Tin Biển Đông – 20/03/2020
TQ sử dụng tàu nghiên cứu khoa học để củng cố
yêu sách “chủ quyền” phi pháp trên Biển Đông
Ngay sau khi tình hình dịch bệnh nCoV có dấu hiệu được kiểm soát, Trung Quốc liền triển khai các hoạt động “nghiên cứu khoa học” và “thăm dò”, “khảo sát” ở Biển Đông. Tuy nhiên, giới nghiên cứu cho rằng đây là một trong những thủ đoạn của Bắc Kinh nhằm củng cố cái gọi là “chủ quyền lịch sử” ở Biển Đông.
Từ đầu tháng 3, Trung Quốc bắt đầu tái triển khai các kế hoạch thăm dò, khảo sát đại dương. Theo đó, từ 10-20/3, tàu lặn có người lái “Dũng sỹ biển sâu” sẽ tiến hành hoạt động thăm dò đầu tiên trong năm 2020 ở Biển Đông. Hiện tàu lặn trên đã tới cảng Tam Á, Hải Nam và đã được lắp đặt trên tàu “thăm dò số 01” của Trung Quốc. “Dũng sỹ biển sâu” là tàu lặn có người lái dưới biển sâu thứ hai của Trung Quốc sau tàu “Giao Long”. Tàu này có thể lặn ở độ sâu 4.500m, được trang bị hệ thống trí tuệ nhân tạo độc lập. Trong năm 2018, tàu trên đã tiến hành thử nghiệm và triển khai nhiêu kế hoạch thăm dò, khảo sát dưới biển. Tính đến cuối năm 2019, “Dũng sỹ biển sâu” đã đưa tổng cộng 675 người xuống đáy đại dương. Năm 2019, chúng tàu đã lặn 110 lần, với độ sâu trung bình 2.528,9m, thời gian hoạt động trung bình dưới nước là 9h, thời gian tác nghiệp trung bình là 6h23. Đội ngũ vận hành và bảo trì đã tàu là 161 người.
Trước đó, Cục Hải sự tỉnh Hải Nam, từ 27/2 – 30/4/2020, tàu khảo sát Hải Dương Thạch Du 719 (Haiyang Shiyou 719) hoạt động khảo sát địa chấn 2D tại khu vực nối liền bởi 14 điểm có tọa độ 17-02.86N/109-12.44E, 17-51.51N/108-33.88E, 17-54.41N/109-01.37E, 17-54.62N/109-29.13E, 18-11.82N/110-04.65E, 18-39.34N/111-43.46E, 18-06.65N/111-04.93E, 18-47.45N/112-16.32E, 18-35.77N/113-17.49E, 17-47.35N/111-55.56E, 17-32.97N/112-04.13E, 17-19.08N/111-39.91E, 16-56.27N/111-53.09E và 16-52.78N/109-51.47E. Từ thông tin trên cho thấy, tàu khảo sát Hải Dương Thạch Du 719 tiến hành khảo sát trong khu vực rộng lớn ở phía Bắc quần đảo Hoàng Sa, áng chừng rộng hơn 50.000 km2. Điểm gần bờ biển Việt Nam nhất là 17-02.86N/109-12.44E, cách Đà Nẵng khoảng 75 hải lý.
Bên cạnh việc đơn phương tiến hành thăm dò, khảo sát khoa học ở Biển Đông, Trung Quốc còn tích cức “vận động hành lang”, kêu gọi các nước hợp tác nghiên cứu khoa học trên biển. Chỉ tính từ cuối năm 2017 đến nay, Trung Quốc đã chủ động triển khai các hoạt động hợp tác quốc tế về nghiên cứu, khảo
sát khoa học biển với nhiều nước khu vực và có thể được coi là một thành công về chiến lược của Trung Quốc. Với Philippines, nước được coi là ngọn cờ đầu trong tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc và cũng là nước đệ đơn kiện yêu sách “Đường lưỡi bò” của Trung Quốc ở Biển Đông lên Toà Trọng tài theo Phụ lục VII, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, từ ngày 24/1-25/2/2018, Trung Quốc đã công khai việc đưa tàu nghiên cứu khoa học tới khu vực Benham Rise để cùng với các nhà khoa học Philippines tiến hành các hoạt động nghiên cứu, khảo sát đại dương tại khu vực này theo thỏa thuận đạt được giữa Chính phủ hai nước (ngày 15/2/2018). Truyền thông Trung Quốc ca ngợi và hy vọng rằng Trung Quốc và Philippines sẽ tiếp tục tiến hành một số hoạt động nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên chung ở Biển Đông. Với Myanmar, Đài phát thanh Quốc tế Trung Quốc (vietnamese.cri.cn) đưa tin cùng với các khoản hỗ trợ đầu tư về kinh tế, trong lĩnh vực khoa học, Trung Quốc (17/1/2018) đã lần đầu tiên cử tàu khảo sát “Hướng Dương Hồng 3” tới Vùng đặc quyền kinh tế của Myanmar tại Ấn Độ Dương để cùng với các nhà khoa học Myanmar tiến hành khảo sát và nghiên cứu khoa học biển với hành trình trải dài hơn 680 hải lý.
Trước hành động trên của Trung Quốc, ông Jay Batongbacal, Giám đốc Viện Các vấn đề hàng hải và luật biển tại Đại học Philippines, cảnh báo Bắc Kinh có thể dùng nghiên cứu khoa học biển (MSR) để củng cố “các quyền quá đáng” của Trung Quốc và “cố đẩy mạnh quyền lực biển”. Ông Batongbacal còn cảnh báo Bắc Kinh có thể tiến hành hoạt động nghiên cứu nước sâu trong vùng đặc quyền kinh tế hoặc thềm lục địa của các nước khác ở Biển Đông; đồng thời khẳng định tình trạng Trung Quốc từng đơn phương tiến hành MSR trong vùng biển thuộc quyền tài phán của những nước ven Biển Đông khác sẽ không thay đổi.
Giới chuyên gia quốc tế cũng cho rằng việc Trung Quốc thúc đẩy hoạt động hợp tác nghiên cứu khảo sát, thăm dò tài nguyên với các nước không chỉ nhằm cạnh tranh, mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc ở nhiều khu vực biển quốc tế trong đó có Tây Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, hoạt động này còn nhằm tạo tiền đề thúc đẩy mở rộng hợp tác trên biển giữa Trung Quốc với các nước, qua đó hỗ trợ đắc lực cho việc triển khai sáng kiến “Con đường Tơ lụa trên biển thế kỷ 21” và góp phần giúp Trung Quốc hiện thực hóa mục tiêu trở thành “Cường quốc biển” vào giữa thế kỷ 21. Rõ ràng là, thông qua việc triển khai các phương tiện tham gia, Trung Quốc không chỉ tìm kiếm được sự gắn kết về chính trị, kinh tế với các nước, mà còn khảo sát được địa hình, địa chất đáy biển phục vụ cho các hoạt động quân sự của nước này, nhất là để xây dựng phương án tác chiến của tàu ngầm và tàu sân bay, thu thập tin tức về bố trí lực lượng của các nước. Ngoài ra, hoạt động hợp tác khảo sát nghiên cứu khoa học biển với các nước còn giúp Trung Quốc xây dựng hình ảnh là “cường quốc biển có trách nhiệm trong bảo vệ môi trường, ứng phó thiên tai và cùng các nước xây dựng “Cộng đồng chung vận mệnh”.
Tổng công ty Dầu khí Hải dương TQ:
“Cánh tay phải” của Chính quyền TQ ở Biển Đông
Tổng công ty Dầu khí Ngoài Khơi Trung Quốc (China National Offshore Oil Corporation – CNOOC) là một công ty dầu khí quốc gia của Trung Quốc. CNOOC chuyên tìm kiếm và khai thác dầu mỏ và khí thiên nhiên ngoài khơi Trung Quốc. Hiện Ủy ban Giám sát và Quản trị Tài sản nhà nước của Quốc vụ viện đại diện Quốc vụ viện nắm quyền và nghĩa vụ cổ đông của CNOOC.
Khái quát về CNOOC
CNOOC được thành lập vào năm 1982 và có trụ sở tại Bắc Kinh. Sau hơn 30 năm cải cách và phát triển, CNOOC đã phát triển thành một công ty năng lượng quốc tế nổi bật, có cac hoạt động khai thác dầu khí tại hơn 40 quốc gia và khu vực. CNOOC hoạt động kinh doanh trong 6 lĩnh vực gồm thăm dò và phát triển dầu và khí đốt; các dịch vụ kĩ thuật, logistic, sản xuất chất hóa học và phân bón, sản xuất điện và khí thiên nhiên, các dịch vụ tài chính và bảo hiểm. Hiện CNOOC đứng thứ 63 trong 500 công ty hàng đầu thế giới do của tạp chí Fortune bình chọn năm 2019, đứng thứ 32 trong 50 công ty dầu khí hàng đầu thế giới do tạp chí Tuần báo tình báo dầu khí bình chọn năm 2018. Bên cạnh đó, CNOOC là công ty lớn thứ 3 trong “bộ ba” các công ty dầu khí Trung Quốc, chuyên sâu về hoạt động thăm dò và sản xuất dầu khí thượng nguồn ngoài khơi, trong khi Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc CNPC chuyên về các
hoạt động dầu khí trên bờ, còn Tập đoàn Tập đoàn Hóa chất và Dầu khí Trung Quốc Sinopec chịu trách nhiệm về mảng lọc dầu và tiếp thị.
CNOOC hiện khai thác dầu ngoài khơi không chỉ ở Trung Quốc mà còn cả ở Indonesia, Australia, Nigeria, Uganda, Argentina, Hoa Kỳ, Canada, Anh và Brazil. Hoạt động thăm dò và khai thác của CNOOC chủ yếu do công ty con CNOOC Limited thực hiện. CNOOC Limited được niêm yết tại sàn chứng khoán Hồng Kông và sàn New York với các khu vực hoạt động nội địa chủ yếu của CNOOC Limited là vịnh Bột Hải, Biển Đông và biển Hoa Đông, độc lập hoặc hợp tác với các công ty nước ngoài theo hợp đồng phân chia sản lượng (PSCs). Công ty này còn có khá nhiều các tài sản dầu khí và nắm giữ cổ phần tại nhiều dự án ở châu Á, châu Phi, Bắc Mỹ, Nam Mỹ và Châu Đại Dương. Đơn vị này hiện là nhà sản xuất dầu khí thống trị ngoài khơi Trung Quốc và cũng là một trong số những công ty lớn nhất độc lập về thăm dò và khai thác dầu khí trên thế giới, với tổng sản lượng dầu khí đạt 1,127,967 thùng/ngày.
Trong năm 2020, CNOOC đặt mục tiêu sản lượng khai thác ròng đạt từ 520 đến 530 triệu thùng dầu; sản lượng trong nước và nước ngoài lần lượt chiếm tỷ lệ 64% và 36%. Ngoài ra, CNOOC cũng dự kiến sản lượng ròng của năm 2021 và 2022 lần lượt là khoảng 555 và 590 triệu boe. Tổng chi phí vốn của CNOOC cho năm 2020 được duyệt với ngân sách từ 85 đến 95 tỷ nhân dân tệ (12,34 đến 13,79 tỷ USD), trong đó các chi phí thăm dò, phát triển, khai thác và các khoản khác lần lượt chiếm khoảng 20%, 58%, 20% và 2%. Năm 2020, CNOOC cũng có kế hoạch khoan 227 giếng thăm dò và thu nổ khoảng 27 nghìn km2 dữ liệu địa chấn 3D.
Trang bị hiện đại của CNOOC
Chính phủ Trung Quốc đã trang bị cho CNOOC các phương tiện, kỹ thuật rất hiện đại, có thể tiến hành thăm dò, khoan dầu ở những vị trí rất sâu ngoài khơi.
Giàn khoan Hải Dương 981 là một minh chứng cho điều này. Được bàn giao cho CNOOC vào năm 2011 sau hơn 3 năm thi công, với tổng kinh phí gần một tỷ USD, Giàn khoan Hải Dương 981 là giàn khoan bán chìm thuộc thế hệ thứ sáu, dài 114 m, rộng 89 m, cao 117 m và nặng 31.000 tấn, với kích cỡ tương đương với một sân bóng đá và có cả bãi đỗ cho trực thăng. Giàn khoan này gây ấn tượng với khả năng hoạt động ở độ sâu tối đa là 3.000 m và độ khoan sâu tối đa là 10.000 m. Giàn khoan Hải Dương 981 được trang bị 8 máy phát điện 44.000 kilowatt, động cơ đẩy với sức mạnh mỗi động cơ tương đương 5 đầu máy xe lửa. Các động cơ đẩy sẽ chống lại tác động từ gió, sóng và dòng chảy của đại dương.
Giàn khoan Hải Dương 982 được đóng ở xưởng đóng tàu Đại Liên là loại giàn khoan nửa nổi nửa chìm thế hệ thứ 6, có thể chịu được những cơn bão mạnh, phù hợp với điều kiện thời tiết khi tác nghiệp tại Biển Đông. Hải Dương-982 được trang bị hệ thống định vị động lực DP3, khả năng tác nghiệp tại mức nước sâu nhất lên đến 1.500m và độ sâu của giếng khoan thăm dò đạt 9.144m. Giàn có chiều dài 104,5 mét, chiều rộng 70,5 mét, có thể phục vụ cho 180 nhân viên. Giàn khoan này được chế tạo với thời gian phục vụ khoảng 25 năm.
Lam Kình 1 là giàn khoan biển sâu loại nửa nổi nửa chìm lớn nhất thế giới với trọng lượng 42.000 tấn, chiều cao từ đáy đến đỉnh là 118 m, tương đương tòa nhà 37 tầng. Giàn khoan có diện tích mặt sàn tương đương một sân bóng với hệ thống mũi khoan tinh vi. Độ sâu tác nghiệp tối đa là 3.653 m, độ sâu mũi khoan có thể đạt đến 15.240 m. Theo hãng sản xuất CIMC Raffles, Lam Kình 1 có thể hoạt động ở mọi vùng biển sâu trên thế giới. Để thực hiện tác nghiệp, giàn khoan phải mang theo 370 ống thép lớn, mỗi ống dài hàng chục mét, nhiều hơn 30% so với giàn khoan thế hệ 6. Tổng chiều dài cáp điện lên tới 1.200 km. CCTV cho biết giàn khoan Lam Kình 1 có giá thành 700 triệu USD, hiệu suất tăng ít nhất 30% và tiết kiệm 10% nhiên liệu tiêu hao so với thế hệ giàn khoan trước. Theo South China Morning Post, giàn khoan Lam Kình 1 “được thiết kế riêng để hoạt động trên Biển Đông, nơi có những mỏ dầu chưa khai thác ở độ sâu 3.000 m hoặc hơn dưới mực nước biển”.
Giàn khoan Nam Hải số 9 được đóng mới tại nhà máy đóng tàu Daewoo Shipbuilding & Marine Engineering của Hàn Quốc năm 1988. Hiện tại, chủ sở hữu “Nam Hải số 9” là Công ty Dịch vụ Bãi dầu Trung Quốc (COSL) thuộc Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC). Nam Hải 09 là giàn khoan bán chìm dài 100 m, rộng 78 m. Giàn khoan này nặng 21.741 tấn, có khả năng hoạt động ở những vùng biển sâu 1.500 m. Khả năng khoan tối đa của nó là 7.600 m. Giàn khoan ngập 9 m khi di chuyển nhưng ngập sâu 25 m khi khai thác dầu. Nam Hải số 9 không thể tự di chuyển. Các đội tàu kéo sẽ đưa nó tới vị trí đã định. Theo thiết kế, giàn khoan Nam Hải 09 vận hành tốt trong điều kiện sức gió 110 km/h và hải lưu 4 km/h. Khả năng chống chọi tối đa của giàn khoan này là sức gió 190 km/h với hải lưu 4,8 km/h.
CNOOC triển khai các hoạt động phi pháp ở Biển Đông
Trong những năm qua, CNOOC cũng đã nhiều lần tìm cách mời thầu, đưa giàn khoan vào hoạt động trái phép ở Biển Đông, cụ thể:
Ngày 23/6/2012, CNOOC công bố mời thầu quốc tế với 09 lô dầu khí tại Biển Đông. Điều đáng nói là tất cả các lô này đều nằm sâu vào thềm lục địa của Việt Nam. Tổng diện tích lên đến 160.129km2, nằm sâu vào thềm lục địa của Việt Nam, chồng lên các lô từ 128 đến 132 và từ 145 đến 156 mà Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam PVN đã và đang tiến hành các hoạt động dầu khí. Đến tháng 8/2012, trên trang web của Tập đoàn này lại đăng tải thông tin về việc mời thầu 26 lô tại các khu vực gồm vịnh Bột Hải, biển Hoa Đông và chủ yếu là ở Biển Đông (22 lô). Lô số 65/12 chỉ cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 50 km, rất gần lô 65/24 trước đây từng được Trung Quốc mời thầu và bị Việt Nam cực lực phản đối.
Tháng 10/2013, CNOOC loan báo đấu thầu mời các công ty nước ngoài hợp tác thăm dò khai thác tại 25 lô dầu khí trong đó có 17 lô ở Biển Đông, các lô còn lại bao gồm 3 lô ở Biển Hoa Đông, cùng 5 lô ở Hoàng Hải và biển Bột Hải. Tổng cộng 25 lô dầu khí này trải dài trên khu vực rộng hơn 102.000 km2. Thông cáo nói các công ty ngoại quốc có thể tiếp cận dữ liệu liên quan đến các lô vừa kể từ sau khi đăng ký các dự án cho tới cuối năm 2013.
Tháng 11/2014, CNOOC ngang nhiên mời các tập đoàn ngoại quốc dự cuộc đấu thầu 33 lô dầu khí, trong đó có 25 lô ở Biển Đông. Theo đó, Trung Quốc tổ chức đấu thầu quyền thăm dò – khai thác dầu khí cả ở biển Hoa Đông lẫn biển Đông. Diện tích của 33 lô dầu khí (trong đó có 25 lô nằm trong Biển Đông) được đưa ra đấu thầu lên tới 126,000 km2. Đáng chú ý, ngày 2/5/2014, Giàn khoan Hải Dương 981 của CNOOC di chuyển vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Việc hạ đặt giàn khoan tại khu vực nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa của Việt Nam, đồng thời huy động hàng trăm lực lượng tàu bảo vệ đã cho thấy tham vọng độc chiếm của CNOOC nói riêng và Trung Quốc nói chung tại Biển Đông. Sau Giàn khoan Hải Dương 981, Trung Quốc tiếp tục huy động một lượng nhân công lớn để đóng thêm một giàn khoan mới mang tên Hải Dương 982. Giàn khoan này về cơ bản khá giống giàn khoan Hải Dương 981. Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, nó sẽ được trang bị nhiều thiết bị máy móc hiện đại hơn và có khả năng chống đỡ những cơn bão “siêu mạnh” trên Biển Đông.
Tháng 2/2016, CNOOC lại ra thông báo mời các đối tác nước ngoài tham gia đấu thầu khai thác 18 lô dầu khí tại Biển Đông và Biển Hoa Đông với tổng diện tích khoảng 52.257 km2, bao gồm 14 lô ở Biển Đông, 3 lô tại biển Bột Hải, 1 lô tại Biển Hoa Đông. Một số lô trong số này nằm gần quần đảo Hoàng Sa mà Việt Nam nói thuộc chủ quyền Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng từ năm 1974. Một số lô khác nằm gần quần đảo Đông Sa hiện do Đài Loan kiểm soát.
Ngày 26/6/2019, CNOOC tiếp tục mời thầu thăm dò 8 lô dầu khí với tổng diện tích lên đến 9.761km2, trong đó có 5 khu vực ở bồn địa Châu Giang Khẩu với diện tích 993km2; 1 khu vực ở bồn địa Quỳnh Đông Nam và 1 khu vực ở bồn địa Oanh Ca Hải, với diện tích 2.257km2; 1 khu vực hợp tác chiến lược ở Quỳnh Đông Nam, với diện tích lên đến 6.511km2. Ngoài ra, CNOOC còn kêu gọi hợp tác khai thác tại 6 giếng dầu và bồn địa khác ở khu vực Châu Giang Khẩu, Oanh Ca Hải và Quỳnh Đông Nam.
Ý đồ của Trung Quốc
Đầu tiên, Trung Quốc thông qua CNOOC để triển khai các loại hình giàn khoan thăm dò và khai thác dầu khí ở Biển Đông là nhằm kiểm tra, đánh giá trữ lượng dầu mỏ, khí đốt và băng cháy ở Biển Đông, để tạo điều kiện thuận lợi hoạch định chính sách, biện pháp khai thác (đa phần là phi pháp) trong khu vực.
Thứ hai, Bắc Kinh muốn làm chủ nguồn tài nguyên khu vực này và tạo ra sức ép sau đó sẽ khống chế tự do hàng hải, độc chiếm ngư trường ở Biển Đông. Đây là điều hết sức nguy hiểm vì nếu họ chiếm được 3 yếu tố này chính là họ đã “làm chủ” tình hình trong khu vực.
Thứ ba, Trung Quốc liên tục thông qua CNOOC đưa các loại giàn khoan vào loại hiện đại và tiên tiến nhất thế giới vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam cho thấy Bắc Kinh đang muốn mở rộng và mặc định vùng đặc quyền, thềm lục địa từ cái mà họ tự cho mình có “chủ quyền” ở quần đảo Hoàng Sa. Đồng thời với việc thể hiện rằng mình có hoạt động kinh tế ở khu vực này qua việc áp đặt giàn khoan trái phép, Trung Quốc cũng tiến hành xua một lượng lớn tàu cá ồ ạt vào đánh bắt ở vùng biển này để hợp thức hóa cho sự xâm chiếm trái phép đó. Khi tàu cá Việt Nam đánh bắt ở khu vực này thì Trung Quốc sẽ cho tàu cản trở, tấn công và lu loa lên rằng tàu cá Việt Nam vi phạm.
Thứ tư, thông qua việc triển khai các giàn khoan trên Biển Đông, Trung Quốc nhiều khả năng có ý định dùng giàn khoan dầu để từng bước giành quyền kiểm soát khu vực ngoài khơi, bước đầu là tạo một vùng kiểm soát không rõ ràng về pháp lý và chính trị rồi sau đó là chiếm lợi thế về vị trí địa lý trong khu vực.
Thứ năm, triển khai gian khoan ra Biển Đông là bước đi “chiến lược” của Trung Quốc tăng cường các hoạt động khiêu khích, quấy rối dựa trên các chiêu bài núp bóng dân sự; Gây ảnh hưởng trên dư luận quốc tế, ngăn cản các nước lân cận theo đuổi các hành động trái với lợi ích của Trung Quốc; Lợi dụng luật pháp quốc tế và Trung Quốc nhằm khẳng định quyền lợi của nước này đồng thời phủ nhận hay thay đổi các điều khoản không có lợi trong tranh chấp ở Biển Đông.
Phản ứng của Việt Nam
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nhiều lần đưa ra các tuyên bố phản đối CNOOC mời thầu khai thác dầu khí ở Biển Đông. Theo đó, phía Việt Nam khẳng định khu vực mà CNOOC thông báo mở thầu quốc tế nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa của Việt Nam theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982. Đây hoàn toàn không phải là khu vực có tranh chấp. Việc phía Trung Quốc ngang nhiên mời thầu quốc tế tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam là hành động phi pháp và không có giá trị, xâm phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích quốc gia chính đáng của Việt Nam, vi phạm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 mà chính Trung Quốc là quốc gia thành viên, làm phức tạp tình hình và gây căng thẳng ở Biển Đông. Việt Nam cực lực phản đối và yêu cầu phía Trung Quốc hủy bỏ ngay việc mời thầu sai trái trên, không có hành động làm phức tạp tình hình ở Biển Đông và mở rộng tranh chấp, nghiêm túc tuân thủ Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc, tôn trọng luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 và tinh thần Tuyên bố về Ứng xử của Các bên ở Biển Đông (DOC).
Hội dầu khí Việt Nam ra tuyên bố cho biết Thông báo mời thầu của CNOOC đó là việc làm sai trái, không có giá trị, trái với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 và không phù hợp với thông lệ dầu khí quốc tế; Hành động này đã vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích quốc gia của Việt Nam, làm phức tạp thêm tình hình và gây căng thẳng ở Biển Đông. Hội Dầu khí Việt Nam cực lực phản đối và yêu cầu Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc huỷ bỏ ngay hoạt động mời thầu sai trái nói trên, nghiêm túc tuân thủ Thoả thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc, tôn trọng luật pháp quốc tế, nhất là công ước Liên hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Hội Dầu khí Việt Nam đề nghị các công ty dầu khí quốc tế không tham gia dự thầu mà Tổng công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc mời thầu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Hội Dầu khí Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác truyền thống giữa nhân dân và những người làm dầu khí hai nước Việt Nam – Trung Quốc trên cơ sở tôn trọng độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia, tôn trọng luật pháp quốc tế, góp phần giữ gìn hòa bình và an ninh trong khu vực. Hội Dầu khí Việt Nam hoan nghênh Tổng công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc và các công ty dầu khí khác của Trung Quốc cũng như các công ty dầu khí quốc tế khác tham gia hợp tác trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam trên cơ sở tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam, phù hợp với luật pháp Việt Nam, luật pháp quốc tế, nhất là công ước Liên hợp Quốc về Luật Biển năm 1982. Về phần mình, Hội Dầu khí Việt Nam sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng của Việt Nam ủng hộ và bảo đảm để các hoạt động hợp tác này được triển khai thuận lợi.
Hội Luật gia Việt Nam cũng ra tuyên bố phản đối hành động của CNOOC; khẳng định Hội Luật gia Việt Nam hoàn toàn ủng hộ tuyên bố của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 26/6/2012; đồng thời cực lực phản đối và yêu cầu phía Trung Quốc hủy bỏ ngay việc mời thầu sai trái nói trên, không có hành động làm phức tạp tình hình ở Biển Đông và mở rộng tranh chấp. Việc làm của CNOOC đã vi phạm nghiêm trọng Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (tại các Điều 58, Điều 76, Điều 77…) mà chính Trung Quốc là quốc gia thành viên, đồng thời vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Hành động này cũng đã đi ngược lại Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) giữa Trung Quốc và các quốc gia thành viên ASEAN ký năm 2002, cũng như Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam-Trung Quốc ký tháng 10/2011. Hội Luật gia Việt Nam yêu cầu phía Trung Quốc tuân thủ nghiêm túc Công ước Luật biển năm 1982 cũng như luật pháp quốc tế liên quan; thực hiện nghiêm chỉnh các cam kết được nêu trong Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông; hủy bỏ ngay công bố mời thầu sai trái nói trên. Hội Luật gia Việt Nam kêu gọi giới luật gia các nước trên thế giới có tiếng nói bảo vệ công lý, bảo vệ Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 và đề nghị các công ty dầu khí quốc tế tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam, không tham gia dự thầu 09 lô dầu khí mà CNOOC công bố mời thầu trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam.
Cản chiến hạm Mỹ ở Biển Đông nhưng tránh
được xung đột, Trung Quốc dùng vũ khí gì?
Vũ khí xung điện từ (EMP) có thể sẽ được quân đội Trung Quốc triển khai để cản đường các chiến hạm Mỹ ở Biển Đông, đồng thời tránh được nguy cơ bùng nổ xung đột quân sự giữa hai nước.
Theo Sputnik, chia sẻ trên Twitter hôm 16/3, Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ cho hay, các chiến hạm thuộc nhóm tác chiến tàu sân bay USS Theodore Roosevelt và tàu đổ bộ mang chiến đấu cơ USS America (LHA-6) đã cùng di chuyển trên Biển Đông vào ngày 15/3 trong khuôn khổ tập trận.
Đây là lần thứ ba chỉ trong vòng một tuần các tàu chiến Mỹ đi qua Biển Đông . Trước đó, vào ngày 10/3, Trung Quốc đã lớn tiếng chỉ trích tàu khu trục tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke USS McCampbell (DDG 85) của hải quân Mỹ di chuyển gần quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam) trên Biển Đông khi xem đây là hành động khiêu khích. Hôm 13/3, tàu tác chiến ven bờ Gabrielle Giffords của hải quân Mỹ cũng đã có mặt trên Biển Đông.
Chia sẻ với tờ Thời báo Hoàn Cầu, chuyên gia quân sự Trung Quốc Song Zhongping cho biết, để ngăn chặn hoạt động của dàn chiến hạm Mỹ ở Biển Đông, quân đội Trung Quốc đã tính tới nhiều phương án trong đó bao gồm sử dụng vũ khí xung điện từ (EMP).
Theo ông Song, việc nổ súng nhắm bắn các chiến hạm của Mỹ không phải là lựa chọn hay trừ khi Mỹ nổ súng khơi mào. Tuy nhiên, màn đáp trả này sẽ có thể dẫn tới một cuộc xung đột quân sự giữa Mỹ – Trung.
Cũng theo ông Song, đâm húc các chiến hạm Mỹ, Trung Quốc cũng không phải là đối thủ. Đây là bài học kinh nghiệm mà Trung Quốc rút ra được từ vụ va chạm trên Biển Đen giữa chiến hạm Mỹ và Liên Xô cũ hồi năm 1988.
Trong khi đó, việc sử dụng vũ khí EMP bao gồm các thiết bị laser năng lượng thấp có thể khả thi khi làm gián đoạn tạm thời hệ thống kiểm soát và vũ khí trang bị trên tàu chiến Mỹ. Phương pháp này cũng sẽ không làm bùng nổ một cuộc xung đột quân sự trực tiếp giữa Mỹ – Trung, đồng thời giúp Trung Quốc có thể gửi đi thông điệp cảnh cáo mạnh mẽ tới quân đội Mỹ.
Giới quan sát quân sự nhận định, EMP có thể phóng ra sóng điện từ gây nhiễu các thiết bị điện tử dùng để nhắm mục tiêu trên tàu chiến, nhưng lại không gây ra thương vong cho con người.
Trong quá khứ, Mỹ từng vài lần lên tiếng chỉ trích việc quân đội Trung Quốc chiếu laser vào máy bay quân sự và chiến hạm.
Cụ thể, hồi cuối tháng Hai, trong một tuyên bố, Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ cho biết, máy bay tuần tra hàng hải P-8A Poseidon của hải quân Mỹ đã bị tàu khu trục Type 052D mang số hiệu 161 của hải quân Trung Quốc chiếu “laser cấp độ quân sự” khi hoạt động cách phía tây đảo Guam khoảng 380 dặm vào ngày 17/2.
Bằng “mắt thường” không thể phát hiện laser chiếu vào P-8A Poseidon mà “bộ cảm biến” trên máy bay đã phát hiện được vụ việc.
Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ nhấn mạnh, hành động của tàu khu trục Type 052D đã vi phạm Bộ Quy tắc về các vụ chạm trán không mong muốn trên biển (CUES) và Biên bản ghi nhớ giữa Bộ Quốc phòng Mỹ và Bộ Quốc phòng Trung Quốc.
Theo ông Song, đây là ví dụ điển hình về việc Trung Quốc dùng EMP để ngăn chiến hạm cũng như máy bay Mỹ hoạt động trên Biển Đông . Và trong tương lai, quân đội Trung Quốc hoàn toàn có thể tái áp dụng phương pháp này.
Liên quan tới hoạt động di chuyển gần quần đảo Hoàng Sa hôm 10/3 của tàu khu trục USS McCampbell, phát ngôn viên Bộ Tư lệnh Chiến khu Nam Bộ thuộc quân đội Trung Quốc, Đại tá Li Huamin tuyên bố “quân đội Trung Quốc đã giám sát một tàu chiến Mỹ, Quân đội Trung Quốc đã theo dõi, xác định và phát đi cảnh báo yêu cầu tàu chiến Mỹ rời khỏi khu vực”.
“Bộ Tư lệnh Chiến khu Nam Bộ sẽ tiếp tục theo dõi sát sao để ngăn chặn mọi vụ việc có thể gây ảnh hưởng tới an ninh quốc gia Trung Quốc”, Philstar dẫn lời ông Li. Bắc Kinh còn vô lý cáo buộc Washington vi phạm luật pháp quốc tế, đe dọa hòa bình và ổn định ở Biển Đông.
Vũ khí xung điện từ (EMP) có thể sẽ được quân đội Trung Quốc triển khai để cản đường các chiến hạm Mỹ ở Biển Đông, đồng thời tránh được nguy cơ bùng nổ xung đột quân sự giữa hai nước.
TQ lại lôi bản đồ “đường 9 đoạn” ra tuyên truyền:
Hành động ngu xuẩn cần lên án
Trong bối cảnh cộng đồng quốc tế chia sẻ, giúp đỡ Trung Quốc chống chọi lại dịch bệnh nCoV – bệnh dịch xuất hiện lần đầu tại Vũ Hán, nước này lại lôi bản đồ có “đường lưỡi bò” để cố tình tuyên truyền về cái gọi là “chủ quyền” ở Biển Đông. Đây được coi là hành động ngớ ngẩn và có phần ngu xuẩn của giới chức Bắc Kinh đang bị cộng đồng lên án mạnh mẽ.
Chiêu trò thâm hiểm của Trung Quốc
Trong thông điệp “tri ân” Italy đã hỗ trợ, giúp đỡ Trung Quốc trong việc khắc phục hậu quả trận động đất năm 2008 ở Mân Xuyên, tỉnh Tứ Xuyên, Đại sứ quán Trung Quốc tại Italy (16/3) đã đăng tải bức vẽ chứa “đường lưỡi bò” nhằm lồng ghép tuyên truyền về cái gọi là “chủ quyền lịch sử” ở Biển Đông. Đường lưỡi bò này đã bị Tòa trọng tài được thành lập theo phụ lục VII của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS) bác bỏ trong phán quyết năm 2016.
Cụ thể trên Facebook, tài khoản chính thức của Đại sứ quán Trung Quốc tại Italy đăng thông điệp như sau: “Các bạn có lẽ quên, nhưng chúng tôi vẫn nhớ mãi. Giờ là lúc chúng tôi giúp đỡ các bạn. Xin cảm ơn hai nghệ sĩ tuyệt vời Aurora Cantone và Quân Chính Bình. Cố lên Italy”.
Qua tìm hiểu, hai ngày nay mạng xã hội Trung Quốc chia sẻ rộng rãi một bức ảnh vẽ bản đồ nước Italy màu đỏ, với y tá người Italy đang dùng lưng gánh nước Ý, phía dưới là y tá người Trung Quốc chống đỡ nước Italy. Tác giả bức ảnh này được cho là một cô gái người Italy tên Aurora Cantone. Tấm ảnh này vẽ nước Italy, không có “đường lưỡi bò”. Sau đó, Trung Quốc đã “mượn” bức vẽ nước Italy của Aurora Cantone để chế ra bức vẽ đáp lễ thứ hai, vẽ bản đồ Trung Quốc, tức bức vẽ có hình “đường lưỡi bò”.
Ngay sau hành động trên của giới chức Trung Quốc, cộng đồng mạng đã đưa ra nhiều phản đối, họ kêu gọi Trung Quốc hãy “ngưng nói dối về Biển Đông”, và khẳng định “(quần đảo) Trường Sa, (quần đảo) Hoàng Sa là của Việt Nam”.
Hành động không mới
Trước vụ việc trên, Trung Quốc đã từng nhiều lần bị cộng đồng quốc tế bóc mẽ, phản đối vì cố tình lồng ghép bản đồ “đường lưỡi bò” vào các ấn phản văn hóa. Điển hình trong đó là một số vụ việc như: Năm 2012, Trung Quốc phát hành hộ chiếu điện tử mới với hình ảnh “đường 9 đoạn” mập mờ và không có cơ sở pháp lý nhằm tìm cách tuyên truyền và củng cố yêu sách “chủ quyền” ở Biển Đông. Theo đó, hộ chiếu điện tử mới của Trung Quốc, trong đó có in chìm tấm bản đồ mà Trung Quốc cho là lãnh thổ của mình, đã bắt đầu được cấp phát hồi trung tuần tháng 5/2012. Trong bản đồ này, ngoài “đường lưỡi bò” (đường đứt khúc chín đoạn nêu lên yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với hầu như toàn bộ khu vực Biển Đông), còn có đảo Đài Loan và hai khu vực ở Ấn Độ đang do New Dehli kiểm soát mà Trung Quốc cho là lãnh thổ của mình.
Một nhóm du khách Trung Quốc (13/5/2018) khi đến Việt Nam mặc áo in bản đồ “đường lưỡi bò”. Trước vụ việc trên, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Việt Nam Mai Tiến Dũng cho rằng đây là “những biểu hiện lợi dụng thông qua khách du lịch để tuyên truyền, quảng bá có ý đồ, có tổ chức, có sự chuẩn bị chứ không phải vô tình”. Tờ New Delhi Times (22/05/2018) cũng đã có bài viết về vụ du khách Trung Quốc mặc áo thun in hình lưỡi bò, nhắc lại rằng ít nhất đây là vụ thứ tư liên quan đến các du khách Trung Quốc trong vòng hai năm trở lại đây.
Mới đây nhất, thông tin về việc bộ phim “Everest: Người tuyết bé nhỏ” (tên tiếng Anh là Abominable) do DreamWorks Animation Studio (Mỹ) và Pearl Studio (Trung Quốc) đồng sản xuất có tới 2 đoạn và 4 cảnh phim xuất hiện hình ảnh “đường 9 đoạn” phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông khiến cộng đồng quốc tế phản ứng gay gắt. Đáng chú ý, Pearl Studio thuộc sở hữu của China Media Capital, một tập đoàn lớn của Trung Quốc được thành lập với mục tiêu gây dựng “đế chế truyền thông toàn cầu” để “quảng bá những giá trị Trung Quốc ra khắp thế giới”. China Media Capital từng nhận được khoản đầu
tư lên tới 1,5 tỷ USD từ các tập đoàn lớn của Trung Quốc như Alibaba và Tecent để hiện thực hóa mục tiêu này. Hiện bộ phim trên đã bị cấm chiếu ở Việt Nam
Ngoài ra, Trung Quốc còn tích cực lợi dụng các ấn phẩm quảng cáo du lịch, sách giáo khoa, sách tham khảo, trò chơi trực tuyến, ứng dụng bản đồ, ứng dụng thời tiết… để lồng ghép bản đồ “đường 9 đoạn”. Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh mới đây phát hiện một số ấn phẩm quảng cáo du lịch có in “đường 9 đoạn” tại Hội chợ Du lịch quốc tế. Chưa hết, những người dùng iPhone, iPad bằng tiếng Việt hoặc tiếng Trung, khi tra bản đồ thời tiết Weather.com được cài đặt sẵn trên thiết bị, sẽ nhìn thấy “đường lưỡi bò” 9 đoạn bao trùm toàn bộ Biển Đông. Không những vậy, bản đồ thời tiết của kênh The Weather Channel (TWC) của Mỹ cũng bị cài cắm “đường 9 đoạn”. Điều đáng chú ý là “đường 9 đoạn” này chỉ hiển thị trên phiên bản tiếng Việt, tiếng Indonesia, tiếng Nhật, tiếng Trung của bản đồ thời tiết, không hiển thị trên bản đồ tiếng Anh, Pháp hay tiếng Hindi. Cá biệt, nếu ta chọn phiên bản tiếng Trung từ vùng lãnh thổ Đài Loan, bản đồ TWC cũng không hiển thị “đường 9 đoạn” bao phủ Biển Đông. Bằng việc cắm “đường 9 đoạn” vào đây và chỉ thể hiện trên phiên bản của một số ngôn ngữ, rõ ràng Trung Quốc đã chọn lựa đối tượng tuyên truyền của mình – những quốc gia đang có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc hoặc những quốc gia đã bác bỏ yêu sách chủ quyền vô lý, phi pháp của nước này.
Trung Quốc không có “chủ quyền” ở Biển Đông
Bất kể Trung Quốc tìm mọi cách tuyên truyền, lồng ghép “đường 9 đoạn” cũng không thể giúp nước này chứng minh “chủ quyền” trên Biển Đông, vì:
Thứ nhất, không thể coi “đường lưỡi bò” là đường biên giới trên biển của Trung Quốc; bởi vì, theo nhiều án lệ quốc tế thì đặc tính quan trọng nhất của một đường biên giới quốc tế là sự ổn định và dứt khoát; trong khi đó, “đường lưỡi bò” lại không có tính ổn định và xác định… Đến nay, “đường lưỡi bò” vẫn chưa có tọa độ chính xác để có thể xác định một cách rõ ràng trên thực tế. Mặt khác, Trung Quốc đã phải tự bỏ đi 2 đoạn (từ 11 đoạn vào năm 1948, xuống còn 9 đoạn vào năm 1953), vì bản chất vô lý của nó. Một đường không có điểm cơ sở, không xác định cụ thể kinh độ, vĩ độ theo luật pháp quốc tế thì không thể gọi là đường biên giới quốc gia.
Thứ hai, càng không thể coi Biển Đông là “vịnh lịch sử của Trung Quốc”; bởi vì, theo Ủy ban Pháp luật quốc tế, một vịnh hay một vùng nước được coi là lịch sử phải thỏa mãn tối thiểu 3 điều kiện: (1) Quốc gia ven biển thực thi chủ quyền của mình đối với vùng nước được yêu sách. Trên thực tế, các văn kiện chính thức của nhà nước phong kiến Trung Quốc, như Đại Nguyên nhất thống chí (1294), Đại Minh nhất thống chí (1461), Đại Thanh nhất thống chí (1842) trước năm 1909 đều khẳng định “cực Nam của lãnh thổ Trung Quốc là Nhai huyện, đảo Hải Nam”. Các bản đồ lãnh thổ Trung Quốc của người Trung Quốc. Bản đồ lãnh thổ Trung Quốc của người nước ngoài cùng thời cũng vẽ và giải thích phù hợp với cách hiểu này của người Trung Quốc. Bản đồ Trung Quốc thế kỷ XVII của Peter de Goyer và Jacob de Keyzer thuộc Công ty Đông Ấn, Hà Lan cũng có lời giải thích rất rõ: “Nơi xa nhất của Trung Quốc bắt đầu từ phía Nam đảo Hải Nam ở 18 độ vĩ Bắc, rồi từ đó ngược lên phía bắc đến vĩ độ 42 độ”. Trung Quốc chỉ thực sự bước chân lên quần đảo Hoàng Sa năm 1909 khi quần đảo này đã thuộc Việt Nam, không còn là đất vô chủ. Về Trường Sa, cho tới tận năm 1932, Công hàm ngày 29 tháng 9 năm 1932 của Phái đoàn Ngoại giao Trung Hoa dân quốc tại Paris vẫn còn khẳng định các nhóm đảo “Amphitrite” (Lưỡi Liềm) và “Croissant” (An Vĩnh) của quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa) “tạo thành phần lãnh thổ Trung Quốc nằm tận cùng ở phía Nam”. Trung Quốc đã không đưa ra được bằng chứng nào có sức thuyết phục về việc họ đã thực thi chủ quyền trên toàn bộ vùng biển rộng lớn này một cách liên tục, hòa bình từ thời xa xưa. Các sách Hán văn cổ đều ghi nhận các hoạt động của dân đánh cá và dân buôn Ả Rập, Ấn Độ, Ma-lay, Việt, và vùng Vịnh trong vùng biển này, không có một bằng chứng nào cho thấy Biển Đông hoàn toàn là “ao hồ Trung Quốc”. Các chính quyền phong kiến Trung Quốc cũng không thiết lập hoặc duy trì có lợi cho họ một sự độc tôn nào trong vùng biển này, khả dĩ có thể loại bỏ hoạt động khai thác của các Đội Hoàng Sa và Bắc Hải của triều Nguyễn. Ngược lại còn có những hành động thừa nhận tính hợp pháp của các hoạt động đó như trường hợp năm 1774: quan huyện Văn Xương giúp đội viên Đội Hoàng Sa khi đi làm nhiệm vụ bị bão dạt vào đất Trung Quốc. “Đường đứt khúc 9 đoạn” của Trung Quốc không phải là một con đường có tính ổn định và xác định. Từ 11 đoạn, nó đã phải bỏ đi hai đoạn trong Vịnh Bắc Bộ vì quá vô lý. Tính chất không liên tục của đường này được các tác giả Trung Quốc giải thích để cho “những điều chỉnh cần thiết trong tương lai”. Một con đường như vậy rõ ràng không thể nào lại được coi là “biên giới quốc gia” theo luật pháp quốc tế. Đặc tính quan trọng nhất của một đường biên giới quốc tế là tính ổn định và dứt khoát. Trong một xã hội có trật tự riêng, các đường biên giới là một trong số các thể chế ổn định nhất từ tất cả các thể chế. Vậy mà ở đây đến cả người Trung Quốc, tác giả của đường này, còn chưa biết nó đi thế nào, thì sao có thể gọi đó là biên giới quốc gia
được? (2) Sự liên tục của việc thực thi quyền lực đó theo thời gian; (3) Quan điểm của các quốc gia khác đối với yêu sách đó. Ngoài ra, một quốc gia yêu sách danh nghĩa lịch sử phải có trách nhiệm đưa ra bằng chứng đối với các vùng nước có vấn đề đang tranh cãi này. Cả trên phương diện pháp lý, lịch sử và thực tiễn, Trung Quốc đã không đưa ra được bằng chứng nào có sức thuyết phục về việc họ đã thực thi chủ quyền trên toàn bộ vùng biển rộng lớn này một cách thực sự, liên tục, hòa bình… Các chính quyền Trung Quốc cũng không thiết lập hoặc duy trì sự quản lý độc tôn nào trong vùng biển này. Mặc dù trước đó, đường yêu sách này đã được thể hiện nhiều lần trên bản đồ Trung Quốc, nhưng Cộng hòa nhân dân Trung Hoa chưa bao giờ có một tuyên bố chính thức nào về “đường lưỡi bò” của mình; thậm chí, trong những văn bản pháp lý quan trọng của Trung Quốc về các vùng biển (Tuyên bố về Lãnh hải 1958, Luật về Lãnh hải và vùng tiếp giáp 1992, Tuyên bố về đường cơ sở 1996; về vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa 1998) đều không hề nhắc đến đường yêu sách này. Có thể khẳng định, từ khi xuất bản bản đồ thể hiện “đường lưỡi bò” trên Biển Đông cho đến trước ngày 7/5/2009 thì cả chính quyền Trung Hoa dân quốc cũng như Cộng hòa nhân dân Trung Hoa đều chưa bao giờ chính thức yêu sách hay có lời giải thích gì về “đường lưỡi bò”. Vì vậy, các quốc gia khác đã không lên tiếng phản đối vấn đề này là lẽ đương nhiên. Sự im lặng này không được coi là “mặc nhiên thừa nhận”. Mặt khác, năm 1951, tại Hội nghị San Francisco, các nước tham dự đã bác đề nghị của Liên Xô (cũ) về việc trao trả cho Trung Quốc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa… Thực tế, tranh chấp về chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và đòi hỏi của các nước khác trong vùng đối với một bộ phận của quần đảo Trường Sa đã chứng minh đường yêu sách của Trung Quốc chưa bao giờ có được sự thừa nhận của cộng đồng quốc tế. Vì vậy, về mặt lịch sử, Trung Quốc không thể khẳng định yêu sách “đường lưỡi bò” do chính họ tự vẽ ra từ năm 1947, với lý do không có ai phản đối.
Thứ ba, Trung Quốc chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa năm 1974. Từ lâu, quần đảo này đã thuộc chủ quyền của Việt Nam, không phải là lãnh thổ vô chủ. Hơn nữa, trong Công hàm ngày 29/9/1932 của phái đoàn ngoại giao Trung Hoa dân quốc tại Pa-ri khẳng định các nhóm đảo Lưỡi Liềm, An Vĩnh của quần đảo Tây Sa (tức Hoàng Sa) “tạo thành lãnh thổ Trung Quốc nằm tận cùng ở phía Nam”. Như vậy, quần đảo Trường Sa chưa hề xuất hiện trên bản đồ chủ quyền của Trung Quốc. Lịch sử đã ghi nhận, các quốc gia trong khu vực vẫn tiến hành mọi hoạt động trên Biển Đông, như: Hàng hải, dầu khí, nghề cá… một cách bình thường mà không hề gặp phải sự ngăn cản nào của Trung Quốc. Vì vậy, Trung Quốc không thể nói mình đã thực hiện chủ quyền thực sự một cách liên tục và hoà bình đối với Biển Đông từ năm 1947. “Đường lưỡi bò” được Trung Quốc thể hiện trên sơ đồ đính kèm Công hàm ngày 7/5/2009 cũng không thể mang lại cho Trung Quốc quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển nằm phía trong đường này theo quy chế vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa theo Công ước Luật Biển 1982; bởi vì, bản chất tiến bộ của Công ước Luật Biển 1982 đã công nhận và mở rộng quyền chủ quyền của các quốc gia ven biển trong việc bảo vệ tài nguyên thiên nhiên gắn với lãnh thổ của mình; trong khi đó, “đường lưỡi bò” cách xa lục địa Trung Quốc hàng ngàn km… Rõ ràng, yêu sách của Trung Quốc không phù hợp các quy định của Công ước Luật Biển 1982. Theo luật pháp quốc tế, “đường yêu sách do Trung Quốc tự vẽ dựa theo bản đồ của một cá nhân là hoàn toàn không có cơ sở khoa học, không có giá trị pháp lý quốc tế và không ai có thể chấp nhận được và nội dung công hàm của phía Trung Quốc và bản đồ kèm theo công hàm đó đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán hợp pháp của Việt Nam ở Biển Đông”.
Thứ tư, trong phán quyết của Toà Trọng tài thành lập theo Phụ lục VII, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển trong vụ kiện giữa Cộng hoà Philippines và Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa, Tòa đã tuyên bố Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để đòi quyền lịch sử với các nguồn tài nguyên bên trong “đường lưỡi bò”. Tòa Trọng tài cho rằng trong phạm vi quyền lịch sử của Trung Quốc đối với các nguồn tài nguyên trong các vùng biển ở Biển Đông, quyền này bị xóa bỏ do chúng không phù hợp với chế định vùng đặc quyền kinh tế trong UNCLOS. Toà cũng nhận thấy dù trong lịch sử, những người đi biển cũng như ngư dân từ Trung Quốc cũng như từ các nước khác đã sử dụng các đảo tại Biển Đông nhưng không có bất kỳ bằng chứng nào cho thấy về mặt lịch sử Trung Quốc đã chỉ một mình thực hiện việc kiểm soát vùng nước này cũng như tài nguyên tại đây. Vì vậy, Toà kết luận không có cơ sở pháp lý để Trung Quốc yêu sách quyền lịch sử đối với tài nguyên tại các vùng biển phía bên trong “đường 9 đoạn”. Theo Tòa Trọng tài, Trung Quốc đã gây ra những thiệt hại không thể khắc phục đối với hệ san hô ở quần đảo Trường Sa. Tòa khẳng định các tàu hành pháp Trung Quốc tạo ra nguy cơ xảy ra va chạm cao khi tiếp cận tàu Philippines. Phán quyết còn cho rằng Trung Quốc đã cản trở các quyền của ngư dân Philippines tại bãi cạn Scarborough bằng cách ngăn họ tiếp cận khu vực này. Ngoài ra, việc Trung Quốc cải tạo đất,
xây dựng các đảo nhân tạo là không phù hợp với nghĩa vụ của một quốc gia trong quá trình giải quyết tranh chấp.
Từ góc độ luật pháp quốc tế cũng như tình hình thực tế các hoạt động thực thi chủ quyền của các nước trên khu vực Biển Đông từ trước đến nay cho thấy, yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc là một yêu sách không có giá trị pháp lý quốc tế, không được các nước, và các học giả trên thế giới công nhận. Thậm chí yêu sách này còn bị chỉ trích mạnh mẽ vì tính phi lý và hão huyền của nó. Vì vậy, Trung Quốc cần nhìn nhận vào sự thật lịch sử, tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán hợp pháp của Việt Nam ở Biển Đông; chấm dứt ngay những hành động lồng ghép, xuyên tạc về “đường lưỡi bò”, tránh để những vấn đề này ảnh hưởng quan hệ song phương và bị cộng đồng quốc tế lên án, chỉ trích.