văn hóa vứt bỏ của chúng ta và coi trọng từng đồ vật một cách độc lập, thêm chữ ‘R’ thứ tư, tức ‘respect’ – trong tiếng Anh có nghĩa là ‘sự tôn trọng’ – vào câu châm ngôn nổi tiếng: ‘giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế’ (reduce, reuse, recycle).

Khi sự bền vững trở thành trọng tâm toàn cầu, sắc thái của mottainai đem đến bộ khung thay thế cho liên kết của chúng ta với thế giới và những đồ vật chúng ta đem vào thế giới.

Nơi xuất xứ món mỳ sợi udon ở Nhật

Nơi tắm suối nóng ‘đỉnh cao’ ở Nhật

Tại sao người Nhật sạch sẽ đến mức cực đoan

Trong khi nhiều nỗ lực bền vững tập trung vào tương lai của hành tinh như là động lực, mottainai nhìn kỹ vào bản thân các đồ vật, tin rằng nếu bạn trân trọng một đồ vật ngay từ đầu thì sẽ không có lý do gì để lãng phí chúng cả.

Mặc dù tôi thường nghe câu nói mà các giáo viên dùng để mắng học sinh để cơm thừa vào bữa trưa, hoặc được các đồng nghiệp dùng như là lời bào chữa trắng trợn khi họ bới tìm những miếng khoai tây cuối cùng ở đĩa đồ ăn gần đó, tôi chưa bao giờ nghe thấy câu đó được dùng vì nghĩ đến tương lai của đồ vật cả.

Trong bối cảnh hiện tại của phong trào bảo vệ môi trường, việc giảm rác thải – cho dù là nhựa sử dụng một lần, tiêu thụ thực phẩm hay năng lượng – chiếm vị trí cao trong suy nghĩ chung của xã hội.

Được ngưỡng mộ vì có các hệ thống tái chế phức tạp và các thành phố sạch không tì vết, Nhật Bản dường như đã thành công trong việc làm chủ nghệ thuật ba chữ R, nhưng nhận thức này đã tạo ra tâm lý tự mãn nguy hiểm.

Trên thực tế, Nhật Bản là nước phát sinh chất thải nhựa tính trên đầu người cao thứ hai trên thế giới, sản xuất nhiều hơn toàn bộ Liên hiệp châu Âu.

Nguồn gốc lâu đời

Đối mặt với cuộc khủng hoảng toàn cầu này, giá trị của một từ duy nhất như mottainai có thể dễ dàng bị bác bỏ, nhưng sự phổ biến liên tục của nó trong đời sống hàng ngày ở Nhật Bản được một số người coi là công cụ lợi hại có sẵn để được tận dụng lại.

“Khái niệm mottainai bắt nguồn từ văn hóa Nhật Bản, nhưng gần đây người dân Nhật có xu hướng không quan tâm đến nó,” ông Tatsuo Nanai, người đứng đầu chiến dịch MOTTAINAI chính thức, giải thích.

Matcha thượng hạng chỉ có duy nhất ở Nhật Bản

Khách sạn tại Nhật Bản đang được lột xác?

Tổ chức phi chính phủ này được ra đời sau chuyến thăm vào năm 2005 của nhà bảo vệ môi trường người Kenya vốn từng đoạt giải Nobel, Wangari Maathai, với mục đích làm sống lại khái niệm này.

“Bà ấy biết về mottainai và bà ấy rất ấn tượng với khái niệm này,” Nanai nói, “bởi vì nó diễn đạt nhiều hơn một từ đơn lẻ.”

Sức mạnh tiềm tàng của Mottainai nằm ở ý nghĩa phức tạp của nó, xuất phát từ niềm tin Phật giáo cổ đại.

Mottai bắt nguồn từ từ ngữ Phật giáo vốn đề cập đến tinh túy của sự vật. Nó có thể được áp dụng cho mọi thứ trong thế giới vật chất của chúng ta. Nó cho thấy các vật thể không tồn tại trong cô lập mà được gắn kết nối với nhau,” Nanai cho biết.

Ông nói thêm rằng, “‘nai’ là sự phủ định, vì vậy ‘mottainai‘ trở thành sự thể hiện nỗi buồn trước sự mất kết nối giữa hai thực thể, sống và không sống.”

Sự gắn kết giữa chủ sở hữu và đồ vật là yếu tố cơ bản của văn hóa Nhật, được phản ánh trong mọi thứ, từ nghệ thuật sửa chữa truyền thống kintsugi cho đến niềm vui mà nhà tổ chức nổi tiếng Marie Kondo tìm kiếm.

Du khách có thể nhìn thoáng qua một chiếc bát được sửa chữa tinh tế trong một buổi trà đạo hoặc tình cờ đụng một trong những lễ hội hàng năm được tổ chức để cảm ơn các món đồ vật đã qua sử dụng.

“Khi mọi thứ không còn có thể được sử dụng được nữa, chúng tôi luôn nói với chúng ‘otsukaresama-deshita!‘, có nghĩa là ‘cảm ơn vì đã vất vả’,” Nanai nói.

Một ví dụ điển hình là các nghi lễ hari-kuyo, khi mà những chiếc kim khâu bị gãy được cho nghỉ hưu và được đặt vào đậu phụ mềm trong một buổi lễ tưởng niệm trang nghiêm để cảm ơn chúng.

Trân trọng tài nguyên giới hạn

Tuy nhiên, trong thế giới sản xuất hàng loạt và chủ nghĩa tiêu thụ, khó mà duy trì những kết nối với đồ vật, và điều này làm nổi bật khoảng cách ngày càng tăng của chúng ta với môi trường mà chúng ta dựa vào.

“Mọi người nghĩ chúng ta tách biệt với rừng và biển, rằng chúng ta vượt trội hơn thiên nhiên, nhưng cuộc khủng hoảng môi trường đã đánh thức ý thức của chúng ta trước thực tế rằng chúng ta là một phần của tự nhiên,” Nanai nói.

Ở một đất nước phải đối mặt với thiên tai thường xuyên và ngày càng nghiêm trọng, sức nặng của sự chia cách này được cảm nhận rõ nét.

Mối liên hệ kiểu này với hành tinh chúng ta được Maathai nhấn mạnh khi bà đi khắp thế giới và mang theo thông điệp mottainai.

Trong bài phát biểu tại lễ ra mắt Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc hồi năm 2006, bà đã minh họa mối liên hệ giữa nhân quyền và bảo tồn môi trường, dẫn ra sự tham lam đối với tài nguyên hạn chế của Trái Đất là ‘nguyên nhân gốc rễ của hầu hết các cuộc xung đột’.

Tiếp theo đó, bà nhớ lại chuyến đi đến Nhật Bản, nơi bà đã học về mottainai và bài học của nó ‘để biết ơn, không lãng phí và trân trọng tài nguyên có giới hạn’.

Nhờ vào Maathai, nhóm vận động của Nanai và cộng đồng ngoại kiều Nhật Bản, khái niệm về mottainai đang dần lan rộng trên toàn cầu.

Việt Nam tổ chức lễ hội mottainai hàng năm, được gọi là chương trình ‘Trao yêu thương, Nhận hạnh phúc’, trong khi khu phố Tiểu Tokyo của Los Angeles chọn nó làm chủ đề cho dự án tái sinh năm 2016 của họ.

Do đó, không có gì ngạc nhiên khi Thế vận hội Olympic và Paralympic năm nay tại Tokyo đang được sử dụng để làm nổi bật sự bền vững (tuy nhiên, do đại dịch Covid-19 nên Thế vận hội sẽ được hoãn tới năm sau, 2021).

Bên cạnh việc sử dụng năng lượng tái tạo, tận dụng các sân vận động và hệ thống giao thông hiện có cũng như có các kế hoạch trung hòa phát thải carbon, sẽ có hai biểu tượng rất dễ cho mọi người nhìn thấy: lễ đài sẽ được làm từ nhựa tái chế được thu thập từ khắp Nhật Bản; trong khi tất cả 5.000 huy chương sẽ được làm từ 100% kim loại tái chế, được chiết xuất cẩn thận từ các thiết bị điện tử do công chúng hiến tặng.

Bằng cách sử dụng các vật dụng cá nhân thay vì các thiết bị công nghiệp hoặc thương mại, mỗi lần hiến tặng cho phép chủ sở hữu cũ của thiết bị điện tử cảm nhận được sự đóng góp của mình vào các huy chương và cũng như toàn bộ giải đấu.

Khoảng cách thế hệ

Tuy nhiên, trong khi nâng cao nhận thức quốc tế về khái niệm này là một ưu tiên, sự cách biệt thế hệ về mottainai cần phải được khắc phục nếu như nó muốn tìm lại ảnh hưởng ở Nhật Bản.

Xem xét những thay đổi xã hội ở Nhật Bản trong thế kỷ qua – từ các cuộc thế chiến cho đến các bước tiến công nghệ nhảy vọt – phó giáo sư Misuzu Asari tại Trường Sau đại học về Môi trường Toàn cầu

thuộc Đại học Kyoto lưu ý rằng “nhiều người cao tuổi đã biết cái nghèo đói từ những trải nghiệm của họ trong và sau chiến tranh, và đã học được ‘mottainai‘ trong gian khổ. Tuy nhiên, những người thuộc thế hệ trẻ đã sống trong thời đại của cải vật chất phồn thịnh, do đó, có một khoảng cách lớn giữa người già và người trẻ”.

Bà giải thích rằng trong khi sự đứt kết nối của thế hệ trẻ với giá trị nội tại của một đồ vật có thể tạo ra lối sống tối giản hơn, thì nó lại dẫn đến tiêu thụ hàng loạt, với tình trạng đồ vật không được xem trọng và dễ dàng bị thay thế.

Nhằm thay đổi điều này, chiến dịch MOTTAINAI tập trung vào trẻ em và gia đình các em.

Bên cạnh các chợ trời bán đồ cũ MOTTAINAI vốn thường xuyên được tổ chức trên khắp Tokyo, nơi người ta buôn bán những mặt hàng đã qua sử dụng, chiến dịch này cũng tổ chức các khu chợ trẻ em – cho phép trẻ em mua bán đồ chơi và quần áo.

“Trẻ em là chìa khóa,” Nanai giải thích, đưa ra những bức ảnh về một phiên chợ gần đây được tổ chức tại Tokyo. “Các em biết tương lai của các em sẽ bị phương hại, vì vậy chúng tôi phải giúp đỡ các em bằng bất cứ cách nào có thể.”

Phụ huynh không được đến chợ và với giới hạn 500 yen, các chợ kiểu này được thiết kế để dạy trẻ em không chỉ giá trị của tiền, mà còn là cách làm khác thay vì vứt bỏ những món đồ cũ.

Từ chối sử dụng

Một phiên bản cực đoan hơn của tinh thần mottainai có thể được tìm thấy trên Shikoku, hòn đảo lớn thứ tư của Nhật Bản, nơi trẻ em là trọng tâm của sứ mạng đến năm 2020 sẽ không còn rác thải ở một thị trấn nhỏ.

Thị trấn Kamikatsu tuyên bố mục tiêu này hồi năm 2003, và giới chức đã làm việc với các gia đình và trường học để đem đến các giải pháp thay thế cho việc đổ rác.

Chủ tịch hội đồng Akira Sakano cho tôi xem một trò chơi mà bà sáng chế cho trẻ em địa phương khi tôi đến thăm vào tháng 12.

“Chúng tôi cho các em năm tùy chọn để giải cứu rác thải: đầu tiên là sử dụng lại, sau đó là dùng nó vào việc khác, chuyển đổi mục đích sử dụng, tái chế và để cho mục nát. Tất nhiên, chúng ta không thể lúc nào cũng giữ được đồ vật, vì vậy chúng tôi cho thêm hai lựa chọn – đưa đến bãi rác hoặc từ chối món đồ ngay từ đầu.”

Lựa chọn cuối cùng này, bà giải thích, là chìa khóa cho thông điệp của bà về việc giảm rác thải.

“Bằng cách từ chối, nó tương tự như mottainai, nhưng nó gần hơn với việc bạn có thể nghĩ ra ý tưởng mới như thế nào để không phải sử dụng đồ vật đó ngay từ đầu.”

Từ lời hứa sẽ từ bỏ các vật dụng dùng cho thức ăn nhanh cho đến đề xuất dùng chai có thể tái sử dụng, những em nhỏ địa phương tham gia vào chợ rõ ràng đã biết nằm lòng thông điệp.

Thị trấn cũng có một hệ thống tái chế 45 phần phức tạp và một cửa hàng trao đổi kuru-kuru vốn cho đến nay đã tìm được những ngôi nhà mới cho hơn 11 tấn đồ vật và vận hành một dự án chuyển đổi mục đích.

Giờ đây, với việc tái chế hơn 80% lượng rác thải, thị trấn đang trên đường hướng đến mục tiêu không còn chất thải và đang chào đón các thực tập sinh cùng du khách từ Nhật Bản và nước ngoài để chia sẻ những gì họ đã học được.

“Với đà gia tăng dân số và sự thiếu hụt tài nguyên trên toàn thế giới, trí tuệ, văn hóa và công nghệ sẽ là không thể thiếu để giúp sinh tồn,” Asari nói.

Từ tờ giấy gói đẹp đẽ đang bao những cuốn tập của tôi cho đến những huy chương tái chế được trao trên bục nhựa, sự kết nối giữa con người, đồ vật và thế giới chưa bao giờ quan trọng như vậy.

Bản tiếng Anh đã đăng trên BBC Travel.

https://www.bbc.com/vietnamese/vert-tra-52067548

 

Sau khi tổng thống Trump đề nghị hỗ trợ y tế,

tổng thống Nam Hàn đến thăm

công ty sản xuất test kit coronavirus

Vào hôm thứ Tư (25 tháng 3), tổng thống Nam Hàn Moon Jae-in đến thăm một công ty sản xuất bộ dụng cụ xét nghiệm coronavirus, sau khi nhận được yêu cầu khẩn cấp từ Tổng thống Trump về hỗ trợ y tế. Theo tuyên bố từ văn phòng Tòa Thanh Ốc, tổng thống Trump nói với tổng thống Moon trong cuộc điện đàm kéo dài 23 phút rằng ông sẽ giúp các nhà sản xuất Nam Hàn có được sự chấp thuận của Cơ quan Quản Trị Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cấp phép cho thiết bị của họ. Trong cuộc họp

với các công ty sản xuất bộ thử nghiệm, tổng thống Moon nói rằng chính phủ Nam Hàn sẽ hỗ trợ đầy đủ cho việc xuất cảng của các công ty. Cùng ngày thứ Tư, bà Jeong Eun-kyeong – giám đốc Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Nam Hàn (KCDC) xác nhận rằng Hoa Kỳ yêu cầu cung cấp thuốc thử để chẩn đoán coronavirus.

Mộc Miên

https://www.sbtn.tv/sau-khi-tong-thong-trump-de-nghi-ho-tro-y-te-tong-thong-nam-han-den-tham-cong-ty-san-xuat-test-kit-coronavirus/

 

Hàn Quốc kêu gọi người dân tiếp tục cách ly xã hội

Hải Lam

Giới chức Hàn Quốc hôm nay (27/3) đề nghị người dân tiếp tục ở nhà và tránh các cuộc tụ họp lớn trong bối cảnh nước này vẫn ghi nhận khoảng 100 ca nhiễm virus Vũ Hán mới mỗi ngày.

Chính phủ Hàn Quốc đang tìm cách thuyết phục người dân rằng biện pháp cách ly xã hội và tự cách ly vẫn cần thực hiện trong vài tuần tới nhằm giúp giới chức y tế kiểm soát dịch bệnh.

“Khi thời tiết đẹp hơn, tôi biết nhiều người dân có kế hoạch ra ngoài. Tuy nhiên, cách ly xã hội không thể thành công nếu chỉ có cá nhân thực hiện, nó yêu cầu toàn xã hội cùng góp sức”, ông Yoon Tae-ho, người phụ trách chính sách sức khỏe cộng đồng tại Bộ Y tế Hàn Quốc, phát biểu trong cuộc họp báo tại thủ đô Seoul hôm nay.

Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc sáng nay thông báo có thêm 91 ca nhiễm virus Vũ Hán, nâng tổng số người mắc bệnh lên 9.332, trong đó 139 người đã tử vong.

Bộ chỉ huy quân sự Mỹ trong tuần này đã ra lệnh hạn chế đi lại với 28.500 binh sĩ đang đóng quân ở Hàn Quốc. Lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc (USFK) hôm nay thông báo một nhà thầu Mỹ đã dương tính nCoV, trở thành người Mỹ thứ ba tại căn cứ Humphreys nhiễm virus Vũ Hán trong tuần này. Trước đó, vào cuối ngày 26/3, một nữ quân nhân được xác nhận nhiễm virus Vũ Hán và một nhà thầu Mỹ khác dương tính với nCov hồi đầu tuần.

Theo Reuters

Hải Lam dịch và biên tập

https://www.dkn.tv/the-gioi/han-quoc-keu-goi-nguoi-dan-tiep-tuc-cach-ly-xa-hoi.html

 

Quân đội Đài Loan tập trận xe tăng chiến đấu

Xe tăng chiến đấu xuất hiện trên đường phố Nghi Lan (Yilan), Đài Loan, vào thứ Tư ngày 25/3, khi căng thẳng trên eo biển gia tăng ngay trong đại dịch virus corona Vũ Hán.

Quân đội Đài Loan đã điều 4 xe tăng chiến đấu M60A3 tham gia một cuộc tập trận tại thị trấn Viên Sơn (Yuanshan) quận Nghi Lan. Vì đây là một cảnh tượng hiếm hoi nên nhiều người dân đã đổ xô ra xem khi xe tăng đi qua. Hôm thứ Tư cũng là ngày thứ ba của cuộc tập trận quân sự được tổ chức trên khắp Đài Loan.

Theo Cơ quan Thông tấn Quân sự Đài Loan (MNA), cuộc tập trận nhằm cải thiện hiệu quả chiến đấu của quân đội Đài Loan. Cuộc tập trận mô phỏng phản ứng của quân đội Đài Loan đối với cuộc xâm lược của quân đội Trung Quốc.

Taiwan News cho rằng, Bắc Kinh đang đẩy mạnh các hành động quân sự khiêu khích xung quanh Đài Loan trong những tuần gần đây trong một nỗ lực rõ thấy rõ nhằm “đánh lạc hướng” sự chú ý của cộng đồng quốc tế quanh việc Trung Quốc giải quyết thảm họa dịch COVID-19 do virus corona chủng mới (SARS – CoV – 2) gây ra.

Trước đó, ngày 16/3, lần đầu tiên máy bay chiến đấu và máy bay cảnh báo sớm của Trung Quốc được nhìn thấy trong một cuộc tập trận vào ban đêm gần không phận Đài Loan.

Ba ngày sau, Cơ quan Cảnh sát biển (CGA) số 9, ngoài khơi đảo Kim Môn (Kinmen) báo cáo các tàu của họ bị hơn 10 tàu cao tốc Trung Quốc tấn công, ném đá và chai lọ lên thuyền. Trong cuộc giao tranh, tàu CP-1022 bị các tàu cao tốc Trung Quốc cố tình đâm vào từ phía sau.

Phía Mỹ gần đây đã có nhiều hoạt động tại khu vực. Ngày 25/3, máy bay trinh sát Lockheed EP-3E của Hải quân Hoa Kỳ đã đi sát bờ biển phía tây nam của Đài Loan. Ngày 26/ 3, tàu khu trục trang bị tên lửa dẫn đường USS McCampbell (DDG 85) đi qua eo biển Đài Loan.

http://biendong.net/bien-dong/33795-quan-doi-dai-loan-tap-tran-xe-tang-chien-dau.html

 

Bảo vệ đồng minh, Mỹ điều

tàu khu trục USS McCampbell đi qua eo biển Đài Loan

Cơ quan phòng vệ Đài Loan (26/3) cho biết, tàu khu trục USS McCampbell thuộc Hạm đội 7 của Mỹ đã di chuyển qua eo biển Đài Loan.

Thông báo của lực lượng quốc phòng Đài Loan cho biết tàu khu trục USS McCampbell đã đi về phía Bắc, di chuyển qua eo biển Đài Loan; cho rằng đây là việc đi qua là “một hoạt động bình thường” và vì thế Đài Loan không cần phát báo động. Trong khi đó, Người phát ngôn của Hạm đội 7 của Mỹ Anthony Junco cho biết, tàu khu trục USS McCampbell có trang bị tên lửa dẫn đường đã tiến hành “đi qua eo biển Đài Loan như thông lệ ngày 25/3 (giờ địa phương) phù hợp với luật pháp quốc tế”; khẳng định việc chiến hạm đi qua eo biển Đài Loan thể hiện cam kết của Mỹ về một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương mở và tự do. Hải quân Mỹ sẽ tiếp tục hoạt động trên không, trên biển và hoạt động ở bất cứ đâu mà luật pháp quốc tế cho phép.

Tàu khu trục USS McCampbell là một tàu khu trục lớp Arleigh Burke, mẫu tàu chiến hiện đại nhất của Hải quân Mỹ cũng như trên thế giới. Arleigh Burke là lớp tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường (DDG) đầu tiên của Mỹ được chế tạo trên nền tảng hệ thống chiến đấu Aegis. Đây là một trong những tổ hợp tác chiến hiện đại và phức tạp nhất thế giới, biến khu trục hạm lớp Arleigh Burke thành một phần quan trọng trong hệ thống phòng thủ chống tên lửa đạn đạo do Mỹ phát triển. Lớp Arleigh Burke cũng là nền tảng để các quốc gia đồng minh của Mỹ như Nhật Bản, Hàn Quốc phát triển lực lượng tàu chiến mặt nước chủ lực. Sự kết hợp của những tàu khu trục này tạo nên “lá chắn thần” bảo vệ Mỹ và các đồng minh khỏi mối đe dọa từ tên lửa đạn đạo. Vào thập niên 1980, hải quân Mỹ muốn tạo ra một loại tàu chiến kết hợp những kỹ thuật tiên tiến nhất, có khả năng tàng hình trước radar và cảm biến của đối phương, đồng thời cung cấp khả năng phòng thủ chống máy bay, tên lửa hành trình và tàu ngầm tấn công của Liên Xô. Ngoài ra, nó còn có nhiệm vụ hộ tống nhóm tác chiến tàu sân bay trên những vùng đại dương cách xa căn cứ hải quân và không quân Mỹ.

Hải quân Mỹ lên kế hoạch đóng mới tổng cộng 76 tàu khu trục lớp Arleigh Burke. Từ năm 1988 đến nay, đã có 66 chiếc được hoàn thành, 62 tàu trong số đó được biên chế cho các đơn vị của hải quân Mỹ. Lớp Arleigh Burke nằm trong số các khu trục hạm lớn nhất từng được Mỹ chế tạo, cho tới khi siêu tàu khu trục tàng hình lớp Zumwalt ra đời. Chúng được thiết kế để trở thành chiến hạm đa năng, đáp ứng vai trò tác chiến phòng không (AAW), chống ngầm (ASW) và chống tàu mặt nước (ASuW). Việc trang bị cụm radar mảng pha quét điện tử AN/SPY-1, tên lửa đánh chặn SM-2/3 và hệ thống phòng thủ Aegis biến tàu khu trục lớp Arleigh Burke thành tổ hợp chống tên lửa đạn đạo và diệt vệ tinh hiệu quả nhất trong biên chế hải quân Mỹ.

Lớp Arleigh Burke được chia thành nhiều phiên bản (Flight). 21 tàu đầu tiên từ DDG-51 tới DDG-71 được xếp vào Flight I, 7 chiếc tiếp theo (DDG-72 tới DDG-78) thuộc Flight II. Bản nâng cấp IIA được chế tạo từ cuối năm 1997, bao gồm 43 chiếc đã được biên chế (DDG-79 tới DDG-112) và 11 tàu đang trong quá trình đóng mới và hoàn thiện (DDG-113 đến DDG-123). Flight III gồm ba tàu (DDG-124 đến DDG-126) vừa được hải quân Mỹ đặt mua, nhưng chưa bắt đầu quá trình đóng mới. Lượng giãn nước toàn tải của Flight I là 8.315 tấn, Flight II là 8.400 tấn, Flight IIA tăng tới 9.200 tấn và Flight III là 9.800 tấn. Flight I và II có chung chiều dài 154 m, trong khi Flight IIA kéo dài lên mức 155 m. Chiều rộng tất cả các tàu đều là 20 m.

Mỗi tàu được trang bị 90-96 ống phóng thẳng đứng (VLS) chia làm hai cụm trước và sau thượng tầng, có khả năng sử dụng tên lửa hành trình BGM-109 Tomahawk, tên lửa phòng không RIM-156 SM-2 và RIM-161 SM-3, cùng tên lửa chống ngầm RUM-139 VL-ASROC. Ngoài khả năng phòng không và tấn công mặt đất, những chiếc Arleigh Burke còn đảm nhận nhiều nhiệm vụ khác, đặc biệt là tác chiến chống ngầm. Chúng được trang bị hệ thống định vị thủy âm (sonar) AN/SQS-53C gắn trên thân và sonar kéo AN/SQR-19 sau tàu để phát hiện tàu ngầm từ phía đuôi. Mỗi tàu có hai cụm ống phóng ngư lôi chống ngầm Mark 32 với 6 quả đạn.

Để cận chiến, lớp Arleigh Burke được trang bị một hải pháo Mark 45 cỡ nòng 127 mm phía mũi với tầm bắn 21 km và cơ số đạn 600 viên. Các tàu còn được trang bị vũ khí hạng nhẹ để đối phó các mối đe dọa nhỏ, như hệ thống phòng thủ tầm cực gần Phalanx 20 mm và pháo tự động M242 Bushmaster 25 mm. Chỉ có 28 tàu lớp Arleigh Burke được trang bị tên lửa chống hạm Harpoon, 34 chiếc còn lại đã loại bỏ hoàn toàn loại vũ khí này. Những chiếc mang tên lửa Harpoon cũng dần chuyển sang vai trò phòng thủ tên lửa đạn đạo với sự xuất hiện của tên lửa SM-3 Block 1B.

Ngoài ra, tàu được trang bị 4 động cơ turbine khí General Electric LM2500 với tổng công suất 105.000 mã lực, giúp tàu đạt tốc độ tối đa 56 km/h. Tầm hoạt động của lớp Arleigh Burke đạt mức 8.100 km ở tốc độ hành trình 37 km/h. Về hệ thống radar, tàu trang bị AN/SPY-1D là hệ thống radar mảng pha quét điện tử thụ động (PESA) dành cho hải quân được Lockheed Martin chế tạo. Đây là thành phần chủ chốt của hệ thống chiến đấu Aegis, được máy tính điều khiển và sử dụng 4 đài thu phát radar cố định nhằm cung cấp khả năng trinh sát, theo dõi mục tiêu liên tục trong phạm vi 360 độ quanh tàu. AN/SPY-1D có tầm hoạt động tối đa 320 km với mục tiêu trên không và 83 km với tên lửa bay bám biển. Mỗi đài radar có thể theo dõi 200 mục tiêu cùng lúc, cho phép mỗi tàu Arleigh Burke quản lý tới 800 mục tiêu. Ưu điểm lớn nhất của AN/SPY-1D là đường truyền dữ liệu tới tên lửa được tích hợp thẳng vào radar, thay vì phải dùng bộ phát riêng như các biến thể trước đó.

Chuyến đi mới nhất của tàu chiến Mỹ qua eo biển Đài Loan diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc liên tục gia tăng các hoạt động hiện diện quân sự gần Đài Loan. Mới đây, không quân Trung Quốc đã điều máy bay chiến đấu, máy bay cảnh báo sớm diễn tập sát Đài Loan. Lực lượng không quân Đài Loan điều động chiến đấu cơ ngăn chặn máy bay Trung Quốc khi chúng vượt qua đường phân chia ranh giới không chính thức giữa hai bên trên eo biển Đài Loan. Ngay sau hành động trên, Đài Loan gọi các cuộc tập trận của Trung Quốc là khiêu khích và kêu gọi Bắc Kinh chú trọng việc chống lại sự lây lan của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus corona (Covid-19) hơn là đe dọa Đài Loan.

http://biendong.net/bien-dong/33783-bao-ve-dong-minh-my-dieu-tau-khu-truc-uss-mccampbell-di-qua-eo-bien-dai-loan.html

 

Bác sĩ Đài Loan phát minh thiết bị

giúp các nhân viên y tế phòng chống virus Vũ Hán

Hương Thảo

Vào ngày 21/3, một bác sĩ Đài Loan đã công bố thiết kế của một thiết bị bảo vệ, dành cho các nhân viên y tế đặt nội khí quản cho bệnh nhân, trong bối cảnh nhiều nơi trên thế giới thiếu đồ bảo hộ cho các bác sĩ phòng chống virus Vũ Hán.

Trên trang Facebook của mình vào hôm 21/3, bác sĩ Lai Hsien-yung, một bác sĩ gây mê tại Bệnh viện Mennonite Christian thuộc khu Hoa Liên của Đài Loan viết rằng vào tháng 1, ông bắt đầu suy nghĩ về các biện pháp đơn giản nhằm bảo vệ các bác sĩ hết đồ bảo hộ ở Trung Quốc. Tuy nhiên, điều ông không ngờ tới là hai tháng sau, thiết kế của ông nhận được sự quan tâm từ các bác sĩ Mỹ.

Khi số bệnh nhân phải được đặt máy thở do các biến chứng hô hấp nghiêm trọng liên quan đến virus Vũ Hán ngày càng tăng, bác sĩ Lai đã thiết kế một chiếc hộp mà ông gọi là “hộp khí dung”. Thiết bị này trông rất đơn giản với một hộp nhựa trong suốt có lỗ mở ở một bên cho phép nó vừa với ngực và cổ của bệnh nhân, trong khi phía đối diện có hai lỗ nhỏ để bác sĩ có thể đưa tay vào.

Thiết bị này được thiết kế sao cho các bác sĩ có thể đặt nội khí quản cho bệnh nhân đồng thời được che chắn khỏi mọi hạt khí dung có thể thoát ra từ đường thở của bệnh nhân trong suốt quá trình. Bác sĩ Lai cho biết một nhà máy sản xuất kính acrylic đã sản xuất chiếc hộp theo mẫu thiết kế của ông chỉ trong vòng nửa giờ với chi phí 2.000 Đài tệ (65,77 USD).

Bác sĩ Lai đã chia sẻ thiết kế của mình trong bài đăng trên trang Facebook và nói rằng ông muốn chia sẻ thông tin để những người có nhu cầu có thể nhanh chóng tạo ra một thiết bị tương tự.

Ông Lai đã đăng ký phát minh của mình và nó miễn phí cho công chúng miễn là được gắn tên của ông và không được sử dụng cho mục đích thương mại. Bác sĩ Lai và các đồng nghiệp của ông vào ngày 22/3 đã tải sơ đồ thiết kế hộp khí dung lên một trang web, nơi nó có thể được tải xuống miễn phí.

Theo Taiwan News

Hương Thảo dịch và biên tập

https://www.dkn.tv/the-gioi/bac-si-dai-loan-phat-minh-thiet-bi-bao-ve-cac-bac-si-chong-virus-vu-han.html

 

Đài Loan tập trận tác chiến

đối phó với cuộc tấn công giả định từ TQ

Kể từ khi bà Thái Anh Văn lên cầm quyền, quan hệ giữa Trung Quốc và Đài Loan đã trở nên căng thẳng. Trung Quốc đã nhiều lần đưa ra các tuyên bố cứng rắn khẳng định sẽ sử dụng mọi biện pháp cần thiết để thống nhất với Đài Loan. Để đáp trả và đề phòng Trung Quốc, Quân đội Đài Loan bắt đầu từ 24/3 đã tiến hành cuộc tập trận tác chiến “Lien Hsiang” quy mô lớn mô phỏng chống lại cuộc tấn công từ Trung Quốc đại lục.

Theo thông tin trên, cuộc tập trận với sự phối hợp giữa không quân, hải quân và lục quân, được bắt đầu vào ngày 24/3 từ nhiều căn cứ quân sự trên khắp Đài Loan. Giới chức Đài Loan cho biết, “cuộc tập trận được thiết kế để kiểm tra sự sẵn sàng chiến đấu của lực lượng vũ trang của chúng tôi và các phản ứng của chúng tôi trước một cuộc xâm lược toàn diện của kẻ thù”, ám chỉ quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc.

Cơ quan phòng vệ Đài Loan cho biết cuộc tập trận mô phỏng không có bắn đạn thật. Trong cuộc tập trận trên, 8 tiêm kích F-16 cất cánh từ căn cứ không quân ở phía đông Hoa Liên vào sáng 24/3, mô phỏng nhiệm vụ khẩn cấp để đánh chặn máy bay đối phương đang tiến vào hòn đảo. Những chiếc F-16 cũng đồng loạt cất cánh ở căn cứ quân sự khác của hòn đảo. Các đơn vị phòng không của lục quân và hải quân cũng tham gia vào cuộc tập trận, trong khi nhiều tàu chiến khác tiến ra biển ngăn chặn đối phương. Ngoài ra cuộc tập trận còn liên quan đến kiểm tra năng lực chiến tranh không gian mạng và mô phỏng sửa chữa khẩn cấp hư hỏng trên đường băng.

Trước đó, Quân đội Đài Loan đã tổ chức cuộc tập trận bắn đạn thật lớn nhất trong vòng 5 năm qua ở ngoài khơi bờ biển phía Đông của Đài Bắc, nhằm thể hiện tinh thần sẵn sàng chiến đấu chống lại “quân xâm lược”. Theo Hãng thông tấn xã Đài Loan (CAN), Hải quân Đài Loan đã điều 2 tàu khu trục lớp Perry (đi vào hoạt động từ tháng 11 năm ngoái) và 12 tàu cao tốc tên lửa tham gia tập trận. Trong khi đó, Không quân Đài Loan cũng huy động 4 máy bay chiến đấu AIDC F-CK-1 Ching-kuo, 4 máy bay Mirage 2000 và 4 máy bay F-16 tham gia tập trận. Cuộc tập trận diễn ra trong bối cảnh máy bay chiến đấu và tàu hải quân Trung Quốc gần Đài Loan đang trên đường tới Thái Bình Dương hoặc Biển Đông. Trong cuộc tập trận, các máy bay chiến đấu của Không quân Đài Loan còn bắn cả tên lửa Sidewinder, Magic và Sky Sword I. CAN nhận định, đây là cuộc tập trận lớn nhất của quân đội Đài Loan kể từ cuộc tập trận Han Kuang 30 được tổ chức vào năm 2014. Nội dung cuộc tập trận bao gồm chống máy bay, chống ngầm, bắn tên lửa chống máy bay và tàu cũng như thử nghiệm các tuyến đường tiếp tế của Hải quân Đài Loan.

Không những vậy, để đối phó với Trung Quốc, Đài Loan cũng đã có những hành động chuẩn bị cụ thể. Đài Bắc có kế hoạch chi 11 tỷ USD cho hoạt động phòng vệ trong năm 2019, tăng 6% so với năm 2018. Phần lớn số tiền này sẽ được chi cho các vũ khí tối tân của Mỹ cũng như các vũ khí do Đài Loan tự sản xuất. Ngày 2/1/2019, Đài Loan đã “trình làng” tên lửa chống hạm mới nhất do hòn đảo này tự chế tạo, có khả năng gây ra thương vong lớn nếu được sử dụng trong các cuộc xung đột. Quân đoàn 10 thuộc lực lượng vũ trang Đài Loan đã tổ chức tập trận bắn đạn thật quy mô lớn vào ngày 17/1/2019 tại khu vực Fanzailiao ở miền Trung để mô phỏng tình huống thành phố Đài Trung bị tấn công. Đây là hoạt động đầu tiên trong loạt cuộc tập trận với chiến thuật mới nhằm đề phòng một cuộc tấn công từ Trung Quốc đại lục sẽ được Đài Loan tổ chức trong năm nay. Cuộc tập trận được tiến hành trong một tiếng rưỡi, với sự tham gia của pháo phản lực Thunderbolt-2000, trực thăng tấn công AH-64E Apache, tên lửa Hellfire và một số loại pháo khác. Trước đó, thiếu tướng Yeh Kuo-hui thuộc cơ quan Phòng vệ Đài Loan tuyên bố hòn đảo này sẽ tiến hành một loạt cuộc tập trận năm 2019 dựa trên các chiến thuật mới được xây dựng nhằm chống lại một cuộc tấn công tiềm tàng từ Trung Quốc.

Trong khi đó, giới chuyên gia cũng nhận định nguy cơ Trung Quốc tấn công Đài Loan là có thật nhưng Đài Bắc đủ sức tự vệ và nhất là cơ trí để không tạo cớ cho Bắc Kinh sử dụng vũ lực. Việc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi chuẩn bị chiến tranh và không loại trừ biện pháp sử dụng vũ lực để thống nhất Đài Loan chỉ là hù dọa tinh thần đối với Đài Bắc, vì: (i) Chuyên gia Bonnie Glaser, thuộc viện nghiên cứu chiến lược quốc tế CSIS nhận định Hải Quân Trung Quốc không dám đụng với Hải Quân Mỹ. Mỹ sẽ can thiệp theo đạo luật bảo vệ nền dân chủ Đài Loan và xác suất Trung Quốc tấn công rất thấp bởi vì Đài Loan không để cho đối phương chụp lấy cơ hội sơ hở để tấn công. (ii) Về quân sự, Đài Loan đủ khả năng đẩy lùi Trung Quốc mà không cần sự trợ giúp của Mỹ. Quân đội Đài Loan thiện chiến hơn và có tinh thần chiến đấu cao hơn quân đội Trung Quốc.

Lâu nay, Trung Quốc xem Đài Loan là một tỉnh ly khai nhưng vẫn nằm trong lãnh thổ đại lục. Thậm chí, Bắc Kinh nhiều lần ra tuyên bố ám chỉ sẵn sàng dùng vũ lực để sáp nhập Đài Loan vào đại lục. Đài Loan là một trong những điểm nóng đang gia tăng mức độ căng thẳng trong quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc, cùng với cuộc chiến thương mại dai dẳng và những lần đụng độ, đối đầu trên Biển Đông.

http://biendong.net/bien-dong/33782-dai-loan-tap-tran-tac-chien-doi-pho-voi-cuoc-tan-cong-gia-dinh-tu-tq.html

 

Đài Loan nói quân đội Trung Quốc

đã không tổ chức tập trận lớn 2 tháng

do virus Vũ Hán

Thiện Lan

Vào ngày 25/3, Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết, Lực lượng bộ binh của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã không tổ chức bất kỳ cuộc tập trận lớn nào trong hai tháng qua do dịch viêm phổi Vũ Hán.

Tuy nhiên, theo CNA, Hải quân và Không quân Trung Quốc vẫn đang hoạt động bình thường. Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết, quân đội Trung Quốc vẫn đang tiến hành diễn tập trên bộ, nhưng quy mô bị hạn chế, trong khi các tàu Hải quân và máy bay của Không quân vẫn tham gia các cuộc tập trận như thường lệ. Bất chấp đại dịch viêm phổi Vũ Hán, các máy bay chiến đấu của Trung Quốc vẫn tiếp cận Đài Loan, khiến các máy bay của quốc đảo này phải cất cánh để đuổi chúng đi.

Kể từ khi bùng phát dịch bệnh, máy bay chiến đấu của Trung Quốc đã tiếp cận không phận Đài Loan bốn lần vào các ngày 9, 10, 28 và 16/3. Trong vụ việc mới nhất, vào ngày 16/3, máy bay chiến đấu phản lực J-11 và máy bay cảnh báo sớm KJ-500 bay trên vùng biển ngoài khơi phía tây nam Đài Loan gần khu vực nhận dạng phòng không (ADIZ). Đây là lần đầu tiên máy bay Trung Quốc được phát hiện gần không phận Đài Loan vào ban đêm, được cho là một phần của nhiệm vụ huấn luyện.

Cuộc tập trận ban đêm hiếm hoi, có thể được hiểu là một động thái để chứng minh cho người dân Trung Quốc rằng, PLA được chuẩn bị tốt và khả năng chiến đấu không bị tổn hại bất chấp dịch bệnh. Tuy nhiên, có tin cho rằng, một số nhân viên trong PLA đã bị nhiễm virus Vũ Hán.

Theo Taiwan News

Thiện Lan dịch và biên tập

https://www.dkn.tv/the-gioi/dai-loan-noi-quan-doi-trung-quoc-da-khong-to-chuc-tap-tran-lon-2-thang-do-virus-vu-han.html

 

Đài Loan tố cáo Tổ Chức Y Tế Thế Giới

chậm cảnh báo về dịch Covid-19

Trọng Nghĩa

Bộ Ngoại Giao Đài Loan hôm 24/03/2020 vừa qua đã khẳng định rằng họ đã cảnh báo Tổ Chức Y Tế Thế Giới (OMS/WHO) về tính chất lây lan từ người sang người của dịch Covid-19 ngay từ tháng 12 năm ngoái 2019. Thế nhưng phải chờ mãi đến ngày 20 tháng Giêng năm 2020 thì tổ chức này mới công nhận nguy cơ lây nhiễm này, tức là muộn hơn 21 ngày.

Chính quyền Đài Loan đã tuyên bố rằng họ đã gửi đến Tổ Chức Y Tế Thế giới cũng như đến chính quyền Trung Quốc nhiều thư điện tử vào ngày 31 tháng 12 năm 2019, nêu lên vấn đề khả năng lây truyền từ người sang người sau khi phát hiện ra một ca bệnh nhiễm trùng đường hô hấp ở thành phố Vũ Hán. Chính quyền Trung Quốc vào hôm đó đã báo cáo chính thức sự xuất hiện của căn bệnh mới đó, nhưng nói rõ rằng không ghi nhận hiện tượng lây nhiễm nào.

Chính quyền Đài Loan khẳng định rằng họ không nhận được bất kỳ hồi âm nào về những câu hỏi họ đặt ra.

Trong một cuộc họp báo ở Đài Bắc hôm thứ ba, 25/03 vừa qua, tổng giám đốc Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Đài Loan cho biết: “Chúng tôi đã hỏi họ rằng liệu có khả năng lây nhiễm từ người sang người [của căn bệnh mới] hay không. Chúng tôi khẳng định đã hỏi họ và nhắc nhở họ về vấn đề đó.”.

Theo nhân vật này, Tổ Chức Y Tế Thế giới đã xác nhận là có nhận được thư, nhưng không có hồi đáp về những câu hỏi.

Trung Quốc cấm người nước ngoài nhập cảnh!

Còn tại Trung Quốc, trong bối cảnh ca nhiễm Covid-19 do người từ nước ngoài mang vào liên tục gia tăng, trong lúc trường hợp lây nhiễm nội địa hầu như không còn nữa, chính quyền Trung Quốc đã quyết định cấm nhập cảnh đối với người nước ngoài – trong đó có cả những người có giấy phép cư trú. Quyết định sẽ có hiệu lực vào thứ Bảy, ngày 28 tháng 3 kể từ nửa đêm.

Thông tín viên RFI tại Trung Quốc, Stéphane Lagarde tường trình:

Đây là biện pháp khiến nhiều người lo sợ. Nó đã làm điện thoại di động của những người thuộc cộng đồng người nước ngoài ở Trung Quốc rung lên liên tục từ khuya hôm qua cho đến hôm nay, với các cuộc gọi giữa các gia đình đôi khi bị chia ly trên khắp thế giới do dịch Covid-19 bắt đầu ở Trung Quốc vào đầu năm nay

Các nhà ngoại giao và doanh nhân không bị quyết định này ảnh hưởng. Ngược lại, những người di cư Trung Quốc đã thay đổi quốc tịch thì bị tác hại. Chế độ mong muốn cho thấy là đất nước không còn một ca nhiễm nào khi khóa họp Quốc Hội hàng năm mở ra. Tại Trung Quốc cũng vậy, virus corona cũng làm đảo lộn lịch trình chính trị. Cuộc họp của Chính Hiệp và Quốc Hội Trung Quốc tại Bắc Kinh, dự trù vào tháng 3 đã bị hoãn lại vô thời hạn.

Điều khiến chính quyền lo ngại chính là việc các ca nhiễm ngoại nhập tăng vọt. Theo thống kê chính thức từ bộ Ngoại Giao Trung Quốc, khoảng 500 hành khách bị phát hiện nhiễm virus corona khi nhập cảnh Trung Quốc. Trong 90% các trường hợp, đó là người Trung Quốc trở về nước.

Thông tin cấm nhập cảnh Trung Quốc rõ ràng đã đặt ra cho các nước khác một bài toán hóc búa khác.

Trong nhiều tuần lễ trước đây, ngành ngoại giao Trung Quốc đã đả kích các nước, như Hoa Kỳ hay Ý, là đã hạn chế nhập cảnh đối với người Trung Quốc. Nhưng giờ đây, chính Bắc Kinh lại làm y như vây.

http://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20200327-%C4%91%C3%A0i-loan-t%C3%B4%CC%81-ca%CC%81o-t%C3%B4%CC%89-ch%C6%B0%CC%81c-y-t%C3%AA%CC%81-th%C3%AA%CC%81-gi%C6%A1%CC%81i-ch%C3%A2%CC%A3m-ca%CC%89nh-ba%CC%81o-v%C3%AA%CC%80-di%CC%A3ch-covid-19

 

Virus corona: TQ tạm cấm

công dân nước ngoài nhập cảnh để chặn dịch

Trung Quốc tuyên bố tạm cấm toàn bộ người nước ngoài, kể cả những người có visa hoặc thẻ cư trú, nhập cảnh.

Nước này cũng hạn chế các hãng hàng không Trung Quốc và nước ngoài chỉ được bay mỗi chuyến một tuần, mỗi chuyến bay không được chở quá 75% công suất.

Vì sao một số nước đề nghị đeo khẩu trang, số khác thì không?

Nữ họa sĩ người Ý: ‘Tôi hoảng loạn vì bị người Việt tấn công trên mạng’

Virus corona: Hà Nội, TPHCM sẽ đóng cửa ‘dịch vụ không cần thiết’

Covid-19: Sai lầm chết người khi uống nước phòng bệnh

Tuy Trung Quốc báo là có trường hợp lây nhiễm virus corna đầu tiên từ trong nước, nhưng hầu hết các vụ mới đều là người nhập cảnh từ nước ngoài.

Có 55 trường hợp nhiễm mới trên toàn Trung Quốc hôm thứ Năm, trong đó 54 là từ nước ngoài.

Quy định mới nội dung thế nào?

Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói sẽ “ngưng việc nhập cảnh của các công dân nước ngoài” bởi “sự lây lan nhanh chóng của Covid-19 trên thế giới”.

Việc tạm ngưng áp dụng với những người có visa và thẻ cư trú, nhưng không áp dụng với các viên chức ngoại giao hoặc những người có visa C (thường là các thành viên phi hành đoàn).

Những người có “nhu cầu nhân đạo khẩn cấp” hoặc những người làm việc trong một số lĩnh vực nhất định có thể nộp đơn xin miễn áp dụng lệnh cấm.

Mặc dù quy định mới có vẻ quyết liệt, nhưng nhiều hãng hàng không nước ngoài trên thực tế đã ngừng bay tới Trung Quốc – và mọt số thành phố đã áp lệnh cấm đáp xuống.

Hồi tháng trước, Bắc Kinh đã ra lệnh cho mọi trường hợp quay trở về thành phố phải chịu cách ly 14 ngày.

Tình hình bệnh dịch tại Trung Quốc lúc này như thế nào?

Tuy virus corona khởi phát từ Trung Quốc nhưng nay nước này có ít vụ nhiễm bệnh hơn so với Mỹ, và có ít ca tử vong hơn so với Italy và Tây Ban Nha.

Có tổng số 1.340 trường hợp xác nhận dương tính tại Trung Quố và 3.292 ca tử vong, Uỷ ban Y tế Quốc gia nước này nói hôm thứ Sáu.

Tính tổng số, có 565 trong số các ca đã xác nhận này được xếp vào nhóm “nhập khẩu” – là người nước ngoài tới Trung Quốc hoặc các công dân Trung Quốc về nước.

Tại Hồ Bắc, tỉnh khởi phát dịch bệnh, đã không có trường hợp mới nào được xác nhận hoặc nghi nhiễm hôm thứ Năm.

Tình trạng phong toả tại thủ phủ tỉnh, thành phố Vũ Hán, vốn bắt đầu từ tháng Giêng, sẽ được nới lỏng vào ngày 8/4.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-52064731

 

Có thật Bắc Kinh “không bận tâm”

 khi tàu sân bay Mỹ ghé thăm Đà Nẵng?

Huyền Minh

Chuyến ghé thăm và giao lưu tại cảng Đà Nẵng giữa thuỷ thủ và nhân viên trên tàu sân bay USS Theodore Roosevelt với phía Việt Nam hồi đầu tháng 3 như là một minh chứng cho bước phát triển của quan hệ quốc phòng Việt – Mỹ.

Bỏ qua những khác biệt về chính thể cũng như ý thức hệ, Việt Nam và Hoa Kỳ có thể được coi là “các đồng minh tự nhiên”, khi tìm thấy quan điểm chung về việc duy trì hoà bình và an ninh trên khu vực biển Đông, đồng thời cùng đối mặt trước một nhân tố gây bất ổn tại khu vực biển này, đó chính là Trung Quốc.

Cũng chính vì mối đe doạ qua các hành động hung hăng của Trung Quốc tại biển Đông, đặc biệt giai đoạn từ 2007 tới nay, quan hệ Việt – Mỹ đã có bước phát triển nhanh chóng. Tuy nhiên, cũng chính vì sự cản trở từ Trung Quốc, quan hệ Việt – Mỹ vẫn còn chưa đạt đến những bước đi như mong đợi.

Nhận xét về chuyến viếng thăm này của tàu USS Theodore Roosevelt, có nhiều ý kiến khác nhau. Có nhà nghiên cứu người Nga cho rằng “Bắc Kinh không bận tâm” vì điều này quá bình thường.

Vậy quả thực Bắc Kinh thực sự không bận tâm trước vì điều này theo Trung Quốc xảy ra là bình thường?

Tờ Global Times, một ấn phẩm phụ bản của Nhân dân Nhật báo, chuyên thể hiện quan điểm “diều hâu”, có bài viết của chuyên gia Cheng Hanping từ Đại học Nam Kinh viết về vấn đề này: “Mỹ và Việt Nam có hệ tư tưởng cực kỳ khác nhau và giữa họ tồn tại nhiều tranh cãi về nhân quyền, dân chủ và tự do ngôn luận. Điều này không thể đột ngột thay đổi vì tìm thấy một mục tiêu chiến lược chung. Quan hệ đối tác Mỹ-Việt sẽ không giống như quan hệ đối tác mà Mỹ có với Nhật Bản, Hàn Quốc và thậm chí là Philippines. Và có lẽ sẽ không bao giờ được như vậy”. Trong một ấn phẩm khác của Global Times, Li Haidong thuộc Đại học Ngoại giao Trung Quốc viết: “Chuyến thăm của tàu sân bay Mỹ tới Việt Nam sẽ khó có thể thay đổi chính sách hợp tác của Việt Nam với Trung Quốc. Với sự tin tưởng lẫn nhau về chính trị, hợp tác kinh tế và hội nhập khu vực, một bên thứ ba sẽ khó có thể tác động đến mối quan hệ ổn định chung giữa Bắc Kinh và Hà Nội”.

Trung Quốc đã chính thức xác nhận những bình luận của chuyên gia Li Haidong trên trang China Military Online: “Tăng cường kết nối quân sự Mỹ-Việt là một hiện tượng bình thường, nhưng mối quan hệ quân sự chặt chẽ hơn, thể hiện trong chuyến thăm của tàu sân bay Mỹ tới Việt Nam, sẽ không thay đổi chính sách hợp tác của Việt Nam với Trung Quốc”.

Như vậy, quan điểm của Trung Quốc được thể hiện là việc tàu sân bay thăm Việt Nam không phải là điều đáng ngại? Sự đáng ngại (nếu có) là việc thay đổi quan hệ Việt – Trung, mà điều đó khó có thể xảy ra vì nhiều lý do.

Thêm nữa, trên tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng, Mark Valencia viết rằng “Liên minh chiến lược Mỹ – Việt khó mà tồn tại lâu”.

Mark Valencia là một trường hợp khá đặc biệt vì ông ta là một nhà nghiên cứu tên tuổi của người Mỹ.

Người ta biết nhiều đến Mark Valencia khi ông ta là đồng tác giả trong cuốn sách rất nổi tiếng trong giới nghiên cứu biển Đông: “Chia sẻ tài nguyên biển Đông” (Sharing the Resources of the South China Sea). Mark Valencia cũng được mời tham dự rất nhiều lần các Hội thảo biển Đông do Học Viện Ngoại Giao tổ chức ở Việt Nam. Có một lần trong bữa tiệc chia tay ở Hội thảo như vậy, người ta nghe thấy Mark Valencia phàn nàn việc ông ta xin một số tiền để phục vụ việc nghiên cứu một đề tài nào đó, nhưng không được phía Mỹ chấp thuận. Và cơ hội đã đến với ông ta, Viện Nghiên cứu Nam Hải của Trung Quốc với Viện trưởng, cũng là một quan chức Trung Quốc, Ngô Sĩ Tồn (Wu Sicun) đã cung cấp một học bổng nghiên cứu hậu hĩnh cho Mark Valencia. Và từ đó, quan điểm của Mark Valencia luôn đả kích Mỹ và ủng hộ Trung Quốc.

Trong bài viết của Mark Valencia thể hiện rõ một số điểm nguỵ biện. Một trong những điểm nguỵ biện đó là việc khẳng định quan hệ Mỹ – Việt là liên minh chiến lược. Việt Nam đã nhiều lần thể hiện một cách chính thức về chính sách “Ba không”, mà mới nhất là trong Sách trắng quốc phòng được xuất bản vào hồi tháng 11 năm 2019. Theo đó, Việt Nam không tham gia liên minh quân sự nào, không cho đặt căn cứ quân sự của nước ngoài tại Việt Nam và không đi với nước này để chống nước kia. Có lẽ đối với người quan tâm, chính sách “Ba không” này dường như là “lời nhắn gửi” từ Việt Nam đối với Trung Quốc.

Trung Quốc từ lâu không giấu diếm tham vọng chiếm hữu gần như toàn bộ biển Đông. Cho dù họ không thể đưa ra các bằng chứng cũng như các cơ sở pháp lý cho việc chiếm hữu ấy.

Có thể nói, duy nhất chỉ có Hoa Kỳ là có đủ sức để ngăn chặn sự bành trướng trên biển của Trung Quốc. Và cũng chính vì vậy, Trung Quốc luôn muốn “gạt” Hoa Kỳ ra ngoài khu vực biển Đông, với lý do “vấn đề biển Đông thì để cho các quốc gia khu vực biển Đông tự giải quyết”.

Việt Nam cũng là “cái gai” trong con mắt của Trung Quốc khi nhìn về biển Đông. Việt Nam với lịch sử hàng ngàn năm luôn chống lại tham vọng lãnh thổ cường quyền của Trung Quốc, và nay, Việt Nam luôn chống lại tham vọng độc chiếm biển Đông từ Trung Quốc.

Chính vì vậy, việc quan hệ Việt – Mỹ phát triển, Trung Quốc không thể không “khó chịu”.

Trong thực tế, Trung Quốc luôn muốn thực hiện chính sách “Phần Lan hoá” đối với Việt Nam. Nghĩa là giống như Phần Lan trước kia bị Liên Xô khống chế về chính sách đối ngoại. Trung Quốc muốn rằng, các vấn đề trong nước sẽ để Việt Nam tự quyết định, nhưng về đối ngoại, phải được sự chuẩn thuận từ Bắc Kinh.

Chúng ta đều biết, mỗi khi một lãnh đạo cao cấp của Việt Nam sang thăm Mỹ, thì luôn luôn trước đó, hoặc là chính lãnh đạo đó hoặc một lãnh đạo cao cấp khác được phái sang để “trao đổi” với Bắc Kinh.

Và chính vì vậy, trước các tín hiệu cho thấy sự phát triển quan hệ Việt – Mỹ không thể là thứ mà Bắc Kinh không quan tâm. Mà sự thực, Trung Quốc đang rất chú ý đến vấn đề này, đặc biệt trong bối cảnh cạnh tranh cao độ Mỹ – Trung. Trung Quốc vẫn luôn coi Việt Nam như một “chư hầu” nằm trong vùng ảnh hưởng truyền thống của mình. Có chăng, Bắc Kinh đang dùng truyền thông, thông qua các luận điệu này, đánh đòn tâm lý để cảnh báo Việt Nam không nên đi quá xa, vượt ngoài sự cho phép của “thiên triều”.

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/was-china-angry-when-us-aircraft-carrier-visited-danang-03262020181949.html

 

Giới chuyên gia: Vũ khí TQ triển khai trái phép

 trên Biển Đông sẽ trở thành đống sắt vụn

Việc Trung Quốc cải tạo đảo và quân sự hóa các thực thể đang chiếm đóng trái phép ở Biển Đông không chỉ xâm phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, mà còn đe dọa trực tiếp hòa bình, ổn định trong khu vực. Tuy nhiên, những vũ khí Trung Quốc đưa ra những đảo trên đang có nguy cơ biến thành đống sắt vụn trên biển.

Vũ khí thành sắt vụn theo thời gian

Theo phân tích của Giáo sư Robert Farley, Đại học Kentucky (Mỹ) Trung Quốc nhiều năm nay đang muốn tăng cường sức mạnh quân sự ở Biển Đông thông qua việc mở rộng và quân sự hóa các thực thể chiếm đóng trái phép. Tuy nhiên, các công trình quân sự Trung Quốc xây dựng trái phép trên biển Đông được cảnh báo khó duy trì được khả năng chức năng liên lạc, tiếp tế và hậu cần một khi xung đột nổ ra và kéo dài. Chuyên gia Farley cho rằng các “căn cứ nổi” này không thật sự có giá trị như Bắc Kinh vẫn dự liệu và chỉ có ý nghĩa chính trị nhất thời hơn là mang lại lợi thế quân sự vượt trội.

Theo đó, khi sở hữu những căn cứ trên Biển Đông, không thể phủ nhận Trung Quốc có thể khiến hoạt động tuần tra, tự do hàng hải của Mỹ gặp khó khăn. Nhưng nếu xung đột xảy ra, sẽ không quá khó để Không quân và Hải quân Mỹ tiêu diệt những cơ sở này. Một mặt, hiện Trung Quốc đã cho thiết lập hệ thống bệ phóng tên lửa ở các bãi đá Su Bi, Vành Khăn, Chữ Thập, Phú Lâm nhằm mục đích đặt phần lớn khu vực Biển Đông vào tầm tấn công của nước này. Loại tên lửa mà Trung Quốc đưa ra biển Đông là hệ thống đất đối không (như HQ-9 và nhiều khả năng sẽ là tổ hợp S-400 của Nga trong tương lai) cùng tên lửa hành trình trên bộ. Đây là những vũ khí có khả năng đe dọa nhiều loại tàu chiến, chiến đấu cơ của Hải quân Mỹ. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng hệ thống tên lửa của Trung Quốc đang được đặt trên các thực thể nhân tạo giữa biển mà không có bất kỳ biện pháp phòng thủ nào, khiến các thực thể nhân tạo trên sẽ khó lòng trụ nổi trước một đợt tấn công phối hợp. Mặt khác, bên cạnh tên lửa, một số sân bay mà Trung Quốc xây dựng trái phép ở Biển Đông cũng có thể hỗ trợ quân đội nước này dễ dàng định vị và tiêu diệt mục tiêu từ xa với khoảng cách tương đương tên lửa hành trình, nhờ vào hệ thống máy bay tuần tra, chiến đấu dày đặc. Dù vậy, những lợi thế này một lần nữa rất dễ vô hiệu hóa một khi có xung đột bằng một đợt tấn công phủ đầu với tên lửa tầm xa và các đợt tấn công tổng hợp.

Không những vậy, so với các bệ phóng tên lửa hay sân bay, tổ hợp radar của Trung Quốc trên Biển Đông thậm chí còn dễ bị tấn công hơn. Với các điểm yếu cố hữu như khó di chuyển, khó che giấu, radar dễ trở thành mục tiêu cho các cuộc tấn công của quân đội Mỹ như phóng tên lửa (từ tàu ngầm và máy bay tàng hình), tấn công mạng hoặc tác chiến điện tử. Nhìn chung, toàn bộ năng lực quân sự của những thực thể nhân tạo Trung Quốc ở Biển Đông bị phụ thuộc nặng nề vào công tác hậu cần từ đại lục. Các căn cứ tưởng chừng “bất khả xâm phạm” này lại rất dễ cô lập vì hầu hết đều không có kho dự trữ đủ lớn. Khi xung đột xảy ra, việc duy trì khả năng chức năng liên lạc, tiếp tế và hậu cần sẽ là rủi ro và thách thức lớn cho Trung Quốc.

Ngoài việc dễ bị tiêu diệt, thời tiết khắc nghiệt đã nhanh chóng bào mòn và phá hủy các hệ thống vũ khí và cơ sở hạ tầng được Trung Quốc xây dựng và triển khai trái phép ra các đảo nhân tạo ở Biển Đông. Giáo sư Hồ Kì Cao, Đại Học Công Nghệ Quốc Phòng Trung Quốc ở Hồ Nam cho rằng, do Trung Quốc quá vội vàng trong việc bồi đắp, xây dựng các hòn đảo nhân tạo ở Biển Đông trong giai đoạn 2013-2015, cho nên đã phát sinh nhiều yếu tố thách thức chưa được giải quyết. Theo đó, Trung Quốc đã không nghiên cứu đầy đủ môi trường tự nhiên ở Biển Đông cũng như tác động của môi trường trên các cấu trúc kỹ thuật được xây dựng. Việc thiết kế và xây dựng các đảo đá đã được tiến hành theo lịch trình gò bó mà không có được những đánh giá khoa học sâu sát, dài hạn. Bên cạnh đó, các nhân tố tác hại bao gồm nhiệt độ, độ ẩm cao, sương mù, nồng độ muối trong không khí và bức xạ nhiệt lớn khiến tốc độ hao mòn của các trang thiết bị và vật liệu đưa ra Biển Đông quá nhanh. Giáo sư Hồ Kì Cao đã đưa ra dẫn chứng về các cấu trúc bê tông bắt đầu bị rã ra sau chưa đầy 3 năm và các trang thiết bị bằng kim loại ngừng vận hành sau khoảng 1 năm do bị ăn mòn. Những vấn đề trên đã gây ra lo ngại về an toàn và về khả năng các cơ sở của Trung Quốc đứng vững được trước những thảm họa tự nhiên như bão và sóng thần.

Đáng chú ý, Bộ Quốc phòng Mỹ cũng đánh giá rỉ sét khí tài là vấn đề lớn đối với quân đội các nước trên thế giới. Mỹ đã chi tới 21 tỷ USD/năm để đối phó với tình trạng rỉ sét trên các chiến đấu cơ, tàu chiến, tên lửa và vũ khí hạt nhân. Số liệu của quân đội Trung Quốc không được công bố, nhưng Viện khoa học Trung Quốc (CAS) năm 2017 nói hiện tượng ăn mòn đã tiêu tốn của Trung Quốc khoảng 300 tỉ USD vào năm 2014, tương đương 3% GDP.

Biện pháp khắc phục

Để bảo đảm cho các phương tiện đó có thể sử dụng được, Bắc Kinh đã phải cho nghiên cứu để tìm ra các loại chất phủ có khả năng bảo vệ vũ khí và cơ sở hạ tầng mà họ đã xây dựng và triển khai trái phép ở trên các thực thể ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Tờ South China Morning Post (SCMP, 01/07/2019) cho biết, các nhà nghiên cứu Trung Quốc đang tìm cách chế tạo ra một chất chống bào mòn mới để bảo vệ vũ khí và công trình xây dựng trên các đảo nhân tạo ở Biển Đông. Theo đó, Quân đội Trung Quốc đã lên kế hoạch phủ một lớp bảo vệ graphene. Đây là vật liệu mới chỉ được các nhà nghiên cứu Đại học Anh Quốc Manchester phát triển từ năm 2004, cực mỏng nhưng lại cứng hơn thép đến 100 lần. Theo một nhà nghiên cứu ở Thượng Hải, mặc dù vật liệu trên chưa được phép dùng trong lĩnh vực quân sự, nhưng chất phủ đã được ứng dụng trong các lĩnh vực dân sự và đã tỏ ra “cực kỷ hữu dụng” trong ngành công nghiệp hóa chất, khi được dùng để bảo vệ các ống dẫn dầu khí khỏi bị acid, áp suất hay sức nóng cao bào mòn.

Tuy nhiên, Giáo sư Trương Lỗi, thuộc Đại học Khoa Học Công Nghệ Bắc Kinh cho biết, ngay cả chất graphene cũng hàm chứa vấn đề riêng. Graphene thuần chất là một chất dẫn điện tốt, cho nên bất kỳ vết rạn nứt nào trên bề mặt lớp phủ có thể làm gia tăng tốc độ ăn mòn vật chất do dòng điện. Graphene cần phải được kết hợp với các vật liệu khác để làm giảm tính dẫn diện của nó, và việc tìm ra vật liệu phù hợp hoàn toàn không dễ dàng. Còn giáo sư Thôi Cam, Đại Học Dầu Khí Trung Quốc, chuyên nghiên cứu các vật liệu bảo vệ sử dụng chất graphene, cho biết việc sản xuất hàng loạt các tấm carbon mỏng có thể gặp khó khăn bởi các tấm này khó tách rời khỏi nhau. Dù vậy, theo ông Thôi Cam, các vấn đề như trên có thể được xử lý trong các phòng thí nghiệm đang nghiên cứu vật liệu graphene và đó chính là “loại vật liệu của hy vọng”.

Từ những vấn đề trên cho thấy, Trung Quốc vẫn đang rơi vào bế tắc trong việc tìm kiếm vật liệu mới có khả năng bảo vệ số vũ khí triển khai trên các đảo, đá ở Biển Đông không bị ăn mòn, khiến số vũ khí trên có nguy cơ trở thành sắt vụn.

http://biendong.net/bien-dong/33785-gioi-chuyen-gia-vu-khi-tq-trien-khai-trai-phep-tren-bien-dong-se-tro-thanh-dong-sat-vun.html

 

TQ đi ngược lại các quy định luật pháp quốc tế

 liên quan vấn đề biển đảo

Để đạt được ý đồ chiến lược ở khu vực Biển Đông, Trung Quốc đã ban hành nhiều quy định nhằm tạo hành lang pháp lý thực thi hoạt động “bảo vệ” quyền và lợi ích trong khu vực. Tuy nhiên, xét từ khía cạnh luật pháp quốc tế cho thấy Trung Quốc đang đi ngược lại những văn bản luật pháp quốc tế quan trọng nhất.

Đi ngược lại với nguyên tắc bình đẳng chủ quyền quốc gia

Ngày 04/09/1958, Chính phủ nước CHND Trung Hoa ra Tuyên bố về lãnh hải, trong đó khẳng định “lãnh thổ của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa bao gồm đại lục nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa và các đảo ven biển, Đài Loan và các đảo xung quanh nó bao gồm đảo Điếu Ngư, Bành Hồ, quần đảo Đông Sa, quần đảo Tây Sa, quần đảo Trung Sa, quần đảo Nam Sa và tất cả các đảo khác thuộc Trung Quốc”. Như vậy, tuyên bố này đã đưa hai quần đảo (vùng đảo) Hoàng Sa và Trường Sa (tức Tây Sa và Nam Sa theo cách gọi của Trung Quốc) – một trong những bộ phận lãnh thổ thiêng liêng bất khả xâm phạm của Việt Nam vào phạm vi yêu sách của Trung Quốc.

Sau đó, trong hai công hàm công hàm CML17/2009 và CML18/2009 ngày 07/05/2009, Điều lệ quản lý trị an biên phòng ven biển tỉnh Hải Nam năm 2012, Dự thảo sửa đổi Biện pháp thực hiện Luật Ngư nghiệp năm 2013; Báo cáo trình bày lập trường chính thức của CHND Trung Hoa về vụ kiện trọng tài do Philipines khởi xướng ngày 07/12/2014 và các thư ngoại giao trong vụ giàn khoan HD981 năm 2014 và vụ kiện Phi-Trung năm 2016, Trung Quốc cũng trắng trợn tuyên bố “chủ quyền” đối với hai vùng đảo này của Việt Nam. Với việc tuyên bố chủ quyền đối với hai vùng đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Trung Quốc đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam, đi ngược lại với nguyên tắc bình đẳng chủ quyền quốc gia được ghi nhận trong Hiến chương Liên hợp quốc năm 1945, Tuyên bố ngày 24/10/1970 của Đại hội đồng LHQ, Định ước Hensinki ngày 1/8/1975 và nhiều văn kiện pháp lý quốc tế khác.

Vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc “cấm sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế”

Trong quá trình thực thi các chính sách, pháp luật biển, Trung Quốc đã sử dụng vũ lực cưỡng chiếm trái phép toàn bộ vùng đảo Hoàng Sa (năm 1956, 1974) và một phần vùng đảo Trường Sa (năm 1988, 1992, 1995) của Việt Nam. Bên cạnh đó, Trung Quốc còn sử dụng rất nhiều mưu kế, thủ đoạn, chiến thuật, chiến lược trên tất cả các mặt trận kinh tế, chính trị – ngoại giao, gia tăng căng thẳng và không ngừng tạo ra sức ép cho Việt Nam và các quốc gia trong khu vực Biển Đông. Những hành vi nêu trên của Trung Quốc đã cấu thành hành vi đe dọa dùng vũ lực và sử dụng vũ lực đã bị luật pháp quốc tế hiện đại nghiêm cấm.

Vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc hòa bình giải quyết các tranh chấp quốc tế

Với vị thế là một cường quốc trên thế giới, lại có công dân là thẩm phán tại hầu khắp các thiết chế tài phán quốc tế, như: Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ), Tòa án Luật Biển Quốc tế (ITLOS), Trọng tài Thường trực Lahaye (PCA),… lẽ ra Trung Quốc phải tích cực sử dụng các thiết chế này để giải quyết các tranh chấp quốc tế nói chung và tranh chấp Biển Đông nói riêng, tuy nhiên trên thực tế, quốc gia này lại nhất mực khước từ các thiết chế văn minh này.

Bên cạnh đó, Trung Quốc cố tình giữ lập trường : “Hoàng Sa không có tranh chấp”, “kiên quyết chỉ giải quyết song phương’’, “không đa phương hóa”, “không tài phán hóa” việc giải quyết tranh chấp Biển Đông…. mặc dù phía Việt Nam và các quốc gia khác đã nhiều lần đề xuất. Đặc biệt, trong vụ kiện do Philippines khởi xướng tại Tòa trọng tài thành lập theo Phụ lục VII UNCLOS 1982, Trung Quốc còn kiên quyết lập trường “3 không”: không chấp nhận thẩm quyền của Tòa, không tham gia tố tụng, không chấp nhận hiệu lực của phán quyết. Trong khi luật pháp quốc tế yêu cầu các quốc gia tích cực sử dụng các biện pháp nhằm giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế, việc Trung Quốc cố tình trì hoãn, bất hợp tác và cố tình làm trầm trọng thêm tình hình tranh chấp là một trong những biểu hiện tiêu biểu thể hiện sự vi phạm nguyên tắc” hòa bình giải quyết các tranh chấp quốc tế”.

Đi ngược lại các quy định của nguyên tắc “chiếm hữu thực sự”

Theo quy định của luật pháp quốc tế, chủ quyền quốc gia đối với một vùng lãnh thổ phải được xác lập bằng các phương thức thụ đắc hợp pháp trên cơ sở các nguyên tắc nhất định, trong đó có nguyên tắc chiếm hữu thực sự.

Trong khi đó, chính sách, pháp luật biển của Trung Quốc  lại hoàn toàn đi ngược với các yêu cầu này, với các biểu hiện cụ thể như sau: Hành vi chiếm hữu của Trung Quốc chỉ là các hoạt động mang tính chất tư nhân, không thể hiện ý chí của Nhà nước; Hai vùng đảo Hoàng Sa và Trường Sa không phải là lãnh thổ vô chủ hoặc bị bỏ rơi khi Trung Quốc thực hiện việc chiếm hữu; Trung Quốc đã không đưa ra được các bằng chứng nào có sức thuyết phục về việc họ đã thực thi chủ quyền trên hai vùng đảo Hoàng Sa và Trường Sa một cách liên tục, hòa bình từ khi hai quần đảo này chưa thuộc về Việt Nam; Việc chiếm hữu của Trung Quốc trên hai vùng đảo Hoàng Sa và Trường Sa không đáp ứng được yêu cầu về sự đi kèm của yếu tố tinh thần (animus) và vật chất (corpus) trong chiếm hữu lãnh thổ; Việc chiếm hữu của Trung Quốc đối với hai vùng đảo Hoàng Sa và Trường Sa luôn bị sự phản đối gay gắt của các quốc gia và cộng đồng quốc tế.

Đi ngược lại với nguyên tắc thỏa thuận

Theo quy định của luật biển quốc tế hiện đại, quốc gia có nghĩa vụ tuân thủ nguyên tắc thỏa thuận, hợp tác với các bên hữu quan để giải quyết các vấn đề pháp lý trong vùng biển chồng lấn. Tuy nhiên, trên thực tế, Trung Quốc lại đơn phương công bố yêu sách “đường lưỡi bò” chiếm khoảng 80% diện tích Biển Đông, lấn sâu vào các vùng biển thuộc quyền chủ quyền của Việt Nam, Philippines, Brunei, Indonesia, Malaysia mà không hề có sự thỏa thuận với các quốc gia này. Không những vậy, trước thiện chí của các nước mong muốn giải quyết các tranh chấp biển đảo tại các thiết chế quốc tế phổ cập, thì Trung Quốc lại kịch liệt phản đối vấn đề này. Điều này không chỉ được ghi nhận trong các tuyên bố chính thức của giới chức cầm quyền Trung Quốc mà còn được ghi nhận cụ thể trong Báo cáo của Bộ Ngoại giao nước CHND Trung Hoa về Phán quyết ngày 12/7/2016 của Tòa Trọng tài; Sách trắng “Trung Quốc kiên trì thông qua đàm phán giải quyết tranh chấp liên quan giữa Trung Quốc và Philippines ở Nam Hải (Biển Đông)” ngày 01/7/2016.

Đi ngược lại với nguyên tắc công bằng trong phân định biển

Chính sách, pháp luật biển Trung Quốc đã không đảm bảo được một vị thế cân bằng cho các quốc gia trong khu vực với những tuyên bố đơn phương mang tính áp đặt, cưỡng ép đối với các quốc gia trong khu vực Biển Đông. Với việc ban hành các văn bản chính sách, pháp luật thể hiện yêu sách chủ quyền bao phủ khoảng 80% diện tích Biển Đông, xâm lấn các vùng biển thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia khu vực, Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc công bằng dù công bằng chỉ mang ý nghĩa tương đối. Yêu sách này được vạch ra không dựa trên bất kỳ phương pháp hoạch định, phân định biển nào và cũng không được công bố theo thủ tục luật định bằng hải đồ với bản kê tọa độ địa lý rõ ràng và nộp Liên hợp quốc lưu chiểu. Hơn nữa, vừa công khai quốc tế bản đồ đường yêu sách, Trung Quốc vấp phải sự phản đối kịch liệt từ phía các quốc gia hữu quan cũng như các quốc gia trong và ngoài khu vực, bởi sự phi lý của đường yêu sách.

Đi ngược lại với nguyên tắc bảo vệ tài nguyên biển

Từ khoảng cuối những năm 2013, đầu năm 2014 đến nay, Trung Quốc đã tiến hành hàng loạt các hoạt động lấn biển, nạo vét, san lấp và cải tạo với quy mô lớn đồng loạt trên nhiều thực thể do quốc gia này chiếm đóng trên Biển Đông mà chưa có dấu hiệu giảm tốc. Hành vi “đảo hóa” của Trung Quốc đã và đang tàn phá nhiều rạn san hô (khoảng 80% theo nhận định của giới nghiên cứu Trung Quốc), hủy hoại nghiêm trọng môi trường, làm mất cân bằng sinh thái Biển Đông, hủy diệt các loài sinh vật biển, triệt phá nguồn sinh kế duy nhất của hàng chục triệu ngư dân (chưa kể những tổn thất không thể tính bằng tiền và không thể khôi phục), vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc “bảo vệ môi trường biển”, “bảo vệ và

khai thác hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên biển” và đi ngược lại với xu hướng của khu vực về bảo vệ môi trường biển, bảo vệ quyền con người.

Đi ngược nguyên tắc “tự do biển cả” và “sử dụng biển cả vì mục đích hòa bình”

Thông qua việc yêu sách khoảng 80% diện tích Biển Đông, phạm vi yêu sách của Trung Quốc không chỉ giới hạn ở các vùng biển đảo thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia trong khu vực mà còn bao gồm cả khu vực Biển cả và Vùng. Trong khi đó, theo quy định của UNCLOS 1982, Biển cả và Vùng là di sản chung của nhân loại. Việc Trung Quốc thiết lập quyền kiểm soát với khu vực này, thực hiện hàng loạt các hoạt động gây hấn trên biển như cắt cáp, đâm va, bắt giữ trái phép tàu và ngư cụ của ngư dân, triển khai rầm rộ hoạt động “siêu đảo hóa” phi pháp tại các thực thể ngầm … đã vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc “tự do biển cả” và “sử dụng biển cả vì mục đích hòa bình” được ghi nhận tại Điều 87 và 88 UNCLOS 1982”.

Từ những phân tích trên cho thấy, Trung Quốc đã vi phạm, đi ngược lại hầu hết những quy định quan trọng của luật pháp quốc tế về biển đảo. Hành vi này cho thấy Bắc Kinh đang sử dụng sức mạnh cơ bắp để áp dụng luật chơi trên biển. Điều này đã, đang và sẽ đe dọa hòa bình, ổn định trong khu vực.

http://biendong.net/bi-n-nong/33775-tq-di-nguoc-lai-cac-quy-dinh-luat-phap-quoc-te-lien-quan-van-de-bien-dao.html

 

Tập Cận Bình muốn Mỹ – Trung đoàn kết chống dịch

Hải Lam

Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 27/3, ông Tập Cận Bình nói rằng Mỹ – Trung nên đoàn kết cùng nhau chống dịch viêm phổi Vũ Hán.

Truyền hình nhà nước Trung Quốc (CCTV) đưa tin, ông Tập kêu gọi chính quyền Washington cùng hợp tác và tuyên bố Bắc Kinh “mong muốn tiếp tục chia sẻ tất cả thông tin và kinh nghiệm với Mỹ”.

Ông Tập nói thêm, quan hệ Mỹ – Trung đang ở “thời điểm quan trọng”, việc hợp tác sẽ đem tới lợi ích cho cả hai bên và là “sự lựa chọn đúng đắn duy nhất”.

Tổng thống Trump bày tỏ sự lạc quan về cuộc điện đàm. Ông đăng trên Twitter rằng, ông đã có một “cuộc trò chuyện rất tốt đẹp” với ông Tập, và cả hai nhà lãnh đạo đã thảo luận “rất chi tiết” về đại dịch.

Cuộc điện đàm diễn ra trong bối cảnh các quan chức Mỹ và Trung Quốc gần đây liên tục đấu khẩu về nguồn gốc của virus corona chủng mới. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo gọi nCov là “virus Vũ Hán”, sau đó một quan chức thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc đăng trên Twitter cáo buộc quân đội Mỹ đưa virus tới Vũ Hán, nhưng lại không đưa ra được bằng chứng. Tổng thống Mỹ Donald Trump phản bác, nói Trung Quốc truyền bá thông tin sai lệch và sau đó cũng gọi nCov là “virus Trung Quốc”. Ông cũng nhiều lần chỉ trích Trung Quốc vì sự thiếu minh bạch và đưa tin chậm về dịch bệnh.

Theo AFP

Hải Lam dịch và biên tập

https://www.dkn.tv/the-gioi/tap-can-binh-muon-my-trung-doan-ket-chong-dich.html

 

Trung Cộng và Hoa Kỳ sẽ gác lại các mâu thuẫn

trong hội nghị thượng đỉnh G20 về coronavirus

Tin từ Bắc Kinh, Trung Cộng – Theo bản tin của tờ Tin Hoa Nam Buổi Sáng, Trung Cộng và Hoa Kỳ dự kiến sẽ tạm dừng việc đổ lỗi coronavirus và tập trung vào các thách thức của đại dịch, khi các nhà lãnh đạo của các quốc gia G20 tổ chức các cuộc đàm phán thông qua hội nghị video vào hôm thứ Năm (26/3).

Virus lan rộng trên toàn cầu, lây nhiễm hơn 470,000 người và giết chết hơn 20,000 người, kể từ khi bùng phát ở miền trung Trung Cộng hồi cuối năm ngoái. Tờ báo trích dẫn một dự thảo tuyên bố sẽ được thảo luận tại hội nghị, và cho biết các nhà lãnh đạo dự kiến sẽ đồng ý rằng dịch bệnh này là mối đe dọa đối với nhân loại và sẽ thiết lập một cơ chế chia sẻ thông tin và kinh nghiệm trong việc chống lại căn bệnh này.

Saudi Arabia, quốc gia giữ chức chủ tịch G20 năm nay, sẽ chủ trì bằng hội nghị video vào hôm thứ Năm giữa những lời chỉ trích rằng nhóm này phản ứng chậm với cuộc khủng hoảng. Trọng tâm sẽ là Trung

Cộng và Hoa Kỳ, vốn đang đối đầu nhau trong một cuộc khẩu chiến về sự bùng phát, trong bối cảnh một cuộc tranh chấp thương mại căng thẳng.

Một nguồn tin ngoại giao trong cuộc cho biết trong các cuộc đàm phán chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh G20, hai nước đồng ý gác lại sự khác biệt của họ. Việc Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Mike Pompeo đề cập đến “virus Trung Cộng” – một thuật ngữ mà Tổng thống Trump cũng sử dụng nhiều lần – khiến Bắc Kinh vô cùng phẫn nộ. (BBT)

https://www.sbtn.tv/trung-cong-va-hoa-ky-se-gac-lai-cac-mau-thuan-trong-hoi-nghi-thuong-dinh-g20-ve-coronavirus/

 

‘Đội tuyên truyền’: Bắc Kinh ‘khóa miệng’

các nhà báo tại Vũ Hán như thế nào?

Hàn Mai

Chính quyền Trung Quốc đã quản lý chặt chẽ các phóng viên truyền thông nhà nước kể từ khi bắt đầu bùng phát virus Vũ Hán để đảm bảo rằng những bài báo họ đưa ra đồng bộ với các báo cáo chính thức từ Trung ương, một cựu phóng viên nói với The Epoch Times.

Ông Zhang Zhenyu sống tại Canada là một cựu phóng viên của ifeng, một kênh truyền thông thân Bắc Kinh có trụ sở tại Hồng Kông, đã tiết lộ những chỉ thị chi tiết của Bắc Kinh cho khoảng 300 phóng viên truyền thông nhà nước Trung Quốc được phái đến vùng số 0, khu vực bùng nổ virus Vũ Hán kể từ giai đoạn đầu của dịch bệnh trong tháng Một.

Những tiết lộ này dựa trên các nguồn tin ông có được đang làm việc trong ngành truyền thông tại Trung Quốc.

Ông cho biết ưu tiên hàng đầu của các phóng viên hiện trường là không báo cáo bất kỳ tin tức tiêu cực nào.

“Đội tuyên truyền”

Trên khắp Trung Quốc, mọi cơ quan thông tấn nhà nước lớn đều cử phóng viên tham gia vào “nhóm báo chí” tại Vũ Hán. Theo lời phóng viên Zhang, họ phải ở lại thành phố cho đến khi dịch bệnh kết thúc. Bản chất vai trò của họ rõ ràng đến mức trong nội bộ, các phóng viên cũng tự gọi mình là “đội tuyên truyền”.

Ông Zhang cho biết chính quyền đã ban bố những quy định hà khắc để giữ các phóng viên trong vòng kiểm soát.

Bộ phận tuyên truyền của chính quyền đã ra lệnh cho các phóng viên phải bám sát chỉ đạo của Tân Hoa Xã, Trung Quốc Tân Vấn Xã và Nhân dân Nhật báo, ba cơ quan tin tức hàng đầu của nhà nước Trung Quốc.

Các phóng viên không được phép rời khỏi nhóm hoặc tiết lộ nơi ở của họ cho bất cứ ai bên ngoài. Ngoài ra, không ai được phép hành động theo ý mình. Lịch trình của họ được lấp đầy với các cuộc phỏng vấn đã lên kịch bản sẵn, trong khi hình ảnh cho mỗi báo cáo được các cơ quan chức năng sàng lọc cẩn thận để phê duyệt.

“Cái gọi là nhóm báo chí là một sợi dây buộc quanh cổ mỗi phóng viên. Bạn phải đi bất cứ nơi nào bạn được yêu cầu”, ông Zhang nói trong một cuộc phỏng vấn. “Họ ăn ở cùng nhau, và hành động hòa điệu, đồng thời theo dõi nhau, về cơ bản họ bị giam hãm trong thế tiến thoái lưỡng nan.

Ông Zhang tiết lộ, thông thường ở Trung Quốc, nếu một phóng viên đưa ra đường lối chính trị sai lầm, họ sẽ phải viết một bài tự phê bình và tòa soạn thường sẽ đóng vai trò nâng đỡ để bảo vệ phóng viên. Tuy nhiên, bằng cách khoanh tròn các phóng viên lại với nhau, chính quyền đã loại bỏ lớp bảo vệ này một cách hiệu quả và có thể trực tiếp trừng phạt bất cứ ai vì đã đi lệch hướng.

“Trong quá khứ, chúng tôi sẽ bỏ trốn trong hoàn cảnh như vậy, nhưng ở một nơi như Vũ Hán, bạn không thể nào bỏ trốn ngay cả khi bạn muốn. Nói một cách dễ hiểu, các phóng viên đã trở thành những con tốt trong nhóm báo chí này”, ông Zhang cho hay.

Chỉ thị từ Bắc Kinh

Cục Quản Lý Không gian Mạng Bắc Kinh – cơ quan kiểm duyệt Internet của chính quyền Trung cộng, đã ban hành khoảng 5 hướng dẫn cho các phóng viên, ông Zhang nói, và trích dẫn ra các mối quan hệ từ Trung Quốc của mình.

Đầu tiên, họ cần chuyển hướng chú ý của công chúng ra khỏi mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh và nhấn mạnh vào việc thành phố đang quay trở lại trạng thái bình thường như thế nào.

Các phóng viên cũng được yêu cầu không đưa tin về các ca nhiễm mới để tránh gây sợ hãi cho công chúng, phóng viên Zhang nói. Thay vào đó, họ phải tăng cường phủ sóng tin tức dịch bệnh bùng phát ngày càng tệ hơn ở nước ngoài để hướng sự chú ý ra nơi khác, và để tuyên truyền rằng cách thức quản lý dịch bệnh của chính quyền vượt trội hơn các hệ thống dân chủ nước ngoài tới mức nào.

Hơn nữa, một “hệ thống báo động” đã được thiết lập để lọc nội dung nhạy cảm trên Internet nói về sự bùng phát dịch bệnh. Một tài liệu rò rỉ gần đây từ tỉnh Hồ Bắc đã cho thấy các quan chức đã thuê ít nhất 1.600 người kiểm duyệt trong khu vực để xóa ngay tức khắc bất kỳ bình luận nào nhạy cảm trên mạng.

Trước chuyến đi tới Vũ Hán, các phóng viên đã được cảnh báo không được vi phạm các điều khoản bởi vì bất kỳ vấn đề nào phát sinh từ những sai lầm của họ sẽ trở thành vấn đề an ninh quốc gia, ông Zhang nói.

Các phóng viên không dám thảo luận về công việc của họ ngay cả với gia đình, vì biết rằng điện thoại của họ có khả năng bị nghe lén.

Kiểm soát các bản tin tường thuật, từ đầu đến cuối

Sau khi chiến dịch che đậy ban đầu thất bại và dịch bệnh vượt khỏi tầm kiểm soát, chính quyền ĐCSTQ bắt đầu phong tỏa các thành phố từ ngày 23/1, một biện pháp quyết liệt đã gây ra sự phẫn nộ của công chúng, phóng viên Zhang nói.

Ông cho biết, hai mục tiêu của ĐCSTQ là thoái trách nhiệm và biến sự bùng phát dịch bệnh thành cơ hội để tôn vinh chính mình.

Phóng viên Zhang cho hay, tờ Tin Tức Bắc Kinh, phương tiện truyền thông của ĐCSTQ, đã nhận được “cảnh báo nghiêm khắc” vì những vi phạm nhỏ đối với “điểm nói chuyện chính thức” được phép nói trong các bài báo viết về các bệnh viện dã chiến, một chủ đề khác vốn được chính ĐCSTQ lựa chọn.

“ĐCSTQ không giải quyết vấn đề, mà thay vào đó sẽ tìm cách loại bỏ những người nêu lên nghi vấn, điều này đã được định sẵn trong hệ thống chính quyền này”, phóng viên Zhang nói. “Và biện pháp để giải quyết vấn đề là kiểm soát dư luận”.

Chính quyền cũng đã ca ngợi các phóng viên truyền thông nhà nước trong việc đăng tin về dịch bệnh.

Liao Jun, một phóng viên của Tân Hoa Xã, là một trong những người đầu tiên đăng tin về việc các cảnh sát Vũ Hán khiển trách bác sỹ Lý Văn Lượng (Li Wenliang), một trong những người đầu tiên đưa ra lời cảnh báo sớm về sự nguy hiểm của virus corona Vũ Hán.

Bà Liao đã viết hơn 500 bài báo mà phần nhiều trong số đó liên tục nhắc lại tuyên bố của ĐCSTQ rằng virus này kiểm soát được và nó không có khả năng lây nhiễm vào giai đoạn đầu. Vào ngày 8/3, Bắc Kinh đã ca ngợi phóng viên Liao là một nữ anh hùng, là người “lội ngược dòng”.

“Không khó để đoán được có bao nhiêu người đứng sau bà ấy giúp tạo ra những bài báo vô bổ như vậy”, phóng viên Zhang nhận xét.

Ông cũng khẳng định chiến dịch bóp méo thông tin hung hăng và dai dẳng của ĐCSTQ nhằm mục đích khắc họa một ấn tượng sai lầm rằng “Trung Quốc đang an toàn hơn phần còn lại của thế giới”, sau đó dụ dỗ người Hoa hải ngoại về nước.

Vào ngày 24/3, tờ Trung Quốc Nhật Báo có một cuộc phỏng vấn với một sinh viên Bangladesh đang học ở Vũ Hán, là người “tình nguyện” ở lại thành phố để chiến đấu với dịch bệnh. Người sinh viên này gọi Trung Quốc là “nơi tốt nhất và an toàn nhất trên thế giới” và nói rằng virus “không liên quan đến Trung Quốc”.

Chính quyền Tổng thống Trump gần đây đã chỉ đích danh Trung Quốc Nhật Báo cũng như 4 hãng thông tấn khác của ĐCSTQ bao gồm Tân Hoa Xã và Mạng lưới Truyền hình Toàn cầu Trung Quốc là các “cơ quan nước ngoài”, khẳng định họ là “cơ quan tuyên truyền của ĐCSTQ”.

Kết quả của sự chỉ mặt này là việc chính quyền Washington cắt giảm số lượng phóng viên thường trú ở Mỹ của các cơ quan truyền thông nhà nước trung Quốc.

Để đáp trả, ĐCSTQ cũng tuyên bố trục xuất các nhà báo Hoa Kỳ tại Trung Quốc, những người làm việc cho các báo The New York Times, The Wall Street Journal và The Washington Post.

Tại một cuộc họp báo ngày 17/3, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết, ông lấy làm tiếc cho quyết định của chính quyền Trung Quốc, “dẫn đến việc hạn chế khả năng hoạt động báo chí tự do của thế giới, dù điều này rất tốt với người dân Trung Quốc trong thời đại toàn cầu hoá đầy thách thức này; thời đại mà càng có nhiều thông tin hơn, càng minh bạch hơn sẽ cứu vãn được con người”.

Theo Eva Fu, The Epoch Times

Hàn Mai dịch và biên tập

Video: Từ Thảm sát Thiên An Môn đến Pháp Luân Công, Bắc Kinh giấu tội như thế nào?

https://www.dkn.tv/the-gioi/doi-tuyen-truyen-bac-kinh-khoa-mieng-cac-nha-bao-tai-vu-han-nhu-the-nao.html

 

Chủ tịch Tập

đề nghị giúp TT Trump chống Covid-19

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói với Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump trong một cuộc điện đàm hôm 27/3 rằng ông hy vọng Hoa Kỳ sẽ có hành động thực chất để cải thiện quan hệ song phương, Reuters dẫn lời Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết.

Ông Tập cũng nói với ông Trump rằng hợp tác giữa hai nước là lựa chọn chính xác và duy nhất, và Trung Quốc sẵn sàng hỗ trợ Hoa Kỳ trong việc đối phó với Covid-19, theo thông tin do Bộ Ngoại giao Trung Quốc công bố.

Trong cuộc điện đàm, ông Tập đã nhắc lại với ông Trump rằng Trung Quốc đã công khai và minh bạch về dịch bệnh, cũng theo thông tin do Bộ Ngoại giao Trung Quốc công bố.

Ông Trump nói trên Twitter rằng ông đã thảo luận “rất chi tiết” với ông Tập về dịch bệnh Covid-19.

“Trung Quốc đã trải qua vấn đề này và có nhiều hiểu biết về loại virus này”, ông Trump viết. “Chúng tôi đang làm việc chặt chẽ với nhau. Rất trân trọng!”, ông viết thêm.

Theo đài CRI của Trung Quốc, ông Tập “mong Mỹ áp dụng biện pháp thiết thực và hiệu quả, bảo vệ an toàn tính mạng và sức khỏe của công dân Trung Quốc trong đó có lưu học sinh tại Mỹ”.

Chủ tịch Tập Cận Bình cho biết, hiện nay, quan hệ Trung-Mỹ đang ở vào thời điểm quan trọng. “Mong Mỹ áp dụng hành động thực chất trong việc cải thiện quan hệ Trung-Mỹ, hai bên cùng nỗ lực, tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực chống dịch, v.v.., phát triển quan hệ không xung đột, không đối đầu, tôn trọng lẫn nhau, hợp tác, cùng thắng”, đài CRI trích lời ông Tập nói trong cuộc điện đàm với ông Trump.

Từ trước đến nay, ông Trump và các quan chức hàng đầu của Hoa Kỳ cáo buộc Trung Quốc thiếu minh bạch về dịch bệnh – cho đến nay có hơn 24.000 người trên toàn cầu tử vong – khiến Trung Quốc tức giận.

Hoa Kỳ hiện có nhiều ca nhiễm Covid-19 nhất trên thế giới. Tính đến sáng sớm ngày 27/3, trên cả nước Mỹ có hơn 85.500 người đã nhiễm bệnh Covid-19, và 1.259 người tử vong, theo CBS News, dẫn lại Đại học Johns Hopkins.

https://www.voatiengviet.com/a/chu-tich-tap-de-nghi-giup-tt-chong-covid19/5348167.html

 

TQ cổ suý dùng mật gấu trị corona, gây tranh cãi

Chưa tới một tháng sau khi thực hiện các bước cấm vĩnh viễn việc mua bán-tiêu thụ thịt động vật hoang dã, chính phủ Trung Quốc khuyến nghị dùng Tan Re Qing, mũi tiêm chứa mật gấu, để trị các ca nhiễm virus corona nguy kịch.

Đây là một trong số cách điều trị virus corona được khuyến nghị trong danh sách công bố hôm 4/3 của Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc, cơ quan của nhà nước chịu trách nhiệm về chính sách y tế quốc gia.

Khuyến nghị vừa kể, theo giới hoạt động bảo vệ động vật hoang dã, là một biện pháp mâu thuẫn trong khi một mặt cấm mua bán thịt động thực vật hoang dã, một mặt lại cổ suý cho việc mua bán nội tạng của động vật.

Mật gấu được dùng trong thuốc cổ truyền Trung Hoa từ ít nhất là thế kỷ thứ 8 tới nay. Nó chứa lượng acid ursodeoxycholic cao, hay còn gọi là ursodiol, được chứng minh lâm sàng có thể giúp làm tan sỏi mật và trị bệnh gan.

Tổ chức Y tế Thế giới nói chưa có cách trị COVID-19, dù một số thuốc như giảm đau, si-rô ho có thể trị các triệu chứng đi kèm với bệnh COVID-19.

Các bác sĩ y học cổ truyền Trung Hoa thường dùng Tan Re Qing để trị viêm phế quản và các loại nhiễm trùng ở đường hô hấp trên.

Bác sĩ Clifford Steer, giáo sư tại Đại học Minnesota ở Minneapolis, đã nghiên cứu về lợi ích y dược của acid ursodeoxycholic. Ông không thấy có bằng chứng nào rằng mật gấu là phương thuốc hữu hiệu trị vius corona.

Ông nói, acid ursodeoxycholic khác biệt với các loại acid khác trong mật về khả năng giữ cho tế bào sống và có thể giảm bớt các triệu chứng của COVID-19 nhờ các tính năng chống viêm và khả năng ổn định đáp ứng miễn dịch.

Dù việc dùng mật của gấu nuôi​ là hợp pháp ở Trung Quốc, mật gấu hoang dã bị cấm, việc nhập mật gấu từ các nước cũng bị cấm.

Theo Aron White thuộc Cơ quan Điều tra Môi trường (EIA) có trụ sở ở London, Anh quốc, mật gấu bất hợp pháp từ gấu hoang được sản xuất ở Trung Quốc cũng như được nhập từ gấu nuôi, gấu hoang ở Lào, Việt Nam, và Triều Tiên.

Các nhà bảo vệ động vật hoang dã lo rằng việc Trung Quốc khuyến cáo dùng mũi tiêm Tan Re Qing, vốn chứa bột sừng dê và chất chiết xuất từ cây cỏ cộng với mật gấu, sẽ làm tăng việc mua bán các sản phẩm động vật hoang dã bất hợp pháp.

Tại các trại nuôi gấu lấy mật ở Trung Quốc và các nước Đông Nam Á, gấu bị nhốt cả chục năm trong chuồng, chịu đau đớn mỗi lần bị rút mật.

Vì các trại gấu thường xảy ra dịch bệnh, nên, theo tổ chức phi lợi nhuận Animals Asia, người tiêu thụ có nguy cơ tiêu thụ mật của gấu bệnh, mật nhiễm độc bởi phân, máu, mủ, nước tiểu và vi khuẩn.

Ủy ban Y tế Quốc gia của Trung Quốc không hồi đáp yêu cầu bình luận.

(Nguồn: National Geographic/China’s National Health Commission)

https://www.voatiengviet.com/z/1788

 

Indonesia có hơn 1.000 ca nhiễm Covid-19,

đứng đầu Đông Nam Á về người tử vong

Hôm 27/3, Indonesia cho biết có thêm 153 ca nhiễm Covid-19, nâng tổng số ca nhiễm lên hơn 1.000, theo Bloomberg.

Ông Achmad Yurianto, phát ngôn viên của lực lượng chuyên trách của chính phủ về phòng chống Covid-19, cho biết như vừa nêu và nói thêm rằng nước này đã ghi nhận 9 ca mới tử vong, nâng tổng số tử vong vì Covid-19 lên 87 ca, cao nhất ở Đông Nam Á.

Trang The Jakarta Post dẫn nguồn từ Cơ quan Y tế Indonesia xác nhận tính đến ngày 27/3 cả nước có đến 1.046 ca dương tính Covid-19.

Trong khi các chuyên gia kêu gọi chính phủ áp dụng biện pháp phong tỏa tại các khu vực có tỷ lệ lây nhiễm cao, ông Yurianto nói rằng công dân nên tăng cường nhận thức và tuân thủ khuyến cáo ở nhà, cũng như duy trì khoảng cách an toàn trong tương tác xã hội.

“Tôi rất lạc quan và thực sự tin rằng [chúng ta có thể vượt qua bệnh dịch] bởi vì chúng ta thực sự làm việc cùng nhau, đó là thể thức cơ bản của chúng ta với tư cách là một quốc gia,” ông Yurianto nói.

Indonesia trở thành quốc gia thứ ba ở Đông Nam Á, sau Malaysia và Thái Lan, có số nhiễm Covid-19 vượt quá 1.000.

https://www.voatiengviet.com/a/indonesia-hon-1000-ca-nhiem-covid-19-/5348454.html

 

Singapore phạt tù người vi phạm ‘giãn cách xã hội’

Singapore bắt đầu xử phạt những người vi phạm quy định về giãn cách xã hội (social distancing) trong nỗ lực mới nhất nhằm kiềm chế dịch Covid-19, theo đài Fox News.

Bắt đầu từ ngày 27/3, bất kỳ ai bị phát hiện xếp hàng hoặc ngồi ở nơi công cộng mà cách người khác dưới 1 mét có thể bị phạt tù tới 6 tháng hoặc bị phạt tiền tới 10.000 đôla Singapore (khoảng 7.000 đôla Mỹ) hoặc cả hai mức phạt.

Mức phạt này cũng được áp dụng cho khách đến các trung tâm thương mại, cơ sở tôn giáo, nhà tang lễ, và khoảng 55 điểm tham quan bao gồm các bảo tàng.

Theo quy định, những nơi này có thể mở cửa hoạt động nhưng khách không được phép đi theo nhóm trên 10 người.

Mức phạt tương tự cũng áp dụng cho những bệnh nhân có triệu chứng hô hấp cấp tính mà đi ra khỏi nhà mặc dù họ đã được nghỉ ốm 5 ngày, theo đài CNBC.

Cũng theo đài này, các cư dân nhập cảnh Singapore và đã được thông báo phải cách ly ở nhà 14 ngày, nếu vi phạm cũng bị xử án tù, phạt tiền, hoặc cả hai.

Singapore, nơi có 683 trường hợp nhiễm Covid-19, đã thực hiện các biện pháp mạnh này để ngăn chặn sư lây lan của dịch bệnh, trong khi chưa áp dụng lệnh phong tỏa.

Các quy định về khoảng cách an toàn, không áp dụng cho các phiên họp của Quốc hội hoặc tòa án, sẽ được áp dụng cho đến ngày 30/4.

https://www.voatiengviet.com/a/singapore-pha-tu-nguoi-vi-pham-gian-cach-xa-hoi/5348344.html