Tòa ngăn luật sư và ông Nhất trình bày
Ông Trương Duy Nhất khẳng định tại phiên tòa sơ thẩm rằng ‘ông không có tội’
Trong phiên sơ thẩm hồi đầu tháng Ba, ông Nhất bị kết tội ‘Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước’ theo điều 258 Bộ Luật Hình sự và bị tuyên án hai năm tù.
Bằng chứng kết tội ông Nhất là 11 bài viết của ông Nhất và một bài của tác giả khác do ông Nhất đưa lên trang blog cá nhân của ông có tựa đề ‘Một góc nhìn khác’. Theo cáo trạng thì các bài viết này ‘đã làm mất lòng tin của nhân dân vào Đảng, chính quyền và làm mất uy tín cá nhân các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam’.
‘Không được nói’
Tuy nhiên, ông Trần Vũ Hải, luật sư bào chữa cho ông Nhất, nói với BBC khi vừa kết thúc phiên tòa rằng Tòa đã ‘tìm cách ngăn không cho bị cáo cũng như luật sư trình bày và phân tích về 12 bài này’. “Chúng tôi đề nghị phải làm rõ là 12 bài này xâm phạm lợi ích nào của Nhà nước, được quy định trong văn bản pháp luật nào” ông Hải cho biết, “Chúng tôi cũng muốn trình bày từng bài một viết như vậy thì có lợi hay không có lợi cho Nhà nước Việt Nam.”
“Cá nhân tôi cho rằng nếu tranh luận một cách sòng phẳng thì Viện kiểm sát không đáp lại được.” – Trần Vũ Hải, luật sư bào chữa cho Trương Duy Nhất
“Nhưng Tòa đã cảnh cáo luật sư nếu mà đưa vấn đề đấy ra thì sẽ bị đưa ra khỏi Tòa. Cứ nói đến vấn đề như thế thì họ tìm cách không cho nói nữa,” ông nói thêm. Ông Hải còn cho biết Viện kiểm sát cũng không tranh luận về các bài viết này tại Tòa. Ngay cả bị cáo Trương Duy Nhất trong lời nói cuối cùng trước Tòa cũng yêu cầu được trình bày về các bài viết này nhưng Tòa cũng kiên quyết không cho, theo lời luật sư Hải. “Cá nhân tôi cho rằng nếu tranh luận một cách sòng phẳng thì Viện kiểm sát không đáp lại được.” Chính vì thế tòa phiên tòa đã kết thúc rất chóng vánh sau chưa tới hai giờ đồng hồ và phần nghị án chỉ diễn ra ‘có vài phút’, theo luật sư Hải. Ngoài ra, yêu cầu của luật sư triệu tập một số người được nêu lên trong 12 bài viết và giám định viên đã ký vào biên bản giám định ‘cũng bị Tòa bác bỏ mà không nêu lý do thỏa đáng’. Tại phiên tòa sơ thẩm, ông Trương Duy Nhất được cho là đã nói rằng ông ông không ‘xâm phạm quyền và lợi ích’ của tổ chức hay cá nhân nào cả mà chỉ ‘chỉ ra những khuyết điểm, sai lầm, những hiện tượng chưa đúng’ với hy vọng ‘lãnh đạo Đảng và Nhà nước sẽ thấy ra, khắc phục, sửa chữa và rút kinh nghiệm’.